Wednesday, March 18, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Hai Mươi Mốt) - Thuyên Huy


Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu- Chương Hai Mươi Mốt

 

 


 

Chương Hai Mươi Mốt

 
    Hiên đi công tác ngoài Hà Nội về, chiều chủ nhật, ghé qua cho Luân và chị Hương mấy hộp bánh đậu xanh Hải Dương, mấy sấp vải lụa Hà Đông, mùi mực in còn thơm phức. Hiên trông có vẻ tươi tắn hơn, nói cười luôn miệng, chưa được bao lâu thì Hồng đến, Luân bỏ đi với Hồng ra Cầu Tre, Phú Lâm, gặp vài người quen, theo lời anh Lân hẹn. Về lại nhà, Hiên vẫn còn đó, có thêm cả Liên, ba người đang chuẩn bị cơm chiều, Luân đành ở lại nhà thay vì theo Hồng lên cư xá Thanh Đa ăn cháo vịt, với mấy anh bạn thường đặt mua thuốc, như Hồng đã hẹn. Trong bữa cơm, Hiên hớn hở báo tin hai vợ chồng cô nàng đang làm thủ tục ly dị, người thẩm phán nhân dân lo việc này là bạn ngoài bắc của Tuân, không cần hai vợ chồng ra tòa. Luân ngỡ ngàng, Liên không ý kiến, chị Hương có vẻ hơi xúc động, vốn đã cảm thông với tâm sự của Hiên, như chị thường nói với Luân. Hiên tự chọn lựa một lối thoát cho riêng mình và cho cả chồng, Luân mừng thầm cho Hiên, không còn phải đong đưa, dai dẳng với tháng ngày qua buồn nản. Đêm đó, lâu rồi mới thấy Liên ở lại rất khuya.

    Trời mưa nặng hột, nhưng không lớn lắm, anh công an khu vực đội áo mưa tới tìm, bảo Luân đến họp tổ dân phố, theo chỉ thị của anh trưởng công an. Quơ vội cây dù, theo anh công an khu vực đến nhà bác tổ trưởng, cách trụ sở phường không mấy xa, anh trưởng công an phường bước nhanh ra khỏi đó khi Luân vừa tới nơi. Trong nhà, rất đông người có mặt, ồn ào to nhỏ, bàn chuyện đề nghị cho Luân đi học tập cải tạo lại, với lý do của anh Trưởng công an đưa ra, Luân chưa học tập tốt. Buổi họp kéo dài không lâu, Luân ngồi lặng thinh, anh công an khu vực cũng không nói lời nào, ai nấy đưa tay phản đối chuyện này, bác tổ trưởng ký tên vào biên bản, trao cho anh công an khu vực, bên ngoài mưa vẫn còn trút nước xuống đường, anh xếp tờ giấy bỏ vào cái cặp bằng da nâu, nói nhỏ với Luân, trước khi ra cửa :

- Chuyện này để tôi lo, sáng mai tôi sẽ nói chuyện với anh nhiều hơn, giờ không tiện !

Chị Hương đứng chờ  trước cửa, Luân thuật lại chuyện họp tổ. Chị giận dữ, hằn học chửi thầm, đi qua đi lại trong nhà :

- Vậy là phải đi sớm chừng nào tốt chừng đó.
 
 
 
 
 

Trưa hôm sau, anh công an khu vực đến tìm Luân như đã hứa, Luân lấy xe honda của chị Hương, chở anh xuống tiệm cơm xích lô mà bọn họ thường ngồi, sau những lần bán được một số hàng lớn, xế ngã tư Trần Bình Trọng và Cao Đạt. Ở đây cơm ngon, nhiều và rẻ, không ngại ai quen dòm ngó, Luân cũng không quên dặn trước bà chủ quán, vốn biết Luân từ ngày còn học sư phạm, làm cho ba bốn món khác, thịt kho dưa giá, cá lóc kho tộ, tôm xào cải rổ, để Luân biếu cho anh năm hoàng hôn mang về. Anh có vẻ bực bội, càu nhàu giãi thích cho Luân vài chuyện có dính líu tới vụ họp tổ đêm qua, theo lời anh, anh Trưởng công an phường buộc phải làm theo lệnh của Tuân, chồng Hiên, Giám đốc công an thành phố, qua sự thừa hành của công an quận, họ còn hứa, nếu mọi việc xong xuôi anh sẽ được khen thưởng. Để trấn an, vì thấy Luân ngạc nhiên, anh nhắc tôi tờ biên bản họp tổ, bảo đừng lo, không có ý kiến nhân dân, họ không làm gì được đâu. Luân nhìn anh gượng cười, vì không biết nói cái gì bây giờ, cám ơn anh thật lòng lo lắng, dù thật lòng ngoài mặt hay trong lòng. Luân đưa anh về, bỏ anh xuống đầu Tô Hiến Thành, để anh đi bộ vô phường, không quên đưa túi thức ăn, Luân quay xe honda xuống hướng chợ Sài Gòn, anh ngoái cổ nhìn theo thật lâu. Anh Lân xuống chợ Thái Bình, trong giờ nghỉ trưa, chở Luân về căn nhà của anh, bỏ trống, giờ đã cho người anh bà con, Cục Trưởng cục cầu đường, trong cư xá Bắc Hải, gần trường Quân Y cũ. Anh giao chìa khóa nhà và tờ giấy cho phép tạm trú vì nhu cầu công tác, do cục cầu đường thành phố cấp và dấu chấp thuận của công an quận 10, dặn dò Luân vài việc, rồi trở lại sở làm, chưa tới giờ, hai anh em ngồi uống nước, trên lề đường, cạnh cổng vào. Gió hiu hiu, lá me vàng tan tác rụng, bay lững lờ như xác pháo ngày mùng một tết.

Chị Ngoan dọn xuống Sài Gòn, không có bao nhiêu đồ đạc, nhà thêm người, hai chị em vào ra cũng đỡ buồn, chị Hương không còn thui thủi một mình, Luân như con vạc bay đêm, rã rời đầu chợ, cuối đường. Hiên chánh thức ly dị chồng, dọn ra căn nhà nhỏ ở đường Trần Tế Xương, gần trụ sở Hội Phụ Nữ thành phố. Liên và chị Hương thỉnh thoảng có đến chơi vài lần, trong nhà có một người đàn bà lớn tuổi phụ việc. Lần nữa, Luân nhận thư chị Quỳnh, nhắc anh chuyện đi thăm thằng bé Bảo và đôi ba việc khác, chị cho Luân địa chỉ của một người dì ruột ở Thị Nghè, để liên lạc khi cần tiền.

    Vài tuần nữa, học trò vào học trở lại, Luân trở xuống Bến Tranh một mình, gặp anh Quyền, chiếc tàu neo trong cái rạch nhỏ sau nhà cũng tiện. Chiều nào anh cũng lái chạy lên xuống khúc sông, dưới trụ sở xã thử máy, đã thay ván mới một vài chỗ, báo anh biết tiền bạc xong xuôi, để anh bàn với họ ngày giao tiền. Trở lại Sài Gòn, Luân không ghé lòng vòng như lần đi có Liên, chạy một mạch, vậy mà về tới Sài Gòn cũng gần xế chiều, vì kẹt ở phà Bến Tranh khá lâu.

Chiều thứ bảy, Liên đạp xe xuống nhà chú ba Hảo, hỏi thăm vụ tàu ở Nha Trang mà chú lo giùm. Từ hướng Nguyễn Trải, gần đến ngõ vào nhà chú ba, Liên dừng xe khựng lại hớt hãi, Hiên và một cô gái trạc tuổi trong nhà đi ra về phía đường Trần Hưng Đạo. Gặp chú ba Hảo ngoài sân, trống ngực Liên vẫn còn đập thình thịch. Thấy Liên là lạ, chú ba trố mắt hỏi :

- Chuyện gì đây cô, bị thằng Luân rầy ra gì rồi phải không ?

Liên lắc đầu, nói chưa trọn tiếng :

- Hồi nãy có hai cô vào đây phải không chú ba ?

- Ừ, không biết ai giới thiệu, họ đến nhờ lo đi, giá cả bao nhiêu cũng được.

Liên hoảng hốt ra mặt, thấy khác thường, chú ba thắc mắc :

- Có gì trục trặc hả ?

- Hai cô có nói tên gì không chú ?

- Một cô tên Hiên, đang làm gì đó ở thành đoàn, cô khác không nhớ tên, chỉ có cô Hiên nói nhiều thôi.

- Chú có nhận lời không ?

- Cô Hiên năn nỉ quá, tụi cộng sản bắc nam gì cũng khó tin, chú bảo sẽ hỏi giùm, nếu được cho cô ta hay.

Liên cho chú ba biết chuyện Hiên và Luân, chú ba không tỏ vẻ gì lo ngại, chuyện đâu còn có đó, để chú lo. Liên ra về, lòng như tơ vò rối, qua tận nhà Hồng tìm Luân, kể liền câu chuyện từ đầu đến đuôi, không chờ Luân hỏi han gì cả. Liên không tin là Hiên nở lòng hại bọn họ nhưng không yên lòng được. Luân cũng chẳng hơn gì cô ta, cố ra mặt tỉnh bơ, thật ra cũng hơi mất tinh thần. Liên theo Luân về nhà, hỏi ý chị Hương, chị Hương chưng hửng, luýnh quýnh giống hệt Liên, hai người thì thầm nhỏ to cho tới gần giữa khuya.
 
 
 
 
 

Buồn quá, lang thang ngoài đường rồi cũng chán, Luân bỏ lại chỗ bán nước rau má vắng người, trên lề đường, cạnh hông ga xe lửa, ngồi nghỉ chân. Bên kia góc chợ Sài Gòn, khu mua bán trái cây ngoài trời, tiếng trả giá, tiếng gọi mời vang ầm, giữa cái nắng trưa chang chang đổ. Luân ngã người vào bức tường vôi loang lở lim dim mắt, con bé bán hàng để ly rau má xuống cái bàn cây cũ xì, kê thêm mấy cục gạch cho thẳng, không buồn nói với Luân tiếng nào. Vài người khác đến ngồi bàn kế bên, tuy thầm thì nho nhỏ nhưng Luân cũng nghe được, họ đang thương lượng với nhau gì đó về việc mua thuốc trụ sinh, mang về tỉnh bán. Luân vói tay cầm ly nước lên uống, cũng vừa lúc anh chàng mặc áo lính cũ sờn vai quay lại, cả hai cùng buột miệng gọi tên nhau. Luân không ngờ lại gặp Thanh, thằng bạn thân sĩ quan dù sau đêm chia tay nhau  tại trại Hoàng Hoa Thám, ngày Thanh hết phép, trở ra Quãng Trị. Luân không biết hình dáng mình như thế nào, chớ Thanh thì thảm quá, guơng mặt cỏi còm hốc hác, tóc tai rối bời cháy nắng. Thanh nhìn Luân chán chường cười gượng gạo, kéo ghế qua ngồi kế bên, Luân ngậm ngùi muốn khóc, nghe hắn kể chuyện đời mình. Quân Dù VNCH bỏ vùng 1 xuôi về Huế, Đà Nẳng, rồi theo Thủy Quân Lục Chiến di tản về nam. Sài Gòn mất, Thanh về Gò Dầu Thượng, ở với ba má dăm ba ngày, đi trình diện, tập trung vào trại Trảng Lớn rồi lên Lộc Ninh, khai thiếu úy, hai năm sau được thả. Về Gò Dầu Thượng, lấy vợ gần xóm, dẫn nhau qua Trà Cao làm ruộng. Lam lũ nhọc nhằn được một mùa lúa, không đủ ăn. Cuối cùng vợ bỏ về nhà cha mẹ ruột, Thanh trà trộn theo dân kinh tế mới xuống Sài Gòn, sống đời đầu đường xó chợ. Chiều đó, Luân cùng Thanh qua nhà, nhờ chị Ngoan nấu thêm cơm, đêm xuống, Luân đưa Thanh về xó ở trọ nghèo nàn, tận cuối xóm lầy lội Gò Vấp, nơi còn tiếng nghe tiếng ễnh ương não nùng và ngọn đèn dầu hiu quạnh, Luân giã từ Thanh không nói một lời, Thanh một lời không nói, nhìn hình vóc tả tơi mà chết lịm cả lòng.

    Bửa cơm chiều chị Ngoan làm đủ thứ thức ăn, cũng là bữa cơm cúng giỗ ba mẹ Luân, sau mấy năm tù cải tạo vắng nhà, mặc chị Hương lo liệu. Nhà không có ai, Luân kêu Hiếu qua chơi, mẹ Hiếu gởi cho bó hoa huệ trắng, giống màu bó hoa mà mấy năm trước đây Luân và Toàn cắm vội vàng trước mộ Nhã trong nghĩa trang quân đội Gò Vấp, giờ đã bị san bằng, lấy đất xây nhà. Nhang đèn xong, mấy chị em quây quầng quanh bàn trò chuyện, chưa kịp cầm đủa thì Hiên đến. Chị Hương vội nghiêm trang nét mặt, Luân cười nheo mắt làm dấu bình thường. Thấy nhang khói, Hiên ngờ ngợ hỏi :

- Ở nhà đang cúng cho ai hả anh Luân ?

- Sẵn lo cơm chiều, chị Ngoan làm thêm vài món cúng giỗ ông bà già. Luân trả lời gọn.

Hiên kéo ghế ngồi xuống bên chị Hương trách :

- Cúng giỗ hai bác mà không cho Hiên biết gì hết, chị Hương coi, anh Luân tệ ghê chưa !

Luân cười không đáp, chị Ngoan lấy thêm chén.

Ăn xong, Hiếu chào mọi người về, còn lại mấy chị em, Hiên xông xáo phụ chị Hương dọn rửa. Trời vẫn còn lưa thưa dăm ba tia nắng muộn. Dường như đã tìm ra cái gì quan trọng, đợi Hiếu đi rồi, Hiên nói ngay với chị Hương về chuyện vượt biên :

- Về chuyện đi, qua người quen đáng tin, em tìm được chỗ này bảo đảm lắm, chị có cần em giúp không ?

Chị Ngoan bỏ vào trong, chị Hương nhìn Luân thầm hỏi :

- Chị cũng mới nói sơ sơ với mấy chị bạn thôi, họ hứa nhưng chưa có gì, chắc chưa cần lắm đâu, cám ơn Hiên.

- Hiên khỏi lo, chị Hương nhiều người quen lắm khi nào cần chị nhờ ngay, Luân thản nhiên tiếp lời.

Hiên không nói gì thêm, bỏ lửng hỏi han chuyện sở làm, chuyện quần áo như thường lệ. Sau ngày biết Hiên có đến nhà chú ba Hảo, cái thân mật tự nhiên mà Luân có với Hiên, bỗng dưng phần nào mai một dù trong lòng không ai muốn. Hiên ra về có vẻ không mấy vui.

Vào đường Tổng Đốc Phương, kiểm lại chuyện tiền bạc sẽ giao cho anh Quyền ở Bến Tranh xong, Luân với Hồng thả bộ xuống khu chợ trời Khổng Tử, đi lên đi xuống nhìn thiên hạ bán mua cá cảnh cho vui. Luân gặp lại Thanh, cũng cái áo lính bạc màu, sờn vai đứng nhỏ to với vài người Hoa lớn tuổi tại góc đường. Thanh thấy Luân, làm dấu bảo chờ, tiếp tục kết thúc câu chuyện. Hắn bắt tay Hồng làm quen, tình lính, móc thuốc lá mời, vui vẻ nói cười vì đã trúng mối máy tàu bán cho mấy ông hồi nãy. Thanh cũng đang dành dụm tìm đường bỏ đi. Bọn họ kéo nhau vào cái quán nhỏ bên hông bưu điện Chợ Lớn ăn hủ tiếu, Thanh nuối tiếc với Hồng ngày tháng cũ. Luân se thắt lòng nghe.

 
Thuyên Huy

(Còn tiếp)

 

 

 

No comments: