Sunday, January 31, 2021

Đông Xưa Góc Phố Cũ - Thuyên Huy

 Đông Xưa Góc Phố Cũ

 















Vây mà trời đã vào Đông

Cũng sáng mùa Đông xưa mình chờ nhau ở góc phố cũ

Góc phố có vài ba cái xe thổ mộ

Và mấy con ngựa già mệt nhọc thở hơi sương

Chưa có người khách nào chờ ở cuối đường

Em vẫn vậy vai gầy dáng nhỏ

Tôi lá thư tình vừa viết giấu trong tay

Phố bây giờ không còn lá Thu bay

Buổi sáng buồn giống như cái buồn tạ từ hôm ấy

*

Em úp mặt

Tôi gục đầu

Lặng thinh nói gì rồi cũng sẽ mất nhau

Em áo len tím một màu

Màu tím quê tôi mùa Sim nở

Dường như có chút nước mắt

Nắng lên nhưng xa vời hiu hắt

Có tiếng còi gọi mời người trên bến xe

Tiếng còi nghe lành lạnh

Cái lạnh của những ngày đầu mùa Đông về

Chuyến xe sớm rời phố lừ đừ

Chậm như cái xe thổ mộ chần chừ phía trước

Em bỏ đi rồi

Từ đó mùa Đông xưa góc phố cũ và tôi ở lại

*

Em bây giờ nơi đó có vui không

Vẫn áo len tím ngày nào màu Sim cũ

Cũng mùa Đông xưa một mình nơi góc phố

Buổi sáng hôm nay không còn lá Thu bay

Cái xe thổ mộ còn lại cuối cùng

Lẻ loi se thắt lạnh con ngựa già lất lây

Không còn chở khách đi xa

Con ngựa yếu còm lưng rồi một đời mệt mỏi

Chờ mong ngày tháng cũ kỷ niệm xưa đã xa vời vợi

Quặn đau  tôi rời góc phố lạnh buốt cả lòng

Vậy mà trời đã vào Đông

 

Thuyên Huy

Lập đông xứ người 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người Đi Đi Thật - Nguyễn Đạm Luân

 Người Đi Đi Thật




 











Người đi bỏ phố buồn thiu

Bỏ đường quen lá thu chiều vàng thưa

Lối về cũng đó tiếng mưa

Tiếng mưa tấu khúc nhạc xưa tạ đời

Quanh đây còn chút hương trời

Gởi theo gió chướng một thời mộng mơ

Xót xa đọc cuối bài thơ

Áo hoa tóc quyện thôi chờ một mai

Chừng như phố cũng hao gầy

Người đi đi thật cỏ cây biết sầu

 

Nguyễn Đạm Luân

Đi Xe Đò, Đi Xe Ôm - Tiểu Tử

 

Đi xe đò, đi xe ôm




 

Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam. Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế ( Thằng em này ” biết làm ăn ” nên bây giờ nó khá lắm ) Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.Sau một tuần ở Gò Dầu với má tôi ( Gò Dầu quê tôi thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm cách thành phố 63 km ) thấy còn năm hôm nữa mới tới Tết, tôi bèn sửa soạn xuống Sài Gòn để đi thăm vài người bạn. Lần này, tôi muốn đi bằng xe đò ( bây giờ người ta gọi là ” xe khách ” –  trong bài viết này tôi vẫn dùng từ ” xe đò ” cho dễ hiểu ! )

Một thằng cháu – hồi trước làm thầy giáo, bây giờ sửa xe đạp và bán sách vở học trò – nói : Để cháu lấy Honda chở chú Hai lên bến xe kiếm xe gởi chú đi.- Khỏi cần, chú đi một mình được.Nó phì cười :- Cái tướng Việt Kiều của chú lên đứng lớ ngớ trên đó, tụi nó dám chém nhẹ vài chục ngàn cái vé đi thành phố thay vì chỉ có tám ngàn thôi. Tụi nó bây giờ “mánh” lắm chú ơi !Vậy là nó chở tôi lên bến xe đò ( Ở quê tôi, vì có con sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang, nên dân chúng thường nói ” trên ” và ” lên ” để chỉ những nơi nào nằm về phía thượng lưu con sông – đối với khu chợ nằm ở giữa – và ” dưới ” hay ” xuống ” để chỉ những xóm nằm về phía hạ lưu ).Ở bến xe, thằng cháu nói :- Chú đứng đây giữ dùm cháu cái Honda. Để cháu ” thả ” một vòng coi.Trong lúc nó ” thả một vòng “, tụi bắt mối hai ba đứa rà rà lại :- Đi thành phố hả chú ? Chạy liền giờ nè !- Thằng xạo đó chú ! Xe nó chưa tới ” tài “. Xe cháu kìa, xe đầu vàng đang rồ máy đó chú. Đi chú ! Cháu xếp chỗ tốt đằng trước cho chú, nè !Vừa nói, thằng nhỏ vừa nắm cái ba-lô của tôi kéo đi trong lúc thằng kia cũng lôi về phía nó. Tôi rị lại la lên :- Tao không có đi xe đò ! Tao đợi thằng cháu. Bộ tụi bây không thấy xe Honda đây sao ?Một thằng khác, có vẻ anh chị, ” xẹt ” vô can thiệp :- Buông ra ! Tụi bây làm gì vậy ? ” Quậy ” hả ?Trong lúc hai tên kia bỏ đi, nó hạ giọng thân mật :- Chú Hai đi thành phố hả chú Hai ?Tôi lắc đầu, lại chỉ cái Honda, nói :- Tao đợi thằng cháu chở đi công chuyện.Thằng nhỏ bỏ đi. Tôi nhìn theo nó mà nghe ngượng vô cùng. Mấy  thằng nhỏ bắt mối cỡ tuổi hai thằng cháu nội tôi thôi, vậy mà tôi sợ gì lại phải nói trớ là không đi thành phố ? Có lẽ tại vì mấy chục năm nay ở xứ người, tôi đã sống quen với cái xã hội có tổ chức, có trật tự, nên tôi không biết cách ứng xử phù hợp với môi trường chụp giựt mánh mung này. Cho nên phản ứng của tôi là né ! Không biết phải làm sao, thôi thì né tránh đi cho nó xong chuyện ! Tự nhiên, tôi thở dài.Thằng cháu tôi dẫn lại một người đàn ông còn trẻ gầy nhom, giới thiệu :- Thằng Đực nè chú Hai. Nó lái xe cho cậu Năm Bộn. Nó là chồng con Hường, con của chị Ba Đầy ở xóm nhà máy đó chú nhớ hôn ?!!Tôi mỉm cười gật gật đầu ” ờ ” cho lấy có. Thằng cháu nói tiếp :- Còn đây là chú Hai con bà Tám, mầy kêu ổng bằng ông lận.Thằng Đực chấp tay xá :- Dạ, lâu nay con có nghe nói ông Hai ở bên Tây, bây giờ mới gặp. Về chơi hả ông Hai ?Rồi không đợi tôi trả lời, nó vói tay xách cái ba lô :- Ông Hai đi theo con. Xe con đằng nầy nè.Thằng cháu tôi dặn vói :- Xuống dưới nhớ kiếm xe ôm cho ổng, nghe mậy !- Được rồi ! Cậu ba yên chí !Thằng Đực dẫn tôi lại xe của nó, giới thiệu tôi cho hai thằng cỡ mười tám đôi mươi đang đứng hút thuốc ở đầu xe- Đây là ông Hai, con bà cố ở đường đất đỏ, đó ! Còn đây là hai thằng em vợ con, tụi nó vừa là phụ xế vừa là lơ nữa.Rồi nó đỡ tôi lên đưa lại ngồi phía tay trái cách chỗ tài xế hai hàng băng. Trên xe đã có nhiều người ngồi, chắc họ quen nhau nên nghe nói chuyện rân như họp chợ !Chiếc xe đò là xe loại đầu bằng, có hai cửa lùa cho hành khách lên xuống. Chỗ ngồi hẹp té, tôi đo vừa đúng hai gang tay. Trên kiếng chắn gió trước mặt tài xế, về phía phải, có viết mấy hàng chữ bằng sơn đủ màu. Vì tôi ngồi trong xe nên phải đọc ngược, nhưng vẫn đọc được :TP Hồ Chí Minh / Gò DầuVidéo / KaraokéChính giữa xe, ngang ngang với đầu anh tài xế, có một cái lồng sắt hàn dính lên trần, trong đó có cái télé. Tôi tự hỏi :” Vidéo thì còn hiểu được, chớ Karaoké thì hành khách hát hí ra làm sao ?” Thật là mới mẻ quá ! Dưới chân tấm kiếng chắn gió, cũng ngay chính giữa, có gắn một kệ nhỏ, trên đó có một tượng Phật Bà, một bình bông, một bình cắm nhang và ba chung nước. Tất cả mấy món vừa kể đều được gắn xuống mặt kệ bằng băng keo chằng chịt ! Cho nó đừng nhúc nhích hay lật đổ khi xe chạy hay khi xe thắng gắp. Nhìn tượng Phật Bà chằng chịt băng keo, tôi nghĩ chắc Ngài cũng phải mỉm cười mà từ bi hỉ xả.?Thằng Đực lên ngồi, đề cho máy chạy, rồi cứ rồ máy từng chập giống như làm cho nóng máy. Hai thằng lơ đứng dưới đất la ó :- Lên đi bà con ! Chạy à ! Chạy à !Tài xế sang số cho xe nhúc nhích nhúc nhích, trong lúc hành khách cứ lần lượt trèo lên xe tỉnh bơ không thấy có chút gì hối hả. Không thấy ai bán vé, thiên hạ cứ lên xe thấy ghế trống là ngồi. Hàng hoá mang theo lỉnh kỉnh để đầy hành lang chính giữa. Những người lên sau phải bước choàng ngang để đi !Một bé gái cỡ mười hai mười ba tuổi, lên xe với hai bao ni-long lớn đựng đầy dép, loại dép cao su Nhựt Bổn. Nó ngồi vào ghế trống cạnh tôi. Vừa đặt đít xuống nó vừa trao cho tôi một bao dép, nói :- Ông ngoại giữ dùm con.Nó làm một cách tự nhiên, chẳng thấy một chút ngượng nghịu gì hết. Còn tôi thì thật ngỡ ngàng bối rối không biết phải làm sao ? Vậy mà tôi cũng ôm bao dép vào lòng, ôm một cách máy móc ! Tôi biết nó ” đi ” hàng lậu ( Xưa nay, Gò Dầu được biết tiếng nhờ có chợ trời hàng lậu ở biên giới Cao Miên ) nhưng tôi không thể tưởng tượng được một bé gái mới mười hai mười ba tuổi mà đã đi buôn lậu và còn bắt người khác giữ hàng lậu giùm mình một cách tỉnh bơ coi như chuyện bình thường ! Xã hội bây giờ thật quá nhiều thay đổi, mà tôi thì quê trân, giống như ” một thằng mán ra chợ ” !Thằng Đực rồ máy cho xe chạy tới trong lúc hai thằng lơ phóng lên xe – mỗi thằng một cửa – vừa phóng vừa la ” Bà con ơi ! Chạy à ! Chạy à !”. Xe chạy được mươi thước, ngừng lại, máy rồ từng chập một lúc rồi xe lui về vị trí cũ ! Hai thằng lơ nhảy xuống đất, miệng vẫn bô bô : ” Lên đi bà con. Chạy liền giờ nè !”. Hành khách vẫn lai rai từ tốn leo lên xe?Mươi phút sau thì xe lại chạy. Lần này, nó ra khỏi bến xe, chạy rề rề. Đến ngả ba ( Chỗ này có đường xuống chợ, có đường vô xóm Mới, nhưng vẫn được gọi là “ngả ba” !) nó rước một vài người khách rồi chạy thẳng về hướng thành phố. Tưởng chạy luôn, té ra xuống khỏi Trâm Vàng – cách ngả ba lối ba cây số – nó quay đầu lại chạy về bến đậu. Lại nhúc nha nhúc nhích một lúc lâu đến khi có tiếng tu hít thổi ( Chắc là hiệu lịnh của cán bộ điều hành bến xe ) xe lại rồ máy chạy. Lần này, đúng là nó chạy thiệt bởi vì nó không có rề rề như hồi nãy ! Tôi thở cái khì.?Xe không có bán vé, nhưng có một chị đi thâu tiền. Cái hay của chị này là chị ta nhớ người nào đã thâu rồi người nào chưa. Cho nên trong suốt ” hành trình ” trèo qua trèo lại trên những kiện hàng nằm ngổn ngang dọc hành lang để thâu tiền, không thấy ai phàn nàn phản đối gì hết.Xe đang chạy, bỗng thấy thằng lơ cửa trước đứng thẳng lên mở dây nịt, kéo phẹt-mơ-tuya… cởi quần ! Hành khách tỉnh bơ. Có lẽ trên xe chỉ có một mình tôi là ngạc nhiên trố mắt nhìn. Một cô gái ngồi gần đó đưa cho nó mấy cây thuốc lá ” 555 ” và một nạm vòng thun, nó cầm lấy, xỏ vòng thun vào hai chân, cách khoảng nhau độ hơn một tấc, rồi nhét mấy cây thuốc vào đó, dài từ háng xuống mắc cá và ôm tròn chân từ mặt trong ra mặt ngoài. Trông nó giống Robocop của phim Mỹ ! Thì ra thằng lơ giấu hàng lậu dùm cô gái. Nó vừa mặc quần xong là đến lượt thằng lơ cửa sau. Nhưng thằng này quá gầy nên nó không cần cởi quần. Nó kéo ống quần đì-rét lên tới bẹn rồi làm y như thằng trước. Thằng này thì ” cao cấp ” hơn, vì nó còn ” chêm ” vòng theo thân mình tới năm cây thuốc lận ! Xong nó khệnh khạng đi về hướng cửa sau. Tôi nhìn theo, phục quá !Xe vừa chạy vừa bóp kèn, đường trống vẫn bóp kèn. Làm như đã thành cái tật ! ( Ở Việt Nam bây giờ, chạy xe hơi, xe gắn máy trên đường – Nhà Nước gọi là ” tham gia lưu thông “, nghe thật là văn vẻ – ai ai cũng bóp kèn, chạy ngoài đồng hay chạy trong thành phố gì cũng vậy hết. Lạ lắm ! ) Còn hai thằng lơ thì hể thấy có người chạy lạng quạng phía trước thì lòn người ra ngoài, vừa la to ” Vô ! Vô !” vừa vỗ vào thùng xe đùng đùng. Làm như kèn xe không đủ cho người ta nghe vậy ! Thấy ai đứng lớ ngớ đàng xa bên lề đường như có vẻ đón xe thì lơ hét to cho tài xế ” Bà già đó ! Bà già đó !” hay ” Con mẹ cầm nón đó ! Con mẹ cầm nón đó !”. Nếu là hành khách đưa tay ngoắc thì xe chạy chậm lại, rề sát vào. Thằng lơ phía trước mở cửa rồi một tay nắm cây cột sắt nằm cạnh cửa lùa, lấy thế nghiêng nguời xuống hốt người khách đẩy vào trong xe trong lúc xe vẫn tiếp tục lăn bánh chớ không ngừng lại ( Sau này tôi mới biết rằng xe đò không được phép rước khách ngoài những nơi đã được ấn định bởi chánh quyền. Vì vậy xe không được ngừng dọc đường ngoại trừ khi xe ăn-banh !)Thằng Đực vừa lái xe, vừa bóp kèn, vừa lách tránh những xe khác – đủ loại : Honda, xe đạp, xe thùng, xe ba gác, xe bò, xe ngựa… – vừa?liếc dài theo lề đường để ” bắt ” khách. Xe đang chạy ngon lành ( 50 km/giờ, tốc độ tối đa ấn định bởi Nhà Nước ) bỗng nó ” nhả ga ” chạy bớt lại và la lên :” Giao thông nghen ! Giao thông nghen ! Lấy tay lấy đầu vô bà con !”. Hai thằng lơ cũng la theo :” Đừng ló đầu ra nghe bà con ! Giao thông đó !”. Xa xa về phía trái, thấy có hai ông công an giao thông ngồi chàng hảng trên xe mô-tô dưới tàn cây bên lề, hút thuốc. Khi xe chạy ngang qua, mấy ổng chỉ nhìn theo cười cười, chắc hài lòng với sự biết ” chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông ” của tài xế Đực !Đường xuống thành phố, ngày xưa, hai bên là ruộng lúa ruộng mía và giồng rau cải. Bây giờ nhà cửa cất dài dài, đồng ruộng còn rất ít. Quán ăn, quán nhậu thì quá nhiều. Phần lớn mang bảng hiệu rất thơ mộng như : ” Hẹn hò “, ” Vườn Thúy “, ” Quán Trăng ” Làm như bây giờ người ta thèm được?” phiêu phiêu ” để quên đi một phần nào cuộc sống xơ cứng của hiện tại !Bến xe Trảng Bàng nằm trước sân banh. Xe đò vừa vào bến thì một bầy trẻ con bán dạo ùa lên xe như ruồi, rao hàng ó trời ! Trong xe bỗng ồn ào như cái chợ. Nhiều đứa nhỏ mang hàng đầy hai vai. Hàng đựng trong những túi ni-long nhỏ bằng nắm tay, miệng cột túm lại bằng vòng thun. Mỗi loại được xỏ chung với nhau thành một đùm. Tụi nhỏ đeo nhiều đùm như vậy lên hai vai, nhiều đến nỗi không còn thấy cái cổ ! Chỉ còn thấy cái đầu nhỏ lòi ra trên đống túi ni-long tròn tròn.?Tụi nhỏ bán loại này rao hàng có ca có kệ. Rồi vì muốn cho ” có ca có kệ ” nên nhiều tiếng để sai dấu, tôi nghe mà không hiểu hàng gì và hàng gì ! Phải nghe vài lần mới?” nắm bắt ” được : ” Sâm lạnh. Thuốc lá. Huynh gum. Trứng cúc. Bánh tráng muối. Nem chay. Đây?” Nếu có người mua, đứa nhỏ cầm túi ni-long giựt mạnh cho đứt sợi thun rồi trao cho khách, nhanh gọn lắm ! Ngoài ra, có những đứa bán ” chuyên ngành ” hơn, bán một thứ một, như chỉ bán giấy số hay thơm gọt sẵn, hay bánh tráng bánh phồng, hay thuốc lá..v.v… đủ thứ. Đứng đầy xe như vậy mà khi xe rồ máy lìa bến thì tụi nó đứa trước đứa sau phóng xuống như trò đu bay ! Thấy chết như không !Xe chạy chậm chậm, rước vài người ở khúc cua Trảng Bàng. Đến Cầu Ông Chừa – cách Trảng Bàng độ năm ba cây số – xe quay đầu chạy về bến trước sân banh ! Rồi cứ nhúc nha nhúc nhích để lấy thêm hành khách. Mấy đứa nhỏ lại ùa lên rao hàng. Độ hai mươi phút sau, xe lại lăn bánh. Lần này chạy thiệt.Trên đường lúc nào cũng có người. Xe đạp, xe Honda ( Bây giờ, ” Honda ” là tiếng gọi chung cho xe hai bánh có gắn máy ) chạy loạn. Hai bên đường, thỉnh thoảng có bảng đề ” Bia tươi ” đặt trên lề trước quán nhậu. Tôi đã nghe nói ” bia hơi “, ” bia ôm “, nhưng loại ” bia tươi ” này là lần đầu !Khều thằng lơ, tôi hỏi :- Bia tươi là gì vậy cháu ?Nó bật cười :- Là bia làm tại chỗ, làm ngày nào là nhậu ngày nấy. Để vài ba bữa mà đớp vô là đi luôn à ông Hai !Tôi gật gật đầu nhưng trong lòng sao nghe buồn chi lạ : bây giờ, đến ” cái nhậu ” cũng?” không giống ai ” hết !Bỗng thằng Đực vừa bớt ga rà thắng vừa la lên :- Kinh tế ! Kinh tế ! Bà con.?Trong xe, hành khách nhốn nháo. Kẻ thì đút giấu hàng dưới băng mặc dù ở đó đã đầy đồ, người thì chèn nhét hàng trong hốc trong kẹt, dưới đít mấy kiệng hàng rau cải gà vịt. Mấy bà mấy cô thì nhét trong áo trong quần chẳng thấy có chút gì xấu hổ hết !Tôi nhìn con bé cạnh tôi, nó cười trấn an :- Ông ngoại đừng lo. Mỗi người có quyền đi một bao dép. Con đi hoài hà !Tôi ” ờ ” rồi hỏi một cách máy móc :- Bộ con không có đi học hả ?Nó cười rất tự nhiên :- Đi học rồi lấy gì ăn, ông ngoại ?Tôi xúc động, không dám nhìn gương mặt dễ thương đó nữa, tôi nhìn vội ra ngoài. Xe đã đậu lại. Bên kia đường, có một xe hàng nằm sau một xe Jeep. Hai ông công an kinh tế mặc sắc phục ( họ kiểm soát hàng lậu ) đang ” làm việc ” dưới tàn cây vệ đường với mấy người mà tôi đoán là lơ và tài xế của xe hàng. Thằng Đực cầm một xấp giấy tờ xum xoe chạy qua đó, chen vào chỉ chõ nói năng. Một lúc sau, thấy nó khúm núm cúi chào mấy cái rồi vui vẻ chạy trở về trèo lên xe sang số chạy thẳng !Xe chạy không bao nhiêu xa, hành khách chộn rộn móc kéo hàng giấu hồi nãy cho vào bao vào bị. Hai thằng lơ cũng cởi quần lấy cây thuốc vòng thun trả lại cô gái, vừa làm vừa trò chuyện nói cười. Con nhỏ ngồi cạnh tôi kéo cái bao dép tôi đang ôm về phía nó, chẳng nghe một lời cám ơn. Mọi người đều hành động một cách tự nhiên, bình thường. Tôi bỗng thấy tôi không giống ai hết. Tôi là người ” bất bình thường “, ngay trong lòng quê hương mà sao thấy thật là lạc lõng !Xe ngừng ở Suối Sâu, hai thằng lơ – đứa trên mui, đứa dưới đất – xuống hàng : bao, bị, giỏ tre, cần xé lổn ngổn ( Những món này chắc của bạn hàng quen gởi và đã chất lên đó trước khi xe vào bến Gò Dầu ) Vừa làm, thằng lơ trên mui vừa nói lớn cho mấy người đang bu lại nhận hàng :” Hai cái cần xé nầy của dì Ba. Cái giỏ bội này cũng của bả nữa. Mấy thứ tôi liệng xuống đây của cô Bảy nghen. Rồi ! Xong ! Bây giờ là đồ của chú tư Xáng “.Cô gái ” đi ” thuốc 555 lấy hàng nằm dọc hành lang trao qua cửa sổ cho một bà sồn sồn đứng phía dưới, vừa làm vừa nói chuyện huyên thiên. Bà đó hỏi :- Mầy có ghé thăm con Hoa hông ? Nó đẻ chưa ?- Chưa. Má lên trển mà coi. Cái bụng của chỉ bây giờ chang bang như cái mả vậy !Nói rồi, cô ta cười hắc hắc. Chắc cũng là chuyện bình thường thôi.Xe chạy tiếp. Bon bon 50 km/ giờ. Đến Củ Chi ngừng lại để xuống hàng lần nữa. Con nhỏ ngồi cạnh tôi xuống ở đây. Nó đứng lên, xách hai bao dép đi, không nói một lời, cũng không nhìn lại. Nó làm tự nhiên như tôi không có mặt trên xe !Sau khi xuống hàng, xe chạy thẳng về thành phố, không ngừng ở trạm nào nữa hết. Tôi đoán :” Trên mui chắc không còn hàng “.Bến xe Tây Ninh nằm ở Bà Quẹo. Bến này rộng lắm, vây quanh bởi một tường rào. Khi xe đò quẹo vào, thấy người ta chạy theo lố nhố. Chừng xe đậu rồi, nghe họ mời mọc tía lia mới biết họ là những người lái xe ôm, xe ba gác đang tranh nhau kiếm mối chở đi. Thằng Đực nói :- Ông Hai ngồi đây, đừng đi đâu hết. Để con kiếm mấy thằng xe ôm quen cho ông Hai.Tôi nhìn đồng hồ thấy 10 giờ 20. Hồi ở Gò Dầu, tôi lên ngồi trên xe lúc 8 giờ sáng. Tính ra, tôi đi 63 km mất hết hai giờ hai mươi phút !Một lúc sau nó dẫn đến một người đàn ông cỡ tuổi nó, vừa vỗ vai người đó vừa nói :- Thằng này tên Chín, ở cùng đơn vị với con hồi trước. Nó đàng hoàng lắm, ông Hai. Mà ông Hai về đâu vậy ?- Ông về nhà thằng cháu ở khu Đại học Phú Thọ.Thằng Đực lại vỗ vai bạn :- Tao giao ông Hai cho mày đó. Tính tiền cho có tư cách nghe mậy.- Yên chí?Vừa nói thằng Chín vừa cầm ba lô của tôi :- Ông Hai đi theo con.- Ủa ? Xe của cháu đâu ?- Dạ để ngoài kia, chớ đâu được phép đem vô đây, ông Hai. Cấm mà !Vậy là mấy phút sau, tôi ” ôm ” về nhà thằng cháu. Đó là lần đầu tiên tôi đi xe ôm.

 *       *       * 

Ở thành phố, người ta thường đi xe ôm, nếu chỉ đi có một mình. Xe ôm rẻ hơn xe taxi nhiều và nhanh hơn nhờ nó lòn lách dễ. Biết như vậy nên sáng hôm sau tôi ra đường đón xe ôm để đi thăm bạn bè.?Nếu xích lô và taxi dễ ” nhận diện ” nhờ hình dáng và chữ ” taxi ” bên hông, thì xe ôm rất khó biết. Bởi vì trên đường lúc nào cũng đầy người chạy Honda, chạy xuôi chạy ngược, không có dấu hiệu đặc biệt gì hết thì biết ai ” ôm ” hay ai không ” ôm ” ? Nếu xe ôm được sơn một màu ấn định, hay người lái xe có gắn một cái gì trên ngực trên lưng, hay ít ra cũng đội nón kết có in hai chữ ” xe ôm ” thì dễ cho mình nhìn ra, để ngoắc cho đúng. Đằng này, ai cũng như ai.Ngoắc đại mấy lần thấy ” trật chìa “, tôi bèn đổi ” chiến thuật “. Tôi bước ra đứng trên mép vỉa hè, mặt làm ra vẻ dáo dác nhìn xuôi nhìn ngược như đang tìm xe ôm trong luồng người chạy Honda. Thấy một người vừa chạy vừa nhìn dài dài theo phố, tôi mừng rỡ vẫy tay ra dấu. Anh ta chạy luôn. Vậy là anh ta đang tìm cái gì khác chớ không phải tìm khách hàng. Tôi lại làm bộ dáo dác cho người khác để ý. Lần này có một ông tấp vô, mỉm cười hỏi :- Đi không ông Hai ?Tôi gật đầu, nói địa chỉ, trả giá – căn cứ trên giá đi hôm qua – rồi ôm đi ( Gọi là ” ôm ” chớ hành khách không có ôm người lái. Nhiều người không biết, cứ nghĩ rằng trèo lên xe là phải ôm ! Cho nên, khi trở về Paris thuật lại vụ đi xe ôm, vợ tôi hỏi :” Có đàn bà lái xe ôm hông ?” )Trên đường, xe chạy như loạn. Hai luồng ngược chiều nhau lấn ép lòn lách, bóp kèn như điên ! Thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào !May quá, ông lái xe của tôi – khá trôïng tuổi – chạy từ tốn. Ổng cứ men theo lề mà chạy và đặc biệt là không nghe ổng bóp một tiếng kèn ! Ngạc nhiên, tôi hỏi :- Sao ông không bóp kèn ?- Bóp cho ai nghe ? Ai cũng bóp kèn hết, rền trời. Mình có bóp cũng vô ích !Ngừng một chút rồi tiếp :- Cứ làm thinh như vậy mà người ta để ý. Người ta nghe mình làm thinh !Rồi ông ta cười ha hả. Tôi cũng bật cười theo. Khoái quá, tôi vỗ vai ổng :- Hay ! Hay !Rồi không kềm được, tôi hỏi thẳng :- Hồi trước ông làm gì ?Ngầng ngừ một lúc, ổng mới nói :- Dạ, làm giáo viên.- Dạy trường nào vậy ?   – Dạ, trường trung học X.  – Dạy trung học sao gọi là giáo viên được ? Phải gọi là giáo sư chớ. – Xin lỗi ông. Hồi nãy nhìn ông tôi đã đoán ra ông là Việt Kiều. Bây giờ, ông hỏi như vậy đúng là ông không phải người ở trong nước. Bây giờ, đi dạy học cao thấp gì cũng gọi là giáo viên ráo. Muốn được gọi ” giáo sư ” phải được ” Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước ” xét duyệt hồ sơ. Khi họ công nhận, họ cấp cho mình chức danh giáo sư. Chừng đó, mình mới được gọi là giáo sư. Ông hiểu không ?Tôi nhớ lại tôi có một người bạn hồi đó cũng dạy trường trung học X. Tôi nói :- Tôi có một người quen cũng dạy ở trường X nữa. Ông tên Nguyễn Văn Y.Giọng ông xe ôm có vẻ như reo lên :- Anh Y dạy lý hoá. Ảnh mộc mạc dễ thương lắm. Lúc nào cũng thắt cà vạt đen !Ông xe ôm nói đúng. Như vậy ổng là giáo sư thiệt, không phải ổng ba xạo. Tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên ngực. Tôi đặt một tay lên vai ông ta, muốn nói gì đó thật nhiều. Nhưng sao tôi không tìm ra được lời, tiếng nói bị nghẹn ngang trong cổ. Tôi chỉ biết bóp nhẹ vai của ổng, cái vai bây giờ tôi mới thấy là gầy. Chắc ổng hiểu cử chỉ của tôi nên làm thinh. Tôi bóp vai ổng mà tưởng chừng như tôi đang bóp vai một người bạn cố tri, tưởng chừng như tôi đang mân mê một cái gì trân quí của thời cũ. Tôi như thấy lại được cái thời đã mất đó với những giá trị tinh thần của nó, cái thờ

ni mà nhà giáo dù nghèo cũng chưa đến nỗi phải chạy xe ôm như bây giờ.Ông xe ôm im lặng lái xe. Tôi im lặng nhìn cảnh tượng xô bồ hỗn tạp trên lòng đường phố. Bàn tay tôi vẫn đặt trên vai ông ta như để giữ thăng bằng. Sự thật, tôi muốn giữ nguyên như vậy để ổng cảm nhận rằng giữa ổng và tôi không có một sự cách biệt nào hết. Không có người lái xe ôm, không có khách đi xe ôm. Mà chỉ có hai thằng bạn…Bỗng ở phía ngược chiều, một người đàn ông lái Honda nhìn về phía bên này gọi to :” Thầy ! Thầy !”. Tôi thấy anh ta chật vật lòn lách quay đầu xe lại, chạy theo chúng tôi. Chừng đến ngang nhau, anh ta hớn hở :- Thầy mạnh hả thầy ?Giọng ông xe ôm cũng vui vẻ :- Ờ ! Mạnh ! Cám ơn ! Em đi đâu vậy ? – Dạ ! Em chạy áp-phe. Thấy thầy em nhìn ra được liền hà ! Tụi thằng A thằng C nói có gặp thầy nên em thường để ý kiếm, bây giờ mới gặp. Mừng quá, thầy !- Ờ ! Cám ơn ! Hai mươi mấy năm mà tụi em còn nhớ tới thầy là thầy vui rồi.- Làm sao quên được, thầy ? Hồi đó, thầy là thần tượng của tụi em mà !Ông xe ôm làm thinh. Chắc cả một dĩ vãng đang được quay nhanh lại trong đầu. Tôi bóp nhẹ vai ông ta, chia xẻ.Hai thầy trò vừa lái xe vừa nói chuyện với nhau một lúc rồi người đó xin phép ” đi làm ăn “. Chúng tôi im lặng, tiếp tục đoạn đường còn lại. Sự im lặng nào sao cũng nói thật nhiều…Đến nhà anh bạn tôi, tôi trả tiền cuốc xe ôm mà không dám cho thêm như tôi đã làm hôm qua với thằng Chín. Tôi muốn ông ta thấy rằng tôi vẫn kính trọng ông ta, vẫn xem ông ta là một giáo sư. Ông ta nhìn tôi mỉm cười. Chúng tôi bắt tay nhau, cái bắt tay đó ngầm nói lên rằng, dù cuộc đổi đời có vĩ đại đến đâu, mình vẫn giữ được cái tình người trân quí của thời cũ.Lần đi xe ôm đó tôi nhớ hoài đến bây giờ. Viết lại mà vẫn còn nghe xúc động. 

Tiểu Tử 

Nguồn: http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2021/01/i-xe-o-i-xe-om-tieu-tu.html

 

 

Vũng Lầy Dĩ Vãng - Trần Thị Đông Phương

 

Vũng Lầy Dĩ Vãng





 

Nhận được thư chồng lần này cũng như những lần trước, gọn như một công thức toán học, vài dòng chữ viết rỗng, vô nghĩa nhưng được kèm theo phiếu của trại tù cho phép vợ ra thăm nuôi – Chưa nhận, chưa có tin chồng thì lo âu, háo hức chờ mong – Nay, thư đã về, tin của chồng đã có, vui chưa được bao nhiêu, tôi đã cảm thấy mình bỗng rơi xuống cái hun hút của nỗi buồn, của sự thất vọng.

Làm thế nào bây giờ – Cách gì để có tiền? Xoay sở ở đâu. Tôi cũng đâu còn bán đồ phụ tùng xe đạp nữa. Tất cả những ai bán đồ phụ tùng xe đạp tại Ngã Bảy đều bị tịch thu hàng, bị phạt tiền – Lý do, kinh tế xã hội chủ nghĩa không làm ăn bằng hình thức này. Đây là cách của tư bản bóc lột, không ngay thẳng- Phải cương quyết dẹp bỏ đợi chính sách kinh tế ưu việt của nhà nước cách mạng. Ai còn chút vốn, lén lút bán chui, rồi cũng bị càn quét lần nữa là tan tác. Bày cái gì tịch thu cái đó, kể cả cái chiếu cói trải trên lề đường cũng gom bỏ lên xe công an. Người bán thì về phường để “học tập” cho thông, quán triệt đường lối của cách mạng. Chị Liệu, người bạn thân thiết đã giúp tôi bằng cách cung cấp đồ phụ tùng xe đạp để tôi bán lẻ nay còn thê lương hơn chúng tôi cả trăm lần; hai căn nhà ở đường Minh Mạng, căn thứ ba là nhà kho ngay đầu đường Bà Hạt bị tịch thu tất cả không cho mang bất cứ thứ gì, kể cả cái chổi lông gà.

Thanh toán tư sản – Phút giây trở thành bần cùng, chồng thì thất tung từ ngày giặc tràn về thủ đô – Nay trắng tay – Mẹ con chị Liệu bơ vơ ngoài vỉa hè – Những ngày đầu, nhìn cảnh mẹ con chị che hai cái poncho trước hàng rào nhà người quen, cô Agnès Anh Đào, đầu đường Cao Thắng – Hồng Thập Tự, để trú ngụ qua ngày. Tôi thương mẹ con chị quá đỗi, nhưng chẳng biết làm gì hơn là khóc, thương bạn, thương cho thân phận chúng tôi. Thương cho cả miền Nam bị vùi dập, cướp đoạt tàn khốc, cái gáo dừa cũng trở thành vật quý. Nhưng thật may mắn cho mẹ con chị, khoảng chừng hai tuần thì chị đã được bà chị chồng ra tay cứu, cố gắng thu xếp để chị em con cháu cùng trú ngụ trong căn nhà của chị ở đường Nguyễn Thông, nếu không thì bắt buộc mẹ con chị phải đi kinh tế mới theo lệnh của “cách mạng”.

Chị Liệu bị đánh tư sản, tôi cũng bị hụt hẫng, đành phải xoay sở cách khác. May mắn khu phố tôi ở, gần nhà có cô Loan, chồng là trung uý, cũng đang ở trong trại tù. Loan biết tôi đang bối rối lo cho việc mưu sinh của gia đình, Loan đã đến nhà rủ tôi lên Long Khánh mua mít, đu đủ, khoai lang, hoặc bất cứ thứ gì có thể kiếm được chút lời, để lo bữa ăn cho các con là chị em chúng tôi mua về Sài Gòn. Trước khi cùng đi với Loan, tôi hỏi:

– Đi cách nào?

– Hai chị em ra ga Hoà Hưng sớm, đi xe lửa lên Long Khánh. Bắt buộc phải đi lén, không mua vé, vì muốn mua vé phải có lý do và chỉ thỉnh thoảng mới mua mà thôi.

Loan nói tiếp:

– Chị cứ yên trí, đi với em mọi việc chị cứ theo em, hễ em làm cái gì hoặc em biểu làm gì chị làm theo là có hy vọng trót lọt. Nhưng điều quan trọng là chị tuyệt đối không được quýnh và để lộ vẻ run trước mặt tụi nó là thấy có ăn chừng bảy tám chục phần trăm đó chị!

Đổi đời, tôi mặc nhiên trở thành người đàn bà buôn chui bán lủi. Cách ba, bốn ngày hoặc một tuần, chúng tôi đi xe đạp xuống vùng Bến Lức, Long An, hoặc xa hơn. Những nơi mà xưa kia chỉ nghe chồng nói đã từng đánh vùi đánh dập với giặc. Tới đấy, chúng tôi mua lại vài ký gạo – Không dám mua nhiều hơn 5kg vì nặng và lỡ bị bắt thì kể như cả nhà chịu đói. Đường trở lại Sài Gòn trải qua chả biết bao nhiêu là thiên nan vạn ải. Nhờ trời thương, cô Loan là người tháo vát, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm cách để qua được những con mắt dòm ngó tra xét các trạm canh gác.

Loan ứng xử rất nhanh, tìm ngay đựợc lối đi qua các chốt chặn của công an Cộng Sản. Tôi chỉ việc theo Loan đi vòng sau lưng trạm gác sâu tuốt trong các xóm dân, mỗi lần đi như vậy tôi đã cố trấn tĩnh nhưng cũng sợ đến run rẩy, chân đi tưởng không vững đuợc nữa, thoát thì lời chẳng được bao nhiêu vì mất quá nhiều công sức. Nếu bị bắt, gạo bị tịch thu, đã vậy, trước khi được tha cho về, chị em chúng tôi sẽ phải chịu điều tra đi mua gạo làm gì, tiếp tế cho ai? Ai chỉ đạo việc mua bán này. Có phải do các ổ tàn dư Mỹ Nguỵ chỉ đạo không? Thật là toàn những lời lẽ dẫn đến cái chết hoặc tù đầy. Nhất quyết chúng tôi chỉ có một điều duy nhất là mua về cho các con có chút cơm, ăn độn khoai sắn nhiều quá các con ốm yếu, đau bệnh hoài, không còn sức đi học.

Sau những thuyết giảng, những dạy dỗ mà chính người dạy đã thức hàng chục đêm để học bài, nghe họ nói làm tôi nhớ lại con nhòng của người hàng xóm, con nhòng nói suốt ngày có một câu “Mày không chịu học, cha mày.” nó chửi cả chủ nó..

Dĩ nhiên số gạo tịch thu không làm biên bản, còn kèm theo gói thuốc thì sẽ được hưởng sự cảm thông của đại diện cách mạng tha cho, lần sau sẽ nghiêm cấm. Những lần thoát được, số gạo mang về chia thành từng túi nhỏ, dấu khắp mọi nơi, chỗ nào có thể là dấu.

Sáng tinh mơ, Loan đến nhà khẽ gọi, tôi chỉ kịp cúi xuống hôn con trai út đang ngủ, tất tả cùng với Loan ra ga Hoà Hưng – Hai chị em mắt la mày lét, nhìn ngó chung quanh và vội vã nhập vào với các bà khác cũng đang bương chải để kiếm cơm như chúng tôi. Đồng cảnh ngộ, có bà đã chỉ cho chúng tôi cách qua mặt kiểm soát dọc đường và cách dấu gạo. Đặc biệt nếu bị phát giác thì nhất định không nhận vì thời gian ấy mà đem gạo lên rừng là “có vấn đề” – Bị truy vấn đến hụt hơi, tra nã đủ điều, nguy hiểm hơn lúc mua gạo ở Long An rất nhiều lần. Ngoài ra đâu có phải hễ mang gạo lên được tầu chạy là thoát, chuyện còn lại là làm cách nào phải xuống thật nhanh trước khi tầu vào ga, hàng quăng xuống đã có Loan lo, nhưng tôi vẫn sợ quá chừng – Khóc ở trong lòng mà vẫn phải cắn răng chịu – Trong đầu tôi, sau lưng tôi là hình bóng người chồng và bốn đứa con. Tất cả đang nhìn tôi trong niềm thương yêu chất ngất. Dẫu có hiểm nguy, nhọc mệt bao nhiêu, tôi vẫn phải cố mà đứng, thu hết sức mà đi tới, để lo cho con. Đã gần mười năm chồng biệt mù, bị giam cầm nơi rừng sâu nước độc. Biết có còn sống sót để trở về hay rồi sẽ ra nằm gối đầu lên sườn núi như các bạn anh đã vĩnh biệt cuộc đời – Tôi nhủ với chính mình, phải ráng cố hết sức mình để lo cho các con và tôi cũng hiểu rằng trong tận cùng linh cảm anh đang tin ở vợ mình.

Người dân Long Khánh kể từ sau ngày 30 tháng tư 75, gạo thật khan hiếm, nơi này vốn đã là đất của núi đồi, của càphê, của cao su, ruộng lúa dường như không có, nhưng thời VNCH cũng chưa hề bị thiếu. Bây giờ, gạo là mặt hàng quốc cấm, độc quyền của nhà nước cung cấp cho dân theo tiêu chuẩn hàng ngày, hàng tháng, đề phòng lọt vào tay kẻ xấu. Chuyển vận gạo là mặt hàng chiến lược sẽ do nhà nước trách nhiệm, nhân dân không phải lo. Tiêu chuẩn của mỗi người cũng sẽ được tính toán kỹ lưỡng không để lãng phí .v.v. Nhờ thế chúng tôi bán lén vài ký gạo, lấy tiền mua trái cây như mít, đu đủ, khoai lang, củ mì đem về Sàigon, xẻ, luộc bán lẻ kiếm chút tiền lời nuôi con. Trên đường theo xe lửa trở về tương đối dễ dàng hơn, tuy nhiên Loan và tôi cũng vẫn tìm cách tránh tối đa việc bị chặn lại để đóng thuế. Mỗi lần đi Long Khánh về như vậy, tôi lại nhìn các con với dòng nước mắt – Ai xui tôi đến nỗi này. Từ thuở còn là trẻ nít đi học, cho tới lúc lớn khôn, đi lấy chồng, tôi cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, cũng nhiều thiếu thốn, khổ, nhưng đâu đến nỗi phải choài đạp, bơi trong khốn khó như thế này. Nỗi cay nghiệt, tàn nhẫn của cuộc đổi đời.

 

Sài Gon mưa đã hai ngày rồi, tôi không thể đi Bến Lức, Long An hay Bình Chánh – Cô Loan đi thăm nuôi chồng trên trại Bù Gia Mập, miệt rừng Phước Long, biên giới Việt Miên chưa về. Thật ra nếu trời không mưa, vắng cô Loan tôi cũng đành nghỉ, không dám đi một mình, đi Bến Lức hay lên Long Khánh với tôi vẫn là nỗi sợ hãi. Tôi xoay qua làm một ít chả giò chiên, đem ra chợ bán, nhưng mẹ tôi đã nhận phần giúp:

– Mày ở nhà lo vệ sinh cho mấy đứa con, lo cho chúng nó ăn rồi nghỉ, để mợ đi bán cho, mợ quen nhiều ngoài chợ, bán mau hết.

Nhìn mẹ cắp cái thúng đựng chả giò bước vội ra đầu ngõ. Tôi thương mẹ, thương cha. Bao lâu rồi tôi vẫn chưa ra khỏi đựơc vòng tay chăm sóc của cha mẹ, dù rằng tôi đang là mẹ của bốn đứa con nhỏ. Tôi thầm gọi mẹ trong nghẹn ngào: “Mợ ơi, con còn làm khổ mợ đến bao giờ nữa?”.

Lấy thư của chồng ra đọc tới lui vài chục lần, có bấy nhiêu chữ khô như khúc củi nỏ “Em ra thăm anh nhé, nhờ cách mạng quan tâm, anh và các bạn được cho giấy phép gởi về, em mang lên phường để xin giấy đi đường thăm anh ngay nha. Anh vẫn học tập tốt?”. Chẳng lẽ chồng tôi lại khô cằn, chỉ có bấy nhiêu chữ cụt ngọn vậy sao? Trơ cứng đến lạnh ngắt thế ư! Nhớ chồng, và buồn lo đến quẫn trí. Tôi phải làm gì bây giờ, cách nào để mua vé xe, mua đồ thăm nuôi chồng. Cầu cứu ai đây. Cậu mợ tôi thì còn gì nữa để cầu, Chiếc máy ảnh của bố đã bán và trở thành phí uổng cho chuyến đi vô vọng vô duyên. Tôi làm sao đành mở lời với cha mẹ, gánh nặng đùm bọc mấy đứa cháu đã oằn vai, đã cạn kiệt khả năng rồi

Có lẽ thấy tôi thở dài nhiều, bố từ trên gác xuống hỏi:

– Phuơng, có gì đó con. Mày làm sao vậy?

Tôi đưa thư cho bố:

– Thư anh Khanh đây cậu, anh nhắn con ra thăm. Có giấy phép của trại gởi kèm nữa đó,cậu.

Đọc xong, đưa trả thư cho tôi. Bố lặng lẽ choàng áo mưa mở cửa, đạp xe đi đâu đó.

Tôi nhẩm tính mọi chi phí cho chuyến lên núi để tìm chồng lần thứ hai, mua vé xe lửa, mua các thứ đồ ăn khô, thuốc phòng, chữa bệnh của anh (đau bao tử, Vitamin B1..), chắt chiu cũng phải hơn một ngàn, chưa tính đến những chi tiêu nhỏ dọc đường, tôi sẽ phải có khoảng từ ngàn rưởi đến hai ngàn đồng trong túi.

Tạ ơn Trời, tạ ơn Tổ tiên, tạ ơn ông bà đã độ cho tôi gặp được cứu giúp vào lúc cùng quẫn nhất, bi đát nhất. Chiều hôm đó bố mẹ tôi cùng trở về nhà một lúc, vừa đặt cái thúng xuống mẹ tôi đã nói:

– Con Phương đâu ra đây, chả giò mày làm ngon quá, còn lại một chục cái đây này, đem cho cháu tao ăn – Tôi chưa kịp nói mẹ đã tiếp – Buổi trưa, buổi chiều, mợ đi một vòng đến nhà mấy đứa em mày và ghé nhà cô Tuý (em gái út của bố) thăm cô và nói về vụ mày có giấy đi thăm nuôi thằng Khanh ở Thanh Hoá, kêu gọi chúng nó phụ giúp được chút nào hay chút đó – Nè, cô Tuý cho con 250 đồng, cô vét đáy túi rồi đấy. Mấy đứa kia chúng nó sẽ mang đến sau. Con H. sẽ mua cho ba kí mì vụn và một ký đường thẻ, cộng chung với các thứ mấy đứa em khác cho, đem ra cho nó con ạ. Tội nghiệp, gần mười năm rồi chẳng biết nó ra làm sao.

Bữa cơm chiều, con trai út của tôi vui hơn hẳn mọi ngày vì có thêm món chả giò . Nhìn nét mặt hớn hở của con, tôi thấy xót. Miếng chả giò chấm chút nước mắm với cháu dường như được ăn bữa cỗ, riêng hai chị nó thì trầm lặng, ít nói. Tội nghiệp các con! Hạnh phúc giá rẻ đến như vậy sao? Mấy cái chả giò đem đến cho các con khoảnh khắc hân hoan, nhưng là nỗi đau chảy máu trong lòng mẹ. Buổi tối, bố mới gọi tôi lên gác để nói chuyện:

– Cậu không còn gì để cho con như lần trước, nhưng trưa nay cậu đã đến nhà chú Ngọc – bạn cùng làm trong Toà Đại Sứ Mỹ với cậu, kể chuyện của con cho chú nghe và định liều mượn chú vài trăm cho con.

Cậu còn đang ngại chưa tiện mở lời thì chú Ngọc đã nói với cậu:

– Em sắp được đi Mỹ theo ODP, cuối tháng sau anh ạ. Anh em mình chẳng biết bao giờ mới được gặp lại. Em có chút đỉnh nhờ anh đem về giúp cho cháu, cũng chẳng bao nhiêu đâu anh, em tặng cháu 500 đồng. Cậu mừng cho con và thật là cảm kich tấm lòng hào hiệp của chú Ngọc. Vậy, trước khi thăm chồng, con đi với cậu đến thăm để cám ơn và chào từ biệt vợ chồng chú Ngọc con nhé!

Nói gì với cha mẹ và cách nào để tả hết được nỗi lòng tôi đối với tình yêu của cha mẹ đã dành cho. Bốn chục tuổi rồi, vẫn là đứa con nhỏ, vẫn làm phiền cha mẹ, tôi ôm lấy bố mà khóc ngọt, hai đứa con gái, ngồi kế bên cũng xúc động, khóc hùa rấm rứt. Một đồng cho tôi lúc này, ơn nghĩa cũng to như núi, huống chi tiền trăm.

Mọi chuyện rồi cũng hanh thông, các em tôi, mấy bà chị chồng, tất cả cùng ra tay giúp đỡ. Gom lại thì đồ tiếp tế tạm đủ chỉ còn thiếu tiền thôi. Nhưng người giải quyết vấn đề cho tôi thật bất ngờ lại chính là hai con gái của tôi. C ác cháu dấu tôi, lặng lẽ đến nhà dì (em gái kế tôi ) nhờ bán giùm sợi giây chuyền vàng y mà bà nội tặng cho cháu lớn dịp sinh nhật bốn tuổi, cháu thứ hai thì bán đôi bông tai cũng của bà nội cho. Thật lòng, bao lâu nay tôi đã quên không để ý gì đến các tặng vật của các cháu vì thường vẫn cất để dành, đợi các cháu lớn mới cho đeo.

Hai cháu nói với tôi:

– Chúng con chưa cần vàng, mẹ rất cần tiền để đi thăm bố. Khi nào bố về, làm có tiền tụi con sẽ xin mẹ đánh cho cái khác.

Tôi sững người, tê liệt ý nghĩ, giây lát sau la hai cháu:

– Ai cho phép các con làm việc này. Mẹ không bằng lòng cho các con bán vật kỷ niệm của bà nội tặng.

– Mẹ à, tụi con xin lỗi mẹ. Hai chị em con 14 và 12 tuổi rồi. Chúng con cũng biết suy nghĩ mà mẹ. Giữ của mà phải dấu, lúc nào cũng sợ. Bây giờ mẹ đang cần tiền đi thăm bố. Chị em con bán để gíup mẹ giải quyết, không phải phiền lụy người ngoài thì có sao đâu mẹ.

Tôi dang tay ôm gọn hai con gái vào lòng trong thương cảm tràn dâng.

Việc sắp xếp cho chuyến đi coi như đã đủ, cộng chung tiền mặt thì có thể dư chút đỉnh, nếu trên dọc đường không bị vướng mắc, gây thêm tốn phí. Tôi dự tính mọi chuyện sẽ được xuôi lọt như đang diễn ra, chỉ còn phải lên phường, quận xin phép nữa là xong. Hôm sau, tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ giấy tờ cần phải chứng minh về sự chính xác của tình trạng gia đình, tình trạng cư trú hợp pháp, hợp lệ….v….v.

Đến phường trước cả giờ hành chánh, có lẽ nôn nóng nên tôi đến sớm nhất, cửa văn phòng chưa mở, nhưng tôi cũng chỉ đựơc gọi tên lúc đã 11 giờ 35 phút, vào gặp cô thư ký phụ trách ký xác nhận, viết vài dòng giới thiệu lên quận, sau khi đã kiểm soát, soi lên ánh sáng, đọc tới lui vài lần. Nhưng cô không ký, đặt xuống mặt bàn các giấy tờ, mẫu đơn của trại cải tạo gởi về. Cô ngước nhìn tôi cẩn thận từ ngọn tóc trở xuống, hỏi:

– Mẫu đơn thăm nuôi này chị lấy ở đâu?

– Tôi nhận được từ thư của chồng tôi và được trại cải tạo cho phép gởi về.

– Ai cho phép chị tự ý điền đơn này?

– Ủa, chính chú Tâm, công an khu vực đến nhà chỉ cho tôi cách điền đó cô. Có sao không, bộ sai rồi hả?

– Đáng lẽ chị phải mang lên đây, tôi chỉ cho chị điền trước mặt tôi hiểu không!

Muốn cho êm chuyện, được việc tôi phải nhún:

– Vâng, xin lỗi cô, tại chú Tâm biểu tôi điền vào trước đặng khỏi mất thì giờ của cô.

Ngẫm nghĩ giây lát, cô Út (bảng tên để trên bàn) xoay tôi qua chuyện khác:

– Chị có đi họp hay sinh hoạt tổ phụ nữ không? Ai là tổ trưởng phụ nữ tại khu phố chị?

– Cô ơi, tôi lo kiếm cơm nuôi bốn đứa con nhỏ quần quật từ 4 giờ sáng đến tối mịt mới về, đâu còn thì giờ nữa cô. Tôi cũng đã nói với chị Sáu Méo để thông cảm rồi mà.!

– Chị nói cái gì ai là sáu méo? Chị Sáu là cách mạng mà chị nói thế là không được.. Coi rẻ tên người ta. Chị Sáu đã phản ánh lên cho tui hết trơn rồi, chị hiểu không. Không sinh hoạt, không họp tổ phụ nữ là do chị cố tình hiểu không. Bây giờ chị cầm giấy tờ đi về, 3 giờ chiều mai, chị lên đây tôi sẽ giải quyết chị hiểu không..

Bước ra khỏi phường tôi vừa giận vừa tủi thân.

– Con ranh con, chỉ đáng là…. mà nó hoạnh họe mình, như lấy khẩu cung cái gì cũng hiểu không, hiểu không nghe ứa gan. Đành vậy chứ biết sao bây giờ . Lủi thủi đi về với cục nghẹn trong lồng ngực.

Hôm sau, tôi được cô Út thư ký cho ngồi chờ từ 3 giờ đến 5 giờ, đúng giờ tan tầm mới ký, viết cho mấy chữ để lên quận, cô cũng không quên răn đe:|

– Đi thăm chồng về, chị phải tích cực tham gia sinh hoạt tổ dân phố, hoạt động tích cực với tổ phụ nữ địa phương nha. Chị chưa chịu tiến bộ, làm sao chồng chị học tập tốt, lao động tốt cho được, càng cải tạo lâu thôi.

Tôi mừng thật nhiều, vì sau rốt tôi cũng đã được chấp thuận đi thăm chồng và tôi cũng nhận ra rằng nhất cử nhất đông của tôi đều được người đàn bà bán chiếu dạo có tên gọi Sáu Méo, bây giờ là tổ trưởng phụ nữ đều báo cáo lên thượng cấp của chị ta.

Lên quận, tôi không gặp ai trong chuyến đi năm ngoái, nhưng lại có duyên với mấy bạn đồng hành mới, các chị vợ anh Khai, vợ anh Lạc và bà vợ ông Bột. Các chị này đã được gặp chồng một lần tại trại 5 Lam Sơn, nên họ tỏ ra tự tin và rành rẽ. Tôi cũng cảm thấy yên lòng vì đã có các chị làm cố vấn. Lần xin giấy này cũng được nhanh hơn, cởi mở hơn là nhờ bốn gói thuốc Jet.

Nếu ai có trải qua cảnh chờ đợi mới thấy ngày giờ dài như thế kỷ. Chúng tôi đến ga xe lửa Hoà Hưng mua vé nhưng trễ mất nửa ngày, phải đợi hai bữa mới có chuyến tầu chợ Bắc Nam và ngược lại

Chuyến tầu chúng tôi đi lần này tương đối sạch và thoáng, vì không có các loại hàng gia súc như heo, gà, vịt hoặc hàng nặng mùi như mắm, chỉ có mùi người mùi vải mùi quần áo cũ….. Chúng tôi gom đồ đạc, cùng ngồi chung với nhau trong một góc toa, chia nhau thức, ngủ, để canh chừng kẻ cắp. Chợt nhanh, tôi nhớ lại cũng trên chuyến đi lên núi tìm chồng một năm trước, mấy chị em chúng tôi, có chị Đỗ văn Nhĩ hăm hở chỉ muốn bay thật nhanh đến với chồng, mong cho tầu chạy mau hơn để được nghe tiếng nói, tiếng cười của chồng. Vậy mà, gẫy gánh chia lìa. Nỡ nào chồng bỏ vợ con để gởi xác nơi đồi hoang xứ lạ, đành lòng để vợ quay về trong bơ vơ, cô đơn cùng cực. Nỗi mất to như núi, lớn như rừng. Đã tưởng chị cũng phải nằm lại nếu không có bạn đồng hành phụ giúp, an ủi.

Sau ba ngày đêm, chuyến tầu chợ đã đến Thanh Hoá, vào ga lúc gần 10 giờ 30 sáng. Nhìn qua cửa sổ, cảnh vật tiêu điều, không khí đẫm ướt, ga ướt, đường ướt, những cây cau ở xa cúi đầu rũ rượi trên sân nhà. Cả thành phố còn sũng nước. Thình lình một bà đứng kế bên tôi lên tiếng:

– Tui nghe đài, trận bão số 8 này lớn lắm. Thanh Hoá bị nặng, lụt hư hết trơn hoa mầu, nước mới rút tuần trước đó chị. Chị Lạc và Khai tỏ ra lo lắng:

– Vậy trong Lam Sơn có sao không chị?

– Lam Sơn nào? À tui hiểu rồi, trại 5 cải tạo Lam sơn hả? Tui không rõ nhưng trại ở trên vùng cao, chắc hổng sao! Coi chừng đường còn ngập à nhe.

Bất chợt chị ta ghé tai chị Lạc:

– Mấy bà đi tìm chồng cải tạo phải không? Chồng tui cũng là lính VNCH đấy, ảnh là Phân chi khu trưởng ở miệt Trảng Bàng, đầu hàng chậm nên bị bộ đội bắn chết ngay trước cửa nhà.

Chị Lạc ngây thơ:

– Xin lỗi, ảnh mất rồi, chị đi đâu đây?

– Ủa, chị biểu tui ở nhà đặng mẹ con chết đói hết à. Đó các chị thấy đó, tôi đi hàng chuyến ra tới tận Hà Nội lận, mùa này lạnh, tôi mang chăn mền, quần áo cũ, bán cũng chạy lắm. Có điều hên thì ăn cả, mà xui thì ráng chịu. Nói vậy chứ, nếu lỡ bị bắt thì ráng mà nhét vào bản họng tụi nó thứ gì đó là êm. Nó thả cho mình đi, nhờ vậy các con còn có miếng ăn đắp đỗi qua ngày mấy chị ơi!

Tầu đã ngừng hẳn, mọi người vội vã khiêng, mang vác hành lý, hàng hóa xuống. Chị Bột, người trầm lặng suốt chuyến đi, cất tiếng:

– Khoan đã các chị ơi, để người ta xuống hết rồi tới mình, tầu ngừng ở đây cũng khá lâu đó, chừng một tiếng đồng hồ lận

Gió vẫn còn mạnh, giật từng cơn. Trời lạnh, thời tiết của mùa Thu. Mọi người vội lấy áo lạnh ra mặc, phụ nhau chuyển các giỏ thăm nuôi xuống sân ga. Chúng tôi đã đến đây một lần nên có chút kinh nghiệm. Sau khi đã tập trung đồ đạc vào một chỗ mái hiên nhà ga, tránh bị ướt.,. Vợ anh Khai nói:

– Các chị ngồi đây nha, em tới chỗ quán nước đằng kia thế nào cũng có người đánh xe trâu ra đón.

Chị Khai đi chừng 10 phút đã vội vã quay lại, miệng la lớn:

– Lẹ lên các chị ơi! Xe đợi ở cuối ga đó, ráng chuyển đồ xuống để đi cho kịp các chị.

Hôm nay xe trâu ra đón không có công an đi kèm, chỉ có anh tù hình sự. Anh tự giới thiệu:

– Chào các chị, em là Chiêu – Tù tự giác.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh nói tiếp:

– Em ở tù được 23 năm rồi, bây giờ trại cho tự giác, đi khỏi trại không cần có người theo canh gác.

Chị Khai tỏ ý muốn biết lý do gì mà anh bị tù lâu như thế, Chiêu tâm sự:

– Chẳng dấu các chị, ngoài Bắc này những năm chiến tranh đói khổ ghê lắm, lúc đó em là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp huyện Thiệu Yên, thóc lúa đầy kho, chả lẽ lại để cho vợ con cha mẹ, họ hàng chết đói. Thế là nay xúc vài tạ mai lại một tấn, lâu dần nó hụt không lấp liếm được. Thanh tra nhà nước phát hiện. Em bị kết án tử hình, cải còn chung thân. Bây giờ thì cũng chẳng cần nữa, vợ biến, có ba đứa con vào bộ đội đi B chết cả. Đứa con gái lấy chồng cũng chả biết ở đâu. Tù tự giác cũng sướng các chị ạ, cơm tù, quần áo tù, ra ngoài có khi kiếm được dăm ba chục mua thuốc hút, cũng là phúc đức rồi. Chả mơ tưởng gì nữa.

Nhờ vậy anh đã thông cảm lấy mỗi người 6 đồng (người ta thì lấy đủ 10), cho cả người và đồ đi xe. Nhưng để tránh cho anh không bị phạt thì trên đường đi, tất cả phải đề phòng, nhìn thấy từ xa bất cứ người nào mặc quần áo mầu vàng giống quần áo của công an đi ngược hay cùng chiều, các chị nhảy xuống đi bộ, sau đó lại tiếp tục lên xe.

Mặc dù anh hình sự đã thúc dục con trâu hết cách, đánh túi bụi để nó đi nhanh, nhưng đường vào quá xa, không thể đến kịp trong ngày. Chúng tôi dừng lại bên phà sông Chu, kiếm chỗ trọ qua đêm. Anh tự giác đưa xe trâu về công an xã để ngủ.

11giờ 30 phút sáng hôm sau, chúng tôi đến trại 5 Lam sơn, vào khu tiếp tân, lần lượt làm thủ tục, trình giấy cho cán bộ thăm nuôi xem xét – Tiếp đó chúng tôi được dẫn xuống nhà tạm trú. T rại cho mượn chăn mùng nếu ai không mang theo. Có bếp, củi, nước và nồi xoong để cho ai muốn hâm hay nấu lại đồ ăn cho khỏi bị hư. Chúng tôi đang mừng thầm, may ra chiều nay được gặp mặt chồng vì lúc làm thủ tục không bị phiền hà gì. Cán bộ phụ trách thăm nuôi tỏ vẻ dễ chịu, vui cười. Chúng tôi vội rủ nhau xuống bếp để làm lại đồ ăn. Chẳng ngờ (lại chẳng ngờ) anh tù phụ việc cán bộ thăm nuôi kêu chúng tôi:

– Các chị khoan hãy kho nấu, mau chóng lên tập trung trên nhà việc, để cán bộ quán triệt mấy vấn đề – Nghe lùng bùng lỗ tai. Tôi nghẹn thở – tim đập dồn nhịp. Mấy chị kia cũng không hơn gì, mặt tái xanh, ngơ ngác nhìn nhau

– Chuyện gì nữa thế này. Nếu lại chuyện trời ơi như lần trước, chắc là tôi sẽ đổ xụm mất thôi. Bao nhiêu là tháng ngày đằng đẵng, đi cả hàng ngàn cây số đến để cho họ đổ nước đá lạnh vào mặt. Nhớ lại bộ mặt của anh cán chấp pháp, tôi chùn chân không muốn rời khỏi nhà bếp.

Tập trung tại nhà việc (văn phòng thăm nuôi) ngoài bốn người chúng tôi, có thêm hai người nữa là vợ anh Tâm (KQ),vợ anh Xứng (BB). Mọi người ngồi dọc theo hai bên cái bàn dài – Cán bộ thăm nuôi nói chuyện – không phải cán xác ướp chấp pháp, tôi cảm thấy hơi thở đã nhẹ được rất nhiều. Nội dung câu chuyện cũng đậm đà như nồi ốc luộc. Quanh quẩn với những chữ: Thay mặt cách mạng, thay mặt ban chỉ huy trại, báo cáo với các chị về tình hình học tập của chồng các chị. Đa số học tập tiến bộ, lao động tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc mặt này, mặt khác, chưa tỏ ra thành khẩn, tự giác trong học tập cũng như lao động… Quán triệt với các chị để các chị động viên chồng phải kiên định tư tưởng, nếu chưa cải tạo tốt thì chưa cần về.

Giời ạ! Thế nào mới là thành khẩn, bao giờ thì mới đựoc coi là tốt. Chắc khi nào ra đồi mì nằm xếp hàng ở đó thì mới là tốt chăng?!! Loay hoay có bấy nhiêu câu, có bấy nhiêu chữ mà cũng làm mất của chúng tôi đúng một giờ mười lăm phút. Trước khi đứng lên rời chỗ ngồi, anh còn buông một câu:
– Tôi nghĩ các chị đã thông, các chị cũng nên hạ quyết tâm cùng với các anh – Nhất trí là phải học tập, lao động cho tốt. Nếu chưa đạt yêu cầu thì việc đoàn tụ thấy chưa cần thiết phải không các chị.

Trong lúc chờ được gặp chồng, tôi nhìn qua khoảng sân nhà thăm nuôi, mấy bụi chuối, hàng cau còn đang rã rượi, những mái nhà tranh phía xa cũng ủ ê như nỗi u uẩn của tôi bây giờ. Vạt mây đen bay xà trên ngọn cau làm tối thêm khoảng không gian chật hẹp, nhìn đồng hồ đã 4 giờ chiều của ngày đầu đến nơi này. Chúng tôi lại rủ nhau xuống bếp tiếp tục công việc hâm lại thực phẩm cho chồng được tươm tất, tránh hư thiu.

 

– Các chị chuẩn bị đi, chừng 20 phút nữa, các anh ấy sẽ ra đến đây, anh Trung (phụ việc cho cán thăm nuôi) báo cho chúng tôi biết.

– Ai được thăm trước, anh?

– Cả bốn người, ông cụ Bột, các anh Lạc, Khai, Đỉnh cùng được gặp vợ một lúc.

Hồi hộp, mong ngóng, ai cũng ráng rướn cổ nhìn ngó về phía những căn nhà địa ngục, coi xem chồng mình đã đựoc dẫn ra chưa. Một chiếc xe cải tiến (xe ba gác được sửa lại cho gọn, để vừa sức một người kéo) do ba người đang lom khom kéo, đẩy về phía nhà thăm nuôi. Chị Khai nhìn thấy chồng đầu tiên, reo nhẹ:

– Ông xã em đang kéo xe đó.

Chị Lạc cũng reo nhỏ:

– Chồng tôi đang đi bên trái xe kìa!

– Ủa, chồng tôi đâu, trên xe ai đang nửa nằm nửa ngồi thế? bà cụ Bột la nhỏ.

Anh Trung nhắc nhẹ:

– Ông cụ Bột đấy! Bệnh nặng lắm. Các chị giữ trật tự, cán bộ cúp thăm là khổ, còn chồng chị đang cắm cổ đẩy phía sau đó, chị Đỉnh.

Xe bị lún xình. Ba người “khoẻ mạnh” dìu ông cụ Bột ra khỏi xe, đi từng bước chậm, nhọc mệt vào nhà thăm nuôi.

– Các chị nghe đây! Tiếng nói cùng với tiếng vỗ tay lốp bốp – Để tranh thủ, trại quyết định cho cả bốn chị được gặp chồng, đúng quy định thời giạn 15 phút. C ác chị không được nói bất cứ điều gì vi phạm nội quy, có tính bôi bác, chỉ nên nói chuyện bình thường thôi. Nếu ai vi phạm, tôi sẽ cắt thăm ngay. Riêng đồ tiếp phẩm, các loại như rượu, cồn đốt, chất cháy, chất nổ là tuyệt đối cấm. Những thứ khác như thức ăn trại linh động cho nhận, thứ nào nhiều quá thì được một nửa . Các chị có ý kiến gì không? Không hả! Vậy ta tiến hành công tác thăm nuôi. Tôi bố trí như sau anh Bột ngồi bàn do đ/c Na phụ trách, anh Lạc bàn đ/c Hùng, Anh Khai bàn của đ/c Cộng, còn anh Đỉnh ngồi bàn cuối kia, tôi phụ trách.

Tôi cố nén xúc động khi nhìn người chồng yêu dấu tàn tạ đến không tưởng đựơc, thân hình khẳng khiu, bước đi lênh đênh như muốn bay theo gió. Ngồi đối diện với chồng, muốn nắm tay chồng nhưng bàn rộng không với tới. Anh nói thật nhanh:

– Em đừng khóc, nói cho anh nghe bên ngoài, gia đình mình như thế nào. Cậu mợ ra sao, mẹ, cô Hải, chị Viễn ở Mỹ Tho có liên lạc thường xuyên không (ý nói những người hiện đang Mỹ) – Tôi chỉ biết gật gật, tự nhiên tắc tiếng.

Tất cả những gì gọi là nhanh nhẹn, tháo vát của người lính đã bị hư hao, mòn gẫy. Tôi nhớ đến câu của tên bí thư phường, nơi tôi ở đã nói trong một buổi học tập “chính sách đối với những thành phần cần phải cải tạo”,- Những đối tượng này cho dù có ngoan cố đến đâu, bằng các này cách khác, cách mạng nhất định bắt chúng nó phải khuất phục, đầu hàng giai cấp – Bây giờ, nhìn người chồng yêu dấu và các đồng đội của anh, đúng là thể chất đã, đang bị khuất phục rồi! – Chỉ còn tinh thần, tôi có thể tin tưởng chẳng dễ gì chúng nó quật ngã được các anh. Trước lúc gặp mặt thì bao nhiêu chuyện muốn nói muốn kể cho chồng nghe, giờ đây trôi lấp đi đâu mất cả, vả lại có muốn nói cũng không được với đôi tai, đôi mắt của loài chim ăn đêm đang dòm ngó bên cạnh, chỉ ngập ngừng được mấy chữ, cả nhà khoẻ mạnh, con học giỏi lắm, cu Giang đã lên trung học rồi. Thương anh quá, nhìn từng sợi tóc trên đầu, trắng hết rồi anh ơi….! Tôi muốn la thật to: “Chúng nó hành hạ anh khốn khổ cơ cực đến như thế này mà còn chưa vừa lòng hay sao?”

Đã hết giờ thăm, các chị giao quà cho chồng để các anh còn vào trại. Đề nghị các anh đứng lên không quyến luyến. Khẩn trương!

Nhìn theo chồng cùng các bạn lúi húi kéo, đẩy chiếc xe ba gác, ông cụ Bột ngồi trên cùng với mấy cái giỏ đệm đựng đồ ăn. Bóng dáng chồng tôi xoãi chân đẩy trong lúc hai anh Khai, Lạc cũng như hai con tôm, cong lưng kéo mỗi người một càng lôi chiếc xe xa dần trên con đường bùn đỏ vào nhà ngục – Nước mắt lại rơi ……..

 

Năm 1992, tôi đi chợ Bà Chiểu, tình cờ gặp lại bà cụ Bột, hỏi thăm, được biết: Đúng một tuần sau bữa được thăm nuôi, ông cụ Bột qua đời. Hỏi: Chết vì bệnh gì ? – Kiết lỵ, không thuốc chữa, thành kinh niên, bị lủng ruột mà chết..!!!

Trần Thị Đông Phương

304Đen – llttm -tvvn

Thursday, January 28, 2021

Sông Ông Lãnh - Hồ Biểu Chánh

 

Sông Ông Lãnh (Sài Gòn 1952)

 



 

Tây đặt cho nó cái tên rất ngây ngô là “Rạch Cắc chú” (Arroyo chinois).Tôi muốn ít lắm nó cũng được gọi là Lạch Bến Nghé cho dễ nghe và cho gợi ý.Có người kêu nó là kênh Tàu Hủ.

Bình-Nguyên Lộc

 

Nhưng mấy anh bạn ghe thương hồ kêu nó là Rạch Ông Lãnh, hay Sông Ông Lãnh. Tên sau đây có lẽ là tên vĩnh viễn của nó bởi vì đó là cái tên của dân chúng đặt ra, chớ không phải của tác giả của một quyển địa dư nào hết.

Thủ đô miền Nam là một thành phố mới. Cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người.

Nhưng trong tình cảnh thiếu thốn bản sắc riêng ấy, may thay, Sài Gòn còn được con Sông Ông Lãnh…

Con sông con thân mật, đứng bờ bên nầy hú một tiếng là bên kia nghe liền…

Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới…

Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai vào Bến Nghé, Đồng Nai thì vào.

Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sài Gòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú.

Có ai nhìn thấy đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt? 1

Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoan thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.

Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.

Con sông đặc biệt Á Đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.

Nên chi, đi xa mười năm, vẫn nhớ Sài Gòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao, vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẳm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào thành phố. Chị nhà quê nầy chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị.

Sông con ơi, Sài Gòn làm đỏm làm dáng mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao.

Quà đêm trên sông Ông Lãnh (Sài Gòn 1960)

Nếu ban ngày con sông Ông Lãnh rộn rịp sanh hoạt với những ghe thương hồ chở khẩm lừ trái cây và các thứ hàng hóa khác, thì về đêm, một sự sống âm thầm nhưng không kém linh động, nổi lên trong khi người ta ngỡ con rạch ngủ yên.

Ở đây không có xe hơi, không có rađiô, không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh hồn của nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng thành nhạc.

Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bóng một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên : “Ai… chè đậu… cháo cá… hông ?”

Bất giác ta bị đẩy lùi về thế kỷ trước và câu ca dao:

Bắp non mà nướng lửa lò,

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

như được một người bình dân nào bập bẹ cho nó thành hình, chập chững lần dò, bỏ một tiếng, thêm một lời, để tỏ tình gián tiếp với cô bé chèo thuyền có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc.

Khách hàng dưới sông phần lớn là dân quê, những trạo phu của ghe thương hồ. Vì thế quà ở đây cũng nấu theo lối quê, thật thà nhưng đậm hương vị. Cháo cá ngọt cái chất ngọt của cá đen ở đồng chớ không phải ngọt ngay nhờ bột ngọt hóa học như cháo trên bờ. Mùi thơm của chè đậu trắng gợi nhớ mùa chè cúng đưa ông Táo ngày hăm ba Tết ở làng xa.

Lối bán hỗn hợp hai thứ quà mặn ngọt này cũng là làm theo truyền thống nhà quê. Trên phố, người ta bán cháo cá vào giấc sáng, thỉnh thoảng về đêm; chè đậu luôn luôn bán buổi trưa từ 11 giờ đến hai giờ.

Quà trên sông Ông Lãnh luôn luôn nóng hổi, vì bếp lửa khỏi phải gánh nặng nề, nên các nồi quà được nằm mãi trên cà-ràng cho đến khi vơi tới đáy.

Ai đã ăn món xu xoa mật đường hạ trên kinh Tàu Hủ vào mùa nực chưa ? Đường hạ đen sản xuất ở Biên Hòa tiết ra một mùi thơm đặc biệt mà đường cát trắng không có được. Khi thứ đường hạ ấy được nấu thành mật để ăn bánh đúc hoặc ăn tàu hủ (óc đậu), xu xoa, thì hương vị của nó càng đậm đà hơn.

Ta cứ nghe như là phảng phất đâu đây mùi đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò, với tiếng rít ghê rợn của các “ông che”.

Món xu xoa (thạch xoa) giống như vải may áo mưa không thể thấm mật. Tuy thế mật đường hạ vẫn cố len lỏi xâm nhập vào các mảnh quà ấy, thứ quà trơ trẽn không hương không vị, để giúp cho ta nuốt cho trôi món giải khát đặc đó. Trên bờ, ăn xu xoa với đường cát khô, nghe như là hai món riêng rẽ ra, cổ họng nhám ồ những kết tinh đường chưa tan.

Một văn hữu miền Bắc, khi mới vào Sài Gòn, cách đây bảy năm, đã lấy làm ngộ nghĩnh cho lối bán quà và rao quà của người miền Nam.  Anh bạn thích nhất là món bột khoai…

Đó là thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới, từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món ăn dùng để nấu thức ăn mặn như là bún Tàu (miến), nấm mèo (mộc nhỉ), vân vân… Thật là hằm bà lằng, xà ngầu.

Đặc biệt nữa là khi rao quà, họ kể hết các món ấy ra :

Ai… ăn bột khoai, bún Tàu… đậu xanh, nước dừa, đường cát… hôn ?

Bản nhạc đêm trường ấy, từ mười năm nay, trên bờ không ai được nghe nữa. Theo nhịp sống cấp tốc hiện tại, các chị bán quà trên bờ đã rao tắt : “Ai… bột khoai?” Nhưng kinh Tàu Hủ cứ còn giữ truyền thống cũ, và trong cảnh vắng lặng ở đây, nhạc điệu câu rao được khởi sắc lên nhiều.

Khối người đã đẻ ra bản Vọng Cổ, cố nhiên là phải xuất sắc trong việc nhạc điệu hóa một câu văn xuôi rất dài, và nghe những tiếng kể món hàng một cách ngọt xớt ấy, tự nhiên bắt thèm chè bột khoai, không cưỡng được nữa.

*

Từ mười mấy năm trước, chiến tranh đã đẩy lên Sài Gòn nhiều nữ trạo phu chuyên chèo xuồng bằng hai cây chèo một lượt. Trước kia chỉ ở Hậu Giang người dân mới biết chèo lối đó thôi. Dân Sài Gòn và dân miền Đông ít khi được thấy xảo thuật ấy.

Cô bán bánh canh cá nầy, chắc lúc trôi dạt đến đây, chỉ lên mười là cùng. Bây giờ cô đã hăm lăm và xử dụng hai cây chèo bằng một tay thầy.

Nhưng khách thương hồ không mê lối chèo choáng cả lòng sông của cô, không mê lối đẩy mông đá cẳng của cô mỗi bận cô cất hay hạ mái chèo đôi, mà chỉ nghiện hương hành lá tươi của nồi bánh canh cá trên xuồng của cô.

Dân Sài Gòn quả đã bỏ mất hết khiếu tế nhị trong việc ăn uống. Người ta nấu bánh canh giò heo cho họ mà họ cứ im lặng nhận lấy, không phản đối bao giờ. Không, món bánh canh phải nấu bằng cá rô, hay tệ lắm bằng cá lóc. Cũng không được phép gia vị bằng hành tây. Chỉ có hành hương (tên là hương mà lại) trồng ở thôn quê, mới bốc hương lên khi được thả trôi trên nước bánh canh sôi ùng ục.

Bánh canh của cô hàng hai chèo là một món quà “thống nhứt”: nước, bánh, cá, hành, tiêu, cả bốn thứ đoàn kết với nhau để biến thành một khối duy nhất có mùi vị riêng biệt khác với mùi của từng thành phần, các mùi vị ấy nương tựa lẫn nhau; thiếu một cái, không xong, đồng đội xung phong lên công kích các hạch nước miếng của khách đêm. Thật là khác xa với bánh canh giò heo trên bờ, ngọt như chè, và bời rời bánh ra bánh, nước ra nước, thịt ra thịt !

*

Pánh pò, pánh tiu, dò chó quẩy?2

Chú khách nầy bỗng dưng đổi cung đàn. Đây là khúc nhạc “Bát man tấn cống”, tám chú man rợ đến dâng “con quỉ chết trôi”1. Giọng rao man rợ mà món quà cũng đặt tên một cách gợi buồn nôn.

Tuy nhiên nên nhớ rằng sự phồn thịnh của Sài Gòn là do người Hoa kiều dựng lên, cách đây một trăm năm và Kinh Tàu Hủ là cái nôi của sự phồn thịnh đó.

Chú khách bán pánh pò dò chó quẩy nầy gợi lại hình ảnh một cuộc phôi thai kinh tế, không có chú ta thì nhạt cả màu sắc địa phương đi.

Những đêm mưa dầm, các xuồng quà biến mất hết, duy chỉ có chú ta là đứng vững trong phong ba với chiếc tam bản mũi bằng theo lối tàu của chú.

*

“Kẹo đậu phộng trà Huế hông?” Ông già rụng răng nầy rao nghe còn dở hơn chú Khách trên. Nhưng người ta cứ mong lão tới.

Họ thích xem lão đưa cao ấm nước trao đang sôi lên, rót trà xuống một tô nước lạnh, lão rót thế nào mà bọt dâng lên còn nhiều hơn là bọt bia, không khát nước, trông thấy cũng cứ thèm.

Thích nhứt là xem lão ta uống, không biết bao tử lão bao lớn mà hễ khách quen thách uống là lão tự pha cho lão, không phải một tô thường, mà một tô con rồng thứ tô sứ giả sản xuất ở Lái Thiêu cách đây bốn mươi năm mà ngày nay ít gia đình nào còn giữ được.

Tô ấy to bằng năm tô thường. Lão ta uống một hơi, không nghỉ để thở lần nào cả. Những người biết lão nhiều, kể rằng lão có tài ăn năm mươi chiếc bánh trôi nước có nhân, rồi uống liên tiếp hai tô nước như vậy.

“Kẹo đậu phộng trà Huế hông?” Câu hát không hay ho gì nhưng nghe yêu đời lắm, vì do miệng một kẽ yêu đời hát lên, kẻ ấy đã ngót bảy mươi rồi và chắc không con cháu, nhưng chưa hề ai thấy lão than thở một lần, đêm đêm quạt lò trà xành xạch, để sống những ngày nhàn như thời Sài Gòn chưa thấy xe hơi, những ngày một miếng kẹo, một tô trà Huế đậm và một miếng trầu, cả ba thứ đều bán chung lại với một giá kinh khủng… một xu.

Bình-Nguyên Lộc

1 Ngày nay cảnh ấy không còn nữa

2 Theo thổ ngữ Quảng Đông, giò chó quẩy là con quỉ chết trôi.

304Đen – Llttm - sgtc