Phần
Chưa Dứt Chuyện
Giữa hè, Chiêu nghỉ dạy, xuống Sài Gòn ở chơi với bà chị, cách nhà tôi
mướn ở cuối đường Trần Quý Cáp, góc Cao Thắng không bao xa, cơm chiều cơm sáng,
bà chị đãi rất thường, chuyện cũ vẫn còn đó, chiều tan sở, Chiêu lái xe Honda
đến đón tôi, ra cửa hàng bà chị, ăn cơm tay cầm, đi lòng vòng quanh khu phố,
nhìn người qua kẻ lại, giữa cái nắng chiều, lúc nào cũng tàn muộn, hai đứa có
lại chút vui nhưng sầu chưa bỏ đi thì buồn cứ níu ghì đâu đó, kỷ niệm dường như
mất dần dù đường phố Sài Gòn ngày nào vẫn vậy.
Hôm
Chiêu trở lên Tây Ninh, sửa soạn vài bữa nữa tựu trường trở lại, bà chị Chiêu,
hình như hai bên gia đình nhắc nhở chi đó, hỏi chuyện hai đứa ra sao, có gì lấn
cấn không mà không thấy rục rịch gì hết trọi. Cũng không còn gì để giấu diếm,
như đã đồng ý với nhau, Chiêu nói thật câu chuyện chúng tôi, trong đó có đoạn
Tường yêu Chiêu và những lá thư mà hắn gởi từ ngày vào quân trường, bà chị lặng
thinh, nhìn mông lung ra đường, trước sân rạp chiếu bóng Rex, lưa thưa vài giọt
nắng tím, lắc lư trên áo trên vai người, đứng chờ nhau, hỏi nhau trước cửa, nói
nhỏ “thôi thì tùy hai đứa, tính sao cho ba mẹ hai bên vui là được rồi”.
Tôi nhận
được thư báo, chấp thuận học bổng du học ở Hòa Lan và chiếu khán nhập cảnh từ
tòa đại sứ nước này vài hôm, sau ngày Chiêu về đi dạy lại, qua nhà báo tin cho
bà chị của Chiêu trước, chị ra chiều lo âu “chuyện gì nữa đây”, tôi trấn
an chị là “em đi rồi em sẽ về mà”, tuy nghe vậy nhưng thấy chị cũng chưa
chịu cười trọn cái cười như chị muốn, tôi cũng như chị, từ ngày Tường mất, hai
đứa tôi có được nụ cười nào trọn vẹn đâu. Nghe tin tôi đi du học hai năm, và có
lẽ cả nhà hai bên đã biết chuyện hai đứa tôi rồi, không vui không buồn “thôi
hai con tính sao thì tính”, nhưng tại sao thì chỉ có riêng mình chúng tôi
hiểu.
*
Một mình
tôi lên nghĩa trang Biên Hòa thăm mộ Tường lần nữa, vì tôi sẽ lên đường trước
ngày giỗ năm đầu của hắn, cũng bó hoa Huệ trắng, cũng mấy nén nhang thơm, cuối
cùng, tôi nói cho Tường nghe, chuyện tình mình mà trong suốt một khoảng thời
gian dài, hắn là kẻ đến sau, nhưng tất cả, sau hay trước gì thì cũng đã qua
rồi, tôi thì thầm xin trời đất cho Tường được một đời an bình yên nghĩ, cho
Chiêu và tôi, còn có được một chút hạnh phúc bình thường, nhỏ nhoi của kiếp
người phải tiếp tục sống trong quảng đời còn lại, trên chuyến xe đò chiều về
lại Sài Gòn, chút nước mắt cay xé, đổi màu nắng thưa mờ dần, bóng nghĩa trang
khuất lần phía sau, tôi biết mình đang cố ngăn tiếng khóc.
Tiếng gọi
lần cuối, trong phòng chờ đợi, mời hành khách của chuyến bay Air France đi Ba
Lê lên máy bay, thúc giục đâu đó, tôi và Tùng bắt tay chúc bình an, may mắn cho
cả người đi và người ở lại, buổi sáng trời chưa thức hẳn, cả phi trường Tân Sơn
Nhất mù mờ sương lạnh lùng, vàng vỏ, Chiêu đòi nghỉ dạy, xuống tiễn tôi đi
nhưng tôi cản nên thôi, chiều hôm qua, đến ăn cơm tối trước khi lên đường ở nhà
bà chị của Chiêu, chị tặng thêm cái khăn choàng cổ đan bằng len, Chiêu cũng đã
đưa cho một cái trước đó, dặn tới dặn lui, nhớ mang vào vì nghe nói bên trời
Âu, mùa đông lạnh lắm, ra về hai chị em ôm nhau từ giã “hẹn gặp lại hai năm
sau”, tôi bỏ đi khỏi nhà chị khá xa, dưới ánh đèn đường hắt vào mái hiên
vừa đủ sáng, chị vẫn đó đứng nhìn theo.
Quàng
túi xách lên vai, tôi lững thững đi về hướng cửa ra, theo nhóm người cùng
chuyến bay, Tùng theo sau, chào hắn một lần nữa, đi gần tới chân cầu thang lên
máy bay rồi mà Tùng cũng còn ở đó. Trên máy bay nhìn xuống, Sài Gòn lặng thinh
bên dưới, trời buổi sáng chập chững thay màu nắng, tôi bỏ Sài Gòn đi và bỏ một
chút buồn cho nhiều người ở lại.
*
Vào học
không bao lâu, tôi được thư Chiêu từ Sài Gòn gởi qua, lâu lắm rồi, tôi mới có
lại cái cảm giác lâng lâng, xao xuyến trong hồn của đêm ngồi đọc lá thư đầu mà
Chiêu viết trả lời cho tôi, khi ngồi học bài thi trong phòng học ở khu ký túc
xá, Chiêu báo tin, Thảo Ly đã chuyển về dạy dưới trường nữ trung học Lê Văn
Duyệt, gần đầu ngã tư Bảy Hiền cho gần với Tùng, Xưa đã lập gia đình với một
anh sĩ quan hải quân VNCH, có gia đình quen với phía bên bác gái. Thảo Ly đi
rồi, ngày hai buổi đi về một mình, tôi thì ở quá xa, hai năm chứ không phải một
hai ngày, cảnh cũ, kỷ niệm xưa, con đường, góc phố, tiếng chuông, hàng cây, sân
trường, tất cả cứ làm Chiêu ray rứt, xót xa, muốn cố mà quên cũng không quên
được gì, nên Chiêu quyết định bỏ Tây Ninh đi, đổi xuống Cần Thơ, đường dài sông
nước, cũng như đám bạn bè quen đã bỏ Tây Ninh từ lâu lắm.
*
Cầm lá
thơ trên tay, đứng bên khung cửa sổ nhìn xuống cuối sân cỏ, giữa khu sinh viên ngoại quốc nội trú, giờ
này, cuối chiều, lác đác hai ba người đi lên đi xuống, bây giờ là những ngày
đầu mùa hạ nhưng hàng cây chạy ven con đường băng qua mấy cái giảng đường cao,
tường gạch nâu cũ kỹ, tơi tả rơi vàng một màu lá úa, khô và lẻ bạn, thì ra, ở
đây, một phía trời, xa quê nhà tôi dịu
vợi, có một nơi mà mùa thu cũng bất chợt về đầu hạ.
Thuyên Huy
Từ tập truyện ‘Bất Chợt
Thu Về Đầu Hạ”
No comments:
Post a Comment