Tuesday, July 23, 2024

Thương Sầu Vọng - Nguyễn Đạm Luân

 Thương Sầu Vọng




Có Khi Lòng Ta - Rêu

 CÓ KHI LÒNG TA
















Có khi lòng buồn như giòng sông
Trôi lang thang theo những nhánh rong
Bập bềnh trên nước không hạn định
Cùng những xuyến xao thả xuôi dòng

Có khi lòng mềm như trời không
Mây bâng khuâng năm sắc cầu vồng
Bềnh bồng trên phiến đời hoang vắng
Thương nhớ ơ hờ cõi mênh mông

Có khi lòng hiền như ánh trăng
Đêm sâu bàng bạc, giọt thuỷ ngân
Long lanh mặt nước ngàn ánh bạc
Ta khóc niềm riêng, trăng vỡ tan

Có khi lòng chùng nghe thương thân
Đời yêu hạnh ngộ được mấy lần
Hò hẹn, yêu đương rồi tiễn biệt
Tình động, bước đi không than van

Có khi lòng mềm như cơn mưa
Dạt dào mờ trắng lối tình xưa
Dang tay… nghe nước là thác đổ
Hỡi những ngày xưa, có tình cờ..

Và có khi lòng như chim quyên
Hoài yêu người … ngoan giấc cô miên
Dùm ta giữ chút hương tình nhé
Một chút rồi thôi, chẳng muộn phiền.

Rêu

Nguồn :Tương Tri

Vạn Giã Mưa Núi - Trần Công Khanh

 

VẠN GIÃ MƯA NÚI

 

Mùa bắp đầu đời, đầu tiên, đầu tay mà tôi vừa học vừa tập trồng là mùa bắp năm 1976. Nỗi nhớ đọng lại, gắn liền với đoạn ca mà thằng em ruột, đã cỡi hạc, lảm nhảm suốt con đường leo núi hái củi: “Lội bùn nhơ băng lau lách xuyên đêm. Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm. Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu. Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau…

Trần Công Khanh

 


Nó ca bản Sương trắng miền quê ngoại này suốt lúc băng rừng vượt suối đi hái củi khi rẫy nhàn – mới trỉa bắp. Mùa bắp ấy khởi đầu từ cơn mưa tháng bảy âm lịch. Đất ướt, đủ để trỉa bắp và nuôi bắp con. Mùa hè năm trước – năm 1975, tôi vừa hoàn thành năm thứ nhất Đại học Cộng đồng (college) Duyên Hải, ban Sư phạm, ngành Pháp văn. Cuối hè 1975, trở lại trường không thấy tên mình đâu. Biết là số phận của thằng con một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

*

*     *

Ngẫm lại đời mình, số mạng không cho học cái gì tới nơi tới bến. Học trường dòng thì ngày 19.3.1973 bị đuổi khỏi trường vì tội làm báo học trò và in nhạc phản chiến chui. Học đại học mới năm thứ nhất, sau 1975, bị đuổi. Rồi học đại học lại lần hai, hết năm thứ tư tới 1997 bị cấm thi. Hồi đó, tôi đóng tiền đi học chớ không theo ân sủng từ hệ công lập nhà nước ban xuống; nhưng cấm thi mà không có lấy một cái thông báo chánh thức gởi cho đương sự. Đó là tà trị chớ chánh trị gì!

Từ đấy tôi “bị” ở lại quê nhà Vạn Giã. Nói Vạn Giã là nói ăn theo thuở ở theo thì một cách nào đó. Chứ ngay tại nhà tôi, xứ quê nội mới của tôi chỉ là xứ Giã. Xác định địa danh như thế vì nhà tôi nằm xế đối diện với sân “Ga Giã” trên hệ thống thiết lộ xuyên Việt. Thiết lộ là từ hành chánh dùng trước năm 1975, sau đó đổi thành đường sắt, lấy lẽ là làm “trong sáng tiếng Việt”. Kiểu trong sáng này rơi vào trường hợp tỉnh lộ đổi thành đường tỉnh, nhưng sang đến quốc lộ không dịch thành “đường nước” – đớ lưỡi vẫn giữ là “quốc lộ” thành ra nguyên tắc thống nhất trong ngôn ngữ bị hiếp dâm.

Ga Giã được xây dựng đâu khoảng vài năm trước ngày vua Bảo Đại và Toàn quyền René Robin dự lễ hợp long đường sắt tại Hảo Sơn ngày 2.9.1936. Trước đó một, hai năm gì đó hỏa xa được cho chạy thử từ Nha Trang ra Đại Lãnh rồi quay đầu lại. Trang web của Ga Giã viết rằng: “Ga Giã được xây dựng vào năm 1903, cùng thời điểm với tuyến đường sắt Bắc Nam. Ga có quy mô vừa phải, với diện tích khoảng một hectare gồm nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa”.

Về sau, cái xứ huyện lỵ của huyện Vạn Ninh nằm gọn ở xã Tân Mỹ rộng lên tới thiết lộ giáp ranh xã Vạn Phú, lại đèo thêm chữ “Vạn” vào tên. Ông Quách Tấn giải thích, sở dĩ đặt tên Vạn Giã là do cái xứ nằm kẹp giữa cửa Vạn và cửa Giã. Cửa Vạn, Pháp gọi là Port Royal ở tại Đầm Môn, dưới chân bán đảo Bàn Sơn. Trước cửa có một hòn đảo lớn, tục gọi là Hòn Lớn, tên chữ là Ðại Dự, đứng che. Cho nên cửa rất kín đáo. Đây chính là nơi tàu bè núp bão tố. Vào ra cửa có hai lạch ở giữa Hòn Lớn và hai nhánh núi của bán đảo Bàn Sơn. Lạch phía Ðông gọi là Lạch Cửa Bé, lạch phía Tây gọi là Lạch Cửa Lớn hay Lạch Cổ Cò. Cửa Giã nằm tại Vạn Giã. Nước sông Hậu chảy ra cửa này. Cửa Giã là nơi ghe thuyền buôn bán ra vào. Cá tôm ở các vũng phần nhiều cũng dồn về Cửa để phân phối đi các nơi nên dân cư đông đúc. Tên Vạn Giã là do tên hai cửa biển ghép lại.

Ông bạn chuyên nghiên cứu về sử học cho rằng Quách Tấn nói tào lao. Vạn Giã không phải từ nguyên của thị trấn Vạn Giã. Vạn tiếng Việt còn có nghĩa là một xóm làm nghề sông biển nào đó. Đã từng có những từ “vạn chài”, “vạn đò”… Huyện lỵ của Vạn Ninh từng có trụ sở huyện nằm ở ngay lối vào thôn Quảng Hội, xã Vạn Thắng. Cây cầu sát ủy ban từ đó mới có tên cầu Huyện còn tồn tại đến nay. Cùng với thôn Phú Hội, hai nơi này là hai xóm chuyên làm nghề lưới dã cào. Có thuyết nói rằng huyện lỵ Vạn Ninh từ đó thành tên Vạn Giã. Tên này có sau tên Giã – địa danh mà Pháp dùng đặt tên nhà ga ở đây, khá lâu.

Trước mùa mưa năm 1975, tôi được một người bạn cà phê, lính Việt Nam Cộng Hoà, dạy cho học cưa cây. Bấy giờ cách cưa cây của người miền Nam khá là phức tạp. Cưa xẻ. Khúc súc hay pi gỗ được đặt lên ngựa/giàn sao cho một đầu nằm dưới đất, một đầu nhổng lên trời. Một thợ đứng trên cao, một thợ đứng dưới đất. Cưa quá nửa khúc súc/pi, phải bấy cho đầu cây còn lại nhổng lên trời. Cách cưa cây của miền Bắc tiện hơn. Họ chuyển lực trên xuống thành lực ngang. Không phải làm giàn. Hai thợ ngồi hai bên khúc súc, trên mặt đất, chếch nhau, cưa cho đến khi bứt khúc súc/pi cây. Gọi là cưa líu.

Là kẻ đi học cưa, kẻ chịu ơn, vì ông thầy Hải cưa chia đều tiền công, tôi luôn luôn bị bắt đứng trên. Đứng trên mệt hơn ngồi ở dưới nhiều, do phải làm công việc ngược với trọng lực trái đất – kéo lưỡi cưa lên. Kẻ dưới đất chỉ việc trì lưỡi cưa xuống… Nó luôn miệng nói: “Ông học việc, phải đứng trên mới mau thạo việc”. Sức thư sinh, kéo hết một đường cưa, thở hồng hộc như heo. Đành phải chửi thề trong bụng. Giờ thầy Hải, cựu lính quèn thủy quân lục chiến đã chết mất xác giữa muôn trùng biển khơi. Xin lỗi người đã khuất.

Khi đã rành cưa “sáu câu” rồi, tôi được rủ lên núi Hòn Chảo cưa huỳnh đàn. Ban đầu, huỳnh đàn không được đánh giá ngang gỗ hương nhưng về sau quý hơn gỗ hương nhiều. Loại gỗ này dân thợ rừng sau 1975 nói với tôi chỉ có Hòn Chảo có thôi. Hòn Chảo là ngọn núi cao có khi mây phủ nằm phía sau nhà tôi. Huỳnh đàn lại chỉ mọc ở sau lưng hòn núi này. Muốn đi lên núi, từ ba giờ sáng phải đi theo đường xe lửa, bọc qua cánh đồng lớn của xã Vạn Lương, đi hết đồng mới tới chân núi. Có nhiều lối vào núi. Chúng tôi những con ma ngơ ngác, kẻ từ giã lính về, kẻ thì giã trường về. Phải có một đàn anh thợ rừng làm bầu trưởng và đồng ý cho theo, mới có cơ mà lên tới đỉnh Hòn Chảo. Khi vào núi, bầu trưởng dặn theo sát ông, khi nào qua cầu Huỳnh là sắp tới. Đến cầu Huỳnh, tôi mới biết đó là một khe núi, thợ rừng đi trước dùng một súc huỳnh đàn bị tét đầu bắc qua.

Trong khi đó gỗ hương ở núi nào cũng có. Huỳnh đàn sau 1975, thợ rừng nhiều quá, khai thác nhiều quá, cạn kiệt rất nhanh. Thời gian này, thất nghiệp về quê đầy dẫy, họ chỉ có một chọn lựa duy nhất là phá sơn lâm, vì không cần vốn gì lớn. Chỉ cần một cái rìu để hạ cây, dọn lối đi. Một cái cưa lớn hai người hùn. Thêm đá mài, dũa lưỡi cưa, là xong.

Hồi trước hương hiếm hơn huỳnh đàn, vì những người có tiền xây nhà đều chọn hương. Ông nội tôi khi xây nhà ở Diêm Điền, cách Vạn Giã chừng bảy, tám cây số về hướng Bắc, thợ tìm gỗ hương không có, bí quá thay bằng huỳnh đàn mà ông không hay biết. Đến thời bác tôi thừa kế, có một chiến dịch săn lùng huỳnh đàn. Thế là ông tháo cửa ra bán, thâu bộn tiền. Cả một tài sản nho nhỏ. Sau đợt săn lùng này, bộ bàn mặt tám mươi và sáu chiếc ghế bằng gỗ huỳnh đàn một ngày tôi về quê mới hay đã biến thành bàn inox. Buồn cho nhiều chuyện xưa lận vào bộ bàn cũng ra đi!

Những chuyến đi cưa huỳnh đàn của tôi hay lâm vào những chiều mưa núi. Con đường mòn, thợ rừng lên xuống nhiều, mặt đường nhão nhoét. Đàn anh dặn, muốn khỏi trợt, khi bước tới phải dậm gót chân xuống trước thật mạnh rồi bấm ngón chân theo sau. Thử tưởng tượng những chiếc gót thư sanh vừa bỏ giày dép đi chân trần làm sao chịu nổi những cú dậm gót suốt đường núi đằng đẵng cả vài cây số.  

Đã vậy hễ trợt là phải hy sanh thân mà giữ lấy cái súc như “quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ…” kẻo tuột tay súc rơi xuống dốc tét đầu, là coi như chỉ còn nước làm củi. Mới thấy lấp ló cái ác của giới tiểu tư sản đầu nậu chèn ép người thợ rừng như thế nào, vì rằng súc tét đầu thì bớt giá dùng vào chuyện đóng tủ table de nuit như các ông từng đóng loại tủ này bằng rễ cây huỳnh. Nhưng không! Họ ra vẻ ông nội thợ rừng!

Gót chân không cứng đất mềm mà vẫn đau thốn. Ngày đầu tôi ngồi tuột xuống dốc kiểu tuột cầu tuột thời học ấu trĩ viên. Cái quần treillis chỉ một chyến đi núi là mông te tua như những tàu lá chuối bị gió Vạn Ninh cuối năm dập vùi.

Lần sau, xổ dốc bằng cách chạy lúp xúp. Gia tốc tăng lên thì thắng gấp bằng cách nắm lấy một thân cây nhỏ mọc ven đường. Trời mưa núi mịt mùng, bóng tối trùm lên như lính Đại Hàn trùm poncho cho thằng bạn làm ngựa. Số là họ thường đi hành quân cặp đôi lên núi, lấy cớ trời mưa, người này cõng người kia trùm poncho kín mít ông lính làm ngựa. Phe ta trên núi đếm số lính hành quân lên để lúc địch về ta dễ tính sổ. Không ngờ địch về quân số tăng gấp đôi. Mèo nào cắn mỉu nào biết liền.

Cái ác độc của việc thắng gấp là trời tối, nắm phải cây có gai. Ráng chịu! Thả thì coi như rơi dốc gần tự do. Mà thứ tự do này chẳng ai thưởng thức cho đặng như thứ tự do vốn được hô hào là quý không thua gì độc lập. Được hai chuyến, tôi không dám đi huỳnh đàn nữa dầu rằng một súc huỳnh giá mười sáu đồng so với một gánh củi giá một đồng.

*     *

Làm thợ rừng sáng đi chiều về, núi thì gần, chỉ cần một rìu, một rựa; cưa giấu trong núi với hai mo cau cơm. Có ông thợ rừng tên Mô cùng xóm, tướng to con, mặt vuông, vai u. Một hôm, có lẽ do nhà cạn gạo, ông xách mo cơm ra đến sân, cằn nhằn với vợ: “Cái mo bi lớn đây tao ăn sao đủ hử?” Bà vợ trong nhà nói vọng ra: “Ăn cơm chớ ăn mo hay sao mà đủ hay thiếu!” Ông Mô ngậm đắng lên núi.

Ngày đó luật rừng còn tôn nghiêm lắm. Luật đó những thằng bạch diện thư sinh như tôi phải học. Đầu năm muốn lên núi, phải chờ cúng mở rừng, mới được đi. Không ai vi phạm. Từ xưa mãi tới 1975, luật mới bắt đầu bị chà đạp dần, lấy cớ là dị đoan. Đi lạc trong núi, khi tìm thấy đường ra, đói quá, thấy mo cơm của ai treo, chỉ được ăn một nửa. Khúc súc cây hoặc thân cột của ai để dưới đất dựng đứng dựa vào một cây còn sống khác, không được lấy, vì chủ nó chưa kịp chuyển về. Cây bỏ nằm dưới đất được lấy. Vậy nên, người dân Vạn Giã xưa dùng từ rất “môi trường”: đi hái củi. Nghĩa là chỉ “hái” những nhánh cây bị bỏ lâu ngày đã khô, những nhánh cây chết khô trên cành. Củi tươi không gánh nổi.

Sau 1975, đói quá, nên “tiều phu” bắt đắc dĩ không còn hái củi nữa mà chặt tàn chặt mạt. Kẻ chặt cây to bằng cái đầu đốt than. Kẻ chặt củi thì lựa cây nhẹ bằng bắp tay. Kẻ vừa đốt than vừa chặt củi v.v… cả tuần mới chín. Củi ngày nào cũng phải có một gánh để về nhà đong gạo.

Trần Công Khanh

304Đen – Llttm - sgtc

Giang Đoàn Xung Kích Và Con Kinh Vĩnh Tế - Hạnh Võ

 

GIANG ĐOÀN XUNG KÍCH VÀ CON KINH VĨNH TẾ






  Hồi tưởng lại chuyện năm xưa tính đến nay đã hơn 50 năm rồi ,với gần hơn nửa thế kỷ. Sao mà hình ảnh từ ngày vào HẢI QUÂN CÔNG XƯỞNG để được nhận quân trang cá nhân ,khom thân người , vác nó về ,qua sân túc cầu ĐA KAO  về đến nhà trên đường HAI BÀ TRƯNG.....nó hiện ra rõ ràng trong tâm tưởng...
   Những ngày nghỉ phép sau khi ra trường đã hêt...Sáng nay phải có mặt tại Câu Lạc Bộ nổi để chọn đơn vị phục vụ...,khi đến lượt mình ,nhìn vào bảng Danh sách các đon vị ,thì thấy rằng các vị trí tên các Chiến hạm đã đủ người chọn lưa..,chỉ còn 1 danh sách dài tên các đơn vị Giang Đòan.,Duyên Đòan....Oh.! Thấy tên 1 Giang Đoàn có vẻ ngoại quốc  ,đó là Giang Đoàn  K.S.B ( B.C.H BÌNH THŨY)  kế cạnh tôi bấy giờ là anh KỲ, và 2 anh cùng tên và cùng HỌ.là PHƯỚC TRÂN...,tôi giải thích : BÌNH THỦY là TÂY ĐÔ ,nghĩa là thủ đô của miền TÂY.,nơi đây là  vùng sông nước cá tôm nhiều.,thoải mái lai rai nhen bây..Thế là cả nhóm đồng ý vào ghi tên...
   Vài ngày hôm sau ,anh em đã hiện diện tại Bộ Chỉ Huy Lực Lượng TUẦN THÁM..để trình diện cấp trên và để được hướng dẩn..lúc đó mới biết , qua lời ông Th/tá rằng là các anh không có làm việc nơi đây (CẦN THƠ)..mà phải về CHÂU ĐỐC trình diện Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn XUNG KÍCH.tôi tự hỏi mình sao bây giớ lại có cái tên nầy?...nghe thấy máu lửa quá trời
   Trên chuyến xe DODGE nhỏ của B.C Huy..cùng xe là các anh em thũy thủ đi phép trở về các đon vị và với 1 ông Thượng sĩ già..Tôi hỏi thăm về đơn vị mới nây  thì anh em cho biết các giang đỉnh khá nhỏ.,chạy nhanh và không có mui che mưa nắng...Ông Th/sĩ già góp thêm ý kiên...và cho đó là không đúng..mà đơn vị là chiếc tàu lớn bề thế.., một anh khác thì tỏ vẽ thán phục nói rằng các ông chịu chơi quá..sao mới ra trường mà chọn ngay về đợn vị dử dằn nây...Tôi im lặng thầm ngán ngẩm....ôi! mộng hải hồ....Mình tính sai rồi..câu than thở từ thuở bị Brimade trong quân trường lại hiện về...ôi! nó giết chết đời trai....
  Châu Đốc đây rồi.....Từ công viên thành phố đứng nhìn ra dòng sông HẬU...Một chiếc Hobo nhỏ lướt vào bờ để rước anh em...nó trực chỉ thẳng đến 1 chiếc hạm  Y. R.M 20  của HOA KY..,đang neo giửa sông lớn.,có 1 chiếc trực thăng bên trên sàn bãi đáp..và nhìn thấy khoảng 25 chiếc Hobo cùng loại , được cột nối với nhau sát vào 1 cái ponton....trên đây có dựng 2 dãy nhà tiền chế ,phân chia thành các khu phòng nhò làm Văn phòng đơn vi.,và làm các phòng tạm trú cho nhân viên....Ngay lúc đó ,thì thấy từ dưới sông một tay lội sải nhanh vào..,với chiếc quần đùi Nylon đỏ,một thân mình lực lưởng ,đen bóng ,anh bước đến và hỏi cười với hàm răng đều và trắng sáng như ông HYNOS kem đánh răng..rằng mấy đứa 19 mới xuống.,phải không?..Thôi sắp xếp lại ,rồi đi tắm.tôi sẽ đưa đi bờ  chơi cho biết Châu Đôc.Đó là lần đầu tiên tụi tôi biết đến Niên Trưởng NGUYỄN thành PHƯỚC (Người nhái /Ụ.S.A/K.17 SQHQ/N.T) ,ông đang xử lý thường vụ C.H.Phó Giang Đoàn XUNG KÍCH K.S.B.....(1970)...
   Buổi chiều vê..giờ điểm danh cho nhân viên 5 giang đinh của tôi..không thấy các bộ quân phục thũy thủ thường ngày  mà thay vào đó là các bộ đồ đen ,rằn sọc của các chủ lục quân.,có các anh dùng các sợi dây màu đen ,đỏ vòng qua trán cột tóc...nhìn chung là 1 nhóm lính tráng ô hợp ,những gương mặt bình thản chịu đựng....
  Đoàn giang đỉnh bắt đầu nhẹ lướt trên dòng sông Hâu.,chạy sát bờ .ô kìa ! một nhóm mấy cô đang đùa giởn ,tắm giặt các chiếc SARONG..,thì ra mấy cô nầy từ 1 làng trên bờ..,làng CHÂU GIANG ,nơi sinh sống của các gia đình CHAMPA mà bao nhiêu đời tổ tiên họ đã từ miền TRUNG chạy nạn chiến tranh ,khi làn sóng di dân người VIỆT từ miền Bắc,TRUNG tiến về phương NAM..,về miền TÂY tìm đất ruộng ,khai khẩn..
   Toán Giang đỉnh vào tới đầu kinh VĨNH TÊ.,Mặt trời chiều hoàng hôn.,đã bắt đầu sẩm tối...Tôi bắt đầu cho chạy vào kinh..vì mọi giang đỉnh đều biết trước các tọa độ ,bờ kinh của điểm phục kich.,nên khi đến nơi là họ tự ủi bờ. ,rồi đem súng đại liên M 60,,M 79 lên ,dọn sơ bãi và nằm phục kích ,còn các giang đỉnh khác thì cứ tiếp tuc hành trình để đến điểm của mình...Vùng nầy rất nhiều muỗi.,anh em rất khổ sở vì chúng, , nếu thiếu dầu bôi da..
  Con kinh VĨNH TẾ nầy là một con kinh đào tay ,đươc phối hợp của những người dân và quân người VIỆT lẫn MIÊN.,họ đã đổ biết bao mồ hôi,xương máu để đào từng chặng kinh ,nhắm hướng của 1 cây cọc cắm từ xa có treo một ngọn đèn cao.,họ đào miệt mài hơn 5 năm trơi..(Đèn nào cao cho bằng đèn Châu đôc...Gái nào đẹp cho bằng gái CHÂU GIANG)...con kinh nầy dài khoãng 84km ,đào dài đến Giang Thành.(HÀ TIÊN)....với các vị quan chỉ huy cho việc đào kinh ngày đó là Ông TÃ QUÂN LÊ văn DUYÊT..,Ông quan THOẠI ngọc HẦU Nguyễn văn THOAI..xét lại công ơn nầy ,vua Minh MẠNG cho đặt lấy tên VĨNH TẾ (tên vợ của ông quan THOẠI ngọc HẦU)..,câu chuyện đào kinh là vào các năm của thế kỷ thứ 18....và đây cũng là con đường thũy tiện lợi giao thông ,buôn bán ,nối liền với bờ biển qua con sông Giang Thành (HÀ TIÊN) về đến CHÂU ĐỐC) sông HẬU....
  Con kinh VĨNH TẾ được đào chạy dọc theo vùng biên giới với CAM BỐT ....,ngày đó vào những năm loạn lạc ,,vùng nấy đã xảy ra các vụ người dân 2 bên bờ ranh giới xăm nhập qua lai chiếm các đàn bò,heo.,mà các vùng như VĨNH GIA.,VĨNH ĐIỀU,GIANG THÀNH hứng chịu nhiều tai họa...
   Giang đỉnh HOBO của Giang đoàn Xung Kích là một loại xuồng giống như loại mà dân Hoa Kỳ dùng săn,bắn Chim ,vịt trời..,tuy nhiên nó đươc tạo thành bởi loai FIBER GLASS rất nhẹ ,loại mìn từ tính không bị ảnh hưỡng.và động cơ là loai máy 2 chân vịt (THUNDER BALL)..,xử dụng bằng xăng Supper..,phần phía sau là chổ ngồi lái (bộ phận tiến hay lùi bởi hai cần trục giống như của P.B.R...,Ở phần đầu mủi là 1 trụ cho đại liên M.60...,chạy rất nhanh với vận tốc lướt trên mặt nước từ 25 đến 35 knots....
  Trước khi đi công tac.,chúng tôi vào gặp Cố vấn để ký giấy nhận ống kính nhìn đêm.,về thì hoàn trã.,nhờ vào ống kính nầy mà tôi đã một lần trong một đêm phục kích , đã thấy đươc đoàn người tiến vào lảnh thổ.,thường là các nhóm kinh tài,đem theo vũ khí ,tìm đường vào để rồi biến dạng ở các vùng U MINH HẠ hay U MINH THƯƠNG..
  Tôi đã dùng máy P.C.R 25 ,gọi về phòng Hành quân trên chiếc hạm 20 ,trong chiến dịch TRẦN hưng ĐẠO cover cho vùng biên giơi..Trưởng phòng nầy là HQ TH.TÁ Đinh vĩnh GIẠNG,và với các nhân viên thuộc K.19 SQ/HQ/NT ,các anh TRƯƠNG văn CHỤNG và NGUYỄN văn TÀI..,các anh đã liên lạc với nhóm Pilot trực thăngHoa KỲ.., rồi sau đó 1 chiếc trực thăng COBRA bay lên..,tôi đã dùng đạn lửa cho đại liên M 60  tác xạ về hướng nhóm người đang di chuyên..chiếc COBRA nầy đã tác xạ quần nát khu vực.....Sáng hôm sau..lực lượng địa phương quân của tỉnh đã vào lục soát và thu nhiều loại vũ khí....
   Trên dòng kinh VĨNH TẾ..,vào những năm chúng tôi còn trong Quân trường thụ huấn..,thì con kinh nầy đã có tên là kinh Vĩnh biệt ,rất nguy hiêm.,quân du kích đã xử dụng ngôi chùa Ngọc Hoàng (hay dân địa phương thường gọi là chùa BÀ BÀI ,vì nó nằm trong phạm vi xã BÀ BÀI) để ẩn nập,đào công sự,chứa vủ khí từ vùng biên giới ,để rồi bắn phá các giang đỉnh qua lại tuần tiêu..,từ chợ trung tâm của tỉnh nếu muốn đến đây thì phải băng qua 1 cánh đồng ruộng lớn..quân số Nghĩa quân ,Địa phương quân không thể thường xuyên hành quân vào khu vực nây....cho nên mọi chuyện đều phải do anh em Giang đoàn XUNG KÍCH ,tạo ra các cuộc phục kích mỗi đêm.,chúng tôi công tác như vậy liên tiếp 3 đêm mới nghỉ được 1 đêm.,phân chia để mỗi đêm đều có các toán giang đỉnh hiện diện trên vùng kinh nây..Đời sống chúng tôi vào năm mới ra trường NHA TRANG...đã hội nhập vào vòng lửa đạn của vùng Biên giới MIÊN VIÊT.....Bài viết nầy được viết nên qua cùng hình ảnh của Niên Trưởng Nguyễn thành Phước ,người đàn anh đầu tiên đã hướng dẩn các kinh nghiệm trên bờ kinh ,cũng như trên các nẻo đường trong thành phố CHÂU ĐỐC  ,thành phố nhỏ nhưng đầy các bước chân của chúng tôi trong những ngày nghỉ bến không công tác...........Tạm biệt các ban.....

          HẠNH VÕ

          (SQHQ/K 19)

 

         Sanjose july 15, 2024

          

Ghi chú;

Bài được tác giả viết và chuyển tới, 304Đen giữ nguyên gốc hình thức trình  bày, không chỉnh sửa  như thường lệ.

Saturday, July 20, 2024

Tương Lai Cho Chúng Ta - Tâm Quả

 TƯƠNG LAI CHO CHÚNG TA

 













Lặng lẽ thời gian cứ nhẩn nha

Rộn ràng chính trị vẫn như là

Hô hào bêu xấu chừng chưa đã

Căm ghét hận thù nguy hiểm đa

Vận nước cơ trời ai biết hã

Số phần trăm họ đứng đầu mà

Đầu năm tới liệu ai vào há

Bầu cử chọn người cho đúng nha

 

Jul 14, 2024

Tâm Quã

Thursday, July 18, 2024

Em Bỏ Làng Đi - Thuyên Huy

 Em Bỏ Làng Đi

Viết cho em gái làng Long Chữ

 















Em bỏ làng đi chiều thu muộn

Chiếc xuồng ba lá không ai chèo

 Xác xơ gốc ra khô ngoài ruộng

Sông quê từ đó cũng buồn theo

 

Đầu vàm quạnh hiu bông Súng úa

Nhấp nhô theo sóng nước chờ người

Hàng Trâm bầu sầu vàng lá nhớ

Đôi bờ ray rứt tím Mua rơi

 

Cầu ván ngày nao giờ lạnh vắng

Ngoài truông bìm bịp cũng thôi kêu

Lối mòn quen đường về im lắng

Vườn sau chuối mấy bụi tiêu điều

 

Chợ sớm đầu làng thưa người nhóm

Nhà quen không còn khói bếp chiều

Em đi quên mối tình vừa chớm

Bỏ người nắng ngã mái tranh xiêu

 

Thuyên Huy

Toowoomba 2024

Còn chăng - Nguyễn Cang

CÒN CHĂNG

(Ngũ độ thanh)

 















Đêm nằm chợt nghĩ thuở ngày xưa

Buổi tối vừa qua mộng cũng chừa

Bãi cạn sương mờ dong ruổi nhớ

Ven đồi ngõ vắng hẹn hò đưa

Dương trần gột rữa bao tàn tích

Vẫn bụi vần xoay mấy ảnh thừa

Hạnh phúc vùi chôn ngoài cửa ngõ

Bây chừ tự hỏi lá vàng chưa?

 

Nguyện Cang (Jul. 17, 2024) 

Mưa Chiều Nhớ Ai - Nguyễn Thị Châu

 MƯA CHIỀU NHỚ AI?




 












Mưa rơi lác đác chiều nay

U hoài tựa cửa chờ ai trở về

Người đi mấy dặm sơn khê

Mưa rơi ngoài ngõ não nề lòng ta

Nhỏ to tâm sự phương xa

Nhớ ai khoé mắt lệ nhoà rơi rơi!

Bây giờ mình ở hai nơi

Thiết tha đến mấy cũng rời xa nhau

Để rồi ôm lấy chữ sầu

Buông tay như nước qua cầu trôi nhanh

Thăng trầm thế sự  vây quanh

Trả về quá khứ đã dành cho tôi

Không chờ, không đợi người ơi!

Thời gian liều thuốc cho đời nở hoa

Không còn thương nhớ người ta

Ngoài trời có hạt mưa sa không sờn

Hôm nay vẫn sống cô đơn

Mưa rơi ngoài ngõ không còn vấn vương

Cũng đành tim héo đau thương

Không than, không trách , phải thương chính mình…!!!

 

17-7-2024

Nguyễn thị Châu

 

Tình Nghèo - Ngọc Ánh & Kiếp Tha Hương - Nguyễn Cang

 TÌNH NGHÈO

(Ngũ độ thanh, bát vỹ đồng âm)

 



















Cưới hỏi vừa xong sẽ tậu nhà

Cho gần ruộng rẫy khỏi về xa

Nuôi bèo dưỡng lợn xây cầu cá

Trĩa lúa trồng rau thả vịt gà

Vợ giỏi nề chi giường chiếu rã

Chồng siêng chẳng ngại muối dưa cà

Đầu năm được trẻ  mừng vui nhá

Bởi vậy lều tranh cũng sướng m


Ngọc Ánh Nguoideplongyen :

 

 

Bài họa   (Ngũ độ thanh độc vận)


KIẾP THA HƯƠNG

Vừa xong  giỗ chạp sớm ra nhà

Chuẩn bị lên đường tới chỗ xa

Lễ hội ăn mừng mâm chả cá

Ngày xuân thưởng thức mẫu xương gà

Năm dài họng cứng thân mòn rã

Lẫu cạn khô dầu cổ khó qua

Những tưởng  sang giàu vui đậm nhá

Ngờ đâu khổ cực quá cơ mà !

 

Nguyễn Cang ( Jul. 6, 2024)

 

 

 

Bàn Tay Năm Ngón - Bình Nguyên Lộc

 

BÀN TAY NĂM NGÓN




 

Thầy giáo dò tên trong sổ rồi lại liếc học trò như để bắt mạch chúng, coi đứa nào xanh mặt vì không thuộc bài. Không thấy đứa nào tỏ vẻ lo sợ, thầy nhắm mắt chấm đùa thì trúng tên trò Kinh.

-Kinh, lên bảng trả bài ám độc.

Trò Kinh vừa đứng dậy, vừa nói lên cử động của mình, bằng tiếng Pháp:

-Tôi đứng dậy, tôi ra khỏi bàn, tôi lên bảng và tôi đọc. Rồi tôi trả bài cũng bằng tiếng Pháp: “Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngón.”

-Sáu…

-Sáu…

-Sáu chớ…

Cả lớp cười rộ lên một cái rần. Kinh giựt mình, ngưng đọc. Thoạt tiên anh không hiểu gì hết. Nhưng chợt nhớ thì bàn tay mặt anh có sáu ngón, mặt, tai anh ửng đỏ. Anh vội giấu bàn tay mặt dưới cùi chỏ tay trái đương khoanh trước ngực.

Thầy giáo đập thước rầm rầm lên bàn và la:

-Cười cái gì. Trò nào còn cười bị phạt chép năm chục trương bài nầy. Trò Quang, ta không nên… làm sao ?

Trò Ouang đứng dậy. Sợ sệt đọc: ” Ta không nên nhạo báng người tàn tật “.

-Tốt, giỏi, ngồi xuống !

Kinh lăn qua, trở lại mãi, không sao nhấm mắt được. Anh nhớ rõ từng chi tiết buổi học trên đây, mười sáu năm về trước và thương hại cậu bé tội nghiệp, thuở ấy đã chịu biết bao khổ nhục giữa đám trẻ tàn ác, cũng vì cái ngón thứ sáu nầy.

 

Anh giơ bàn tay lên xem. Cái ngón dư đó, mọc từ bên hông ngón cái, cong quát vô như càng tôm, càng cua. Da nó non, mịn, hơi ửng hồng. Đầu ngón, một móng tay nhỏ xíu, nhọn hoắc, cong như ngói ống lợp chùa.

Thật là dị kỳ, không giống anh em nó chút nào, y như là ai mới nghịch gắn nó vào đó, và nó làm bằng những chất gì khác hơn là thịt và da.

Hèn chi trẻ nhỏ hồi đó và người lớn bây giờ không đùa sao được. Phải chi ai cũng có sáu ngón, thì anh sẽ được coi như người thường, đàng nầy…

-Ờ, Kinh nghĩ, tại sao người đời cứ muốn cái gì cũng giống nhau hết, khác một chút là họ không tha. Mình mặc một bộ đồ mốt xưa họ cũng cười, mình dạy con theo phương pháp riêng của mình, họ cũng công kích. Mình có một tư tưởng nào hơi bạo, hơi đi trước họ, họ không khỏi nhìn mình như nhìn một người điên.

Kinh bật cười, nghĩ đến một người kia bỗng dưng mọc đuôi dài. Chàng thấy trong trí đám người đi theo thằng cha có đuôi, mặc sức mà bàn tán mà chế giễu. Rồi chàng nhớ đến bọn đầu cơ, luôn luôn rình một dịp tốt để hốt tiền. Bọn nầy không khỏi thương thuyết với người có đuôi, nhốt va lại trong một cái lều bằng bố, giữa chợ đông, rồi thì lùng tùng xòa, lùng tùng xoèn mại vô, mại vô, người có đuôi, năm cắc vô cửa nè !

Kinh lại nhớ đến những bức tranh khôi hài ở một tờ báo ngoại quốc kia. Tranh vẽ một nhà thông thái chế ra một hỏa tiễn rồi bắn mình lên sao Mars. Tới nơi thấy người sao Mars có ba chơn, mũi dài như vòi voi, không trái tai. Những người nầy bu quanh nhà thông thái và nói với nhau: “Các anh coi, thằng người dưới quả địa cầu mới dị tướng, xấu xí làm sao !”

Thì ra óc loài người rất hủ lậu. Cái người thượng cổ đã dựng lên một cái chòi để ở, không thích ở lỗ nữa, không biết đã bị đồng loại rầy rà, làm tình, làm tội đến bao nhiêu.

Kinh thở ra dài: Loài người cứ muốn giống nhau, lại muốn cái gì cũng giống loài người. Họ bày ra đấng Tạo Hóa, đấng Cứu Thế với hình ảnh giống hình ảnh họ, với tư tưởng và tình cảm gần gần họ, hơi khoáng đạt, trong sạch hơn một chút, một chút thôi. Còn cái anh chàng nào đã tạo ra Tiên đó, thì lại càng giản dị hơn nữa. Va cho Tiên là người phàm tu thành và vẫn còn giữ rất nhiều phàm tánh.

Phải chăng vì tánh đó, thâu hẹp lại, mà thuở nhỏ anh đọc truyện Tàu cứ tưởng tượng Trương Phi, Tiết Nhơn Quí là người Việt Nam, rồi đến mười lăm mười sáu tuổi, khi biết rõ lại họ là người Tàu, anh tức mình sao những nhơn vật anh yêu lại không phải người đồng chủng.

Kinh rờ ngón tay dư. Nó mềm mụp như bằng bột. Tuy ngón tay đó cũng nghe được xúc giác, nhưng anh cảm thấy sự đụng chạm đó không giống khi anh rờ những ngón khác. Như là ngón thứ sáu đó không thuộc vào thân thể anh.

Kinh có tiếng người lập dị. Đó là lời xét đoán của người chung quanh anh. Thật ra những cái dị ấy, anh tự nhiên mà có, chớ không cố ý lập ra, và không cần dư luận, anh không thèm sửa đổi cho giống người ta.

Nhưng cái dị của ngón tay nầy thật là để không được nữa.

Anh làm ở Bưu điện. Mấy năm nay anh ngồi phòng bút toán ở trong. Năm nay anh đổi ra “ghi-sê”.

Thật là phiền. Mỗi khi anh bán ra một con cò, là có cả chục con mắt ở ngoài dòm cái ngón tay chướng ấy. Chắc ngoài họ bảo nhau: “Ở sở Bưu điện có thầy sáu ngón”. Khi họ sai thằng nhỏ đi mua cò, chắc họ dặn: “Mầy cứ lại chỗ thầy sáu ngón tay là đúng chỗ bán cò.”

Kinh khổ sở tưởng như nội Sài Gòn người ta cứ ăn no rồi bàn nhau về cái ngón dư của anh.

Ra đường, anh đoán ai cũng nhận ra anh, và luôn luôn anh nhét tay vào túi quần.

Phiền nhứt là phải thối tiền cho phụ nữ. Hễ thối tiền thì phải chưng bày cái bàn tay (khổ, lại là bàn tay mặt là bàn tay làm việc) có tật ấy ra lâu hơn khi bán cò. Những cái mỉm cười kín đáo của những cô gái đẹp trước cục thịt dư sao mà nó mỉa mai, hỗn láo đến thế ?

Một hôm một bà đầm già thân mật hỏi: “Sao thầy không cắt nó đi ?” Mà lại hỏi trước một công chúng phụ nữ đông đảo. Anh muốn hụp xuống phía sau ghi-sê mà trốn những nụ cười tàn ác kia.

À, cái mụ đầm mới vô lễ chưa. Mắc mớ gì đến mụ chớ ?

Kinh thầm oán mụ đầm đó, nhưng từ ngày ấy anh mới sực nhớ ra là có thể loại cái khó chịu nầy ra khỏi thân thể anh.

“Ờ, ờ, tại sao thuở giờ mình không nghĩ đến. Có gì đâu, phụp một cái là mình được như người thường. Mình không đến đỗi xấu trai. Nếu không có cục nợ ấy thì cũng là người dễ coi như ai. Ờ, mà có đau đớn lắm không nè ?” Anh đi hỏi thăm một bác sĩ hẹn ngày giờ cẩn thận.

-Không, không đau đớn gì đâu, bác sĩ nói, như con kiến cắn é mà !

Kinh yên lòng. Nhưng đêm nay, cái đêm trước ngày “long trọng” ấy, anh nghe ngài ngại. Không biết nó sẽ đau đến bực nào. Không, mà mình sẽ bậm môi rán chịu, không rên la chi cho bác sĩ cười. Làm trai mà ! Anh nghĩ cái ý làm trai một cách trịnh trọng như là một chiến sĩ sắp ra trận ngày mai.

Kinh cầm ngón tay lúc lắc, bụng bùi ngùi:

-Mấy mươi năm rồi, mầy ở với tao. Thôi mai nầy vĩnh biệt nhé !

Kinh ngạc nhiên vì chợt nghe mình thành thật buồn vì sự chia ly nầy.

-Mình đa cảm đến thế à ?

oOo

-Lại chích lần nữa à, thưa ông ?

Bác sĩ cười hì hì đáp:

-Nhiều lần nữa chớ. Thứ thuốc tê nầy, chích đâu thì có hiệu quả đó, chỉ ở đó thôi. Thành ra tôi phải chích ít lắm là bốn phát chung quanh gốc ngón tay.

Bác sĩ rút kim ra, lụi phía bên kia, Kinh đau điếng.

-Phải dè đau như vầy, tôi không đòi thuốc tê. Để vậy cắt có lẽ ít đau hơn.

-Phải có thuốc tê vì còn đốt.

-Đốt ?

Bác sĩ không trả lời, cắt sực một cái, ngón tay đã rớt xuống mâm.

Ông tiếp lấy cái sắt trắng nướng đỏ mà thầy khán hộ vừa trao tới.

Kinh nghe lạnh cả mình. Nhưng không sao. Chỉ nóng vừa thôi khi cây sắt lửa ấy rà lên vết thương.

Trên đường về, Kinh nghe nhẹ người, tuy cái ngón dư ấy chỉ cân nặng độ hai chục gơ-ram.

Chỉ nửa phút thôi là anh biến ra một người thường, sung sướng y như người khác. Bắt tay ai họ không còn nhìn xuống nữa. Thôi, từ đây tha hồ mà thối tiền nhé.

Kinh lấy làm lạ sao người đời thương hại sự thiếu, như là nhường nhịn người cụt tay chẳng hạn, mà không ưa sự dư. Có ông Phán trong sở chỉ vì dư tiền nhiều mà bị anh em ghét. Còn cái thằng cha Quân, thua xiểng liểng, nợ tứ giáng lại được họ thành thật thương xót.

Được sống như người thường ? Ý nghĩ đó cứ trở lại làm anh hớn hở như mới được của quí. Tâm trạng anh là tâm trạng của một người tù mới mãn hạn. Anh nhìn mọi người qua đường tự hào rằng ta đây cũng như ai.

oOo

Nhưng từ đó, Kinh thấy đời mình thật là nhỏ nhoi, tầm thường như những cái tầm thường khác.

Ở ghi-sê không có lấy một cô gái đẹp nào tỏ vẻ thán phục bàn tay năm ngón của anh hết. Anh cố ý xỉa tiền chầm chậm, và chỉ làm cho người ta bực mình. Cho đến cái cô má lún đồng tiền thường lui tới Bưu điện, cái cô mà nụ cười tinh quái hơn ai hết trước kia, bây giờ hình như cũng quên rằng có một thời anh đã mang một bàn tay khác phàm.

Mà nghĩ cũng phải. Bàn tay của anh chỉ là một bàn tay thường thôi, có gì đâu mà người ta phải chú ý đến ? Và chủ nó chỉ là một anh thơ ký thường như muôn ngàn anh thơ ký thường khác.

Kinh thở dài:

-Được yên thân lại không thú bằng bị quấy rầy !

Anh cảm thấy đã hiểu tầm hạnh phúc. Hạnh phúc của anh là ở những khi ao ước được như người thường, ở những lúc tưởng tượng mình chỉ có năm ngón như ai. Anh triết lý: “Hạnh phúc ở chỗ muốn, chớ không phải ở chỗ được”.

Bỗng anh nhớ ra một điều, thành thật và thấm thía hơn ý tưởng trên: “Bây giờ mình mới biết sợ sự tầm thường !”.

Bình Nguyên Lộc

 Ebook truyện ngắn