Sunday, December 27, 2020

Chúc Mừng Năm Mới 2021 - 304Đen

 

Kính Chúc Mng Năm Mi Dương Lch 2021

Kính chúc quý anh chị và bạn bè thân hữu gần xa

Một Năm Mới Dương Lịch 2021 An Vui Và Mọi Điều Như Ý

304Đen - Kính Chúc

 



Chiều Rơi Cuối Dốc Đồi Mơ - Thuyên Huy

 Chiều Rơi Cuối Dốc Mơ

















Chiều rơi cuối dốc đồi mơ

Nửa xôn xao nhớ nửa thơ thẩn chờ

Phố xưa vẫn đó đôi bờ

Cũng mùa hạ cũ ngu ngơ giận người

Ngữa tay hứng vạt chiều rơi

Chắt chiu nhặt nắng của thời biết thương

Ngẫn ngơ cỏ úa sân trường

Bước đi bước ở hồn vương vấn tình

Tạ từ trời đất lặng thinh

Quằn vai nổi nhớ gập ghềnh đời nhau

Đồi mơ một dốc mơ sầu

Chiều rơi theo tiếng vó câu cuối đường

 

Thuyên Huy

Giáng Sinh Ở Một Làng Nhỏ Miền Đồng Tháp - Duyên Anh

 

Giáng Sinh Ở Một Làng Nhỏ Miền Đồng Tháp

 

 

Năm 1958, áo cơm đưa đẩy tôi về miền Tây. Đói, đầu gối phải bò. Và tôi đã bắt đầu gối tôi phải bò mãi về làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo, nơi ra đời của vĩ nhân Huỳnh Phú Sổ, dạy ở ngôi trường trung học bán công mà học trò, hầu hết đều bằng tuổi tôi.

 

Mỹ Lương buồn lắm. Vào những ngày mười tư, mười rằm và ba mươi, mồng một chợ búa chỉ bán rau cỏ, tương chao, tầu vị yểu. Quán nước trần xì cà phê đen. Điểm tâm bằng dầu cháo quẩy. Không thịt cá những ngày đó. Là kẻ tội lỗi từ thuở lọt lòng, dẫu ăn chay trường cũng khó sạch tội, nên khi thánh địa ăn chay, đọc kinh, nghe lời giảng của Đức Thầy, tôi bèn làm những chuyến… sang sông.

 





Chúa sanh ra nơi nghèo hèn. Giáng sanh này, ngài cũng sẽ về những nơi nghèo hèn…
(ảnh minh họa)

Con sông nhỏ có thể đưa ghe, tầu sang tận Cao Miên nhưng chỉ đưa tôi qua Tân Huề bằng chiếc đò máy. Cách một dòng sông bên này là thánh địa Hòa Hảo, bên kia là… lung tung beng. Một xóm đạo nhỏ với ngôi nhà thờ bé và vị linh mục kéo vĩ cầm. Lại chỉ khoái chơi nhạc kháng chiến! Tôi có nhiều học trò bên Tân Huề. Và tôi thường mò sang ăn mặn vào dịp Mỹ Lương ăn chaỵ

Tôi quen với linh mục khoái nói chuyện bưng biền hơn là nói chuyện Chúa, ở Tân Huề. Nhà thờ thiếu cái đàn “Harmonium”, thiếu ban hát lễ, thiếu nhô con áo đỏ giúp lễ ố những chuyên viên quỳ ố thiếu luôn bánh thánh và… nước phép. Cha sở – tạm gọi thế – kéo vĩ cầm buồn cười vỡ bụng. Ngài lười “vibrer”. Ngài cứ đưa cái “archet” lên xuống cả những nốt ngân. Nhưng con chiên của ngài xứng đáng được Chúa thương xót nhất nếu Chúa biết ngót mười lăm năm trời, họ đã sống trong nỗi hãi hùng, lép vế, buồi tủi. Mà vẫn phụng thờ Chúa, vẫn tin ngày nhắm mắt được gặp Chúa ở trên trời, vẫn làm sáng danh Chúa.

Giáng Sinh những năm trước, tôi không biết ở đây, ở cái xóm đạo nhỏ bé của làng Tân Huề thuộc miền Đồng Tháp, cái đám giáo dân tổ chức đón mừng Chúa Hài Đồng ra đời ra sao, nhưng năm nay, hang đá tại nhà cô út lớn gấp ba hang đá của nhà thờ. Tôi thấy một điều lạ. Chúa ở thật xa, Cha ở thật gần, đám con chiên hèn mọn của Chúa chỉ theo Chúa. Có lẽ, cha sở mải lo chuyện bưng biền, quên phụng vụ Chúa, quên an ủi đám con chiên lạc lõng, bị kìm kẹp giữa miền hắt hủi như những tội đồ.

Cô út là chị thằng Lễ, học trò lớp đệ thất. Cô mở tiệm may bên Tân Châu. Mọi năm, cô không về Tân Huề mừng Chúa giáng sinh đâu. Ở Tân Châu vui hơn. Nhà thờ lớn hơn. Tiếng chuông ánh ỏi hơn. Lời ca vút cao hơn. Giáng sinh năm nay, cô út mừng Chúa ra đời ở quê nhà. Chắc tại thằng Lễ nói có tôi dự tiệc nửa đêm ở nhà nó. Tôi không phải là công giáo. Gần Giáng Sinh, tôi dạy tới bài Christmas trong cuốn Anglais Vivant của Fialip Carpentier. Bài này và hai bài kế tiếp đều nói về Giáng Sinh, thời tiết trong ngày Giáng Sinh với ông Santa Claus. Thằng Lễ tưởng tôi khoái “đạo” của nó lắm nên năn nỉ mời tôi sang Tân Huề. Tôi nhận lời ngay.

Buổi chiều hôm 24, nhà thằng Lễ rộn rã mà nếu Chúa biết. Ngài sẽ cảm động vô cùng. Cái cổng chào đã dựng xong ở ngõ từ sáng. Trên nền lá dừa chẻ nhỏ, cắt ngắn là hàng chữ cắt ráp tỉ mỉ của Lễ “Mừng Chúa Giáng Sinh”. Chiếc đèn ông sao treo ở giữa. Rất đông bà con thân thuộc của gia đình Lễ tới tô điểm hang đá và trang hoàng nhà cửa. Cuối sân, cô út đang sửa soạn bếp quay một cặp ngỗng. Mọi người hầu như quên nhà thờ, quên cha sở, quên cả nỗi cay đắng trải dài nhiều năm tháng. Họ ăn mặc chỉnh tề. Niềm hân hoan hiện rõ. Càng thắm đậm oan khiên, tủi cực họ càng tin rằng Chúa không bỏ họ như cha sở. Chúa sẽ đến với họ. Chúa đã quên họ từ bao nhiêu năm naỵ Chúa phải đến đêm naỵ Chỉ cần Chúa đến giây lát. Chỉ cần Chúa hiểu họ không bao giờ quên Chúa và lời dạy của Chúa.

Đêm xuống dần. Gió sông lùa lên tăng thêm cái lạnh dễ yêu. Tôi bảo Lễ chở xe gắn máy đưa tôi đến nhà thờ. Nhà thờ ở gần bến đò. Vắng như bến đò. Có một giáo đường nào im bóng hơn giáo đường này, vào đêm Chúa giáng sinh? Hai chúng tôi trở về. Những chiếc đèn ông sao thắp sáng một vùng quê hương u tối. Mọi người quỳ trước hang đá cầu nguyện và suy tôn Chúa cao cả. Mùi hoa Huệ thơm nhẹ. Hoa Huệ chỉ thơm khi gần khói hương hay gần ánh đèn cầy. Mùi thịt ngỗng quay thơm lừng. Nhưng tôi còn ngửi được một mùi thơm thần thánh toát ra từ những tâm hồn ngoan đạo của đám con chiên côi cút đang kính cẩn nguyện cầu trước Chúa của họ. Tôi tự hỏi ngoài nhà thằng Lễ, còn nơi nào đón mừng Chúa giáng sinh bằng nghi thức ở nhà thằng Lễ. Nghi thức! Không, không nghi thức đâu. Đó là sự tôn kính tuyệt đối. Đó là ý muốn của Chúa. Chúa cũng giản dị. Chúa ghét nghi thức. Chúa giáng sinh không phải vì nghi thức, cho nghi thức. Mà vì nỗi cùng khổ của loài người, cho loài người biết thương yêu nhau.

Gần nửa đêm, tiếng cầu nguyện lớn thêm, lan tỏa. Và khi tiếng chuông buồn tẻ từ giáo đường vọng tới, mọi người mừng vui cuống quýt. Chúa đã ra đời. Chúa đã ra đời cách đây 1958 năm, ra đời ở một nơi thấp hèn hơn nhà thằng Lễ. Người ta bỗng thấy thiếu một cái gì. Ba thằng Lễ giục tôi:

– Thầy Long, thầy có biết hát thánh ca không?

Phải thú thật là tôi xúc động ghê gớm. Tôi gật đầu. Và tôi run giọng hát

– Silent night, Holly night, all is calm, all is bright…

Tôi hát tới đó, dừng lại ngay và nói:

– Qúy vị cần hát một bài mừng Chúa giáng sinh với tôi.

Và tôi dạy họ hát bài “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… ”

Như thể được hưởng ân điển của Chúa, họ thuộc rất nhanh. Lát sau, tiếng hát vút lên:

Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê Lem
ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung
Tiếng hát thiên thần vang lừng

…….

Ôi Chúa thiên tòa giáng sinh thấp hèn.

Tiếng hát lắng lại. Mọi người ngước nhìn bầu trời. Cả tôi nữa. Tôi thấy một vì sao lung linh. Và tôi còn mơ hồ thấy một vì sao rơi từ từ xuống thẳng nhà thằng Lễ. Chúa đấy. Ngài đã đoái hoài đám con chiên có cái hiện tại hẩm hiu như dĩ vãng của Ngài, ở Tân Huề năm ấy.

Mười ba năm đằng đằng, tôi không có dịp trở về thăm làng Tân Huề. Chiến tranh đã qua đấy chưa? Giáo đường đã sụp đổ chưa? Cha sở đã bỏ con chiên chưa? Đám con chiên ngoan đạo bây giờ ra sao? Dù chiến tranh đã qua Tân Huề, dù cha sở bận hạc nội mây ngàn, tôi vẫn tin Giáng Sinh năm nay nhà thằng Lễ còn hang đá, còn đèn ông sao, còn lời nguyện cầu, còn hát thánh ca. Có thể thằng Lễ đã chết trận. Không sao cả, miễn là, từ cái sân đất khô cằn của nhà nó, người ta còn dựng nổi cái hang đá. Cho niềm tin.

Duyên Anh

 

 

Chờ Mong (Xướng Họa) - Nguyễn Cang & vkp Công chúa nhỏ

 

CHỜ MONG





 









1 .

 

Khóc nữa đi em thỏa tấm lòng

Hướng về phương ấy mỏi mòn trông

Xa nhau từ độ tàn chinh chiến

Lặng lẽ quay về cảnh trống không!

 

2 .

 

Lâu quá tin anh cứ biệt xa

Tàn thu man mác ánh trăng tà

Trong tim khắc đậm hình ai đó

Chan chứa lệ nhòa nước mắt sa!

 

Nguyễn Cang (8/6/2020)

 

HỌA 1

 

1 – NGÓNG TRÔNG

 

Ai xui nước mắt ngược vào lòng

Để giấu tình đau -  chôn ngóng trông

Lữ thứ bao năm xa cách biệt

Thân côi đêm vắng – tủi buồn không?

 

2 – TIỄN ĐƯA

 

Con tàu bay tít tận trời xa

Quay bước trở về dưới nắng tà

Mắt lệ rưng rưng - tim thổn thức

Mây đen kéo đến – giọt mưa sa!

 

HỌA 2

 

1-ĐẠO ĐỜI

 

Trời lành lạnh khiến sắt se lòng

Dù ngoại Đạo vẫn luôn ngóng trông

Thiên Chúa Giáng Sinh ban lôc phúc

Đạo Đời ngăn cách chỉ còn không!

 

2-ĐÔNG ĐẾN

 

Ngày về quê cũ đâu còn xa

Đông đến nhịp chân dưới nắng tà

Hai dứa cùng nhau ôn kỷ niệm

Ngày xưa- thổn thức giọt châu sa!

                   

Saigon  Tháng 12/2020

vkp công chúa nhỏ

Đà Lạt Trong Ký Ức - Bích Vân

 

Đà Lạt trong ký ức

 

Không cần đến câu “khi yêu trái ấu cũng tròn”, cũng thấy giọng nói của người dân xứ lạnh sao dễ thương ấm áp vô cùng, đặc biệt là cách phát âm của những người gốc Huế đã sinh sống lâu năm tại Dalat. Nhẹ hơn giọng của những người “Huế rặt”, âm hưởng ngả về giọng Nam nhiều hơn nên … dễ nghe, nên lẽ dĩ nhiên dễ hiểu hơn, dễ “thân nhau” hơn.

Bích Vân




Tôi của hơn 40 năm về trước vẫn thường đi lên đi xuống cái thành phố mù sương ấy ít nhất mỗi tháng một lần. Thuở ấy tôi mê Đà Lạt với những căn nhà đầy hoa rực rỡ, những ngọn đồi thoai thoải mầu xanh và mê… cả người Đà Lạt.

Chúng tôi vẫn thường lui tới quán cà-phê H.S. ở giữa con dốc đường Minh Mạng. Làm sao quên được những buổi chiều ngồi với nhau nhâm nhi ly trà cúc, rù rì to nhỏ đủ mọi thứ chuyện trên đời? và hình ảnh ông chủ Q.H. với cái khăn foulard đỏm đáng quanh cổ, tay thọc túi quần, nách kẹp tờ báo, đứng trước cửa tiệm bập bập ống pipe? Làm sao quên được những buổi tối đi dạo loanh quanh khu Hòa Bình rồi sà vào mấy hàng xe đẩy ăn tô miến gà cho ấm bụng hoặc nhấm nháp những ly chè đầy ắp tình bạn ngọt ngào?

 

Đà Lạt của thời sinh viên bay nhảy quả thật vẫn làm mềm lòng mỗi khi nhớ lại.

Giờ đây, tôi đi lang thang qua những con đường cũ mà cảm thấy xa lạ. Suýt nữa đi lạc vì còn mải nghếch mắt nhìn những thay đổi. Không chỉ tên đường đã đổi, mà những căn nhà bé bé xinh xinh cũng chẳng còn, thay vào đó là những tòa nhà nhiều tầng chiếm gần hết hai bên đường. Buồn.

Cà-phê H.S. cũng không còn, thay vào đó là một văn phòng du lịch. Tôi đi lên đi xuống con dốc đường Minh Mạng hàng chục lần, ngơ ngác, ngẩn ngơ.

Cà-phê Tùng ư? vẫn còn đấy, và khung cảnh vẫn thế. Nhưng có lẽ không khí không còn mời gọi tôi nữa. Ngồi đấy lâu làm gì, thêm buồn.

Có hôm đi ngang qua khu nhà ngày xưa của B., tôi thấy rõ ràng tim đập mạnh, vì chợt nhớ đến những buổi tối B. đưa tôi đến phòng trà (quên mất tên) nơi có ban nhạc chơi khá hay và B. giữ tay trống. Phòng trà bỏ túi này không thể so sánh với quán Hầm Gió trên đường Võ Tánh ở Saigon cuối những năm 60 thỉnh thoảng có nhiều ca sĩ thứ thiệt đến trình diễn. Nhưng không khí tại đây ấm cúng hơn, thân mật hơn và các giọng ca tuy không điêu luyện nhưng hát hò hết mình, sôi nổi, hâm nóng cả gian phòng bé nhỏ và khán thính giả.

Ngày ấy chưa có phòng trà mời khách lên sân khấu hát như bây giờ, nên các ca sĩ vườn “chạy sô” và ban nhạc phải gồng suốt chương trình từ A đến Z. Những bản nhạc được yêu cầu phần lớn là nhạc Mỹ và Tây, ví dụ như Aline, Capri c’est fini, Unchained melody, Smoke Gets In Your Eyes, .v.v… là những bản nhạc ca tụng tình yêu mà giới trẻ khắp nơi trên thế giới say mê, không riêng gì giới trẻ của Saigon. Là những bản được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu của đài Phát Thanh Quân Đội trước 75, với xướng ngôn viên là cô Mỹ Linh (còn có tên là Hồng Phương Lan).

Sở trường của B. là drummer nên công tâm mà nói, giọng ca chỉ xoàng xoàng thôi nhưng dư sức làm chân tay tôi rũ riệt khi nghe B. hát bài And I Love Her của Beatles, phụ họa là ánh mắt nhìn chăm chăm về phía tôi… đang ngồi chết lịm!

Với thời gian, mọi sự đều thay đổi, cả lãnh vực văn nghệ của Đà Lạt cũng đã thay đổi. Ca nhạc tại phòng trà Dương Tùng mà tôi được thưởng thức mới đây cũng thế. Phòng trà trở thành “Hát cho nhau nghe”. Ông chủ quán làm MC, chốc chốc lại kiêm luôn vai ca sĩ và nhạc sĩ. Khách cũng được mời lên hát. Khách hầu hết là những người đứng tuổi. Những bản nhạc từ thuở nào chợt nghe lại, thấy xốn xang trong lòng. Hát đâu cần hay, nhưng hát cả nỗi lòng, người ta cảm thấy gần nhau. Gần nhau về ký ức..

Người bạn ở Đà Lạt kể: “Chủ quán là dân Bắc kỳ 54 gặp thiếu nữ Bắc kỳ 75 ở chợ Bến Thành. Họ kéo nhau lên Đà Lạt mướn nhà rông, mở quán làm văn nghệ hát hò. Chủ quán chết cái tên “Phương nhà rông” là vậy. Duyên nợ văn nghệ với Đà Lạt hơn 20 năm, quán dời hết chỗ này đến chỗ nọ như dân du mục, nhưng “nhà rông” vẫn còn bám vào tên ông chủ, “Phương nhà rông”.  Bây giờ quán đậu lại cuối đường Nguyễn Công Trứ.

Đà lạt bây giờ nóng và nắng. Cuối tháng Năm lẽ ra có những cơn mưa lớn và dai dẳng, người bạn bảo vậy. Nhưng có lẽ để chiều lòng tôi, trong gần một tuần lễ tôi trở lại xứ ngàn hoa, ông giời chỉ thỉnh thoảng lắc rắc mưa bụi.

Con đường quanh bờ hồ vẫn đẹp nhưng sao cứ thấy có cái gì đó thất vọng trong tôi; có phải vì những công trình kiến trúc đồ sộ thi nhau khoe bóng ven hồ, đuổi dần sự thơ mộng mộc mạc của thiên nhiên?

Giọng người Dalat gốc cũng trở nên hiếm hoi. Lại cũng buồn.

Khí hậu mát lạnh cũng không còn; tuy không đến nỗi đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại như ở Saigon nhưng vẫn có thể ăn mặc phong phanh, kể cả khi mặt trời đã lặn. Sự quen thuộc còn chăng là trong một vài buổi chiều tắt nắng được nhìn thấy sương mù giăng mắc trên những nóc nhà, ngọn cây.

Lạ một điều, đứng trên balcon của nhà người bạn và phóng tầm mắt nhìn xa xa, thấp thoáng  sau rặng thông của ngọn đồi là trường Couvent des Oiseaux năm nào, bỗng dưng như tìm lại được vẻ đẹp quyến rũ rất Đà Lạt, một chút Đà Lạt thuở xưa.

Cho dù thay đổi hay vẫn thế, gì thì gì, tôi vẫn yêu Đà Lạt.

Tôi mượn một đoạn văn trên blog của người bạn nói về cà phê Dương Tùng để kết thúc bài viết: Quán nhỏ, nên ấm, bài trí cổ điển. Ai lên Đà Lạt, thấy mình chưa già thì nên tới đó, mà thấy mình đã già cũng nên tới đó luôn. Tới để thành ca sĩ (ruộng), chẳng lẽ “một đời dấu kín, đến khi xuôi tay còn thấy ngậm ngùi” hay sao?

 

Bích Vân

304Đen – Llttm - sgtc

 

Chú Tư Cầu Lê Xuyên - Văn Quang

 

Chú Tư Cầu Lê Xuyên Và Những Ngày Cuối Đời

 




Gần 10 giờ đêm 2-3-2004, chị Lê Xuyên điện thoại cho tôi thông báo tin anh vừa mất lúc 9 giờ 20, tức là cách đó nửa giờ. Lời chị kèm theo rất chân tình:

– Tôi gọi cho anh trước khi gọi cho nhà đòn.

Tôi hiểu ý chị và phải nói hiểu từ lâu mới đúng. Gia đình anh chị trong hoàn cảnh sinh sống rất khó khăn chật vật, vì thế nên tôi đã dặn trước: Nếu có chuyện gì cần chị cứ gọi cho tôi. Tôi không tin vào tôi mà tin vào tình yêu thương của bạn bè từ khắp nơi luôn sẵn sàng giúp đỡ Lê Xuyên nên hứa ngay: Chị cứ lo mọi chuyện cho tang lễ của anh, còn chuyện khác để anh em chúng tôi lo. Chị vui vẻ:

– Nếu thế tôi an tâm rồi.

Buông điện thoại, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên trước cái tin buồn này. Từ hai năm nay, Lê Xuyên nằm một chỗ, có thể nói thẳng nằm đó chờ ngày “về với ông bà”. Một năm trước đây thôi, anh phải vào bệnh viện, chị cũng gọi cho tôi rồi đến nhà mang theo cả giấy “nhập viện” và số tiền phải trả.. Tôi cũng lại làm cái nhiệm vụ thông báo cho một số anh em ở nước ngoài để kiếm tiền trả bệnh viện. Không phải chỉ có riêng chúng tôi mà còn những người quen khác của anh, những người bạn đồng hương, những người học cùng trường cùng lớp, có cả những người không hề quen biết cũng xúm nhau vào chung lo. Hầu như ai cũng hiểu rằng ngày “ra đi” của anh không xa. Nhưng may mắn, anh vẫn còn qua được vài mùa Xuân.

Những lần sau này tôi đến thăm anh, anh nằm đó nhưng tỉnh táo, không nói chuyện được song hỏi nhiều điều, anh vẫn nhớ, vẫn hiểu. Khi anh gật đầu, thỉnh thoảng có được một nụ cười, đôi mắt ánh lên một niềm vui.

Nhất là khi tôi cố gợi lại một vài câu chuyện vớ vẩn từ hồi xa xưa chúng tôi gặp nhau ở ngoài đường hoặc ở toà soạn một vài tờ báo.

TÍNH CÁCH LÊ XUYÊN

Để cho anh được sống lại với những kỷ niệm cũ, tôi kể lại một buổi sáng sớm vào khoảng năm 1971-72, sau một đêm đánh chắn với vợ chồng ông chủ báo Kịch Ảnh đường Cống Quỳnh, tôi lái xe về nhà. Qua đường Lê Lai, tôi thấy Lê Xuyên cúi đầu đi trên hè phố.. Tôi đậu xe sát lại, Lê Xuyên vẫn chưa thèm nhận ra là xe của ai. Tôi bóp còi, lúc đó anh mới ngước lên nhìn và toét miệng cười. Ít khi ông Lê Xuyên cười lắm. Tôi đẩy cửa xe, thò đầu ra hỏi:

– Ăn gì chưa?

– Chưa gì hết trọi, có tiền đâu mà ăn.

– Lên đây, tôi đưa ông đi ăn sáng.

Leo lên xe, anh hỏi thẳng:

– Đêm qua được hay thua?

– Được.

– Nhà không còn một xu, tui để tiền trong túi cũng hết luôn.

Tôi cười và hiểu cái sự “hết tiền trong túi” của anh dù mới lãnh lương. Móc trong cốp xe, tôi chia cho anh một nửa số tiền được bạc đêm hôm qua và dặn dò rất kỹ:

– Mang về toà soạn cất vào ngăn kéo để tiêu dần đấy.

– Ừ, tốt. Ông ăn sáng chưa, cho tôi đi với. Lâu rồi không được ăn đồ Tây.

Tôi cười:

– Ra Givral hay Brodard, ông thích chỗ nào.

– Đâu cũng được.

Chúng tôi ra Givral, sáng sớm tinh mơ chỉ có hai bàn khách. Tôi gọi mì jambon là món “đặc sản” ở đây còn Lê Xuyên gọi omelette jambon ngồi nhai bỏm bẻm lấy làm thú vị lắm. Ăn xong tôi bảo ông có tiền rồi, lấy xe taxi về toà soạn, tôi phải về nhà thay quần áo rồi còn phải vào sở chào cờ vì hôm nay là thứ Hai. Lê Xuyên cười hì hì:

– Cả đời tao chưa biết chào cờ là cái gì. Tao chỉ chào ông chủ báo khi lần đầu tiên đến làm. Ngô Quân cũng thế và Hồ Anh cũng thế..

Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Đạt. Có lần tôi rủ:

– Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền xâu gửi lại tay quản lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông có muốn nằm lại đây một buổi không?

Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:

– Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.

– Ông ngây thơ thật hay ngây thơ cụ, ông cứ lên với tôi là biết ngay “nằm làm gì”. Ông muốn Tàu cũng có mà ta cũng có.

Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như thằng con nít bị mẹ bắt lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại toà soạn và xác nhận với anh em rằng “Lê Xuyên nó đứng đắn thật các ông ạ”. Một ông bạn tôi cãi: “Nó nhát chứ đứng đắn cái gì”. Thôi thì nhát cũng được,đứng đắn cũng được nhưng nó không giống tụi mình. Và một điều ai cũng nhận thấy là chưa bao giờ thấy mặt Lê Xuyên ở bất cứ cái phòng trà tiệm nhảy nào, ngay cả chỗ đông người anh cũng tránh. Tôi cứ lẩm cẩm ngồi nhắc lại từng chuyện khiến anh thú lắm, đó là lúc anh được sống thêm.

MỘT BÍ MẬT BÂY GIỜ MỚI TIẾT LỘ

Cũng vào khoảng thời gian đó, tờ báo Thời Thế có một loạt bài điều tra phóng sự về một vụ tham nhũng của một ông “tướng vùng”. Ông tướng nhờ một đại tá và một trung tá liên lạc với tôi để nhờ tôi can thiệp. Tôi chẳng biết trắng đen ra sao, nhưng đã có lời nhờ và giải thích thì tôi làm. Tôi gọi cho Lê Xuyên giải thích những gì tôi được nghe và đề nghị “thông cảm” với phóng viên cho ngưng loạt bài đó kẻo làm mất uy tín của một người chỉ huy vùng chiến thuật. Lê Xuyên nói ngay:

– Ông nói thì tôi nghe, nhưng để tôi thu xếp với anh em cho có đầu có đuôi.

Sau đó tôi điện thoại cho ông chủ báo Hồ Anh, lúc đó tôi mới biết rằng đã có một hai ông nghị sĩ dân biểu can thiệp, nhưng Lê Xuyên vẫn cứ tiếp tục cho đăng loạt bài này. Ông Hồ Anh bảo tôi cứ nói chuyện với Lê Xuyên, nếu anh ấy chịu thì không có gì trở ngại. Chỉ có thế thôi. Rất bất ngờ, hôm sau tôi đọc được hàng chữ trên trang nhất: “Vì có người bạn chúng tôi can thiệp nên chúng tôi thấy cần phải chấm dứt loạt phóng sự này”.

Quả thật đó là điều khiến tôi hết sức cảm động và ngay lúc đó tôi trở nên áy náy vì biết đâu đó là một sự thật mà công sức của anh phóng viên trẻ đã bỏ ra bị tôi “kỳ đà cản mũi”. Tôi gọi lại cho Lê Xuyên, anh chỉ cười:

– Thông cảm với phóng viên rồi nó bảo ngưng cũng được, viết thế đủ rồi.

Tôi rủ anh đi ăn trưa, anh nói:

– Tôi vừa ngưng phóng sự mà đi ăn với ông thì khác gì đi ăn hối lộ. Thôi hôm nào ông được bạc mình lại đi ăn đồ Tây. Hôm nay tôi bận quá ông ạ.

Lê Xuyên cúp máy và tôi thì cứ ân hận, chẳng hiểu vì sao. Chuyện này còn có nhiều nhân chứng còn sống ở đâu đó, may ra họ còn nhớ. Tôi thì chẳng bao giờ quên.

BỎ ĐI TÁM!

Hơn mười năm sau, khi tôi ở trại cải tạo ra, Thanh Thương Hoàng dẫn tôi đến thăm Lê Xuyên. Anh ngồi bán thuốc lá lẻ ở một góc phố. Chiếc quầy thuốc bé tẹo nhưng cũng đủ che hết tấm thân gầy gò của anh. Chúng tôi nhìn nhau và cùng cảm thông rất sâu sắc cái thân phận mình lúc này. Anh chớp mau mắt nói như để an ủi hơn mười hai năm tù của tôi:

– Trông ông vẫn cứ phong độ như ngày nào.

Tôi thẳng thừng thương bạn:

– Còn ông, trông chán bỏ mẹ… Chỉ muốn khóc!

Hai bàn tay bạn tôi run lên, lật bật đút chiếc chìa khoá vào ngăn tủ kính để mấy gói Ba Số Năm bán lẻ (hồi đó Ba Số Năm quý lắm):

– Hút thuốc lá không?

– Không, tớ hút thuốc lào quen rồi, về đây hút thứ nặng hơn mới đủ đô.

Thanh Thương Hoàng rủ sang bên con hẻm phía trước ăn sáng. Đó là con hẻm lối đi vào một ngôi chùa hay ngôi đình gì đó. Không có hủ tíu, Lê Xuyên phải chạy đi gọi ở một nơi nào quen bán chịu cho anh ở gần đó.

Lê Xuyên trở lại với con người thật của anh. Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm: “Thằng cha này tâm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế”. Lê Xuyên khác với một số những cây bút hoàn toàn Nam Bộ như ông Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam ở chính cái “thật” của anh, không màu mè, không lý luận, không làm một cái gì như nghiên cứu sưu tầm về phong tục tập quán dưới hình thức này hoặc dáng vẻ khác. Từng động tác, từng thái độ, từng lối ứng xử trong nhân vật của anh cứ như con người thật lồ lộ đang ở trước mặt chúng ta vậy.

Trước mặt tôi, ông già Lê Xuyên vẫn còn cái hóm hỉnh riêng, nhưng bây giờ thì như anh nói: “Đếch viết nữa”. Tôi hỏi không viết được hay không thích? Câu trả lời của anh gọn lỏn: “Bỏ đi tám”. Tôi không thể hiểu nỗi ba chữ “bỏ đi Tám” mà anh dùng.

Có một nỗi chua chát nào đó trong cái tâm sự thật của anh? Đến cái chứng minh nhân dân anh cũng không muốn làm nên không có hộ khẩu, cứ như ở lậu, công dân lậu. Thái độ đó có đồng nghĩa với sự “bỏ đi Tám” của anh không? Chỉ có anh mới hiểu và bây giờ anh mang theo.

Cách đây vài năm, tôi có viết về Lê Xuyên và may mắn nhận được sự giúp đỡ thiết thực của khá nhiều bạn bè. Trong đó có một vài tờ báo muốn đăng lại những truyện dài của anh, tôi hỏi, anh chỉ lắc đầu: “Chẳng còn cuốn nào” và cả chị ấy cũng không kiếm được cuốn nào cả.

Ba năm sau cùng, anh không còn sức để bán thuốc lá lẻ nữa. Thỉnh thoảng tôi và Nguyễn Thụy Long kéo đến thăm, cố dìu anh ra quán cà phê cuối ngõ ngồi lai rai tâm sự vặt. Tôi vẫn cho rằng chỉ có lúc đó Lê Xuyên mới được sống thật. Hai năm sau này dù có cố lôi anh đi cũng không nổi nữa rồi. Anh như cái bóng trong góc tối của gian phòng chật chội vây quanh bởi hàng trăm thứ lỉnh kỉnh nào bàn ghế, chai lọ, giường tủ. Chỉ có cô gái út săn sóc cho anh, vợ và các con lớn của anh vất vả với công việc hàng ngày rất ít thì giờ trông nom cho bố. Cái chết đến từ từ theo từng ngày giờ buồn tênh, dường như anh chán cả cái sống cái chết, không thèm chú ý đến nó nữa.

Khi tôi đến với anh lần cuối là lúc các con anh đang tắm rửa, thay quần áo cho anh trước khi nhập quan. Cái thân hình gầy gò trần trụi của anh phơi ra, tất cả chỉ còn có thế. Tôi chuyển ngay cho chị số tiền mà tôi mới gửi e-mail tối hôm qua thông báo về sự ra đi của anh, nhanh chóng được đápứng. Các bạn ở Virginia, San Jose, Santa Ana yêu cầu tôi chuyển ngay khoảng 1.000 Mỹ Kim đến lo tang lễ cho anh. Một người bạn đưa ngay đến 2 triệu và mang đến vòng hoa đầu tiên của bạn bè Sài Gòn. Hôm sau chị khoe với bà con đến phúng:

– Có bạn bè làm chỗ dựa nên tôi mạnh tay làm đủ thứ việc cho anh ấy. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, có phải không các bác? Không có bạn bè, tôi chẳng còn biết xoay sở ra sao.

Tôi nói với chị:

– Chắc sẽ còn nữa, có một số anh em chưa gửi kịp, xin chị an tâm đi tiếp con đường ai cũng phải đi.

Buổi chiều ngày 5-3, đúng hai giờ lễ động quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa anh đến Bình Hưng Hoà. Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa anh, không ồn ào như những đám tang của những nhà nghệ sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những “nhà nghệ sĩ lớn”, nhưng những con người thầm lặng ấy dõi theo anh với tất cả tấm lòng mình.

Họ không nói gì, không có kèn saxo như trong đám tang Trịnh Công Sơn, không có giọt nước mắt dài ngắn thở than của những danh ca nghệ sĩ, không có cả những bài “điếu văn tưởng niệm” lâm ly bi đát, nhưng đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương lãng đãng bay về phủ kín khung trời Sài Gòn. Thế là đủ, nó vượt lên trên tất cả.

Văn Quang

304Đen – llttm - tvvn