Tuesday, February 4, 2025

Chiều Yarra Nhớ Vàm Cỏ - Thuyên Huy

 Chiều Yarra Nhớ Vàm Cỏ




Nghiệt Ngã Cỏi Trời Riêng - Thuyên Huy

 

Nghiệt Ngã Cỏi Trời Riêng

Mượn đâu đó vài mảng vụn đời thật, tự dựng, hư cấu tình tiết cho thành chuyện. Tặng người mà đám bạn cùng trường ngày đó còn nhớ

 

    Buổi chiều, ngày cuối đại hội triển lảm của các viện đại học, vẫn còn người lại qua tấp nập, nhất là đám sinh viên học sinh, nắng Sài Gòn cũng như mưa Sài Gòn, mới rực lên hồng một trời rồi bất chợt nhạt nhòa vàng vỏ, gió cũng vẫn vậy, dìu dịu mát như từ sáng, nói cười ồn ào lấn át cả tiếng xe cộ trên đường Hồng Thập Tự.




    Nhìn qua ngó lại, có lẽ trường của Khương so với các viện đại học khác, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Cao Đài, Minh Đức… ít cô cậu nào chú ý, một phần vì nó là người dưng, không thuộc vào ai, nhưng cũng “bon chen” có mặt, tuy không thuộc của ai nhưng ai cũng “nể mặt”, thứ nhì là, các trường chuyên khoa như luật, văn khoa, nông lâm súc, y khoa, dược khoa, kỹ sư Phú Thọ, Sư phạm … có đủ mọi thứ sách báo hình ảnh trưng bày, hấp dẩn lôi cuốn, ai cũng thích thú nhìn, còn trường Khương, ba cái thứ chính trị khô khan, luật lệ dày cộm, sinh viên học nó cũng đã ngất ngư, ba thứ xa xôi mà cô cậu sinh viên học sinh Sài Gòn thấy xa lơ xa lắc.

    Vây mà hai ngày qua rồi cũng vui, vì ít ra cũng có người nhìn người hỏi câu này câu nọ, để mấy anh phụ trách gian hàng tự cho mình còn “có giá “, có chút vui đở tủi thân. Coi vậy mà chiều ngày cuối, đám sinh viên lo chuyện triển lảm xa gần, có lạ có quen cũng bịn rịn, buồn buồn vì ngày mai, “gặp nhau đây rồi chia tay”, biết có khi nào và chừng nào gặp lại. Gian hàng trường chiều nay vắng thật, Khương lặng thinh đứng nhìn thiên hạ lại qua, lên xuống,  mấy tay khác bỏ đi rảo tới rảo lui các gian hàng khác từ lâu, chẳng anh nào màng “được mất hay thành công thất bại”, vài anh chị đi ngang nhìn vào, Khương cười chào nhưng không mời mọc ghé thăm vì thừa sức biết, cái nhìn tò mò chứ không thích thú của họ.

    *

   Vừa lúc kéo ghế định ngồi xuống thì anh Tâm, người đàn anh khóa trên, anh cả trong nhóm phụ trách, cũng vừa trở lại, không biết làm sao mà có hai cô gái áo dài màu, một xanh da trời, một xanh thiên thanh, cao cao đi theo, thẹn thùng cười. Khương bước ra, không hỏi không chờ anh quay lại sau, hai cô còn đứng ngập ngừng, chỉ qua Khương nói “Khương đưa hai người đẹp đi một vòng đi”, không cần Khương trả lời, anh quay mặt giấu cái nheo mắt khoái chí.

   Đường ngoài phố chập chững lên đèn, nắng chiều âm thầm đi, tuy là giờ thứ hai mươi lăm nhưng người càng lúc càng đông, chắc là “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”như một nhà văn nào đó đã viết. Đi bên nhau, Khương ngừng ở gian hàng này, gian hàng kia, chỉ qua chỉ lại, có vậy thôi, vì ai cũng biết nó là cái gì rồi, được đi bên người đẹp, chiều nay bổng dưng Khương thấy đời mình, đâu đó hình như có “niềm vui trở lại”, niềm vui mà anh đã không có từ lâu lắm rồi, từ ngày người yêu đầu đời, không nói chia tay nhưng bỏ đi xa, xa ngút ngàn khơi nơi xứ người. Nói chuyện qua lại, cả hai cô Hoàng Yến và Thư không còn học, đã đi làm cho nên ngại ngùng nói thật, thấy đông vui, sẳn đi dạo phố chiều, thấy người ta vào ra tấp nập thì cũng theo vào cho biết, vậy thôi. Phải tự nhận lòng mình, Khương xem ra, không hẳn là “tiếng sét ái tình”, nếu đem ra cân nhắc, thì anh thấy có cảm tình với Hoàng Yến nhiều hơn, nghĩ thì nghĩ thầm vậy thôi nhưng ai ngờ, không nói ra, Hoàng Yến lén nhìn Khương nhiều lần, cái nhìn có gì đó ngồ ngộ đủ ngầm cho anh hiểu, chắc Thư cũng có linh tính như vậy cho nên, lâu lâu khẻ nhìn hai người nói câu này câu kia với nhau, cười thầm “chịu người ta rồi”.

