CÔ CÒ
Trích trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa
-
Reng… reng… reng…
-
Chị Thúy ơi! Có thư.
Tôi
phóng từ nhà bếp ra, vội chụp lá thư trên tay đứa em vừa gọi. Chắc thư của nhỏ
Hoa hay Xuân là cùng chứ gì! Nhưng, kìa, ở góc bì thư lại có hàng chữ “Tòa soạn
báo Vì Dân”. Tôi ngạc nhiên ghê! Tòa báo nào lại gửi thư cho mình vậy ta? Chẳng
cần nghĩ ngợi, tôi xé thư ra đọc.
“Nhân
thấy cô đăng báo tìm việc, chúng tôi xin mời cô tới tòa soạn báo Vì Dân, số….
đường… để thảo luận hầu giúp cô một việc làm”.
À
thì ra là thư kêu làm việc. Cách đây khoảng mười ngày, ngồi buồn tình buồn ý,
tôi bỗng thấy mình vô dụng quá. Ăn rồi ngủ, dạy các em học, quanh quẩn nấu nướng,
mấy tháng hè đối với tôi vô vị lạ lùng. Tôi chợt có ý nghĩ hay là mình đăng báo
tìm việc gì làm để giết bớt thì giờ và để… có chút ít tiền còm cho các em mua
quyển sách, cây viết, hoặc cho chính mình ăn ô mai, xí muội mỗi khi thèm, khỏi
xin tiền má. Thế là tôi đăng vài dòng tự giới thiệu mình lên vài tờ báo nhà thường
đọc. Tôi viết rằng tôi xin dạy trẻ em. Tôi quảng cáo mình rất yêu trẻ, có “khiếu”
dạy trẻ em, rất hiền, rất ngoan v.v… Nghĩ cũng vui lắm vì thật ra ở nhà tôi “chằng”
một cây, mỗi lúc tôi hét hay trợn mắt là các em tôi dù đang phá nghịch, vui
đùa, cũng vội tìm mỗi đứa một góc ngồi, mặt mày tái ngắt. Và tôi chẳng yêu trẻ
tí nào, lũ em quá đông của tôi làm tôi chán ghét con nít tợn.
Cái
ông nhà báo này muốn giúp tôi việc gì đây? Chốc nữa Mỵ đi học về tôi phải khoe
nó và rủ cô nàng chiều đi với mình mới được.
Con
bé “linh” thật, mới nghĩ đến nó, nó đã lù lù về rồi.
-
Này, Mỵ ạ, ta có thư kêu làm việc nè!
-
Ở đâu kêu đó?
-
Tòa báo.
-
Tòa báo?
Mỵ
hỏi lại bằng một giọng rất ngạc nhiên khiến tôi vênh mặt lên.
-
Ừ, hách không?
Có
thế mà câu chuyện tòa báo “mời” tôi đi làm được các “nhóc con” em tôi bàn tán
ghê lắm. Mỗi đứa một câu, thôi thì chúng cãi nhau chí chóe.
-
Ti ạ, chị Thúy làm ở báo, tụi mình có báo coi, đỡ phải mua.
-
Sao kỳ vậy?
-
Thì mỗi ngày “chỉ” “lấy” một tờ.
Tôi
tức cười quá, bèn cười “khì” một cái.
-
Còn em, em sẽ nói “chỉ” xin cho em mấy cái mẫu chữ để sắp tên em đóng dấu chơi.
-
Ngon quá há, tao nữa chi?
-
Còn lâu!
Nếu
cứ để thế, có lẽ chúng nó làm ầm nhà lên luôn. Tôi phải thị oai:
-
Im đi không?
Bọn
em tôi nín thin thít, ngồi im lặng. Nhưng chẳng được lâu đâu, chúng lại ào ào
lên tiếng – chừng như sợ đứa khác nói mất – khi nghe tiếng xe anh tôi về.
-
Anh Tâm ơi!
-
Im, tao nói, anh Tâm!...
-
Chị Thúy đi làm ở tòa báo đấy anh Tâm!
-
Hử?
Anh
tôi vừa dựng xe, vừa ngả ngả người như sắp “xỉu” tới nơi. Tính “ông í” vẫn thế.
Mỗi lần có chuyện gì là lạ, tức cười hay kỳ cục quá, anh tôi làm điệu bộ ấy để
tỏ ra rằng “ta đây” ngạc nhiên hay thán phục. Một ngày nọ, nhằm ngày rằm, tôi
nhức đầu ngồi ì ở nhà trên, má tôi ăn chay nên nấu canh mặn xong – phe ăn mặn gồm
cả nhà, phe ăn chay chỉ có má và bà ngoại – má tôi gọi Mỵ xuống nêm canh. Tôi
còn nhớ hoài bữa ấy, cô bé đã trả lời rằng:
-
Thôi má kêu ai nêm đi!
-
Sao vậy?
Mỵ
làm thinh. Nó đợi má tôi hỏi đến lần thứ hai mới ngập ngừng:
-
Con… con…
-
Con sao?
Mỵ
vẫn chưa chịu nói. Anh tôi, tôi và lũ em thấy lạ kéo nhau hết xuống bếp, chờ đợi
câu trả lời.
Má
tôi tính vốn nóng nảy, bà đã sẵn sàng la nếu Mỵ còn chần chờ.
-
Nhà chỉ có con Thúy và mi là nêm được thức ăn, sao má sai không làm?
Hình
như quýnh quá, cô nàng Mỵ đáp mau:
-
Tại bữa nay con ăn… chay.
-
Hử?
-
Ồ!
Cả
nhà đồng loạt tròn mắt nhìn Mỵ. Cô bé có tâm nguyện gì mà bắt đầu ăn chay đây?
Một giọng cười nổi lên. Anh tôi đấy! Tức cười quá, tôi cười theo, rồi cả lũ em
nối đuôi tôi cười tiếp. Cả mấy anh em cười quá chừng, cười sặc sụa. Má tôi bực
bội hét bảo im, còn Mỵ đứng yên, thộn mặt ra đấy. Cười chán, anh tôi đến trước
mặt Mỵ, làm bộ “xỉu” vì… thán phục:
-
Kính chào nhà… tu hành.
Rồi
anh chạy đến giường, ngồi đánh “rầm” một cái, và tiếp tục cười nữa.
Kể
từ hôm ấy Mỵ cứ mỗi mồng một và ngày rằm là theo phe ăn chay, ngồi mâm riêng với
má và bà ngoại. Chẳng biết nó nguyện gì, tôi theo hỏi hoài nó không nói, lần
nào cũng chỉ một câu trả lời:
-
Nói ra hết hay.
Tôi
đành ôm mối thắc mắc và phục Mỵ ghê lắm. Bởi vì tôi cũng muốn ăn chay lắm mà ăn
không nổi. Mấy lần thi đậu, tôi nguyện ăn chay chỉ có nửa tháng mà rồi mới có một
ngày tôi lại bỏ cuộc. Má tôi la hoài:
-
Tụi bay làm vậy, bị tội lút đầu.
Và
từ hôm ấy, bà vui mừng vì đã có thêm một đứa con “gia nhập” phe ăn chay.
-
Thế họ có bảo em làm việc gì không?
-
Không anh ạ, họ nói tới gặp họ thôi. Anh Tâm thử đoán xem em sẽ làm gì?
Thế
là bọn nhãi thêm một dịp bàn tán. Mỗi đứa chọn cho tôi một nghề. Phi nói:
-
Chắc là chị ngồi tiếp người đăng quảng cáo.
Cu
Ti “thực tế” hơn:
-
Chị sẽ nhận thư, bóc ra xem rồi phân loại.
Ý
kiến này được tụi tôi tán thưởng lắm. Mỵ thì “cay” hơn, nó “xỏ” tôi:
-
Họ bắt chị nhận thư, rồi…
-
Rồi sao?- Tôi chận lời.
-
Rồi gỡ tem cho con ông chủ nhiệm chơi, hì hì.
Cả
bọn cười ầm, tụi nó còn vỗ tay hoan hô Mỵ nữa mới tức cho tôi chứ.
Anh
tôi nãy giờ ngồi im, đợi tụi tôi ngưng tiếng mới nói:
-
Thúy sẽ được làm … Thầy Cò.
-
Thầy Cò?
Mấy
chị em tôi nhìn nhau, không hiểu.
-
Thầy Cò là gì hở anh Tâm?
Anh
tôi được “dịp” lên giọng “giáo sư” giảng bài:
-
À thầy Cò là người chuyên sửa lỗi chính tả nơi mấy tờ báo in thử ấy mà! Thợ sắp
chữ họ sắp hay sai lắm nên báo nào cũng phải có thầy Cò. Họ thấy Thúy có bằng
Tú tài nên cho làm Thầy Cò đó!
-
Mà tại sao lại kêu là Thầy Cò hở anh Tâm?
-
Đó là họ kêu theo tiếng Pháp. Tiếng correcteur có nghĩa là người sửa bài, họ
kêu tắt là “cò”. Còn Thúy thì sẽ là correctrice tức là…Cô Cò.
-
Ngộ quá há!
-
Hí hí!
Lũ
nhỏ lại nổi lên cười. Bọn ranh thật, bất cứ chuyện gì cũng cười được hết.
-
Tiếng “Cô Cò” hay chứ Mỵ? Chị thích làm Cô Cò hơn.
Rồi
tôi lôi tuốt Mỵ lên gác, vẽ vời đủ thứ chuyện với nó, cứ làm như mình là Thầy
Cò đến nơi, để rủ nó chiều đi với tôi tới tòa soạn. Tính tôi nhát quá, đi đâu
cũng phải kéo… “nhà tu hành” đi theo mới yên dạ.
°
° °
Hai
chị em đón xe lam từ cầu Kiệu đi thẳng ra chợ Bến Thành và vất vả lắm mới tìm
ra con đường báo Vì Dân tọa lạc. Tòa soạn này rộng và đẹp ghê, hai chị em tôi tần
ngần mãi mới dám vào.
Một
cô, có lẽ là thư ký, bận áo xanh đẹp lắm, hếch mặt lên khinh khỉnh:
-
Cô hỏi gì?
Tự
dưng tôi nổi sùng, chắc cô ta đánh giá tôi qua chiếc áo dài trắng đây. Mỵ nói
vào tai tôi:
-
Cô ả này có bằng cấp gì mà sao hách quá chị nhỉ!
Tôi
đáp vừa to cho cô ta nghe:
-
Chắc Tiểu học.
Mỵ
cười hì hì. Con bé thật lạ, lúc nào cũng cười. Cô thư ký nghe tôi nói, chẳng hiểu
gì, cau mày:
-
Cô nói gì?
Tôi
vội cố lấy giọng lễ phép đáp:
-
Dạ không ạ, thưa cô, em muốn gặp ông chủ nhiệm.
-
Có việc gì?
-
Dạ em mới nhận được bức thư…
Không
đợi tôi nói hết câu, cô thư ký xô ghế đứng dậy, có vẻ cau có lắm:
-
Thôi được rồi!
Cô
ta vào trong một chốc thì trở ra.
-
Ông chủ nhiệm mời cô vào bàn giấy ông ấy.
Tôi
bỗng run run, nắm lấy tay Mỵ:
-
Đợi chút nghen!
Rồi
thu hết can đảm, tôi đi vào. Tới bàn ông chủ nhiệm ngồi tôi mới hết run vì ông
có vẻ hiền và phúc hậu ghê lắm. Ông bảo tôi ngồi và hỏi:
-
Cháu đã đi làm đâu chưa?
-
Dạ, cháu chỉ có đi dạy kèm ạ!
-
Cháu làm hai buổi được chứ?
-
Dạ, cháu còn đi học, cháu muốn làm việc một buổi thôi.
-
Thế thì hơi phiền. Nếu muốn làm một buổi, cháu phải đánh máy.
-
Dạ cháu không biết đánh máy ạ!
Ông
chủ nhiệm chống tay suy nghĩ vài giây rồi nhìn tôi… ái ngại. Hy vọng của tôi cơ
hồ tiêu tan, tôi biết trước ông sẽ nói gì rồi.
-
Để tôi suy nghĩ lại và viết thư gọi cháu sau.
Vậy
là không được rồi chứ còn nghĩ gì nữa. Tôi chào ông và đem bộ mặt “đưa đám” ra
“trình” với Mỵ. Tôi lôi tay nó đi tuốt, quên cả chào cô thư ký “dễ thương” kia.
-
Thôi về Mỵ a, chị chả thích làm thầy Cò nữa đâu! Muốn làm việc ở tòa báo sao thấy
khó quá!
Mỵ
không dám nói gì, lảng qua chuyện khác:
-
Chị Thúy có để ý cái cô thư ký đó nói câu gì cũng chỉ có ba tiếng không?
-
Chị chả để ý.
Hai
chị em đi một vòng chợ Sài Gòn, thôi thì ai cũng chào, cũng mời mua hàng. Hai đứa
nhìn nhau cười trừ.
-
Tìm việc làm khó thật, chị Thúy hỉ!
-
Ừ, thôi đừng nhắc nữa, qua bên kia mua đồ chơi cho cu Tiến đi!
Việc
gì tôi cũng tưởng tượng là dễ dàng lắm, hóa ra khó khăn quá mức. Xin được một
chân gì trong tòa báo chắc là “gay go” lắm, huống hồ chi là nghề Thầy Cò như hồi
sáng tôi mong ước.
°
° °
-
A, chị Thúy về!
-
Chị Thúy, chị Mỵ về!
Lũ
em vây quanh hai đứa, giật những gói màu hồng, màu trắng trên tay tôi. Chẳng có
gì đâu, những chiếc súng cao su, ống nhòm, và vài gói kẹo cũng làm cho chúng
reo cười vui vẻ lắm.
-
Chị Thúy giàu quá ta!
-
Thầy Cò đó tụi bay ơi!
-
Thầy Cò chưa có lương đã giàu rồi!
Tôi
vui lây với niềm vui thơ dại của các em, quên bẵng đi rằng mình vừa bị từ chối
khi mong muốn tập sự vào đời và có cảm tưởng như mình là… Thầy Cò thật.
Thúy
No comments:
Post a Comment