Wednesday, April 29, 2015

Phim Chậm Tháng Tư - Nam Đan


Phim Chậm Tháng Tư

Với người từng sống ở miền Nam, đặc biệt từng sống ở Sài Gòn, ai cũng đang bức bối không chỉ vì nhiệt độ, mà còn vì đang vào Tháng Tư. Mời bạn cùng xem một số hình ảnh của miền Nam, của Sài Gòn, xem như xem một cuốn phim, mà nhà thơ Ðỗ Trung Quân gọi là “Phim chậm tháng tư”.
 



Sài Gòn 1968... Làm bao cát cho hầm trú, khi chiến tranh không còn “xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng...” mà đã vào thẳng thành phố “từng chuyến bay đêm con thơ giật mình ...hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng...”, với người thị thành chiến tranh đã có thể chạm tay vào được, nhà nào cũng có một hầm cát tránh pháo, “đại bác đêm đêm dội về thành phố “, khi ấy, có lẽ tôi lớn hơn chú bé đang xúc cát hoặc bằng chú đang thọc tay túi quần phía sau lưng kia... đêm đêm áp tai vào hầm cát nhìn ánh hỏa châu lơ lửng thắp sáng khoảng sân tối và tiếng hát Khánh Ly... thành phố giới nghiêm buồn khôn tả...

 

 
Sài Gòn 1970. Bạn còn nhớ những loại xe này: Velo Solex, Mobilette, Goebel... Tôi đã đến đây, đi xem phim ở thương xá centerEDEN này, chuyến đi Sài Gòn chơi là phần thưởng sau khi thi đậu Đệ thất.

 



Bạn còn nhớ những tờ báo Thiếu Nhi này không? Chúng như những ốc đảo cho tâm hồn thơ dại của chúng ta trú náu trong cơn bão chiến tranh.

 

 
                                    




Sài Gòn Mậu Thân - 1968 - Chúng ta nếm mùi chiến tranh. Cha mẹ đưa ta chạy loạn. Xích lô đạp, xích lô máy, ba gác máy chưa biết ai “kỷ lục”hơn ai?.

 



Bạn còn nhớ khẩu phần của quân đội Mỹ này không? Những cậu bé biết hút thuốc lén lút từ đây, những gói thuốc lá 4 điếu này, lén lút vì chưa đủ tuổi, nhưng chiến tranh không kể tuổi..

 




Họ bị gọi là “giặc Mỹ cọp beo...” Nhưng xem này, anh nào cũng ngoan như con mèo với chén cơm của má. Bà mẹ vô danh ấy, hồn bây giờ ở đâu?.

 


Không thể gạt ký ức chiến tranh ra khỏi trí nhớ. Đây là những Con Thúy, Thằng Khoa, Thằng Vọng, Chương Còm, Bồn Lừa, Dũng Dakao... trong tác phẩm của nhà văn Duyên Anh. Trạm phát sữa - chương trình “đến lớp được uống sữa” để phát triển học đường và thể chất thiếu niên VN

 



Sài Gòn 1968... Chiến tranh đã vào hẳn thành phố. Những giây phút đáng yêu hiếm hoi của thời lửa đạn. Cô bé trong tấm hình này nay có lẽ đã xấp xỉ tuổi 60.

 



Sài Gòn 1970 - xuống đường chống tham nhũng. Biểu tình có khi bị giải tán, nhưng điều khác với hôm nay là vẫn... được biểu tình.

 



Bạn còn nhớ chiếc xe Lam này không? Nó từng là phương tiện giao thông công cộng, rất bình dân, cũng đã đi vào âm nhạc bình dân. Chiếc mini jupe xẻ đùi từng làm đỏ mặt các nhà đạo đức thời ấy cũng là một phần biểu tượng phản kháng thói đạo đức giả trong xã hội. A, xem kìa, cái ông ngồi đối diện và cả đám thanh niên không dám nhìn, ngó lơ đi nơi khác, họ nhát cáy một cách dễ thương như vậy đấy.

 


Sài Gòn 1967. Một góc phố ở trung tâm. Bạn có nhận ra đây là ở đâu không?.

 



Ngày 23/04/1975, một người cha gánh đứa con nhỏ và một mớ đồ ít ỏi, từ Trảng Bom, chạy về hướng Sài Gòn. Tôi tự hỏi cậu bé trên lưng cha, hiện nay đã là một người trung niên trên 40 tuổi, còn sống hay không? Giờ này cậu như thế nào? Hôm đó mẹ cậu ở đâu?.

Sài Gòn 1975. Buổi giao thời. Thời của khăn rằn, băng đỏ, dép râu. Thời của bọn “cách mạng 30”.
 
Đứt phim.
 
Nam Đan

304Đen - Llttm

 

Buồn Cứ Buồn Hơn Mỗi Tháng Tư - Thuyên Huy


Buồn Cứ Buồn Hơn Mỗi Tháng Tư

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Buồn cứ buồn hơn mỗi tháng Tư
Bốn mươi năm đất mẹ mịt mù

Quê nghèo đơn lẻ người nằm đó
Bên này tôi tượng đá chơ vơ

 
Người bỏ cuộc tàn trưa Ba Mươi

Quê hương từ đó mất tiếng cười
Huyệt sâu chôn khúc hồn tử sĩ

Tôi đây người đó có gì vui

 
Tôi chưa trả người nợ núi sông

Ngày lây lất sống giữa chợ đông
Cô đơn hồn lệ trời đất khóc

Người hiểu cho tôi một nổi lòng

 
Quê hương ngày cứ xa rất xa

Bóng trăng xứ lạ bóng trăng tà
Bao giờ trở lại căn nhà cũ

Tôi hát cho người khúc hoàn ca

 
Vận nước mệnh đời bao nổi đau

Tháng Tư vẫn mãi tháng Tư sầu
Hồn tôi một kiếp đời buốt lạnh

Như bốn mươi năm dưới mộ sâu

 
Người cho tôi hẹn một ngày về

Không như chiều đó tôi bỏ đi
Hoa trước mộ người màu áo trận

Mình kể nhau nghe mộng xuân thì

Thuyên Huy
Quê người cuối tháng tư đen năm 2015

 


Tuesday, April 28, 2015

Nhà Giáo Cũ - Bà Giáo Già


NHÀ GIÁO CŨ

 
 

 
 
 
 
 
 
*Tháng 5/75

Sân khấu hoành tráng ở dinh Độc lập
Quân dân cán chính tập hợp thật đầy
Cờ đỏ sao vàng,bỡ ngỡ cầm tay
Vui lắm chứ, cớ sao mà ủ rũ?

 *1976

Sở Giáo Dục bồi dưỡng nhà giáo cũ
Bắt mọi người học thuyết Mác Lê Nin
Giảng bài như vẹt, nghe riết muốn điên
Nuốt cay đắng, cả hàng thần lơ láo

*Từ đó

Áo dài hôm trước  cất vào tủ ráo
Đi dạy chỉ cần mặc áo bà ba
Quấn khăn rằn giống cán bộ nhà ta
Anh lên rừng sâu , áo tù tơi tả


Bán cháo phổi hận thói đời nghiêng ngả
Con nhóc nheo èo uột thấy mà thương
Đành bỏ dạy, bước ra khỏi cổng trường
Phe phẩy chợ trời, tìm đường vượt biển


Mất sạch hết bao nhiêu vàng tằn tiện
Vẫn phải bon chen trả nợ áo cơm
Lặn lội thân cò đói khát từng cơn
Chua chát lặng  nhìn trần gian địa ngục

Bốn mươi năm rồi, tưởng chừng trống giục
Đứng trên bục, giảng dạy lớp ngày xưa
Chữ không viết hết, biết nói sao vừa?

Nhà giáo cũ nét đan thanh thần tượng...

Tháng tư 2015   
Bà Giáo Già

 

 

Dan Southerland Với Ngày 30/04/1975 - RFA


Ký giả Dan Southerland với ngày 30 tháng 4 và điệp viên Phạm Xuân Ẩn
 

 

Ông Dan Southerland, Tổng Biên tập đài ACTD trả lời phỏng vấn Hòa Ái tháng 4/2015
 

Ký giả Dan Southerland hiện là Tổng Biên tập đài ACTD. Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông Southerland được biết đến như là một phóng viên kỳ cựu về tin tức ở Châu Á. Ông đến Sài Gòn  làm việc hồi năm 1966 để đưa tin về chiến tranh VN trong suốt 9 năm cho đến ngày 30/4/1975. Ký giả Dan Southerland có cuộc trao đổi với Hòa Ái những ghi nhận của ông về VN sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm.

 Ký ức buồn

 Hòa Ái: Kính chào ông Dan Southerland, theo như Hòa Ái biết ông vẫn ở lại Sài Gòn cho đến những giờ phút cuối vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 như là một phóng viên Hoa Kỳ. Trong suốt 40 năm qua, điều gì khiến cho ông nhớ nhất về những ngày đó?

 Ông Dan Southerland: Tôi nhớ đến những người bạn, những đồng nghiệp  mà tôi cố gắng giúp di tản ra khỏi Nam-VN. Bối cảnh lúc đó ở Sài Gòn thật hỗn loạn. Chính phủ Mỹ đã không có kế hoạch di tản tốt dành cho các đồng nghiệp và bạn bè người Việt của những nhân viên Hoa Kỳ. Điều này gây ra nỗi hoang mang sợ hãi cho nhiều người. Tôi nhớ đã cố gắng thuyết phục 2 người bạn nên ra đi và tôi sẽ giúp họ lên trực thăng để di tản. Tôi cảm thấy thất vọng khi 2 người này tôi nghĩ họ cần phải đi thì họ quyết định ở lại. Trong khi tôi lo ngại cho số phận của họ dưới một chính quyền mới thì một trong hai người họ lại nghe theo lời đồn đoán Cộng sản Bắc Việt sẽ hợp tác với chính quyền VNCH và họ tin sẽ có cuộc sống yên lành.

 Còn có 1 vị giáo sư với đứa con nhỏ nữa, trong lúc tôi phụ giúp mang quần áo em bé ra khỏi phòng khách sạn đi di tản thì bất thình lình ông ấy thay đổi quyết định. Ông ấy nói rằng sẽ không sao và đề nghị tôi nên giúp những quân nhân trong Quân lực VNCH. Tôi rất buồn vì không có cách nào để giúp những người lính di tản trong lúc họ đang đánh trận cuối cùng trong tuyệt vọng ở mạn Đông Bắc Sài Gòn. Rồi sau đó, vị giáo sư lại đổi ý muốn ra đi nhưng tôi lại không thể giúp vì quá đông người, không còn chỗ cho ông ấy nữa.

 Và tôi cũng nhớ đến 1 người bạn cũng là người thông dịch của tôi. Anh ta nói gia cảnh rất nghèo nên sẽ không gặp trở ngại nào với người Cộng sản. Anh ta tin mọi sự sẽ ổn, sẽ được sống trong hòa bình. Sự việc không như dự đoán, anh ta đã bị tra khảo, đánh đập. 2 năm sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh ta từ Pháp quốc. Anh cho biết buộc phải vượt biên và 1 năm sau nữa, con tàu vượt biên chở vợ và 2 con gái của anh ấy bị công an bắn nhưng may mắn họ sống sót.

 Thật là những ký ức buồn. Những giây phút trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN thật sự khủng khiếp. Tôi vẫn rất xúc động khi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra.

 Hòa Ái: Thưa ông, qua quyển sách “Perfect Spy” tạm dịch là “Điệp viên Hoàn hảo”,  được viết bởi tác giả Larry Berman. Trong quyển sách này nhắc đến ông Phạm Xuân Ẩn đã liên lạc và nhờ ông sắp xếp để giúp cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, lãnh đạo ngành tình báo thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, di tản ra khỏi VN. Vì sao ông Ẩn lại cố gắng hết sức mình để giúp ông Tuyến, ông có biết hay không?

 Ông Dan Southerland: Ông Trần Kim Tuyến được ông Phạm Xuân Ẩn bảo vệ. Thời điểm đó, tôi không biết ông Ẩn là điệp viên. Ông ta từng làm việc cho Bác sĩ Tình báo Trần Kim Tuyến, không một ai có thể ngờ ông Ẩn làm điệp viên cả. Vào ngày 29/4, ông Ẩn gọi điện thoại cho tôi nhờ giúp cho ông Tuyến đi di tản. Tôi đã liên lạc với một quan chức cấp cao Hoa Kỳ nhờ sắp xếp cho ông Trần Kim Tuyến.
 

 

Viên chức này nói nếu ông Tuyến không thể vào được bên trong Đại Sứ quán Mỹ thì đến số 39-Đường Gia Long, tôi không còn nhớ chính xác có phải số này không nữa. Tôi đã gọi lại cho ông Ẩn và thông báo địa chỉ, trên nóc tòa nhà sẽ có trực thăng đưa đi di tản. Đích thân ông Ẩn lái xe chở ông Tuyến đi đến địa chỉ trên. Ông Tuyến đã từng rất tốt với ông Ẩn. Tôi nghĩ ông Ẩn làm điều này để giúp cho ông Tuyến thoát được sự trừng phạt của Việt Cộng. Theo tôi biết, ông Ẩn còn giúp những người khác di tản nữa. Tuy tôi không biết rõ hết mọi điều nhưng tôi có liên quan đến câu chuyện này.

 Hòa Ái: Kể từ sau ngày 30/4/1975, có bao giờ trở lại VN hay không? Và bao nhiêu lần?

 Ông Dan Southerland: Có, 3 lần.

 Ngày trở lại

 Hòa Ái: Ấn tượng đầu tiên ông cảm nhận khi vừa đặt chân đến Sài Gòn là gì?

 Ông Dan Southerland: Lần đầu tiên vào năm 1982, tôi bị sốc. Nhiều người tôi gặp than phiền về tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm. Tôi cũng bị sốc khi biết một số bạn bè bị tù cải tạo, bị thiếu ăn mà phải lao động nặng nhọc. Có những người bị ở tù cải tạo đến 11, 12 năm và bị chết ở đó nữa. Tôi rất buồn khi nghe những tin tức này.

 Có một điều khiến tôi vui là mọi người rất thân thiện và có óc khôi hài. Tôi đã đi đến chỗ tòa nhà Đại Sứ quán Mỹ, một vài người hỏi tôi từ đâu đến, tôi trả lời họ rằng tôi đến từ “Đế quốc Mỹ” khiến cho họ cười xòa. Tôi nói lại “Tôi là 1 người Mỹ”. Họ vỗ tay và chia sẻ mong muốn thấy người Mỹ trở lại. Thời gian đó ở VN có nhiều người Liên Xô nên tôi nói với họ “những người bạn mới Liên Xô thế nào?”. Họ trả lời là cũng giống người Mỹ nhưng không có đô la. Tôi nhận thấy có nhiều người nghèo. Người chạy xích lô chở tôi than rằng ông ta không có được tấm áo lành lặn. Tôi đã cởi ngay chiếc ác sơ mi đang mặc tặng cho ông ta. Có 1 phụ nữ nhờ tôi tìm giúp người chồng Mỹ ở Hoa Kỳ cho bà. Tất cả những gì tôi đang kể đã khiến tôi rất buồn.

 Tôi cũng nhận được tin về ông Phạm Xuân Ẩn là Đại tá Tình báo Cộng sản. Khi đó tôi có 1 người “hộ tống” đi theo, Đại úy Phương Nam. Tôi yêu cầu được gặp gỡ với Đại tá Phạm Xuân Ẩn. Sau đó, Đại úy Phương Nam nói với tôi rằng ông Ẩn không muốn gặp mặt tôi.

 Hòa Ái: Khi gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn thì ông Ẩn có nói với ông rằng ông ta gặp trở ngại gì với chính quyền Hà Nội bởi vì ông ta đã cố gắng giúp ông Trần Kim Tuyến di tản ra khỏi VN hay không?

