Friday, June 30, 2023

Mùa Thu Lỗi Hẹn - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 125_VƯỜN THƠ MỚI

Xướng:

















MùaThu Lỗi Hẹn

 

Hiu hắt vườn xưa gọi gió thu

Sớm mai mây trắng phủ sương mù

Hàng cây vàng lá cành xơ xác

Thành phố sương mờ cảnh tịch u

Mây tím hoàng hôn nghe buốt giá

Trời chiều hoàng hạc ngóng trăng lu

Thu về mấy độ ta ngồi đợi

Sao nỡ qua đò bỏ bến thu?!!

 

Nguyễn Cang

Apr. 26, 2023

 

Họa 1:

NHỚ

Gió se mây trắng lá vàng thu
Nhớ thưở hàn vi giữa sóng mù
Khoan nhặt mái chèo lo đắp đủ
Vơi đầy xóm nhỏ nén sầu u
Chia xa thuở ấy trăng vừa nhú
Xót dạ giờ này phiến mắt lu
Lỗi hẹn chưa về thăm chốn cũ
Lòng nao nức mãi luyến tình thu

Tâm Quã

Họa 2:

Thu xưa

 

Sương rơi lành lạnh giữa đêm thu

Xóm nhỏ không tên tối mịt mù

Tiềm thức thu xưa giờ chẳng nhớ

Nỗi niềm xuân trước nhánh mù u

Thời gian tuổi trẻ ngây thơ quá

Nhật ký bây giờ nhạt chữ lu

Ngồi ngẫm chuyện đời ai thấu hiểu

Bâng khuâng tâm sự giữa đêm thu

 

Hương Lệ Oanh VA


Họa 3:

 

Vào thu

 

Tiết trời lành lạnh báo mùa thu

Sương trắng xa xa trải tít

Cành lá rụng rơi cây trọi lõi

Hàng cây biểu hiện cảnh sầu u

Tứ thời bát tiết luôn luân chuyển

Cảnh vật ban chiều tỏa sáng lu

Tiếng gọi đàn chim rời phía bắc

Ráng vàng rực rỡ chiếu rừng thu

 

PTL

 Họa 4:

 

Ũ Rủ  Đêm Thu

 

Đến thăm Phú Sĩ giữa mùa thu

Đối ẩm nâng ly Hiệp Sĩ mù

Nâng chén cụng ly bình rượu cạn

Nhào đầu say xĩn ngã sưng u

Tim gan nhức nhối lòng se giá

Mờ nhạt sắc vàng ánh sáng lu 
Kỷ niệm khó quên nơi đất khách

Khắc ghi mãi mãi tận nghìn thu

 

Trầm Hữu Tình

Họa 5:

Gọi Tình Thu

 

Vườn hồng thổn thức gọi tình thu

Giăng lối bờ tre gió bụi mù

Cánh nhạn mịt mùng hương tẻ nhạt

Đài vân quạnh quẻ bóng âm u

Trào dâng tâm sự cùng ai tỏ

Chôn kín niềm mơ tĩnh giấc lu

Ước thệ phôi pha lòng trải nhẹ

Trách tình chi nữa gợn hồ thu

 

Kim Trân

Họa 6:

Vào thu

Khí trời lành lạnh chớm hơi thu
Thâm thấp mây giăng đất tối mù
Bến nước rộn ràng người hối hả
Khu vườn nặng trĩu cảnh thâm u
Phủ màn sương mỏng dòng sông vắng
Soi mái tranh nghèo ngọn nến lu
Sầm sập mưa tuôn rền tiếng sấm
Xoay vần vũ trụ hạ sang thu

Minh Tâm

 

 

 

 

 

Thursday, June 29, 2023

Một Lần Nào Gặp Lại - Nguyễn Đạm Luân

 Một Lần Nào Gặp Lại 




Tản Mạn Cặp Vợ Chồng Chim Sẻ - Nguyễn Cang

 

                     TẢN MẠN CẶP VỢ CHỒNG CHIM SẺ


Tôi đổi chỗ ở hơn 5 năm, nhà mới là một căn hộ nhỏ,  phía sau có lan can ( balcon) kích thước 1.2/2.5m . Cửa sau nầy thông với khoảng trời rộng thoáng đảng ngó ra xa lộ 85, để tôi hít thở không khí trong lành. Địa thế nầy không có chim chóc tới lui ca hót, vậy mà cách nay hơn tháng, vào buổi sáng tainh mơ, một cặp chim sẻ từ đâu bay tới đáp ngay dưới sàn xi măng lan can mổ lia lịa mấy hạt cơm, mẫu nhỏ bánh mì …

Đôi chim có hình dáng nhỏ nhắn xinh đẹp, dễ thương ! Nó dạn lắm không cần biết có một người đang ngắm vợ chồng nó. Chim trống trên đầu có một đốm màu hồng quân xám xịt giống như chim áo dà,  nhưng không phải vì nó nhỏ hơn, nhỏ hơn chim sẻ chúng ta thường thấy. Cũng không phải chim sắc, chim di, hoàng oanh…

Lông nó đen lợt trông rất mịn. Chim mái cũng vậy nhưng nhỏ hơn anh trống . Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là hai vợ chồng chim đùa giỡn một cách tự nhiên, chim trống mổ nhanh mấy hạt cơm rồi đút lẹ cho chim mái ăn không rớt một hột, rồi chim mái đút lại cho chim trống từng ấy miếng ăn. Chúng kêu ríu rít như trao đổi tình yêu hạnh phúc, chẳng khác chi con người ! Ôi, cái tình cảm tha thiết nầy làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Chúng không bao giờ phản bội người yêu, nhưng con người có khi không giữ được như vậy . Tôi từng trông thấy những cặp bồ câu đút mồi cho nhau nhưng không thấy chim sẻ đút mồi,  vậy mà cặp chim nầy lại đút mồi như thế, bạn nào biết nó là loại chim gì ? Tôi xếp nó vào loại Chim Sẻ, chứ không biết đích xác nó là chim gì !Rất tiếc tôi không cầm sẵn iphone để chụp cảnh nầy! Tôi coi cặp chim nầy là “thành viên” của gia đình, cứ chiều tối là vợ chồng nó xà xuống nền lan can mổ những thức ăn vụn vặt  nhỏ xíu. Tôi chờ đợi chim về như một niềm vui, như con trông mẹ đi chợ về. Có điều bất tiện là chim về ăn không theo thời gian nhất định, khi 4:00pm, khi 6:00pm, khi 7:00pm. Thường thì nó đi có cặp, con mái xà xuống trước, một lát sau thấy yên ổn con trống mới bay vào sau. Khi thức ăn ngoài hành lang hết thì con mái từ từ tiến qua ngạch cửa, thong thả mổ lia lịa những mảnh vụn thức ăn nhò xíu, nó không tỏ vẻ vội vã cũng không sợ sệt điều chi. Trái lại chim trống lúc nào cũng cẩn thận dè dặt, nó bay rất nhanh qua ngạch cửa rồi bất ngờ  bẻ quặt  180 độ, lộn ngược trở ra , thì ra nó sợ mắc bẫy! Cũng gống con người, đàn ông thường thận trọng hơn đàn bà ! nên đàn ông khó mắc bẫy . Chim mái càng lúc càng tiến sát dưới bàn viết của tôi. Tôi nín thở khi nó lướt ngang chân, sợ cục cựa nó bay mất! Một lát sau nó tiến tới thùng rác mổ mổ cái gì đó, rồi băng qua khoảng trống , tiến vào phòng ngủ của tôi. Vào đây nó mắc kẹt không biết đưởng ra. Nó bay rẹt rẹt hết chỗ nầy tới chỗ nọ vẫn không tìm thấy lối ra. Bây giờ tôi chỉ cần đóng cửa là bắt được nó ngay, một ý nghĩ thoáng qua: nếu tôi bắt nó nhốt vào lồng thì người yêu của nó sẽ đau khổ biết chừng nào ? Chim trống nhìn vợ bị giam mà không có cách nào cứu ra, nó sẽ đau đớn,   bỏ ăn mà chết? Tại sao tôi phải giam giữ nó? Tôi vì hai chữ “tự do” mà bỏ xứ ra đi đây mà. Không còn chấn chờ được nữa, tôi đuổi chim về phái cửa chính cho nó bay ra, nó mừng lắm, phóng vút qua cửa sau như một mũi tên,  biến mất trong không gian ngoài Free way 85.

