Wednesday, January 30, 2019

Chúc Tết Kỷ Hợi - 304Đen





Kính Chúc Quý Anh Chị
Một Năm Kỷ Hợi 2019 bình an, vui mạnh, tràn đầy hạnh phúc và mọi điều như ý
304Đen kính chúc
 
 
 
 

Hoa Xuân Chờ Người Xa Xứ - vkp Phượng ngày nay



HOA XUÂN CHỜ NGƯỜI XA XỨ

Thương mến tặng các bạn già xa quê hương
 




 











Rằm tháng chạp tướt lá mai (15/12/Mậu Tuất )
Tháng đầu mười chín nhằm ngày hai mươi (20/1/2019 )
Chờ người về... ngắm hoa cười
Quê  mình vẫn mãi xinh tươi ngọt ngào
Dù bao lận đận lao đao
Tình thâm vẫn giữ dạt dào như xưa
Cùng nhau chào đón giao thừa
Rong chơi cho đến nắng mưa giao mùa
Kiếm tìm bạn cũ trường xưa
Tiếng đàn hát giọng cười đùa âm vang
Trời Tây thăm thẳm ngút ngàn
Kẻ quên người nhớ bàng hoàng vấn vương
Gởi người xa cách dặm trường!!!

 
Saigon tháng Chạp năm Mậu Tuất
vkp phượng ngày nay

 

 

Buồn Như Bóng Đêm - Nguyễn Minh Phúc



Buồn như bóng đêm

 














Chiều nay có ai về quanh mộ
Cho tôi vay một nén nhang tàn
Đắp lên mặt cỏ ngàn cơn gió
Và gió bồng bềnh treo nghĩa trang


Ngày đi rất chậm e chừng muộn
Buổi nằm nghe máu rã rời đông
Hồn khuya xơ xác mù con sóng
Lạnh trái tim khô chảy ngược dòng


Không chừng tôi ghé qua đời. chậm
Thả khói nhang trầm ngang bến sông
Đã nghe một thoáng buồn ngùi ngậm
Khi gió hoàng hôn buốt chạnh lòng


Chắc hẳn tôi về. nhưng không vội
Bao điều chưa nói được cùng em
Tiếng còi đã thổi ngày sau cuối
Riêng cõi tôi. buồn như bóng đêm…


Nguyễn Minh Phúc

304Đen – Llttm - OVV

Tình Chỉ Cho, Chẳng Vay Không Bán - vkp Phượng ngày nay


ĐÁP Ý BÀI MUA VÉ TÀU ĐI NGƯỢC CỦA HỒ NGUYỄN

      
Chừng nào trái đất ngừng xoay
Vé tàu đi ngược... Người quay trở về
Thời gian xóa mất bến mê
Người xưa không vẹn lời thề trăm năm!


 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TÌNH CHỈ CHO – CHẲNG VAY- KHÔNG BÁN

Thương mến tặng những mối tình lỡ muộn- vkp phượng ngày nay

 

Con tàu thời gian lướt qua mau
Bến hẹn ngày xưa trôi chốn nào?
Nước xói mòn cây da trốc gốc
Tàu quay về... biết đậu nơi nao?

*
Đã trót buông neo khó trở về
Chạnh lòng cô phụ bỏ bến mê
Lầu thơ rực rỡ nay hoang vắng
Xuân nay tuổi hạc sống lê thê!

*
Kiếp nầy đâu có ai nợ ai?
Đừng để tâm tư khắc khoải hoài
Tình chỉ cho- chẳng vay-.không bán
Thật lòng yêu... tận hưởng thiên thai!

 *

 Nhưng đã muộn! Đành chờ kiếp khác!

 
Saigon Tháng 1/2019
vkp phượng ngày nay

 
*Ghi chú:

Bài thơ của “vkp Phượng ngày nay” đáp ý bài “Vé tàu đi ngược” của tác giả Hồ Nguyễn (có kèm theo), vì không biết tác giả Hồ Nguyễn có đồng ý cho đăng bài trên trang 304Đen hay không, cho nên 304Đen chỉ đăng bài “Tình chỉ cho, chẳng vay, không bán” thôi, xin tác giả vkp Phượng ngày nay miễn lỗi cho..

Dân Tộc Lưu Vong - FB Ngọc Vinh


Dân tộc… lưu vong
 
 

1.

Trong lịch sử nhân loại, có hai dân tộc chịu số phận bi thảm hơn các dân tộc khác. Rất không may, một trong hai lại là dân tộc Việt chúng ta. Một trong hai còn lại là Do Thái.

Cái “lỗi” của dân tộc Do Thái là sinh ra Chúa rồi hành hình Chúa trên thập giá. Họ đã bị kỳ thị, xua đuổi, bị truy bức giết hại và lưu vong khắp nơi. Năm 1947, cái dân tộc rã rời nát vụn đó đã cùng nhau gom góp từng đồng tiền, từng mảnh đất để gầy dựng lại quốc gia của mình. Định mệnh bi thảm của dân tộc đã khiến họ gắn kết với nhau thành một khối, nhờ đó quốc gia Israel đã phát triển không ngừng. Một mình họ đã đánh bại quân đội của liên minh các nước Ả rập để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Và giờ, họ đã có bom nguyên tử…

Khác với dân tộc Do Thái lưu vong hơn ngàn năm trước, dân Việt chỉ bắt đầu lưu vong đại trà từ sau 30-4-1975. Dân tộc này không hành hình Chúa nhưng vẫn phải chịu một định mệnh bi thảm không kém. Cuộc chiến tranh giữa hai miền anh em với vũ khí bom đạn của ngoại bang kết thúc, đất nước được gom về một mối những tưởng sẽ bắt đầu một thời đại vàng son, nhưng không ngờ, thời đại đó biến thành một cuộc phân ly bi thảm.

Vượt qua cả dân tộc Do Thái, người Việt “vươn lên” dẫn đầu lịch sử lưu vong của nhân loại bằng cuộc di cư chính trị quy mô nhất về mặt số lượng từ trước đến nay. Hàng triệu người đã lao ra biển trên những chiếc tàu đánh cá các loại để thoát khỏi đất mẹ của mình, chấp nhận cả cái chết để… lưu vong. Một phần của dân tộc đã làm mồi cho cướp biển cho cá mập và bị nhốt trong những trại tị nạn nghẹt thở ở các nước Đông Nam Á đồng liêu.

Cuộc di cư khốc liệt của người Việt đã đưa họ đến khắp nơi trên thế giới, kể cả châu Phi, điều mà trước 1975, cả hai miền Nam Bắc đều không hề có. Tâm thức lưu vong kể từ mốc thời gian đó, đã phục kích trong các tầng lớp dân Việt, đóng đinh trong đầu họ cho đến tận ngày nay, không ngơi nghỉ và không có cơ hội để chấm dứt…

2.

Sau 30-4-1975, ở Phan Thiết quê tôi, người vượt biên bằng đường biển rất nhiều do thành phố này sống bằng kinh tế biển với rất nhiều tàu đánh cá. Người Phan Thiết không chỉ giúp “đồng bọn” quê mình vượt biển mà còn giúp cả dân Sài Gòn, với giá vài ba cây vàng/người, có khi chủ tàu chỉ thu đủ sở hụi để mua dầu, thực phẩm và đút lót cho bộ đội biên phòng. Có nguyên một làng chài hay cả xóm đạo vượt biên sạch.

Sau đó, khi đất nước đói meo, thì những người vượt biên bắt đầu góp phần gầy dựng quê nhà bằng… những thùng hàng gởi về từ nước ngoài. Dân quê tôi gọi đó là hàng thùng. Một người vượt biên thoát được qua nước ngoài thì cả gia đình được nhờ, cả gia đình cùng thoát thì dòng họ được nhờ. Dân sống bằng hàng thùng chả cần làm gì vẫn phong lưu vì nhận hàng thùng đều đặn gởi về. Gia đình nào sống bằng hàng thùng thì con trai rất dễ lấy vợ và con gái, dù xấu, cũng rất dễ lấy chồng. Tâm thế chờ đợi hàng Mỹ, hàng Tây đã ăn sâu từ đó vào ký ức của cộng đồng. Không chỉ chờ đợi hàng thùng và đô la từ nước ngoài, người thân trong nước của các Việt kiều thường xuyên sống trong tâm trạng chờ đợi được bảo lãnh. Gặp nhau là họ hỏi thăm nhau bằng một câu cửa miệng: “bao giờ đi?” Đi ở đây chính là lưu vong, là thoát khỏi nơi họ chôn nhao cắt rún!

3.

Năm 2017, tôi đi du lịch Mỹ để thăm thú bạn bè định cư ở đất nước này. Ngày tôi đi cũng là ngày một nhà báo đồng nghiệp rất thân với tôi tại Đài phát thanh TPHCM xách va ly qua Mỹ để… lưu vong. Anh đã nghỉ hưu và được gia đình bảo lãnh. Rất nhiều nhà báo mà tôi quen biết khi về hưu đã sang Mỹ định cư, coi việc lưu vong là điều hết sức bình thường. Ai thắc mắc tuổi già còn sang Mỹ để làm gì, cứ hỏi họ đi rồi sẽ nhận được câu trả lời.

Tại Mỹ, tôi ghé San Jose thăm L.Hoàng, bạn học thời trung học của tôi ở Phan Thiết. Năm 1977, trong khi tôi đi bộ đội thì Hoàng vượt biên. Cậu qua Mỹ rồi tiếp tục học hành để lấy bằng kỹ sư, giờ cậu là trưởng một bộ phận trong một công ty có 5,000 căn hộ cho thuê. Cậu ở trong khu da trắng, với một ngôi nhà trị giá $800,000 và lái chiếc “Mẹc” 7 chỗ.

Mười bảy tuổi, Hoàng đã là nhà tổ chức vượt biên cho người khác và từng vô tù ngồi 6 tháng. Sau khi tổ chức nhiều chuyến tàu vượt biển thành công, cậu cùng 5 anh chị em của mình quyết định ra đi. Giờ họ cùng nhau sinh sống trên đất Mỹ. Hoàng bảo tôi khi gặp lại, rằng gia đình cậu lúc đó nghèo quá và thấy đất nước cũng nghèo quá nên vượt biên là con đường duy nhất mà cậu buộc phải lựa chọn. Cậu bảo,“tao đâu muốn sống lưu vong, nhưng không vượt biên làm sao có tương lai. Nước Mỹ lúc đó là miền đất hứa và họ đã cưu mang tao nên cuối cùng tao cũng quen với cuộc sống bên này.”

Đã có 3 thế hệ người Việt sống lưu vong trên đất Mỹ, thế hệ thứ nhất là những người bỏ chạy khỏi nước khi quân đội miền Bắc tràn vào Sài Gòn và những người vượt biển. Thế hệ thứ hai là các sĩ quan VNCH và gia đình họ qua đây theo diện HO cùng với những người được thế hệ thứ nhất bảo lãnh. Thế hệ thứ 3 là con em người Việt sang du học, tìm kiếm việc làm, định cư và bảo lãnh cha mẹ. Trong số cha mẹ này có rất nhiều cán bộ nhà nước, họ đầu tư tiền bạc cho con cái ăn học, mua nhà cửa, gởi tiền vào tài khoản ngân hàng và chờ đợi thời cơ để… lưu vong. Tiền họ có được, dĩ nhiên đến từ túi của nhân dân, vì lương tháng của Thủ tướng Việt Nam chưa tới 20 triệu đồng Việt Nam (khoảng $850) thì họ lấy gì để nuôi con du học?

4.

Mỗi năm, người Việt trong nước bỏ tiền tỉ đô la để mua nhà ở Mỹ. Ai có khả năng này? Chỉ có cán bộ và doanh nhân. Ở một thành phố của quận Cam, có cả một” ngôi làng” của cán bộ nhà nước. Họ chuyên sống bằng hồn của Trương Ba nhưng da hàng thịt. Họ ở Việt Nam, làm việc trong bộ máy của chế độ nhưng tâm hồn thì để trong những ngôi nhà ở Mỹ. Ở đó có con cháu họ chờ sẵn. Giống như Võ Kim Cự Formosa vậy, nếu cần thiết lên đường xuất ngoại là đi thôi. Tiền đã gởi, nhà đã mua, con cháu đã chuẩn bị đón chào. Tôi biết Tổng biên tập một tờ báo nọ, vẫn đương chức ở Việt Nam nhưng đã có thẻ xanh ở Mỹ. Tổng biên tập phải là đảng viên, nhưng chuyện này dễ ẹt, một khi lòng người đã muốn… lưu vong thì không có gì là không thể. Có Tổng biên tập một tờ báo chửi Mỹ không còn nước non gì, thế mà cuối đời xách đít qua Mỹ để sống… lưu vong.

Các nhà báo đàn anh tôi, cùng lứa tuổi tôi hoặc nhỏ hơn ở Sài gòn, bằng cách này cách khác, đều gởi con du học Mỹ hoặc Úc. Đó là tương lai mới không chỉ cho con cái họ mà cho cả họ. Giờ họ là công dân Việt Nam nhưng mai mốt đây họ sẽ là công dân Mỹ Úc, nếu muốn. Cả đất nước đều như vậy. Nhiều công dân Việt hiện nay đã lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai của mình không gắn với Việt Nam. Dân thường, cán bộ viên chức, nhà văn nhà báo, lãnh đạo cấp cao…vân vân. Không từ một tầng lớp nào. Ai dám chắc rằng các lãnh đạo cao cấp ko chọn trước cho mình một chỗ để… lưu vong khi cần thiết. Cuộc đời, thời cuộc mà, đâu nói trước được điều gì. Người thân Mỹ chọn chỗ sẵn ở Mỹ, người thân Tàu chọn chỗ sẵn ở Tàu. Có biến là ‘dzọt’ thôi. Vậy thì làm sao trách các công dân Việt thu nhập thấp tìm qua Đài Loan hay Nhật Bản để… lưu vong bất hợp pháp. Đã lưu vong thì bình đẳng, giống như sự bình đẳng của con người trong tuyên ngôn nhân quyền vậy, dù người giàu tiền và nghèo tiền thì chọn cách lưu vong khác nhau.

5.

Vậy tại sao người Việt lại khát khao… lưu vong như thế? Câu hỏi này quá dễ trả lời bằng câu thành ngữ Việt Nam “đất lành chim đậu.”

Khi đất mẹ không còn lành thì người dân Việt sẽ tìm cách ra đi như một tất yếu để tìm đến mảnh đất lành hơn. Không ai muốn tương lai gia đình con cái mình sống trong môi trường nhiễm độc, nền giáo dục- y tế thiếu chất lượng, sự bất nhất giữa nói và làm của những người điều hành xã hội, sự giả dối lừa lọc nhau giữa người và người, niềm tin cùn mòn vì mọi thứ đều có thể làm giả, từ học vấn giả, nhân cách giả, đến cả lịch sử cũng bị làm giả; những “thành phố đáng sống” thì kẹt xe và ngập nước quanh năm, sinh mạng con người không biết “đứt bóng” lúc nào bởi tai nạn giao thông; dân sinh thì khổ ải, dân chủ và dân quyền thì lắm vấn đề và người dân thì bị cấm đoán nói lên sự thật của đất nước mình…vân vân và vân vân. Đó là chưa kể nỗi sợ hãi bị mai phục và thôn tính đến từ anh bạn vàng ròng láng giềng khổng lồ phương Bắc…

6.

Chưa bao giờ tôi muốn sống lưu vong, nhưng tôi lại muốn con cái mình được đào tạo bởi nền giáo dục Mỹ, Úc và đó cũng là nơi sinh sống thật tuyệt cho chúng nếu chúng muốn… lưu vong. Tâm thức cá nhân được định hình từ tâm thức xã hội, do vậy ngay trong bản thân, tôi đã bị tâm thức lưu vong chế ngự, kể từ khi đứa con của tôi bắt đầu xách cặp tới trường để học… tiếng Anh.

Một quốc gia sao có thể hùng cường khi người dân của quốc gia ấy cứ nhấp nhổm… lưu vong và không coi trọng đất nước của mình? Khó có thể gắn kết những con người nhấp nhổm ấy lại với nhau bằng tình cảm quốc gia để đoàn kết như dân Do Thái.

Ai cũng biết rằng, kẻ lưu vong là kẻ bị nhổ bật gốc rễ khỏi quê hương, như bụi lúa bị nhổ bật khỏi ruộng nước. Đó là một nỗi đau từng là điều không chịu nổi đối với người tha hương xa xứ, vậy mà giờ đây, nó đang biến thành một món ăn tâm lý hạng nhất của người Việt chúng ta. Vì đâu nên nỗi cuộc này, hả người?

 

Theo FB Ngọc Vinh

304Đen – Llttm - DL

 

Sunday, January 27, 2019

Xuân Theo Người Về Rồi Đi - Thuyên Huy


Xuân Theo Người Về Rồi Đi

 
 
 








Xuân theo em về giữa phố đông
Đường lên chùa sớm dáng xuân hồng
Em áo đôi tà sen cánh mỏng
Thương quá là thương em biết không

 
Em đứng đầu sân tôi cuối sân
Chấp tay cũng khấn nguyện bao lần
Dịu dàng em nhẹ hôn cành lộc
Ngập ngừng tôi ngơ ngẩn chào xuân

 
Em cài lên tóc đôi cánh mai
Từng hồi chuông văng vẳng ngân dài
Bâng khuâng tôi đứng nhìn xao xuyến
Mơ nắng xuân hồng trên má ai

 
Em chậm bước về qua lối quen
Nắng xuân chiều thoáng rớt bên thềm
Khe khẻ em cười tôi ấp úng
Quen nhau mà chưa dám gọi tên

 
Qua tết em đi xuân cũng đi
Tiễn nhau chẳng biết nói năng gì
Chạnh lòng bên đường mai tàn sớm
Trách thầm xuân đến để mà chi

 
Thuyên Huy
Xuân 2019

Chào Xuân - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa


THƠ XƯỚN HỌA - NHÓM VƯỜN THƠ MỚI

Chủ đề: Chào xuân
 
 

 
 
 
 
 
 
Bài Xướng

CHÀO XUÂN
 
Xuân đến xuân đi mấy vạn đời
Mà sao vẫn mãi đặng xinh tươi
Không gian rạo rực duyên đằm thắm
Non nước trào dâng nét rạng ngời
Cung nhạc ngọt ngào hòa tiếng gió
Hồn thơ dào dạt gửi mây trời
Thi nhân nắn bút gieo nguồn cảm
Mời khách tri âm xướng họa chơi.

Minh Tâm ( Bùi Chí Thành)

Bài họa 1:

TẠ TÌNH XUÂN

Xuân qua xuân lại đến muôn đời
Tết mãi tết hoài đẹp thắm tươi
Trăm họ giao hòa mong nghĩa đượm
Ngàn hoa lưu luyến chuộng duyên ngời
Văn chương lan rộng tràn sông núi
Nghệ thuật vương cao rợp đất trời
Cất gánh ân tình mau múa bút
Tâm thành đáp tạ dám nào chơi.

Nguyễn Triêu Dương

Bài họa 2:

GỞI BẠN PHƯƠNG XA
 
Đã mấy xuân qua, đến với đời
Sao lòng nặng trĩu chẳng thêm tươi
Tôi đi từ độ thu thay lá
Bạn đến mừng tôi mắt sáng ngời
Cánh nhạn bơ vơ ngày xuống thấp
Mây chiều lơ lững lướt chân trời
Dòng thơ trăn trở gây nguồn hứng
Gởi bạn quê nhà thưởng thức chơi !

Nguyễn Cang

Bài họa 3:

 
CHÚA XUÂN 

Chúa xuân trẻ mãi biết bao đời,
Vui đến trần gian mặt vẫn tươi.
Rộn rả tưng bừng trong nắng mới,
Hân hoan rực rỡ áng mây ngời.
Cố hương cách trở xa ngàn dặm
Xứ lạ ngăn đôi một góc trời.
Phiêu bạt tha hương mang nỗi nhớ,
Quay về chốn cũ thỏa rong chơi.


 
Hương lệ Oanh 

 
Bài họa 4:

 
NÀNG XUÂN

 
Nàng xuân tô điểm sắc hương đời
Làm đẹp trần gian cảnh thắm tươi
Nhật nguyệt làu làu tinh tú rạng
Dung nhan tha thướt bức tranh ngời
Tâm nhân sảng khoái tăng nguồn lực
Tiếng hát reo vui dậy đất trời
Âm điệu thi văn vang khắp chốn
Nâng ly kết bút bạn cùng chơi.

             
Kim Trân