Monday, March 28, 2022

Chiều Giếng Mạch Theo Em - Thuyên Huy

 Chiều Giếng Mạch Theo Em

 

Nhớ người trong cuộc tình chưa có tên ở quê xưa




 
















Tan trường em về chiều Giếng Mạch

Theo sau tôi ngượng ngập câu chào

Thư tình đầu nằm trong trang sách

Nhưng còn ngại ngùng chưa dám trao

 

Nắng chênh chếch ngã ba Mít Một

Nhà em về tận cửa số Hai

Nhìn theo lòng hẹn mai hẹn mốt

Thương lâu rồi nào em có hay

 

Rồi không còn theo sau em nữa

Bên nhau mình xe đạp song đôi

Đêm gác trọ chong đèn ngồi nhớ

Mơ mộng đời trong giấc ngủ vui

 

Cuối hè em không về trường cũ

Giếng Mạch từ đó thiếu bóng người

Đường xưa buồn hiu cây cỏ rũ

Thu hững hờ vàng trải lá rơi

 

Từ đó tôi không ngang Giếng Mạch

Ngã ba Mít Một cố mà quên

Đốt tờ thư cuối còn trong sách

Vĩnh biệt cuộc tình chưa có tên

 

Thuyên Huy

 Ở nơi không có chiều Giếng Mạch

Cá Đục Và Con Sông Quê Ngoại Trong Xanh - Ngữ Yên

 

CÁ ĐỤC VÀ CON SÔNG QUÊ NGOẠI XANH TRONG

 

Tôi vỡ lòng con cá đục vào thời gian ở trọ nhà cậu mười để đi học đại học Duyên Hải gần đèo rù rì cho gần. Lúc đó chỉ mới biết con cá đục sống trong dòng sông quê ngoại xanh trong.

 

Ngữ Yên

 


(Nói đi học giống như khoe mình có chữ, chớ chuyện học của tôi suốt đời không tới đâu. Học lớp 9 gần hết niên khóa bị đuổi học, may mà đã kịp đăng ký thi BEPC và vượt qua được ‘cửa mưa’ ấy. Phải tốn của gia đình năm chỉ mua cái học bạ lớp 11 để kịp học lớp 12 nếu không muốn vào trường Hạ sĩ quan đồng đế. Thi tú tài xém rớt, chỉ kịp có tên trong danh sách bổ sung. Về làng, người ta cười thằng đậu vớt, mặc dầu xém đậu ưu. Danh sách bổ sung là những thí sinh bị chấm lại do máy IBM lỗi. Học Duyên Hải mới xong năm nhứt, tên bị gạch sổ vì tội con sĩ quan VNCH. Học báo chí bị cấm thi. Cuối cùng sống bằng nghề bán chữ.)

Phần đông ai cũng có một dòng sông để thương nhớ. Ngay cả dân Sài Gòn cũng có những con kinh, dòng sông để sống với. Dòng sông quê ngoại tôi là con sông Cái Nha Trang, chảy qua hai cái cầu đầy nhịp – cầu Xóm Bóng và cầu Hà Ra, cây cầu nổi tiếng với những quán bán món gỏi cá mai.

Sông Cái là con sông hung dữ như nhiều con sông khác ở miền Trung, vì gần núi. Con sông mỗi cuối năm đều gây ngập lụt cho quê ngoại ở gần cầu sắt xe lửa. Cậu mười tôi trở thành phu chữ vì phải bơi ghe đưa tôi tới bờ đê đường sắt để từ đó tôi vác xe đạp lên đi học ở gần đèo Rù Rì. Khu campus ấy là hưởng xái từ những trại lính của sư đoàn công binh Cây Dừa xứ Đại Hàn.

Cậu mười cũng là người vỡ lòng cho tôi nhiều thứ cá sông như cá đục, cá dìa, cá dò, cá lá, v.v. Cá đục chỉ có mỗi món hồi đó tôi mê nhứt là mợ mười nấu canh lá me non. Sau đó cá gắp ra dầm nước mắm. Nước mắm Nha Trang thuở ấy phần đông nhà làm, ăn thịt con cá đục giầm nước mắm ngon kể gì. Ngày xưa, nước mắm là nước mắm. Người ta không phải bửa đầu ra để biết thứ nào là nước mắm truyền thống, thứ nào là nước mắm công nghiệp. Ngày xưa nước mắm ủ chượp từ cá và muối có cả một ngành kỹ nghệ. Bây giờ từ ‘kỹ nghệ’ biến thành ‘công nghiệp’ (industry), nhưng lúc ấy không ai gọi nước mắm kỹ nghệ cả.

Con cá đục giầm nước mắm ngon nhứt. Thịt con cá ngọt hổng hiểu sao được nước mắm làm tăng thêm độ ngọt một tầng. Đến độ nhiều anh chàng tán gái phải mượn đến món ấy. Nước mắm ngon giầm con cá liệc/ em có chồng nói thiệt anh nghe. Cá liệc giầm nước mắm ngon thiệt, nhưng kết cấu thịt cá liệc chỉ đáng xách dép cho cá đục.

Ngày đó, nhà cậu mười nghèo rớt mùng tơi. Cậu là con út, ham chơi, học hành chẳng đến đâu. Nhà có con gà nào thịt được là rủ bạn bè đến ăn nhậu. Đến tuổi lính, cậu vào học quân trường Quang Trung, thi rớt, nên không có cửa vào quân trường Đồng Đế để ba tôi chiếu cố. Sau nhiều năm xa nhà, cậu được thuyên chuyển về Nha Trang với chức hạ sĩ, làm cai ngục cho quân trấn.

Nhà nghèo lại đẻ con năm một, quanh năm ăn cơm độn bắp, có khi chỉ bắp ròng. Hồi đó, Nha Trang, chưa ai có được cái sáng kiến ‘thần sầu’ là hạ giá thành gạo bằng cách giành giựt với heo ăn gạo tấm. Gạo tấm miền Trung là gạo tấm thiệt, không phải gạo gãy như ở Sài Gòn. Sạn trong gạo nhiều phải biết, vì hột sạn bằng hột gạo tấm nên lọt sàng, dành cho heo. Muốn ăn gạo tấm phải có nghề vo gạo gạn sạn theo pháp hạt sạn nặng hơn ở lại rá.

Những ngày không trực, câu mười thường vác lưới ra sông bơi ghe đi xuống tuốt dưới cầu Hà Ra đánh cá. Nhưng năm thì mười họa mới xuống được tới nơi, vì bạn bè trên bờ thấy bóng cậu là đã hú nhậu. Một là đám bạn ở Phù Sa bên kia sông, hai là đám bạn ở Gò Dê gần Hà Ra. Cho nên, cậu đi lưới đêm thường mới có cá. Nói cho ngay, cậu mười đánh cá chỉ đáng học trò cậu tám. Dở ẹc! Mà cũng là học trò thiệt. Cậu tám từ nhỏ đến lớn đã quen sông nước, đánh cá cừ nhứt làng. Trong những bữa nhậu bên nhà ngoại, chén thú chén tạc, cậu mười thọ giáo cậu tám. Cũng may sông ngày xưa cá tôm còn nhiều, đánh cá dở như cậu mười mà cũng có cá cho bà ngoại đem ra chợ bán đong gạo.

Về sau, linh đinh Sài Gòn, tôi mới biết con cá đục biển qua một số thực đơn của hàng quán. Sau nhiều lần không tìm được cái ngon của con cá đục nấu chua lá me gắp ra đem giầm nước mắm. Cái chua của me thấm vào, cái ngọt của cá, cái ngọt thơm nồng nàn của nước mắm không bao giờ tái ngộ. Chúng đã ở lại Nha Trang. Cá đục ở Sài Gòn thường là cá từ ‘nhà xác’, không tươi như cá mới đánh lưới từ sông lên. Lá me không có. Canh chua Sài Gòn không giống canh chua miền Trung. Nước mắm không ngon. Cậu mười đã cởi hạc vì gãy xương sống. Thế là chọn lựa cá đục nướng cho có chút hương thơm. Cũng là chấm nước mắm. Ăn tạm. Ngon từ cái ngon của nỗi nhớ là chủ yếu. Ăn cá đục mà nhớ con sông xanh trong.

Ngữ Yên

 304Đen – Llttm - sgtc

Xuân Xưa - Cửu Long Trần Công Bá

 

XUÂN XƯA…




 

 

Những ngày cuối năm khí hậu trở lạnh. Ông Vĩnh hay dậy sớm, pha một ly café ít sữa và châm ấm trà nóng ngồi nhâm nhi chờ sáng. Thỉnh thoảng ông đưa tay lên như cầm điếu thuốc nhưng chợt nhớ ông đã bỏ hút thuốc mấy tháng nay. Tằng hắng từng tràng nhỏ cho thông cổ, ông nhìn ánh trăng hạ tuần tháng 10 vừa ló dạng sau hàng thông trước nhà. 40 năm sống trên đất Mỹ, nhiều hơn những năm ông đã từng sống ở quê nhà Việt Nam. Ông với tay mở cái laptop, rà chuột rồi bấm vào khoảng YouTube, giọng hát Lệ Thu nhè nhẹ vang lên trong máy:

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi

“Chửn quí” đi trình diện đơn vị mới hả? Lên xe tui chở vào bộ tư lịnh sư đoàn cho.

Tiếng người chạy xe ôm tuổi độ 30 trong bộ quân phục đã bạc màu với phù hiệu sư đoàn 5 làm Vĩnh an tâm khi vừa bước xuống xe đò từ Bình Dương đến Bến Cát. Sau ngày ra trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức và được 2 tuần nghỉ phép, Vĩnh từ giả cậu Tư lên đường đi Bến Cát để bắt đầu cuộc đời người lính chiến. Dù quyến luyến, nhưng Vĩnh không muốn trễ phép gây ấn tượng xấu cho mình khi trình diện đơn vị mới. Ngày mãn khóa, lên chọn đơn vị, còn rất nhiều tiểu khu vùng 4 cho Vĩnh, nhưng anh đã chọn sư đoàn 5 làm cho cậu mợ Tư lo sợ khi anh cho hay quyết định của mình. Cha mẹ Vĩnh mất sớm khi anh 5 tuổi, cậu Tư Lưu, em ruột của mẹ Vĩnh theo lời trắn trối đem anh về nuôi. Khi Vĩnh vừa xong trung học thì tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Đức, lấy lý do không muốn làm gánh nặng cho cậu mợ Tư có bầy con 5 đứa. Với đồng lương nhà giáo ở quận biên giới không đủ nuôi sống gia đình, mợ Tư phải mua bán hàng lậu từ biên giới Việt-Miên để có tiền nuôi bầy con 5 đứa và thằng cháu đang tuổi mới lớn.

Chắc “chửn quí” mới tới Lai Khê lần đầu?

Câu hỏi của người lính xe ôm đưa Vĩnh về thực tế.

   − Đúng vậy! đây là lần đầu tôi đến Lai Khê. Sao anh không làm việc mà đi chạy xe ôm?
   − Dạ em vừa xong phiên gác, ra chạy vài cuốc kiếm thêm chút tiền cho vợ con. Em bị thương năm ngoái được đưa về đại đội tổng hành dinh của sư đoàn nên cũng nhàn rỗi một chút.

Vình thở dài nghĩ đến người lính Miền Nam,vì quê hương đang trong thời chiến phải chịu hi sinh tất cả để bảo vệ quê hương. Đang miên mang suy nghĩ thì xe dừng trước khu đất trồng cây cao su xen lẫn những dãy nhà tiền chế sơn trắng. Chỉ dãy nhà thứ nhì người lính nói:

   – Đó là phòng 1, “chửn quí’ vào đó trình diện
   – Bao nhiêu vậy anh?
   – Dạ “chửn quí’ cho em xin 150 đồng.
   – Sao ít vây? Thôi cầm cái nầy đi. Anh tên gì để sau nầy tôi có dịp gặp lại sẽ mời anh ly cà phê?
   – Dạ em tên Dưỡng. Cảm ơn “chửn quí”. Chúc … “Ông Thầy” … may mắn…

 Vĩnh đưa cho Dưỡng 200 đồng rồi rảo bước đến phòng 1 theo lời chỉ dẩn cửa Dưỡng.

Trong bộ quân phục đã hơi ngã màu sau 9 tháng quân trường cộng thêm 3 tháng đi chiến dịch ở tiểu khu Kiên Giang. Trên vai vẫn còn phù hiệu trường Bộ Binh Thủ Đức, bảng tên vẫn còn nền đen chữ đó của tiểu đoàn 1 sinh viên, Vĩnh bước vào văn phòng hỏi:

    – Xin phép cho hỏi đây có phải là phòng 1 sư đoàn?

Người lính mang lon trung sĩ đứng dậy chào tay rồi trả lời:

    – Đúng rồi Chuẩn Úy! Đây là phóng 1 của sư đoàn. Mà ông tới hơi sớm. Tôi nghĩ chắc cũng phải tuần sau mấy ông mới tới trình diện.

    – Tại tôi sợ bị trễ phép rồi bị đì.

    – Từ khi tôi về làm phóng 1 nầy, chỉ có ông là người trình diện đúng ngày. Có nhiều ông trễ cả tháng mà có ai bị phạt gì đâu. Thôi để tôi đưa chuẩn úy đến khu câu lạc bộ sĩ quan cho ông tạm thời nghỉ ở đó. Chắc phải chờ tất cả 5 ông sĩ quan mới ra trường về trình diện đầy đủ thì thiếu tá trưởng phòng mới phân phối đơn vị cho mấy ông.

Trên đường đến câu lạc bộ, Vĩnh tự giới thiệu:

    – Tôi tên Vĩnh, Lâm văn Vĩnh.

    – Tôi tên Tâm, trung sĩ nhất Trần văn Tâm.

    – Anh Tâm ở đây lâu chưa?

    – Tôi phục vụ trong sư đoàn đã 5 năm, về phòng 1 cũng gần 1 năm rồi chuẩn úy! Anh trai tôi hi sinh trận từ thủ An Lộc nên bộ tư lịnh sư đoàn rút tôi về làm việc văn phòng, sợ ba má tôi không có con nối dõi tông đường … hi hi hi…

Nói xong người hạ sĩ quan phòng quân số cười làm quen. Khi Vĩnh nhận phòng tạm trú trong khu câu lạc bộ sĩ quan xong thì trời đã nhá nhem tối. Anh đi bộ đến quán ăn trong câu lạc bộ tìm chút gì dằn bụng sau một ngày đi đường. Vừa bước vào, mọi người ngưng lại nhìn Vĩnh. Chắc họ cũng thừa biết đó là người sĩ quan mới ra trường, gương mặt vẫn còn đầy chất thư sinh. Khi Vĩnh ngồi vào bàn trống trong góc thì cô gái tuổi trạc 19-20 đến hỏi:

    – “Chửn quí” mới “ga chường” hả?

    – Vâng, tôi mới ra trường. Sao cô biết?

    – Nhìn là biết liền, tui chỉ hỏi cho chắc ăn thui. “Chửn quí” ăn gì?

    – Ở đây có món gì vậy cô … à mà cô tên gì?

    – Tui tên Lan. Bửa nay có cơm “xườn” nướng, mì, hủ tiếu.

    – Cô Lan cho tôi dỉa cơm sườn và ly trà đá.

Vĩnh thức giấc nửa đêm trong tiếng nổ vang vội chung quanh. Tiếng kiểng báo động làm anh biết chắc đang bị pháo kích. Vĩnh chạy ra ngoài tìm chổ trú ẩn. Anh thấy lờ mờ trong góc gần quán ăn có giao thông hào nên chạy nhanh đến đó. Vừa nhảy xuống hầm trú ẩn thì Vĩnh nghe tiếng la:

    – Ui da! Sao đạp vào người tui.

    – Xin lỗi, xin lỗi. Vì tối quá nên tôi không thấy ai trong này.

Ánh sáng từ đèn pin làm Vĩnh nhìn thấy người con gái tên Lan anh gặp hồi chiều trong quán ăn. Lan đang ngồi thu mình trong góc hầm với cây đèn pin trên tay.

    – “Chửn quí” xích vô trong một chút, đứng ngoài cửa hầm coi chừng miểng văn “chúng” đó.

    – Cảm ơn cô Lan. Ở đây có bị pháo kích thường lắm không?

    – Mấy tháng sau nầy bị pháo mỗi đêm luôn. Đạn ở đâu mà họ cứ pháo hoài. Có đêm tui ngủ luôn trong hầm nầy.

Tiếng phản pháo từ căn cứ Lai Khê vang vội từng tràng làm Vĩnh bình tỉnh trở lại. Trong bóng đêm, anh nhìn người con gái mới quen với giọng nói người miền Tây. Chiến tranh không chỉ ảnh hương đời trai mà còn đưa đẩy những người con gái như Lan vào hoàn cảnh rời xa quê hương tìm kế sinh nhai trong vùng lửa đạn. Vĩnh hỏi:

    – Chắc cô Lan là người miền Tây sông nước?

    – Tui quê Châu Đốc, cậu hai tui đem lên đây tiếp ổng coi quán.

    – Nghe cô nói là tui cũng đoán cô là người miền Tây rồi nhưng “hỏi cho chắc ăn thui”.

Vĩnh nhái lại câu nói hồi chiều của cô.

    – Dzị “chửn quí” quê đâu?

    – Tôi người Tân Châu. An Giang

    – Ủa vậy tụi mình cùng là dân “bẩy núi” với nhau “hết gòi”.

Người con gái mừng rỡ khi biết người lính mới ra trường cùng quê với mình. Cô bắt đầu kể về cô mà Vĩnh không cần phải hỏi.

    – Ba tui chết vi bị pháo kích vô nhà lồng chợ Châu Đốc, bỏ lại hai má con tui. Cậu hai tui là ông thượng sĩ Quang ở đây, nhờ ổng đi lính lâu năm, bị thương mấy lần nên được về làm việc văn phòng. Ổng mở quán ăn nầy mấy năm nay nên về Châu Đốc “gước” hai má con tui lên đây tiếp ổng coi chừng quán.

    – Vậy nhà cô ở khu nào? Tui học trường Thủ Khoa Nghĩa, ở trọ nhà người cô tui gần chợ Châu Đốc

    – Nhà tui ở khu bến phà Châu Giang, nằm cặp mé sông. “Chửn quí” chắc có tú tài mới được làm sĩ quan?

    – Cô làm ơn bỏ dùm tui tiếng “chuẩn úy” đi được hong?

    – Thì “chửn quí” … ý quên, anh bỏ tiếng “cô Lan” đi thì tui mới đồng ý.

    – Lan thứ mấy trong nhà?

    – Tui là con một nhưng ba hay kêu tui “út” nên có danh là “Út Lan”. Còn anh thứ mấy?

    – Thứ ba, tôi có người chị thứ hai. Út ở đây lâu chưa?

    – Cũng gần năm “gòi” đó anh Ba.

Vĩnh và người con gái mới quen mãi lo nói chuyện mà quên đi đã hết pháo kích từ lâu. Tình đồng hương lại càng làm cho hai người thêm gắn bó tuy mới gặp nhau chưa đầy 24 giờ. Vĩnh đưa tay cho Út Lan nắm để anh kéo cô lên miệng hầm trú ẩn. Út Lan hơi do dự rồi cũng nắm tay Vĩnh, sự va chạm giữa hai người khác phái tuy chỉ nắm tay cũng làm cô xao động trong lòng. Một chút tình cảm nhỏ nhoi đã nhen nhúm từ đêm bị pháo kích. Tình đồng hương đã gắn bó hai người trẻ khác phái vì hoàn cảnh chiến tranh phải lưu lạc đến vùng đất đỏ đồn điền cao su nầy. Suốt hai tuần chờ được phân phối ra đơn vị, Vĩnh được Lan đặc biệt chăm sóc những bửa cơm ngon, những ly trà đá đậm đà. Nhiều đêm bị pháo, hai người lại gặp nhau dưới hầm trú ẩn trong khu câu lạc bộ. Nhiều buổi sáng mưa dầm, Vĩnh ngồi uống ly café phin ít sữa do chính tay Lan pha. Dần dần, từ tình bạn đống hương họ đi đến gần hơn mà không ai hay. Ngày Vĩnh nhận lệnh ra trình diện trung đoàn 9, Lan bật khóc vì biết từ hôm đó sẽ không còn Vĩnh để nàng chăm sóc và cười vui khi Vĩnh kể chuyện tiếu lâm cho nàng nghe.

Từ ngày ba của Lan chết vì bị pháo kích, Lan chỉ có mẹ là người thân nhất trong đời. Lan không có cái may mắn như những đứa trẻ khác trong xóm, được đến trường học. Vì hoàn cảnh nghèo khó, Lan đã phải nghỉ học lúc 10 tuổi để theo mẹ mua bán chung quanh bến phà Châu Giang. Nhiều khi đi ngang qua trường Nữ Tiểu Học, Lan thèm muốn được một lần nữa đến trường với bạn bè. Lan chỉ được học đến lớp nhì, vừa đủ để biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Lan kể cho Vĩnh nghe những thèm muốn tuổi ấu thơ mãi đến bây giờ vẫn chưa được một lần trở lại trường. Lan bây giờ chỉ có một ước mộng duy nhất là có người chồng biết lo lắng cho gia đình và lo con nàng được học thành tài. Hình bóng của Vĩnh đã chiếm ngự trong tim nàng. Nhiều đêm ngồi trốn pháo dưới giao thông hào với Vĩnh, nàng rất mong được e ấp trong vòng tay Vĩnh nhưng nề nếp gia giáo của người con gái miền Tây đã kềm giữ nàng lại. Nàng hi vọng Vĩnh sẽ thấy những bửa cơm, ly trà của nàng dành cho Vĩnh sẽ mang tình cảm giữa hai người đi xa hơn tình bạn đồng hương.

    – Khi nào anh Ba về hậu cứ nhớ ghé thăm em nhe anh Ba!

    – Ừ! Anh sẽ ghé thăm Út mỗi khi về lại Lai Khê. Anh cảm ơn Út đã lo cho anh mấy tuần nay.

    – Ối mấy chuyện nhỏ nhặt đó có gì mà anh ba phải cảm ơn em. Mình là người đồng hương thì phải lo cho nhau mà anh Ba.

    – Út nè, anh coi Út nhe người trong nhà của anh rồi đó, không còn đồng hương nữa đâu.

    – Anh Ba nhớ nhe! Mình là người nhà với nhau hé anh Ba.

Những ngày sắp Tết làm cho Vĩnh bận rộn nhiều hơn. Anh phải chuẩn bị lại hầm hố chung quanh trại. Nỗi lo sợ Tết Mậu Thân luôn lãng vãng trong đầu những người chỉ huy đơn vị.

Đang lay quay chỉnh đốn lại hầm trú ẩn thì người lính truyền tin gọi.

    – Ông thầy, có cô nào muốn gặp ông kìa

    – Mầy coi chừng bọn đặc công đó nhe. Tụi nó hay dùng gái đẹp tới làm quen rồi cho mầy một trái mãng cầu thì hết chuyện đó nhe.

    – Thiệt mà ông thầy. Cổ còn biết ông tên Vĩnh, người Tân Châu nữa đó.

Vĩnh giật mình nghĩ ngay đến Út Lan. Anh chạy nhanh ra trước cổng. Út Lan trong chiếc áo màu hồng, quần lãnh đen của Vĩnh mua tặng mấy tháng trước đang đứng trước cổng, ngoài vòng rào kẽm gai ngoắc tay gọi Vĩnh:

    – Anh Ba. Em Út Lan nè.

    – Út mặc áo hồng nhìn đẹp quá!

    – Thì khúc vãi anh cho đó. Em muốn cho anh thấy món quà anh cho em đó mà.

Đưa Lan vào đồn, Vĩnh mừng rở hỏi

    – Em tới hồi nào? Sao biết chổ anh đóng quân mà tới vậy.

    – Em ghé qua hậu cứ 1/9 hỏi thăm, họ không chịu chỉ. Em phải qua chi khu Phú Giáo hỏi thì may gặp bô chỉ huy tiểu đoàn 1/9 của anh đang ở đó. Họ chỉ em tới cầu Phú Giáo nầy sẽ gặp anh.

    – Út Lan gan quá. Anh dặn để anh về mà em lại dám đi. Đường xá bây giờ bị đắp mô, gài mìn dữ lắm, anh sợ cho Út.

    – Những ngày sắp Tết quán ít người và em nhớ anh quá nên em làm gan đi đại chớ em có biết gì đâu. Em có gói café anh thích, lon sữa đặc và cái phin café cho anh nè. Để em pha cho anh một ly nhe?

Vĩnh đưa Út về về hầm trú ẩn riêng của mình. Anh vội vàng gom mấy bộ đồ trận vất bừa bãy trên cái chỏng cây đóng bằng thùng đạn nằm trong góc hầm. Một cái bàn nhỏ cũng bằng cây thùng đạn nằm giửa căn hầm bề ngang 3 mét, bề dài chừng 4 mét. Nóc hầm được kết nối bằng những khúc cây nằm xếp kế bên nhau, phía trên là hai lớp bao cát nên thấp lè tè, phải khom lưng chứ không sẽ đụng đầu. Cửa hầm được xây kiểu chữ “L” để tránh miểng đạn pháo. Nền đất đã bắt đâu có múi ẫm mốc sau mấy tuần mưa dầm tháng tám. Chuẩn Úy Phúc, trung đội trưởng địa phương quân nhường căn hầm nầy cho Vĩnh khi biết Vĩnh là khóa đàn em do Phúc hướng dẫn khi còn trong Thủ Đức.

Sau gần nửa giờ vật lộn với củi ướt, Lan cũng làm được ly café sữa ít sữa cho Vĩnh. Nhấp ngụm café Vĩnh nói:

    – Café nầy đặc biệt và ngon nhất so với những ly café anh đã uống từ đó tới giờ.

    – Đừng có xạo đi nhe. Em chỉ sợ anh ba chê thôi đó

    – Thiệt mà Út. Mấy tháng nay anh chỉ uống café vợt của ông chệt ngoài chợ Phú Giáo thôi nên ly café nầy của Út ngon tận cùng thế giới luôn đó.

    – Chỉ có mấy tháng thôi mà anh đã học được cách xạo của lính rồi đó. Em bán quán ở câu lạc bộ nên luôn luôn biết mấy ông xạo bỏ xừ luôn.

    – Chắc Út có nhiều cây si trồng trước cửa quán lắm hé.

    – Hong dám đâu. Em quê thí mồ làm gì mấy ông sĩ quan đó chịu nhìn xuống. Chỉ có anh là người cùng quê nên mới làm quen chứ nếu không thì chắc gì anh chịu nhìn tới em.

    – Đừng có đổ tôi oan cho anh đó nhe. Tại anh mến em thật thà, chịu khó lo lắng cho anh thôi mà. Thôi bỏ chuyện đó đi. Em tới thăm anh có cho mà em hay không?

    – Dạ có. Má gởi lời thăm anh đó.

Lan cười trừ mà không trả lời câu hỏi của Vĩnh. Tuy chưa nói ra nhưng cả hai cũng biết đã có ít nhiều thương mến đang dần dần nhen nhúm trong tim của nhau. Lan không có nét đẹp của những cô gái thành thị với những kiêu sa, phù phiếm. Bù lại, trời ban cho Lan tính tình hiền hậu, thẵng thắn. Nhờ vậy mà Vĩnh cảm nhận được sự chăm sóc của Lan là hạnh phúc, là quà tặng của người con gái miền Tây sông nước. Với làn da bánh mật của phù sa sông Cửu Long công với sự cần mẫn làm cho Lan nổi bật hơn những cô gái Vĩnh đã gặp, đã biết những ngày còn trong quân trường cũng như những năm trung học. Biết thân phận mình nhà nghèo nên Vĩnh không bao giờ mơ ước được làm quen với người khác phái. Những ước muốn của con trai mới lớn đã bị Vĩnh đè nén từ lâu thì bây giờ nhen nhúm, trở lại với người sĩ quan trẻ chưa một lần biết gì về phái nữ. Út Lan đứng đó như mời mộc, như xúi dục Vĩnh với tay ăn trái cấm. Như đọc được ý định của Vĩnh, Lan nhìn anh rồi hỏi:

    – Hôm nay 30 Tết, anh cho Út ở lại với anh đêm nay đón Giao Thừa với anh nhe anh ba?

Cuộc chiến càng ngày khóc liệt. Vĩnh cứ đi hành quân liên tục gần một năm mà chưa được về hậu cứ dưỡng quân lần nào. Út Lan đi thăm Vĩnh khi thì Tân Uyên, Lúc thì Đồng Xoài. Khoảng cuối năm 1974, khi Vĩnh được thăng cấp thiếu úy, đơn vị được về hậu cứ dưỡng quân cũng là lần cuối Vĩnh gặp Lan. Ngày 30 tháng tư đến. Vĩnh phải chịu chung số phận với những người bạn đồng đội, những năm tháng tù đày làm anh mất đi người con gái ông thương yêu đầu đời. Khi được thả ra, Vĩnh về quê tìm lại Út Lan. Dựa theo những lời kể, Vĩnh tìm đến bến phà Châu Đốc nhưng không ai biết gia đình Út Lan. Có người bảo có lẽ gia đình đã vượt biên nhưng không biết đã định cư ở đâu. Đã một lần Vĩnh trở lại Lai Khê với hi vọng gặp được thượng sĩ Quang, cậu hai của Lan nhưng cảnh tiêu điều của câu lạc bộ sĩ quan cho Vĩnh biết không còn hi vọng nào nữa. Vĩnh thơ thẩn bước đi dọc quốc lộ 13 tinh thần trống rổng.

Tuy sống xứ lạ quê người đã 40 năm nhưng Ông Vĩnh vẫn giữ truyền thống Tết Việt Nam. Đưa Ông Táo, cúng rước Ông Bà, cúng Giao Thừa, … Nhưng Tết năm nay lại khác hẵn 39 năm trước.

Đang thấp nhang khấn vái bàn thờ Ông Bà ngày 30 Tết thì chuôn điện thoại reng.

    – Hello!

    – Xin phép có phải đây là Ông Lâm Văn Vĩnh người Tân Châu.

    – Vâng! Tôi là Vĩnh đây.

    – Anh Ba nhớ em không? Út Lan nè.

 

© Cửu Long – Trần Công Bá | New York – Tết Tân Sửu 2021

304Đen – Llttm - BlogChotram

 

Thư Gởi Về Em Gái VN - Dương Quân

 Thư Gởi Về Em Gái VN







 










Có lẽ anh không về gặp nữa

 Những người năm ấy đã chia tay

 Phố phường, thôn xóm, làng quê cũ

 Anh kể như chim đã lạc bầy.

 

 Có lẽ anh không về gặp nữa

 Họ hàng Nội, Ngoại...những người thân

 Ai còn, ai mất dù thương tiếc

 Rồi cũng nguôi ngoai, bớt khổ dần.

 

 Có lẽ anh không về gặp nữa

 Người em gái nhỏ vẫn chờ mong

 Nhạt nhòa ngấn lệ ngày đưa tiễn

 Chắc đã phôi pha tuổi má hồng.

 

 Có lẽ anh không về gặp nữa

 Những người bất nghĩa, lúc sa cơ

 Thói đời ngã ngựa liền quay mặt

 Giậu đổ bìm leo, bọn trở cờ.

 

 Nghe nói quê mình giờ đã khác

 Kẻ giàu vô cảm sống xa hoa

 Bạo quyền cướp của người lương thiện

 Oan khuất trùm lên khắp mọi nhà.

 

 Nghe nói quê mình giờ đã khác

 Dân nghèo cam chịu cảnh tôi đòi

 Trai hiền xuất khẩu làm nô dịch

 Gái đẹp rao thân bán nước ngoài.

 

 Nghe nói quê mình giờ đã khác

 Biên cương, cột mốc nhổ lui về

 Biển Đông, hải đảo vào tay giặc

 Một lũ bù nhìn đang ngủ mê.

 

 Nghe nói quê mình giờ đã khác

 Những người yêu nước bị giam cầm

 Bó tay, trí thức đành im lặng

 Vận nước dài theo cảnh tối tăm.

 

 Đâu còn như thuở ngày xưa cũ

 Làng xóm yêu thương đậm nghĩa tình

 Thân ái trẻ, già vui cuộc sống

 Bờ tre chim hót gọi bình minh.

 

 Đâu còn như thuở ngày xưa cũ

 Đồng ruộng bao la lúa chín vàng

 Em gái qua cầu nghiêng nón lá

 Nhịp chày giã gạo rộn thôn trang.

 

 Đâu còn những cảnh ngày xưa cũ

 Tà áo tung tăng buổi học về

 Mái tóc em thơ đùa nắng ấm

 Rộn ràng sách vở mỗi mùa thi.

 

 Bao giờ đất nước bừng tươi sáng

 Bóng tối lùi xa gót độc tài

 Anh vẫn nguyện cầu Hồn Sông Núi

 Quê mình sớm thấy được tương lai.

 

 Để anh trở lại căn nhà cũ

 Có bóng hàng cau tắm nắng chiều

 Thăm những người xưa còn gặp mặt

 Viếng người dưới mộ, thuở thương yêu.

 

 Dương Quân

 Fl.Dec.2011

Từ trang DĐQGHCTC