Thursday, March 30, 2023

Buồn Xưa (II) - Nguyễn Cang

 BUỒN XƯA (II)

 














Người đi bỏ lại dòng sông ly biệt

Con dốc đời mệt mỏi tấm thân ta

Dẫu sỏi đá cũng ngậm ngùi thương tiếc

Những đêm dài nghe trăn trở xót xa

 

Sương khuya lạnh trăng treo lơ lửng

Nệm ấm chăn êm sao chẳng ấm lòng

Ta đi đáp lại lời thề sông núi

Để nụ hồng héo úa giữa mùa đông

 

Vận nước đổi thay ta mang thân tù tội

Bốn năm trở về vườn cũ trống không

Thôi đành bỏ hết niềm riêng tâm sự

Cho lòng thanh thản phận long đong

 

Chiều hạ trắng nắng vàng thêu áo lụa

Nhớ dáng em xưa với mảnh trăng gầy

Tà áo mỏng bỗng hằn  lên nỗi nhớ

Trôi về đâu nước lớn ngập sông đầy?

 

Nhớ thuở ấy mình đi thăm xóm đạo

Đêm trăng khuya qua mấy nẻo đường quê

Nghe hơi ấm trong từng cơn gió lạnh

Vui bên nhau quên cả lối đi về

 

Người đi bỏ lại bao nhiêu hờn tủi

Năm tháng phôi pha rồi cũng nhạt nhòa

Còn ta mải miết bên trời lận đận

Cầu mong người hạnh phúc ở phương xa !

 

Nguyễn Cang (Mar 25, 2023)

Đà Lạt Một Chút Ký Ức - Bích Vân

 

ĐÀ LẠT MỘT CHÚT KÝ ỨC

 

Không cần đến câu “khi yêu trái ấu cũng tròn”, cũng thấy giọng nói của người dân xứ lạnh sao dễ thương ấm áp vô cùng, đặc biệt là cách phát âm của những người gốc Huế đã sinh sống lâu năm tại Dalat. Nhẹ hơn giọng của những người “Huế rặt”, âm hưởng ngả về giọng Nam nhiều hơn nên … dễ nghe, nên lẽ dĩ nhiên dễ hiểu hơn, dễ “thân nhau” hơn.

Bích Vân

 


Tôi của hơn 40 năm về trước vẫn thường đi lên đi xuống cái thành phố mù sương ấy ít nhất mỗi tháng một lần. Thuở ấy tôi mê Dalat với những căn nhà đầy hoa rực rỡ, những ngọn đồi thoai thoải mầu xanh và mê… cả người Dalat.

Chúng tôi vẫn thường lui tới quán cà-phê H.S. ở giữa con dốc đường Minh Mạng. Làm sao quên được những buổi chiều ngồi với nhau nhâm nhi ly trà cúc, rù rì to nhỏ đủ mọi thứ chuyện trên đời? và hình ảnh ông chủ Q.H. với cái khăn foulard đỏm đáng quanh cổ, tay thọc túi quần, nách kẹp tờ báo, đứng trước cửa tiệm bập bập ống pipe? Làm sao quên được những buổi tối đi dạo loanh quanh khu Hòa Bình rồi sà vào mấy hàng xe đẩy ăn tô miến gà cho ấm bụng hoặc nhấm nháp những ly chè đầy ắp tình bạn ngọt ngào?
Dalat của thời sinh viên bay nhảy quả thật vẫn làm mềm lòng mỗi khi nhớ lại.

Giờ đây, tôi đi lang thang qua những con đường cũ mà cảm thấy xa lạ. Suýt nữa đi lạc vì còn mải nghếch mắt nhìn những thay đổi. Không chỉ tên đường đã đổi, mà những căn nhà bé bé xinh xinh cũng chẳng còn, thay vào đó là những tòa nhà nhiều tầng chiếm gần hết hai bên đường. Buồn.

Cà-phê H.S. cũng không còn, thay vào đó là một văn phòng du lịch. Tôi đi lên đi xuống con dốc đường Minh Mạng hàng chục lần, ngơ ngác, ngẩn ngơ.

Cà-phê Tùng ư? vẫn còn đấy, và khung cảnh vẫn thế. Nhưng có lẽ không khí không còn mời gọi tôi nữa. Ngồi đấy lâu làm gì, thêm buồn.

Có hôm đi ngang qua khu nhà ngày xưa của B., tôi thấy rõ ràng tim đập mạnh, vì chợt nhớ đến những buổi tối B. đưa tôi đến phòng trà (quên mất tên) nơi có ban nhạc chơi khá hay và B. giữ tay trống. Phòng trà bỏ túi này không thể so sánh với quán Hầm Gió trên đường Võ Tánh ở Saigon cuối những năm 60 thỉnh thoảng có nhiều ca sĩ thứ thiệt đến trình diễn. Nhưng không khí tại đây ấm cúng hơn, thân mật hơn và các giọng ca tuy không điêu luyện nhưng hát hò hết mình, sôi nổi, hâm nóng cả gian phòng bé nhỏ và khán thính giả.

Ngày ấy chưa có phong trào mời khách lên sân khấu hát như bây giờ, nên các ca sĩ vườn “chạy sô” và ban nhạc phải gồng suốt chương trình từ A đến Z. Những bản nhạc được yêu cầu phần lớn là nhạc Mỹ và Tây, ví dụ như Aline, Capri c’est fini, Unchained melody, Smoke Gets In Your Eyes, .v.v… là những bản nhạc ca tụng tình yêu mà giới trẻ khắp nơi trên thế giới say mê, không riêng gì giới trẻ của Saigon. Là những bản được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu của đài Phát Thanh Quân Đội trước 75, với xướng ngôn viên là cô Mỹ Linh (còn có tên là Hồng Phương Lan).

Sở trường của B. là drummer nên công tâm mà nói, giọng ca chỉ xoàng xoàng thôi nhưng dư sức làm chân tay tôi rũ riệt khi nghe B. hát bài And I Love Her của Beatles, phụ họa là ánh mắt nhìn chăm chăm về phía tôi… đang ngồi chết lịm!

Với thời gian, mọi sự đều thay đổi, cả lãnh vực văn nghệ của Dalat cũng đã thay đổi. Ca nhạc tại phòng trà Dương Tùng mà tôi được thưởng thức mới đây cũng thế. Phòng trà trở thành “Hát cho nhau nghe”. Ông chủ quán làm MC, chốc chốc lại kiêm luôn vai ca sĩ và nhạc sĩ. Khách cũng được mời lên hát. Khách hầu hết là những người đứng tuổi. Những bản nhạc từ thuở nào chợt nghe lại, thấy xốn xang trong lòng. Hát đâu cần hay, nhưng hát cả nỗi lòng, người ta cảm thấy gần nhau. Gần nhau về ký ức…

Người bạn ở Đà Lạt kể: “Chủ quán là dân Bắc kỳ 54 gặp thiếu nữ Bắc kỳ 75 ở chợ Bến Thành. Họ kéo nhau lên Đà Lạt mướn nhà rông, mở quán làm văn nghệ hát hò. Chủ quán chết cái tên “Phương nhà rông” là vậy. Duyên nợ văn nghệ với Đà Lạt hơn 20 năm, quán dời hết chỗ này đến chỗ nọ như dân du mục, nhưng “nhà rông” vẫn còn bám vào tên ông chủ, “Phương nhà rông”. Bây giờ quán đậu lại cuối đường Nguyễn Công Trứ.

Đà lạt bây giờ nóng và nắng. Cuối tháng Năm lẽ ra có những cơn mưa lớn và dai dẳng, người bạn bảo vậy. Nhưng có lẽ để chiều lòng tôi, trong gần một tuần lễ tôi trở lại xứ ngàn hoa, ông giời chỉ thỉnh thoảng lắc rắc mưa bụi. Con đường quanh bờ hồ vẫn đẹp nhưng sao cứ thấy có cái gì đó thất vọng trong tôi; có phải vì những công trình kiến trúc đồ sộ thi nhau khoe bóng ven hồ, đuổi dần sự thơ mộng mộc mạc của thiên nhiên?

Giọng người Dalat gốc cũng trở nên hiếm hoi. Lại cũng buồn. Khí hậu mát lạnh cũng không còn; tuy không đến nỗi đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại như ở Saigon nhưng vẫn có thể ăn mặc phong phanh, kể cả khi mặt trời đã lặn.

Sự quen thuộc còn chăng là trong một vài buổi chiều tắt nắng được nhìn thấy sương mù giăng mắc trên những nóc nhà, ngọn cây. Lạ một điều, đứng trên balcon của nhà người bạn và phóng tầm mắt nhìn xa xa, thấp thoáng sau rặng thông của ngọn đồi là trường Couvent des Oiseaux năm nào, bỗng dưng như tìm lại được vẻ đẹp quyến rũ rất Dalat, một chút Dalat thuở xưa.

Cho dù thay đổi hay vẫn thế, gì thì gì, tôi vẫn yêu Dalat.
Tôi mượn một đoạn văn trên blog của người bạn nói về cà phê Dương Tùng để kết thúc bài viết: Quán nhỏ, nên ấm, bài trí cổ điển. Ai lên Đà Lạt, thấy mình chưa già thì nên tới đó, mà thấy mình đã già cũng nên tới đó luôn. Tới để thành ca sĩ (ruộng), chẳng lẽ “một đời dấu kín, đến khi xuôi tay còn thấy ngậm ngùi” hay sao?

 

Bích Vân

304Đen – llttm - sgtc

 

Cũng Mùa Qua Mùa - Nguyễn Đạm Luân

 Cũng Mùa Qua Mùa

Tặng người con gái yêu mà chưa yêu có tên một trong bốn mùa




 











Xuân

Mùa xuân về rồi đó

Phố rộn rã vàng Mai

Đường chiều thả áo lụa bay

Em chân chim bước buông dài tóc mơ

 

Hạ

Sân trường trời sang Hạ

Lớp học sầu tiếng Ve

Mùa sau hỏi người có về

Phượng rưng rưng đỏ thôi thì cố vui

 

Thu

Thu thẹn thùng trước ngỏ

Thềm trải lá vàng rơi

Vườn xưa đã vắng tiếng cười

Không còn người cũ bến đời quạnh hiu

 

Đông

Đông qua ngoài song cửa

Sương thoáng lạnh bờ vai

Người đi bỏ nhớ lại đây

Ngậm ngùi phố đợi ngày dài dài thêm

 

Nguyễn Đạm Luân

Chiều quê 2023

 

 

 

Cũng Đành Bạc Phận - Thuyên Huy

 

CŨNG ĐÀNH BẠC PHẬN

 

    Sau mấy chục năm lăn lộn, trôi giạt từ Hớn Quản Xa Cam, Bà Rá Lai Khê, với nghề trông coi đồn điền cao su cho người Pháp, cắt ca cắt củm, chắt mòn chút tiền dành dụm và sau mấy năm dài, ba má cặm cụi bỏ công gắng sức, chăm lo, nâng niu từng hột giống, cọng cỏ ngọn cây, từng bờ mương con đường,  cái đồn điền cao su chừng trên dưới hai mươi mấy mẩu, cách chợ tỉnh trên một con đường đất đá bụi đỏ, độ mười một mười hai cây số, qua cái cầu cũ kỹ rỉ sét không hơn trăm bước, nước cạn, có đồn lính địa phương quân, trên gò đất cao cạnh đó, đã bắt đầu khai thác khi cái nhà máy chứa mủ, xấy khô, đóng bành đã cất xong, ở khu ven ranh, xa xa phố chợ, khỏi xóm nhà lẻ loi lưa thưa, đèn đường khi mờ khi tỏ, ít xe vắng người.

*

    Từ ngày đó, đồn điền bắt đầu làm, háo hức, đứng ngồi không yên, từ Sài gòn, tuần nào anh cũng về trên nhà, mới đó mà cứ nhớ, nhớ hàng cao su cao cao xanh lá thẳng hàng, chạy song song hai bên những con đường đất ươm ướm màu bụi đỏ nhạt, đan kín nhau, che bóng nắng, mát rượi, mà chú hai phụ việc chở chạy ngang chạy dọc, ngồi sau lưng, trên xe Hnoda, mà mơ mơ màn màn thương đất ươm mùi lá mục, nhớ mà thương cho ba mẹ, vất vả chạy lên chạy xuống, nhà dưới xã nhà trên tỉnh, mướn người mướn xe, ôi đủ thứ chuyện, xuống Sài Gòn học mà cứ thấp tha thấp thỏm, không giúp được gì buồn ra mặt, vô giảng đường, ngồi trước bàn học có khi để sách mở trên bàn mà nhìn trời mông lung, tưởng chừng như đang cầm dao cạo mủ không bằng.




*

    Lần này về, nhà đã có người làm việc, xuống xe lôi máy, đón từ bải đất ngã ba, dốc công viên tỉnh, cái công viên nhiều lá úa cành trơ hơn bông hoa, trừ cái bia
ghi ơn chiến sĩ VNCH” cao bằng xi măng là uy nghi sừng sững ở giữa, cái bến đậu xe lôi khách đi, không ra chợ chở đồ thì về miệt trong xa, bất thành văn này, chẳng ai biết có từ hồi nào nhưng từ sáng sớm tới chiều tối, nờm nợp người, có khi chỉ có mấy anh lái xe hơn người đón, lúc nào cũng có xe chờ. Từ ngoài đường vô nhà máy đã thấy có người ngồi người đứng ngoài hàng ba, toàn là đàn bà con gái, chỗ để nghỉ ngơi, tụm nhau hình như sửa soạn ăn trưa, mười mấy cái xe đạp cột thùng thiếc đựng mủ dựng hàng dài, dọc theo bờ rào kẽm gai, trồng đệm thêm mấy cây ớt, cao chưa khỏi gối xum xuê cành lá, um sùm chuyện trò, cười giỡn.

*

   Thấy anh, họ ngừng nói chuyện trố mắt nhìn ra, khoảng sân rộng trước nhà máy,  anh cũng chưa kịp chào thì, chú hai phụ ba, chú hai gốc người Bắc, không vợ con, trôi giạt vào tới Xa Cam Hớn Quản, làm phu cạo mủ từ thời Tây, lúc ba anh còn ở đó, chú nghèo không có tiền đóng “thuế thân”, bị bắt, ba thương quá, tội nghiệp, ba đóng tiền lảnh chú ra, rồi từ đó chú về ở với ba, như anh em, theo ba đổi từ đồn điền này tới đồn điền kia, cuối cùng tiếp tục theo ba về đây, tuy nhà không khá giả nhưng, gia đình có chú cũng vui, chú lo hết việc trong việc ngoài, hàng xóm thường gọi chú là “chú quản gia”, chú cười khoái chí.

*

    Từ ngày ba lo chuyện trồng đồn điền, theo lời ba, chú lên tỉnh, vô sở coi chừng người mướn làm đất, đào mương, cất vườn ương, trồng hột giống, có khi  có cả mấy cô mấy chú quen từ xã nhà lên, ngủ trên nhà anh, đem theo gạo cá mắm, ở mấy ngày khi xong việc mới về, cho tới ngày cây lớn như hôm nay chắc cũng hơn bảy năm, ba yên tâm chạy lên chạy về, chú quán xuyến mọi thứ, có điều là công nhân, đàn bà, đàn ông gì cũng mến cũng thương chú hết. Sau ngày nhà máy xong, chú lo thêm việc coi sóc nó nữa.

    Từ phía sau mấy cái bồn lớn cao chứa mủ, đi ra chú cũng trố mắt “ủa mới về hả con”, anh “dạ” một tiếng nhỏ, rồi chú quay vô trong “anh tư ơi, thằng út về nè”, anh gật đầu cười chào họ, lách qua con đường hẹp tráng xi măng quanh mấy cái bồn đi, khuất chưa xa, nghe tiếng chú tư “con ông chủ”, chắc là nói với mấy người làm.

*

    Trời quá trưa, mấy người đi cạo mủ cũng chắc vừa ăn trưa xong, ba anh dặn dò chú hai gì đó, anh đứng bên ông, gật đầu cười chào họ, hai cha con thả bộ ra đường lộ, chờ đón xe lôi máy ra ngoài phố chợ, nhìn lại sau, chú hai nói qua nói lại với họ, họ nhìn theo ra đường, có tiếng cười.




     Sau hai ba lần về nhà, lạ rồi quen, tính anh vốn đã hiền như tên ba mẹ đặt, lại có tài ăn nói, nên không nói gì tời chú hai, giờ cả mấy chị con gái cạo mủ đều thích đều thương, duy chỉ có cô nhỏ nhất trong nhóm, chắc nhỏ hơn anh ba bốn tuổi, tóc dài, dễ thương, có duyên, là còn mắc cở, ngó trời ngó đất. Lần nào cũng vậy, trưa từ dưới Sài Gòn về vô nhà máy, luôn đúng giờ họ từ sở cao su về nghỉ, anh thôi không còn theo ba anh ra chợ, mà tụm lại ăn cơm chung, mới đầu thì cơm do chú hai lo, sau đó bớt ngại, có gì ăn nấy, nên mấy chị cũng để phần cho, cá khô, dưa luộc, mắm muối gì không sao, ngồi ăn quanh nhau, cười nói vang rân, ba anh ngồi trong nhà máy nhìn ra, lắc đầu cười “cái thằng”.

*

    Cô con gái nhỏ, gia đình nghèo, không có ba, ba chết vì bị gỗ từ trên cái xe be chở cây từ rừng biên giới về, đứt dây xích sao đó, rớt lăn xuống đường đất đỏ trơn trợt một chiều mưa, đè chết khi ông đạp xe đi hái chuối mướn về, chỉ còn mẹ với bà ngoại, nhà miệt ngoài ngoại ô tỉnh. Ngày tới đi làm, lúc nào cũng có mặt đúng giờ tại nhà máy, chuyện tới chuyện lui với mấy chị lớn mới biết thêm, cô còn đang học lớp đệ tam trường tỉnh, thấy thương tình, ba cho cô làm ngày cuối tuần, cô siêng năng, lanh lẹ, ăn nói dịu dàng, dạ thưa, cho nên ai cũng thương cũng mến, chú hai không ngớt miệng tiếng một tiếng hai “con gái nuôi”, phần anh, lúc nào cũng gợi chuyện, kể chuyện phương xa, chuyện học hành, lời khuyên lời bảo, anh anh em em, do vậy mà ngày thêm gần gũi hơn.

*

   Rồi lần lần biết nhau mến nhau hơn, tuần nào về anh cũng mang theo chút quà Sài Gòn, nào là bánh mì ổ bự, kẹo ngọt, bánh tây, đồ hộp... những thứ người ta bán đầy ở chợ trời Hàm Nghi, thêm mớ sách mớ truyện cho cô gái nhỏ, gọi là” mời chị mời em ăn lấy thảo” như là món quà thay cho lời cám ơn đã giúp gia đình mình trong những ngày qua.

   Và từ đó, mấy chị lớn thường nghe cô gái nhỏ hỏi họ nhiều hơn về anh, và khi nói đến anh là cô thường nhìn xa xăm, tưởng chừng như đang mơ đang mộng gì đó, nhứt là những lúc nghỉ ăn trưa thứ bảy, cô gái nhỏ xem ra thẩn thờ hơn, sầu tư biếng lự, cứ ngóng ngóng trông trông ra đường lộ, mấy chị đủ lớn để hiểu chuyện gì, không biết sao, nếu thật thì “thương cho em quá”, chú hai cũng đã thấy vậy, và biết như vậy, nhưng biết nói sao hơn, cười mà thở dài lặng thinh “tội nghiệp”. Với cô con gái nhỏ, giờ thì sách vở lớp học sân trường có thêm cái gì đó, trong từng trang, từng hàng chữ, một cái gì khó tả khó quên, nhớ ray nhớ rứt, bảy ngày trong tuần cô cứ mong cho tới ngày thứ bảy.

*

    Sau nghỉ Tết, đi làm trở lại, sáng thứ bảy, anh về cùng với cô bạn gái học chung trường, người Sài Gòn, cũng là lúc đúng giờ mấy chị làm nghỉ ăn trưa, anh và cô bạn gái nhanh nhẩu vui cười chào từng người, rồi quày quả đi vào trong nhà máy, bữa cơm hôm nay không có anh, không có tiếng cười, cô con gái nhỏ ngồi chết lặng, mấy chị lớn nhìn nhau, thương cho em, không biết làm sao mà nói,  không ai nói tiếng nào, chú hai từ trong nhà máy đi ra, nhìn mà thấy lòng buồn da diết, lặng thinh, cố cười, một cái cười buồn. Mọi thứ cũng chết lặng.

   Một lát sau, ba anh và cô bạn gái đi ra trước, anh theo sau, tới nhóm người làm, đang dọn dẹp sửa soạn trở lại rừng cao su, anh chào từ biệt, hẹn tuần sau gặp lại, anh tới ngoài đường, họ lần lượt đẩy xe đạp đi ra, chiếc xe lôi máy khuất dần cuối đường ra tỉnh, trời nắng và gió lùa chút bụi đỏ, mù mờ, cô con gái nhỏ cúi mặt, không ngó theo như những lần trước, đi cuối cùng, nghẹn ngào bật khóc một mình.

*

    Từ hôm đó, rồi những thứ bảy sau, cô con gái nhỏ đã  không còn đến làm nữa, anh cũng không còn dịp gặp lại, cuốn sách “Tuổi Hoa” màu tím làm quà không có người nhận và trên chuyến xe chiều về Sài Gòn, nhìn ra đường, anh bất chợt thở dài, buồn buồn mà thương “biết rồi tại sao”.

 

Thuyên Huy

Chuyện tự dựn, không thật mà tưởng chừng như có thật – Sắp Hạ 2020   

 

 

Nguyệt Quế - Nguyễn Ngọc Tuyết

 

NGUYỆT QUẾ

 

Chị đăm đăm nhìn anh thoăn thoắt cột dây vào mấy thanh nan lồng tre, cố hiểu xem anh đang nghĩ gì trong đầu. Đâu rồi anh thầy giáo trẻ mỗi chiều thứ bảy mang hàng lô sách đến cho mình đọc “để cô bé hiểu biết hơn về văn chương”. Đâu rồi người đàn ông dày dạn, sâu sắc từ chiến trận trở về cùng mình gánh vác việc gia đình, nuôi lớn con cái, không từ một công việc nặng nhọc nào? Cực nhọc, quay cuồng trong vòng xoáy cuộc “đổi đời”, người đàn ông ấy vẫn vững vàng, cắn răng chịu đựng, lúc nào cũng đưa bờ vai rắn chắc của anh cho mình tựa vào…

Nửa đêm chị thức giấc, quờ tay sang bên cạnh, thấy trống không. Phải định thần một phút chị mới nhớ ra: À, mình đang ngủ một mình! Cái cảm giác “một mình” này sao đến giờ chị vẫn chưa quen. Ba năm rồi còn gì. Từ khi anh về quê sống với thằng con trai với lý do “ở vườn không khí trong lành, khoáng đãng”. Mà đúng vậy, nhất là với căn bệnh lao phổi của anh trước đây thì sự thay đổi môi trường rất có lợi cho sức khỏe vốn không tốt của anh. Vậy mà… thỉnh thoảng chị vẫn thấy hụt hẫng, ngẩn ngơ như vậy. Hay tại đêm nay trong cuộc họp mặt với đám bạn cũ, nhiều đứa đã hỏi thăm:

– Chồng mày đâu rồi? Sao mày “tấn” ông ấy về vườn vậy? Muốn sống độc thân kiểu mới hả?

Chị chỉ đáp lại bằng nụ cười.

Lại nhớ về những ngày gian khổ có nhau khi con cái còn nhỏ, đứa nào cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vợ chồng chạy vạy, xoay xở với đồng lương còm công nhân viên chức để lo việc học hành cho con. Rồi đi giữ xe, nuôi heo, nuôi dê vắt sữa bỏ quán cà phê… Có lúc cơ cực quá, chị đã khóc với chồng: “Em căm thù cái nghèo! Tại sao nghèo là phải hèn, phải khổ hả anh?”. Những lúc ấy, anh chỉ cười, thật dịu dàng, thật trầm tĩnh và chị lại thấy nguôi ngoai, lại xốc dậy đi tới. Bây giờ hai đứa nhỏ lớn hết, có gia đình riêng cả rồi, đời sống đã khác trước nhiều, vậy mà khi cuộc sống thảnh thơi chị lại nuối tiếc những ngày nhọc nhằn, chồng con quấn quýt thế kia? Lòng tham không đáy của con người ư?

*

Một lần nữa giấc mơ lại trở về. Quyển sách đọc trong đêm đưa chị vào giấc ngủ muộn và chị lại mơ. Những ngày gần đây sao chị cứ hay mơ về ngày cũ. Lại thấy mình trở về thời tuổi trẻ, nụ hôn đầu dưới vòm cây xanh lá, khu vườn rì rào gió và nắng rực rỡ trên đầu. Hình như có tiếng chim hót êm êm đâu đó thật gần, hay chỉ là chị tưởng vậy thôi. Nhưng thảm cỏ mềm dưới chân với lá ổi rụng đầy thì rất thật, thật như những trái ổi lúc lắc trên cành chỉ vói tay lên là hái được. Những trái ổi xá lị giòn rụm, chua chua ngọt ngọt như một thời thanh xuân đọng mãi trong lòng.

Mỗi lần từ giấc mơ tỉnh dậy, chị cứ nuối tiếc, muốn nhắm mắt lại, muốn ngủ thêm chút nữa để nắm níu sự lâng lâng vui sướng ấy nhưng không tài nào đắm chìm lại được, chỉ càng thêm hụt hẫng thôi. Giống như đôi lúc, những điều chị muốn quên vẫn lù lù trở lại, thoáng chỗ này, thoáng chỗ kia. Những nẻo đường gập ghềnh bụi cát, xe nhét đầy khách, nỗi phập phồng lo sợ đường bị phá, bị gài mìn. Khi thì một đồn bốt heo hút với tiếng súng nổ rền trong đêm, sáng ra khu chợ nhỏ xôn xao vì trận đánh đêm qua… Tình yêu thời con gái của chị đi qua những nẻo đường heo hút gập ghềnh như thế. Giữa nỗi say đắm, mê muội là sự phập phồng, lo lắng về bất trắc, về một sự mất mát có thể đến bất cứ lúc nào. Chính thế mà bao mùi vị ngọt nồng chua cay đắng chát gì chị cũng từng nếm qua, chính vì thế mà ly rượu tình chị đã cố uống cạn một lần cho khỏi ân hận về sau. Sau này nhớ lại, đôi lúc chị cũng rùng mình, ngạc nhiên về sự “liều mạng” của chính mình. Nhưng biết sao được, sống chết vô chừng mà, chị đâu nỡ hối tiếc vì những táo tợn, liều lĩnh một thời con gái của mình.

Có lẽ vì vậy mà sau này khi sống cùng nhau trong tình nghĩa vợ chồng, anh vẫn tự hào vì chị, vì tình yêu cuồng si, lãng mạn của chị. Quan hệ vợ chồng suốt những năm dài vẫn lấp lánh chút mơ mộng của tình yêu ngày cũ. Và phải chăng vì thế mà chị vẫn chưa quen với việc anh tách ra khỏi cuộc sống chung, lặng lẽ an nhàn nơi vùng quê ấy?

Và còn nữa, bởi những ngày mưa đang tới! Những đêm thức giấc nửa chừng như đêm nay, mùi hương nguyệt quế lại len vào phòng chị. Những cơn mưa đầu mùa đã đánh thức cụm nguyệt quế trong cái chậu nhỏ sát vách phòng kia để hoa nở trắng ngần, thơm ngát!

*

Chị lại lọc cọc trên chiếc xe đạp điện về quê. Nói cho cùng thì quê chồng chị chỉ cách thành phố khoảng chục cây số chứ có xa xôi gì. Chỉ như ở ngoại thành vậy mà. Xa là tự mình thấy thôi.

Ông chồng chị vẫn nằm đong đưa trên chiếc võng giăng ở góc vườn như mọi khi. Chẳng hiểu sao mỗi lần bắt gặp hình ảnh quen thuộc ấy, chị không vui mà lại nghe mỏi mệt trong lòng. Hay tại chị chưa quen được với ý nghĩ người đàn ông “một thời oanh liệt” trong lòng chị nay chỉ là một ông già, bất đắc chí và chai cứng trong cuộc sống đơn điệu, buồn chán ở miệt vườn.

Anh đón chị bằng nụ cười thật tươi:

– Em mới vô hả? Gặp thằng Di chưa?

Chị cũng cười:

– Chưa anh à. Chắc con nó đi cắt cỏ cho bò rồi.

– Ừ, nó chăm chút mấy con bò mới mua lắm. Có lẽ vì bò thịt giờ bán được giá. Em có thấy nó bán bớt bầy dê rồi không? Thằng nhỏ biết tính toán lắm, em đừng lo.

Chị gật đầu mà lòng như chùng xuống, như nẫu ra. Chả lẽ chuyện trò giữa vợ chồng mình giờ chỉ là vậy sao? Chuyện dê cúi, chuyện tính toán làm ăn của con trai, chuyện cháu nội dạo này ngoan lắm, nói rành rẽ cả rồi… Nhưng không lẽ mình cứ lặng thinh?

Chị nhìn chiếc lồng trên tay anh, giả vờ hỏi:

– Anh làm lồng chim à?

– Ừ, có mấy đứa nhỏ trong xóm mê chim chìa vôi lắm. Hôm trước gác được mấy con bán cho chúng, giờ chúng đòi mua thêm lồng.

Chị gật đầu, có vẻ quan tâm tuy chị biết thừa những điều này rồi. Cái nghề chơi chim, gác chim của ông chồng chị thì nổi tiếng cả xứ này chứ đâu phải vùng quê nhỏ bé này. Đến giờ, thỉnh thoảng cũng có người tìm đến anh để tìm hiểu về cách nuôi chim cu gáy, chim chìa vôi, trao trảo hoặc cách gác lục, gác lưới bắt chim, chọn chim hay chim dở đó thôi. Nhưng lẽ nào anh chỉ còn giữ lại bấy nhiêu? Lẽ nào anh không còn ước muốn gì nữa trong cuộc đời này?

Chị đăm đăm nhìn anh thoăn thoắt cột dây vào mấy thanh nan lồng tre, cố hiểu xem anh đang nghĩ gì trong đầu. Đâu rồi anh thầy giáo trẻ mỗi chiều thứ bảy mang hàng lô sách đến cho mình đọc “để cô bé hiểu biết hơn về văn chương”. Đâu rồi người đàn ông dày dạn, sâu sắc từ chiến trận trở về cùng mình gánh vác việc gia đình, nuôi lớn con cái, không từ một công việc nặng nhọc nào? Cực nhọc, quay cuồng trong vòng xoáy cuộc “đổi đời”, người đàn ông ấy vẫn vững vàng, cắn răng chịu đựng, lúc nào cũng đưa bờ vai rắn chắc của anh cho mình tựa vào… Thế mà, chỉ một cơn bệnh thập tử nhất sinh đã thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ với anh đều như vô nghĩa, mối quan hệ vợ chồng, tình gia đình, con cái… Anh thu mình lại, không muốn ai can dự vào cuộc đời mình. Có mở miệng nói về chuyện này chuyện kia cũng chỉ là cho có nói. Riêng có thú chơi ngày xưa là anh còn giữ lại như nuôi gà tre, nuôi chim, nuôi thỏ. Góc vườn này là vương quốc của anh đó. Có lẽ anh thích nghe tiếng gù gù êm ái của loài cu cườm, tiếng hót của chim chìa vôi hay tiếng “ríu” của con trao trảo trong mấy chiếc lồng treo trên cháng cây kia còn hơn gặp mình, nghe mình nói chuyện, chị nghĩ thầm như vậy…

Mấy đứa con hay cằn nhằn kiểu khác:

– Ba lớn tuổi rồi thì cứ chơi chim chơi gà hay chăm sóc cây cảnh thôi. Nhưng ba không chịu giữ gìn sức khỏe gì hết, cứ đi nhậu hoài. Ai rủ cũng đi, không có cũng tự đi kiếm mồi uống rượu!

Chị biết mấy đứa nhỏ lo cho tình trạng bệnh hoạn của ba chúng chứ không cảm nhận như chị, không thấy rõ sự thay đổi con người anh như người vợ, người tình trong chị. Nhưng chị có thể nói gì hơn! Tụi nhỏ có cách nhìn riêng mà.

Dù vậy, mỗi lần bước về đây sao chị cứ thấy mệt mỏi, buồn rầu. Cái vùng quê ngày nhỏ chị từng yêu thích giờ sao có nhiều cái khác quá. Vẫn cây cỏ đó, vẫn cái nhịp điệu lặng lờ êm ả của sáng, của chiều ấy mà sao không khí như kém trong lành hơn, tâm hồn con người như phức tạp hơn, nhiều tính toán hơn. Mà những tụ họp ăn nhậu lại càng thường xuyên với sự phân hóa giàu nghèo rõ hơn. Và ông chồng chị như lọt thỏm vào trong cái khoảnh trời chật hẹp ấy dù vẫn chưa phải bước vào tuổi “cổ lai hy”.

Vậy là lần nào cũng định ở chơi lâu một chút nhưng rồi chị cũng lại trở về thành phố với căn phòng quen thuộc, với những ồn ào, bụi bặm và công việc tủn mủn của mình. Những công việc không ai bắt chị phải làm nhưng chị cứ bám víu vào nó như một chỗ trú, một cách khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng. Và, mỗi lần đi về, lại có cảm giác như mình bỏ quên lại một ai đó, như đang phản bội một lời hứa nào đó rồi cứ áy náy, bần thần mãi suốt mấy ngày liền…




*

Chị lại thức giấc giữa khuya. Có lẽ vì cơn mưa dai dẳng hồi đêm vẫn tí tách hoài trong giấc ngủ lơ mơ của chị. Mưa đã dứt hạt và vòm trời đêm đã trong trở lại với vài ánh sao chớp tắt trên cao. Chậu nguyệt quế vẫn tỏa hương thơm ngát. Đột nhiên mắt chị nhoè nhoẹt, cay sè. Sự ra đi đột ngột của anh khiến chị như mất hết ý niệm về thời gian. Một tháng hay hai tháng? Nỗi buồn lúc đầu chỉ như cơn gió thoảng qua, thổi vào sự trống vắng trong tâm hồn chị. Rồi từng cơn, từng cơn, quay cuồng, xoáy sâu, lạnh buốt. Hai đứa con khóc nấc nghẹn trong những ngày tang lễ rồi cũng nguôi ngoai. Mỗi đứa lại chăm chắm vào gia đình riêng, chắc rằng mẹ rồi cũng vượt qua. Bề gì thì vợ chồng chị cũng sống riêng lâu rồi mà. Làm sao chúng hiểu được nỗi đau càng lúc càng cứa sâu vào trái tim vốn đã mỏi mòn của người vợ như chị, nỗi đau mà bản thân người đàn bà trong chị cũng không đong lường cho hết. Bởi đã bao năm anh đã đi bên đời chị, lúc đầu như một người tình đắm đuối, rồi một người chồng tận tụy và cuối cùng như một cái bóng lặng thầm. Nhưng lúc nào cũng là hình, là bóng ấy sóng đôi nhau, nương tựa vào nhau cho dù có ngả nghiêng, có xô lệch, có trốn tìm, rượt đuổi nhau đến mệt nhoài, ngất lịm…

Bây giờ những lần chợt tỉnh giấc trong đêm, chị lại có cảm giác hụt hẫng như những lần về quê thăm anh rồi trở ra thành phố. Có lúc chị thèm nghe một tiếng ho gằn gặn của anh đến xé lòng. Ôi, những tràng ho dài những buổi sáng sớm, những đêm khuya khoắt khiến chị nghe áy náy, khó chịu sao giờ chị cứ muốn nghe mãi để thấy anh còn đó, còn đi ra đi vào trong nhà.

Một cơn gió thổi qua. Hương nguyệt quế lại tỏa hương thơm hắc. Hình như có giọt nước mưa vừa rơi trên vai chị lạnh buốt. Chị hít một hơi thở thật sâu, thật đầy mùi hương quen thuộc, tự nhủ: Mai mình phải về quê thôi! Dù chỉ để cảm nhận sự mất mát rõ hơn. Dù để nằm võng đong đưa nghe tiếng chim cu gáy thật buồn và ngước mắt nhìn trời để thấy trời xanh ngút mắt, xanh đến tận cùng nỗi nhớ trong lòng chị…

Nguyễn Ngọc Tuyết

304Đen – llttm - OVV

Tuesday, March 28, 2023

Người Và Ngựa - Thuyên Huy

 Người Và Ngựa

Tưởng như là giấc mơ

 















Ngựa chùng chân mỏi cuối đường

Người phu xe đứng buồn vương mắt đầy

Ngựa người thân xác hao gầy

Bên nhau thầm đếm tháng ngày gượng vui

Bến chờ khách cũng ngâm ngùi

Đường về xa đó chiều rơi giọt sầu

Rã rời người giấu hồn đau

Ngựa rưng rức lệ gục đầu tạ ơn

Trả đời trả hết oán hờn

Để thôi tiếc nhớ những cơn mưa tình

Ngựa người vẫn đó lặng thinh

Bến không ai đợi chỉ mình với ta

Cuối đường khách đã đi xa

 

Thuyên Huy

Wodonga đầu Hạ 2023

Bên Này Cầu Định Mệnh - Nguyễn Đạm Luân

 Bên Này Cầu Định Mệnh




 















Tôi đứng bên này cầu định mệnh

Xót xa nghe cây cỏ than sầu

Giăng mắc sương chờ mùa thu đến

Người đi không lời tạ từ nhau

 

Cũng lá vàng rơi mùa thu cũ

Lá vàng tôi nhặt thuở yêu người

Xếp thảm người nằm ngày xưa đó

Người đi bỏ lại một mình tôi

 

Lá thư tình cuối tôi đọc lại

Để người nằm đó giấc ngủ yên

Quạnh hiu mồ lạnh sầu quan tái

Rêu phong bia đá nhạt nhòa tên

 

Tôi thắp lửa lòng hai hàng nến

Trải lên huyệt mộ trắng màu hoa

Chiều ngã bóng tà dương thiên mệnh

Khúc kinh cầu khổ tiễn người xa

 

Thuyền tình xuôi mái dòng ly biệt

Trước sau cũng một chuyến xe đời

Thiên thu vẫn hai vòng nhật nguyệt

Cạn dư lệ này tôi khóc tôi

 

Nguyễn Đạm Luân

Chờ Mà Em Không Về - Thuyên Huy

 

CHỜ MÀ EM KHÔNG VỀ

 

    Hai chị em nó mồ côi, ba mẹ mất sớm, bỏ lại cho ngoại nuôi, mất hồi nào không biết chỉ nghe bà bảo là hồi hai đứa còn nhỏ lắm, ngoại không nói vì sao chết, chắc bà không muốn nhớ lại nổi đau mà bà đã chịu đựng từ bao nhiêu năm dài qua, hai chị em cũng không dám hỏi, không dám nhắc tới trước mặt ngoại. Ngoại già, nhà tranh vách lá, mái dột cột xiêu, tảo tần hôm sớm, nằm xéo ở khoảnh đất trũng, cuối góc bìa ấp dưới, đan rỗ đan đục tre bán trên chợ xã, một cái xã không giàu không nghèo, cách đó chừng hai ba cây số dọc theo tỉnh lộ, cơm cháo ngày lại tháng qua, tạm cho ba bà cháu sống, bữa thiếu bữa dư, bù qua sớt lại nhưng chưa gọi là đói.

*

   Tuy nhà nghèo, trong xã ai cũng biết, ngoại cũng ráng chắt chiu cho hai chị em đi học trường tiểu học xã, năm nó lên lớp Ba, chị lên lớp Nhất, ngoại già yếu hơn, tay chân có khi không cầm nỗi cái dao chẻ tre chẻ trúc, chầm cọng lạt khi trật khi trúng, chị nó biết, đi học về, phụ nấu cơm, giặt giũ, quét dọn sáng chiều, chị nó thức khuya phụ nhưng quanh quẩn chỉ giúp việc cắt, chặt mấy cọng lạt cho bằng cho ngay, vậy thôi, nó ngồi bên thui thủi nhìn qua nhìn lại, trong ánh đèn dầu leo lét mơ mờ ba bóng người chập chờn trên vách lá, gầy buộc, buồn thiu.

*

   Cuối năm lớp Nhất chị nghỉ học, ngoại cũng mòn mỏi rồi, tuổi già sức yếu, tay chân run rẩy, nhưng ngoại vẫn cố ngồi đan đục đan giỏ nhưng chẳng được bao nhiêu, thương ngoại thương em, tình cảnh nghèo khổ, nhìn ngoại mà hai chị em muốn khóc và đã ngồi bên hè khóc sướt mướt bao nhiêu lần, nó cũng khóc theo chứ thật chưa biết thương ngoại tới độ nào, thương thì biết thương vậy thôi.

*

    Chị lên chợ xã làm công cho vợ chồng bác chủ tiệm hàng xén khá giả, sáng sớm hai chị em dắt nhau đi bộ dọc theo tỉnh lộ lên chợ, cũng như những ngày trước nhưng giờ thì tới chợ, nó vào trường chị nó tới tiệm, chiều tan trường, chị nghỉ làm, tới cổng chờ, rồi hai chị em cười nói, dắt nhau về nhà như những ngày chị còn đi học với nó.  Nó tiếp tục học lên lớp Nhất rồi thi đậu vào Đệ Thất, ngoại mừng chị cũng mừng,chị dành dụm tiền, đồng nào có được, nhất định phải nuôi cho nó ăn học tới nơi tới chốn.

*

    Chị không còn làm công việc phụ bán sai vặt ở tiệm hàng xén, thấy chị lạnh lẹ, ăn nói ngọt ngào vui vẻ, nên bác gái chủ tiệm cho chị đi theo, xuống quận lên tỉnh, đặt hàng, đếm hàng, lo xem cái nào cần thêm cái nào nên bớt, cảnh nhà cũng vậy, đở hơn đôi chút chứ nghèo vẫn nghèo. Phần nó, đi học thì thôi, không có chị ở nhà như trước, nó thay chị quét sân nhổ cỏ, phơi cũi, trông chừng giúp ngoại đi đứng, chiều chị về nấu cơm và lo việc còn lại, thứ bảy chủ nhật, thương chị vất vả lam lũ, nó cũng chịu khó, sáng sớm ra đồng, xế trưa ra sông, câu cá, bắt cua, nhà có ăn, bữa nào nhiều, đem ra chợ xã, ngồi bán, vậy mà nó thấy vui, chị đở lo cũng vui.

*

    Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, kiếp đời của ba bà cháu cứ vậy mà trôi qua, ngoại già thêm, chị và nó lớn thêm, đậu Tú Tài Một nó vào lính, nó vắng nhà, chị ngoại ai cũng buồn cũng nhớ, chị thôi làm ở tiệm hàng xén, mặc dù hai bác chủ tiệm một hai bảo chị ở lại, ngày ngày về sớm cũng được vì nhà đâu có gì xa đâu, nhưng chị xin lỗi, ngoại không đi đứng được, yếu quá rồi, rũi té ngã bất thần thì có ai đâu mà lo vì nó không còn ở nhà. Mản khóa quân trường, nó về lại nhà nghỉ phép trước khi ra đơn vị, một nơi địa đầu giới tuyến, xa nhà xa tít mù xa, đâu đó tận miền Trung mưa phùn gió bấc.

*

    Rồi có người trên ấp trên, qua lời làm mai mối của hai bác chủ tiệm hàng xén chợ xã, tới nhà dạm hỏi, anh này hiền lành, chăm chỉ làm ăn, tử tế, ấp trên xóm dười, cả chợ cả làng đều biết, nhà không khá lắm nhưng không nghèo như nhà hai chị em nó, ngoại bằng lòng, chị cũng bằng lòng.

  Qua Tết năm sau đám cưới chị, nó nhất định sẽ về đúng ngày, mừng ngày vui của chị.

*

    Ngày cưới, hai bà cháu chờ, người bên đàng trai cảm thông thương tình cũng chờ, chờ mà không thấy nó về như đã nói, rồi biết làm sao hơn, chị cũng phải theo chồng, người hàng xóm đở ngoại ra trước cửa, tiễn chị ra xe lam rước dâu, hai bà cháu ôm nhau sụt sùi, dù nhà chồng về nhà chị, đi bộ cũng tới.

*



         Vài hôm sau, chị về lại nhà, hai bà cháu, môt già một trẻ, một lần nữa ôm nhau khóc sướt mướt, khóc sụt sùi. Tin từ xa về, nó đã tử trận trên chiến trường Lam Sơn, Hạ Lào, ngay trưa hôm chị theo về nhà chồng, bỏ lại ngoại một mình trong căn nhà tranh quạnh vắng, nhưng chị vẫn còn chỗ đi chỗ về, còn nó, nó đã bỏ ngoại và chị đi xa, một nơi rất xa và không bao giờ về nữa.

 

Thuyên Huy

Đã sang mùa 2020