Sunday, June 28, 2020

Chừng Như Buồn Bỏ Lại - Thuyên Huy


Chừng Như Buồn Bỏ Lại


 
 
 
 









Mình gặp lại một chiều mưa cuối hạ
Hiên nhà người hai đứa đứng bên nhau
Cũng mấy năm chốn cũ giờ chắc lạ
Trời buồn thiu quên rụng lá thu đầu

 
Làng tôi đó rừng cao su Trà Võ
Xóm nhà người sông nước đục Cẫm Giang
Đường đi về ngày xưa không dám ngỏ
Để thương thầm từ đó cứ riêng mang

 
Người bỏ đi một mình tôi ở lại
Lá rừng quen cũng mấy độ thay mùa
Gốc phượng già vẫn già như năm ngoái
Ngày qua ngày trông ngóng chuyến đò trưa

 
Buồn nối buồn ngậm ngùi bờ dốc cũ
Con ngựa đau nặng nhọc chiếc xe gầy
Cũng ngõ về tôi chờ người dưới phố
Chiều qua nhanh bối rối áo thưa bay

 
Phượng từng cánh tím bầm tơi tả rụng
Đường ngoài kia trời cũng đã thôi mưa
Người cúi đầu nón che vành lúng túng
Tôi nhìn theo sầu chẻ sợi đong đưa

Thuyên Huy

Xuân Cảnh - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa


THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 52-VƯỜN THƠ MỚI

 

Cảm tác bài XUÂN CẢNH của vị vua anh minh Trần Nhân Tông, nguyên tác chữ Hán và bản dịch được trích từ trang web trên net.






 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


楊柳花深鳥語遲
畫堂簷影暮雲飛
客來不問人間事
共倚欄杆看翠微


XUÂN CẢNH.

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Trần Nhân Tông

Dịch Nghĩa:

 

CẢNH XUÂN

Trong khóm hoa dương liễu rậm rạp, tiếng chim hót lời chậm rãi,
Dưới bóng hiên nhà trưng bày tranh vẽ, bóng mây chiều lướt bay.
Khách đến chơi không hỏi việc đời,
Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh biếc trên trời.
(Trích saimonthidan.com)

Cảm tác:

 

CẢNH XUÂN

Trên cành dương liễu nắng lung linh,
Chim hót thanh tao giọng hữu tình.
Cánh bướm ngây hương, hoa thắm sắc,
Mây trời trải bóng, gió lay hình.
Chớ đem thế sự khơi niềm tục
Hãy để hồn thơ ngập cảnh xinh.
Vũ trụ bao la người bé mọn,
Lao xao hư ảnh mặt hồ in.

 
Minh Tâm

 
Họa 1:

 

NGŨ HÀNH SƠN

Vỏ trứng Rùa Vàng tánh hiển linh
Dựng lên năm núi chuyện dân tình
Con đường trăm bậc cao thăm thẳm
Cửa động Huyền Không ẩn dáng hình
Vệt nắng xuyên mây soi bóng Phật
Nẻo vào tầm đạo đắp sen xinh
Nước non tạo hóa bày trò vẽ
Trạt trạt ven trời cảnh sắc in.

Chu Hà

 
Họa 2:

 

CẢNH XUÂN

 

Leng keng gió thổi nhạc phong linh
Rặng liễu cành buông sóng gợn tình
Lặng lẽ chim trời kêu réo bạn
Chập chùng mây trắng vẽ thêm hình
Chiều tàn gió bấc hoàng hôn tím
Nắng tắt cô đơn cánh vạc xinh
Đứng ngắm ngoài hiên nhìn núi biếc
Chuyện đời phó mặc khắc như in.

 

Nguyễn Cang

 
Họa 3:

 

XUÂN CẢNH

 
Liễu rũ buông mình tánh Phật linh
Cảnh Xuân chim hót chứa chan tình
Mây chiều bay lướt mau tan biến
Am vắng âm vang khuất bóng hình 

Khách đến chơi việc đời chẳng hỏi 
Thiền sư cùng ngắm cảnh trời xinh 
Lan can đứng tựa đồng im lặng 
Thoát tục tâm thiền bút mực in .

 
Hương Lệ Oanh VA

 
Họa 4:

 

Ý XUÂN

 
Phật pháp chùa vàng hiển phép linh
Ý xuân khoe sắc dệt xuân tình
Đem niềm hoan lạc gieo trần thế
Gởi sự yêu thương tạc dáng hình
Trời đất giao hoà đan lộc biếc
Non sông kết tụ đượm màu xinh
Nhân gian hưởng phúc - gìn tâm thiện.
Đời đẹp an bình chiếu tựa in

 
Kim Trân

Vàm Cỏ Đông - Đoàn Xuân Thu


Vàm Cỏ Đông!
 
 
 

Ðường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho bắt đầu xây năm 1881. Mất khoảng 4 năm, cho tới ngày 20, tháng Bảy, năm 1885, chuyến xe lửa đầu tiên ‘đề pa’ từ ga Bến Thành Sài Gòn hụ còi rầm rầm, khạc lửa ra đàng mồm (vì lực chạy bằng máy hơi nước) về Mỹ Tho.
Tuy nhiên khi vào tới địa phận tỉnh Long An, vì hai con sông Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây, xe lửa phải dừng lại, rồi tách toa xe ra lên Bắc (phà) để qua sông.

Tháng Năm, năm 1886, hãng Eiffel của Pháp bắc cây cầu sắt Bến Lức qua sông Vàm Cỏ Ðông và cây cầu sắt Tân An qua sông Vàm Cỏ Tây. Vậy là xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho chạy thẳng bon không cần phải qua Bắc như trước.
Cầu sắt Tân An dốc rất cao, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước, lực yếu vì chụm củi đun nước trong nồi ‘súp de’ (chaudière) sôi chưa kịp, thành ra có khi nó tuột dốc ngược lại phía sau cả trăm thước.  Sau đó lấy trớn lại, hì hụi ạch đụi tới ba bốn lần mới leo qua được cái cầu. Qua cầu rồi lại đổ dốc ào ào, chạy bon bon. Ngặt cái là ga Tân An lại cách chân cầu không bao xa nên mới có cái vụ: “Xe lửa chạy tới Tân An / Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào”

Từ những năm 1930s, đầu máy xe lửa từ hơi nước chuyển sang dầu ‘diesel’. Sài Gòn đi Mỹ Tho có 72 cây số nhưng có tới 17 ga vừa lớn vừa nhỏ nên xe lửa phải chạy mất 3 tới 4 tiếng đồng hồ, hành khách ngồi ‘ông cái mê’ là ‘ê cái mông’ luôn.
(Tui nhớ hồi nhỏ, khoảng 6, 7 tuổi gì đó, Tía tui thương đám con lóc nhóc của mình ở Mỹ Tho đèn ngọn tỏ ngọn lu nên dắt sắp nhỏ đi Sài Gòn coi đèn ngọn xanh ngọn đỏ. Lên xe lửa, tui đâu có ngồi để ‘ông cái mê’, ‘ê cái mông’ mà đứng nhìn qua khung cửa sổ để thấy một đoàn tàu đi nhả khói hai bên đường. Và cũng để thấy hàng cột mắc dây thép để truyền đi tín hiệu ‘morse’ nó rượt theo tui hoài. Khoái quá chừng hè!)

Ðến ngày Mùng Một, tháng Bảy năm 1958, đường xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho nghỉ chạy, sau hơn 70 năm xình xịch chạy tới chạy lui..
Năm 1968, Mỹ đúc cầu Tân An và Bến Lức mới. Còn hai cây cầu sắt cũ nầy, năm 2004, CS nó tháo dỡ đem đi bán ve chai, đút túi cũng khá bộn tiền.

(Cái gì bán được là tụi nó bán hè. Cả nước nó còn bán được thì nhằm nhè chi hai cây cầu sắt cũ chớ?!)
Sông Vàm Cỏ chỉ dài có 35.5 km, chảy trong địa phận tỉnh Long An, nhưng có đến 3 tên gọi. Ðoạn gần ngã ba Bần Quỳ còn gọi là sông Xá Hương, đoạn giáp với sông Soài Rạp gọi là Vàm Bao Ngược.

Thuộc hệ thống sông Ðồng Nai, bắt nguồn từ Prey Veng bên Campuchia, sông Vàm Cỏ có khoảng hai chi lưu, bề ngang sông tương đối rộng là sông Vàm Cỏ Ðông và sông Vàm Cỏ Tây. Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây bắt tay ‘bông rua’ (bonjour), hợp lưu tại ngã ba Bần Quỳ (Tân Trụ). “Bần gie, bần ngã, bần quỳ. Sống mà chịu cảnh chia ly thêm buồn”
Rồi mới đây có một ông nhà văn quê ngay ở cái đất Long An nói: “Hồi nhỏ học bài trong sách Giáo khoa của VC tức lắm, tức cái khúc này nè: “Ở tận sông Hồng, em có biết. Quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết: Vàm Cỏ Ðông! Ơi Vàm Cỏ Ðông!”

Mắc cái giống gì phải lôi sông Hồng vô làm màu mới có thể nói tới Vàm Cỏ Ðông. Hồng Hà không đẹp, hiền hòa, thùy mị, diễm lệ có bằng sông Vàm Cỏ của tui đâu mà lôi nó vô chớ?
Tui cũng thông cảm với cái bức bối rồi tức tối của ông nhà văn, quê chính tại sông Vàm Cỏ nầy vì: “Quê hương mình đẹp hơn cả!”

Tui bèn lục coi đứa nào cả gan dám làm ông nhà văn nầy giận quá xá như vậy? Thì nó đây rồi. Ðó chính là nhà thơ VC (Cộng sản ở trong Nam) có bút hiệu là Hoài Vũ. Ông ‘ni’ là Tổng biên tập báo Văn nghệ giải phóng của ‘Vi Xi’ (VC) có mần bài thơ tựa là: ‘Nàng Thơm’. Rồi cả bọn thuộc cấp nịnh, xúm lại, áo thụng lạy nhau!
 “Nàng Thơm tên lúa hay tên em? Nghe dịu tâm hồn ngọt gió đêm…”

Kể rằng một cô gái thương một chàng trai nghèo khổ, hằng ngày vất vả lam lũ cấy cày mà vẫn đói rách. Ðêm đêm cô gái lặng lẽ ra ruộng dùng nước mắt của mình nhỏ xuống, mỗi cây lúa một giọt khiến ruộng lúa của chàng xanh tốt trở lại. Lạ kỳ thay, từ lúc trổ bông đến khi thành gạo nấu thành cơm đều rất thơm. Rồi Người ta dùng tên Thơm của cô gái cho giống lúa Nàng Thơm ở Chợ Ðào, quận Cần Ðước, tỉnh Long An.
Dĩ nhiên thơ là hư cấu, là đặt chuyện nói không thành có; có ít xít ra nhiều; tuy nhiên cũng phải tôn trọng sự thực một chút đi. Chớ viết tào lao bí đao, tưởng tượng như tưởng voi, như vầy là coi không có đặng.

Vì ngoài giống lúa Nàng Thơm, gạo nấu cơm ăn nó thơm; còn biết bao nhiêu giống lúa có cả đống tên na ná như: “Nàng Bè, Nàng Co, Nàng Cóc,  Nàng Ếch,  Nàng Gồng, Nàng Quớt… thì viết như vậy quả là trớt quớt!
o O o

Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Ðình Vọng, sinh năm 1935, dân Quảng Ngãi chớ không phải chánh gốc sanh đẻ lớn lên bên dòng sông Vàm Cỏ, tất nhiên là ổng mần thơ rất bá láp bá xàm, nhứt là hai bài: ‘Vàm Cỏ Ðông’ và ‘Anh ở đầu sông em cuối sông’.
“Vàm Cỏ Ðông, ơi hỡi dòng sông. Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng…”

Con sông Vàm Cỏ Ðông có cây cầu Bến Lức bắc qua, tui từng qua lại cả trăm lần, làm cái quái gì có nước xanh biêng biếc bao giờ? Nước nó màu vàng quạch vì chở nặng phù sa nên màu nước như sương sa mình ăn với dầu chuối hồi nhỏ vậy.
Rồi: “Vàm Cỏ Ðông ơi hỡi dòng sông. Có anh du kích dũng cảm kiên cường. Lẩn ánh trăng vàng băng lửa đạn qua sông…”

Dũng cảm nầy là dũng cảm kiểu giành ngu hết ráo không chừa cho ai ngu với.
Trăng vàng là trăng rằm, trăng mười sáu, đêm nhưng trời sáng trưng như ban ngày. Rồi lính nó bắn ào ào toàn lửa đạn mà chú mầy dám lội qua sông là Há Bá rước chú mầy đi ăn đám giỗ.

Chắc hổng có ai dám vạch ra và chỉ rõ cái tầm phào nầy nên ông Hoài Vũ hăng tiết vịt, chơi thêm bài nữa là: “Anh ở đầu sông, em cuối sông!” được Phan Huỳnh Ðiểu (1924- 2015) phổ nhạc.

“Anh ở đầu sông em cuối sông. Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Ðông. Thương nhau đã chín ba mùa lúa. Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông…”
Sau nầy, được bồi bút quốc doanh phỏng vấn, Hoài Vũ cho biết là có em Bảy Nhàn nào đó từ thành thoát ly ra khu đi học mần văn, mần thơ cách mạng. Thấy em hơ hớ xuân thì nên ông thèm nhểu nước miếng bèn ‘chỉ đạo’ rồi ‘chỉ đại’ em Bảy Nhàn nầy. Hoài Vũ mần bài thơ nầy cho em Bảy Nhàn đọc được để hiểu được tấm lòng (thòng) của ‘qua’ đây.

Làm thầy dạy viết văn, mần thơ cách mạng mà đi dê, đi dụ dỗ học trò thì bậy bạ quá!
Cái bố láo, bố lếu thứ hai là ông Hoài Vũ tựa theo ý bài thơ, là nói lịch sự, còn nói ‘trần trắng trợn’ thì ông chôm từ bài ‘Trường Tương Tư’ của Lương Ý Nương (907- 960) bên Tàu:

“Quân tại Tương giang đầu. Ngã tại Tương giang vĩ. Tương tư bất tương kiến, Ðồng ẩm Tương giang thủy”
“Chàng ở đầu sông Tương. Thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau không gặp mặt. Cùng uống nước sông Tương”

Ông ‘thần’ nầy chỉ có cái việc là thay tên sông Tương bằng Vàm Cỏ Ðông (là của nó thành của tao). He he!
Nhưng bài thơ ‘Trường Tương Tư’ của Lương Ý Nương hay hơn nhiều. Hay ở chỗ tựa bài thơ: ‘Tương tư’ là nhớ nhau . Trường là ‘dài’, nên nhớ nhau hoài. Còn con sông tên là Tương Giang, tình như nước của cả một dòng sông là nhớ nhiều quá xá!

Như thế bài thơ: ‘Anh ở đầu sông em cuối sông’ chỉ là một bài thơ cọp dê ý của Tàu Phù, vừa tán gái vừa quánh giặc, (cho đúng đường lối của đảng), thì có hay ho gì mà khoe chớ?
Kết luận: “Thôi đi mấy cha! Dóc vừa vừa phải phải thôi!”

Đoàn Xuân Thu
DXT
Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/phiem/vam-co-dong.baotre

304Đen – Llttm - dsc

Cũng Đành - Dương Nghiễm Mậu


Cũng Đành

 


 

Tôi trốn đơn vị chạy về nằm ở Cố Thổ vào cuối mùa thu cùng với những cơn sốt rét cách nhật. Bà cô tôi thương sót mỗi ngày vào rừng nhặt những lá, rễ cây về nấu cho tôi uống nhưng vô hiệu nên nghĩ đến chuyện trở về Hà Nội. Ngày tôi rời Cố Thổ về Sơn Tây cô tôi gói cho một gói cơm trộn tám phần sắn khô như củi, nhạt nhẽo. Cô tôi dặn về tìm một người quen ở đó giúp đỡ. Về tới nơi họ cũng không giúp đỡ được gì ngoài những bữa cơm sắn ăn với rau tàu bay luộc chấm muối. Những cơn sốt lại hành hạ. Người ta không thể xin được giấy cho tôi. Nghe lời mách của người hàng xóm muốn cho khỏi rét nên nuốt những con run đất. Họ bảo có thể trị sốt rét được. Không còn cách gì hơn, tôi kiếm một con dao cùn và chiếc gáo dừa vỡ đi đào run, những con run dài xanh đỏ ưa nằm chỗ ẩm, tôi cứ việc lật những viên gạch vỡ ở bên vại nước, và đào ở các bờ rãnh hàng bát run mang rửa và nuốt. Những con run còn sống nguyên, bò ngoi đầu lúc nhúc tôi cầm từng vốc bỏ vào miệng cho nó trườn vào cổ họng. Những ngày đầu ghê tởm, nôn mửa qua đi. Những ngày tiếp theo tôi nuốt thản nhiên. Những con run sống ấy vào trong bụng tôi đã nhiều nhưng những côn sốt cách nhật vẫn hành hạ và dữ dội thêm là khác, sức tôi yếu dần thêm nữa.

 Tôi chỉ còn tìm cách nào vào thành may ra kiếm được ký ninh uống.

Không ai dám bảo đảm xin giấy thông hành cho tôi. Tôi vẫn liều ngày ngày ra bến xe trèo lên để vào, nhưng dù ngồi yên chỗ rồi khi hỏi đến giấy không có, chuyến xe lại bỏ tôi lại. Rất nhiều lần như thế, đến khi có xe cho đi thì tôi lại không có một đồng. Hà Nội – Sơn Tây 43 cây số, với những cơn sốt tôi không còn đủ sức để lê về. Mãi sau vì nài nỉ quá có chiếc xe chở củ nâu, với người phu xe thương hại cho tôi đi bằng cách ấn tôi vào giữa những bao củ nâu. Hắn bảo tôi trước là nếu vô phúc bị khám mà lộ ra thì chịu khó mà ở tù đừng oán thán gì. Tôi hơi mỉm cười bảo:

- Thì sao mà cưỡng được...

Khi xếp những bao tải củ nâu lên xe hắn chừa lại một chỗ trống ở giữa cho tôi ngồi vào đấy rồi hắn lấy thêm những bao khác lấp lên trên. Tôi ngồi co rúm không thể cựa quậy, nhúc nhích. Mùi củ nâu, mùi bao tải hôi sì, mùi xăng nhớt như muốn chết ngạt. Giữa trưa xe từ giã tỉnh Sơn vào con đường trở về. Xe chạy nhanh sóc trên những quãng đường gồ ghề, những bao củ nâu bị lắc mạnh cứ dẹp mãi xuống, chung quanh tôi kín bưng chả thấy gì, tôi nghĩ như mình bị bỏ vào quan tài đã đậy ván thiên lại chỉ có điều là tôi còn thở. Cơn sốt lại đến với tôi giữa những quãng đường ấy, chân tay run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau và tôi lả người đi vì mệt mỏi.

Khi tỉnh dậy thì xe đang dừng. Tôi lắng tai nghe tiếng giày đinh lộp cộp, những bao củ nâu bị lay động và có tiếng chọc của một chiếc gậy sắt. Tôi biết là xe đang bị khám, nên hai lần bị gậy sắt thọc vào lưng tôi không dám nhúc nhích và thở mạnh, tôi nghiếng răng, nhắm mắt lại... Những chặng gác thoát dần sự khám xét khiến cho xe về đến bến thì trời đã tối mịt. Bến xe Kim Mã hoang vắng người phụ xe dở bao tải cho tôi chui ra, tôi nghe tiếng chuông xe điện đổ dồn, tôi bước xuống mặt đường chân tay run lẩy bẩy vì đói vì lạnh. Tiếng đầu tiên tôi được nghe là của người phụ xe:

- Tới rồi đấy, có thể đi về nhà được không? Không có giấy thì coi chừng tụi Ba-tui nó nhặt bỏ nhà Tiền đấy.

Tôi cứng cả lưỡi không nói được. Tôi không biết về đâu cho qua đêm để sáng mai có thể đi tìm kiếm, dù tôi chưa biết là sẽ tìm kiếm cái gì. Về nhà. Người phụ xe nhìn tôi ái ngại. Hắn có khuôn mặt đen khắc khổ, đôi gò má cao làm cho hai mắt đen sâu bóng tối. Tôi nói với hắn tình cảnh của tôi, tôi muốn hắn cho tôi nằm ở trên xe cho đến sáng hôm sau. Nhưng hắn từ chối. Hắn nói với tôi một ít điều phân trần không sao có thể giúp tôi được. Tôi cám ơn hắn. Hắn xếp lại mấy bao củ nâu, đóng thùng xe rồi hắn quay lại nhìn tôi. Nghĩ thế nào hắn móc túi dúi cho tôi mấy đồng bạc. Không nói thêm nửa lời hắn trèo lên phía trước xe. Chuyến xe chạy vào con đường có đèn thắp sáng.

Tôi không thể đứng lâu hơn được nên ngã quỵ xuống. Quá mệt tôi phải cố sức bò dần vào một túp lều bỏ không rồi lăn mình xuống đấy. Tôi nằm im một lúc cho hồi tỉnh rồi cố dậy sờ soạng trong bóng tối xem có cái gì có thể ôm vào người được cho đỡ cô đơn, nhưng sờ soạng mãi tôi mới nhận ra có một cái bàn nhỏ và có một cái ghế dài nhỏ. Ðó là đồ dùng của một quán nước, hoặc quà bánh gì đó. Tôi không có gì để ôm vào người. Tôi sờ mặt đất nhớp nháp, vơ những rác rưới ẩm nước hôi hám, những bã mía, lá bánh, giấy vụn. Tôi cố vơ thành một đống rồi rúc mình vào cho đỡ lạnh và êm hơn mặt đất. Muỗi kêu vo ve, những con chuột kêu thành tiếng chui vào đống rác kiếm ăn. Chúng cắn chân mà tôi không muốn cựa, chúng cắn chán lại rúc, lại kêu. Tôi vớ những nắm lá chuối ướt nhép bỏ vào mồm nhai cho đỡ buồn miệng. Tôi nghĩ chắc thịt tôi đã hết máu nên lũ chuột chả thèm ăn, và chắc chúng nó nhiều máu hơn tôi là khác, nghĩ thế tôi há lớn miệng tự nhủ: để chú nào vô phúc rúc vào mình sẽ ngậm miệng lại mà nhai một miếng cho khoái bao tử. Bởi vì nếu có con nào đến gần tôi cũng khó chộp được, chúng khoẻ và nhanh lạ. Lũ chuột rúc mãi chắc cũng chả kiếm được gì nên bỏ đi dần cho tôi nằm một mình nghe tiếng muỗi kêu vo ve.

Mãi tôi cảm thấy như có một con vật nào đó rất kỳ dị, to lớn tiến đến ôm choàng lấy tôi, tôi bị nghẹt thở không kêu được, thân thể cứng đờ rồi thiếp dần đi...

Tôi thức dậy khi trời đã sáng rõ, bụng đói cồn cào, chân tay rời rã, nhưng đầu óc tỉnh táo kỳ lạ. Tôi nằm im cho mãi đến khi có một người đàn bà bước vào lều. Khi bà ta đưa mắt nhìn đến đống rác thì kêu thét lên. Tôi ngọ ngoạy rồi chui đầu ra. Chắc hẳn người đàn bà tưởng tôi là một con vật, như con chó ốm ghẻ lở nào đấy. Khi thấy cả thân hình tôi ngồi dậy được thì trên khuôn mặt bà ta hiện ra nhiều nét ngạc nhiên đầy kinh dị:

- Trời ơi tao tưởng mày là xác chết rồi chứ... thế mà đêm lính nó không nhặt đi...

Tôi trở ra ngoài vươn vai, thở mạnh, phủi những rác rưởi bám trên quần áo, mắt tôi kèm nhèm. Tôi nhổ một chút nước bọt ra bàn tay rồi chét vào mắt mà dụi cho tỉnh táo. Những chuyến xe không, bắt đầu vào bến nằm. Mặt đường nhựa rét cứng. Mùa đông vào thành phố, vẻ buồn thảm càng nhiều. Người đàn bà dọn quán. Bà ta bán bún riêu, bánh đúc. Sau khi bầy bát đĩa, tôi ngồi vào tấm ghế dài, kẹp tay vào giữa hai bắp đùi rồi nói với bà ta:

- Cho một bát bánh đúc.

Người đàn bà mãi mới nhìn lên dò xét, tôi biết bà ta đang nghĩ gì:

- Này người ta chưa bán mở hàng đâu đấy. Có tiền không mà ăn?

Tôi moi mấy đồng bạc của người phụ xe cho mà để lên bàn, tôi lên giọng chững chạc:

- Cho hai đồng thôi...

Hai bát bánh đúc chan canh riêu nóng hổi vừa ăn vừa thổi làm tôi tỉnh táo. Tôi ngốn rau chuối như lợn cốt đầy dạ dày. Tôi ăn thật nhiều ớt cho tê cả miệng và ràn rụa nước mắt.

Nghĩ đến chuyện bị hỏi giấy, tôi đi vào phố xá lén lút như một kẻ ăn cắp, như chú cừu đang lạc vào bầy sói tôi đang lẩn thân bên những xác ma chập chờn lẩn quất. Trông người nào tôi cũng thấy họ hung ác ngay cả những đứa trẻ con cũng vậy và lúc nào tôi cũng tưởng họ sắp thộp lấy gáy mình hỏi lăng nhăng rồi bỏ vào nhà tù cho đông đảo thêm.

Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là trở về nơi bãi Phúc Xá xem nhà cũ thế nào. Thành phố xa lạ một cách không ngờ. Những dấu vết chiến tranh đang được cố gắng lấp đầy để quên lãng. Tôi đứng ở đầu nhà máy đèn, nhìn xuống bãi Phúc Xá vắng tanh chơ vơ vài bức tường đứng cô đơn. Cầu Long Biên xám đứng đằng xa. Tôi không dám lần xuống bãi. Tôi cố nghĩ xem, quen ai, tìm ai, ở đâu, ăn gì, uống gì. Tôi ngồi ở vỉa hè nhìn nền trời xám.

Tôi đi men theo nhà Ideo lên phiá Yên Phụ. Những rặng cây trút lá chạy dài. Những tên lính Tây la thét cười cợt hát hổng ở phía trong bức tường cao. Tôi thấy chúng vứt những ống bơ ra theo lối cửa sổ. Tôi đến những đống rác ấy bới móc nhặt những chút vỏ bánh mì đen thui ấn vào mồm mà nhai mà nuốt. Tôi bới hết đống này đến đống khác. Tôi vét vào mồm từng chút cặn thịt hộp đã thiu thối, từng chút đầu hay đuôi cá tanh lợm còn sót lại trong những chiếc ống bơ. Tôi nhặt cả từng miếng bánh mặn nhỏ ấn vào hai túi áo. Ði bới hết những đống rác tôi ngồi nhai những mẩu bánh, khi cổ khô vì khát tôi tìm một cái máy nước áp mặt vào nốc.

Tôi đi lang thang lẩn lút từ phố này sang phố khác. Chen vào đám đông nhìn vào từng khuôn mặt xem có ai quen không. Nhưng suốt buổi tôi không tìm kiếm được gì.

Ðến buổi trưa tôi theo đường tàu điện ra tận Giám, ngồi trong Văn Miếu bên những bia đá, nhà đổ, gạch ngói và cỏ hoang buồn buồn tôi lộn hai túi áo ra nhặt nốt những vụn bánh còn sót lại bỏ vào mồm. Ngồi chán leo lên bức tường đổ ra chợ Con Bò. Ðang thơ thẩn bỗng nghe tiếng cười hỏi giật:

- Kìa cậu Kha, cậu mới hồi cư à? Ông bà ở đâu?... Cháu vẫn để ý tìm mà không gặp – may quá...
nhà cháu ấy... Tôi ngạc nhiên phủi áo rồi nhìn vào mặt người đàn ông một lúc. Tôi không nhận ra ai. Thấy tôi im lặng, người đàn ông lại nói tiếp:

- Cháu đây mà – cả Mạnh hồi xưa trông cửa hàng cho ông bà nhà...
Bây giờ thì tôi đã có người quen rồi cho dù tôi không nhận ra ai.

- Tôi nhớ, chết thật lâu ngày... tôi cũng đang đi kiếm...
- Thế ông bà nhà?
- Có mình tôi thôi... thầy đẻ tôi... Tôi đang đi tìm một chỗ ở.
- Thế ra có một mình cậu.
- Vâng...
- Thật rõ...
- Tôi muốn có một chỗ ở tạm – nhà bác?
Người đàn ông lưỡng lự. Bác ta vào độ 40 tuổi, mặt già nua đen sạm, những vết nhăn chằng chịt trên trán. Một con mắt bị tật để lộ ra một mí đỏ lòm và ít râu thưa mọc lởm chởm trên mép.
- Cho tôi ở tạm thôi...
- Nhà cháu cũng không có chỗ tử tế. Sợ cậu ở không được.
- Vẽ ra, đến có ổ chuột mà rúc vào cũng hay rồi đấy, loạn mà bác?
Sau cùng – bác Mạnh – bây giờ tôi có thể nhớ được tên bác – đưa tôi về ngõ Thông Phong ở tận mãi chỗ Ô Chợ Dừa nơi con đường Hàng Bột. Vừa vào đầu ngõ đã phải đi qua một xưởng thuộc da hôi thối và những ruộng muống tanh lợm mùi bùn. Bác Mạnh làm nghề thổi thông phong cho một xưởng nhỏ ở luôn tại đó làm người gác nữa. Bác có một chỗ ở bằng ba chiếc chiếu ngánh bằng mấy tấm tôn vào cái lò nấu thủy tinh. Trong nhà chỉ có một cái gường tre độc nhất là chỗ ăn, chỗ ngồi chơi hút thuốc lào và chỗ ngủ cho hai vợ chồng và một đứa con gái hai tuổi gầy teo. Tiếng nó khóc như tiếng mèo kêu nhưng cũng nhờ tiếng khóc đó tôi biết nó còn sống.
Tôi nói tình cảnh tôi cho bác Mạnh nghe. Bác tỏ vẻ ái ngại về chuyện vật đổi sao dời làm tôi khó chịu. Tôi nhờ bác xin cho một việc làm ngay ở xưởng. Ở đây người ta mua những mảnh vụn chai, kính vỡ về nấu rồi thổi thông phong, những ve chai nhỏ để đóng thuốc cho mấy tiệm thuốc bắc. Tôi không biết thổi nên nhận một chân đốt lò, khuân thủy tinh, quét dọn. Buổi tối tôi giải chiếu ngay nơi cửa lò – chỗ làm việc của bọn thợ ban ngày mà ngủ cho ấm.

Bây giờ thì tôi đỡ lo là chưa chết ngay. Mùa đông kéo dài những ngày rét mướt. Tôi vay tiền mua hai cái bao tải tối đến chui vào đó. Với những ngày làm việc mệt nhọc những cơn sốt vẫn trở lại với tôi. Tôi lãnh tiền công chỉ trả tiền cơm cho bác Mạnh và mua thuốc ký-ninh vàng về uống hoài. Uống mãi những cơn sốt lui dần thì tôi hoá ra nghễnh ngãng, ù tai nghe không rõ. Người ta sai bảo tôi chẳng nghe được, người chủ đuổi tôi không cho làm vì không thể mượn một người điếc. Tôi buồn sao không điếc hẳn mà lại còn đủ sức để nghe tiếng quát tháo. Theo lời khuyên của bác Mạnh. Tôi đeo lên vai một cái giỏ rách, với một cái móc sắt đi theo những người móc rác đi nhặt mảnh chai, kính vỡ, vụn sắt về bán.
Tôi tìm ra bãi đổ rác, bới những đống hôi thối, nhặt chai, kính... từng chút sắt vụn, vỏ cam, rẻ rách. Khi chiều về lọc ra từng thứ bán cho bà Cả Ới. Bà ta chuyên mua lại của những người đi nhặt rồi bán cân cho xưởng thổi phong long, cho lò đúc, rẻ rách bán cho dân Bưởi làm giấy cho xưởng ô-tô làm rẻ lau. Vỏ cam vỏ quýt cho tiệm bào chế và cả lông vịt lông gà...
Tôi kiếm đủ ăn, tối về ngủ ở chỗ bác Mạnh như một con chó vô chủ.
Tôi bới chán ở đống rác lại đi tìm bới ở những căn nhà đổ nát chưa có chủ về. Tôi nghĩ đến nhà tôi, và những thứ còn lại ở đấy chắc chưa ai nhặt nên muốn mò về. Một bữa tôi lên đê Yên Phụ nhìn sang bãi Phúc Xá với ý nghĩ ấy nhưng rồi không dám qua. Tôi đi dọc bờ sông lên chỗ xưởng dép cao-su Con Hổ chen vào một đám đông đảo tụ lại ở chân đê.

Tôi thấy người ta đang đào một cái hố lớn, họ đào sâu và vứt lên vô kể những mảnh chai sắt vụn mà không ai nhặt thì mừng quá. Tôi nhặt lại từng đống rồi thuê xe ba gác chở về. Tôi vớ được một món bất ngờ. Tôi không hiểu họ đào gì mà chốc có người lại cúi xuống nhặt lên một mẩu xương, khi to khi nhỏ rồi xem xét, truyền tay nhau. Khi thì xương bò, khi thì xương lợn, khi xương gà, xương chó... Khi biết thế họ lại vứt đi và đào nữa – Sau tôi mới biết họ tìm xương người. Toán người ở đó được một nhà giàu ở đây thuê đào tìm xương của ông bố chết hồi chạy loạn mà người đó nghi là chết ở tăng-xê nơi chỗ này. Bởi thế nên mỗi khi gặp một chút xương họ phải xem có phải là xương người không, nhưng mỗi lần họ đều thất vọng, đào mãi cũng không thấy gì. Ngày thứ hai họ có ý thôi, tôi nghĩ đến sắt vụn mảnh chai nên bảo:

- Tăng-xê này sâu lắm, ở dưới nữa kia. Ðào chưa tới đâu. Thấy nói vậy họ tưởng tôi biết nên xúm lại hỏi, yên trí tôi biết. Tôi bảo chính hồi Nhật thả bom tôi đã chui vào đây và có lẽ mẹ tôi cũng bị chôn ở đây nữa. Họ tiếp tục đào và cho tôi kiếm ăn. Nhưng lẽ dĩ nhiên họ không tìm ra một chút xương người nào. Khi họ yên trí bảo chắc ông cụ không chết ở đây. Tôi vỗ tay vào trán như mới nhớ ra: - À, nhưng chỗ này có những hai cái tăng-xê cơ – hay ông cụ chui ở cái đằng này...

Tôi chỉ cho họ chỗ cách đó độ năm thước, tôi quả quyết còn một cái nữa – và họ tiếp tục đào cho tôi nhặt mảnh chai, sắt vụn. Tôi nghĩ giá hồi xưa biết vậy tôi chết quách chỗ này cho bây giờ họ nhặt lấy xương mà làm ma, làm chay và cho là bố họ có hơn không. Rồi đào mãi họ cũng bỏ. Tôi nghiêm nét mặt rồi nói lớn:

- Sao không đào cái đống thịt thối này của tao mà lấy đầu lâu và xương cốt...

Lũ người bảo tôi là thằng điên họ tức bực muốn dần cho chết. Có một đứa bông lơn cho cả lũ cười.
- Ðến vứt cái xác mày cho chó nó cũng chả gặm nữa là xương cốt...
Tôi cất tiếng cười lớn theo đám đông xúm quanh làm họ thôi cười.
Số tiền kiếm được làm tôi phè phỡn. Một bữa tối tôi qua phố Hàng Buồm mua hai con gà luộc sẵn về cho vợ chồng bác Mạnh một con, còn một con tôi ngồi xé ra ngoạm.

Tôi đang ăn thì có đứa con gái đứng ở cửa nhìn vào. Tự nhiên tôi nói lớn:
- Có ăn thì vào cho miếng chứ nhìn gì?

Nó vào ngồi ở bên cạnh rất thản nhiên. Tôi nghĩ chắc nó cũng sống như tôi – thật tội nghiệp. Tôi nhìn vào mặt nó. Nó cũng chỉ độ tuổi tôi. Tóc uốn quăn môi son và mặt chát phấn. Nó mặc quần áo trắng. Nó ăn hết rồi ngồi mút mười đầu ngón tay còn vẻ thèm nhạt. Tôi hỏi:
- Ở đâu?
- Trong ngõ
- Có nhà à?
- Có
- Hạnh phúc, hạnh phúc.
- Còn anh?

Nó nói tiếng anh ngọt sớt. Tôi vứt bỏ mẩu xương cuối cùng rồi co vạt áo lên chùi mồm.
- Không có gì cả... không có gì cả mà...
- Về ở với em...

Nó lại xưng em. Tối hôm đó tôi theo về nhà nó – một gian nhà lá mãi trong cuối ngõ. Nó chỉ cho tôi nằm ở một cái chõng con và vứt cho tôi một cái chăn đơn. Nó ngủ ở một cái gường có màn buông và hai cái gối. Lần đầu tiên tôi được một chút êm ấm. Ðêm nó thắp đèn kể chuyện tâm sự cho tôi nghe. Nó chả có cha mẹ gì và nó làm nghề kiếm khách. Tôi về ở đó ngày ngày đi móc rác, đêm về ngủ. Nó thì ban ngày ngủ, đêm đến mặc quần áo, đánh phấn chải đầu rồi đi kiếm mối đem về nhà. Chúng nó cởi truồng ra đùa rỡn với nhau chán rồi ôm nhau lên giường ngủ như không có tôi. Những ngày mùa đông rét mướt kéo dài mãi nền trời xám và mưa đêm. Những ngày không có khách nó co tôi sang ngủ chung cho ấm. Có đêm cơn sốt rét lên nó thấy tôi run như sắp chết thì hoảng sợ.
- Ê chết sao mà rãy dữ vậy?
- Không.
- Ðừng rỡn, chết làm sao ta chôn.
- Thì cứ vứt ra đường là xong
- Vứt sao được...
- Ðùa chứ chết gì, ôm cho chặt vào thì không chết đâu, khỉ.

Nó cởi hết quần áo tôi ra mà đùa rỡn coi tôi như một khúc gỗ. Ðêm nào nó cũng cần ôm lấy một thân thể mới ngủ được. Tôi là một cái thân thể để cho nó đắp vào những đêm không có khách. Có đêm tôi lên cơn rét, thân thể hoàn toàn bất lực, nó cố vác bỏ tôi sang chõng rồi ngồi chờ thằng tầm quất đi qua. Thằng tầm quất tới nó gọi vào rồi đóng cửa lại, nó bảo đấm bóp chán rồi ôm lấy. Thằng tầm quất không cưỡng lại được, sáng hôm sau như lả đi. Nó bảo tôi giúp sức kéo bỏ ra ngoài đường. Ðến một hôm có một gã đàn ông khoẻ mạnh đến rồi ở luôn lại. Tôi nằm một mình buồn tủi. Rồi đứa con gái bảo tôi:

- Em sắp lấy chồng.
- Gã đó?
- Chứ sao.
Tôi buồn rầu bảo:
- Lấy anh đi... tương lai mà...

Nó bĩu môi rồi tát vào mặt tôi một cái mà bảo:
- Ứ ừ... để rồi tao đi móc rác với mày à – Rồi con cái – rồi tuổi già?...
- Ðồ khỉ – Lại còn con cái? Lại còn tuổi già? Rồi sống được đến già à?

Tôi ôm lấy nó như chưa ôm bao giờ.

- Ðừng lấy gã đó. Ở với anh...

Mấy ngày sau chúng nó tống tôi đi với mấy chục bạc. Tôi ngày ngày đi móc rác, chiều đến mò vào Văn Miếu nằm. Ðêm đêm sờ soạng những bia đá, những gạch ngói nằm im mà thấy tủi thân. Ôm vào lòng cũng chỉ thấy cứng ngắc. Buổi sáng thức dậy soi mặt xuống làn nước hồ nghe tiếng quạ kêu trên những ngọn cây khô già cỗi.

Ðến một khuya kia tôi thức dậy vì ánh sáng đèn bin soi vào mặt. Tôi mở mắt nhìn tụi lính chĩa súng vào người. Chúng hỏi giấy tờ tôi không có gì nên bị điệu về bót. Chúng giam tôi đến sáng hôm sau mới dẫn lên hỏi:

- Tên gì?
- Con tên Kha.
- Thẻ căn cước?
- Con mới vào nên chưa có.
- Ở đâu?
- Con ở ngõ Thông Phong
- Số nhà?
- Con quên.
- Với ai?
- Với vợ con.

Chúng bắt tôi dẫn về ngõ Thông Phong, tôi đưa vào nhà đứa con gái. Tôi chỉ vào nó mà bảo với tụi lính:

- Vợ con đây.

Tụi lính cất tiếng hỏi:
- Có phải bà là vợ nó không?
- Không, tôi có chồng.
- Bà biết nó không?
- Không – tôi không biết nó là ai cả.
- Nó là vợ tôi mà...
- Này thằng kia – mày trông rõ xem tao ngủ với mày bao giờ...

Tôi thấy yêu đứa con gái vô cùng. Tụi lính đánh tôi túi bụi.
- Khai láo, khai láo... quân lưu manh... đánh cho chết đi...

Ðêm chúng đem tôi về nhận vào bể nước rồi đánh nữa. Khi tôi ngất đi chúng lại phun nước cho tỉnh dậy và tiếp tục đánh như nhồi một trái banh – rồi chúng lại bắt tôi cung khai. Tôi không còn biết mình nói gì:
- Mày mới ở ngoài vào phải không?
- Vâng... dạ
- Ðịnh phá hoại phải không?
- Dạ vâng...
- Với ai, tổ chức nào?
- Vâng...
- Ai?
- Dạ...
- Ai?
- Nguyễn-mạnh-Kha...
- Ở đâu?
- Số bảy, tám, chín Hàng Khay.
- Ðúng không?
- Nó cho ở...

Tụi lính lại dẫn tôi đi, tới nơi tôi vừa tỉnh để bảo:
- Không, tôi nhầm. Tôi là Nguyễn-mạnh-Kha.

Tôi khai lung tung, bạ gì nói nấy. Chúng đánh chán tay rồi giam tôi vào buồng tối như một con chó cho muỗi nó đốt. Chúng tra khảo tôi mãi cũng chán nên giam tôi lại cùng với những người khác, mỗi ngày ném cho một nắm cơm. Có một ngày lũ người bị giam được tập trung vào một khoảng sân ngó thấy nền trời. Tay bị xích lại. Hôm đó có một viên cố đạo bảo là đến làm phép lành cho lũ tù. Hắn nói những điều tôi chưa hề nghe bao giờ như: yêu mến chúa, thiên đường, địa ngục, cứu rỗi, tội lỗi, xám hối, quỷ quái, thánh thần, yêu thương, huynh đệ... Lũ lính vác súng bắt lũ tù ngồi yên nghe.

Viên cố đạo làm dấu nhìn chúng bị đánh đập. Nhưng tôi còn đủ sức chửi bới và văng tục. Tụi lính lại tra khảo tôi mà không chịu buông tha:

- Mày tên gì?
- Con khỉ
- Ở đâu?
- Con khỉ... cởi truồng...
- Cha mẹ mày tên gì?
- Ai?...
- Cha mẹ mày?

Khi nghe rõ đến hai tiếng cha mẹ thì tôi khóc rống lên chúng tiếp tục đánh đập tôi nữa:
- Mày tên gì?
- ... thịt thối...
- Ở đâu?
- Viên cố đạo
- Cha mẹ mày tên gì?
- A ha!... A ha!...

Ðến một đêm tối lũ lính dồn tôi lên một chiếc xe bọc kín mang tới một cánh đồng cùng mấy đứa nữa. Chúng bắt đào hố. Tôi biết là sắp được tự chôn mình. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách, xong chúng bắt quay mặt vào hố. Tôi nhớ đến câu hỏi, và tự nhắc.

- Cha mẹ mày tên gì?

 
Dương Nghiễm Mậu
1958