Vũng Lầy
Dĩ Vãng
Nhận được thư chồng lần này cũng như
những lần trước, gọn như một công thức toán học, vài dòng chữ viết rỗng, vô
nghĩa nhưng được kèm theo phiếu của trại tù cho phép vợ ra thăm nuôi – Chưa
nhận, chưa có tin chồng thì lo âu, háo hức chờ mong – Nay, thư đã về, tin của
chồng đã có, vui chưa được bao nhiêu, tôi đã cảm thấy mình bỗng rơi xuống cái
hun hút của nỗi buồn, của sự thất vọng.
Làm thế nào bây giờ – Cách gì để có
tiền? Xoay sở ở đâu. Tôi cũng đâu còn bán đồ phụ tùng xe đạp nữa. Tất cả những
ai bán đồ phụ tùng xe đạp tại Ngã Bảy đều bị tịch thu hàng, bị phạt tiền – Lý
do, kinh tế xã hội chủ nghĩa không làm ăn bằng hình thức này. Đây là cách của
tư bản bóc lột, không ngay thẳng- Phải cương quyết dẹp bỏ đợi chính sách kinh
tế ưu việt của nhà nước cách mạng. Ai còn chút vốn, lén lút bán chui, rồi cũng
bị càn quét lần nữa là tan tác. Bày cái gì tịch thu cái đó, kể cả cái chiếu cói
trải trên lề đường cũng gom bỏ lên xe công an. Người bán thì về phường để “học
tập” cho thông, quán triệt đường lối của cách mạng. Chị Liệu, người bạn thân
thiết đã giúp tôi bằng cách cung cấp đồ phụ tùng xe đạp để tôi bán lẻ nay còn
thê lương hơn chúng tôi cả trăm lần; hai căn nhà ở đường Minh Mạng, căn thứ ba
là nhà kho ngay đầu đường Bà Hạt bị tịch thu tất cả không cho mang bất cứ thứ
gì, kể cả cái chổi lông gà.
Thanh toán tư sản – Phút giây trở
thành bần cùng, chồng thì thất tung từ ngày giặc tràn về thủ đô – Nay trắng tay
– Mẹ con chị Liệu bơ vơ ngoài vỉa hè – Những ngày đầu, nhìn cảnh mẹ con chị che
hai cái poncho trước hàng rào nhà người quen, cô Agnès Anh Đào, đầu đường Cao
Thắng – Hồng Thập Tự, để trú ngụ qua ngày. Tôi thương mẹ con chị quá đỗi, nhưng
chẳng biết làm gì hơn là khóc, thương bạn, thương cho thân phận chúng tôi.
Thương cho cả miền Nam bị vùi dập, cướp đoạt tàn khốc, cái gáo dừa cũng trở
thành vật quý. Nhưng thật may mắn cho mẹ con chị, khoảng chừng hai tuần thì chị
đã được bà chị chồng ra tay cứu, cố gắng thu xếp để chị em con cháu cùng trú
ngụ trong căn nhà của chị ở đường Nguyễn Thông, nếu không thì bắt buộc mẹ con
chị phải đi kinh tế mới theo lệnh của “cách mạng”.
Chị Liệu bị đánh tư sản, tôi cũng bị hụt hẫng, đành phải xoay sở cách
khác. May mắn khu phố tôi ở, gần nhà có cô Loan, chồng là trung uý, cũng đang ở
trong trại tù. Loan biết tôi đang bối rối lo cho việc mưu sinh của gia đình,
Loan đã đến nhà rủ tôi lên Long Khánh mua mít, đu đủ, khoai lang, hoặc bất cứ
thứ gì có thể kiếm được chút lời, để lo bữa ăn cho các con là chị em chúng tôi
mua về Sài Gòn. Trước khi cùng đi với Loan, tôi hỏi:
– Đi cách nào?
– Hai chị em ra ga Hoà Hưng sớm, đi xe lửa lên Long Khánh. Bắt buộc phải đi
lén, không mua vé, vì muốn mua vé phải có lý do và chỉ thỉnh thoảng mới mua mà
thôi.
Loan nói tiếp:
– Chị cứ yên trí, đi với em mọi việc chị cứ theo em, hễ em làm cái gì hoặc em
biểu làm gì chị làm theo là có hy vọng trót lọt. Nhưng điều quan trọng là chị
tuyệt đối không được quýnh và để lộ vẻ run trước mặt tụi nó là thấy có ăn chừng
bảy tám chục phần trăm đó chị!
Đổi đời, tôi mặc nhiên trở thành
người đàn bà buôn chui bán lủi. Cách ba, bốn ngày hoặc một tuần, chúng tôi đi
xe đạp xuống vùng Bến Lức, Long An, hoặc xa hơn. Những nơi mà xưa kia chỉ nghe
chồng nói đã từng đánh vùi đánh dập với giặc. Tới đấy, chúng tôi mua lại vài ký
gạo – Không dám mua nhiều hơn 5kg vì nặng và lỡ bị bắt thì kể như cả nhà chịu
đói. Đường trở lại Sài Gòn trải qua chả biết bao nhiêu là thiên nan vạn ải. Nhờ
trời thương, cô Loan là người tháo vát, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm
cách để qua được những con mắt dòm ngó tra xét các trạm canh gác.
Loan ứng xử rất nhanh, tìm ngay đựợc
lối đi qua các chốt chặn của công an Cộng Sản. Tôi chỉ việc theo Loan đi vòng
sau lưng trạm gác sâu tuốt trong các xóm dân, mỗi lần đi như vậy tôi đã cố trấn
tĩnh nhưng cũng sợ đến run rẩy, chân đi tưởng không vững đuợc nữa, thoát thì
lời chẳng được bao nhiêu vì mất quá nhiều công sức. Nếu bị bắt, gạo bị tịch
thu, đã vậy, trước khi được tha cho về, chị em chúng tôi sẽ phải chịu điều tra
đi mua gạo làm gì, tiếp tế cho ai? Ai chỉ đạo việc mua bán này. Có phải do các
ổ tàn dư Mỹ Nguỵ chỉ đạo không? Thật là toàn những lời lẽ dẫn đến cái chết hoặc
tù đầy. Nhất quyết chúng tôi chỉ có một điều duy nhất là mua về cho các con có
chút cơm, ăn độn khoai sắn nhiều quá các con ốm yếu, đau bệnh hoài, không còn
sức đi học.
Sau những thuyết giảng, những dạy dỗ
mà chính người dạy đã thức hàng chục đêm để học bài, nghe họ nói làm tôi nhớ
lại con nhòng của người hàng xóm, con nhòng nói suốt ngày có một câu “Mày không
chịu học, cha mày.” nó chửi cả chủ nó..
Dĩ nhiên số gạo tịch thu không làm
biên bản, còn kèm theo gói thuốc thì sẽ được hưởng sự cảm thông của đại diện
cách mạng tha cho, lần sau sẽ nghiêm cấm. Những lần thoát được, số gạo mang về
chia thành từng túi nhỏ, dấu khắp mọi nơi, chỗ nào có thể là dấu.
Sáng tinh mơ, Loan đến nhà khẽ gọi,
tôi chỉ kịp cúi xuống hôn con trai út đang ngủ, tất tả cùng với Loan ra ga Hoà
Hưng – Hai chị em mắt la mày lét, nhìn ngó chung quanh và vội vã nhập vào với
các bà khác cũng đang bương chải để kiếm cơm như chúng tôi. Đồng cảnh ngộ, có
bà đã chỉ cho chúng tôi cách qua mặt kiểm soát dọc đường và cách dấu gạo. Đặc
biệt nếu bị phát giác thì nhất định không nhận vì thời gian ấy mà đem gạo lên
rừng là “có vấn đề” – Bị truy vấn đến hụt hơi, tra nã đủ điều, nguy hiểm hơn
lúc mua gạo ở Long An rất nhiều lần. Ngoài ra đâu có phải hễ mang gạo lên được
tầu chạy là thoát, chuyện còn lại là làm cách nào phải xuống thật nhanh trước
khi tầu vào ga, hàng quăng xuống đã có Loan lo, nhưng tôi vẫn sợ quá chừng –
Khóc ở trong lòng mà vẫn phải cắn răng chịu – Trong đầu tôi, sau lưng tôi là
hình bóng người chồng và bốn đứa con. Tất cả đang nhìn tôi trong niềm thương
yêu chất ngất. Dẫu có hiểm nguy, nhọc mệt bao nhiêu, tôi vẫn phải cố mà đứng,
thu hết sức mà đi tới, để lo cho con. Đã gần mười năm chồng biệt mù, bị giam cầm
nơi rừng sâu nước độc. Biết có còn sống sót để trở về hay rồi sẽ ra nằm gối đầu
lên sườn núi như các bạn anh đã vĩnh biệt cuộc đời – Tôi nhủ với chính mình,
phải ráng cố hết sức mình để lo cho các con và tôi cũng hiểu rằng trong tận
cùng linh cảm anh đang tin ở vợ mình.
Người dân Long Khánh kể từ sau ngày
30 tháng tư 75, gạo thật khan hiếm, nơi này vốn đã là đất của núi đồi, của
càphê, của cao su, ruộng lúa dường như không có, nhưng thời VNCH cũng chưa hề
bị thiếu. Bây giờ, gạo là mặt hàng quốc cấm, độc quyền của nhà nước cung cấp
cho dân theo tiêu chuẩn hàng ngày, hàng tháng, đề phòng lọt vào tay kẻ xấu.
Chuyển vận gạo là mặt hàng chiến lược sẽ do nhà nước trách nhiệm, nhân dân
không phải lo. Tiêu chuẩn của mỗi người cũng sẽ được tính toán kỹ lưỡng không để
lãng phí .v.v. Nhờ thế chúng tôi bán lén vài ký gạo, lấy tiền mua trái cây như
mít, đu đủ, khoai lang, củ mì đem về Sàigon, xẻ, luộc bán lẻ kiếm chút tiền lời
nuôi con. Trên đường theo xe lửa trở về tương đối dễ dàng hơn, tuy nhiên Loan
và tôi cũng vẫn tìm cách tránh tối đa việc bị chặn lại để đóng thuế. Mỗi lần đi
Long Khánh về như vậy, tôi lại nhìn các con với dòng nước mắt – Ai xui tôi đến
nỗi này. Từ thuở còn là trẻ nít đi học, cho tới lúc lớn khôn, đi lấy chồng, tôi
cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, cũng nhiều thiếu thốn, khổ, nhưng đâu đến
nỗi phải choài đạp, bơi trong khốn khó như thế này. Nỗi cay nghiệt, tàn nhẫn
của cuộc đổi đời.
Sài Gon mưa đã hai ngày rồi, tôi không thể đi Bến Lức, Long An hay Bình
Chánh – Cô Loan đi thăm nuôi chồng trên trại Bù Gia Mập, miệt rừng Phước Long,
biên giới Việt Miên chưa về. Thật ra nếu trời không mưa, vắng cô Loan tôi cũng
đành nghỉ, không dám đi một mình, đi Bến Lức hay lên Long Khánh với tôi vẫn là
nỗi sợ hãi. Tôi xoay qua làm một ít chả giò chiên, đem ra chợ bán, nhưng mẹ tôi
đã nhận phần giúp:
– Mày ở nhà lo vệ sinh cho mấy đứa con, lo cho chúng nó ăn rồi nghỉ, để mợ đi
bán cho, mợ quen nhiều ngoài chợ, bán mau hết.
Nhìn mẹ cắp cái thúng đựng chả giò
bước vội ra đầu ngõ. Tôi thương mẹ, thương cha. Bao lâu rồi tôi vẫn chưa ra
khỏi đựơc vòng tay chăm sóc của cha mẹ, dù rằng tôi đang là mẹ của bốn đứa con
nhỏ. Tôi thầm gọi mẹ trong nghẹn ngào: “Mợ ơi, con còn làm khổ mợ đến bao giờ
nữa?”.
Lấy thư của chồng ra đọc tới lui vài
chục lần, có bấy nhiêu chữ khô như khúc củi nỏ “Em ra thăm anh nhé, nhờ cách
mạng quan tâm, anh và các bạn được cho giấy phép gởi về, em mang lên phường để
xin giấy đi đường thăm anh ngay nha. Anh vẫn học tập tốt?”. Chẳng lẽ chồng tôi
lại khô cằn, chỉ có bấy nhiêu chữ cụt ngọn vậy sao? Trơ cứng đến lạnh ngắt thế
ư! Nhớ chồng, và buồn lo đến quẫn trí. Tôi phải làm gì bây giờ, cách nào để mua
vé xe, mua đồ thăm nuôi chồng. Cầu cứu ai đây. Cậu mợ tôi thì còn gì nữa để
cầu, Chiếc máy ảnh của bố đã bán và trở thành phí uổng cho chuyến đi vô vọng vô
duyên. Tôi làm sao đành mở lời với cha mẹ, gánh nặng đùm bọc mấy đứa cháu đã
oằn vai, đã cạn kiệt khả năng rồi
Có lẽ thấy tôi thở dài nhiều, bố từ trên gác xuống hỏi:
– Phuơng, có gì đó con. Mày làm sao vậy?
Tôi đưa thư cho bố:
– Thư anh Khanh đây cậu, anh nhắn con ra thăm. Có giấy phép của trại gởi kèm
nữa đó,cậu.
Đọc xong, đưa trả thư cho tôi. Bố
lặng lẽ choàng áo mưa mở cửa, đạp xe đi đâu đó.
Tôi nhẩm tính mọi chi phí cho chuyến
lên núi để tìm chồng lần thứ hai, mua vé xe lửa, mua các thứ đồ ăn khô, thuốc
phòng, chữa bệnh của anh (đau bao tử, Vitamin B1..), chắt chiu cũng phải hơn
một ngàn, chưa tính đến những chi tiêu nhỏ dọc đường, tôi sẽ phải có khoảng từ
ngàn rưởi đến hai ngàn đồng trong túi.
Tạ ơn Trời, tạ ơn Tổ tiên, tạ ơn ông bà đã độ cho tôi gặp được cứu giúp
vào lúc cùng quẫn nhất, bi đát nhất. Chiều hôm đó bố mẹ tôi cùng trở về nhà một
lúc, vừa đặt cái thúng xuống mẹ tôi đã nói:
– Con Phương đâu ra đây, chả giò mày làm ngon quá, còn lại một chục cái đây
này, đem cho cháu tao ăn – Tôi chưa kịp nói mẹ đã tiếp – Buổi trưa, buổi chiều,
mợ đi một vòng đến nhà mấy đứa em mày và ghé nhà cô Tuý (em gái út của bố) thăm
cô và nói về vụ mày có giấy đi thăm nuôi thằng Khanh ở Thanh Hoá, kêu gọi chúng
nó phụ giúp được chút nào hay chút đó – Nè, cô Tuý cho con 250 đồng, cô vét đáy
túi rồi đấy. Mấy đứa kia chúng nó sẽ mang đến sau. Con H. sẽ mua cho ba kí mì
vụn và một ký đường thẻ, cộng chung với các thứ mấy đứa em khác cho, đem ra cho
nó con ạ. Tội nghiệp, gần mười năm rồi chẳng biết nó ra làm sao.
Bữa cơm chiều, con trai út của tôi vui hơn hẳn mọi ngày vì có thêm món
chả giò . Nhìn nét mặt hớn hở của con, tôi thấy xót. Miếng chả giò chấm chút
nước mắm với cháu dường như được ăn bữa cỗ, riêng hai chị nó thì trầm lặng, ít
nói. Tội nghiệp các con! Hạnh phúc giá rẻ đến như vậy sao? Mấy cái chả giò đem
đến cho các con khoảnh khắc hân hoan, nhưng là nỗi đau chảy máu trong lòng mẹ. Buổi
tối, bố mới gọi tôi lên gác để nói chuyện:
– Cậu không còn gì để cho con như lần trước, nhưng trưa nay cậu đã đến nhà chú
Ngọc – bạn cùng làm trong Toà Đại Sứ Mỹ với cậu, kể chuyện của con cho chú nghe
và định liều mượn chú vài trăm cho con.
Cậu còn đang ngại chưa tiện mở lời thì chú Ngọc đã nói với cậu:
– Em sắp được đi Mỹ theo ODP, cuối tháng sau anh ạ. Anh em mình chẳng biết bao
giờ mới được gặp lại. Em có chút đỉnh nhờ anh đem về giúp cho cháu, cũng chẳng
bao nhiêu đâu anh, em tặng cháu 500 đồng. Cậu mừng cho con và thật là cảm kich
tấm lòng hào hiệp của chú Ngọc. Vậy, trước khi thăm chồng, con đi với cậu đến
thăm để cám ơn và chào từ biệt vợ chồng chú Ngọc con nhé!
Nói gì với cha mẹ và cách nào để tả
hết được nỗi lòng tôi đối với tình yêu của cha mẹ đã dành cho. Bốn chục tuổi
rồi, vẫn là đứa con nhỏ, vẫn làm phiền cha mẹ, tôi ôm lấy bố mà khóc ngọt, hai
đứa con gái, ngồi kế bên cũng xúc động, khóc hùa rấm rứt. Một đồng cho tôi lúc
này, ơn nghĩa cũng to như núi, huống chi tiền trăm.
Mọi chuyện rồi cũng hanh thông, các
em tôi, mấy bà chị chồng, tất cả cùng ra tay giúp đỡ. Gom lại thì đồ tiếp tế
tạm đủ chỉ còn thiếu tiền thôi. Nhưng người giải quyết vấn đề cho tôi thật bất
ngờ lại chính là hai con gái của tôi. C ác cháu dấu tôi, lặng lẽ đến nhà dì (em
gái kế tôi ) nhờ bán giùm sợi giây chuyền vàng y mà bà nội tặng cho cháu lớn
dịp sinh nhật bốn tuổi, cháu thứ hai thì bán đôi bông tai cũng của bà nội cho.
Thật lòng, bao lâu nay tôi đã quên không để ý gì đến các tặng vật của các cháu
vì thường vẫn cất để dành, đợi các cháu lớn mới cho đeo.
Hai cháu nói với tôi:
– Chúng con chưa cần vàng, mẹ rất cần tiền để đi thăm bố. Khi nào bố về, làm có
tiền tụi con sẽ xin mẹ đánh cho cái khác.
Tôi sững người, tê liệt ý nghĩ, giây lát sau la hai cháu:
– Ai cho phép các con làm việc này. Mẹ không bằng lòng cho các con bán vật kỷ
niệm của bà nội tặng.
– Mẹ à, tụi con xin lỗi mẹ. Hai chị em con 14 và 12 tuổi rồi. Chúng con cũng
biết suy nghĩ mà mẹ. Giữ của mà phải dấu, lúc nào cũng sợ. Bây giờ mẹ đang cần
tiền đi thăm bố. Chị em con bán để gíup mẹ giải quyết, không phải phiền lụy
người ngoài thì có sao đâu mẹ.
Tôi dang tay ôm gọn hai con gái vào
lòng trong thương cảm tràn dâng.
Việc sắp xếp cho chuyến đi coi như đã
đủ, cộng chung tiền mặt thì có thể dư chút đỉnh, nếu trên dọc đường không bị
vướng mắc, gây thêm tốn phí. Tôi dự tính mọi chuyện sẽ được xuôi lọt như đang
diễn ra, chỉ còn phải lên phường, quận xin phép nữa là xong. Hôm sau, tôi chuẩn
bị đầy đủ mọi thứ giấy tờ cần phải chứng minh về sự chính xác của tình trạng
gia đình, tình trạng cư trú hợp pháp, hợp lệ….v….v.
Đến phường trước cả giờ hành chánh, có lẽ nôn nóng nên tôi đến sớm nhất,
cửa văn phòng chưa mở, nhưng tôi cũng chỉ đựơc gọi tên lúc đã 11 giờ 35 phút,
vào gặp cô thư ký phụ trách ký xác nhận, viết vài dòng giới thiệu lên quận, sau
khi đã kiểm soát, soi lên ánh sáng, đọc tới lui vài lần. Nhưng cô không ký, đặt
xuống mặt bàn các giấy tờ, mẫu đơn của trại cải tạo gởi về. Cô ngước nhìn tôi
cẩn thận từ ngọn tóc trở xuống, hỏi:
– Mẫu đơn thăm nuôi này chị lấy ở đâu?
