Ký giả
Dan Southerland với ngày 30 tháng 4 và điệp viên Phạm Xuân Ẩn
Ông Dan
Southerland, Tổng Biên tập đài ACTD trả lời phỏng vấn Hòa Ái tháng 4/2015
Ký giả Dan Southerland hiện là Tổng Biên tập đài ACTD. Trong sự nghiệp
làm báo của mình, ông Southerland được biết đến như là một phóng viên kỳ cựu về
tin tức ở Châu Á. Ông đến Sài Gòn làm việc hồi năm 1966 để đưa tin về
chiến tranh VN trong suốt 9 năm cho đến ngày 30/4/1975. Ký giả Dan Southerland
có cuộc trao đổi với Hòa Ái những ghi nhận của ông về VN sau khi chiến tranh
chấm dứt 40 năm.
Ký ức buồn
Hòa Ái: Kính chào ông Dan Southerland, theo như Hòa Ái biết ông vẫn ở lại Sài
Gòn cho đến những giờ phút cuối vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 như là một phóng viên
Hoa Kỳ. Trong suốt 40 năm qua, điều gì khiến cho ông nhớ nhất về những ngày đó?
Ông Dan Southerland: Tôi nhớ đến những người bạn, những đồng
nghiệp mà tôi cố gắng giúp di tản ra khỏi Nam-VN. Bối cảnh lúc đó ở Sài
Gòn thật hỗn loạn. Chính phủ Mỹ đã không có kế hoạch di tản tốt dành cho các
đồng nghiệp và bạn bè người Việt của những nhân viên Hoa Kỳ. Điều này gây ra
nỗi hoang mang sợ hãi cho nhiều người. Tôi nhớ đã cố gắng thuyết phục 2 người
bạn nên ra đi và tôi sẽ giúp họ lên trực thăng để di tản. Tôi cảm thấy thất
vọng khi 2 người này tôi nghĩ họ cần phải đi thì họ quyết định ở lại. Trong khi
tôi lo ngại cho số phận của họ dưới một chính quyền mới thì một trong hai người
họ lại nghe theo lời đồn đoán Cộng sản Bắc Việt sẽ hợp tác với chính quyền VNCH
và họ tin sẽ có cuộc sống yên lành.
Còn có 1 vị giáo sư với đứa con nhỏ nữa, trong lúc tôi phụ giúp mang
quần áo em bé ra khỏi phòng khách sạn đi di tản thì bất thình lình ông ấy thay
đổi quyết định. Ông ấy nói rằng sẽ không sao và đề nghị tôi nên giúp những quân
nhân trong Quân lực VNCH. Tôi rất buồn vì không có cách nào để giúp những người
lính di tản trong lúc họ đang đánh trận cuối cùng trong tuyệt vọng ở mạn Đông
Bắc Sài Gòn. Rồi sau đó, vị giáo sư lại đổi ý muốn ra đi nhưng tôi lại không
thể giúp vì quá đông người, không còn chỗ cho ông ấy nữa.
Và tôi cũng nhớ đến 1 người bạn cũng là người thông dịch của tôi. Anh ta
nói gia cảnh rất nghèo nên sẽ không gặp trở ngại nào với người Cộng sản. Anh ta
tin mọi sự sẽ ổn, sẽ được sống trong hòa bình. Sự việc không như dự đoán, anh
ta đã bị tra khảo, đánh đập. 2 năm sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại của
anh ta từ Pháp quốc. Anh cho biết buộc phải vượt biên và 1 năm sau nữa, con tàu
vượt biên chở vợ và 2 con gái của anh ấy bị công an bắn nhưng may mắn họ sống
sót.
Thật là những ký ức buồn. Những giây phút trong những ngày cuối cùng của
chiến tranh VN thật sự khủng khiếp. Tôi vẫn rất xúc động khi hồi tưởng lại
những gì đã xảy ra.
Hòa Ái: Thưa ông, qua quyển sách “Perfect Spy” tạm dịch là “Điệp viên Hoàn hảo”,
được viết bởi tác giả Larry Berman. Trong quyển sách này nhắc đến ông
Phạm Xuân Ẩn đã liên lạc và nhờ ông sắp xếp để giúp cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến,
lãnh đạo ngành tình báo thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, di tản ra khỏi VN. Vì
sao ông Ẩn lại cố gắng hết sức mình để giúp ông Tuyến, ông có biết hay không?
Ông Dan Southerland: Ông Trần Kim Tuyến được ông Phạm Xuân Ẩn bảo vệ. Thời điểm đó, tôi
không biết ông Ẩn là điệp viên. Ông ta từng làm việc cho Bác sĩ Tình báo Trần
Kim Tuyến, không một ai có thể ngờ ông Ẩn làm điệp viên cả. Vào ngày 29/4, ông
Ẩn gọi điện thoại cho tôi nhờ giúp cho ông Tuyến đi di tản. Tôi đã liên lạc với
một quan chức cấp cao Hoa Kỳ nhờ sắp xếp cho ông Trần Kim Tuyến.
Viên chức này nói nếu ông Tuyến không thể vào được bên trong Đại Sứ quán
Mỹ thì đến số 39-Đường Gia Long, tôi không còn nhớ chính xác có phải số này
không nữa. Tôi đã gọi lại cho ông Ẩn và thông báo địa chỉ, trên nóc tòa nhà sẽ
có trực thăng đưa đi di tản. Đích thân ông Ẩn lái xe chở ông Tuyến đi đến địa
chỉ trên. Ông Tuyến đã từng rất tốt với ông Ẩn. Tôi nghĩ ông Ẩn làm điều này để
giúp cho ông Tuyến thoát được sự trừng phạt của Việt Cộng. Theo tôi biết, ông
Ẩn còn giúp những người khác di tản nữa. Tuy tôi không biết rõ hết mọi điều
nhưng tôi có liên quan đến câu chuyện này.
Hòa Ái: Kể từ sau ngày 30/4/1975, có bao giờ trở lại VN hay không? Và bao nhiêu
lần?
Ông Dan Southerland: Có, 3 lần.
Ngày trở lại
Hòa Ái: Ấn tượng đầu tiên ông cảm nhận khi vừa đặt chân đến Sài Gòn là gì?
Ông Dan Southerland: Lần đầu tiên vào năm 1982, tôi bị sốc.
Nhiều người tôi gặp than phiền về tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm.
Tôi cũng bị sốc khi biết một số bạn bè bị tù cải tạo, bị thiếu ăn mà phải lao
động nặng nhọc. Có những người bị ở tù cải tạo đến 11, 12 năm và bị chết ở đó
nữa. Tôi rất buồn khi nghe những tin tức này.
Có một điều khiến tôi vui là mọi người rất thân thiện và có óc khôi hài.
Tôi đã đi đến chỗ tòa nhà Đại Sứ quán Mỹ, một vài người hỏi tôi từ đâu đến, tôi
trả lời họ rằng tôi đến từ “Đế quốc Mỹ” khiến cho họ cười xòa. Tôi nói lại “Tôi
là 1 người Mỹ”. Họ vỗ tay và chia sẻ mong muốn thấy người Mỹ trở lại. Thời gian
đó ở VN có nhiều người Liên Xô nên tôi nói với họ “những người bạn mới Liên Xô
thế nào?”. Họ trả lời là cũng giống người Mỹ nhưng không có đô la. Tôi nhận
thấy có nhiều người nghèo. Người chạy xích lô chở tôi than rằng ông ta không có
được tấm áo lành lặn. Tôi đã cởi ngay chiếc ác sơ mi đang mặc tặng cho ông ta.
Có 1 phụ nữ nhờ tôi tìm giúp người chồng Mỹ ở Hoa Kỳ cho bà. Tất cả những gì
tôi đang kể đã khiến tôi rất buồn.
Tôi cũng nhận được tin về ông Phạm Xuân Ẩn là Đại tá Tình báo Cộng sản.
Khi đó tôi có 1 người “hộ tống” đi theo, Đại úy Phương Nam. Tôi yêu cầu được
gặp gỡ với Đại tá Phạm Xuân Ẩn. Sau đó, Đại úy Phương Nam nói với tôi rằng ông
Ẩn không muốn gặp mặt tôi.
Hòa Ái: Khi gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn thì ông Ẩn có nói với ông rằng ông ta gặp
trở ngại gì với chính quyền Hà Nội bởi vì ông ta đã cố gắng giúp ông Trần Kim
Tuyến di tản ra khỏi VN hay không?
Ông Dan Southerland: Tôi gặp ông Ẩn trong chuyến trở lại VN
lần thứ nhì, hồi năm 2005. Điều đầu tiên ông Ẩn nói với tôi là “Họ đã nói láo”.
Ông cho biết rất vui gặp lại tôi. Chúng tôi trò chuyện với nhau và ông Ẩn xác
nhận chưa bao giờ đưa thông tin sai lệch cho truyền thông Hoa Kỳ. Tôi tin là
vậy. Tôi hỏi ông Ẩn những gì tôi nghe được từ dân chúng ở Sài Gòn nói về tệ nạn
tham nhũng có đúng hay không. Ông Ẩn trả lời “Tệ hơn những gì ông được nghe”.
Tôi nghĩ là ông Ẩn không còn tin tưởng vào chế độ mới nhưng ông nói chuyện rất
thật trọng. Ông Ẩn cho biết không được phép đến Mỹ và không được đi ra khỏi VN.
Sau 30/4/75, ông Ẩn phải đi học về thuyết Cộng sản.
Trả lời câu hỏi của cô, tôi nghĩ họ luôn nghi ngờ ông Ẩn vì ông ta đã
giúp ông Tuyến và những người khác di tản khỏi Sài Gòn cũng như cố giúp cho 1
nhà báo ra khỏi tù. Họ thắc mắc về sự trung thành của ông Ẩn rằng ông ấy trung
thành với Cộng sản hay trung thành với Mỹ?
Hòa Ái: Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Ẩn có chia sẻ gì với ông về suy nghĩ của ông
ta khi VN được thống nhất?
Ông Dan Southerland: Ông Ẩn nói chuyện không giống như người Cộng sản. Ông ấy chỉ nói đến
những vấn đề cụ thể như vấn nạn tham nhũng. Tôi chia sẻ ghi nhận của tôi rằng
VN có vẻ như bắt chước mô hình của Trung Quốc, mở cửa cho kinh tế phát triển,
bộ mặt của TP. HCM thay đổi với nhiều tòa nhà mọc lên. Thế nhưng, ông Ẩn lại
cảnh báo với tôi phải thận trọng vì họ bắt chước cả hệ thống ngân hàng của
Trung Quốc mà hệ thống ngân hàng này đầy yếu kém với những khoản nợ xấu khổng
lồ. Ông Ẩn nói kinh tế VN bùng nổ không có gì là ấn tượng vì sự thay đổi này
chỉ khiến người giàu càng giàu có và đẩy người nghèo đến chổ không còn gì. Có
lẽ ông Ẩn mất niềm tin là vì vậy.
Bất bình
Hòa Ái: Thưa ông, qua các chuyến trở lại thăm VN sau năm 1975, điều gì đọng lại
nhất trong lòng ông?
Ông Dan Southerland: Bên cạnh cảm giác bị sốc trước những gì
diễn ra ở VN dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, trong chuyến đi lần thứ 3
vào năm 2013, tôi đến Hà Nội để tham dự hội thảo về truyền thanh. Tôi không
đoán biết được người ta sẽ cư xử với tôi như thế nào nhưng họ thật ấn tượng và
thân thiện. Và những người tôi gặp đều có trình độ. Những người trẻ bày tỏ mong
muốn được đến Hoa Kỳ học thạc sĩ cũng như những kỹ thuật tiên tiến của Mỹ.
Tôi đã đến Phòng trưng bày Nhà tù Hỏa Lò. Tôi thấy bất bình về những lời
nói xấu các phi công Mỹ. Những lời nói đó hoàn toàn là bịa đặt.
Những thông tin về các phi công Mỹ được đối xử tử tế là không đúng sự
thật. Tôi cũng đến tham quan Bảo tàng Cách mạng. Tôi không thấy thích thú gì
với những thông tin lịch sử được ghi lại.
Hồi năm 2005, tôi có đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM, ở đây mọi thứ
được bảo quản rất chu đáo và đẹp đẽ. Sau đó, tôi cũng đến thăm Nghĩa trang Quân
đội Biên Hòa. Ở chỗ này thì có bảng ghi “Cấm chụp hình”.
Tôi cảm thấy buồn và tôi đã vòng ra phía trước, định bước vào bên trong
nghĩa trang nhưng có 2 người trên xe gắn máy áp sát tôi, nói là “Ông không thể
vào được. Đây là khu vực cấm”. Tôi nhận thấy 2 nghĩa trang khác nhau quá xa.
Trong chuyến đi năm 2013, tôi có trở lại viếng Nghĩa trang Liệt sĩ
TP.HCM và Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Lần này không có người canh gác bên
ngoài, tôi đi vào bên trong nghĩa trang, bảo vệ yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu
và tôi được phép viếng nghĩa trang. Tôi đi vòng quanh khoảng vài giờ đồng hồ.
Tôi gặp một người đi mộ tìm anh của mình. Tôi đi cùng với người này nhưng đã
không tìm ra được vì có cả hàng ngàn ngôi mộ ở đây. Tôi nghĩ người này sẽ trở
lại tiếp tục tìm kiếm. Chính quyền có sự thay đổi tích cực đã cho phép gia đình
của những tử sĩ VNCH đến viếng và sửa sang các ngôi mộ. Tôi đoán sự thay đổi
này là do áp lực từ phía người Việt hải ngoại và từ phía Mỹ.
Và một điều đáng ghi nhận là tôi thấy có rất nhiều trường Anh ngữ mọc
lên ở Sài Gòn, có rất nhiều người học tiếng Anh kể cả trẻ em. Tôi hỏi anh tài
xế tại sao lại học tiếng Anh mà không học tiếng Hoa vì tôi thấy Trung Quốc đầu
tư vô VN rất nhiều. Anh tài xế trả lời rằng “Chúng tôi ghét Trung Quốc”. Tôi hỏi
lý do vì sao thì anh tài xế nói “Vì lịch sử gần 1000 năm Bắc thuộc”. Và anh ta
nhắc đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979.
Qua 3 chuyến trở lại VN sau năm 1975, tôi thấy có những thay đổi mặc dù
còn nhiều vấn đề bất cập.
Hòa Ái: Và người VN có chia sẻ với ông rằng họ cảm thấy vui mừng khi gặp lại
những người Mỹ?
Ông Dan Southerland: Có. Khi người ta biết tôi là một phóng viên, họ nói chuyện rất cởi mở
nhưng họ còn dè dặt. Năm 2013, mặc dù mọi người thân thiện nhưng vẫn còn nhiều
người e ngại với công an vì sợ bị theo dõi. Tôi thấy buồn về điều này. Tôi rất
cảm kích tinh thần người VN vượt qua những mất mát, tổn thương sau chiến tranh
để xây dựng lại quê hương của mình. Tôi nghĩ họ cần phải cởi mở hơn nữa đối với
nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũng như về quốc gia.
Hòa Ái: Cảm ơn ông Dan Southerland dành thời gian chia sẻ với quý khán thính
giả của đài ACTD.
Ông Dan Southerland: Cảm ơn. Tôi rất xúc động khi chia sẻ những điều này.
Hòa Ái
RFA
No comments:
Post a Comment