Saturday, June 29, 2019

Cho Tôi Ôm Lại Sài Gòn Một Chút Được Không Em? - Kim Chi



CHO TÔI ÔM LẠI SÀI GÒN MỘT CHÚT ĐƯỢC KHÔNG EM?”
 
 

Giữa Outlet mênh mông những thương hiệu. Ồn ào những ngôn ngữ lạ, khác những màu da. Màu mắt em xanh. Màu da anh trắng. Chỉ tôi mắt đen, da tôi sẩm màu.
Tôi đứng. Tôi đi. Tôi nhìn. Tôi lạc lõng. Tôi nhớ về quê nhà. Tôi muốn khóc quá, tôi ơi!

Bất chợt sau lưng tôi: một giọng nói Việt Nam! Anh ấy trả lời điện thoại từ bên kia trái đất. Chất giọng “gõ gàng” của người miền Tây sông nước. Tôi quay lại nhìn anh. Anh cũng nhìn tôi, mừng rỡ như bắt gặp người quen dù tôi chưa từng gặp anh trước đó.

Anh bắt tay tôi. Cái bắt tay thật chặt. Tôi nhìn anh: mái tóc đã điểm sương. Anh hỏi tôi về Sài Gòn, hỏi tôi về VN. Hỏi về khu phố năm xưa anh từng sống, khu phố có ngôi chợ nhỏ, có cây trứng cá, nơi anh cùng “đồng bọn” tụ tập, leo trèo mỗi trưa trốn ngủ.
Nơi anh trải qua thời thơ ấu trước khi đi lính, trước khi vào trại tù cải tạo, trước khi sang Mỹ để sống đời lưu vong,

Và cũng trước khi chia tay nhau trước Outlet, anh xin phép được ôm tôi từ giã. Anh nói: “cho tôi ôm lại Sài Gòn một chút được không em?”.
Tôi có cảm giác vòng tay anh trên vai tôi run rẩy. Tôi bước nhanh để tránh nhìn thấy những giọt nước mắt Việt Nam lăn tròn trên nước Mỹ.
Houston tháng 12, trời rất lạnh!

NẾU…

Nếu được trở về trường Luật cũ một lần
Em sẽ mặc áo dài màu hoa cúc
Em sẽ ôm cái cặp da trước ngực
Trong cặp em có sách Luật lẫn thơ tình

Em lên Giảng đường ngồi vào ghế của mình
Mặt bàn cũ em viết tên anh thuở ấy
Em sẽ mở tập, trải nhớ nhung ra giấy
Từ những trang thơ em lại thấy anh về

KIM CHI
304Đen – llttm- DSC

Đến Một Lúc Nào Đó - vkp Phượng tím


 
ĐẾN MỘT LÚC NÀO ĐÓ

 
 
 
 












Đến một lúc nào đó
Tình yêu sẽ chơi vơi
Vì cảm thấy mệt mỏi
Bởi vòng xoáy cuộc đời!

Đến một lúc nào đó
Tình yêu như giọt sương
Nắng mang đi tất cả
Chỉ còn khúc đoạn trường!

Đến một lúc nào đó
Tình yêu thành tảng băng
Vì hai nơi xa cách
Xẻ đôi một vầng trăng!

Đến một lúc nào đó
Tình yêu đội nón đi
Lấy gì che mưa nắng
Giữa khung trời biệt ly!

Đến một lúc nào đó
Tình yêu mất hương say
Mặn nồng bị gió cuốn
Hai đứa đành buông tay!

Qua  rồi một thuở đắng cay
Tình yêu ngang trái sao hoài tiếc thương???

 

Saigon tháng 6/2019
vkp phượng tím

 

 

Người Đàn Ông Cân Đo Tội Ác Và Thời Gian - Topa


 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÂN ĐO TỘI ÁC VÀ THỜI GIAN
 
 
 
 

 

Sàigòn cuối tháng ba dương lịch thời tiết thật nóng. Vợ chồng tôi vừa đặt chân đến thành phố buổi trưa thì buổi chiều vợ mới cưới của tôi bị nằm liệt trong khách sạn đến không làm sao nhấc nổi cái đầu lên. Nàng đã bị nhiễm độc bởi thức ăn nước uống, bởi thời tiết, bởi khói xe và bụi bặm… Bác sĩ đến khám bệnh cho nàng đã nói vậy. Nàng và tôi không ngờ khí hậu Sàigòn lại nóng đến nỗi gần như làm cháy cả da lẫn thịt. Cũng chỉ vì chiều nàng mà giờ đây cuộc du lịch của hai đứa đã mất đi nhiều thú vị.

Nàng và tôi dự định đi đến Thái Lan, rồi sau đó qua xứ chùa tháp là quay về lại Hoa Kỳ. Nhưng, khi đến Campuchia và thấy cũng gần với Việt Nam, hơn nữa người hướng dẫn viên du lịch nói sẽ lo mọi thủ tục chỉ trong có vài ba tiếng đồng hồ là xong, vì vậy nàng muốn ghé cho biết Sàigòn trong dăm ba ngày. 

Nàng nói: “Là người Việt Nam mà không biết chút ít nào về cảnh vật của quê hương thì cũng là điều thiếu sót, phải vậy không anh?”

Sàigòn chật chội nhưng lại có quá đông người sử dụng phương tiện xe gắn máy nên cảnh kẹt xe và không khí bị ô nhiễm là chuyện không sao tránh khỏi. Ngày xưa, ngày mà tôi rời khỏi thủ đô của miền Nam khi chiến tranh đã vào những ngày cuối cùng, và, ngày đó tôi mới lên bảy tuổi nên trí nhớ về một vùng quê hương quả là quá nghèo nàn.

Hôm nay vợ của tôi muốn tôi đi xem thành phố cho biết vì nàng quyết định ngày mai chúng tôi phải rời khỏi Việt Nam. Nàng không muốn nhìn thấy tôi cũng bị nằm liệt một chỗ như nàng. Đang đi trên đường Lê Lợi thì một vật mà tôi nhìn thấy phía trước mặt đã làm cho tôi phải chú ý đến. Đó là cái cân thật cũ để cân người đặt trên vỉa hè nơi có người bộ hành qua lại tấp nập. Bên cạnh cái cân có đặt một tấm bảng carton với hàng chữ thật lớn: “Cân sức khỏe 2000 đồng”, viết bằng bút lông màu đỏ nét chữ rất lớn – rất đậm – như muốn mọi người phải chú ý đến. Vậy mà không một người nào qua lại trên hè phố để mắt đến.

Người đàn ông chủ của cái cân vào khoảng sáu mươi lăm tuổi và có gương mặt rất khắc khổ nhưng cũng thật trí thức. Bộ đồ mà ông đang mặc, đôi dép mà ông đang mang, cho tôi biết cuộc sống của ông nghèo lắm. Ông ngồi đó, sau cái cân với gương mặt dửng dưng của người bất cần đời. Bên phía tay phải của ông có một cây cột xi măng thật cao của đường dây điện và, ông cột vào cây cột xi măng đó một cây thước cây mà tôi nghĩ là để đo chiều cao của người. Công việc kinh doanh với chỉ một cái cân và cây thước, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời. Người đàn ông ngồi đó tuy hai mắt vẫn đang nhìn người qua lại trên hè phố nhưng với vẻ dửng dưng như không hề chờ đợi sẽ có người đến đứng lên cái cân.

“Hai ngàn đồng Việt Nam”, tôi nhẩm tính với hối suất vừa đổi trong khách sạn thì chỉ vào khoảng mười xu đô la Mỹ mà thôi. Cũng vì gương mặt của ông và thái độ như bất cần đời của ông nên tôi cứ đứng từ xa, từ khoảng cách mười thước, và, tôi đưa máy lên làm như chụp hình cảnh vật của thành phố, rồi lại để xuống mà mục đích là chỉ để chờ xem có người nào đến đứng lên cái cân không.

Hai mươi lăm phút trôi qua rồi mà vẫn không có một người qua lại nào nhìn đến cái cân, nên tôi tự hỏi, như vậy một ngày ông ấy sẽ kiếm được bao nhiêu tiền để sinh sống. Và, có lẽ vì vậy mà quần áo và đôi dép của ông… Tôi đeo máy chụp hình lên vai rồi bước đến đứng lên cái cân.Tôi nhìn vào những con số trong bàn cân rồi tôi vừa định bước xuống thì ông chỉ tay đến chỗ để cây thước đo chiều cao, nhưng tôi đã lắc đầu. Tôi rút trong túi áo ra tờ giấy mười ngàn đồng và đưa cho ông. Ông không nói mà ra dấu cho tôi hiểu là chờ ông một chút để ông đổi tiền. Tôi khoát tay, đồng thời nói: “Bác giữ lấy số tiền dư”. Ông nhìn tôi nhếch môi nở nụ cười và gật đầu như thay cho lời cảm ơn. Ông vẫn không nói một lời nào. Qua đôi con mắt của ông nhìn tôi, tự nhiên tôi thấy đôi con mắt đó như rất gần gũi. Ánh mắt nhìn của ông thật kỳ lạ và làm như có một ma lực thu hút khiến cho tôi phải muốn làm quen với ông. Ánh mắt đó, con người đó, cho tôi cái linh cảm ông là người trí thức đang bị thất thế và bất mãn với cuộc đời. Chắc chắn một con người như ông mà nếu tôi được ông tiếp chuyện, thì có thể ông sẽ thố lộ những điều bí ẩn lý thú nào đó mà ông biết. Hoặc, biết đâu ông cũng là chứng nhân của một sự biến chuyển trong một đất nước có quá nhiều điều kỳ quái này. Và, biết đâu rồi mẹ tôi, nữ văn sĩ Lữ Tuý Phượng sẽ có thêm tài liệu để viết sách.Tôi quyết định làm quen với ông nên tôi ngồi xuống nhìn thẳng ngay mặt ông…

Với giọng nói thật trầm và thật buồn, ông kể câu chuyện đời tư của ông:

– Khi cuộc tổng tấn công của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968 trên khắp miền Nam đang có dấu hiệu thất bại, thì tôi được người của Mặt trận đưa vào trong khu. Và, thật đúng lúc, tôi đã thoát khỏi sự truy bắt của an ninh Việt Nam Cộng Hòa chỉ trong tích tắc. Thời gian này tôi đang là sinh viên năm cuối của Đại học Khoa Học Sàigòn.Tôi được người của Mặt trận đưa lên Tây Ninh để rồi từ đây tôi được đưa vào trong khu an toàn. Năm tháng sau, trong một bữa tiệc tối trong khu an toàn tôi đã được gặp đủ mặt giới trí thức và tu sĩ từ khắp các nơi ở miền Nam được đưa vào trong khu. Người của Mặt trận đối xử với chúng tôi hết sức trọng đãi. Chúng tôi cũng được gặp mặt đầy đủ những người lãnh đạo của Mặt trận như, Nguyễn Hũu Thọ,Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát,Trần Hữu Trang. Phía nữ thì có Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định. Nhưng, đặc biệt hơn cả là được gặp anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt.Tôi nói đặc biệt là vì từ buổi gặp gỡ đầu tiên trong bữa tiệc tối hôm đó, tôi đã được đi theo sát nhân vật này cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải… hoàn toàn bị nhuộm đỏ. Tôi không làm sao quên được buổi gặp gỡ đầu tiên vào tối hôm đó vì, chính anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt khi đứng lên phát biểu đã nói:
– Ngụy quyền Thiệu – Kỳ – Khiêm tuyên truyền trong nhân dân với khẩu hiệu là, đừng nghe những gì chúng ta nói, mà hãy nhìn kỹ những gì chúng ta làm. Chúng ta sẽ làm,và làm với tất cả ý chí thật cao để thể hiện cho nhân dân miền Nam và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới thấy quân đội nhân dân của chúng ta là, quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ,vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội nhân dân của chúng ta sẽ không bao giờ tơ hào gì, dù chỉ là một cây kim hoặc một sợi chỉ của nhân dân như những tên lính Ngụy chuyên cướp giật của nhân dân và hãm hiếp phụ nữ. Chúng ta sẽ chứng minh cho bọn Ngụy quyền Sàigòn và thế giới thấy rằng, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam và quân đội nhân dân của chúng ta sẽ thực thi một xã hội công bằng, một xã hội không có người bóc lột người, một xã hội không có người đói kẻ no. Lãnh đạo Mặt trận đã công bố nghị quyết thực thi chính sách hoà giải hòa hợp dân tộc để thể hiện lòng nhân đạo truyền thống của dân tộc ta, vì vậy sẽ không có việc trả thù những người vì chưa hiểu,vì thiếu thông tin mà đã hiểu sai lạc về Mặt trận và quân đội của chúng ta. Chúng ta sẽ giang rộng cánh tay ra đón chào những ai quay về với Mặt trận, với nhân dân. Chúng ta chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ đánh kẻ chạy lại.

Anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt còn nói nhiều lắm. Nhưng, điều làm cho tôi tở mở trong lòng hơn cả là những lời ông đã nói như trên. Tôi được người của Mặt trận tuyên truyền móc nối để tham gia đấu tranh giải phóng cũng chỉ vì mục đích như anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt đã nói chứ… chứ tôi đâu có ngờ rằng lời tuyên tuyền của chính quyền Thiệu-Kỳ- Khiêm đã chứng minh sự tiên đoán của họ là hoàn toàn đúng sau này về những hành động dã man, về những việc làm tồi tệ, về những lời nói xảo trá không bao giờ đi đôi với việc làm của người cộng sản.Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác bàng hoàng thất vọng tột cùng khi trong một buổi họp của những người lãnh đạo đảng cộng sản miền Bắc, trong đó có sự tham dự của anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt khi bàn về số phận của những người thua trận của miền Nam, thì, chính tên Lê Duẩn, rồi Trường Chinh, rồi Phạm Văn Đồng đều biểu quyết là phải giết hết những người có trọng trách lãnh đạo và những người chỉ huy suốt cuộc chiến. Anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt lên tiếng nói về một kế hoạch mà chỉ những kẻ không có trái tim của con người mới có thể thốt ra những lời tàn bạo như vậy. Sáu Dân Võ Văn Kiệt dõng dạc nói:

– Tại sao chúng ta phải tốn đạn để giết đi một lực lượng lao động lớn lao đó làm gì để phải bị mang tiếng với thế giới. Sao chúng ta không nhốt bọn chúng lại cho đến chết và bắt bọn chúng lao động cực lực ngày đêm để tạo ra của cải cho chúng ta dùng, và, chúng ta sẽ chỉ cho bọn chúng ăn uống cầm chừng thôi. Chúng ta bắt bọn chúng lao động thật nhiều và thật nặng thì từ từ bọn chúng sẽ kiệt sức và rồi sẽ biến mất hết trên mảnh đất này mà chúng ta không tốn một viên đạn nào và cũng không bị mang tiếng ác với thế giới là đã có một cuộc tắm máu xảy ra.

Có lẽ vì thấy “sáng kiến” của anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt sáng suốt quá nên sẽ được chấp thuận, vì vậy, Nguyễn Hộ liền đứng lên tuyên bố như để tiếp lời anh Sáu Dân:

– Chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi thì vợ của bọn chúng, chúng ta lấy. Nhà cửa của bọn chúng, chúng ta ở. Con của bọn chúng, chúng ta bắt làm nô lệ. Chúng ta sẽ tạo cho bọn người miền Nam, gái thì làm đĩ, trai thì đi khai mương khai rạch khai phá những khu đất những khu rừng hoang và các bãi mìn…

Một bầu trời mà tôi đang đứng dưới bỗng như tối sầm lại. Một ước vọng tương lai tốt đẹp và xán lạn cho quê hương cũng đang từ từ tan nát trong tim tôi chỉ trong một buổi họp ngày hôm đó, để rồi bốn năm sau của cái ngày gọi là giải phóng, tôi đã quyết định từ biệt cái đảng man rợ đó và ra ngồi ngay tại chỗ này. Tôi ngồi ở đây suốt từ mấy chục năm qua và không bỏ sót một ngày nào. Ai muốn hỏi, muốn biết rõ chuyện, tôi cũng đều kể lại và kể đúng như tôi vừa kể cho chú em nghe. Tôi không sợ bọn chúng giết tôi bởi vì tôi tự xem như tôi đã chết rồi; chết kể từ ngày quê hương miền Nam bị bức tử, và, vì tôi cũng là trái chanh đã bị khô héo sau khi đã bị vắt cạn kiệt sức lực. Nhưng, bọn chúng lại không muốn, hoặc không dám giết tôi nên tôi vẫn còn ngồi đây. Trước đây tôi kiếm sống cũng tạm được, nhưng, từ ngày mỗi gia đình đã tự mua cân thì… có khi cả tuần, hoặc có khi cả tháng không có một người khách nào đến đứng trên cái cân. Nhưng, điều đó cũng không còn là quan trọng nữa vì tôi vẫn muốn ngồi ở đây nhưng với mục đích khác. Tôi muốn cân tội ác của cộng sản Việt Nam xem nó nặng đến bao nhiêu khi mà mỗi ngày bọn chúng mỗi lún sâu vào tội ác mà tội nặng nhất là đã nhượng đất bán biển cho kẻ thù phương Bắc là bọn Tàu khựa dã man đã từng đô hộ đất nước mình cả một ngàn năm và, luôn tìm cơ hội để thôn tính. Bọn chúng đã giang rộng tay để đón rước kẻ thù vào khai thác tài nguyên của đất nước mà hậu quả là làm thiệt hại cho quê hương không sao có thể lường trước được. Tôi vẫn sẽ ngồi ở đây cho đến khi nào còn có thể, để đo thời gian xem đảng cộng sản Việt Nam còn trụ được đến bao lâu và khi nào thì cái đảng man rợ đó sẽ bị đồng bào đứng lên hạ bệ. Chú em đừng thắc mắc và cũng đừng thương hại là rồi tôi sẽ sống ra làm sao. Miếng ăn đối với tôi bây giờ không còn là quan trọng. Tôi chỉ cần mỗi ngày, hay đôi ba ngày bỏ vào miệng một thứ gì đó cho cái dạ dày nó yên là tôi cũng yên tâm rồi.

– Thế… thế gia đình của bác đâu?

Người đàn ông có vẻ lập dị khi ông nói ông ngồi đây là vì muốn cân đo tội ác và thời gian của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, bỗng mất đi vẻ hăng say lúc kể lại câu chuyện tham gia Mặt trận. Ông hướng ánh mắt mệt mỏi nhìn vào đám đông người qua lại trước mặt mà hình như ông không nhìn thấy một ai bởi vì tôi thấy hai con mắt của ông như mơ màng… nhớ về dĩ vãng. Và, từ trong hai con mắt đó tôi thấy có hai giọt nước long lanh đọng lại bên khóe mắt. Không buồn bận tâm đến những người qua lại trên hè phố, ông để dòng nước mắt tự động lăn dài xuống hai bên má. Ông nói:

– Tôi có vợ. Hay nói cho đúng hơn là tôi có người yêu và người đó yêu tôi nhưng vì chúng tôi chưa cưới, chưa ăn ở với nhau công khai. Người tôi yêu và yêu tôi vừa tốt nghiệp tú tài và đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học Văn-Khoa, nhưng rồi tôi đã bỏ đi vào trong bưng mà không có một lời từ giã. Tôi đã không hề biết rằng người tôi yêu đang mang giọt máu của tôi trong người. Tôi là tên đốn mạt vì không có trách nhiệm. Tôi là tên ngu muội và ác độc khi đã đưa cả hai tay và khối óc vào công việc làm cho nhiều triệu người miền Nam này đau khổ và ly tán. Ngày tôi trở về lại thành phố và tìm đến nhà người tôi yêu thì mới biết, nàng đã bỏ nước ra đi vào hai ngày sau cùng của cuộc chiến cùng với đứa con trai đã bảy tuổi. Đó là đứa con của tôi với nàng…

Người cân đo tội ác và thời gian của cộng sản Việt Nam khóc nấc khi nói đến hai người thân yêu và những tội ác mà ông đã làm khi tham gia Mặt trận. Hai hàng nước mắt chảy dài ra trên khuôn mặt khắc khổ của ông mà ông cũng không màng lau đi. Tôi ái ngại cho ông quá nhưng tôi cũng cố hỏi tiếp:

– Ông… ông không gặp lại hai người… thân đó lần nào sao?

– Tôi không xứng đáng gặp lại hai người đó chú em à. Gặp lại hai người thân yêu đó là ý nguyện của tôi từ bao lâu nay, nhưng, vì tôi đã bỏ cả hai người ra đi không một lời giải thích thì giờ đây làm sao tôi còn mặt mũi nào dám gặp lại hai người đó. Nhưng… nhưng tôi vẫn thường xuyên… vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy người tôi yêu trên mạng, trên internet, chỉ vậy thôi là tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Có điều là tôi chưa gặp được mặt người con trai của tôi thôi. Nếu một ngày nào đó tôi được diễm phúc gặp mặt người con trai của tôi thì dù tôi có nhắm mắt ngay, tôi cũng mãn nguyện lắm. Đó là mơ ước lớn nhất trong đời tôi sau khi mơ ước lớn lao kia đã bị bọn người quỷ quyệt, bọn người xảo trá, bọn người man rợ mà tôi đã hết tâm hết lòng phục vụ nhưng đã phản bội lại tôi.

– Bà… người ông yêu bây giờ ở đâu và làm gì mà lại xuất hiện trên internet? Tôi có thể giúp ông việc gì không?

– Cám ơn chú em nhiều lắm, nhưng tôi không cần chú em giúp tôi việc gì cả. Những việc tôi đã gây ra thì tôi vui vẻ đón nhận nó vì đó là lẽ công bằng của trời đất, là lẽ công bằng của Thượng Đế và, nếu Thượng Đế thấy sự trừng phạt của Ngài trong mấy chục năm qua là đã đủ thì, Ngài sẽ cho tôi gặp lại cả hai hoặc, một trong hai người… bằng xương bằng thịt. Chú em hỏi người tôi yêu bây giờ ở đâu và làm gì à. Người tôi yêu bây giờ đang sinh sống trong một xứ sở văn minh nhất hành tinh này. Giàu nhất hành tinh này. Nhân đạo nhất hành tinh này. Và, người tôi yêu đang rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt khắp năm châu bốn biển. Người tôi yêu là nữ văn sĩ lừng danh tên Lữ Túy Phượng. Hình của nàng mà tôi lấy từ trên mạng xuống tôi cũng có đem theo đây, để tôi đưa cho chú em xem nhé.

Trong khi người đàn ông cân đo tội ác và thời gian của cộng sản quay người ra phía sau để lấy quyển tập, thì, tôi cũng như vừa bị trúng một cơn gió độc. Tôi cũng đang bàng hoàng xúc động mạnh. Đầu của tôi đang bị quay cuồng và hai con mắt của tôi bị hoa lên và rồi tôi cứ nhìn trừng trừng vào người trước mặt để tự hỏi, người mà tôi cho là lập dị vì muốn cân đo tội ác và thời gian của cộng sản, là cha của tôi đây sao. Nhìn tấm hình mà ông đưa cho tôi xem thì đúng đó là hình của mẹ tôi, và, như vậy ông đúng là cha của tôi rồi. Tôi ôm đầu khổ sở nhìn lên trời cao và than thầm. “Sao Thượng Đế lại nỡ thử thách con như thế này để làm gì. Con không đủ can đảm để gọi ông ấy tiếng cha. Con không đủ can đảm để ôm ông ấy. Con phải đối xử, phải hành động như thế nào đây hỡi ông trời trên cao kia. Sao ông nỡ để quê hương con cứ phải chìm mãi trong đau thương và thù hận. Sao ông nỡ gây ra chi những thảm cảnh đau thương như thảm cảnh ngày cha con gặp lại nhau mà con là con lại không đủ can đảm để nhận người đã tạo ra con”.

Tôi nhìn ngay mặt người chưa có một ngày nuôi dưỡng tôi, chưa có một lần ẵm bồng tôi… với lòng dạ thật xót xa đau đớn.

Người muốn cân đo tội ác và thời gian của bọn cộng sản nhìn tôi ngạc nhiên với hai con mắt mở lên thật lớn. Chắc chắn ông quá bất ngờ khi nhìn thấy thái độ của tôi. Ông chưa kịp hỏi nhưng tôi đã đứng lên và quay lưng bước đi thẳng về khách sạn. Tôi thoáng nghe hình như ông nói hay hỏi câu gì nhưng nào tôi có còn nghe được gì nữa đâu.

Tôi mặc kệ những người qua lại trên đường phố đang trố mắt nhìn tôi. Có nhiều, có rất nhiều cô gái đưa tay lên che miệng khi nhìn thấy tôi bước đi với khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

*
– Chuyện gì đã xảy ra với anh vậy?

Người vợ yêu quý của tôi tròn xoe đôi con mắt nhìn tôi hỏi, nhưng tôi không trả lời và vẫn để nguyên bộ quần áo đang mặc, tôi lao mình nằm dài ra trên giường, mặt úp xuống gối và tiếp tục khóc. Một khoảng thời gian không lâu sau, một ý nghĩ thoáng qua và tôi liền ngồi lên cầm điện thoại phôn về cho mẹ tôi. Mẹ tôi không bắt máy. Tôi tắt điện thoại rồi quay qua người vợ yêu quý và kể lại cho nàng nghe từng chi tiết về câu chuyện đã làm cho tôi xúc động.

Người vợ yêu quý của tôi đã khuyên nhủ tôi phải đến gặp cha tôi vì nàng cho đây là định mệnh đã sắp đặt khiến cho tôi được gặp lại cha tôi. Nàng khuyên tôi là dù có như thế nào thì tôi cũng không thể nhẫn tâm chối bỏ người đã tạo ra mình vì dù sao ông cũng đã quá hối hận, quá đau khổ về những gì ông đã làm trong quá khứ. Tối hôm đó mẹ tôi cũng khuyên tôi phải đến gặp cha tôi.

Tội nghiệp người vợ yêu quý của tôi. Mặt trời chưa lên thì nàng đã thức dậy trang điểm cho thật đẹp để đến ra mắt cha tôi. Sau đó nàng và tôi đến tiệm bán bông hoa, và, nàng mua một bó hoa thật lớn và thật đẹp rồi cùng tôi đi đến chỗ có người đàn ông ngồi cân đo tội ác và thời gian của cộng sản Việt Nam. Tôi bước những bước thật dài và thật nhanh về phía trước, trong khi người tôi yêu đang bước từng bước nặng nhọc theo sau.

Cái cân cũ và cây thước cùng người đàn ông cân đo tội ác và thời gian của cộng sản Việt Nam không có mặt ở đây ngày hôm nay. Trong khi tôi đang nhìn quanh để tìm kiếm thì chị bán nước ngọt và cà phê trên cái xe nhỏ đẩy tay lên tiếng hỏi:

– Ông muốn tìm gì?

– Tôi muốn tìm ông… thường ngày ngồi ở đây. Ông…

– À, ông cân đo tội ác và thời gian của… ừ há, sao hôm nay không thấy ổng đến chứ từ nào đến giờ ổng luôn luôn có mặt rất đúng giờ. Không biết hôm nay có chuyện gì không vậy cà.

Một người thanh niên vừa dựng chiếc xe gắn máy bên cạnh xe cà phê – Có lẽ anh ta chạy xe ôm – tôi nghĩ vậy. Anh cũng vừa nghe chị bán cà phê nói nên anh nhìn tôi và nói về một điều mà tôi rất lo sợ:

– Xe cứu thương đưa ổng vào bệnh viện Sàigòn hồi sáng sớm nay rồi. Có lẽ… kỳ này … không qua khỏi quá. Ăn ít quá thì sức đâu mà chống lại bệnh tật chứ.

Tôi hoảng hốt hỏi:

– Bệnh viện Sàigòn ở đâu vậy anh?

Chỉ tay về phía xa anh nói:

– Phía đó đó. Anh cứ đi thẳng hướng này là gặp liền à. Gần cuối đường chỗ có cái bùng binh lớn mà phía bên kia là chợ Sàigòn đó.

*

Tôi đặt bó hoa lên xác của người đàn ông cân đo tội ác và thời gian của cộng sản Việt Nam và, cũng là cha ruột của tôi. Cả hai đứa chúng tôi cùng đứng trước cái xác mà khóc và khóc thật nhiều. Tôi hối hận và đau đớn quá. Ngực tôi cứ đau quặn lên từng cơn và luôn có câu hỏi trong đầu là vì sao hôm qua tôi lại nhẫn tâm bỏ đi không một lời nói nào với cha. Vì sao hôm qua tôi lại không có can đảm để ôm ông và kêu lên tiếng cha thân yêu. Vì sao… Nếu biết trước sự thể như thế này thì…Tôi cũng là tên đàn ông thật tệ hại. Tôi là đứa con bất hiếu vì dù sao ông cũng là cha của tôi dù ông chưa có một ngày nuôi dưỡng. Tôi bỗng chợt nhớ đến lời mẹ tôi từng dạy dỗ tôi lúc đến Mỹ là: 

“Con luôn phải thương yêu mọi người như thương chính bản thân mình bởi, chúng ta khác người cộng sản ở chỗ trái tim của chúng ta là trái tim của con người”.

Tôi cúi xuống hôn lên trán và lên má cha tôi. Người vợ yêu quý của tôi cũng làm theo không một chút đắn đo suy nghĩ. Tôi thì thầm bên tai cha lời từ giã. Tôi hứa với cha là, khi về đến Mỹ tôi cũng sẽ đặt một cái cân và cây thước trước cửa nhà. Tôi sẽ tiếp nối công việc của cha. Tôi cũng sẽ là người cân đo tội ác và thời gian của cộng sản Việt Nam./.

 
ToPa ( Hòa-Lan )
(thơ của Kiều Phong Canada )

 
Có kẻ non lòng nhẹ dạ theo lời phỉnh gạt
Vào bưng biền làm kẻ nối giáo cho giặc tàn phá Miền Nam !
Khi thành công cưỡng chiếm bằng bạo lực hung tàn !
Sau đó thức tỉnh vì thấy được mặt thật lũ gian ác !
Người yêu và đứa con vượt thoát
Sang nước Tư Bản , bốc lột dã man ? !
Theo lời tuyên truyền gian xảo, kinh hoàng !
Nay giác ngộ trước họa diệt vong của Tổ Quốc !
Đứng bên lê` xã hội ác độc
Dùng cân, đo để mưu sinh qua ngày
Tình cờ gặp đứa con trôi nổi , lạc loài
Nhưng con căm hận tội Việt gian, Phản Quốc !
Đã đâm sau lưng Chiến Sĩ Quốc Gia
Nước Mất Nhà Tan , đất Mẹ lắm gian tà !
Đó là cái giá phải trả của những ai nhẹ dạ !
Đo thời gian lũ súc sinh, chó má !
Và cân tội lỗi đến bao nhiêu ? !
Nước Non nhà sao quá tiêu điêu !!!
Nay kẻ thù truyền kiếp manh tâm gậm nhấm !
Bởi bè lũ Việt gian, ác độc
Nỡ đoạn đành cõng rắn cắn gà nhà !!!

Quê Mẹ giờ đây sùng sục lửa đấu tranh chờ cơ hội bùng ra
Đốt sạch lũ Viêt gian Bán Nước !
Hỡi Đồng Bào nếu không còn nhịn được
Hãy vùng lên SINH TỬ tự cứu đời mình, cứu Quê Hương
Biết thương mình,duy nhất một con đường
Chấp nhận HY SINH mới mong tìm được sinh lộ, thoát hiểm

 
KIỀU PHONG (Toronto)
304Đen – Llttm - VT

Khi Tôi Chết - Du Tử Lê & Nguyễn Văn Phán & Nguyễn Thị Thanh Dương


Khi tôi chết
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn.

Du Tử Lê



Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi ! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben-Hét, Đắc-Tô
Nơi bạn bè tôi, xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, Chiến Khu Đ
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước, Đầm Dơi
Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ màu vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi.

Nguyễn Văn Phán
(Cựu Trung Tá QLVNCH)



Tôi đã thấy những ngôi mộ phủ lá cờ vàng,
Trong nghĩa trang còn tươi màu đất mới,
Quê hương Việt Nam một thời lửa khói,
Người lính quên mình vì lý tưởng tự do.
Các anh hiên ngang chết dưới màu cờ,
Bỏ lại vợ hiền, đàn con thơ dại,
Những vành khăn tang bàng hoàng chít vội,
Nước mắt nào cho đủ tiễn đưa anh?
Có thể anh là người lính độc thân,
Chưa có người yêu, lên đường nhập ngũ,
Ngày mẹ gìa nhận tin anh báo tử,
Tuổi đời gìa thêm vì nỗi đớn đau.
Có thể anh vừa mới có người yêu,
Hẹn cưới nhau khi tàn mùa chinh chiến,
Tiền đồn xa chưa một lần về phép,
Anh đã ra đi mãi mãi không về.
Súng đạn vô tình làm lỡ hẹn thề,
Người yêu anh đã có tình yêu mới,
Khi trên mộ anh chưa tàn hương khói,
Trách làm gì!. Thời con gái qua mau.
Hỡi người tử sĩ dưới nấm mồ sâu,
Tiếc thương anh lá cờ vàng ấp ủ,
Nghĩa trang quân đội những ngày nắng gío,
Vòng hoa tang héo úa chết theo người.
Những ngôi mộ phủ lá cờ vàng. Xa rồi,
Xác thân anh đã tan vào cát bụi,
Nhưng lịch sử vẫn còn ghi nhớ mãi,
Miền Nam Việt Nam cuộc chiến đấu hào hùng.



Nguyễn Thị Thanh Dương
( Jan.19-2010)