– Tôi nhận được từ thư của chồng tôi và được trại cải tạo cho phép gởi về.
– Ai cho phép chị tự ý điền đơn này?
– Ủa, chính chú Tâm, công an khu vực đến nhà chỉ cho tôi cách điền đó cô. Có
sao không, bộ sai rồi hả?
– Đáng lẽ chị phải mang lên đây, tôi chỉ cho chị điền trước mặt tôi hiểu
không!
Muốn cho êm chuyện, được việc tôi phải nhún:
– Vâng, xin lỗi cô, tại chú Tâm biểu tôi điền vào trước đặng khỏi mất thì giờ
của cô.
Ngẫm nghĩ giây lát, cô Út (bảng tên để trên bàn) xoay tôi qua chuyện
khác:
– Chị có đi họp hay sinh hoạt tổ phụ nữ không? Ai là tổ trưởng phụ nữ tại khu
phố chị?
– Cô ơi, tôi lo kiếm cơm nuôi bốn đứa con nhỏ quần quật từ 4 giờ sáng đến tối
mịt mới về, đâu còn thì giờ nữa cô. Tôi cũng đã nói với chị Sáu Méo để thông
cảm rồi mà.!
– Chị nói cái gì ai là sáu méo? Chị Sáu là cách mạng mà chị nói thế là
không được.. Coi rẻ tên người ta. Chị Sáu đã phản ánh lên cho tui hết trơn rồi,
chị hiểu không. Không sinh hoạt, không họp tổ phụ nữ là do chị cố tình hiểu
không. Bây giờ chị cầm giấy tờ đi về, 3 giờ chiều mai, chị lên đây tôi sẽ giải
quyết chị hiểu không..
Bước ra khỏi phường tôi vừa giận vừa tủi thân.
– Con ranh con, chỉ đáng là…. mà nó hoạnh họe mình, như lấy khẩu cung cái gì
cũng hiểu không, hiểu không nghe ứa gan. Đành vậy chứ biết sao bây giờ . Lủi
thủi đi về với cục nghẹn trong lồng ngực.
Hôm sau, tôi được cô Út thư ký cho
ngồi chờ từ 3 giờ đến 5 giờ, đúng giờ tan tầm mới ký, viết cho mấy chữ để lên
quận, cô cũng không quên răn đe:|
– Đi thăm chồng về, chị phải tích cực tham gia sinh hoạt tổ dân phố, hoạt động
tích cực với tổ phụ nữ địa phương nha. Chị chưa chịu tiến bộ, làm sao chồng chị
học tập tốt, lao động tốt cho được, càng cải tạo lâu thôi.
Tôi mừng thật nhiều, vì sau rốt tôi
cũng đã được chấp thuận đi thăm chồng và tôi cũng nhận ra rằng nhất cử nhất
đông của tôi đều được người đàn bà bán chiếu dạo có tên gọi Sáu Méo, bây giờ là
tổ trưởng phụ nữ đều báo cáo lên thượng cấp của chị ta.
Lên quận, tôi không gặp ai trong
chuyến đi năm ngoái, nhưng lại có duyên với mấy bạn đồng hành mới, các chị vợ
anh Khai, vợ anh Lạc và bà vợ ông Bột. Các chị này đã được gặp chồng một lần
tại trại 5 Lam Sơn, nên họ tỏ ra tự tin và rành rẽ. Tôi cũng cảm thấy yên lòng
vì đã có các chị làm cố vấn. Lần xin giấy này cũng được nhanh hơn, cởi mở hơn
là nhờ bốn gói thuốc Jet.
Nếu ai có trải qua cảnh chờ đợi mới
thấy ngày giờ dài như thế kỷ. Chúng tôi đến ga xe lửa Hoà Hưng mua vé nhưng trễ
mất nửa ngày, phải đợi hai bữa mới có chuyến tầu chợ Bắc Nam và ngược lại
Chuyến tầu chúng tôi đi lần này tương
đối sạch và thoáng, vì không có các loại hàng gia súc như heo, gà, vịt hoặc
hàng nặng mùi như mắm, chỉ có mùi người mùi vải mùi quần áo cũ….. Chúng tôi gom
đồ đạc, cùng ngồi chung với nhau trong một góc toa, chia nhau thức, ngủ, để
canh chừng kẻ cắp. Chợt nhanh, tôi nhớ lại cũng trên chuyến đi lên núi tìm
chồng một năm trước, mấy chị em chúng tôi, có chị Đỗ văn Nhĩ hăm hở chỉ muốn
bay thật nhanh đến với chồng, mong cho tầu chạy mau hơn để được nghe tiếng nói,
tiếng cười của chồng. Vậy mà, gẫy gánh chia lìa. Nỡ nào chồng bỏ vợ con để gởi
xác nơi đồi hoang xứ lạ, đành lòng để vợ quay về trong bơ vơ, cô đơn cùng cực.
Nỗi mất to như núi, lớn như rừng. Đã tưởng chị cũng phải nằm lại nếu không có
bạn đồng hành phụ giúp, an ủi.
