Saturday, October 30, 2021

Những Bài Thơ Chọn Lọc - Thi Hữu Nguyễn Cang, Mỹ Ngọc & Kim Trân

 NHỮNG BÀI THƠ CHỌN LỌC (KỲ 3)-THI HỮU

Với sự góp mặt của các thi hũu: Nguyễn Cang, Mỹ Ngọc, Kim Trân.

Chủ đề: Mùa Thu

Đề thơ:

 


           













TÌNH BUỒN NHƯ LÁ THU.

 

Anh ơi còn nhớ khi xưa,

Những ngày tình bạn như mơ đôi mình.

Thời gian xinh quá là xinh,

Tuổi hồng ấm áp lung linh tuyệt vời.

 

Lá vàng lác đác cứ rơi,

Lòng em ôm mãi tuổi đời không quên

Lá rơi chất đống bên thềm,

Như bao kỷ niệm nỗi niềm dần cao.

 

Mặc cho mưa gió xôn xao,

Mang theo xác lá bay vào lãng quên.

Làm sao quên được mà quên,

Những ngày ngây ngất êm đềm mộng mơ.

 

Đời thường muốn rẽ duyên tơ,

Nhẹ nhàng êm thấm lặng lờ chia phân.

Như trên bãi cát trắng ngần,

Sóng xô xóa vội dấu chân tình buồn.

 

Mỹ Ngọc.

Oct. 15/2021.

 

Cảm tác 1:

             

GIÓ THU MƯA

 

Về đâu én nhạn lưng trời

Chiều lam vệt nắng rạng ngời thuỷ tiên

Đường xa lối nhỏ - đưa duyên. . .

Hàng cây trơ lá niềm riêng trĩu lòng

Trời giăng mây xám lượn vòng

Rì rào nước đổ xuôi dòng sóng xưa

Em về trong gió thu mưa

Má hồng mộng ướt áo thưa lạnh lùng

Bao chừ mây thổi - nắng rung

Hai bờ vai nhỏ tóc mun bồng bềnh

Trái tim giá buốt mông mênh

Men theo gót ngọc nhen lên chút tình.

 

Kim Trân kính bút

 

 Cảm tác 2:

     

MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI

 

Những chiếc lá vàng lượn lờ trước ngõ

Lòng bâng khuâng nghe gió chở Thu về

Phải chăng người còn mải miết cơn mê

Nên quên hết con đường quê xóm nhỏ?

 

Hoa bí trường xưa giờ tàn trong gió

Con bướm vàng thôi đậu trái mù u

Đếm thời gian còn đọng những lời ru

Thơ lạc vận nên thôi đành bỏ ngỏ

 

Mưa Thu nhẹ nghe chừng còn bỡ ngỡ

Bằng lăng mùa nầy vẫn tím đường đi

Chốn xa xăm còn giữ lại những gì

Khi chiều xuống bóng hoàng hôn nghiêng ngả?

 

Trời hiu hắt dáng ai đi vội vã

Mưa ngoài trời rớt xuống sợi mong manh

Mà nỗi sầu sao vẫn cứ vây quanh

Tim héo hắt cũng dập dềnh loạn nhịp...

Dòng sông cũ vẳng tiếng kêu bìm bịp

Man mác Rừng Dầu* vạt nắng tàn phai!

 

Nguyễn Cang ( Oct. 17, 2021)

Rừng Dầu*: Một địa danh thuộc quận Bến Cầu, Tỉnh Tây Ninh.

 

Mơ Hoa & Ly Tiễn Biệt - Nguyễn Thị Châu

 MƠ HOA...!



 










Sáng nay tôi dạo bước vườn hoa

Chợt có mùi hương toả ngang qua

Chậm chậm tôi đi con đường nhỏ

Ở đây ẩn hiện một mái nhà

 

Ngoài kia cô gái đang hái hoa

Cho tôi hái với người tình xa

Tóc ai thơm phức cài hoa tím

Chạnh lòng lưu luyến giấc mơ hoa.

 

Em gái ngây thơ nhìn mắt biếc

Môi hồng hé nụ cười thật xinh

Tôi ngắm nhìn em trong mê dại

Ôi ! Đoá hoa tươi rất đượm tình.

 

Hoa xinh tôi thích ngắm một mình

Ghét ghen ong bướm mỗi bình minh

Cứ theo vờn tóc ai trong gió

Tôi mãi lặng nhìn Em lặng thinh !!!

 

31-8-2021

Nguyễn thị Châu.

 

LY TIỄN BiỆT



 











Lá xa cành đành lòng sao anh

Người đi xa mãi đi sao đành

Tình xưa nghĩa cũ anh còn nhớ

Ta cùng thao thức suốt năm canh

 

Ta đến với nhau tóc còn xanh

Thời gian thắm thoát đã qua nhanh

Đã mấy mươi năm đời lận đận

Cay đắng mặn nồng cứ bao quanh

 

Nay đã xa rồi xa thật rồi

Tìm đâu dư ảnh cỏi xa xôi

Chiếc lá giờ đây về xứ lạ

Đem mối tình riêng bỏ lại đời

 

Xa cách nghìn trùng kể từ đây

Tôi ở nơi nầy , anh chân mây

Khổ đau ngày tháng anh có biết

Gối chiếc bao đêm lệ thắm đầy

 

Rót ly tiễn biệt để cho anh

Uống hết cạn ly xa cũng đành

Nơi cỏi VĨNH HẰNG anh yên nghỉ

Tôi người ở lại thức năm canh

 

Nguyễn thị Châu 14-8-2021

Viết cho người tình 46 năm chăn gối.

Những Người Lính Cũ - Bé Dương

 

Những người lính cũ




 

Tất cả tên của những người lính VNCH và ba câu chuyện trong bài đều là tên thật, chuyện thật.

Trong bài thơ “Dưới chân đồi Chu Pao” của nhà thơ Lâm Hảo Dũng, viết về trận đánh trên Quốc Lộ 14 dẫn vào Kontum trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, có hai câu:

“Chu Pao ai oán hờn trong gió

Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường”

Chỉ hai câu thơ này thôi cũng đủ nói lên sự tổn thất to lớn của những người lính cũ thi hành sứ mạng bảo quốc an dân.

Những người lính cũ? Họ là ai?

Họ là Lưu Trọng Kiệt, Lê Hằng Minh, Nguyễn Đình Bảo, Lương Quế Vượng, Mã Thành Cương, Lê Văn Khoắng, Nguyễn Viết Thanh, Nguyễn Viết Cần, Hoàng Ưng, Cao Hoàng Tuấn, Nguyễn Bá Tòng, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Mạnh Dũng, Dương Hữu Trí, Mai Gia Thược… đã nằm xuống trên những chiến trường miền Nam hay trong các trại tù cải tạo điểm đầy trên quê hương sau ngày tàn cuộc chiến. Họ là những người lính cho nổ lựu đạn tự sát, người sĩ quan Cảnh Sát đã tuẩn tiết dưới chân tượng Thủy Quân Lục Chiến, là Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai… Họ là Nguyễn Hữu Luyện, Lê Tuấn Ngô, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Tấn Sang, Huỳnh Văn Của, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Cầu… ngày nay đã xa cố quốc nhưng lòng vẫn luôn nhớ về các đồng đội ngày xưa. Họ chỉ là một con số rất nhỏ, trong số bao nhiêu người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã từng hy sinh trọn thời thanh niên chiến đấu để bảo vệ tự do, để cho người dân miền Nam được hưởng 21 năm tự do ngắn ngủi.

Bao nhiêu người lính VNCH đã nằm xuống để đổi lấy từng hơi thở tự do cho người dân. Họ và đồng đội đã hứng chịu bao gian nan khốn khổ cho hậu phương được những ngày bình yên. Mưa gió tầm tã miền tuyến lửa Đông Hà, nắng cháy rát mặt nơi Cao Nguyên, đất sình đen vùng Đồng Tháp dính nặng đôi giày sô không làm cho người lính sờn lòng. Họ vẫn luôn giữ vững tay súng bảo vệ từng phần đất tự do. Họ là những người lính Không Quân, Hải Quân. Họ là những người lính mũ đỏ, mũ xanh, mũ nâu… Họ là những người lính “bùn lầy còn pha sắc áo xanh” của Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 18, Sư Đoàn 21, Sư Đoàn 22, Sư Đoàn 25… Họ là những người lính Thiết Giáp, Pháo Binh, Truyền Tin, Quân Cảnh, Biệt Kích, Nha Kỹ Thuật, Biệt Đội Người Nhái, Công Binh, Nữ Quân Nhân, Quân Y… Họ là những người lính dân quê của Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Còn nhiều nữa, họ còn là những thương phế binh Nguyễn Văn Nhạn, Bùi Văn Bon… với tấm thân tàn phế, vẫn còn lê lết chuỗi ngày tàn trong một tương lai đầy ảm đạm. 

Tướng Douglas MacArthur đã nói: “Old soldiers never die, they just fade away.” Nhưng riêng với chúng ta, người lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ bị phai nhạt và không thể bị phai nhạt. Vì họ là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em, là bạn bè, là người láng giềng cùng xóm. Họ chính là chúng ta.

Vì vậy Nhớ Người Lính Cũ là điều chúng ta đã làm và phải làm hằng ngày, không phải chỉ qua một vài bài viết. Số báo nhỏ nhoi này chỉ là một nhắc nhở đến mọi người về nguồn cội của chúng ta, những người đang chịu ơn các vị anh hùng đó.

*****
Người sĩ quan Quân Lực VNCH đó là một người lính dân quê, từng là Tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn xuất sắc nhất của Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Trong một trận đánh vào đầu năm 1968 ông bị trúng thương nặng nhưng vẫn cố gắng chỉ huy binh sĩ cho đến khi tàn trận. Vết thương thập tử nhất sanh trên ngực buộc ông phải nằm trong phòng Hồi Sinh gần một tuần lễ. Sau một thời gian dưỡng thương ông được đưa trở lại nắm đơn vị cũ. Vết thương vẫn không bao giờ hoàn toàn lành lặn, thỉnh thoảng vẫn rỉ máu, và nhiều lần ông phải dùng thuốc cầm máu. Ông đã có thể từ chối thượng lệnh nhưng tinh thần trách nhiệm của người lính VNCH với đồng đội đã buộc ông chấp nhận không một lời kêu ca. Một thời gian sau ông được thăng cấp và chuyển đi nhận nhiệm vụ mới. Ngày ông rời đơn vị, trong buổi lễ bàn giao, nhiều người lính đã rơi nước mắt từ giã vị chỉ huy cũ. Ông là lính tác chiến trọn đời binh nghiệp nhưng ông phải hứng chịu nhiều bất công, và ông đã cắn răng không than van chỉ vì “còn nhiều người lính khổ hơn mình.”

Được giải ngũ vào đầu năm 1975, một người mà trọn đời binh nghiệp là lính tác chiến, tưởng đã có thể sống một đời yên ổn bên gia đình sau bao năm chinh chiến thì biến cố 30/4/1975 ập đến. Ông được mời di tản nhưng chỉ có chổ cho một mình ông và ông đã từ chối vì không thể bỏ lại vợ con.

Sau khi trình diện học tập cải tạo ông bị đưa ra miền Bắc như nhiều sĩ quan khác của Quân Lực VNCH. Trước khi đưa mọi người lên xe lửa ra Bắc, bọn người thắng trận đã ra lệnh tịch thu tất cả những gì họ xem là có thể giúp tù cải tạo trong việc đào thoát, trốn trại. Thuốc men của ông mang theo để dùng cho vết thương cũ bị tịch thu dù đã có lý do chánh đáng.

Trong trại tại vùng Hoàng Liên Sơn, người tù cải tạo phải chịu những hành hạ lao lực. Mỗi ngày người tù phải kéo gổ từ dưới sông về trại trong những ngày rét buốc. Sức khoẻ của ông ngày càng suy yếu vì lao lực quá độ. Một ngày kia ông vấp ngã, bị thân cây đè và vết thương cũ vỡ ra. Ông xin ban quản giáo trại cho lại số thuốc men đã bị tịch thu. Họ từ chối. Sau nhiều lần nài nỉ của ông và các bạn cùng trại, ông được phát cho vài viên APC (một loại aspirin của quân đội cũ). Vài ngày sau ông chết đi. Thi hài ông được bó bằng tấm chăn vãi dù đã theo ông suốt cuộc đời chinh chiến và đem chôn ở một ngọn đồi gần trại.

Một điều tàn nhẫn cuối cùng, gia đình của ông không được thông báo về cái chết của ông, và giấy báo tử được Trưởng trại ký 18 tháng sau ngày ông mất. Mười sáu năm sau ngày ông mất, di cốt của ông đã được gia đình đem về an táng tại quê nhà.

*****
Người lính già kể câu chuyện này thuộc một gia đình nông dân ở gần Phụng Hiệp. Thời trai trẻ, chỉ được học hành ít ỏi nhưng ông vui sống đời cày cấy bên thửa ruộng, con trâu như bao nhiêu người dân miền Nam chất phác khác. Lệnh Tổng động viên được ban ra, ông và người anh lớn sang Vĩnh Long đăng lính Nghĩa Quân, phục vụ dưới quyền của một người anh họ đang là Thiếu tá Quận trưởng của một quận tại đây.

Hai anh em ông tham gia vào mọi cuộc hành quân tuần tiểu, công tác bình định trong quận và được tiếng là gan dạ, dũng cảm. Trong một trận Việt Cộng tấn công vào quận lỵ, hai người đã đẫy lui nhiều cuộc xung phong và bảo vệ cho người anh họ Quận trưởng khi địch chen vào được phòng tuyến quận đường.

Chiến tranh chấm dứt hai anh em trở về làng cũ. Dù chỉ là những người lính thường, không chức tước nhưng tại quê hương cả hai đều bị trả thù tàn khốc. Con cái bị cấm đến trường học, vợ bị cấm buôn bán tại chợ. Gia đình túng quẩn chỉ còn trông cậy vào mấy công ruộng nhà. Nhưng đám người chiến thắng vẫn không để yên cho họ. Hai người bị kêu trình diện mỗi đêm tại trụ sở công an.

“Tụi nó không làm gì mình hết, chỉ bắt mình ngồi đó độ mươi, mười lăm phút hay một vài tiếng đồng hồ rồi cho về. Vừa đến nhà nằm xuống, chưa kịp ngủ thì nó lại xuống gọi lên. Có đêm tụi nó làm như vậy vài lần. Ngày lễ của tụi nó thì mình phải lên ngồi cả ngày ở đó. Riết rồi không còn sức lực làm lụng gì được. Bị hành hà quá đến nỗi chú nói: “Mấy ông có muốn bắn muốn giết tụi tui thì cứ làm chớ đày đọa làm chi như vầy”. Nhưng tụi nó cũng không tha. Ruộng vườn cứ bán dần mà sống. Buồn quá, nhìn vợ con nheo nhóc mà không làm gì được chú chỉ còn biết mượn rượu giải sầu đến khi vướng phải bệnh ghiền lúc nào cũng không biết. Thấy anh em chú thân tàn ma dại, không làm gì được nữa tụi nó mới chịu tha.”

“Cuộc đời của thằng lính thua trận như vậy đó con ơi!” Người lính già nấc lên, nước mắt chảy ra, nói với người cháu trong một cơn tỉnh ngắn. Mắt đứa cháu cũng cay xè, ươn ướt.

*****
Có một gia đình, cả hai vợ chồng đều là sĩ quan Quân Lực VNCH. Sau ngày 30/4/1975 cả hai người đều phải đi học tập cải tạo như bao nhiêu người lính khác của quân đội bại trận. Người chổng trình diện đi trước, người vợ chờ đi sau. Trong khi chờ đợi chị xin những người chiến thắng cho được ở lại để chăm sóc ba đứa con còn nhỏ vì không có người gởi gấm. Thật ra vào thời điểm lúc đó cũng chưa chắc đã người dám nhận. Lời khẩn cầu bị bác bỏ ngay, không được chấp nhận. Cũng vì “Với chánh sách khoan hồng của cách mạng chị chỉ đi học tập vài ngày rồi về thì có gì mà lo.” Cả bốn mẹ con phải nhập trại vào Thành Ông Năm ở Hóc Môn.

Trại này được chia làm hai phía: bên dành cho những người lính VNCH nam, bên dành cho các nữ quân nhân VNCH, ngăn cách nhau bằng một hàng rào kẽm gai. Khẩu phần ăn dù đã ít ỏi nhưng chỉ được phát cho người mẹ vì các con không phải là thành viên chánh thức của trại. Biết được hoàn cảnh thương tâm đó, nhiều người bên trại nam đã cố gắng ném các vắt cơm nhỏ qua để nuôi các cháu. Về sau được tin là người mẹ qua đời vì lao lực, và các cháu cũng không biết trôi giạt về đâu. Người cha vẫn biệt vô âm tín.

Người kể chuyện này là một trong những người đã từng ném vắt cơm tình nghĩa nuôi các cháu.

Bé Dương

14 Tháng Mười Hai 2011

Nguồn: https://hung-viet.org/p24a8449/nhung-nguoi-linh-cu

304Đen – llttm -dsc

 

Ngày Sinh Nhật Đảng Ngẫu Hứng Viết Chơi - Nguyễn Hoa Lư

 

Ngày Sinh Nhật Đảng Ngẫu Hứng Viết Chơi




 1. Đảng và biển

 

Đảng và biển đều tượng trưng cho sự vĩ đại, vĩnh cửu, bao la không bờ không bến. Biển và đảng là nguồn cảm hứng bất tận cho muôn đời thi nhân và nhạc sĩ. Mọi con sông đều tìm về biển, mọi tầng lớp dân chúng đều hướng về đảng.

Biển muôn đời vĩ đại dù có những dòng sông bị nhiễm độc hòa vào biển. Trận lũ mấy tháng trước, làng tôi nước ngập ngang mái nhà, lợn gà chết trôi trương phềnh, hôi thối, tất tật chảy về biển. Đảng đời đời bất diệt, dù trong lòng chất chứa những nhóm lợi ích hoạt động như ma-phi-a. Có gã côn đồ đâm thuê chém mướn, đảng bao dung ôm trọn vào lòng bảo ban, dạy dỗ.

Nước biển có vị mặn, đó là vị của nước mắt và máu của con dân nước Việt ngàn đời nay. Đảng cũng có vị như vậy.

Chỉ riêng một điểm khác. Biển có màu xanh, màu cuộc sống.

Đảng có màu đỏ, màu của máu.

2. Tôi không bác nhé

 

Giáo Sư Ngô Thúc Lanh, tuy là người sáng lập ngành sư phạm toán của Việt Nam nhưng chỉ nổi tiếng trong giới giáo viên Toán. Dòng họ này gần đây có Giáo Sư Ngô Bảo Châu, quả là hậu sinh khả úy, tiếng tăm lừng lẫy đến mức khắp nước Nam này, nam phụ lão ấu, ai nấy đều đua nhau nói về bổ đề cơ bản.

Tôi chưa từng gặp Giáo Sư Ngô Thúc Lanh, chỉ nhớ đã đọc hai cuốn giáo trình của cụ viết. Cuốn đại số tuyết tính, đọc lúc vừa tốt nghiệp đại học. Trước đó tôi quen đọc một giáo trình của thầy Trần Văn Hạo. Hai cuốn này trình bày đại số tuyến tính bằng hai cách tiếp cận khác nhau. Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự sáng tạo, trong sáng và độc đáo của toán học. Lúc vào học thạc sĩ, bê cuốn Lý Thuyết Đồng Điều (?) của cụ về nghiền ngẫm thì ôi thôi thôi… trừu tượng vô cùng, kỳ bí vô tận.

Hai mẩu chuyện nhỏ về Giáo Sư Lanh, tôi nghe được thời học cao học.

Thầy Lanh đang nói chuyện với đám sinh viên trước thư viện trường thì gặp một đồng nghiệp đi qua. Thầy Lanh hồ hởi chào: Bác đi đâu? Người đồng nghiệp nói: Tôi đi chút chuyện. Sau mới biết là đồng nghiệp nọ đi họp chi bộ! Thầy Lanh thắc mắc, nghĩ mãi không ra, đi họp chi bộ mà sao mặt mày nhớn nhác và lấm lét vậy?

Một buổi tối, đích thân bí thư chi bộ quyết định đến vận động thầy Lanh vào đảng. Bí thư nói một thôi một hồi, thầy kiên nhẫn nghe xong, nói: Đồng chí cho tôi suy nghĩ một đêm nhé. Bí thư cả cười: Chuyện trọng đại như vậy, anh cứ suy nghĩ cẩn thận.

Sáng hôm sau, thầy Lanh đi chợ, nhìn thầy đồng chí bí thư bên kia đường, thầy Lanh vẫy tay nói lớn: Tôi không bác nhé! Miệng nói mà chân thầy Lanh cứ thế bước thẳng.

Những chuyện trên, tôi được nghe anh Phú kể. Bây giờ đường đường là hiệu trưởng một trường đại học lớn ở Hà Nội chứ lúc đó anh Phú đang ngoi ngóp làm nghiên cứu sinh và ngẩn ngơ theo đuổi một cô giáo tiếng Pháp dạy Đại Học Ngoại Ngữ, đẹp như tiên giáng trần. Tôi hỏi anh Phú: Thầy Lanh không vào đảng vì sao? Anh Phú nói: Đảng trừu tượng quá.

Đến giờ, đảng vẫn kiên định sự trừu tượng của mình. Cái lý thuyết kinh tế định hướng của đảng, tôi đã hỏi cả trăm giám đốc, ai cũng xớn xác nhìn quanh rồi ghé tai tôi nói nhỏ: Chuyện này, nói thật là tớ đéo hiểu nhé!

3. Lý thuyết nuôi cu

 

Ngày giáp Tết, tôi nói với vợ nấu cho nồi cơm cá. Tôi bê ra ngoài công viên biếu hai ông bà già cụ, sống ở đây vài năm nay. Cả hai cụ lặng người, hít hà mùi cá lóc nấu nghệ. Cụ ông nói với cụ bà: Bao lâu rồi, giờ mới được ăn bát cơm nóng với cá đồng bà nó nhớ không? Cụ bà: từ ngày dự án Tương Lai đến lấy đất đến nay, 5 năm rồi ông ạ. Cái ao nhà mình hồi đó những con cá lóc to bằng cổ tay chứ thua gì ai…

Hai ông bà nước mắt ngước nhìn tôi, lắp bắp thành khẩn: Cám ơn đảng và nhà nước!

Tôi quay mặt khóc, chợt nhớ đến bí quyết nuôi cu của một đại gia chơi chim.

Gặp những con chim rất nhát, cứ thấy bóng người là đập cánh loạn xạ, tay đại gia chỉ cho chim uống nước lã. Trong hai ngày, chim đói, đứng từ xa gã biết chim sắp lịm đi mới đến gần bỏ vào coóng vài ba hạt lúa. Rồi gã bỏ đi. Một ngày sau quay lại, bỏ vào dăm hạt kê, lại bỏ đi. Cứ thế, vài tuần sau thì gã trở thành ân nhân của chim.

Bây giờ, cứ thấy bóng gã, chim lại xòe cánh, ngước mắt nhìn đại gia chơi chim đắm đuối và cất những tràng dài tiếng cúc cu cu… Bài thánh ca tạ ơn gã chơi chim.

 

Nguyễn Hoa Lư

304Đen – llttm -tvvn

 

Khuya Khuya Chút Nữa - Đoàn Xuân Thu

 

Khuya Khuya Chút Nữa




 

Trong chốn văn nghệ, trước 75, nhà văn phải viết truyện dài đăng nhiều kỳ trên nhựt báo, gọi là viết feuilleton (phơi-dơ-tông) để kiếm sống. Nhưng trước cái biến cố đau thương, miền Nam sụp đổ, nhiều nhà văn vượt thoát ra nước ngoài làm người tị nạn lại chuyển qua làm thơ. Và thơ rất hay vì ý thơ phát xuất từ đáy lòng đang đau đớn.

Nhà văn Thanh Nam (1931-1985) là một trong những nhà văn đó. Cuộc đời tị nạn của ông thật ngắn ngủi chỉ 10 năm; nhưng khoảng thời gian đó cũng đủ để lại cho đời tập thơ với nhan đề “Ðất khách” (1983).

Tháng Tư lại về trên đất khách, tui nhớ đến thơ Thanh Nam: “Ngó ra buổi sáng quê người/ Tiếng xe lăn bánh nhịp đời trôi mau/Giã từ ngôn ngữ đã lâu/Hôm nay thèm nói một câu chửi thề!”

Nhà thơ sống bằng chữ nghĩa nên thèm nói một câu chửi thề; riêng tui lại thèm một tô hủ tiếu Mỹ Tho mới chết.

Nói nào ngay, Footscray nơi tui đến ở, cũng có quán bán hủ tiếu đó chớ. Nhưng khi ăn ở mấy tiệm nầy tui lại càng nhớ hủ tiếu Mỹ Tho hơn. Vì ăn không hẳn chỉ là ăn mà còn trong đó một cái tình quê tha thiết nữa đó bà con ơi!

o O o

Úc hay Mỹ giờ đây mới có cái vụ đặt đồ ăn nhờ ‘Uber Eats’ giao tới tận nhà, chớ chú Ba đã có cái dịch vụ phục vụ hủ tiếu, mì hoành thánh tới ngay tại chỗ, chỉ còn thiếu cái điều là gắp đút luôn vào miệng khách hàng thương mến thương mà thôi.

Ðó là hủ tiếu gõ! Hang cùng ngõ hẻm của tám nẻo đường thành Sài Gòn nào mà không có nó.

Trong ngõ, xe đậu lại ngã ba, thằng nhỏ cầm hai thanh tre ngắn, gõ lóc cóc luồn quanh hẻm nhỏ lúc đêm về. “Ê cho một tô hủ tiếu nhiều thịt ít tiền đi mậy!” Là 5 phút sau một tô hủ tiếu nóng hổi mang tới tận nơi.

Ngôn ngữ người Sài Gòn rất hay nhe. Nói cho một tô hủ tiếu, tuy xin như vậy nhưng có trả tiền đàng hoàng chớ không ăn quỵt rồi chạy bao giờ!

Bán hủ tiếu gõ đã lâu, làm ăn chí thú, ky cỏm tiền bạc, không chơi số đề hay vào sòng bài Kim Chung hay Ðại Thế Giới thua sặc máu, thì trước hay sau chú Ba sẽ lên đời bằng cách sắm một chiếc xe bán hủ tiếu trụ lại ngã tư đường có nhiều ông đi qua bà đi lại!

Chiếc xe nầy có miếng gỗ có thể bật lên, gài chốt làm thành một cái bàn hình chữ nhựt dài và hẹp, vừa đủ để đặt lên tô hủ tiếu còn bốc khói và chai xì dầu, giấm đỏ và hũ ớt sừng trâu ngâm giấm và một lọ tiêu xay.

Khách ngồi trên ghế xếp, ngồi chờ, xem tranh Tàu vẽ trên mặt kiếng hình Quan Công quánh nhau với Tào Tháo trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ hay Tề Thiên Ðại Thánh quánh với Ngưu Ma Vương trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân…

Những chiếc xe hủ tiếu kỳ cựu, chủ nhân nó luôn chung thủy với những đũa, muỗng, tô, vợt lưới to để trụng vớt bánh hủ tiếu hay trụng mì. Ghế xếp mặt ngồi bóng lưỡng bằng gỗ và chân sắt mộc mạc cũ kỹ, nhưng chắc chắn.

Rồi lại làm ăn chí thú, ít xít ra nhiều, chú Ba nấu, thiếm Xẩm rửa chén, con Muổi chạy bàn kha khá hơn, bèn ra ngã tư mướn nhà mặt tiền mở quán nước.

Nhưng bất cứ quán nước nào xe hủ tiếu cũng chiếm vị trí mặt tiền, trung tâm của quán. Vì mùi thơm của nồi nước lèo bốc ra ngào ngạt, lan tỏa trong buổi sáng tinh sương của đất Sài Gòn làm ai nấy đi qua mà không đói bụng, thèm một tô hủ tiếu mì nóng hổi… vừa thổi vừa ăn chớ?

o O o

Bà con mình đi qua những ngã tư đường ở vị trí tiện lợi sẽ gặp: Tuyền Kỳ, Hưng Ký, Phánh Ký, Phát Ký, Gia Ký, Oai Ký… Mì gia!

Sao chú Ba nào cũng ‘Ký’ hết vậy cà? Té ra chữ Ký trên bảng hiệu nghĩa là nhãn hiệu, thương hiệu như Phánh Ký là tiệm mì của chú Phánh vậy mà.

Trên bước đường hành hiệp chốn giang hồ, tui đã ăn hủ tiếu nhiều nơi nhiều chỗ. Ở Cần Thơ, Tây Ðô thì có Hoạt Ký, Khung Ký đối diện rạp hát Minh Châu trên đường Phan Ðình Phùng thuở ấy. Rồi về lại Sài Gòn ra đường Trần Quý Cáp gần tới đường Cao Thắng quận Ba, ăn hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát (Ðường Trần Quý Cáp đặt tên một nhà Nho yêu nước đất Ðiện Bàn Quảng Nam vì tham gia Phong Trào Duy Tân nên bị án tử yêu trảm là chém ngang lưng; nhưng sau nầy VC vô đặt lại tên đường là Võ Văn Tần! Tui thú thiệt không biết ông nội con nít nầy là ai? Có công trạng gì với đất nước mình mà dám cả gan thay thế nhà chí sĩ Trần Quý Cáp?!).

Rồi trên đường Huỳnh Thúc Kháng ở quận Một có quán hủ tiếu Thanh Xuân quảng cáo là hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng ăn có cả rau tần ô nữa(?!).
Hai quán nầy bán đắt ắt hẳn là ngon nhưng không thể nào làm tui quên được xe hủ tiếu của em yêu bên hông rạp Ðịnh Tường nằm trên đường Lý Thường Kiệt, chỉ đi chục bước chân là ra tới đường Trưng Trắc, dọc theo bờ sông Bảo Ðịnh.

Em yêu, Á xẩm, con chú Phu bán hủ tiếu ngày xưa là vợ yêu, má của hai thằng ‘cu’ tui bây giờ.

Chẳng qua mất nước, đi học tập cải tạo, nghĩa là ở tù VC về, tui đi chạy xích lô.

Bữa nào trúng mối, thèm, tui ghé xe hủ tiếu của ba má em để thiếm xực một tô, làm thêm xị đế mà bùi ngùi nhớ những huy hoàng ngày cũ. (Dẫu sao mình cũng từng làm quan đóng tới lon thiếu úy chớ bộ!)

Ăn riết rồi quen. Rồi được em lén Tía em cho tui thiếu chịu. Nói nào ngay thiếu cũng chừng chục tô thôi. May mắn canh me, vượt biên ra khỏi nước, rồi bèo giạt hoa trôi tới tận cái nước Úc nầy đây, nhớ cái ơn cho ăn chịu ngày xưa tui quay về mà rước em qua.

Qua tới đây em chỉ lo cơm nước, tui đi cày mà trả nợ em. Trả hoài mà tới giờ chưa có hết. Hu hu!

o O o

Chiều nay quê người đất khách. Tháng Tư lại về mặt tui rầu rầu như vừa bị ăn cướp. Phải rồi tụi nó đã cướp nước tui, cướp quê hương tui, cướp luôn một thời tuổi trẻ nhiều ước vọng của tui thì hỏi tui không buồn sao đặng!

Vợ chồng đầu ấp tay gối bấy lâu em yêu thấy tui rầu nên lòng em cũng xót.

Em thỏ thẻ rằng: “Ngộ sẽ nấu hủ tiếu cho nị ăn! Rồi còn xí quách làm một tô cho nị nhậu để bớt buồn nhớ quê vì xa xứ! Thấy nị buồn, ngộ chịu không có nổi!”

He he! Lấy vợ là á xẩm mấy chục năm nay mà em yêu nói tiếng Việt chưa rành. Tiếng Việt em chưa sõi nhưng tài nấu hủ tiếu gia truyền của em đã chinh phục lòng anh (lòng nghĩa đen là cái bao tử) thì không cần phải hỏi. Nói theo kiếm hiệp là công phu đã đạt đến chốn thượng thừa!

Sáng hôm sau em đi chợ Footscray một mình rồi lỉnh kỉnh mang về hầm bà lằng đủ thứ.

Em giảng rằng: Bánh hủ tiếu hồi xưa ở Mỹ Tho làm bằng gạo phải là từ Gò Cát, bên kia sông Bảo Ðịnh, từ cây lúa mùa mới đặng. Bằng lúa Thần Nông cọng hủ tiếu sẽ không dẻo, không dai và cũng không thơm.

Sau đó là xay gạo ra thành bột. Thêm bột lọc và trộn cho đều. Xong tráng bột thành bánh rồi đem phơi ngoài nắng. Cuối cùng là cắt thành sợi. Mình ăn hủ tiếu tươi không hè!

Giờ hủ tiếu để trong bọc, có chất phụ gia bảo quản. Chết em, em không tiếc nhưng chết anh, em không đành… Vì cứ hai tuần ai lãnh lương về đưa tiền chợ cho em?

Bàn tay thoăn thoắt, em ngắt một nhúm bánh hủ tiếu khô, nhét sâu vào cái vợt cán tre, cùng ít giá, trụng vào nồi nước sôi, dạo lên dạo xuống mấy lượt, xốc lên xốc xuống cho ráo nước. Xong, cho vào tô, cho ít mỡ tỏi phi và hành phi trộn nhẹ cho đều thêm cải bắc thảo.

Lấy dao bén em xắt miếng thịt nạc heo mỏng còn hơn tờ giấy quyến trải đều lên mặt, vài lớp gan heo cũng mỏng không kém. Không phải hà tiện gì đâu! Ở Úc mà! Nhưng phải xắt mỏng như vậy để cho nước lèo mới thấm vào từng sớ thịt ăn mới ngon.

Rau kèm theo thì có ngò rí, hẹ, hành lá thêm hai lá xà lách to, ít cọng hẹ rẫy, một miếng bánh tôm chiên.

Em dọn tô hủ tiếu bốc khói ra để trước mặt chàng. Chàng hỏi còn ‘giấm sửu’ đâu?

Em hiểu ý, hứ nghe cái cốc. “Ban ngày ban mặt mà ‘giấm sửu’ cái gì? Nị ăn hủ tiếu của ngộ với xì dầu và giấm đỏ đi! Còn‘giấm sửu’ thì để khuya khuya chút nữa nhe!”

Đoàn Xuân Thu - DXT – Melbourne

304Đen – llttm - tvvn