Friday, January 31, 2025

Hồn Lạnh - Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 163_VƯỜN THƠ MỚI



 

 

















Xướng:

Hồn lạnh
Lệ sầu khép kín bờ mi
Hồn anh rộng mở bốn bề không gian
Đông về lạnh buốt tâm can
Lá rơi thềm vắng ngỡ ngàng chinh phu
Lối xưa phủ trắng sương mù
Chiều nghiêng bóng nhỏ nhấp nhô trang đài
Hoàng hôn rớt nhẹ vào tay
Để anh ôm trọn bờ vai muộn phiền ! 
Nguyễn Cang
Dec. 01, 2024

Họa 1:

Đường trần

Khóc cười thấm ướt hàng mi,

Trăm năm mắt lệ vỗ về nhân gian.

Buồn vui đầy ắp tâm can,

Lắm phen nổi sóng lỡ làng công phu.

Ngoảnh trông thấp thoáng xa mù

Cồn dâu hoá bể lô nhô thạch đài.

Nghiệp duyên tiền kiếp đầy tay,

Chất chồng nặng trĩu đôi vai ưu phiền.

Minh Tâm

 

Họa 2:

Hồn lỡ
Một phen sống mái cùng mi
Tung chiêu quyết đấu với bề quân gian
Hận thù tận đáy tâm can
Diệt loài quỷ đỏ ngỡ ngàng phàm phu
Bọn nầy có mắt như mù
Tạo dân cuộc sống lô nhô đọa đài
Những điều nghịch nhỉ quá tay
Từ nay dẹp bọn bá vai làm phiền
THT

Họa 3:

Trần ai

Những ngày thấm lệ ướt mi

Nhìn quanh khốn khổ trăm bề nhân gian
Trần ai chỉ có thiên can

Trên đời nhiều chuyện ngỡ ngàng cuồng phu
Truân chuyên
quá đổi mịt mù
Ước
mơ hội ngộ lô nhô huynh đài
Cùng nhau nâng chén đưa tay
Tạo nên chổ dựa đôi vai lúc phiền
PTL
thiên can
天干: mười can gồm có: giáp , ất , bính , đinh , mậu , kỉ , canh , tân , nhâm , quý

cuồng phu 狂夫: Người có hành vi phóng đãng, không câu nệ tiểu tiết.
huynh đài
兄臺: Tiếng bạn bè tôn xưng với nhau

Họa 4:

Đôi Mắt

 

Long lanh ánh mắt hàng mi

Thoạt nhìn trong sáng theo bề thời gian

Khiến người sủng ái tâm can

Ngày đêm mơ ước ngỡ ngàng trượng phu

Bổng dưng có đám mây mù

Xa rời ký ức nhấp nhô trang đài

Ngây ngô tay nắm bàn tay

Ghi vào kỷ niệm đôi vai ưu phiền
Hương Lệ Oanh VA
Jan, 18.2025

 

Họa 5:

Không là mơ
Người xa ngăn lệ tràn mi

Cho người ở lại yên bề thời gian
Tình trong khắc dạ gìn can
Nghĩa ngoài sao nỡ nghềnh ngàng công phu
Đường mây diệu vợi sa mù
Dáng xưa thấp thỏm lô nhô vọng đài
Hoàng hôn mờ nét đôi tay
Trăng lên soi bóng nghiêng vai rũ phiền!
Jan. 19, 2025
TQ

 

Họa 6:

Đông sầu

Mỗi mùa đông tới ướt mi,

Cảnh buồn lá rụng bộn bề trần gian.

Tuyết rơi buốt thấu tim can,

Bên song cô phụ ngơ ngàng vọng phu.

Chân trời mây tím mịt mù,

Hoa mai chưa nở lô nhô nụ đài.

Nhớ xưa ấm áp vòng tay,

Đông sầu gẫy gánh oằn vai u phiền.

Mỹ Ngọc

Jan. 23, 2025.

 

 

Sài Gòn Sách - Lê Ký Thương

SÀI GÒN – SÁCH




Sài Gòn bây giờ có nhiều nhà sách lớn, luôn luôn đông khách. Sách đủ thể loại, phong phú, đa dạng. Đó là địa chỉ thường đến của những người nhận sách là bạn đồng hành của mình – từ em bé đến người già, người của thành phố hay khách vãng lai, người Việt sống ở nước ngoài về thăm quê hương, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hay chỉ là khách du lịch… Những nhà sách lớn ở trung tâm thành phố còn là nơi dành cho khách dạo chơi một vòng, hưởng chút hơi lạnh cho thư thái tâm hồn khi bị cái nóng ở nhà hay đường phố làm mệt người, khó chịu.

Xưa nay, tôi có thú vui đến nhà sách để nhìn ngắm và chọn mua những quyển sách văn học mới xuất bản mà mình ưa thích được bày bán trang trọng trên kệ. Bắt gặp một quyển sách trình bày đẹp từ bìa đến ruột, nội dung hợp với sở thích của mình, tôi luôn có cảm giác như vừa gặp người bạn tri âm, không thể cầm lòng mà không mời về nhà để hàn huyên tâm sự.

Nhưng cái quyến rủ tôi hơn chính là mùi colophan của những trang sách mới ngày trước. Mỗi lần vào Nhà sách Khai Trí (bây giờ là Nhà sách Sài Gòn 2) hay Nhà sách Liên Châu (bên hông Nhà thờ Đức Bà, đối diện với Bưu Điện Thành phố) chuyên bán loại sách livre de poche, là tôi cầm ngay quyển sách mới đưa trước mũi hít một hơi thật sâu để tận hưởng mùi hương của sách như tận hưởng mùi hương của người tình.

 

Nhà xuất bản bây giờ thì nhiều và những người làm sách tư nhân hay các Công ty Văn hóa liên kết với nhà xuất bản nhiều gấp bội. Nhưng liệu có mấy nhà xuất bản (nhà nước) – nơi biên tập và cấp giấy phép xuất bản “bảo đảm bằng vàng” được thương hiệu của mình? Thỉnh thoảng báo chí lại phát hiện ra một hai quyển sách trông rất sang và rất đẹp của một nhà xuất bản tầm cỡ nhưng “hồn Trương Ba da hàng thịt”! Sách mà cũng có đồ giả, đồ dõm như rượu bia, thuốc lá, bột giặt trong nền kinh tế thị trường thì đáng buồn nôn thật!

Trước 1975 ở Miền Nam, mỗi lần bước vào hiệu sách, chỉ cần nhìn thấy tên nhà xuất bản như Yễm Yễm Thư trang, Thanh Tâm, Nam Chi tùng thư, Khai Trí, Cảo Thơm, Thời Mới, Tuổi Hoa, Nguyễn Đình Vượng, Lá Bối, An Tiêm, Trình Bày… là người mua an tâm, không sợ mua lầm hàng kém chất lượng. Mỗi nhà xuất bản đều có mục đích và tôn chỉ hoạt động, không có chuyện vàng thau lẫn lộn. Đặc biệt sách của nhà Cảo Thơm còn nguyên tay (cahier) để người mua về nhà tự rọc, âu cũng là cái thú.

Theo tôi, hai nhà xuất bản hoạt động mạnh có tiếng vang, gây được nhiều thiện cảm và uy tín nhiều nhất với người đọc, người viết, người dịch là Lá Bối và An Tiêm. Người điều hành hai nhà xuất bản này lại là hai tu sĩ Phật giáo. Những người mê sách nào chẳng có những quyển sách giá trị như: Xứ Trầm hương (Quách Tấn), Sử ký Tư Mã Thiên (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch), Anna Karénnine (Léon Tolstoi – Nguyễn Minh Hoàng dịch), Chiến tranh và Hòa bình (Léon Tolstoi – Nguyễn Hiến Lê dịch) và những tác phẩm khác của các nhà văn như Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân… của nhà Lá Bối. An Tiêm thì xuất bản “sách đời” nhiều hơn, đa số là những kiệt tác văn học nước ngoài với những dịch giả uy tín, như Anh em nhà Karamazov (Dostoievski, Trương Đình Cử dịch), Kim Các Tự (Yukio Mishima, Đỗ Khánh Hoan dịch), Câu Chuyện Dòng Sông (Hermann Hesse, Phùng Khánh dịch), Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (Kobo Abé, Trùng Dương dịch), Tố Như Thi (thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Quách Tấn dịch)… và những tác phẩm của Đại sư Suzuki mà nổi tiếng là bộ Thiền Luận (ba tập).

An Tiêm

Sách thời đó xếp chữ chì, in typô. Thợ xếp chữ ở các nhà in thường chỉ có trình độ văn hóa cấp 2 bây giờ, học ở trường nửa buổi, học việc nửa buổi, nên những trang bài vỗ bản đầu tiên luôn luôn bị bỏ dòng, nhảy chữ và chi chít lỗi chính tả (morasse), vì thế nhà in nào cũng có “thầy cò” (corresteur). Thầy cò là một nghề được các nhà in trọng vọng. Nhờ vậy sách của nhà xuất bản uy tín hiếm có lỗi chính tả, nếu có thì luôn luôn có bản đính chính kèm theo lời xin lỗi tác giả và bạn đọc. Điều này không những thể hiện tính nghiêm cẩn mà còn là đạo đức của người làm sách.

Nhà in có kiểu chữ đẹp nhất hồi đó là Kim Lai Ấn quán, mà chủ nhân chẳng ai khác chính là cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Bây giờ, tuy rất quen thuộc với những kiểu chữ vi tính, nhưng khi xem lại những quyển sách in ở nhà in này, chẳng hạn như cuốn Giai Thoại Làng Nho của chính cụ Lãng Nhân, tôi vẫn còn mê kiểu chữ đó.

Một trong những người nổi tiếng làm sách đẹp, sách giá trị ở Sài Gòn trước 1975 là ông Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm. Ông là một “con người chịu chơi” như chàng Alexis Zorba trong lãnh vực làm sách, là người đầu tiên xuất bản tập thơ Mưa nguồn của “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng và Đêm nguyệt động của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng).

Tôi nhớ vào khoảng 1964, khi ông Thanh Tuệ đang trên đường đi đến nhà in chăm sóc tập thơ Đêm nguyệt động thì bị tai nạn xe phải nằm bệnh viện. Sau đó, xuất hiện một mẩu tin trên tạp chí Văn với cái tít thật hay: “Đêm nguyệt động… động thầy Thanh Tuệ”. Nếu ai có cơ duyên đọc tập thơ này sẽ biết thầy Thanh Tuệ “chịu chơi” đến cỡ nào!

Sau 1975 ông Thanh Tuệ hoàn tục và lập gia đình. Năm 1981 ông cùng gia đình sang Pháp định cư, nhưng cái máu mê làm sách đẹp sách hay vẫn không thay đổi được. Đần năm 1990, sau khi ổn định cuộc sống gia đình, ông làm sách trở lại. Làm sách Việt bên Tây ít người đọc, ông sang Mỹ hợp tác với những người Việt làm sách có uy tín, in và phát hành ngay trên đất Mỹ. Mới đây, trung tuần tháng 8, ông lại sang Mỹ để gặp các thân hữu bàn việc kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà xuất bản An Tiêm, không ngờ bệnh siêu vi gan C tái phát và mất ngay tại bệnh viện bang California. Vĩnh biệt một người tài hoa mê làm sách đẹp!

Tôi đã từng mê sách của An Tiêm. Cách đây hai năm, tôi và vài người bạn có dịp gặp lại ông Thanh Tuệ khi ông về Việt Nam thăm người thân. Gặp nhau, ông chỉ toàn nói chuyện sách đẹp, sách hay. Với ông, việc xuất bản một quyển sách cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một tác phẩm mỹ thuật.

Nói đến một quyển sách đẹp, thiết nghĩ phải kể đến tài của người trình bày bìa. Câu thành ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” có lẽ không thể buột vào một quyển sách được. Trước 1975, ở Sài Gòn có những họa sĩ trình bày bìa sách nổi tiếng như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Hoàng Ngọc Biên, Hồ Thành Đức… Họa sĩ Đinh Cường chuyên trình bày bìa cho các nhà xuất bản Lá Bối và An Tiêm. Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên là người đầu tiên ở Miền Nam được cử đi học ngành đồ họa ở Mỹ, làm việc ở Trung tâm Học liệu, chuyên trình bày bìa sách của cơ quan này và Nhà xuất bản Trình Bày. Mỗi họa sĩ đều có style trình bày riêng, nhìn vào bìa sách là ta biết ngay, không lẫn được.

Hơn mười năm qua, công nghệ chế bản và in thâm nghập vào nước ta, cụ thể là Sài Gòn – cái nôi của ngành này – ngày càng hiện đại hơn, nên các phương tiện này đã hổ trợ cho các ấn phẩm mang tính mỹ thuật cao. So với một quyển sách in bây giờ với một quyển sách in trước “thời mở cửa” khác nhau khá xa. Nhiều tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học dịch, được tái bản trông hết sức “quyền quí cao sang”. Ngẫm ra vẫn “con người đó”, vẫn mang tâm hồn đó, nhưng được “make up” có nghề, có lương tâm, làm tôn vẻ đẹp thì dễ lay động trái tim của đối tượng hơn là “mặc áo vải thô, đi chân đất”.

Nhiều người quan tâm đến sách có tâm trạng băn khoăn chỉ sợ trong thế giới nghe nhìn ngày nay, e rằng sách in một ngày nào đó không còn chỗ đứng. Nhưng tôi không nghĩ mối lo đó sẽ thành sự thực khi mà thế giới vẫn còn có người mê sách in đẹp và những người làm sách đẹp.

Sài Gòn, 2005

Lê Ký Thương

Nguồn: Văn Học Nghệ Thuật

 

  

Ngợi Ca Tháng Chạp - Mường Mán

 NGỢI CA THÁNG CHẠP




 

 















Tháng Chạp về rồi bé thấy không?
Cỏ nép trong cây vẫy lá mừng
Hồn anh vội vã giăng mưa bụi
Rơi xuống cho vừa lạnh nhớ mong

Tháng Chạp về rồi bé thấy không?
Một chút màu xanh một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa đã Tết trong anh

Tháng Chạp về rồi bé thấy không
Gió thôi làm rớt lá sầu đông
Anh đem nhốt nắng vào đôi mắt
Nung chảy tim thành vạn giọt sương

Tháng Chạp về rồi bé biết không?
Guốc mới ai khua ngõ nội thành
Ðể cho rêu cũ – vàng son cũ
Thức dậy buồn lên đỉnh phố xanh

Tháng Chạp về rồi bé biết không?
Không dưng lòng bỗng thấy băn khoăn
Xé tờ lịch cũ vơi năm tháng
Tình có phai dần theo tháng năm?

Tháng Chạp về rồi bé thấy không?
Anh nằm dưới cỏ nghe Mùa Xuân
Nghe sông đổ nước xuôi ra biển
Nghe biển phụ tình quên nước sông

Tháng Chạp về rồi bé vui không?
Xuân đem rượu cất ở trong lòng
Trong men cứ ngỡ mình vừa thoáng
Thấy bóng ai về trong nắng hanh.

Mường Mán

 

Rồi Cả Một Thời Xưa Tan Tác Đổ - Hoàng Thu Dung

 

 RỒI CẢ MỘT THỜI XƯA TAN TÁC ĐỔ





Ngày… tháng…

Tôi được tuyển tham gia trình diễn thời trang ở Nhật, chuyến lưu diễn dài nửa tháng. Trong một buổi tiệc chiêu đãi ở khách sạn Haio, tôi quen với Nawasaki, người ấy là một doanh nghiệp giàu có, hơi thô bạo một chút, nhưng cực kỳ hào phóng. Người ấy tặng tôi rất nhiều quà. Những món quà đắt tiền làm tôi bị choáng ngợp. Đáp lại, tôi đã cho người ấy những cuộc vui thân xác…. Khi ấy, tôi quên mất Quân và khái niệm tôi đã có chồng. Có tội lỗi không nhỉ? Chậc, cuộc sống là thế, tôi được tiền và những cuộc vui. Mà Quân thì cũng đâu có biết. Như thế thì đâu có ai mất mát gì.

Ngày… tháng…

Từ bao giờ chẳng rõ, tôi đã không còn cần Quân nữa. Và tôi phải đối phó với Quân nhiều hơn, để giấu những cuộc tình vu vơ.

Cuộc sống của tôi là thế, ánh đèn sân khấu rực rỡ, những cuộc đua chen, danh vọng, tình yêu hối hả… tôi lao vào với tất cả háo hức. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp cái nhìn đau đáu của Quân. Hình như Quân chờ đợi ở tôi điều gì đó… Tôi cũng không biết Quân nghĩ gì nữa. Tôi bận lắm, không có thời giờ tìm hiểu đâu.

Ngày… tháng…

Từ phòng khám bước ra, tôi bàng hoàng khi nghĩ rằng trong bụng tôi đang có một mầm sống. Không, không thể được. Có con giữa lúc nầy chẳng khác nào tôi tự hủy hoại sự nghiệp của mình. Tôi đang là một người mẫu sáng giá. Tôi không thể hy sinh vòng eo lý tưởng để đổi lấy một đứa con. Phải dứt khoát đi thôi.

Có con, suốt ngày tất bật với những chăm sóc tẳn mẳn. Nào sữa, nào tã lót, nào những đêm thức trắng bên giường bệnh… chẳng có thời giờ để chăm chút bản thân. Tôi yêu quý bản thân tôi. Nhan sắc tôi cho tôi tất cả, cả vinh quang, cả tiền bạc và cả những ánh mắt ngưỡng mộ. Tại sao tôi phải hy sinh nó để đổi lấy những cực khổ ? Hạnh phúc gia đình thì thật nhỏ nhoi. Tôi thích là ngôi sao hơn. Mà ngôi sao thì không thể để bụi bặm đời thường bám vào ánh hào quang của mình.

Nhìn khuôn mặt hân hoan của Quân, tôi đã nói một cách tức giận:

– Em sẽ phá bỏ nó, em không muốn bị vướng víu.

Quân có vẻ sững sờ và đau khổ:

– Em đổi hạnh phúc làm mẹ để lấy những vinh quang ảo đó sao?

“Vinh quang ảo”? Thế giới huy hoàng của tôi, trong mắt Quân chỉ là cái ảo sao? Tôi tức giận điên cả người. Chúng tôi đã cãi nhau một trận. Quân hết dọa nạt rồi van xin. Tôi vẫn không đổi ý. Và tôi đã tự giải phóng tôi…

Ngày… tháng…

Tôi được đạo diễn Duy Giang mời đóng phim. Thế là mơ ước biến thành sự thật. Tôi lao vào công việc mới với tất cả hăm hở để phấn đấu vươn tới một ngôi sao. Học kịch bản, đi đóng phim… công việc mới mẻ mà thú vị, chẳng còn thời giờ nào để thở.

Tối nay Quân say. Quân gần như quỳ xuống chân tôi, giọng nói van vỉ:

– Em có thể dành cho anh chút thời giờ của em không? Anh muốn chúng mình có con, có một gia đình bình thường….

Tôi ngắt lời:

– Em bận lắm, đừng nói chuyện vớ vẩn đó nữa, em đang đẹp thế nầy, có con thì lập tức biến thành con vịt trời, không bao giờ.

– Anh xin em, anh cần một phụ nữ bình thường, chứ không cần một ngôi sao. Sự nổi tiếng của em làm anh thấy mệt mỏi.

– Nhưng em không thể có con lúc nầy, em phải đóng phim.

– Cho dù là ngôi sao, thì em cũng vẫn là một con người, một người bình thường cũng cần phải có một hạnh phúc bình thường, đừng lẫn lộn gia đình và công việc.

– Chuyện đó sẽ thực hiện khi nào em đã trở thành ngôi sao điện ảnh.

– Nếu em cứ tiếp tục coi thường ước muốn của anh, anh sẽ ly hôn.

Quân dám không đấy? Quân có biết có bao người đàn ông mơ ước chiếm hữu một phụ nữ sáng chói như tôi không? Tôi chẳng sợ sự hù dọa đâu.

Ngày… tháng…

Những ngày đóng phim, tôi lại phiêu lưu tình cảm với diễn viên Quang Bình. Người ấy tuy không giàu như Nawasaki, nhưng đẹp trai hơn, phong cách hào hoa phong nhã hơn. Cuộc phiêu lưu mới nầy thú vị không kém mối tình ở Tokyo. Thật uổng phí nếu chỉ biết có mỗi mình chồng.

Ngày… tháng…

Tối nay đoàn làm phim tổ chức buổi họp giới thiệu bộ phim mới ở nhà hàng Ly Lan. Tôi được nhắc đến như một ngôi sao vừa nổi lên đầy hứa hẹn. Những ống kính hướng về phía tôi. Vài nhà báo xin hẹn phỏng vấn. Những lời chúc mừng và những cái bắt tay nồng nhiệt… tôi có cảm giác say chống chếnh. Từ người mẫu trở thành ngôi sao điện ảnh. Con đường tôi đi toàn hoa hồng trải lối. Cuộc đời sao đẹp quá. Nếu vì Quân mà phải hy sinh vinh quang nầy, thì tôi là đồ ngốc.

Ngày… tháng…

Càng ngày tôi với Quân càng xa cách nhau. Quân trở nên lạnh nhạt với tôi hơn. Hình như Quân biết những cuộc tình phiêu lưu của tôi. Sao Quân không phản ứng? Tôi có cảm tưởng sự im lặng đó ẩn chứa một cơn bão.

Ngày… tháng…

Ngày tháng thật là buồn. Sự bận rộn tất bật trước kia không còn. Những chuyến lưu diễn và những hợp đồng phim cũng không còn. Tôi chờ đợi đến mòn mỏi những cuộc điện thoại mời nhận hợp đồng nào đó. Nhưng tất cả đều im hơi lặng tiếng. Tôi cũng chẳng biết làm gì để níu kéo tháng ngày huy hoàng ngày xưa. Tôi nhận ra thời của một người mẫu ngắn ngủi quá.

Sáng nay ngắm mình trong gương, tôi bàng hoàng nhận ra làn da không còn mịn màng. Sóng mắt làn môi cũng không còn lung linh rạng rỡ. Tôi giống như bông hoa đã khoe hết xuân sắc. Và tôi bắt đầu biết lo lắng hoảng sợ.

Ngày… tháng…

Hậu quả cuộc phiêu lưu tình ái với Quang Bình là giọt máu trong bụng. Tôi đã nói với anh ta. Nhưng anh ta thẳng thừng từ chối trách nhiệm. Tôi đã đến bệnh viện giải quyết trong tâm trạng hoang mang rối bời. Vừa sợ Quân biết, vừa nhục nhã cay đắng…. Tôi nhận ra mình chỉ là thứ để người khác mua vui. Ngôi sao đã tắt đi ánh sáng rồi.

Ngày… tháng…

Có lẽ đã đến lúc tôi quay về với cuộc sống gia đình. Tôi bắt đầu cần một hạnh phúc riêng tư. Quân nói đúng, cho dù là ngôi sao thì tôi vẫn là con người trần gian với những nhu cầu bình thường, những ước muốn bình thường mà trong đó không có chút bóng dáng nào của danh vọng. Tôi bắt đầu thèm cuộc sống hạnh phúc gia đình, thèm được làm mẹ.

Ngày… tháng…

Bác sĩ bảo tôi không còn khả năng có con, vì những lần phá thai đã làm tôi bị thương tổn.

Sáng nay từ bệnh viện đi về, tôi có cảm giác trước mắt là một bầu trời đen tối, mà trong đó tôi sẽ sống trong nỗi cô đơn nghiệt ngã. Rồi đây ngay cả điều bình thường nhất tôi cũng không có được. Cái giá phải trả cho những vinh quang quá khứ là một tương lai buồn thảm. Và tôi biết rồi đây tôi cũng sẽ không còn giữ được cả Quân.

Cả danh vọng và tình yêu tôi đều không giữ được…

Ngày… tháng…

Quân đọc cho tôi nghe bốn câu thơ thế nầy:

“Sông Hơ-nơ-xê nước rất nông

Đứng giữa dòng vẫn chưa ướt váy.

Hỏi một người lòng cũng nông như vậy.

Làm sao tôi có thể yêu sâu.”

Là tôi đấy! Tôi đã sống quá hời hợt. Nhìn cái phù phiếm mà cứ tưởng là thật. Làm sao Quân kiên nhẫn yêu nổi một người mà tâm hồn có chu vi rất hẹp như tôi. Hình như Quân muốn gởi đến tôi một thông điệp tình cảm: Tình yêu đã chết rồi.

Quận thật ác khi cố ý đọc cho tôi nghe câu thơ đó. Nhưng tôi không trách Quân. Tôi cũng đã từng ác với Quân đó thôi.

Ngày… tháng…

Rồi điều lo sợ cũng đến, tôi nhận đơn ly hôn của Quân. Tôi không ngạc nhiên. Nhưng trái tim lại đau cuồng loạn. Tôi biết, trước giờ và cả sau nầy, sẽ không có người đàn ông nào yêu quý tôi như Quân đã từng yêu quý.

Tôi đã van xin như ngày trước Quân đã từng van xin tôi. Nhưng Quân bảo đã yêu người khác. Đó là một người có nhan sắc bình thường, công việc bình thường. Nhưng cô ta có những cái Quân cần. Tôi hiểu rồi. Cô ta là người phụ nữ dịu dàng, biết trân trọng tình yêu và biết hy sinh…. Giờ thì tôi mất tất cả rồi.

Tôi đã từng có tất cả. Nhưng lại không biết giữ gìn. Tôi phải làm gì để tìm lại những gì đã mất? Có lẽ nào cái giá phải trả cho sự nông nổi lại đắt đến vậy?

Ngày… tháng…

Giờ thì tôi đã trở thành một call-girl thực sự rồi. Cuộc sống trôi qua trong những đêm khách sạn. Những phòng trọ sang trọng mà nhơ nhuốc. Tôi trượt dài xuống dốc mà không gượng lại được. Đôi lúc giơ tay về phía mặt trời. Nhưng rồi lại hụt hẫng buông xuôi. Khi đã rơi xuống vực rồi, thì muốn vươn về phía mặt trời là điều không thể thực hiện.

Ngày… tháng…

Ngày đi qua. Rồi tháng đi qua. Tuổi xuân cũng đi qua như cơn gió ngoài cửa sổ. Tất cả đều đổi thay. Bạn bè giờ mỗi người đều có gia đình riêng hạnh phúc. Riêng tôi vẫn một mình với nỗi cô đơn khắc khoải. Đếm ngày tháng dần trôi mà nghe mưa rơi quanh đời mình.

Sáng nay nhận ra mái đầu lốm đốm bạc. Thời xuân sắc đã vĩnh viễn bỏ đi. Đâu rồi một thời tôi sống trên đỉnh vinh quang? Đâu rồi một thuở tôi phung phí tuổi xuân và tình yêu thánh thiện? Giờ đây tôi hay nhớ đến câu thơ khắc khoải của người xưa:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp

Tố Như”

Không biết trong số những người đã từng hâm mộ tôi ngày ấy, bây giờ có còn ai nhớ đến tôi, một ngôi sao vụt sáng ngắn ngủi rồi lại tắt ngấm trong cô đơn âm thầm. Lẽ nào trong một đời người, người ta lại có lúc vinh quang và cay đắng đến nhường này?

Hoàng Thu Dung

 

 

Wednesday, January 29, 2025

Nửa Đời Chưa Có Xuân - Thuyên Huy

 Nửa Đời Chưa Có Xuân




Sông Chờ Phố Nhớ - Nguyễn Đạm Luân

 Sông Chờ Phố Nhớ

 



















Người đi bỏ lại sông chờ

Buồn rơi phố nhớ đôi bờ liêu xiêu

Hắt hiu nắng rụng sương chiều

Đường xưa thôi hết dập dìu bước hoa

Sông chờ đò chở khách qua

Những cô gái cũ trắng tà áo mơ

Nón nghiêng trống điểm sang giờ

Cổng trường phố nhớ khép hờ gót sen

Giờ đây phố sớm lên đèn

Để sông tròn giấc tìm quên sầu đời

Người đi cũng đã đi rồi

Phố buồn tan tác sông rời rã đau

Ai cho ai cuộc tình sầu

 

Nguyễn Đạm Luân

Tết Miệt Vườn - Dạ Ngân

 

TẾT MIỆT VƯỜN

Không khí bắt đầu từ những gốc mai ấy đấy. Khoảng giữa tháng Chạp là người ta dứt lá cho mai và sau đó, cành nhánh trơ trụi của nó có cái gì trọng đại sắp bắt đầu.

 


Một gốc mai ở giữa sân, đó là nhu cầu, thói quen và cũng là biểu hiện của văn hoá và may mắn. Ngày thường, mai chỉ là loại cây xanh uốn nắn được, nhưng ngày tết, ánh vàng và sức nở tưng bừng của nó mới thật bất ngờ. Những nhà có cụ ông nhìn vào rất dễ biết, vì gốc mai của họ được chăm sóc công phu, trông chúng y như một ông chủ điệu nghệ: tỉa gọt đấy nhưng vẫn xù xì một cách phong sương và khí phách.

Nước trong sông rạch đầy dần sau mỗi con triều. Đã qua mùa lụt, phù sa đã nằm sâu ở vị trí mà thiên nhiên đền bù cho con người, nước trong vắt leo lẻo gọi là mùa nước bạc. Thế rồi, cùng với thứ gió se se ngọn dừa, với màu nắng tươi như mật loãng, với tiếng trống lân sập sận chuẩn bị, Tết đã áp sát một bên.

Thật ra, Tết đã đến rục rịch đến từ sau mùa gặt, khi lúa hạt đã vào bồ nhường sân cho những chiếu bánh phồng san sát. Tuần bánh nhộn lên trước lúc đưa ông táo về trời và kéo dài cho tới ngày giáp cuối. Nếp hạt hoặc khoai mỳ (sắn) sẵn trong nhà, xôi chín lên trong nước cốt dừa rồi đưa vào cối, những chiếc cối của thời gạo giã được giữ lại chuyên cho bánh phồng. Cả xóm thức liên miên cùng với nhịp chày và tiếng giỡn hớt thả cửa của cánh chị em đi cán bánh vần vông. Đấy là dịp duy nhất họ quây quần bên nhau náo nức với cái gì đó rất chung nhưng hoàn toàn không giống với việc cấy gặt ngoài đồng. Cánh đàn ông cũng bị dựng dậy thay phiên cầm chày, trong lúc chờ đến lượt, họ lặng lẽ hút thuốc, thỉnh thoảng độp vào câu chuyện ngồi lê của cánh đàn bà bằng những câu đùa độc địa khiến con nít cũng bị lôi cuốn ra khỏi mùng. Thế là chúng biến thành cánh chạy bánh đắc lực từ người cán tới người phơi bánh. Không có loại việc nào lôi kéo được tất cả mọi người như việc làm bánh phồng.

Đã nhìn thấy vết thâm quầng đáng yêu trên mi mắt các bà các cô. Nhưng nào họ đã thôi trò thi đua bánh mứt. Nếu các đức ông coi việc chăm sóc cửa nhà, mai kiểng, lân pháo là nghĩa vụ đối với Tết thì cánh đàn bà ra sức làm sống lại nghề bánh khéo đã từng mai một bởi chiến tranh. Bánh kẹp cuốn ống ngậy hương vị nước cốt dừa nầy, bánh gatô cải biên đúc bằng khuôn mỏng hình trái tim nầy, bánh thuần nướng trong nồi cát này, bánh bưa kem đường nàỵ.. để đề tài bánh trái sẽ đậm đà hương vị thăm hỏi nhau của cánh chị em trong ba ngày Tết, để tếng khéo đồn xa”, để được “tết thì tết cả xóm”.

 

Còn có một loại bánh dân tộc không thể thiếu với người miệt vườn. ấy là bánh tét cải tiến từ bánh chưng thời Nguyễn Huệ thần tốc trên lưng ngựa. Đòn bánh tét là lễ với tổ tiên, là chữ hiếu với cha mẹ, là nghĩa thày trò, là miếng điểm tâm sáng ngày mồng một, là quà quê cho con cháu ở xạ Gói bánh tét không dễ vì không phải ai cũng đặt đúng cái nhân đậu mỡ ở giữa và phải niềng sao cho hai đầu cân nhau và các nuộc lạt bóng lên tăm tắp. Qua đòn bánh, người phụ nữ nhà đó được xem xét, không chỉ việc khéo vụng mà còn xem có nền nã, chặt chẽ hay không bao giờ ra bánh, người ta cũng treo thành sào cạnh bồ lúa trông thật ấm áp. Có nhà còn gói thật nhiều bánh, ngâm chúng trong nước sạch để ra giêng ăn dần.



Vẫn còn thiếu nghiêm trọng nếu như Tết ở miệt vườn chưa có mét dừa, thứ vật liệu cây nhà lá trời mênh mông. Dừa được chọn kỹ như thể chọn dâu: dừa cứng, mứt có mùi dầu, khô và vô duyên, dừa ướt, mứt ỉu, ăn thấy chán. Những nhà có thẩm mỹ tinh tế thường chỉ pha vào mứt hai màu, hồng phấn và trắng tinh, trông chúng gợi cảm như thiếu nữ. Chưa đủ, chỉ mỗi thứ mứt dừa thì hộp mứt tết sẽ nghèo nàn lắm, vì vật họ còn thi nhau làm mứt bí, mứt me, mứt cà, mứt gừng, mứt khế, và cả những thư tưởng không thể nào thành mứt được như trái khổ qua (mướp đắng) chẳng hạn. Cầm chúng lên, dù thực khách là gã đàn ông kiêu ngạo, bất cần hay chai sạn cũng phải mềm lòng trước sự kỳ diệu của đôi tay, khối óc và tâm hồn người đàn bà.

Thời gian đã chạy bứt lên khiến con người lao muốn đứt hơi theo nó. Người ra chợ, quả cây ngũ sắc đầt ắp ghe thuyền, tiếng máy đuôi tôm dào dạt bờ sông. Người ở nhà gấp rút đưa tất cả những thứ cần giặt giũ ra sông, tiếng đập chiếu trên mặt nước âm âm nghe thật thúc hồi. Có tiếng réo nhau vào hội, cứ mươi nhà thì hùn nhau vật một con heo sẵn trong chuồng của nhà ai đó, ai không tiền mặt cứ việc đưa thịt về ăn tết đã, ra năm tìm cách tính sau. Trẻ con bưng bê gì mà xuôi ngược hấp hởi vậy? Thì ra, nhân ngày áp chót, người ta tranh thủ đưa biếu nhau những thứ quả chỉ có ở vườn mình để sau ngày ba mươi thì không ai động đến cây và trái nữa, chính là để chúng được yên lành hưởng chọn lộc xuân như con người .

Bữa cơm chiều ba mươi thật hệ trọng với từng nhà như khắp mọi nơi trong đất nước. Chỉ khác là tổ tiên luôn được ở trong vườn nhà, vì vậy, trước khi rước ông bà vào mâm cỗ thì nấm mộ phải sạch cỏ, phải khang trang. Bận rộn đến mấy, nghĩa cử này thường không được chậm trễ và, khi nén nhang cong trên bàn thờ, con cháu mừng hơn được vàng vì thế là ông bà đang về đấy, đang phù hộ cho con cháu đấy, nhất định năm mới sẽ may nhiều dữ ít. Như con người vừa được an ủi.

 

Công việc của cánh đàn bà nào đã xong. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét bên góc sân, còn phải quét sân trước sân sau để ra ngoài mồng thì đố dám động chổi. Còn phải tắm táp cho lũ nhỏ để chúng được ngủ trong mùi vải mới. Trong ý tưởng trẻ thơ, tối giao thừa được mặc quần áo mới thì năm sau sẽ mau lớn.

Cuối cùng việc nhà cũng phải chấm hết. Trong mệt mỏi ngọt ngào, các bà các cô mang đèn dầu xuống bờ sông, giấu chúng vào bụi cây để hé ra ánh sáng mập mờ, ấy là bữa tắm chậm rãi nhất, long trọng nhất của họ trong vòng mấy trăm ngàỵ Họ ngụp sâu trong nước mát, nhẩn nha giữa qúa khứ và tương lai, bởi tâm tư họ đang bước đến giao thừa. Họ bước lên, quần áo tóc tai cẩn trọng trong căn nhà bỗng như mới bừng lên, trên chiếc gối còn thơm mùi xà bông mùi nắng, bên cơ thể thơm tho của lũ trẻ, họ thả lưng thư giãn một cách trang nghiêm. Có biết bao điều ập đến, biết bao nỗi buồn được tiễn đưa và cũng biết bao mơ ước được gọi dậy, ấy là lúc họ tẩy trần đầu óc và tâm hồn vốn bình dị của họ.

Rồi bước chân thời gian như vừa khởi động và đang tràn sầm sập qua xóm vắng. Người già dậy trước bật hết đèn lên, chốc sau đã nghe mùi bánh phòng toả ra từ bếp lửạ Giao thừa bao giờ cũng phải có phồng trên bàn thờ. Không khí bắt đầu ngầy ngà khắp xóm trẻ con bật dậy sà ngay vào trò chơi pháo chuột, như chừng chưa hề chợp mắt, còn các cụ bà thì lần ra sân bái lạy đủ bốn phương tám hướng. Đêm đen sóng sánh, cây trong vườn trầm mặc và con sông như bát ngát ra. Có cái gì đang dừng lại trong mỗi con người, bịn rịn ngậm ngùi, rưng rưng. Buổi giao thừa ở quê thường không có mấy truyền hình, người nhà ai nấy tụm vào quanh ông bà mình nghe chuyện xửa chuyện xưa, chờ cho nhang tàn để đưa lộc từ trên ban thờ xuống bắt đầu nhấm nháp. Bấy giờ người ta mới thấm mệt như có cái gì đó ghê gớm xuyên qua, xâu chuỗi người ta lại và cũng đặt người ta vào vòng quay chóng mặt nhưng vô cùng thú vị.

Sáng mồng một nhà nào cũng dậy muộn, trừ một vài người lớn phải cũng kiến cho ông bà. Trẻ con lăng xăng với bộ quần áo đẹp nhất, nhẩm trong đầu những câu chúc thọ người lớn sao cho được khen và được cả tiền lì xì. Xống áo thanh niên bắt đầu chộn rộn đường quê, cũng chừng ấy mẫu mã thời trang thị thành, chỉ khác là màu nổi hơn để chứng tỏ với chung quanh sự hiện diện của mình. Người đứng tuổi ra đường vào buổi xế, bấy giờ rượu mới là thứ được việc để người ta nhìn nhau thoải mái sau bao nhiêu va chạm ngày thường, để những câu chúc nhau cháy đượm.

Mồng hai Tết mới thực sự là ngày của hỉ xả. Thường người ta góp nhau sắm lân sắm trống từ rất sớm, mỗi xã một đội. Người thủ vai lân phải khoẻ, phải có bước nhảy mang tinh thần thượng võ, còn ông địa thường là cậu bé con sôi nổi, cũng có khi là một bà goá có tính chọc trời khuấy nước. Cả xóm được một ngày vui, một ngày cười, cả lân, cả địa thường được thưởng rượu để bước chân tròng trành hơn.

Ngày mồng ba đánh thức mọi người dậy sớm như nhau. Sau khi cúng tất niên bằng chú gà giò, người ta săm soi bộ chân nó để xem thời vận và treo nó ở hàng hiên để khoe với hàng xóm. Cũng là ngày bọn trẻ đổ ra đường khệ nệ mang lời chúc của gia đình và bánh trái đến mừng tuổi thầy cô. Phong tục cổ truyền ấy đã làm cho ngày cuối cùng của dịp tết bừng lên một lần nữa, thiêng liêng rộn rịp không kém gì ngày ba mươi vừa qua.

Hết Tết, xóm ấp rã rượi một cách ngọt ngào như cô dâu sau tuần trăng mật. Đó là sự kỳ diệu mà tổ tiên và thiên nhiên cùng ban tặng để mỗi năm một lần con người trở lại với giá trị hàng ngày của mình: thanh sạch, vị tha, giao hoà và mơ ước.


Dạ Ngân

Nguồn: Chim Việt Cành Nam