          Ngày hôm sau chim vẫn vào nhà tìm thức ăn, nhưng ô kìa  ! sao không có chim trống đi theo? Thêm mấy lần nữa cũng không có. Vậy chim trống đi đâu? Tôi lo cho tính mạng của nó: bị mèo ăn, sóc thịt? Lúc nầy chim mái đã có bầu, bụng nó xà sát đất, bước đi nặng nhọc, nó sắp đẻ trứng ? Cách đây một tuần, bỗng dưng nó biến mất không biết đi đâu? Tôi nghe buồn trong lòng! cứ mở cửa sau đợi chim hoài mà không thấy tăm hơi. Bạn nào biết tại sao hai vợ chồng chim mất tích ? Tôi chỉ còn một hy vọng mong manh là chim mái đi đẻ ấp trứng, còn chim trống thì mê chị nào đó bỏ vợ vượt cạn  một mình?

Nguyễn Cang (Jun. 29, 2023)

Dưới đây là hình thật của chim mái, chụp được ngày 22/6/2023






 

 

Đi Tìm Một Chút Mặt Trời - Thuyên Huy

 

ĐI TÌM MT CHÚT MT TRI

Mượn tên thật của một người, nhân vật, tình tiết, bối cảnh trong chuyện được tự dựng bằng tưởng tượng

1.

    Hiển từ bến xe, kéo cao cổ áo khoát mua ở chợ trời Hàm Nghi, mang túi xách đựng vài bộ quần áo và một lô sách, lửng thửng thả bộ về chỗ trọ. Vào hạ, trời Đà Lạt, có phần nào bớt lạnh, nhưng vẫn mù mờ sương khói dù trời đã ngấp nghé giữa trưa, lác đác trên đường từng cụm nhánh thông khô, nhỏ nhoi, vẫn còn ướt đẩm sương đêm trăn trở, đâu đó lưa thưa vài cánh hoa Pense lẻ bạn tim tím bên lề cỏ quấn quanh, trông ngóng.




    Rớt kỳ thi cuối của bảy năm mài ghế trung học, tại mình hơn là tại trời, ngại về trên nhà, cái chợ làng ít người nhưng nói to nói nhỏ thì nhiều đó sẽ làm ba má buồn, Hiển quyết định không về, tìm một chỗ để tạm quên đi, dặn lòng quyết “mài kinh nấu sử” thi lại kỳ Hai, chỗ anh tìm đó là Đà Lạt. Trước hôm đi, chị Trâm, con cậu Út, con của bà dì thứ tư, em ngoại, chỗ Hiển ở đi thi, vừa từ Đà Lạt về nghỉ hè đưa cho Hiển chìa khóa phòng chị trên Đà Lạt, nơi chị ở tại khu nhà của sinh viên học sinh thuê trọ, Mục sư Nhung, ông mục sư hiền lành, giúp người đầy lòng nhân ái, cuối mùa năm thứ hai trường Chính Trị Kinh Doanh, chờ chị trở lại trên đó rồi tính.

*

    Cầm chìa khóa, chưa kịp mở cửa, thì có một cô cũng vừa tới trước cửa căn bên cạnh, áo lạnh xuống tới khỏi gối, tóc xỏa buông dài không che đầu, còn lấm tấm chút hơi sương nhạt, Hiển quay ra chào, cô cũng mĩm cười chào lại, mặt trông ra ngạc nhiên, không chờ cô ta hỏi, Hiển lên tiếng, xưng tên và cho biết là em của chị Trâm, trốn Sài Gòn, lên đây tìm chỗ lảng quên nổi buồn “thi không ăn ớt thế mà cay”.

   Chị, Hoàng Yến, hơn Hiển chừng hai ba tuổi, cở đó, nhỏ hơn chị Trâm,  vì chị Trâm vào trung học hơi trễ, học chung năm với chị, đáng lý chị đã vể nhà ở Sài Gòn cùng một ngày với chị Trâm nhưng phải ở lại hai ba bữa vì phải phụ bà dì từ Sài Gòn ra bán vườn bông cải trắng ở ngã ba suối Liên Hiệp. Cùng ở trọ chung phòng với chị còn có một cô nữa, đã về Nha Trang mấy ngày trước. Vốn nói năng nhanh miệng, có chút  thơ văn, nên Hiển quen với chị liền ngay khi vừa mới gặp. Phần chị Hoàng Yến thì, lúc đầu hơi e dè, ngại ngùng chút xíu nhưng sau đó cũng như Hiển, đứng bên này bên kia mà nói cười, hỏi qua hỏi lại không nghỉ.

    Bỏ túi xách, lôi mấy cuốn sách đã làm khổ anh ta cả năm qua nhưng rốt cuộc chẳng thương tình chút nào để đại trên bàn, lôi mấy cái áo cái quần nhăn nhúm ra để trên cái giường trống, bên cạnh giường của chị Trâm, đi tới đi lui, đi qua đi lại, nhìn cái này cái kia, cái nào chị Trâm cũng sắp có ngăn có nắp, nên Hiển cười nói thầm “đứng đụng tới nghe bạn”. Trời cũng sắp sỉ vào giữa trưa, sương vẫn mờ mờ ngoài đường phố, nắng vừa thức giấc, hé chút vạt xuyên sương xuống đường, ngồ ngộ, nhưng lạnh cũng cái lạnh như lúc vừa xuống xe. Bỏ đồ đạc nguyên đó Hiển ngồi nhìn ra sân trước, nghĩ tới lần thi kỳ hai, rùng mình tự hỏi, “liệu có chắc qua được truông này không”.

*

   Trời lưng lửng về chiều, đâu đó xong xuôi, định ra chợ kiếm cơm hay cái gì đó bỏ bụng, thì nhà bên có tiếng chị Hoàng Yến trước cửa hỏi, Hiển khoát áo khoát bước ra, hai người chào nhau, cười nói qua lại rồi, cùng đi về hướng dưới chợ.

    Hai người ngồi bên hiên ngoài cái quán cơm quen của chị Hoàng Yến, xế góc cà phê Tùng, nhìn xuống hồ Xuân Hương, sương giăng mắc một màu sương, che mờ làm nhạt màu xanh của những cây thông rậm lá, vắng người, không giống như trên này, nhất là chỗ rạp chiếu bóng Hòa Bình, đông người lại người qua, áo len áo choàng đủ màu khoe sắc thắm. Hai người nói với nhau nhiều lắm, nhưng không biết nói những gì, chỉ thấy cười luôn miệng. Chị đưa cho anh tấm giấy có ghi địa chỉ nhà ở Sài Gòn, dặn hôm nào về ghé, chị chờ, Hiển gật đầu nhưng không hứa khi nào.

*

    Buổi sáng, tiễn chị về Sài Gòn, chị đi rồi, trên đường trở về nhà trọ, trời cũng sương với sương, một mình đếm bước, con đường đã một lần anh đi bên người, dù một lần, bỗng dưng thấy bâng khuâng, man mác buồn. Buổi chiều, cũng ngoài hiên cái quán cơm hôm qua, nhìn xuống hồ một mình, bữa ăn sao không thấy ngon, thấy thiếu thiếu cái gì đó, Hiển chợt thấy lòng mình là lạ, hình như đã biết nhớ, nhớ người và nhớ cả tên Hoàng Yến.

   Đêm bên bàn, mấy trang đầu cuốn sách Toán khó nuốt mở nhưng Hiển cứ ngồi bất động, tư lự, đầu óc trống rổng chừng như không vô được chữ nào, xếp sách lại, mở hết cuốn môn này môn kia nhưng chỉ đọc bìa sách, một lúc rồi, bỏ đó, suốt đêm trằn trọc không ngủ, nằm chờ sáng. Sau một ngày lang thang nữa, đếm cành thông gầy guộc khô gãy vụn, lên xuống những con đường dốc lạ, chưa đủ quen, nhưng vẫn không làm sao quên được, cuối cùng, Hiển xếp đồ vào túi xách, xếp đặt mọi thứ đâu vào đó, bỏ Đà Lạt một sáng có chút nắng hạ lên trên bờ hồ, chuyến xe đò nhỏ ra khỏi bến, thoang thoảng đâu đó có tiếng thông reo lùa theo gió bất chợt về ngang, Hiển bổng dưng muốn khóc.

*

   Chị Trâm khá ngạc nhiên, mới đi có mấy ngày mà về rồi, Hiển lắc đầu, đành chịu, không nói lý do tại sao nhưng chỉ thốt ra hai tiếng “buồn quá”, rồi thôi. Chị chỉ biết thằng em buồn vì “học tài thi phận” thôi chứ chị không biết là hắn đã vướng buồn vì một chuyện khác, chưa nói ra, nhưng những ngày sau đó, lâu lâu lại thường nghe Hiển hỏi ra hỏi vô về Hoàng Yến, chị đăm ra thắc mắc, chẳng lẽ thằng em bị “tiếng sét” gì đó sao nhưng thấy Hiển lo học thiệt tình nên không nhắc tới làm gì. Một chiều, mượn xe Honda ở nhà, theo địa chỉ Hoàng Yến cho, chạy tìm xem thử, tới nơi, đứng trên lề đường bên này nhìn qua, căn biệt thự kín cổng cao tường trên đường Phan Than Giản, thật lâu, Hiển lặng lẻ bỏ đi.

   Còn may, Hiển đậu đươc kỳ hai, bảng niêm yết kết quả ở trường trung học Nguyễn Trãi bên Khánh Hội, không quá mấy chục tên, đậu hạng Thứ đủ rồi, miễn có đậu là được. Hiển báo tin cho chị Trâm rồi trở về tỉnh thăm nhà với “bảng hổ đề tên”. Chị Trâm mừng hơn anh ta nữa, hè cũng ngấp nghé tàn rồi, hai ba ngày nữa chị trở lên Đà Lạt chuẩn bị năm học mới. Hiển hứa sẽ trở xuống tiễn chị.

   Hoàng Yến tới thì Hiển vể tỉnh rồi, cô nàng qua để bàn chuyện giờ giấc đi đứng ngày mai, lần này hai người đi bằng Air Việt Nam, đã mua sẳn vé rồi. Để ý cô ta, cũng nhanh nhẹn, cũng lăng xăng nhưng chị Trâm thấy trên gương mặt Hoàng Yến, nụ cười có chút gì đó buồn buồn, ra về, chị tiễn Hoàng Yến ra cổng, nhìn cô nàng cười nói khẻ “Hiển đậu rồi”, trên đường về, chiếc xe Honda PC hình như cũng cùng cô nàng nhìn mông lung cười một mình, nắng cuối hạ Sài Gòn giữa trưa hôm đó rơi đầy hoa len lén cài trên suối tóc bay dài theo gió.

   *

    Vì má Hiển trở bệnh bất ngờ nên anh ở nán lại nhà thêm mấy ngày, trở xuống Sài Gòn thì chị Trâm đi rồi, cậu Út bảo chị nhắn lại là có gì chị sẽ viết thư về. Chị đi thì chắc là Hoàng Yến cũng đã không còn ở đây, môt lần nữa, Hiển chạy Honda tới nhà Hoàng Yến, cũng đứng trên lề đường xa bên kia nhìn qua, trời vừa dịu nắng, chiều chầm chậm xuống, từ trong nhà, chiếc xe hơi Peugeot 504 màu trắng từ từ ra khỏi hai cánh cổng sắt vừa mở rộng, chạy xuôi chiều ra xa lộ, Hiển nhìn theo, nhớ hình ảnh căn nhà mái tôn vách ván của mình, lặng lẽ bỏ đi, buồn.

    *

    Hiển thôi không còn ở bên cậu Út, vào ở nội trú tại trường mình học, nhờ có học bổng nên ba má không còn lo toan chuyện tiền bạc, đủ ăn đủ mặc, không thiếu có khi dư chút đỉnh, đủ ngồi cà phê cà pháo với bạn bè. Hai ba tháng, sau ngày vào học, làm quen với ghế giảng đường, Hiển viết thư gởi chị Trâm, cho chị biết mọi việc, không nói mình học ở đâu, rồi cũng nhận thư chị từ Đà Lạt, thư khá dài, chị kể Hoàng Yến nói nhiều lắm nhưng không nói là chuyện gì. Sau hai lần đứng bên đường nhìn nhà Hoàng Yến ở Sài Gòn, Hiển quên dần chút tình khó nói của mình, không buồn không dám nhắc tới nữa. Từ ngày ra ở chỗ khác, cũng ở Sài Gòn này nhưng không thường qua nhà cậu Út bên Gò Vấp lắm, vẫn thư đi thư lại với chị Trâm như trước, thư chị thì thường viết thêm vài chuyện về Hoàng Yến, thấy lúc này cô hay buồn xa xăm hơn những năm trước.

    *

     Cuối năm thứ hai, theo chương trình học, từ Cần Thơ trở lên Sài Gòn, trời cũng đã sắp hết hè, trướng học rục rịch tựu trường lại, ghé qua thăm cậu Út thì cũng là lúc chị Trâm về, đã tốt nghiệp, giã từ sương mù bốn mùa Đà Lạt, chờ xin việc làm. Hai chị em gặp lại nhau, không biết bao nhiêu chuyện mà nói, và Hiển cũng tiết lộ trường mình học, chị làm bộ giận trách mà cười, cái cười có vẻ mản nguyện chuyện gì đó.

   *

    Sài Gòn vào thu, mây lang thang xam xám trên đường phố, chưa có mưa, Chủ Nhật buổi chiều hai chị em ra phố, mai chị bắt đầu làm việc tại ngân hàng Pháp Á và đưa Hiển trở xuống Cần Thơ. Đi loanh quanh, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Pasteur Lê Thánh Tôn nhìn người nhìn xe cộ, chị Trâm lâu lâu cứ nhìn đồng hồ đeo tay, tuy nói qua nói lại nhưng cũng thường ngó trên ngó dưới, xem ra có vẻ chờ chờ đợi đợi gì đó, Hiển mĩm cười thầm “chắc chờ anh nào đây”. Chưa năm giờ chiều, nắng nhạt, nắng đầu thu, rồi theo ý chị, hai người vào tiệm kem Mai Hương, ngồi bên bàn ngoài, nhìn ra đường. Bỏ chị ngồi đó, cũng cần kiếm một vài cuốn sách đem xuống dưới tỉnh đọc, Hiển đi qua tiệm sách Khai Trí, không xa bao nhiêu, chị tủm tỉm cười mà không nói gì.




    Trở lại tiệm kem, giờ đông người hơn lúc nãy, Hiển khựng lại chưa bước vội lên bực tam cấp, có cô nào đó ngồi bên, không nhìn ra đường, Hiển vừa bước trở ra đường, thì chị Trâm đứng lên vẫy tay gọi vào, cũng cùng lúc đó cô ngồi bên đứng lên, Hiển chưng hửng, Hoàng Yến sao. Ngồi xuống ghế, mấy cái bánh ngọt kêu để sẳn trên bàn, chưa có dấu đụng tới, chị Trâm cười ghẹo hỏi;

- Hiển nhớ ai đây không?

    Chưa kịp trả lời, không phải vì không có câu trả lời nhưng hình ảnh của buổi chiều ngắn ngủi ở hiên cái quán cơm  trên Đà Lạt, bổng dưng, bất chợt, dù cố quên nhưng lại hiện rõ mồn một trong đầu, nên Hiển khựng lại, thì Hoàng Yến đã lên tiếng:

- Chắc hơn hai năm rồi, quên rồi cũng phải, mà quên thiệt hông?

- Cũng hơn hai năm, nhưng đâu có dễ quên được, Hiển cười nhìn Hoàng Yến.

Cô nàng nhìn chị Trâm:

- Hiển giờ nhìn lạ quá, Hiển khỏe không, chuyện hoc hành tời đâu rồi, không nghe chị Trâm kể gì hết?

    Hiển thầm cám ơn bà chị, đã giữ lời hứa tời bây giờ, chỉ nói là học đâu đó bên Luật bên Văn Khoa vậy thôi.

- Cũng vây thôi, phải ráng, nhờ còn may nên còn áo thư sinh, ghế giảng đường, chứ nếu không thì chắc đã giầy sô áo trận rồi.

    Chị Trâm ngồi nhìn hai người nói với nhau, không đầu không đuôi, cười trong bụng, biết rồi, ba ly kem lạnh được cô hầu bàn đem ra, chị làm dấu mời ăn, đưa tay cầm lấy cuốn sách Hiển mua lật lên xem trang bìa, cuộn truyện dịch “Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh”, hình như của Francois Sagan, Hoàng Yến cũng nhìn theo, buột miệng:

- Đọc cuốn này xong, chắc Hiển sẽ tìm được một chút mặt trời nào đó trong lòng nước lạnh của mình, Hoàng Yến đọc mấy lần từ hai năm nay, nhưng vẫn còn đi tìm, buồn ghê!

- Có nhiều khi nó ở đâu đó rồi mà mình không dám nhận thôi, để Hiển xem có phải lọt vào tình cảnh của Hoàng Yến không.

   Chị Trâm hiểu ngay cái gì giữa hai cô cậu này rồi, chị cười nhìn ra đường:

- Chịu mấy năm nước lạnh Đà Lạt, muốn “lắc lư con tàu đi” rồi, giờ chị nghĩ Hoàng Yến cũng nên đi tìm “một chút mặt trời” cho ấm đời.

   Hoàng Yến nhìn chị, rồi trộm nhìn Hiển:

- Nghe lời chị, em sẽ đi tìm dù chỉ một chút thôi cũng đủ”.

    Đường ngoài phố sắp lên đèn, người xe càng lúc càng đông hơn, chiều Chủ Nhật Sài Gòn là vậy, cả ba kéo nhau qua hẻm Casino ăn cơm chiều, bữa cơm tạm biệt, thì ra, Hoàng Yến cũng vào làm cho ngân hàng Pháp Á, một chỗ với chị Trâm, chính chị Trâm đã hẹn cô nàng ra, cho nên lúc nãy, Hiển cứ thấy chị nhìn đồng hồ tay hoài, và Hoàng Yến cũng biết ngày mai Hiển trở xuống Cần Thơ. Một bữa ăn vui cho ba người nhưng cũng là một bữa ăn có thêm hương vị xao xuyến lòng ai đó.

    Ra về, Hoàng Yến lái xe Honda theo hai chị em Hiển tới Gò Vấp, nhắn nhủ chị Trâm gì đó ngày mai, trước khi quay xe đi, trời chập chửng vào đêm từ lâu, Hoàng Yến nhìn Hiển nói khẻ” khi nào về nhớ cho Hoàng Yến biết nghe, nhớ giữ gìn sức khỏe”, dưới ánh đèn đường vàng mờ nhạt trước nhà, Hiển gật đầu nhưng không hứa, Hoàng Yến chạy xe đi, Hiển vẫn còn đứng đó, giằng co trong lòng, hai chữ thân phận, chị Trâm đã bỏ vào nhà từ lâu.

*

   Ra trường, hai năm sau, Hiển về Mỹ Tho làm việc, chưa và cũng không dám nghĩ, không dám mơ tới chút tình mới chớm, có về ghé Sài Gòn, trên đường về tỉnh thăm nhà, đôi ba lần, tạt ngang cậu Út, chuyện này chuyện nọ với chị Trâm, nghe cậu mợ chị sắp lấy chồng nhưng hỏi để mừng thì chị cười nói trổng “chừng nào thì biết liền”, biết giờ Hiển làm gì và ở đâu nhưng chị vẫn không tiết lộ với Hoàng Yến, mặc dù chị nhắc hoài là cô nàng cứ hỏi Hiển, chị thấy thương nhưng đành chịu, tánh tình thằng em chị không lạ, không buông bỏ hai chữ phận nghèo ra khỏi đời mình, không biết chừng nào mới thay đổi, chị cũng biết Hiển không quên được cái buổi chiều bên hiên quán cơm trên Đà Lạt và cái tên Hoàng Yến.

2.

     Trước ngày đưa ông Táo, bất ngờ chị Trâm và Hoàng Yến xuống Mỹ Tho. Trời cũng vừa giữa sáng, không lạnh không nóng, nắng dìu dịu, chợ tỉnh đông người mua người bán, xe cộ chất hàng gọi nhau ơi ới, ồn ào, đúng là ồn ào như cái chợ.

    Ba người trong văn phòng, Hiển chưng hửng, chuyện gì đây, nhìn lén chị Trâm ngầm hỏi, chị chỉ cười và cười, không nói nhưng xem ra có vẻ hài lòng, ba người nói qua hỏi lại, chuyện này chuyện nọ, vui vẻ như trước. Hoàng Yến cứ nhìn tấm bảng mica khắc tên và chức vụ để trên bàn làm việc, cũng như chị Trâm cười nhưng có chút trách móc:

-Bộ Hiển ghét Hoàng Yến lắm hay sao mà không thèm cho Hoàng Yến biết gì hết?

Hiển vừa định trả lời thì Chị Trâm giờ mới lên tiếng, nhìn hai người:

-Chuyện này dài như chuyện “nhân dân tự vệ”, thủng thẳng chị nói cho nghe.

    Cũng tới giờ nghỉ trưa, Hiển lái xe chở hai người ra cái quán cơm quen, trên đường rẽ vào phố chính. Trời rưng rức nắng, xe cộ thưa dần, đường có chút bụi nhạt đong đưa làm dáng. Thấy Hiển, bà chủ quán vồn vã ra chào, nhìn qua hai cô đi theo cười tủm tỉm. Vừa ăn vừa nghe chị Trâm, “có ngày nghỉ từ chỗ làm, chị rũ Hoàng Yến đi Mỹ Tho chơi, nhất là có qua ngã ba Trung Lương, trái cây đủ thứ mặc sức mà mua mang về, chị có một người quen rất thân ở dưới, cũng không lạ với Hoàng Yến, chiều mình về, xe đò chạy hà rầm, nhiều chuyến về lắm khỏi lo”

    Hoàng Yến tính cũng ham vui, lại nghe nói có ai đó quen mình, cố nặn đầu nhớ nhưng đành chịu, nên háo hức chịu đi, sau khi đi vòng vòng phố xá, tới công viên Lạc Hồng ngắm sông Mỹ Tho, nhìn đò máy xuôi ngược qua bên kia Cồn Phụng, ăn sáng, chị cứ tỉnh queo nhủng nha nhủng nhẳng, làm Hoàng Yến sốt ruột, nhắc tới nhắc lui, rồi hai người đón xe lôi máy tơi đây, địa chỉ Hiển chỉ dễ tìm ra, “vây đó người quen của chị mà cũng không lạ với cô”, chị Trâm, chỉ qua Hiển cười khoan khoái:

- Là anh này đây.

    Cả ba phá lên cười, bà chủ quán đang bưng dọn gì đó gần bên cũng quay qua nhìn cười lây, chẳng cần biết chuyện gì.

   Hiển đưa hai người ra bến xe đò nhỏ về Sài Gòn, chuyến xe chót cuối ngày, anh tài xế và anh lơ, thấy Hiển, đang ngồi hút thuốc gần xe, ngồi bật lên chào, vì Hiển không còn lạ gì với họ ở đây. Xe đủ khách, anh lơ giục lên đi sớm, nói vậy chứ cũng đứng chờ Hiển, Hoàng Yến xem ra bịn rịn, chị Trâm làm bộ ngó lơ, vừa bước vào xe, Hoàng Yến quay đầu lại:

- Khi nào về ăn Tết trên nhà trờ xuống, nhớ ghé qua nhà Hoàng Yến nghe, Hoàng Yến chờ, nhớ nghe.

    Chị Trâm nheo mắt nhìn Hiển lập lại:

- Nhớ nghe.

    Xe đò ra khỏi bến, anh lơ vẫy tay chào, Hiển ngồi yên trên xe nhìn theo, bổng dưng bâng khuâng nhớ.

3.

     Chiếc xe Peugeot 504 màu trắng ngừng lại ở chỗ bến xe chợ xã, ba má Hoàng Yến, Hoàng Yến và chị Trâm xuống xe, không có Hiển, ôm trên tay gì đó, nói cười đi trước tới căn nhà tôn vách ván, nằm xế chếch cuối khu phố, nhà Hiển, chú tài xế đứng tựa vào thành cửa xe, châm thuốc hút nhìn. Trời lưng lửng giữa sáng, nắng rực ấm, chợ còn đông, người bán người mua lóng nhóng, nhấp nhỏm nhỏ to, kéo nhau theo sau một khoảng xa, đứng tụm ba tụm năm nhìn. Bốn người vào nhà Hiển, không biết họ đã nói chuyện gì, chừng đâu hơn một tiếng mấy đồng hồ trở ra có cả ba má Hiển theo tiễn, chị Trâm, Hoàng Yến và ba Hoàng Yến đi trước, má Hoàng Yến vẫn còn nắm tay má Hiển nói gì đó, nói nhiều lắm, thấy ba má Hiển vui vẻ gật đầu mấy lần

    *

    Sáng thứ bảy, ngày nghỉ, Hiển trở lên Sào Gòn sớm, khi nhận được thư chị Trâm kêu về ăn giỗ bà dì Tư, má chị. Thư từ tay anh tài xế chiếc xe đò nhỏ mà Hiển thường đi đưa lại, từ xế trưa hôm qua chị ra bến xe, đón chuyến xe đò này, chuyến xe đò mà chị và Hoàng Yến về hôm xuống Mỹ Tho thăm Hiển, gởi thư khi xe trở về dưới, chị trả tiền như mua vé một chỗ ngồi. Thật vậy, về tới Gò Vấp, vào nhà thì đã có mặt khá đông bà con trên tỉnh xuống, đang bận rộn lo chuyện nấu nướng, ngạc nhiên là có cả Hoàng Yến, chưa kịp hỏi gì thì thấy Hiển, bà con trong nhà réo nhau trước sau, rối rích ngừng tay “một Hiển hai Hiển”, tiếng Hiển càng lớn thì đôi má Hoàng Yến xem ra càng ửng hồng hơn. Xong bữa giỗ, Hiển một lần nữa cùng chị trở qua nhà Hoàng Yến, chạy xe của chị Trâm một mình, chị thì ngồi cùng với Hoàng Yến, chạy sau không xa nhìn trước, hai người nói không nghỉ, thỉnh thoảng quay nhìn Hiển cười ngặt nghẽo.

   Đưa hai chị em ra cổng, ba má Hoàng Yến cùng theo ra, vẫn còn chút nắng muộn, chị Trâm vịn xe dứng chờ, ông cười tươi nói với Hiển, nhưng không ai nghe rõ ông nói gì, chỉ thấy Hiển gật đầu. Hoàng Yến nhìn ông rồi nhìn Hiển cười. Hai chị em, đi xa rồi, ba người vẫn còn đứng trên lề đường nhìn theo, cánh cổng sắt thường khép kín mọi ngày, chiều nay chưa chịu đóng.

4.

    Một sáng giữa thu, một lần nữa, dân chợ xã lại thấy chiếc xe Peugeot 504 màu trắng, lần này chiếc xe chạy gần tới nhà Hiển hơn, dân chợ cũng là dân chợ từ xưa, nhốn nháo, tụm ba tụm năm, mắt xa mắt gần dòm dòm ngó ngó. Người xuống xe, má của Hoàng Yến và có thêm Hiển, trên tay anh tài xế, và bà ôm nhiều gói bao giấy đỏ. Vào nhà không lâu, họ đi ra, có cả ba má Hiển, quần áo tươm tất lên xe, xe chạy ra đường lộ chính, đám dân chợ xã nhìn theo, đứng đó nhỏ to bàn tán với nhau, chợ đông người từ lâu vẫn chưa chịu tản đi.

    Cũng lúc đó, trên đường Phan Thanh Giản, người ta thấy chị Trâm, Hoàng Yến và ba của cô nàng đứng trước cổng biệt thự, hoa kết rực rỡ đủ màu, xem ra chiều vừa ý với hàng chữ màu đỏ thẳm lấp lánh một chút nắng mặt trời lên hiếm hoi trong cái se lạnh giữa thu,

Lễ Thành Hôn”.

 

Thuyên Huy 

 Trước khi vào Hạ 2023 

 

 

Thao Thức & Hoài Vọng - Nguyễn Thị Châu

 THAO THỨC

 
















Tiếng gà thao thức gáy đầu hôm

Lủng lẳng trên cao chị nguyệt dòm

Lác đác trời đen sao mấy đóm

Lưa thưa lá rớt ở bên thềm

 

Đêm nay thao thức suốt canh trường

Vì bởi đường trần mãi vấn vương

Hoa bướm bên nhau, hoa vẫn thắm

Mà nay chia rẽ bạn đôi đường

 

Chiếc bóng cô liêu nhớ một người

Phút giây lưu luyến hởi người ơi!

Chia ly là cả đời nhung nhớ

Cào nát con tim luỵ suốt đời

 

Thao thức vì tôi, hay vì ai?

Vì con sóng nhỏ rớt u hoài

Thôi thì cứ thế qua ngày tháng

Theo gót thời gian, bao đổi thay…!

                        28-6-2023

  Nguyễn thị Châu

 

HOÀI VỌNG

 

Anh hỡi! Bây giờ anh ở đâu?

Để tôi ngồi đếm giọt thương sầu

Bởi lẻ vô thường không vướng bận

Tàn canh thương nhớ vọng đêm thâu

 

Bao đêm ngồi ngắm ánh trăng già

Tưởng nhớ người thương đã đi xa

Trong tôi nhớ hoài và nhớ mãi

Những ngày thân ái đã đi qua

 

Mình đã xa nhau, xa thật rồi

Nhớ sao, nhớ quá bạn tình ơi!

Nhớ con đường vắng cùng nhau bước

Lá rụng bờ vai khúc khích cười

 

Ở phương trời ấy anh có biết?

Vườn xưa vắng bóng đoá hoa hồng

Dù bao sương gió, bao cay đắng

Vẫn nhớ về anh, một tấm lòng….!!

                       28-6-2023

 Nguyễn thị Châu

Cơn Đau Không Dứt - Phan Xuân Sinh

 

CƠN ĐAU KHÔNG DỨT




 

Khi má tôi mất, tôi mới mười môt tháng tuổi. Bà ngoại đem tôi về nuôi. Ba tôi bị tù vì tội tham gia cách mạng không biết ngày nào ra. Sau nầy khi tôi lớn, ngoại kể cho tôi nghe về những năm tháng thiếu mẹ. Tôi có tật nửa đêm thức giấc tìm vú mẹ, miệng ngậm vú bên nầy, tay sờ vú bên kia tôi mới chụi ngủ tiếp, nếu không có thì khóc thét lên. Những đêm đầu má tôi mất, ngoại phải ôm tôi thay cho má tôi, nhưng vú của ngoại đã khô sữa từ lâu lại bèo nhèo, Tôi mút đứt hơi mà không ra giọt sữa nào, tôi khóc không chịu ngủ, ngoại phải bồng tôi thức cả đêm dỗ tôi, ngoại cũng khóc theo tôi, vừa thương tôi côi cút vừa nhớ má tôi. Sáng dậy bà cháu tôi mắt đều sưng húp. Khi nhỏ tôi thường hay đau ốm, có lẽ vì thiếu dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc, vì ngoại cũng bận rộn buôn bán kiếm tiền, nên tôi bị những trận đau ốm liệt gường tưởng chừng như không qua khỏi. Ngoại tôi phải ở nhà chăm sóc cho tôi. Tôi vượt qua được những khó khăn, những thiếu sót từ vật chất đến tinh thần, nhưng bù lại tôi được sự nâng niu trong tình thương của ngoại. Mặc dù trong còm cõi, trong thiếu thốn tôi cũng lớn lên cùng với mọi người. Vì chính những hoàn cảnh bất hạnh đó tôi lại “giàu có” những tưởng tượng, những ước mơ đã ru tôi vào đời.

Khi tôi bắt đầu đi học cũng là cái năm người Bắc di cư vào miền Nam. Tôi mê mẫn mấy ông Bắc Kỳ bán kẹo kéo, không biết thơ phú ở đâu mà mấy ổng chứa đầy bụng, gặp hoàn cảnh nào là mấy ổng tuôn ra trúng phong phóc. Nhiều hôm đau nằm liệt gường mà nghe tiếng chuông rung từ xa của xe đạp bán kẹo kéo, là tôi tụt xuống gường chạy ra ngõ, tiếng chuông đó hấp dẫn lạ lùng, nó có một ma lực cuốn hút mà tôi không thể nào bỏ qua được. Cũng như bây giờ con nít ở Mỹ nghe tiếng nhạc của xe bán kem vậy.

Kẹo kéo Bắc Kỳ
Có tiền mà để làm gì
Không mua kẹo kéo Bắc Kỳ mà ăn

Khi xe đạp của ông đi ngang qua chỗ mấy người đàn bà ngồi buổi trưa chải đầu bắt chí, là ông xổ ngay ra câu thơ:

Bà nào chồng bỏ chồng chê
Ăn cây kẹo kéo chồng mê lại liền

Quả thật kẹo kéo ngon thật, nhưng đối với tôi không hấp dẫn bằng mấy câu thơ của mấy ông bán kẹo. Tôi cứ chạy theo xe từ con hẻm nầy qua con hẻm khác, đến khi nào chạy không nổi nữa mới quay lưng trở về..Nhiều bữa ông bán kẹo thấy tôi chạy theo xe tội nghiệp, tưởng tôi thèm kẹo mà không có tiền. Ông hỏi tôi có muốn ăn không, ông bẻ cho một khúc. Tôi lắc đầu. Ông ngạc nhiên nhìn sửng tôi. Tôi cho ông biết là tôi muốn nghe ông đọc thơ.

Ở phía trước con hẻm nhà tôi có một bàu rau muống rất lớn, dân trong xóm cắt rau muống về trộn với cám để cho heo ăn. Thế mà khi người Bắc vào thì xóm tôi mới biết dùng rau muống để ăn. Rau muống nấu canh, rau muống luộc, rau muống xào, rau muống cuốn với bánh tráng cá nục kho. v.v..và bữa cơm của nhà nghèo được thêm vào những món ăn hợp khẩu vị mà không phải tốn thêm tiền. Còn món Phở Bắc thì tuyệt vời, làm giàu thêm các món ăn của quê tôi vốn dĩ đã nghèo nàn. Ở Đà Nẵng lúc ấy nỗi tiếng quán Phở Cấp Tiến ở đường Thái Phiên (gần ty Thông Tin). Trước cửa quán phở là sạp bánh mì. Khách vào quán phở bao giờ cũng mua thêm một ổ bánh mì rồi bẻ nhỏ trộn vào phở ăn độn thêm cho no. Phở quan trọng là nước dùng, thế nhưng dân ngoài tôi ít khi nào húp nước, chỉ ăn bánh phở và thịt, nước để lại. Giống như mì Quảng, nước chỉ vừa đủ thấm. Khi vào Sài Gòn có vợ Bắc Kỳ, tôi mới biết thưởng thức phở một cách trọn vẹn, còn trước đây ăn phở chỉ lấy no.

Tôi có thằng bạn nhỏ nhà gần trường, nó là dân Bắc Kỳ di cư. Nhà nó bán thịt chó. Một hôm đi học về buổi trưa khát nước, tôi ghé vào nhà nó uống miếng nước lạnh. Tôi bước vào nhà mũi tôi tiếp nhận một mùi thơm cực kỳ hấp dẫn, tôi chưa bao giờ ngửi một món ăn nào thơm tho như vậy. Thằng bạn bảo tôi ở lại ăn cơm với nó rồi chiều đi học luôn khỏi về nhà, tôi đồng ý.  Mẹ nó dọn riêng một bàn ăn cho bố nó, còn mấy mẹ con ăn chung với nhau một bàn khác. Nhà nghèo nhưng rất kiểu cọ. Đó là một gia đình người Bắc đầu tiên mà tôi đã gặp. Mẹ thằng bạn hỏi tôi có bao giờ ăn thịt chó chưa? Tôi thưa với bà là tôi chưa bao giờ ăn món nầy. Bà xuống bếp múc cho tôi một chén “rựa mận”. Đầu lưởi của một thằng bé con Quảng Nam nghèo, chưa lần nào ăn một món có nhiều gia vị như vậy, nên khi tôi nếm vào, lưởi tôi như tê lịm, khi nuốt xuống tôi cảm tưởng như nó rần rần trong cơ thể. Tôi chưa bao giờ thấy món ăn nào ngon hơn. Một quán thịt chó nho nhỏ nuôi một đàn con nên người sau nầy, đứa nào cũng hiếu thảo với cha mẹ. Đó là một tấm gương cho nhiều gia đình. Lúc nhỏ tôi thấy Bố thằng bạn cỏ vẻ nghiêm khắc, xa rời con cái, nhưng sau nầy thỉnh thoảng tôi có ghé lại thăm gia đình, ông tiếp tôi trong thân tình và rất cởi mở. Con cái về nhà đông đủ, nhung đến bữa cơm vẫn dọn riêng cho ông một mâm như thuở xưa.

Khi học lớp tư, lớp ba (lớp hai, lớp ba bây giờ), mỗi lần đi học tôi ghé vào nhà thằng bạn ở trên con đường đi tới trường, rủ nó cùng đi chung. Thường tôi đứng ngoài ngõ chờ nó. Nó là đứa con út của gia đình nên nó được mẹ chìu chuộng, nó thường ngồi trong lòng mẹ để vòi vĩnh, mẹ nó thì ôm nó tưng tiu. Thấy cảnh nầy tôi vội vàng bỏ đi không chờ nó, vừa đi tôi vừa tủi thân vừa khóc. Tại sao má tôi lại ra đi sớm để tôi không được nuông chìu như vậy? Nó hỏi tôi tại sao không chờ nó cùng đi, tôi không trả lời. Trả lời thực lòng  thì tôi thể hiện lòng ganh tị, mà tôi không muốn ai biết được sâu thẳm của lòng tôi. Nhưng người thấy được những cất giấu kín mít nầy lại chính mẹ nó. Bà để ý từng cử chỉ, từng lời nói của tôi mà tôi không hay. Chắc nó cho bà biết là má tôi đã mất sớm, nên ánh mắt của bà nhìn tôi thật dịu hiền. Từ đó bà không bao giờ nuông chìu nó trước mặt tôi. Mỗi buổi sáng bao giờ bà cũng mở cặp của tôi nhét vào một khúc bánh mì, một gói xôi hay một củ khoai giống như nó vậy. Bà không bao giờ hỏi tôi về gia đình, về hoàn cảnh sống của tôi. Tôi nghĩ thằng bạn nhỏ của tôi đã cho bà biết tất cả về tôi, nên bà cũng chẳng cần phải hỏi cho tôi thêm xúc động. Thế mà trong số bạn bè tôi sau nầy, thằng bạn nầy lại chết sớm nhất trong chiến tranh. Đúng ra không phải chết ở ngoài mặt trận mà chết vì mìn claymore mà VC đặt ở cổng số 9 trường Bộ Binh Thủ Đức, khi nó bị động viên theo học khóa 6/69 sĩ quan trừ bị.

Tuổi nhỏ sống trong hẩm hiu, biết thân biết phận nên không bao giờ đoi đòi. Con nít khi nghèo khó nên thèm khát đủ thứ, chỉ biết nuốt nước miếng nhịn thèm, bỏ đi chỗ khác tránh xa những nơi ăn uống. Tối nằm trên gường ngủ chỉ mơ thấy món ăn. Từ lúc đó tôi ước mong sau nầy lớn khôn, tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền để giúp gia đình đở phải thua thiệt. Tôi mang tâm nguyện nầy cho đến bây giờ, không sợ khó nhọc, khổ cực, phải kiếm tiền trong mọi hoàn cảnh bằng sức lực của mình. Chỉ có một thú vui trí tuệ lúc ấy là thích đọc sách báo, lấy đó làm niềm vui. Tìm được tờ báo nào về nhà nằm ngữa trên phản gỗ đọc không sót một chữ. Có nhiều người lớn vào nhà thấy tôi như vậy cũng tức cười. Một thằng bé con nằm tréo mảy trên phản đọc báo như ông cụ..

Tôi lớn lên bằng những thiệt thòi, những thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Lên trung học ai cũng đi xe đạp còn tôi thì cuốc bộ trường kỳ. Đến năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tôi mới mua được một chiếc xe đạp cà tàng bằng chính tiền của tôi đi dạy kèm buổi tối. Trước giờ dạy kèm, tôi thường đạp xe đi sớm cả tiếng đồng hồ ra ngồi ở ghế đá bờ sông Hàn, Đà Nẵng, tìm một chút thư giãn, một chút suy nghĩ về mọi chuyện đã gặp trong ngày, nó trở thành một thói quen mà không bỏ được. Trong lớp học của tôi lúc đó có bốn thằng bạn thân nhất: Lâu, Hùng, Li và tôi. Thỉnh thoảng tụi tôi đi uống café, đi ciné hoặc đạp xe vòng thành phố, ra bờ sông ngồi tán dóc, hoặc đến nhà đứa nào đó học bài chung Trong thời của tụi tôi lúc ấy, cha mẹ cũng không chăm sóc con cái kỷ càng, thế mà tụi tôi chẳng có đứa nào hư hỏng, lêu lổng. Có đi đâu thì phải thức khuya để học bài. Nhà nghèo sợ chong đèn không đủ tiền trả tiền điện, phải ra ngoài đường ngồi dưới gốc trụ đèn học bài..

Sau nầy lớn lên, trước khi vào lính, thằng nào cũng có tật mê gái (hình như đó là cái bệnh chung của thanh niên). Thế nhưng chỉ yêu thầm nhớ trộm, trong bốn thằng chưa có thằng nào có bồ mặc dù có đi cua gái chút đỉnh (mà con gái lúc đó đâu thèm mấy thằng lông bông như tụi tôi). Sau tết Mậu Thân, chiến cuộc tràn lan, lần lượt đứa nào cũng vào lính. Lâu và Hùng được tuyển chọn đi không quân. Tôi và Li bị ra bộ binh. Tôi ở Trinh Sát Trung Đoàn 51. Lúc đó tôi nghĩ trong bốn thằng bạn thân, có lẽ tôi là thằng rửa chân lên bàn thờ sớm nhất, vi trinh sát đủ biết là đơn vị sống nay chết mai, thập phần nguy hiểm. Li ra địa phương quân tiểu khu Quảng Nam. Mặc dù tôi với Li cùng đóng tại Quảng Nam nhưng rất ít có cơ hội gặp.

Một thời gian ngắn, tôi nhận tin Lâu bị “sút” ra khỏi không quân vì lý do kỷ luật. Tôi rất ngạc nhiên, trong bốn thằng Lâu hiền từ nhất và học giỏi nhất, mà trong quân trường rớt vì lý do kỷ luật là phải vi phạm to tát lắm  mới bị hình phạt nầy. Rồi tất cả mọi chuyện cũng trôi theo thời gian, không còn biết tin tức gì về nhau. Tôi hay chuồn về nhà khi đơn vị không đi hành quân, mỗi lần về Đà Nẵng tôi hay ngồi quán café Ngọc Lan (đường Độc Lập) mà xưa kia trước khi vào lính tụi tôi hay ngồi, vì quán nầy yên tỉnh. Một lần chuồn về, tôi đi uống café Ngọc Lan, tôi mới bước vào quán thì thấy Lâu, Hùng và Li đang ngồi ở đó, mỗi thằng mang bộ quân phục khác nhau. Lâu nhảy dù bộ đồ hoa xanh đỏ, tôi trinh sát bộ đồ hoa xanh den, Hùng không quân bộ đồ bay và Li bộ binh bộ đồ xanh ô-liu. Mỗi thằng phục vụ những binh chủng khác nhau. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bốn đứa chúng tôi gặp nhau trong thời chiến tranh đầy đủ, sau nầy có gặp nhưng gặp thằng nầy thì không có thằng kia. Tôi hỏi Lâu về trường hợp ra khỏi không quân, nó cho biết là trong thời gian thụ huấn nó quen với một em cave, nên tối là nó chuồn ra với em, nhiều lần như vậy nên bị kỷ luật. Bốn đứa gặp nhau mừng lắm, sau cử càfé tụi tôi kéo nhau đến quán nhậu ở đường Lê Đình Dương.

Lâu ít nói nhất, mặt lầm lì, uống như hủ chìm. Mới ngày nào còn dáng thư sinh chỉ vài năm  tác chiến mặt thằng nào cũng phong sương, chai đá. Tụi tôi uống tới khuya mới ra về. Trong bữa nhậu đó tôi thấy Lâu buồn nhất, khi chia tay Lâu ôm thằng Hùng và Li khóc, tôi nghĩ vì quá say nên nó không kiềm hảm được xúc động, chớ ngờ đâu đó là điều báo trước sự bất hạnh của nó. Tôi lãnh phần chở nó về nhà, khi đến cổng nó năn nỉ bảo tôi vào nhà uống với nó tách nước trà. Tôi bảo là khuya sợ gần giới nghiêm mà trong người không có sự vụ lệnh hay giấy phép, Quân Cảnh sẽ chụp đầu. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn dựng xe honda trước sân vào nhà nói chuyện chơi với nó, rồi quá khuya tôi quyết định ngủ lại nhà nó đêm đó.

Vài tháng sau thằng lính trên văn phòng đại đội xuống phòng của tôi báo cho biết tôi có điện thoại. Tôi chạy lên nghe đầu dây bên kia Li cho biết là Lâu tử trận, xác được nhảy dù đưa về nhà trưa nay, vì xác đã chương sình nên gia đình phải chôn sớm. Li hỏi tôi có thể về đưa đám Lâu được không? Tôi trả lời là bằng mọi cách tôi sẽ có mặt. Tối đó tôi với Li mang một vòng hoa mang tên ba đứa tới viếng Lâu (Hùng bận công tác không về được). Khi tụi tôi mang hoa vào trông thấy một người đàn bà bồng đứa con trai chừng hơn một tuổi, hai mẹ con đều chít khăn tang. Tôi nghi trong bụng đó là người tình của Lâu mà có lần nó kể cho tụi tôi nghe. Tôi đến bên vuốt ve đứa bé nó giống Lâu như tạc, chị và cháu đi theo quan tài từ Sài Gòn về Đà Nẵng. Đó là đứa con trai của Lâu mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại.

Những sĩ quan nhảy dù đi theo quan tài của Lâu cho biết về cái chết của Lâu. Trong một cuộc đụng độ (vì lâu quá tôi không nhớ ở mặt trận nào). Lâu tử thương trong lúc mới giao tranh nên xác không thể mang ra được, ba ngày sau mới tìm được xác thì đơn vị đụng một trận khác, vì quá vội vàng qua con sông nhỏ nước chảy xiết bị đứt dây xác trôi mất. Ba ngày sau xác mới nổi lên, đơn vị mới vớt được. Như vậy “người chết hai lần, thịt da nát tan” như Trịnh Công Sơn mô tả trong bản nhạc, đúng với trường hợp của Lâu. Ngày hôm sau tôi và Li đi đưa đám tang Lâu về, hai thằng chở nhau ra quán café Ngọc Lan ngồi, không nói với nhau một lời. Trong bốn thằng mới ngồi với nhau mấy tháng trước tại đây, Lâu là thằng ra đi trước nhất. Sau nầy không biết đứa nào ra đi tiếp đó, vì ba thằng còn lại đứa nào cũng ở đơn vị tác chiến. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, đụng trận mãi thế nào cũng đưa đến chuyện tử vong. Thật tình, tinh thần của những người cầm súng trực diện với mặt trận rất suy sụp. Thế nhưng ở tư thế nầy không thể rút lui được, tới đâu hay tới đó, sống chết phó mặc cho phần số.

Thỉnh thoảng tôi có gặp Hùng ở Đà Nẵng khi tôi từ đơn vị chuồn về đi chơi, cũng café Hạ, Diệp Hải Dung, Ngọc Lan. Hôm nào lãnh lương thì nhảy đầm, ăn nhậu. Tụi tôi không vợ con cho nên không dành dụm tiền bạc làm gì, tháng nào sạch tháng đó. Hùng thì dân pilot trực thăng nên các em thơm tho chiếu cố, còn tôi dân tác chiến trâu bò, chẳng có ma nào cỡ đó để ý. Nhưng thôi, dây dưa làm gì những thứ tình yêu vớ vẩn chẳng tới đâu, mạng sống còn không giữ được, đèo bòng làm gì cho thêm mệt. Trong quan niệm yếm thế đó, tất cả những mối tình chỉ qua đường, không dừng lại lâu trong đời sống. Người bạn gái nào tiến tới thì tôi lặng lẽ rút lui. Tôi dùng trò chơi cút bắt để giỡn mặt với tình yêu, họ đâu biết rằng tôi có mệnh hệ nào sẽ làm cho người khác đau khổ, mà tôi không muốn điều đó xẩy ra.

Đầu năm 1972, đơn vị tôi hành quân ở quận Đức Dục có đụng những trận lẻ tẻ không đáng kể, sau ba ngày một đơn vị khác lên thay cho chúng tôi, trực thăng chở chúng tôi về Bộ Chỉ Huy. Trực thăng chở trung đội tôi về nửa chừng thì tôi được lệnh phải quay lại tìm xác của phi hành đoàn một chiếc trực thăng bị bắn cháy ngày hôm trước gần mỏ than Nông Sơn. Trực thăng nầy đã tìm thấy, nhưng xác của phi công chưa lấy được. Những chiếc gunship yểm trợ cho chúng tôi nhảy xuống tìm xác. Thật tình thì những xác bị cháy đen ngồi ở vị thế trên máy bay không xê dịch, tôi chỉ ghi trên poncho của từng người, bên trái, bên phải và xạ thủ đại liên phía sau, để dễ dàng khi nhận diện mà không bị lẫn lộn.

Sau cuộc hành quân nầy tôi được nghỉ ba ngày phép về Đà Nẵng chơi. Đang ngồi uống café  thì thằng bạn học cũ tới hỏi tôi: “Mầy đi đám ma thằng Hùng chưa?”. Tôi giật mình, hỏi lại: “Ủa nó chết hồi nào?”.  Nó chưa kịp trả lời, tôi vội vả trả tiền café chạy lại nhà Hùng, tôi đã thấy Li ngồi ở đó tự lúc nào. Li cho tôi biết là máy bay của Hùng bị bắn cháy ở gần mỏ than Nông Sơn, tôi kêu lên: “Trời ơi”, rồi nước mắt của tôi chảy dài. Chính tôi là người đi lấy xác thằng bạn thân của mình mà tôi không hay, sao oan nghiệt với tụi tôi thế nầy? Thường thường đi lấy xác thì sai lính vào trong khiên ra, không biết có ai sai khiến, tôi lại đến ngay chổ máy bay bị nạn, thiếu poncho, tôi lại tháo cái poncho của mình để bọc người phi công bên trái chính là Hùng. Nghĩ tới điều nầy tôi lạnh cả người. Tôi và Li đêm đó ở lại với Hùng. Như vậy trong bốn thằng chỉ còn lại tôi với Li. Đám tang của Hùng nhiều người con gái đến viếng, nhiều người khóc nức nở và tụi tôi cũng không biết trong số đó ai là “bồ ruột” của nó.

Sáu tháng sau, trong một cuộc hành quân chiếm lại vùng đất Cẩm Hải, Quảng Nam. Tôi bị thương nặng, gửi lại một bàn chân tại vùng đất nầy (nơi đây sau nầy là phần mộ của ba má tôi). Như vậy tôi là người thứ ba trong bốn thằng bị loại ra khỏi vòng chiến, hơn được hai thằng kia là tôi còn giữ được mạng sống. Li vào Tổng Y Viện Duy Tân thăm tôi, ngồi với tôi một buổi, khuyên tôi đủ điều. Tôi nói với nó bây giờ tôi chỉ muốn chết, sống mà mang thương tật suốt đời không chịu nổi. Nó đưa tay bụm miệng tôi lại, không cho tôi nói những điều không hay. Tuần nào nó cũng vào thăm tôi, mang cho tôi một vài quyển sách, lần sau trái cây hay thuốc lá, bao giờ cũng ngồi nói chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ. Sau khi xuất viện, thỉnh thoảng về phép, nó đến nhà chở tôi đi uống café hay đến mấy quán nhậu lai rai. Tinh thần của tôi không còn suy sụp cũng nhờ nó một phần. Tuy nhiên tôi rất hạn chế ra ngoài đường, ngoại trừ bạn bè ngoài mặt trận về rủ đi uống café hoặc cần thiết lắm mới ra khỏi nhà, bởi tôi mang mặc cảm thua thiệt vì tật nguyền. Hai năm sau tôi giả từ Đà Nẵng để vào Sài Gòn làm lại cuộc đời. Cắt phăng tất cả những hệ lụy, những vướng mắc tình cảm. Chọn một nơi dung thân xa lạ để tiếp tục sống những ngày còn lại.

Tháng 4/75, mọi toan tính của tôi cho tương lai đều bị ngưng lại, dồn sức vào chuyện kiếm tiền nuôi thân, không còn trông chờ vào số tiền trợ cấp hằng tháng. Tôi đã thay đổi công việc nhiều lần để thích hợp cho cuộc sống, chính vì vậy tôi đã thành công trong cuộc sống lúc đó, không giàu có nhưng cũng đủ sống thoải mái.

Tháng 6 năm 1990 tôi và gia đình định cư tại Hoa Kỳ, thêm một lần thật sự đổi đời. Tuy vô vàn khó khăn trong hội nhập, vợ chồng tôi vẫn cật lực làm việc trong những môi trường lạ lẫm từ tiếng nói đến công việc và không bao giờ nghĩ tới chuyện hưởng thụ. Năm 1993 tôi có về thăm quê nhà một lần sau khi Ba tôi mất. Tôi có đến thăm gia đình Li, Li cũng chở tôi đi thăm bạn bè, cũng ngồi café như thuở trước, nhưng chúng tôi cảm thấy không thích hợp nữa, chỉ thích ngồi mấy cái quán cốc để dễ dàng xuề xòa nói chuyện, Li chở tôi tới nhà Lâu và Hùng để thắp nhang, nhìn trên bàn thờ với tấm hình thời đi học của Lâu và Hùng, tôi và Li cảm thấy ngậm ngùi. Trước đây mấy tấm hình trên bàn thờ đều mặc đồ lính, sau 75 mọi gia đình đều hạ xuống, lấy hình mặc đồ dân sự thay thế.

Vì bận rộn nhiều với công việc, mười lăm năm sau tôi mới trở về lại. Ông cậu tôi tìm đâu ra tấm hình cũ của tôi, Li, Hùng và Lâu chụp chung khi đi picnic ở Tiên Sa năm học đệ tam. Tôi mang tấm hình đưa cho Li xem, Li xúc động ngồi trầm ngâm rồi nói với tôi: “Không biết sau hai thằng nầy, mầy hay tau đi theo chúng nó trước?”. Tôi chỉ trả lời với nó là: “Trời kêu ai nấy dạ, hơi đâu mà lo cho mệt”. Nó giành giữ lại tấm hình, lúc nào tôi về lại sẽ sang ra đưa cho tôi một tấm. Tôi có nói với nó: “Tấm hình oan nghiệt thật, hai thằng chết, một thằng chết nửa thân người (tôi). Chỉ còn mầy lành lặn”. Nó nói với tôi
“ Thấy bên ngoài như vậy, chứ tau nát bét bên trong, chắc tau đi trước” (một câu nói báo trước cho nó). Tôi nói giỡn lại với nó: “Có lẻ tau bị thương nên được chừa ra, còn mấy thằng lành lặn đi đong hết”.  Cũng một câu nói vô tình đó nó trở thành một định mệnh. Sau khi trở lại Mỹ ba tháng sau, tôi nhận được email của chị bạn học một lớp với tụi tôi báo cho biết Li mất vì bệnh tim. Nhận được email tôi vô cùng xúc động, rồi bật khóc.

Như vậy, tôi là người còn lại cuối cùng trong tấm hình bốn thằng còn đi học ở trường Sao Mai, Đà Nẵng. Khi tiễn tôi ra phi trường, tôi bắt tay rồi ôm nó, cám ơn nó đã tận tụy tiếp tôi trong những ngày về thăm quê nhà. Nó căn dặn tôi “Tuổi mình không còn nhỏ, ráng một hai năm thu xếp về thăm anh em, chứ đừng để mười lăm năm mới về như lần nầy, thì không còn thằng nào để tiếp mầy”. Thế mà chỉ mới ba tháng, sau khi chúng tôi hội ngộ, nó đã ra đi. Tôi không tin vào những điều huyễn hoặc, nhưng kiểm lại những gì mà chúng tôi gặp, nói với nhau, hình như là điềm báo trước cho sinh mệnh của mình. Ngồi mở lại những tấm hình tôi và Li mới chụp vừa rồi ở quê nhà, tôi thấy nó không nở một nụ cười, mặt của nó buồn bả. Nó nói với tôi: “Bọn mình suốt đời toàn gặp những chuyện không may, thằng chết đã đành, còn thằng sống cũng không hơn gì”.

Tuổi trẻ của tụi tôi bị vùi dập trong chiến tranh, hòa bình thì tù tội, tuổi già thì ốm yếu hậu quả của những năm tháng lao khổ. Riêng cá nhân tôi không bị lao tù, nhưng mang một thương tật khổ sở suốt đời. Không giũ áo ra đi sớm như Lâu, Hùng và bây giờ thêm Li, nhưng mang một vết thương như một hình phạt mà tưởng chừng như một gánh nặng đè trên thân phận, cái đau triền miên không bao giờ dứt được. Thôi thì, phải chấp nhận một định mệnh mà Thượng Đế đã bất công giáng xuống cuộc đời của chúng tôi.

 

Phan Xuân Sinh

Dallas, mùa hè 2008.

Từ trang OVV