Monday, March 30, 2015

Để Em Đừng Thấy Thu Đã Sang - Thuyên Huy


Để Em Đừng Thấy Thu Đã Sang

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chiều nay trời chợt sang mùa sớm
Tôi  gom từng chiếc lá chưa vàng

Phủ trên mộ vắng em nằm đó
Để em đừng thấy Thu đã sang

 
Tôi vẫn một mình em có biết

Xóm nghèo sông cứ rẽ đôi giòng
Lối về xưa cũng xa biền biệt

Hồn tôi lạnh buốt mấy  mùa Đông

 
Buồn vương buồn vấn thương lá úa

Cho nên hờn giận cả mùa Thu
Thư tình em gởi tôi màu cỏ

Xanh áo ai bay buổi hẹn hò

 
Em  mang theo cả trời nhung nhớ

Bỏ lại riêng tôi một mảnh đời
Ngồi đây đọc lại giòng thư cũ

Thu không còn nữa lá vàng rơi

 
Bên mộ chiều nay nằm yên ngủ

Thiên thu mình không phải chờ nhau
Bên trời em đó mưa quên đổ

Quặn đau tôi quét lá Thu sầu

 Thuyên Huy
 
 
 

Sunday, March 29, 2015

Không Bao Giờ Quên Những Người Chiến Sĩ QLVNCH - Phan Đức Minh


Không Bao Giờ Quên Những Người

CHIẾN-SĨ QLVNCH

 (Mến tặng các chiến hữu, đồng bào, nhất là những người bạn trẻ của tôi)
 

 
 


Mọi sự qua rồi nên cho qua luôn, nhưng những Bài Học Lịch Sử quý giá thì không được phép quên, nhất là đối với những quốc gia hùng cường muốn “ làm chủ “ thế giới hay lãnh đạo một Châu Lục ( Continent ), cũng như đối với những quốc gia nhược tiểu khi kết bạn đồng minh, sống chết với nhau trong những cuộc đấu tranh sinh tồn.

Ở đây, tôi muốn vinh danh các chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua những dòng ngắn ngủi này, và nói lên một vài nét nhỏ để chứng minh rằng: nhiều kẻ, có cả những nhân vật lãnh đạo quốc gia, những nhân vật cầm đầu Bộ máy chiến tranh của những cái gọi là “Superpowers” đã lẩm cẩm, thiếu hiểu biết, hay cố tình với ác tâm, ác ý bôi nhọ Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ của những vụ xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam của giới sinh viên Ðại Học, mà cái tổ phát xuất của nó từ Trường Ðại Học Kent State Unuversity, do 1 Giáo Sư, cán bộ của Ðảng Cộng Sản Mỹ, lãnh đạo, chỉ huy theo kế hoạch của Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Cộng Sản Quốc Tế. Bởi vì họ biết rằng đánh thắng Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam thì khó, nhưng đánh thắng Hoa Kỳ tại Quốc Hội, trên đường phố, ở các trường Ðại Học, trên mặt trận truyền thông thì không khó lắm. Bởi thế cho nên công cuộc lãnh đạo sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, góp phần đập tan tinh thần chiến đấu, quyết thắng của Quân Ðội Mỹ – vốn có từ xưa – trong cuộc chiến Việt Nam phải được giao cho 1 Giáo Sư Ðại Học có uy tín và là cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng Sản Mỹ. Sự việc này chỉ được người ta biết đến khi vị Giáo Sư lãnh đạo phong trào sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam này từ trần, có Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Mỹ dự tang lễ, đọc điếu văn, nêu cao thành tích của người quá cố, đã góp công sức vào việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam theo đường lối, kế hoạch của “Phong trào Cách Mạng Vô Sản thế giới”.

Nhiều người đã đánh giá toàn thể Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa qua hành động xấu xa của một vài Sĩ Quan cao cấp đích thân, hay cho vợ con, đệ tử lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, nhất là giai đoạn Mỹ đổ quân tác chiến vào Việt Nam (sai lầm chiến lược) để buôn lậu, làm áp-phe tiền bạc bằng nhiều cách. Họ đánh giá Quân Ðội VNCH qua hình ảnh tan rã của nhiều đơn vị quân đội vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, mà kẻ gây ra tình trạng thê thảm này đích danh thủ phạm là Ông Nguyễn Văn Thiệu, một Tướng Lãnh làm Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Ðội VNCH, ra lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu 2, và Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Khu I – một Tướng Lãnh từng được kể vào hàng Danh Tướng – phải bỏ Quân Khu I lúc chưa đánh nhau chi cả và các đơn vị quân đội của 2 Tướng này đang sẵn sàng chờ địch tiến đánh, với tinh thần rất cao, như họ đã từng đánh bại quân cộng sản trên lãnh thổ 2 Quân Khu này. Ông Thiệu ra lệnh bỏ 2 Quân Khu này khi chưa chạm địch để làm áp lực, lôi kéo người bạn Ðồng Minh khổng lồ (đang bỏ đi bằng mọi giá) quay trở lại cứu Nam Việt Nam. Nếu không, “Tiền đồn chống cộng sản của Mỹ tại Ðông Nam Á Châu sẽ sụp đổ”.

 Tổng Thống Mỹ Richard Nixon phải hứa với nhân dân Mỹ là chấm dứt chiến tranh Việt Nam, đem quân đội Mỹ trở về trong danh dự, trả người thân về với gia đình của họ.

Qua trung gian của Tổng Thống Hồi Quốc, Ông Nixon cho Cố Vấn Henry Kissinger (một nhân vật chính trị, ngoại giao quỷ quyệt, độc ác và tàn nhẫn) dọn đường cho Ông Nixon gặp Mao Trạch Ðông, lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc. Họ Mao với sức mạnh của Sư Phụ, với uy thế của Ông Thầy bao nhiêu năm trợ giúp cố vấn, vũ khí chiến tranh, lương thực… đã ra lệnh cho cộng sản Hà Nội không được chơi trội, bắt bí phái Ðoàn Mỹ tại Hội Nghị Paris, dọa đánh cho Mỹ phải chạy mà không có “Hiệp Ðịnh ngưng bắn – Agreement of cease- fire” chi cả.

Họ Mao đã cứu Ông Nixon, nhưng Ông Nixon phải đền ơn xứng đáng:

1/- Vận động để cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Quốc ngồi vào cái ghế Hội Viên Thường Trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với quyền Phủ quyết cuối năm 1971, trước khi Ông Nixon gặp Họ Mao vào đầu năm 1972, mặc dầu Họ Mao đã chiếm hết lục địa Trung Quốc, thiết lập chính quyền, cai trị cả tỉ dân từ năm 1949. Còn Ông Quốc Dân Ðảng Trung Hoa thì vẫn là bạn của Mỹ nhưng phải rời khỏi cái ghế đó, chạy ra đảo Ðài Loan.

2/- Ông Nixon phải bằng mọi cách, nhưng kín đáo, bán cho Họ Mao những vũ khí, kỹ thuật chiến tranh tối tân hiện đại nhất lúc đó để Trung Quốc đủ sức “đánh nhau tay đôi” với Liên Xô khi cần, vì Liên Xô đã kết án, và đe dọa trừng trị Họ Mao về nhiều tội:

* Bất phục tùng Trung Tâm Lãnh Ðạo phong trào cộng sản thế giới là Ðiện Kremlin ở Moscow.

* Dám thiết lập Tư Tưởng Mao Trạch Ðông, trái nghịch với Học Thuyết Marx – Lenin là: Thiết lập nền vô sản chuyên chính kiểu Trung Quốc: lấy Nông Dân (đại đa số dân Trung Quốc) làm giai cấp lãnh đạo, thay vì giai cấp Công Nhân lãnh đạo, như Học Thuyết Marx-Lenin, đã được dùng làm Phương Châm Ðấu Tranh cho Phong Trào Cộng Sản Toàn Cầu.

* Muốn thống trị Á Châu bằng sức mạnh của Trung Quốc và Tư Tưởng Mao Trạch Ðông, tách ra khỏi sự lãnh đạo của điện Kremlin ở Moscow. Mao không chấp nhận “Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Quốc Tế Vô Sản”, theo luận điểm của Lenin về khả năng tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội không qua giai đoạn phát triển Tư Bản Chủ Nghĩa (Lenin’s thesis on the possibility of advancing to Socialism by passing the stage of capitalist development) vì Liên Xô đã có cơ sở công nghiệp trong khi Trung Quốc chỉ có “Con trâu đi trước cái cầy”.

Như thế mới gọi là tư tưởng Mao Trạch Ðông, chớ Hồ Chí Minh, lãnh tụ cộng sản Hà Nội chỉ có biết trò “Ðu dây” theo voi ăn bã mía cả 2 phía Liên Xô và Trung Quốc thì làm gì có cái gọi là Tư Tưởng Hồ Chí Minh như cộng sản Hà Nội vẫn ồn ào, ba hoa về Tư Tưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều Sĩ Quan cao cấp của VNCH trông cảnh quân sĩ dưới quyền bị tan rã một cách thê thảm, đau đớn, trông cảnh dân chúng cả triệu người trên đường tháo chạy, phải làm bia lãnh đạn trọng pháo, hỏa tiễn của Liên Xô và Trung Quốc tiêu diệt một cách tàn bạo, kinh hoàng, dã man mà thấy xót xa trong tim, trong lòng, phát điên phát khùng lên vì sự khờ dại, của ông Nguyễn Văn Thiệu. Là Tướng Lãnh, là Tổng Thống, là Tổng Tư Lệnh Quân Ðội mà Nguyễn Văn Thiệu không hiểu rằng: Những phòng tuyến đầu tiên bị tan rã, quân đội chưa đánh mà bỏ chạy tán loạn cùng hàng triệu dân chúng thì hậu quả quân sự, chính trị, tâm lý của Nam Việt Nam sẽ ra làm sao! Họ đã cố tình quên đi tinh thần chiến đấu của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trong dịp Tết Mậu Thân (1968). Lúc đó quân cộng sản được trang bị cá nhân, tất cả bằng súng tiểu liên xung kích AK-47 của Liên Xô, Tiệp Khắc, cùng với lực lượng võ trang của “Mặt Trận Giải phóng miền Nam”, lợi dụng yếu tố bất ngờ khi phản bội thỏa hiệp ngưng bắn trong dịp Tết thiêng liêng cổ truyền của dân tộc Việt Nam, thình lình mở cuộc “Tổng tấn công” vào hầu hết các thành phố, thị trấn của Nam Việt Nam. Trong khi đó Quân Ðội VNCH hầu hết chỉ được trang bị bằng súng trường bán tự động Garant M-1, Carbin M-1 và tiểu liên loại nhẹ Carbin M-2 của quân đội Mỹ sử dụng trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến.


    Vì bất ngờ cho nên chúng đã kiểm soát được một số lãnh thổ có tính cách chiến lược tại Quân Khu 2 và Quân Khu I, đồng thời tấn công mưu toan đánh chiếm luôn Thủ Ðô Sài Gòn. Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng tại Hà Nội ra lệnh phải giữ đất đã chiếm bằng mọi giá để đưa dân chúng Nam Việt Nam vào 1 cuộc “Tổng nổi dậy”, cướp chính quyền. Do đó, khi chiến trường đã được quân đội VNCH giải tỏa, quân cộng sản bị đánh bại, phải bỏ chạy, phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình đi theo quân đội mới thấy những xác chết của lính cộng sản bị xiềng chân vào công sự chiến đấu, các ổ bích kích pháo, súng đại liên. Cộng sản Hà Nội không bao giờ ngờ được rằng Quân Ðội VNCH có thể đánh bật chúng ra khỏi thành phố Huế sau 1 thời gian cộng sản chiếm đóng, toan tính thành lập chính quyền tại một thành phố giáp lưng với hậu phương to lớn của chúng ở bên kia sông Thạch Hãn, Quảng Trị, hay vĩ tuyến 17. Vậy mà cộng sản đã phải bỏ chạy khỏi thành phố Huế trong chiến dịch lịch sử Tết Mậu Thân (1968), chỉ kịp lùa theo chúng hàng ngàn sĩ quan, binh sĩ, nhân viên chính quyền, đảng phái chính trị do chúng bắt được tại Huế, để dẫn đi tàn sát, chôn sống tập thể theo kiểu Hitler giết người Do Thái, Staline giết người Ba Lan, nhưng ghê tởm hơn, vì chúng giết bằng đạn AK, bằng dao găm, mã tấu, còn sống cũng đạp xuống hố chôn luôn hàng chục, hàng trăm người 1 lúc.

Bốn năm sau, 1972, nắm được tinh thần “Bỏ cuộc, chạy làng” của tay “Sen đầm quốc tế” khổng lồ, nhưng đã quá mệt mỏi, chán chường với cuộc chiến tranh không thể thắng ở tiền tuyến bằng súng đạn tối tân vì nó chẳng có mặt trận, chiến tuyến nào rõ ràng để mình chủ động sử dụng “ưu thế hỏa lực- Superiority of firepower” được cả, mà hậu phương thì rối loạn, nát bấy vì biểu tình, phản đối chiến tranh, đốt cờ, đốt thẻ trưng binh, Quốc Hội cãi nhau như mổ bò về chuyện có hay không viện trợ chiến tranh cho người bạn đồng minh để giữ vững cái “Tiền đồn chống công ở Á Châu”. Thế là cộng sản Hà Nội lại áp dụng bài học cũ, 18 năm về trước, đã dùng chiến thắng Ðiện Biên Phủ để đánh gục người Pháp tại Hòa Hội Geneva.

Năm 1972 cũng thế, Hà Nội tung vào miền Nam những Sư Ðoàn tinh nhuệ, thiện chiến nhất đã từng đánh tan 2 Binh Ðoàn Lưu Ðộng (Groupements mobililes) của Pháp tại chiến trường Bắc Kạn-Lạng Sơn hồi 1950, sau khi sư phụ Trung Quốc đã chiếm xong toàn thể lục điạ, bắt sống 2 Binh Ðoàn Trưởng ( Commandants de Groupements mobiles): Ðại Tá Le Page và Trung Tá Charton, đưa những Sư Ðoàn lừng danh từng đánh thắng, dứt điểm người Pháp tại chiến trường Ðiện Biên Phủ năm 1954 bằng những trận đánh vũ bão theo lối “Chiến tranh quy ước -Conventional War” hẳn hoi. Hà Nội nhắm đánh vào Quân Khu I, lãnh thổ địa đầu của Nam Việt Nam, cho 15 ngàn quân của Sư Ðoàn 304 tràn qua vĩ tuyến 17, dưới sự yểm trợ của pháo binh và hỏa lực phòng không trang bị hỏa tiễn địa – không SAM-2 của Liên Xô, sau  3 ngày đêm đội những trận bão lửa Pháo Binh và Hỏa Tiễn. Sư Ðoàn 3 Bộ Binh VNCH là Sư Ðoàn mới thành lập, trong đó chỉ có Trung Ðoàn 2 Bộ Binh nòng cốt là tương đối thiện chiến, còn hầu hết là tân binh, lính mới, và vị Tư Lệnh Sư Ðoàn là Trung Ðoàn Trưởng mới được vinh thăng Chuẩn Tướng thì làm sao mà chịu cho nổi sức tiến quân của cộng sản ? Tại sao Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội VNCH, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, lại cho Sư Ðoàn 3 Bộ Binh mới thành lập trấn giữ cái cửa ngõ ngăn chặn quân cộng sản Bắc Việt ngay sát vĩ tuyến 17 như thế này ? Có ai xúi dại 2 ông Thiệu và Viên làm như thế hay không ?

Cộng sản đánh chiếm Tỉnh Lỵ Quảng Trị, mở đường xuống Huế rồi sẽ phối hợp với các đơn vị chính quy Bắc Việt, xâm nhập từ đường mòn Hồ Chí Minh, cũng như các lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội chủ lực của Tỉnh và Huyện, dứt luôn Quân Khu 1. Ngoài mục tiêu quân sự, cộng sản còn nhắm vào những mục tiêu chính chính trị và ngoại giao to lớn, quan trọng hơn: Cuộc Hòa Ðàm tại Paris để quân đội Mỹ ra đi trong danh dự, không đến nỗi bị cộng sản quốc tế và Hà Nội đánh cho phải chạy mà không có Hiệp Ðịnh ngưng bắn chi cả.

Tỉnh Lỵ Quảng Trị bị chiếm, cộng sản cho xe tăng T-54 của Liên Xô dẫn đầu, Bộ Binh và cơ giới kéo xuống Huế theo quốc lộ I, được pháo binh và hỏa tiễn 122 ly của Trung Quốc dọn đường. Quân cộng sản tiến về Huế như đi vào chỗ không có người. Dân chúng Quảng Trị thoát chết khi qua khỏi “Ðại Lộ Kinh Hoàng” tràn xuống Huế, trong khi dân chúng Huế cũng xô nhau bỏ chạy vì dân ở đây làm sao quên được vụ tàn sát ghê gớm với những mồ chôn tập thể trong dịp Tết Mậu Thân – 1968!

Tướng 3 sao Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I- Quân Khu I (người được nhiều nhân vật chính trị cũng như quân sự trong và ngoài nước đánh giá: chỉ là 1 Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn loại trung bình, chớ không đủ khả năng giữ chức Tư Lệnh Quân Ðoàn trong giai đoạn địch quân tiến như vũ bão thế này) hoảng hốt, không biết phải đối phó ra sao, chỉ biết cầu cứu liên tục về Dinh Ðộc Lập ở Sài Gòn với tinh thần chủ bại. Tuyến đầu bị phá vỡ thì địch quân sẽ thừa thắng xông lên dễ dàng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Còn phía ta đã rút lui, tan vỡ bỏ chạy thì tinh thần quân đội và dân chúng rối loạn ra sao, ai cũng biết rồi.

Giới truyền thông ngoại quốc, nhất là ở Mỹ đã đánh giá Quân Ðội và các cấp chỉ huy của Quân Lực VNCH qua những Tướng Lãnh như vậy đó! Cho tới khi đài phát thanh loan báo: Tướng Ngô Quang Trưởng được điều động từ Quân Khu 4 ở trong Nam ra, nắm chức Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Vùng I chiến thuật thay thế Tướng Lãm, dân chúng đang hỗn loạn bỏ chạy khỏi thành phố Huế cùng đồng thanh la lên “Tướng Ngô Quang Trưởng về làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I, bảo vệ Huế và chiếm lại Quảng Trị thì bà con không có chạy đi đâu nữa cả! “Lòng dân tin tưởng mãnh liệt là thế!” Tướng Ngô Quang Trưởng xuất thân Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, gốc binh chủng “Thiên Thần Mũ Ðỏ Nhẩy Dù”, nhưng lúc này đã mang lon 3 sao vì những chiến công ngoài mặt trận, và luôn luôn hòa đồng với các Sư Ðoàn Bộ Binh dưới quyền nên Tướng Trưởng luôn mặc quân phục tác chiến của Bộ Binh, thay vì quân phục Nhẩy Dù. Có lẽ Tướng Trưởng nghĩ rằng: Bộ áo không làm thành Thầy Tu, Tướng giỏi không cần phô trương bên ngoài mà cần phải đánh thắng trên trận địa và được lòng kính phục của quân sĩ. Tướng Ngô Quang Trưởng về Huế, chỉnh đốn lại quân ngũ, tái phối trí lực lượng, kêu gọi dân chúng an tâm, xin tăng phái lực lượng Tổng trừ Bị: Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến từ Sài Gòn bay ra. Thế rồi trước sân cờ Phú Văn Lâu, Cổ Thành Huế, Ông đã thề trước ba quân “Sẽ chiếm lại thành phố Quảng Trị trong thời gian ngắn nhất” như thời Nhà Trần, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi ra quân đã cầm gươm chỉ xuống sông Bạch Ðằng mà thề trước Tướng Sĩ: “Nếu phen này không phá tan được quân Mông Cổ thì ta sẽ không còn trông thấy con sông này nữa! Ôi, Lịch Sử dân tộc Việt Nam, làm sao quên được những giờ phút bi hùng và oanh liệt như thế này! Dưới quyền Tư Lệnh của Danh Tướng Ngô Quang Trưởng, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu, chặn đứng những Sư Ðoàn thiện chiến, lẫy lừng nhất của cộng sản Hà Nội, trước sự ngỡ ngàng của dư luận trong và ngoài nước. Cổ Thành Quảng trị đã được chiếm lại. Quân cộng sản đành tháo chạy trở ngược về bên kia vĩ tuyến 17, giống như năm 1953, Danh Tướng MacActhur của Hoa Kỳ đã phản công, đánh bật quân cộng sản Bắc Hàn ra khỏi những vùng chiếm đóng trên lãnh thổ Nam Hàn, bỏ chạy bán sống bán chết trở ngược về phía Bắc vĩ tuyến 38.


Tướng Ngô Quang Trưởng và quân sĩ của Ông đã bảo vệ được Huế, chiếm lại thành phố Quảng Trị đúng như lời thề trước sân cờ Phú Văn Lâu bữa nào. Ðó! Tinh thần chiến đấu của Quân Ðội VNCH là như thế đấy! Tướng Lãnh của Quân Ðội VNCH có những người như thế đó!

Tờ báo Time Tạp Chí cỡ lớn của Hoa Kỳ, tôi có trong tay hàng tuần, một lần đã đăng những dòng cảm nghĩ của Ðại Tướng 4 sao Hoa Kỳ, Norman Schwarzkopf, Tư Lệnh Chiến Dịch” Bão Sa mạc – Desert storms” chinh phạt hung thần Saddam Hussein của xứ Iraq đầu thập niên 1990, đại để như sau “Hồi còn chiến đấu ở Khe Sanh thuộc lãnh thổ Quân Khu I Việt Nam Cộng Hòa, với tư cách là 1 Trung Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Nhẩy Dù của Hoa Kỳ, tôi đã học được ở Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Khu I VNCH rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật chỉ huy cũng như tác chiến.

Những kinh nghiệm đó đã giúp tôi rất nhiều, ngay cả mấy chục năm sau, trong Chiến thắng “Bão Sa Mạc – Desert Storms’ Victory”. Nhiều nhân vật chính trị, truyền thông tại sao không biết những điều này khi nói về Quân Ðội VNCH? Họ ngu dốt hay mang đầy ác ý trong đầu!

Rồi đến chiến trường An Lộc, Tỉnh Bình Long. Ở Hòa Hội Paris, Lê Ðức Thọ và Xuân Thủy, Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng cộng sản, ra mặt lấn áp Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger trong các buổi mật đàm qua thế mạnh của quân cộng sản tại Miền Nam, trong khi Hoa Kỳ muốn rút chân cho mau Khỏi “Vũng lầy kinh khủng” này. Ðại Tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp, “người hùng Ðiện Biên Phủ”, Bộ Trưởng Quốc Phòng của cộng sản đã tuyên bố trên đài phát thanh Hà Nội “Nhân dân Việt Nam đã đánh gục 3 đời Tổng Thống Hoa Kỳ, và sẽ đập tan chính quyền Nixon bằng 1 cuộc chiến thắng hoàn toàn – Defense Minister Vo Nguyen Giap says that the people of Vietnam have defeated 3 U.S. Administrations and are about to complete victory over President Nixon…” Với cái khí thế như vậy, xe tăng T-54 của cộng sản đã tràn ngập, làm chủ tình hình thị xã An Lộc, dẫn theo sau những đơn vị bộ binh thiện chiến, danh tiếng nhất, sau khi những trận bão lửa pháo binh đã quét dọn sạch sẽ, không để lại những gì có thể sống sót. Các chiến sĩ Sư Ðoàn 5 Bộ Binh VNCH cùng 1 số đơn vị bạn còn lại của địa phương Bình Long đã chiến đấu vô cùng anh dũng, ác liệt, giữ từng tấc đất, từng góc phố, ngõ hẻm để có chỗ đứng hay nằm mà chiến đấu vì ngưng chiến đấu tức là chết. Mặt trận An Lộc làm rung động thế giới, làm rối loạn không khí hòa đàm tại Paris vốn đã nghiêng hẳn thế thuận lợi về phía cộng sản.

Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh cũng như Hà Nội muốn An Lộc phải thất thủ kinh hoàng như Ðiện Biên Phủ ngày nào. Những tay cá độ quốc tế đã dám đánh 100 ăn 1 là An Lộc sẽ thất thủ để cho cộng sản tiến quân về Sài Gòn, đập tan chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ngay trong năm 1972. Tướng 3 sao (Général de Division) Vanuxem của Pháp, Tư Lệnh quân đội Pháp tại Bắc Phi, người đã từng giữ chức vụ “Commandant de la Zône Sud du Nord Vietnam – Tư lệnh Quân Khu tả Ngạn Sông Hồng Hà” thời kỳ Ðiện Biên Phủ thất thủ tại Việt Nam- 1954 hố khi trả lời phỏng vấn của báo chí, truyền thanh, truyền hình, đã nói: Quân Ðội VNCH không thể nào giữ nổi An-Lộc. Có lẽ Tướng Vanuxem chưa quên được cảnh pháo binh cộng sản bất ngờ hiện diện tại các đỉnh đồi chung quanh lòng chảo Ðiện Biên Phủ (do trâu, voi, người kéo lên, dân công khiêng vác từng bộ phận) dội như mưa bão suốt ngày đêm, làm tê liệt hoàn toàn các giàn trọng pháo hùng hậu của Pháp cho đến nỗi Ðại Tá Pirotti, chỉ huy trưởng pháo binh của Pháp tại chiến trường này quá thất vọng và khủng khiếp, phải mở chốt lựu đạn mà tự sát. Có lẽ Tướng Vanuxem chưa quên được cái cảnh những Sư Ðoàn cộng sản cuồng tín, đông như kiến cỏ, theo chiến thuật “Biển Người “ của Thống Chế Lâm Bưu Nguyên Soái Hồng Quân Trung Quốc, tràn qua các bãi mìn, đạp nát các công sự phòng thủ, các hàng rào kẽm gai chằng chịt, tràn xuống các giao thông hào, đạp lên xác chết của lính Pháp, Bắc Phi và cả cộng sản, phối hợp với quân cộng sản từ dưới đất chui lên từ các đường hầm đã được máy móc, cơ giới của Trung Quốc đào bới ngày đêm trong lúc pháo binh hỏa tiễn Trung Cộng liên tục nổ rầm trời. Chắc Tướng Vanuxem liên tưởng đến cái cảnh Tư Lệnh chiến trường Ðiện Biên Phủ, Tướng De Castries, mặt mũi hốc hác, bị quân cộng sản bắt sống ngay tại căn hầm Chỉ huy, cùng với toàn thể Sĩ Quan Bộ Tham Mưu của Ông để rồi chiến tranh Việt-Pháp kể như chấm dứt từ chỗ này, mà phần thất bại tất nhiên thuộc về phía người Pháp. Tướng Vanuxem tin chắc là Quân Ðội Việt nam Cộng Hòa không thể nào giữ nổi An Lộc một khi Hà Nội đã quyết định biến An Lộc thành một thứ Ðiện Biên Phủ để giành thế chủ động trên bàn Hội Nghị tại Paris, một khi cộng sản Hà Nội có Liên Xô và Trung Quốc đứng sau lưng, nhất định bắt người Mỹ phải “nhắm mắt lại mà ký vào Hiệp Ðịnh Paris” như cộng sản đã bắt người Pháp phải làm như thế ở Hội nghị Geneva 1954. An Lộc đã bị thế giới coi như đã bị mất vào tay cộng sản. Thế mà, khi Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù, hợp lực với Biệt Ðộng Quân và 1 số đơn vị Bộ Binh VNCH kéo tới đánh những trận phản công sấm chớp, lở đất long trời thì xe tăng T-54 Sô Viết, cũng như Bộ Binh cộng sản từng làm mưa làm gió trước đó trên vùng đất An Lộc tan hoang, trơ trụi, đành phải mở đường máu mà tháo chạy mặc dù lệnh của Hà Nội: phải giữ An Lộc đã chiếm bằng mọi giá. An Lộc vẫn còn đó, không thất thủ như Ðiện Biên Phủ năm 1954. Cả thế giới kinh ngạc. Tướng 3 sao của Pháp Vanuxem cùng dân cá độ quốc tế đã thua đậm trong keo này. Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Ðệ Nhị Việt Nam Cộng bỗng dưng có được giờ phút vinh quang và oai hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp cũng như chính trị của ông: đáp trực thăng xuống ngay chiến trường An Lộc giữa tiếng hoan hô vang dậy không ngớt của của các chiến sĩ VN Cộng Hòa vừa tái chiếm An Lộc, trong khi tiếng đại bác của 2 bên, tiếng hỏa tiễn 122 ly của Trung Cộng vẫn còn nổ vang quanh vùng, và An Lộc vẫn còn mù mịt, khét lẹt mùi lửa đạn.

Ðó! Tinh thần chiến đấu của Quân Ðội VN Cộng Hòa là như thế đấy! Và còn biết bao nhiêu trận đánh lẫy lừng khác trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Một bài báo có hạn làm sao kể hết!

Năm 1975, Cộng sản đánh chiếm Ban Mê Thuột, cũng chẳng khác gì cộng sản đánh chiếm Huế năm 1968, đánh chiếm Quảng Trị, kiểm soát An Lộc năm 1972 bao nhiêu. Vậy thì khi Ban Mê Thuột mới rơi vào tay giặc trong sự bất ngờ, tại sao Ông Thiệu lại hạ lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú phải bỏ Quân Khu 2, cho Tướng Ngô Quang Trưởng phải bỏ Quân Khu I, trong khi hai Tướng Tư Lệnh này đang có trong tay 6 Sư Ðoàn Bộ Binh, hầu hết đều thiện chiến, chưa kể đến các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, mấy chục Tiểu Ðoàn Ðịa Phương Quân, bao nhiêu là đơn vị yểm trợ chiến đấu, đó là chưa kể đến hỏa lực yểm trợ của Hải Quân, Không Quân, lực lượng Tổng trừ Bị của Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, tất cả đều đang sẵn sàng chiến đấu vì chỉ có chiến đấu hay là chết mà thôi. Ông Thiệu hạ lệnh rút bỏ 2 Quân Khu cửa ngõ, địa đầu của Nam Việt Nam như vậy để làm gì?- Có nhận lệnh từ đâu không? – Ðể tạo nên một sự tan rã, hỗn loạn của cả một lực lượng Quân Ðội to lớn, hùng mạnh như nói ở trên, trong khi tất cả đang sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu để sống còn. Sự tan rã hỗn loạn này kéo theo sự hỗn loạn tràn ngập của hàng triệu dân chúng đổ vào Quân Khu 3, bao quanh Thủ Ðô Sài Gòn. Trong tình thế đó thì Quân Khu 3 còn đánh đấm gì được nữa? Quân Cộng sản chẳng cần đánh, mà cứ như đi vào chỗ không có người. Nên nhớ rằng, khi gặp sự quyết chiến của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh VNCH, với sự tăng cường của một số đơn vị bạn, mà Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng đã phải tung ra 2 Sư Ðoàn thiện chiến để hòng nhân đà thắng lợi, đánh tan Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, dưới sự chỉ huy của vị Tướng Trẻ Lê Minh Ðảo, nhưng không thắng nổi. Sau cùng Văn Tiến Dũng phải tung thêm 2 Sư Ðoàn nữa vào mặt trận này, là 4 Sư Ðoàn tất cả, lấy 4 đánh 1, trong thế thuận lợi hoàn toàn về phương diện tinh thần quân sĩ đang lên. Vậy mà Sư Ðoàn 18 Bộ Binh VNCH chỉ chịu rời bỏ trận tuyến khi có lệnh của Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 kiêm Vùng 3 Chiến Thuật. Vị Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 không muốn trông thấy Sư Ðoàn 18 Bộ Binh VNCH anh dũng, kiên cường bị tiêu diệt trước thế trận bất quân bình, địch đông gấp 4 và có thể tăng gấp 5, gấp 6 nếu cần, vũ khí đạn được, xe tăng, pháo binh được cộng sản quốc tế đổ vào như mưa bão, quyết đánh chiếm Sài Gòn như đã định.

Tướng Homer Smith, Tùy Viên Quốc Phòng Mỹ tại sài Gòn, ngày 13 đã gửi cho Tướng George S. Brown, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ ca ngợi ý chí và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa dù những bất lợi đang đè nặng trên vai họ. Sau 5 ngày theo dõi cuộc chiến An Lộc, Tướng Smith đã nói: “Sự chiến đấu anh hùng và dũng cảm của quân đội Nam Việt Nam… kể cả Ðịa Phương Quân Tỉnh Long Khánh, đã cho người ta thấy rõ tinh thần và khả năng chiến đấu của những người lính này giỏi hơn đối phương của họ rất nhiều…” Ðó là chưa nói đến các chiến sĩ Sư Ðoàn 18 Bộ Binh tại chiến trường Xuân Lộc.

Trong lúc đó tại Quân Khu 4, ở miền Tây, Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam, một Tướng giỏi, với Tướng Tư Lệnh Phó Lê Văn Hưng, người hùng tử thủ An Lộc mấy năm trước, có trong tay 3 Sư Ðoàn Bộ Binh thiện chiến và các lực lượng Biệt Ðộng Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Ðịa Phương yểm trợ chiến đấu hùng hậu, tinh thần rất cao, sẵn sàng chờ địch tiến đánh Quân khu này.

Khi Tổng Thống… cà chớn Dương Văn Minh, với tư cách Tổng Tư Lệnh lúc đó, bị chỉ huy trực tiếp bởi Sư Phụ Thích Trí Quang và ngay cả từ Hà Nội qua trung gian của người em ruột Dương Văn Minh, Sĩ quan cao cấp cộng sản là Dương Văn Nhựt (đã liên lạc với Dương Văn Minh từ hồi 1956) hạ lệnh cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng cộng sản vô điều kiện (để bàn giao cho cộng sản, hi vọng kiếm cho bản thân và bè lũ, chỗ đứng chỗ ngồi mà cộng sản sẽ dành cho trong chính quyền “Cách Mạng giải phóng”, thì Tướng Nguyễn Khoa Nam đã họp các Sĩ Quan có trách nhiệm chỉ huy dưới quyền, và ra lệnh: anh em tùy nghi lo liệu về phần mình, trước tình thế chúng ta bị bắt buộc phải đầu hàng. Kế hoạch chiến đấu để tự cứu mình và bảo vệ vùng lãnh thổ trách nhiệm của chúng ta đã không thi hành được như anh em đã có thể biết… Sau đó, Tướng Nguyễn Khoa Nam, trong bộ quần áo tác chiến, mũ sắt 2 lớp (sẵn sàng chiến đấu) đã vào Văn Phòng Tư Lệnh, ngồi xuống ghế của mình, nhìn lại lần cuối tấm bản đồ Tổ Quốc trên tường, nhìn lá cờ nhỏ nền đỏ với 2 ngôi sao trắng, tượng trưng cho uy quyền của một Tướng Lãnh chỉ huy, để trên bàn rồi rút súng bắn vào đầu tự sát. Chắc chắn là trước khi bóp cò cho viên đạn xuyên qua đầu, vị Tướng đáng kính phục này đã nói những gì với Tổ Quốc, với đồng bào, với chiến hữu của ông.

Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn, anh hùng tử thủ An Lộc mấy năm trước, trở về căn cứ chỉ huy phụ, nói với người vợ thân yêu “Em ở lại nuôi con, anh phải ra đi vì thân làm Tướng không thể sống nhục như thế này…” Người vợ thân yêu nói với ông “Anh Hưng! Cho em chết theo với! Tất cả chúng ta và các con cùng chết với nhau!” thì Tướng Hưng đã thuyết phục người vợ: Không được! Cha Mẹ không có quyền giết con. Em phải sống để nuôi dậy con nên người để trả thù nhà và cùng với thế hệ mai sau lấy lại Ðất Nước này! Em phải sống dù phải chấp nhận hi sinh, khó khăn, gian khổ. Người vợ thương yêu và can trường của vị Tướng anh hùng này nói trong nước mắt: Em nghe lời mình với hai điều kiện: Nếu cộng sản bắt em phải xa lìa các con hay chúng làm nhục em thì em có quyền tự sát! Tướng Hưng bằng lòng, nắm lấy tay vợ rồi chào từ biệt vợ con cùng một vài Sĩ Quan, Binh Sĩ đã có mặt từ trước tại đây để dự định liên lạc với các đơn vị thi hành kế hoạch chiến đấu cứu mình, cứu Quân Khu 4, của hai Tướng Nam và Hưng, rồi vào phòng riêng, gạt đi lời yêu cầu của người vợ xin được chứng kiến tận mắt sự ra đi của chồng. Tướng Hưng đóng cửa lại, và 1 phát súng nổ… Tướng Lê Văn Hưng đã ra đi vĩnh viễn cùng với Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam, để lại cho Lịch Sử dân tộc Việt Nam những tấm gương bất khuất sáng ngời, như những tấm gương bất khuất của Cha Ông ngày trước, của những thời đại Lý Thường Kiệt phá quân ngoại xâm Nhà Tống, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đại phá quân Mông Cổ v.v… Hai Tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng đã cùng một số Tướng Lãnh khác như Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ và nhiều Sĩ Quan cao cấp khác của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã chết theo vận nước. Các Ông không muốn bị bắt làm tù binh hay đầu hàng giặc để lại ô danh cho hậu thế. Các ông cũng không muốn bỏ quân mà chạy lấy thân để rồi ra nước ngoài, mang theo tiền bạc ăn cắp của Quân Ðội, của Quốc Gia, làm giầu bất chính trên xương máu của chiến sĩ như một số Tướng Lãnh hèn hạ khác. Quân đội của quốc gia nào có những Tướng Lãnh anh hùng và can đảm như thế hay không?

Một số Sĩ Quan cao cấp của Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, không muốn dư luận cũng coi mình như những kẻ khác không biết gì về cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến kỳ lạ này, về sau đã phải lên tiếng nói ra sự thật là: Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng và kiên cường, mặc dầu họ luôn luôn phải chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, không được chiến đấu trong những điều kiện đầy đủ, dễ dàng như quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ðúng như thế.

* Quân Ðội Hoa Kỳ chỉ chiến đấu khi nắm chắc được yếu tố “Vượt trội về hỏa lực – Superiority of Firepower”. Quân đội VNCH phải chiến đấu trong mọi trường hợp cần thiết.

* Quân đội Hoa Kỳ chỉ chiến đấu tại Việt Nam trong thời gian ngắn hạn rồi thay nhau về xứ. Như thế không bị dồn vào thế mệt mỏi căng thẳng quá độ, thường trực về thể chất cũng như tinh thần. Còn Quân dội VNCH thì ngược lại, phải chiến đấu liên tục, không ngưng nghỉ. Sức chịu đựng của người chiến binh VNCH nó khủng khiếp đến thế nào?

* Trong khi chiến đấu cũng như lúc đóng quân trong đồn lũy, người chiến binh Hoa Kỳ luôn luôn được bảo vệ bằng những phương tiện chiến tranh dồi dào, tối tân, hiện đại nhất, cả về tấn công, phòng thủ cũng như yểm trợ. Người chiến binh VNCH làm sao có được như vậy! Cái mạng sống của người chiến binh Việt Nam nó cũng mỏng manh.

* Ðiểm nữa, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, thể chất, tâm lý của người chiến binh Việt Nam là: trong khi mình xả thân chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ mạng sống của chính mình thì lúc đó gia đình, những người thân yêu phải sống ra sao? Liệu có đang kẹt trong vùng lửa đạn, chết chóc hay không? Về điểm này, người chiến binh Hoa Kỳ khỏe hơn là cái chắc, tinh thần ổn định, thoải mái hơn rõ ràng.

Bây giờ, nếu đặt người chiến binh của các cường quốc Âu-Mỹ vào vị trí, hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, thiếu thốn, khắc nghiệt của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, thử hỏi liệu những người chiến binh ấy có thể chiến đấu được như người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa hay không? Chịu được bao lâu? Chính Phủ, Quốc Hội và Nhân Dân các quốc gia đó chịu được mấy tháng, mấy năm?

Câu trả lời xin dành cho những nhà viết sử chân chính, cho những Sĩ Quan và Quân Nhân Hoa Kỳ từng chiến đấu anh dũng, can trường bên cạnh những người bạn chiến binh Việt Nam Cộng Hòa của họ từ các chiến trường Khe Sanh, Ðác-Tô, Pleiku, Kontum, Ðồng Xoài, Bình Giả, Củ Chi, cho đến các chiến trường vùng đồng bằng sông Cửu Long, điểm tận cùng của Ðất Nước Việt Nam… Nếu muốn, quý vị có thể đọc thêm đoạn tài liệu mới đây thôi để thấy rõ thêm sự thật.

***

HENRY KISSINGER: LỖI LẦM TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM LÀ DO NGƯỜI MỸ GÂY RA
Ngày 2 Tháng 10 Năm 2010 (AP) – Tiến Sĩ Henry Kissinger, từng giữ các chức vụ cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Richard Nixon, là nhân vật nòng cốt trong việc chính sách của Washington vào những năm cuối của cuộc chiến Việt Nam, tuyên bố rằng những lỗi lầm trong cuộc chiến ấy là do chính người Mỹ gây ra.

Ông Kissinger đưa ra nhận định này tại hội thảo về chiến lược và lịch sử cận đại của Hoa Kỳ tổ chức hôm thứ Tư 29-9-2010 tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Theo ông thì người Mỹ muốn thương thuyết hầu chấm dứt cuộc chiến đó, nhưng phía Hà Nội thì nhất định phải đạt chiến thắng. Cộng Sản Việt Nam ấp ủ, tiến hành mục tiêu đó để thống nhất hai miền Nam Bắc từ khi họ đánh đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương vào năm 1954. Trước khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hồi năm 1975, ông Kissinger cũng ca ngợi phía Hà Nội là khôn khéo nên đã thành công trong việc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên qua những lời nhận lỗi cho rằng thất bại hoàn toàn về phía Hoa Kỳ, ông đã làm lu mờ những chiến công mà từ phía đối thủ Bắc Việt, luôn cho đó là một chiến thắng “thần thánh” giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước về một mối.

Dư luận vẫn chưa quên lời phát biểu của ông Kissinger sau ngày 30 tháng tư, 1975, khi nói rằng “thời gian sẽ trả lời ai thắng ai

 
Phan Ðức Minh

(Người chuyển bài – Hồ Khánh dũng)

 

Saturday, March 28, 2015

Con Đường Xưa Em Đi - Phạm Hoài Vũ


CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI

 
 


    Mấy người bảo em kiếm một nghề gì đó mà làm, chẳng hạn, cắt may, làm đầu, mở quán cà-phê, … nói là để … gì đấy, hoàn lương, không làm gái nữa. Em hỏi những ông khách thuộc hạng lắm chữ, hoàn lương là gì, các ông ấy đều nói, hoàn lương là quay trở về cuộc sống lương thiện.

    Ô hay. Em có mất lương thiện bao giờ đâu mà bảo em quay về cuộc sống lương thiện. Em không trộm cắp. Em không dối trá. Em không điêu toa. Em không lừa đảo. Em không vu oan giá họa cho ai. Em không như con Châu bạn em. Nó nghỉ học từ hồi lớp mười, sau được bố xin thế chân làm văn thư cơ quan đúng ngày ông ấy về hưu. Nhưng để xin được chỗ thế chân, nghe đâu bố nó cũng phải lo lót tới ba bốn cây vàng, từ ông giám đốc, đến ông tổ chức, cả ông gì gì cao hơn nữa.

    Nghe đâu cả giám đốc, tổ chức và các ông gì gì đều là con các bạn chiến đấu với ông nội nó. Các cụ cùng bạn đồng ngũ từ thời chiến tranh. Thế mà họ nỡ cầm tiền của bố nó. Tưởng họ đối xử như con cháu trong nhà mới phải. Thế mà ăn bẩn. Cái đám ấy mới đích thực là không lương thiện. Còn bây giờ con Châu cũng đã thành quái. Mọi người đến xin chữ ký, đóng dấu, phải dúi cho nó cái phong bì, người một trăm, kẻ dăm chục, … có người cho đến vài trăm, tùy việc. Nhưng lộc vào đều đều, suốt ngày này qua tháng khác. Kiếm phết. Nó khoe thế. Tởm lợm! Em bảo nó, mày ăn bẩn. Ăn bẩn như con chó. Như nó mới cần hoàn lương. Mấy ông bà sếp phải hoàn lương nhiều hơn. Họ còn ăn khốn nạn hơn vậy.

    Em làm gái đi khách, vui vẻ với họ. Họ trả công em. Ơ hay, cũng lao động đấy chứ. Nói theo kiểu thị trường bây giờ thì loại lao động của em là lao động dịch vụ. Dịch vụ tình cảm. Những người đến với em đều có tâm tư tình cảm éo le. Anh bị vợ xét nét, hắt hủi. Anh bị vợ mắng chửi, thời nay gọi là bạo hành gia đình. Anh thì vợ đau ốm liên miên. Có anh vợ mất, không muốn đi bước nữa, sợ phức tạp cảnh vợ nọ con kia. Có anh bị vợ xâu xé khi làm tình, cắn nát cả ngực, cắn tím bắp tay. Gọi là gì nhỉ? À, các anh ấy gọi là bạo dâm. Chỉ mới nghĩ đến làm tình với vợ là đã hết hồn hết vía. Vì thế các anh ấy tìm đến bọn em để được an ủi. Em hỏi các anh ấy, sao không bỏ ngay tấp lự cái hạng vợ ấy đi, thì anh nào cũng bảo là không đành lòng, vì thương những đứa con vô tội.

    Đằng kia, con Châu, vừa được cơ quan trả lương, vừa ăn dấm ăn dúi những đồng tiền đút lót của mọi người. Ai đến không có đồ dấm đồ dúi thì … À, hãy đợi đấy. Em Châu này còn đủng đỉnh chán. Thế mới là không lương thiện. Nó khoe đã nhận cả phong bì của cái bà Mão hàng xóm. Bà ấy nghèo vét đĩa, chỉ có cái bàn bán trà thuốc ở vỉa hè, kiếm tiền chợ, giật gấu vá vai. Ông con trai nghiện hút, trộm cắp, trấn lột phải đi trại. Đi trại chán rồi về, đâu hoàn đấy, vẫn mỗi ngày vài tép. Không chỉ hút hít, mà còn tiêm chích, sốc thuốc lăn đùng ra chết. Con dâu đêm nào cũng lang thang lê lết với một lão xăm trổ đầy mình. Nghe đâu lão đánh tiếng sắp cưới nó làm vợ. Lão bảo đã muốn giúp nó thoát cái thằng chồng nghiện hút từ lâu, nay mới đến lúc. Chồng chết rồi, con vợ bỏ mặc hai thằng lỏi con, nhếch nhác để bà nội lo liệu. Vậy mà hôm bà ấy ra cơ quan xin giấy cho hai thằng cháu côi cút đi học, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, bà ấy cũng đưa cái phong bì. Đầu tiên nó lí nhí cái gì đấy ra cái điều ngại ngùng, dúi đi dúi lại bà bà cháu cháu. Nhưng sau thấy bà ấy khẩn khoản, nó nghĩ bụng… tội gì. Mở phong bì ra được hai chục ngàn đồng bọ. Nó bĩu môi. Rồi cũng đút vội vào túi quần lòi cả mép phong bì xanh đỏ.

Đằng này em cầm tiền của các anh đàng hoàng, bóc bánh trả tiền. Các anh cũng vui vẻ. Các anh được em chiều chuộng. Thấy các anh cho nhiều, em ngại. Các anh bảo việc gì mà ngại. Thấm gì so với các anh phải cung phụng cho các ông bà quan chức.
Em học xong lớp mười một, chỉ một năm nữa là thành cô tú, nhưng cứ nhìn mấy chị lớp mười hai mà ngẫm phận mình. Ngán ngẩm. Chúng nó thi đỗ đại học, học xong cử nhân, kỹ sư, bác sỹ đủ cả. Nghe tưởng hoành tráng. Đi xin việc rạc cẳng. Lo lót hàng chục ngàn đô cho đủ hạng ông to bà lớn không xong. Bọn con gái thì sau khi thử việc còn được các ông ấy nói là … là … mời đi nhà hàng, kéo vào nhà nghỉ, rồi giở những trò khốn nạn. Ít hôm sau khoác bộ đồ đồng phục công sở vênh váo hẳn lên… Nhưng thi thoảng đượm buồn nghĩ đến cái thân phận chẳng khác gì con đĩ.

    Thế thì thôi. Em làm đĩ luôn cho khỏe. Sau chưa đầy một năm em sắm con xe ba ngàn đô. Ăn tiêu, trang điểm, sắm sửa thoải mái, toàn hàng hiệu… những đồ xịn toàn là Adidas với lại Louis Vuitton. Về quê mọi người lác mắt. Gặp ai cũng hỏi em làm gì lắm tiền thế. Với người làng em bảo theo bạn đi buôn lậu tận trên biên giới. Với bạn thân em bảo đi làm gái. Ô hay. Thế mà ối đứa xin theo. Em bảo, chúng mày đang làm cơ quan danh giá, sao lại đâm đầu theo tao làm gái. Có cùng đường như tao mới phải đi làm gái chứ! Đứa nào cũng bảo, chỉ được cái danh hão. Đói bạc mặt, thiếu xèng. “Xèng” nghĩa là “Tiền”, theo cách nói chệch của bọn gái chúng em. Em bảo chúng nó: “Được, chúng mày muốn tao liệu. Dễ thôi. Nhưng khi bị bắt thì đừng có khai là tao dụ dỗ, phỉnh phờ… Gái thời nay tự lao vào cả đấy. Chẳng đứa nào phỉnh phờ dụ dỗ đứa nào.

    Em chào hàng các anh. Em nhắn tin có con bạn trẻ, xinh lắm. Anh nào chẳng hám của lạ. Em bảo các anh đưa nó một triệu. Bằng nửa tháng lương của nó. Đứa nào cũng chia cho em một nửa. Nhưng chỉ lần đầu thôi. Từ lần sau chúng nó được ăn cả một triệu. Mỗi chủ nhật chúng nó làm một vụ như thế, kiếm một triệu ngon ơ. Một tháng bốn triệu, gấp đôi lương rồi. Các anh gặp được em mới cũng vui vẻ cho xèng em. Em cũng được nửa triệu nữa. Chẳng phải vòi vĩnh gì. Các anh ấy tự đưa. Giống như dịch vụ môi giới. Y chang các hội làm ăn buôn bán.

    Em sống đều đều như vậy, chẳng phải đăng ký cửa hàng cửa hiệu, chẳng phải thuế má, môn bài, cũng chẳng phải lo lót ông nọ bà kia, mà lại được các ông anh cưng chiều, bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng bỗng dưng cái ông anh em gặp ở quán rượu, em sẽ kể sau, bảo xin việc cho em đi làm. Anh bảo em phải lo cuộc sống lâu dài. Anh không nói nghề này nhơ nhuốc, xấu xa như mọi người vẫn nói. Anh bảo, tuổi xuân của ai rồi cũng đến buổi xế chiều. Làm sao em đi khách mãi được.

    Em trố mắt nhìn ông anh. Anh nói trúng tim em, nhưng em hỏi anh nói đùa hay nói thật. Em cứ nhìn chằm chằm vào anh. Rồi tự dưng hai hàng nước mắt trào ra. Em ôm siết chặt ông anh như không bao giờ muốn buông ra nữa. Trời ơi. Sao anh không là chồng em. Sao anh không là bố em. Sao anh không là ông ngoại của em. Trời! Sao anh không là tất cả những gì quý giá nhất của em. Nhưng rồi em bỗng chững lại. Buông anh khỏi vòng tay. Đẩy tay anh đang ôm phủ sâu phía bụng dưới của em. Nâng chân anh đang đè nặng người em. Em bảo, em chẳng có bằng cấp gì, ai mà nhận em làm việc. Anh ư hứ một tiếng, rồi nhổm lên, hỏi em đã xem phim Giầy thủy tinh của Hàn Quốc chưa? Phim ấy em xem rồi. Em bảo anh, là em rất thích. Đúng là em thích thật.

    Anh vẫn như không nghe em nói, ngồi bật dậy cạnh em, nhắc lại rành rẽ cho em nghe. Anh bảo phim ấy kể về một cô nàng trạc tuổi em, học chưa hết trường phổ thông, mà lập nghiệp, thành bà chủ một công ty phần mềm điện thoại di động.

 

Phim Hàn Quốc khác phim ta. Những cô gái gọi là hoàn lương trong phim ta đều trở thành kỹ sư, bác sỹ. Mấy ông bà làm phim cứ làm như bọn kỹ sư, bác sỹ là những hạng người lương thiện lắm. Lấy đó làm khuôn làm mẫu cho những đứa hoàn lương. Các ông bà làm phim lú lẫn hết rồi. Kỹ sư thì chôm chỉa đồ xí nghiệp mang bán Chợ Trời cho bọn buôn đồ ăn cắp. Bác sỹ thì ăn bẩn của người bệnh, không được ăn thì mặt mày sưng xỉa, mặc cho bệnh nhân chết mỏi chết mòn. Em đọc trên mạng, thấy người ta nói bọn làm phim mắc chứng sính bằng cấp. Với phim Hàn Quốc thì các nhân vật thành đạt đều là những con người bình thường, chẳng có bằng cấp gì, nhưng tuyệt vời, những con người tài ba trong cuộc sống thường ngày của họ. Xem xong phim Hàn Quốc, chúng em đều thấy, dường như ai cũng có thể tự làm được như vậy. Sau đêm đó, anh gọi điện hẹn mang ô-tô đưa em đến xí nghiệp liên doanh với nước ngoài ở mãi tít tận cái thị trấn nào đấy em chẳng bao giờ nghe tên, gần thành phố Bắc Ninh, để làm cái việc gọi là “phỏng vấn”. Em hỏi bọn bạn, làm phỏng vấn là làm cái gì, thì chẳng đứa nào nói được rành rẽ. Em sực nhớ một lần hồi đi tiếp thị rượu, nghe lỏm các ông anh cười đùa kể chuyện phỏng vấn, nói là chuyện tiếu lâm bên nước anh em nào đấy.

    Chuyện là một hôm, ông chủ tịch nông trường được lệnh cấp trên, nói tiếp đoàn phóng viên đến phỏng vấn. Ông trố mắt chẳng hiểu “phóng viên” là cái thứ cán bộ kiểu gì ở cấp trên, và họ đến “phỏng vấn” là làm trò gì với cấp dưới. Nhưng ông cũng truyền lệnh cho nông trường viên chuẩn bị sẵn sàng để mấy ông phóng viên cấp trên đến phỏng vấn nông trường viên cấp dưới. Bọn đàn bà con gái nhao nhao hỏi… phóng viên phỏng vấn là làm cái trò gì với nông trường viên. Họ kéo đến trụ sở nông trường đòi ông chủ tịch hướng dẫn, họ chắc mẩm ông chủ tịch là người biết hết mọi thứ trên đời. Ông chủ tịch vò đầu bứt tai, nói ông cũng cóc biết nó phỏng vấn là làm cái con khỉ gì. Cuối cùng ông cũng phán ra những lời dõng dạc: “Tao cũng chẳng nghe cấp trên nói họ đến phỏng vấn là làm cái cóc khô gì. Thôi tốt nhất, bọn đàn bà con gái chúng mày mau mau đi tắm rửa sạch sẽ để chờ bọn phóng viên… Biết đâu, phóng viên phỏng vấn tức là nó đòi làm cái việc đấy. Còn tao phải tìm con kế toán làm sẵn cho các đồng chí cấp trên mấy cái phong bì”

    Em hỏi ông anh của em về phỏng vấn, thì anh ấy bầy cho em cách trả lời các câu hỏi. Anh dặn dò rất kỹ, là người ta chỉ muốn thử cái đầu óc nhanh nhạy và sự khéo tay của em. Anh vẫn bảo là độ khéo tay của em thuộc hạng có đẳng cấp. Thế là em gặp vận may, được tạm tuyển vào bộ phận lắp ráp điện tử. Em chờ mãi, xem cái ông tuyển dụng có … lôi em đi ăn tối, rồi kéo em vào nhà nghỉ như con bạn em nói không. Nó ra sức chém gió, dứt khoát, ra điều từng trải lắm, rằng đàn ông thằng nào cũng đểu như thế cả. Em bấm bụng, nếu anh ta rủ thì em sẽ tìm cách thoái thác. Em phải từ chối thôi. Những ông cán bộ phỏng vấn chắc chắn không thật lòng như các ông anh ngày ngày em tiếp. Bọn này trở mặt như trở bàn tay, khi cần nó lại vu vạ là mình khêu gợi nó trước, bêu mình là bọn đàn bà đi lên bằng … háng. Bây giờ trong thiên hạ khối kẻ không đi lên bằng đầu gối nữa rồi. Đi lên bằng đầu gối đã xưa như Diễm. Bây giờ chúng nó đi lên bằng háng.

    Nhưng em nghĩ nát cả đầu, phải nói lời từ chối ra sao, thế này, thế nọ, để người ta khỏi mất lòng, hoặc phải tìm cách hoãn binh, hoãn binh ngày này qua tháng khác, chẳng hạn, hôm nay em đang gặp ngày đèn đỏ, hoặc em đang bị lên mấy cái mụn nhọt, và nói ra điều tình cảm, hẹn anh hôm khác. Tuy người ta gọi em là đĩ, nhưng em cũng suy nghĩ lắm, nó rủ được mình lên giường một lần, nó vần vò thân xác mình, nhưng rồi quen mui thấy mùi đòi ăn mãi, mình làm sao bắt nó buông tha. Mà nó còn khinh mình như con chó ghẻ. Nhưng tịnh vô không thấy anh ta lộ ra cái gì như muốn gạ gẫm em. Thì ra trên đời này vẫn còn có những thằng đàn ông tử tế.

 
Ít ra em cũng thấy được hai thằng tử tế. Một ông phỏng vấn tuyển dụng em ở cái công ty vừa nhận em vào thử việc. Một nữa là cái ông anh đại gia vẫn qua lại với em. Lạ thật đấy. Một lần em hỏi anh, vì sao anh sẵn tiền không kiếm một con bồ non, mà cứ phải đi lại với bọn gái đĩ như em. Anh ta cười… “Này anh nói em nhá, đĩ có cái giá trị của đĩ”. Ối dào, giá trị cái con mịa gì. Anh này khéo vờ vịt. Nhưng rồi anh ta cứ thế tiếp tục, làm em nghệt mặt tin sái cổ: “Em biết không, cặp bồ thì bị ràng buộc. Ràng buộc năm này qua tháng khác. Đĩ thì khác. Thích thì gặp, không thích thì thôi. Đĩ không trách móc. Đĩ không hờn dỗi. Đĩ không ăn vạ. Đĩ không ghen tuông. Đĩ không trói mình trách nhiệm. Tiền tươi thóc thật sau mỗi phi vụ là xong. Đĩ không yêu sách này nọ làm khổ mình. Lỡ có bầu thì đĩ xin anh xèng, tự đi phá thai. Lỡ anh thương, bảo giữ thai đẻ con cho anh, thì đĩ lại bảo, em chưa có điều kiện nuôi con cho anh được. Em phải giữ nhan sắc để còn làm gái kiếm xèng. Còn bồ có bầu thì bắt anh phải có trách nhiệm, đòi mua cho bồ căn hộ cao cấp để nuôi con. Bồ còn đòi, mang bồ về làm vợ nhí. Có ông lúc chết đưa đám ma mới tá hỏa ra, không chỉ có một bà vợ già, một bà vợ trẻ đội mấn, bỗng dưng lại còn … tòi thêm một em “chanh cốm” nữa cũng lù lù, lại thêm một con vợ nhí đội mấn, lại một thằng cu choai choai đội vành rơm chống gậy, thêm nữa một con chíp chíp lăn đường. Cả làng chửi cho cái thằng thất đức, nhưng cũng có người suýt xoa khen anh tốt phúc.

    Nghe anh thao thao một hồi, em hỏi, vì sao anh ta nhiều lý lẽ về cái nghề đĩ thế. Anh nói đùa, mà có khi là thật, anh là nhà nghiên cứu cái gì… xã hội học về đĩ. Anh cười, gọi là nhà nghiên cứu “Đĩ học” cũng được. Nghe anh nói, em cũng thấy vui vui trong bụng. À, thì ra em có giá trị của em. Đĩ có giá trị của … Đĩ.

Thật ra đôi khi em gọi vị đại gia là “anh”, là “thằng đại gia” là hỗn. Nhưng đấy là cách nói của bọn gái chúng em. Em vẫn biết vậy. Vì anh ta ngang lứa với ông ngoại em. Ông ngoại em sáu ba, anh ta sáu mốt. Nhưng anh ta cặp với em. Anh ta là khách ruột của em. Em vẫn gọi là “anh”, đùa giỡn, cợt nhả, quần thảo, vật lộn với anh trên giường quen rồi. Đôi khi nhắn tin, em còn rên rỉ làm nũng .. “Chồng ui”, “Anh iu ui”, “Người tình của em ui”… Đủ kiểu cho anh ta sướng. Khi nào em nhớ thì em gọi điện hoặc nhắn tin cho anh. Nói nhớ là có lúc thôi. Phần lớn các cuộc gọi là vào lúc em kẹt xèng, Nhưng vẫn cứ nói là “nhớ” cho nó tình cảm. Mà anh ta cũng thích được nghe em nói như vậy. Khôn ranh, già đời như anh, biết thừa là em nói nhăng cuội, chẳng nhớ nhung gì.

    Được nhận làm thử việc rồi, lòng em vẫn không yên. Đi làm thật sao? Từ nay chấm dứt cuộc đời làm gái. Từ nay được mặc bộ đồng phục với dòng chữ ngời ngời cái tên nghe rất oách của xí nghiệp liên doanh “Suziku Co”. Sau giờ làm trên đường về vẫn còn mặc đồng phục đầy hãnh diện. Có khi mặc cả đồng phục về làng để mẹ cũng được thơm lây. Từ giờ mẹ được ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào mắt mọi người, vì con gái mặc trên mình bộ đồ mang dòng chữ trắng “Suziku Co” trên nền xanh của áo, được nhổ toẹt vào mặt những đứa rách việc thầm thì bêu riếu con mình làm gái. Trước đây mẹ chỉ cúi đầu câm lặng.

    Hãnh diện thì hãnh diện thật, nhưng mà như bọn bạn bè em nói: Đói bạc mặt. Ư hừ. Đói bạc mặt, nhưng mà xin việc đâu có dễ. Xin được việc là cơ hội vàng thôi thúc em. Thế là em dứt khoát quyết định. Quyết định là quyết định thật. Quyết định dứt bỏ một quãng đời làm gái của em. Em đã qua một tháng thử việc và được tuyển dụng chính thức.

Em phải làm theo giờ hành chính. Thời gian rất chi là kẹt, xèng thì thiếu mà không có thời gian nào đi gặp các anh để được làm nhẹ bớt những cơn túng thiếu giày vò thân xác. Không biết có ai thấu hiểu sự giày vò của những cơn túng thiếu. Trời ơi. Mua gói xôi cũng phải so đo tính toán, ăn xôi với muối vừng hay là ăn ruốc. Mà ruốc gì đâu cho cam. Rặt bã sắn dây xào ma-gi, thêm tí mì chính. Lắm lúc quẫn quá em đã lóe ý nghĩ ăn cắp của con bạn sống cùng phòng có cái ví tiền luôn để hớ hênh. Nhưng rồi em cố nén cơn túng thiếu không để hai ngón tay đụng vào cái mép ví của nó. Mẹ ơi. Mẹ có hiểu cho con. Nhục ơi là nhục. Ô nhục hơn làm gái. Cái thân làm gái này chưa bao giờ bị giày vò như thế. Cái thân làm gái này chưa bao giờ nghĩ đến đoạn ăn cắp tiền của bạn. Thế mới biết làm gái xênh xang. Không vật vã thế này.

    Ngày nào em cũng giằng co với mình. Em muốn bỏ chỗ này trở về chốn cũ, ngày ngày với đống chăn gối của nhà nghỉ cùng các ông anh. Nhưng rồi em lại nghĩ đến sự hãnh diện của mẹ, đến ánh mắt sáng long lanh của mẹ khi nhìn mọi người trong làng ngoài xóm. Rồi em lại nghĩ đến ông anh đã kéo em về với đời thường. Em đã khóc vì tấm lòng nhân hậu của anh. Em là gì của anh mới được chứ? Em chẳng là gì sất. Em là một con gái gọi. Vậy tại sao anh giang tay cưu mang em? Chỉ nghĩ đến đó là em thấy trấn tĩnh lên. Nó kéo chân em lại. Em không nỡ phản bội tấm lòng của anh… Ôi. Hình như thế nào ấy nhỉ … em thuộc về anh mất rồi. Không. Em chẳng bao giờ còn có tư cách được sống trong cái diễm phúc ấy. Em chỉ là thân phận một con gái gọi.

    Em nhớ lần đầu gặp anh trong quán rượu. Dạo ấy em làm tiếp thị cho một hãng rượu tây. Em đến bên bàn các anh, giọng chèo kéo:

 

- Em chào các anh ạ. Xin mời các anh nếm rượu của hãng chúng em.

 

- Này, một ông anh cười. À này, cảm ơn em đã mời nếm rượu. Nhưng các em dụi mắt nhìn cho kỹ nhá, các anh đây đều đáng tuổi .. là … là … anh bố của em đấy.

 

- Ơ hay, em cười tít mắt. Ơ hay nhỉ, anh của bố con cũng mời. Con mời các bác… anh của bố con nếm rượu.

 

Một anh vỗ vai em:

 

- Gọi là bác, nhưng mà xưng “em”

 

- Dạ, em lại đon đả, em mời các bác nếm rượu của hãng em ạ.

 

    Tàn cuộc đêm đó, một anh vẫy vẫy khi em đang mời rượu ở bàn khác. Em đến bàn anh, tưởng anh gọi em phục vụ. Không phải. Thì ra anh hỏi số điện thoại, rồi nháy máy cho em, bảo em nhớ tên anh, là anh Bình. Anh rút ví cho em tờ giấy hai trăm ngàn đồng. Em sướng rên. Em nói cảm ơn anh, và cũng nói anh ghi tên em là Linh. Anh hỏi em nói lại cho rõ. Em nói lại là Linh. Anh hỏi lại, là “Linh” hay là “Ninh”? Em ở quê mới lên hả. Em không “lói” ngọng đấy chứ. Anh cố tình nói ngọng để trêu em là con nhà quê mới lên chốn thị thành, phố xá. Em cười nhắc lại, tên là Linh, Linh “Lờ cao ạ”. Linh là “Linh tinh” ạ. Dạ, em không nói ngọng đâu ạ. Nói là anh, nhưng như em đã nói, đáng ra phải gọi là ông ngoại mới đúng.

    Em làm tiếp thị rượu, ra vào các quán rượu đối đáp cợt nhả với khách quen rồi. Một lần, đứa bạn trong hội tiếp thị rủ em về Cẩm Phả chơi. Cẩm Phả là quê nó. Cũng là nơi gắn bó cả cuộc đời ông ngoại của em. Nhà nó trên một con phố nhỏ, em nhớ, gọi tên là phố Lê Lợi. Con phố đổ ra đầu Dốc Trục 2. Ông ngoại vẫn kể lại, chân Dốc Trục 2 ngày xưa là một bãi rộng lầm lầy than bụi. Sáng sáng tấp nập xe tải chở thợ mỏ lên lò Lộ Trí, lên tầng Đèo Nai, cả đi Cọc Sáu nữa. Nay là một vườn hoa rực rỡ. Nhưng ông ngoại vẫn tiếc cái khung cảnh náo nhiệt của bãi xe lầm lội ngày xưa. Ông ngoại bảo, nó lầm lầy than bụi, nhưng thân thương lắm. Nó là cuộc sống một thời của ông ngoại, một thời lam lũ.

    Một buổi chiều, chúng em từ trên phố Lê Lợi ở đầu Dốc Trục 2 đi xuống. Mấy anh thanh niên mỏ đi ngược từ chân dốc lên, trêu ghẹo:

 

- Này, em thổi cơm chưa mà đã đi nhởn đấy?

 

Anh ta hỏi giọng cứ tự nhiên như thể đứa nào trong đám chúng em là vợ anh ta. Gặp phải con bạn em đáo để không vừa. Nó cười tươi ngọt xớt, nói cái giọng rất chi là lễ phép:

 

- Dạ, thưa anh, cơm em thổi rồi ạ. Cả cơm, với lại cái đầu cá, em đã trộn sẵn sàng vào cái đĩa của anh vẫn để ở đầu hè ấy ạ. Anh về ăn đi, rồi nằm một chỗ mà trông nhà. Ngoan nhá.

 

Em phì cười. Nó nói, làm như anh là con chó nhà nó không bằng.

 

Mấy thanh niên cười ha há, biết gặp con này đanh đá chẳng vừa, đành lên giọng làm lành:

 

- Hi hi. Em gái giỏi! Thế này thì anh phải về nói bố mẹ mang trầu cau sang thưa chuyện với nhà em gái thui. Anh ta nói “thui” ra cái điều thân thiết với chúng em.

    Thế là em đã làm việc được gần một năm. Em làm việc theo giờ hành chính, vì vậy anh thường chỉ có thể hẹn em vào chủ nhật. Nhưng anh bận suốt, có khi bẵng đi hai ba chủ nhật em không gặp được anh. Tự nhiên em thấy dội lên một nỗi niềm gì đó, thương anh. Ở tuổi sáu mươi như anh còn đang sung sức. Vợ anh mất đã lâu lắm rồi. Bà ấy bị ung thư dạ con. Cháu nội anh ấy chỉ kém em ba tuổi. Em sinh chín ba. Cháu nội anh ấy sinh chín sáu. Năm nay nó vào đại học. Nó suốt ngày đi chơi với bạn. Bố mẹ nó công việc bận rộn, đi sớm về khuya, có khi làm việc cả ngày nghỉ, bỏ mặc anh ấy một mình. Anh mở công ty tư vấn thiết kế gì gì đấy. Hết công việc ở công ty thì trở về với cuộc sống cô đơn. Em thương anh ấy thực lòng. Và em đã thương anh ấy theo kiểu bọn gái chúng em.

    Một lần em gọi điện hẹn anh. Nói anh vào nhà nghỉ lấy phòng, rồi nhắn tin hẹn em đến. Anh lấy phòng, nằm xem ti-vi chờ em. Đúng giờ hẹn cửa phòng kẹt mở. Nhưng không phải em, mà là con bạn em. Anh nhảy tuột khỏi chăn, mặc mỗi cái quần xịt, đứng sững như trời trồng bên cạnh giường, hỏi: “Cô không nhầm phòng đấy chứ”. Con bạn em cười nhanh nhẩu, nói một mạch: “Dạ không ạ. Em là bạn cái Linh. Nó thương anh, bảo em đến với anh, Em tên là Trang ạ. Thôi, anh làm quen với em đi”. Anh ngần ngừ, rồi bảo Trang ngồi xuống ghế cạnh bàn nước. Anh hỏi Trang làm gì. Trang bảo đi học, sinh viên năm thứ hai. Anh tròn xoe mắt, lẩm bẩm “Sinh viên năm thứ hai”… “Sinh viên à”. “Ư hứ. Hội này có cả sinh viên? Công nhân, nông dân, học sinh thi trượt, viên chức, và bây giờ có cả sinh viên”. Nó ngớ ra, không hiểu ông anh lẩm bẩm cái gì. Rồi nó cười hích hích.

    Làm quen đơn giản chỉ có thế. Và từ đấy anh qua lại với Trang. Cái nghề làm gái chúng em không rềnh rang như cưới hỏi, cũng không nhiêu khê kính mời, kính thưa, kính gửi như họp hành ở trường em học hồi trước, mà cũng không cầu kỳ như lễ hội, cũng chẳng điệu nghệ như diễn kịch, đóng phim. Thế là xong. Mà thường khi chung thủy lâu bền. Đơn giản, chung thủy không phải vì cái gì viển vông cao xa, mà một kẻ vì tiền, một người vì tình. Tiền thì thật, nhưng tình đâu có thật.

 

Anh ấy hỏi Trang, sao em đang đi học mà lại theo các chị làm cái nghề đi khách ngớ ngẩn này. Anh ta ra cái điều lịch sự, gọi là “đi khách” chứ không gọi là “làm đĩ” hay là “làm gái gọi”. Anh ta không gọi là “làm đĩ nhơ nhuốc” mà gọi là “đi khách ngớ ngẩn”. Cái bọn lắm chữ có khác. Họ làm cho mình không đến nỗi xấu mặt. Nhưng chẳng biết thật bụng họ nghĩ thế nào.

    Trang tròn mắt, sao lại ngớ ngẩn hả anh? Trang bảo, em cần tiền đi học. Em làm thân với các anh. Được các anh thương, bù đắp cho em tiền đi học. Thế là gặp may hơn lũ bạn bè. Thế là hạnh phúc chứ! Trang kể, em theo học hệ dân sự của một trường đại học quân đội. Em phải đóng học phí, phải đóng tiền nhà, phải mua sách vở, tài liệu, tiền lo lót lúc thi kiểm tra, còn phải trang trải mọi nhu cầu của cuộc sống, rồi sinh nhật bạn bè, mừng đám cưới, phúng viếng đám ma. Đủ việc. Bố Trang chết vì một tai nạn đúng hôm mưa to bão lớn, khi cùng dân làng đi cứu đê. Mẹ Trang làm nông nghiệp, Còn một đứa em trai mẹ phải gánh vác. Anh tin là Trang nói thật. Anh hẹn mỗi tuần gặp Trang một lần, cho em một triệu, mỗi tháng em có bốn triệu, một năm bốn mươi tám triệu. Anh nhẩm tính, tiền học mất mười một triệu một năm, tiền nhà mười hai triệu, vừa vặn còn hai lăm triệu cho mười hai tháng. Trừ học phí, tiền nhà, cuộc sống sinh viên thế là tạm ổn, thậm chí là còn phong lưu so với các bạn.

    Trường của Trang ở xa Hà Nội. Trang chỉ có thể về gặp anh vào chủ nhật. Một lần Trang khoe được là sinh viên giỏi. Anh lại thưởng cho Trang. Một lần vào chủ nhật Trang nhắn tin xin lỗi không về được. Anh hỏi Trang bận gì? Bận đi chơi với bạn trai à ? Hay là giận anh à? Trang bảo em không giận, em cũng chẳng có bạn trai. Chủ nhật này em bận học lớp cảm tình. Người ta đặt kế hoạch em phải được kết nạp trước khi tốt nghiệp để đạt cái gì đấy, hình như gọi là đạt “chỉ tiêu phát triển ”. Anh hỏi em làm gì ở lớp mà được theo học lớp cảm tình. Lớp trưởng à? Trang bảo, em không phải lớp trưởng, mà là bí thư đoàn.

Anh hỏi Trang, có định làm việc nhà nước không mà phấn đấu. Trang bảo chuẩn bị sẵn để lỡ xin được vào làm việc ở cơ quan nhà nước thì mình đã có cái giấy giới thiệu sinh hoạt. Nếu làm việc ở hãng tư nhân thì thôi không nộp giấy nữa. Thế là được cả đôi đường. Anh thầm khen, em gái thời nay khôn như rận. Em gái cũng phấn đấu. Nhưng chủ nhật này em gái bận đi học cảm tình thì không kiếm được xèng.

    Nghĩ đến đây anh lại thương Trang. Anh thương Trang, chủ nhật không gặp anh thì không có tiền, anh nẩy ra ý định gửi vào tài khoản ATM cho em. Anh nhác thấy em có thẻ ATM trong một lần em mở ví nhét tiền vừa nhận của anh. Vì anh gọi điện hỏi tài khoản mà anh biết được tên thật của em không phải là Trang, mà là Hoàng Lan Anh, quê ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tài khoản của em ở Ngân hàng Vĩnh Lộc.

Nghe các cụ nói, Chiêm Hóa ngày xưa là căn cứ kháng chiến, là nơi đóng quân của một cơ quan gì đó. Trên biển lưu niệm gắn chữ nổi, gọi là “Nha nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới”. Vùng đất này suốt những năm dài cưu mang kháng chiến, cứ tưởng nay đã đổi đời. Thế hệ cha ông góp tiền, góp thóc, xả thân cho kháng chiến, thế hệ cháu con bán thân mình để có cái nuôi thân.

    Thế là em chẳng giấu gì anh cả. Trường của em thì ở một thành phố cách Hà Nội khoảng dăm sáu chục cây số. Chỉ có ngày chủ nhật, Trang mới về Hà Nội gặp anh. Em chẳng giấu anh cái gì sất. Công khai hết nhân thân của gái. Gái bây giờ hay thật. Đánh bài ngửa hết. Sợ gì mà phải nói dối. Cứ nói trắng phớ ra, ai làm gì mình nào!

Các cơ quan bây giờ cũng làm ngơ cho cái bọn làm gái chúng em, làm như không biết có chúng em trên đời này. Báo chí lên án nọ kia, gọi là tệ nạn xã hội. Các cơ quan lờ tịt, để mặc cho các tệ nạn tung hoành và bọn gái nhởn nhơ. Đơn giản là vì có các tệ nạn thì nhà nghỉ mới có khách, mới có xèng để biếu xén đều đều. Thành phố càng nhiều các thứ tệ nạn thì cơ quan thu nhập càng cao.

    Con Châu khoe, thỉnh thoảng cũng được theo chân các chú cô cán bộ đi kiểm tra nhà nghỉ, ghi ghi chép chép, cũng kiếm được cái phong bì. Lần đầu tiên đi kiểm tra, nó mở ra giật mình. Được nửa triệu. Mỗi tháng đi kiểm tra nhắc nhở mươi nhà, nhẹ nhàng thôi, riêng cái Châu cũng có thu nhập bằng hai ba tháng lương. Các quan thì chắc phong bì dầy hơn. Không biết bao nhiêu. Chẳng dám hỏi. Đó chẳng phải việc mình. Nhưng một buổi trưa, sau khi gọi là đi “kiểm tra” nhà nghỉ, ông sếp ngẫu hứng mời cả hội đi ăn phở, ra cái điều hào phóng rút phong bì trả tiền, con Châu liếc nhìn. Lại giật mình hơn. Trời ơi. Hẳn sáu tờ. Gấp sáu lần nó. Hèn nào các ông bà đi nhắc nhở đều đều. Một tháng cũng kiếm vài ba chục triệu. Bằng nhà nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm suốt tháng. Con Châu được phân công viết báo cáo các hoạt động kiểm tra nhắc nhở. Cơ quan được đánh giá đầu tầu mẫu mực. Thi thoảng con Châu còn được phân công viết cái gì … báo cáo điển hình để lãnh đạo trình bầy trong những hội nghị tổng kết về phòng chống tệ nạn… của thành phố. Oách thật.

    Ờ… ờ. Em nhớ, một lần gặp con Châu nghe nó kể chuyện xong, em bảo, thế là chúng mày lừa dối cấp trên. Thế là cả thầy tớ nhà mày không lương thiện, Thế là cả thầy tớ nhà mày phải đi hoàn lương. Nó cười hí hí. Nó bảo chẳng cứ thầy tớ nhà tao, mà thầy tớ mọi nhà đều điêu trác hết. Thế là cả làng này, cả huyện này mất lương thiện. Cả làng cả huyện này phải đi hoàn lương. Thế thì trại hoàn lương không có chỗ chứa. Cũng chẳng đủ cháo loãng cho chúng nó ăn. Thôi, khỏi hoàn lương là ngon lành nhất. Với lại, trên ti-vi có ông quan to nói, cho chúng nó đi hoàn lương hết thì lấy ai làm cái việc đầy tớ của dân? Thiếu đầy tớ hầu hạ thì dân lại phải tự làm hết mọi việc, lấy thời gian đâu để làm lụng kiếm cơm và cung phụng cho bọn đầy tớ.

    Chung quy lại, chỉ còn bọn đĩ chúng em là lương thiện. Chắc vì bây giờ nhận ra bọn đĩ lương thiện, nên người ta không nói như các cụ xưa nữa, gọi là làm đĩ, mà gọi là làm gái. Gặp bạn bè khoe “Tao đi làm gái”. Còn tự hào được là “gái gọi”. Có đứa còn nói chữ, dù nó chẳng biết là chữ gì, nhưng cứ nhắn tin cho nhau gọi là “Call girl”. Với vốn liếng ngoại ngữ học đến lớp mười một, em biết chắc đó là tiếng Anh. Bây giờ có cái mốt hơi tí thì lại xổ tiếng Anh. Học tiếng Anh đến lớp mười một, nay quên sạch. Chỉ nhớ các ông anh dạy đánh chữ nhắn tin là như thế. Có đứa còn khoe cả danh sách dài dài các ông anh đủ hạng trong danh bạ điện thoại. Có đứa còn khoe một lô những cái gọi là “vi dit”, ghi đủ thứ chức vụ, cả đại gia, cả các ông … gọi chữ là “trưởng trưởng tá tá” gì đó, như là vụ trưởng, cục trưởng, trưởng ban, trưởng phòng, có cả cái gì… thứ với cục, rồi trung tá, đại tá. Chẳng ngượng ngùng gì. Chẳng thấy tê tê ở lưỡi, sởn sởn ở gáy chút nào.

    Một lần đăng trên báo chí vụ vây bắt ở nhà hàng “Lữ Quán”, người ta kê trên báo “ vi dit” của một xâu trưởng tá. Các bố thanh minh thanh nga, rằng đó là nhân viên chơi đểu thủ trưởng, ăn trộm “vi dit” của thủ trưởng để huênh hoang với các em. Ở xứ này hay thật. Chơi gái mà cũng khoe nhãn mác. Họ không hiểu rằng em gái thì chỉ cần xèng. Có xèng thì anh nào cũng hay hết. Tướng cướp chơi gái cũng được xếp ngang bằng với các vị “trưởng trưởng tá tá” chơi gái. Mà tướng cướp thường khi có giá trị cao hơn các vị kia, vì nó vung xèng thoải mái hơn các vị. Mà các vị đâu có đưa xèng cho các em thân tình như tướng cướp. Nó ra bộ khinh các em. Xèng đã có một ông anh bao cho cả lũ. Bọn gái chúng em ngồi thành hàng dài để các ông anh chỉ trỏ cho các vị trưởng tá lựa chọn. Rồi ông anh xỉa xèng cho từng đứa. Xong thì chúng em đưa các anh trưởng tá vô buồng.

    Chúng em gọi tướng cướp là đại gia, gọi tá trưởng là quan chức. Đại gia cung phụng quan chức cả việc đi chơi gái. Có anh đại gia kể chuyện những quan chức vào loại đẳng cấp cao trong số trưởng trưởng tá tá, gọi là … gì đấy … thứ với cục … còn thản nhiên tốc váy các em, tụt xịt các em, rồi làm việc hùng hục, cần cù ngay trong phòng karaokê trước mặt mọi người. Bọn đốn mạt như vậy đấy.
Ối dào. Thế mà khi ngồi vào bàn quan chức, chúng nó vênh vang phải biết. Mon men xin việc mà nó nắn phong bì thấy mỏng thì đừng hòng thưa gửi.


*

Vậy là em đã quyết định xong. Em quyết định bỏ cái xí nghiệp ở gần Bắc Ninh để về Hà Nội. Em tìm đến chị chủ nhà cũ của em xin trọ. Chị hỏi "Em không làm xí nghiệp nữa à?" Em cười nói cho qua chuyện "Đói lắm chị ơi"

Thật ra không phải em bỏ xí nghiệp vì đói. Vì em được xếp loại tay nghề tương đối. Lương cũng không đến nỗi nào. Em vẫn gửi đều đều bù cặp cho mẹ em ở quê như khi làm gái.
Bỏ xí nghiệp em buồn lắm. Buồn vì mọi người tốt với em. Buồn vì em đã phản bội anh đại gia của em. Em bỏ xí nghiệp vì lý do khác.
Em bỏ xí nghiệp … để quay về con đường xưa em đi.
Em sẽ kể ngay bây giờ.
    Em tính lại rồi. Em sinh năm chín ba, hai mốt tuổi. Em thấy có chị tám mốt vẫn đi khách. Như vậy là em còn đi khách được mười hai năm nữa. Mỗi ngày cứ cho là em có một anh khách, thật ra có ngày em đi vài ba khách. Như vậy mỗi tháng ăn tiêu rồi em vẫn còn để ra được ngót nghét cây vàng. Mỗi năm bỏ rẻ em cũng kiếm cả chục cây. Mười hai năm nữa em có khoảng trăm cây. Em sẽ dành dụm, tích góp. Đến ngày hết mã làm gái, em về quê dựng căn nhà, mở cửa hàng bán quần áo hoặc bán giải khát. Vẫn kiếm được. Mình có xèng, có cửa hàng, tìm chồng dễ như bỡn, khối thằng nộp đơn. Em sẽ chọn một thằng không thượng cẳng chân hạ cẳng tay với em, không rượu chè, không nghiện hút, cần cù, dễ bảo. Chẳng cần bác sỹ, kỹ sư gì hết. Một lũ danh hão, vô tích sự. Tiến sỹ càng nhảm nhí. Dài lưng tốn vải. Lại phải thuê ô-sin hầu hạ chúng nó. Chồng em phải là một anh chàng hiền lành. Em sẽ sai hắn đi chạy hàng cho em. Rồi em sẽ đẻ con với hắn. Xong rồi hắn bỏ em theo con khác cũng được. Mà nếu hắn quậy phá thì chính em là người bỏ hắn. Em sống với con em.

    Em tính với chị chủ nhà. Chị khen em chí thú. Chốc chốc chị lại suýt xoa thương em. Chị bảo, thôi, em mới về khó khăn, phải tìm lại khách cũ, ba tháng đầu chị chỉ lấy tám trăm tiền nhà. Từ tháng thứ tư mới thu một triệu như trước.
Em cảm ơn bà chị. Bà chị thật tốt với em. Lúc đầu không phải là ý chị, mà là con bạn cũ của em, cũng bọn gái với nhau cả. Nó đang thuê nhà chị. Nó bảo em, mày bỏ nghề cả năm, bây giờ phải làm lại từ đầu. Mày còn khó khăn, tao đỡ cho ít tháng. Cái phòng này tao thuê chung với một con bạn cũng làm gái. Chị chủ lấy chúng tao hai triệu, mỗi đứa tao góp một triệu. Nó đi lấy chồng rồi. Mày vào thế chỗ nó. Mày mới về tao đỡ cho. Tao góp triệu hai, mày tám trăm. Ba bốn tháng khi có khách đều đều thì mày cũng góp một triệu như tao.

    Chị chủ nhà nghe thấy, cười con bạn em phân chia. Chị khen nó tình cảm, khen nó thương bạn, khen nó tốt với bạn. Chị bảo, thôi, chị đỡ cho chúng mày. Con Nga, bạn em, chỉ đưa chị một triệu thôi, con Linh tám trăm.
Em đã định dứt bỏ cuộc đời làm gái, định vứt cái sim ghi địa chỉ các anh, nhưng nghĩ thế nào em giữ lại, thi thoảng nạp dăm chục để không bị hết hạn sử dụng sim. Thế mà may.
Chưa đầy ba tháng em đã nối lại hết liên lạc với tất cả các anh. Điều em lo nhất là các anh đi hoàn lương hết cả, không đi chơi với bọn gái chúng em nữa. Nhưng may là chẳng anh nào hoàn lương hết, mà ngược lại, nói vụng các anh nhá, số các anh cần hoàn lương lại tăng thêm, anh nọ kéo thêm anh kia.
Thì ra nghề này vẫn đắt khách. Em lại được các anh cho xèng đều đều. Em vừa gửi về quê, vừa mua vàng để dành làm vốn.


*

    Bây giờ em kể chuyện em bỏ xí nghiệp.

Nói đúng ra, em bỏ xí nghiệp vẫn là lý do xèng. Làm xí nghiệp thì cái món xèng eo hẹp hơn nhiều so với làm gái. Nhưng em đã quen và chấp nhận. Quyết tâm đi theo con đường mà mọi người gọi là hoàn lương. Nhưng như em đã nói, cái đám con Châu và mấy ông sếp của nó mới đáng phải đi hoàn lương.
Em làm gái còn thấy mình có một cái mà không phải bọn gái nào cũng nói ra được. Đó là em có nhiều dịp để phán xét các ông quan chức… Đời làm gái giúp em ngộ ra, đúng như các cụ nói… “Ngồi bàn quan ngó như thần. Lăn vào với gái quan cũng … tần mần như ma". Quan cũng làm đủ các trò ranh mãnh chẳng kém gì bọn ma cô.

Em đã nói đấy, làm gái em phải kiếm mỗi tháng cả cây vàng. Suốt một năm làm xí nghiệp em kiếm chỉ đến bẩy triệu một tháng là kịch. So với làm gái thì bẩy triệu là mạt hạng. Nhưng bẩy triệu đã là khoản tiền bạn bè ngưỡng mộ rồi đấy. Vì thế mà em thấy yên thân. Không đòi hỏi gì cao xa hơn thế.

    Nhưng rồi… Cuộc đời này cứ bị cái "nhưng rồi" nó bẻ mình đi vào những khúc ngoặt mà mình không thể nào tính trước. Nhưng rồi … gia đình em gặp một tai họa quá bất ngờ. Chuyện này đã được đăng trên các báo và đăng cả trên mạng. Bọn gái chúng em có iPhone đọc hết.

Một thằng cháu gọi mẹ em là bà trẻ lao đầu nghiện hút. Nó ăn cắp hết sạch đồ của bố mẹ để bán kiếm tiền hút hít. Lần này khát thuốc, ở nhà không còn gì để ăn cắp nữa, chạy đến xin tiền mẹ em. Mẹ em nghĩ thương tình, cho nó bốn chục đủ mua một tép. Nó năn nỉ đòi thêm, mẹ em bảo bà chỉ có thế. Nó lại năn nỉ tiếp, mẹ em bảo mày về xin bố mẹ mày. Nó chửi thề, bảo mẹ em, bà trẻ đã ki bo lại còn nhiễu sự. Ông mà xin được tiền của bố mẹ ông, thì ông sang hỏi bà trẻ làm đéo gì. Nó bắt đầu đỏ mặt văng tục. Mẹ em không nói gì. Nó lại chửi thề lên giọng quát tháo đòi bà cho thêm. Mẹ em vẫn không cho, nhưng lại nói nó này nọ theo thói quen răn dạy con cháu của mấy bà già. Nó cáu. Bảo bà đéo cho thì câm mồm đi. Nói lắm đéo chịu được. Nó vứt hai tờ hai chục ngàn xuống nền nhà, lấy chân di di đạp đạp, nhổ toẹt một bãi nước bọt, định bỏ đi. Nhưng nghĩ thế nào nó quay lại, nói ông đéo cần, ông đi trấn lột, ông đéo bà cháu gì sất. Mẹ em uất quá chửi nó là đồ hỗn. Nó quay ngoắt lại, rút dao ra … hét lớn: “Hỗn cái đéo gì ? Hỗn cái mả con mẹ mày à? Con già có câm ngay cái mõm đi không, ông lại xía cho dăm nhát dao này bây giờ". Mẹ em càng uất ức với thằng cháu, quát: "Xéo ngay, tao không có hạng cháu như mày". Nó nổi khùng tiến sát mẹ em… A… a… Con đĩ già đã ki bo lại còn lắm điều… Này lắm điều. Tao cho mày ra bã. Tao cho mày đi theo ông trẻ tao … Cho mày chết mẹ mày đi. Thế là thằng cháu xỉa bà liên hồi mấy nhát. Mẹ em ngã gục trên vũng máu.

    Em thương hai đứa em. May có bà dì em đến ở với chúng nó đỡ đần. Nhưng em phải lo kiếm tiền, lo đời sống, học hành cho hai đứa em. Bây giờ làm gái là nghĩa vụ trước hương hồn của mẹ. Em phải thay mẹ nuôi các em trưởng thành. Làm ở xí nghiệp thì không thể nào đủ tiền lo liệu. Em tính rồi, em còn mười mấy năm làm gái. Chừng ấy năm đủ thời gian để các em học hành thành đạt. Em còn phải lo dành cả tiền để xin việc cho chúng nó.
Em không muốn nói ra cái sự tình ấy, nhưng đột nhiên trong lúc chị em chuyện trò, chị chủ thấy em đeo giải băng đen trên ngực, hỏi em có chuyện gì ở nhà sao? Em bảo vâng, rồi kể cho chị nghe. Kể với chị xong em nhận ra mắt chị chớp chớp liên hồi … đỏ hoe, đẫm ướt.

Mẹ ơi, hồi còn sống mẹ cứ truy hỏi con làm nghề gì mà mày lắm tiền thế. Với cái nhạy cảm phụ nữ, mẹ có ý nghi ngờ em. Nhưng mẹ không nỡ buộc tội. Bây giờ em khấn mẹ. Mắt em nhòa đi mãi. Mẹ ơi. Con mất mẹ rồi. Con mất mẹ thật rồi. Mẹ ơi, con thương mẹ. Mẹ ơi, con xót mẹ. Bây giờ con không giấu mẹ nữa. Mẹ tha tội cho con. Con làm đĩ. Con làm đĩ đây. Con nguyện làm đĩ để đỡ đần các em thay mẹ.

    Đang nửa câu chuyện thì cái iPhone đặt trên bàn réo nhạc tình tang liên hồi. Em nhấc điện thoại, xin lỗi chị chủ nhà:
- Dạ, em nghe đây ạ… Vâng, em đây ạ. …Dạ, em chào anh… Em đang xem ti vi với chị chủ nhà…. Thế ạ… Anh đợi em chút xíu nhá… Phòng bao nhiêu ạ… Vâng
Em tắt điện thoại. Chải vội tóc. Tô lại son trên môi. Sửa lại váy áo ngay ngắn. Tháo dải băng đen trước ngực. Chào mọi người. Đeo núm nghe nhạc cắm vào iPhone. Rồi em bước ra cửa. Xỏ giầy. Vụt chạy khỏi nhà.

    Em bước vội. Em chạy miệt mài. Điệu nhạc từ iPhone vẳng bên tai em.
Giai điệu làm em não lòng qua giọng hát ai oán của ca sĩ Khánh Ly.
“Đi về đâu hỡi em?
Khi trong lòng không chút nắng "…
Giọng hát mượt mà bên tai hòa quyện trong nhịp rảo bước chân em.
"Em về đâu hỡi em?
Có nghe tình yêu lên tiếng…
Nỗi đau hay niềm cay đắng.”
“Đời nhẹ nâng bước chân em…”
“Đi về đâu hỡi em? …Một đời em mãi lang thang…”
…… “Đi về đâu hỡi em.”
Chị Khánh Ly ơi. Em đi về nơi ấy.
Em đi về phía con đường xưa em đi chị ạ.


Bãi biển Thiên Cầm, Mùa Thu 2014

Phạm Hoài Vũ
Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3

304Đen – Lượm lặt trên trang mạng