Ông Sư Nhà Quê
Tôn
giáo nào cũng có những vị chân tu – những bậc lành thánh – suốt đời hiến thân
cho lý tưởng thiêng liêng cao cả của mình đã chọn. Nhiều vị đã cùng sống chết
với tha nhân và chết cho đạo pháp và trở nên hiển thánh được đời sùng bái tôn
thờ chẳng hạn như thánh Maximilian Kolbe… (*). Tấm lòng vị tha chan chứa tình
người của họ tỏa ra vô biên không vị kỷ, không đóng khung hạn hẹp ở lằn ranh
tôn giáo. Biết bao công đức của họ được truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ
khác được kể lại bằng những câu chuyện đầy cảm kích. Cách nay gần 3 thập niên
trên tờ Đất Mẹ số 38 (Đất Mẹ là tờ báo nguyệt san Công Giáo) chúng tôi đã viết
dưới đề tựa ” Nén Hương Cho Hòa Thượng THÍCH THANH LONG” ngay sau khi ngài viên
tịch tại Sài Gòn. <@>
Từ
sau ngày ấy đến nay, nhiều báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ cũng có những bài viết về
ngài, điểm đáng chú ý là những tác giả này đa số là những tù nhân chính trị
người Công Giáo trong đó có một số các vị linh mục đang có mặt tại Hoa Kỳ,
những người đã một thời sống cùng với cố hòa thượng ở các trại tù từ Nam chí
Bắc, tất cả đều tỏ lòng tôn kính, ngưỡng phục.Tang lễ cố Hòa Thượng THÍCH THANH
LONG ngày 29 tháng 11 năm 1991 được mô tả như một đám rước hết sức trọng thể.
Đoàn người tham dự đã phủ kín con đường dài 5 cây số từ cổng Chùa Giác Ngạn
đường Trương Minh Giảng Sài Gòn tới Nghĩa Trang Bà Quẹo không chỉ gồm các đoàn
thể Phật tử, các thiện nam tín nữ mà có mặt đủ mọi thành phần tôn giáo cũng như
rất đông đảo các cựu Tù nhân Chính trị.Trước năm 1973, Hòa Thượng mang cấp bậc
Trung Tá làm Phó Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo cho đến khi thương tọa Thích
Tâm Giác đi Nhật bản trị bệnh thì Hòa Thượng mới lên làm Giám Đốc và cũng được
thăng cấp Đại Tá tuyên úy từ dạo đó.
Ngày
13/6/1975 bị việt cộng bắt đi cải tạo và đem ra Bắc. Đến ngày 12/9/1987 được
tha trở về lại Chùa Giác Ngạn Sài gòn và mãn phần tại đây.Ngược dòng thời gian
gần 3 thập kỷ, năm ấy cũng vào mùa thu (1982), trại cải tạo Hà Tây tiếp nhận
thêm khoảng 80 tù nhân chính trị (TNCT) từ trại tù Thanh Phong chuyển đến. Đa
số thành phần thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị gồm các ngành Tâm Lý Chiến,
An Ninh Quân Đội và Tuyên Úy của Quân Lực VNCH.Trại Hà Tây có
tất cả 12 buồng giam. Số TNCT mới đến bị nhốt trong buồng số 7. Buồng này rất
kín cổng cao tường bao quanh chằng chịt kẽm gai vì trước đó được dùng để nhốt
các tù hình sự có trọng án nên được canh gác cẩn mật. Việt cộng coi những TNCT
này là những đối tượng cực kỳ nguy hiểm. Khoảng một tháng sau khi được thanh
lọc kỹ càng thì việt cộng mới mở cửa cho đội Tuyên Úy ra ngoài lao động; tuy
vậy buồng 7 vẫn chưa được ra sân lớn tập họp điểm số như các buồng khác. Đội
Tuyên Úy lúc này do linh mục Nguyễn Quốc Túy – cha Túy là cựu Thiếu Tá Biệt
Động Quân, một mẫu người trẻ năng nổ, ứng phó thần kỳ đã được các vị tu sĩ cử
ra đứng mũi chịu sào để điều động đội này xử trí với những thủ đoạn thâm độc
của việt cộng. Công việc chính của đội tuyên úy lúc đó là đào đất đắp đường và
kéo xe thay thế trâu bò.Lần đầu tiên tôi được cha Túy mời dự bữa cơm trưa thân
mật tại sân buồng 7. Có khoảng chục người trong đó có linh mục Khổng Tiến Giám
bào đệ của linh mục Khổng Tiến Giác tuyên úy Bộ Tổng Tham Mưu, linh mục Nguyễn
Văn Thịnh cựu giám đốc nha tuyên úy Công giáo, các mục sư Xuân, Điểu Huynh và
các đại đức Tâm, Khuê, Tùng và hòa thượng Long. Ngoài đội tuyên úy chỉ có 2
khách mời là tôi và Đại tá Trần Mộng Chu nha Quân Pháp. Hầu như không phân biệt
tôn giáo và cấp bậc, tất cả các vị tuyên úy đều xem hòa thượng Thích Thanh Long
như một người anh cả và xưng hô một cách chung chung là thầy Long. Mỗi khi nhắc
đến thầy Long thì mọi người đều nói về thầy với niềm sủng ái trọng vọng. Thoạt
đầu khi chưa giới thiệu từng người trong bữa tiệc, tôi ghé vào tai cha Túy hỏi
có phải người ngồi trước mặt cha là Thầy Long không thì cha lắc đầu. Cung cách
bề ngoài và bộ quần áo mới màu đà còn tươi của vị này làm cho tôi lầm ông với
hòa thượng Long. Rồi cha chỉ cho tôi người ngồi đối diện với tôi.Vóc gầy gò,
dong dỏng cao, da ngăm ngăm, hàm răng nhỏ và đen huyền, tóc cạo đúng tiêu chuẩn
sư tăng nhà Phật, mặc bộ đồ cũ đơn sơ, khuôn mặt hiền hậu nhưng khắc khổ, toát
ra vẻ chân tu như thánh Găng Đi nhất là cặp mắt sáng, sâu, đen láy, rất ít nói
nhưng quan tâm lắng nghe mọi người xung quanh. Đó là người ngồi đối diện với
tôi. Người đó chính là Thầy Long. Tôi nhìn ông khẽ cúi đầu và ông nhìn tôi với
đôi mắt hiền từ trìu mến. Ông đã trao cho tôi một nụ cười thật kín đáo.
Tháng
3/1983, trại Hà Tây sắp giải thể và chuyển hết các TNCT về Nam Hà. Các vị Tin
Lành và Phật Giáo được phân tán về các đội lao động. Riêng các tuyên úy Công Giáo
chờ phương tiện chuyển ngược về trại tù Thanh Phong.Năm 1985, tôi và thầy Long
bị giam chung tại Nam Hà và chính thời gian này tôi được biết thầy nhiều hơn.
Có những người đã biết và nói rằng trước ngày di cư từ Bắc vào Nam năm 1954,
thầy đã trụ trì tại một ngôi chùa ở một làng tại tỉnh Nam Định và được đông đảo
tín hữu mến mộ. Nhiều đêm tâm sự với thầy trong buồng giam, tôi cố gợi chuyện
để biết thêm nhưng thầy là người điềm đạm khiêm tốn chỉ kể với tôi là thầy xuất
gia đầu Phật từ lúc 12 tuổi. Quyết tâm tu hành, không muốn vương vấn nợ trần,
thầy đổi tên là Nguyễn Văn Long và hầu như hoàn toàn không ai biết được tên
thật và quê quán của thầy. Thầy thuộc nhiều địa danh ở Nam Định, khi tôi kể
chuyện liên quan đến những vùng Cổ Lễ, Cổ Ra, Văn Tràng, Trực Ninh, Nam Trực,
Quần Phương, Lạc Quần v.v. thì bỗng nhiên đôi mắt thầy rực sáng lên và có vẻ
thích thú. Tôi đoán có lẽ thầy đã trải qua thời thơ ấu tại một trong những địa
danh này chăng? Thầy nói năm 16 tuổi, thầy chỉ lén về nhà nhìn mặt thân phụ của
mình từ trần rồi lại lặng lẽ ra đi. Lý tưởng của thầy là Phật pháp, tình yêu
của thầy là tha nhân, thân bằng quyến thuộc của thầy là Phật tử. Thầy có một
cuộc sống vô cùng mộc mạc, đơn sơ, đức độ, lúc đi tu cũng như lúc ở tù. Thầy
thường nói với tôi : “Tù cũng là tu”. Vốn có một tâm hồn thanh tịnh như đóa sen
nở trên mặt hồ không gợn sóng lúc nào cũng toát vẻ chân tu khiến người bàng
quan thấy thầy là cõi phúc. Lúc nào thầy cũng tự nhận mình là một “Ông Sư Nhà
Quê”. Đúng như vậy.Trong thời kỳ đói khát, tù nhân chưa được gia đình tiếp tế
thăm nuôi đã có kẻ lấy chiếc lon ghi gô đựng nước uống của thầy nhét đầy thịt
heo đánh cắp của trại, lúc bị phát giác không ai dám nhận. Cuối cùng để tránh
phiền lụy cho một số người, thầy không ngần ngại đứng ra nhận chiếc lon đó là
của thầy mặc dù ai cũng biết thầy ăn chay trường và kẻ nào là tên ăn trộm lúc
bấy giờ. Khi nào trại cho tù nhân chút ít thịt để “bồi dưỡng”, thầy thường
nhường cho các anh em đau ốm bệnh hoạn.Đến khi được thăm nuôi tiếp tế, Phật tử
khắp nơi đến thăm thầy hầu như hàng tuần. Những quà tiếp tế, thầy đem chi cho
các bạn tù. Quần áo chỉ giữ 2 bộ. còn bao nhiêu cũng đem cho hết. Thầy thường
xuống bệnh xá thăm viếng những người đau ốm và đem quà bánh thuốc men xuống cho
họ. Thầy rất quan tâm đến những “con bà phước” (**) bị bỏ quên trong trại. Một
vài trường hợp điển hình:- Anh Khương, Phó Quản Đốc Trung Tâm Cải Huấn Côn Sơn
– một người Công Giáo – bị địch bắt ngay trong lúc còn đang mặc sắc phục và bị
việt cộng đánh nhừ tử. Hậu quả của những trận đòn thù khiến anh Khương trở
thành bại liệt, á khẩu, tay chân co rút. Anh bị mất liên lạc với gia đình từ
ngày bị bắt. Gần 13 năm, anh mới bập bẹ nói được một tiếng “dôi, dôi” như đứa
trẻ mới tập nói. Thầy Long đã đích thân chăm sóc đút cơm, tắm rửa cho anh
Khương như một người thân, đặc biệt là khi trại đọc lệnh tha nhưng anh không
biết về đâu và không thể đi được một mình. Chính thầy Long đã giúp anh một số
tiền và nhờ đại đức Tâm được tha cùng một lượt với anh Khương về trước tìm kiếm
thân nhân của anh ở tận miền Tây để ra đón anh.- Anh Nguyễn viết Tân, Đại tá
hải quân QLVNCH bị bán thân bất toại và bệnh nặng trong lúc mọi người ai nấy
đều lo cho bản thân mình và tình thương giữa con người đã trở nên mệt mỏi thì
thầy Long cũng chính là người tình nguyện chăm sóc anh Tân cho đến khi anh được
người nhà ra đón kịp về rồi chết.
Một
trường hợp khôi hài khác là ở trong trại có một anh tên Nguyễn Huệ, “vô tông
tích” tự xưng là trung tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 23B (?). Có một thời gian anh ta
bị giam chung với các tướng lãnh QLVNCH nhưng sau việt cộng phát giác “tướng
Nguyễn Huệ” chỉ là một tên điên khùng và bị loại ra khỏi đội. Thấy thầy thương
người và dễ dãi, “tướng Nguyễn Huệ” thường hay chạy theo quấy quả xin xỏ cơm và
thuốc lào. Hễ trông thấy anh ta là thầy tủm tỉm cười, thầy không hề tỏ vẻ khó
chịu và còn đi kiếm thuốc lào cho anh ta, tuy thầy chẳng bao giờ hút thuốc.Tù
nhân được tha dần nhưng vẫn còn tồn đọng một số khá lớn trong đó có các đại đức
Tâm, Khuê, Xuân, Tùng, Trí, Bình, Ngự, Học, Diệu v.v. Mỗi lần thầy Long được thông
báo có thăm nuôi thì các vị này đã sắm sẵn bao bị và tận tình giúp đỡ thầy.
Thầy thường nói : ” Hôm nay tôi lại có thánh Veronica đến thăm nuôi “. Đây cũng
là dịp thầy tập họp các tu sĩ Phật giáo ở trong trại tù để phân công đi thăm
viếng bệnh nhân hoặc cắt cử họ đến tụng kinh và cầu siêu mỗi khi có người tạ
thế.Vào các dịp lễ Noen hay Tết âm lịch, thầy cũng dành dụm chút gạo, đậu xanh,
đường tán và khởi xướng việc nấu chè ăn chung cả buồng mang niềm vui nhỏ bé đến
cho mọi người và còn dốc hết “hầu bao” giúp các anh em nghèo đói nhất trong
trại. Thầy rất thích nghe tôi đánh đàn và kể chuyện cuộc đời thánh Phanxicô Khó
Khăn (Francis 0f Assisi) nhất là những câu hát ý nghĩa thâm thúy trong Kinh Hòa
Bình. Cứ vào mỗi sáng sớm Chủ Nhật được nghỉ lao động, trong khi tất cả mọi
người còn nằm trong mùng thì thầy đã đánh thức tôi và khẽ nói : “Ông Quý ơi !
Dậy cho anh em nghe đàn đi !” Thế rồi âm thanh của chiếc đàn gỗ tự tạo ở trong
tù của tôi nhè nhẹ vẳng ra tiếng thay lời trong âm giai cung Mi buồn ” Lạy Chúa
từ nhân, xin cho con…..” hầu như không làm cho ai khó chịu cả.
Tấm
lòng cao quý của thầy sáng như ngọn đuốc trong trại tù tăm tối, không những đối
với các bạn tù chính trị mà còn lan tỏa đến cả những tù hình sự giam chung cùng
trại.Như một tấm huy chương vô giá mà trên cõi đời này không thể đem ra so sánh
được, thầy đã đối diện với bọn cai tù khát máu, trước họng súng AKA mà không hề
nao núng và không sợ chết. Thầy đã được các vị tuyên úy Công Giáo ca ngợi vì
đức bác ái và lòng hỉ xả, quên mình và chấp nhận những gì bất hạnh xảy đến.
Trong cuốn AKA và Thập Giá của linh mục Phan Phát Huồn, Dòng Chúa Cứu Thế trang
107-108 kể chuyện đám tang của Cha Nguyễn Văn Bản, Dòng Đa Minh, tuyên úy Tổng
Y Viện Cộng Hòa chết tại trại giam Yên Bái. Sau khi chôn cất, việt cộng bắt các
tù nhân cải tạo lên lớp hội thảo để lên án và làm nhục người đã chết. Chúng vu
cáo cho Cha Bản là một tên ác ôn côn đồ, chạy theo Mỹ Ngụy giết hại đồng bào,
một tên có nợ máu đối với nhân dân, một tên lường gạt vv.. Nghe tên Nha công an
việt cộng lải nhải nhục mạ một người đã khuất mà người đó vốn là một người đạo
đức gương mẫu, không dằn nổi sự bất bình, thầy Long đã đứng lên bênh vực bằng
một giọng ôn tồn nhưng cương quyết :” Tôi được biết Linh Mục Bản ngoài xã hội
cũng như ở trong trại cải tạo là một con người đạo đức, được mọi người kính
nể…” Tên việt cộng hống hách nạt nộ:” Anh im mồm ngay. Anh Bản đã bị nhà nước
cách chức linh mục của anh ta từ ngày anh bước chân vào trại cải tạo, còn anh,
anh đừng có hòng đem cái bọn cha cố vào đây mà hù dọa cách mạng…” nhưng thầy
Long đâu có chịu im cho. Đợi cho tên việt cộng vừa dứt lời thì thầy nói tiếp:”
Nếu linh mục đều như cán bộ nói thì làm sao dân chúng tin tưởng và kính mến họ.
Mặc dù cán bộ đã cấm các trại viên gọi các linh mục là Cha và tự xưng mình là
con, trại viên nào không tuân thì sẽ phải xử lý, nhưng thưa cán bộ, có ai chấp
hành lệnh đó không? Trái lại, đối với công chức nhà nước, trước mặt họ gọi là
cán bộ nhưng sau lưng họ gọi bằng thằng việt cộng thì cán bộ nghĩ sao?”Như một
con hổ bị trúng đạn, hai mắt hắn đỏ ngầu giận dữ, nhảy chồm tới nhìn trừng
trừng vào thầy Long, quát thật lớn văng cả nước miếng vào mặt người đối diện và
hắn ra lệnh:”À anh này hỗn thật, yêu cầu các đồng chí đem cùm tên này cho tôi,
biên bản sẽ làm sau.”Thầy Long vẫn tiếp tục nói một cách hùng hồn cho đến lúc
lính cảnh vệ việt cộng mang AK xông tới còng hai tay ông, ông không tự bênh vực
cho mình, ông vẫn bình thản đưa hai tay cho chúng còng để chúng đem đi.
Đây
thật là hình ảnh một con chiên hiền lành đứng trước kẻ xắn lông mình mà không
nói lời than trách như đã được diễn tả trong Kinh Thánh. (Cv.8.32-33).Cuối năm
1987, thầy Long được tha về. Cởi bỏ chiếc áo chàm cải tạo, thầy lại khoác chiếc
áo màu đà. Từ khi trở về Chùa Giác Ngạn, thầy không giữ chức trụ trì như trước,
thầy sống trên căn gác xép tại góc vườn nhưng hàng ngày rất đông người đến thăm
viếng và ngôi chùa được trùng tu lại, trở nên đẹp đẽ khang trang hơn cũng nhờ
uy tín và sự quan tâm của thầy. Hầu như ai cũng cảm mến gương hy sinh, lòng can
đảm, tánh cương trực của thầy Long. Có những vị Linh Mục không đi cải tạo mà
chỉ nghe tiếng thôi cũng muốn đến thăm thầy Long tại Chùa Giác Ngạn. Tôi hỏi
Cha Vũ Ngọc Trân, Chánh Xứ Chu Hải tỉnh Phước Tuy, cha nghĩ thế nào khi đến
thăm Hòa Thượng Thích Thanh Long tại Chùa Giác Ngạn? Cha đã trả lời một cách
không dè dặt: ” Tôi nghĩ Chúa sẽ thưởng công cho bất cứ ai biết khao khát trọn
lành, thương người và giúp đỡ bênh vực người. Chúa nói kẻ nào giúp đỡ người đều
có công trước mặt Ta. Tôi nghe các cha tuyên úy đi cải tạo về có nói nhiều về
ông. Tôi cũng mến mộ ông và việc tôi đến thăm cơ sở một tôn giáo khác đâu có gì
làm suy giảm đi lòng kính mến Chúa nơi tôi đâu. Nếu nói đó là một hình thức
trao đổi văn hóa thì cũng chẳng sao!” (Cha Đa Minh Vũ Ngọc Trân cũng đã qua đời
tại Xứ Chu Hải Bà Rịa ngày 24/2/1992).
Trong
thời gian chưa mắc bệnh ung thư nơi xương tọa, phương tiện chính của thầy trong
thành phố là “xe đạp ôm”. Thầy thường ngồi trên “poọc ba ga” phía sau để cho
một chú tiểu chở đi. Người ta thấy thầy xuất hiện ở nhiều nơi và tình thương
của thầy dường như vẫn đặc biệt dành cho bạn tù cải tạo còn trong trại giam
hoặc đã được tha về. Khi biết có ai đi xuống trại Z30D thì thầy cũng nhắn lời
thăm hỏi, có đôi lúc thầy gửi một cần xé chôm chôm hoặc vài thùng mì gói xuống phân
phát cho anh em chưa may mắn được về xum họp với gia đình. Khi nghe tin có
người vừa mất, bất luận ở đâu, không phân biệt tôn giáo, nơi cầu siêu hay chốn
làm phép xác, tại chùa hay nhà thờ thánh thất, thầy cũng đều có mặt để phân ưu
với gia đình người quá cố, thầy không ngần ngại đến vì “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Tôi đã gặp thầy và cùng đứng chung với thầy dưới gốc cây xoài trước tượng đài
Đức Mẹ trong khuôn viên Nhà Thờ Ba Chuông để chờ tiễn đưa linh cữu của cố Trung
Tá Nguyễn Thủy Chung và cố Trung Tá Nguyễn Anh Ly mất vào những năm
1989-1990.Rất nhiều cựu TNCT nay đang có mặt tại Hoa Kỳ hoặc định cư rải rác
trên khắp thế giới vẫn nhắc đến thầy Long. Ký giả Lô Răng tức cố Trung Tá Phan
Lạc Phúc và Trung Tá nhà văn Hoàng Ngọc Liên, Ký giả Vũ Ánh… cũng có những bài
viết rất sâu sắc về thầy.
*
Tôi
chẳng có tư cách gì và cũng chẳng dám đưa ra nhận xét nào để “phong thánh” cho
một con người mà tôi quen biết trong một thời gian hạn hẹp. Dưới nhãn quan của
một tín đồ Công Giáo, dù sao tôi cũng chỉ là một chứng nhân với biểu kiến
riêng, tôi xem Hòa Thượng Thích Thanh Long là một tấm gương rất tốt lành, đáng
kính và đáng tôn vinh mà thời đại ngày nay thắp đuốc giữa ban ngày đi tìm cũng
khó kiếm. Một người đã hy sinh tất cả để trọn đời đi theo con đường giống như của
thánh Phanxicô Khó Khăn tác giả bài ca KINH HÒA BÌNH đã đi.Thầy Long luôn đề
cập KINH LỤC HÒA trong Diệu Pháp Liên Hoa cho các đệ tử. Chính vì thế mà thầy
rất thích KINH HÒA BÌNH của thánh Phanxicô lúc ở trong tù thì sau này tôi mới
nghiệm ra vì nó ẩn chứa những điều uyên thâm sâu xa nói về đức bác ái và lòng
từ bi cũng giống như KINH LỤC HÒA. Tôi không ngờ thầy Long lại là một người bạn
tri âm của tôi và ngày nay mỗi khi dạo nhạc hát lên bài ca KINH HÒA BÌNH tôi
lại nhớ đến thầy.Từ cõi bên kia, tôi tin rằng thầy đang mỉm cười và chăm chú
lắng nghe tôi hát:”Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa
trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con
đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào
nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”Tôi sẽ nhớ thầy mãi mãi cùng với
bài ca KINH HÒA BÌNH trong tiếng tơ đồng của cung Mi buồn.
VŨ
VĂN QUÝ
Nguồn: http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2021/02/ong-su-nha-que-vo-van-quy.html
304Đen
– Llttm - dsc
No comments:
Post a Comment