Sunday, March 28, 2021

Đất Nước - Nhóm Thi Hữu Thơ Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 24- NHÓM THI HỮU

 

Chủ đề: Đất nước



 
















Bài xướng:

 

BẢO TOÀN TIẾNG MẸ

 

Hễ Việt ngữ còn, nước Việt còn.

Ầu ơ kẽo kẹt võng đưa con.

Lời cha dạy dỗ tâm ghi nhớ,

Tiếng mẹ vỡ lòng dạ sắt son.

Quan họ câu ca vang cuối xóm,

Ngũ cung giọng hát vọng đầu non.

Làm sao quên được lời ru nhỉ

Học thuở nằm nôi bé tí hon...

 

Texas, March 25th 2021

HỒ CÔNG TÂM

 

 [1]:

 

TIẾNG MẸ

 

Năm xưa bé bỏng tựa chim non

Lắt lẻo cầu tre mẹ dẫn con

Trường học con xây hoài bão lớn

Trường đời mẹ trải tấm lòng son

Con đi khắp chốn tin biền biệt

Mẹ ở quê nhà dạ héo hon

Tiếng mẹ à ơi con vẫn nhớ

Suốt đời con nguyện giữ cho còn

3/25/2021 

 

THÚY M

 

[2]:

 

TIẾNG VIỆT CÒN ĐÂY

 

Ước mong  Việt ngữ vẫn lâu còn

Tiếp tục lưu truyền  cho cháu con

Để biết nước ta hồn sắt thép

Hay rằng dân tộc dạ lòng son

Bờ nương giọng hát lừng thôn dã

Cạnh suối câu hò át núi non

Nhớ thuở sơ sinh lời của Mẹ

Ầu ơ tiếng dỗ bé hồng hon….

 

Paris, 26/03/2021

TRỊNH CƠ

 

[3]:


HỒN NƯỚC

 

Truyện Kiều còn đất nước ta còn*

Ôm bức dư đồ giấc mộng con

Hào kiệt còn sôi bầu nhiệt huyết

Anh thư vẫn giữ tấm lòng son

Đêm nghe vọng cổ hoài lang khúc

Chiều tối mục đồng gõ cuối non

Đất nước chan hòa nghe thắm thiết

Nuôi con mẹ gánh khổ sầu hon.

 

NGUYỄN CANG

*Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh).

 

[5]:

          

NƯỚC VIỆT BUỒN

 

Ôi nền tự chủ đã không còn!

Mẹ Việt âu lo bởi lũ con

Biển đảo bây dâng đau ruột tím

Biên cương chúng nạp nát lòng son

Sao đành chịu nhục làm tôi mọi

Lại nỡ cầu vinh bán nước non

Thế kỷ mang gông Tàu Cộng Sản

Cha buồn dạ xót, héo hon... hon!

 

DUY ANH

03/26/2021

Phụ bản:

       

ZÁO ZỤC TAI

 

Quốc Ngữ còn, dân tộc còn

Sao tên "buồi"* nỡ bào mòn văn chương.

 

"Nắm chặt" đọc thành "nắm c…t" sao?

Mười hai con Giáp, giống con nào!

Cầu vinh dập trán, tôn thờ Tập

Bán nước khom lưng, lạy tế Mao

Mẫu tự trăm năm luôn vững chắc

Văn chương muôn thuở chẳng hư hao

Tên "buồi" ngốc nghếch đem ra sửa

Trúng kế Tàu rồi, thiệt ngán ngao!

 

DUY ANH

Chú thích:

* buồi = Bùi Hiền, theo cải cách mà y soạn:

C=K

CH=C

GI, D, R = Z

Về Một Người Việt Nam Đi Tìm Các Ẩn Số Chính Trị ...... Cao Tuấn

 Về Một Người Việt Nam Đi Tìm Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung




Người Việt Nam nói ở đây là ông Nguyễn Ngọc Huy, tác giả quyển sách “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” xuất hiện ở Hải Ngoại vào khoảng 1985, 1986 nhưng tác phẩm này không được biết đến nhiều như các tác phẩm “chính thống” khác của ông. Tuy vậy, theo thiển ý, đó là một tác phẩm đứng đắn, độc đáo, đáng đọc và đáng suy nghĩ. Nếu ông Huy chứng minh nhà văn Kim Dung, người Trung Hoa, có những hậu ý chính trị khi viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng thì có thể chính ông Huy, một nhà chính trị Việt Nam cũng có những thông điệp chính trị riêng khi bỏ thì giờ viết sách về Kim Dung.Nhưng trước hết ông Nguyễn Ngọc Huy là người thế nào?

VĂN LÀ NGƯỜI

Ông Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) được biết đến đầu tiên là một người làm thơ. Ông làm thơ rất sớm, hầu hết các bài thơ đều được viết vào tuổi sấp sỉ 20. Thơ của ông, với bút hiệu Đằng Phương, nhất quán có một nội dung đặc biệt:

Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ
Lấy văn thơ làm Lẽ Sống trên đời
Đem ngọc châu trau chuốt mãi lên lời
Để trang điểm nàng Ly Tao diễm lệ

Tôi chỉ là một người dân đất Việt
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
Nỗi nhục nhằn nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống kẹt trong cùm lệ thuộc

Tôi đánh bạo lấy vần thơ bỡ ngỡ
Để diễn trình quan niệm đấu tranh chung
Để phô bầy những nguyện ước chờ mong
Những triển vọng về tương lai giống Việt

Tôi mượn thơ để gây lòng phấn khởi
Cho chính mình trong những lúc gian lao
Trong những khi thất bại, những khi nào
Chân yếu đuối muốn rời đường chiến đấu

(Thay Lời Tựa tập thơ HỒN VIỆT xuất bản lần đầu vào năm 1950)

Thơ Đằng Phương nên được xếp vào loại “Anh Hùng Ca” – nói về dân tộc, lịch sử, lòng yêu nước, yêu quê hương, ngợi ca những người tranh đấu vì nước quên thân:

Hỡi những ai kia đã luỵ mình
Đã vì non nước chịu hy sinh
Đã vì chủng tộc khai đường sống:
Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh!

(Nén Hương Lòng)

Diễn tả cảnh hy sinh bi tráng của họ như trường hợp Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tuẫn tiết trên đoạn đầu đài:

Sau cái nhìn chào non nước bi ai
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
Việt Nam Muôn Năm! Một đầu rơi rụng
Việt Nam Muôn Năm! Người kế tiến lên
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

(Ngày tang Yên Báy)

Ý nghĩ của nhà thơ trong sáng, giản dị:
…..
Trên đường lối đấu tranh cho lẽ sống,
Bóng anh hùng nòi giống nếu không quên
Thì giang sơn vạn cổ vẫn lâu bền
Và Lịch Sử vẫn luôn bừng nhuệ khí

(Anh Hùng Đất Việt)

Nếu bài hát “Tình Ca” của Phạm Duy “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!…Mẹ hiền ru những câu xa vời… Ạ ạ ơi….tiếng ru muôn đời…tiếng nước tôi….Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui…Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!…” đã khiến người Việt Nam suốt mấy thế hệ không nguôi thương nhớ quê hương thì bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của Đằng Phương cũng có ảnh hưởng không kém kể từ thập niên 1950 cho đến ngày nay. Lời tâm can vang vọng rất tự nhiên:

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát, xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa
Họ buông gươm trở lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Đã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.

Sau tuổi hoa niên ông Nguyễn Ngọc Huy không còn làm thơ nữa hoặc làm rất ít , nhưng cuộc đời còn lại cho đến khi chết ông sống đúng như thơ, từ suy nghĩ đến hành động, luôn hướng về mục đích phụng sự Tổ Quốc.
Có lẽ không cần nhắc quá nhiều đến sự kiện ông Huy là người trí thức đậu cử nhân luật khoa và tiến sĩ chính trị học ở Paris trong trong thời gian sống lưu vong ở Pháp và trở về miền Nam Việt Nam làm giáo sư dạy về Luật Hiến Pháp, Học Thuyết Chính Trị, Bang Giao Quốc Tế tại các trường đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ trong khoảng thời gian 1964-1975.Trong những năm tháng chiến tranh nhiễu nhương ấy, ông Huy nổi tiếng là một nhà giáo dậy giỏi, một lý thuyết gia uyên bác và một lãnh tụ chính trị quốc gia tận tuỵ nhưng cẩn thận, ôn hoà. Trong suốt cuộc đời ông Huy cũng viết nhiều sách báo giá trị bằng cả 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hán

Tuy được xem là một lãnh tụ chính trị quan trọng của người quốc gia Việt Nam nhưng ông Nguyễn Ngọc Huy chưa bao giờ ở vị trí quyền lực để thực thi lý tưởng xây dựng một quốc gia dân chủ pháp trị lương hảo, tạo nội lực đủ sức chống lại chủ nghĩa Cộng Sản độc tài toàn trị.

Lần duy nhất ông đến gần guồng máy quyền lực là khi người đồng chí “như hình với bóng” của ông là ông Nguyễn Văn Bông, giáo sư đại học thạc sĩ công pháp, chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà ông làm Tổng Thư Ký, chuẩn bị ra làm Thủ Tướng vào năm 1971 theo lời mời bất đắc dĩ của ông Tổng Thống “quân phiệt” Nguyễn Văn Thiệu.

Tuy nhiên đảng Cộng Sản Việt Nam, trông thấy trước được mối nguy hiểm, đã mau chóng ra lệnh cho đặc công ở Sài Gòn ám sát ông Nguyễn Văn Bông như họ đã từng ám sát những địch thủ tài năng, đức độ và quan trọng khác của người Việt Quốc Gia là các ông Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Huỳnh Phú Sổ…trong cuộc phân tranh Quốc-Cộng kéo dài 30 năm (1945-1975).

Người ta có thể không đồng ý về những quan điểm chính trị của ông Nguyễn Ngọc Huy nhưng không ai có thể phủ nhận được trường hợp của ông Huy: “văn tức là người”. Bởi vì không ai có thể giải thích khác hơn được về một người “lúc hết hơi mới biết đến mạng trời và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động” và khi chết chỉ sở hữu vài bộ quần áo cũ và một một ít sách.

Và cũng không có ai có dịp tiếp xúc với ông Huy mà không thấy ông là người chừng mực, tự chủ, quyết tâm. Bình dị trong lời nói nhưng phong phú trong ý tưởng. Không bao giờ làm bộ tịch, không bao giờ “đao to, búa lớn”. Một người “dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch”. Một người “thong dong tựu nghĩa”.

Có nhiều người viết về Kim Dung nhưng viết hẳn một quyển sách công phu về riêng một khía cạnh – “ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung” – thì ông Huy là người duy nhất.

Một câu hỏi đến tự nhiên: Tại sao một người lỗi lạc lại bận rộn như ông Huy lại “mất công” với với loại truyện giải trí bình dân như thế?

Câu trả lời chỉ tìm thấy sau khi đã đọc xong quyển “Những Ẩn Số Chánh Trị…” dầy 290 trang. Và câu trả lời có thể sẽ là như sau:

Mặc dầu truyện võ hiệp nói chung bị xem là loại văn chương bình dân nhưng riêng với Kim Dung ông Huy nhìn thấy hình ảnh của một đại văn hào có một sở học uyên bác và óc tưởng tượng dồi dào – Những bộ truyện trường thiên của Kim Dung đều có thể so sánh được với các bộ sách bất hủ của dân tộc Trung Hoa đã làm say mê cả người bình dân lẫn người trí thức, người Việt Nam lẫn người Trung Hoa, với những ý nghĩa triết lý hoặc các bài học chính trị, đạo đức tiềm ẩn như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du Ký… Nếu suy nghĩ khi đọc truyện Kim Đung người ta có thể học được nhiều điều hữu ích..
(Xin biết Kim Dung có Ph.D về Sử và chủ trương “dân trong nước PHẢI biết SỬ QUỐC GIA,nhưng sử Trung Hoa quá nhiều, rắc rối,phức tạp,…để truyền bá theo lối từ chương nên KD đã viết theo lối kiếm hiệp. TDT”

Ông Huy nghiên cứu, quen thuộc với lịch sử, tư tưởng và văn hoá Trung Hoa. Luận Án Tiến Sĩ của ông ở đại học Paris viết bằng tiếng Pháp đã được chính ông dịch sang tiếng Việt có đề tài “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời”. Tác phẩm của Kim Dung, vì thế, đã hấp dẫn ông Huy một cách tự nhiên.

Ngoài sự kính nể của người trí thức đối với người trí thức, nhà tư tưởng đối với nhà tư tưởng, ông Huy viết về truyện Kim Dung vì ông cùng chia sẻ với nhà văn một số giá trị căn bản chung, vì thấy ở Kim Dung một tâm hồn đồng điệu bất kể khoảng cách về không gian, thời gian hay chủng tộc. (Lẽ dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa ông Huy đồng ý hoàn toàn với những điều ông tìm thấy về tư tưởng của Kim Dung).

Tác phẩm của Kim Dung phong phú, đồ sộ và có thể nghiên cứu, nhận định dưới nhiều khía cạnh. Ông Huy chỉ giới hạn, như đã nói, vào một khía cạnh mà ông quan tâm hơn cả đó là “các ẩn số chính trị” trong tác phẩm. Ông đi tìm những ẩn số này bằng khả năng phân tích và tổng hợp của một nhà khoa học chính trị, một người quen viết nghị luận cũng như bằng tâm tư của một chính trị gia Việt Nam đang “trong gian truân cố chuyển lại cơ trời”, luôn luôn suy nghĩ về những vấn đề của đất nước mình.

NHỮNG “BÍ MẬT” CỦA KIM DUNG ĐÃ BỊ HAY ĐƯỢC “BẬT MÍ” THẾ NÀO ?

Để tránh những hệ luỵ rắc rối không cần thiết các tiểu thuyết gia gần như luôn luôn xác định “tác giả không có ý ám chỉ một nhân vật hay một sự việc có thật nào trong đời sống cho nên mọi trùng hợp nếu có chỉ là ngẫu nhiên”. Kim Dung cũng không đi ra ngoài thông lệ ấy khi tuyên bố “Nội dung tiểu thuyết không tránh khỏi sự biểu lộ tư tưởng của tác giả nhưng không phải tác giả cố ý đem nhân vật, sự tích cùng bối cảnh đến một lãnh vực tư tưởng hay một chính sách (có thật) nào đó…Tiểu thuyết võ hiệp không liên quan gì đến tư tưởng chánh trị, ý thức tôn giáo, khoa học trúng hay trật, đạo đức phải hay trái…”

Lập trường “phi chính trị” nhưng “nói để mà nói” của Kim Dung đã không ngăn cản ông Huy đi tim dụng ý chính trị của tác giả rải rác trong các tác phẩm và ông đã tìm ra, đã nhìn thấy một số dữ kiện có ý nghĩa chính trị. Các dữ kiện này vừa đủ số lượng, vừa ăn khớp vào nhau để có thể đưa ra nhũng thông điệp về lập trường của Kim Dung.

Trong phần “Lời Mở Đầu” của quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị…” ông Huy nêu một vài chi tiết quan trọng:

Lúc đảng Cộng Sản Trung Hoa tranh đoạt được quyền lãnh đạo Trung Quốc, Kim Dung vẫn còn ở lại lục địa, sau đó mới dời ra sống ở Hongkong và làm biên tập viên cho hai tờ báo thiên tả là Đại Công Báo và Trường Thành Hoạ Báo cho đến năm 1957. Sự kiện này cộng với các ẩn số chính trị tìm thấy trong một số các bộ truyện của Kim Dung khiến ông Huy suy đoán Kim Dung vốn là người trí thức khuynh Tả, có thiện cảm với các đoàn thể theo Xã Hội Chủ Nghĩa và các quốc gia theo chế độ Cộng Sản và không có thiện cảm với các đoàn thể thuộc phái Hữu và các quốc gia Tây Phương.

Qua thời gian, cái nhìn của Kim Dung dần dần thay đổi khi nhận chân người Cộng Sản áp dụng một chính sách chuyên chế toàn diện, tàn ác và phi nhân nên Kim Dung quay ra kết án họ.

Kim Dung cũng điều chỉnh lại cái nhìn đối với các đoàn thể có lập trường chống chọi nhau, cả Tả lẫn Hữu. Theo Kim Dung, không bên nào hoàn toàn phải, toàn người tốt. Không bên nào hoàn toàn quấy, toàn người xấu. Bên nào cũng có người xấu, người tốt và thường vừa có phẩn phải vừa có phần quấy. Điểu đáng nói là chuyện mức độ – tốt nhiều hơn hay xấu nhiều hơn, phải nhiều hơn hay quấy nhiều hơn. Chính, Tà không đơn giản là chuyện Trắng, Đen.

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, từ khi xuất hiện từ đầu thập niên 1960s, trong khi làm mưa làm gió ở Hongkong, Singapore, Nam Việt Nam, các nước Đông Nam Á trong giới Hoa Kiều hải ngoại thì tuyệt đối bị cấm cửa ở Đài Loan và cả Hoa Lục ít nhất trong thời kỳ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông còn sống.

Cũng cần lưu ý đối chiếu thời kỳ Kim Dung viết truyện Võ Hiệp ở Hong Kong bên cạnh lò lửa “Cách Mạng Văn Hoá” ở Hoa Lục….với bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai phe Cộng Sản và Tư Bản.

Trong phần kết luận của quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị…” ông Huy cũng dè dặt nói thêm “không thể loại bỏ giả thuyết là sự trùng hợp giữa các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm của Kim Dung với một số nhân vật và sự kiện có thật phát xuất từ nơi tiềm thức của tác giả chứ không phải là một sự cố ý. Nhưng ngay trong trường hợp này, Kim Dung cũng không phải hoàn toàn vô tâm, vì Kim Dung có nhiều ưu tư, nhiều chủ kiến ăn sâu trong tiềm thức thì các tác phẩm viết ra mới biểu lộ các ưu tư và chủ kiến đó cho chúng ta thấy”

Đi vào chi tiết liên hệ đến các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung ông Huy nhận thấy 2 loại dữ kiện:

– Một số nhân vật đã được dùng để tượng trưng cho một vài quốc gia đặc biệt trên thế giới hoặc để mô tả một vài chính khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại.

– Một số sự việc đã diễn tả quan điểm của Kim Dung về vấn đề tranh đấu chính trị và một phần trong quan điểm này dựa vào triết lý Đạo Giáo và Phật Giáo.

Ông Huy trình bầy những khám phá của ông một cách thứ tự, lớp lang, dựa trên lý luận với rất nhiều chi tiết khá tỉ mỉ. Sau đây chỉ là một số thí dụ về các ẩn số chính trị – xin nhắc lại chỉ là một số thí dụ tiêu biểu có giá trị thuyết phục cao trong rất nhiều ẩn số mà ông Huy đã tìm thấy – qua các truyện võ hiệp Kim Dung:

1.. Các nhân vật tượng trưng cho một số quốc gia đặc biệt trên thế giới.

Cuộc luận võ trên đỉnh Hoa Sơn được đề cập đến trong các bộ Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp có mục đích xác định vai tuồng bá chủ võ lâm. Cuộc luận võ đầu tiên và quan trọng nhất có 5 nhân vật tham dự. Họ có ngoại hiệu là Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế. Sau cuộc tỷ thí rất gay go, mọi người đều công nhận rằng Trung Thần Thông là người có võ công cao diệu hơn hết và được quyền giữ bộ Cửu Âm Chân Kinh. Những người còn lại thì tài nghệ suýt soát nhau.

Ngoài ra, còn một nhân vật thứ sáu cũng được xem đồng tài nghệ nhưng không tham dự cuộc luận võ này. Đó là bang chủ của Thiết Chưởng Bang tên là Cừu Thiên Nhạn ngoại hiệu là Thuỷ Thượng Phiêu. Cừu Thiên Nhận có người anh song sinh tên là Cừu Thiên Lý, võ công tầm thường, chỉ hay dùng xảo thuật để loè bịp.

Trong một giai đoạn của cuộc luận võ hay luận kiếm Hoa Sơn, năm nhân vật đầu tiên đã tỉ thí với nhau theo lối “ngũ quốc giao binh”, dịch sát nghĩa là “năm nước tranh chiến với nhau” hàm ý Kim Dung muốn dùng các nhân vật võ lâm để ám chỉ một số quốc gia. Vậy thì, nhân vật nào, quốc gia nào đây?

– Nhân vật tượng trưng cho nước Tầu: Trung Thần Thông.

Trung Thần Thông là ngoại hiệu của Vương Trùng Dương. Trung là ở ngay chính giữa. Tự ngàn xưa, người Tầu đã tự hào là họ sống ngay chính giữa địa cầu (!). Họ đã chính thức gọi dân tộc họ là dân tộc Trung Hoa và nước họ là Trung Quốc.

Về mặt tinh thần, người Trung Hoa theo đạo Trung Dung, đạo của người quân tử lúc nào cũng đứng trong vị thế quân bình. Trong mọi việc làm đều có thái độ thích ứng, vừa phải. Không thái quá, không bất cập. Người cố gắng theo đạo Trung Dung thì sẽ trở thành sáng suốt, hiểu biết và có thể biến cải để ứng phó vượt qua mọi trở lực, nói một cách khác sẽ trở thành Thần Thông.

Phái Đạo Giáo mà Trung Thần Thông đứng đầu là phái Toàn Chân, có nghĩa là sự thật đầy đủ, trọn vẹn. Toàn Chân là môn phái có thật trong lịch sử. Ngoài chủ trương riêng của Đạo Giáo, nó lại còn bao gồm đạo Trung Hiếu của Nho Giáo và các giới luật của Phật Giáo và điều này đã mô tả đúng tính cách tổng hợp của nền văn hoá Trung Hoa cổ truyền.

Tỷ thí tài nghệ để trở thành bá chủ võ lâm, tuy nhiên Trung Thần Thông lại có bản chất ngược lại với tư tưởng bá chủ – lấy được Cửu Âm Chân Kinh nhưng nhất quyết không dùng vì bí kíp võ học tuyệt tác này đòi hỏi phương pháp luyện công quá âm độc, dị thường. Tư cách của Trung Thần Thông, tức Vương Trùng Dương cho thấy cao hơn hẳn Đông Tà, Tây Độc và các nhân vật võ lâm khác, càng chứng tỏ xứng đáng vai trò lãnh đạo, phù hợp với họ Vương, có nghĩa là Vua, người đứng đầu thiên hạ. Đạo lý nhà vua phải theo để cai trị một cách chính đáng, nhân nghĩa gọi là Vương đạo. Chủ trương chính trị Vương đạo là chủ trương chính thức được đề cao trong sử sách Trung Hoa từ ngàn xưa.

Kim Dung là người Trung Hoa nên qua nhân vật Trung Thần Thông Vương Trùng Dương hàm ý nước Trung Hoa có đủ khả năng và tư cách làm số 1 trên thế giới cũng là điều không đáng ngạc nhiên.

– Nhân vật tượng trưng cho nước Nhật: Đông Tà.

Đông Tà là ngoại hiệu của Hoàng Dược Sư. Hoàng là mầu vàng ám chỉ Nhật Bản cũng là dân da vàng.

Nhật Bản nằm về phía đông của Trung Hoa phù hợp với ngoại hiệu Đông Tà của Hoàng Dược Sư. Đông Tà lại mặc áo mầu xanh, theo vũ trụ quan của người Trung Hoa thì mầu xanh thuộc về hành mộc và liên hệ với phương đông, nhấn mạnh thêm nước Nhật ở phía đông.

Căn cứ của Đông Tà là đảo Đào Hoa mà Nhật Bản là đảo quốc và nổi tiếng thế giới là xứ hoa Anh Đào.

Đông Tà có tánh sợ lửa. Điều này ám chỉ các đảo Nhật có nhiều núi lửa và thường bị động đất.

Bà vợ của Đông Tà có tên là Mai Hương. Mà hoa Mai lại được người Trung Hoa xem là quốc hoa. Điều này có thể ám chỉ dân tộc Nhật có liên hệ và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.

Thân thế của Đông Tà còn tỏ rõ hơn nữa ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa rất sâu xa đối với nước Nhật – Đông Tà theo học võ với Châu Đồng.. Ông này cũng là thầy của Nhạc Phi, một danh tướng anh hùng Trung Hoa. Trước đó Đông Tà là một thư sinh học theo Nho Giáo nên là người văn võ kiêm toàn. Đông Tà thông thạo các thú tiêu khiển của người Trung Hoa là cầm, kỳ, thi, hoạ; nắm vững mọi loại kỹ thuật Trung Hoa như y dược, bói toán, chiêm tinh, tướng số, nông điền thuỷ lợi, binh lược…; biết thưởng thức các món ăn ngon, các thứ trà quý của Trung Hoa…Tuy nhiên, Đông Tà lại thâm hiểu Đạo Giáo và hướng về sự thanh tĩnh vô vi. Đông Tà cũng có một số đức tính tốt là cương trực, nói lời giữ lời theo kiểu “quân tử nhất ngôn”, kính trọng các bậc trung thần, nghĩa sĩ, nhiều khi ra tay giúp người yếu thế, trừng trị bọn tham quan ô lại, bọn trộm cướp hiếp đáp dân lành.

Các dệ tử của Đông Tà đều mang tên Phong như Khúc Linh Phong, Phùng Mặc Phong, Lục Thừa Phong, Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong…Phong nghĩa là gió, giống như chữ Phong trong danh từ nổi tiếng của Nhật là Thần Phong (Kamikaze) nguyên là danh từ dùng để chỉ trận bão lớn năm 1281 đã đánh đắm các chiến thuyền của hạm đội Mông Cổ, cứu nước Nhật khỏi bị Mông Cổ thống trị. Trong thế chiến thứ hai, Thần Phong là tên của đội phi công cảm tử tình nguyện lao phi cơ chứa đầy chất nổ xuống các chiến hạm Mỹ và nổ tung với các chiến hạm này – một cố gắng hi sinh tuyệt vọng nhưng rẩt anh hùng mang đặc tính Nhật Bản.

Đông Tà tuy vậy không được Kim Dung coi là người theo chính đạo mà là một nhân vật nhuốm đầy tà quái hàm ý người Nhật chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, nhưng chỉ theo một phần, rồi tìm cách biến chế và không cư xử đúng theo quan điểm đạo đức của người (quân tử mẫu mực)Trung Hoa.

Đông Tà, tức nước Nhật, trong mắt Kim Dung đã TÀ như thế nào?

Dựa vào Kỳ Môn Bát Trận của Khổng Minh để lập ra Phản Kỳ Môn Bát Trận để bảo vệ đảo Đào Hoa. Cũng dựa vào nguyên tắc sinh khắc, âm dương, ngũ hành, nhị thập bát tú và 64 quẻ kép của Bát Quái. Tuy nhiên trong trận đồ của Đông Tà, vị trí của các quẻ lại ngược lại vị trí các quẻ trong trận đồ Khổng Minh.

Thổi ngọc tiêu kích thích dục tình.

Thiếu tự chế – quá bi thương vì cái chết của vợ, gần như điên cuồng khi tưởng mất con.

Ăn cướp, tống tiền nhà giầu để có phương tiện lập căn cứ địa kiên cố, sang trọng. Dùng thủ đoạn xảo trá để đoạt Cửu Âm Chân Kinh.

Khi tức giận hai đệ tử phản bội đào thoát thì trừng phạt các đệ tử vô tội và hết sức trung thành khác bằng cách cắt đứt gân chân của họ rồi đuổi đi. Đâm mù mắt, chọc thủng tai các đầy tớ, gia nhân, vốn là các thành phần tội phạm, để kiềm chế họ và giữ bí mật về mình.

Sự tàn ác, ích kỷ của Đông Tà ám chỉ nước Nhật sau khi canh tân trở nên cường thịnh thì đi xâm lăng Trung Quốc và các nước khác cốt để làm lợi cho riêng mình, trắng trợn tự xưng là Đế Quốc Nhật Bản, khác với lý tưởng Vương đạo của người Trung Hoa – theo Kim Dung – “trị quốc” để dọn đường cho “bình thiên hạ” tức là tiến tới “thế giới đại đồng”. Biến cố “The rape of Nanking” năm 1937 gây kinh hoàng, chấn động thế giới khi quân Nhật chiếm thủ đô Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc, đã hãm hiếp và giết hại 300,000 người dân Tầu, thây chất như núi, máu loang đỏ các sông ngòi, là một tội ác khó có thể nào quên.

– Nhân vật tượng trưng cho các nước Đế Quốc Âu Châu : Tây Độc.
Tây Độc là một nhân vật kinh khủng, có lẽ còn đáng ghét hơn cả Đông Tà, theo sự diễn tả của Kim Dung ám chỉ các nước đế quốc thực dân Âu Châu đã sâu xé, dày xéo, bóc lột Trung Hoa và các dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ hàng trăm năm.

Tây Độc là ngoại hiệu của Âu Dương Phong. Âu là Âu Châu. Âu Châu ở phía Tây của Trung Quốc. Người Âu Châu còn gọi là người Tây Dương, hay người Tây Phương. Tây Độc Âu Dương Phong cũng xưng là Bạch Đà Sơn Chủ, tức chúa núi Bạch Đà. Bạch là mầu trắng khiến liên tưởng đến người da trắng, giòng giống… Bạch Quỷ (!).

Trái với nếp sống thanh tĩnh theo Đạo Giáo của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, nếp sống của Tây Độc Âu Dương Phong là sự hưởng thụ vật chất tầm thường, ô trọc. Căn cứ Bạch Đà Sơn chứa đầy gái đẹp, ngọc ngà, châu báu, của ngon vật lạ… vốn là chiến lợi phẩm có từ cướp của, giết người, bắt cóc…do hai chú cháu Âu Dương Phong và Âu Dương Công Tử thực hiện. Mô tả này nhắc thời kỳ các nước Âu Châu ùa nhau đi chiếm thuộc địa, bắt buộc các dân tộc khác làm nô lệ, thực thi chính sách đế quốc bóc lột tàn nhẫn, trở nên giầu có và truỵ lạc

Sự mất trí, điên cuồng lúc về sau của Tây Độc biểu tượng cho sự vong thân của người Tây Phương dẫn đến khủng hoảng xã hội, cách mạng, nội chiến và đánh giết lẫn nhau gây ra đại chiến thế giới 1 và 2.

– Nhân vật tiêu biểu cho Liên Sô: Bắc Cái.

Bắc Cái là ngoại hiệu của Hồng Thất Công.

Bắc Cái là bang chủ Cái Bang, là chúa ăn mày, tức là trùm vô sản.

Liên Sô ở phía Bắc và Tây của Trung Quốc. Bắc nhiều hơn Tây, vả lại Tây đã dùng cho trường hợp Tây Độc để ám chỉ Âu Châu.

Chữ Hồng, họ của Bắc Cái (Hồng Thất Công) theo Hán Văn là rộng lớn mênh mông nhưng lại đồng âm với chữ Hồng là đỏ, mầu tiêu biểu cho đảng Cộng Sản, tức Cái Bang. Thêm nữa, chữ Hồng gồm 2 phần, bên tả là bộ thuỷ, bên hữu là chữ cộng, y như chữ Cộng trong từ ngữ Cộng Sản.

Kỹ thuật tranh đấu của Bắc Cái là Đả Cẩu Bổng Pháp – dùng gậy để đánh chó của nhà giầu, đánh cả cường hào, ác bá, tham quan ô lại – tiêu biểu cho chủ trương Giai Cấp Đấu Tranh, Hàng Long Thập Bát Chưởng tiêu biểu Biện Chứng Pháp Duy Vật. Kiên Bích Trận của Cái Bang biểu tượng kỹ thuật tổ chức và tranh đấu tập thể của Đảng Cộng Sản Quốc Tế do Liên Sô lãnh đạo.

Cái Bang của Hồng Thất Công có 2 phe ăn mày hiềm khích và chống chọi nhau. Một phe áo lành và sạch nhưng ít người, ám chỉ Cộng Sản Đệ Tứ với thủ lãnh Trotsky. Một phe áo rách và dơ nhưng đông người hơn, ám chỉ Cộng Sản Đệ Tam do Stalin cầm đầu. Bắc Cái Hồng Thất Công có thể vừa tượng trưng cho Liên Sô như là một quốc gia, vừa tượng trưng cho Lenin như là một nhân vật. Chỉ khi Lenin lúc còn sống mới dung hợp được cả phe Stalin và phe Trotsky.

– Nhân Vật tiêu biểu cho các nước thuộc thế giới đệ tam – tức là các nước đang mở mang như Thái Lan: Nam Đế.

Nam Đế là ngoại hiệu của Đoàn Chính Minh, vua nước Đại Lý, thuộc sắc dân Thái, sau thoái vị đi tu với pháp danh là Nhất Đăng, Nhất Đăng Đại Sư. Người thế độ cho ông không phải là một cao tăng Trung Hoa mà là một nhà sư Thiên Trúc, tức là Ấn Độ, theo Phật Giáo Tiểu Thừa khác với Phật Giáo Đại Thừa thịnh hành ở Trung Hoa.

Hiện nay có cuộc mâu thuẫn giữa các nước đã phát triển ở phương Bắc và các nước đang mở mang ở phương Nam, được gọi là tranh chấp Bắc Nam. Nam Đế là biểu tượng của thế lực phương Nam.

– Nhân vật biểu tượng cho Đức Quốc Xã và Phát Xít Ý : Anh em Cừu Thiên Nhạn và Cừu Thiên Lý.

Được mời nhưng không tham dự cuộc Hoa Sơn Luận Võ, Bang Chủ Thiết Chưởng Bang Cừu Thiên Nhạn được xem là có tài nghệ ngang với Võ Lâm Ngũ Bá. Cừu Thiên Lý là anh song sinh của Cừu Thiên Nhạn, trông rất giống , có tánh mưu mẹo, gạt gẫm nhưng tài nghệ kém người em rất xa hàm ý Phát Xít Ý của Mussolini ra đời trước, hay khoa trương, nhưng không có thực lực như Đức Quốc Xã của Hitler.

Theo sự mô tả của Kim Dung, Thiết Chưởng Bang (Bang hội Bàn Tay Sắt) lúc đầu là hội của những người yêu nước chống sự xâm lấn của nước ngoài, về sau lầm lạc đi vào con đường cướp bóc, hung bạo, xem mạng người như cỏ rác phù hợp với lịch sử chung của 2 chế độ độc tài hữu phái Quốc Xã và Phát Xít.

Ngoại hiệu Thuỷ Thượng Phiêu phản ảnh công phu độc đáo đi trên mặt nước của Cừu Thiên Nhạn ám chỉ chủ nghĩa siêu nhân và siêu tộc của Đức Quốc Xã.

Tín hiệu bàn tay sắt của bang chủ Cừu Thiên Nhạn là gợi ý đến từ bội tinh Thập Tự Sắt, huy chương quân công cao quý nhất của dân tộc Đức cũng như huy hiệu chữ Vạn thời Hitler.

– Nhân Vật biểu hiệu cho nước Mỹ: Dương Qua.

Dương Qua nhận Tây Độc làm nghĩa phụ và được truyền dậy những công phu siêu đẳng hàm ý nước Mỹ có gốc gác Âu Châu, văn hoá Mỹ cùng tính chất văn hoá Âu Châu, gọi chung là Tây Phương. Dương Qua còn được gọi là Tây Cuồng.

Dương Qua chính là Thần Điêu Đại Hiệp mà chim điêu (eagle) là biểu hiệu của nước Mỹ. Quốc huy của nước Mỹ có hình chim điêu.

Trong lần Hoa Sơn Luận Võ cuối cùng, trong số 5 cao thủ có mặt thì Dương Qua là người trẻ nhất được xem như kế vị Tây Độc nhưng không ác hại như nghĩa phụ, lại học thêm được tinh hoa võ thuật của các cao thủ khác, cũng như tự sáng chế nên có bản lãnh cao hơn mọi người. Điều này phù hợp với sự kiện nước Mỹ là quốc gia Tây Phương, trẻ trung, cường thịnh vượt hẳn các nước đế quốc Âu Châu già nua, tàn tạ như đế quốc Bồ Đào Nha, đế quốc Tây Ban Nha, đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đế quốc Hoà Lan, đế quốc Bỉ… để trở nên đệ nhất siêu cường.

2. Các nhân vật được dùng để mô tả một vài chính khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cận đại.

Trước hết là trường hợp các lãnh tụ Trung Cộng.
Trong thời kỳ sáng tác ba bộ Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp, Kim Dung còn thiên tả nhưng đến khi viết hai bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã nhận chân được sự thật về Cộng Sản Quốc Tế nói chung và Cộng Sản Trung Hoa nói riêng.

Trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ đề tài chính là cuộc tranh chấp đẫm máu giữa Triêu Dương Thần Giáo và các phe gọi chung là bạch đạo. Ông Huy đã tìm thấy nhiều dữ kiện chứng tỏ rằng Triêu Dương Thần Giáo trong Tiếu Ngạo Giang Hồ được dùng để ám chỉ đảng Cộng Sản Trung Hoa và hai vị giáo chủ Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại biểu tượng hai nhà lãnh đạo quan trọng của Trung Cộng là Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. Ông Huy lý luận như sau:

Triêu Dương là buổi sớm mai lúc mặt trời ở phía Đông mà bản quốc thiều của Trung Cộng là bản Đông Phương Hồng.

Khẩu hiệu chính của Trung Cộng trong thời kỳ chiến tranh lạnh là “gió đông thắng gió tây” cho nên Giáo chủ Triêu Dương Thần Giáo có tên là Đông Phương Bất Bại là hiện thân của Lưu Thiếu Kỳ, người làm chủ tịch nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) trong 9 năm và nắm thực quyền một thời gian dài trước khi bị lật đổ, bị tra tấn và bị giết.

Giáo chủ Nhậm Ngã Hành biểu tượng cho Mao Trạch Đông, Chủ Tịch đảng Cộng Sản Trung Hoa. Việc Đông Phương Bất Bại bí mật giam Nhậm Ngã Hành trong lòng đất dưới đáy Tây Hồ ở Hàng Châu ám chỉ thời kỳ Lưu Thiếu Kỳ liên kết với Đặng Tiểu Bình tập trung quyền lực Đảng trong tay, dồn Mao Trạch Đông vào thế “ngồi chơi xơi nước”, “hữu danh vô thực” sau thất bại “bước tiến nhẩy vọt” khiến Mao uất hận dùng “đại cách mạng văn hoá” long trời lở đất để quật ngược lại. Cuộc xung đột giữa Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại cũng kỳ bí và ghê gớm như cuộc xung đột giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ.

Thần Long Giáo trong Lộc Đỉnh Ký cũng được dùng để ám chỉ đảng Cộng Sản Tầu. Giáo Chủ Hồng An Thông là hình ảnh xấu xí của Mao Trạch Đông, bà vợ ác nghiệt nhưng trẻ đẹp Tô Thuyên tức Hồng Phu Nhân biểu hiệu cho Giang Thanh, bọn Ngũ Long Thiếu Niên tượng trưng cho Vệ Binh Đỏ. Những cảnh tượng xấu xa, tàn bạo, tệ hại liên quan đến Thần Long Giáo mà Kim Dung mô tả rất gần với thực trạng chính trị Hoa Lục thời Đại Cách Mạng Văn Hoá.

Kế tiếp là trường hợp của các chính khách quốc gia Trung Hoa trong mắt Kim Dung theo như sự suy đoán của ông Huy.

Cũng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, nếu Triêu Dương Thần Giáo (bị gọi là Ma Giáo) tượng trưng cho phe Cộng Sản thì phái Bạch Đạo tương trưng cho phe Quốc Gia. Phe Bạch Đạo chính thức theo lập trường bảo vệ đạo lý và tình trạng đương hữu nhưng trong thực tế phân hoá trầm trọng. Có những người đàng hoàng, tử tế nhưng không thiếu kẻ gian ác. Nhân vật tiêu biểu cho loại người sau là Nhạc Bất Quần, chưởng môn của phái Hoa Sơn, sau lên làm “minh chủ” của 5 phái “hợp nhất” gọi là Ngũ Nhạc kiếm Phái gồm Hoa Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn, Thái Sơn và Hằng Sơn.

Nhân vật Nhạc Bất Quần được Kim Dung dùng để ám chỉ Tưởng Giới Thạch, sau khi “quốc phụ” sáng lập là Tôn Dật Tiên chết, thì trở thành lãnh tụ số 1 của Trung Hoa Dân Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Kim Dung dùng lối chơi chữ ở đây. Không để ý thì không thấy. Nhạc, theo chữ Hán, là hòn núi lớn gồm chữ “khâu” là gò và “sơn” là núi. Cả 3 chữ “nhạc”, “khâu” và “sơn” đều chỉ những khối lớn do đá cấu tạo nên. Mà đá tức là “thạch” – Tưởng Giới Thạch!

Dưới ngòi bút có phần cố ý …“bôi bác” của Kim Dung, Nhạc Bất Quần có bề ngoài khả kính của một lãnh tụ võ lâm mang ngoại hiệu Quân Tử Kiếm nhưng thực chất là Nguỵ Quân Tử hay Quân Tử giả hiệu.

Tưởng Giới Thạch còn có tên là Tưởng Trung Chánh hàm ý thành tín ngay thẳng, không những chính thức theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên – Dân Tộc độc lập, Dân Quyền tự do, Dân Sinh hạnh phúc – mà còn luôn luôn đề cao Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ nhưng, theo Kim Dung, thật sự là người theo chủ nghĩa quyền uy, một nhà độc tài hữu phái đứng đầu một chính quyền ung thối vì tham nhũng.

Giống như Nhạc Bất Quần lớn tiếng tố cáo, miệt thị Ma Giáo, Tưởng Giới Thạch kết án Cộng Sản tà nguỵ, bất nhân nhưng bên trong Tưởng hành động còn tà nguỵ, bất nhân hơn hay cũng chẳng kém. (Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung còn nghiêng về Nhậm Ngã Hành tức Mao Trạch Đông, hàm ý Mao vẫn đỡ tệ hại hơn Tưởng. Chi trong Lộc Đỉnh Ký, qua nhân vật Giáo chủ Hồng An Thông Kim Dung mới xem Mao, Tưởng đều đáng ghét như nhau).

THÔNG ĐIỆP CHÍNH TRỊ CỦA KIM DUNG.

Trở lại những ẩn số chính trị mà ông Huy tìm thấy, những ẩn số quan trọng nhất có lẽ là những thông điệp mà Kim Dung đã kín đáo gửi đến cho đồng bào Trung Hoa của ông. Những thông điệp này cũng có thể trở thành những điều đáng suy ngẫm cho những người hoạt động chính trị hay tranh đấu chính trị nói chung ở bất cứ nước nào – Trung Hoa, Việt Nam, Miến Điện, Mỹ, Nhật, Âu, Phi….Chẳng hạn như:

1. Chính nghĩa dựa trên đạo lý thường chỉ là nhận thức chủ quan, dễ dàng đưa đến sự thiên vị. Đoàn thể nào cũng xem đạo lý của mình là đúng, là chính còn đạo lý của đoàn thể khác là sai, là tà. Đấy là chưa kể “nói một đằng, làm một nẻo”.

2. Trong mọi đoàn thể đều có người tốt, người xấu chứ không phải người của chính phái nhất định là tốt, người của tà phái nhất định là xấu. Ma Giáo có thể có người tử tế như Hướng Vấn Thiên, Khúc Dương Trưởng Lão, danh môn chính phái như Thiếu Lâm, Võ Đang có thể có đệ tử đồi bại như Trần Hữu Lượng, Tống Thanh Thư. Hệ quả này là người ta phải có tinh thần cởi mở và khoan dung đối với nhau. Nên cởi mở và khoan dung như Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

3. Mô tả quá trình các nhân vật đạt đến vị trí tối cao như lãnh tụ, như minh chủ nguyên tắc của Đạo Đức Kinh được thực thi là “tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (biết đủ thì không bị nhục, biết dừng lại đúng lúc thì không bị nguy) và nguyên tắc “bất tranh” (không tranh dành cho bằng được). Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần tàn phế, tử vong, thân bại danh liệt vì quá tham lam, ham hố. Mưu thâm thì hoạ cũng thâm !

4.. Trong đoạn cuối của Tiếu Ngạo Giang Hồ, giáo chủ Triêu Dương Thần Giáo ngỏ lời gả con gái là Nhậm Doanh Doanh cho Lệnh Hồ Xung và mời Lệnh Hồ Xung làm Phó Giáo Chủ. Mặc dù yêu Nhậm Doanh Doanh tha thiết, Lệnh Hồ Xung khước từ và bỏ đi. Điều này có nghĩa: Riêng tại các nước có sự phân tranh Quốc-Cộng như trường hợp Trung Hoa (cũng như Cao Ly, Cuba, Việt Nam) sẽ không có, không thể có, hoà giải, hoà hợp dân tộc thực sự nếu các đảng Cộng Sản đang nắm quyền lực tiếp tục chủ trương độc tài, độc đảng, độc tôn phi lý. Các đảng Cộng Sản này phải đi bước trước là thực hiện sự cải cách thực sự.

……

Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua cho đến tận ngày nay có đến hằng trăm triệu độc giả ở Trung Hoa, Đài Loan, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Âu Châu …say mê nghiền ngẫm truyện Võ Hiệp Kim Dung, có hàng trăm tác giả viết sách, báo bình luận về tư tưởng, cuộc đời của Kim Dung, thậm chí xuất hiện cả trường phái “Kim Học”.

Tuy nhiên, không thấy ai nghiêm túc đặt vấn đề “đi tìm các ẩn số chánh trị” trong các tác phẩm của Kim Dung. Hoặc giả có đặt vấn đề thì chỉ “giải quyết” bằng cách đưa ra các khái niệm mơ hồ về chuyện Tả, Hữu, Quốc, Cộng… chứ không có ai tìm ra được các những “bí mật” ẩn tàng một cách rõ ràng, mạch lạc và có hệ thống như ông Nguyễn Ngọc Huy.

Kim Dung đã “qua mặt” được tất cả mọi người nhưng không “qua mặt” được một người – một người Việt Nam!

Phải chăng “dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”?

Cao Tuấn

(Tháng 12/2018)

304Đen – llttm - tvvn