Sau ba ngày đêm, chuyến tầu chợ đã
đến Thanh Hoá, vào ga lúc gần 10 giờ 30 sáng. Nhìn qua cửa sổ, cảnh vật tiêu
điều, không khí đẫm ướt, ga ướt, đường ướt, những cây cau ở xa cúi đầu rũ rượi
trên sân nhà. Cả thành phố còn sũng nước. Thình lình một bà đứng kế bên tôi lên
tiếng:
– Tui nghe đài, trận bão số 8 này lớn lắm. Thanh Hoá bị nặng, lụt hư hết
trơn hoa mầu, nước mới rút tuần trước đó chị. Chị Lạc và Khai tỏ ra lo lắng:
– Vậy trong Lam Sơn có sao không chị?
– Lam Sơn nào? À tui hiểu rồi, trại 5 cải tạo Lam sơn hả? Tui không rõ nhưng
trại ở trên vùng cao, chắc hổng sao! Coi chừng đường còn ngập à nhe.
Bất chợt chị ta ghé tai chị Lạc:
– Mấy bà đi tìm chồng cải tạo phải không? Chồng tui cũng là lính VNCH đấy, ảnh
là Phân chi khu trưởng ở miệt Trảng Bàng, đầu hàng chậm nên bị bộ đội bắn chết
ngay trước cửa nhà.
Chị Lạc ngây thơ:
– Xin lỗi, ảnh mất rồi, chị đi đâu đây?
– Ủa, chị biểu tui ở nhà đặng mẹ con chết đói hết à. Đó các chị thấy đó, tôi đi
hàng chuyến ra tới tận Hà Nội lận, mùa này lạnh, tôi mang chăn mền, quần áo cũ,
bán cũng chạy lắm. Có điều hên thì ăn cả, mà xui thì ráng chịu. Nói vậy chứ,
nếu lỡ bị bắt thì ráng mà nhét vào bản họng tụi nó thứ gì đó là êm. Nó thả cho
mình đi, nhờ vậy các con còn có miếng ăn đắp đỗi qua ngày mấy chị ơi!
Tầu đã ngừng hẳn, mọi người vội vã khiêng, mang vác hành lý, hàng hóa
xuống. Chị Bột, người trầm lặng suốt chuyến đi, cất tiếng:
– Khoan đã các chị ơi, để người ta xuống hết rồi tới mình, tầu ngừng ở đây cũng
khá lâu đó, chừng một tiếng đồng hồ lận
Gió vẫn còn mạnh, giật từng cơn. Trời lạnh, thời tiết của mùa Thu. Mọi
người vội lấy áo lạnh ra mặc, phụ nhau chuyển các giỏ thăm nuôi xuống sân ga.
Chúng tôi đã đến đây một lần nên có chút kinh nghiệm. Sau khi đã tập trung đồ
đạc vào một chỗ mái hiên nhà ga, tránh bị ướt.,. Vợ anh Khai nói:
– Các chị ngồi đây nha, em tới chỗ quán nước đằng kia thế nào cũng có người
đánh xe trâu ra đón.
Chị Khai đi chừng 10 phút đã vội vã quay lại, miệng la lớn:
– Lẹ lên các chị ơi! Xe đợi ở cuối ga đó, ráng chuyển đồ xuống để đi cho kịp
các chị.
Hôm nay xe trâu ra đón không có công an đi kèm, chỉ có anh tù hình sự.
Anh tự giới thiệu:
– Chào các chị, em là Chiêu – Tù tự giác.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh nói tiếp:
– Em ở tù được 23 năm rồi, bây giờ trại cho tự giác, đi khỏi trại không cần có
người theo canh gác.
Chị Khai tỏ ý muốn biết lý do gì mà anh bị tù lâu như thế, Chiêu tâm sự:
– Chẳng dấu các chị, ngoài Bắc này những năm chiến tranh đói khổ ghê lắm, lúc
đó em là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp huyện Thiệu Yên, thóc lúa đầy kho,
chả lẽ lại để cho vợ con cha mẹ, họ hàng chết đói. Thế là nay xúc vài tạ mai
lại một tấn, lâu dần nó hụt không lấp liếm được. Thanh tra nhà nước phát hiện.
Em bị kết án tử hình, cải còn chung thân. Bây giờ thì cũng chẳng cần nữa, vợ
biến, có ba đứa con vào bộ đội đi B chết cả. Đứa con gái lấy chồng cũng chả
biết ở đâu. Tù tự giác cũng sướng các chị ạ, cơm tù, quần áo tù, ra ngoài có
khi kiếm được dăm ba chục mua thuốc hút, cũng là phúc đức rồi. Chả mơ tưởng gì
nữa.
Nhờ vậy anh đã thông cảm lấy mỗi
người 6 đồng (người ta thì lấy đủ 10), cho cả người và đồ đi xe. Nhưng để tránh
cho anh không bị phạt thì trên đường đi, tất cả phải đề phòng, nhìn thấy từ xa
bất cứ người nào mặc quần áo mầu vàng giống quần áo của công an đi ngược hay
cùng chiều, các chị nhảy xuống đi bộ, sau đó lại tiếp tục lên xe.
Mặc dù anh hình sự đã thúc dục con
trâu hết cách, đánh túi bụi để nó đi nhanh, nhưng đường vào quá xa, không thể
đến kịp trong ngày. Chúng tôi dừng lại bên phà sông Chu, kiếm chỗ trọ qua đêm.
Anh tự giác đưa xe trâu về công an xã để ngủ.
11giờ 30 phút sáng hôm sau, chúng tôi
đến trại 5 Lam sơn, vào khu tiếp tân, lần lượt làm thủ tục, trình giấy cho cán
bộ thăm nuôi xem xét – Tiếp đó chúng tôi được dẫn xuống nhà tạm trú. T rại cho
mượn chăn mùng nếu ai không mang theo. Có bếp, củi, nước và nồi xoong để cho ai
muốn hâm hay nấu lại đồ ăn cho khỏi bị hư. Chúng tôi đang mừng thầm, may ra
chiều nay được gặp mặt chồng vì lúc làm thủ tục không bị phiền hà gì. Cán bộ
phụ trách thăm nuôi tỏ vẻ dễ chịu, vui cười. Chúng tôi vội rủ nhau xuống bếp để
làm lại đồ ăn. Chẳng ngờ (lại chẳng ngờ) anh tù phụ việc cán bộ thăm nuôi kêu
chúng tôi:
– Các chị khoan hãy kho nấu, mau chóng lên tập trung trên nhà việc, để cán bộ
quán triệt mấy vấn đề – Nghe lùng bùng lỗ tai. Tôi nghẹn thở – tim đập dồn
nhịp. Mấy chị kia cũng không hơn gì, mặt tái xanh, ngơ ngác nhìn nhau
– Chuyện gì nữa thế này. Nếu lại chuyện trời ơi như lần trước, chắc là tôi sẽ
đổ xụm mất thôi. Bao nhiêu là tháng ngày đằng đẵng, đi cả hàng ngàn cây số đến
để cho họ đổ nước đá lạnh vào mặt. Nhớ lại bộ mặt của anh cán chấp pháp, tôi
chùn chân không muốn rời khỏi nhà bếp.
Tập trung tại nhà việc (văn phòng
thăm nuôi) ngoài bốn người chúng tôi, có thêm hai người nữa là vợ anh Tâm
(KQ),vợ anh Xứng (BB). Mọi người ngồi dọc theo hai bên cái bàn dài – Cán bộ
thăm nuôi nói chuyện – không phải cán xác ướp chấp pháp, tôi cảm thấy hơi thở
đã nhẹ được rất nhiều. Nội dung câu chuyện cũng đậm đà như nồi ốc luộc. Quanh
quẩn với những chữ: Thay mặt cách mạng, thay mặt ban chỉ huy trại, báo cáo với
các chị về tình hình học tập của chồng các chị. Đa số học tập tiến bộ, lao động
tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc mặt này, mặt khác, chưa tỏ ra thành
khẩn, tự giác trong học tập cũng như lao động… Quán triệt với các chị để các
chị động viên chồng phải kiên định tư tưởng, nếu chưa cải tạo tốt thì chưa cần
về.
Giời ạ! Thế nào mới là thành khẩn,
bao giờ thì mới đựoc coi là tốt. Chắc khi nào ra đồi mì nằm xếp hàng ở đó thì mới
là tốt chăng?!! Loay hoay có bấy nhiêu câu, có bấy nhiêu chữ mà cũng làm mất
của chúng tôi đúng một giờ mười lăm phút. Trước khi đứng lên rời chỗ ngồi, anh
còn buông một câu:
– Tôi nghĩ các chị đã thông, các chị cũng nên hạ quyết tâm cùng với các anh –
Nhất trí là phải học tập, lao động cho tốt. Nếu chưa đạt yêu cầu thì việc đoàn
tụ thấy chưa cần thiết phải không các chị.
Trong lúc chờ được gặp chồng, tôi
nhìn qua khoảng sân nhà thăm nuôi, mấy bụi chuối, hàng cau còn đang rã rượi,
những mái nhà tranh phía xa cũng ủ ê như nỗi u uẩn của tôi bây giờ. Vạt mây đen
bay xà trên ngọn cau làm tối thêm khoảng không gian chật hẹp, nhìn đồng hồ đã 4
giờ chiều của ngày đầu đến nơi này. Chúng tôi lại rủ nhau xuống bếp tiếp tục
công việc hâm lại thực phẩm cho chồng được tươm tất, tránh hư thiu.
– Các chị chuẩn bị đi, chừng 20 phút nữa, các anh ấy sẽ ra đến đây, anh
Trung (phụ việc cho cán thăm nuôi) báo cho chúng tôi biết.
– Ai được thăm trước, anh?
– Cả bốn người, ông cụ Bột, các anh Lạc, Khai, Đỉnh cùng được gặp vợ một
lúc.
Hồi hộp, mong ngóng, ai cũng ráng rướn cổ nhìn ngó về phía những căn nhà
địa ngục, coi xem chồng mình đã đựoc dẫn ra chưa. Một chiếc xe cải tiến (xe ba
gác được sửa lại cho gọn, để vừa sức một người kéo) do ba người đang lom khom
kéo, đẩy về phía nhà thăm nuôi. Chị Khai nhìn thấy chồng đầu tiên, reo nhẹ:
– Ông xã em đang kéo xe đó.
