Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu- Chương Cuối
Bốn giờ khuya, sáng chủ nhật, Luân ngồi chờ
tin hai chiếc tàu, một chiếc từ Phước Tỉnh vào, chiếc khác thì do anh Quyền lái
lên, từ dọc biển tới ngã ba Vàm Láng, tại nhà chú ba Hảo. Cả hai chú cháu đứng
không đứng, ngồi không ngồi, cứ dán mắt ra đường, dưới ánh đèn vàng đục, mờ mờ
trong màn sương sớm. Đường vắng tanh, lưa thưa một vài chiếc xe chở hàng nặng
nề ra chợ Cầu Ông Lãnh. Tiếng xe honda vào sân, người đưa tin, kéo cổ áo che
ngang miệng chống lạnh xuống, cho biết tàu vào bãi an toàn, chú ba móc trong
túi áo, vổ vai anh, trao gói giấy đựng phần tiền công. Anh ta vội vã đi ngay,
trời cũng vừa rựng sáng, bên kia sông có chút mặt trời, Luân đạp xe chở chú ba
qua chợ Nancy, vài tiệm cà phê bắt đầu lai rai có khách. Luân uống ly cà phê
nóng cuối cùng, chú ba thả bộ về nhà, Luân lặng lẽ rẽ lên hướng Ngã Bảy, anh
công an gát đêm, đứng xoa tay ngoài cái chòi canh, sơn màu đỏ chói, trước cổng
Sở Công An, nhìn theo rã rời ngáy ngủ. Luân dừng xe đạp, ngậm ngùi nhìn vào
trong sân trường Quốc Gia Sư Phạm, không một bóng người, cây cỏ đìu hiu, thấy
hồn mình vấn vương theo từng viên gạch, lối mòn của những ngày hai buổi đi về,
buồn vui đời mực đen giấy trắng.
Trưa
hôm đó, hai ba anh công an quận đi xe jeep đến nhà tìm Luân, chị Hương đang
đứng ngoài cửa chờ Liên, họ hỏi vài câu rồi đưa cho chị cái giấy kêu Luân, lên
trình diện sáng thứ hai mang theo tất cả giấy tờ cá nhân. Chờ họ bỏ đi, nhìn
quanh nhìn quất, chị xé nát tờ giấy, quăng xuống đường. Chị Hương, Toàn, Hân và
Liên đi bộ qua cư xá Bắc Hải không bao lâu, thì Hiên đến cư xá Lữ Gia, chỉ thấy
chị Ngoan, cho nên hỏi thăm qua loa rồi ra về.
Ăn cơm trưa xong, bọn Luân kiểm lại đồ đạc
mang theo, mặc dù chỉ là mấy cái túi cũ mèm nhỏ xíu, Luân hơn mấy người khác vì
có thêm hai hủ đựng tro cốt ba mẹ. Hồng chuẩn bị cho mỗi người vài viên thuốc
cảm, tiêu chảy, say sóng và vài viên vitamin C. Trời bỗng dưng dịu nắng rồi tối
sầm dần trên miệt ngã tư Bảy Hiền, mây đen lác đác vài cụm đâu đây chờ mưa
xuống. Tới giờ hẹn, không ai bảo ai, họ nhìn nhau rưng rưng nước mắt, xiết tay
giã biệt. Anh Lân, chị Hương, vợ chồng Toàn, Liên, Hồng, lần lượt theo nhau đón
xe đi Nhà Bè, Luân và Hiếu đón xích lô xuống nhà chú ba Hảo, ở đây có người đưa
chú cháu xuống ngã ba Vàm Láng bằng xe honda. Luân cố nhìn Sài Gòn trong cơn
mưa vội vàng chợt đổ, lá me cuối thu, hai bên đường Hồng Thập Tự, hình như
không còn tan tác rụng.
Trong cái bóng đêm mờ mờ ánh trăng, đám
người từ Sài Gòn ra, lớn nhỏ, lặng thinh theo nhau lên tàu, neo từ tối qua
trước khu nhà sàn làm trụ sở đội du kích ấp Thạnh Tân. Tiếng sóng vỗ êm êm lên
hàng dừa nước hai bên bờ con rạch đục ngầu, dẫn ra cửa biển giữa khuya nghe
buồn ray rứt. Phía cửa Cần Giờ đằng xa, đèn điện sáng rực một góc trời, biển
mênh mông đen rờn rợn. Anh Lân, Hồng, vợ chồng Toàn, chị Hương và Liên lên tàu
của anh Quyền, đậu cách tàu Luân, Hiếu, chú ba Hảo lố nhố mấy căn nhà, lắc lư
theo con nước thủy triều lên. Trăng vừa cao quá đỉnh đầu, toán du kích làm dấu
khởi hành, tàu anh Quyền nổ máy, lặng lẽ chập chờn ra biển trước, không lâu thì
mất hút theo từng cơn sóng nhấp nhô giữa trời và nước.
Chờ anh du kích dẫn đường, đưa tàu anh
Quyền đi rồi trở lại, tàu bọn Luân rục rịch tách ra giữa sông, Luân đứng trên
mũi tàu, ôm cái túi xách lên ngực nhìn vào bờ, nước lớn, che lần hàng dừa nước
không còn đong đưa chờ sóng vỗ. Dưới khoang tàu, bắt đầu có tiếng người lào
xào, di động. Hiếu bỏ đi lần theo hông thành tàu xuống phía sau chút xíu trở
lại, trong ánh trăng chênh chếch sáng, mặt hắn có vẻ hớt hãi, ngồi xuống cạnh
Luân, chỉ tay về phía đuôi tàu, giọng đứt quảng:
-
Chị Hiên... chị Hiên, em thấy chị Hiên ở phía sau.
Nhìn
thẳng vào Hiếu, Luân kinh ngạc hỏi:
-
Có chắc là chị Hiên không ?
Hiếu
gật đầu, không trả lời. Tiếng máy nổ đều đều, con tàu lặng im vượt sóng, lù đù
tiến dần ra khỏi cửa Vàm Láng. Luân mang túi xách trên người, đi lần về phía
sau. Hiên sững sờ nhìn, Luân lặng câm bất động. Luân vừa gọi được tên Hiên, thì
có tiếng người la lớn phía đằng trước:
-
Công an, công an !
Người tài công bớt ga, cho tàu chạy chậm
lại, từ phía Cần Giờ, Vũng Tàu, nhiều ánh đèn nhấp nhô tiến về hướng Luân, rõ
dần rồi rõ dần, chú ba Hảo đứng chết trân, người trên tàu nhốn nháo, hoảng hốt
kêu trời kêu đất. Tiếng máy của mấy chiếc ca nô PCF, có trang bị súng đại liên,
của hải quân VNCH cũ, xé màn đêm hùng hổ bủa quanh. Người tài công, quay tàu về
hướng bờ Vàm Láng, mở hết tốc độ, mặc cho công an phát loa gọi ngừng ơi ới.
Hiên
thẫn thờ ôm chầm lấy Luân, công an bắn súng thị oai, tiếng nổ xé tan màn đêm,
vang vọng vội vào bờ, kéo dài rồi im bặt. Người tài công kéo cổ áo, lau mồ hôi
đổ như tắm trên mặt, tiếp tục tăng ga, tàu khừng khựng theo từng đợt sóng của
con nước đang lên, trong tàu có tiếng con nít khóc. Một chiếc tàu lớn, có gắn
cờ đỏ sao vàng, lố nhố người, lố nhố súng, pha đèn sáng rực, tiến về từ xa, mấy
chiếc PCF chậm lại đôi chút, chạy vòng quanh.
Công an tiếp tục đuổi theo, lại phóng loa
ra lệnh, tàu vào sâu tới khúc sông nhỏ, truông sậy bát ngát cao tới đầu người,
ủi đại lên bờ, tiếng thành tàu cọ xát đám cây tràm già nua rờn rợn, tàu rung
rung rồi tắt máy. Người trên tàu bồng bế nhau nhảy càn xuống nước, trốn chạy,
tàu công an tiến gần, nổ súng đại liên xối xả, Luân đẩy Hiên chạy đi, ván thành
tàu bể vắng tứ tung, một số người lên được bờ, ẩn hiện trên truông, dật dờ như
những bóng ma đêm.
Luân
bị trúng đạn, hai cái hủ đựng tro cốt ba mẹ trong túi xách mang trước ngực, bể
tan, tro ướt đẫm mùi máu. Tiếng Hiên thét lên đâu đây:
-
Chết Hiên rồi anh Luân ơi!
Luân ngã quỵ xuống sàn phía đuôi tàu, nước
tràn lên lấp xấp, mắt mờ dần, súng vẫn còn nổ vang rân, đưa tay chùi máu trên
mặt, cố nhìn, xác Hiên nổi đập vào bờ sậy, bềnh bồng tóc trải dài trên nước.
Luân ráng sức, đưa tay lên ngực loang lở máu, mân mê nhúm tro cốt ba mẹ rồi
không còn nghe gì nữa, người Luân bập bềnh trên sóng theo chiều ra biển, qua
cái màn đục mờ của nước mắt ứa tràn, Luân ráng sức nhìn, chiếc tàu lớn của công
an cặp sát vào, tiếng vạc ăn đêm về bắt đầu kêu những tiếng kêu đầu ngày rời
rạc, trên mấy cánh đồng xa xa, chiếu đèn pha sáng một khoảng sông, Tuân, Giám
đốc Sở công an, chồng Hiên, đứng bên hông thành tàu khoan khoái cười, một nụ
cười nham hiểm.
No comments:
Post a Comment