Saturday, March 7, 2015

Nhà Thơ Từ Trẩm Lệ - Thọ Ân


Nhà Thơ Từ Trẩm Lệ
 

Một bất ngờ  

Tôi xưng là người Tây Ninh nhưng thực ra không biết nhiều về TN, nhứt là giới văn nhân nghệ sĩ. Lúc còn trong nước hay cả lúc đi tỵ nạn nơi xứ người, tôi cứ bị cuốn hút vào văn, vào thơ, vào nhạc của những văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung như Nhất Linh, Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương…… hoặc là người miền Nam mà xa lắc ở đâu như Bình Nguyên Lộc ở Biên Hòa hay Sơn Nam ở Hậu Giang. Tôi đâu ngờ rằng rất gần tôi, tại tỉnh nhà, có những nhà văn nhà thơ cũng rất tài hoa, văn chương sắc sảo nhưng vì những lý do nào đó họ không được nổi tiếng.
Anh Vương Văn Ký mới về Việt Nam đem qua 3 quyển tập, dưới dạng photocopy, 2 quyển nói về thân thế và sự nghiệp của Thanh Việt Thanh và Thẩm Thệ Hà và một quyển thơ viết tay của Từ Trẩm Lệ. Thanh Việt Thanh và Thẩm Thệ Hà hồi trước tôi có nghe danh, nhưng đâu ngờ một người một người sinh quán tại Gò Dầu chính là nơi gia đình tôi đang cư ngụ, còn một người là dân Trảng Bàng chỉ cách Gò Dầu 12 Km. Nhờ sự gợi ý của anh Ký, tôi xem lại quyển “Tây Ninh Xưa Và Nay” của Huỳnh Minh thấy rằng Tây Ninh cũng có nhiều văn thi đàn và nhiều nhà văn nhà thơ như Phan Yến Linh, Lê Hữu Tài, Phan Phụng Văn, Võ Trung Nghĩa, Hoài Trinh, Nguyễn Trường Anh….Nhưng nhà thơ làm tôi chú ý nhứt là Từ Trẩm Lệ (TTL), một người lúc còn học tiểu học tôi gần như nhìn thấy ông hàng ngày, và nghe nói ông có làm thơ nhưng đâu ngờ những dòng thơ mang nỗi niềm u uất làm cho tôi rất xúc động.


 

Gia Thế

Người ta nói nhựt tân, nhựt tân, nhựt nhựt tân, qua thời gian, Gò Dầu cũng đã thay da đổi thịt. Nhà cửa, đường xá, phong cảnh, con người, mọi vật đều đổi mới, nhưng nếu là người cố cựu có lẽ ai cũng biết gia đình ông đốc Trần Văn Hổ. Đây là một gia đình danh giá theo đúng nghĩa của thời thập niên 1950 và trong phạm vi một quận lỵ. Ông là hiệu trưởng trường tiểu học, khi về hưu còn lưu lại dạy thêm mấy năm và tôi là học trò của ông trong thời gian nầy. Con ông, rễ ông, người nào cũng “hay chữ”. Ông Tư Đức là Hiệu trưởng trường tư Hữu Đức, nổi tiếng chuyên dạy luyện thi đệ thất. Cô Bảy Tỵ dạy tiểu học, chồng cô là thầy ký quận. Người con út tên Lương là một chuyên viên cấp cao trong ngành cảnh sát đặc biệt ở Sài Gòn thời VNCH. Người anh em chú bác của ông là cố quận trưởng Trần văn Giám…..
Nhưng gia đình ông di truyền một chứng bịnh kỳ lạ. Lúc ông Đốc Hổ ở tuổi 60, lưng khòm thấp xuống, khi muốn nói môi giựt liên hồi. Ông Tư Đức vai xệ một bên, lưng cũng khòm. Một ông nửa, có lẽ là người thứ sáu, chuyên nằm một chổ đọc sách. Và hình ảnh tôi nhớ nhứt là ông thứ năm Từ Trẩm Lệ, gương mặt phương phi, mủi cao, mắt sáng, mỗi buổi sáng chưn thấp chưn cao chống gậy đi chợ. Nhà ông cách chợ Gò Dầu độ 200 thước và tôi là đứa trẻ con nhà nghèo, thường phụ Má tôi coi gian hàng trong chợ nên thường trông thấy ông.

Sự nghiệp
Dầu chưa một lần tiếp chuyện với ông nhưng đối với ông, tôi cảm thấy thật gần gủi, vì ông Đốc Hổ thường nhờ học trò, trong đó có tôi, về nhà làm việc lặt vặt. Gia đình ông gồm toàn những người có học, tôi rất hâm mộ, và thời thơ ấu, ngôi nhà của ông là niềm mơ ước thầm kín của tôi. Nhà lai kiểu Pháp, chung quanh có vườn, ngoài cổng là đường xe, bên kia đường là bến sông tàu đậu. Qua ĐS/TNMY, tôi muốn giới với bạn bè những gì tôi cho là quý báu của quê mình, nên mỗi khi anh Ký về Việt Nam tôi đều có nhắc làm sao tìm tài liệu để viết về nhà thơ Từ Trẩm Lệ. Nhưng anh Ký cho biết rằng ông đã chết, không vợ con, văn thơ giấy tờ để lung tung, thất lạc. Nhưng kỳ nầy anh gặp may, có một vị rất yêu thơ người Gò Dầu trao cho anh một quyển photocopy thơ chép tay của Từ Trẩm Lệ.
Tập thơ gồm 35 bài, nhiều bài rất dài, cở 50, 60 câu, có bài dài trên 100 câu. Không biết TTL đã làm bao nhiêu bài thơ, đã có xuất bản tập thơ nào chưa, hay đây là tập thơ duy nhứt của ông. Kèm tập thơ có một bài giới thiệu của một vị tên là Văn Xuân viết năm 1995:
“Nhà thơ Từ Trẩm Lệ tên thật là Trần văn Hinh, sinh năm 1925 tại Gò Dầu-Tây Ninh trong một gia đình giáo học.
Sau khi học hết tiểu học ở trường Gò Dầu Hạ, Từ Trẩm Lệ thi đậu vào trường trung học Petrus Ký (bây giờ là trường Lê Hồng Phong). Nhưng đến năm thứ hai chuẩn bị lên năm thứ ba thì Từ Trẩm Lệ bị trọng bệnh, gọi là sơ cứng cột sống, phải nghỉ học.
Từ ấy Từ Trẩm Lệ thành người có tật, luôn luôn chống gậy, đi đứng với dáng điệu cứng đơ cột sống.
Do nghỉ học sớm, Từ Trẩm Lệ bắt đầu sự nghiệp thơ của mình trên các báo Việt Bút, Ánh Sáng…từ những năm 1946-1947 và lăn lóc nhiều năm trong làng báo. Sau đó, chán cảnh phồn hoa, từ Trẩm Lệ trở về quê dạy học nhưng vẫn luôn luôn gởi bài cho các báo như Thẫm Mỹ, Bông Lúa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Mã Thượng, Nhân Loại, Văn Đàn, Thời Nay, Phổ Thông, Vui Sống…
Từ năm 1984 trở đi, một lần nữa Từ Trẩm Lệ lâm trọng bệnh, bị liệt nửa thân, phải nằm một chỗ trong hoàn cảnh khó khăn như bài viết của nhà thơ Thanh Việt Thanh trên Tuổi Trẻ ngày 18-4-1991. Hiện nay Từ Trẩm Lệ đang nằm điều trị dài hạn tại Bệnh Viện Y học Dân tộc Tây Ninh.”

Anh Ký cho biết TTL đã qua đời năm 1998 thọ 73 tuổi.

Mơ làm chinh khách
Năm 1945 TTL được 20 tuổi, cái tuổi của mộng mơ và tràn đầy nhiệt huyết. Âm vang của Cách Mạng Mùa Thu tỏa rộng khắp nước. Hàng hàng lớp lớp trai gái hăng hái lên đường theo tiếng gọi non sông, đánh đuổi thực dân Pháp đang theo gót quân Anh tái chiếm Miền Nam. Việt Minh lại khéo tuyên truyền, nhiều bài hát được tung ra lại càng làm nức lòng những chàng trai trẻ:
“Nầy anh em ta, cùng nhau xông pha lên đường,
Kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông, từ nay, ra sức anh hùng….”

Hay:
“Nầy thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi, đi, đi kiếm nguồn tười sáng…”

Hoặc:
“Mùa Thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sang hà nguy biến,
Rền khắp trời, lời hoan hô, dân quân nam nhịp chân tiến đến trận tiền…”

TTL cũng ghi lại cái không khí rộn ràng chuẩn bị kháng chiến như sau:

Đêm chưa loảng, canh sâu còn vương vít
Trên phố phường, thành nội ngủ im hơi,
Tuy nhiên trên đường phố khắp nơi nơi
Vẫn vang dội nhịp đều chân ai bước
Đoàn chiến sĩ dân quân đang rạo rực,
Súng hờm tay, tuần vãng khắp Đông, Tây.
Tin báo nguy loan chạy mấy hôm rày
Nghịch huy động. . .tình hình đe căng thẳng.
Khắp già, trẻ, gái, trai đồng đã sẳn
Chực đê bờ ngăn vỡ nước ngoại xâm.
. . . . .  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . .
(Ghi một thời gian)

Lúc đó Tây Ninh có nhiều thanh niên, công chức bỏ nhà, bỏ sở ra đi, trong đó Thanh Tra Học Chánh Trần Văn Hương, (Tổng Thốngï VNCH năm 1975-Xin xem bài… ) là thủ lãnh. Về sau có người vỡ mộng quay về, nhưng đó không phải là tâm trạng của Từ Trẩm Lệ. Ông chưa chạm vào thực tế, ông dừng lại ở điểm đứng mộng mơ. Cái gì thèm muốn mà chưa đạt được con người thường có tâm trạng rạo rưc,ï háo hức. Ông mơ về một chân trời mới lạ, hào hùng, là nơi có thể thỏa mản cái chí tang bồng hồ thỉ:

Một đêm mơ thấy làm chinh khách
Đi cứu non sông họa quốc thù
Ta đi trong giữa bờ lau lách
Kiếm rạt rào khua trận gió thu

Ta đứng trên đồi cao lặng ngắm
Aâm thầm non nước hận chông gai
Những giòng máu chảy loang lòng đất
Rền rĩ hồn ai vất vưỡng bay
. . . . . . . .  . . . . . . . .  .. . . . . . . 
Ta vung ngọn kiếm thét căm hờn,
Buông vụt mình trong đám địch quân
Đường gươm loang loáng lùa xông xáo
Đầu rụng người rơi ngập  bãi tràng
 . . . . . .  . . . .. . . .. . . . . . . . . . . . .
(Tan cờ chinh phục)

 Tráng sĩ ra đi rữa hận quốc thù thì phải có cảnh biệt ly nhiều nước mắt. Bến sông chiều em tiễn đưa anh, lòng đau xót nhưng không dám đổ lệ nhiều vì sợ “tiếng cười” thường tình nhi nữ:

Trời vẫn mây mù, mưa hắt hiu
Em đưa anh đến bến sông chiều
Chẳng đem khúc hận sầu reo rắt
Không cả như mưa đổ lệ nhiều.

Phong yên đã dấy khắp biên ngoài
Non nước chờ mong những tuổi trai
Chút thường nhi nữ em đâu dám
Mà để nam nhi một tiếng cười.

 Nhưng mà khi anh bước xuống đò, thuyền tách bến, xa nhau biết bao giờ gặp lại. Em cố dằn lòng nhưng lệ em rơm rớm rồi tràn mi; em xót xa nấc nghẹn, anh nhẹ nhàng vuốt ve, khuyên giải:

Anh xuống con đò, em đứng trông
Người anh đi cứu giải non sông
Em mừng hay xót, cho rơm rớm
Nước mắt tràn mi, nghẹn má hồng

Đò đã gay chèo, chở lối sang,
-Tình ta thêm rộng giưã giang san
Rồi đây mây gió, hồn em sẽ
Dõi bóng anh trên khắp bãi tràng.
(Khúc nhạc ly tình)

 Giã biệt em anh đi vào chiến khu, nơi rừng sâu xanh ngát, nơi chất chồng bi thương gian khổ nhưng hùng tráng:

Đây chiến khu, những ngày nào giông bảo
Nơi đầu xanh len ẩn lá ngàn xanh,
Nơi tóc dựng căm gan, hồn kiêu ngạo
Nơi máu hùng sôi sục, mắt long lanh
 . . . . . .. . . . . . . .. . .. . . . . . .. . . . . . .
Ôi! rừng hoang, xương đã tan vào đất,
Cỏ cây nầy máu tẩm dấu hi sinh
Ôi! rừng hoang, mồ bao trang tài sắc
Hận quốc thù, dẫu dãi nợ quân binh.
. . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . . .. . . .  . .
(Về qua chiến khu)

 Đời chinh khách phải lạnh lòng nơi chiến địa, nhưng tác giả là một nhà thơ với con tim nhạy cảm, đã thấy kinh hoàng, sầu khổ khi một chiều lạc bước trên chiến địa:

Ta lạc bước một chiều nơi chiến địa
Vắng hoang tàn, không khí rợn tha ma.
Trên từ ng không, một vừng trăng mai mĩa
Hay ngại ngùng?. .ánh lộng quá phôi pha.

Dưới lớp cỏ, côn trùng than rên rỉ,
Thây người nằm la liệt, lặng lờ im,
Họ nằm ngủ giấc buồn luôn vạn kỷ
Lạnh trời cao lạnh cả gió trang nghiêm
. ..  . . . . . . . . . . . . . . . . .. ..  … .. .. 
Ta lóng đợi tiếng gà không thấy gáy,
Hay đất trời mê sảng lặng tiêu rồi?
Khối địa cầu chỉ sót đây còn lại
Một mình ta nhìn với những đống thây!

Ta buồn rầu, đứng lên đi lảo đảo
Vấp vào thây, loạng choạng  . . . lững lờ đi.
Ta hướng bước, xua trên từng vũng máu,
Tìm mặt trời đem đốt hết tử thi!
(Tìm mặt trời)

 
Mặc cảm tội lỗi
Căn bịnh quái ác đã làm giấc mơ của ông tan vỡ. Một người cột sống cứng đơ, chân bước khó khăn thì không thể nào làm chinh khách, không thể có cơ hội vào chiến khu hay lang thang nới chiến điạ. Nhưng tổ quốc đang réo gọi, những chàng trai, những cô gái bạn bè ông đang ngaỳ đêm chiến đấu bảo vệ quê hương. Ông cảm thấy thẹn lòng, tủi nhục, buồn bả và muốn thốt lên lời tạ lỗi:


Lỡ cả nam nhi, thẹn bách tùng,
Bút sầu tựa án, ngại chiều đông, 
Vi vu tưởng tiếng gào sông núi,
Gió bấc như khơi dục buốc lòng.

Mà biết phong yên, nhục phủ phàng
Người về khoác áo hận giang san
Đường lên sông núi tràn thương nhớ.
Và gió và mưa chỉu kiếm đàn.
 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
Ngơ ngẫn đêm về đêm nhớ thương
Bơ vơ chút gió lịm bên đường, 
Nét son lẫn khuất màu đen tối
Tiếng động mồ côi rã dưới sương

-Thà như chiếc lá rụng chiều phong!
Nhưng. . .nói làm sao?-nghẹn cả lòng!
Ai có về trên hồn xã tắc,
Cho ta tạ lỗi, thẹn tang bồng.
(Lỗi một lòng trai)

 Mặc cảm tội lỗi bàng bạc khắp mọi sinh hoạt đời thường của ông. Nhìn một bửa tiệc vui vầy trong thành nội, ông ray rức tưỏng nhớ đến người chiến sĩ đang xông pha nơi làn đạn muĩ tên. Ông viết bài thơ dài đến 95 câu mô tả cái tâm trạng buồn bả của mình:

Anh đi làm chiến sĩ
Nổ súng bên rừng xa
Tôi nằm đây mõi chí
Đêm đêm não tiếng gà
. . . . . . . . . .. .. .. . ..  .
Buồn mở xa viễn vong
Sầu nghe máu nhuộm thành
Bốn phương mờ gió lộng
Bao hướng đổ rừng xanh
. . . . . . . . . . .. . .. .. … . . . .
Nghìn lệ đắng máu tanh
Mà rượu đàn hỉ hạ
Mà yến tiệc linh đình
Mà trau duyên sửa dáng
Kinh thành ơi! kinh thành
(Bức thư tâm sự thành nội)

 Nghĩ về một chiến sĩ cang trường sa cơ thất thế, đang bị đối phương hành hạ chốn lao tù, ông cảm thấy buồn đau tủi nhục:

Anh là kiếp hùm thiêng trên ngàn thẳm,
Phút sa cơ, mất vuốt giữa kinh thành,
Cốt oanh liệt in tầng mây vạn dặm
Anh hôn vào tay nắm gởi rừng xanh

Anh đứng giữa ngục tù chôn anh lại,
Anh nhìn tôi gầy gõ bước bên đường.
Anh mĩa mai hay là anh thương hại
Mà môi anh vừa thoáng nét u buồn?
(Anh và tôi)

 Trên lầu hương phấn, bên người đẹp má hồng tưởng rằng vui vẻ sung sướng nhưng mặc cảm tội lỗi vẫn theo ông dày vò:

Ai bỗng đem tôi bỏ chốn nầy
Giữa trời trang điểm má hồng say,
Riu riu phách lịm giòng ma tuý,
Tửu lộng mềm môi cháy đuốc mây.
 . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . . ..  . . . .
Em sát vào ta, kẽo lạnh lùng.
Ơ kìa trăng rọi mái trên sông,
Ai phi vó ngựa qua cầu trắng
Động mảnh tô(?) trăng rớt trập trùng.

Lệ ứa làn mi, lệ ứa mi.
Thoát mờ trăng thoáng bóng người đi
Cho ta ly nữa, cho ly nữa
Ta muốn đêm nay chẳng biết gì.
(Say mùi hương phấn)

 
Tiếng kêu trầm uất
Còn nhiều, nhiều nữa những câu thơ nói về tủi nhục, u buồn. Ông muốn sám hối, ông muốn tạ tội nhưng nào có vơi được niềm ưu uất nên đôi khi ông gần như cuồng loạn. Đọc 35 bài thơ với trên ngàn câu chữ ta nghe như vang rền tiếng kêu trầm uất. Xin hãy lướt qua vài tựa bài: Sám Hối, Một Đêm Mưa Loạn, Cuồng Đau, Cuồng Ngày Xuân, Hồn Trong Thâm Tối, Đau Thương, Nhạc Hồn, Cuồng Loạn v.v  . . . Trong bài Ngày Mai, Ngày Mai, ta tưởng rằng có những gì tươi vui hi vọng, nhưng không, chất cuồng vần đậm nét:


Nằm đây, nằm đây
Ta nằm đây chết mãi không hay
Bao ngày bao tháng thời gian hỡi,
Hồn buồn như mộ, xác như thây

Nằm đây, nằm đây
Ta chết bao giờ ta chẳng hay,
Bôi lên mây trắng, rũ ra cười
Gỏ nhịp xiêm nghê hát lạc loài.
(Ngày Mai, Ngày Mai)

 Trong bài Một Đêm Mưa Loạn, ông tìm vui trong hương phấn nhưng sầu vẫn dâng cao , cuồng cũng thét gọi đến đổi phải cắn vào tay cho rõ máu để nghe run rẫy cả linh hồn:

Ta thấy nghẹn toàn thân, say rũ rượi.
Vượt mình trên hành lạc, thẩn thờ đau
Ta cúi giữa chua cay, đầu chới với
Tưỡng đang nhìn ác mộng giưã chiêm bao.
 . . . . . . . . .  . . . . . . . . . . . .. .. . . . . .  .
Cắn vào đây cho sầu ta rõ máu,
Để ta nghe run rẫy cả linh hồn
Aáp vào đây đầu em, cho gió bảo
Dừng bên ngoài-ta đợi chút tình thương!
(Một Đêm Mưa Loạn)

   
Kết.
Ít có nhà thơ nào tha thiết yêu thương non sông đất nước đến như vậy và cũng rất ít nhà thơ bày tỏ được những cảm xúc của mình mạnh mẽ đến như vậy. Thơ là “tiếng lòng” của những người nhạy cảm. Tiếng lòng của những chàng trai mới biết yêu lần đầu, tiếng lòng của những cô gái gặp phải duyên tình dang dỡ. . . Thì xưa nay Việt Nam ta có biết bao nhiêu tập thơ tình và biết bao bài thơ hay nhưng những người có tâm tính hơi bất bình thường như Hàn Mạc Tử, như Buì Giáng, như Từ Trẫm Lệ v.v. … . .thì tiếng lòng của họ có vẽ thống thiết và vang dội nhiều hơn. Đọc hết tập thơ Cuồng Loạn ta thấy đâu đâu cũng có cảnh điêu linh của dân tộc, cảnh tàn phá của đất nước, cảnh hào hùng của chiến sĩ cam chịu gian khổ hiểm nguy, cảnh hoang tàn nơi chiến địa thây phơi máu đổ, cảnh bi luỵ chia ly, cảnh ngục tù xiềng xích. Rồi cái tâm trạng buồn đau, tủi hổ của Từ Trẫm Lệ từ thiết tha buồn chán, rồi mặc cảm dày vò rồi lần lần đi đến u uất, cuồng nộ.
Có một điều rất lạ là tại sao cảm xúc cuả ông xem ra rất thật, trong khi người ta tưởng rằng điều kiện sức khoẻ không cho phép ông tiếp cận với cảnh, với tình, với chất liệu mà ông thường tả trong thơ, như chiến khu, chiến địa, bến sông hay cả trên lầu hương phấn. . . Nếu là tưởng tượng, là hư cấu  mà lời thơ ào ào tuông ra trong những bài trường thiên  với ngôn ngữ rõ ràng, dứt khoát, với ý thơ dạt dào, với hình tượng sống đôïng và nhứt là đã gây được xúc động mạnh mẽ cho người đọc thì quả ông cũng là một nhà thơ tài hoa.
Xin nhắc lại, ngoài tập thơ Cuồng Loạn, ta không biết thi sĩ đã làm bao nhiêu bài thơ, đã xuất bản tập thơ nào hay chưa, nên việc điểm thơ và tìm hiểu dòng tư tưởng và cảm xúc của tác giả rất khó. Xét nội dung những bài trong tập thơ Cuồng Loạn ta chắc rằng những bài thơ nầy ra đời trong giai đoạn 1945-1954, những năm chiến sự tàn khốc, (Việt Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân  Pháp dành độc lập cho dân tộc?) Nhưng rồi sau hiệp định Genève, Miền Nam tương đối có sự an bình cởi mở trong mấy năm, suy nghĩ về bạn thù cũng có thay đổi, và người ta vẫn thấy TTL cũng với nón nỉ, củng với baton thường khập khiểng bước đi ngang qua chợ Gò Dầu. Lúc nầy ông còn buồn chán, còn u uất không? Và sau đó nửa, cả đất nước Việt Nam bước vào một cuộc chiến tranh còn khốc liệt hơn thì cái tâm cảm của ông đã biến chuyển như thế nào? Rồi một lần nửa hoà bình lại đến, nhưng lại là một thứ hoà bình nhân tâm ly tán, dân tộc bị phân biệt, đọa đày, đói khổ. Trong gần 45 năm cho đến cuối đời, thi sĩ TTL đã nghĩ gì, đã cảm thấy gì, ông có còn buồn chán, u uất, cuồng nộ hay không?
Rất tiếc rằng câu hỏi nầy chúng ta không có điều kiện để tìm hiểu và trả lời, nhứt là ông đã qua đời vào năm 1998 và không có vợ con.
Chỉ biết rằng cùng với lời giới thiệu ghi trên, ông Văn Xuân có kèm theo hai bài thơ của TTL, một bài tên Bơ Vơ được đăng trong  Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 2, và một bài tên Nặng Một Cành Lan, có những câu thơ đằm thắm dịu dàng, nhưng vẫn không dấu được tâm trạng buồn bả, nuối tiếc:
. . . . . . .. . .  . . . . . . . .. . . . . . . . . . .
Đất bằng bỗng nổi thuỷ triều
Có người đánh cướp một chiều hoa tôi
Đem đi đến một cõi trời
Trồng trong chậu sứ, vẽ vời lăng nhăng
Nơi kia không có màu trăng
Nét hoa biết giữ, được chăng Lệ Kiều?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .


THỌ ÂN
Tháng 5-2007
Người chuyển bài – Hồ Khánh Dũng

 

No comments: