Wednesday, March 22, 2023

Nguyệt Cầm - Hà Anh

 

NGUYỆT CẦM




 

Em ôm cây đàn nguyệt nghiêng nghiêng, mặt chếch về phía phím đàn, những ngón tay gầy gò nhỏ bé tì miết hai sợi dây mong manh trên khung đàn dài quá khổ so với hai vai và cánh tay của em.

Cô bạn gõ phách bên cạnh cũng cách cách lách cách cách, tôi có cảm giác như các em nhập thần, người em đong đưa theo điệu nhạc, mắt nhắm nghiền, đầu lắc lư.

Đây không phải là buổi lên đồng, cũng không phải gánh hát rong, đây chỉ là một màn trình diễn của các em. Các em là nghệ sĩ, còn tôi và những em còn lại đơn thuần là khán giả. Sân khấu được làm bằng mảnh chiếu cói sờn hết cả bốn đầu.

Hai em ngồi giữa, còn lại ngồi quây xung quanh mảnh chiếu, bài hát vang lên: Tưng tưng tưng… Hôm nay, trời đất thanh bình cậu đi xuống trần, cậu dạo đê ê ê…”.

Thần tiên, hoa lá, chim muông rạo rực nhảy múa trong bài hát của em, điêu luyện mà giản dị, không nghệ sĩ tài hoa nào mang được cái trong sáng hồn nhiên như em vào điệu nhạc. Em cất tiếng hát trong vắt. “Bà tiên lững thững ra về, trên đồng xanh lắm quả nhiều hoa, í a a í à ời a…” . Kết thúc bài hát em ôm cây đàn nguyệt đứng lên múa vòng vòng, bàn tay xoè hoa: “Cậu về nhé, khi nào rỗi rãi cậu lại xuống chơi”.

Không gập mình cúi chào, không hôn gió, kết thúc bài hát thật mềm mại và kiêu hãnh. Tôi lặng người trong một phút, em đã làm tôi tâm bay theo “cậu”. Bừng tỉnh tôi vỗ tay hoan hô:

  • Hai em đàn hay quá.
  • Hay gì đâu chị, nhiều bạn còn đàn hay hơn tụi em nhiều.
    Em hấp háy đôi mắt:
  • Em nhìn cái gì cũng mờ mờ, chỉ ước một lần nhìn mọi vật thật rõ ràng thôi chị ạ.

Tôi cầm bàn tay gầy của em nói:
– Trên đời không phải thứ gì cũng có thể nhìn rõ ràng được, ngay cả những người mắt sáng đôi khi cũng nhìn mọi thứ rõ ràng thành không rõ ràng em ạ.
– Nhưng mù như tụi em chẳng làm được cái gì ngoài đàn và hát ra cả.

“Nhưng mù như tụi em”, tôi nghe ứa nước mắt.

Mùa hè năm ấy, lâu lắm rồi, tôi theo bạn đến cung văn hoá đăng ký học một lớp đàn nguyệt. Thầy giáo dạy tôi cũng là thầy giáo dạy nhạc dân tộc của các em tại trại trẻ khiếm thị thành phố, nhờ đó mà tôi quen các em, biết thêm được những mảnh đời nhỏ bé lạc lõng trong thành phố phồn hoa này.

Khu nhà các em ở nằm ngay giữa trung tâm nhưng hầu như chẳng ai biết đến bởi vì nó nhìn giống như một khu ký túc với mấy ngôi nhà cấp bốn xập xệ, cánh cổng ra vào rỉ sắt, cọt kẹt, già nua và mệt mỏi.

Có thể các ngôi sao, các diễn viên điện ảnh, hoa hậu chưa biết đến địa chỉ của các em để làm từ thiện, hoặc có thể các em nhỏ bé quá không đủ để đánh bóng tên tuổi của họ. Tạo hoá không công bằng đã lấy đi của các em đôi mắt, người ngoài nhìn vào thấy thương cảm nhưng các em không oán trách cũng chẳng giận hờn ai hết chỉ biết chấp nhận bởi vì các em có một đôi mắt sáng khác trong tâm hồn.

Có em không biết ánh sáng là gì ngay từ khi lọt lòng, có em may mắn hơn đã nhìn thấy ánh sáng nhưng nó dần dần biến mất thay vào đó là một khoảng không gian đen ngòm. Em tâm sự: “Giá như em mù từ bé cho xong, chưa kịp nhớ mặt bố mặt mẹ đã không nhìn thấy ai hết nữa”, một sự tiếc nuối đến chạnh lòng.

Trong khu trại này ai cũng biết chơi một loại nhạc cụ, Hải chơi đàn nguyệt, Tiếp và Giáp thổi sáo, Hoa gõ phách, Thành chơi piano, các nhóc tỳ còn lại đều biết hát, đặc biệt các em có một niềm đam mê thật sự với âm nhạc nhất là đối với nhạc dân tộc. Mỗi lần đến nhà tôi chơi, ai có gì mang nấy, đâm ra nhà tôi đôi khi như một câu lạc bộ dành cho người yêu nhạc. Hàng xóm kéo đến chật nhà để nghe các em hát, họ xì xầm một lúc rồi yên lặng chìm vào điệu nhạc, tiếng phách.

Đối với tôi khu trại dường như một nơi hiếm hoi mà tôi có thể tìm được cảm giác thanh bình mỗi lần trốn học hoặc trốn sự dày vò bần tiện của người yêu, là nơi tôi được chào đón bằng tất cả chân thành không giả tạo. Bởi các em cần ai đó để chia sẻ, cần có một người nhìn thấy rõ hơn một chút để kể cho các em nghe màn hình Windows có màu xanh da trời, rằng hoa phong lan màu tím biếc, rằng trời hôm nay xám xịt…

Tôi đến nhà chị thợ may quen vơ tất cả mũ áo hàng may hỏng nhưng còn dùng được, đến nhà họ hàng xin quần áo cũ nói: “Cho cháu xin về cháu… mặc đi học”, đóng bọc lại khuân lên xe chở đến trại. Cho Hoa cái mũ màu đỏ, cho Tiếp cái áo khoác, còn Hải muốn cái gì hả em, cái áo sơmi màu hoa cà này đẹp lắm em này… Các em tranh nhau vui vẻ, tao cái này tao cái kia, xem ra tạo hoá bất lực trước sự trong sáng của bọn trẻ. Các em chẳng màng gì đến nỗi bất hạnh kia, các em vẫn hồn nhiên vô tư như những đứa trẻ con khác. Tôi vui vì đã mang lại cho người khác niềm vui.

Bởi vì không có năng khiếu âm nhạc lẫn kiên trì nên tôi chia tay với môn đàn nguyệt sau chưa đầy một tháng, chưa kịp ôm được cây đàn thì đã nói lời từ biệt. Tôi chia tay các em hẹn quay lại thăm nhưng những lần thăm hỏi thưa thớt dần, bận rộn này nối tiếp bận rộn kia, cuộc sống bon chen đôi khi khiến con người ta có nhiều lý do biện minh cho hành động của mình. Tôi cũng như bao nhiêu người khác, vô tâm trước những sinh linh nhỏ bé cần tình yêu thương.

Nửa năm sau tôi chia tay người yêu, chia tay sự dày vò bần tiện để tìm cho mình một chút không khí thở, một chỗ thanh bình nhất để sống thật. Đúng là khi cần thì mới dùng đến, tôi quay lại trại, các em đón chào tôi như một người thân đi xa về, tôi đưa mắt tìm nhưng không thấy Hải, cô bé với cây đàn nguyệt, đâu cả.

Tôi hỏi: “Hải đâu?”, Hoa trả lời: “Nó về quê rồi chị ạ, bố mẹ không đủ tiền nuôi nó học ở đây nữa”. Chết thật, lần trước tôi không hỏi quê em ở đâu hay bố mẹ em thế nào? Tôi vô tâm như tạo hoá vô tâm. Bây giờ em đang ở đâu? Cây đàn nguyệt gầy gò, dây đàn nguyệt mong manh, vẫn treo trên tường, tôi tưởng như tiếng hát của em còn vọng đâu đây “í a a ới à ời a”. Muốn trách cứ lắm nhưng trách ai bây giờ?

Bây giờ trại đã đổi tên thành “Trường khiếm thị thành phố Hải Phòng”. Tiếp thi đỗ đại học Sư phạm, hiện giảng dạy bằng chữ nổi tại trường, Giáp và Thành rất thành công ở các cuộc thi âm nhạc dành cho người tàn tật, Hoa lập gia đình với một cậu cùng trại.

Ai cũng tìm cho mình niềm hạnh phúc riêng, niềm hạnh phúc mà những người nhìn rõ ràng chưa chắc đã tìm thấy được.

Hà Anh

304Đen – llttm -OVV

 

 

No comments: