Saturday, November 28, 2020

Chuông Muộn Em Qua Phố Đông - Thuyên Huy

Chuông Muộn Em Qua Phố Đông

 Cho T.H – nhớ những ngày lận đận ở Tây Ninh




 












Hờ hững nắng chiều rơi bên sông

Đong đưa vạt từng vạt xuôi dòng

Giáo đường ray rứt hồi chuông muộn

Muộn như ngày em qua phố đông

 

Muộn như ngày em qua phố đông

Theo sau mà bước ngập bước ngừng

Chợ sắp thưa người, người vội vã

Đường về tôi chợt biết nhớ nhung

 

Cũng cổng nhà em hoa trắng xưa

Quanh đây trời vừa chớm sang mùa

Thu ngấp nghé sang chờ tàn Hạ

Lối cũ lá vàng đưa gió đưa

 

Tôi đứng cuối đường chiều gió bay

Nhìn em khuất lối cổng hoa gài

Tôi về mang hồn buồn ngơ ngẫn

Thương rồi nhưng biết người có hay

 

Một mình những chiều qua phố em

Cổng xưa hoa vẫn rụng bên thềm

Giáo đường cũng hồi chuông đổ muộn

Muộn như tình tôi chưa có tên

 

Thuyên Huy

Canberra cuối thu 2020

  

Hát Giữa Rừng Thu - Nguyễn Đạm Luân

 Hát Giữa Rừng Thu

 Cũng ở nơi cùng mùa thu với một người

 














Người về hát giữa rừng thu

Vàng khô lá rụng buồn ngu ngơ sầu

Xót xa một thuở biết nhau

Bài ca như khúc kinh cầu tạ ơn

Gọi mưa về gội rửa hồn

Cho người rũ sạch màu son phấn đời

Một lần cũng đủ cuộc vui

Cuộc vui giấu lệ của người với ta

Chợt hồn rã bóng chiều tà

 

Nguyễn Đạm Luân

Đời Đổi Đời - Thuyên Huy

 

 Đời Đổi Đời

Viết bằng tưởng tượng để nhớ một người thật có tên trong chuyện

 

    Theo lời Hùng, em của người bạn trong nhóm, lanh tay lẹ chân, bị tống cổ ra khỏi trường vì lý lịch con nhà phe địch, bỏ nhà đi bụi đời, sau ngày miền Nam mất, anh và người bạn vào tù, Hùng vẫn bụi đời, tuy vậy nhưng lại quen biết khá nhiều người “có thớ “ ở Sài Gòn lúc này, cả bọn tới cái biệt thự khá lớn, tường cao cổng khép, trên con đường nhỏ yên tỉnh, không xa cầu Phan Thanh Giản.

    Trời cũng chắc sắp tới trưa, nóng cứ nóng, cái nóng quen của mùa Hạ ở Sài Gòn. Tấm bảng thiếc lớn cao ngang tường đề “công ty quốc doanh hóa chất Đồng Nai” làm anh khựng lại trước cổng, hai cánh cửa to đóng kín, như hiểu ý, Hùng cười thỏa mái “chỗ này coi vậy mà không phải vậy đâu”, xem ra anh ta chắc tới nhiều lần rồi, Hùng vừa nói vừa đưa tay đập mạnh vào đó, có tiếng chân, cổng hé mở, anh bộ đội, mang súng AK47 bước ra, cười chào, rồi tránh qua, để bọn anh đi vô trước, cổng đóng kín lại, theo sau rồi tới ngồi trên cái ghế bọc da, ngay cửa nhà xe rộng, mồi thuốc hút, gói thuốc mà anh ta nhận từ Hùng đưa cho lúc mới ra mở cửa.

*

   Rồi thì cũng xong mọi chuyện, ngày giờ đâu đó đã sắp xếp, vài ngày nữa bọn anh ra đi, đi xa tới đâu thì chưa biết, anh vốn bản tính hiền, có lẽ do nghề “thầy giáo”, ít khi lang bạt vào các chốn mà người ta gọi là “tứ đổ tường” nhưng hôm nay phá lệ, như Hùng nói, thử thời vận “xả xui”, trút bỏ sầu đời để chuyến đi “xuôi chèo mát mái”. Hùng tự nhiên đi trước, hai người theo sau, băng qua khúc sân xi măng, tới cửa hông của biệt thự, hoa đủ loại dày đặc dọc theo tường, đi vào, anh quay nhìn lại phía nhà xe, thấy hơi run, anh bộ đội gật đầu cười, một cái cười như đã cười như vậy không biết bao nhiều lần ngầm nói “biết rồi”.

     Hai anh em Hùng theo hai cô gái đi vào mấy cái phòng phía trong, anh có hơi ngài ngại, ngồi chờ, người đàn bà không son phấn, ngồi ở quầy tính tiền, trung niên nhưng mặt vẫn còn phảng phất chút nét đẹp cũ, còn duyên, ngồi nhìn hững hờ ra sân, anh cũng nhìn ra sân, nắng lên rực nắng. Cô gái mặc váy đầm xanh màu lục đậm bước ra đứng chờ, anh quay lại, giựt thót người, chết trân, cô gái cũng thảng thốt cùng nói cùng lúc “thầy”, Ngọc Trang”, rồi lặng thinh nghẹn tiếng. Ngọc Trang cúi gầm mặt, tay vân vê tà váy rộng, anh ngó người đàn bà ngồi chỗ tính tiền, chắc là bà chủ, gật đầu tỏ vẻ đồng ý, đứng dậy ra dấu, Ngọc Trang lặng lẽ đi vào trong, nhớ chuyện cũ, anh theo sau, trong đầu cứ hai tiếng “tại sao”.

    Hai người ngồi lặng thinh trong phòng, Ngọc Trang ôm mặt, gục đầu rấm rứt khóc, anh cũng mắt đỏ hoe, cố tìm lời nhắc chút chuyện vui cũ, hỏi han an ủi nhưng hỏi cho có hỏi chứ không cần nghe trả lời, nghiệt cảnh quá, có tiếng xì xào nói cười bên ngoài, hai anh em Hùng đã xong việc của họ, anh đứng dậy  mở cửa đi ra trước, Ngọc Trang cúi đầu rồi đi một mạch vào trong, anh thanh toán tiền nong cho người đàn bà ngồi ở quầy, ba người ra cửa, tiếng cám ơn của bà vọng theo ra, nắng không nóng nhưng lòng anh như lửa đốt, xót xa, quặn thắt, anh bộ đội một lần nữa theo ra tươi cười mở cửa cổng, họ ra tới góc đường Phan Đình Phùng nhìn lại, hai cánh cửa khép kín. Hùng cho anh biết người đàn bà ngồi ở quầy tiền là bà chủ của quán bar Phụng Mỹ, ở khu đường Tự Do, dưới bến Bạch Đằng trước đây, được sự chống đở của ai đó, lấy cái biệt thự này làm “chỗ chứa gái”.

    *

    Anh về trường trung học Lý Thường Kiệt, dạy môn Sử Địa lớp đệ tam, năm đầu nghề dạy học sau khi ra trường, Ngọc Trang là học trò lớp này. Ba của cô là Thiếu tá VNCH, làm việc và có nhà trong cứ xá sĩ quan Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, mới ra trường, còn khớp nên đám học trò con gái cứ tìm cách chọc phá nhưng rất thương thầy, Ngọc Trang đẹp, hiền, nhỏ nhẹ nhưng dạn dĩ, ăn nói có duyên. Anh quen gia đình cô hôm ăn tiệc Tết cuối năm đó, ba mẹ cô, vợ chồng Thiếu tá Trình hiền hậu, vui vẻ, cô là con một, thấy anh độc thân xa nhà, nên thường mời vô cứ xá ăn cơm chiều, cơm trưa, món này món nọ, có khi ông lái xe jeep ra đón, cứ vậy, từ đó họ thân nhau, trong lớp, đến nhà xem nhau như anh em, năm sau cô lên Đệ Nhị, không còn là học trò của anh nhưng mối tình thân với gia đình Ngọc Trang vẫn như ngày cũ.





    Nửa năm Đệ Nhất của Ngọc Trang, anh đổi về trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, cũng là lúc ba của Ngọc Trang lên Trung tá, ông rời Quang Trung, ra Nha Trang làm Quận trưởng quận nào đó, buổi sáng hôm anh rời trường, từ giã gia đình Ngọc Trang, cả nhà ra chờ đón xe đò ngoài đường đưa tiễn, anh không gặp lại họ từ hôm đó.

   Miền Nam mất, anh còn dạy chưa được nửa năm, bị cho thôi việc, cái tội đơn giản, khá rõ là dạy Sử Ngụy, xuyên tạc “Cách mạng”, thất chí, về với cha mẹ ở tỉnh nhà vài tháng, bỏ xuống Sài Gòn, nhập bọn với hai ba thằng bạn lính thân, học cùng trường trung học, ở tù về, mướn nhà ở chung, buôn bán chợ trời đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, quần áo tủ giường, máy móc thuốc men, sống cũng được vài năm.

    *

     Buổi chiều, mưa lất phất, anh đạp xe đến tìm nhà như đã hẹn với Ngọc Trang hôm gặp nhau ở cái biệt thự đường Phan Kế Bính, tại con hẽm sâu hun hút trên đường Lê Văn Duyệt, khúc gần chợ Hòa Hưng, căn nhà gạch nhỏ cũ mèm, như mấy chục căn nằm san sát bên nhau khác. Dựng cái xe đạp cà tàng vào tường trước nhà, chưa kịp gỏ cửa thì Ngọc Trang bước ra, có tiếng hỏi “ai đó con” từ bên trong, anh ngờ ngợ, theo cô vào nhà, mời anh ngồi xuống một trong bốn cái ghế của cái bàn cây để giữa phòng, trong phòng không có gì thêm ngoài tủ thờ thấp, cái ghế bố xếp, rồi làm dấu chờ, anh ngồi nhìn tấm ảnh trên bàn thờ, giựt mình, hình mẹ cô. Ngọc Trang dìu người đàn ông ốm yếu, mặc bộ đồ ngủ bạc màu lam ra, anh đứng bật dậy, bước nhanh tới, đở một bên tay, chết trân, “trung tá, cháu đây, Hậu đây”, mắt ông mở nhưng đứng tròng ‘Hậu hả cháu, Hậu hả cháu”. Ngọc Trang đở ông ngồi xuống ghế, quay qua anh “ba em mù rồi”, anh cũng ngồi xuống theo, bổng dưng muốn khóc.

    Bó tay thua cuộc, miền Nam mất, trung tá Trình vào tù tập trung, cùng chung số phận với hàng chục hàng ngàn người muôn năm cũ khác, sau gần hai năm, ông được người ta thả ra vì cặp mắt không còn thấy gì nữa, đã mù, vì căn bệnh tiểu đường kinh niên, không có thuốc uống như ngày xưa, ông về nhà, căn nhà mà hai cha con đang ở, do ông mua lại cho Ngọc Trang ở đi học, trong thời gian làm quận trưởng. Bà, mẹ cô chết trước ngày ông về không lâu, vì bị nước lũ cuốn trôi, một chiều mưa xứ Bắc tầm tả, từ con đường mòn dọc triền núi, con đường mấy cây số tới trại tù Lào Kai, Yên Bái, cả một toán người vợ đi thăm chồng, trên đường trở ra, sau khi được thấy mặt chồng con không hơn mười lăm phút ngắn ngủi, dân bản làng dầm mưa, đội lũ, hò hét kêu nhau cứu, cuối cùng, một số may mắn còn sống, một số chết đuối, trong đó có mẹ của Ngọc Trang.

    Nhà cầm quyền cho chở xác bà về theo địa chỉ trên tờ giấy xin phép thăm chồng, cũng còn may, hai ba người bà con xa dưới miệt Tân Trụ, quê bà, được tin lên Sài Gòn phụ lo đám tang, khi mà Ngọc Trang không biết làm gì hơn là cứ khóc rồi khóc, xác bà hỏa  thiêu đâu đó ở khu nghĩa địa Phú Thọ Hòa, tro cốt đựng trong cái hủ sành nhỏ, để trên tủ thờ, mỗi lần thắp nhang là mỗi lần đầm đìa nước mắt. Còn lại một thân một mình, Ngọc Trang sống tiếp chuỗi ngày còn lại, bỏ học từ lâu, chữ nghĩa không là gì nữa, lăn lóc chợ trời, dành dụm chút tiền mới, để có mà lo cho ba mình, đang bị đọa đày, trầm luân khổ ải giữa mưa rừng gió núi.

    Từ ngày ông được tha về, tin vợ chết ông nghe, quặn đau nhưng mắt đã mù, không còn nước mắt đâu nữa mà khóc, chiều nào cũng như chiều nấy, chờ Ngọc Trang, đi làm về, làm gì cô không nói, ông ngồi trước bàn thờ, tay mằn mò cái hũ sành tro cốt cả giờ đồng hồ, lặng thinh, trên đó đôi mắt sáng của bà trong tấm hình có lẽ nhìn thấy ông nhưng giữa màn đen bao quanh ông chỉ là một màu đen u uất, đành thở dài nảo nuột. Ngày qua ngày lại, Ngọc Trang cũng sáng đi làm, chiều về nhà chưa bao giờ muộn, cũng áo bà ba, quần đen như hàng trăm người con gái Sài Gòn ngày cũ khác, bôn ba sống còn giữa nghịch cảnh cay nghiệt, với xóm quen cô vẫn là “Trang chợ trời” từ ngày “soán ngôi đổi chủ”.

*

     Chiều xuống muộn, nắng thoi thóp tàn nhưng chưa chịu đi, đường xá xuôi ngược người đi người về, đi về lặng lẻ, có lẽ là buổi chiều cuối cùng của Sài Gòn anh sẽ bỏ đi xa, không muốn nhưng đành đoạn mà đi, cũng với cái xe đạp cà tàng, anh đến nhà từ giã hai cha con Ngọc Trang, ở không lâu, có nói nhiều cũng không hết chuyện, càng nói càng buồn thêm. Trước khi ra về, anh đưa cho cô, gói giấy báo cũ bọc chừng một số cây vàng, số vàng mà anh có nhờ vào việc môi giới kiếm tàu cho người Hoa vượt biên, đã mang về quê cho ba mẹ phân nửa, bắt cô phải nhận, giữ mà phòng thân cho cô và cho ba mình, Ngọc Trang nhận mà đầm đìa nước mắt, thắp nén nhang trên bàn thờ, từ biệt, không hẹn gặp lại như mấy lần trước, anh ôm Trung tá Trình, nghẹn lời, mắt rươm rướm, đẩy xe đạp ra đường, Ngọc Trang tay dắt ông ra trước cửa nhìn theo, cô muốn nói gì đó nhưng lại thôi, ông cố giương mắt mong thấy bóng người nhưng trước mặt ông vẫn là một màu đen âm u, lạnh lùng ma quái.

*

    Hôm từ biệt, không hỏi anh đi đâu nhưng Ngọc Trang biết, anh biền biệt mấy tháng trời, ba cô ra vào cứ nhắc “bộ con có làm cái gì cho anh Hậu giận, sao không thấy nó tới chơi”, cô cười thôi. Ngọc Trang đã không còn tới cái biệt thự bất đắc dĩ nhục nhằn tội lỗi Phan Kế Bính sau ngày anh đến nhà lần đầu, lần đó cô đã nói hết khổ đau cay đắng của lòng mình cho anh nghe, dùng một số vàng anh cho, nhờ dịp may, cô cùng người bạn cũ cùng lớp, có ba còn trong tù, hùn nhau sang lại cái sạp nhỏ bán quần áo trong chợ Hòa Hưng, tạm có đủ miếng cơm, chén thuốc cho hai cha con.

   Buổi chiều cách nay mấy ngày từ chợ về, ngang qua mấy căn nhà đầu hẽm, xì xào qua lại vì có người vượt biên bị bắt giam ở khám lớn Rạch Giá mới thả về, cô cũng lân la hỏi thêm, với hy vọng là anh không phải đang ngồi tù đâu đó,  hai ba hôm sau ngày vào khám, một số người vượt biên nữa bị giải vào, theo lời họ nói lại, tàu họ chết máy, gặp bảo lớn, ra biển chưa xa  vẫn còn nhìn thấy bờ lờ mờ, cũng từ Bến Đáy đi, bể rồi chìm, người còn may mắn, bám víu xác tàu, thùng nước, cả đêm mưa cuồng gió dữ, tới sáng sóng đánh trôi giạt vào bờ, xác người chết nhiều lắm, người sống thì công an bắt đưa qua Trà Vinh mấy ngày rồi chở về Khám lớn, có nhiều người quen đi chung, không thấy nữa, chắc đã chết rồi.

    Cùng với hơn mười mấy xác chết đuối, dân làng biển, những người đi thu nhặt xác, trong các thứ vật dụng, túi xách sóng đánh trôi vào bờ người ta tìm thấy cái bóp đàn ông, tờ thẻ căn cước cũ thời trước còn tốt tên Trần Hữu Hậu, có hình nhưng không xác nào có mặt giống như tấm hình đó.





*

    Ngọc Trang dọn hàng về nhà sớm, chiều nay chiều Ba Mươi Tết, sắp xếp mọi thứ cúng đón ông bà xong, thẩn thờ cô bỏ ra ngồi ngoài cửa thở dài, nhìn bóng nắng thấp thỏm rớt trên đường, buồn man mác, buồn xa xăm dịu vợi, nhớ anh ray rứt, nhớ mà không biết tại sao, chưa kịp đứng lên vô nhà, có tiếng ba cô hỏi vọng ra “mai mốt Hậu có tới chơi hông con?”, cô lặng người, cười gượng trả lời “dạ chắc tới mà ba”, chắc tới, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ tới, sống hay chết thì, anh cũng đã đi xa và đi thật xa rồi, Ngọc Trang bật khóc thành tiếng.

 

Thuyên Huy

Đầu Đông 2020

 

Hạc Khóc Ngang Trời - Nguyễn Thị Hàm Anh

 

Hạc Khóc Ngang Trời





 

Cách đây khoảng mười năm, một lần ngất khi đang đi ngoài đường. Từ đó, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt lui về ở ẩn, bước chân dần dần ngày càng ngắn lại, từ đầu đường, đầu ngõ cho tới khi chỉ còn quanh quẩn trong nhà.

Tôi từng chịu đựng cảm giác những người thân quen lần lượt qua đời. Biết cuộc sống là vòng quay vô thường mà lòng vẫn đau như cắt. Tôi chứng kiến sức khỏe của ông suy kiệt từ từ. Ông cố gắng cầm cự từng năm, từng tháng, từng tuần, rồi da bọc xương nằm đếm từng ngày. Nhưng giờ phút đứng trước linh cữu ông, tôi vẫn thấy hốt hoảng. Mất và còn không hết ngạc nhiên sao chỉ biến đổi trong chớp mắt.

Mới đó đâu rồi. Tôi nhìn chung quanh như thấy rõ ràng trước mắt trong ngôi nhà nhỏ bé, leo lên bậc thang gỗ dẫn tới gian gác hẹp dành riêng cho ông, nơi các bạn bè văn thơ thường lui tới hàn huyên. Kệ sách cao tới nóc, văn đóng thành tập chất trong chiếc rương gỗ cũ kỹ, thơ từng tệp vất khắp nơi. Chung quanh là chó mèo leo trèo, ngoài hiên là chim hót, gà gáy và rất nhiều cây cối xanh rợp.

Những thú vui ngày xưa rơi rớt. Chó mèo rồi mang cho, chim không muốn nhốt mãi trong lồng, hót vài ngày lại nhờ người đem ra cánh đồng thật xa để thả, lồng để không chờ con chim mới, chú gà chọi hùng dũng ngắm nghía cũng mang tặng cho người quen chứ không lâm trận ngày nào. Còn lại là rất nhiều cây cối ông yêu thích: mai, phong lan, hải đường, trà mi…

Rủ ta đi ngắm Hải Đường
Hải Đường còn đó đôi đường đã xa

Thiên nhiên muôn trùng thu nhỏ đã làm dịu lòng con người lang bạt ấy biết bao.

Một đời gập ghềnh trải lắm can qua, ông không nằm nghỉ ngơi được như mọi người bình thường mà thức hay ngủ, qua đêm hư vô, ngày trăn trở, thói quen lúc nào cũng ngồi lặng lẽ. Sóng gió không nguôi trong lòng.

Trong ta thế giới yên bình
Ngoài ta thế giới rập rình đảo điên
Trong ta thiên cổ ưu phiền
Ngoài ta vũ trụ còn nguyên sơ hồng

Dù trói chân một chỗ nhưng tâm hồn ông luôn dằn vặt. San hà nặng chĩu ôm niềm đau ray rứt.

Về đây cởi lớp cơ hàn
Cuộc cờ thành bại đá vàng chiêm bao

Ông trải tâm tình trên trang giấy.

Gian gác nhỏ thường xuyên nóng nực, trên chiếc bàn bề bộn chỉ còn đủ chỗ đặt xấp giấy trắng, giấy mua từng xấp viết rất nhanh, ông viết không ngơi nghỉ. Trước kia là biên khảo, truyện ngắn, truyện vừa… Sa mạc lan dần ra đời với một văn phong kỳ lạ ảnh hưởng phần nào Dos. Sau này là võ thuật, dã sử, kiếm hiệp lấy từ các chi tiết trong lịch sử và tôn giáo… Không phải truyện, không đề cập đến những tôn giáo lớn trên thế giới mà trên nền tảng tín ngưỡng phong phú của dân gian, ông đặt ra một tôn giáo thuần Việt dành riêng cho người Việt với đầy đủ tư tưởng, triết thuyết, lịch sử, nghi thức hành lễ, và kinh tụng chính là những bài thơ trầm bổng. Những năm sau, ông viết ngay cả phóng sự là thể loại viết lách dẫn ông đến gần những mảnh đời cơ cực.

Dù trên lãnh vực nào, ngòi bút thật dễ dàng… Nhưng rốt cuộc, không phải biên khảo, không phải truyện… mà xuyên suốt bất cứ lúc nào và nơi đâu, là thơ. Ông bình thản và tinh anh đến phút cuối. Trên mảnh giấy xé ra từ cuốn sổ, từ tờ lịch… thơ tuôn chảy như dòng suối, mà ngay đến nửa đầu tháng mười này, bất chấp cơ thể đang bị tàn phá bởi bệnh hoạn, ngồi lên nằm xuống khó khăn và tay chân yếu ớt, nét chữ run rẩy, khí thơ không hề mệt mỏi, vẫn tràn ra ngòi bút từ một khối óc sừng sững không biết đến khoan nhượng và trái tim cho đến chết không nguôi ngọn lửa nồng nàn.

Dựa đầu thay gối những ngày cuối cùng là bộ Đại Việt Thần Đạo và tập thơ tuyển Mục Tử ca. Ông đã cảm nhận đến giờ phút chia tay từ lâu rồi:

Ta về đây mặc áo nâu
Cổ đeo xiềng xích cổ khâu cuối đời
Ta từ tạ kiếp con người
Ba ngàn thế giới một đời phiêu du.

Thơ còn mà người đã khuất.

Giở từng trang thơ, chỉ còn hội ngộ cùng ông nơi đây, gương mặt thoắt ẩn thoắt hiện trong từng câu từng chữ… Người đã trôi về một đỉnh thẳm xa. Giờ từ sương mai đến đêm trăng náu là nỗi nhớ hòa vào gió thoảng. Một nắm hư ảo ném lên trời xanh.

Còn gì giữ lại cho nhau
Nghe như lục lạc reo vào thiên thu.

Bước chân rong ruổi không biết chùn, ngoảnh lại thế mả suốt một kiếp dài đã trọn, hạnh phúc và khổ ải đầy ắp. Đến lúc dừng nghỉ ngơi rồi. Hạt cát thả trôi hỏa tan vào biển cả. Về thôi, ký ức ngậm ngùi quay về nhẹ tênh chốn khởi thủy.

 

Người về bến Cửu Long Giang
Gió đưa xuôi ngược lá bàng rụng rơi
Thuyền bồng đậu bến lẻ loi
Lượm dùm anh chút phấn rơi hương tàn

Mưa chiều rải rác bên sông
Chợ Cồn hiu quạnh dòng sông thở dài
Bạn bè đã chẳng còn ai
Chỉ nghe cát bãi dâng đầy tuổi thơ.

Tân Hưng, Cồn Tiên, Tân Quy Đông… Vô số nơi từng ghé qua trong cuộc sống phong trần khắp nẻo, nhưng gắn chặt sâu thẳm trong lòng vẫn là những địa danh quen thuộc này. Giờ đây xuôi về dòng Sa Giang hiền hòa quê hương ấu thơ, trên đám mây bảng lảng ngả mình trên sóng nước miền Tây bao la ấy, nghỉ ngơi ngàn đời hồn thơ nhé.

Hạc khóc ngang trời…

 

Nguyễn Thị Hàm Anh

304Đen – Lttm - tvvn

Thắng Cuộc Và Thu Cuộc Qua Tô Phở Tàu Bay - Mai Xuân Vỹ

 Thắng cuộc và thua cuộc qua tô phở Tàu Bay!

 





Hôm 30 Tháng Tư tôi đi ăn phở. Chính xác hơn là đi ăn phở Tàu Bay! Tôi đến quán trên đường Lý Thái Tổ kế nhà thờ Nam Hà, đối diện bệnh viện nhi đồng. Hai quán kề sát nhau cùng chung một bờ tường đều kẻ chữ: Phở Tàu Bay. Quán sát hẻm – là vị trí nguyên thủy của phở Tàu Bay năm xưa – với nhân viên phục vụ mặc áo vàng. Quán bên cạnh: áo xanh. Cả hai đều ghi rõ dưới bảng hiệu: Phở Tàu Bay Chính Gốc. Hoặc Quán Cũ không chi nhánh gì gì đó!

 

Như ngày xửa ngày xưa khi tôi nằm khểnh đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Ở những chương đầu, tôi không biết phe nào: Kiếm Tông hay Khí Tông mới là đại diện cho chính phái Hoa Sơn? Giờ đây tôi cũng hoang mang chẳng rõ quán nào là quán của ông chủ có chiếc mũ phớt của lính tàu bay thời đệ nhị thế chiến? Gần nửa thế kỷ trước, có rất nhiều sĩ quan VNCH đã phải lựa chọn, phải quyết định vận mệnh của mình trong đường tơ kẽ tóc để rồi hoặc ở trong trại cải tạo hoặc ở Port Chaffee. Bây giờ đây, tôi đứng trước hai tiệm phở Tàu Bay kề sát nhau. Cả hai đều kẻ bảng phở Tàu Bay chính gốc. Tôi phải quyết định một lần trước khi được… ăn phở chính gốc! Trong một tích tắc, chẳng hiểu vì lý do gì, chẳng biết là đã suy nghĩ ra sao, chỉ sau vài giây ngần ngừ, tôi bước hẳn vào quán bên phía bên tay phải. Quán hẹp và ngắn. Chỉ một hai bước sải là đến chân cầu thang dẫn lên lầu. Khách ngồi chật tầng dưới. Tôi bước tiếp lên cầu thang và chợt gật mình vì khuôn mặt quen quen. Chừng như một phản xạ, tôi quay người chìa tay cho một người đàn ông áo thun trắng quần kaki vàng sậm với một bao da ở thắt lưng: Ông có phải là ông Khang? Chính xác!

Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bố ông di cư vào Nam năm 54 mang theo tiệm phở. Và ông mặc nhiên là người miền Nam, phía thua cuộc. Những người anh em của ôngtừ bên kia vĩ tuyến 17 vào dành được phần nhà sát hẻm, khiến ông trở thành người thua cuộc lần thứ hai.

Người đàn ông vui vẻ trả lời. Khuôn mặt cởi mở bừng lên với một nụ cười hiền lành. Ông Khang bắt tay tôi và có vẻ hơi ngỡ ngàng trong ánh mắt; bởi tôi không có vẻ gì là khách quen của ông hay của ba ông ngày xưa. Ít ra là bằng cái đánh giá đầu tiên qua số tuổi. Nhưng ông không hỏi… Ông mời tôi lên lầu vì khách đã đầy ở tầng dưới và chúc tôi ăn ngon miệng. Tôi ăn lại tô phở Tàu Bay của gần nửa thế kỷ trước. Tô phở ngon. Thơm… Nhưng thực sự là tôi ăn lại kỷ niệm nhiều hơn ăn phở. Tô phở không có giá, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người Bắc xưa lúc di cư vào Nam chỉ ăn rau muống chứ không ăn giá! Tôi ngày ấy chỉ là cậu học trò nhỏ ngày ngày đạp xe ngang qua tiệm phở ngửi mùi thơm từ tiệm bốc ra. Hiếm họa năm thì bảy lượt tôi mới có chút tiền còm mẹ cho để đường hoàng bước hẳn vào tiệm, kêu tô phở. Thành thật mà nói, tôi không tài nào nhớ được cái hương vị của phở Tàu Bay ngày xưa. Tôi nghĩ tôi ăn lại đúng cái hương vị cũ qua khuôn mặt của ông chủ quán. Ông chính là nhãn hiệu cầu chứng tại tòa của phở Tàu Bay gia truyền Sai Gòn xưa!

Chỉ đến khi tôi mua mấy tô mang về cho mẹ và cô em gái, ông Khang mới đến ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi ông về chuyện hai tiệm Tàu Bay kề vai sát cánh với nhau. Và ông điềm đạm kể cho tôi chuyện gia đình ông. Chuyện của sự vui vầy sum họp Bắc Nam sau 21 năm chia cắt. Chuyện của những người anh em ông từ phía bên kia vĩ tuyến 17 vào Sài Gòn. Chuyện của sự chia cắt không ở biên giới địa lý mà là ở sự cắt chia của trái tim. Tôi cảm ơn ông vì đã chia sẻ chuyện nhà của ông cho tôi biết. Và từ biệt ông. Ông Khang nhã nhặn bắt tay tôi từ biệt. Ông dặn hâm nước dùng riêng trước khi đổ vào tô bánh và thịt. Ông gọi taxi trước cho tôi, và cho một chú bé xách hai cái bọc nhựa chứa những tô mang đi ra tận taxi. Ông chẳng nhớ tôi đâu. Làm sao ông nhớ được chú bé gần nửa thế kỷ trước chỉ đạp xe ngang tiệm phở của ông? Ông chỉ đối xử đặc biệt với tôi vì tôi “biết” tiệm phở của Ba ông, và giờ là của ông. Ông kể quán bắt đầu “lộn xộn” kể từ khi 3 người con từ miền Bắc vào nhận họ hàng vào những năm 80. Và kết quả ông Khang là người thua cuộc. Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bố ông di cư vào Nam năm 54 mang theo tiệm phở. Và ông mặc nhiên là người miền Nam, phía thua cuộc. Những người anh em của ông từ bên kia vĩ tuyến 17 vào dành được phần nhà sát hẻm, khiến ông trở thành người thua cuộc lần thứ hai. Ông kể bằng cái giọng Bắc quen thuộc của những người di cư tôi từng biết vào những năm xưa ở Bảy Hiền, ở xứ đạo Nam Hà trên đường Lê Văn Duyệt. Giọng ông đều đều trải đời với cái nhẫn của kẻ thua cuộc. Tôi nhìn ông cảm khái. Có chút chạnh lòng khi nhớ lại những tháng ngày sau 75 tôi cũng bị đối xử phân biệt vì là con cái của sĩ quan VNCH. Người Cộng Sản đối xử công bằng với những người thua cuộc không phân biệt già trẻ lớn bé. Tôi tuy là trẻ con nhưng lại là con của phía những người thua cuộc. Ông Khang may mắn hơn tôi: Bố ông chỉ bán phở, nếu không chắc cũng tàn đời trong trại cải tạo rồi. Vậy thì bây giờ đây tôi cho bạn biết: quán sát hẻm, áo vàng là quán của phía thắng cuộc. Thắng cuộc hai lần theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quán còn lại dĩ nhiên là phía thua cuộc. Bạn chọn vào quán nào theo ý thức hệ của bạn là tùy hỉ. Tôi không muốn lên gân. Chỉ là một tô phở thôi mà. Có gì đâu bạn nhỉ?

Mai Xuân Vỹ

11/5/2018
(Nguồn: Thu Nguyen:thu9898@gmail.com; qua K3HH@yahoogroups.com)

 

 

Chán Nản - Hoàng Đạo

 

CHÁN NẢN





 

Chuông đồng hồ thong thả buông chín tiếng vào giấc ngủ mê mệt của Nhàn. Sực tỉnh, chàng uể-oải vươn vai, ngáp một cái dài. Rồi gấp hai tay ra sau gáy, chàng ngước nhìn lên đình màn, lờ đờ đưa mắt theo một con muỗi bay tìm lối ra, luôn luôn chạm cánh vào đường lưới. Đằng sau bức màn trắng mát, ẩn hiện mầu hồng nhạt của cái diềm màn gấm và mầu xanh tím của bức tường kẻ hoa. Chiếc quạt trần êm như ru quay trong bầu không-khí êm tĩnh. Nhìn sang tay phải, cái tủ gụ chạm, lồng kính, lờ mờ phản chiếu ánh sáng buổi sớm lọt qua khe cửa xiên vào trong phòng.

 

Nhàn nhắm mắt lại, thân thể và tâm trí nặng nề như dính xuống đệm, không cất lên được. Trong óc chàng, những hình ảnh ngày hôm trước phảng phất hiện ra rồi mất đi, không mẩy may thứ tự. Nhàn mang máng sống lại những giờ ngồi ngắm cá vàng mà chàng tưởng dài không bao giờ hết, và buổi tối nhạt nhẽo chàng đã qua bên cạnh Lan, vợ chàng, trong rạp hát.

 

Muốn tránh những ý tưởng gợi nản, nhàn ngồi nhỏm dậy. Mệt mỏi, chàng lẩm nhẩm nói một mình:

 

- Dậy làm gì bây giờ?

 

Miệng tuy nói vậy, Nhàn vẫn sỏ chân vào đôi giầy bóng êm-ái, bước xuống giường lê sang phòng tắm. Chàng rửa tay, rửa mặt bằng môt thứ sà-phòng thơm mát, đoạn mặc vào mình một bộ quần áo vải nhẹ mềm và rất đắt tiền. Những công việc ấy, Nhàn làm hằng ngày, nay đã trở lên một thói quen, nên cử chỉ chàng lúc này đều đều như một cái máy. Sống trong sự xa-xỉ từ thủa nhỏ, Nhàn coi những thứ phụ vật kia như một sự cần dùng không thể thiếu, và chàng cũng không thể tưởng-tượng ra nó thiếu được.

 

Nhàn cầm lấy bình nước hoa, phun lên mái tóc, chợt nghe thấy tiếng vợ ở phòng bên cạnh:

 

- Cậu ăn sáng thức gì để tôi bảo nó đi mua.

 

Nhàn bỗng có cảm giác rằng câu nói ấy, với cả giọng âu yếm và hơi có ý bảo-hộ, chàng đã nghe nhắc đi nhắc lại biết bao nhiêu lần. Chàng lấy làm khó chịu.

 

Nhàn buột miệng trả lời:

 

- Ăn gì cũng được.

 

Nghe mình nói, Nhàn giật mình như nghe thấy tiếng người khác. Câu trả lời ấy đã thành ra một câu sáo, ngày nào cũng dùng tới. Tuy Lan biết chồng không bao giờ trả lời một cách khác, nàng sáng nào cũng hỏi để cho có câu nói, để phá sự yên lặng nó phân biệt, chia rẽ linh hồn những người sống cạnh nhau. Mọi hôm, Nhàn không để ý đến, có khi lại vui vẻ trả lời, nhưng hôm nay chàng đột nhiên cảm thấy một cách sáng suốt rằng câu nói vô vị kia chỉ kéo lại gần nhau hai linh hồn trống rỗng, thờ ơ, lạnh nhạt.

 

Nhàn sực nhớ lại. Chàng lấy Lan không phải vì tình yêu. Cha mẹ chàng đã thấy chàng lớn tuổi, sợ rằng sẵn của đâm ra chơi bời phung phí, nên cưới vợ để giữ chàng ở nhà, cũng như nhiều nhà giàu cho con hút thuốc phiện để của khỏi chạy ra ngoài ngõ. Nhàn sống trong cảnh giàu sang, không lo nghĩ, không bận bịu, chỉ có việc ngồi quẩn trong phòng lau lọ sứ hay ra sân ngắm núi non bộ, rồi đến chiều, ăn xong, xe ô-tô đưa đi hóng mát hay đưa đến rạp hát xem. Chàng sống trong cảnh ấy, như cây mọc trong hang tối, không biết ngoài còn có ánh sáng nữa.

 

Những hình ảnh mập mờ về dĩ vãng theo đuổi ám ảnh Nhàn cho đến lúc ăn sáng. Chàng ngồi lặng yên cầm thìa khuấy cốc cà-phê sữa, chán ngán nhìn những đĩa bánh bày la liệt trên bàn.

 

Bỗng Lan hỏi:

 

- Trông cậu hôm nay làm sao ấy.

 

Nhàn chớp mắt, trả lời vẩn vơ:

 

- Không, tôi có làm sao đâu.

 

- Mặt cậu trông bơ phờ như người ốm vậy.

 

- Có lẽ vì tôi ngái ngủ...

 

Nhàn nói dối để được yên thân. Chàng bỗng dưng nhận thấy rằng chàng không làm thế nào tỏ cho vợ biết được nỗi phiền muộn của mình, mà vợ chàng cũng không sao hiểu được nỗi phiền muộn ấy.

 

Uống xong cốc sữa, Nhàn tự hỏi:

 

- Bây giờ biết làm gì được?

 

Chàng không tìm thấy câu trả lời.

 

- Làm gì được bây giờ, chàng tự nhắc lại câu hỏi ấy. Đi chơi phiếm chăng? Hay là đến nhà anh em bạn?

 

Nghĩ đến đấy, Nhàn tưởng tượng ra những việc sắp tới. Chàng thấy hiện rõ trước mặt một cảnh tượng chán nản: mấy người ngồi uống nước nói truyện suông, rồi xoay ra cuộc tổ tôm đỡ buồn... Cho đỡ buồn, cả đời chàng rút cục chỉ có thế.

 

Như trả lời ý nghĩ của Nhàn, Lan vừa cầm thỏi son đánh môi vừa nói:

 

- Lại chơi đằng bác Đốc đi, mình.

 

Nhàn ngáp, thẫn thờ đáp:

 

- Ừ thì đi.

 

Lan vẫn ngồi, gọi với vào nhà trong:

 

- Vú già bảo anh tài đánh xe ra để tôi và cậu đi.

 

Rồi hai người ngồi yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

 

Sự yên lặng sắp trở nên nặng nề, thì người tài xế vào mời hai vợ chồng lên xe.

 

** *

 

- Mời hai bác xơi nước.

 

- Vâng ạ, bác để mặc chúng tôi.

 

Nhàn nghe vợ nói, nghĩ đến sự dự đoán của chàng. Thấy chàng ngồi im, bạn vồn vã hỏi:

 

- Thế nào, bác có trúng số không?

 

- Không.

 

- Chúng tôi cũng chẳng trúng số nào. Thật là mất tiền toi.

 

Câu truyện ngừng lại. Lan nói:

 

- Bác mất tiền thì cũng là mất tiền nhà nước. Cuối tháng, bác lĩnh lương thì cũng như lấy lại chứ gì.

 

Nhàn cũng xen vào một câu:

 

- Độ này công việc có bận không, bác?

 

- Cũng không bận lắm, nhưng bằng sao được bác, tự do, muốn làm gì thì làm. Sung sướng thật.

 

Nhàn mỉm cười chua chát, không trả lời.

 

Câu truyện dần dần tẻ ngắt. Nhàn chán ngán sắp đứng dậy thì bạn nói:

 

- Hai bác ở lại đánh tổ tôm chơi.

 

Lan nhanh nhảu đáp:

 

- Ừ phải đấy. Chúng mình ở lại đánh vài hội cho vui.

 

Trái với mọi hôm, Nhàn từ chối nói là có việc bận.

 

Lan bảo:

 

- Vậy tôi ở lại. Mình đi đâu thì đi, rồi đến chiều lại đón tôi đi xem chớp bóng Tầu đấy.

 

Bên sập gụ, một đứa đầy tớ gái đã đứng chia bài. Nhàn từ giã bạn, chán nản bước ra. Vợ chàng gọi giật lại, nhắc:

 

- Cậu nhớ đến đón tôi đấy. Chớp bóng kỳ này hay lắm, nghe đâu là truyện một ông tiên tìm thuốc trường sinh thì phải.

 

** *

 

Chiếc xe ô tô hòm nhẹ nhàng đi. Nhàn vẩn vơ nhìn hai dẫy nhà theo nhau chạy về đằng sau, nghĩ đến câu nói của vợ. Chàng nói thầm một mình:

 

- Đi tìm thuốc trường sinh... Đời mình ngắn ngủi thế này mà còn không biết làm gì, lại còn muốn một đời bất diệt...

 

Buồn bã, chàng trông những người qua đường đông đúc chen nhau đi, ngẫm nghĩ:

 

- Họ đi đâu? Chắc họ đi cho có truyện như mình, và đời họ chắc cũng như đời mình, nhạt nhẽo, phẳng lì, buồn tẻ.

 

Nhàn tò mò nhìn dáng điệu, nét mặt từng người để tìm chứng cho cái thuyết của mình. Lúc đó, xe ô-tô đi qua phố hàng Than. Chàng từ đằng xa đã để ý đến một bọn phu xe quần áo bẩn thỉu, đương nai lưng đẩy những chiếc xe than chất đầy. Chàng cố tưởng tượng ra đời của họ, một đời mà chàng tin chắc chắn là khốn khó, cơ cực, khổ sở không sao tả được. Chàng tự nhủ:

 

- Mình may giầu có mà sống còn không thấy vui, nữa là họ! Không biết làm sao họ sống được một đời tối-tăm như địa ngục...

 

Xe ô tô vượt qua dẫy xe than. Nhàn nhìn lại, ngạc nhiên. Mấy người phu, đàn bà lẫn đàn ông, vừa nói truyện vừa cười vang cả phố. Trên những khổ mặt nhem nhuốc, đầy bụi than, nét cười trông có vẻ lạ kỳ. Bỗng nhiên, Nhàn, tuy đời vật chất đầy đủ, xa hoa, tuy không phải mó tay vào việc gì, Nhàn thấy mình háo hức như thèm thuồng, ghen tị những người phu kia nhem nhuốc, vất vả nhưng tiếng cười ròn và trong.

 

Hoàng-Đạo

Ngày Nay số 20, ngày 8-9-1936

 

Tuesday, November 24, 2020

Vùng Đất Quê Hương - Dư Thị Diễm Buồn

 VÙNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG

 

Để Tưởng nhớ anh “Hà Thương” Cựu SQ, QLVNCH đến Mỹ diện HO. Ở Carol Stream- Chicago! Đã vĩnh viển ra đi tuần qua (18-11-2020)! Anh đã đọc trên Diễn Đàn bài “VĐQH”. Từ đó chúng tôi quen biết nhau

 

















Ta đến đây vùng quê hương rộng mở

Đám cỏ khô cằn chan chứa tình quê

Màu đất xám đen đưa dẫn lối về

Dòng phù sa nuôi ruộng đồng lúa mạ

 

Cơn mưa đầu mùa mượt mà hoa lá

Giọt nước trong xanh trái nụ tươi màu

Đêm quê hương trăng sáng, rộ trời sao

Gió Thành Nội lâng lâng hồn lữ thứ

 

Thần Kinh ơi, ấp yêu đời viễn xứ

Chiều mây bay thương nhớ núi Ngự Bình

Nón bài thơ tô đẹp thuở học sinh

Hơi sương nhẹ tình quê thêm thắm thiết

 

Nơi thâm nghiêm mở đầu trang sử Vìệt

Một lần thăm lần vĩnh biệt ra đi

Tình quê hương, se sắt nỗi phân kỳ

Ta nhớ mãi thương hoài về xứ Huế

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN