Wednesday, July 31, 2019

Em Vịt Vàng Nhỏ Của Tôi Ơi - Kiệt Tấn


Em Vịt vàng nhỏ của tôi ơi!
 
 




 

Má ơi con vịt chết chìm
Thò tay vớt nó con cá lìm kìm rỉa tay

Ca Dao

Lép kép! Lép kép! Con vịt con thò chiếc mỏ vàng nhỏ xinh xắn rỉa mấy hột cơm tôi vừa mớm ra cho nó ở miệng. Nó ngước lên nuốt mấy hột cơm, chiếc cổ nhỏ xíu ngửng lên trời ngửa ra sau, xong nó dương đôi mắt khù khờ ngó tôi kêu lép kép chờ đợi. Tôi đưa vịt con cạ cạ lông nhung mịn của nó lên má mình, lòng rạt rào sung sướng, thương quá là thương! Tôi sáu tuổi, con vịt con vừa nở được năm ngày. Nó đưa chiếc mỏ rỉa trong vành tai tôi nhột nhột khiến tôi rụt đầu ngoẻo cổ qua một bên. Vậy mà đã ghê. Vịt con thủ thỉ chuyện trò với tôi, lép kép! lép kep!... Chỉ có một mình tôi hiểu được em tôi muốn nói gì.

Tôi mở tay ra. Con vịt nhỏ nằm gọn lỏn trong hai bàn tay tôi, ngoan ngoãn, lép kép! lép kép! Toàn thân con vịt màu vàng, lông tơ mịn màng non nớt thơm tho, mỏ và chân hơi ửng màu cam, trên mỏ có chấm hai lỗ thở nhỏ xíu, mắt tròn vo đen lay láy, ngây thơ ngờ nghệch. Lép kép! lép kép! Tôi lại mớm cho nó mấy hột cơm. Tôi dặn nó kêu nho nhỏ, sợ má nó nghe được chạy tới đòi lại. Má nó là con vịt xiêm mái cồ đã đẻ nhiều lứa, giữ con thiệt hay nhưng cũng rất dữ tợn, ba tôi gọi con vịt mẹ này là con vịt Mẫu Hậu. Có lần tôi bắt con nó để giỡn chơi bị nó bay đáp lên đầu vừa quào vừa mổ chảy máu, tôi la khóc chói lói và cũng kể từ đó tôi sợ nó lắm.

Vì vậy lần này tôi lén bắt con vịt vàng nhỏ trốn ra góc hè, ngồi dựa vách lá chỗ khuất để được tha hò mà tưng tiu trững giỡn với nó. Mà nói cho ngay, con vịt vàng này là của tôi chớ không phải là con ruột của con Mẫu Hậu. Cách đây đâu chừng ba tuần lễ, má tôi biểu tôi ra đồng lùa vịt. Tình cờ tôi lượm được một trứng của con vịt mái nào đó đẻ rớt. Tôi đem về lấy mực làm dấu rồi lén bỏ vô ổ cho con Mẫu Hậu ấp chung với mấy trứng khác cùng chạng. Vịt xiêm biết ấp trứng, còn vịt ta thì không biết. Chừng nở ra mấy con vịt kia đều cùng một họ Xiêm lớn con màu xám có hai chấm vàng trên cánh, chỉ có trứng vịt làm dấu của tôi là nở ra con vịt nhỏ nhứt vàng lườm vô cùng xinh xắn. Nhưng con Mẫu Hậu không kì thị chủng tộc một chút nào, con nào cũng là con của nó hết, tôi rớ tới con vịt vàng là bị nó xòe cánh mổ liền. Còn giống vịt cũng ngộ lắm, khi nở ra là theo riết người mẹ mà nó ngó thấy trước tiên lúc mở mắt. Bởi vậy nên mới có cái cảnh mẹ gà con vịt chít chiu, khi lũ vịt con chạy ùa xuống nước bơi lội thì mẹ gà chỉ còn nước đứng trên bờ gọi khan cả tiếng … rồi rút khăn mù-xoa ra mà lau lệ.

Trước khi xảy ra vụ Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương và phong trào Việt Minh nổi dậy, gia đình tôi sống tại châu thành Bạc Liêu, ba và anh Hai tôi chung sức tạo dựng được một trại mộc nhỏ. Khi giặc giã tràn tới, gió bụi nổi lên tơi bời, anh Hai và anh Ba tôi theo kháng chiến chống Tây, còn ba tôi thì đóng tam bản chở gia đình đi tản cư. Sua hơn một năm lang bạt kỳ hồ, muỗi cắn đỉa đeo, kẻ đau gan người mang bịnh thũng, chúng tôi chịu đời không thấu nên hồi cư.

Về thành, trại mộc đã mất, ba tôi bèn biệt kinh kỳ tấp về Xóm Mới ở ngoại ô Bạc Liêu làm lại cuộc đời. Chúng tôi ở nhà mướn, ba tôi cất một trại mộc mới nhỏ hơn, cùng với anh Hai và chú Chín câm điếc của tôi bào đục, tự lực cánh sinh. Còn má tôi thì nuôi thêm gà vịt đắp đỗi. Má tôi vốn người quê mùa miệt Cờ Đỏ nên cũng ham nuôi heo nuôi gà nuôi vịt lắm. Tôi cũng ham không kém vì lần nào có một lứa gà hay vịt nở, má tôi đều cho tôi tự ý lựa chọn một con làm bạn riêng và tha hồ cho tôi tưng tiu chăm sóc nó. Vì vậy, khi trứng bắt đầu khẻ mỏ, tôi cứ túc trực canh chừng bên ổ, mặc tình cho mấy con mạt gà (một loại giống như bồ mắt) từ gà mẹ hay từ ổ bay ra chun vô áo mà cắn, ngứa ngáy gãi sướt cả da. Tôi gàn lì ở lại giúp cho gà con và vịt con khẻ mỏ gấp gấp và chun ra khỏi vỏ mau mau. Mỗi bận một con nở ra là mỗi bận tôi reo mừng và thú vị hết sức.

Cùng lứa với con Mẫu Hậu là con vịt xiêm đực, hỗn danh Đại Bàng, tên này cũng do ba tôi đặt. Con Đại Bàng mắc chứng cuồng dâm nên vịt xiêm, vịt ta, vịt lớn hay vịt nhỏ gì đều cũng bị nó đạp mái ráo trọi. Cả gà ngỗng cũng bị nó hiếp dâm luôn. Gà mái bị đã đành, gà trống cũng bị như thường. Gặp nhầm gà nòi đá độ, anh chàng bị phang cho mấy cựa đổ máu giạt ra mà rồi cũng bị Đại Bàng đáp đại lên lưng mổ cắn trì kéo lỗ tai heo và vặn vẹo cái đuôi vịt, không biết ý gì. Bận khác, bà chủ nhà của tôi ra ngồi ở bãi cỏ khuất mà giải thủy, tưởng đã yên chí, ai dè Đại Bàng nằm vùng ở đó tự lúc nào bèn đưa mỏ cứng ướm thử cái bàn ngồi của bà chủ một phát. Bà la chói lói và chạy vô mắng vốn má tôi bà bị con vịt phải gió của nhà tôi nó rỉa. Ba tôi che miệng cười khúc khích nói nhỏ với anh Hai tôi: “Gặp tao tao cũng rỉa nữa … huống hồ là con vịt!”

Mãi về sau này, dung rủi lần nọ khi đã tàn cuộc truy hoan trên mương lộ trước nhà, Đại Bàng còn hứng chí vỗ cánh phùng xòe bản Hành dâm khúc mà quên thu hồi báu kiếm, xảy đâu có chàng cá lóc lội ngang nhác thấy tưởng là mồi bở trồi lên đớp mất. Thế là … tàn đời bạo chúa! Nhưng Bạo chúa không chịu băng hà, cho nên mới chết dân lành. Vì khi bị dâm hành mà đạp mái không được, Đại Bàng nổi điên vỗ cánh bay lên ngọn cây rượt theo mấy con quạ và chim tu hú mà cắn mà mổ. Rồi một chiều mưa gió nọ, Đại Bàng đã lướt gió tung mây vĩnh viễn ra đi, vịt cồ nhất khứ bất phục phản (hay là bạo chúa đã xuống tóc đi tu?). Kể từ đó thanh bình mới thực sự được vãn hồi cho gà vịt heo ngỗng (và bà chủ nhà) trong Xóm Mới hiền hòa của tôi.

Nhưng đối với bà chủ nhà, tôi chỉ nể mà không ghét. Ghét là tôi ghét cậu em trai của bà chủ. Cậu này là bợm nhậu mút mùa, chó vàng chó vện gì mập mập mà lảng vảng trước mắt cậu là kể như tới số. Cậu đi đâu chó trong xóm hùa ra sủa vang rân tới đó. Thỉnh thoảng thiếu mồi, cậu lại ghé qua chuồng gà chuồng vịt của nhà tôi mà dòm dèm. Tuần trước cậu lại ghé nhà tôi mượn đỡ con gà, nói là để đưa ông táo về trời trong dịp cuối năm, Tết nhứt tới rồi. Về mặt lý thuyết, tôi chẳng có gì chống đối. Nhưng trên thực tế, ác thay cậu lại nhè chọn con gà giò mà má tôi đã cho tôi chọn bạn từ hồi mới nở, tôi chăm sóc rất kỹ, cứ ôm ấp hoài và cho ăn thêm nên nó mập bự hơn mấy con khác cùng bầy. Như vậy mới đổ nợ. Khi cậu chỉ tay chọn con gà ruột của mình, mặt tôi vụt xanh dờn bí xị và mếu khóc. Má tôi ôm tôi vào lòng và năn nỉ cậu chọn con gà khác mà cậu nhứt định không nghe, đã vậy còn lên mặt giận hăm he đuổi nhà. Khi cậu thò tay ẵm con gà giò của mình, tôi lăn ra khóc sướt mướt. Má tôi cũng sụt sịt và hết sức dỗ dành tôi. Má tôi hứa khi vịt nở, má tôi sẽ đền cho tôi con khác. Tuy vậy, tôi cũng tỉ tê cả buổi trời.

Rồi buổi chiều hôm đó, tôi lén má ra sau hè nhà bà chủ lượm nắm lông tàn của con gà ruột của mình, đoạn giấu đem ra ruộng phía bên kia mương lộ mà chôn cất gần giếng nước. Bên bờ giếng, tôi dành một khoảng đất nhỏ để chôn cất mấy con vật đã cùng tôi bầu bạn một thời: chim sáo, cá lia thia, dế than, trâu đất, cu cườm… Tôi không chơi đá cá đá dế. Cá và dế của mấy thằng lỏi trong xóm cho đá với nhau tới lúc trầy vi tróc vẩy, sứt càng gãy gọng ngất ngư hết mới chịu quăng ra. Tôi lượm về rán lấy nước muối và đất sét chập chộ cho tỉnh hồn. Mấy thương binh gượng sống ngắc ngoải thêm được ít bữa mới chịu nhắm mắt lìa đời. Tôi khóc lóc và đem đi chôn ở nghĩa địa riêng của mình bên kia bờ giếng.

Mà khi tôi khóc, mấy thằng nhỏ trong xóm bèn xúm lại kêu ngạo tôi. Hồi đó, lúc khóc chắc là tôi xấu lắm. Lúc năm sáu tuổi, răng tôi bị siết ăn đensì rụng sát nướu, chỉ còn trơ lại hai chiếc răng chó ở hàm trên, cũng đã bị ăn khuyết mòn xung quanh. Hết răng thì móm, dĩ nhiên. Vì vậy, khi tôi nhăn nướu đen siết ra khóc, tụi lỏi xúm lại nhạo tôi, “bà già móm tóm lưỡi câu, ông già râu câu cá chốt”, hoặc ác hơn “sún răng bắt cầu chía ỏ” (xin đừng nói lái mà chết cái duyên thằng nhỏ).

Sau khi cạy mô đất nẻ và vùi chôn nắm lông tàn bên dưới, tôi lại ngồi bẹp một bên mà thút thít ngậm ngùi chứa chan lệ đẫm. Sắm sanh nếp tử sa châu, Vùi nông một nấm mặc dù cỏ hoa, trải bao thỏ lặn ác tà … Tỉ tê như vậy không biết bao lâu. Tới khi nghe tiếng má kiếm và kêu tên mình từ phía bên kia mương lộ “Kiệt ơi! Kiệt à!” tôi mới giựt mình ngơ ngác. Tôi quẹt nước mắt đứng dậy đi trở ra mương lộ, rồi leo qua chiếc cầu khỉ trở về nhà.

Trời gần Tết, gió hiu hiu lạnh…

Hai bữa sau ổ vịt xiêm nở ra được mười một con, trong đó có Em vịt vàng nhỏ của tôi. Đối với tấm lòng thơ ấu của tôi, vịt vàng là đứa con rơi, mồ côi mồ cút, con Mẫu Hậu là má nuôi của nó, còn tôi là anh ruột của nó. Vịt vàng em tôi đã tới kịp thời xoa dịu lòng đau khổ của anh mình và lấp được chỗ trống trải trong con tim ấu thời do con gà bạn thân vừa chết đi để lại. Nhưng vịt vàng còn quá nhỏ, chưa truyền được hơi ấm như những lần tôi luồn tay dưới bụng con gà giò ngày xưa mà ôm vào lòng yêu ấp. Tuy nhiên, tiếng thủ thỉ lép kép! lép kép! ngây thơ của nó cũng chở được vào tâm hồn đứa nhỏ sáu tuổi biết bao là hạnh phúc tuyệt vời!

Vịt vàng lại đưa chiếc mỏ nhỏ xíu rỉa mấy hột cơm giữa hàng răng sún của tôi. Bỗng trên thinh không Ầm!!! một tiếng long trời lở đất, tôi giựt bắn người hết hồn, con vịt vàng cũng la chét lên một tiếng thất kinh. Ầm!!! Ầm!!! hai tiếng nổ long trời khác tiếp theo liền, trên đầu đạn bay véo véo. Tôi còn đang chới với thì vịt vàng đã sút khỏi tay tôi rớt xuống đất lăn cù rồi đứng dậy chét! chét! chét! chét! gọi má thất thanh, bỏ chạy. Con Mẫu Hậu nghe con kêu cứu cũng lên tiếng đáp ứng và từ xa chạy tới. Vịt vàng mừng quá nhào vô quấn lấy cẳng má mình ẩn núp. Cảnh tượng trước mắt gợi lại trong trí tôi cái Tết năm ngoái trên đường tản cư, khi má tôi dừng mái chèo lại trên dòng sông Vĩnh Phước để cứu vớt ba mẹ con người đàn bà chạy giặc sắp chết đuối, xung quanh đạn lửu bừng bừng, người trúng đạn té xuống sông lòi ruột. Má tôi đã đưa tay kéo đứa nhỏ gái cho đeo cột chèo để má nó trồi lên ôm đứa con trai độ hai tuổi lội qua bên kia sông an toàn. Và đứa nhỏ gái cũng đã lên tiếng gọi má nó thất thanh như con vịt vàng nhỏ của tôi giờ đây vậy. Cũng một giọng cuống cuồng, cũng một điệu thảng thốt, rát ruột. Cho tới khi má tôi trả đứa nhỏ gái lại cho má nó bên kia bờ sông và người đàn bà bồng hai đứa con lẫn khuất trong đám người chạy giặc hỗn loạn tôi mới hết nghe nó kêu khóc. Chỉ mới năm ngoái thôi nên hình ảnh còn rất rõ rệt.

Thấy con Mẫu Hậu cất cổ gọi hết bầy con lại và xù lông bảo vệ, mồng trên đầu và trên mặt đỏ ké dữ tợn, tôi không dám nhào vô mượn đứa em ruột của mình trở lại.

Ầm! Ầm! Ầm! Ầm!... Tiếng cà nông thụt từ bót “Hội Đồng Điều” cách nhà tôi khoảng một trăm thước tiếp tục rền rĩ xé trời. Sở dĩ bót mang tên như vậy là vì ngôi nhà cao cẳng của ông Hội Đồng Điều bị người Pháp trưng dụng và cất thêm lô cốt xung quanh để làm đồn bót chận đường Việt Minh.

Tôi ngó theo hướng đạn đang bay về miệt Trà Kha, thấy mấy ngọn cau miệt đó gẫy gục, khói bốc lên ngùn ngụt. Miệt Trà Kha cây cối um tùm và rạch sình chằng chịt, du kích quân thường ẩn núp trong đó, chờ đêm tối kéo ra đánh đồn phá bót rồi lại rút về đó dưỡng quân. Thỉnh thoảng Tây kéo lính, công voa và thiết giáp vô Trà Kha ruồng bố. Chiều qua đã có chạm súng đụng độ và xe cứu thương hụ còi chạy ngang nhà tôi, nghe nói lính ở thành bị lọt phục kích chết nhiều. Có lẽ vì vậy mà bây giờ Tây thụt cà nông vô đó trả thù. Hoặc không chừng pháo kích trước để chuẩn bị hành quân càn quét. Xe díp cứ xẹt tới xẹt lui ngang Xóm Mới tôi từ sáng tới giờ. Nhiều khi mấy ông còn kéo về tận xóm tôi và núp sau mấy cái mả đá bắn phá và liệng lựu đạn qua bót Hội Đồng Điều. Lính trong đồn xả súng liên thanh và mọt chê tưới sượi vào xóm tôi, nhà nào nhà nấy đều bị thủng đạn, cháy vách bể ngói lung tung! Bởi vậy nhà nào cũng có đào hầm trú ẩn ngay bên trong, nhà tôi cũng vậy.

Khi có chạm súng, ai nấy đều sợ mất vía nên tự động nhào hết xuống hầm. Chỉ trừ có chú Chín tôi vì điếc không sợ súng nên cứ đứng sổng lưng tự nhiên mà coi đạn bay đỏ trời và còn phát âm dễu dễu! dễu dễu !mấy tiếng trầm trồ thán phục. Can không nổi. Lúc nào bắn rát quá, kèo lá trên nóc nhà gẫy tuôn hết xuống ào ào, má tôi niệm Phật lia lịa, còn chị Tư tôi thì đội cái thau nhôm trên đầu, răng cỏ đánh bò cạp lốc cốc và đái trong quần luôn hồi nào không hay. Còn tôi thì cứ đau bụng mắc ỉa thúc tới, cẳng chưn lạnh ngắt, miệng khô queo.

Cuộc pháo kích còn đang tiếp diễn đinh tai nhức óc thì ba tôi từ trong trại mộc bước ra sân ngó lên trời chửi đổng:

- Đ.m! Năm nào cũng vậy, hễ Tết nhứt tới là có sanh giặc. Thiệt tình! hổng có năm nào bà con được yên ổn ăn Tết một lần thử coi.

Đoạn day qua thấy tôi đang đứng xớ rớ ở xó hè, ba tôi lên tiếng:

- Thôi mầy với thằng Lộc sửa soạn tao dắt đi chợ Tết. Bữa nay hăm chín, chiều nay là hết họp chợ rồi. Đi cho kịp trưa nay mua chút đỉnh đồ với thịt heo ba rọi về tao kho để dành Tết ăn.

Tôi nghe nói mừng lắm. Thế nào cũng có thèo lèo cứt chuột, hột dưa, tôm khô củ kiệu, mứt dừa, mứt bí. Hơn nữa, gì chớ ba tôi mà kho thịt heo với cá bóng kèo kiểu Bạc Liêu là số dách. Cá ông chỉ rửa sơ, không cạo nhớt, rồi để cá sống nhăn nguyên con như vậy mà đổ vô nước sôi đậy nắp lại, cá bóng còn nhảy soi sói trong nồi lụp bụp. Chặp sau, ông giở nắp ra vớt cho tới khi hết bọt rồi mới rót nước mắm ngon vào mà nêm nếm. Khi chín, con cá mềm sùi và còn nguyên chất ngọt. Phần bụng và đầu nhẩn nhẩn để cho người lớn, tôi thì hẩu xực cái đuôi. Còn kho thịt, ba tôi lựa mua thịt heo ba rọi có nhiều mỡ, cắt cục vuông thiệt lớn, lấy cọng lát buộc chéo ngang. Xong ông đốt lửa riu riu, kho thiệt lạt và kho thiệt nhiều bận lửa. Chừng đem ra ăn, mỡ đã rệu, chỉ cần mó đũa vào là mỡ phao ra, đưa vào miệng là chỉ có nuốt cái hương vị béo bùi, thả bánh tét vào nhâm nhi là hết xẩy. Ăn từ mùng một tới mùng ba vẫn không biết ngán, vì càng nhiều lửa, thịt càng mềm mỡ, càng rệu. Hễ tới tết là ba tôi giành để chính tay mình kho thịt. Má tôi kho ông chê nạc nhiều thịt cứng và mặn. Má tôi thì làm những món khác như hủ qua hầm, gà rô ti, vịt cà ri, bánh tét, cải món, dưa cải, dưa giá … cũng ly kỳ lắm. Hồi nhỏ tôi ăn cái gì cũng thấy ngon và sướng ran, khoái tỉ. Nhà nghèo nên cũng ít khi được ăn nhiều món như trong dịp tết. Quần áo má tôi xỏ kim may lấy cho tôi và Lộc – không biết bà học may ở đâu. Bận vô, bâu vè bẹt ra, túi thẳng hai cái hai bên coi cũng le lói như ai.

Trước nhà tôi có cái mương nhỏ lưa thưa cỏ lát mọc và bèo nổi. Kế mương là bờ đất cỏ dại, giáp ranh đường lộ lởm chởm đá xanh loang lở, rồi một bờ đất khác tiếp nối dốc xuống mương lộ rộng chừng ba thước có cầu khỉ bắc ngang, bên kia là ruộng lúa với giếng đào chứa nước mưa ngọt và cái nghĩa địa của tôi nằm cạnh bờ giếng. Tôi bước ra trước nhà, ngó thấy cách đó không xa con Mẫu Hậu đang dắt bầy con kiếm ăn ở mương nước, lũ vịt con vừa kêu lép kép vừa chìa mỏ rỉa vào bèo nổi, con vịt vàng nhỏ của tôi tách rời với hai con vịt xám khác, cách vịt mẹ đâu chừng một thước. Tôi đi về phía đó tính lùa vịt về chuồng ở sau nhà nhốt lại.

Chợt từ phía bót Hội Đồng Điều vọng lại tiếng động cơ ồn ào, mỗi lúc một lớn hơn, mỗi lúc một gần hơn. Có lẽ đoàn công-voa đang bắt đầu chuyển dịch. Rồi từ phía xa, một chiếc xe heo nọc trờ tới, mỗi lúc một rõ dần, chiếc xe bọc thép mở đường có gắn súng lớn xung quanh, mũi xe đeo ống dây cáp sắt để trục xe sa lầy, hai bánh trước chạy bằng cao su thường, hai bánh sau chạy trên xích sắt, khi di chuyển dây xích nghiến nát đá đường chát chúa điếc tai, mặt đất rung rinh chấn động. Khi xe thiết giáp dẫn đầu còn cách bầy vịt độ năm thước, bỗng dưng con Mẫu hậu ngửng đầu ngó lên rồi chợt giựt mình nhảy phóc ra khỏi mương vọt chạy băng qua phía bên kia lộ, dắt theo tám con vịt xám nhỏ - tôi không kịp phản ứng gì hết. Vịt mẹ dừng lại bên kia mương cất tiếng kêu réo đám con còn kẹt lại ở mương nhỏ bên này.

Vừa khi đó chiếc xe bọc thép mở đường cũng đúng nhịp trờ tới lướt qua mặt tôi, trực chỉ Trà Kha, xích sắt rần rật lay chuyển mặt đất dưới chân chỗ tôi đang đứng. Chiếc xe cam nhông chở lính đầu tiên từ từ tiến tới, chậm rãi nối đuôi theo xe thiết giáp. Từ từ, từ từ… Bên kia đường vịt mẹ vẫn tiếp tục gọi con, giọng kêu hoảng hốt, lo lắng. Ba con vịt nhỏ lại vụt nhảy lên mương rồi vọt băng qua phía bên kia đường, tôi dang tay ra cản ngăn không được. Chiếc cam nhông trờ tới… Hai con vịt xám lẹ chưn chun tọt dưới lườn xe biến mất, con vịt vàng nhỏ của tôi cũng vọt theo, tôi cũng vọt theo. Bỗng em tôi vấp bánh sau của xe cam nhông dội lại, tôi cũng dội lại, đuôi xe kình càng lướt qua sát rạt bên mũi, mấy người lính lê dương râm ria xồm xoàm ngồi trên xe chồm ra la ó vang rân và khoát tay đuổi tôi trở lộn vô bờ lề. Chiếc xe cam nhông thứ hai từ từ tiến tới, động cơ rù rì, bí mật, lạnh lùng, vô giác. Từ từ, từ từ… bánh xe cao su từ từ lăn tới…

Con Mẫu Hậu vẫn tiếp tục gọi con thảng thốt. Hai con vịt xám nhỏ đã qua được bên kia đường an toàn và nhập bầy. Chỉ còn lại bên nầy đường có mỗi con vịt vàng nhỏ của tôi đang chạy lăng xăng cuống cuồng và tôi cũng đang cuống cuồng rượt theo. Tôi cúi xuống chụp nó mấy lần nhưng chụp hụt. Má nó lại cất tiếng réo gọi. Con vịt vàng ngửng cổ nghe ngóng rồi bỗng lại vọt phóng trở ra giữa lộ thần tốc. Chiếc xe cam nhông thứ hai lăn tới áng khuất, cụm lông mịn màng không còn ngó thấy đâu nữa, tôi chỉ kịp nghe một tiếng “Chét” thảm thương bên tai, thôi rồi! chết em tôi rồi, tôi ngã quị xuống lề đường, đầu gối đập lên đá cục mà không cảm thấy đau đớn gì hết!... Chết em tôi rồi! Nhúm lông vàng dính trên bánh xe sau ghép đôi cuốn theo đoàn lính lăn đi, để lại vết máu đỏ tươi bằng bàn tay thấm ướt trên mặt lộ. Mình mẩy tôi vụt lạnh ngắt theo, chết em tôi rồi! Tôi hét lên một tiếng thất thanh ngã lật ra sau té lên bờ cỏ, nước mắt vọt ra xối xả, ruột gan nát ngướu như xác vịt con bấy nhậy giữa đường, tim gan rạn nứt bể vụn … Hết rồi! thôi hết rồi! chẳng còn gì nữa em vịt vàng nhỏ của tôi! Vĩnh biệt! Em ơi vĩnh biệt.

Tôi nằm lăn lộn giẫy giụa trên bờ cỏ, cổ họng thắt gút tắt nghẽn, không bật khóc được thành tiếng, chỉ còn biết hả miệng để kịp lấy hơi thở và để cho tiếng nấc tràn ra ngoài, trời đất xung quanh nhạt nhòe, cổ họng ngất ngất muốn bể tét. Mặt đất dưới lưng tôi tiếp tục chấn động dưới lốp cao su ghép đôi của đoàn xe cam nhông mười bánh rầm rộ, tiếng động cơ vẫn tiếp tục xầm xì dửng dưng lướt qua xịt phun xuống mặt đường mùi xăng khét nghẹt trộn lẫn bụi đường và khói xám xanh mù mịt. Rù rù rù rù rù … chiếc thứ ba … rù rù rù … chiếc thứ tư… rù rù rù chiếc thứ năm rồi chiếc thứ sáu… Mỗi lần xe lướt qua tôi lại nghe vang động trong đầu tiếng“chét” tuyệt mạng của em tôi. Rù rù rù rù… Chét! Rù rù rù rù chét!... Tôi úp hai bàn tay nhỏ của mình lên lỗ tai lăn người ngóc dậy, đầu gối quì trên lề cỏ, ngước đầu ngó ra giữa lộ.

Trên mặt đường không còn phân biệt được dấu máu và vết lông vàng của em tôi nữa. Hết rồi! Em tôi đã hoàn toàn biến mất trên thế gian này. Đoàn xe tiếp tục lăn qua chậm chạp, từ từ, nhưng tiếng động cơ phát ra xầm xì không đè át được tiếng “chét! chét!” thảm thương nhỏ nhít của em tôi còn đang chấn động từng chập trong cùng tận ruột gan mình. Tôi gẫy quặp người tới trước, hai tay cấu lấy bụi cỏ lông gà, ghịt kéo để cố dằn tiếng nấc đang cướp mất hơi thở mình… Bụi cỏ trốc gốc, tôi lại té ngửa ra sau, một chân lọt xuống mương nước, tôi nấc tiếp liền mấy tiếng bứt ngang hô hấp, miệng không thể nào khép lại được nữa, tôi nhăn hàm răng siết ăn ngó trời, lệ tuôn đầm đìa lai láng, trời mây trên cao tan loãng thành vũng nước mắt không còn hình thù gì nữa, tất cả mờ run mịt mùng, lung linh nhòe nhoẹt. Hết rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! em đã chết bỏ tôi thiệt rồi!...

Khi nghe tiếng xích sắt chát chúa của chiếc xe thiết giáp bọc hậu cuối cùng chấn động trên mặt đất, tôi biết là đoàn công-voa đã đi qua hết. Tôi ủ rũ bò dậy quì gối ngó ra mặt đường. Chẳng còn gì nữa dấu vết em vịt vàng nhỏ của tôi, chẳng còn dấu lông vàng, chẳng còn vết máu đỏ. Em của tôi đã vỗ đôi cánh nhỏ bay về trời mất tích! Tôi òa khóc thành tiếng… Tôi quặp người ghịt lấy bụi cỏ bật khóc ngất ngất, khóc ồ ạt, khóc quằn quại, khóc vật vã. Nếu rủi thời má tôi ngã ra chết lúc đó, có lẽ tôi cũng khóc nhiều đến như vậy là cùng. Tấm lòng thơ dại tan nát! Con tim ấu thời đã giập bể trên mặt lộ đá xanh lởm chởm! Hết rồi! Em đã bỏ tôi thiệt rồi! Tôi hét lên “trời ơi!” một tiếng xé ruột rồi rũ người nghiêng qua một bên, từ từ sụm trên mặt cỏ còn nặc nồng mùi xăng khói …

Tôi nằm co quắp bên lề đường, tay bấu lấy bờ cỏ khóc la thảm thiết như vậy không biết bao lâu. Như mê sảng. Tôi muốn mình mê sảng. Khi gặp chuyện quá dữ dằn, tôi ước rằng đó là một cơn ác mộng, một cơn mơ dữ. Tôi cắn vào đầu lưỡi. Tôi không nằm mơ. Tôi tỉnh táo. Không phải chiêm bao. Chuyện thiệt. Rõ ràng chuyện thiệt. Em vịt vàng nhỏ của tôi đã chết thiệt rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi không còn ở trên dương thế này nữa! Tiếng khóc quằn quại của tôi bật tràn ra cổ họng như thác lũ, rồi mòn mỏi theo đường suối đi nhỏ dần, dợn uốn nao nao và từ từ dịu tắt.

Tôi ngồi dậy hỉ mũi chùi xuống cỏ. Tôi đưa sống tay dụi lên tôi mắt ướt nhẹp và thở dài đứng dậy. Đầu gối chợt buốt nhói muốn té sụm. Tôi cúi xuống phủi mấy vụn đá nhỏ còn dính trên đầu gối, da rách sướt chảy máu rát nhức. Tôi bước ra lộ để lượm xác em tôi đem qua bên kia bờ giếng mà chôn cất. Nhưng trên mặt đường những vụn thịt, những vụn lông vàng non dại, những vụn đất và đá trộn lẫn chi li không còn phân biệt được gì nữa hết. Tôi mếu máo bước trở vô lề đường lượm miếng giấy nhựt trìnhxười rách dính phất phơ trên ngọn cỏ. Tôi phủi sạch rồi bẻ một nhánh cây bình bát mọc ven mương lộ tước hết lá. Tôi trở ra lộ ngồi chồm hổm cạy gỡ những mảnh vụn mà tôi nghĩ là của em tôi còn để lại trên cõi đời này và đùa vào miếng giấy nhựt trình gói thành gói nhỏ. Tôi đi ra mương lộ, dợm bước lên cầu khỉ để qua bên kia bờ giếng.

Dưới mương lộ, con Mẫu Hậu thản nhiên tiếp tục dẫn đàn con mười đứa còn lại tung tăng trên mặt nước rỉa rói quanh đám cỏ lác và bèo dại kiếm ăn. Đám vịt con xám buông tiếng kêu lép kép! lép kép! Tim tôi vụt se thắt. Tôi ngồi thụp xuống đầu cầu khỉ, ôm cứng gói nhựt trình nhỏ vào lòng và bật khóc trở lại sướt mướt. Lòng đau đớn quá đỗi. Nước mắt nước mũi ràn rụa. Tôi không oán hận gì hết. Chỉ thấy đau đớn. Quá đỗi đau đớn. Tôi thương quá chừng em vịt vàng nhỏ của tôi. Bây giờ nó đã chết rồi. Em tôi đã chết rồi. Tôi không oán hận chiến tranh. Ở tuổi thơ đó lòng tôi không biết oán hận. Tôi không oán hận chiếc xe cam nhông đã nghiến nát em vịt vàng nhỏ của tôi. Tôi không oán hận người tài xế đã lái chiếc cam nhông cán em tôi ra bấy nhậy. Tôi không oán hận đoàn lính Lê Dương ngồi trên chiếc cam nhông đó. Dù sao chiếc cam nhông cũng đã đi mất, đoàn công-voa cũng đã đi mất, người tài xế cũng đã đi mất, đoàn lính Lê Dương cũng đã đi mất. Có thể tối nay khi trở về có người đã chết, đúng vào đêm giao thừa.. Tôi hít nhẹ tủi thân, tấm tức. Và bật khóc trở lại lần nữa, lần nữa…

Dù thâm tâm mình khong mảy may thù oán, trong đầu óc non nớt của tôi bỗng phựt lên cơn giận dữ - cơn giận dữ gắn liền với cái chết, nỗi tang thương và sự khổ đau. Tôi giận con vịt Mẫu Hậu! Trong đầu óc khờ khạo của mình, tôi nghĩ tại vì nó đã ngốc nghếch cất tiếng réo gọi con mình cho nên em vịt vàng nhỏ của tôi mới băng qua đường cho xe cán chết thảm. Tôi lượm cục đất ở đầu cầu nhắm con vịt mẹ liệng tới. Cơn giận bay ra nửa chừng mãn hơi rớt ùm xuống nước. Con Mẫu Hậu giựt mình thốt kêu mấy tiếng rồi dắt đàn con lội đi nơi khác. Bỏ lại tôi ngồi chong ngóc ở đầu cầu khỉ tiếp tục khóc thút thít, khóc nghẹn ngào, khóc lẻ loi…

“Kiệt ơi! Kiệt à! Kiệt!”, tiếng má tôi từ hiên nhà bên kia đường vọng qua. Má tôi kêu tôi chạy về lạy cơm mâm cúng để rước ông bà về cùng gia đình chúng tôi chung vui ba ngày Tết. Đầu xóm ai đó đốt pháo đợi giao thừa, mừng mọi người. Cái Tết ấu thời nhỏ theo giọt lệ hồng của tôi sùi sụt. Nào ai có biết trong ruột gan đứa nhỏ sáu tuổi, một nửa cái Tết thơ ấu đó đã nát vụn theo con vịt vàng nhỏ em tôi giờ đây nằm trong gói giấy nhựt trình tôi đang ôm cứng trên bụng bên bờ mương nước mặn. Và một nửa cái Tết kia đã theo nhúm lông tàn của con gà bạn tôi mà vùi dập tự bao giờ bên kia bờ giếng nước ngọt, khi những nụ mai vàng theo gió Xuân mướt xanh vừa chớm nhú.

Một cái tết thơ ấu đã nát vụn và vùi dập bên hai dòng nước mặn ngọt, trong xóm nhỏ của tôi tự bao giờ…

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Từ ngày em bị chiếc xe nhà binh mười bánh và chiếc xe tăng nghiến nát, cuộc chiến tranh không ngừng tiếp diễn khốc liệt ở quê hương hai anh em mình, đằng đẵng ba chục năm không hề ngừng nghỉ. Cuốn chìm phăng phăng trong dòng lửa sắt bất cưỡng, tôi may mắn và tình cờ còn sống sót. Và từ Xóm Mới ấm áp phương Đông mình, tôi dạt trôi tới phương trời Tây lạnh lẽo xa lạ.

Nơi tôi ở bây giờ, ngoại ô Paris, không có mai vàng. Chỉ có anh đào trổ một màu hường phơn phớt lợt mọc trên dốc đồi thoai thoải bên những cội lệ liễu xõa tóc dịu dàng.

Và năm nay đào lại nở!

Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở. Đào lại nở, tôi lại nhớ em tôi, em vịt vàng nhỏ xinh xắn tội nghiệp. Mỗi năm, khi vừa chớm đông, từng bầy vịt hoang và ngỗng trời từ Bắc Âu vỗ cánh bay ngang Paris, rồi di chuyển về miền Nam để trốn lạnh, sang đến tận Châu Phi.

Khi ngó lên trùng trùng chấm đen lướt qua cao vút trên đầu, lần nào tôi cũng tự hỏi không biết có em vịt vàng nhỏ của tôi trong bầy chim hoang đó hay không, và lần nào tôi cũng thầm lo ngại không biết em tôi có được đủ ấm như một thuở xa xưa nào khi Tết gần đến, tôi đã từng ôm em úm trong lòng để mớm cơm cho em ăn và chuyện trò cùng em thủ thỉ. Nhưng tôi lại tự nhủ chắc là em không có mặt trong bầy vịt đang bay trên cao tít, bởi lẽ quê hương của em, quê hương của tôi, quê hương của anh em mình không phải ở đây. Tôi hình dung giờ này chắc em đang tung tăng bơi lội trong một vùng nước mặn ấm áp quanh năm trước mương lộ của nhà tụi mình ở Xóm Mới, miệt Hậu Giang phù sa mặn mòi, đồng ruộng phì nhiêu, quấn quít sông ngòi, đặc ngừ tôm cá.

Và em đang thò chiếc mỏ vàng xinh xắn rỉa vào đám bèo nổi kiếm ăn, buông tiếng kêu lép kép nhỏ nhít. Em đang gọi tôi cùng đến để chia sớt nỗi vui mừng rất trẻ con của em.

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Cũng như mọi sinh vật khác trên đời, em đã từng có một tuổi nhỏ thơ dại và một trái tim thơ dại ẩn chứa trong lớp lông tơ vàng mịn êm đềm. Trái tim thơ dại đó đã truyền vào con tim ấu thời của tôi biết bao là thương mến, muôn ngàn thương mến, biết bao là cảm xúc, vô vàn cảm xúc, biết bao là hoan lạc, vô vàn hoan lạc, và cũng biết bao là đau đớn, đau đớn tưởng chừng có thể xé đứt ruột gan mình mà ngã ra chết được. Em đã cho tôi con tim thơ dại, tôi đã cho em tuổi ấu thời. Dù vẫn còn phưởng phất ở Xóm Mới mỗi độ Xuân về, con tim thơ dại và tuổi ấu thời đó đã có lần vỗ cánh thơ ngây bay tìm mùa Xuân trong trắng ở một vùng trời tuyệt nhiên không nhuốm một dấu vết hận thù. Rồi đã vĩnh viễn cư ngụ lại muôn đời luôn ở đó.

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!
Em vỗ cánh nhỏ bay về trời
Em tha trong mỏ em vàng nhỏ
Tấm lòng thơ nhỏ của riêng tôi


Và năm nay đào lại nở! Giờ đây trên cụm mây xa thiệt xa, tôi hình dung một đứa nhỏ sún răng đang ôm con vịt vàng nhỏ của mình trong lòng và hai anh em đang bồi hồi ngó xuống trần gian nhìn ngắm thiên hạ nổ pháo rộn ràng mừng đón Ông Bà và Nàng Xuân về ăn Tết…/.


Kiệt Tấn

 

 

 

 

 

 


Chuyện Của Một Thời - Vũ Thế Thành


Chuyện của một thời
 
 
 

Thằng bạn Việt kiều mới đây gửi mail cho tôi: “ … Sàigòn dạo này còn nhiều xích lô không? Cứ đến những ngày tháng tư này, tao lại nhớ đến xích lô. Bây giờ, mày chạy 2 bánh nổi không?….” . Chạy 2 bánh ở đây là nghiêng xe, giữ thăng bằng, thì xích lô 3 bánh có thể chạy bằng 2 bánh.
Tên Việt kiều này có thời là đồng nghiệp xích lô của tôi. Nó đang theo học ban triết (Tây) thì đứt phim. Sau 75, mọi ngành học bên văn khoa (trừ ngoại ngữ) đều có vấn đề, môn triết lại càng có vấn đề hơn nữa. Nó (phải) bỏ học, sống lông bông đủ kiểu. Tôi theo ngành khoa học nên được chiếu cố cho học nốt những môn còn thiếu, ra trường và làm việc tại một trung tâm nghiên cứu.
Một buổi chiều cũng dạo tháng tư thế này, lang thang ngoài phố, tình cờ gặp nó đang đạp xích lô. Tay bắt mặt mừng. Y ra hiệu cho tôi bước lên xe, chở thẳng ra quán nhậu lề đường. Chén thù chén tạc, đời xích lô lắm chuyện ly kỳ bụi bặm.
Y bảo :
“ Tao mướn xe tháng, xài không hết công suất, chiều tối hay sáng sớm gì đó, khi nào rảnh, mày lấy xe tao chạy kiếm thêm tiền”
. “ Tao chưa thử xích lô lần nào. Có dễ chạy không?”, tôi hỏi.
“ Không khó lắm”.

Nói vậy cũng hơi ngần ngừ, ngoài giờ làm việc cho cơ quan nghiên cứu, tôi còn dạy kèm thi đại học cũng kiếm thêm được chút đỉnh đủ nhậu lai rai. Một bà bước đến bên bàn nhậu hỏi:
– Xích lô! có đi không?
– Nghỉ rồi dì, thằng bạn lắc đầu
Vài ly rượu đủ làm tôi bốc lên :
– “Để tao! Ngồi đó chờ một chút. ” , tôi quay qua bà khách:
“ Dì đi đâu?”

Hình như tôi có khiếu… đạp xích lô. Chẳng cần tập tành gì cả, mọi thứ đều an toàn, trót lọt. Nửa tiếng sau, tôi trở lại quán rượu, đặt số tiền của cuốc xe đầu tiên lên bàn, cười sảng khoái:
“ 5 giờ rưỡi chiều mai, tao ghé nhà mày lấy xe”.
Những năm sau 75 mọi thứ đều đổi đời. Leo lên chiếc xích lô tôi cũng phải ăn mặc và ứng xử như một người đạp xích lô thứ thiệt. Xắn cao ống quần chân phải để khỏi bị xích xe nghiến nát kẻo tai nạn dập mặt cũng không chừng. Nhưng điều quan trọng là phải đội nón, tránh nắng là chuyện nhỏ, tránh gặp mặt người quen mới là chuyện lớn. Thành phố Sàigòn đông người mà ngõ hẹp, không ít lần tôi đã “đụng” phải học trò, đồng nghiệp, thậm chí cả bạn (gái) ngoắc xe. Đời lắm nỗi oái oăm!

Có lần tôi chở hai bà khách, mà trọng lượng của cả hai chắc cũng trên tạ rưỡi. Trưa nắng, dốc cầu Thị Nghè dài như vô tận. Tôi chợt thấm thía câu thơ của Cao Bá Quát:
“Trời nắng chang chang người trói người…”. Trời ơi! Hai bà khách vẫn vô tư cười nói, sao họ không xuống xe đi bộ một quãng cho mình đỡ khổ ! Cho dù thế nào, có Chúa làm chứng, tôi đã tận lực làm tròn nhiệm vụ của thằng đạp xích lô. Dốc mỗi lúc mỗi cao, lực bất tòng tâm, tôi không còn ghì nổi tay lái, chiếc xe đổ nhào về phía trước… Đôi khi con người cũng nên biết lắng nghe những lời chửi rủa mà tưởng như đang nghe nhạc.. trữ tình, cuộc đời nhờ đó sẽ đỡ khổ hơn chăng?

Một trường hợp khác, tôi chở một bà khách ăn mặc quý phái, túi da, vòng vàng, son phấn sáng rực. Thỏa thuận địa điểm và giá cả xong, tôi khởi hành, dù giá hơi hẻo, nhưng chở một người thì xe cân bằng, dễ chịu hơn đi xe trống. Khi tới nơi, bà khách nói đi xích tới nữa, sắp tới, và tới nữa,… cũng cả hơn 2 cây số. Đến đây thì tôi hiểu mình bị lừa vặt, dừng xe lại, và lịch sự mời bà khách xuống. Bả sừng sộ :
“ Mày là thằng đạp xích lô, chứ là cái thá gì mà đòi nói bà xuống….”
.
Tôi nổi nóng, nhảy xuống xe, định ăn thua đủ, nhưng thoáng thấy quần mình đang mặc, ống thấp ống cao,…Trong nháy mắt, tôi chợt nhận ra đúng thân phận, mình chỉ là thằng đạp xích lô.
Tôi xua tay :
“ Tặng bà cuốc xe đó”, rồi lên xe đạp thẳng, còn kịp nghe tiếng nguýt đuổi theo: “ Xí….! Nghèo mà còn làm phách…”


Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 chẳng ai sống bằng lương nhà nước nổi. Lương kỹ sư khoảng 73 đồng. Nhu yếu phẩm gạo (13kg), đường (0,5kg), thịt mỡ (0,6kg),..được mua theo giá chính thức. Cũng phải kể, đàn ông được thêm mua 3 gói thuốc đen, phụ nữ vài thước vải mùng. Mấy thứ này ngốn hơn nửa tiền lương rồi. Còn giá thị trường đại khái thế này: 3 đồng/ tô phở bình dân, 3 đồng/xị rượu hạng bét, 0,5 đồng/ly cà phê bắp,.. Đó là mức sống tiêu chuẩn cán bộ (kỹ thuật) là thế. Còn dân thường hầu như phải vật lộn theo giá thị trường, sổ gạo khi có khi không, chen lấn, khoai mì, bo bo, hàng độn đủ thứ… Vậy mà thiên hạ vẫn sống, vẫn loay hoay kiếm cái gì đó để ăn, để tồn tại. Sức đề kháng của con người để sinh tồn trong nhiều trường hợp thật không tưởng tượng nổi. Sau này tôi mới hiểu vì sao mấy ông tù cải tạo, phải chờ thả về nhà mới chịu…đổ bệnh.

La cà trong giới xích lô tôi mới biết ra rằng, không ít người là trí thức (cũ) đã chọn con đường mưu sinh này. Khá bộn cái gọi là
“ngụy quân, ngụy quyền” cũng tham gia vào nghề này. Họ khó có chọn lựa nào khác. Ai cũng tìm cách che giấu thân phận, nhưng “phát hiện” ra nhau không phải là điều khó. Lúc ế độ, không có khách, táp xe vào bóng mát nào đó, nằm khểnh trên xe đọc sách: tri thức vẫn là một nhu cầu, ngoài chuyện ăn uống.
Tôi biết có nhiều nhà giáo sau 75 bỏ nghề để đi hớt tóc dạo, bán thuốc lá lẻ, sửa giày dép,.. Tôi hỏi một vị :
“ Bộ không được lưu dụng hay sao mà bỏ nghề giáo, làm nghề này chi cho cực?”. “ Không, tôi tự nguyện “mất dạy”. Tôi thà “mất dạy”…”,
ông cựu giáo chức cười méo miệng. Tôi không hỏi thêm nữa, sợ ông buồn.
Có một nghề mà mấy ông cựu thầy giáo rất thích, đó là nghề bơm mực bởi vì nó dính dáng tới văn phòng tứ bảo, cũng gần gần với cái “nghiệp” năm xưa của mấy ổng. Tôi xin mở ngoặc một chút để các bạn trẻ có thể hình dung về cái nghề lỗi thời này. Bút bi mà các bạn đang dùng, xài hết mực thì vất đi. Sau 75, bút bi thuộc loại “quý giá” và là hàng dễ hỏng. Bút nào mà xài được tới hết mực, được xem là hàng…chất lượng cao, xài hết thì mang ra ngoài đường bơm mực, xài tiếp. Nói tới bút dỏm, mà không nói tới giấy dỏm thì có vẻ hơi thiếu. Giấy vàng khè, còn lộm cộm những bã rơm rạ nghiền chưa kỹ, đè bút mạnh tay một chút để ra chữ, có khi văng cả bi ra ngoài. Tôi còn lưu giữ khoảng vài trăm trang giấy như thế, đó là các báo cáo và bản dịch tài liệu kỹ thuật. Đôi lúc ngậm ngùi khi nhìn lại bút tích của chính mình. Quả là một thời kiên nhẫn không cần thiết.
Không phải khách đi xích lô nào cũng hãm tài như tôi vừa kể ở trên. Khách đàn ông dễ chịu hơn, ít kì kèo. Khách nhi đồng thì miễn trả giá, cỡ nào tôi cũng chạy. Khách hào phóng nhất, mà đôi khi cũng xù tỉnh queo nhất là mấy em đi…khách. Sập tối 6-7 giờ là ra quân, hôm nào trúng mánh thì trả đậm, trật mánh thì hẹn…kiếp sau. Có khách hàng lên xe, buông một câu: “ Anh chở tôi đi đâu loanh quanh cũng được, đi đủ 2 tiếng đồng hồ.”. Thời buổi lúc đó, lên voi xuống chó, tình người đẩy đưa, tình đời đen bạc, tâm tư chất chứa đủ chuyện. Người khách im lặng suốt cuốc xe. Tôi chở khách, chở luôn nỗi buồn thời cuộc của họ.
Một buổi sáng chủ nhật, tôi chở bà khách từ chợ An Đông. Bà bao xe nguyên ngày, đi nhiều nơi trong Sàigòn, mỗi nơi đi vào khoảng nửa tiếng, rồi trở ra đi tiếp. Đi kiểu này thì khỏe, tôi khỏi tốn công cảo xe lòng vòng kiếm khách. Tới nơi, khách đi công chuyện của khách, tôi ngả người lên xe nằm chờ, và lấy sách ra đọc. Chặng cuối cùng, bà yêu cầu đi ra bến xe miền Tây để đón xe đò về Rạch Giá. Có vẻ như đã xong công việc, bà khách ngồi trên xe vui vẻ bắt chuyện:
– Anh đạp xích lô lâu chưa?

– Chừng vài tháng
– Tôi thấy anh đâu có dáng đạp xích lô, mặt mũi như thế phải là người có ăn học.
– Tôi đang kiếm sống bằng nghề đạp xích lô mà.
– Ban nãy tôi thoáng thấy anh đọc truyện tiếng Anh, quyển gì, à…16 skeletons in closet
Bà khách này đáo để quá… Tôi im lặng hồi lâu.
– Sao anh không đi?
– Đi đâu?, tôi vờ ngớ ngẩn
– Ở đây khó sống. Bên kia còn thấy tương lai…

Tới bến xe, bà trả tôi gấp đôi số tiền thỏa thuận.
“Anh không muốn đi thật sao?”.
Tôi lờ mờ hiểu ra công việc của bà sáng nay,
“ Tôi có hoàn cảnh riêng. Chúc chị đi bằng an”.
Đi vài bước, bà khách chợt quay lại, rút ra trong túi xách quyển sách:
“ Anh cầm cuốn này mà đọc”. Tôi chưa kịp cám ơn bà đã quầy quả đi ngay vào bến. Đó là quyển tiểu thuyết “ Nhịp cầu trên sông Drina” của Ivo Andric
Sáu tháng đạp xích lô, tôi hiểu ra được nhiều mảng đời, nhiều số phận. Cuộc sống đảo điên và kỳ lạ, một chút tàn nhẫn, một chút thánh thiện, không đơn giản như những gì tôi chúi mũi trong phòng lab.
Trong những ngày gian khổ đó, bên cạnh những mảng tối, vẫn còn đâu đó vài điểm coi được. Thèm miếng thịt, thèm lắm, vậy mà dĩa thịt trong mâm cơm nhiều khi còn đầy, người này nhường người nọ, không ai nỡ gắp. Tuổi trẻ thời nay không hình dung nổi chuyện lẻ tẻ đó. Thế hệ @ là phải nhanh như điện xẹt, yêu cuồng sống vội. Đối với họ, cuộc sống là hưởng thụ, là đề cao cá nhân, là ứng xử bầy đàn. Chia sẻ cái gu ăn chơi thì được, chứ chia sẻ tấm lòng thì hơi khó. Thanh niên thiếu nữ giành giựt ở hội chợ hoa Hà Nội năm nào chẳng phải là điều đáng suy nghĩ hay sao? Hay chỉ cách đây vài hôm, báo chí đưa tin, cả ngàn fan nữ thảng thốt vì vẻ đẹp của một ngôi sao Hàn quốc. Cũng chả trách bọn trẻ được, một khi triết lý giáo dục đã không xem con người là cứu cánh, mà chỉ xem con người là phương tiện cho mục tiêu nào đó.
Còn biết bao chuyện để nói. Tóc bạc rồi, không nói bây giờ thì lúc nào sẽ nói đây? Và nói để ai nghe? Bọn trẻ không chừng vừa nghe vừa bấm facebook, twitter, hờ hững với quá khứ. Nói ra không phải để chứng tỏ ta đây đã từng một thời khổ cực, mà đâu chỉ có chuyện cơm áo gạo tiền mới làm mình khổ cực. Còn nhiều thứ khổ khác nữa, khổ tinh thần thì đến giờ vẫn còn phải chịu đựng. Tôi nhớ câu nói của một người bạn đã khuất núi:
“Nghèo thì ăn bắp ăn khoai cũng chịu được, nhưng chịu nhục thì không”
. Có cách nào khác không?
Quyển tiểu thuyết để lại, chiếc cầu trên sông Drina được xây từ thế kỷ 16, nối liền Bosnie và Serbie, khi đó Nam Tư còn thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Kẻ trị vì, viên tể tướng của đế quốc, mang dòng máu của kẻ bị trị đã cho xây chiếc cầu bắc ngang dòng sông ngăn cách đó. Máu và nước mắt, thù hận và nhẫn tâm, biết bao biến cố to nhỏ xảy ra chung quanh cây cầu trải dài suốt 400 năm, từ chiến tranh bệnh dịch cho đến cái chết của một thiếu nữ lao mình xuống sông Drina vào ngày hôn lễ, hay tâm tư của cô chủ quán già Lotika ê chề vì tình đời bạc bẽo. Rồi chiếc cầu cũng đến ngày kết thúc số phận của nó khi thế chiến thứ nhất bùng phát. Số phận của chiếc cầu và thân phận của con người. Bốn trăm năm có là giấc mộng?
Thằng bạn xích lô bỏ đi từ giữa thập niên 80, từ đó chưa một lần trở về Việt Nam. Ra nước ngoài, nó đi học lại và trở thành chuyên viên máy tính, bỏ lại sau lưng một thời mưa gió và lý sự cùn về triết học hiện sinh, nhưng một thời xích lô chắc chưa đến nỗi quên sạch, mặc dù có thể nó không hình dung nổi xích lô ở Sàigòn lúc này được trang hoàng lộng lẫy như xe hoa để chở khách du lịch Tây.
Người Đà Lạt nói : “ba chiều, chín chiều”, nghĩa là ba chiều mưa, qua đến chiều thứ tư vẫn còn mưa, thì sẽ mưa thêm 5 chiều nữa. Đà Lạt lúc này đang mưa đến chiều thứ ba rồi, và có lẽ trong những ngày cuối tháng tư này, mai sẽ còn mưa nữa, mưa cho đủ chín chiều, có khác gì “cửu hồi trường”, chín chiều quặn đau?
Tôi nhìn ra sân vườn, mưa vẫn rơi rả rích. Mưa rơi trên khóm trúc sát bên cửa sổ, rơi từng giọt một, chẳng vội vàng gì. Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện 400 năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao nhiêu chuyện của một thời chưa nói hết.
Buồn !


Vũ Thế Thành
Đà Lạt, 28/4/2013

304Đen – llttm- YD

Cho Tôi Một Nén Nhang Trầm - Kim Chi



CHO TÔI MỘT NÉN NHANG TRẦM

Cho tôi một nén nhang trầm,         
Thắp lên để khóc tình trăm năm buồn
KIM CHI
 
 

Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày những dòng nhắn tin tìm Phú được đăng trên trang Web luocsu.tk. Lời nhắn tin như rơi vào hư vô. Sáu tháng, với tôi đã gần bằng 40 năm lạc nhau giữa cuộc đời nhiều giông tố. Tôi đi tìm Phú, phải chăng tôi đang cố tìm lại tuổi trẻ của mình trong tuyệt vọng? Chẳng phải cái khoảng đời đẹp đẽ ấy tôi đã đánh mất rồi sao? Cô bạn thân nói rằng hãy buông tay, thả cho quá khứ bay đi, lòng mình sẽ nhẹ nhàng hơn. Cụm từ “buông tay-thả” gợi nhớ con đường Hồng Thập Tự với hai hàng cây Sao cao vút. Mùa hè hoa Sao rụng xoay tròn trong gió trước khi rơi xuống vỉa hè. Tôi và đám bạn học trò đã tranh nhau nhặt lấy những cánh hoa Sao để rồi buông tay, thả cho hoa xoay tròn thêm vài lần nữa. Quả thật lúc đó lòng mình vui và tâm hồn mình nhẹ nhàng, phơi phới. Nhưng liệu khi buông tay cho kỷ niệm rời xa, ta có thật sự nhẹ lòng hay phải ray rứt khôn nguôi? bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp cho mình!Sài gòn những ngày cuối năm trời se sắt lạnh. Tôi chợt nhớ những ngày cuối năm 1975, Sài gòn tự dưng lạnh kinh khủng. Lạnh hơn bất kỳ mùa Noel nào trước đó. Cái lạnh tấn công những người ở lại thiếu áo, thiếu cơm, thiếu vắng bạn bè… không thương tiếc. Tôi trở vào trường trong nổi tủi thân vô hạn. Đại học Luật Khoa đã đổi thành Đại học Kinh Tế, phải thi lại, đậu, mới vào học. Lạnh, buồn, thiếu thốn…tinh thần đâu mà thi với cử? Vậy mà tôi vẫn cố. Với tôi lúc này, học là cách để tìm quên. Tôi đi học, lủi thủi một mình như con sâu con kiến. Nước mắt để rớt ra là điều xa xỉ, tôi nuốt ngược nước mắt vào lòng. Mấy cầu tàu ABC ở bến Bạch Đằng không còn một “Hạm” nào neo đậu. Tất cả đã “ra khơi”. Đôi khi tự hỏi ngoài mình ra, còn bao nhiêu cô gái Sài gòn tuổi 18, đôi mươi  đứng thẫn thờ trên bến vắng?  Sự chia cách khi hòa bình khủng khiếp nhiều lần so với sự hủy diệt trong chiến tranh. Tử biệt hay Sinh ly nào có khác gì nhau?

Nhiều năm đi qua, như những cánh hoa Sao trong gió, bạn bè tôi lần lượt xa tôi. Đứa lấy chồng, đứa đi xa, đứa vĩnh viễn không về. Cây Ngọc Lan trong sân nhà, nơi mà nhiều năm trước, anh chàng Trung úy HQ tên Phú đã đứng hiên ngang, cây cao vượt tầm tay và trổ đầy hoa trắng. Hoa tỏa hương thơm ngát. Xưa đi học, đứa nào cũng thuộc lòng hai câu thơ: “Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái. Hoa nồng hương, còn trái lắm khi chua!” . Tôi không thể mãi là hoa để mòn mỏi nồng hương trong đêm tối. Bởi, ở bến bờ nào đó có ai chờ tôi đâu, cũng chẳng ai dặn dò tôi đợi. Và tôi biết chắc rằng sẽ không có một ai hờn trách khi mình rẽ lối, sang sông. Ngày theo chồng, trong túi hành trang có những bài thơ cũ. Những bài thơ đủ để khóc một thời con gái. Thỉnh thoảng về nhà thăm má, nhìn cây Ngọc Lan xanh mướt lòng tôi cồn cào nổi nhớ; nhớ về màu áo xanh của biển, nhớ con tàu 505 hùng tráng đã oằn mình gánh nặng nợ non sông,

Tôi gõ trên Google từ khóa HQ505, nhiều bài viết hiện ra và tôi đã tự ru tôi ngậm ngùi. Tôi đọc Tháng Tư Cả Một Đời Người Trước của Nguyễn Nhật Cường, đọc nhiều lần và lần nào cũng tràn đầy cảm xúc. Tôi hình dung ra Phú trong từng trang viết. Những tình tiết dữ dội, khốc liệt, những khoang tàu từng chở đầy mơ ước tuổi thơ tôi lại chở nặng những đớn đau trong những ngày đất trời nghiêng ngửa. Tôi đọc những tên người, tên tỉnh xa xôi; tôi hình dung được những bàn tay  níu giữ, những bàn chân rời xa, những giằng xé tâm can và cuối cùng là những giọt nước mắt của tác giả, và của cả tôi, người đọc!

Như một phần đời không ai xâm phạm, tôi đọc và tôi viết về HQ505 để tôi nhớ về tôi 18 tuổi và Phú mãi mãi tuổi 25, 26. Những dòng nhắn tin tìm người, xem như một nén nhang thơm, tôi thắp lên để mình tôi thương tiếc.

KIM CHI

304Đen – llttm -DSC

Tha La Xóm Đạo - Vũ Anh Khanh


“THA LA XÓM ĐẠO”
 
 

 
 
 
 
 
Đây “Tha La xóm đạo”
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh.

Ngậm ngùi Tha La bảo:
– Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh.

Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

– Viễn khách ơi!
Hãy dừng chân cho hỏi,
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng.
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng,
Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá,

Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
Ai đưa đón?

– Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!

Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ,
Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió,
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.

Tha La hỏi:
– Khách buồn nơi đây vắng?

Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?

Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:

Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!

Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, ngẩn ngơ lòng hiu quạnh.

– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già.
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng.

– Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,

Nhẹ bảo chàng:
” Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt.

Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than. “

Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng,
Ngày hiu quạnh. Ờ.. ơ.. hơ tiếng hát.
Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc.

Tiếng hát rằng:
Tha La giận mùa thu,
Tha La hận quốc thù,
Tha La hờn quốc biến,
Tha La buồn tiếng kiếm,

Não nùng chưa!
Tha La nguyện hy sinh.

Ơ.. ơ.. hơ.. có một đám chiên lành.
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy:

Lạy Đức Thánh Cha!
Lạy Đức Thánh Mẹ!
Lạy Đức Thánh Thần!
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…

Rồi… cởi trả áo tu.
Rồi… xếp kinh cầu nguyện.
Rồi… nhẹ bước trở về trần…

Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy dừng chân.
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.

Trời Tha La vần vũ đám mây tan.
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi mà bẽ bàng?

Ơ… ơ… hơ… ờ… ơ… hơ… tiếng hát
Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc.
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách đi thôi!

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ
Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay…
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:

– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
Và suối mát rừng xanh.

Xem đám chiên lành thương áo trắng.
Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh.

Vũ Anh Khanh

 

 

Saturday, July 27, 2019

Cảm Xúc Khi Đọc Thơ Trần Lâm Phát - Hương Lệ Oanh


CẢM XÚC KHI ĐỌC THƠ TRẦN LÂM PHÁT

(Hương Lệ Oanh)

 

NỖI NIỀM CỦA THẦY GIÁO TLP MỘT CHIỀU SAU GIỜ DẠY TRÊN ĐƯỜNG VỀ NƠI NGHĨ TRỌ NHỮNG NGÀY SAU 30/4/75 ANH GẶP NẠN! 



Đọc bài thơ “EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ” của Trần Lâm Phát lòng tôi bồi hồi xúc động nhớ lại chuyện năm xưa!

 Giờ đây là quá khứ nhưng nỗi đau chưa nguôi dứt từ những tháng ngày chiến tranh dai dẳng tàn khốc trên quê hương!
Những cảnh tượng xảy ra mồn một trong lòng người dân miền nam Việt Nam thời bấy giờ đến nay ngót gần nửa thế kỷ!
Bài thơ đơn sơ mộc mạc đã nói lên tấm lòng của người thầy giáo với lòng vị tha thương hại cậu bé du kích ngây thơ không được đến trường nơi anh dạy nên có những nghĩ suy man dại định giết anh. . . !
Anh phân vân suy nghĩ sau nầy đời bé có được an lành không?

Trong lúc thập tử nhất sanh anh trơ trọi cô đơn giữa đôi bờ sinh tử.
Tôi chạnh lòng cảm xúc nước mắt rơi tự lúc nào. . . ! 

Thương quê hương và ông thầy giáo trường Đất Đỏ Phước Tuy với lòng bao dung anh vẫn xem em là em dại không được đến trường. . . Và mơ ước giáo dục tuổi thơ. . . Trong thơ tác giả vẫn gọi tên du kích bằng "em" và xưng "anh" như cách gọi đứa em trong gia đình hay đứa học trò nhỏ trong lớp vậy. Điều nầy có thể làm khó chịu đối với người khó tính, nhưng tôi thông cảm cho tác giả vì anh là một nhà giáo trước 75, đã thấm nhuần đường lối  giáo dục thời bấy giờ là :nhân bản, dân tộc, khai phóng.

Đọc thơ mà lòng tôi tuôn bừng lửa giận, nếu  có mặt hôm ấy, với tính khí của tôi, chắc chắn là tôi sẽ giăng 2 tay lấy thân làm tấm bình phong che thân xác thầy để chia xẻ lúc cận kề sự chết của người thầy, của dân tộc tôi . Nguồn cảm xúc muộn màng mong thầy quên đi ác mộng!
Tôi xin Cảm tác bài họa qua thể thơ thất ngôn trường thiên dựa theo bài thơ EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ của tác giả TLP là câu chuyện có thật xảy ra cho anh ấy cách nay 44 năm về trước!

              

EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ 



Đất Đỏ chiều về anh bước vội,
Lối qua nhà trọ cạnh đường đi,
Bắt anh em dẫn vào lồng chợ
Trước tử thần hàng vạn hiểm nguy

*
Súng AK chỉa thẳng người anh
Tia mắt trừng trừng liếc thật nhanh 
Như muốn giết anh ngay lập tức 
Cho rằng anh phạm luật thông hành
*
Mạt sát anh như kẻ tội đồ
Súng gườm muốn giết thỏa căm thù
Buộc anh đứng lặng như pho tượng
Hồn phách tiêu tan nước rỉ dò!*
*
Tin dữ truyền nhanh vùng Đất Đỏ
Dân trong làng kéo đến xin tha
Em du kích trái tim băng giá
Thừa thắng xông lên lý tưởng tà
*
Vận nước thân anh như ngọn sóng
Bập bềnh đưa đẩy đến trời xa
Bao nhiêu bão tố ngôi trường cũ
Đốt cháy ra tro chẳng chịu tha
*
Nơi đất lạ thương về chốn cũ
Bùi ngùi nhớ lại chuyện ngày xưa
Em du kích nghĩ suy man dại

Anh ước rằng dìu dắt tuổi thơ
*
Em bé ơi sao em máu lạnh
Hại anh muốn giết chết thân anh
Em cuồng điên dại vì ai thế?


Không biết đời em có được lành???


huongleoanh va
* rỉ dò: ý nói tè trong quần

 

Dưới đây là bài cảm tác của Nguyễn  Cang :

 
TÊN DU KÍCH ĐẤT ĐỎ

 
Tan học, chiều về, tôi bước vội
Lối  qua  nhà trọ thấy xa thêm
Bất ngờ du kích  xông ra chận
Cho biết rằng tôi phạm giới nghiêm!

 
Tuổi hắn độ mười lăm mười sáu
Súng AK chĩa  thẳng tim tôi
Miệng còn hôi sữa hung hăng quá
Như sẵn sàng nhả đạn thẳng tay

 
Hắn lùa tôi bước vô lồng chợ
Chưởi  bới răn đe chẳng tiếc lời
Tôi chết đứng  như  pho tượng gỗ
Tiêu tan hồn vía toát  mồ hôi!

 
Tin dữ loan truyền  vùng Đất Đỏ
Phụ huynh kéo đến để xin tha
Tên du kích trái tim băng giá
Quyết trận nầy rỡ mặt đảng ta

 
Vận nước chông chênh tôi ngọn sóng
Bập bềnh trôi nổi lạnh bơ vơ
Nhớ trường xưa bảng đen tường lỡ
Nay hận thù đâu dễ bỏ qua!

 
Nơi đất lạ thương về chốn cũ
Lòng bùi ngùi nhớ chuyện năm xưa
Phải chi du kích vào trường học
Tôi  dạy em  luân lý tuổi thơ

 
Du kích ơi sao em máu lạnh
Hại người đời hại cả thân tôi
Em hăng máu bắt giam cho hết!
Không biết bây giờ em thế nào ???

 
Nguyễn Cang (25/7/2019)

 
Bản gốc của Tràn Lâm Phát:

                
 
 
 













EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ

Đất đỏ trong một chiều anh  bước vội
Trên đường về nơi quán trọ nhà bên
Nào ai ngờ sóng gió chợt nổi lên
Em du kích bắt anh vào lòng chợ
Với AK em trừng trừng ánh mắt
Thốt nặng lời và đòi giết chết anh
Em bảo rằng anh vi phạm thông hành 
Ra ngoài phố vào anh giờ bị cấm

 
Phút phút giây giây em gầm khẩu súng
Chỉa vào anh và xỉ vả không ngừng
Em nhìn anh như ngọn lửa đang bừng
Để thiêu rịu căm hờn em sẵn có
Em bắt anh đứng như pho tượng gỗ
Mặt xanh rờn và nước đổ từng cơn 
Tủi cho mình với thân phận cô đơn

 
Hung tin đó truyền nhanh nơi Đất đỏ
Người quanh làng lũ lượt kéo nhau lên
Mở lời xin cho anh được tha về
Em du kích vẫn một lòng lạnh giá
Không xiêu lòng để anh được buông tha

 
Anh: con tàu trong bão tố phong ba
Và thương cảm thân mình như Đất đỏ
Ngôi trường xưa dập vùi trong lửa khói
Mà tay anh đã góp sức dựng lên
Nay đành vùi thân xác lạnh buồn tênh

 
Ba mươi năm sau nhớ về Đất đỏ
Anh bồi hồi nhớ rỏ chuyện năm xưa
Vẫn một lòng thương hại bé ngây thơ
Vì không được đến trường nơi anh dạy
Nên mới có những nghĩ suy man dại
Và điên rồ đã tính hại thân anh
Em bé ơi! đời em có yên lành?

 
Trần Lâm Phát
Virginia tháng 10 năm 2009