Wednesday, July 31, 2024

Thu Nghĩa Trang -Nguyễn Đạm Luân

Thu Nghĩa Trang 




Hành Phương Nam - Nguyễn Bính

 Hành Phương Nam




Tát Đìa Ăn Tết - Trần Mộng Lâm

 TÁT ĐÌA ĂN TẾT

 

Đìa là chỗ trũng ngoài đồng có đắp bờ để giữ nước và cá.




Tục ngữ có câu:



Nay tát đầm, Mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu.

 

Truyền thống của người dân vùng sông nước Cửu Long là gần đến Tết, họ tát đìa, dỡ chà, bắt cá tôm, kiếm tiền xài Tết, và có cá để dành tiếp khách.

Thời gian tát đìa thích hợp nhất là từ tháng Chạp đến tháng Hai Âm Lịch. Người nông dân tính toán rất sít sao: Dứt lúa tới đìa, dứt đìa tới ruộng, đủ ăn quanh năm.

Khi tôi bị đi học tập tại vùng Đồng Tháp Mười, năm 1976-1977, chỉ cần ra đồng ruộng là nhìn thấy từng đàn cá bơi lội, cá lóc với bầy con ròng ròng, cá rô đồng, những con rùa, và các con rắn xà nẹo trên các bụi cây trên bờ, khi bơi hay chống thuyền trên các sông, rạch. Chỉ cần bước chân xuống ruộng là bắt được cá.

Tại nơi muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh này, vào những ngày cận Tết, nhà nào tát đìa là cả xóm đến cùng nhau bắt phụ. Mỗi người một việc: be bè, nhét bọng, quăng chà ra khỏi đìa, dùng đăng chặn hết các ngõ ngách không cho cá thoát ra khỏi đìa, rồi dùng gầu, dùng thùng tát đìa.

Muốn một cái đìa có nhiều cá, thì khi đào nó, phải tôn trọng các nguyên tắc, các kinh nghiệm mà người dân quê đã truyền cho nhau như ngó hướng sông, hướng gió, thế nước, cách mở miệng đìa, sao cho cá vào nhiều trong đìa. Bởi vậy mới có các ông «thầy đìa», chỉ dẫn từng ly, từng tí bí quyết đào mới mong có kết quả sau này.  

Cũng như con người, chết vì danh vọng, của cải, con cá chết vì đìa sâu, rộng, lại ấm, cho nó bơi lội thải mái. Người kinh nghiệm có thể đánh giá một cái đìa có nhiều cá hay không. Thường thì bờ đìa cỏ mọc tùm lum, người ta nằm xuống, lấy tay rờ qua rờ lại coi thành bờ xem nó láng hay sần sùi. Nếu mép bờ đìa láng o, thì đìa có nhiều cá.

Nghe tiếng cá táp cũng có thể biết cá trong đìa to hay nhỏ. Cá lóc lớn khi táp mồi chỉ nghe một tiếng rất êm, nhẹ. Trái lại những con cá nhỏ lại táp mồi một cách ồn ào hơn. Ngay cả khi nhìn tăm cá trên mặt nước cũng không chắc ăn. Mặt đìa khi cá ăn móng như cơm sôi cũng chưa chắc có nhiều cá.

Tát đìa thường vào buổi sáng, khi gà vừa gáy.

Không khí một buổi tát đìa thường rôm rả khác thường. Kẻ tát, người nghỉ để hút thuốc, nói chuyện trời trăng mây nước, tâm sự vợ con, nhộn nhịp vô cùng. Thường thì những người đứng gầu chỉ làm việc chừng nửa tiếng, sau đó đổi tay. Ngày nay, có khi người ta dùng máy bơm, bơm nước, nhưng làm như vậy, mất hết vẻ quyến rũ của một ngày tát đìa thuở xa xưa, khi ông bà đi mở đất. Thật là một điều đáng tiếc nếu một ngày kia, chiếc gầu dai không còn được sử dụng nơi đồng quê. Số phận của chiếc gầu dai, một ngày nào đó, sẽ giống như số phận của chiếc cối xay gió, mà ông Alphonse Daudet đã ghi lại trong văn học Pháp mà thôi.

Tát đến khi mặt trời đứng bóng là được phân nửa đìa. Cá bắt đầu động đậy dưới lớp nước đã vơi đi. Ông thầy đìa nhìn mặt nước sôi bọt, đã biết sẽ có nhiều cá lóc hay cá trê.

Chừng nửa tiếng sau là cá lóc có con to bằng bắp chuối đã hiện ra, trườn qua, trườn lại, lóc vào các chỗ cạn để tìm đường thoát. Khi đó, người chủ đìa sẽ nhẩy vội xuống bắt ngay mấy con, quăng lên bờ cho mấy cô gái, hối thúc mấy cô này đốt rơm nướng, chuẩn bị cho món cá lóc nướng trui để đãi chòm xóm đã giúp tát đìa.

Bữa cơm với cá lóc nướng trui ngon và vui hơn đám giỗ. Tiếng cười nói rổn rảng, dân làng quây quần bên nhau, đàn ông con trai ngồi chồm hỗm, đàn bà, con gái, xếp bằng. Thịt cá lóc, gỡ bằng tay, cuốn trong bánh tráng, đọt soài, bông điên diển, khế chua, rau cải trời, chấm mắm, hay nước mắm giầm chanh ớt, cay xé miệng, ăn ngon gì đâu. 

Ăn uống xong họ tát tiếp cho đến khi đìa cạn. Cá phơi lưng ra. Những người đàn ông săn quần nhẩy xuống bắt cá. Đàn bà cầm đuốc để soi sáng và đuổi muỗi, hay chuyển cá lên bờ. Nào cá trê, cá lóc, lươn, rắn, rùa, ốc bươu, lúc nhúc trong lớp bùn lên tới gối,tha hồ bắt. Rắn thì thường là loại rắn hiền, rắn ri voi, ri cá, rắn bông súng. Các con cá lóc bự cắm đầu vào sình non trốn, nhiều khi phải thọc tay vào thật sâu mới kéo được chúng ra. Sau khi chủ đìa đã bắt được khá bộn, bọn bắt cá hôi mạnh ai nấy mò, nhiều khi cũng trúng mối.

Cá bắt được cho vào bao, cho trâu kéo về. Chủ đìa chia cho các người tát đìa mỗi người một bao để trả công. Cá được rọng lại để ăn dần qua Tết. Còn dư, đem biếu xóm giềng. Xóm giềng cũng xúm lại giúp, đánh vẩy, móc ruột. Cá nhỏ làm mắm, cá lớn, chết, phơi khô.

Người dân Đồng Tháp ăn ở với nhau hiền hòa, nhân hậu, thấm đậm tình chòm xóm láng giềng, không giống với người dân thành thị, như hiện nay, tại Sài Gòn, người ta nhiều khi dùng dao chặt tay nhau để cướp đồ.



Tháp Mười gió thổi lao xao.
Ngàn hoa điên điển rì rào trong đêm.
Hương ngàn cỏ lạ không tên.
Dâng từng bông súng, đầm sen ngọt ngào.



Tôi đã có thời gian sống tại Đồng Tháp Mười tuy tôi được sinh ra tại Miền Bắc.

Từ nhỏ đến lớn, tôi là người sống tại thành thị. Ngay khi còn ấu thơ, tôi cũng chỉ về quê, nơi ông bà nội tôi sống, trong những ngày Tết hay trong một thời gia ngắn đi tản cư, những năm cuối thập niên 40. Khi ấy, tôi chưa được 10 tuổi, nhưng cũng còn giữ lại được trong ký ức việc bắt cá nơi thôn quê.

Tát đìa, ngoài Bắc người ta gọi là tát ao. Nhà ông bà nội tôi có 2 cái ao, và khi gần Tết, cũng có những người đến tát ao để bắt cá. Khác với trong Nam, mỗi khi tát ao như vậy, cảnh tượng cũng y chang Miền Nam, nhưng thay vì bắt được những con cá lóc (ngoài Bắc gọi cá quả), thì người ta bắt được các con cá «chắm», cá mè.

Con cá mè thì tôi còn nhớ, vì có các vẩy nhỏ li ty như những hột mè, trắng lóng lánh. Còn con cá «chắm», tôi quên mất nó ra làm sao, nhưng tôi còn nhớ một điều là ông nội tôi hay ăn gỏi cá sống, chắc cũng giống như người Nhật ăn món shushi ngày nay. Trong Nam, tôi chưa thấy ai ăn cá sống bao giờ, nhưng người miền Bắc, có ăn cá sống. Tuy nhiên, việc làm gỏi cá sống rất phức tạp, cầu kỳ. Cá phải được tẩm vào các lại thính đặc biệt, và rau để ăn gỏi cá gồm 8 hay chín loại gì đó, không hơn, không kém, không gia giảm. Tôi biết điều này vì người thường làm gỏi cá cho ông tôi thường là mẹ tôi. Trong thời kỳ tôi sống nơi quê nhà, chỉ chừng 1 hay hai năm. 

Ông tôi may mắn chết trước khi Cộng Sản phát động cuộc cải cách ruộng đất, nên các cụ thoát được cuộc Tố Khổ chỉ xẩy ra ít năm sau đó.

Cảnh tượng tát ao ăn Tết vẫn là một kỷ niệm rất đặc biệt, rất êm đẹp của thời thơ ấu, khi tôi còn trong nước.

Hiệp Định Genève đưa tôi vào Miền Nam năm 1954. Tôi sống tại Sài Gòn, Cần Thơ mãi tới sau 1975 mới biết đến Đồng Tháp Mười, khi tôi bị bọn giặc xâm lấn, dùng vũ khí ngoại bang, chiếm đoạt Miền Nam, và đầy ải chúng tôi đến vùng đất xa xôi này. Trong cái rủi, có cái may, là nhờ đó tôi biết khá nhiều về Đồng Tháp Mười, biết thế nào là đỉa, là muỗi, là chim bìm bịp, là cá thác lác, là cây bần, cây chàm, cây dừa nước, là rừng sậy…v.v

Và tôi biết được thế nào là người dân Đồng Tháp.

Họ hồn nhiên, hiền hòa, và không cần ai giải phóng.

Hãy đọc đoạn văn này của một người bạn gốc gác tại vùng này, nay đang sống đời lưu vong tại hải ngoại, vì giặc Công Sản:



- Đời nọ sang đời kia, ông cha chúng ta cầy cuốc, lấy mồ hôi nước mắt đổi miếng ăn, có cướp giựt ai đâu. Đất Nam Việt của người Nam Việt, giải phóng cái con khỉ gì ??….. Cám ơn bác, cám ơn đảng, chúnng tôi luôn nhớ ông bà cha mẹ chúng tôi dân đồng chua, nước mặn, ăn chắc mặc dầy….«phỏng trán» chay tay dựng nên MIỀN NAM NƯỚC VIỆT .

Đó chính là đoạn tôi đọc được trong tác phẩm «Chiều chiều, ra đứng ngõ sau» của nhà văn Nguyễn Phương, Paris.

Tôi đọc tác phẩm này khi ngồi tại Montréal trong mùa Đông năm 2014, thời tiết bắt đầu lạnh, và chỉ ít bữa nữa thôi, tuyết trắng sẽ rơi đầy.Biết bao giờ tôi mới được tham dự thêm một lần một buổi Tát Đìa ăn Tết ?? tại Đồng Tháp Mười.

Tất cả đã đi vào dĩ vãng, kể cả nơi chốn, và con người, những dân quê hiền lành, chất phác, nhìn con trăng hạ tuần tháng chạp, nghe gió bấc lao sao thổi về, nghĩ tới chuyện Tát Đìa Ăn Tết.


Trần Mộng Lâm.

Nguồn: Sáng Tạo

Người chuyển bài – N Nguyên

 

 

 


Nam Mô Chiếc Áo Cà Sa- Khuất Đẩu

 

NAM MÔ CHIẾC ÁO CÀ SA!

 

Ngôi chùa ấy lợp tranh. Như thế đủ biết chùa nghèo lắm. Chùa lại nằm giữa một xóm còn nghèo thảm hại hơn. Những mái tranh xiêu vẹo, những tấm tôn rỉ sét, những tấm bạt cũ kỹ. Một mớ xệch xạc nằm chênh vênh cạnh một con đập đắp bằng lá. Cứ như một đám rác lều bều để lại bên bờ sau những cơn lụt.

Khuất Đẩu

 


Nhưng chùa có nhiều tượng Phật bằng gỗ. Tượng lớn to bằng trái bầu. Tượng nhỏ như trái chuối. Đen thui như bới từ trong đống than ra. Dễ chừng có đến hàng trăm tượng. Trước ngày Phật Đản, một chú tiểu nhỏ như cây tăm xỉa răng, lùa hết các tượng trong một cái thúng đem xuống sông tắm rửa. Chú dùng rơm kỳ cọ như các bà rửa xoong nồi. Vì thế có nhiều tượng sứt môi, gãy mũi. Sư cụ biết vậy nhưng cũng chẳng dám quở mắng. Chú chỉ là một đứa bé mà cha mẹ ép tới chùa để bớt đi một miệng ăn, chứ không phải nhất tâm thành chánh quả. Nhỡ chú buồn bỏ đi thì biết cậy nhờ ai trà nước, thỉnh chuông.

Có mỗi câu kinh học mãi cũng không thuộc, lại mắt nhắm mắt mở, nên tiếng chuông của chú cứ cà gật, cà gật. Mặc dù ở bên sông nhưng nó không đủ sức ngân nga để làm sực tỉnh một nhà thơ như chùa Hàn Sơn ở bên Tàu. Dù vậy có tiếng chuông vẫn hơn. Chùa mà không có tiếng chuông sao gọi là chùa.

Nhưng đó là những đêm về sáng, còn đầu hôm công phu chỉ mỗi mình sư cụ. Tuổi già sức yếu, cụ chỉ tụng có mỗi một bài kinh. Hơi thở ngắn, tay lại run nên người ta chỉ nghe thấy tiếng è è cùng tiếng mõ khành khạch như tiếng thở của một người bị bệnh hen và tiếng nấc của một người mắc chứng nấc cụt nằm cạnh nhau trong một đêm khó ngủ. Nhưng dẫu sao, đó cũng là những âm thanh dễ chịu giữa những tiếng ầm ĩ vợ chửi chồng, cha mắng con, tiếng cãi cọ của đám bầu cua cá cọp, tiếng hú hí cười cợt của đám đĩ rạc bị công an rượt đuổi ở thành phố đã trôi dạt tới đây.

Nhiều người ái ngại, lên tiếng chê trách. Ban hộ tự đâu, mà để chùa xơ xác như thời mạt pháp vậy? Nhưng chỉ dăm bà già ốm yếu, nghễnh ngãng đến chùa nhiều khi quên mất đường về nhà, thì đào đâu ra ban hộ tự! Người ta cũng chẳng mấy khi mời sư cụ đến nhà tụng kinh cầu siêu gia đạo hay cầu hồn. Mà nếu có, cụ cũng chỉ uống chén nước trà rồi về chứ không hề nhận một đồng công đức. Chùa như thế nghèo là phải lắm.

Sư cụ, gầy nhom như một con muỗi đói. Nói thế hơi hỗn, nhưng trông cụ gần như cái xác ve, chẳng có một hột máu nào. Ấy là bởi cụ thường nằm ngủ gối đầu lên một cái trống tum. Mà trống bị bể, cụ lại kiêng sát sinh nên bao nhiêu rệp của cả xóm đều kéo tới. Đương nhiên chúng không phải đến để nghe kinh, mà để hút máu cụ cho đến phễnh bụng ra rồi chui vào trống ngủ. Chúng càng béo tốt thì cụ lại càng gầy ốm.

Một hôm thằng bé nghịch lấy cây gõ lên mặt trống. Trống không kêu. Gõ nhiều lần cũng chỉ nghe cành cạch. Nó bực mình ném xuống đất. Trống vỡ toang. Một đám rệp căng tròn như đậu đen văng ra khắp chùa. Nếu đếm được, dám đến cả triệu con.

Dù phải hốt hoảng trốn chạy, nhưng rồi đâu cũng vào đó, không còn trống thì chúng lại chui vào kẹt ván, vào vạt giường, vào áo quần, ngay cả chiếc áo cà sa treo trên vách. Chúng vẫn cứ nhởn nhơ ăn, ngủ, rồi sinh sôi nảy nở cái giống nòi mà không hiểu thượng đế sinh ra làm gì khi đã có cái giống thượng đẳng là loài người.

Chùa nghèo chẳng ai buồn biết tới. Sư cụ ốm cũng chẳng ai hay. Nhưng cái sự vụ mà tôi sắp kể ra đây xứng đáng được coi như tiếng nổ giữa trời quang. Một tiếng nổ hất tung mọi sự và đổi thay biết bao số phận.

Đó là một buổi tối cuối tháng giêng khi cái máu ăn chơi của người mình, càng nghèo lại càng chơi, vẫn còn hừng hực: những quán cóc vẫn không ngớt dô dô, mùi thịt nướng (chẳng cần biết thịt gì, hễ cứ nướng là thơm) vẫn cứ bay ngào ngạt và các ả bán thịt người đắt khách đến nỗi không cần phải ra chào mời tận ngoài đường. Một buổi tối như thế trên quê hương tôi, khiến sư cụ nằm trên chiếc võng rách lơ mơ muốn ngủ mà không ngủ được.

Đương nhiên là vì rệp cắn. Mà cũng đương nhiên vì cái đạo hạnh của cụ chưa đủ đức độ cảm hóa cái cõi ta bà nhỏ bé kia. Cửa chùa vẫn cứ rộng mở nên bao nhiêu âm thanh và mùi vị cứ như nước lụt tràn vào. Chuông thì rè, mõ thì bể. Mà dẫu cho không rè, không bể, dẫu có hàng chục cái chuông, mõ, kể cả trống, cũng không át nổi cái cơn cuồng say của cả xóm. Chỉ có cây đũa thần mang phép nước, tục gọi là cây gậy của công an, mới mong có thể dẹp yên được.

Thì đúng là cầu được ước thấy, vì ngay lúc đó sư cụ nghe tiếng tu huýt, cùng tiếng chân chạy rầm rập, tiếng hô bắt lấy nó, tiếng tru tréo không phải tui đâu, tui đâu có làm đĩ, tiếng van xin nịnh nọt, thôi mà sếp, tha cho em lần này…Và chỉ đúng một khắc, tất cả đã trở lại cái trật tự đìu hiu, cái buồn muôn thủa của xóm nghèo. Lại nghe tiếng nước chảy rì rầm qua đập, tiếng giã bột bún thình thịch, tiếng các bà vợ chì chiêt chồng con. Chỉ thiếu có tiếng chuông, vì chú tiểu nhỏ mãi mê chạy theo coi đám con gái quần áo sáng ngời, bị công an còng tay dẫn đi.

Đó là nghe.

Còn thấy, thì Giời Phật ơi, có cái gì trăng trắng lao vào chùa, như một cái gối ôm bị ai quẳng vào chánh điện, nơi có đến hàng trăm tượng Phật sắp hàng ba trên bệ nhìn xuống. Ừ, thì cứ cho là cái gối ôm đi, nhưng là một cái gối ôm có tay dường như đã nhăm nhe từ trước, nên giống như một con cò mổ ruồi, nó phóng tới đúng chóc chiếc áo cà sa đang treo trên vách; rồi loáng một cái, nó cuộn tròn vào mình, nằm phủ phục trước bệ thờ như lúc sư cụ đảnh lễ.

Sư cụ ốm nhom có cảm giác thân mình bỗng dưng nặng như đá. Chiếc võng cọt kẹt rít lên, như sắp đứt phựt. Hả cái miệng không răng nhưng vẫn còn lưỡi, sư cụ muốn la to lên mà la không được (người ta bảo lúc ấy sư cụ sợ quá thụt mất lưỡi). Chiếc áo một năm chỉ có mấy lần giặt (sợ rách), dù cho âm ỉ mùi mồ hôi, mùi cáu ghét, có cả mùi rệp vẫn là chiếc áo thanh khiết không hề chung chạ, chỉ mặc khi tụng kinh gõ mõ, sao lại có thể khoát lên cái trăng trắng nhất định là không sạch đó! Nếu quát lên được cụ đã quát: “cái con đàn bà dơ dáy kia, mi có trả cái áo lại không thì bảo!” Nhưng nếu nó cởi ra trả, thì… cụ lại ú ớ như bị mộc đè, cái trăng trắng kia mà phơi ra lồ lộ, không chừng hàng trăm tượng trên bệ sẽ nổ bung hết cả hai con mắt!

Đang lưỡng lự chưa biết tính sao thì ngoài cửa có một vị mặc đồ công an cầm roi điện ngoái cổ nhìn vào, tưởng là sư cụ đang quì mọp, cất tiếng “mô Phật!” một cách diễu cợt, rồi bỏ đi.

Đợi cho kẻ săn đuổi đi khá xa, cái trăng trắng ngồi bật dậy lao ra khỏi chánh điện. Trước khi lẫn mình vào bóng đêm đã không quên ném trả lại chiếc áo và nói: “con xin thầy thông cảm!”

Phải một lúc lâu sư cụ mới đứng lên được. Cái lưng đau sẵn cọng với chiếc áo trên mình ả khiến cụ cảm thấy đau lịm cả người. Chiếc áo mà cụ giữ gìn cung kính là thế, giờ đang nằm hớ hênh một nửa vắt lên bệ thờ một nửa thòng xuống đất. Chao ôi! sao mà giống cái bộ da cáo của con hồ Nguyệt Cô quá! Đến nước này thì liệu có dám khoát lên mình mà đứng trước Phật đài?! Nó đã phủ lên cái gì trăng trắng đó rồi thì chính nó cũng đâu dám chường mặt ra trước cặp mắt của hàng trăm vị bồ tát.

Cụ run rẩy đặt mấy ngón tay lên lớp vải vàng ố vì đã quá cũ. Thường thì nó nhạt nhạt, lạnh lạnh. Nhưng giờ, như nó vừa được hơ lửa, nóng đến bỏng tay. Áo nóng hay tay mình nóng? Cụ ngơ ngác tự hỏi. Nó đã được cái gì trăng trắng cuộn tròn vào mình, khít rịt từ đỉnh đầu cho đến gót chân, đã từng nghe máu chạy dưới da, từng hít cái hơi son phấn nồng nàn, nó nóng là phải. Đó là cái mùi của tội lỗi. Còn mình? Mình cũng có tội chứ không à? Sao không nhào tớí mà ngăn nó laị? Cùng lắm thì cứ đè nó ra mà lột, đến tuổi này thì còn sợ gì cái trăng trắng đó nữa! Nhưng như thế thì ác quá! Nó sẽ bị công an lôi đi đưa vào những trại giáo dưỡng như nhà tù. Con nó ai nuôi, cha mẹ nó ai săn sóc?! Giá như hôm nay có đức Phật, chắc ngài cũng để cho nó mượn áo mà thôi. Có phải vì thế mà chiếc áo trở nên ô uế đâu. Khi hành đạo chính ngài đã nhặt nhạnh từng miếng vải vụn trên đường đi, kết thành một tấm vảỉ lớn quấn quanh mình. Chẳng thịt da nào là có tội. Cũng chẳng quần áo nào là đáng khinh. Không chừng chiếc áo vừa rồi đã làm nên ơn phước vì cứu được một người. Như thế cũng là công đức.

Sư cụ bình tĩnh nhặt lên, vuốt lại cho thẳng thóm, ướm thử lên ngực, ngần ngừ một lúc rồi treo lại trên vách.

Ngay sau đó, cái tin con điếm mượn áo cà sa để che cái ba vạn chín nghìn đã lan xa nhanh hơn cả điện. Người từ trên phố ùn ùn kéo tới. Kẻ thì đòi xé xác con đĩ đó ra vì làm ô uế cửa Phật, kẻ thì hí hửng muốn nhìn tận mặt con nhỏ chịu chơi dám đùa dai với sư cụ. Người ta xông vào chùa tranh nhau: sờ, ngửi, hít rồi khạc, nhổ, khiến chiếc áo được kết bằng trăm miếng vải vụn rớt rơi thành nhiều mảnh. Nhiều kẻ đòi đem đốt hoặc thả trôi sông, nhưng cũng nhiều người đòi giữ lại. Có kẻ muốn mua với giá lên đến bạc triệu.

Thôi thì mạnh ai nấy nói, la hét, cười cợt, vung tay, múa chân cứ như phát rồ. Sư cụ ngồi co ro trong góc, ngơ ngác, sợ hãi. Một người được xưng tụng là đại gia bỗng chen vào, xốc áo sư cụ lên như xách một con nhái.

“Giữ chùa mà thế này à? Tôi xin hỏi bà con: để làm trụ trì hay nên thôi?”

«Thôi! Thôi! Người ta gào lên. Đuổi lão ra khỏi chùa, đồ sư hổ mang!»

Nhưng cũng có kẻ bênh vực: «tại con đĩ đó chớ đâu phải tại thầy».

Kẻ khác lại nói: «chung qui là tại công an. Bắt bớ loạn cả lên. Hết chiến dịch lại thả ra chứ bài trừ được cái gì».

Có kẻ xỏ lá: «biết đâu là cái cơ duyên, không chừng con đĩ đó sẽ cạo đầu đi tu. Cái áo cà sa đó hãy để dành cho nó!»

Ngay lập tức, người ta lập ra ban hộ tự. Trưởng ban là ngài đại gia nhà đất, phó ban là một nữ doanh nhân kinh doanh vàng bạc. Hai mươi mốt vị, có người đang mặc áo ngủ, có người đang mặc quần lửng, có người đang mặc áo không dây, có người đang mặc quần xệ rốn đứng thành hai hàng mà ánh điện của nhà chùa yếu quá soi không rõ mặt. Nhưng trông cũng bừng bừng khí thế như ủy ban cách mạng lâm thời vừa được chọn sau một cuộc đảo chính. Các vị hứa sẽ mở cuộc lạc quyên để vận động xây chùa.

« Chùa phải ra chùa, đại gia trưởng ban nói, bước đầu tôi xin cúng dường một tỷ ».

Tiếng hoan hô như sấm dậy.

Đúng như lời hứa, chỉ trong vòng nửa năm thôi, trên nền đất của ngôi chùa cũ đã bị phá hủy, lễ khai kinh mừng đặt viên đá đầu tiên được cử hành dưới sự chứng giám của các vị đại sư mặc y vàng rực rỡ.

Và cũng chỉ hai năm sau, ngôi chùa mới đồ sộ với những mái ngói cong như đuôi rồng, với lầu chuông gác trống đứng uy nghi soi bóng xuống dòng sông.

Giữa chánh điện là một tượng Phật thếp vàng cao đến 2 thước. Hào quang bằng điện tỏa ra sáng ngời, vun vút lao đi như tên bắn. Hòa thượng trụ trì là một tiến sĩ Phật học từng du học ở Tích Lan. Ngài lúc nào cũng tinh tươm, áo cà sa bằng lụa tơ tằm vàng rực, hai tay chắp trước ngực như búp sen non, nhỏ nhẹ, dịu dàng giữa đám đệ tử kỉnh Phật chuộng tăng, đa phần là nữ, lúc nào cũng lượn lờ những mong được ngài sai bảo.

Sư cụ bị tước y bát, cho hoàn tục. Các tượng Phật bằng gỗ cùng với chiếc áo trơ trẽn hơn một lần khoác lên mình con đàn bà ô uế bị rưới dầu đem đốt trên bờ đập, lúc này đã xây thành đập tràn kiên cố. Mùi gỗ mít, mùi vải mục, mùi con đĩ cộng với mùi dầu tạo thành một thứ mùi, nặng đến nỗi những người đứng xem phải bịt mũi mà vẫn cứ ho sặc sụa.

Cái xóm nhà lá đầy bọn đĩ điếm, ma cô, xì ke, bài bạc bị hốt đem đi kinh tế mới. Khoảng đất trống biến thành tiểu công viên với những cây dương trồng từng khóm cắt thành những chiếc thuyền và những cái tháp nhỏ nhiều tầng.

Thôi thì cũng đành một nhẽ, chùa đẹp như thế, tinh khiết như thế, nhất định là sẽ có Phật vàng.

Đời tốt biết bao!

Đạo đẹp biết bao!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô chiếc áo cà sa!

 

Khuất Đẩu

304Đen – Llttm - sgtc

Saturday, July 27, 2024

Thương Quê - Nguyễn Cang

 THƯƠNG QUÊ

 















Thuyền ai thấp thoáng ở bên sông

Xuôi ngược về đâu chảy ngược dòng

Bờ bắc con đò trôi bến vắng

Trời Nam lúa sớm chín hừng đông

Trưa hè bìm bịp kêu con nước

Chiều mát trẻ em bắt cá đồng

Một thuở thanh bình đâu thấy nữa

Miệt mài tay trắng cũng bẳng không!

 

Nguyễn Cang (Jul. 20, 2024)

Chút Mảnh Vụn Đời Để Nhớ - Thuyên Huy

 

Chút Mảnh Vụn Đời Để Nhớ

 

    Ngồi ở một góc tiệm kem, sát cửa kiếng, nhìn ra, ngoài đường dập dìu người, nô nức xe, chiều thứ bảy, Sài Gòn chắc chiều thứ bảy nào cũng vậy, là thằng nhà quê tỉnh lẻ, con nhà nghèo, chân ướt chân ráo, không bà con, không người thân thích, bỏ trường tỉnh, tập tểnh lên đại học, ước mơ khiêm nhường, nhỏ nhoi, vậy thôi, trừ những ngày mùa thi, cũng nhớ chút Sài Gòn thoáng qua, giờ mới thật sự sẽ sống với phố phường ngựa xe của nó, ít lắm cũng phải qua đủ bốn mùa của một  năm.


    Giờ này vẫn lưng chửng chiều, nắng nhẹ và gió mát, tiệm kem, càng lúc càng đông người, Thuận đọc qua đọc lại trang Rao vặt của tờ Chính Luận nhiều lần, chưa tìm được chỗ trọ nào vừa với số tiền mình có, Thuận thở dài, chắc phải ở tạm tại nhà người quen của bác tài xế xe đò, thương tình gởi hai ba hôm nữa, đành vậy biết làm sao hơn. Thuận để nguyên trang rao vặt trên bàn, nhìn bâng quơ ra đường, người ngoài đường cứ đông, từ cửa tiệm đi vào, hai cô gái, xem ra như hai chị em, tóc dài ngng vai, tới cái bàn, sát bàn Thuận đang ngồi, không biết sao, nhiều người vào, lại không thấy bàn này trống. Thuận quay vào, gật đầu cười chào, hai cô vừa chào lại, vừa liếc nhìn trang báo mà anh chưa kịp xếp lại, nhận ra cái liếc mắt vô tình đó, Thuận hơi bối rối, lặng thinh lật qua trang khác, không cần biết là trang gì.

   Không còn nhìn ra đường vì đã bị hai cô gái che khuất gần hết, sực nhớ việc phải làm, Thuận đành “phớt tỉnh Ăng – Lê”, lật lại trang rao vặt, chỗ cho thuê mướn nhà, chỗ cho học sinh sinh viên trọ, đọc nữa. Cô ngồi kế bên, có lẻ là người chị, trong mắt Thuận thì khá đẹp, cũng nhìn qua trang báo, cười nhẹ bắt chuyện, hỏi qua lại vài câu, đúng là hai chị em, cô chị cho biết, gần nhà có một căn nhà đang trống, chủ muốn cho ai đó, phải là sinh viên hay học sinh ở, mà không cần trả tiền gì cả, vì họ làm ăn phương xa, nên cần người giữ giùm, đôi khi mười họa từ Đà Lạt mới ghé về, không ở, vì họ cũng có căn phố khác đâu đó trên đường Hồng Thập Tự.

   Thuận bất ngờ quá, cứ buột miệng nhiều lần hai tiếng cám ơn, Thuận xếp trang báo lại, hai cô kéo ghế qua ngồi chung bàn, cô em cứ bẻn lẻn cười mà không nói gì hết. Họ quen nhau từ đó, cô chị viết địa chỉ nhà mình, bảo anh cứ tới rồi, cô dẫn chỉ cho, trước khi hai chị em chào tạm biệt, Thuận xếp tờ báo, bỏ vào túi xách, theo sau ra đường tiễn, hai người đi xa về hướng quốc hội, Thuận quàng túi xách lên vai, thả bộ xuống chợ Bến Thành, đón xe lam về ngã tư Bảy Hiền, chỗ anh đang tạm ở nhờ.

*

    Căn nhà vừa vặn, có gác lửng trên, nằm gọn không xa đầu vào con hẻm bao nhiêu, xế ngã tư Cao Thắng một chút, ngỏ vào cũng trên đường Phan Thanh Giản, hẻm chạy sâu nối với phía trong cư xá Đô Thành, cách nhà chị Quyên, và cô em gái, Tuyền, hai chị em mà Thuận gặp ở tiệm kem ngoài phố chính, chừng bốn năm căn phố lầu khác. Nhà có sẳn bàn ghế, giường ngủ, tủ đựng áo quần, tủ đựng ly tách, dưới nhà bếp thì nồi niêu soon chảo, chén bát, muỗng đủa, không thiếu thứ gì, Thuận ngỡ ngàng, lúng túng khi theo chị Quyên vô nhà. Hỏi ra mới biết, hai bác chủ nhà là bạn làm ăn với ba mẹ chị Quyên, ba chị hiện làm gì đó chắc cũng lớn và có phần hùn với công ty bột giặt VISO, bác gái, mẹ chi làm công chức ở bộ Nội vụ,  chị Quyên năm nay là năm cuối trường Dược, Tuyền thì lên đệ Nhất trường Nguyễn Bá Tòng, vì vậy  họ giao trọn căn nhà cho ba mẹ chị Quyên tính sao thì tính.

   Nhận nhà xong, Thuận theo chị qua nhà, chào cám ơn gia đình, thì trời chập choạng chiều xuống, cả nhà bảo anh qua ăn cơm, khỏi lo bữa này, mai rồi tính, Thuận hứa rồi đón xích lô xuống phố tìm mua mền gối cho đêm nay, đêm đầu tiên làm người Sài Gòn. Cuối cùng, tạm gọi là xong, hy vọng từ nay, chắc không còn phải lang thang, đời ở trọ, từ chỗ này chỗ kia rày đây mai đó như suốt bảy năm trung học ở tỉnh nhà nữa.

    *

   Thuận cũng gọi là giỏi toán nhưng không biết phần số thế nào mà trời chưa chịu thương nên, thi vào Phú Thọ, không đậu, qua Sư phạm cũng “trợt vỏ chuối” luôn, đành chịu phép, lũi đầu vào Luật xem sao rồi tính tiếp. Hai bác và hai chị em chị Quyên thấy Thuận hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, bặt thiệp, vui tính, có chí ham học nên thương tình, giúp lo cái này cái kia, nhiều đến nổi làm cho anh lo ngại quá, đôi lúc phải giả bộ kiếm chuyện, bận này bận nọ, không qua bên nhà chị ăn cơm chiều, đã có xe bánh mì góc Cao thắng rồi, đủ no bụng. Chiều chiều hai chị em thường thả bộ qua, kiếm Thuận, ngồi tán gẩu chuyện trời trăng mây nước, xuân hạ thu đông trước hiên nhà, bên kia đối diện cũng réo hỏi “Thuận hởi Thuận ơi”. Thỉnh thoảng, không thường lắm, Thuận cũng hay giúp Tuyền khi gặp phải hai ba bài toán khó, bốn năm công thức định lý nhàm chán có từ trăm năm, từng gây khổ đau, khóc hận không biết bao nhiêu “nam thanh nử tú”.




   Về trên nhà ăn tết xuống, buổi chiều, vừa kịp sắp xếp ba thứ lặt vặt thường dùng vào chỗ, thì chị Quyên tới cùng với hai người lạ, trạc tuổi ba mẹ chị, hai người này là chủ nhà mà Thuận đang ở trọ. Hai bác khá vui tính, hiền hậu, bác trai hỏi thăm Thuận chuyện gia đình ở quê, chuyện học hành, ngay cả chuyện ăn uống, bác gái thì ít nói ngồi cười nghe thôi, chắc có nghe chị Quyên nên bác hỏi tới hỏi lui, việc anh đi bán xăng buổi tối ở cây xăng ngã tư Lê Văn Duyệt, có thời giờ học không, có cực nhọc lắm không, chuyện bán xăng là nhờ ở người bạn quen cùng năm ở trường Luật, dân Sài Gòn, giới thiệu cho chú anh ta, là chủ cây xăng Shell, chừng đâu hơn tháng sau ngày nhập học, học ở phân khoa tự do cũng tương đối dễ, muốn tới giảng đường nghe, ghi chép, thì tới, chán cứ về sớm, chẳng ai biết mặt ai, đã có ban đại diện lo quay “cua” bài bán rồi, cộng thêm mớ sách nào cần đọc thêm, thì tạm gọi là không lo chuyện thi cử cuối năm nữa. Bác trai có vẻ lo lắng định hỏi thêm gì đó nhưng lại thôi. Ra về, hai bác để lại túi bánh mứt bảo quà tết, hy vọng sẽ gặp lại Thuận nữa. Thuận theo ra tiễn hai bác, chị Quyên tới đầu ngỏ hẻm, đứng chờ họ đi khá xa, hình như chị Quyên quay nhìn lại, rồi trở vô nhà. Nắng chênh chếch nhạt xuống trên đường lớn, trời hôm nay chiều Sài Gòn về hơi muộn.

*

    Tuyền, đậu tú tài Hai, cùng lúc với Thuận đậu vào một trường khác, thi tuyển khá gay go nhưng, giờ được trời thương thiệt nên “bảng hỗ đề tên” mặc dù là đậu hạng gần dưới chót của danh sách trúng tuyển. Chị Quyên cũng tốt nghiệp trường Dược với cấp bằng Dược sĩ khá oai, hình như có nghe thoáng qua trước đây, gia đình tính hùn với ai đó mở tiệm thuốc Tây khi chị có bằng. Trời vào hạ, phượng nở rợp đỏ trên đường, đường vắng áo trắng học trò, phố phường vẫn đông người như ngày tháng cũ, vẫn ngựa xe xiêm áo, thứ ngựa xe xiêm áo thị thành.

    Thuận về trên tỉnh thăm nhà, báo tìn vui vài ngày rồi đón xe đò trên tỉnh trở xuống Sài Gòn, chuẩn bị cho năm học đầu ở trường mới, khai giảng sớm hơn các trường khác. Tới Sài Gòn trời cũng ngấp nghé chiều, dọn dẹp ba thứ lặt vặt đâu đó xong, như đã hứa Thuận thả bộ qua nhà chị Quyên, ăn bữa tiệc mừng thi đậu.  Nhấn chuông, Tuyền ra mờ cửa, nói nhỏ “anh Thuận ơi, hôm nay có khách quen anh nữa đó”, tiếng chị Quyên hỏi vọng ra “Thuận hả”, Thuận theo Tuyền vào trong, phòng ăn chưa có ai nhưng có tiếng người cười nói trong nhà bếp. Đứng xớ rớ, không tới không lui, thì chị Quyền ngó ra, làm dấu tới chỗ chị đang cắt rau cắt cải gì đó, cạnh chị là một cô gái lạ, tuổi cở tuổi Tuyền và bác gái chủ nhà đã gặp hôm sau tết, chưa biết nói gì thì bác gái chủ nhà hỏi ngay “ba má con trên tỉnh khỏe hông?”, không đợi anh trả lời, chị Quyên ngó qua cô gái, hơi thẹn thùng, “Thuận nè, con đây là Trâm, con gái cưng của bác gái đó”, Thuận cười chào, Trâm bẻn lẻn “dạ chào anh Thuận”. Mẹ của chị Quyên từ vườn sau vào, thấy Thuận bà vui ra mặt “Ủa Thuận, con qua hồi nào?”, không lâu sau thì ba chị Quyên và bác trai chủ nhà cũng theo vào, Thuận cúi đầu chào như những lần chào trước.

   Bữa tiệc không rườm rà lắm, cả nhà ngồi hỏi nhau qua lại trăm thứ chuyện, bốn người lớn, bốn người nhỏ, Trâm vẫn còn ngại ngùng đôi chút, nhưng rồi cũng nhập cuộc, chuyện này chuyện kia rân rân, dường như ai nấy cũng nói nhiều hơn là ăn, không biết mẹ chị Quyên có nói gì với bác gái chủ nhà không, bà cứ nhìn Thuận cười hoài, cái cười vui có chút dự tính gì đó.

   Dọn dẹp xong, đường đã lên đèn, đêm chầm chậm xuống, chiều đã bỏ đi từ lâu, người lớn bỏ ra ngoài phòng khách, Thuận theo chị Quyên, Tuyền và Trâm ra mấy cái ghế đá vườn sau, Trâm và Tuyền cùng tuổi, cô nàng học Bùi Thị Xuân trên Đà Lạt, cùng đậu tú tài Hai năm nay, về lại Sài Gòn, giờ thì hai cô nàng tính sẽ thi vào Dược, theo chân chị Quyên, khá xinh, một chín một mười so với Tuyền, cũng nói năng duyên dáng, không làm bộ làm tịch, dễ thân thiện, Thuận thì thêm vào bớt ra chuyện này chuyện nọ, ai cũng cười luôn miệng, ba chị em đều biết anh sẽ học cái gì nhưng không hỏi đon hỏi ren. Trời cũng sắp về khuya, từ giã nhau, hẹn gặp lại, ra đường, trước khi lên xe ta-xi, bất chợt bác trai chủ nhà quay lại nhìn Thuận cười “ở đằng đẳng con có cần gì thì nói cho bác biết nghe”.

 *

    Cũng hay, Tuyền và Trâm, cả hai đều đậu vào Dược, chị Tuyền vào làm ở hảng bào chế OPV, học hỏi chút kinh nghiệm để sang năm sẽ mở tiệm thuốc như gia đình chị dự tính, ba mẹ Trâm, lúc này vì cô ở trong này, nên ông bà thường xuyên về và ở lại Sài Gòn lâu hơn trước, Thuận yên lòng, vào trường mới, vẫn tiếp tục học lên bên Luật, anh đã nghỉ làm cho cây xăng cũng khá lâu, vì đã có tiền học bổng của trường, khấm khá, dư xài mà còn tiết kiệm được đôi chút. Dạo này, anh ta cùng ba chị em, càng ngày càng thân thiết hơn, bát phố, rong chợi đường phố Sài Gòn, dường như lúc nào cũng thấy bên nhau, Thuận lại phải “thân này ví xẻ làm đôi”, hết cơm chiều bên này, nhà chị Quyên rồi cơm trưa bên kia, nhà của Trâm, cứ qua qua lại lại, không dám từ chối bên nào. Riêng anh, có những lúc ngồi một mình trước hiên nhà, bất chợt anh tự dưng lo lo, không biết là có đúng như mình nghĩ, vì dù gì anh cũng nhận ra, qua tình cảm, cử chỉ, lời nói của hai gia đình, hình như có cái gì đó mà họ chưa tiện nói ra, ý tưởng này phút chốc chỉ thoáng qua trong đầu vậy thôi và ngưng ở đó.

    Hẹn lần hẹn lựa, rồi cũng đành phải chịu, ba chị em theo Thuận về trên quê thăm nhà, mà nhà anh có gì đâu, nhà nghèo mà, chỉ là một căn nhà mái tôn vách ván, ở gần cuối chợ xã, sau nhà là cái vườn cây vú sửa và hơn chục cây bưởi ngọt, cái vườn đã nuôi anh lớn lên, không dư không thiếu, cái vườn mà ba mẹ anh đã một đời cặm cùi, chắt chiu nắng sáng mưa chiều vất vả, gọi là nhà nghèo nhưng thật ra chưa đến nổi túng thiếu, cũng may số cây trong vườn đã được mấy người bạn hàng dưới chợ quận mua mảo hết khi tới ngày hái.

    Họ đón chuyến xe đò quen đi sớm, trời chưa trưa đã tới. Ba mẹ Thuận ngại quá, ngạc nhiên, biết chuyện ăn ở dưới Sài gòn ra sao rồi, vui mà muốn khóc, nhất là mẹ Thuận lúc nào cũng lẩm bẩm “ân nhân của con tôi, ân nhân của con tôi”. Ba cô nàng han hỏi lăng xăng, mang ra mớ quà, bánh trái gì đó tăng ông bà, họ đem theo mà không cho Thuận biết, bàn ghế trong nhà có đôi ba cái, có bao giờ tiếp khách gì đâu, ông bà trả lời mà cứ nhìm Thuận ngầm hỏi “được hông con?”, ông bà gọi cô này cô kia nhưng ba cô nhanh nhẩu bảo “gọi tụi con là con đi bác, coi như anh Thuận mà”. Rồi cũng tạm yên, Thuận đưa ba chị em đi một vòng phố chợ quê, cái chợ quê có cây phượng già độc nhất và hàng cây trứng cá xanh màu lá, cái chợ mà trời chưa đứng bóng đã tan, chỉ còn bầy chim hoang rủ nhau kiếm mồi tại mấy cái sạp bán hàng ọp ẹp.

    Trở lại nhà, ba chị em và Thuận kéo nhau ra sau vườn, cũng hên, hai ba cây vú sửa vẫn còn sót trái bộn, trắng và tím, ba cô hăng hái, rộn ràng dùng cây sào thường dùng, bẻ xuống đâu chừng vài chục trái, Thuận đứng nhìn cười, rồi  cả bọn ngồi ăn ngon lành ở gốc cây ngã cuối vườn, khen ngon khen ngọt. Bữa cơm trưa hôm đó, cả nhà trải chiếu ăn ngoài vườn, dưới bóng cây vú sửa lớn già nhất, bữa cơm cá trê kho xả ớt và tô canh chua bạc hà trồng bên hông nhà, bữa ăn có nhiều tiếng cười và tiếng suýt soa cay của ớt. Qua giữa trưa, ba mẹ theo ra đường lộ tiễn ba chị em cũng như Thuận đón xe đò chiều về lại Sài Gòn. Xong một ngày đi, một ngày vui.

*

   Gần cuối năm thứ ba, một ngày thứ bảy không về trên nhà, trời càng về chiều càng mát, cơn mưa bất chợt mới hùng hỗ hồi sáng giờ ngưng hồi nào, chẳng ai thèm nhớ,  đường xôn xao trải nắng, thêm chút bụi nhạt cuốn theo chiều gió, đi tới đi lui, định ra cái xe bánh mì góc Cao Thắng thì chị Quyên tới, giờ này tiệm thuốc cũng đã đóng cửa như mọi ngày, không có Tuyền, hai chị em thả bộ qua cái xe bán bò vò viên, ngay bên đường đầu hông rạp Đại Đồng, ăn đổi món. Vừa ăn vừa nói chuyện, vài chuyện lặt vặt trong ngày nhưng lần này linh tính cho anh biết, chắc có chuyện gì mới, quả đúng vậy, chị Quyên nhìn ra đường rồi nhìn Thuận chậm rãi cho biết “Tuyền nó yêu em từ lâu rồi mà không dám nói Thuận ơi”,



    Thuận ngở ngàng giựt mình, trố mắt nhìn chị kinh ngạc, nín lặng, im tiếng không nói được lời nào, chuyện này Thuận chưa hề nghĩ tới nhưng bây giờ đã tới, chị Quyên mĩm cười “chị nói cho em biết vậy thôi, tùy ở em, em biết rồi, gia đình chị lúc nào cũng thương em”. Rồi vẫn không biết nói gì, hai chị em trờ lại nhà, tới đầu hẻm, trước khi bỏ đi về hướng nhà mình, chị Quyên nói khẻ “ngủ ngon, chuyện đâu còn có đó nghe”, Thuận gật đầu, vẫn còn nghẹn lời, bổng dưng anh thấy lòng mình lo sợ. Chuyện giảng đường, chuyện phố phường, chuyện ghế đá công viên của những ngày tháng cũ, họ, Thuận, Tuyền, Trâm vẫn là những ngày vui nhiều buồn ít, Thuận vẫn cố đứng bên đời bên người như đã như vậy.

    Bên chị Quyên, buổi chiều, một chiều đầu năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp, trước hiên nhà, đám trẻ xúm xích xem truyền hình trong căn nhà quen đối diện, hò hét, vang trời, Thuận thở dài thở ngắn, cho chị biết, chuyện sau bữa cơm chiều vài ngày trước, ở nhà ba mẹ Trâm, trước khi ông bà trở lên Đà Lạt, chị Quyên im lặng nghe “bữa ăn xong, cả nhà vui vẻ, Trâm lặng xăng dọn bàn dẹp ghế, ca hát như mọi lần, bác gái bảo có chuyện cần muốn hỏi Thuận, anh theo ra ngồi ngoài phòng khách, cũng như chị Quyên hôm nào, bác cho biết là Trâm có tâm sự với bác, nó nói nó thương con từ lâu rồi mà chưa dám nói ra, thấy nó tội nghiệp, thấy con cũng thương cũng mến, nên bác nói ra vậy thôi”. Ngưng ở đó, Thuận lắc đầu nhìn trời trên cao nói thầm “trời ơi”, chị Quyên cũng lặng thinh, rồi ra về, Thuận đi theo, hai chị em bên nhau, đi tới ngoài đầu hẻm, cũng không nói thêm gì. Nắng dịu trên đường, một vài cụm mây xám, đong đưa chậm xuống thấp, Sài Gòn chờ mưa chiều.

    *

    Ra trường, Thuận chọn về làm việc ở một tỉnh nhỏ biển miền Tây, cuối cùng của đất Nam, anh vui lòng với quyết định của mình, anh không phải làm kẻ đứng ở hai ngã đường tình, có như thế mới trọn vẹn được ơn nghĩa mà anh đã nhận ở đôi đàng. Thuận gởi lại lá thư ngắn trong nhà, và cái chìa khóa chị Quyên đưa từ ngày mới tới trên bàn, lẳng lặng đi, như mọi khi, bác chủ nhà đối diện ngó ra cười, không hỏi gì, bà đã quen quá rồi chuyện đi về của anh , Thuận đón xe đò về trên nhà thăm ba má rồi cũng lẵng lặng bỏ Sài Gòn đi, bỏ lại một mảnh vụn đời để nhớ của mình ở lại, theo chuyến xe đò xuôi miền Tây sông nước. Nhìn lại Sài Gòn một lần nữa sau lưng, Thuận bất giác thở dài, cái thở dài thật buồn.

 


Thuyên Huy

Một ngày mưa giữa thu quê người 2024