Nó Một Thời Để Yêu Để Chết
Bối
cảnh, nhân vật câu chuyện viết bằng tưởng tượng, để tặng hai người một thời làm
cô giáo thích truyện Quỳnh Dao
Chuyến xe sớm đầu ngày thứ Bảy về tỉnh, vừa tới bìa ranh xã, cách chợ đâu
chừng vài trăm trước thì bị trục trặc máy móc gì đó nên ngừng lại bên đường.
Chú tài xế cũng như anh lơ xe, lăng xăng, tay lục lạo dụng cụ miệng tiếng một
tiếng hai xin lỗi bà con. Khách lẳng lặng xuống xe, không ai nói gì, quẩn quanh
ngó nhìn con đường lộ đen màu hắc ín xa
xa phía có nhà có người qua lại.
Xuống xe, ai nấy túa vô bìa rừng tìm bóng mát, giờ này chưa trưa nhưng
cũng đã lấp lửng, mặt trời lên khá cao, màn sương sớm mờ trên đường đã tàn dần,
có chút hơi hâm hấp nóng. Quân sửa soạn xuống, nhìn lên trong xe, một bác gái
chắc cũng trên dưới sáu mươi, phía hàng ghế trước khệ nệ kéo hai cái túi xách vải
xem ra khá nặng, trên xe không còn ai, Quân nhanh chân đi lên, bác quay lại,
hai người chào nhau, Quân kéo phụ xuống trước, bác chầm chậm theo sau.
Hai người đứng bên nhau, bác kéo cái khăn choàng tím trên đầu lau chút mồ
hôi lấm tấm trên mặt, cười với anh ta hai tiếng cám ơn, ngạc nhiên vì còn chờ
xe đi tiếp, sao bác lại đem đồ xuống làm gì thì bác đã nói trước, nhà bác ở chợ
xã này, bác định ráng đi bộ về cho xong, chờ biết chừng nào, cùng lúc đó khách
xem ra sốt ruột, hỏi tới hỏi lui, chừng bao lâu nữa, anh lơ xe, nhuể nhại mồ
hôi mồ kê, chắc một tiêng mấy nữa kèm theo lời xin lỗi, nói thêm chợ trên kia,
cách đây không xa, bà con nếu muốn, đi bộ lên trên đó uống nước đở, xe xong sẽ
lên đón, bà con lừng khừng đi ở. Vậy cũng hay, Quân quàng một túi lên vai, tay
xách túi kia, hai người, một già một trẻ bỏ đi trước một khoảng không mấy xa, lục
đục năm ba người, từng tốp lẻo đẻo theo sau.
*
Tới trước cổng rào thấp căn nhà ngói, có trồng nhiều hoa Sứ trong sân,
sát bên đường, ngay ngã ba chợ xã, đứng lại đó, bác cho biết, chuyến xe này bác
thường đi, đúng giờ đúng giấc lắm, tài xế lơ xe không lạ gì, đây là nhà của
bác, thường khi về tới thì xe đò ngừng ngay cửa, bác chỉ xuống xe rồi mấy đứa
nhỏ mang vô thôi. Bà con chờ xe cũng vừa lên tới, tấp vào cái quán nước bên kia
đường, ngó qua chợ xã, Quân nhìn theo cười, trong bụng cũng định qua đó kiếm
cái gì uống, sẳn nghỉ chân chờ xe luôn, dù sao cũng trễ rồi, đáng lý là đã xuống
xe ở trường quận lận nhưng đi luôn lên tỉnh thăm gia đình người chị bà con, dọn
lên Bảo Lộc làm ăn nay mai.
Bác gái chưa chịu đi vô, trong nhà cô con gái trạc mười bảy mười tám, vụt
ra, Quân quay lại định chào bác rồi băng qua đường, cùng lúc cô gái tới, cười tươi hai tiếng “dạ chào thầy” rồi
nắm tay bác nhìn Quân, bấy giờ anh cũng không ngờ.
-Má ơi, thầy Quân dạy ở trường quận
con học nè.
Quân cười, ngờ ngợ, chợt nhớ ra cô này học lớp 12A, anh biết mặt khi cô ở
trong nhóm làm bích báo Xuân mà Quân là người chịu trách nhiệm bài vờ:
-Ủa nhà em ở đây hả?
Bác gái đứng khựng, một lúc rồi bảo
con:
-Đem đồ vô đi, cất xong rồi qua tiệm
phụ chị bên đó.
Cô nàng “dạ” tiếng nhỏ.
Bác quay qua Quân:
-Mời thầy qua uống nước luôn, tiệm đó
là tiệm của gia đình bác, đừng ngại gì hết.
Quân dạ, cô nàng tay xách đồ, chưa chịu đi vô, hai mẹ con đứng nhìn Quân
thong thả băng qua bên kia ngã ba đường, trời bắt đầu nắng gắt tự nãy giờ nhưng
có gió mát từ hướng sông lùa về, cũng dịu đi đôi ba phần.
Khách đi chung chuyến xe, lạ quen ngồi đông nghẹt trong quán, có người
làm phụ nên bác gái ngồi hỏi chuyện nọ kia luôn miệng, không còn tiếng thầy như
trước, giờ cứ một Quân hai Quân. Bác còn lịch sự lắm, đẹp hiền từ, dễ mến, Phúc,
tên cô học trò lớp 12A khi đứng khi ngồi, tuy lăng xăng bưng nước cho khách
nhưng cứ liếc mắt nhìn Quân rồi mĩm cười một mình. Cô chị đâu đó đằng chợ về, từ
phía sau trong quán đi lên, Phúc kéo tay ra góc quán chỉ chỗ bàn Quân và má cô
ta ngồi, che tay nói nhỏ gì đó, cô chị, giống hệt Phúc đi ra gật đầu chào, ngồi
xuống làm quen.
Chưa được bao lâu, xe đò lên tới, trời quá giữa trưa rồi, khoảng đường về
tỉnh không còn xa mấy, khách đi hối hả ra đường, chiếc xe ngừng chờ ngay cửa
nhà bác gái, anh lơ la lớn bảo lẹ lên. Quân đứng dậy chào từ giã, bác gái và hai
chị em cùng theo nhau ra đứng bên lề, lặng thinh, trước khi Quân băng qua bên
kia đường, bác gái nhắn:
-Hôm nào rãnh nhớ ghé lên bác chơi
nghe.
Xe từ từ chạy đi, ba người vẫn còn đứng đó nhìn theo xe khuất mất ở cuối
dốc đường.
*
Chiều thứ sáu, tan trường, hai thầy trò, nói thầy trò cho ra vẻ chứ
Quân, ông thầy chẳng hơn cô học trò đệ nhất Phúc bao nhiêu năm, đi bên nhau nói
cười cười nói, tới đầu ngã ba, đường xuống chợ quận, cách nhà trọ không mấy xa, ngó qua bến xe lam, sát hàng
rào chi khu, cũng đã có ba bốn cô áo dài trắng cùng trường chờ, nắng còn rực
sáng, trời thiếu gió, cơn gió từ hướng bờ sông chiều như mọi khi không thấy tăm
hơi, chào nhau từ giã, Quân hẹn ngày mai thứ bảy sẽ lên nhà thăm.
Quân cũng định sẽ đi, nhưng hơn hai tháng rồi, từ ngày chuyến xe đò hư
máy, tới trường gặp Phúc thì, không biết bao nhiêu lần cô cứ nhắc má nhắn mời
lên chơi, vã lại gặp mặt Phúc hoài cũng ngại quá. Quân đứng đó, nhìn chiếc xe
lam chầm chậm rời bến trong nắng chiều ngấp nghé tàn, Phúc vẫy vẫy tay chào,
đám học trò trên xe, không biết lớp nào cũng gọi lớn “thầy thầy”.
*
Bác gái, thiệt tình ngồi kế bên Quân hỏi đủ thứ, lâu lâu hai chị em xen
vào hai ba câu, hai ba câu trời trăng mây nước, cho biết bác trai đã mất vì một
tai nạn xe cộ ở Biên Hòa sao đó cũng hơn mấy năm nay, với số vốn liếng còn có
do hai vợ chồng dành dụm trong những năm bác trai hùn hạp nhà máy cưa ở trên tỉnh,
bác mở tiệm nước này từ đó đến giờ, tuy là chợ xã nhưng quán lúc nào cũng đông
người, xe đò ngược xuôi cũng thường ghé tấp vào cà phê cà pháo chờ khách. Nhà
có hai chị em, cô chị, Hạnh, tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, hiện là cô giáo lớp ba
tại trường tiểu học xã, nằm xế bên văn phòng xã không xa, từ bên nhà ngó qua thấy
rõ, Phúc thì đang học lớp đệ Nhất ờ trường
Quân đang dạy.
Bác hỏi thăm ba má mạnh khỏe, nhà ở tận Long An, ba má Quân có cái vườn xoài
cát không lớn nhưng thu hoạch tương đối khả quan hàng năm, anh là con một, học đại
học Sư Phạm, ra trường, đổi về quận hơn năm nay.
*
Chuyện loanh quanh vậy thôi, tiếng “thầy” thay bằng tiếng “anh”
từ lúc nào không biết, bác gái qua bên tiệm, Quân theo hai chị em đi lòng vòng
đường trên ngỏ dưới, đúng như thơ của ai đó, ở đây cũng “đi dăm phút đã về chốn
cũ”. Chợ còn nhóm, bạn hàng quen tụm hai tụm ba chào, có người trong nhà lồng
chợ hỏi vọng to “ai đó ai đó?” rồi cười ngặt nghẽo, hai chị em lắc đầu
cười trừ đáp. Ở lại ăn cơm trưa, bữa cơm
vui trọn vẹn. Cũng như lần từ giã hôm chuyến xe đò hư máy đó, ba mẹ con cũng đứng
trước tiệm, chờ Quân lên xe về quận, xe khuất mất cuối đường, không biết họ còn
đứng đó bao lâu. Trời rực nắng giữa trưa, chợ xã giờ vắng hoe, lặng im, tiệm nước
cũng thưa người. Vài ba con chim lẻ bạn thơ thẩn kêu trên cái sân xi măng trước
chợ, đuổi theo bóng nắng.
*
Như quy luật sắp đặt thiên thu của trời đất, họ, Quân, hai chị em Hạnh,
Phúc càng ngày càng gần gũi nhau hơn, Hạnh và Quân chợt biết mình đã thương và
thương lúc nào không biết, bác gái xem ra hài lòng, bác hy vọng một ngày dù
chưa biết chắc là ngày nào, gia đình sẽ có tin vui. Bà con bạn hàng quanh chợ
xã, hình như cũng mừng khi thấy hai người bên nhau. Phúc cũng mừng cho chị
nhưng có cái gì lạ, mừng không được trọn vẹn, ở trường, giờ chơi, người ta để ý
thấy Phúc thường trộm nhìn Quân, cái trộm nhìn triều mến khó nói. Ngày thứ bảy,
chị chờ Quân bao lâu thì Phúc không khác gì chị mình, cũng trông cũng ngóng, dù
ngày đi học nào cũng gặp, chiều tan trường vẫn đi bên Quân. Đôi khi bất chợt giựt
mình, Quân tự thầm hai tiếng “chẳng lẽ” thấy Phúc có chút ganh tỵ thoáng
qua với Hạnh khi Hạnh tỏ vẻ âu yếm với anh ta.
Không những vậy, trong trường Quân cũng nhận ra Phúc đã có nhiều lần cau
mài khó chịu khi thấy Thảo Nguyên, cô giáo sư trẻ, khá đẹp, dạy Sử Địa lớp đệ Lục
thường đi chung với nhau từ những ngày đầu Quân mới về dạy, thân mật cười nói với
anh trong sân, trước phòng nghỉ của cô thầy hay ngoài cổng chiều tan trường,
khi Phúc đứng chờ Quân về cùng đường.
*
Lấp lửng trưa, trời không nắng, mây xám xuống thấp, không mưa, phủ màu tối nhạt
trên cái nghĩa địa nhỏ ở xa cuối đường mòn ngoài bìa ranh phố tỉnh. Người đưa
đám tang, phụ chôn cất tản ra, thưa dần rồi mất hút từ lâu, nghĩa địa lắng im.
*
Đâu đó những cánh phượng hồng rộ nở rực một màu trên đường phố quận, trong sân trường, vào Hạ, mùa hè học trò, bải
trường Quân về Long An vài ngày rồi lên Bảo Lộc thăm người chị bà con bị bệnh nặng
được nhà thương cho về sau hai tuần lễ, hôm trên đường về lại Sài Gòn, trời bữa
đó giông to mưa lớn, đường mới sáng đó mà đã tối om u ám, chiếc xe đò lỡ Đà Lạt
Sài Gòn chạy chậm hơn mọi khi, tới cái đèo nhỏ cua quanh khá gắt mưa vẫn trút nặng
hột, tạt xối xả vào kiếng trước, chiếc xe hàng từ Sài Gòn ra, không biết chạy
như thế nào, trợt bánh, hai xe không kịp tránh nhau, tông vào, cả hai cùng ngã
lăn, xuống triền đèo, mưa cứ lạnh lùng mưa, người dân xóm dưới bên đường, đổ xô
lên cứu, nhiều người bị thương nặng và hơn sáu bảy người chết, trong đó có
Quân.
*
Ở một góc dưới bóng cây già tàng cao rậm lá, ba người đứng xa xa nhìn lại
nấm mồ vừa đấp xong, nặc mùi đất mới còn nghe thoang thoảng, hai bà và một ông,
tuổi chừng trên dưới sáu mươi, không ai nói một lời, cứ đưa mắt nhìn, im lặng
như cái lặng im của nghĩa địa, tay đưa lên mặt, lắc đầu, họ khóc.
Bên nấm mồ, ba người con gái, một người đã yêu và đã được yêu, hai người
còn lại đã yêu nhưng chưa được cho yêu, ngồi gục đầu lâm râm, rấm rứt khóc, gọi
tên người nằm dưới huyệt sâu, mộ chưa có mộ bia, bó hoa Huệ trắng mua từ sáng sớm
đã héo, rủ cánh mờ mờ nhang khói chập chờn.
*
Đám mây xám xuống thấp xuống thấp hơn, trời âm u, gió lùa về lành lạnh,
ba người con gái nhìn nhau, cúi xuống hôn nấm mồ, lần nữa ràng rụa khóc trong
màn mưa đục màu bất chợt lạnh lùng đổ.
Thuyên Huy
Lưng chừng đầu thu viễn xứ 2025
No comments:
Post a Comment