Saturday, February 29, 2020

Kinh Bỏ Mẹ - Phương Toàn


Kinh bỏ mẹ

Ta vốn dĩ là con chiên không ngoan đạo
Nếu lỡ lên thiên đàng cũng chỉ vì em.




Tôi đi đạo theo cái kiểu đó, nhưng khi bị vào hộp sau 30-4 vẫn bị kể là một thằng “Bốn Có” của trại cải tạo. Đó là: có du học; có phi pháo; có Công giáo; có Bắc Kỳ di cư.

"Ba Có" đầu thì tôi không phàn nàn, nhưng ghép tôi vào tội Bắc Kỳ di cư thì quả là oan ơi ông địa.

Vốn sanh đẻ ở Bình Dương, nhưng ngụ cư ở Cái Sắn với những người di cư năm 54, nên mấy đứa cùng lớp kêu anh em tôi là “thằng Nam”. Nhờ gần mực thì đen, gần đèn thì tối, nên mấy năm sau tôi chửi thề và nói tục bằng tiếng Bắc còn ngon hơn tụi nó nhiều.

Ngày thi tiểu học, cần có khai sinh để nộp đơn, má tôi dụ khị được hai ông Trùm Khờ của xứ đạo đi xuống toà Hoà Giải Rộng Quyền của tỉnh Kiên Giang mà thề rằng: Tôi đẻ ở tỉnh Bùi Chu ngoài Bắc.

Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành thằng Bắc Kỳ di cư với tờ Thế Vì Khai Sanh ghi sinh quán là làng Địch Giáo, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Bùi Chu.

Khi lên học trên Sài Gòn, mấy thằng Nam Kỳ Quốc muốn chọc quê tôi, cứ chờ khi có mặt mấy đứa con gái, giả làm một ông già hút thuốc lào rồi nói:

- Thuốc lào Cái Sắn! Say!

Đó là câu quảng cáo mà ta hay thấy ở chợ Ông Tạ hay đầu ngõ vào xứ Bùi Phát đường Trương Minh Giảng.

Có khi tụi nó còn hợp ca:

- Ai bảo Di Cư là khổ, di cư sướng lắm chứ, Ngồi tàu bay ta vào miền Nam, Lòng ta sướng nao nao, Rau muống trong Nam lại nhiều, mà người Nam không biết, Ước mong sao, rau muống lên cao, tăng sức mạnh cần lao ....

Những lúc đó tôi cầu trời khấn Phật cho mấy thằng giá sống kia thi rớt để vô Quang Trung cho đáng đời.

Sau bao nhiêu năm quân ngũ với bao lần sưu tra lý lịch, tôi vẫn yên trí rằng mình sinh ở tỉnh Bùi Chu. Mãi cho đến ngày xập tiệm, có một anh Bắc kỳ chính hiệu Bà Lang Trọc cho tôi biết là ở ngoài Bắc làm gì có tỉnh Bùi Chu, Giáo Phận Bùi Chu thì có.

Tôi thắc mắc: Bùi Chu là Giáo phận hay họ đạo nhỏ bé là thế mà sao đi đâu cũng thấy địa danh dính dáng tới nó??

Tôi ở xứ Tân Chu, bên kia sông là Tân Bùi, bác tôi ở trên Bùi Phát SG, ở gần Nghĩa trang QĐ Biên Hoà còn có Bùi Thái nữa.

Người Bắc Bùi Chu đặt tên ngộ lắm: Ông Bứa có thằng em là ông Bỉnh, hai thằng con ông là thằng Vênh, thằng Váo. Kêu tên cả gia đình ông ra thì dân anh chị nghe cũng phải phát rét.

Ông anh rể tôi tên là Yêm, anh ông tên là Uông, bố tên Am, tên cả nhà: Am Uông Yêm nghe cứ như bản nhạc ếch nhái kêu ngày mưa đầu mùa dưới ruộng vậy.

Ngôn ngữ người di cư hồi đó cũng khó hiểu: Cái thước thăng bằng của thợ nề họ kêu là cái Li-vô (level), cái gào mên ăn cơm của lính họ gọi là cái Lập-là (plate): Tôi vào khoá 69A Hoa tiêu thì họ gọi là Lái Phi Công!!!

Gần nhà tôi có ông hàng xóm tốt bụng nhưng coi bộ ông ganh với má tôi lắm, chỉ vì bà là đàn bà goá mà dám có đứa con “Bay được lên giời”.

Thỉnh thoảng để tự an ủi hay để an phận, ông thở dài nói:

- Bay lên giời! Kinh bỏ mẹ!

Nếu có ai hỏi tôi bay bổng ra sao, tôi thường cười rồi lập lại câu nói ngày xưa của ông: Kinh bỏ mẹ.

Thực ra đời bay bổng, kể cả đi bay lẫn đi máy bay có những cái vui, nhưng cũng có những nỗi lo sợ ít ai chối cãi được.

Tính tôi nhát cáy, mà sao ông trời cứ cho tôi gặp những sự bủn rủn tay chân. Hôm chở ông Tư lịnh Sư đoàn từ Tân Uyên sang Lai Khê họp, mới qua khoảng Bố Lá thì trần mây thấp quá nên phi cơ chỉ bay cao khoảng 1000 bộ, đạn VC nổ như bắp rang dọc theo một tuyến thật dài cả cây số. Ngài Tư Lịnh hoảng quá vội lấy tấm bản đồ hành quân che lên mặt để .. tránh đạn!

Thử hỏi gặp cảnh như thế bố thằng nào lại không sợ. Nhất là khi đáp xuống Lai Khê kiểm lại: Thân tàu lãnh hơn 10 lỗ đạn.

Đi hành quân Kampuchia, gồm 1 C&C, 2 gunships, và 4 slicks khởi hành từ Biên Hoà trực chỉ Tây Ninh. Ông C&C muốn dẫn bầy rồng rồng đi le gái nên dõng dạc ra lệnh:

- Bay theo quốc lộ cho an toàn.

Một hợp đoàn gồm bảy chiếc bay rà rà sát mặt đường, thỉnh thoảng lơ xe đò nhìn lên có vẻ ngưỡng mộ lắm.

Ngang Trảng Bàng, chiếc Lead la lên:

- Sương mù nhiều quá. Ê! C&C làm sao bây giờ??

- Lead cứ bay tới; thằng một quẹo trái; thằng hai quẹo phải; trail bốc lên cao.

Gunships bay sau la hoảng:

- Tụi tao kè hai bên, thằng nào quẹo, tao húc!!

Tôi bay trail (chiếc cuối cùng) nghe thế hồn phi phách tán, bèn bốc tít lên tận trời xanh, mặc cho sương mù dầy đặc..

Khoảng hai phút sau, văng ra được một lỗ mây, to hơn cái dạng háng của thím Tư Nãi, mừng thầm. Bỗng thấy một chiếc UH từ cụm mây bên kia bay cái vèo bên hông và lủi tuốt vào vùng mây khói âm u.

Trong cảnh này có ai dám nói là mình không sợ??

Chàng Xạ thủ ngồi đằng sau, đái ra chiếc “Phi bào” sau khi kêu lên được một câu:

- Chúa ơi!

Nhờ vận số hên, (hồi đó tôi cứ tưởng là do tài bay bổng của mình) bốn Tề Thiên tụi tôi cũng đằng vân lên được bên trên mây, có điều không thằng nào đoán nổi là núi Bà Đen nó nằm ở chỗ nào phía dưới.

Sợ cảnh “Đi không ai tìm xác rơi” nên chiếc UH cứ bay vòng vòng trên mây hoài. Khốn nỗi là xăng có hạn, làm sao bây giờ?

Chúa ơi! Nếu có thiêng thì cho người đi kiếm xác bọn con, trước sau gì con cũng phải đục mây chui xuống. Tôi chuẩn bị làm một kỳ công tối kỵ của ngành phi hành: Chui mây.

Có lẽ lời cầu được Chúa thông cảm vì:

Dù sao thì chúa cũng
Một thời làm trai tơ
Dù sao thì chúa cũng
Là đàn ông dại khờ

(Thơ trích)


Sau một hồi vật lộn với mây, bọn tôi cũng xuống được đất an toàn.

Anh chàng Xạ thủ nói:

- Vợ em nó bảo Giời vật em cũng không chết. Thiêng thật!

Những chuyện như thế, không gọi là sợ thì gọi là gì?

****

Sang Mỹ, mỗi lần có dịp đi máy bay, tôi hay lén nhìn ra phi đạo xem chiếc phi cơ chở mình có mở nắp ca bô lên không, vì theo kinh nghiệm ngoài xa lộ, cứ chiếc nào có cái hood mở lên là y như rằng chết máy.

Đúng ra mấy hãng máy bay Mỹ, nếu thấy phi cơ không đủ tiêu chuẩn cất cánh thì cũng nên lôi vào chỗ kín kín mà sửa, đừng để cho khách thấy, nếu sợ tốn thì giờ thì cứ bay đại đi rồi tính sau.

Chuyện bay đại ở VN thì Kỹ Thuật KQ làm là thường.

Tôi nhớ có lần hành quân ở Chơn Thành, cái đèn Chip Detector báo đỏ, phải gọi Kỹ Thuật Biên Hoà lên sửa, ông Thượng Sĩ già ung dung trèo lên phòng lái, nhẹ nhàng rút chiếc cầu chì ra cho đèn tắt rồi bảo:

- Trung uý cứ bay về đi.

Tôi cự lại, thì ông nói máy bay này chỉ bị mát, chứ không có hư và để bảo đảm lời nói của mình, ông sẽ leo lên bay về chung với tôi. Ông ta còn giải thích:

- Điện có mát thì chỉ cháy thôi, chứ không nổ trên trời như khi có mạt sắt trong máy.

Về VN năm nào, nhớ lại nghề bay bổng nên cứ mỗi lần nhìn thấy phi cơ trên trời là lòng tôi lại thấy nao nao. Tôi hỏi thằng em ruột:

- Rạch Giá đi Sài Gòn, thuê xe hơn hay mua vé máy bay hơn?

- Máy bay hết 45 phút, xe chạy hết bốn tiếng, tiền thuê xe bằng tiền mua vé máy bay.

Tôi quyết định đi máy bay của Nga cho biết với người ta.

Sáng thứ tư tôi chuẩn bị cho thằng em đưa ra phi trường Rạch Sỏi để đi Sài Gòn, nó nói:

- Không biết hôm nay có máy bay không.

- Sao mày nói nó bay mỗi thứ tư và thứ bảy?

- Ừ, đó là chương trình, còn nó bay hay không thì chưa biết.

Chờ ở phi trường chừng nửa tiếng thì chiếc phi cơ khá lớn đáp xuống phi đạo. Tôi làm thủ tục lên tàu, vé mang số 5 ở tuốt hàng đầu, thiên hạ chen nhau lên trước nên khi tôi lên đến nơi thì không còn chỗ. Cô tiếp viên nói gia đình họ đi có đoàn, tôi đành nhường chỗ và theo cô xuống phía dưới.

Cô khá xinh, chỉ cho tôi vịn vào chiếc cột nhôm gần đuôi chiếc máy bay để cô xếp chỗ.

Một lúc sau viên phi công hầm hầm đi xuống từ phòng lái, cự nự: - Các cô làm ăn thế này thì chết cả lũ.

Một cô mặc áo màu xanh, nhân viên phòng vé dưới đất (hồi xưa Tiếp viên Hàng không đi bay thì mặc áo màu xanh, còn bây giờ họ lại đổi màu hồng) năn nỉ:

- Anh Ba thông cảm cho em chuyến này, chuyến sau em làm tốt hơn.

- Chuyến sau! Chuyến sau! Quá tải có ngày chết cả lũ.

Viên phi công hậm hực trở lên phòng lái, chiếc phi cơ gầm lên lao nhanh trên phi đạo rồi rời khỏi mặt đất.

Tôi nhìn qua cửa máy bay, sống lại cảm giác hồi mình còn ở trong Không Quân, bay liên lạc đáp xuống phi trường Rạch Sỏi này. Có khác chăng là ngày xưa thì ngồi, còn bây giờ thì đứng ôm chiếc cột trong thân tàu.

Chuyện phi cơ quá tải ở VN là thường, tôi đã từng chở 18 người từ An Lộc về Lai Khê, trong khi UH chỉ có 9 chỗ ngồi mà có sao đâu.

Phi cơ không về SG ngay mà lại ra Phú Quốc. Lỗi này là tại tôi không đọc kỹ vé. Hàng Không Dân Dụng có ghi rõ tuyến đường là: HCM-Phú Quốc-Rạch Giá-Phú Quốc-HCM. Có nghĩa là máy bay từ SG ra tới Phú Quốc đổ khách, bốc khách về Rạch Giá, đưa khách từ Rạch Giá ra Phú Quốc rồi mới vòng về SG.

Không đọc kỹ vé thì không kêu ca vào đâu được. Có điều bay từ Rạch Giá ra Phú Quốc thì được free, cho dù là đứng hay ngồi.

Tôi cũng chẳng phàn nàn gì về cái ghế trên phi cơ, vì cô tiếp viên cũng ôm chặt cái cột khi máy bay cất cánh như tôi. Tôi hỏi:

- Cô bay tuyến này khá không?

- Chả có gì đâu anh ạ, bay tuyến quốc ngoại mới ăn, nhưng đỡ hơn bay tuyến ngoài Bắc.

- Sao thế??

- Tuyến ngoài Bắc khách cứng đầu lắm, nói thế nào cũng chẳng chịu nghe.

Cô ta làm tôi nhớ tới một ông “Bắc Kỳ Di Cư”, y hệt tôi đi trên chuyến Hồng Kông - Sài gòn trước đây một tuần. Trời SG tháng bảy nóng như đổ lửa mà ông mặc bộ com lê đầy đủ. Khi chuyển máy bay ở Hồng Kông, ông ngồi lộn ghế, tiếp viên năn nỉ thế nào cũng không chịu đứng lên, cuối cùng cô tiếp viên đành chào thua để ông ngồi lỳ ở đó. Lát sau ông quay qua phía tôi phân bua:

- Cứ tưởng ông như nhà quê mà bắt nạt. Mẹ, ông mua vé thì ông muốn ngồi đâu ông ngồi chứ!

Tôi hy vọng ra đến Phú Quốc sẽ có chỗ ngồi, tôi lại lầm vì có lẽ VN đang trên đà đổi mới nên làm ăn khấm khá, tuyến nào cũng đầy khách.

Tôi lại đành làm anh hùng đứng ôm cột với cô tiếp viên như khi còn nhỏ chơi Thả Đỉa Ba Ba vậy.

Khi phi cơ trở ra cuối phi đạo để cất cánh, tôi dòm ra thấy có hai viên công an chạy hai chiếc Honda kề bên hông nên hỏi:

- Họ làm gì vậy?

Cô giải thích:

- Họ chạy theo để chặn bò. Đôi khi phi cơ cất cánh, mà bò chạy ra trên phi đạo thì cũng có... vấn đề đấy.

Tôi hỏi bò của ai mà vào được cả trong phi trường, cô trả lời không biết, chắc là của Công an.

Khi đáp xuống Tân Sơn Nhứt tôi mới khám phá ra một sự lạ nữa, là không phải chỉ có tôi và cô tiếp viên không có ghế, mà ở tuốt trên hàng ghế đầu, đặt nằm dưới sàn có một cái băng ca, trên đó nằm đưỡn đừ một bệnh nhân đang thiêm thiếp. Có lẽ ông này được khiêng lên ở Phú Quốc lúc tôi ngồi trong phòng đợi.

Người ta khiêng ông xuống và chiếc băng ca được đặt nằm trên mặt đất ngoài phi đạo thi gan cùng nắng gió và bụi, hình như chờ xe thuê bao đến chở đi nhà thương.

Vị chi chuyến này có ba người ngồi ghế SÚP, y hệt lơ xe đò ngày xưa ráng nhét hành khách vào giữa hai hàng ghế!!

Tôi rời nhà lúc 7g sáng, phi cơ đáp Tân Sơn Nhứt khoảng 12g trưa, vậy là khoảng 5 tiếng đồng hồ. Lâu hơn đi xe, có điều là được đi một đoạn miễn phí và học hỏi được đôi điều thú vị.

Mấy hôm sau, gặp lại thằng em ở SG, nó hỏi:

- Anh đi máy bay Nga có sướng không?

Tôi cười như mếu:

- Kinh bỏ mẹ !!!

Phương Toàn
Người chuyển bài NTH - AUST

 

 

 

Người Mẹ Thứ - Nguyễn Ngọc Hoa


Người mẹ thứ
 

 

Ngôi nhà An Cựu của mẹ nằm giữa một thửa đất rộng gần chân núi Ngự Bình. Hàng rào chung quanh là những cây chè mọc hoang đan vào các bụi cẩn (hoa dâm bụt) với những đóa hoa giống như cái lọng màu đỏ và chen lẫn với các bụi ngũ sắc với những bông hoa nhỏ nhiều màu sắc và trái tròn nhỏ xíu dính với nhau thành chùm. Vườn tược trống trải, mẹ dự định trồng cây ăn trái ở phía trước và lập vườn rau ở phía sau để thu hoạch hoa màu làm lợi tức gia đình.

Không tới một tuần mà anh Quang đã tụ tập chơi đùa với bọn trẻ con cùng trang lứa trong xóm. Trong lúc anh được phục lăn và tôn làm đầu nêu bày trò chơi, tôi bị chê là ngu ngơ khờ khạo. Bọn này hái trái ngũ sắc chín màu đen dụ tôi ăn; tôi ăn vào nhả phụt ra ngay vì không ngon lành gì cả (dì Cúc chê “chim cũng không thèm ăn trái nớ”) và bị trêu chọc vì gọi cây hoa bằng cái tên ở ngoài làng,

“Lêu lêu, bông ngũ sắc mà kêu là bông gia tô. Quê òm (quê quá chừng)!”.

Buổi sáng, anh dẫn tôi chạy lên núi để luyện phi hành, tức là lướt đi như bay như các hiệp sĩ trong truyện võ thuật hay kiếm hiệp. Chạy lên núi đã khó – mệt và mỏi chân, nhưng chạy xuống lại càng khó hơn – giữ sao cho đừng đổ dốc ngã chúi dập mặt. Anh nói khi đạt đến mức thượng thừa, mỗi ngày hiệp khách có thể đi ngàn dặm như không.

Buổi chiều, hai anh em luyện phi thân tức là nhảy vọt lên.  “Sách” dạy khi đầy đủ công phu chỉ cần nhún chân một cái là nhảy qua tường cao hay bay lên nóc nhà. Ở góc vườn sau không ai nhìn thấy, anh đào một cái hố đường kính chừng một thước và ban đầu sâu chừng ba tấc. Đứng dưới hố, không cong chân (ở đầu gối), và ráng nhảy lên mặt đất. Sau khi “thành công” ở độ sâu này, lại đào sâu hơn, và cứ thế mà tiếp tục.

Thỉnh thoảng chúng tôi lên hai hòn núi nằm hai bên núi Ngự Bình, Tả Phù và Hữu Bật.  Tôi lượm thạch anh và đá lửa ở chân núi đem về trữ trong “kho tàng bí mật” chôn giấu sau hè nhà. Anh Quang dẫn “quân” lên hòn Hữu Bật tập diễn màn vua Quang Trung lập đàn tế cáo trời đất và lên ngôi hoàng đế trước khi tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh.

Khi vở kịch hoàn tất, anh nghiêm giọng hô lớn,

“Quân ba… a… ay!”.

“Dạ… ạ… ạ”,  bon trẻ dạ rân lên.

“Cầm cu cho tau đá… ái… ái”, anh cười kha khả.

Bọn “lâu la”rú lên cười hãnh diện và cùng nhau vỗ tay hát,

Hai vợ chồng,

Hông vợ chài.

Đổ bánh khoái.

Hái rau răm.

Nằm với nhau.

Địt cái tôộng!

Anh tôi nghe không thuận tai, dạy các bạn hát bài đồng dao Quảng Bình về vợ chồng,

… O một mình, không đặng
Tui một mình, không đặng
Gió ngoài biển dồn vô
Mây trên trời cuốn lại
O với tui cũng cuốn lại …


Những trò chơi loang toàng của chúng tôi không qua nổi đôi mắt dì Cúc, nhưng dì không la mắng mà còn giúp đỡ và che chở khi cha hỏi tới. Cha thường ngủ đêm trong đồn dưới Truồi ít khi về nhà nên chúng tôi ít gặp và không lo bị “ăn da bò”.

Giúp mẹ lo việc nhà cửa và săn sóc bốn anh em tôi (mẹ vừa có thêm thằng Triết), dì được mẹ tin cậy. Anh Quang không ưa dì nhưng chỉ dám lén uốn éo đóng trò bắt chước dì nói giọng Huế,

Eng ăng noái chi mà lạ rứa, mầng người ta dị bấc chết mà nõ biết ôốc dôộc!” (“Anh ăn nói gì mà lạ vậy, làm người ta thẹn muốn chết mà không biết xấu hổ!”).

Một hôm, tôi thấy đứng chơ vơ bên đường lên núi một cây hoa quỳ cao chừng hai thước với những cánh hoa màu vàng rực rỡ chung quanh đài hoa. Đóa hoa đẹp quá, tôi bẻ cả cây đem về đưa mẹ xem. Mẹ vốn không ưa cây dại ngoài đồng,

Quăng đi, đem về làm chi cho nhớp (dơ) nhà?”.

Tôi mang hoa tặng dì Cúc. Dì cảm động, lấy chai bia không đổ nước vào cắm hoa để trên đầu giường, và giải thích,

“Cây ni còn kêu là bông hướng dương có gốc ở bên Châu Mỹ. Những cọng bông nhỏ lấm tấm trong đài hoa lớn lên thành hột ăn ngon lắm”.

“Dì ăn thử chưa?”, tôi tò mò.

“Nghe rứa chớ có mà ăn”, dì xoa đầu tôi cười rúc rích.

Mỗi chiều thứ Năm, dì xin phép mẹ đưa tôi đi xem hát bội ớ trường hát Ba Tuần (tức là rạp Đồng Xuân Lâu) ở Ngã Giữa (hay đường Gia Long). Xem hát xong, dì ghé quán Bà Cửu Ới mua cho mẹ gói thuốc Cẩm Lệ, tiệm Hồng Thuận lấy cho anh Quang và thằng Sáng gói mè xửng hoặc hộp kẹo gương, và chợ Đông Ba tìm cho thằng Triết món quà nhỏ như cái lục lạc hay con chim bằng vải treo trên nóc nôi. Chú “thợ ăn” thì no nê với quà bánh xực liên tục từ khi tới rạp hát cho đến lúc ra về.

Dì thích nhất tuồng “Quan Vân Trường Phò Nhị Tẩu” diễn tích Quan Vũ hộ tống hai bà chị dâu, vợ người anh kết nghĩa là Lưu Bị, trên đường lưu lạc. “Con mọt sách” đã thuộc lòng các truyện Tàu mà tựa đề mang thêm hai chữ “Diễn Nghĩa”như Phong Thần, Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, v.v. và hăng hái kể lại cho dì nghe những sự tích trong truyện. Tôi khám phá ra một điều không ai biết: dì có khả năng nhận thức lẹ và nhớ dai lạ lùng, như nghe đọc tên thuốc hay địa danh bằng tiếng Pháp một lần là nhớ mãi và lặp lại đúng giọng, nhưng lại không biết đọc hay biết viết.

Biết tôi ham đọc truyện, dì kiếm về cho tôi nhiều sách cũ, phần lớn mất cả bìa trước lẫn bìa sau nhưng trang đầu ghi lời yêu cầu của chủ nhân,

Chơi hoa chớ để hoa tàn,

Xem sách chớ để sách tan nát bìa.

Tôi học cách cắt giấy cứng làm bìa, dùng đinh đục lỗ, và dùng kềm cắt dây kẽm làm kim đóng sách để đóng sách lại và cất giữ. Nhờ vậy, tôi có cả thư viện truyện tình cảm xã hội như Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà, truyện trinh thám như Con Tàu Máu và Chiếc Thuyền Ma của Phi Long, truyện võ thuật như Hỏa Thiêu Thiếu Lâm Tự và Thần Long Đại hiệp, v.v.

Truyện trinh thám và võ thuật không hiểu sao thường bị bỏ dở nửa chừng và không có kết cuộc. Nhưng không hề gì, dì  Cúc giúp tôi dệt thêm phần cuối, thêm mắm thêm muối cho đến khi thấy câu chuyện kết thúc vừa ý – người hiền gặp lành, và kẻ ác đền tội. Với phương pháp “viết truyện miệng”, dì là cô giáo Việt văn đầu tiên và giỏi nhất trong đời tôi.

Dì hay kể lể tâm sự với tôi mà không sợ bị tiết lộ sang người thứ ba vì thằng Bé không có ai để kể lại, mà có kể cũng chẳng ai thèm nghe. Dì là dân Huế chính cống, sinh ra và lớn lên ở vùng

Đông Ba Gia Hội hai cầu,

Ngó về Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Chùa Diệu Đế tọa lạc bên bờ sông Gia Hội (hay còn gọi là sông Đông Ba).

Mồ côi cha từ thuở bé, dì theo mẹ vào Lăng Cô mở quán tạp hóa rồi gặp cha và thương tài “ông quan một” lớn hơn dì tám tuổi.  Cha thành thực cho biết đã có vợ và ba đứa con ở ngoài làng và ngỏ ý muốn hỏi cưới dì làm vợ hai đúng lúc bà mẹ lâm bịnh nặng sợ không qua khỏi.  Bà giục dì, lúc ấy mười chín tuổi, nhận lời cầu hôn để có nơi nương tựa sau khi bà ra đi.

Đám cưới chạy tang được tố chức đơn giản với sự chứng kiến của các bạn đồng ngũ của cha. Sau khi mẹ mất, dì bán nhà cửa và giao hết tiền bạc cho cha. Từ đó, dì coi mình là một phần gia đình cha và nguyện phục tòng và giúp mẹ nuôi nấng các con. Dì mong ước một điều,

Răng ông Trời cho dì đẻ đứa con gái. Có công chúa đứng giữa tứ hổ tướng là bốn anh em bây là nhà mình có phước nhứt hạng”.

Nhân thu xếp các món đồ trong rương, dì hãnh diện lấy cho tôi xem tờ “giấy giá thú” cha làm lúc cưới dì,

“Cha nộp giấy ni trong đồn, ăn lương dì là vợ thứ cùng với mẹ là vợ chánh và mấy đứa bây là con”.

Đó là tờ “Giấy Sống Chung” đánh máy trên giấy trơn không có tiêu đề, đại khái cho biết cha và dì thỏa thuận sống chung với nhau; cha ký tên bên dưới và dì điểm chỉ một bên.  Tôi đọc đi đọc lại mà không thấy chữ “giá thú,” “chồng,” hay “vợ thứ” đâu cả. Dì ngạc nhiên,

Răng con đọc lâu rứa, có chi lạ không?”.

“Dạ không, có mấy chữ khó mà con không hiểu”, tôi ngập ngừng và thấy mắt cay cay.

Vậy mà lâu nay tôi cứ ngỡ dì thực sự là thứ mẫu – mẹ thứ – của anh em tôi.

Tội nghiệp dì quá đi thôi!

 

Ngày 18 tháng Mười Một, 2013

Nguyễn Ngọc Hoa

304Đen - llttm

Những Anh Hùng Vô Danh Đồn Dak Seang - Trường Sơn Lê Xuân Nhị


NHỮNG ANH HÙNG VÔ DANH ĐỒN DAKSEANG

“Thành kính tưởng niệm các chiến sĩ Địa Phương Quân anh dũng đồn Dak Seang”




Khoảng 5 giờ chiều tôi đang lơ lửng gần một cái đồn nhỏ gọi là đồn Dakseang, phía Nam của Dakto. Đại úy Ngọc chợt giật cần lái, quẹo một vòng.

- Để tao coi. Đ.M. hình như đồn này đang bị pháo kích.

Chỉ một thoáng sau anh la lên:

- Đ.M. đúng rồi. Đ.M. nó đang pháo vô đồn.

Anh Ngọc gọi máy về Trung Tâm Hành Quân, báo cáo những gì mình thấy và xin tần số liên lạc ngay. Chỉ trong vài phút, Trung Tâm Hành Quân xác nhận với chúng tôi là đồn bị pháo kích, và có nhiều dấu hiệu cho thấy đồn sẽ bị tấn công. Chúng tôi được chỉ thị ở lại làm việc với đồn. Bắt được liên lạc,trao đổi danh hiệu xong là chúng tôi giảm cao độ. Vừa tà tà bay vô thì bỗng hàng chục cây phòng không nhắm vào chúng tôi nổ tới tấp. Chắc chắn phải có vài viên trúng tàu vì tôi nghe lên vài tiếng bụp bụp. Tôi càu nhàu: “15 ngày biệt phái không sao, ngày cuối cùng mà lãnh một viên vào.. đít là xui quảy..” vô không nổi, tôi quẹo ra. Đại úy Ngọc phê bình:

- Trên trời mà phòng không “kèm cứng một rừng” như vậy là dưới đất nó đã chuẩn bị trận địa pháo rồi. Lạng quạng thì đồn này chắc mất tối nay. Anh giở tấm bản đồ, ba cái FM trên phi cơ được sử dụng liên tục. Cái gọi pháo binh, cái trực với đồn Dakseang, cái nói thẳng với Bộ Tư Lệnh chiến trường.Cường độ pháo kích càng ngày càng trở nên khốc liệt, Tôi lên cao chút xíu rồi rình rình lại chui vào từ một hướng khác. Bố khỉ, tôi lúc ấy mới khám phá ra là khu vực làm việc bị mây “broken” từng cụm nhỏ bao phủ khoảng từ 5 đến gần 8 ngàn bộ trên trời. Đang quan sát, tàu chui vào mây là coi như mù. Ra khỏi mây thì phải mất một lúc mới trở lại được chỗ quan sát cũ. Đại úy Ngọc chửi thề “Đ.M. mây mà cũng bị VC dụ dỗ đâm sau lưng chiến sĩ. Trời đất bao la sao không kiếm chỗ bay mà cứ lẩn quẩn làm con C.. ở đây.” Tôi đã cắt ga xuống dưới trần mây mấy lần nhưng vừa xuất hiện là bị hàng chục họng phòng không thổi rào rào vô mặt, đuổi trở lên “súng đâu mà chúng nó lắm thế” Tôi đành vật lộn với mấy cụm mây…VC này. Bi thảm hơn, giặc bắt đầu nả 130 ly vào đồn, Hai cây đại pháo,một cây đặt ở ven làng cách đó chừng 15 cây số, cây kia ở hướng đối diện cứ tà tà nã từng trái một vào đồn. Từ trên, tôi nhìn thấy rõ ràng những quả đạn rơi rất chính xác vào trong đồn. Cứ mỗi quả đại bác rơi xuống là có chừng mười mấy trái súng cối nổ kèm theo “phụ diễn”. Tôi và anh Ngọc lồng lộn trên tàu bay.Máy vô tuyến gọi đến gần nát cả họng, nhưng bất ngờ quá, chả thấy phi tuần xuất hiện, anh Ngọc gọi pháo từ căn cứ pháo binh gần đó nhất để yểm trợ. Vừa nhận được tọa độ, đã nghe ở dưới đất kêu trời:

- Vô ích bạn ơi. Xa quá, bắn tới… Tết cũng huề.

- Thì bạn quay nòng xuống thổi đại cho một chục tràng đi, bắn dọa nó cũng được.

- Xong rồi, để tôi cho yếu tố tác xạ – Yếu tố mẹ gì, bắn đi bạn….

Khoảng 5 giờ rưỡi chiều, người chỉ huy đồn Dakseang có vẻ bối rối:

- Bạch Ưng, đây Thanh Trị.

- Nghe 5 bạn.

- Báo cho bạn biết đến giờ phút này con cái tôi đếm được là 500 trái rồi đó bạn. Hầm hố tôi 50% thiệt hại.

Tôi muốn nhảy nhổm trong tàu bay. 500 trái vừa cối vừa pháo xuông một diện tích tí teo như thế kia thì còn hầm còn hố nào.

Anh Ngọc bỗng nẩy ra một kế…chết người.

- Nếu để nó pháo điệu này thì chừng tí nữa quân mình chẳng còn gì hết. Mình phải “chiến tranh chính trị” mới được. – Có học trường chiến tranh chính trị ngày nào đâu mà đòi… chiến tranh chính trị anh?

Người phi công chiến tranh chính trị bất đắc dĩ lên mặt dạy dỗ.

- Từ từ để tao cắt nghĩa. Chiến tranh chính trị nghĩa là… có là không, không là có. Bây giờ chưa có phi tuần thì mình phải làm như có phi tuần.Mình phải xuống ngay trên đầu mấy cây pháo làm bộ như phi tuần sắp tới thì pháo nó mới câm được.

- Xong rồi.

Mặc dù vẫn còn ngán mấy chục họng phòng không nhưng trong hoàn cảnh này, đạn tránh người chứ người làm sao tránh đạn? Tôi cắt ga cho tàu rơi cái rào, cứ nhắm họng đại bác bay tới. Đạn nổ tùm lum chung quanh tàu. Anh Ngọc trấn an tôi:

- Mầy đừng lo, tao có bùa nanh heo rừng. Đạn nó né tao.

Nghe sao mà chán đời, Tàu bay chỉ có 2 người, đạn nó bay vào đây mà né anh Ngọc thì nhất định nó phải kiếm người khác để chui vào. Người đó còn ai khác hơn tôi. Bỗng nhớ ra điều gì, anh sờ tay vô ngực quờ quạng rồi rú lên:

- Bỏ mẹ rồi, nanh heo rừng đíu có đem theo. Đ.M. hôm qua đi tắm treo nó chỗ phuy nước quên đeo vô rồi. Nhưng anh nói ngay:

- Nhưng tử vi nói tao sống thọ lắm, yên chí lớn đi * em.

Tôi nghiệm ra rằng con người, lúc ở trong những hoàn cảnh nguy hiểm đều kiếm ra một lý do gì đó để tự tin và hy vọng. Càng đi xa đồn thì phòng không càng bớt dần. Thấp thoáng con gà cồ của giặc đã nằm ngay dưới cánh, chúng tôi xuống thấp thêm tí nữa, lượn vòng chung quanh cây pháo. Đúng y như anh Ngọc đoán, pháo im bặt. Rồi như một cơn mưa rào đổ xuống mùa hạn hán, một hợp đoàn Cobra của Tây xuất hiện. Đại úy Ngọc qua được tần số của Tây xí xa xí xồ một chập, tôi nghe được mấy tiếng “everywhere”. Vừa vào vùng là mấy anh Cobra làm ăn liền. Tôi ngạc nhiên thấy họ thay phiên nhau bắn rào rào chung quanh đồn.Như vậy con cháu họ Hồ đang “tùng thiết” đi vô chăng? Dĩ nhiên phòng không giặc bây giờ đổi mục tiêu, nhắm mấy anh Cobra nhả đạn. Trận thư hùng coi rất đẹp mắt nhưng ngắn quá. Mấy ông Tây bắn chừng 5 phút là hết đạn, quay lui. Khốn nạn hơn cái món chiến tranh chính trị xem ra hết ép phe. Có lẽ giặc biết chúng tôi chỉ dọa giả nên cây pháo bắt đầu nổ trở lại. Đại úy Ngọc gầm lên:

- Đ.M. tụi mày, lát nữa khu trục lên tao cho nó… bỏ bomb thấy mẹ mày.

Tức quá mà không làm gì được thì… chửi cho đã tức. Chúng tôi chỉ có 4 quả Rocket khói, chẳng sơ múi gì được. Rồi Peacock gọi thông báo sẽ có phi tuần khu trục A-1 đang cất cánh khẩn cấp từ Pleiku lên làm việc với chúng tôi.Đại úy Ngọc hớn hở gọi máy:

- Thạnh Trị, đây Bạch Ưng

- Nghe 5 bạn, gần ngàn trái rồi. Tụi nó mới xung phong đợt đầu đó bạn.

- Có sao không bạn?

- Không, mấy * chuồn chuồn tới đúng lúc với lại con cái tôi đánh giặc còn “tới” lắm bạn ơi. Tụi nó rút hết rồi. Khoảng chùng 50 xác nằm dài dài.Mấy * Tây đánh đẹp lắm.

- Chúng tôi sẽ có 2 phi tuần lên liền bây giờ với bạn.

- Bạn ráng dùm, hầm hố gần nát hết rồi bạn.

- Tôi hiểu bạn.

Cây 130 ly quái ác vẫn đì dạch phọt ra từng cụm khói đen. Tôi bảo anh Ngọc. – Anh để em lên làm đại một trái khói vô đó coi, may ra…. – Ờ,may ra….

Tôi làm vòng bắn, nghiêng cánh quẹo vào, nhắm và bóp cò. Oành cái Rocket nổ…gần cây đại pháo. L-19 mà bắn được vậy là nhất rồi, nhưng có chết* chó nào đâu? Không chết nhưng cây pháo lại im tiếng một lần nữa. Tốt! Tôi tính cứ lâu lâu nhào xuống xịt cho tụi nó một trái để mua thời gian chờ khu trục lên. Rồi tiếng rè rè thử vô tuyến của mấy ông khu trục A-1 nghe lên bên tai. Phải thú nhận, cái tiếng rè rè đực rựa lúc này nghe sao mà nó…đáng yêu thế. Đó là thứ tiếng nói của hy vọng, của niền tin, của sức mạnh, của tình chiến hữu. Anh Ngọc trao đổi vô tuyến với phi tuần khu trục rồi gọi máy cho quân bạn.

- Thạnh Trị, đây Bạch ưng.

- Nghe bạn 5.

- Chim sắt của tôi lên rồi đó bạn. bạn muốn tôi đánh đâu?

- Bạn lo dùm mấy con gà cồ trước đi.

- OK! Roll.

Phi tuần khu trục vừa xuất hiện thì cả bầu trời biến thành một biển lửa. Số lượng phòng không bây giờ không biết là bao nhiêu cây, nhưng dòm hướng nào cũng chỉ thấy lửa và lửa. Trời đã về chiều nên những viên đạn lửa bay vút lên cao càng được thấy rõ ràng hơn. Phi tuần đầu nhào lên nhào xuống mấy lần vẫn không làm câm họng được cây pháo phòng không vì trời quá xấu. Những đám mây…phản quốc, khốn nạn vẫn chình ình khắp nơi. Khó khăn lắm họ mới kiếm được cái lỗ chui xuống, bay giữa những loạt đạn phòng không trùng điệp, để tới mục tiêu, bấm rơi bomb, rồi kéo lên. Còn 2 trái cuối cùng, người phi công A-1 “để” vào ngay trên ổ súng chính xác như để bi vào lỗ. Ầm một tiếng vang lên rồi tiếp theo là nhiều tiếng nổ phụ. Cha con nó đang đền tội. Xong một cây. Anh Ngọc hướng dẫn phi tuần thừ hai đang làm ăn thì tôi nghe tiếng gọi:

- Bạch ưng, đây Thạnh Trị

- Nghe 5 bạn

- Báo bạn biết, hầm chỉ huy tôi xập rồi. Tôi ra giao thông hào với mấy đứa con.

- Bạn nhớ giữ liên lạc với tôi.

- Bạn…

Không có tiếng trả lời. Tôi hoang mang. “ra giao thông hào với mấy đứa con” vậy là bi đát lắm rồi. Anh Ngọc bảo tôi:

- Anh đang bận hướng dẫn khu trục, em qua FM gọi thẳng TTHQ xin gấp cho anh ít nhất là 2 phi tuần nữa, lên liền lập tức, nếu không kịp là tụi nó sẽ “over run” Dakseang trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Tôi đổi tần số FM, Anh Ngọc cẩn thận dặn dò thêm:

- Phải nhớ la ơi ới lên như là đang bị bóp…dái thì cha con nó mới chịu chạy dùm.Tôi phì cười, ông đại úy nầy lúc nào cũng đùa được. Khỏi cần bị ai bóp dái tôi cũng la được vì hò hét và tả oán là sở trường của tôi. Tôi gọi máy và có kết qủa ngay. Anh Ngọc mừng rú lên khi được thông báo có một phi tuần F4 của Hải Quân Mỹ sẽ cất cánh ngay từ hàng không mẫu hạm vào làm việc.Giọng nói từ dưới đất bây giờ nghe có vẻ hốt hoảng:

- Bạch ưng, đây Thạnh trị

- Nghe bạn 5

- Bạn cho mấy con chim sắt đánh sát quanh đồn gấp đi bạn. Tụi nó đang “à lát xô” lên.

Anh Ngọc la ùm lên trong tần số khu trục. Hai chiếc khu trục A-1còn mấy trái bomb bỏ dở cây, hối hả trở về đồn nhào xuống đánh sát chung quanh rào. Một ông la to khi kéo tàu lên.

- Tụi nó đông như kiến bạn ơi.

- Còn phải hỏi.

Khu trục đánh hết bomb nhưng vẫn bay trên mục tiêu để bắn hết những tràng cà nông 20 ly. Tình hình lúc này đã bi đát lắm rồi. Giặc xung phong lên ào ào. Thạnh trị thông báo là một góc phòng tuyến đã bị vỡ và con cái anh đang xáp lá cà với giặc. Tôi nghe Trung tâm hành quân “TTHQ” thêm ba căn cứ khác cũng bị tấn công một lúc. Anh Ngọc bảo tôi: Tao còn lạ gì cái trò này, tụi nó đánh nghi binh để dứt điểm Dakseang đó. Phải cẩn thận. Trong vô tuyến, tiếng tàu bay gọi nhau tiếng trao đổi cả trên trời và dưới đất nghe loạn cào cào..Bởi trong những tiếng ồn ào đó, có tiếng gọi của mấy ông F 4 Hoa Kỳ. Mấy ôngTây trang bị vũ khí tận răng. Hai chiếc F4 mỗi chiếc mang 18 trái 500 pouds đang làm vòng chờ ở khoảng 20 ngàn bộ. Anh Ngọc chỉ “briefing” một tí, mấy ông“Roger” và “Sir” lia lịa nhào xuống làm ăn liền. Khu trục Việt Nam đánh đã đẹp,mấy ông Tây đánh cũng không thua ai. Từ khoảng 15 ngàn bộ, mấy ông nhào xuống dưới trần mây, để những trái bomb thật chính xác. Phòng không bắn dữ dội nhưng xem ra không ăn thua gì với mấy chiếc F4 này. Đang đánh ngon lành thì tôi nghe tiếng gọi từ dưới đất:

- Bạch ưng, đây Thạnh trị.

Giọng nói lúc này không có vẻ hốt hoảng mà bình tĩnh lạ thường.

Anh Ngọc bấm máy:

- Nghe bạn 5, cho biết tình hình đi bạn.

- Tôi yêu cầu Bạch ưng cho đánh ngay vào trong đồn.

Cả hai chúng tôi giật nẩy mình, chỉ hy vọng là mình nghe…lộn.Chúng tôi sững sờ không trả lời được. Người chỉ huy phía dưới đất xác nhận lại:

- Bạch ưng, tôi xác nhận lại, tôi xin bạn đánh xuống đầu tôi.

- Bạn nói bạn xin đánh thẳng vào đồn?

- Đúng 5. Hết hy vọng rồi bạn ơi. Cứ đánh vào đây để tụi nó chết chùm luôn với chúng tôi.

- Bạn suy nghĩ kỹ chưa?

Giọng nói dưới đất lúc này nghe có vẻ hết kiên nhẫn:

- Không còn lựa chọn nào khác bạn ơi. Bạn đánh lẹ giùm. Chúc bạn may mắn. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà bạn…

Đó là những tiếng nói cuối cùng tôi nghe được từ đồn Dakseang“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Anh Ngọc hốt hoảng gọi máy về xin chỉ thị quân đoàn. Quân đoàn trả lời phải xác nhận với đồn Dakseang một lần nữa rồi cho biết kết qủa. Chúng tôi gọi muốn đứt hơi nhưng không còn liên lạc được với Thạnh Trị nữa. Báo cáo trở lại, quân đoàn quyết định: cho đánh thẳng vào đồn nhưng phải… cẩn thận. “Cẩn thận con C… ông” anh Ngọc lẩm bẩm chửi thề rồi gọi máy thong báo cho mấy ông Tây, bảo đánh thẳng vào đồn. Người phi công hải quânMỹ vừa kéo con tàu lên sau một loạt tấn công cũng bối rối không kém:

- Roger! Sir, Did you say…right on it? Over

- Yes sir, it’s all over. I said you salvo right on it. Over.

- Roger, sir, I understood, sir, Over.

Chỉ có vậy thôi, đồn Dakseang biến thành một biển lửa sau hai đợt bomb salvo của mấy chiếc Phantom. Tôi đang chứng kiến một hình ảnh mà có lẽ suốt đời sẽ không bao giờ quên được. Tôi biết nói gì lúc này đây cho những người chiến sĩ Địa Phương Quân QLVNCH? Tất cả những ngôn từ, những ý nghĩ đều trở thành vô nghĩa trước cảnh tượng bi thảm hào hung này. Bay cách đó chừng 5cây số với cao độ 5 ngàn bộ mà con tàu tôi như rung lên dưới tiếng nổ và sức ép khủng khiếp của mấy chục trái bomb 500 cân Anh nổ một lần. Làm sao còn có ai sống sót sau cơn tàn phá khủng khiếp này?. Những thịt, những xương, những máu của các anh hùng Dakseang đã tung bay khắp nơi rồi rơi xuống lẫn lộn với bụi,với đá, với sắt, để rồi nằm im trên mặt đất. Cũng trên mặt đất nầy của quê hương, ở một nơi nào đó, những người vợ, những đứa con, những bà con thân bằng quyến thuộc của các anh đâu biết người thân của mình vừa anh dũng đền nợ nước,vừa “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” như lời trăn trối cuối cùng của người đồn trưởng, vừa chết để cho cả dân tộc được sống, được hít thở không khí Tự Do dù chỉ trong một khoảnh khắc… Ngày mai đây, những chiếc khăn tang trắng sẽ được chít vội vã lên đầu những người thiếu phụ nghèo nàn khổ sở kia, những khuôn mặt bầu bĩnh vô tội của trẻ thơ. Nước mắt nào khóc cho hết nỗi bi thương của người vợ lính VNCH đây hỡi ông trời xanh thẳm? Hình ảnh nào có thể thay thế được hình ảnh ngọt ngào của Cha chúng nó, suốt khoảng đời còn lại của những em bé hồn nhiên vô tội kia hỡi ông trời? Dân tộc tôi đã làm gì nên tội, “Tử biệt sinh ly”câu nói nghe được từ thuở học trò bầy giờ mới thấy trọn nghĩa ý đau thương. Máu nào chảy mà ruột không mềm, mắt tôi bỗng chan hòa nước mắt. Tôi tống ga bay trở lại đồn. Qua màn lệ nhạt nhòa, tôi chẳng còn thấy gì, ngoài những cụm khói đen bốc lên giữa đồn. Những cụm mây oan khiên vừa rồi vẫn còn vần vũ như những chiếc khăn tang trắng lồng lộng bao phủ cả bầu trời. Mây ơi là mây, còn sống chẳng chịu giúp nhau, bây giờ người đã chết, đồn đã mất sao còn lảng vảng để khóc thương.

Trời chiều cao nguyên vốn đã thê lương cô quạnh lại càng trở nên tang tóc sầu thảm hơn. Hai chiếc Phantom Hoa kỳ ráp thành một hợp đoàn tác chiến bay những vòng tròn thấp chung quanh đám đất đá điêu tàn không hiểu để quan sát hay để chào vĩnh biệt những chiến sĩ gan dạ anh hùng của Địa PhươngQuân QLVNCH. Dưới trời chiều nắng tắt, trông hợp đoàn Phantom như hai con chim hải âu ủ rũ lượn từng vòng quanh xác chết của đồng loại. Sau khi nhận kết quả oanh kích của anh Ngọc, giọng nói xúc động của người phi tuần trưởng Phantom vang lên:

- Sir, may I reach out across the fires and destructions of today to tell you this: Those people down there have fought like men and have gone in honor.

Giọng anh Ngọc run run nghẹn ngào:

- Yes sir, they have gone in honor. That was an Alamo by all means, sir. An ever greater Alamo than ours, Over.

Tôi thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má anh Ngọc.

- Roger! We have thousand of Alamo like that every day in our country.

- Roger, I believe that, sir, God bless you all. Over.

Hai chiếc Phantom liếc cánh chào vĩnh biệt rồi bốc lên cao, mất hút giữa bầu trời ảm đạm. Alamo, cái tên nghe đã đi vào huyền sử của dân tộc Hoa Kỳ mà bất cứ công dân Mỹ nào nghe cũng phải hãnh diện. Alamo, làm tôi nhớ đến bài học Anh văn năm đệ ngũ. Alamo, đúng ra là một ngôi nhà thờ “Y pha nho”mà hai ngàn chiến sĩ kỵ binh Hoa Kỳ đã tử thủ khi chống cự lại với hàng chục ngàn quân Mễ Tây Cơ cho đến giây phút cuối cùng. Không ai đầu hàng và tất cả đã bị tàn sát. Người Mỹ chỉ có một thành Alamo trong suốt 200 năm lập quốc mà cả thế giới đều biết, đều mến phục. Đất nước tôi có bao nhiêu thành Alamo còn tàn khốc hơn, đẫm máu gấp ngàn lần hơn suốt bao nhiêu năm chinh chiến.

Sáng hôm sau tôi và anh Ngọc bay thêm một phi vụ sớm trước khi bàn giao biệt đội. Tối đêm qua một trận mưa bomb của B52 đã cày nát khu tập trung quân giặc. Dù biết là vô ích, chúng tôi vẫn mở lại tần số cũ để gọi choThạnh trị. Nhưng chả còn Thạnh trị nào để trả lời cho Bạch ưng nữa. Đồn Dakseang chỉ còn là đống đất vụn điêu tàn. Gió thổi lên từng cơn cuốn theo những lớp bụi đỏ mù. Tôi nhìn xuống đó, tưởng nhớ đến những cái chết oai hùng chiều qua. Trong một quê hương khói lửa, kiếp người quả thật mong manh như gió,như đám bụi mù kia. Mới nói nói cười cười mà giờ đây đã ngàn thu vĩnh biệt. Bay thêm vài vòng quanh đồn để tưởng nhớ ngậm ngùi cho các anh rồi cũng đến lúc phải từ giã để ra đi. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” Thôi thì xin thành kính nghiêm trang giơ tay chào vĩnh biệt các anh. Những người lính Địa Phương Quân âm thầm của một tiền đồn xó núi. Địa Phương Quân, cái tên nghe khiêm nhường và hiền lành như đất, như bộ đồ xanh bạc màu của các anh. Địa Phương Quân, thứ lính…âm thầm nhất trong các thứ lính của quân lực; không màu mè, không áo rằn ri, không có những huyền thoại khủng khiệp, không “truyền thống, binh chủng” không có đến những khẩu hiệu nẩy lửa chết người. Nhưng Địa Phương Quân Pleiku chiều hôm qua đã bình tĩnh xin “cho nó nổ trên đầu tôi”. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi bạn ơi” Xin vĩnh biệt và cảm tạ. Cảm tạ các anh đã đem cái qúi giá nhất của cuộc đời là mạng sống mình để đổi lấy cho quê hương dù đã rách nát tả tơi còn có được những ngày xanh hy vọng. Cho buổi hợp chợ ban mai, dù nghèo nàn thưa thớt vẫn còn được an bình. Cho ngôi trường quận lỵ thấp lè tè những mái tôn cháy nắng còn rộn tiếng trẻ thơ cười. Cho mái chùa cong cong nơi sườn núi còn được ngân lên những hồi chuông tín mộ. Và cho những người ở lại như tôi đây biết rằng mình sống tức còn nợ phải trả…. Các anh chính là những người được mô tả trong một bài học thuộc lòng tôi thuộc làu làu lúc còn là một đứa bé :

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ tự do cho tổ quốc
Trong chiến đấu không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Những kẻ sống lòng son không biến chuyển
Tuy tên họ không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khẩn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và linh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Xin thành kính viết lại một phần bài thơ của Đằng Phương để tặng các anh. Các anh chính là những “Anh Hùng Vô Danh”. Tổ Quốc Việt Nam, dân tộcViệt Nam ngàn đời sẽ còn ghi ơn các anh. Xin vĩnh biệt và cảm tạ.

Trường Sơn Lê-Xuân-Nhị

Người chuyển bài – HV - USA