Wednesday, April 28, 2021

Tuesday, April 27, 2021

Người Ở Lại - Nguyễn Cang

 NGƯỜI Ở LẠI



 













Chiều tàn đồi núi hoang vu

Hoàng hôn buông xuống  khói mù hắt hiu

Chim bay mỏi cánh đường chiều

Chạnh lòng nghe thấy ít nhiều hư vô

Rừng thưa rải rác nấm mồ

Nghe chừng thác đổ trận đồ năm xưa

Anh nằm gió lạnh đong đưa

Bốn lăm năm lẻ chưa về gặp nhau

Người đi bỏ áo chiến bào

Trần gian cát bụi bay vào hư không

Dọc bờ sóng biển mông mênh

Thuận An* thân xác lênh đênh giữa dòng

Gọi hồn cuối bãi ngoài sông

Vùi thây biển mặn long đong tháng ngày

Thương người góa phụ bi ai

Trăm năm cổ mộ khóc hoài nghìn thu .

 

Nguyễn Cang (26/4/21)

*Thuận An: cửa biển chôn người trong cuộc di tản 1975.

Chứng Nhận Đĩ Sạch - Ngo Du Trung

Chứng Nhận Đĩ Sạch




Một cô gái đến đồn công an. Anh công an trực hỏi:
“Cô cần gì?”
Cô gái cười:
“Dạ em đến xin cái giấy chứng nhận đĩ sạch!”
Anh công an trợn mắt nhìn cô gái từ đầu tới chân:
“Cô nói nhăng cái gì thế? “Giấy chứng nhận đĩ sạch” là cái gì? Làm gì có cái giấy chứng nhận kỳ quái đó….”
Cô gái cười lớn hơn:
“Chời ơi, anh là công an mà sao hổng biết gì hết. Gần đây nhà nước thông cáo là hễ đĩ hoàn lương thì được cho vay một số vốn để làm ăn. Cho nên em mới đến đây xin cái giấy chứng nhận đĩ sạch….”
Anh công an gật gù:
“Té ra cô là đĩ; giờ muốn hoàn lương để vay tiền nhà nước. Nhưng nếu cô hoàn lương thì cứ đi vay tiền, chứ làm gì có giấy tờ chứng nhận…”
“Dạ em có đến ngân hàng nhà nước vay tiền, nhưng họ nói làm sao họ biết là em đã hoàn lương mà cho vay tiền. Nên em đến đây xin giấy chứng nhận đĩ sạch!”
“Hễ cô hoàn lương rồi thì cứ đến làm đơn vay tiền chứ giấy chứng nhận cái gì. Mà nói thực chúng tôi cũng làm sao biết cô… sạch hay dơ mà… chứng…”
Cô gái phân trần:
“Thì em cũng nói vậy với các đồng chí bên ngân hàng nhà nước rằng hồi đồng chí thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoàn lương về làm người tử tế thì có cần cái giấy chứng nhận nào đâu? Nhưng họ nói em ăn nói linh tinh phản động…”
Anh công an nhướng mắt:
“Đúng thế! Cô không thể so sánh chuyện làm đĩ hoàn lương của cô với chuyện đồng chí thủ tướng ngưng phục vụ nhân dân để về hưu…”
Cô gái lại cười:
“Em thì thấy cơ bản chẳng khác gì mấy. Đồng chí Dũng làm thủ tướng phục vụ nhân dân; em làm đĩ cũng phục vụ nhân dân. Chắc khi phục vụ nhân dân, đồng chí Dũng đã làm nhiều việc gian ác lắm nên khi về hưu, đồng chí Dũng mới nói là “về hưu làm người tử tế”; giống như… em…”
Anh công an gườm gườm nhìn cô gái:
“Cô không được so sánh như thế. Bây giờ cô về đi.”
Cô gái chìa tay ra:
“Anh cho em xin cái giấy chứng nhận đĩ sạch!”
Anh công an tức giận đập bàn:
“Tôi đã nói với cô rồi; làm sao tôi biết cô… sạch hay… dơ mà chứng?”
Cô gái bình tỉnh nói:
“Anh làm gì mà đập bàn đập ghế nạt nộ nhân dân như kẻ thù như thế? Nhà nước nói hễ đĩ hoàn lương thì được cho vay tiền để làm ăn lương thiện. Em đi vay tiền thì bị làm khó dễ là không biết em sạch chưa? Vậy em phải làm sao?”
Anh công an gầm gừ:
“Cô làm sao tôi không cần biết; nhưng tôi nhất định không thể nào biết cô sạch hay dơ…”
Cô gái cười cười:
“Em nghe nói mấy ông bà khi làm quan tham nhũng nhưng không bị bắt là nhờ biết “ăn xong liếm mép sạch sẽ”; thôi để em… để em… tuột ra cho anh… khám nha.”
Anh công an chưng hửng:
“Khám thì làm sao tôi biết cô đã hoàn lương, cô đã… sạch!”
Cô gái mím môi:
“Thì cũng giống như mấy ông bà quan, tham nhũng xong liếm mép sạch sẽ vậy mà. Em không thể tự cúi xuống liếm được; em nhờ anh liếm dùm một cái rồi viết cho em cái giấy chứng nhận…”

Ngo Du Trung

Người chuyển bài – HHM - USA

  

Tôi Viết Cho Anh Người Tù Cải Tạo - Dư Thị Diễm Buồn

 

Bài thơ “Tôi Viết Cho Anh Người Tù Cải Tạo”

đi trên thi tập “Những Ngày Xưa Thân Ái” phát hành năm 1998. Được phổ biến rộng rãi trên các Diễn Đàn Internet, trên các Web... Báo giấy nguyệt san, tuần san... gần như từ Âu, Mỹ, Anh sang Á...

Tôi hy vọng và đợi chờ trong hồi họp, nghĩ rằng: “Một ngày nào đây sẽ có một người đồng cảm, một đồng điệu hay một cựu quân nhân ở vào thuở đó. Cái thuở có tôi và bao nữ sinh miền Nam nước Việt... còn miệt mày đèn sách, mà gần như toàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh... ở cái thời “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách” xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, để gia đình được an lành và giữ gìn lãnh thổ lãnh hải miền Nam nước Việt... Đã khắc ghi vào tâm hồn chúng tôi vô cùng kính ngưỡng và thán phục.

Cho nên khi bài đi vào năm 1998, tôi âm thầm chờ đợi, chờ đợi đến mõi mòn, và sự mong chờ đó gần như vô vọng vì đã qua thời gian khá dài, rất dài và quá dài... Cho mãi đến mùa xuân năm 2019, đã tròn 21 năm, tôi nhận được từ một tác giả mà tôi chưa hề quen biết (ngoài thưởng thức tác phảm của anh trên các Diễn Đàn) đã viết bài “Lính Nghĩ Gì”.

 

Trích trong tuyển tập văn, thơ “Bóng Thời Gian” (Đã phát hành đầu xuân 2021)




 






TÔI VIẾT CHO ANH

NGƯỜI TÙ CẢI TẠO

 

Anh đến đây nơi xứ người lạnh giá!
Từ lưng trời màn tuyết trắng giăng giăng
Bên đường phố cây khẳng khiu trụi lá
Mây cũng buồn, vì đông rét căm căm

Đất cỏ khô vùi dưới mồ tuyết lịm
Nỗi trầm tư nhè nhẹ thoáng qua hồn
Tôi chợt nhớ về ngày xanh mực tím
Yêu mây trời bát ngát buổi hoàng hôn

Bạn bè đã thưa dần trong lớp học
Người Bộ binh, kẻ lính Thủy, Quân Y…
Đứa Nhảy Dù… gĩa từ thời tuổi ngọc
Thuở đao binh, bao thảm cảnh phân kỳ!

Trai thời loạn sa trường say thép súng
Những vòng hoa tình em gái hậu phương
Choàng lên cổ người chiến binh anh dũng
Đây tấc lòng yêu đất nước, quê hương…

Nay anh đến, với hình hài héo hắt!
Cuộc đổi đời đã xóa tuổi thay tên
Nỗi u uất chói ngời trong ánh mắt
Ánh kiêu hùng và bất khuất vươn lên

Ôi thời gian có gì không thay đổi?
Chí làm trai như sắt đá trơ trơ
Bọn cường bạo hủy diệt làm sao nổi
Dạ sắt son lòng dũng cảm vô bờ!

Nơi xứ người, đông về lạnh lẽo lắm!
Còn tình người, anh thấy lạnh hay không?
Cựu chiến binh vốn ngại chi mưa nắng
Chỉ lo âu kẻ đổi dạ thay lòng!

“Ngày xưa tôi choàng vòng hoa cho lính
Cho người hùng chiến đấu giữ quê hương
Nay tôi viết cho người tù đáng kính
Cho những ai, mãi bất khuất kiên cường!”

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

 

Họa Bài

 

“Tôi Viết cho Anh Người Tù Cải Tạo” của tác giả Dư Thị Diễm Buồn

 

LÍNH NGHĨ GÌ

                       

Tôi đến đây cuối mùa Đông lạnh giá,
Đêm xứ người, tuyết trắng phủ giăng giăng
Vùng Tây Bắc cuối năm cây trụi lá
Thông vẫn xanh ngạo nghễ giữa lạnh căm.

Lính tha hương là hai lần chết lịm,
Một lần đi là nát cả tâm hồn.
Súng ngựa yên cương – Rừng chiều hoa tím
Bóng quê nhà lẩn khuất nẻo hoàng hôn.

Lửa chiến tranh đã len vào lớp học,
Sách vở buồn, lặng ngắm bóng chinh y.
Thôi giã từ những chuỗi ngày vàng ngọc,
Kiếp chinh nhân, ai biết chuyện phân kỳ!

Quên sao được, những ngày vang tiếng súng,
Đêm tiền đồn nghe tiếng hát hậu phương
Bài học dưới cờ - Trí, Nhân, Thành, Dũng.
Chống bạo cường để gìn giữ quê hương

 

Ngày quốc biến, nhìn miền Nam hiu hắt,
Sài Gòn thân yêu, em đã thay tên.
Bao nỗi nhục vinh, chìm trong ánh mắt,
Chí quật cường thành bão tố vùng lên.

Triệu lòng người đang khát khao thay đổi,
Thì bạo quyền không thể cứ trơ trơ.
Trăm ngọn gió sẽ thành cơn bão nổi,
Thổi tan đi những ác chướng xa bờ.

Cảm ơn người - Những vần thơ đẹp lắm.
Kỷ niệm một thời với lính còn không?
Chút muộn phiền, như mây trôi vạt nắng
Xin hãy yêu thương với cả tấm lòng.

Xin cảm ơn, những ân tình cho lính,
Quên tuổi thanh xuân, gìn giữ quê hương
Sống hiên ngang giữa lòng dân thương kính.
Mơ một ngày mai, đất nước phú cường.

Lê Tấn Dương

(Xin cảm ơn tác giả Dư Thị Diễm Buồn
và bài thơ “Tôi viết cho anh - Người tù cải tạo”)

 

 

Đời Không Như Là ...Tên - Kim Loan

 

Đời không như là… tên



Người Việt mình, khi đặt tên cho con cái, thường chọn tên có ý nghĩa hoặc gửi gắm theo tình yêu thương với niềm mơ ước, nhưng cũng lắm khi… “đời không như là tên”.

Kim Loan

 

Hồi đó, cách nhà tôi vài căn, có chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà. Lẽ ra, là “ngọc ngà châu báu” phải được nâng niu, quý hoá, nhưng chị thì ngược lại, chồng say xỉn thường xuyên rồi lên cơn, đem “ngọc ngà” ra… tra tấn, thượng cẳng tay hạ cẳng chân và cả bằng đòn gánh. Hàng xóm trong đó có anh rể tôi phải xông vào giải cứu chị. Nghe nói hiện nay chồng chết, chị thoát được chồng, nhưng tiếp tục khổ vì con, vì cháu!

Cùng ngõ là nhà Bác Cả goá phụ với hai người con, là chị Vui và thằng Sướng. Chị Vui cả ngày tất bật lam lũ phụ bác Cả bán buôn lặt vặt với cuộc sống giật gấu vá vai, người lúc nào cũng đầu bù tóc rối. Còn thằng Sướng chẳng hiểu buồn khổ gì mà vào một ngày trời âm u, nó đã thắt cổ tự vẫn, tìm về thế giới bên kia, để lại cho Bác Cả và chị “Vui” nỗi đau giằng xé tâm can.

Ngược ra xóm chợ, nhà bà Tám Sương Sa, tôi học chung với hai đứa con bác ấy, thằng Sang con Giàu. Mà nào có sang có giàu gì đâu, thau sương sa của bà Tám chỉ đủ cơm cháo qua ngày, lắm khi đi học chúng không có củ khoai mì ăn sáng.

o O o

Lúc tôi vào lớp Sáu, mới “giải phóng” được vài năm, trường chúng tôi đón nhận một số học sinh miền Bắc theo cha mẹ vào Nam rất sớm. Mấy đứa con gái trong nhóm đó có tên cũng bình thường, nhưng mấy thằng con trai thì tên khá đặc biệt, nghe là biết ngay lý lịch xuất xứ, khỏi cần suy nghĩ. Trong khối lớp tôi, có hai anh em sanh đôi, Nguyễn Văn Thống Nhất và Nguyễn Văn Hữu Nghị. Thống Nhất là anh, có vẻ hiền lành, hắn muốn la cà kết thân với chúng tôi như cái tên của hắn. Nhưng khổ nỗi, lũ chúng tôi tuy còn bé nhưng đã biết ảnh hưởng từ gia đình chòm xóm, trước cảnh chia lìa tù “cải tạo”, kinh tế mới, cảm nhận tiếng thở dài của cha mẹ trong cuộc đổi đời, nên chúng tôi rất… phản động, dứt khoát tránh xa đám “bên kia”, không chơi với hắn, không cho hắn “thống nhất” chúng tôi. Còn thằng em tên Hữu Nghị thì ngược lại, không hề “hữu nghị” tí chút nào, hắn luôn luôn hùng hổ gây sự với chúng tôi mỗi khi có chuyện tranh cãi (có lẽ hắn hiểu được nguyên nhân sự e dè lạnh lùng của đám Miền Nam chăng?).

Tuy nhiên, chung lớp tôi có một đứa khá dễ thương. Hắn nói giọng nửa Nam nửa Bắc, vì cha mẹ hắn là dân tập kết. Hắn tên Lê Anh Nuôi, bản tính vui vẻ hoà đồng. Tôi hỏi:

– Thà ông mang tên như anh em thằng Thống Nhất Hữu Nghị, hoặc đại loại như Quyết Thắng, Bất Khuất, Kiên Cường… tôi còn dễ hiểu. Còn Anh Nuôi là cái gì thế?!

Hắn cười vang:

– Bà đúng là… nhà quê! Hồi ba tui ở trong bưng, ba tui nấu ăn cho đồng đội, gọi là “anh nuôi”, nên má tui đặt tên này cho tui làm kỷ niệm đó! Mà nè, bà nên gọi tui là…anh nhé, vì tui hơn bà một tuổi, và tên tôi là…Anh Nuôi.

Tôi chu mỏ:

– Còn khuya! Ông về rừng mà nghe người ta gọi là anh, còn tui nhà quê đâu dám!

Nhưng đặc biệt trong nhóm đó, có một cái tên mà tôi nhớ mãi cả tên lẫn… người! Hắn trắng trẻo, dáng thư sinh con nhà giàu (tôi đoán ba má hắn phải thuộc hàng tiểu thư công tử trí thức Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam với chức vụ cao chót vót, nên được ở nhà ngay khu sĩ quan trong khu Quân Cụ mà trước đây chỉ dành cho những gia đình sĩ quan quân đội VNCH). Hắn có đôi mắt đẹp, cái miệng duyên với môi dưới hơi trề rất hấp dẫn, tổng thể là một khuôn mặt đẹp trai, và cái tên của hắn càng hấp dẫn hơn: Mai Kiêu Hùng!

Ðược cái, hắn thờ ơ chuyện xung quanh trường lớp, không quan tâm chúng tôi chia phe “Nam-Bắc” cãi nhau chí choé, không thân thiện mà cũng không xích mích với ai. Chẳng biết sau này lớn lên hắn có “kiêu hùng” với lý lịch nhà hắn, với vẻ đẹp trai của hắn hay không, chớ lúc đó hắn rất vô tư, một vài lần đụng mặt tôi ở trường, hắn mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt bối rối, có thấy “kiêu hùng” gì đâu, khiến tim tôi… tan chảy và mủi lòng thương (quên cả chuyện giai cấp). Cũng may là sau năm học đó gia đình hắn chuyển đi nơi khác, chớ nếu hắn còn học tiếp với tôi, biết đâu tôi lại…cảm cái nét đẹp khi bối rối của hắn, rồi sẽ ra sao khi lập trường “hai đứa hai khung trời khác biệt”, liệu gia đình tôi bị chính quyền mới xếp hạng là “nguỵ quân nguỵ quyền” có chấp nhận hắn không, căng lắm chớ chẳng chơi! (Ủa, mà biết hắn có… cảm tôi không mà lo xa chi cho mệt!).

o O o

Vui nhất là khi vào học trường Sư Phạm, có một anh chàng trong ban văn nghệ, thỉnh thoảng ôm cây đàn guitar ngồi dưới gốc phượng trong sân trường đàn hát, bạn bè vây quanh ngưỡng mộ, nhất là mấy nường nữ sinh. Tên của hắn cũng rất ư đặc biệt, khó có một người thứ hai trùng tên: Mai Cúc Trường Sơn.

Tôi bĩu môi, nói với nhỏ bạn:

– Gì chớ, nghe hai chữ Trường Sơn là tao…dị ứng từ bài hát “cùng mắc võng trên rừng…” á!!

Nhỏ bạn nguýt tôi:

– Úi dào, “ếch ngồi đáy giếng” tội chưa! Bà tưởng Trường Sơn là của riêng mấy ổng bên kia sao? Nói cho bà dỏng tai lên nghe rõ nè: hắn là con trai của sĩ quan VNCH đang ở trong trại “cải tạo” chưa về, còn má của hắn là người nổi tiếng, bà muốn biết là ai không?

Tôi hơi bị quê, liền đổi giọng tươi tỉnh làm huề:

– Là ai thì bà nói luôn đi, còn úp úp mở mở chi nữa?

– Là cô Hồng Vân, người ca sĩ có tài ngâm thơ, mới đây hát các bài hát được công chúng mê mẩn: “Người Ði Xây Hồ Kẻ Gỗ”, “Có Anh Ba Hưng”…

– Bà nói ca sĩ Hồng Vân ngâm thơ là tui biết rồi, khỏi cần dài dòng. Té ra, hắn là phe ta?!

Lần này thì nhỏ bạn vênh mặt lên:

– Ừa, hắn học chung với tui hồi cấp ba đó, giờ có muốn làm quen với chàng không nà, tui bắc cầu cho!

– Quỷ sứ! Mà tao chịu… cái tên lắm nha. Tao mà lấy hắn, sanh con tha hồ đặt tên, Mai Cúc Mùa Xuân, Mai Cúc Thắm Tươi …

o O o

Sau này ra đời đi làm, rồi qua trại tỵ nạn, tôi còn biết thêm nhiều cái tên “ấn tượng” rổn rảng: Phạm Thông Thái, Trần Triệu Phú, Phan Huy Hoàng, Cao Uy Tín, Huỳnh Thiên Tài, Ðỗ Thủ Khoa, Nguyễn Như Ý… mà có mấy ai được “đời giống như tên”?

Và… tôi nữa, má muốn đặt tên tôi là Kim Thoa cùng vần Th với anh chị em trong nhà, nhưng khi ba lên xã làm khai sanh, lúc ấy ca sĩ Kim Loan đang nổi với “Căn Nhà Ngoại Ô” nên ông nhân viên hộ tịch mơ mộng đã ghi lộn tên tôi thành Kim Loan. Mang tên của một ca sĩ nổi tiếng nhưng kết quả thế nào thì mọi người biết rồi đấy: “tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở”.

Qua đến Canada thì tên “Loan” của tôi có nghĩa là “Nợ”, nhiều người khi đi học, mua xe, mua nhà đều trải qua, rồi than vãn: “ Sầu vì… Loan” “Nghèo vì… Loan”.  Hãi hùng nhất là các quảng cáo của mấy chuyên gia cố vấn tài chánh, nào là:  “Nói Không Với Loan”, “Tránh Xa Loan Xấu”, “Làm Thế Nào Ðể Thanh Toán Loan Mau Lẹ”… thiệt là đau lòng!

Dù sao cũng có chút an ủi, tuy tên “Loan” nhưng tôi không nợ nần tiền bạc gì của ai (nợ… chuyện khác thì có, để kiếp sau trả!)

Ðời không như là tên, đôi khi còn ngược lại, nhưng có ai nỡ đặt tên con là Nguyễn Vô Phước để sẽ được Hữu Phước, hoặc Lê Văn Nghèo để sẽ thành người giàu có, phải không quý vị?!

Kim Loan

304Đen – llttm -sgtc

Muộn Rồi - vkp Phượng ngày xưa

 Muộn Rồi




 












(Xin họa bài Tình Quê của Nguyễn Cang)

 

Hương Cau thơm ngát khắp Nhà

Mùi hoa lan tỏa quyện hòa bông Chanh

Ngoài đường phố xá vắng Tanh

Cuối trời sao rụng băng nhanh xuống Cầu

Phượng buồn vì thiếu Cau Trầu

Sông Ngân ngăn cách đến lầu Trăng Thanh

Chôn vùi trọn giấc mộng Lành

Xa xôi Người vẫn độc hành bao Năm?

Lên chùa vái Phật ngày Rầm

Miệt mài chăm bón ươm mầm cội Quê

Để chào đón Người trở Về

Vẹn tình xưa cũ – cận kề Mẹ Cha!!!

 

Saigon Tháng 4/2021

vkp phương ngày xưa

 

TÌNH QUÊ

 

Đêm mưa tiếng ếch quanh nhà

Gió lay xào xạt hàng cà khóm chanh

Giật mình đêm tối lạnh tanh

Mới hay phận mỏng mong manh qua cầu

Hai lăm tính chuyện cau trầu

Hẹn nhau dưới rặng trăm bầu đêm thanh

Tưởng đâu phận đẹp duyên lành

Tình yêu xây mộng dỗ dành trăm năm

Ai ngờ nguyệt tận ngày rằm

Xa nhau hai đứa khóc thầm xót quê

Bao lâu mới có ngày về

Thăm em cho trọn lời thề mẹ cha.

 

Nguyễn Cang

 

 

Gởi Thời Mưới Sáu - Trần Văn Nghĩa

 GỬI THỜI MƯỜI SÁU




 











Khi tôi về nơi đó có còn không
Có còn tuổi tròn trăng em mười sáu?
Con đường cũ nắng vương đầy vai áo
Khóm hoa vàng ngơ ngẩn đợi chờ ai?
Tóc thơ ngây đường rẽ thắt nơ cài
Thơm sách vở học trò ơi nhớ quá!
Bên cửa lớp có ai ngồi rất lạ
Chút mưa chiều lóng ngóng rớt ngoài sân
Đứng nơi đây hồi hộp biết bao lần
Nghe vương vấn buộc chân chiều tan học
Góc trời xưa một thời vang tiếng guốc
Gõ rộn ràng nhịp đập trái tim đau
Phố trở mùa nên lá phố xanh xao
Buồn nhốt kín trong quán nghèo cửa khép
Đêm lấp ló tủi thân hàng bông điệp
Tội cho trời hốc hác gió mùa qua
Ánh đèn chao nghiêng bóng trước hiên nhà
Treo trước cổng mối tình non chết yểu
Khi tôi về giấc mơ buồn lắc lẻo
Vầng trăng thời mười sáu có còn không?

Trần Văn Nghĩa

304Đen – llttm - OVV 

Saturday, April 24, 2021

Xuân Cảnh - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 73-VƯỜN THƠ MỚI

 
















Bài xướng:

 

XUÂN CẢNH.


Trời xanh mây trắng nắng xuân hồng

Thảm cỏ cây rừng nở dại bông.

Thác đổ lưng trời mờ đỉnh núi,

Sương sa mặt đất bạc đồi thông.

Con diều lơ lửng ngoài bờ suối,

Tiếng sáo êm đềm tận cõi không.

Cảnh đẹp quê hương tha thiết quá,

Lòng người viễn xứ nhớ non sông.

 

Mỹ Ngọc.

 

Các bài họa: Hương Lệ Oanh, Kim Trân, Chu Hà, Minh Tâm, Cang Nguyễn, TLP.

 

[1] XUÂN ĐẤT KHÁCH

 

Lấp lánh sương mai dưới nắng hồng

Rừng phong trổ nụ nở nhiều bông

Phấn hoa bay khắp khu rừng lá

Gió nhẹ đong đưa  mấy nhánh thông

Đất khách xuân về buồn áo não

Quê nhà vui tết nhớ hư không

Thiên nhiên tuyệt đẹp bao hùng vĩ

Vạn vật tưng bừng cả núi sông.

 

Hương Lệ Oanh VA

 

 [2] XUÂN NHỚ

 

Óng ánh tầng mây dải lụa hồng

Xuân sang mai cúc kết đầy bông

Hải âu tung cánh soi dòng nước

Lữ khách thả hồn lắng tiếng thông

Ngả bóng hoàng hôn chim rả rít

Hỏi lòng da diết dạ buồn không?

Quê hương sống mãi trong tiềm thức

Núi mộng đồi mơ cá giỡn sông.

 

Kim Trân kính bút

 

[3[ XUÂN CẢNH.

 

(Thương Tặng Cháu Minh An)

 

Bé bé xinh xinh má ửng hồng

Mắt cười lúng liếng tóc cài bông

Bi bô kể chuyện ra tuồng tích

Lí lắc pha trò dạ sáng thông

Thanh tựa vầng trăng soi vằng vặc

Trong như trời rộng mấy tầng không

Lâu rồi xuân vắng hương mai quế

Góp mặt nhà mình rạng núi sông.

 

Chu Hà

 

[4]. XUÂN CẢM

Rạng rỡ trời xuân rực nắng hồng,
Cội mai khoe sắc nở đầy bông.
Tuổi già ao ước trăm điều thuận,
Năm mới mong cầu vạn sự thông.
Nào dám cạnh tranh hơn với thiệt,
Cũng đành phó mặc có cùng không.
Ngắm hoa, nghe nhạc tìm thi hứng,
Trau chuốt dăm vần vịnh núi sông.

Minh Tâm

 

[5] MÙA XUÂN NÀO CHO EM?

 

Nàng xuân e ấp cánh hoa hồng

Nắng đẹp bình minh nở nụ bông

Đất nước thanh bình bao kẻ khổ

Quê hương tang tóc mấy người thông

Giàu sang bày tiệc, tiền không thiếu

Đói khát  xin cơm, túi trống không

Xót dạ  đau lòng người viễn xứ

Bao giờ trở lại tắm dòng sông??!

 

Nguyễn Cang

 

[6] CẢNH XUÂN

 

Ngõ trước vườn sau tỏa đóa hồng

Xuân về thích thú ngắm vườn bông

Tinh sương rảo bước xem phong cảnh

Sáng sớm khoe màu dưới rặng thông

Chim hót líu lo nơi trống vắng

Gió lùa vi vút ở đồng không

Thiên nhiên hòa hợp cùng nhân tạo

Đậm nét hữu tình của nước sông.

 

PTL