Anh Chắt-Quýt
Thời đại ngày nay người ta đặt tên con cái rất hay, rất
đẹp, con gái thì Trúc, Mai, Hồng, Lựu, Hoa…, con trai thì, Hùng, Dũng, Quang,
Vinh, Sang, Trọng… chẳng hạn. Tên không những đẹp mà còn có ý nghĩa, để cầu
mong sự thành đạt của đứa con mai sau. Các cụ ngày xưa mộc mạc chân quê và ít
chữ nghĩa nên thấy cái gì thân thương, quen thuộc, gần gũi thì lấy nó đặt tên
cho con mình. Có lẽ vì thế mới có cái tên Quýt, anh Chắt-Quýt.
Cha mẹ anh Chắt-Quýt thuộc thành phần bần
nông. Cán bộ CCRĐ (cải-cách-ruộng-đất) về địa phương tìm hiểu để bắt rễ-xâu
chuỗi, đào tạo cốt cán cho phong trào CCRĐ không những tại địa phương, mà sẽ
được đi nơi khác làm cán bộ để phát động phong trào CCRĐ tiếp theo. Ông cán bộ
CCRĐ có ghé vào nhà tôi như để làm công tác tìm hiểu quần chúng. Cha tôi đi
vắng, tôi đi chơi với bạn bè ngoài đồng. Về nhà, nghe mẹ kể với cha tôi, ông
cán bộ CCRĐ là cán bộ miền nam tập kết ra bắc được cử đi làm CCRĐ. Ông đội nón
cối. Trời mưa, ông khoác tấm ni-lông màu cánh gián buộc choàng vào cổ, đi dép
cao su, quần dài được xắn lên quá đầu gối, bắp thịt trên đầu gối của ông ấy to
bằng quả bòng (quả bưởi). Ông ấy tự giới thiệu tên ông là Thận.
Cán bộ Thận mang ba-lô quần áo và đồ dùng
sinh hoạt cá nhân vào nhà cha mẹ anh Chắt-Quýt để “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở,
cùng làm. Cha mẹ anh Chắt-Quýt có sáu người con. Cán bộ CCRĐ chọn ba người
trưởng thành, nhanh nhẹn ra làm việc. Anh Chắt-Quýt lớn tuổi, được đào tạo kỹ
càng, bài bản hơn hai người em. Hai người em của anh, một trai một gái, được
chọn làm cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đội du kích địa phương. Trong
CCRĐ, người em trai của anh được vào đội hành quyết bắn địa chủ. Anh Chắt-Quýt
được chọn làm cán bộ nòng cốt đi phát động phong trào CCRĐ ở những địa phương
khác. CCRĐ, nhà nước phát động toàn miền Bắc nhưng làm từng vùng, từng nơi, nơi
này trước, nơi kia sau. Có lẽ do nhà nước thiếu cán bộ nên phải vừa làm vừa đào
tạo.
Anh Chăt-Quýt được phái đi làm cán bộ CCRĐ
ở vùng khác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có lẽ là rất vẻ vang, anh Chắt-Quýt
về địa phương giữ chức chủ tịch xã. Sức còn trẻ, anh năng nổ hoạt động. Nhà anh
được dùng làm trụ sở ủy ban xã. Có điều, nông thôn miền núi, nghèo, ít dân, nhà
cửa xa nhau nên ủy ban chỉ làm việc buổi chiều vài ba tiếng đồng hồ, còn lại là
công việc đồng áng.
Làm cán bộ xã thời đó không có lương, chỉ
có chút tiền trợ cấp chi phí. Thỉnh thoảng anh phải lên huyện họp hành hay tập
huấn về chuyên môn. Lên huyện phải đi bộ hơn nửa ngày đường, phải vài ba ngày
mới về. Quần Âu, áo sơ mi vải nội của nhà máy dệt Nam Định, dép cao su từ vỏ xe
ô-tô cắt ra, đầu đội mũ lá tơi, vai đeo xắc-cốt tài liệu giấy tờ, thêm cái
bi-đông nhựa Trung-Quốc đựng nước chè xanh, trông anh Chắt-Quýt là một cán bộ
địa phương mẫu mực, cần mẫn, trung kiên và uy tín.
Anh Chắt-Quýt làm chủ tịch rồi làm bí thư
đảng ủy nhiều khóa, nhiều kỳ, rồi anh nghỉ việc. Nghỉ việc của anh cũng là lý
do đơn giản, có lẽ vì tuổi tác và hơn nữa, để cho lớp trẻ lên thay theo chủ
trương của trên là, “mang tính kế thừa”.
Đồng Chí Chắt-Quýt bị Kiểm Thảo
Nghe nói, người em trai của anh đi bộ đội,
hy sinh ở chiến trường miền nam. Nhà nước có cho con cái của anh này một khoản
tiền làm lộ phí vào các nghĩa trang liêt sĩ ở miền Nam tìm mộ anh này mà không
thấy. Người em gái của anh Chắt-Quýt sau này lấy chồng rồi đi nơi khác. Vợ anh
Chắt-Quýt qua đời vì tại nạn, các con anh lớn dần rồi tản mác đi làm ăn xa.
Thời phong kiến, hết làm quan thì về “trí
sĩ”, “vui thú điền viên”. Ngày nay, hết làm cán bộ thì trở về sống với quần
chúng nhân dân. Thôi làm cán bộ nhưng anh Chắt-Quýt là đảng viên của đảng Lao
Động Việt Nam nghiêm túc, và phải sinh hoạt trong chi bộ của đảng, để không
những làm gương mà còn là hạt nhân để thúc đẩy mọi phong trào quần chúng nhân
dân xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở, hậu phương vững
chắc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh Chắt-Quýt không giàu nhưng đời sống
cũng không thiếu thốn lắm. Anh sống một mình, còn sức khỏe, có mảnh vườn thu
chút ít hoa lợi quanh năm, lại có con cái đi làm xa góp mỗi đứa một chút. Nghèo
mà nhàn.
Anh Chắt-Quýt sống một mình trong căn nhà
nhỏ và làm bạn với cái đài (radio) để nghe tin tức. Báo chí dù nghèo nàn tin
tức, ở nông thôn cũng chẳng có tờ báo nào mà đọc. Cái đài của anh vừa tiện lợi
vừa sang. Cả làng chỉ được dăm ba nhà có đài.
Nông thôn không quen uống cà phê. Nhà anh
có trồng vài hàng chè trong vườn nên anh nấu nước chè xanh uống mỗi ngày, uống
quanh năm. Nước chè xanh rất tốt, có lợi cho sức khỏe, vừa mát vừa có chất
caffeine. Uống nước che xanh cũng làm anh tỉnh táo, hưng phấn. Anh nghe tin tức
thời sự nhiều rồi cũng chán. Lúc nào cũng nghe ta thắng, địch thua, vụ mùa nào
cũng bội thu, nơi nào cũng thi đua, miền bắc thi đua tăng năng suất, miền nam
thi đua diệt Mỹ.
Tuy vậy, nghe đài cũng lợi, để biết thông
tin mà chuyện trò, hơn nữa miền núi hẻo lánh, cái đài phát ra tiếng oang oang
hàng ngày trong nhà cũng vui, làm anh có ít nhiều hưng phấn, sảng khoái. Anh
thích nhất là chương trình ca nhạc văn nghệ qua đài phát thanh. Trước đây dân
miền núi thua thiệt đủ điều, mỗi năm may ra được vài lần có đoàn chiếu phim lưu
động về phục vụ, mới thấy cái bóng đèn điện tròn tròn giống quả trứng vịt, mới
được nghe vài tiếng hát nghèn nghẹt phát ra từ cái loa kêu rè rè. Cái đài ngày
nay, âm thanh rất rõ ràng, nghe được cả tiếng hơi thở của xướng ngôn viên. Nay
nhờ ơn đảng ơn nhà nước, một số ít người đã có đài, trong đó có anh.
Nước chè xanh đặc làm anh hưng phấn, lâng
lâng, có thêm chút rượu trắng thỉnh thoảng anh mua về nữa, tâm hồn lúc đó không
đến nỗi khô cằn. Đêm đêm cô quạnh, vắng vẻ, nằm nghe giọng hát các cô ca sĩ
trong cái đài để đầu giường, lòng anh cũng thấy rộn ràng. Con người ai cũng
thế; đến như anh Chí Phèo rồi cũng có những giờ phút tâm hồn nhảy múa, lãng mạn
yêu đời, huống chi anh Chắt-Quýt lý luận chính trị dồi dào, thông minh, từng
làm đến chức chủ tịch xã.
Bên cạnh vườn nhà anh Chắt-Quýt có một chị
góa chồng. Chị này tên Chắt-Tèo. Tôi không hiểu tại sao tên chị lại là
Chắt-Tèo. Chị này dáng người cao cao, cũng xinh xinh, con của một gia đình cũng
có tiếng tăm chút ít ở một xã bên cạch. Trong CCRĐ, một anh thanh niên thành
phần bần nông ở cạnh nhà anh Chắt-Quýt đeo đuổi chị, rồi thêm sức ép của tổ
chức đoàn thể, nói theo từ thời đại là “sự thuyết phục vận động của đoàn thể”,
nên chị phải lấy. Thời CCRĐ, thanh niên bần cố nông nhiều anh rất có giá. Thành
phần giai cấp quyết định tương lai một đời người. Nhiều thanh niên bần cố nông
đã lấy được con gái đep, nhà giàu. Dân gian có câu “mèo mù vớ cá rán”. Chồng
chị Chắt-Tèo ở trong hoàn cảnh đó, mèo mù vớ cá rán. Chị Chắt-Tèo lấy chồng bần
nông rồi sau này chị cũng được kết nạp đảng viên.
Chồng chị Chắt-Tèo mất sớm. Chị ở vậy, nuôi
mấy đứa con khôn lớn rồi con thoát ly đi làm ăn xa. Chị ở một mình trong căn
nhà tranh vắng vẻ. Những đêm mùa đông, cái lạnh sương giá miền núi trung du làm
chị càng thêm lạnh lẽo. Sự lạnh lẽo của chị cũng giống sự cô đơn của anh
Chắt-Quýt.
Nông thôn nghèo, làm gì có điện, nông thôn
miền núi càng nghèo, có người cả đời chưa thấy bóng đèn điện nữa là khác. Miền
núi, những đêm không trăng trời tối thui thui. Anh Chắt-Quýt có đài nghe tin
tức, nghe ca nhạc, nghe các chương trình văn nghệ. Ban đêm, anh Chắt-Quýt rủ
chị Chắt-Tèo qua nhà nghe đài. Nhà tối thui. Dầu hỏa cửa hàng bán phân phối nhỏ
giọt, vì khan hiếm. Ngọn đèn dầu mờ mờ, leo lét nhỏ xíu như con đom đóm đực.
Anh Chắt-Quýt nói, tui sống một chắt (một mình) cô đơn, bên nớ cũng sống một
mình chắc cô đơn. Chị Chắt-Tèo liếc mắt, cười mỉm nói, cô đơn thì cô đơn, có
mần răng mô. Anh Chắt-Quýt nói, răng lại không mần răng được, buồn chết đi. Anh
Chắt-Quýt và chị Chắt-Tèo cười rúc rích.
Anh Chắt-Quýt thỉnh thoảng sang nhà chị
Chắt-Tèo giúp chị sửa tấm phên, tấm vách. Chị Chắt-Tèo thỉnh thoảng cũng sang
nhà anh Chắt-Quýt nhóm lửa, bếp núc, lúc thì để nấu nước chè xanh, lúc thì cơm
cháo khi anh nhức đầu sổ mũi. Thế rồi người ta xầm xì, anh Chắt-Quýt và chị
Chắt-Tèo có vấn đề. Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa. Người ta nói, đồng chí
Chắt-Quýt hủ hóa với nữ đồng chí Chắt-Tèo. Tổ chức chi bộ địa phương mời hai
đồng chí ra họp, phê bình kiểm thảo, không phải kiểm thảo một vài lần mà kiểm
thảo nhiều lần.
Khổ cho các đảng viên trong chi bộ, ban
ngày lo cày cấy, công việc ruộng đồng, tay cày tay súng, lo máy bay Mỹ bắn phá
khắp nơi, tối về ăn vội vài lưng cơm độn khoai sắn rồi lại lo đi họp kiểm thảo
đồng chí Chắt-Quýt và nữ đồng chí Chắt-Tèo. Chi bộ phân tích: Hai thứ, tham ô
và hủ hóa là hai thứ xấu nhất, các đảng viên không được phạm vào. Bác Hồ nói,
đảng viên phải luôn luôn trong sạch, gương mẫu, là người phải biết lo trước
thiên hạ, vui sau thiên hạ, là đầy tớ nhân dân. Các đồng chí đã làm mất phẩm
chất đạo đức cách mạng của người đảng viên.
Nghe dân làng nói, chi bộ kiểm thảo hai
đồng chí này đến khổ, kiểm thảo liên miên. Không biết hai đồng chí có bị khai
trừ đảng hay không. Dân làng, nhiều người thương hai đồng chí này lắm. Có người
nói, hủ hóa với lại hủ hiếc, có những anh mần chức to hơn hủ hóa tưng bừng mà
có ai mần đách chi được chi mô…
Hủ hóa với lại hủ hiếc!
Tôi đi xa lâu ngày về quê, nghe được chuyện
này, kể lại cho vui.
Hồi ức Nguyễn Minh Kính
Ngày 08/ 01/
2018
304Đen – Llttm - VV
No comments:
Post a Comment