XE, PHÁO, MÃ
Ba
đứa chúng nó tự phong cho mình là ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, nhưng bà con
làng trên, xóm dưới chỉ thân mật gọi đùa chúng là bộ ba Xe, Pháo, Mã.
Chúng
nó không phải là bạn nối khố từ lúc nhỏ, chỉ làm bạn với nhau từ tuổi mười bốn,
mười lăm, theo gia đình từ thành phố về quê kiếm đất làm nông, thằng Mã từ Ðà Lạt
xuống, thằng Pháo từ Sài Gòn ra, còn thằng Xe từ xứ Huế vô, nhưng rất hợp và
thân nhau như anh em một nhà. Không như bọn trẻ mới lớn vùng quê này, tập hút
thuốc, uống rượu, theo gái, ba thằng Xe, Pháo, Mã học đàn, tập làm thơ, viết
văn dù học vấn cả ba chưa đứa nào qua hết lớp mười hai, cuối tuần chúng còn đạp
xe cộc cạch hàng mười mấy cây số để học Anh văn, thứ ngôn ngữ mà thời điễm đó,
nhà nước còn cấm vì cho là thứ tiếng thực dân mới, đế quốc Mỹ. Hết văn đến võ,
ba đứa thi nhau học võ, tập tạ dù ăn Sắn khoai nhiều hơn cơm gạo. Ði đâu hay
làm gì, dân làng cũng thấy ba đứa đi chung, làm chung nên mới đặt tên, gọi
chúng là Xe, Pháo, Mã nhiều hơn gọi tên thật của chúng.
Ba
đứa cùng học đàn miễn phí tại nhà anh Giai mù, lính Tâm Lý Chiến, bù lại chúng
nó cùng giúp vợ con anh Giai trong việc ruộng rẫy. Không nhà nào có sách vở mà
không bị ba đứa tụi nó năn nỉ, làm phiền để mượn sách, bất cứ loại sách gì. Còn
việc ruộng rẫy của ba nhà, chúng nó đều làm chung, hết cuốc đất nhà này, lại
quay qua trồng khoai nhà khác. Những lúc rãnh rỗi, chúng nó bàn luận, mơ mộng
cao vời việc Văn Võ Song Toàn, Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ bất cứ
nơi nào, khi ngủ chúng cũng mang theo vào giấc ngủ những anh hùng Ðông Tây,
bóng dáng các nhân vật của các nhà văn cả Tư Bản lẫn Cộng Sản. Cha mẹ thấy ba đứa
thân nhau qúa, rù rì chuyện trò, cười rúc rích đêm ngày đâm lo ngại, sợ chúng
biến thành “Bê-Ðê”, nên kiếm cách tách rời, la mắng, nhưng vài ngày sau lại thấy
chúng nó trốn gặp nhau đành thôi. Bọn con gái, con trai trong làng xã chê ba đứa
là dỡ hơi, không thèm chơi với chúng, dù ba đứa đẹp trai, trắng trẻo, biết nhiều,
đàn hay, hát giỏi hơn bọn con trai cùng lứa. Ðến tuổi trưởng thành, Xe, Pháo,
Mã ba đứa đèo nhau trên xe đạp cùng đi kiếm bạn gái cho mỗi đứa, nhưng chỉ có
thằng Pháo to con là kiếm được vợ.
Ngày
mộng mơ chưa hết, đêm chiến tranh đã đến. Cả ba đứa đều nhận được giấy đăng ký
nghĩa vụ quân sự, rồi khám sức khỏe. Thật khó quên ngày ba đứa trần truồng, sắp
hàng cùng đám con trai tồng ngồng của xã, trong phòng xã đội. Ðứa nào mặt cũng
đỏ gay bẻn lẻn, im thin thít, cúi xuống chỗng mông, quay qua, nhích lại những động
tác thật khó coi, để cho một nữ bộ đội “sồn sồn” tay cầm thước nâng nâng mấy thằng
nhỏ khám xét. Cả bộ ba Xe, Pháo, Mã đều trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đi
Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế.
Từ
trước đến nay, bất cứ việc gì cả ba cũng đồng lòng một ý, nhưng lần này thì lại
khác. Thằng Xe khuyên hai thằng kia cùng đi trốn, nó đưa ra nhiều lý lẽ vô lý của
cái gọi là nghĩa vụ quốc tế, của các nước anh em cộng sản, môi hở răng lạnh. Kể
cả dẫn chứng hậu qủa là lớp thanh niên đàn anh đi qua Campuchia trước, kẻ chết
nhưng không, người về cụt chân vì mìn Cóc và bao nhiêu là mất tích. Thằng Mã ruột
ngay nhất định không theo, quyết đi cho biết đó biết đây, thỏa chí tang bồng, với
lại chán cảnh cuốc đất, bốc khoai hàng ngày, thà da ngựa bọc thây chứ không chịu
trốn chui chỗ này, trốn nhủi nơi khác, nhục nhã. Thằng Pháo mới cưới vợ kẹt gí ở
giữa, nữa muốn đi, nữa muốn trốn.
Ủy
ban nhân dân xã qua kinh nghiệm những đợt tiển quân đợt trước, như đã đoán được
ý trốn nghĩa vụ quân sự của đám thanh niên trong xã, nên đã ra một lịnh chết
người là thanh niên nào trốn, sẽ tịch thu ruộng rẫy của gia đình người đó. Số
là từ khi các Hợp Tác Xã Nông Nghiệp tan hàng, rã gánh, tất cả ruộng rẫy được
chia bình quân theo đầu người của mỗi hộ gia đình. Các hộ nông dân nhận đất làm
ăn khoán, mặc làm sao thì làm, cuối vụ nộp đủ chỉ tiêu là được, cứ như nông dân
mướn ruộng đất của nhà nước vậy. Nông dân sống nhờ đất, nay nghe lịnh lấy lại đất
thì chỉ có từ bị thương tới chết.
Ðêm
trước ngày lên đường, sau bữa tiệc chia tay, thằng Xe biến mất khỏi thôn xã dưới
những cặp mắt canh chừng của du kích, xã đội. Thằng Pháo sợ mất đất, hết còn
phân vân, đành để vợ trẻ ở lại làm dâu nuôi cha mẹ gìa. Tàn tiệc nó khóc sướt,
say mèm, phải dìu mới về với vợ được. Thằng Mã uống say, đá chân vào tường, lần
đầu tiên bất cần đời, chữi tục một câu trước bàn dân thiên hạ rồi lững thững về
nhà dưới trời đầy sao.
Trời
sáng, trước sân ủy ban xã hai chiếc xe treo đầy biểu ngữ, cờ quạt đỏ rực bị bao
vây bỡi người đi kẻ tiễn.Thằng Mã lên xe ngồi, không ló đầu nhìn ra cửa xe,
không nói một lời tiễn biệt. Thằng Pháo bịn rịn chia tay vợ trẻ, cha mẹ gìa ở
nhà rồi lật đật chạy ra ủy ban thiếu điều trễ xe. Còn thằng Xe thì vẫn mất tăm,
bị tụi du kích, xã đội lùng kiếm, chữi rũa vang trời. Từ thằng tép riu du kích
cho đến ông chủ tịch xã, ai cũng chữi thằng Xe thấy vậy mà tệ qúa, thà nó chịu
tiễn lên tới huyện rồi trốn mấy lần cũng được, đằng này nó làm xã nhà mất bằng
khen đạt chỉ tiêu của trên giao.
Từ
đó ba thằng Xe, Pháo, Mã không còn kỷ niệm chung nào thời mới lớn đầy mộng mơ nữa.
Trong
ba thằng ra đi, thằng Mã là thằng về làng trước nhất. Qua Campuchia để được từng
trãi kinh nghiệm trận mạc, nhưng thằng Mã chưa một lần được đánh trận. Chỉ đóng
quân ru rú một chỗ, thỉnh thoảng theo đám bộ đội đàn anh xuống làng chơi bời,
chọc gái. Có lần trên đường đi chơi về bị bọn tàn quân Pôn-Pốt phục bắn, cả đám
ôm súng bỏ chạy có cờ. Ðám tàn quân Pôn-Pốt chỉ có dám đánh lén, chứ nghe bộ đội
Việt Nam hành quân tới đâu là chúng trốn tới đó, ngay cả bộ đội và người dân
Campuchia cũng sợ bộ đội Việt Nam. Vì vậy thằng Mã chưa được đánh trận nào mà
phải trở về Việt Nam, không phải hết chiến tranh hay mãn hạn gì, mà là một lần
đóng quân, ngủ trong rừng, nữa đêm nó mò ra đi tiểu đạp trúng mìn Cóc, bỏ một
bàn chân phải lại đất Campuchia. Sau nhiều tháng điều trị, nó về làng không
kèn, không trống với một mảnh bằng thương binh, cùng bàn chân gỗ, kèm cây nạn
nhôm. Mộng phỉ chí dọc ngang không thành, thằng Mã đâm hận đời sinh ra rượu chè
say sưa. Hể chỗ nào có sòng nhậu là nó lết cái chân gỗ đến xin giúp vui, nhậu
ké. Cũng như lần tiệc rượu tiễn chân ngày lên đường, mỗi khi nhậu say nó đứng
lên đá chân vào tường chữi đổng, nhưng lần ra đi nó đá chân thật, còn bây gìơ
đá chân vào tường là bàn chân gỉa của nó kêu lên cái “cốc”, rồi xoay ngược mũi
chân ra sau làm cả bàn nhậu cười ré lên. Nó đau lòng vì tiếng cười nên hay sinh
sự, riết không ai dám nhậu với nó nữa. Sau này người ta thường thấy thằng Mã
tháo bàn chân gỗ, đặt lên mặt bàn ngồi nhậu, chuyện trò với bàn chân.
Thằng
Pháo đóng quân ở Campuchia, nhận được thư trước của vợ báo là có thai, chưa kịp
gởi thư mừng hồi đáp thì thư sau của vợ tin rằng hư thai. Vợ thằng Pháo có thai
mấy tháng, ngày ngày lội sình, lội nước qúa thắt lưng làm ruộng, bị nhiễm trùng
nên con chết trong bụng mà không hay, đến khi đau bụng qúa chở đến nhà thương,
mới biết là con mình chết đã lâu. Nhà thương trục cái thai ra, đó là một thằng
bé tí xíu, nằm còng queo, nhăn nheo chết đã đen thui, đen thủi. Vợ thằng Pháo
đem con về chôn dưới gốc cây chùm ruột, cạnh cửa sổ phòng ngủ của hai vợ chồng,
làm cái mộ thật nhỏ, không tên không tuổi, phải nhìn kỷ mới thấy được. Từ đó vợ
thằng Pháo cứ bịnh hoài lại vừa làm dâu không chồng, không con hơn ba năm. Thằng
Pháo mãn hạn về, không một thương tích, chỉ có bịnh sốt rét lâu lâu tái phát.
Thật kỳ cục khi hai vợ chồng đều bịnh, nhưng cứ sinh con năm một, năm đứa, đứa
thôi nôi lôi đứa đầy tháng. Nhà nó trở nên nghèo nhất làng nghèo. Nhân lúc xã
đang phát động phong trào kế hoạch hóa gia đình, đàn ông cắt thiến, đàn bà cột
treo thì được bồi dưỡng bốn chục ký lúa và thưỡng hai chục ngàn đồng, hai vợ chồng
thằng Pháo bàn tính để nó đi thiến kiếm tiền, kiếm lúa nuôi con. Từ ngày thằng
Pháo bị thiến, đâm đổi tính thất thường, la con mắng vợ. Rồi một ngày nó nằm
lăn ra bịnh liệt giường, chằng có thuốc men gì, bụng và chân cứ mỗi ngày mỗi
sưng to ra. Qúa đau đớn nó chỉ mong chết sớm cho đỡ khổ gia đình, nhưng gia
đình, bà con xóm giềng không chịu nên mới khiên nó vào chùa nằm chửa thuốc Nam
miễn phí. Thằng Pháo thoát chết nhờ gặp thầy, hợp thuốc nhưng chân tay yếu ớt
không còn làm việc nặng được. Ðể tạ ơn chùa, công thầy cứu mạng, nó xin ở lại
trong chùa làm công qủa.
Thằng
Xe lên thành phố, trốn trong nhà ông em của ông ngoại nó. Trong nhà ông em của
ông ngoại nó có một góc xép trên nóc cầu tiêu, chiều ngang một mét, chiều dài
hai mét, cao một mét. Cái hốc này dùng để chứa đồ linh tinh, phế thải, nay được
sắp xếp đồ đạt chung quanh để trống ở giữa làm ổ ngủ cho nó, vào ổ chỉ có ngồi
hoặc nằm chứ không đứng được. Cái cửa để chui vào, chui ra ổ là một bao trái
bông gòn khô, còn nguyên vỏ và hột, không hiểu sao ở thành phố mà cũng có trái
bông gòn khô. Vách che cái ổ ngủ của nó là những bao áo quần cũ, nồi nêu, thùng
hộp, sắt thép lỉnh kỉnh bụi bặm chẳng ai muốn dính tay vào. Nó phải tập leo
lên, tụt xuống cho thật nhanh và luôn quanh quẩn gần đó như chuột ăn quanh miệng
hang, để chui vào nếu có công an xét nhà đột xuất. Bạn của nó và kẻ thù của thằng
Xe lúc đó chính là những con chuột nhắt tinh ranh. Ban ngày thằng Xe loay hoay
tìm bắt, làm quen với những con chuột nhắt chạy quanh ổ nằm, nhưng chưa lần nào
bắt được chuột vì sợ làm sập ổ nằm. Còn ban đêm thì đám chuột rình mò, chờ nó
ngủ say là xông vào cắn ngón chân, có lẽ vì nó đã chiếm chỗ của những con chuột
này chăng. Sau này phần để tránh chuột cắn ngón chân, phần để kiếm ăn, ban đêm
nó mượn xe đạp trong nhà, ra bến xe hay nhà ga làm nghề đạp xe thồ hoặc làm nghề
bốc vác, còn ban ngày chui vào ổ ngủ vùi.
Năm
sau thằng Xe theo đám bạn cũng trốn nghĩa vụ, vào vùng đang xây đập thủy điện
Trị An, làm nghề cưa gỗ lậu ở lòng hồ. Một con đường đất bụi mịn như phấn đỏ, dầy
cả gang tay vì xe tải qua lại nhiều. Theo con đường dài hàng mấy chục cây số,
qua con sông La Ngà là làng cưa gỗ lậu ven rừng. Nói là làng nhưng chỉ hơn chục
mái nhà tranh, đều là hàng quán, chủ chứa gái hết thời, và mươi căn láng bằng
tre nứa để dân lậu ngủ khi chuẩn bị vào rừng hay khi từ rừng ra. Dân làng này
là dân anh chị tứ chiến giang hồ, cánh chị em bán thân nuôi miệng, là hàng tá bọn
con nít không quần và đám hạ dân cùi không sợ lở. Mười người dân ở đây thì mười
một người bi sốt rét thâm niên. Có người mỗi ngày sốt nóng lạnh một lần, có người
vài lần một ngày. Lại có người thì sốt cách nhật đều đều, ngày lên cơn, ngày
không, tháng này qua năm nọ khỏi có thuốc chữa, rồi một hôm ngủ không thấy thức
dậy. Sau cơn sốt họ trở dậy cưa gỗ, ăn nhậu, chơi gái, đánh bài, đánh lộn. Thằng
Xe trước khi vào làng đã uống một nắm thuốc ngừa sốt rét, vậy mà chỉ tuần sau
nó bị cái bịnh sốt cách nhật này, ai bị bịnh sốt cách nhật thì không dễ chết
như những bịnh sốt khác, nhưng cũng khó mà chữa cho lành hẳn. Dân lậu làng này,
người nào người nấy đều ốm dơ xương, mặt choắt, da vàng như nghệ, bụng ỏng vì
sưng gan. Ðám công an, bộ đội cũng chừa cái làng này ra, không bao gìơ vào tra
xét hộ khẩu, phần dân làng lậu này chả có cái gì ngoài cái liều mạng.
Cánh
rừng hàng ngàn Hécta, sau này sẽ chìm sâu vào làn nước được các công ty, các
ông chủ mới khai thác cây to, gỗ qúy, khai thác vô tội vạ ra khỏi lòng hồ,
thoái mái khai thác vô tới rừng cấm. Ðám dân lậu cùng vào rừng cưa lậu gỗ
Hương, gỗ Trắc với người của các quan, các công ty. Người của các quan và các
công ty chở hàng đoàn xe gỗ ngang nhiên trên đường thì không sao, nhưng mấy
khúc gỗ đèo trên chiếc xe đạp thồ của dân thì phải đi lén lút trong rừng để
tránh Kiểm Lâm kiếm ăn. Có khi gạo cơm thức ăn mang vào rừng hàng nữa tháng trời,
tìm cây, cưa kéo, chịu cho muỗi vắt hút máu, gánh bao gian lao mới đem ra bờ
sông được mấy khúc gỗ, vậy mà bị kiễm lâm tịch thu thì trắng tay. Nhưng dân cưa
gỗ lậu không còn đường nào để chọn, vả lại dân làng này rất kiên trì nên thua
keo này, bày keo khác.
Có
lần sốt nóng qúa cao, hai mắt thằng Xe sưng đỏ cả tháng trời, người ta nói nó bị
đỏ mắt mà gặp đàn bà, con gái có kinh nên mới nỗ mắt như vậy. Không biết thực
hư thế nào nhưng nhỏ thuốc gì cũng không lành, ai chỉ nhỏ gì, nó đều thử, kể cả
nhỏ trụ sinh vào mắt. Lần cuối nó nghe lời người ta nhỏ nước vôi vào mắt, thì
nó hết còn thấy đường. Người ta khiên nó vào bịnh viện, chỉ cứu được một con mắt,
còn con mắt phải thì màng mây kéo che trắng dã phải móc ra. Bác sĩ nói nếu
không chịu lấy con mắt hư ra, sẽ lây qua con mắt lành, nó đành chấp nhận trở
thành thằng chột. Thằng Xe ở làng này, cưa gỗ lậu được mấy năm thì nước ngập
nên bỏ nghề về quê.
Sau
này ba thằng cũng thường họp mặt chuyện trò như thời mới lớn, nhưng không bao
gìơ chúng nhắc đến chuyện ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ với mộng lấp biển, vá trời.
Riêng dân làng vẫn gọi chúng là bộ ba Xe, Pháo, Mã, dù bây gìơ chúng nó chỉ là
Xe chột, Pháo liệt, Mã què.
Phước
An
304Đen
Llttm - OVV
No comments:
Post a Comment