 Ông Dan Southerland: Tôi gặp ông Ẩn trong chuyến trở lại VN lần thứ nhì, hồi năm 2005. Điều đầu tiên ông Ẩn nói với tôi là “Họ đã nói láo”. Ông cho biết rất vui gặp lại tôi. Chúng tôi trò chuyện với nhau và ông Ẩn xác nhận chưa bao giờ đưa thông tin sai lệch cho truyền thông Hoa Kỳ. Tôi tin là vậy. Tôi hỏi ông Ẩn những gì tôi nghe được từ dân chúng ở Sài Gòn nói về tệ nạn tham nhũng có đúng hay không. Ông Ẩn trả lời “Tệ hơn những gì ông được nghe”. Tôi nghĩ là ông Ẩn không còn tin tưởng vào chế độ mới nhưng ông nói chuyện rất thật trọng. Ông Ẩn cho biết không được phép đến Mỹ và không được đi ra khỏi VN. Sau 30/4/75, ông Ẩn phải đi học về thuyết Cộng sản.

 Trả lời câu hỏi của cô, tôi nghĩ họ luôn nghi ngờ ông Ẩn vì ông ta đã giúp ông Tuyến và những người khác di tản khỏi Sài Gòn cũng như cố giúp cho 1 nhà báo ra khỏi tù. Họ thắc mắc về sự trung thành của ông Ẩn rằng ông ấy trung thành với Cộng sản hay trung thành với Mỹ?

Hòa Ái: Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Ẩn có chia sẻ gì với ông về suy nghĩ của ông ta khi VN được thống nhất?

Ông Dan Southerland: Ông Ẩn nói chuyện không giống như người Cộng sản. Ông ấy chỉ nói đến những vấn đề cụ thể như vấn nạn tham nhũng. Tôi chia sẻ ghi nhận của tôi rằng VN có vẻ như bắt chước mô hình của Trung Quốc, mở cửa cho kinh tế phát triển, bộ mặt của TP. HCM thay đổi với nhiều tòa nhà mọc lên. Thế nhưng, ông Ẩn lại cảnh báo với tôi phải thận trọng vì họ bắt chước cả hệ thống ngân hàng của Trung Quốc mà hệ thống ngân hàng này đầy yếu kém với những khoản nợ xấu khổng lồ. Ông Ẩn nói kinh tế VN bùng nổ không có gì là ấn tượng vì sự thay đổi này chỉ khiến người giàu càng giàu có và đẩy người nghèo đến chổ không còn gì. Có lẽ ông Ẩn mất niềm tin là vì vậy.

 Bất bình

 Hòa Ái: Thưa ông, qua các chuyến trở lại thăm VN sau năm 1975, điều gì đọng lại nhất trong lòng ông?

Ông Dan Southerland: Bên cạnh cảm giác bị sốc trước những gì diễn ra ở VN dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, trong chuyến đi lần thứ 3 vào năm 2013, tôi đến Hà Nội để tham dự hội thảo về truyền thanh. Tôi không đoán biết được người ta sẽ cư xử với tôi như thế nào nhưng họ thật ấn tượng và thân thiện. Và những người tôi gặp đều có trình độ. Những người trẻ bày tỏ mong muốn được đến Hoa Kỳ học thạc sĩ cũng như những kỹ thuật tiên tiến của Mỹ.

Tôi đã đến Phòng trưng bày Nhà tù Hỏa Lò. Tôi thấy bất bình về những lời nói xấu các phi công Mỹ. Những lời nói đó hoàn toàn là bịa đặt.

Những thông tin về các phi công Mỹ được đối xử tử tế là không đúng sự thật. Tôi cũng đến tham quan Bảo tàng Cách mạng. Tôi không thấy thích thú gì với những thông tin lịch sử được ghi lại.

Hồi năm 2005, tôi có đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM, ở đây mọi thứ được bảo quản rất chu đáo và đẹp đẽ. Sau đó, tôi cũng đến thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ở chỗ này thì có bảng ghi “Cấm chụp hình”.

Tôi cảm thấy buồn và tôi đã vòng ra phía trước, định bước vào bên trong nghĩa trang nhưng có 2 người trên xe gắn máy áp sát tôi, nói là “Ông không thể vào được. Đây là khu vực cấm”. Tôi nhận thấy 2 nghĩa trang khác nhau quá xa.

Trong chuyến đi năm 2013, tôi có trở lại viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM và Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Lần này không có người canh gác bên ngoài, tôi đi vào bên trong nghĩa trang, bảo vệ yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu và tôi được phép viếng nghĩa trang. Tôi đi vòng quanh khoảng vài giờ đồng hồ. Tôi gặp một người đi mộ tìm anh của mình. Tôi đi cùng với người này nhưng đã không tìm ra được vì có cả hàng ngàn ngôi mộ ở đây. Tôi nghĩ người này sẽ trở lại tiếp tục tìm kiếm. Chính quyền có sự thay đổi tích cực đã cho phép gia đình của những tử sĩ VNCH đến viếng và sửa sang các ngôi mộ. Tôi đoán sự thay đổi này là do áp lực từ phía người Việt hải ngoại và từ phía Mỹ.

 Và một điều đáng ghi nhận là tôi thấy có rất nhiều trường Anh ngữ mọc lên ở Sài Gòn, có rất nhiều người học tiếng Anh kể cả trẻ em. Tôi hỏi anh tài xế tại sao lại học tiếng Anh mà không học tiếng Hoa vì tôi thấy Trung Quốc đầu tư vô VN rất nhiều. Anh tài xế trả lời rằng “Chúng tôi ghét Trung Quốc”. Tôi hỏi lý do vì sao thì anh tài xế nói “Vì lịch sử gần 1000 năm Bắc thuộc”. Và anh ta nhắc đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979.

Qua 3 chuyến trở lại VN sau năm 1975, tôi thấy có những thay đổi mặc dù còn nhiều vấn đề bất cập.

 Hòa Ái: Và người VN có chia sẻ với ông rằng họ cảm thấy vui mừng khi gặp lại những người Mỹ?

 Ông Dan Southerland: Có. Khi người ta biết tôi là một phóng viên, họ nói chuyện rất cởi mở nhưng họ còn dè dặt. Năm 2013, mặc dù mọi người thân thiện nhưng vẫn còn nhiều người e ngại với công an vì sợ bị theo dõi. Tôi thấy buồn về điều này. Tôi rất cảm kích tinh thần người VN vượt qua những mất mát, tổn thương sau chiến tranh để xây dựng lại quê hương của mình. Tôi nghĩ họ cần phải cởi mở hơn nữa đối với nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũng như về quốc gia.

Hòa Ái: Cảm ơn ông Dan Southerland dành thời gian chia sẻ với quý khán thính giả của đài ACTD.

Ông Dan Southerland: Cảm ơn. Tôi rất xúc động khi chia sẻ những điều này.

Hòa Ái

RFA​

 

 

 

 

 


30/04/1975 - Ngày Giải Phóng ? - Lê Công Định


30/4/1975 - Ngày Giải phóng?

 Gửi cho BBC từ Sài Gòn

       Nhiều người Việt sau 1975 còn giữ thói quen dùng từ “giải phóng” trong các cụm từ “giải phóng Sài Gòn”, “ngày giải phóng”, “trước giải phóng”, “sau giải phóng”, “quân giải phóng”, v.v…, đó cũng là cách gọi có chủ đích tuyên truyền của chế độ này sau khi Bắc Việt thôn tính toàn bộ miền Nam.

Từ trước đến nay, chính quyền cộng sản vẫn luôn lập luận rằng nước Việt Nam là một dải thống nhất từ Bắc chí Nam, tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17 do kết quả hội nghị Geneva 1954, đồng bào miền Nam gánh chịu ách nô lệ và áp bức của “Đế quốc Mỹ xâm lược” và “ngụy quyền tay sai”; do vậy, quân dân miền Bắc có nhiệm vụ “giải phóng” miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, lập luận nêu trên tự mâu thuẫn và hiển nhiên bị bác bỏ bởi các sự kiện lịch sử hiện đại mà chúng ta đều đã biết. Dưới đây là một số nhận định xung quanh cái gọi là “giải phóng” nhân dịp chính quyền đang khơi gợi quá khứ, mà chính họ luôn hô hào gác lại, bằng các buổi lễ kỷ niệm và diễu binh chướng mắt trên các đường phố Sài Gòn.

Từ 1955 đến 1974, Trung Quốc đã liên tiếp xác lập chủ quyền và chiếm đóng các hải đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng vì lý do nào hành động của TQ lại không được bộ máy tuyên truyền Bắc Việt đương thời gọi là “xâm lược”?

Sau khi đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ, chính ông Hồ Chí Minh và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới áp lực của Trung Quốc, đã đồng ý ký kết Hiệp định Geneva 1954 chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền, trong lúc đại diện của chính phủ quốc gia Việt Nam do ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng hoàn toàn bác bỏ sự phân cắt đó. Nói cách khác, những người cộng sản đã góp tay vào việc chia đôi đất nước, nên việc tự trao cho mình nhiệm vụ thống nhất đất nước chỉ là hành động đạo đức giả, che đậy ý đồ chính trị và quân sự riêng.

Gắp lửa bỏ tay người

Thoạt đầu, sau năm 1954, Hoa Kỳ chỉ viện trợ kinh tế và giúp huấn luyện các đơn vị vũ trang của chính quyền Sài Gòn với mục đích tái lập trật tự xã hội sau chiến tranh với Pháp. Đến khi chiến sự leo thang do Bắc Việt lén lút chuyển quân vào Nam, Hoa Kỳ mới chính thức can dự quân sự từ năm 1965. Tuy nhiên, sự tuyên truyền về “Đế quốc Mỹ xâm lược” đã được những người cộng sản tung ra ngay từ lúc Hiệp định Geneva còn chưa ráo mực, tức có sự hoạch định cố ý từ trước nhằm chuẩn bị nguyên cớ phát động chiến tranh. Một hành động “gắp lửa bỏ tay người” không hơn không kém của giới lãnh đạo Bắc Việt lúc ấy.
Cần lưu ý, gần mười năm trước khi Hoa Kỳ gửi quân sang chiến đấu chống cộng sản tại miền Nam, quân đội Trung Quốc đã hiện diện ở miền Bắc. Sau đó lần lượt Liên Sô và Bắc Triều Tiên cũng cử quân nhân sang trực chiến. Vậy nếu sự kiện Mỹ đưa quân tham chiến, dù được sự chấp thuận của chính quyền Sài Gòn, bị xem là “xâm lược”, thì hành động của Trung Quốc, Liên Sô và Bắc Triều Tiên nên gọi là gì? Phải chăng giới lãnh đạo Bắc Việt đã thiếu sáng suốt trong nhận định về "địch ta" hay vì lý do nào khác?

Hòa đàm Paris 1973 mở đường cho 'hòa bình' và Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng chỉ hai năm sau, miền Bắc đã 'giải phóng' miền Nam bằng biện pháp chiến tranh.
 



Trong giai đoạn từ 1955 đến 1974, Trung Quốc đã liên tiếp xác lập chủ quyền và chiếm đóng các hải đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng vì lý do nào hành động của Trung Quốc lại không được bộ máy tuyên truyền Bắc Việt đương thời gọi là “xâm lược”? Cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc” vì sao chỉ tập trung vào miền Nam mà bỏ qua mục tiêu giải phóng các hải đảo, vốn cũng là một phần lãnh thổ thiêng liêng và quan trọng của tổ quốc? Chiến thắng đang được ca ngợi thiết nghĩ hãy còn dang dở, và liệu có thể hãnh diện với một chiến thắng như vậy?

Đặt ngược vấn đề

Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị và hành chính hợp pháp trên phương diện công pháp quốc tế, tương tự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi hành động chính trị và quân sự của bất kỳ nhà nước nào đều phải đặt trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nên việc tự trao nhiệm vụ “giải phóng miền Nam” không đương nhiên biện minh quyền sử dụng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền khác. Đặt ngược lại vấn đề, nếu cách hành xử của Bắc Việt là đúng, thì đương nhiên quân đội Sài Gòn cũng có quyền tương tự là mang quân xâm chiếm miền Bắc? Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn đã không hành xử như vậy, không phải vì thiếu khả năng, mà do họ tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngay trong nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đương thời đã có nhiều tiếng nói phản đối chiến tranh và đề xuất giải pháp hòa bình hợp tác giữa hai miền Nam Bắc. Lịch sử thế giới hiện đại cũng cho thấy sự thống nhất nước Đức bằng con đường thương lượng ôn hòa đã mang lại kết quả tốt đẹp cho dân tộc Đức. Tuy vậy, chủ trương hòa bình trong Đảng Cộng sản bị dập tắt, phe chủ chiến thắng thế và muốn tiến hành chiến tranh bằng mọi giá. Và cái giá phải trả để thống nhất đất nước bằng giải pháp chiến tranh là sinh mạng của hàng triệu người Việt ngã xuống vô nghĩa, nỗi đau ấy vẫn còn đến tận ngày nay.

Tuy chiến tranh diễn ra khốc liệt, song những đô thị miền Nam vẫn luôn duy trì sự phát triển phồn thịnh. Điều đó một mặt nói lên rằng chính quyền Sài Gòn đã duy trì bộ máy quản lý quốc gia rất tốt về phương diện dân sự, bất chấp hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, liệu có thể tin rằng đoàn quân đói rách đến từ vùng đất nghèo nàn hơn về kinh tế lại mang sứ mệnh “giải phóng” xứ sở phồn thịnh hơn? Tình huống đó lẽ ra nên gọi là “cướp” hoặc “chiếm đoạt”, thì thích hợp hơn. Tất nhiên, chẳng ai tin, trừ phi bị lừa dối, và chính các chiến sĩ Bắc Việt đã ngây thơ nghĩ rằng đồng bào miền Nam đang rên xiết ngày đêm trong cảnh nghèo đói và nô lệ (!).

Sự lố bịch của giải phóng

Kẻ “được giải phóng” lẽ ra phải hàm ơn người "giải phóng", nhưng ngoại trừ những gia đình sống bám hoặc kiếm tiền nhờ vào chế độ cộng sản, khó tìm thấy thường dân nào ở miền Nam đang chật vật mấy bữa cơm hàng ngày cảm thấy mang ơn đoàn quân “giải phóng” mỗi khi có dịp nhắc lại biến cố bi thảm đó. Đấy là chưa nói, nhiều năm sau 1975 hàng triệu kẻ “được giải phóng” đã phải tự giải phóng mình một lần nữa bằng cách vượt biên, gây nên thảm cảnh thuyền nhân nhức nhối trong lòng dân tộc. Vậy sự ly tán của các gia đình Việt Nam tưởng đã chấm dứt khi chiến tranh kết thúc, nhưng lại vẫn tiếp diễn một cách đáng buồn vì "giải phóng".
Giải phóng bao hàm sự bao dung đối với bên thua cuộc, nhưng thay cho chính sách hòa giải dân tộc là các trại cải tạo mọc lên như nấm sau cơn mưa để giam cầm không qua xét xử hợp pháp các quân nhân và công chức của chế độ Sài Gòn. Mang hận thù và chia rẽ đến giữa lòng dân tộc thì giải phóng ai và vì cái gì? 40 năm sau biến cố "giải phóng", xã hội ngày càng trở nên vô đạo đức nghiêm trọng, vậy phải chăng con người đã bị giải phóng khỏi đức hạnh và văn minh để quay trở về thời kỳ hoang dã?
Thời trung học, tôi cũng quen dùng từ "giải phóng" một cách vô thức như bao người. Song từ lúc vào đại học, do ngán ngẩm lối giáo dục đầy dối trá, tôi bắt đầu tự tìm hiểu sự thật lịch sử để trang bị lại kiến thức cho mình và nhờ đó nhận ra sự lố bịch của hai chữ "giải phóng".

Tất nhiên, lịch sử không có chữ nếu, nhưng giá mà không có cái gọi là "giải phóng" ấy từ năm 1954, rồi 1975, hẳn đất nước không trì trệ và lạc hậu như ngày nay, mà thay vào đó người Việt ở các giai tầng xã hội khác nhau đã cùng nắm tay đưa con thuyền tổ quốc đến bến bờ mới của nền thịnh trị và xã hội thịnh vượng từ lâu.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư, cựu tù nhân lương tâm, đang chịu quản chế ở Sài Gòn. Bài viết được gửi đến cho BBC sau khi BBC mời độc giả, nhà nghiên cứu, nhân chứng chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh, cảm tưởng nhân tròn bốn mươi năm sự kiện 30/4

Ls Lê Công Định