Chị Lạc cũng reo nhỏ:
– Chồng tôi đang đi bên trái xe kìa!
– Ủa, chồng tôi đâu, trên xe ai đang nửa nằm nửa ngồi thế? bà cụ Bột la nhỏ.
Anh Trung nhắc nhẹ:
– Ông cụ Bột đấy! Bệnh nặng lắm. Các chị giữ trật tự, cán bộ cúp thăm là khổ,
còn chồng chị đang cắm cổ đẩy phía sau đó, chị Đỉnh.
Xe bị lún xình. Ba người “khoẻ mạnh” dìu ông cụ Bột ra khỏi xe, đi từng
bước chậm, nhọc mệt vào nhà thăm nuôi.
– Các chị nghe đây! Tiếng nói cùng với tiếng vỗ tay lốp bốp – Để tranh thủ,
trại quyết định cho cả bốn chị được gặp chồng, đúng quy định thời giạn 15 phút.
C ác chị không được nói bất cứ điều gì vi phạm nội quy, có tính bôi bác, chỉ
nên nói chuyện bình thường thôi. Nếu ai vi phạm, tôi sẽ cắt thăm ngay. Riêng đồ
tiếp phẩm, các loại như rượu, cồn đốt, chất cháy, chất nổ là tuyệt đối cấm.
Những thứ khác như thức ăn trại linh động cho nhận, thứ nào nhiều quá thì được
một nửa . Các chị có ý kiến gì không? Không hả! Vậy ta tiến hành công tác thăm
nuôi. Tôi bố trí như sau anh Bột ngồi bàn do đ/c Na phụ trách, anh Lạc bàn đ/c
Hùng, Anh Khai bàn của đ/c Cộng, còn anh Đỉnh ngồi bàn cuối kia, tôi phụ trách.
Tôi cố nén xúc động khi nhìn người chồng yêu dấu tàn tạ đến không tưởng
đựơc, thân hình khẳng khiu, bước đi lênh đênh như muốn bay theo gió. Ngồi đối
diện với chồng, muốn nắm tay chồng nhưng bàn rộng không với tới. Anh nói thật
nhanh:
– Em đừng khóc, nói cho anh nghe bên ngoài, gia đình mình như thế nào. Cậu mợ
ra sao, mẹ, cô Hải, chị Viễn ở Mỹ Tho có liên lạc thường xuyên không (ý nói
những người hiện đang Mỹ) – Tôi chỉ biết gật gật, tự nhiên tắc tiếng.
Tất cả những gì gọi là nhanh nhẹn,
tháo vát của người lính đã bị hư hao, mòn gẫy. Tôi nhớ đến câu của tên bí thư
phường, nơi tôi ở đã nói trong một buổi học tập “chính sách đối với những thành
phần cần phải cải tạo”,- Những đối tượng này cho dù có ngoan cố đến đâu, bằng
các này cách khác, cách mạng nhất định bắt chúng nó phải khuất phục, đầu hàng
giai cấp – Bây giờ, nhìn người chồng yêu dấu và các đồng đội của anh, đúng là
thể chất đã, đang bị khuất phục rồi! – Chỉ còn tinh thần, tôi có thể tin tưởng
chẳng dễ gì chúng nó quật ngã được các anh. Trước lúc gặp mặt thì bao nhiêu
chuyện muốn nói muốn kể cho chồng nghe, giờ đây trôi lấp đi đâu mất cả, vả lại
có muốn nói cũng không được với đôi tai, đôi mắt của loài chim ăn đêm đang dòm
ngó bên cạnh, chỉ ngập ngừng được mấy chữ, cả nhà khoẻ mạnh, con học giỏi lắm,
cu Giang đã lên trung học rồi. Thương anh quá, nhìn từng sợi tóc trên đầu,
trắng hết rồi anh ơi….! Tôi muốn la thật to: “Chúng nó hành hạ anh khốn khổ cơ
cực đến như thế này mà còn chưa vừa lòng hay sao?”
Đã hết giờ thăm, các chị giao quà cho
chồng để các anh còn vào trại. Đề nghị các anh đứng lên không quyến luyến. Khẩn
trương!
Nhìn theo chồng cùng các bạn lúi húi
kéo, đẩy chiếc xe ba gác, ông cụ Bột ngồi trên cùng với mấy cái giỏ đệm đựng đồ
ăn. Bóng dáng chồng tôi xoãi chân đẩy trong lúc hai anh Khai, Lạc cũng như hai
con tôm, cong lưng kéo mỗi người một càng lôi chiếc xe xa dần trên con đường
bùn đỏ vào nhà ngục – Nước mắt lại rơi ……..
Năm 1992, tôi đi chợ Bà Chiểu, tình
cờ gặp lại bà cụ Bột, hỏi thăm, được biết: Đúng một tuần sau bữa được thăm
nuôi, ông cụ Bột qua đời. Hỏi: Chết vì bệnh gì ? – Kiết lỵ, không thuốc chữa,
thành kinh niên, bị lủng ruột mà chết..!!!
Trần Thị Đông Phương
304Đen – llttm -tvvn