    *

    Bữa tiệc cho các nhóm phụ trách gian hàng của các viện đại học do bộ Giáo dục đải, bữa tiệc chia tay, chấm dứt trời cũng ngấp nghé vào khuya, đường phố vẫn còn ồn ào xe cộ xuôi ngược, cũng sắp tới giờ giới nghiêm, bóng dáng xe tuần hổn hợp quân cảnh cảnh sát lên xuống đâu đó ngoài đường, trở xuống gian hàng, ai nấy cũng rục rịch thu xếp về nghỉ, dù không có gì nhiều để dọn dẹp nhưng có hai cô phụ vào, mọi việc xong sớm hơn mấy ngày trước, cả bọn nấn ná noài cổng, chào nhau từ biệt, đi xa một khúc bên lề đường Hồng Thập Tự, anh Tâm quay lại, Khương  còn đứng bên Hoàng Yến ở góc đường, Thư đã bỏ về trước đó, chỉ phía Hoàng Yến đưa ngón tay cái làm dấu cười khoan khoái.

    Khương chạy xe Honda chầm chậm bên Hoàng Yến trên xe Honda PC, ngược hướng về Phú Nhuận, nói qua nói lại vài ba câu, không đầu không đuôi, thì không còn bao lâu nữa tới giờ giới nghiêm, dừng ở bên lề đường, trước căn biệt thự kín cổng kín của ai đó, Khương không biết nói gì hơn là, nếu Hoàng Yến rãnh thì sáng mai ra chỗ triển lảm coi dọn dẹp cho vui, cô nàng khẻ cười hai tiếng cám ơn, nhìn đồng hồ đeo tay, vội nhấn ga từ từ chạy bỏ đi, không hẹn gặp lại, bóng Hoàng Yến mờ khuất xa rồi, đèn đường cũng vàng vọt, Khương vẫn còn ngồi trên xe nhìn theo, về tới nhà trọ, từ lúc đầu Khương nói huyên thuyên nhưng giờ chợt biết ra là đã quên không hỏi nhà, không hỏi chỗ, chỉ biết tên, nếu cô nàng không đến thì xem như “nước chảy qua cầu”, biết tìm đâu mà gặp lại, bổng dưng lòng anh đau nhói, tự trách mình, đêm đó là một đêm mà chưa có đêm nào Khương mong trời mau sáng như vậy, ngồi bên bàn học, thức trắng, cái đồng hồ trên bàn đi quá chậm, nhìn qua phía trường, Khương bất giác thở dài “thôi đành” dù lòng vẫn còn đâu đó chút hy vọng nhỏ nhoi. Đêm dài cứ dài, hơn cả những đêm nằm chớ sáng ngày thi Tú Tài.

    *

    Dọn dẹp, thu xếp đồ đạc dùng cho gian hàng, chở về lại trường trời vừa mới giữa sáng, Khương buồn bã thất vọng, cả nhóm cũng buồn theo, thương cho thằng bạn nghèo, tội nghiệp vừa tưởng như đã có lại niềm vui sau mấy năm là người cô đơn. Hoàng Yến không tới sáng nay, như vậy là xong rồi, tình vẫn chưa tới. Mọi việc trả lại trường xong, buổi sáng không có giờ học, cả bọn kéo nhau qua căn – tin ăn sáng, cà phê cà pháo tán gẩu chuyện trên trời dưới đất, nhưng né không đụng chạm vào “trái tim tan vỡ” của anh bạn “sầu tư biếng lự”, đang ngồi nhìn ra sân, cái sân rực nắng sắp vào hạ, chưa một lần nhưng bày đặt thả khói thuốc mà mắt đỏ cay. Cả bọn đứng bật dậy, Khương khục khặc ho vì khói thuốc, ngó ra bác cảnh sát già gát trạm ra vào trường thường ngày, đi tới căn – tin, đẩy cửa nói vọng vào “có người tới kiếm anh Khương đang chờ ngoài cổng” rồi thong thả quay lại bỏ đi, không thêm không bớt lời nào.

    Đứng chết trân, sững sờ, Khương bổng dưng muốn khóc, bác cảnh sát già, mở cái cổng nhỏ, Hoàng Yến đẩy xe Honda PC vào trong, hai người nhìn nhau, cười mà không ai nói được lời nào, Khương tưởng chừng như mơ. Để xe trong nhà xe, Hoàng Yến e thẹn theo Khương trở vào căn – tin, vừa chưa qua khỏi sân quần vợt, đám bạn ùa ra hành lang chào, cô nàng khựng lại, mặt ửng đỏ. Xong bữa ăn, mạnh ai nấy tới quầy tính tiền ghi sổ, chuyện cũ thường tình mà họ, những tên “kẻ ở miền xa” về sống đời ở trọ đã làm như từ khuya, nhất là những ngày giữa tháng tiền học bổng chưa tới. Chia tay, Khương đưa Hoàng Yến về nhà trọ bên kia đường, anh Tâm theo sau vẫy tay chào, qua cổng, Hoàng Yến khẻ cười nhẹ với bác cảnh sát già “con cám ơn”, bác mĩm cười, cái cười thầm nói biết gì rồi.

    *

        Rồi thì chuyện gì đến cũng đến, hai người yêu nhau và cũng có những chiều dạo phố, con đường tình đón đưa hò hẹn, chia ngọt sớt buồn, cùng vui cùng buồn của kiếp đời, những cái nắm tay, cái hôn phớt nhẹ như bao nhiêu cuộc tình khác theo đất trời xưa nay định sẳn. Bữa ăn chiều ở căn – tin trường, dạo này ít thấy Khương như trước, đám bạn chẳng có gì ngạc nhiên, vui cho thằng bạn từ năm đầu, học giỏi, nói năng lịch sự, hay tếu, có cười nhưng ít nói. Khương dạo này, xa bạn bè, bỏ bớt cuộc vui của mấy thằng con trai “đơn thương độc mã” giữa đường phố phồn hoa ngựa xe Sài Gòn, gần người yêu hơn, một tuần đã có ba bốn bữa ăn cơm chiều ở nhà Hoàng Yến nhưng thỉnh thoảng cũng mang về cho những thằng ngồi “ôm gối mộng” xa nhà trong mấy căn phòng lẻ loi của ký túc xá trường cái bánh trái cam, trái xoài từ nhà cô nàng, người mà gần hết bọn này biết mặt, biết mặt mà ngước lên trời cao “thằng này may mắn” thiệt, ăn cho đở tủi thân, vui qua ngày qua tháng, nói vậy chứ, dăm ba tên trong bọn cũng đã tìm được và có đôi với “bóng hồng” nào đó rồi, chẳng tên nào màng hỏi tới.

    Bác Ba Thảo, má Hoàng Yến, làm thư ký tại bộ Kinh Tế, hiền và phúc hậu, bác thương cho con, đứa con gái độc nhất, không bao giờ nói đến ba, và cô nàng cũng quen từ ngày còn trong nôi nên cũng không và chưa lần nào hỏi, học không khá, bỏ học ngang khi chưa xong trung học, nhờ cô Tiền, người bạn thân cũng làm chung phòng với bác, giới thiệu và đi làm cho một ngân hàng tư nhân “Nam Á”, không mấy xa nhà, hai má con sống khuây khỏa, không thừa không thiếu ở một căn nhà phố nhỏ, trong con hẻm khá rộng tại ngã ba sau chợ Phú Nhuận. Thương Khương như con, bác không buồn hỏi và chưa hề hỏi gì nhiều về gia cảnh anh, nghèo giàu, nhà tranh nhà ngói, ruộng vườn đất đai, chỉ biết là ở tỉnh xa đâu đó miệt miền Đông, cũng con một, vậy thôi.

    *

    Giữa năm cuối, trước Tết mấy ngày, theo lời Khương, Hoàng Yến theo anh ta, chở nhau bằng xe Honda về tỉnh, trước là ra mắt ông bà sau là chúc Tết năm mới, vì sắp nghỉ học mùa Tết. Ba má Khương, vui vẻ, hỏi thăm qua loa, cô nàng ấp a ấp úng, tiếng dạ tiếng thưa, chờ ông bà hỏi mà trả lời, thế thôi. Ở chơi gần chiều mới trở xuống Sài Gòn, ông bà theo ra tới cổng rào, đi đường cẩn thận, rảnh thì về chơi, người quen ở khu chợ, kéo nhau đứng lòng vòng trước sân, đi lên đi xuống, xầm xì, nhỏ to, chắc là thấy “gái Sài thành” quần tây áo thun kỳ cục, ngó ngó nhìn nhìn, không biết chê hay khen. Mấy ngày về nhà ăn Tết, ba má Khương không nhắc nhở gì Hoàng Yến, qua Tết, hôm trở xuống trường, vào học lại những tháng cuối, chợt dưng ông bà hỏi lại, gia cảnh cô nàng, Khương nói như những gì anh biết, ông bà nghe mà cười vậy thôi, không tỏ thái độ hài lòng hay không, chỉ thở dài xem ra hình như có cái gì khó nói hay sao đó mà ông bà chưa muốn nói ra.

   Ra trường, Khương về nhà, ở chơi vài hôm trước khi đi nhận nhiệm sở, một tỉnh xa xôi miền tây sông nước. Ba má anh vui rất vui vì thằng con đã “công thành danh toại” nhưng Khương ngỡ ngàng, chưng hửng khi ông bà cho biết ý kiến về chuyện tình của anh và Hoàng Yến, ông bà không một lời chê ít chê nhiều gì về cô nàng và gia đình cô dưới Sài gòn, nhưng, lại một lần nữa ông bà  thở dài, cái thở dài như hôm về nhà ăn Tết, theo ý ông bà chuyện hôn nhân của Khương có lẽ không thành, lòng anh chết lặng, cố giữ mặt thản nhiên ngồi nghe, thì ra cái khó nói hình như của hôm đó, ông bà đang nói ra đây. Khương chào ông bà, nhắc lại câu nói hôm qua “thôi để con đi làm đâu đó tạm yên, rồi mình tính nghe”, tạm biệt cái xe Honda đã âm thầm chịu đựng buồn vui theo anh trong suốt khoảng đời qua, ở lại, chuyến xe đò đầu ngày xuống Sài Gòn chạy khỏi chợ xã khá xa, cái buồn bất chợt không nghỉ là sẽ có vẫn còn kéo dài ray rứt trong hồn.

    *

    Hai má con lặng thinh ngồi nghe Khương, nói lại những gì ba má anh đã nói, bữa cơm chiều cũng đã nguội từ nãy giờ, không ai màng nhắc, xem ra người nào cũng có chút buồn buồn nhưng không đến nổi “sẩu tư biếng lự”. Ba má anh đã hứa hôn với gia đình một người bạn thân, bác Thịnh, người mà Khương đã gặp đôi ba lần, coi như là “ơn cứu tử” không thể không quên được khi ba anh còn lang thang làm mướn trên miệt Xa Cam Hớn Quản, rồi miền Cai Lậy, Mỹ Tho, hai người trước kia là bạn cùng quê. Ơn đó cho tới ngày hai người gặp lại sau gần mấy chục năm, bác Thịnh giờ đã giàu, có tiệm bán nông cơ cụ lớn trên chợ tỉnh, người đó là cô con gái út, đang học năm cuối trường Dược, vì không học chung trường từ nhỏ, Khương chưa một lần biết mặt, dù thỉnh thoảng có nghe ba má anh nhắc tới, cô còn người anh lớn hiện là sĩ quan huấn luyện viên ở một quân trường nào đó.

    Bác ba Thảo, khẻ cười nghe, rồi ôn tồn với Khương, khi anh cho biết, quyết định không nghe theo lời, “chuyện từ từ tính con, ông bà có giận thì cũng không giận hoài được, hùm dữ sao nở ăn thịt con, bác không có gì buồn đâu, con yên tâm, rồi mọi chuyện sẽ qua mà”, Hoàng Yến nghe, gật đầu, nắm tay Khương “như má em nói, anh yên tâm, anh cứ lo đi làm đi, rồi chắc không sao đâu, em chờ mà”.

*

    Không ngờ chỗ làm của Khương, có chị thư ký, quê cùng tỉnh, ở xã bên, cũng một bên quốc lộ, không xa nhà bao nhiêu, cùng chồng là lính trong tiểu khu về phép thăm nhà, anh gởi chị hai cái thư, một cho ba má, cho biết quyết định của mình, xin ba má tha lỗi, không thể nghe lời được, và một cho bác ba Thảo với Hoàng Yến, cũng báo là có thư cho trên nhà về chuyện Hoàng Yến, vì trước sau hai vợ chồng cũng ghé Sài Gòn chơi một hai bữa gì đó nên cũng tiện.

    Tội cho cô Tiền, thay mặt má Hoàng Yến, đón xe đò lên tỉnh, đến nhà Khương, chuyện anh và Hoàng Yến không được kết quả như cô mong có, ba má Khương vui vẻ tiếp, nghe, nhưng cuối cùng, ông bà cám ơn cô đã có lòng, không chê trách gì gia đình Hoàng Yến hết,  nhưng khó cho ông bà đổi ý, còn nếu, “thằng Khương, có còn thương vợ chồng tôi hay có làm được hay không, thì tùy nó quyết định, vợ chồng tôi không hỏi thêm bớt gì nó nữa”.

   *

    Miền Nam thua cuộc, quân nhân công chức miền Nam buông tay, buông súng, lợi dụng tình thế nhá nhem, nhập nhằng, Khương lặng lẽ, về lại thăm nhà trên tỉnh vài ngày, xem cớ sự ra sao rồi tính chuyện đời mình, chuyện đời không biết “ngày sao sẽ ra sao”. Ba má anh không nhắc nhở gì chuyện cũ, đi ra đi vào, đường trước nhà ngập một màu cờ đỏ, cả ba cũng không ai biết nói cái gì bây giờ, gia đình bác Thịnh đã ra đi từ chiều 30 tháng 4, má Khương cứ thở dài ngày qua ngày “phải chi thì đâu phải lo”, chán chường, nản chí, ông bà chỉ nói đi nói lại với Khương “đã mất hết rồi, may mà còn căn nhà, ba má không còn gì để phụ cho con, thôi con ráng mà lo cho thân mình”. Hôm giã từ ông bà trở xuống Sài Gòn, giã từ nhưng không hẹn chắc khi nào trở lại, chưa biết chắc có hay không, dù sao dưới này còn nhiều xô bồ xô bộn, phồn hoa xe ngựa mới mẽ với nhà cầm quyền mới nên có phần dễ lòn lách, tạm dung chờ thời được, ngồi trên xe đò mà rưng rưng khóc, như cái khóc hôm nào khi nghe lời cuối ông bà nói.

    Khương vào tù như hàng ngàn người thua cuộc “bổng chợt buông xuôi thành bại tướng khác”, không một lời hỏi han gì của ba má anh. Ngày “nộp mạng” cho chế độ mới, hai má con Hoàng Yến rưng rưng nước mắt tiễn anh tới chỗ trình diện, giữa rừng người thân còn ở lại, sau cánh cổng sắt lạnh lùng, nhìn lại lần nữa, họ vẫn còn đứng đó, Khương bổng dưng muốn khóc.

   Mang tấm thân chưa đến nổi tàn, được thả sau hơn hai năm từ một trại tù “thâm sơn cùng cốc” giữa rừng núi hoang dã Tam Biên, Khương về, chỗ nương tựa không chỗ nào khác hơn là nhà của Hoàng Yến. Suốt những ngày tháng vật vã, khốn khổ trong tù, cũng vẫn là bác ba Thảo và Hoàng Yến, dù chưa một lời chính thức rể con, “cắt ca cắt củm” từng miếng thịt ruốc, từng miếng đường táng, gói trà gói ghém gởi vào tù cho anh mỗi lần được phép. Vẫn vậy, ba má Khương vẫn không nghe gì về số phận thằng con ra sao, anh cũng không dám biết tại sao, câu “hùm dữ sao nở ăn thịt con” mà bác ba Thảo nói, xem ra không hẳn là vậy rồi.

   Cũng nhờ cô Tiên, chup thời cơ, vốn lanh lợi xông xáo hơn bác ba Thảo, quen biết quan chức mới nào đó, tìm được cho Hoàng Yến chỗ làm tạm qua ngày ở cửa hàng xa xí phẩm trong khu thương xá Tam Đa cũ, nên nhà không đến nổi vất vả, còn ngáp ngáp qua ngày, Khương lăn lộn vào chợ trờ, vàng thau lẫn lộn, cũng tạm yên, chuyện đi về trên tỉnh anh không dám nghĩ tới, yên như vậy cũng là may rồi, đến văn phòng nhà cầm quyền để có được tấm “giấy đi đường” thì “trần ai” nhưng chưa chắc đã được. Một chiều mưa tháng sáu, sau khi đạp xe chở bác ba Thảo đến nhà cô Tiên về, cô Tiên còn ra tới cửa, ngó trước ngó sau, nói nho nhỏ gì đó với bác mà xem ra cũng chưa muốn hết chuyện, về nhà, đêm đó hai má con có phần vui, cái vui mà họ, ba người chưa thật có từ lâu, cả hai không nói gì hết, Khương cũng không hỏi.

    *

    Chiếc ghe đánh cá nhỏ, cũ kỹ, trốc nước sơn, chở hơn ba chục người lớn nhỏ, ra khơi giữa khuya, trời đêm không âm u lắm, gió thỉnh thoảng lộng từng cơn, từ Phước Tỉnh, ậm ừ lướt sóng bình yên suốt hai ngày về hướng nào đó cứ đi. Xế chiều hôm sau trời bất chợt nổi giông bảo, gió gào gió thét, âm u ma quái, mưa trút xuống như thác đổ, gầm gừ như trút giận dữ, chiếc tàu nhỏ vốn cũ giờ xem ra cũ hơn, bị gió thổi dạt lên hướng bắc thay vì hướng nam, nước trong  tàu dâng ngập, người tát người la hét, vẫn vậy, sóng mặc sóng cao hơn nhà, mặc sức lạnh lùng đánh từng đợt hằn học, chiếc tàu cuối cùng bể ra từng mảnh, trong màn đêm tối đen như đêm Ba Mươi, tiếng la tiếng thét thất thanh không át nổi tiếng gió, không ai nghe, người trôi, người nổi bập bềnh trên một vùng biển mênh mông rùng rợn.  

   Những mảng ván trôi, cái không cái có xác người, sóng đẩy ai đó còn bám víu vào cái gì đó trôi dật dờ, dạt càng lúc càng về hướng bờ, qua màn sương sớm mù mờ, trời nhấp nhen sáng, chiếc tàu đánh cá lớn, cờ đỏ lất phất trên mui phòng lái trên đường về, dừng lại, chạy vòng quanh một vùng, người trên tàu hối nhau vớt người vớt xác, còn chừng bảy tám người còn thoi thóp sống. Sóng êm, không còn gầm gừ gió hú, tàu thong thả chậm về bải biển Tuy Hòa. Mặt trời vừa ửng lên ngoài khơi một màu hồng nhạt. Phần lớn người trên chiếc ghe đánh cá chết gần hết, chỉ vớt được năm sáu xác chết, cho chở về nhà xác bệnh viện tỉnh, công an đem số người còn sống, vừa tạm tỉnh lại, trong đó có cô Tiên và bác ba Thảo, về nhốt tại đồn công an. Hai người giờ như người mất hồn, gia đình cô Tiên chỉ còn lại đứa con gái vừa lên mười, bác ba Thảo thì hết rồi, Khương và Hoàng Yến đã vùi thây dưới lòng biển lạnh.

   *

    Cái chùa nhỏ quê nhà Bạc Liêu, người dân thấy giờ có thêm bà ni cô mới, chùa có thêm hồi chuông cầu siêu muộn cuối chiều, bên trong chánh điện đơn giản, có thêm hai bài vị tên Khương và Hoàng Yến. Bác ba Thảo đó, sau ngày được thả về từ Tuy Hòa, căn nhà bên Phú Nhuận còn may, chưa bị lấy, bà giao lại cho cô Tiên, từ biệt, rồi lặng lẽ đón xe về lại quê xưa, xuống tóc bỏ đời, bà đi mà không buồn nhắn báo cho gia đình Khương biết, biết để làm gì, chắc ông bà cũng không cần biết, thôi để cho hai đứa bình yên ở cỏi trời riêng không còn nghiệt ngã.

   


Thuyên Huy

Tháng giữa mùa 2022

  

   

   

   

 

   

  

   

  

 

  

 

Bụi Vàng - Từ Kế Tường

 BỤI VÀNG

 



















Anh rất nhớ một chiều trưa tháng Bảy
Bụi che tay không thấy hết đường về
Trời rất nắng còn anh buồn đến vậy
Khác chi ngày hiu hắt nép hiên mưa .
Rộn rã ve kêu báo Hạ sang mùa
Chùm phượng đỏ rung lòng anh như lửa
Tình rất sâu cứ chìm trong mê lộ
Lầm lũi đời người vén bụi mà đi
Ngồi bên nhau ai nói được điều gì
Trưa tháng Bảy chẳng dài thêm góc phố
Lòng nặng trĩu sầu thêm ngôi quán gió
Dài đến thinh không mấy chấm bụi đường
Bao nhiêu năm còn thoáng vọng mùi hương
Một ánh mắt, nét cười trong sợi tóc
Buồn chưa hết, hàng cây khô nước mắt
Ngửa bàn tay tê dại dấu thời gian .
Có đọng lại trong em một chút bụi vàng
Trái tim nguyên vẹn của ngày lầm lỡ
Tại sao ? cứ hỏi tại sao vậy chớ !
Chỉ một lần không vội nắm tay em
Đời chất lên những mộng mị ưu phiền
Anh tỉnh giấc bên gốc mai già cỗi
Cứ tưởng tiếc dấu hài xưa qua vội
Thềm rêu phong cỏ lạnh – tiếng chim vườn .
Có nhớ không em một hạt bụi đường
Vướng đâu đó trên cuộc tình sương khói
Chiều tàn phai hoa vẫn dậy mùi hương
Ngày tháng lụn vẫn còn trưa tháng Bảy
Đời cứ xuôi theo một dòng nước chảy
Xin nhắc em một thủa đứng bên cầu
Tình trăm năm bờ bãi hoá nương dâu
Vẫn lắng xuống chất bụi vàng óng ả

Từ Kế Tường

Xuân Nơi Đây - Dư Thị Diễm Buồn

 XUÂN NƠI ĐÂY

  














Xuân nơi đây

không hoa vàng đua nở

Không hoa đào lộng lẫy dưới nắng xuân

Không trẻ con mặc áo quần rực rỡ

Chạy tung tăng

đốt pháo, vỗ tay mừng

 

Xuân nơi đây

không cây xanh nắng ấm

Không áo dài tha thướt gió xuân bay

Không nón bài thơ, khăn nâu, yếm thắm

Không thoảng hương

từ những khóm hoa lài

 

Xuân nơi đây

thiếu cụ già viết liễn

Thiếu trầm nhang, bánh tét, bánh chưng xanh

Thiếu bầu trời trong, bầy chim én liện

Thiếu cá thịt kho,

nem chả dưa hành

 

Xuân nơi đây

thiếu thiêng liêng ấm cúng

Thiếu cây nêu, lá phướng, trống lân mừng

Thiếu cả những lời chân thành chúc tụng

Thiếu vị

hương xuân thắm thiết mặn nồng

 

Xuân nơi đây

có rượu ngon, bánh ngọt

Có thiệp xuân chúc phúc, chúc an lành

Có mây xám giăng khung trời giá buốt

Có hoa tuyết

trổ đầy cành long lanh

 

Xuân nơi đây

có tiếng lòng nức nở!

Tiếng thở dài trong héo hắt nhớ thương

Có nỗi lòng của những người xa xứ

Đón xuân về

hồn thổn thức bâng khuâng

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

(Trích trong tuyển tập “Bóng Thời Gian” phát hành năm 2021).

 

 

 

 

 

Thương Lắm Những Mùa Xuân - Việt Hà

 

THƯƠNG LẮM NHỮNG MÙA XUÂN




Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, người Việt tha hương lại không tránh khỏi những giây phút bùi ngùi, đôi khi đến thẫn thờ, để rồi tự hỏi mình: Xuân này sẽ ra sao?

Với những người đã có mái ấm gia đình (mái ấm được hiểu ở quyền hội nhập; công ăn việc làm; con cái được đi học, trưởng thành…) thì xuân đến dường như có phần rộn rã hơn. Ấy là tôi nói theo thể tích cực (positive), chứ thực tế nhiều người còn chẳng biết cái giây phút thiêng liêng ấy nó rơi vào ngày nào, chứ đừng nói tới chuyện thắp một vài nén hương để nhớ về tiên tổ. Không ít người vô tư bảo: Dào ôi! Sống đâu Âu đấy. Ừ! Giá mà Âu hóa được toàn diện, thì cũng là phước đức cho cái dân tộc có dải chữ “S“, khổ nỗi, có nhiều người lắm tiếng Ta càng ngày càng quên, tiếng Tây càng ở lâu càng không biết. Mà biết để làm chó gì cơ chứ? Cứ cày – ăn ngon – ngủ kỹ – đô la (ê– rô) nhét đầy trương mục là… lucky. Hòa nhập, nghĩ ngợi, trăn trở làm gì cho nhọc xác. Kể ra cái vòng tuần hoàn khép kín ấy cứ xoay đều đặn (không có khiếm khuyết) âu cũng là chuyện tâm đắc.

Nhưng muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên, có dễ mấy ai ung dung, tự tại để mà lọt vào cái vòng mĩ miều ấy? Vậy là hễ có chuyện vượt ra khỏi bốn bức tường là… bỏ mẹ. Tính sao bây giờ? Không lẽ cứ nhe sỉ ra để khỏa lấp mọi chuyện? Nhiều ông Tây, bà Đầm bảo: dân Việt mày cũng hay. Thắng cũng cười; thua cũng cười; buồn cũng cười (chuyện nhà có tang, giỗ kèm theo tiết mục Mini Disco hoặc Karaoke ở xứ này đang trở thành model thời thượng) thậm chí bị chửi bới, nhục mạ cũng vẫn nhe sỉ ra… cười. Và không ít ông Tây, bà Đầm đã ngộ nhận, cho đó là sự “niềm nở“; “hiếu khách“ mặc dù có phần thái quá của dân da vàng, mũi tẹt nhà ta. Họ có biết đâu đó là cách ứng xử cực kỳ uyển chuyển, mang đậm truyền thống văn hóa Á Đông (?!). Lâu dần cái “truyền thống“ ấy đã trở nên bệnh hoạn, đến nỗi không ít người đã nâng sự bệnh hoạn ấy lên hàng “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc“. Cái “bản sắc“ ấy cứ đeo đuổi cả một vài thế hệ, và biết đâu chừng cho đến mãi mãi về sau? Nhưng thôi, Tết nhất là phải nói chuyện: Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành; câu đối đỏ…

Ừ thì chuyện Xuân!

Tết xưa – Tết nay

Bên này những người còn nhớ đến xuân, ngày Tết đến cũng cập rập ra trò. Nào là đặt lá rong (không thì lá chuối) nhưng cũng chỉ chạy qua hàng lá cho có màu sắc và hơi hướng của bánh chưng thôi, còn gạo, thịt và gia giảm thì vô lo chứ không còn cảnh đêm hôm, xếp hàng rồng rắn như thời bao cấp để chầu chực vài ký gạo nếp, đôi khi pha lẫn cả một tiểu đội mọt cho… thêm đạm. Mẹ cha thằng Tư Bản, cái của nợ gì cũng có, chỉ cần xỉa tiền ra là nó vác đến tận nhà. Ấy là công đoạn thô. Công đoạn mịn là gói bánh. Ở xứ này gói bánh chưng cũng là một kỳ công, không phải vì nó luxus, trái lại quá rườm rà, bởi cái tối thiểu nhất là lạt giang để cột bánh cho chắc (có vậy bánh mới vuông vức và dền). Khổ nỗi dân ta đang “họat động trong lòng địch“ nên phải rút ngắn công đoạn, thôi thì có dây nào, sào dây đó, miễn có cái để mà… thít là được. Gạo đấy, thịt đấy, lá đấy (lá “nhảy dù“ thôi còn phải thêm anh giấy bạc bọc ngoài, vừa đẹp lại đỡ tốn…). Vậy là khéo tay mọi người cũng có mươi cặp bánh vuông vức ngược lại có “túm mắm tôm“ một chút cũng chẳng ai kiện. Hương vị của bánh chưng với dân ta bây giờ không còn là “đỉnh cao muôn trượng“, vả lại có gói cho kỹ, đẹp rồi cũng chỉ là anh cháo cơm nguội quá đà, bởi ở xứ này thời móc đâu ra củi, mà dẫu có đi chăng nữa cũng bố bảo anh nào dám “nổi lửa lên em“ chứ nói gì chuyện cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng, hàn huyên thế cuộc, nghe tí tách lửa reo trong ngào ngạt hương lá, hương gạo cùng đạch… đùng tiếng pháo – tiếng pháo gợi xuân của con trẻ…




Gợi lại chuyện này nhiều người bảo: cổ ơi là cổ. Thời buổi ê-rô hóa rồi mà còn bánh chưng với bánh tét. Lẩm cẩm. Quẳng ra vài chục ê-rô là có vài cặp bánh chưng luộc kiểu experess (vì sợ tốn điện) còn thích sực lúc nào chỉ cần liệng vào nồi, ninh cho nửa tiếng là có quả “cháo nếp tẻ“ ngon lành. Ôi dào, thích thì làm dăm ba miếng cho có phong trào, chứ ở xứ này lòng phèo đặc quánh toàn đạm, thèm thuồng chó gì nữa mà chưng với cả dầy. Vậy là hương vị quê hương ngày một, ngày hai đã trở nên lạ lẫm, nhiều khi phiền hà, chẳng ai buồn nghĩ hay động tới…

Bạn tôi đi phép về Việt Nam ăn Tết sau gần 20 năm ra đi “tìm đường cứu nước“. Anh tâm sự: trước ngày về anh mắc bệnh thấp thỏm, mất ngủ đến vài tháng trời. Anh bảo chỉ cần hình dung cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, rồi nghe tí tách tiếng mưa xuân rắc nhẹ từng hạt trắng, mỏng, mịn như tơ trên những vầng lá non, xanh biếc; rồi nghe tiếng pháo đì đùng cùng tiếng hò reo dội lên đâu đó của đám con trẻ… cũng đã cảm thấy lâng lâng lắm rồi.

Nhưng… anh thở dài não nuột: Tết ở Việt Nam bây giờ buồn đến phát rồ. Tôi bảo: Có bôi đen không đấy? Tết của thời Kinh tế Thị trường phải khác chứ? Anh chửi thề: Mẹ kiếp! Nó khốn nạn ở cụm từ đó. Thiên hạ cứ tự hào là 4000 năm văn hiến, vậy nhưng mới chỉ thậm thụt hơn chục năm đổi mới thì cả cái dân tộc ấy cứ như bị lên đồng. Ai đời 29-30 Tết mà dân tình cứ im như thóc. Bạn tôi sốt ruột hỏi người nhà sao không gói bánh chưng? Người nhà anh đáp gọn lỏn: Ngu gì mà hành hạ thể xác. 30 Tết, phôn một phát, thích bao nhiêu, chỉ 5-10 phút tụi nó ào ào khiêng tới. Anh thắc mắc: thế còn đào; quất cảnh? Mấy đứa em anh giọng sành sỏi: Ông anh ngỗng vàng ơi! Ở nhà bây giờ không ai đi sắm đào, quất trước Tết cả. Bạn tôi hỏi: Tại sao? Chẳng lẽ đi sắm đồ tháo khoán à? Em anh tủm tỉm: Đúng thế đấy!

Nghĩ anh mình không tin, đứa em giơ tay ra hiệu: ngày mai (chiều 30 Tết) tất cả đào, quất, hoa… đều đại hạ giá. Anh chờ xem, với 1/3 giá, em tậu cho anh một quả bích đào chúm chím nụ; một quả quất cảnh 6-7 tầng, nếu thích tụi nó còn kính tặng luôn cả đèn nhấp nháy. Thấy bạn tôi mặt ngắn tũn, đứa em bảo: anh không tin hả? Nhưng Việt Nam mình bây giờ là thế. Trăm người bán, một người mua. Công đoạn khó nhất là sản ra tiền, nhưng khi anh có tiền rồi thì cứ nhét chặt trong túi, không việc gì mà phải hoáng hết lên. Chỉ cần búng tay tách một cái là bọn nó sẵn sàng mọp lưng phục vụ đồng chí từ A-Z.

Ở nhà bây giờ thích Tết lúc nào được lúc ấy. Cái cảnh mắt nhắm mắt mở, thức đêm hôm, xếp hàng dài cả cây số, rồi chen lấn, ẩu đả, xỉa xói vào mặt nhau những quyển sổ ưu tiên “gia đình thương binh, liệt sỹ“ để “trấn“ đồ Tết qua rồi. Ngày mai với vài chục ngàn đồng, em sẽ kính tậu cho anh cả một vườn xuân. Bạn tôi bảo: Vậy là rẻ hơn củi à? – Chứ sao. Đứa em đáp. Đấy là họ gạ mình mua, vả lại tính em cũng thích làm từ thiện, bằng không chỉ có nước mang về mà… hỏa táng. Anh bảo: tự nhiên thấy thương cho người trồng cây cảnh quá. Cả năm lụi hụi, chăm bẵm, cứ ngỡ xuân sang sẽ có cơ mở mặt, mở mày, nào ngờ xuân chưa đến mà hy vọng đã tiêu tan…

Đó là chuyện chợ xuân.

Bạn tôi kể: Đêm 30 Tết cũng hớn hở lắm, mặc dù pháo Tết đã bị cấm chỉ từ chục năm nay. Hỏi, thiên hạ cười đểu bảo: các ông ấy sợ tranh tối, tranh sáng tụi nó làm đảo chính như hồi 68 các ông ấy làm trong Nam. – Đảo chính? – anh tròn mắt hỏi lại. – mà ai đảo? – Ôi dào! Ông về phép có sẵn “đạn“ cứ nạp đầy vào mà “khạc“ cho sướng. Bao năm đi xa làm nghĩa vụ “trả thù cho dân tộc“, giờ trở về ông nên nghĩ chuyện “phục vụ dân tộc“ thì tốt hơn. Chuyện pháo pheo ông để ý làm chó gì. Lúc giao thừa, nếu ông thích thì bật tivi lên mà xem pháo ngửng. Bạn tôi hỏi: Sao lại pháo ngửng? Em anh quát: Anh đúng là đồ tẩm. Ở nhà bây giờ giao thừa các cụ Trung ương cho đốt pháo hoa, rồi nối cầu truyền hình cho dân cả nước xem.

Đúng là dở hơi. Tết mà không có pháo, khác chó gì ngày Bác “thăng“. Vậy là cứ thằng nào vi phạm luật đốt pháo là bị lĩnh “sẹo“. Những ngày giáp Tết các đồng chí công an xã, phường, quận bận túi bụi, bởi trọng trách các đồng chí được giao là lo giữ gìn anh ninh, trật tự cho bà con vui vẻ ăn Tết. Kẻ nào to gan mà đốt pháo rồi bị phát giác thì chí ít cũng lĩnh phạt 5-3 triệu đồng. Cấm thì cấm. Nhưng những đồng chí trẻ con vốn không sợ chết, lợi dụng lúc giao thừa vẫn cho pháo nổ đì đùng (dĩ nhiên là vụng trộm, và phải đề phòng cảnh mật, bằng không sẽ bị “xông đất“ tức thì). Thế là xuân cũng vội vàng ra đi hệt như xuân vội vàng tới. Đã lâu rồi người Việt mình không còn khái niệm mùa xuân. Hình như ai cũng nghĩ: Xuân sang là qui luật của trời đất, mà đã là qui luật thì tất có đến, có đi. Hơi đâu mà phải nặng lòng?

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Mực tàu câu đối đỏ
Trên phố đông người qua

(Vũ Đình Liên)

Xuân vẫn còn đấy, ấm áp, nồng nàn, đầy thi vị và cũng ngập tràn niềm vui, hạnh phúc, nhưng liệu mấy người còn nghĩ đến Xuân?

Việt Hà

Nguồn: văn học nghệ thuật