Tuesday, June 29, 2021

Bắc Mỹ Sang Mùa Đông - Thơ Xướng Họa: Hồ Công Tâm, Bích Trân & Nguyễn Cang

 NHỮNG BÀI THƠ CHỌN LỌC

 














1. BẮC MỸ SÁNG MÙA ĐÔNG

 

Tháng lụn năm tàn thức sáng đêm

Phòng khuya quạnh quẽ gió lay rèm

Giở trang sách cũ ngùi tâm sự

Nghe bản đàn xưa gợi nỗi niềm

Rượu nhắp mềm môi còn nhắp mãi

Trà châm lưng chén cứ châm thêm

Ngó ra tuyết trắng ngoài khung cửa

Lại ngỡ hoa cau rụng trắng thềm

Massachusetts, January 2000

 

HỒ CÔNG TÂM.

 

2. Họa vần

 

BẮC MỸ SÁNG MÙA ĐÔNG

 

Năm cùn tháng tận thức thâu đêm

Lạnh lẽo phòng đơn gió động rèm

Sách cũ từng trang khơi lắm nỗi

Đàn xưa mỗi bản gợi bao niềm

Lưng bầu cúc tửu còn châm mãi

Cạn chén liên trà  cứ chế thêm

Tuyết trắng rơi rơi ngoài cửa sổ

Hoa cau trắng xóa rụng bên thềm

 

Boston, June 2021

BÍCH TRÂN

 

3. Họa vần:

 

TIẾNG ĐÊM

 

Trăng tàn chênh chếch ánh sao đêm

Gió thỏang lung lay động bức rèm

Có phải người xưa quay trở lại

Hay là ai đó gởi riêng niềm

Cà phê nửa tách ta ngồi uống

Trà đậm một bình bạn rót thêm

Trên mái lầu cao sương phủ trắng

Ngoài hiên lá đổ ngập bên thềm!

 

NGUYỄN CANG

(Jun 28, 2021)

Bình Bài Thơ "Nổi Nhớ Thật Thà" Của CVT - Nguyễn Cang

 

BÌNH BÀI THƠ “NỖI NHỚ THẬT THÀ”




LỜI BẠT:

 

Hơn một năm nay tôi không liên lạc với Cánh Vạc Tím vì  bịnh dịch covid-19 lan tràn lại mất  luôn trang FB /CVT. Nay nhờ nối kết  lại nên tôi đọc được nhiều bài thơ của CVT. CVT chỉ là bút hiệu của nhà thơ trẻ tuổi quê ở Gò Công,  hiện là dược sĩ phục vụ trong ngành y tế tại tiểu bang Newyork, Mỹ.  Mặc dù bận công tác nhưng vì nặng nợ văn chương,  thích làm thơ,  nên thỉnh thoảng vẫn ra mắt  bạn đọc bài viết hoặc bài thơ, mà bài thơ  nào nghe cũng hay cũng mới lạ. Mới về nội dung lẫn hình thức. CVT sử dụng nhiều từ ngữ mới  mà không gượng ép trái lại còn làm cho hồn thơ truyền đi cảm xúc,  khi thì mạnh mẻ ngập tràn lúc lại trầm tư lắng động như cứa miết vào tim. Đó là đặc trưng  riêng của CVT! Tôi  chọn bài Nỗi Nhớ Thật Thà để phân tích,  phê bình  hầu  chia sẻ cùng  bạn đọc tâm sự tác giả và nghệ thuật sáng tác thơ . Trước tiên tôi thấy có sự biến đổi rõ rệt về khuynh hướng sáng tác cũng như đề tài sáng tác. Sự chuyển hướng nầy gây cảm hứng cho người đọc để thưởng thức đồng thời nâng cao trình độ sáng tác lên một bậc đáng khích lệ .  Trước kia CVT lấy bối cảnh bốn mùa xuân hạ thu đông  làm nền rồi bổ túc bằng những suy tư, cảm nghĩ, mơ ước …Nay thì CVT làm ngược lại, chọn đề tài có sẵn như sự nhọc nhằn của cha mẹ, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ anh, nhớ chị… là những đề tài dễ đi vào lòng người đọc. Sau đó CVT dùng hình ảnh bên ngoài 4 mùa xuân hạ thu đông, mưa gió, mây trời .. đệm vào làm nổi bậc cảnh vui, cảnh khổ , cảnh buồn, cực tả sâu xa tâm trạng một người . Tình và cảnh hòa quyện vào nhau thật khúc chiết.  Quả thật thơ CVT trở nên có hồn và truyền cảm  sâu sắc cho người đọc, bao nhiêu đó cũng đủ thành công,  đủ gây mến mộ trong lòng độc giả ! Ta không ngạc nhiên khi thấy có gần 100 người chấm like và comment !

 

LỜI BÌNH:

Trở lại bài NỖI NHỚ THẬT THÀ  tôi không phân tích đầy đủ như một bài khảo sát giáo khoa mà chỉ đề cập đến những nét chính mà thôi .

Bản chính:

NỖI NHỚ THẬT THÀ

 

Thơ: Cánh Vạc Tím

I.Mong chờ Covid mau qua

con về thăm lại quê Cha xứ Gò

đồng sâu nặng nợ cánh cò

con về khâu lại điệu hò năm xưa...

 

II.Cha gồng vai chở nắng mưa

mẹ oằn lưng cõng bốn mùa gió sương...

Con xa biền biệt trùng dương

hao gầy dáng mẹ miên trường mong con

 

III.Nắng cong về phía đầu non

mẹ lưng cong phía không con...đắng lòng!

giận mình nông nổi đèo bòng

bỏ quê, bỏ cả tổ tông, ruột rà...

 

IV.Con ôm nỗi nhớ mặn mà

nhớ quay quắt nhớ, lòng se sắt lòng

con về thăm lại ruộng đồng,

kề môi hôn mảnh đất nồng quê Cha...

 

Nhớ quê, nỗi nhớ thật thà!

 Cánh Vạc Tím

 

         Bài nầy gồm 4 khổ. Khổ I có 2 câu sáng giá:

Đồng sâu nặng nợ cánh cò

Con về khâu lại điệu hò năm xưa”…

 

Câu thơ đầy cảm xúc . “Cánh cò” là biểu tượng của người phụ nữ VN sống nghèo khổ, thân thể gầy còm như những con cò con vạc kiếm mồi bên sông, để nuôi con nuôi chồng, một hình ảnh thật thiêng liêng cao cả trong đó tác giả  sử dụng phép ẩn dụ một cách thành thạo sống động!   Ta còn thấy những “con cò” trong các bài thơ, bài ca dao  thật đặc sắc về ý nghĩa như:

Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng  con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Ở nhà có nhớ anh chăng?
Để anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe .

          Bài ca dao trên phản ánh cảnh gia đình ly tán trong thời kỳ chúa Trịnh và nhà Mạc đánh nhau trong mấy chục năm thời nhà Lê Trung Hưng. Hoặc một hình ảnh khác về con cò trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương ( trích):

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.

       Từ “khâu” ( vá) trong câu thơ “Con về khâu lại điệu hò năm xưa” thật đặc sắc ! Thay vì nói “nối” sẽ không hay. Khâu lại cái gì ? Điệu hò năm xưa !Thật ấn tượng !  pha thêm một chút lãng mạn!

Hình ảnh làm nền ở đây là người cha “ Gồng vai gánh” và người mẹ “Oằn lưng cõng”, hai vế đối nhau về nghĩa,  nói lên sự vất vả của cha mẹ lúc gia đình lâm cảnh nghèo túng  sau 1975 ( khổ II) trong khi đó người con gái lớn lại ở phương trời biền biệt xa xăm, nàng đang ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều !  Bất giác nàng tự trách: sao đèo bòng đi tìm cuộc sống mới bỏ lại mẹ cha, mồ mả ông bà  ? Nàng thấy mình có lỗi !   Từ ngữ sử dụng mới lạ: gồng, chở, oằn, cõng, làm cho câu thơ có một sinh thái mới, nghe lạ tai mà hay không gượng ép chút nào : chở nắng mưa, cõng bốn mùa !

Khổ III:

Nắng cong về phía đầu non

mẹ lưng cong phía không con...đắng lòng!

giận mình nông nổi đèo bòng

bỏ quê, bỏ cả tổ tông, ruột rà...

Từ “cong” nghe cũng lạ , phép so sánh được sử dụng: một đàng cong về phía đầu non, một đàng cong về phía không con.

Khổ IV:

Con ôm nỗi nhớ mặn mà

nhớ quay quắt nhớ, lòng se sắt lòng

con về thăm lại ruộng đồng,

kề môi hôn mảnh đất nồng quê Cha...!

        Nhóm từ ngữ: “ôm nỗi nhớ mặn mà”nghĩa  là mang nỗi nhớ sâu đậm ( mặn mà) không phai. Câu  “nhớ quay quắt nhớ, lòng se sắt lòng” thật hay ! Điệp từ “nhớ” là một mỹ từ pháp, lập lại hai lần làm tăng cường độ nỗi nhớ, đan xen ở giữa là từ ngữ “quay quắt” có nghĩa là đứng ngồi không yên, khiến nỗi nhớ càng thêm tha thiết xốn xang, như thúc giục quay về ! Vế thứ hai “lòng se sắt lòng” cũng có điệp ngữ “lòng”. Từ “se sắt”  có nghĩa là đau nhói trong tim .Trong một câu mà có hai điệp ngữ khác loại nối tiếp nhau thật thi vị, não lòng bởi “nhớ ơi là nhớ”. Tác giả muốn, khi tan hết dịch Covid, sẽ bay nhanh về quê cha Gò Công để hôn mảnh đất mặn nồng,  nơi đó có mẹ cha có em nhỏ, luống rau, vườn cà, có tình bà con lối xóm mà tác giả gọi một cách chân quê là “nỗi nhớ thật thà” !

 

Nguyễn Cang

 (Jun 26, 2021)

 

 

 

Một Gia Đình - Hoàng Đạo

 

Một Gia Đình

 



Độ ấy, tôi hay đi chơi tối. Sau bữa cơm chiều, tôi đứng hóng mát ngoài hiên một lát, rồi đi bách bộ về phía chợ Hôm. Nhà tôi ở một ngõ hẻo lánh gần bờ sông, phải đi qua những phố rộng, lặng lẽ và tối tăm dưới những vòm lá cây đen sẫm. Từng quãng, một ngọn đèn điện nhỏ, lắc lư như người say rượu, lay động một vùng sáng lờ mờ vàng. Tôi lặng yên bước, nghe tiếng gót giầy vang lên trong đêm vắng. Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn qua kẽ lá, một miếng trời xám hay vài ngôi sao ánh sáng trong và mát. Thong thả, tôi đi vào bóng tối, trong lòng bình tĩnh như vào nhà một người bạn. Đêm ở Hà thành dịu dàng, thân mật khác hẳn với những đêm âm thầm, mênh mang đầy sự kinh hoảng của thôn quê.

Ra đến phố Huế, tôi có cái cảm tưởng vào một thế giới khác, rộn rịp, đầy ánh sáng. Tiếng cười ồn ào, lẫn với tiếng xe cộ, tiếng rao hàng. Bóng người đi lại. Trước những gian hàng sáng trưng, một đám người ngồi nói chuyện hay một bọn trẻ con nô giỡn. Những cảnh tượng ấy tôi đã quen lắm, nhưng mỗi lần tôi lại thấy trong lòng đầm ấm hơn lên. Sự cô tịch, dầu êm ái bao nhiêu, cũng vẫn giấu chút hương buồn. Và bỗng rời sự quạnh quẽ đến một nơi đông đảo, sáng sủa, lòng người tự nhiên vui vẻ lên, sung sướng hơn, như sống lại cái cảm giác xa xôi của ông cha đời thái cổ trước ánh lửa trại.

Những lúc ấy, sự vui vẻ ngọt ngào hơn, nếu ta được nghe những giọng điệu du dương của cung đàn tiếng hát. Có lẽ vì thế mà không bao giờ tôi quên được vợ chồng nhà chị Tạc. Tôi không biết chị ở đâu, nhưng cứ vài ba hôm, vợ chồng chị lại đến ngồi ở góc đường, hát xẩm. Chồng kéo nhị hay gẩy đàn bầu, vợ hát. Thằng cu con, độ sáu, bảy tuổi, nhem nhuốc, cái áo cánh nâu rách ngắn để hở rốn, ngồi nghịch cái chậu thau đã han rỉ, dùng để đựng tiền.

Lần đầu tới gặp cái gia đình nhỏ ấy là một buổi tối oi bức. Không một ngọn gió. Hơi nóng hấp ở đất xông lên, nồng nực, đầy cát bụi. Tôi sắp sửa gọi xe để đi tìm ít gió mát ở nơi khác, bỗng ngay đầu phố cất lên tiếng hát của chị Tạc, trong vắt như nước suối, ngân nga, gợi lên một cảm giác mát và nhẹ nhàng. Tiếng đàn bầu họa theo, vang lên những tiếng khóc trong. Lũ trẻ con đương chơi bóng trên hè dừng lại. Một đứa kêu:

-A! Xẩm. Lại nghe đi.

Chúng chạy xô ra đầu phố, rồi đứa đứng đứa ngồi, ngây ra nhìn và nghe. Mấy người hóng mát ở gần đấy, dừng câu chuyện ngồi lặng yên lắng tai. Mọi người đều quên cả nóng bức. Tiếng hát mỗi lúc một cao, người đến xem mỗi lúc một đông.

Chị Tạc giở đủ giọng, chị đi từ giọng Bắc, nhanh nhẹn, lưu thoát, sang giọng Nam, chứa đầy nỗi buồn mênh mang. Toàn những âm điệu hồn nhiên, rung động lòng người, đưa tâm hồn đến những thế giới tình cảm xa xăm, đầy thơ, đầy mộng, đầy hương thơm. Chốc chốc, chị ngừng hát, nhưng trong yên lặng, dư âm của lời ca vẫn còn xao xuyến trên dây đàn của linh hồn. Giọng trong trẻo của chị Tạc bắt theo điệu đàn trong khiến tôi mê mẩn tâm linh như hòa hợp với những thời ký vãng mung lung. Tôi sống lại cả một thời thơ ấu, đương ẩn náu trong nơi vô giác của tâm linh; tôi say sưa hưởng hết cả hương vị của những tiền kiếp nào, xa xôi, mịt mù, và trùm qua ký ức ấy, một tình cảm nhớ thương không bờ bến.

Từ hôm ấy, không mấy ngày tôi không đến nghe vợ chồng chị Tạc. Thằng cu con đã quen mắt, thấy tôi là nó cười, bỏ chiếc chậu thau chạy lại. Có khi tôi đưa nó một xu, một trinh, nhưng thường thường tôi mua cho nó một chiếc kẹo. Nó thích lắm, giựt lấy rồi vội vàng chạy về chỗ, cắn, nhai cả cái giấy bọc. Vợ chồng chị Tạc biết tính tôi, thi nhau khoe tài, chồng nắn nót từng tiếng đàn, vợ cất giọng thật trong theo những điệu tôi chưa từng nghe. Thế nào cũng có một vài điệu chèo là những điệu tôi ưa nhất. Những điệu ấy, chị Tạc hình như quen lắm. Tôi thấy lúc chị dễ dàng hát thay đổi những bài chị đã thuộc, mặt chị khác hẳn đi. Mắt chị ngày thường lờ đờ, bỗng sáng hẳn lên, khuôn mặt trái xoan răn reo quá sớm như trẻ lại. Tôi sực nhớ đến câu bình phẩm mà tôi đã được nghe một buổi chiều nào:

-Nhà chị xẩm này hình như ngày xưa đi hát chèo thì phải!

Có lẽ chỉ là một câu đoán phỏng của một người nghe thấy chị Tạc hay ca giọng chèo, nhưng tôi không thể đừng nghĩ ngợi bâng khuâng. Lắm khi, ngồi nghe chị, tâm trí tôi vẩn vơ trôi theo dòng tưởng tượng. Chị Tạc là một đào có tiếng của một gánh chèo, nhí nhảnh, nũng nịu, một nụ cười tinh ranh luôn luôn nở trên môi thắm. Chị theo gánh hát đi hết nơi này đến nơi khác; qua những cánh đồng lúa non, gió thổi giạt xuống như tấm thảm nhung lay động, qua những ngọn đồi tím, trơ trụi mấy cây thông giơ thân hình khắc khổ, men những vùng cát trắng, những ruộng muối đỏ, mơ màng nhìn những cánh buồm nâu cắt hình lên mặt biển màu ngọc bích. Chị đi, vui vẻ, không lo, không nghĩ, như một con vật non, sống cái đời phiêu bạt, chìm đắm trong tiếng hát, cung đàn. Đêm đêm chị lại thay hình trở nên cô công chúa nõn nà dưới dải mũ rung rinh ánh sáng, hay cô thôn nữ thơ ngây, áo nâu non, thắt lưng cá vàng, ngồi bán nước dưới gốc đa. Con mắt sắc của chị đã say đắm bao nhiêu trai làng khăn lượt, áo thâm; giọng hát trong của chị đã đem lại cho bao nhiêu người vất vả một chút quên, quên những nỗi cực khổ hằng ngày để đắm đuối trong âm thanh.

Thế rồi, một ngày xuân ấm, lộc cây đầy nhựa, chị gặp người yêu.

Tôi nhìn anh Tạc, gầy ốm trong mảnh áo rách, nước da đen xám vì dãi dầu. Thủa ấy, có lẽ anh là một trang niên thiếu phong nhã, yêu âm nhạc, cảm thanh sắc, bỏ nhà cửa theo gánh hát của cô đào xinh xắn đã cướp đoạt lòng anh. Hai người đã sống trong ái tình; những đêm thanh vắng, chị đã biết bao lần cất tiếng ca nỗi lòng u ẩn để riêng anh rạo rực nghe; những buổi chiều vàng rực, linh hồn của hai trẻ đã từng hòa hợp với lá, với cỏ xanh non hơn dưới ánh nắng sắp tàn.

ánh chiều qua, ánh chiều lại qua. Chuỗi ngày ái ân bao giờ cũng ngắn ngủi. Thời khắc trôi, và trôi theo tuổi trẻ, tình yêu và hy vọng. Gánh hát tan. Anh chị đưa nhau về ẩn một nơi thôn quê trầm tịch, nhưng người ta không thể chỉ sống bằng ái tình và nước lã. Hai người đã cố tìm việc làm, đã dầy dạn nắng mưa, đã biết đời cực nhọc.

Cũng như những con ve không biết phòng xa, anh chị đã phải sống trong sự cùng khốn. Bây giờ đây, sống tạm bợ cho qua ngày, hai người có lẽ không còn nhớ những tình cảm ngây ngất, những giây phút mãnh liệt thuở trước nữa. Sự nghèo khó đã in vết răn trên trán. Người lam lũ chóng khô héo. Tôi ngồi nhìn vợ chồng chị Tạc, bây giờ không tìm thấy dấu vết cuộc đời xưa. Trên nét mặt hai vợ chồng, tôi chỉ còn nhận thấy vẻ nhẫn nhục của những người nghèo khó. Không lúc nào hai vợ chồng còn nở được một nụ cười vui vẻ; họa hoằn một đôi khi tiếng trinh, tiếng xu ném vào chậu thau liên tiếp, vẻ mặt hai người mới sáng lên một chút. Lúc đó, chồng nắn cung đàn, vợ cao giọng hơn lên, nhưng chỉ còn là mong đợi được người ta thưởng nhiều hơn. Không bao giờ chị còn hát cho chị nghe nữa, cho chồng chị nghe nữa, mà chồng chị cũng không còn rạo rực như xưa; chị, ngày nay, chỉ còn hát để mà nuôi thân.

Những ngày hè oi nồng đã hết, và cũng đã hết những ngày trong sáng của mùa thu ngắn ngủi. Gió bấc đã bắt đầu đuổi lá bàng trên những con đường vắng, và tiếng sếu kêu lạnh đã vang động trong đêm khuya. Con gái nhà giàu mặc thử những bộ áo nhung ấm, con nhà nghèo rét run trong mảnh áo rách.

Đêm đến, đường sá vắng tanh, không có vẻ đông đúc rộn rịp nữa. Cuộc sinh nhai ngoài phố càng thêm khó khăn; càng ngày càng thấy vắng người dừng chân nghe vợ chồng chị Tạc. Họ vội vàng đi về những căn nhà ấm cúng, hưởng sự êm đềm của gia đình, không ai nghĩ đến những cảnh đời thiếu thốn chung quanh. Tiếng xu rơi vào chậu thau mỗi đêm một hiếm, và tiếng hát của chị Tạc không thấy cao lên nữa.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp hai vợ chồng chị, nhưng gió mỗi lúc một rét, tiếng đàn tiếng hát mỗi lúc một nhanh; và những buổi mưa phùn lạnh lẽo thì điệu Nam ai gần hóa ra điệu Binh bán. Thằng cu con trời rét mà vẫn mặc có cái áo cánh rách; mẹ nó chỉ bó thêm vào mình nó một manh chiếu con để che gió. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nó run cầm cập và bỏ cả chậu thau, nép mình vào người mẹ cho ấm. Chị Tạc vừa ôm con lên lòng vừa hát; chị cũng thấy lạnh, môi chị đã thâm lại, chốc chốc chị lại dừng, ho khan lên một tiếng ngắn. Một vài phút sau, không có ai, vợ chồng cuốn chiếu dắt nhau đi, không biết đi về đâu nữa. Nửa tháng sau đến chỗ cũ, tôi không thấy vợ chồng chị Tạc như mọi lần. Thu mình trong áo, tôi nghĩ rét mướt đã đuổi anh chị đi phương khác kiếm ăn và cũng không để ý đến nữa.

Một hôm, có việc về chơi người anh em ở Bạch Mai, tôi rẽ qua xem nghĩa trang Hợp Thiện. Trời đã xế chiều, ánh nắng còn thếp vàng những ngọn cây cao. Cỏ tươi thắm. Hoa vạn thọ vàng thẫm. Bỗng tôi rùng rợn thấy lạnh lẽo cả tâm hồn, nhưng không dám phân tách rõ cái cảm giác lạnh lẽo ấy.

Trời tối dần. Về phía mộ làm phúc, tôi chợt thấy một đám ma người nghèo. Ba, bốn người phu đương khiêng một cái quan tài mộc, theo sau một người lớn và một đứa trẻ. Một nỗi buồn thấm thía đến cắn lấy lòng tôi khi tôi nhận ra cha con anh Tạc. Tôi sực nhớ đến tiếng ho khan của chị Tạc những đêm đông giá lạnh, và tôi chợt hiểu vì lẽ gì ít lâu nay tôi không gặp vợ chồng chị. Trong lúc ấy, áo quan từ từ đặt xuống hố, tôi nghe tiếng rút dây rõ ràng trong sự yên lặng của buổi chiều. Rồi có tiếng khóc rên rỉ, đem lại một nỗi buồn mênh mông.

Mộ đã đắp xong. Đột nhiên tôi thấy những nét trắng của mấy bông huệ rung trong bóng tối, như sự xao động cuối cùng của một linh hồn sắp tiêu diệt. Người tôi lúc đó dễ xúc cảm như một cốc pha lê mong manh, sẽ động là có tiếng vang. In sâu vào trí nhớ những chấm đỏ thẫm của hương, mùi thơm mát trong gió. Anh Tạc, thằng cu con, mấy người phu trở nên những vết lờ mờ không rõ, nhòa trên nền cỏ đen. Không một tiếng động. Im lìm. Trong một giây, tôi có cái cảm giác người và vật sắp tan vào bóng tối.

Có tiếng nói. Như một sự quái lạ:

-Cho chúng tôi tiền để chúng tôi về. Tối rồi.

Câu nói thản nhiên của bọn phu trong cái không khí âm thầm tôi nghe như một sự xúc phạm. Lặng lẽ, tôi bước lại, cho chúng một hào, và còn bao nhiêu tiền trong túi tôi dốc cả vào tay thằng cu con.

Từ hôm ấy, tôi không gặp cha con anh Tạc lần nào nữa. Có lẽ anh lang thang với chiếc đàn lẻ loi, với những nỗi đau khổ ngấm ngầm, cha con không chết đói là anh không còn mong mỏi gì nữa.

Và từ đấy, tôi cũng bỏ mất cái thú đi hóng mát buổi chiều.

Hoàng Đạo

Đi Tìm Nhân Vật Trong Bức Ảnh Lịch Sủ - Tuấn Khanh

 

Đi Tìm Nhân Vật Trong Bức ảnh Lịch Sử




Người lính VNCH Võ Phùng Dương và bức ảnh lịch sử.

 

Những ai đã từng nhìn qua những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, chắc cũng có lúc đã bắt gặp hình ảnh một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đang bị thương tật, bị đuổi ra nơi chữa trị của mình là Tổng Y Viện Việt Nam Cộng Hòa vào chiều ngày 30-4. Tấm hình nhỏ không có nhiều sự thuyết minh nhưng chỉ với ánh mắt của người thanh niên đau đớn, mệt mỏi đang chống nạng bước đi, đã là sự ám ảnh không lời đến tận cùng. Trong bộ quân phục có vẻ mặc vào vội vã, anh lính VNCH đó bước đi và lọt vào khung hình, trở thành một dữ liệu giằng xé im lặng, như một vết thương không bao giờ lành về một câu chuyện có thật: Những người thương bệnh binh bị chĩa súng, đuổi ra đường, ngay sau khi quân bộ đội Bắc Việt tràn vào Sài Gòn.

Nhiều năm trôi qua, người ta vẫn tự hỏi, người lính ấy còn sống không, giờ này người đàn ông ấy ra sao…? Như mọi tấm ảnh trắng đen khác của những ngày tháng 4-1975 làm nhức nhối người xem – kể cả thế hệ chưa bao giờ trải qua ngày tháng đó – câu hỏi đó chất chứa với muôn vàn điều u uẩn trong lòng.

Với đôi chút thông tin vặt, chút hình ảnh và luôn dò hỏi… thật bất ngờ là đúng vào Tháng Tư, của 46 năm sau, sự có mặt của người lính ấy bỗng bất ngờ hiện ra trong cuộc tìm kiếm nhiều ngày của chúng tôi – những người miền Nam thế hệ hôm nay. Thật kỳ diệu: Ông vẫn còn sống, hiện ở Chơn Thành, Bình Phước.

Người lính ấy, hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương, Số quân: 74/145 811, KBC: 3506, Tiểu Đoàn 52, Liên Đoàn 3, Biệt Động Quân, vẫn im lặng tồn tại non nửa thế kỷ qua nhiều biến động của cuộc đời. Thật khó nói đó là những điều đắng cay số phận hay kiên cường cao quý của ông: Khi gặp, ông vẫn giữ được nụ cười bình dị, hiền lành và kiểu trò chuyện chơn chất khi tiếp chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ của mình.

Đi tìm một ánh mắt câm lặng

Suốt đoạn đường dài từ Sài Gòn tìm đến nhà của ông Dương, chúng tôi chia nhau nhìn lại tấm ảnh về người lính trẻ (lúc ấy, ông chỉ mới 22 tuổi) khi bị đuổi ra khỏi giường bệnh và cố lết đi về nhà ở Quận 4, Sài Gòn, trong một buổi chiều nghiệt ngã của đời mình. Không ai trong chúng tôi tin được, người sắp gặp mặt, đó lại là một chứng nhân của sự kiện, lại là một nhân vật nổi tiếng từ bức ảnh luôn được chia sẻ trên các trang mạng, bản tin quốc tế, đặc biệt vào mỗi Tháng Tư.

Con đường dẫn vào nhà ông Dương im vắng đến lạ, nắng gắt oi bức đuổi theo mọi nơi. Đến con chó của nhà gần đó, nằm trong bóng râm cũng mệt mỏi nhìn chúng tôi mà không buồn sủa. Nhiều năm trước đó, khu vực này xác xơ, khốn khó và được gọi là vùng kinh tế mới.

Ông Dương có lối nói chuyện thuần chất nông thôn miền Nam, dễ làm người đối diện gần gũi, tạo nên sự cảm mến tức thì. Ngồi với nhau chỉ vài giờ đồng hồ, mà tưởng chừng như ai nấy đã thân thiết lâu rồi. Mỗi khi cao hứng lúc kể chuyện quá khứ, ông bật cười lớn, và nhất là khi kể về ngày tháng cũ, có lúc ông phấn chấn, lớn giọng mô tả không chút e ngại.

“Người chụp tấm hình đó, là bạn của chú, cũng bị đuổi từ Tổng Y Viện ra, ảnh tên Lài. Sẵn tay đang cầm cái máy Kodak, ảnh kêu tên chú rồi chụp luôn. Không ngờ tấm hình đó sống dai vậy”, ông Dương cười buồn, và nói rằng giờ cũng không biết Lài ở đâu, còn sống hay đã chết với những ngày tháng cam go không thua gì như cuộc chiến, sau cái Tháng Tư đó.

Buổi chiều ngày 30-4-1975, khi mọi người đang nằm trên giường bệnh, khắp nơi cứ mỗi lúc tràn về những tốp thương binh mới, nằm chật cả lối đi, chen chúc nhau ở mỗi phòng. Dù là ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã có lệnh đầu hàng từ trưa, nhưng có vẻ giao tranh vẫn không dứt hẳn. Có những người được đưa vào với vết thương mới, tuôn máu không ngớt. Bất ngờ, tràn vào khắp ngõ trong Tổng Y Viện là những nhóm lính quân phục miền Bắc, súng AK chĩa lăm lăm, đằng đằng sát khí, lên giọng quát.

“Họ nói sao khi đuổi mọi người, kể cả những người vừa mới mổ xong, phải ra bệnh viện?”, ông Dương cười, suýt bật thành tiếng chửi thề, “Họ nói giọng Bắc, kêu đ*t mẹ chúng mày cút ra hết”. Theo lời ông kể, người ta hình dung rằng đây là một chủ trương có tính toán chứ không phải là ngẫu hứng từ viên chỉ huy cực đoan nào đó. Bởi theo lệnh phát đi và nòng súng hướng dẫn, những người thương bệnh binh VNCH đó phải nhanh chóng tựa vào nhau đi ra bằng ngõ sau và những ngõ phụ, chứ không phải là cổng chính, Mục đích rất rõ là không muốn tạo sự chú ý với dân chúng, hay để cho giới phóng viên nước ngoài còn trụ lại Sài Gòn có thể ghi hình được.

Ông Dương lúc đó, chỉ còn một chân, cố chống nạng đi. Vết thương đó, ông nhận vào tháng 2 năm 1975, trong một trận tử thủ ở ngay Bình Phước. Xe tăng bộ đội Bắc Việt tràn vào với biển người nhưng vẫn bị 3 tiểu đoàn đã tơi tả của phía ông chận lại. Lúc đó, quân VNCH chỉ còn lại những thành phần tử thủ, nhiều người đã bỏ đi, súng đạn không còn nhiều. 3 tiểu đoàn mà ông Dương có mặt, quyết cầm cự mặt trận trong lòng đô thị chỉ còn hơn khoảng 500 người. Trong khi đó, ráo riết tiến công để dứt điểm, tin cho biết 3 sư đoàn của Bắc Việt áp sát với đủ các loại hỏa lực yểm trợ.

“Bây giờ kể lại, mới thấy ngày đó những lính trẻ tụi tôi đánh dữ dằn ra sao. Riêng phía Biệt Động Quân tụi tui thì được huấn luyện chiến đấu trong lòng đô thị, trong khi đó, quân Bắc Việt sau khi ra khỏi rừng thì mất lợi thế do không biết địa hình, nên dù mạnh hơn, nhưng nhiều đợt xông lên đều bị chúng tôi đánh chặn, bắn cháy cả loạt xe tăng đi đầu”, ông Dương cười ha hả, nói. Ngay vào lúc giằng co không phân thắng bại ấy, thì đột nhiên có lệnh rút quân. Thế trận vỡ ngay từ lúc đó. “Chính vì khi chuyển thế rút quân, tui mới bị đạn 12.7 bắn ngay chân, nát mọi thứ”.

Ông Dương được chuyển về Tổng Y Viện, và cắt chân ngay vì sợ hoại tử, cũng như không thể cứu chữa gì được. Từng ngày, ông cảm nhận được sự sụp đổ của Sài Gòn đến khi thấy thêm thương bệnh binh nhập vào, mà các nơi đánh chặn thì mỗi lúc càng gần Sài Gòn hơn.

Ông Dương đi lính từ năm 1971, và tham gia nhiều trận ở An Lộc, Long Bình… những năm tháng đó khi cùng đồng đội chia lửa ở mọi trận tuyến, dù thế nào đi nữa, ông đã có một phía chọn lựa của mình rõ ràng, không hề nao núng, đó là một nước VNCH tự do của mình, nơi đó, có anh em, có cha mẹ, ngôi nhà… mà ông phải bảo vệ.

“Vì sao có những người đã bỏ chạy, nhưng sao chú và những người lính khác vẫn tiếp tục trụ lại?”, ông Dương không thể giải thích hết bằng ngôn từ đơn giản của mình, ông thoáng suy nghĩ và tả rằng, “Là nghĩ tới cái chết. Mình thua thì mình cũng sẽ bị bắn chết, thôi thì chiến đấu để chết ngay ở mặt trận, phải tốt hơn là bị quỳ rồi bị chĩa súng bắn, đúng không?”.

Dĩ nhiên, ông Dương tóm tắt vậy. Nghe cũng không có gì là quá đặc biệt, nhưng đằng sau đó, đó chính là trùng trùng khí chất của hàng hàng những quân nhân VNCH trong cuộc chiến: Nghĩa vụ, tổ quốc và danh dự nằm trong máu và trái tim, sâu và chân thành đến mức không thể hoa mỹ ngôn từ. Sâu đến mức đã có người mỉm cười tuẫn tiết khi thất trận, mạnh mẽ đến mức có người đã dõng dạc kết tội kẻ kết liễu mình bằng tuyên ngôn của nền tự do bị tước đoạt.

Và rồi vào buổi trưa ngày 30, đang nằm trong Tổng Y Viện, đột nhiên mọi người nghe tin đầu hàng từ Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Dương và nhiều người nữa, kêu “trời ơi” và chết lặng. Đằng sau lời đầu hàng đó, là một đại diễn biến khác, dù không hình dung rõ được, nhưng những người lính đó biết chắc rằng sẽ không thể có bình yên như những bài hát và lời yêu gọi tình anh em trên đài phát thanh của đạo quân vừa tiến vào Sài Gòn. “Đ.mẹ, gì đầu hàng, kỳ vậy?”, ông Dương kể mình la lên như vậy ở phòng bệnh. Có người cũng thảng thốt như ông.

 

Tuấn Khanh

304Đen – Lltytm - tvvn