Sau hơn năm mươi năm sống ở Pháp, tôi
chán cái “khí hậu ôn hòa” của Pháp, một năm mất sáu, bẩy tháng không băng tuyết
thì cũng lạnh giá phải sưởi, không áo lông, mũ da, bao tay và ủng thì cũng áo
“manteau” (áo choàng bằng len dầy) nặng chình chịch, nên tôi quyết tâm trốn về
Việt Nam, tuy nóng nhưng quần áo mỏng nhẹ nhàng. vả lại mình sinh trưởng ở Việt
Nam, lại có máy điều hòa, sợ gì ? “Dzậy mà không phải dzậy” !
Tôi về vào tháng 11 năm 2007, thời tiết
Hà Nội tuyệt đẹp : nắng sáng trưng, gió hiu hiu, khoác một cái áo len ngắn tay
là đủ. Mùa đông 2007 ai cũng xuýt xoa mấy chục năm mới rét như thế một lần, tôi
cũng chỉ dùng đến “manteau” len. Nhưng mùa hè lại không như tôi tường, nghĩa là
ngày không dài từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm đọc sách không cần đèn mà tối ngay
từ 6, 7 giờ chiều, trời lại thường âm u, còn cái nóng thì qủa là “cái nóng
nung người, nóng nóng ghê“, chỉ đi vài chục thước là mồ hôi “vã ra như tắm”
ướt hết quần áo. Tôi khâm phục Xuân Diệu :”Trong nắng chói chang mùa hè thét
lên những tiếng lửa” . Nhớ lại ngày xưa cha tôi không ngủ được vì nóng cứ
đi ra đi vào than thở “Lò cừ nung nấu sự đời” (cha tôi tên là Cừ). Cái
“lò cừ” ấy cũng dài đủ sáu, bẩy tháng một năm ! Hóa ra tôi “tránh vỏ dưa gập
vỏ dừa“, đi trốn cái lạnh để thay thế bằng cái nóng !
Ngày xưa khi Lưu, Nguyễn nhập Thiên
Thai, ở lại có ba năm mà khi trở về quê hương cơ hồ không còn nhận ra nữa, tất
cả mọi vật đã biến đổi, người cũ không còn ai. Hỏi thăm mãi mới có một cụ già
nhớ mang máng hồi nhỏ có nghe các bậc trưởng thượng kể chuyện hai chàng Lưu,
Nguyễn đi chơi rồi biệt tích. Bài hoc rút ra là tuy “vật đổi, sao dời” song
ngôn ngữ vẫn còn, thông tin trao đổi vẫn được. Trường hợp của tôi lại khác. Trước
khi về tôi cũng dự liệu một trong những vấn đề tôi sẽ gập là chuyện hiểu nhầm,
do hai phong cách sống khác nhau, không bao giờ tôi nghĩ là mình có thể “hiểu
mà không hiểu” tiếng Việt.
Tôi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Việt mới
trên chiếc máy bay đưa tôi về Việt Nam lần đầu. Anh sinh viên trẻ ngồi bên tôi
đi có một mình nhưng một lúc sau thấy một cô tới ngồi bên, cả hai bắt đầu ríu
rít chuyện trò “anh anh, em em” ra chiều thân mật. Tôi nghĩ bụng thì ra họ là
anh em với nhau. Xin nhớ thời của tôi, người con gái chỉ xưng “anh em” vói anh
mình hay với người yêu, với chồng. Nhưng ngày nay trai gái xưng “anh em” thoải
mái, không giữ kẽ như thời cụ Khổng còn nắm chính quyền, phải “thụ thụ bất thân”.
Việt Nam bây giờ là một đại gia đình, ai cũng có họ với nhau, không bác thì
chú, không cô thì cháu, nhưng các bà dì, bà thím lại rủ nhau trốn hết người ta
bảo “cô” thân hơn “thím”.
Tôi đi nhà ngân hàng, cô bé tiếp tôi
hỏi chứng minh thư. Tôi hiểu “chứng minh” là gì, “thư” là gì nhưng không đoán nổi
cái thư để chứng minh cái gì ? Đành yêu cầu cô giảng cho biết, thấy cô lúng
túng, tôi nói dịch hộ sang tiếng Pháp hay tiếng Anh, hóa ra nó là cái thẻ căn
cước !
Tôi đi xin chứng minh thư, trên tờ
khai có câu hỏi : Dân tộc gi ? Tôi toan hoa bút viết “Việt Nam” may người đi
kèm chận lại kịp, bảo phải viết là “người Kinh“.
Thú vị nhất, nghĩa là chỉ thú vị sau
khi sự việc đã qua, là chuyện “Cái máy vi tính và tôi”. Tôi vốn tự biết
mình không phải cao thủ bẩy, tám túi nên xưa nay vừa khâm phục nó vừa ghét nó.
Nó đã từng, vì một sơ xuất nhỏ của tôi, khóa sổ không cho tôi vào mạng, xóa sạch
những thư từ của tôi. Một hôm mở máy ra thấy nó không cho vào mạng lại bầy ra một
trang “Chuyển tài khoản” mà tôi không sao xóa hay đuổi đi được. Một mặt
nó dụ tôi nếu chuyển thì địa chỉ sẽ y nguyên mà máy chạy nhanh và tốt hơn, mặt
khác nó không cho tôi quyền lựa chọn, chỉ có “OK” mà không có ô nào viết “No”.
Tôi nhớ đến ông chủ hãng xe Ford ngày
xưa chỉ bán toàn xe mầu đen, khách hàng phàn nàn không được chọn mầu mình thích
thì được trả lời “Quý vị tha hồ lựa chọn mầu mình thích miễn là mầu ấy là mầu
đen“. Sau một ngày đắn đo tôi “lựa chọn OK” vì nghĩ mình làm gì có tiền gửi
trên mạng mà sợ, mất gì ? Vừa “OK” xong là máy rùng mình một cái rồi chuyển hết
“tài khoản” của tôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tôi ngẩn người rồi tự an ủi
“âu cũng là một dịp cho mình trau dồi Việt ngữ”. “Xóa” là “Delete” thì đúng rồi,
“Chuyển tiếp” chắc là đọc xong thư muốn máy chuyển sang thư sau đọc tiếp.
Tôi cho là thế nhưng máy nó không nghĩ thế nên chuyển cho tôi một lá thư trả lời
để tôi chuyển thư mới nhận được cho người khác ! Hóa ra nó không phải là “Next”
mà là “Forward“.
Ngôn ngữ của tôi là thứ ngôn ngữ hơn
năm chục năm về trước. Tôi nói :”Tôi đi nhà thương mổ mắt” nhưng bây giờ “người
trong nước” nói :”Tôi đi bệnh viện làm phẫu thuật mắt”, nghe văn vẻ hơn khiến
tôi có mặc cảm mình “quê một cục” !
Một cháu bé sáu tuổi về nói với mẹ
:”Mẹ ơi, con có ảo ảnh, con biết chỉ có một cái cốc mà con nhìn thấy có hai
cái”. Người lớn trẻ con bây giờ ai ai cũng dùng những từ ngữ Hán Việt một cách
rất chuẩn và rất tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, xưa kia những từ ấy chỉ thấy trên
sách báo của các nhà trí thức. “Hàn Lâm Viện” đã xuống đường !
Ngược lại, chuyển sang “Ẩm thực” thì
dường như người ta lại không thấy cần từ ngữ “chuẩn” cho lắm. “Muối vừng” có thể
có đến 80% là lạc rang giã nhỏ trộn vừng. Ốc nhồi lá gừng có thể là ốc luộc vối
lá chanh ! Tôi muốn mua muối để đánh răng, người ta đưa cho tôi một lọ muối trộn
với gia vị, tôi chưa bao giờ đánh răng với gia vị và cũng không muốn thử. Nếu
muốn có muối như tôi hiểu thì phải nói rõ là “muối tinh”.
Hà nội ngày nay giống như một cái
“cantine” khổng lồ, người ăn cơm nhà xem ra hiếm hơn số người ăn cơm hàng. Nói
chung thì cơm văn phòng chỗ nào cũng có, vừa rẻ vừa ngon hơn bánh mì “sandwich”
tôi vẫn gậm ở Pháp, song dường như kiếm một hiệu ăn thật ngon, nấu món nào ra
món ấy thì ở “Hà thành hoa lê” này lại khó. Các món ăn vẫn mang tên cũ nhưng “nội
dung” đã thay đổi. Các món spaghetti, pizza, sandwich bên kia coi rẻ thì về đây
là của lạ lại được Việt hóa thành món quý.
Nhưng bờ hồ thì xem ra vẫn còn là “bờ
hồ những gió cùng giăng, những giăng cùng gió lăng nhăng sự đời” của Tản Đà.
Các thanh thiếu niên vẫn lượn bờ hồ, song không gọi nhau “mình ơi” nữa và cũng
không thấy ai mời nhau “chén kem kẹo dừa” cả.
Xưa kia các thiếu nữ có tóc quăn tự nhiên có mặc cảm là :
“Tóc quăn chải lược đồi mồi,
chải đứng chải ngồi tóc vẫn còn quăn“.
Sang thời Pháp, tóc uốn quăn lại
thành “mốt”. Ngày nay thiếu nữ Hà thành không chuộng uốn tóc nữa, cô nào cũng
nuôi tóc dài óng ả, thậm chí người ta còn là tóc cho mướt nữa.
Áo dài tha thướt là chuyện dĩ nhiên
nhưng áo đầm cũng không hiếm, những kiểu áo mới hở rốn, hở một bên vai xuất hiện
rất sớm trên truyền hình. ‘Cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tầu
thì không” không còn bị dè bỉu nữa, bây giờ nó cũng đủ kiểu dài có, ngắn có.
Mẹ tôi xưa thường chê “dấp da dấp
dính như váy ba bức”, tôi dám chắc cả đời cụ chưa bao giờ trông thấy cái váy ba
bức của ta, tôi cũng thế. Nhưng tôi biết Tây phương cũng có váy ba bức, nó
không “dấp dính” mà lại có phần hở hang theo bước chân đi. Mẹ tôi còn nói “Váy
dài thì ăn mắm thối, váy ngắn đến đầu gối thì ăn mắm thơm”, các cô mặc “mini”
cũn cỡn mà được nghe câu này thì sướng rơn, vừa được khoe đôi chân đẹp (nếu quả
thật chân dài và thẳng) lại vừa được tiếng là nội trợ đảm đang, không màng đến
điểm trang váy dài quét đất.
Tôi đã đi một vòng từ Đông sang Tây rồi
lại từ Tây về Đông, đã mắt thấy tai nghe nhiều sự lạ. Hơn năm mươi năm trước,
khi sang Pháp, tôi chưa hề nghĩ tới chuyện hội nhập, cũng chưa từng nghe tới
hai từ này. Sang Pháp chỉ để biết một xứ la, học những môn nước mình còn yếu
kém, tôi sẵn sàng chấp nhận và cố gắng theo những phong tục mới lạ để hòa đồng.
Lâu dần nhập tâm, thành phản ứng tự nhiên: không nói cười quá ồn ào, ăn uống
không gây tiếng động… Bây giờ về đây tôi phải học quên dần những cung cách đó.
Người Việt tính ưa thân thiện và xuề xòa, không tránh né hỏi tuổi người mới
quen, không ngại hỏi họ kiếm được bao nhiêu tiền… Hội nhập “một chăm phần chăm”
thì có lẽ chưa chắc nhưng tôi có lý do để yên tâm : Khi mới ở Pháp về chưa được
một tháng, tôi dẫn người bạn Pháp đi mua quần áo, cô bán hàng chào mời tôi :”Bác
mua cái áo này đi, bác mặc nó vào đảm bảo bác giống hệt Việt kiều” !
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Hà Nội tháng 12-2008
Nguồn: Chim Việt Cành Nam
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment