Saturday, July 31, 2021

Anh Ở Đâu - Nguyễn Cang

ANH Ở ĐÂU?















Trăng tàn hè phố vắng chân anh

Lủi thủi đèn khuya bước độc hành

Phố xá ngả nghiêng đường trống vắng

Hàng cây ủ rũ bóng vờn quanh

Dấu chân binh lửa anh liều chết

Biên ải địa đầu pháo nổ “ành”

Cuộc chiến đi qua nhòa ký ức

Mà sao chẳng thấy bóng hình anh ??!

 

Nguyễn Cang (July 19, 2021) 

Friday, July 30, 2021

Người Đi Bỏ Bến Sông Xưa - Nguyễn Đạm Luân

 Người Đi B Bến Sông Xưa




 












Người đi bỏ bến sông xưa

Bỏ con đò nhỏ bỏ mưa phố chiều

Lối về nhà cũ buồn thiu

Quán thưa đèn lụn đường liêu xiêu mờ

Cớ sao vẫn đó cứ chờ

Sóng lao xao vỗ đôi bờ xa nhau

Chờ người như buổi ban đầu

Nhớ đôi tà mỏng trắng màu tương tư

Nón nghiêng che nắng chiều rơi

Ngập ngừng chưa dám ngỏ lời biết thương

Chiều nay bến mịt mù sương

Đò chờ người cũ hồn vương vấn sầu

 

Nguyn Đm Luân

Thương Lắm Sài Gòn Ơi! - vkp Phượng Tím

THƯƠNG LẮM SAIGON ƠI

Xin họa bài PHÔI PHA của Nguyễn Cang

 


 














Saigon nay đã hết xinh tươi

Hòn Ngọc Viễn Đông vắng tiếng cười

Vũ Hán Cô Vi gieo đại dịch

Việt Nam đất mẹ chẳng còn vui

Bao ngày cấm túc sắp qua rồi

Cứu giúp nhau viên thuốc gói xôi

Tương ái tương thân tình nghĩa trọng

Giảm đi đau khổ... nhớ ơn đời!!!

 

Saigon Tháng 7/2021

VKP phượng tím

 

PHÔI PHA

 

Vạt nắng ban mai rạng sắc tươi

Còn đâu rộn rã tiếng ai cười

Người đi bỏ lại tình trăn trở

Tha thiết một thời hỏi có vui

Gió cuốn bèo trôi lạc bến rồi

Câu thề nguyện ước cũng xa xôi

Tình yêu đã nhạt theo màu nắng

Héo hắt trong tôi cả một đời !

 

Nguyễn Cang

(July 23, 2021)


Hạnh Phúc Trong Gương - Quý Thể

 

Hạnh Phúc Trong Gương




 

Tôi đã ngoài bốn mười tuổi không kiếm được vợ cũng bởi nhiều lẽ. Cái “tội” lớn nhất là xấu trai. Điều đó chính tôi còn thú nhận, huống chi mấy cô gái. Tôi khổ nhất là trước khi ngồi trước tấm gương soi lớn cho tay thợ cạo săn sóc mái tóc: Người nghệ sĩ này hí hoáy dao kéo, tông-đơ, khom xuống, ngước lên, xoay qua, xoay lại, tay cầm kéo xấp liên hồi tạo nên khúc nhạc hớt tóc rất vui tai. Cuối cùng, sau khi làm xong công việc. Lão ta ngắm tác phẩm của mình, lắc đầu không vừa ý, thốt: “Cái đầu của ông kỳ quá không tròn cũng chẳng dẹt, hớt thế nào trông cũng cứ méo. Bộ mặt ông lạ lắm, hớt kiểu nào cũng khó coi!”. Từ hồi ngồi lên ghế bây giờ tôi mới có can đảm nhìn vào gương. Trời ơi, lão ta cắt kiểu gì mà mặt tôi dài như mặt con ngựa kéo xe của lão Bộ!

Tôi thuộc hạng dạn dĩ, cũng có đôi lần tôi tỏ tình . Mấy cô gái thường tỏ ra vô cùng bối rối một lúc sau tìm ra lối thoát một cách tế nhị. Các cơ quanh co một lúc rồi nói: “Em rất cảm động và xin cảm ơn anh. Em rất kính trọng anh, nhưng…” Tôi hiểu cái chữ “nhưng” này mang ý nghĩa gì rồi. Lại thêm chữ “kính trọng”. Mấy cô gái thường dùng mấy cái từ kính mến, kính trọng, khâm phục… đối với người quí cô không yêu. Còn đã thích, đã yêu có khi các cô lại dùng chữ nghĩa khó nghe hơn, ví như căm thù, khinh bỉ… chỉ có một người nói lên sự thật đó là mẹ tôi. Một lần nghe tôi xin bà đi hỏi con Lài làm vợ cho tôi, bà nói “Con gái người ta mặt hoa, da phấn. Còn mày người ngợm chẳng giống ai, nó không ưng đâu. Thôi để mẹ kiếm đứa xứng đôi, vừa lứa cho”. Tôi biết mẹ tôi muốn ám chỉ con nhỏ tên là Mi, mắt lé con lão Ba Trạo xóm trên.

Đã thế cái nghề thợ may cổ lỗ sĩ của tôi chỉ vừa đủ ăn. Tôi không có bằng cấp, không địa vị, chẳng có tài văn nghệ, đàn hát, thơ ca gì cả. Cuộc sống của tôi le lói như ngọn đèn dầu giữa phố phường đầy ánh sáng. Hỏi như thế lấy gì hấp dãn phụ nữ? Giang san sự nghiệp của tôi là cái quán may nhỏ. Khách hàng gồm toàn ông già bà cả với mấy người nhà quê. Trong quán tôi có một thứ hiện đại văn minh đó là quyển ca-ta-lô của hãng Sear in mốt quần áo và vật dụng từ mười năm trước, khách hàng của tôi chẳng mấy khi đụng đến quyển sách dầy đầy hình ảnh xanh , đỏ này… Trong tiệm có cái máy may hiệu Singer tróc cả lớp sơn. Nhiều chỗ tôi phải mua sơn về dặm lại, cái bánh xe dùng làm tay quay xi bóng loáng thì nay đã tróc hết cả rồi cón lại thứ sắt đen sì, đầy mồ hôi. Tôi cũng có cái tủ kính nhỏ đựng vài xấp vải trắng và màu, loại hoa hoè theo kiểu nhà quê. Gia tài của tiệm vải tôi, đáng kể nhất là tấm gương dành cho khách thử áo, quần soi. Tôi đặt nó quay ra hướng đường cái, Tấm gương soi này tôi mua rẻ của hiệu uốn tóc làm ăn thua lỗ dọn đi nơi khác. Vì là cái gương của hiệu uốn tóc, một mỹ viện lớn nên người ta chọn gương khá trung thực, không bị méo mó. Trên chỗ tôi ngồi đạp máy may có treo cái đồng hồ Ô-đô, mẹ tôi nói chiếc đồng hồ này có từ đời ông bà ngoại tôi, cũ lắm, có tuổi thọ cả trăm năm, mỗi lần lên dây chạy được một tuần lễ. Tôi thích nó vì mặt số to, đứng xa nhìn cũng thấy. Ngoài ra cứ mười lăm phút nghe tiếng nhạc thời gian rất vui tai.

Qua năm bốn mươi, cái già sầm sập kéo đến. Tôi vạch ra cho mình một kế hoạch “hậu chiến” nghĩa là chuẩn bị cuộc sống cô đơn suốt đời. Tôi chẳng trách số phận hẩm hiu, tôi thả lỏng, buông xuôi không thèm nghĩ ngợi về tình yêu, về gia đình, về người nối dõi tông đường. Thế mà đúng vào cái thời khắc tuyệt vọng đó, nàng đến ! Số phận trêu ngươi ác thật, cứ đợi người ta tuyệt vọng mới mỉm cười !

Đó là một cô gái buổi chiều đi qua trước tiệm may của tôi. Có lẽ cô qua lại nhiều lần, đến lần thứ mấy tôi mới để ý. Lần đó như thế này. Một cô gái trẻ đẹp, về sau nàng càng đẹp hơn lên trong mắt tôi. Mỗi lần đi qua, cô bước chậm, rồi gần như đứng hẳn vài giây. Cô ấy đưa tay sửa lại mái tóc, nhìn vào trong tiệm, mỉm cười. Một nụ cười thân thiện xinh tươi. Lúc đầu tôi không tin nụ cười ấy dành cho mình. Nhưng sau sự việc cứ lặp đi lặp lại mãi, tôi cho rằng ấy không phải là ngẫu nhiên. Tôi lúc đầu còn phân vân, sau thì tin, nàng bước chậm lại là vì tôi, nàng dứng hẳn lại cũng vì tôi, sửa mái tóc và nhất là nụ cười ấy dành cho tôi.

Thế nhưng cuộc sống cũng dạy cho tôi bài học về sự cẩn thận? Có sự nhầm lẫn chăng? Hay là cười với ai ? Còn ai vào đây nữa. Nếu gặp gỡ giữa đường có thể nghĩ nàng cười với kẻ nào đó đứng gần tôi hay ở sau lưng tôi. Đằng này chỉ có một mình tôi ngồi trong quán. Hay nàng lầm tôi với một người nào quen? Cũng vô lý, nếu là người quen cũ thì nàng đã chào hỏi. Nếu không chắc hoặc biết mình lầm thì nàng đã không tiếp tục đi qua và cười. Tôi nghĩ chẳng lẽ cứ dửng dưng với nụ cười thân thiện đó mãi sao? Phải đáp lễ chứ. Tôi không dám đường đột, tôi cho sự trả lễ của mình leo thang từ từ. Đầu tiên là cái nhếch mép, gợi lên hình ảnh mơ hồ về nụ cười. Lần khác tiến bộ hơn, tôi nhìn vào mặt nàng cười nhẹ với cái gật đầu. Lần khác một cái gật đầu chào kính trọng, kèm với nụ cười thân ái.

Ôi cùng với nụ cười đó lòng tôi nở như bông hoa toả ngát hương! Đối với một thằng đàn ông ngoài bốn mươi mạnh mẽ và đầy kinh nghiệm yêu đương thì việc đó quá thường tình. Nhưng tôi chỉ là cậu học trò mới học bài đầu tiên. Tất cả những gì vừa diễn ra đó quá sức chịu đựng của tôi. Trong những ngày ấy tôi sống không phải trên nền nhà tôi, không phải trên mặt đất mà bồng bềnh giống như là trên sóng, dập dìu, lao đao. Người ta gọi yêu là cảm. Tôi đang mắc chứng “cảm” đây. Toàn thân tôi hơi đau, mệt mỏi , rã rời. Nhưng lại là thứ đau đớn dễ chịu. Đem máu tôi ra tìm chắc nhiễm đầy vi rút “Y”.

Thời gian đó ngày nào cũng thế. Nàng đi qua, chậm dần, dứng lại, sửa mái tóc, nhìn tôi mỉm cười. Cái trình tự ấy không bao giờ thay đổi. Nó chỉ thay đổi liều lượng, rõ hơn, mạnh dạn hơn, lâu hơn. Tôi tin chắc sẽ có một ngày nàng bước chân vào quán. Và rồi nàng không sớm thì muộn cũng rụng vào vòng tay của tôi. Mới nghĩ đến đó tâm hồn tôi rung lên những tiếng chuông giáng sinh.

Tôi thầm cám ơn số phận đã đem đến cho tôi cô gái và một mối tình tuyệt vời. Trước đây tôi đã cam chịu cảnh cô đơn, bây giờ tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi soi gương và lấy làm lạ, tại sao lâu nay mình chán ghét khuôn mặt này? Bây giờ tôi nhìn thấy rõ giá trị mình. Tôi không đẹp trai nhưng có duyên. Tôi trẻ trung, khoẻ mạnh, tôi có nghề nghiệp. Tôi còn là người tốt, người lương thiện… tóm lại tôi có nhiều thứ mà người khác không có. Tôi nghĩ, chính là tuổi này, người đàn ông mới đủ chín để mở thực to hàm răng cắn trái hôn nhân chín mọng, tươm mật ngọt lịm.

Cuối cùng tôi thấy cần làm cho sự việc trở nên dứt khoát. Không nên để nàng hoang mang và chờ đợi. Tôi quyết định viết cho nàng bức thư. Đã quyết thì phải làm. Tôi chuẩn bị xấp giấy, ly cà phê đen. Cuối cùng đêm đó gần ba giờ sáng mới được bức thư tôi tạm hài lòng sau khi tôi xé bỏ hơn mười tám lá thư khác. Thư gồm ba phần, một tỏ tình, hai cầu hôn, ba lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp. Tôi sợ mình lưỡng lự rồi đổi ý. Tôi cho ngay bức thư vào phong bì rồi dán lại, tôi viết tên địa chỉ nàng, có được tên và địa chỉ, tôi phải hối lộ cho thằng cha Tạo làm nghề mài dao kéo để lão làm thám tử tư. Không đợi sáng, trời còn mờ tối, tôi đạp xe ra thùng thư công cộng. Tôi dồn hết can dảm nhét bức thư vào khe hở. Giống như con bạc “khát nước” liều mạng đặt hết số tiền cuối cùng.

Thời gian chờ đợi hồi âm đối với tôi chả khác gì bị tra tấn. Điều gì sẽ xảy ra tôi chơi trò tưởng tượng. Tôi vẽ ra không biết bao nhiêu cảnh, tôi viết kịch bản, tôi dàn dựng, nhiều đoạn phim mà vai chính là tôi với nàng. Tôi đóng vai người hùng giải thoát nàng khỏi tụi lưu manh ám hại, như Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga khỏi tay thằng cướp Phong Lai. Lại có khi tôi đóng vai nhà thơ làm mềm lòng người đẹp. Không phải chỉ đóng vai người hùng, nhà thơ, tôi còn muốn trở thành nhà doanh nghiệp giàu có ném tiền qua cửa sổ đưa nàng vào tiệm mua tặng viên kim cương to bằng cái trứng cút! Ai có chờ thư mới thấy người phát thư ban phát phép lạ. Trước đây tôi không quan tâm đến thằng cha Lộc phát thư trong xóm tôi. Nay thì nhất cử nhất động của lão tôi đều để ý. Thế mà lần nào qua nhà lão cũng đạp xe vèo.

Hơn mười ngày sau, khi tôi tuyệt vọng thì lão Lộc tới trao thư. Tôi mừng suýt ôm hôn bộ mặt sần sùi của lão. Tôi cầm cái bì thư xanh nâng niu rồi áp vào ngực , chỗ quả tim. Tôi nghe nó đập thình thịch như giã gạo chày ba. Lấy cây kéo thợ may ra tôi cắt một đường dọc mép phong bì lôi tờ giấy màu thiên thanh, ngai ngái mùi phấn son . Tôi đưa lên mũi hít một hơi rồi đọc.

Thưa ông thợ may kính mến của em. Đọc thư ông, em rất cảm động. Em xin ông tha thứ. Tất cả lỗi lầm gây nên sự hiểu nhầm cho ông là tại em. Số là buổi chiều nào lúc năm giờ em đều đến chỗ hẹn với anh ấy. Ở nhà em trang điểm phấn son xong, nhưng trong nhà em không có tấm gương lớn cho em soi cả người mình. Vì thế mỗi khi đi qua hiệu may của ông, em mạn phép nhìn xem vóc dáng mình có tươm tất hay không? Nhờ tấm gương rất sáng và tốt của tiệm ông em sửa sang lại mái tóc, mỉm cười thử xem nụ cười có được quyến rũ hay không? Kế đó em nhìn lên cái đồng hồ treo tường xem thử sớm hay muộn. Nếu sớm thì em còn nấn ná ăn hàng. Nếu đã muộn em rảo bước cho nhanh kẻo để chàng chờ tội nghiệp. Người yêu của em rất dễ thương và đẹp trai, ông mà gặp thì cũng mê. Em sắp lên xe hoa, nếu chàng đồng ý em sẽ đến tiệm ông đặt may áo cưới. Ông mừng cho em đi! Em xin ông thông cảm. Thực tình em chưa trông thấy ông bao giờ

 

Quý Thể

Từ trang QGHCUC

Mảnh Vải Hoa Lốm Đốm - Phương Nghi

 

Mảnh Vải Hoa Lốm Đốm




 

Khi Vũ giao số thuốc cho bệnh nhân cuối cùng trong phần việc của anh thì ngày đã sắp tàn. Trời chiều bắt đầu ửng lên cái màu vàng muôn thuở của nó sau dãy núi chập chùng phía Tây. Từ nơi đậu xe Vũ nhìn bao quát không gian xung quanh mình. Đây là lần đầu tiên Vũ đặt chân đến cái thị trấn hoang vu rừng rú này. Bạt ngàn là cây, bạt ngàn là rừng. Những khoảng trời lấp ló rung rinh trong tàng lá, tiếng một quả thông khô vừa rụng, tiếng một con chim nào vừa chao chát bay lên đều khiến một người rất yêu thiên nhiên như Vũ cảm thấy vô cùng xao xuyến. Anh đứng tựa vào một thân cây to bên đường lặng người nhìn mặt hồ dưới thung lũng đang căng ra như muốn ôm choàng cả mây núi bên trên vào lòng. Vũ nghĩ: “Hồ đẹp quá. Nếu xuống được mép nước dưới kia thì tuyệt. Chắc không về kịp để đến lớp thể dục, nhưng thôi, mặc kệ…”

Thế là đi. Đi theo tiếng gọi nơi hoang dã. Vũ lái xe đi mà hoàn toàn không để tâm xem mình đang lái trên con đường gì, ở đâu, chỉ nhắm vào cái hồ thoắt ẩn thoắt hiện sau những thân cây mà lái. Anh chạy trong trạng thái ngây ngất, bàng hoàng. Thiên nhiên quá phi thường đã làm Vũ không còn tự chủ nữa. Thỉnh thoảng có một cái xe bấm còi. Vũ nép vào vệ đường cho nó qua mặt rồi đi tiếp. Đường núi quanh co, ngoằn ngoèo, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm, càng đi càng thăm thẳm, ngút ngàn. Mặt hồ vẫn chập chờn trước mắt anh, nửa hư, nửa thực, vừa mời gọi, vừa khuyến khích. Chạy một quãng khá xa vẫn chưa thấy đường xuống hồ anh nghĩ bụng: “Coi chừng lạc thì khổ. Có ai đâu mà hỏi đường.” Thế nhưng Vũ lập tức gạt ý nghĩ ấy ngay: “Kệ. Lỡ tới đây rồi. Bỏ về tiếc quá.” Vũ lại cắm đầu chạy tiếp. Nhác thấy có một con đường nhỏ đổ dốc về bên trái, Vũ mừng quá lái xe về hướng đó và đậu lại. Vừa mở cửa xe anh đã có ngay cảm giác khoan khoái khi gió rừng mơn man làn da và len vào từng sợi tóc trên đầu. Hình như anh cảm thấy được hơi nước mát lạnh đang phả vào mặt mình. Anh nhìn quanh quất nghĩ chắc con đường đó sẽ dẫn đến hồ.

Quàng cái túi vải trên lưng và thắt lại dây giày, Vũ đóng cửa xe và đi bộ xuống con đường mòn ấy. Xung quanh không có ai. Cảnh vật vô cùng cô tịch. Vũ vừa đi vừa vẹt những cành cây chắn lối và thích thú nghe tiếng lá khô gãy vụn dưới chân mình rộp rộp. Chim rừng kêu chiu chít đó đây. Vũ huýt sáo đáp lại. Anh có cảm giác như mình là một cậu bé đang tung tăng quậy phá, tha hồ làm mưa làm gió mà không sợ bị ai la rầy, mắng nhiếc. Càng đi Vũ càng thấy cái hồ gần mình hơn và tới một lúc thì tất cả cây rừng dạt ra hai bên nhường chỗ cho một thiên nhiên tuyệt vời như thần thoại hiện ra sừng sững trước mặt Vũ.

Mặt hồ bao la như biển. Vũ tưởng tượng như mình là con kiến lọt vào một cái chén khổng lồ mà thành chén là những dãy núi bao bọc, còn cái hồ là viên ngọc lấp lánh kỳ ảo được đặt gọn lỏn dưới đáy chén. Cỏ lan dài từ chân núi ra tới mép nước với muôn trùng những cái hoa dại lấm tấm vàng lang thang bất định. Nắng óng ả từ sườn núi như dòng mật vàng tươm chảy mượt mà trên cỏ, trên bờ lau sậy hắt hiu. Từng bầy chim rừng bay vụt lên giữa các ngọn cây rồi bay sà xuống bờ nước, sà xuống cỏ ríu ra ríu rít. Những cái cánh căng ra trên nền trời xanh kiêu hãnh. Mắt Vũ sáng lên. Anh chăm chú nhìn theo một con cò trắng thật đẹp với đôi chân thanh thoát và cái mỏ dài đang đăm đăm đi dọc mép nước tìm mồi. Anh lấy máy ảnh ra. Con cò hình như nghe tiếng động bay vút lên cây. Vũ ngơ ngác ngước mắt lên tìm. Một chiếc lá khô rơi bảng lảng trong không trung rớt nhẹ nhàng lên tóc Vũ. Trên cành cao con cò như đang nghe ngóng rồi không lâu sau đó nó lại sà xuống. Vũ lại rón rén đến gần. Anh cố gắng điều chỉnh ống kính để ghi hình. Phải thật nhẹ, thật nhẹ… kẻo nó lại bay mất. Anh đi theo con cò một quãng khá xa nhưng chưa chụp được tấm ảnh nào cả. Càng gần bờ nước thì đất dưới chân anh không còn khô ráo nữa mà đã trở thành một lớp bùn nhão nhoẹt. Vũ trượt chân mấy lần. Bùn nhớp nháp bám vào hai chân Vũ, chui vào giày làm anh nổi gai ốc nhưng mặc kệ. Vũ cứ bám theo con cò giữa những bụi cỏ lau chằng chịt. Và đây rồi… Vị trí này quá tốt. Vũ rướn người lên. Sắp được rồi. Con cò vươn cái cổ cao thoắt quay lại nhìn Vũ. Anh đưa máy lên nhưng chưa kịp bấm thì kinh hoảng la “ối” lên một tiếng. Cả người anh bị trượt và sụp xuống một cái hố giữa những cây cỏ lau mọc cao quá đầu – một cái hố hoàn toàn bí mật, im lìm như cái lưới nhện kín đáo giăng ra để chờ bắt một con ruồi. Vũ thật sự kinh hãi. Bùn như níu lấy hai chân anh. Càng cựa quậy thì Vũ lún xuống càng sâu. Chưa chi mà bùn đã ngập tới bụng, không bao lâu thì sẽ lên tới ngực thôi. Mặt Vũ tái đi không còn một giọt máu. Anh không ngờ mình bị đẩy vào cảnh tình này. Kêu ai đây? Giữa đồng không mông quạnh không một bóng người thì lấy ai mà cứu mình. Vũ chấp chới hai tay gần tuyệt vọng. Anh bám vào miệng hố trèo lên thì đất lại lở ra, Vũ càng sụp xuống sâu hơn. Anh không dám động đậy nữa. Rồi anh níu tay vào một bụi cỏ lau cố rướn người lên, lần nữa, lần nữa. Bụi cỏ lau oằn xuống. Vũ lại ngập sâu hơn nữa trong bùn. Gió ù ù trên mặt nước đẩy những bụi cỏ lau rạp xuống bên này rồi lại bên kia. Anh nhắm mắt lại và chỉ nghe độc nhất tiếng của mình lẩm bẩm: “Xin Trời Phật cứu con. Xin Trời Phật cứu con….”

Giữa lúc ấy một tiếng nói vang lên, dõng dạc như một mệnh lệnh: “Đứng yên đó. Đừng nhúc nhích.” Vũ mở choàng mắt. Trước mặt anh là một cô gái mặc áo trắng, mang giày bốt kiểu đi rừng đang đứng trên cái mô đất, cầm trên tay cây sào dài. Tóc của cô bị gió thổi bay ngược về phía sau và hai vạt áo cũng bay phần phật. Vũ mừng rỡ kêu lên: “Cứu tôi với. Cô ơi…”

Cô gái đưa cây sào dài về phía anh. Vũ lập tức hiểu ý ngay. Anh chụp lấy cây sào. Cô gái cố gắng kéo. Vũ trầy trật vật lộn với lớp bùn ghê rợn. Cây sào giúp Vũ không bị tuột xuống nữa. Vũ níu tay cô gái trèo lên. Cuối cùng anh đã thoát khỏi cái hố giết người đó.

Vũ lắp bắp nói: “Cám ơn cô đã cứu tôi. Không có cô thì tôi đã chết dưới đó rồi. Tôi… Tôi không biết lấy gì đền ơn cô.”

Cô gái làm như không để ý tới những lời cám ơn của Vũ. Cô nói: “Anh làm gì ở đây? Anh có biết khu vực này đầy những cái hố như thế này không . Người ta đã để bảng cấm. Sao anh còn xuống đây?”

Vũ ngơ ngác: “Bảng cấm? Tôi có thấy bảng cấm nào đâu?”

“Anh tới đây bằng cách nào?”

“Tôi đi giao thuốc cho người ta. Thấy cái hồ đẹp, tôi muốn chụp hình. Tôi đậu xe trên đường lộ rồi theo con đường mòn xuống đây.”

“Xém chút là anh chết rồi biết không? Thôi, đi về nhà đi. Không nên đi ẩu tả như thế này nữa.”

Vũ nhìn bùn bê bết khắp người mình ngập ngừng hỏi: “Cô… cô có biết nhà vệ sinh nào gần đây không? Tôi cần tắm rửa một chút. Cả người tôi dơ dáy quá rồi.”

Cô gái ngó Vũ: “Anh có đem quần áo thay không?”

“Có. Tôi để trong xe. Số là sau giờ đi làm tôi đều đi tập thể dục nên trong xe lúc nào cũng có bộ đồ tập thể dục và cái khăn.”

Cả hai người men theo con đường mòn ban nãy để đi lên đường lộ và tới xe Vũ đậu để lấy giỏ quần áo. Đến lúc này Vũ mới nhận thấy có một cái bảng cấm dựng ở đầu con đường. Cái bảng rỉ sét vẽ hình cái sọ người và những dòng chữ cảnh báo. Vũ kinh hãi nhớ tới cái hố ban nãy. Quả thật là anh đã sơ ý không nhìn thấy cái bảng cấm. May mà số trời đã cho cô gái này đến cứu anh kịp thời. Nếu không anh đã chết mục xương dưới ấy mà không ai biết ai hay.

Còn cô gái này là ai? Vũ tự hỏi. Cô ấy làm gì ở nơi vắng vẻ này? Ngay hay gian? Cô ấy định đưa mình vào một cái bẫy khác nữa chăng? Vũ nhíu mày suy nghĩ. Nhìn bộ dạng cô ta thì không có vẻ gì gian manh. Hơn nữa cô có tật ở chân trái nên đi cà nhắc trông có vẻ tội nghiệp. Cái cây sào mà cô dùng để kéo Vũ lên khỏi cái hố đồng thời cũng là cây gậy của cô. Thử nghĩ xem nếu làm hại mình thì cô ấy được cái gì? Cái xe của Vũ không đáng bao nhiêu. Anh cũng chẳng đem theo tiền trừ vài tờ bạc lẻ. Làm như hiểu được những ý nghĩ của Vũ, cô gái nói: “Anh đừng lo. Tôi không làm hại gì anh đâu. Tôi là người sống ở đây nên tôi biết rõ đường đi nước bước và những cái hố ở ven bờ hồ đó. Nhiều người đã từng lọt xuống đó và không trở về. Bây giờ anh cứ để xe đây. Tôi biết một chỗ có thể tắm được. Tôi đưa anh đến đó thay quần áo rồi anh lái xe về. “

Vũ hỏi: “Mình đi bộ à?”

Cô gái gật đầu: “Ngay đây thôi. Không cần đi xe.”

Nói xong cô gái xoay lưng bước đi. Vũ lếch thếch theo sau lòng không khỏi phập phồng lo lắng.

Chỗ cô gái nói là một căn nhà bằng gỗ rất nhỏ, ọp ẹp, nằm lưng chừng núi, có những nấc thang đi lên giống như nhà sàn. Từ đó nhìn xuống thấy chiếc xe Vũ đậu dưới đường. Nhà ấy trông như một trạm gác hơn là một cái nhà vì bên trong chỉ có một phòng khách bé xíu với cái kệ chứa vài thứ linh tinh. Cô gái không vào nhà mà ngồi ở hàng hiên chỉ tay vào bên trong: “Nhà tắm ở phía sau. Anh vào tắm đi. Tôi ngồi đợi ở đây.”

Vũ bước vào nhà mà trong lòng vẫn không khỏi băn khoăn. Bên trong rất tối. Bóng đèn và chụp đèn bám đầy bụi và mạng nhện. Cái nhà tắm rất nhỏ nhưng tạm dùng được. Vũ mở cánh cửa cọt kẹt lách người vào. Hình như cả cô gái và căn nhà đều mang một màu sắc rất bí ẩn. Anh cảm thấy rất thấp thỏm trong lòng. Tắm rửa và thay quần áo xong anh mới thấy nhẹ nhõm được phần nào. Anh vặn vòi nước xả sạch bộ quần áo dơ cho hết bùn đất rồi vắt cho ráo xong treo lên cái móc trong nhà tắm. Bước ra ngoài anh thấy cô gái vẫn còn đang ngồi chờ anh ngoài hàng hiên. Cô xoay lưng về phía anh, mắt ngước nhìn ra xa.

Lúc ấy nắng chỉ còn vài tia nhợt nhạt chiếu qua lùm cây rọi xuống những bậc thang bằng gỗ. Cô gái ngồi trên cái ghế thấp, đôi ủng để cạnh bên, trông mong manh gầy gò trong cái áo màu trắng tay dài. Đến bây giờ Vũ mới thấy mình phần nào bình tĩnh để quan sát cô gái lạ mặt. Mà lạ thay, dường như anh cảm thấy là mình đã gặp cô gái ấy ở đâu rồi. Gương mặt thanh tú, những đường nét thông minh và quả cảm, đôi mắt trong trẻo… rõ ràng là không lạ lắm với anh nhưng anh không tài nào nhớ nổi. Anh khẽ bước lại gần ngồi xuống bên cạnh: “Cô… Tôi cám ơn cô. Tắm xong… thoải mái quá.”

Cô gái mỉm cười nhưng không đáp. Vũ nói: “Tôi trông cô… quen quen nhưng không nhớ là đã gặp ở đâu.”

Lúc bấy giờ cô gái mới quay lại nhìn anh. Hai chân mày của cô nhíu lại. Đôi mắt nâu trong vắt giống như mắt của một con chim. Anh lấy trong giỏ tập thể dục ra một gói hạt hướng dương mời cô gái ăn rồi thân mật nói: “Vùng này đẹp quá. Đây là lần đầu tiên tôi đến. Nếu không vì cái sự cố khi nãy thì chắc tôi đã chụp được nhiều tấm ảnh thiên nhiên rất đẹp để đem khoe với bạn bè.”

Cô gái bảo: “Lẽ ra anh phải cẩn thận không nên ra những nơi hoang vắng như vậy một mình. Thiên nhiên đẹp nhưng vẫn ẩn giấu rất nhiều bất trắc. Có những trận đá lở, sạt cả một vách núi đấy.”

Vũ bỗng nhìn xuống cổ chân cô gái chỗ trên mắt cá một chút. Vì ống quần hơi ngắn nên anh nom thấy cô buộc ở đó một mảnh vải hoa màu xanh lốm đốm. Vũ hỏi: “Cô bị sao mà cột miếng vải chỗ cổ chân vậy?”

Cô gái đáp: “Tôi bị thương. Giờ thì vết thương lành rồi nhưng tôi phải đi cà nhắc.”

Vũ nhìn đăm đăm vào mảnh vải hoa lốm đốm buộc ở cổ chân cô gái. Mảnh vải đã cũ, phai màu, dường như được cắt hay xé ra một cách vội vã từ một mảnh vải lớn hơn. Cô tháo mảnh vải ra chỉ cho Vũ xem một cái sẹo dài trên da rồi nói một cách rất tha thiết: “Tôi băng chơi cho vui thôi chớ vết thương lành lâu rồi, tôi không cần băng nữa. Tôi luôn nhớ tới cái người đã cứu tôi. Tôi mong được trả ơn cho anh ấy.”

Vũ nói: “Vâng. Nếu ai làm ơn cho mình mà mình đền ơn được cho người ấy thì mình vui sướng lắm. Giống như cô đã cứu tôi, đã làm ơn cho tôi thì tôi ao ước được trả ơn cho cô. Tôi có thể gặp lại cô không?”

Cô gái mỉm cười nhìn Vũ, ánh mắt rất dịu dàng: “Anh yên tâm ra về đi. Nay mai tôi cũng dọn đi nơi khác rồi. Anh về đi kẻo tối. Đi không khéo lại lạc đường thì khổ. Chừng đó tôi không còn giúp gì được nữa đâu.”

Vũ bật cười. Cô gái bảo: “Anh coi lại đồ đạc đi, xem có quên gì không?”

Vũ sực nhớ ra: “Ối. Chết không. Xém chút là tôi bỏ quên bộ quần áo dơ trong nhà tắm. Để tôi vô lấy.”

Nói xong Vũ đứng dậy đi vào nhà rồi vào nhà tắm. Thấy bộ đồ còn treo trên móc anh rủa thầm cho cái đầu óc lơ đễnh của mình. Nếu cô ấy không nhắc thì lại quên. Vũ gấp bộ đồ lại rồi bước ra, vừa đi vừa nói: “Xong rồi cô ơi. Tôi lấy hết đồ đạc rồi đó.”

Không nghe tiếng đáp Vũ ngạc nhiên nhìn ra ngoài hiên thì không thấy cô gái đâu cả. Sao lạ vậy. Cô ấy vừa ngồi đây, mình vào nhà tắm lấy bộ đồ, bước ra thì cô ấy biến mất. Thế là thế nào? Trên sàn gỗ nơi cô gái ngồi khi nãy còn mảnh vải hoa màu xanh lốm đốm mà cô tháo ở cổ chân ra. Vũ nhặt mảnh vải lên xem. Mảnh vải gợi lên những hình ảnh quen quen nhưng không rõ nét, mù mờ như sương khói trong tâm trí Vũ. Vũ xuống bậc thang đi vòng quanh nhà dớn dác tìm, vừa đi vừa kêu “cô gì ơi, cô gì ơi” cũng không thấy ai trả lời. Tự nhiên Vũ rùng mình. Căn nhà im lặng như không hề có ai, bóng tối thì bắt đầu chiếm đoạt cả không gian một cách hỗn xược. Những ngọn núi hồi chiều đẹp một cách não nùng thì nay đen thẫm lại, chồm lên như bầy thú dữ bao quanh Vũ. Vũ hốt hoảng thật sự. Anh nhấch cái túi xách lên thật nhanh rồi rồi hấp tấp chạy xuống chỗ chiếc xe của mình nơi đường lộ. Anh run rẩy nổ máy rồi phóng đi vội vàng, hai bàn tay lạnh ngắt vì sợ hãi. Có một cái gì rất không bình thường đang bao bọc lấy anh mà anh chỉ có thể cảm nhận chứ không thể giải thích được.

Đến gần nửa đêm Vũ mới thoát khỏi những con đường rừng và về tới nhà. Khi đã đóng cửa nhà và thật sự bình yên ở trong căn phòng của mình rồi Vũ mới bình tâm hồi tưởng lại tất cả những gì xảy ra trong buổi chiều hôm đó. Rõ rành là anh đã đi giao thuốc. Người nhận đã ký tên. Chữ ký còn trong sổ của anh đây. Sau đó anh lái xe tìm đường xuống cái hồ dưới chân núi. Nơi đó anh bị rớt xuống một cái hố và được một cô gái kéo lên. Vì bộ quần áo bị dơ nên anh đi theo cô gái đến một chỗ để tắm rửa. Sau đó thì cô gái biến mất. Như vậy cô gái ấy là ai?

Vũ miên man suy nghĩ. Anh còn nhớ cái cử chỉ của cô gái khi cô cúi xuống tháo mảnh vải băng vết thương nơi cổ chân ra và nói bằng giọng nói rất xúc động: “Tôi luôn nhớ đến cái người đã cứu tôi. Tôi mong được trả ơn cho anh ấy.” Trong bóng đêm Vũ ngồi bật dậy. Anh bật đèn sáng lên rồi lục lọi khắp trong ngoài, tìm trong đống đồ cũ một con búp bê mà anh đã cắt cái váy của nó để làm mảnh vải băng một vết thương. Cái mảnh vải hoa màu xanh lốm đốm. Giờ thì anh đã nhớ ra hết mọi chuyện rồi.

Lần đó, nhiều năm trước đây, trong lúc chạy bộ quanh bờ hồ của khu công viên gần nhà anh tình cờ nhìn thấy một con cò bị thương. Con cò nằm thoi thóp, không bay được và cũng không đi được. Nó nằm lả trong bụi, nhìn anh bằng ánh mắt vô vọng. Khi anh bước tới gần thì nó đập cánh hốt hoảng nhưng do kiệt sức hai cánh của nó chỉ khua được vài cái yếu ớt rồi lịm đi. Anh cởi áo khoác bọc con cò lại đem nó về nhà thì thấy nó bị gãy chân. Anh lấy viên trụ sinh, loại con nhộng, tháo ra rồi rắc thứ thuốc bột bên trong lên vết thương cho nó. Xong anh cắt cái váy của con búp bê cũ trong nhà ra thành mảnh vải băng vết thương nát bấy của nó lại. Được vài ngày thì con cò đứng lên được. Anh mừng húm. Anh đổ nước táo vào một cái ống chích rồi bơm vào miệng cho con cò., xong mua tép nhỏ về bằm cho nó ăn. Con cò hồi phục dần. Nó đi cà nhắc cà nhắc nhìn anh bằng đôi mắt trong veo. Hình như nó muốn nói gì đó nhưng không nói được. Anh cưng nó lắm, làm cho nó một cái ổ trong góc nhà nhưng ánh mắt của nó luôn hướng ra ngoài sân, nơi có những ngọn cây cao rì rào. Cho tới một hôm, do vô tình không khép chặt cửa, con cò lách ra được bên ngoài và đi lững thững. Anh hốt hoảng chạy ra và có cảm tưởng như không thể nào giữ nó được nữa. Đúng như dự đoán. Con cò quay lại nhìn anh bằng đôi mắt ngân ngấn nước rồi bất thần vỗ cánh bay đi. Chớp mắt một cái nó đã vù lên ngọn cây. Anh ngơ ngác nhìn theo. Nó bay rồi. Bay xa rồi. Anh lủi thủi dọn dẹp cái ổ rơm nơi anh làm cho nó ngủ, tự hỏi sao mình buồn quá vậy. Nó là con vật sống trên cây, anh muốn nó sống trên mặt đất thì làm sao nó sống được. Nói thì nói vậy chứ không thể không nhớ, không thể không giận, không thể không buồn, nhất là những buổi chiều, anh nhìn mãi lên ngọn cây và mong nó trở về… Có người biết chuyện chế diễu anh bằng hai câu thơ:

Công anh xúc tép nuôi cò
Cò ăn cò béo cò dò lên cây

Cái tính bạc bẽo của nó, tựu chung cũng là cái tính của nhiều người. Anh nghĩ vậy và nguôi ngoai dần. Không ngờ….

Ôi cái mảnh vải hoa màu xanh lốm đốm buộc ở cổ chân cô gái. Chính nhờ cái mảnh vải ấy mà anh đã nhận ra nó. Phải chăng cô gái cứu anh ngày hôm đó là hồn phách của con cò năm xưa, vẫn luôn nhớ tới anh và tìm cách đền ơn anh như lòng nó mong muốn? Anh nghĩ vậy và thấy mắt mình cay cay. Anh đã trách lầm nó mất rồi. Vũ mở cửa nhà bước ra ngó lên những ngọn cây đen đủi trên nền trời. Tự dưng hai câu thơ trào ra trong lòng:

Nghĩa ơn nay đã đủ đầy
Cò ơi còn phút sum vầy nào không?

Hỏi thì hỏi vậy thôi chớ nào có ai đáp lại….

Phương Nghi

304Đen – llttm - tvvn

Vì Sao Miền Nam Vẫn Chưa Thân Quen Miền Bắc - Trịnh Hữu Long

 

Vì sao miền nam vẫn chưa thân quen miền Bắc?




 

 

Sự khác biệt vùng miền là chuyện hết sức bình thường, ở nước nào cũng có. Nhưng để cho những sự khác biệt đó trở thành lối ứng xử kỳ thị vùng miền thì là đại họa, bởi nó là ngọn nguồn của bạo lực. Hiểu về những điều khác biệt đó để tìm ra cách ứng xử phù hợp, do vậy, trở nên đặc biệt quan trọng.

 Sự khác biệt, và cả kỳ thị, mang tên Bắc Kỳ – Nam Kỳ là một câu chuyện bắt buộc phải có lời giải trong một cộng đồng dân tộc. Trong bài này, tôi xin chia sẻ một số hiểu biết rời rạc của bản thân nhằm giúp những người miền Bắc như tôi hiểu hơn về vài điều nhạy cảm về chính trị của miền Nam. Không có gì là tuyệt đối, tôi không quy chụp mọi thứ cho một vùng miền nào, nhưng có những khác biệt đáng kể mang tính phổ biến.

 Tôi không có ý lên án những người miền Bắc thiếu tế nhị trong cách hành xử với người miền Nam, bởi chính tôi cũng chỉ học được những điều dưới đây khi ngấp nghé độ tuổi 30. Và tôi viết những điều này với ý thức rằng sự kỳ thị có thể đến từ cả hai phía. Không có tham vọng giải quyết hết được mọi vấn đề trong một bài viết, tôi mạn phép thảo luận chuyện này từ một góc còn ít được nói đến hiện nay.

 1. Người miền Nam nhìn “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” khác người miền Bắc

 Người miền Bắc không có cách nào khác để nhìn nhận giai đoạn lịch sử 1954 – 1975 ngoài “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. [1] Họ coi việc đất nước bị chia cắt là không thể chấp nhận, coi Mỹ và chính quyền Sài Gòn là kẻ thù, và coi người dân miền Nam là những nạn nhân cần phải được “giải phóng”.

 Nhưng mọi chuyện rất khác khi nhìn từ lăng kính của người miền Nam. 

 Họ coi một nửa đất nước – miền Nam – là một quốc gia hoàn chỉnh có tên Việt Nam Cộng hòa (từ 1955). Góc nhìn này trùng khớp với góc nhìn của công pháp quốc tế. [2]

 Họ trân trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa. Trong khi đó, lá cờ này lại bị xa lánh, kỳ thị ở miền Bắc.

 Họ không sống với lý tưởng phải “giải phóng” miền Bắc. Toàn bộ giai đoạn 1954 – 1975 là cuộc đấu tranh gìn giữ miền Nam trước các cuộc “xâm lăng” và “khủng bố” của miền Bắc. Nếu nghe lại các bài nhạc vàng, ta dễ thấy họ gọi quân miền Bắc là “giặc”, “quân thù”. Rất nhiều người miền Nam đã mất mạng ngay trên đất miền Nam dưới nòng súng của miền Bắc, đặc biệt là trong trận Mậu Thân năm 1968. [3]

 Họ coi chính quyền Sài Gòn là chính quyền hợp pháp của họ. Họ kính trọng Tổng thống Ngô Đình Diệm [4] của nền Đệ nhất Cộng hòa, [5] họ lập ra Hiến pháp 1967 và bầu ra chính quyền Nguyễn Văn Thiệu của nền Đệ nhị Cộng hòa. [6] Và mặc dù có rất nhiều bất đồng với các quan chức, họ không coi chính quyền đó là kẻ thù.

 Họ coi Mỹ là đồng minh, là một đất nước tiến bộ. Thời Việt Nam Cộng hòa, người miền Nam coi việc đi Mỹ du học là một thành tựu lớn trong đời. Họ nhìn lính Mỹ ở miền Nam như những người bảo vệ họ trước miền Bắc, mặc dù có thể họ không hài lòng với việc có quân đội ngoại quốc trên đất Việt Nam.

 Khác với niềm tin mãnh liệt của người miền Bắc thời kỳ đó, người miền Nam không có nhu cầu được giải phóng. Họ có một nền kinh tế, giáo dục, kỹ nghệ, nông nghiệp phát triển hơn hẳn miền Bắc. Và đặc biệt, họ có thứ tự do chính trị mà chính Hồ Chí Minh đã tuyên xưng tranh đấu nhưng lại hoàn toàn vắng bóng ở miền Bắc.

 Ngày 30/4/1975 với phần lớn người miền Nam là ngày “mất nước” và là ngày bắt đầu một chuỗi bi kịch khổng lồ.

 2. Người miền Nam bị truy bức về chính trị sau năm 1975

 Sau ngày mà người miền Bắc gọi là “giải phóng miền Nam”, người miền Nam bắt đầu bị truy bức về chính trị. 

 Những ai từng đi lính hay làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (kể cả giáo viên) đều bị đưa đi trại cải tạo. [7] Gọi là trại cải tạo (re-education camp) nhưng về bản chất không khác gì các trại tập trung (concentration camp) của phát-xít Đức ngày xưa. Có đến 21 trại cải tạo được lập ra sau chiến tranh, giam giữ khoảng 300 nghìn người, trực tiếp ảnh hưởng tới hàng triệu người khác. [8]

 Người miền Nam bị bắt vào đây mà hoàn toàn không qua bất kỳ một phiên tòa xét xử nào. [9] Họ phải lao động khổ sai. Rất nhiều người đã chết ở đây, suy kiệt sức khỏe và tinh thần ở đây. Họ bị giam giữ hàng năm, thậm chí hơn mười năm trời mà không được, hoặc rất ít khi được gặp gia đình. Những ai sống sót trở về thì gia đình hoặc là cũng đã ly tán, hoặc là khánh kiệt, bị chính quyền mới phân biệt đối xử, gặp khó dễ khi làm giấy tờ, con cái không được đi học đại học, nhìn chung đã rơi xuống đáy xã hội.

 Người miền Bắc hay đùa cợt về việc “đi cải tạo”, biến nó thành một thành ngữ mà không cân nhắc kỹ đến bi kịch khủng khiếp này của hàng triệu người miền Nam. Với người miền Nam ngày nay, “đi cải tạo” vĩnh viễn là một cơn ác mộng, một nỗi đau không bao giờ dứt.

 3. Người miền Nam bị bần cùng hóa sau năm 1975

 Sau khi “giải phóng” xong, chính quyền mới áp đặt nền kinh tế kế hoạch hóa, tập thể hóa lên toàn miền Nam. Ngày nay, chúng ta biết rằng đó là một thảm họa kinh tế đã dẫn toàn bộ đất nước tới khủng hoảng trầm trọng và ngấp nghé bờ vực sụp đổ vào thập niên 1980. [10] Cuộc khủng hoảng đó nghiêm trọng tới nỗi Đảng Cộng sản phải thừa nhận sai lầm, từ bỏ giáo điều kinh tế Mác – Lê-nin để “đổi mới”, chuyển sang kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà ngày nay họ gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. [11]

 Cái nền kinh tế thị trường ngày nay, trên thực tế, đã từng là một hiện thực ở miền Nam trước năm 1975. Chuyện mở công ty làm ăn, phát hành cổ phiếu, giao thương với nước ngoài, tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài là chuyện hết sức bình thường.

 Với một nền kinh tế thị trường tự do như vậy, miền Nam đã có các đô thị thịnh vượng. Mặc dù mức sống ở nông thôn còn thấp nhưng không đến mức đói khổ như miền Bắc, và cơ hội làm giàu luôn hiện hữu, khác với miền Bắc coi làm giàu là chuyện sai trái.

 Người miền Nam sau năm 1975 như bị đẩy xuống vực sâu, bởi tài sản của họ bị tịch thu, doanh nghiệp phải đóng cửa, việc làm ăn buôn bán bị cấm đoán, hàng hóa tắc nghẽn vì ngăn sông cấm chợ, đường nhựa ở đô thị bị cày lên trồng khoai, rất nhiều người bị đưa đi các vùng kinh tế mới, v.v.

 Cùng với nạn truy bức chính trị thì việc bị bần cùng hóa về kinh tế như vậy càng làm dày thêm tấn bi kịch của họ.

 4. Người miền Nam phải liều mạng bỏ nước ra đi

 Người miền Bắc hay đùa cợt chuyện “vượt biên” nhưng không biết gì đáng kể về phong trào vượt biên ở miền Nam sau năm 1975.

 Vì bị truy bức chính trị, bị bần cùng hóa về kinh tế, và bị phân biệt đối xử nặng nề, rất nhiều người miền Nam đã đi đến một quyết định táo bạo, và với họ là quyết định duy nhất hợp lý: liều mạng vượt biên đi tìm một cuộc sống mới. [12]

 Ước tính có hơn một triệu người đã vượt biển bằng thuyền với hy vọng được tàu nước ngoài cứu hoặc đến được với bờ biển của các nước, vùng lãnh thổ láng giềng như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong. Họ trở thành một hiện tượng lịch sử, một thảm họa nhân đạo có tên “Thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese Boat People). Hàng trăm ngàn người trong số họ chết trên biển. Số còn lại đạt được mục đích và sau này đi định cư ở các nước như Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu. Một số ít khác đến Ấn Độ, Nhật, tùy thuộc vào việc họ được tàu nước nào cứu. Họ ngày nay trở thành phần lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại.

 Một số khác thì vượt biên đường bộ sang Campuchia rồi tới Thái Lan. Số này không nhiều bằng thuyền nhân.

 Khi ra đi, họ mang tâm thế rằng nếu đi được sẽ liên lạc về gia đình, gửi tiền về nuôi gia đình, và nếu thuận lợi thì sẽ tìm cách đưa gia đình ra nước ngoài. Thực tế là sau khi đã định cư được ở các nước tự do, họ đã làm thủ tục bảo lãnh đưa gia đình sang.

 “Tị nạn” là một từ hay bị mang ra để chế giễu ở miền Bắc, nhưng họ không biết rằng với hàng triệu người miền Nam, đi tị nạn từng là lối thoát duy nhất cho cuộc sống của họ.

 5. Bi kịch của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận

 Tất cả những bi kịch khổng lồ như vậy của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận, chứ chưa nói gì đến một lời xin lỗi từ chính quyền. 

 Họ không được thừa nhận là đã bị truy bức chính trị. 

 Họ không được thừa nhận là đã bị cướp mất kế sinh nhai.

 Họ không được thừa nhận là đã bị phân biệt đối xử nặng nề.

 Họ không được thừa nhận là đã bị ép vào đường cùng phải liều mạng bỏ Tổ quốc ra đi.

 Không những không được thừa nhận, không được xin lỗi, năm nào người miền Nam cũng phải chịu đựng những lời ngợi ca “chiến thắng 30/4”. Nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa không có mấy ai chăm sóc, bị hoang hóa đi theo thời gian. Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa bị chính quyền bỏ mặc, phải nương tựa vào nhau và vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong khi đó, những người miền Nam xưa kia bỏ nước ra đi giờ đây đang gửi mỗi năm hàng chục tỷ đô-la tiền mặt về nước (trong tổng số kiều hối năm 2020 là 17,2 tỷ USD). [13]

 Với chừng ấy vết thương mà lịch sử để lại, người miền Nam trở nên đặc biệt nhạy cảm với hàng loạt từ, ngữ, diễn ngôn chính trị cũng như cách hành xử. Người miền Bắc nên biết rằng những vết thương này chưa bao giờ được vá lại và nên chọn lấy cách ứng xử phù hợp nhất trong cả lời nói lẫn hành động.

 

Trịnh Hữu Long - Luật Khoa

(Nguồn: Tạp chí Luật khoa)

304Đen – llttm - Mt68