Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu- Chương Hai Mươi
Luân theo Liên đi Mỹ Tho rồi xuống Bến
Tranh, vào gặp ông anh bà con, sau khi anh Lân giới thiệu cho Luân gia đình một
người quen, khá giả bằng lòng bỏ tiền, lo cho cái tàu đánh cá đang bị neo.
Đường từ phà Bến Tranh về Gò Công, đá xanh ghồ ghề, xe honda mà cũng phải lắc
lư qua lại. Anh Quyền, dẫn hai đứa ra khúc sông sau hè nhà, nhìn phía xa xa
trên trụ sở xã, chiếc tàu nằm phơi nắng ngay cái cầu gỗ bắt dài ra gần phần ba
chiều ngang con sông, trông mũi tàu sừng sững vương cao oai hùng, cái oai hùng
của hổ nhớ rừng Thế Lữ. Bọn họ không dám đứng lâu, mặc dù Luân và Liên đã cẩn
thận, áo vải quần thâm, nhà quê ruộng rẫy trước khi đi. Lác đác trên sông, vài
người quen anh Quyền, đi giăng câu đêm về vẫy tay chào mệt mỏi. Luân gởi lại
anh Quyền vài cây vàng, cùng mấy chay rượu tây, để anh tùy tiện lo công việc
như đã bàn tính, trước khi ngược về Mỹ Tho. Rặng cây sê-ri quanh rào nhà ai,
trái chín một màu đỏ ửng. Về chợ Mỹ Tho, Luân chạy vòng xe dọc bờ sông, xuống
công viên Diên Hồng, vào ăn hủ tiếu, trong cái quán nhà sàn trên sông, nhìn về
cồn Phụng ngoài xa, nhớ kỷ niệm xưa, kể cho Liên nghe, ngày Luân với Toàn phải
lòng thương người con gái vườn mận Trung Lương, theo chân cô xuống chợ, khen hủ
tiếu Mỹ Tho tiếng ngon tiếng ngọt, ngọt như tiếng hát Hương Lan trong bài Vườn
Tao Ngộ, vang vọng đôi bờ, xót xa lòng người lính trẻ, ngày vội vã xuống đò
ngang, nhất định cùng em gái bên cồn mân mê vạt áo bà ba, thi nhau đếm dừa cồn
nhà ai bao nhiêu trái. Liên ngồi nghe cười ngặt nghẽo.
Đám cán bộ gốc người miền nam tập kết, nắm
giữ các chức vụ cao cấp tại Sài Gòn, bị mất chức, thay thế đồng loạt bởi đảng
viên miền bắc vào. Cái gọi là Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời chết không kèn không
trống. Hết Nguyễn Hửu Thọ, rồi Huỳnh Tấn Phát, được triệu về Hà Nội, sơn son
phết vàng, cho vài chức vị hửu danh vô thực, ngậm câm không một lời than oán.
Anh Tuân, chồng của Hiên ra mặt, nắm chức Giám đốc sở công an thành phố, sau
khi từ Hà Nội vào. Hiên trông có vẻ chán chường những lúc gặp Luân gần đây,
không còn làm Tổng Đoàn Trưởng Tổng Đoàn 7, Thanh Niên Xung Phong, giờ là Bí
Thư Đoàn Thanh Niên Cộng sản, một tổ chức kết nạp đoàn viên, huấn luyện trước
khi được vào đảng.
Hiên
thú thật với chị Hương, mấy tháng nay, hai vợ chồng thường hay gây gổ, Hiên
miển cưởng, đôi khi lạnh lùng từ chối chuyện chăn gối với chồng, Hiên cũng
tránh né đi chung với Tuân trong những buổi họp mặt tiệc tùng, không cần có lý
do. Tuân bực bội, hung hăng, cải vả, không bằng ngôn từ của đảng mà chữ nghĩa
của người ít học. Tiếng ngáy ngủ của Tuân, sau lần giã vờ ân ái trong đêm, xé
tan lòng Hiên ra từng mảnh vụn rã rời, dù thân xác vô tri còn trơ ra đó. May mà
có chị Hương, có Luân, tuy đã trễ mất rồi nhưng Hiên thấy mình vẫn còn vui mà
sống. Xác thân này không dám và không xứng đáng nói lại tiếng yêu ngày xưa,
nhưng lòng Hiên vẫn một đời cho Luân, dù anh không thèm nhận. Luân lặng thinh
ngậm ngùi nghe chị Hương nói, trong chánh điện nghi ngút khói hương hay thánh
đường lung linh nến tỏa của lòng mình, xin ở trên cao xót thương cho tội tình
trần thế.
Luân và Hồng đứng trốn mưa, tại chỗ sửa xe
honda lề đường, góc Lý Thái Tổ, Cộng hòa, đầu ngõ vào Tổng Nha Cảnh Sát VNCH
cũ. Hiên ngồi trên xe jeep công an với chồng, chạy ngang, thấy Luân gọi tên ơi
ới, vẫy tay làm dấu bảo chờ, anh tài xế cho xe lui lại ngừng ngay chỗ bọn Luân
đứng, mưa vẫn còn nặng hột, Hiên bước vội ra, anh Tuân, chồng Hiên, trong đồng
phục công an thẳng nếp, gật đầu chào. Hiên đứng sát vào Luân dù nước không mấy
tạt về hướng cô nàng, nhắn chị Hương, việc chị nhờ hôm trước để Hiên lo. Chồng
Hiên ngồi nhìn ra, nét mặt có vẻ bất bình. Xe chạy đi rồi, Luân nhìn thấy hai vợ chồng Hiên, nói qua nói lại
gì đó trong cái mù mờ của cơn mưa chiều chưa chịu tạnh. Sau khi xong khóa học
tập bồi dưỡng chính trị, trong hai ba ngày, Liên ghé nhà mang theo cái thư của
Khánh Tường, gởi cho Luân qua địa chỉ nhà Liên. Cô nàng mừng ghê lắm khi, được
Liên báo là trong chuyến đi lần tới chắc chắn sẽ có Luân theo. Khánh Tường đã
đi làm cho một công ty điện toán ở Seattle, sau khi xong hai năm học. Gia đình
đều khỏe, cô Hảo và hai đứa em nhắc Luân hoài, đọc thư Liên, cả nhà mừng khấp
khởi, thư viết cho Liên thì Khánh Tường không dối bạn, chưa thấy ngày vui nào
có thật, từ ngày bỏ Việt Nam, tên Luân vẫn chập chờn trong tiềm thức, cố nuôi
hy vọng chờ, nhưng không biết liệu có đủ nghị lực, đủ niềm tin chờ tới phút
cuối cùng. Luân viết khoảng nửa trang giấy, thăm hỏi gia đình, gởi chung với
thư của Liên, mong sẽ có ngày gặp lại.
Việc chị Hương nhờ Hiên, chạy xin giùm đem
tên của chị Ngoan thêm vào hộ khẩu nhà, không hơn một tuần lễ thì xong việc.
Chị Ngoan xuống Sài Gòn cùng với Toàn và Hân, làm bữa tiệc nhỏ cám ơn Hiên. Lần
đầu gặp Hiên, vả lại biết Hiên đang là đảng viên cộng sản cho nên chị Ngoan e
dè, không nói nhiều. Toàn chỉ thăm hỏi Hiên qua loa, vài chuyện ngày trước, vài
chuyện bây giờ. Hân, dù sao cũng là bạn thân con gái với nhau, trong bữa tiệc
ăn không nhiều, chỉ lo hàn huyên to nhỏ. Mọi người đều biết, Hiên không phải
không biết gì, nhất là đã từng lăn lộn, đấu tranh vật vã mới có được chức tước
như bây giờ, cho nên chị Hương quyết định thú thật với Hiên, cái lý do xin hộ
nhập hộ khẩu cho chị Ngoan, chị đang tính chuyện vượt biên, nếu may đi lọt hoặc
lỡ không thoát, trở về cũng còn có nơi mà ở. Hiên mĩm cười vui vẻ cho biết, khi
nghe chị nhờ, thấy Luân đi tới đi lui và nhớ lần chị Hương lo lắng cho hoàn
cảnh của Luân, khi hỏi có định tìm việc làm gì không, Hiên đoán biết phần nào
rồi. Chị Ngoan ngồi im nghe, mặt ra chiều lo âu nhìn Luân. Hiên không nhìn chị
Hương, chị Ngoan, Toàn hay Hân mà liếc qua phía Luân, hứa sẽ làm tất cả những
gì có thể làm được để giúp chị. Bữa tiệc vui, Hiên ở lại chơi tới khuya rồi đón
taxi về, Hân theo ra tới xe tiễn bạn. Hôm trở về Tây Ninh, chị Ngoan cũng như
hai vợ chồng Toàn nhắc Luân, cẩn thận hơn, Luân và chị Hương gom góp tiền dành
dụm gởi Toàn cất bớt, phòng khi có chuyện gì xảy ra.
Anh Trưởng công an phường, bộ mặt vuông có
ngạnh, xương xẩu còn hơn cả anh công an khu vực, đọc văn thư giấy tờ, rặn từ
chữ có khi vẫn chưa ra chữ gì, mời Luân lên văn phòng sáng sớm, báo cho hay là
trên quận ra lệnh phường, cứu xét trả quyền công dân cho Luân đợt này, nhưng
theo báo cáo của tổ dân phố và các cán bộ liên hệ, thấy Luân chưa đạt yêu cầu,
học tập chưa tốt lắm, nên quyết định sẽ xét trong lần tới. Ba năm tù cải tạo,
tuy không dài so với những người còn bị đọa đày trong rừng sâu, nước độc, đủ
cho Luân hiểu và thấm thía ba chữ học
tập tốt. Anh thao thao
lập lại nguyên văn những gì cấp trên đã nói, một cách say sưa, tỏ vẻ cụt hứng
bực mình khi thấy Luân không hỏi câu nào.
Bác
tổ trưởng dân phố, đứng nhìn trời trước nhà, thấy Luân từ trong trụ sở công an
phường ra về, đón Luân làm lạ thắc mắc :
-
Có việc gì sao mà ra phường sớm thế, cậu Luân ?
Luân
cũng muốn biết xem chuyện gì, nên không dấu diếm:
-
Công an không chịu cứu xét trả quyền công dân cho cháu đợt này bác ạ !
Bác
tổ trưởng nhăn mặt :
-
Tại sao thế, họ có nói lý do không ?
Luân
cười khẩy :
-
Họ bảo, tổ dân phố với công an khu vực báo cáo là cháu chưa học tập tốt ở địa
phương, nhưng cháu thì không nghĩ vậy !
Bác
kéo Luân vào sân không muốn ai nhìn :
-
Tôi và cả bà con trong tổ này không ai báo cáo cái chuyện tầm bậy như vậy, có
lẽ mấy ổng đặt điều, định làm khó dễ gì cậu đây, cậu cũng biết tôi rồi mà, để
tôi gặp anh công an khu vực hỏi xem, cậu an tâm, bà con trong tổ này ai mà
không mến cậu.
Luân
bắt tay bác cám ơn, rồi đi nhanh về nhà, nắng chưa kịp lên, trời đã bắt đầu có
vài cơn mưa bụi.
Hôm sau, trước khi ra chợ, Luân đến tìm anh
công an khu vực, rủ anh đi ăn sáng. Vợ anh ta rối rít mời Luân vào, Luân lần
lựa đứng ngoài cửa chờ. Chị người miền bắc, ít nói, hai vợ chồng có đứa con
trai hai ba tuổi, bị bệnh kiết lỵ nặng, đem vào bệnh viện nhi đồng một hai, nằm
mấy ngày, bác sĩ cách mạng bảo cần phải dùng thuốc nước ngoài mới khỏi, thuốc
này bệnh viện không có. Không biết ai mách nước, anh công an tìm Luân với bộ
mặt thảm thương, vốn hoàng
hôn càng hoàng hôn thêm, nhờ Luân giúp. Luân qua nhà
Hồng, lấy đem về cho thằng con trai anh ta uống theo như cách chỉ dẫn trên hộp,
không tính tiền bạc gì hết, hai ngày sau thằng nhỏ khỏe, chạy chơi ngon lành,
hai vợ chồng đến cám ơn, Luân quen anh từ đó. Luân kéo anh ra cái quán cốc lộ
thiêng, bên bờ tường rào trường đua ngựa Phú Thọ, trên lề đường Lữ Gia, anh cho
Luân biết, cách đây mấy hôm, trưởng công an quận có làm việc với trưởng công an
phường, khi về, trong lúc họp giao ban bảo anh làm báo cáo tóm tắt, việc chấp
hành học tập tại phường của Luân ra sao, để đề nghị trả quyền công dân. Anh
cũng nói chuyện với bác tổ trưởng, trước khi viết, Luân đã học tập tốt, đạt yêu
cầu, còn giữ bản lưu, anh sẽ đưa xem nếu Luân muốn. Tốt hay xấu, Luân cũng
không làm được gì, anh cười tin những gì anh nói. Anh cứ hỏi đi hỏi lại, có
việc gì sao, Luân tản lờ qua chuyện khác.
Hiên
giờ làm việc ở Sài gòn, cho nên thường ghé nhà, chị Hương sau lần thố lộ chuyện
vượt biên, tỏ ra dè dặt hơn trong lời ăn tiếng nói. Liên biết việc này, e ngại
không muốn gặp Hiên nhiều, lúc nào cũng tìm cách về trước. Đám khách mà Luân
giới thiệu cho chú ba Hảo tháng rồi, đã tới Mã Lai bình yên làm Liên lên tinh
thần, cứ nhắc Luân coi chừng bể mỗi khi nói gì có Hiên trong đó. Cũng qua chú
ba Hảo, đám Luân nhờ làm một số giấy tờ cá nhân, mang tên khác, để phòng thân,
chú ba dành trả tiền công cho người làm việc này. Anh Quyền, anh họ của Liên,
lên Sài Gòn cho hay đã lo lót xong, kéo được chiếc tàu về neo sau nhà sửa chữa.
Luân và Liên đưa anh đến gặp chú ba Hảo, trước để quen nhau, sau nữa bàn tính
chuyện chiếc tàu.
Thuyên Huy
(Còn
tiếp)
No comments:
Post a Comment