Thursday, March 30, 2023

Cũng Đành Bạc Phận - Thuyên Huy

 

CŨNG ĐÀNH BẠC PHẬN

 

    Sau mấy chục năm lăn lộn, trôi giạt từ Hớn Quản Xa Cam, Bà Rá Lai Khê, với nghề trông coi đồn điền cao su cho người Pháp, cắt ca cắt củm, chắt mòn chút tiền dành dụm và sau mấy năm dài, ba má cặm cụi bỏ công gắng sức, chăm lo, nâng niu từng hột giống, cọng cỏ ngọn cây, từng bờ mương con đường,  cái đồn điền cao su chừng trên dưới hai mươi mấy mẩu, cách chợ tỉnh trên một con đường đất đá bụi đỏ, độ mười một mười hai cây số, qua cái cầu cũ kỹ rỉ sét không hơn trăm bước, nước cạn, có đồn lính địa phương quân, trên gò đất cao cạnh đó, đã bắt đầu khai thác khi cái nhà máy chứa mủ, xấy khô, đóng bành đã cất xong, ở khu ven ranh, xa xa phố chợ, khỏi xóm nhà lẻ loi lưa thưa, đèn đường khi mờ khi tỏ, ít xe vắng người.

*

    Từ ngày đó, đồn điền bắt đầu làm, háo hức, đứng ngồi không yên, từ Sài gòn, tuần nào anh cũng về trên nhà, mới đó mà cứ nhớ, nhớ hàng cao su cao cao xanh lá thẳng hàng, chạy song song hai bên những con đường đất ươm ướm màu bụi đỏ nhạt, đan kín nhau, che bóng nắng, mát rượi, mà chú hai phụ việc chở chạy ngang chạy dọc, ngồi sau lưng, trên xe Hnoda, mà mơ mơ màn màn thương đất ươm mùi lá mục, nhớ mà thương cho ba mẹ, vất vả chạy lên chạy xuống, nhà dưới xã nhà trên tỉnh, mướn người mướn xe, ôi đủ thứ chuyện, xuống Sài Gòn học mà cứ thấp tha thấp thỏm, không giúp được gì buồn ra mặt, vô giảng đường, ngồi trước bàn học có khi để sách mở trên bàn mà nhìn trời mông lung, tưởng chừng như đang cầm dao cạo mủ không bằng.




*

    Lần này về, nhà đã có người làm việc, xuống xe lôi máy, đón từ bải đất ngã ba, dốc công viên tỉnh, cái công viên nhiều lá úa cành trơ hơn bông hoa, trừ cái bia
ghi ơn chiến sĩ VNCH” cao bằng xi măng là uy nghi sừng sững ở giữa, cái bến đậu xe lôi khách đi, không ra chợ chở đồ thì về miệt trong xa, bất thành văn này, chẳng ai biết có từ hồi nào nhưng từ sáng sớm tới chiều tối, nờm nợp người, có khi chỉ có mấy anh lái xe hơn người đón, lúc nào cũng có xe chờ. Từ ngoài đường vô nhà máy đã thấy có người ngồi người đứng ngoài hàng ba, toàn là đàn bà con gái, chỗ để nghỉ ngơi, tụm nhau hình như sửa soạn ăn trưa, mười mấy cái xe đạp cột thùng thiếc đựng mủ dựng hàng dài, dọc theo bờ rào kẽm gai, trồng đệm thêm mấy cây ớt, cao chưa khỏi gối xum xuê cành lá, um sùm chuyện trò, cười giỡn.

*

   Thấy anh, họ ngừng nói chuyện trố mắt nhìn ra, khoảng sân rộng trước nhà máy,  anh cũng chưa kịp chào thì, chú hai phụ ba, chú hai gốc người Bắc, không vợ con, trôi giạt vào tới Xa Cam Hớn Quản, làm phu cạo mủ từ thời Tây, lúc ba anh còn ở đó, chú nghèo không có tiền đóng “thuế thân”, bị bắt, ba thương quá, tội nghiệp, ba đóng tiền lảnh chú ra, rồi từ đó chú về ở với ba, như anh em, theo ba đổi từ đồn điền này tới đồn điền kia, cuối cùng tiếp tục theo ba về đây, tuy nhà không khá giả nhưng, gia đình có chú cũng vui, chú lo hết việc trong việc ngoài, hàng xóm thường gọi chú là “chú quản gia”, chú cười khoái chí.

*

    Từ ngày ba lo chuyện trồng đồn điền, theo lời ba, chú lên tỉnh, vô sở coi chừng người mướn làm đất, đào mương, cất vườn ương, trồng hột giống, có khi  có cả mấy cô mấy chú quen từ xã nhà lên, ngủ trên nhà anh, đem theo gạo cá mắm, ở mấy ngày khi xong việc mới về, cho tới ngày cây lớn như hôm nay chắc cũng hơn bảy năm, ba yên tâm chạy lên chạy về, chú quán xuyến mọi thứ, có điều là công nhân, đàn bà, đàn ông gì cũng mến cũng thương chú hết. Sau ngày nhà máy xong, chú lo thêm việc coi sóc nó nữa.

    Từ phía sau mấy cái bồn lớn cao chứa mủ, đi ra chú cũng trố mắt “ủa mới về hả con”, anh “dạ” một tiếng nhỏ, rồi chú quay vô trong “anh tư ơi, thằng út về nè”, anh gật đầu cười chào họ, lách qua con đường hẹp tráng xi măng quanh mấy cái bồn đi, khuất chưa xa, nghe tiếng chú tư “con ông chủ”, chắc là nói với mấy người làm.

*

    Trời quá trưa, mấy người đi cạo mủ cũng chắc vừa ăn trưa xong, ba anh dặn dò chú hai gì đó, anh đứng bên ông, gật đầu cười chào họ, hai cha con thả bộ ra đường lộ, chờ đón xe lôi máy ra ngoài phố chợ, nhìn lại sau, chú hai nói qua nói lại với họ, họ nhìn theo ra đường, có tiếng cười.




     Sau hai ba lần về nhà, lạ rồi quen, tính anh vốn đã hiền như tên ba mẹ đặt, lại có tài ăn nói, nên không nói gì tời chú hai, giờ cả mấy chị con gái cạo mủ đều thích đều thương, duy chỉ có cô nhỏ nhất trong nhóm, chắc nhỏ hơn anh ba bốn tuổi, tóc dài, dễ thương, có duyên, là còn mắc cở, ngó trời ngó đất. Lần nào cũng vậy, trưa từ dưới Sài Gòn về vô nhà máy, luôn đúng giờ họ từ sở cao su về nghỉ, anh thôi không còn theo ba anh ra chợ, mà tụm lại ăn cơm chung, mới đầu thì cơm do chú hai lo, sau đó bớt ngại, có gì ăn nấy, nên mấy chị cũng để phần cho, cá khô, dưa luộc, mắm muối gì không sao, ngồi ăn quanh nhau, cười nói vang rân, ba anh ngồi trong nhà máy nhìn ra, lắc đầu cười “cái thằng”.

*

    Cô con gái nhỏ, gia đình nghèo, không có ba, ba chết vì bị gỗ từ trên cái xe be chở cây từ rừng biên giới về, đứt dây xích sao đó, rớt lăn xuống đường đất đỏ trơn trợt một chiều mưa, đè chết khi ông đạp xe đi hái chuối mướn về, chỉ còn mẹ với bà ngoại, nhà miệt ngoài ngoại ô tỉnh. Ngày tới đi làm, lúc nào cũng có mặt đúng giờ tại nhà máy, chuyện tới chuyện lui với mấy chị lớn mới biết thêm, cô còn đang học lớp đệ tam trường tỉnh, thấy thương tình, ba cho cô làm ngày cuối tuần, cô siêng năng, lanh lẹ, ăn nói dịu dàng, dạ thưa, cho nên ai cũng thương cũng mến, chú hai không ngớt miệng tiếng một tiếng hai “con gái nuôi”, phần anh, lúc nào cũng gợi chuyện, kể chuyện phương xa, chuyện học hành, lời khuyên lời bảo, anh anh em em, do vậy mà ngày thêm gần gũi hơn.

*

   Rồi lần lần biết nhau mến nhau hơn, tuần nào về anh cũng mang theo chút quà Sài Gòn, nào là bánh mì ổ bự, kẹo ngọt, bánh tây, đồ hộp... những thứ người ta bán đầy ở chợ trời Hàm Nghi, thêm mớ sách mớ truyện cho cô gái nhỏ, gọi là” mời chị mời em ăn lấy thảo” như là món quà thay cho lời cám ơn đã giúp gia đình mình trong những ngày qua.

   Và từ đó, mấy chị lớn thường nghe cô gái nhỏ hỏi họ nhiều hơn về anh, và khi nói đến anh là cô thường nhìn xa xăm, tưởng chừng như đang mơ đang mộng gì đó, nhứt là những lúc nghỉ ăn trưa thứ bảy, cô gái nhỏ xem ra thẩn thờ hơn, sầu tư biếng lự, cứ ngóng ngóng trông trông ra đường lộ, mấy chị đủ lớn để hiểu chuyện gì, không biết sao, nếu thật thì “thương cho em quá”, chú hai cũng đã thấy vậy, và biết như vậy, nhưng biết nói sao hơn, cười mà thở dài lặng thinh “tội nghiệp”. Với cô con gái nhỏ, giờ thì sách vở lớp học sân trường có thêm cái gì đó, trong từng trang, từng hàng chữ, một cái gì khó tả khó quên, nhớ ray nhớ rứt, bảy ngày trong tuần cô cứ mong cho tới ngày thứ bảy.

*

    Sau nghỉ Tết, đi làm trở lại, sáng thứ bảy, anh về cùng với cô bạn gái học chung trường, người Sài Gòn, cũng là lúc đúng giờ mấy chị làm nghỉ ăn trưa, anh và cô bạn gái nhanh nhẩu vui cười chào từng người, rồi quày quả đi vào trong nhà máy, bữa cơm hôm nay không có anh, không có tiếng cười, cô con gái nhỏ ngồi chết lặng, mấy chị lớn nhìn nhau, thương cho em, không biết làm sao mà nói,  không ai nói tiếng nào, chú hai từ trong nhà máy đi ra, nhìn mà thấy lòng buồn da diết, lặng thinh, cố cười, một cái cười buồn. Mọi thứ cũng chết lặng.

   Một lát sau, ba anh và cô bạn gái đi ra trước, anh theo sau, tới nhóm người làm, đang dọn dẹp sửa soạn trở lại rừng cao su, anh chào từ biệt, hẹn tuần sau gặp lại, anh tới ngoài đường, họ lần lượt đẩy xe đạp đi ra, chiếc xe lôi máy khuất dần cuối đường ra tỉnh, trời nắng và gió lùa chút bụi đỏ, mù mờ, cô con gái nhỏ cúi mặt, không ngó theo như những lần trước, đi cuối cùng, nghẹn ngào bật khóc một mình.

*

    Từ hôm đó, rồi những thứ bảy sau, cô con gái nhỏ đã  không còn đến làm nữa, anh cũng không còn dịp gặp lại, cuốn sách “Tuổi Hoa” màu tím làm quà không có người nhận và trên chuyến xe chiều về Sài Gòn, nhìn ra đường, anh bất chợt thở dài, buồn buồn mà thương “biết rồi tại sao”.

 

Thuyên Huy

Chuyện tự dựn, không thật mà tưởng chừng như có thật – Sắp Hạ 2020   

 

 

No comments: