Tuesday, March 7, 2023

Cỏ Nhớ - Duyên Anh

 

CỎ NHỚ

 

Không hiểu sao Nguyễn Tuân lại mê chữ Hán đến độ gọi thuốc lào là tương tư thảo. Thuốc lào nó cũng như thuốc lá, thuốc rê, thuốc xì gà. Có lẽ, Nguyễn Tuân thấy thuốc lào kém văn chương nên thay nó bằng tương tư thảo. Phải cám ơn Nguyễn Tuân, nhờ thuốc lào mang tên tương tư thảo nên mới đẻ ra chữ cỏ nhớ. Cỏ nhớ tuyệt cú mèo. Dịch tương tự thảo sang cỏ nhớ có ca dao làm điển cố.

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Tương thư thảo hay cỏ nhớ, rốt cuộc, chỉ dùng trong thơ văn. Dùng nó ngoài đời, chỗ người ta hút thuốc lào, rít thuốc lào, hít thuốc lào, không được đâu. Hút tương tư thảo. Nghe kỳ cục. Hút cỏ nhớ. Chuế lắm. Hút thuốc lào. Nghe nó vẫn dân tộc, vẫn đượm hồn dân tộc. Chỉ có dân tộc Việt Nam mới hút thuốc lào. Khi những người 50 ngỏm củ tỏi hết trọi, thuốc lào sẽ tuyệt tích nơi thành thị. Bấy giờ, điếu chôn quên dấu tích và ta sẽ ngậm ngùi hồi tưởng tiếng nước kêu ròn rã và ngụm khói thơm ngát đồng nội, nhè nhẹ bay trong không gian.




Thế thì phải viết về thuốc lào ngay. Trước hết, ta bàn chuyện trồng thuốc lào. Thuốc lào rất khó trồng. Nó kén đất và cả phân bón. Cái luống trồng thuốc lào vừa cao, vừa rộng hơn cả luống cây khác. Nó, lúc nào cũng như chà láng, không một ngọn cỏ, dù cỏ bé tí teo. Bắt sâu thuốc là nỗi khổ của người trồng. Thuốc lào cay đắng, thế mà cũng có loài sâu gậm nhấm. Sâu nó chơi thuốc đáng sợ. Hễ quên không giết một ngày là nó chơi tiếp một ngày đáng sợ hơn. Cây còn nhỏ sẽ nghẹo cổ chết. Người trồng thuốc coi sâu thuốc như kẻ thù. Đã là kẻ thù, sâu được hưởng cái chết xứng đáng. Đi bắt sâu, người ta đem cái ống tre bương, đào được sâu bỏ vào đó, đem về dội nước sôi cho chết, rồi thẩy để gà tranh nhau mổ ăn. Sâu còn được lửa đốt ra tro. Mày hại người ta nên người ta chọn hình phạt cho mày, sâu thuốc ạ! Bắt sâu thuốc ròng rã tới lúc cây thuốc cao, thân hình cây thuốc vững vàng, mới hết sợ nạn sâu nằm vùng phá hoại. Sang thời kỳ tỉa thuốc. Những lá vàng úa ở gốc cây bị phơ trước, đem về phơi. Rồi thái mỏng ra và ủ thuốc. Đây là loại thuốc ngon vừa phải. Đợi chừng thuốc giữa cây xanh um, đúng ngày tháng, người ta tỉa. Đây là loại thuốc thượng hảo hạng, được phơi những ngày nhiều nắng. Đến đoạn chót, những lá thuốc trên ngọn cây tỉa nốt. Già trẻ cộng chung làm thành loại thuốc ngon nhất. Ủ thuốc là một nghệ thuật. Nghệ thuật đúng tim đen của người trồng thuốc lá dấu nghề. Ta đành nghĩ thuốc ngon nhờ trồng, nhờ đúng thời gian và nhờ bí quyết riêng của người sản xuất. Thật sự, tôi không biết ủ thuốc lào ra sao mà thuốc lào có nhiều chất nhựa thế. Hãy bỏ nắm thuốc lào vào chậu nước, nó rã ra những sợi mỏng dính. Chậu nước thì đen xì, dễ sợ. Ấy, thuốc ngon vì ủ giỏi. Đàng Ngoài có một nơi trồng thuốc lào ba chê là Vĩnh Bảo. Hồi di cư, người Đàng Ngoài mang giống vô Đàng Trong. Ngon nhất là thuốc Cái Sắn.

Thuốc lào lôi thôi lắm. Cách gói và bán thuốc lào ở Đàng Ngoài rất cổ truyền. Người bán thuốc lào gánh đôi khạp gỗ đậy nắp đi đến các chợ phiên. Một bên là thuốc đã gói sẵn vào cái bao giấy mầu có in nhãn hiệu bằng con dấu thô sơ. Một bên là thuốc nguyên bánh và thuốc rời. Gói có hai loại, to và nhỏ. Thuốc rời bán lạng. Cũng có ba hạng thuốc: Thượng hảo hạng, ngon nhất và ngon vừa phải. Thuốc lào không có hạng bét, tuy rằng có rất nhiều loại hạng bét. Người bán thuốc bày thuốc trên cái khạp, châm đèn và kê điếu bát. Khách hút thử rồi mua. Thuốc lào đắt hàng lắm. Chợ phiên mỗi tuần họp có hai lần. Dân quê chỉ mua đủ hút, đợi phiên chợ sau mua tiếp. Các tay hào phú, nhà đầy khách, phải mua bánh một lạng, hai lạng… Ở thành thị, người ta cũng bán theo cung cách ấy. Đàng Trong ngon nhất là thuốc Cái Sắn, hút phê lăn cù mèo. Trước năm 1975, có các hiệu thuốc lào Say, thuốc lào 888. Sau 1975, thuốc lào 888 giả hiệu đầy thị trường. Sao thế? Vì nền thuốc lá sa sút. Nền thuốc lá bị giải phóng quân khép tội “phồn vinh giả tạo”. Chính vì “phồn vinh giả tạo” mà thuốc lá và thuốc lào đầy phố. Chưa thấy anh nào làm thuốc lào 888 giả bị đi học tập cải tạo. Nhưng khối anh làm giả thuốc lá bị xé mấy cuốn lịch trong tù.

Ông đây đã bỏ thuốc lào
Thấy 888 lại đào điếu lên

Câu thuổng ca dao này in trên bao gói thuốc lào 888. Theo đà văn minh lãng nhách, thuốc lào gói bằng bao ni lông, mất hết 99 phần 100 tính chất cổ truyền dân tộc. Rồi mất hết tất cả mọi thứ cổ truyền của chúng ta. Chữ nghĩa còn mất, tiếng nói còn mất thì cái gì còn lại?

Trồng thuốc và bán thuốc lào xong rồi, ta có thể mua thuốc về mà hút. Hút bằng cái gì? Lại phải nói về cái điếu và xe điếu. Điếu có nhiều thứ lắm. Điếu tráp, điếu bát, điếu cày, điếu pooc-ta-típ, điếu can nhựa… Điếu tráp của các nhà quyền quý. Các nhà quyền quý là quan phủ, quan huyện cấp cao; tiên chỉ, lý trưởng cấp thấp. Điếu bát gồm hai loại: Một là để trong cái bát ô tô nó sang trọng và sạch sẽ, hai là mua cái bát tiện bằng gỗ đựng điếu. Cái bát tiện bằng gỗ nó cao bằng cái điếu. Điếu bát nó chia rõ rệt hại hạng người. Ông phú hộ dùng điếu bát cái ô tô. Ông bình dân dùng điếu bát gỗ, Điếu cày của nông dân. Các điếu ở Đàng Ngoài chỉ có thế. Khi di cư vào Sài Gòn, người ta phát minh ra điếu poọc-ta-típ bằng nửa phong thuốc lào, chế tạo bằng plastic, ống nhựa ngắn chút xíu, hút chỉ tổ phí thuốc. Các ông công chức, tư chức, nhà báo thấy tiện lợi, đi làm, đều xách nó theo. Tù nhân đề lao Gia Định gửi mua khá nhiều. Ấy là thời đại đầy trường cải tạo tư tưởng. Điếu can nhựa mới chính là sản phẩm của tù nhân. Anh em điệu nghệ sáng tạo điếu đặc biệt. Cái can nhựa chứa nước tàu vị yểu là bình. Vỏ kem đánh răng Hynos gò làm guốc điếu. Ống nhựa bọc giây kẽm quai xô nhựa, rút trộm ra làm xe điếu. Điếu cày đẹp nhất, công phu nhất, là điếu cầy của sĩ quan cải tạo ở Sơn La đem về. Ống tre dài, nõ điếu bằng đá, khoét, mài tài tình. Điếu cày của anh em cải tạo Đàng Trong giản dị. Nông dân Đàng Ngoài không cầu kỳ lắm về hình thức cái điếu cày. Chỉ cần cái nõ điếu cho kêu thôi. Điếu cày của nông dân vạt nhọn phía dưới. Để cắm xuống bờ ruộng. Nhà quê Đàng Ngoài nghèo, chẳng có diêm, bật lửa. Vậy, phải bện bùi nhùi rơm mang theo với đóm.

Nói tới cái điếu tàm tạm đủ. Giờ nói tới xe điếu. Điếu tráp của nhà quyền quý khảm xà cừ, xe điếu bằng cành trúc dài so với điếu bát, đầu bịt bạc. Cũng có ông bịt vàng vào đầu xe điếu. Điếu bát hơi lỉnh kỉnh cái xe. Điếu ông phú hộ phải thửa tre trúc làm xe, đầu cũng bịt đồng, bịt bạc. Điếu bình dân thì mua xe bằng song bán đầy ngoài chợ. Thuở nhỏ, tôi sợ nhất xe điếu bằng song. Bị quất xe điếu vào mông, lươn nổi ba ngày. Các ông phú hộ đủ tự do trình bày điếu, nên điếu bát cũng nhiều cái cầu kỳ lắm. Ấy, nói đến cùng, người cầu kỳ tất đồ chơi của họ phải cầu kỳ. Điếu tráp cầu kỳ, điếu bát cầu kỳ, điếu cày cầu kỳ rồi đến điếu pooc-ta-típ cũng cầu kỳ. Cái thông điếu của điếu tráp bằng bạc, buộc sẵn vô điếu. Thửa nó bằng cật tre, mài vát công phu thì có cái thông của điếu bát. Tiện gì thông nấy là điếu của quý vị văn bựa. Người có thuốc mà đi đường xa không điếu, rắc rối to. Ông ta bứt một cái lá, về tròn lại, rồi ngậm nước. Xong, ông ta nhét thuốc lào vào lá, châm lửa, rít một hơi, nhả cái lá, nhả nước ngậm, nhả khói thuốc. Với ông này, gì cũng hút được, một khi cơn ghiền dấy lên.

Đến nước điếu mới kỳ ảo. Có ông dùng nước mưa kinh niên. Có ông lại sắc nước cam thảo. Nước đổ vào bình phải đúng mức nào của guốc điếu. Sự canh nước đổ vào ống điếu thì điếu nào cũng giống nhau. Nước nhiều hay ít nó làm cho tiếng kêu không đúng điệu. Nước vừa mức thì khói dịu và tiếng kêu nghe sướng lỗ tai. Hãy hình tưởng những ông để dành nước mưa lâu năm đổ vào điếu. Hãy hình tưởng những ông mua cam thảo về sắc đổ vào điếu. Đó là những ông đi tìm cực lạc trong niềm hút thuốc lào. Với các ông, cái gì cũng tuyệt thú, phải tìm nó mới ra. Hút thuốc lào cũng gay gớm!

Điếu đi với đóm. Điếu tốt nhờ đóm tốt. Đóm bị tắtngang xương thì điếu vô vị. Thường, người ta chẻ tre thật mỏng, ngâm nước rồi phơi khô, đóm cháy bền. Những tay chơi đóm, chặt luôn cây đu đủ vật xuống ao. Đu đủ chìm xuống bùn và bị “cháy ngầm”. Chừng nó nổi lềnh bềnh, vớt lên, phơi nắng cho khô. Rồi tước ra. Thế là có đóm tuyệt diệu, bảo đảm hút cú đúp, đóm vẫn cháy, chấp gió thổi mạnh. Đóm, thời xưa, người ta chỉ dùng hai thứ. Ở thành thị, thêm diêm làm đóm. Diêm là tốt rồi, nhưng diêm phải quẹt cho nó cháy hết cái đầu, rồi mới hút kẻo hút luôn mùi diêm với thuốc. Thuốc bị pha mùi diêm, không ngon. Nên, ở nhà những tay nghiện thuốc lào có đèn dầu hỏa thắp sẵn. Hễ hút thuốc là cho đóm tre vào châm. Cứ tiến xa, ta lại có bật lửa châm đóm. Đóm trong tù có giấy báo, giấy gói mì Con Cua, mì Ba Tôm. Người tù được mua diêm hút thuốc. Mà diêm Samasa… quốc doanh, quẹt ba cây cháy một. Khi cái điếu hành nghề, sáu bảy người bu lại. Người xin sái nhị, tức là hút thừa người thứ nhất, người xin sái tam, tức là hút thừa người thứ hai. Như thế, phải có giấy gói mì Con Cua châm lửa, người nọ giữ cho người kia. Vất vả mà giết thời giờ trong tù. Đi cải tạo, người ta đốt đóm tre, đóm giấy và đóm giẻ quần áo. Tôi nhớ chuyện ở Xuyên Mộc, hôm đó, tắm xong rồi lên xếp hàng. Có thuốc ngon, anh tù hình sự xin một điếu hút tại chỗ. Không có đóm, anh ấy xé luôn cái áo đang mặc làm đóm. Và hít say sưa. Phải bầu anh ta là người chẳng cần gì, chỉ cần một điếu thuốc lào phê.

Đã bàn về trồng thuốc, bán thuốc, điếu, đóm, xe điếu, đến giai đoạn cuối cùng là thưởng ngoạn hay hút thuốc, hít thuốc, rít thuốc. Hút thuốc khoái tỉ đến quên trời đất, chữ nghĩa gọi là say. Đến nay, say nó biến thành phê. Thuốc thượng hảo hạng là thuốc xịn. Ta dùng say cho các cụ, dùng phê cho bạn trẻ. Thuốc lào mau say và mau tỉnh. Nó trái ngược với thuốc phiện, lâu say và lâu tỉnh. Say thuốc phiện, bạn nằm yên một chỗ, nghe tiếng chim véo von hót, thấy người yêu của mình gạ mình làm tình, bạn không nói gì được cả. Khi đã “phi yến thu lâm”, bạn câm nếu có thằng nào chửi bạn mục mả. Ôi, say thuốc phiện lạ lùng lắm. Còn say thuốc lào thì rít đến khi khói vô đầy phổi mới lăn kềnh, mắt lim dim, tim đập mạnh, thân thể lạnh giá, tay chân quơ cào. Chừng hai hoặc ba phút sau là bạn tỉnh. Thuốc phiện mất hàng tiếng đồng hồ. Người mới tập hút thuốc lào, chưa dám kéo hơi dài.

Thuốc lào có chất gì kích thích người ta chăng? Nó say nhưng nó chóng tỉnh. Ta mê tiếng sáo diều đêm hạ và ta nhận ra rằng, tiếng sáo diều ru ta êm ái và đánh thức ta dậy đúng giờ. Tiếng sáo diều hay tiếng quê hương? Chắc chắn là tiếng quê hương. Quê hương không bao giờ ru ta ngủ mê để tỉnh dậy quên đường lạc lối trở về. Tôi nghĩ, thuốc lào là khói quê hương, khói mộng mơ, lãng mạn. Cái say vì thuốc lào tầm thường quá, cái chơi thuốc lào nó bất hủ vô cùng. Không phải ai cũng chơi được đâu. Nghề chơi rất công phu mà chơi thuốc lào lại là nghệ thuật. Ta hãy nói hút thuốc lào đã.

Nông dân hút ra sao? Vê thuốc nhét kín miệng nõ, thổi bùi nhùi châm lửa. Bập bập ba cái, đưa ngón tay nhấn chặt thuốc rồi kéo một hơi dài đến trôi tuốt cả tàn vào nước điếu. Rồi thổi phụt cho nước điếu bắn ra một vọt dài. Rồi kéo tiếp để nghe tiếng nước điếu ròn rã. Rồi mới nhả khói. Cao thủ điếu cày phải hút như thế. Sáng sớm tinh mơ chưa ăn gì, hút một điếu Vĩnh Bảo thượng hảo hạng kiểu cao thủ điếu cày, chỉ có té bật ngửa, “mắt lim dim, tim đập mạnh, thân thể lạnh giá, tay chân quơ cào” và sùi bọt mép. Cao thủ điếu cày không có té bật ngửa. Đàn bà té bật ngửa luôn luôn. Ở những miền biển, khi trời lạnh, ngư phủ phải rít vài điếu trước khi ra khơi. Vợ ngư phủ cũng cần ấm áp lá phổi, trái tim. Nông dân hút điếu cày như vậy. Còn người cải tạo hút có khác đi. Nhiều thứ điếu cày được phát minh. Họ làm cả chân cho điếu đứng. Cải tạo hay té bổ nhào khi thấm thuốc. Cũng khối người đạt chỉ tiêu cao thủ điếu cày. Hút điếu cày cần phải hút ngoài bãi mới tự do phụt nước điếu. Cái tự do mà người cải tạo tìm thấy là hút thuốc lào. Nghĩ mà thương các ông nằm tù hút điếu can nhựa.

Tiếng điếu kêu xồng xộc nặng âm điệu tù đầy. Tôi đã ở tù vài năm, nghe điếu nào cũng một âm điệu nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con và thù hận tình đời. Nếu ông nào hút điếu pooc-ta-típ thì khỏi nghe gì cả. Đó là cái điếu không có cảm xúc. Hút bằng điếu đó phí thuốc, phí cảm nghĩ. Các ông hút điếu bát gỗ hơi thảnh thơi một chút. Ngồi phải xếp chân bằng tròn chứ không ngồi thế nào thì ngồi, kiểu điếu cày. Điếu bát ô tô hay điếu tráp cũng ngồi xếp chân bằng tròn. Ngồi xổm, ngồi trên ghế mà hít, e rằng lạc điệu. Ở thành thị, người ta để bát điếu lên bàn và ngồi ghế hút. Xe điều dài từ điếu lên tới miệng, hơi hơi cúi đầu. Phải lấy cỡ xe cho đúng cách. Thuốc đựng trong cái hộp gỗ, sau này đựng trong hộp sắt. Có nhiều ông thửa hộp sơn mài cho sang trọng. Rút từ hộp ra một nhóm cỏ nhớ và nhè nhẹ vê tròn vừa vặn một điếu để lên guốc điếu. Tay phải châm đóm, tay trái cầm xe. Bao giờ cũng thế, như nông dân, bập bập ba cái, có nghĩa là lửa đụng thuốc ba lần thật nhanh rồi ngón tay trỏ bên cầm đóm ấn điếu thuốc xuống và hít một hơi thật dài. Xong một điều rồi, nếu thấy chưa đã, hít thêm điếu thứ hai.

Với những ông hút điếu bát gỗ, thường thường là các ông để nguyên tàn thuốc, chẳng thèm mất công lấy que thông điếu cho sạch sẽ, tới khi hút lại, các ông mới thông. Điếu của các ông không đẹp, vì các ông hút lấy thuốc làm chính, điếu là dụng cụ, cần gì phải bận tâm. Với những nhà hút bát ô tô thật đẹp, các ông còn chế thêm đồ quét điếu. Hút xong, các ông thông điếu liền và nhẹ nhàng đẩy đi đẩy lại cái đồ quét bằng miếng vải nhỏ. Cái điếu bát ô tô lúc nào cũng láng coóng. Với những nhà quyền quý khỏi cần lôi thôi, chỉ đưa tay bẻ cong cái xe điếu tre trúc dài. Là gã bưng điếu hiểu ý ngay. Bèn vo dúm nhỏ, đặt thật khéo trên guốc điếu. Gã khác châm đóm rất tinh vi. Ông chủ bập bập ba cái, đóm phải nhanh tay đừng để cháy lâu. Khi ông chủ rít sướng, đóm nhấc khỏi điếu. Ông chủ để lại vừa vặn hai ba sợi thuốc còn nguyên, khỏi thèm ngại điếu sạch, điếu dơ. Đã có điếu đóm lo phận sự. Điếu và đóm cộng lại thành một thành ngữ ám chỉ bọn hầu hạ. Sau này, có điều đóm chính trị bỉ ổi hơn điếu đóm thuốc lào nhiều.

Ông chủ điếu tráp hít một hơi đẫy đà, chiêu ngụm trà tầu, nhả khói để mơ. Nhà quyền quý quán trà tầu, cho trà tầu ngon nhất hạng. Nhà hút điếu bát trứ danh chỉ dùng trà móc câu Thái Nguyên, thứ trà thật lạ lùng. Uống nỏ vào, miệng chát đắng. Mà nuốt vào dạ dày thì từ cuống họng trở xuống nó mới ngọt ngào làm sao. Trà dân tộc đấy. Tương tư thảo cay đắng, gặp trà Thái Nguyên ngọt lịm. Ngọt lịm làm mất cay đắng. Hóa cho nên, hút thuốc lào chỉ khi nào gặp tri kỷ, thuốc ngon, trà ngon mới được đem ra tán tụng. Và đấy là những tay chơi. Hút thuốc lào một mình chán mớ đời, nhiều mình lại càng chán đời. Chỉ cần hai người, có nhớ sẽ làm ta quên cả ngày tháng.

Đến đây, tôi nói về rửa điếu, thông xe. Phải rửa chứ, thuốc lào có nhiều ni-cô-tin lắm. Tổ tiên ta sao thôngminh thế! Hút thuốc lào cần nước, cần xe điếu. Chất nhựa đã một lần tan ra nước, lại một lần bám chặt lấy xe. Vậy thì thuốc lào chẳng có gì hại cả khi nó vào hai lá phổi. Có ai chết vì cỏ nhớ? Có ai mắc bệnh vì cỏ nhớ? Chơi cỏ nhớ là suốt đời nhớ cỏ. Cứ mỗi tuần lễ, người ta làm vệ sinh điếu một lần. Rửa điếu. Lấy đoạn giây kẽm, buộc miếng giẻ thật mỏng vào đầu để thông xe điếu. Nếu rửa điếu và thông xe điếu ở cầu ao, cá sẽ chết nổi lềnh bềnh! Xong rồi, người ta lại đổ nước lã, nước mưa kinh niên, nước cam thảo vào điếu. Mất hai hôm, sau khi rửa điếu, thuốc hút vào mới làm xao xuyến cõi lòng ta.

Hút thuốc, người ta đã chơi thuốc đấy. Tổ tiên ta khó khăn vô tả, sự chơi không thể nói là cuộc chơi nếu tay chơi không dám dự cuộc thi. Tham dự cuộc thi để lướt qua cuộc chơi, tay chơi được tôn vinh lên hàng nghệ sĩ. Để chuẩn bị dự thi, tay chơi phải thừa ba cái điếu: Điếu tráp, điếu bát, điếu cày. Điếu cày dài nửa thước, Điếu bát cái xe của nó dài bốn mươi phân. Điếu tráp xe điếu bằng tre trúc dài đến gần một thước. Điếu thửa không phải điếu tầm thường. Tay chơi để hết tâm hồn vào cái guốc xe. Khoét, gọt guốc xe thật tài tình. Đúng, những tay chơi thuốc lào là kiến trúc sư. Điếu kêu to hay không nhờ ở cái guốc xe. Tay chơi cần làn hơi phong phú. Kể như vô tận. Hút hoài, hút mãi. Thử điếu đi, thử điếu lại. Đến ngày thi, tay chơi xách cả ba cái điếu đến trường thi. Có nhiều tay ở xa trường thi, cuốc bộ mất nửa ngày. Nên họ khởi hành hôm trước.

Những giám khảo đã nổi tiếng nghề hít cỏ nhớ và nay đã già rồi, vì tương tư thảo mà mở cuộc thi. Chẳng có tiền bạc chi trao tặng, người tới dự thi vẫn đông. Các cụ giám khảo ngồi thành vòng tròn cách xa thí sinh chừng năm thước. Cuộc thi bắt đầu. Một trăm thí sinh, lần lượt từng người, vào giữa vòng đai của ban giám khảo để biểu diễn tài nghệ. Họ hút điếu cày, điếu bát và điếu tráp. Chỉ có ba điếu thuốc ban giám khảo phát cho người dự thi. Nghĩa là mỗi người được hút ba điếu thôi bằng ba thứ điếu. Hút xong, bê điếu của mình ra, nhường chỗ cho người khác. Ban giám khảo cho điểm, tuyệt nhiên, thí sinh không rõ từ lúc dự thi đến lúc trở về. Một trăm người hút ba trăm điếu thuốc, được xem họ chơi thuốc lào cũng đã con mắt. Ba trăm điếu thuốc lào, ba trăm điệu sáo vút lên. Người nào cũng là tài tử cả. Cuối cùng, ban giám khảo họp bàn và tuyên bố người trúng giải năm nay. Dân làng vỗ tay hoan hô hàng chục phút. Người trúng giải còn trẻ, chưa đầy bốn mươi. Anh ta được mời lên chỗ danh dự, biểu diễn một lần nữa cho mọi người xem mình chơi thuốc lào.

Người tài tử hút điếu cày trước. Hơi anh ta dài. Anh ta bập bập ba cái rồi rít một hơi. Vẫn chưa nhả khói. Anh ta hít cả tàn thuốc vô ống điếu. Rồi lại hít. Sau đó, anh chậm rãi thả làn khói lên cao, thẳng và dài. Hơi anh hít điếu cày nó tạo nên một điệu nhạc. Điệu nhạc xốn xang quá. Trời ơi, điếu cày hít hại hơi! Ta cứ tưởng diều bì đang lên và gặp gió, sáo diều càng ray rứt. Bây giờ, anh chơi điếu bát. Người ta nghe thôi, không thèm nhìn. Tiếng điếu bát nghe như điệu đàn xa vắng. Y như sáo diều cánh thoi lơ lửng giữa bầu trời đêm hạ. Diều cánh thoi đeo năm ống sáo. Mỗi ống sáo tạo ra một điệu nhạc. Người tài tử vận dụng tài năng của mình hút thuốc lào điếu bát tỏa ra năm âm giai tạo thành một khúc nhạc gọi hồn dân tộc. Anh ta nghỉ giây lát rồi chơi nốt điếu tráp. Điếu này có cái xe thật dài. Anh hít nó dài bao nhiêu, lâu chừng nào thì điệu nhạc của điếu tráp càng dài và lâu chừng ấy. Điếu tráp phát ra nhạc của nhạc sáo diều cánh cốc. Điệu nhạc diều cánh cốc nó không dồn dập, không u uất, không bay lên cao như diều cánh thoi. Nó giống hệt người quyền quý. Mà người quyền quý thì không dồn dập, không u uất như điếu tráp họ đã chọn.

Đó, người tài tử Việt Nam đã chơi thuốc lào như chơi nhạc. Tan cuộc, người tài tử ra về. Tay không. Luôn luôn tay không trong các cuộc thi ở đình đám làng ta. Người tài tử biến thành lãng tử. Có gì đâu, người ta tổ chức cuộc chơi, mình đi chơi cho xứng đáng tay chơi. Là đủ. Cái chức vị vô địch hút thuốc lào là rác. Ta chẳng cần. Ở đâu có những cuộc thi như ở quê hương ta? Âu Châu thì họ hút ống vố, hút xì gà, hút thuốc lá ư? Vất đi. Chỉ ở quê ta mới có hàng trăm cuộc thi không có giải và người dự giải cũng không cần giải thưởng tiền bạc. Lãng tử ở chỗ đó.

Cuộc thi hút thuốc lào, một phong tục tuyệt vời của dân tộc ta, đã không còn nữa. Cách mạng tháng 8 dẵm nát và chôn vùi dưới lòng đất. Chẳng thể nào lấy lại được. Như cũ. Cho nên, tôi viết về thuốc lào mà đau xót, mà nhớ nhung. Thuốc lào, quả nhiên, là tương tư thảo, là cỏ nhớ.

 

Duyên Anh

Robinson, 30-10-90

 

 

No comments: