Monday, March 18, 2024

Bên Kia Thu Ở Đây Hạ - Thuyên Huy

 Bên Kia Thu Ở Đây Hạ

 












Bên kia đã vào Thu

Ở đây chưa tàn Hạ

Thu vàng lá thẩn thờ

Hạ phượng rơi tơi tả

 

Anh lặng lẽ chốn này

Em một mình nơi đó

Sầu chất ngất mắt cay

Buồn vương hồn lối cũ

 

Thu bên kia mờ sương

Hạ ở đây thôi nắng

Em hiu hắt cuối đường

Anh như dòng sông cạn

 

Ở đây phượng thôi hồng

Bên kia vàng lá chết

Em quạnh quẽ cô phòng

Anh nửa đời trăng khuyết

 

Em còn giữ mùa thu

Những mùa thu ngày cũ

Đường nhạt nhòa sương mù

Tóc huyền buông dáng nhỏ

 

Sông cạn không con đò

Anh là người khách lỡ

Trăm năm cứ vẫn chờ

Chờ giọt mưa lệ nhớ

 

Thuyên Huy

Con Dế Lửa- Thái Phiên

Con Dế Lửa




 

Đá dế là trò chơi gắn liền với thời thơ ấu của bất cứ đứa con trai nào. Bọn trẻ thường nhốt dế trong hộp diêm, thức ăn cho dế là những nhánh cỏ non tơ nhất. Trước khi cho dế ra trận, chúng bứt tóc buộc chân dế rồi quay tít. Dế quay mòng mòng, chóng mặt nên nổi khùng, vào trận là xông lên “liều mình như chiến sĩ giác đấu”.

Lợi sứt là thằng “trùm sò” nổi tiếng trong lớp tôi. Lúc nào nó cũng nghĩ đến chuyện “thu vén cá nhân”. Đứa nào nhờ chuyện gì nó cũng làm, nhưng phải trả công nó đàng hoàng. Nó ra giá nghiêm chỉnh. Chép bài giùm là hai viên bi. Giữ dép trong giờ chơi thì một viên. Lợi sứt làm giàu bằng cách đó.

Vậy mà một hôm tình cờ bắt được con dế lửa, Lợi sứt quý lắm, ai đổi gì cũng không đổi. Tụi bạn gạ đổi mười viên bi, hai chục viên bi, Lợi sứt vẫn từ chối. Tôi nhịn ăn sáng một tuần, đem bảy đồng bạc năn nỉ nó bán con dế lửa cho tôi, nó vẫn nghênh nghênh lắc đầu thấy ghét.

Dế lửa có màu đỏ, nhỏ con hơn dế than nhưng đánh nhau không ai bì. Trong chiến trận, dế lửa nổi tiếng lì đòn. Dế lửa có hàm răng rất khỏe, có thể cắn đứt chân những con dế than to gấp đôi nó. Nhiều chú dế than chỉ mới thấy dế lửa phồng cánh gáy một tràng “rét re re”, chưa đánh đấm gì đã quay đầu bỏ chạy, lấy cọng cỏ cứng lùa thế nào cũng không chịu quay lại “võ đài”.

Tụi bạn trong lớp không gạ đổi được con dế lửa của Lợi sứt, đâm ra ghét nó. Đứa nào cũng muốn làm Lợi sứt bẽ mặt, ít nhất một lần. Nhưng không con dế nào thắng được con dế lửa của Lợi sứt. Muốn thắng được Lợi sứt, phải kiếm được một con dế lửa thứ hai, chiến hơn, lì hơn, ngon hơn. Nhưng không thể đào đâu ra. Dế lửa là thứ “cao thủ” quý hiếm, lâu lâu mới thấy “ra giang hồ” một con. Bờ thửa, đụn cát toàn dế than, dế nhũi, dế mọi, dế cơm.

Thằng Bảo móm bèn nghĩ mẹo. Đang ngồi trong lớp, nó thình lình thò tay tóm lấy túi quần Lợi sứt, nó cầm hộp diêm nhốt dế qua lớp vải, lắc qua lắc lại thật mạnh. Nó xốc vài lần, con dế lửa nổi quạu, gáy inh ỏi.

Thầy Phu đang chép bài trên bảng, nghe dế gáy ầm ĩ trong lớp, giận dữ quay xuống. Nhìn bộ mặt xanh lè xanh lét của Lợi sứt, thầy đoán ra ngay thủ phạm. Một phút sau, hộp dế của Lợi sứt đã nằm trên bàn thầy trước ánh mắt hả hê của tụi bạn.

(Cricket Insect Clipart)

Tai họa của Lợi sứt chưa dừng lại ở đó. Lợi sứt chắc mẩm sau buổi học, thế nào thầy Phu cũng trả lại hộp dế cho nó. Thầy Phu cũng có ý đó thật. Nhưng đến khi tiếng trống tan trường vang lên, thầy tìm hoài không thấy hộp dế dâu. Đến khi thầy sực nhớ ra, nhấc chiếc cặp to đùng lên, hộp diêm của Lợi sứt đã bị đè xẹp lép từ đời nào.

Lợi sứt khóc rưng rức khi đón cái hộp diêm méo mó từ tay thầy. Tôi nhớ gương mặt thầy Phu lúc đó trông áy náy ghê lắm, thầy có xin lỗi đứa học trò nhưng Lợi sứt không nghe thấy. Nó mải khóc, cặp mắt đỏ hoe, nước mắt nước mũi chảy thành dòng.

Tất cả bọn tôi đều thấy lòng chùng xuống. Chẳng đứa nào sung sướng vì “trả thù” được Lợi sứt nữa. Chẳng ai muốn thấy một “cao thủ dế” qua đời bằng cách đó. Bọn tôi chỉ ghét Lợi sứt thôi chứ không ghét con dế lửa của nó. Mà ngay cả Lợi sứt, khi nhìn thấy nó khóc như mưa bấc, bọn tôi cũng tan nát cõi lòng, chẳng còn tâm trạng nào mà ghét nó nữa.

Lợi sứt chôn chú dế lửa dưới gốc cây bời lời sau vườn nhà nó. Nó đặt chú dế thân yêu vào hộp các-tông rồi kiếm một tờ báo có in màu bọc lại, buộc quanh bằng những sợi lá chuối tước mảnh. Đám tang chú dế, bọn tôi đều có mặt, im lìm, buồn bã, trang nghiêm.

Không biết nghe đứa nào báo mà thầy Phu cũng đến. Thầy chắp hai tay sau lưng, lặng lẽ đứng nhìn Lợi sứt cử hành tang lễ cho chú dế.Tôi cầm cuốc phụ Lợi sứt đào đất. Tôi cố đào cho thật sâu và vuông vức.Khi Lợi sứt đặt chiếc hộp các-tông vào hố, cặm cụi sửa sang cho chiếc hộp nằm ngay ngắn, cả bọn xúm vào ném từng hòn sỏi nhặt được chung quanh lên quan tài của chú dế rồi thi nhau lấp đất cho thật đầy.

Khi ngôi mộ của chú dế đã vun cao, Lợi sứt cắm lên đó những nhánh cỏ tươi rồi như không kềm được, nó bật khóc nức nở. Tới lúc đó, thầy Phu không đứng bất động chắp tay sau lưng nữa.
Thầy bước tới một bước và đưa tay ra, bấy giờ bọn tôi mới biết nãy giờ thầy vẫn giấu sau lưng một vòng hoa kết bằng những bông hoa tim tím.
Thầy bùi ngùi đặt vòng hoa lên mộ chú dế, rồi xoa tay lên mái tóc bù xù như tổ quạ của Lợi sứt, thầy buồn buồn nói: “Đừng giận thầy nghe con”.

Thầy Phu bây giờ đã qua đời, Lợi sứt đã rất lâu tôi chưa gặp lại dù lần nào về quê tôi cũng đi tìm nó. Nghe nói nó đã đi lập nghiệp phương xa. Cuộc sống bao nhiêu chuyện chất chồng, bề bộn, tôi tưởng đã quên bẵng nó, cũng như quên bẵng câu chuyện này.
Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang bên cạnh chỗ tôi ngồi…

 

THÁI PHIÊN

Từ trang DĐQGHCUC

  

Nhớ Thương U Minh - Dư Thị Diễm Buồn

 

NHỚ THƯƠNG U-MINH

















Kính tặng anh lính chiến VNCH

Tưởng nhớ phu quân thời lính chiến SĐ21/BB “Sét Miền Tây”

Đêm Tân Uyên thương câu hò Cái Nứa
Cơm lửa rơm, cá kho nghệ vàng tươi
Tháng mười một trắng cành bông so đũa
Cuống mật ngọt ngào đượm thắm bờ môi


Qua Xẻo Muồng nhớ thuốc rê giấy quyến
Chòi lá sơ sài gió tạt mưa xuyên
Thôn xóm tiêu điều trong cơn chinh chiến
Trời tối thui đơm đớm rộ lên đèn

 

Về Mỹ Tho, ghé thăm ngôi trường cũ
Nguyễn Đình Chiểu còn loang vết đạn bom
Sân trường lớp học con đường tình sử
Ngày xanh ơi, những kỷ niệm vui buồn


Đường về ngoại sình lầy mưa sùi sụt
Hồn trũng buồn theo vết tích quê hương
Đón đưa em cổng trường Nông Lâm Súc
Học trò nghèo không giữ được người thương


Sáng Cham-pa, chiều Ya-li, Ái Tử…
Khuya trăng lên, thôn Hòa Hảo êm đềm
Tiếng kinh kệ đưa vào hồn cô lữ
Chợt rời xa những lo lắng ưu phiền


Châu Đốc, Vĩnh Bình, Khe Xanh, Đồng Tháp...
Lội nước quá lưng, rừng, núi... cheo leo
Nắng cháy da dưỡng quân chiều Đá Bạc...
Suối trong veo bát ngát uốn chân đèo


Trời rựng sáng quân về U Minh Thượng
Trú chân “Sư Đoàn Hai Mốt” bản doanh
Mưa nhiệt đới, mây âm u tám hướng
Trùm Pon-sô, màn đen phủ xây thành


Bên nước đục ngọt, bên trong lờ lợ
Bao hiểm nguy đời lính chiến phong sương
Hành trang nặng ba-lô niềm thương nhớ!
Phép thường niên là mơ ước bình thường


Bốn Vùng Chiến Thuật bôn ba xuôi ngược
Yêu quê mình, yêu đời lính bộ binh…
Chiều U Minh con vắt, rừng tràm, đước...
Ôi cố hương, sao quằn nặng thâm tình!

DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email: dtdbuon@hotmail.com

 

 

Thuyền Mây - Hoa Liên

 

THUYỀN MÂY




 

Ngày …tháng…năm

Dòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và cũng không nắng. Từ cửa sổ phòng em nhìn ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

Cứ cho là chúng mình sẽ gặp nhau trong giấc mơ, hoặc là trong tưởng tượng. Nhưng cần thiết gì điều đó. Nơi anh ở hẳn thuộc khu trung tâm thành phố, đông đúc và náo nhiệt? Có đủ hàng quán vui nhộn, khu giải trí, khu học hành, và hẳn có nhiều cỏ xanh? Ở đây, vào mùa nắng cũng như mưa, thế giới bên ngoài khép lại ngoài khung kính. Tất cả thu hẹp lại nơi những vầng mây trắng. Chúng bềnh bồng như bồng, nhẹ như tơ. Mây là con thuyền trôi bên giòng sông trời, trôi đi trong khoảng thời gian vô tận giữa ngày và đêm. Suốt bốn mùa nơi đây không có một tiếng gõ nào khác ngoài nhịp đập cúa trái tim. Không có hình ảnh nào sống động hơn ngoài những đám mây. Có khi nào anh nghĩ rằng, anh sẽ ngồi trên con thuyền ấy trôi qua cửa nhà em, dừng lại và chúng ta gặp nhau?

Ngày.. tháng.. năm

Hôm nay mưa suốt ngày. Mưa xua tan những nhọc mệt, những nỗi ám ảnh. Mưa xua đi những đám mây trắng và em vẫn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ đến đây. Chiếc lá mỏng manh trên cành đã bị gió cuốn phăng rồi. Mưa thật dữ và em nghĩ là em cần có anh. Như cây cần có lá. Đêm cần có lửa. Có lẽ không có gì rửa sạch ô nhiễm bằng mưa và không có gì hơn là ngồi lắng nghe khúc nhạc mưa khi người tình không tới. Anh sẽ đến chứ? Lẽ nào anh không đến khi mà em biết chắc rằng anh đã nhận ra em.

Ngày.. tháng.. năm

Đêm trời tạnh ráo. Đêm trong như một tiếng chuông ngân. Em khó ngủ vì cái chân đau. Đêm nay sao rất nhiều. Có một nơi tinh tú ngự trị nhiều nhất là nơi này đây. Chúng nghịch ngợm xô đẩy nhau. Có ngôi thật sáng. Có ngôi mờ nhạt. Thỉnh thoảng có ngôi bỏ cuộc, lọt vào chỗ em nằm, sao rụng ấy mà.

Em tưởng tượng vì sao rụng ấy là anh.

Ngày.. tháng.. năm

Đêm qua có một vì sao rụng bên gối em nằm. Tỉnh dậy mới hay là con đom đóm ngủ quên. Chiếc lá phiêu lưu lên đến ngọn đỉnh trời kể cho em nghe chuyện bà Tiên có chiếc đũa thần kì. Bà Tiên sẽ chúc phúc cho chúng mình. Nhưng làm sao tới được ngọn đỉnh trời? Đến ngày nào con thuyền Mây chở anh dừng lại bên cửa sổ phòng em? Đến bao giờ thì ngôn ngữ hoàn thiện được tính chất của nó là giao thoa và cảm thông. Đến bao giờ thì tần số của anh bắt được những lời từ trái tim em. Rằng em yêu anh.

Ngày.. tháng.. năm

Khuya nay em thắp hai mươi ngọn nến. Bạn bè tới rất đông với vô số quà. Chúng cười nói, hát hò, đàn guitare những bản cổ điển rồi ôm nhau nhảy. Có hoa tươi và bánh, có rượu và con trai, con gái. Có đủ thứ để người ta vui, người ta thụ hưởng và người ta tỏ tình. Ông hàng xóm có nhã ý tặng chục bông hồng cùng hai cái ampli. Cuộc vui chóng tàn. Giờ thì còn lại em một mình trong căn phòng ngổn ngang li tách, muỗng nĩa, và vỏ chai. Chiếc bánh sinh nhật vẫn còn nửa. Em đứng nhìn khung cảnh này, nhìn rất lâu và thầm nghĩ rằng vì sao không có anh. Anh không đến khác nào ngày không có nắng và đêm thâu không có lửa. Rồi em bước lên phòng. Giờ đây còn lại mình em. Ngoài cửa, cây hoa trạng nguyên mỏng manh và lẻ loi. Đêm nay chưa có vì sao nào rụng. Khuya lắm rồi. Tiếng động và âm nhạc đã rời xa. Bây giờ chỉ còn tiếng sương rơi trên lá trạng nguyên.

Ngày.. tháng.. năm

Đêm qua em nằm mơ. Có phải nhà anh ở bên kia sông? Bao giờ cũng có nắng vàng bên ấy và con thuyền Mây nhớ chở nắng vàng qua sông dùm em nhé. Hôm nay không ai đến, không một tiếng người, và âm nhạc. Chỉ còn em với mảnh trời xanh. Trời xanh trên mái cao. Nhà rộng mênh mông chỉ có một mình em. Có một lúc em nghĩ rằng con thuyền Mây anh phiêu lưu qua bến bờ Đại Tây Dương, phiêu linh lục hải, lưu lạc giang hồ rồi cũng trở về chốn cũ. Anh biết không? Chỗ đẹp nhất cho chúng mình là ngân hà rực rỡ hàng đêm. Con sông Ngân Hà sẽ là nhịp cầu cho chúng mình gặp nhau…

*

Những trang giấy xé ra từ một cuốn sổ, có lẽ là sổ nhật ký, có thể là những lá thư không gởi tôi nhặt được thật tình cờ lúc cúi xuống nhặt mẩu thuốc hút dở rơi vào trong thùng rác. Nó là một thùng carton cũ đã rách, đựng đủ thứ phế thải từ căn gác nghèo nàn. Tôi đến đây lần chót để xem xét và kiểm tra lại các hộ dọn nhà, coi họ còn bỏ sót gì không. Cái có thể gây ra tai nạn cháy nhà. Ví dụ thế. Nét chữ tròn trịa, mềm mại, mực màu xanh. Chữ viết rõ ràng rất đẹp. Những trang ghi chi chít chữ này mà nếu chữ viết xấu hẳn không lôi cuốn ngay sự chú ý của tôi đến thế.

Khu nhà ổ chuột này xuống cấp vì quá tải. Cư dân ở đây sống đủ các nghề: chạy xe ôm, bán hàng xén, thợ thủ công… nhưng phần đông là làm thuê… được lệnh dọn đi tới một nơi khác. Hãng thầu do tôi đứng tên trúng thầu và lần đầu tiên tôi đặt chân lên căn gác của mụ Ba Thêm – người phụ nữ nổi tiếng ở đây vì cách làm ăn mờ ám. Căn gác hẹp, thấp, đầu gần đụng sát mái.

Từ dưới thang gác tiếng chân dậm thình thịch của mụ Ba Thêm bước lên.

– À, giấy của con nhỏ đó. Nó ở đây. Mẹ nó gởi được mấy tháng tiền thuê nhà, rồi biến! Tui phải lo cho nó nữa đấy.

Tôi nhìn ra ngoài ô cửa. Ngoài cửa có một cây thanh mảnh, ít lá. Và trời cao, muốn nhìn cho rõ phải cúi đầu thấp chút nữa – trời trong và xanh – “trong như tiếng chuông ngân!”. Có cái gì mâu thuẫn, tương phản giữa hai sự kiện làm tôi ngây ra một lúc.

Tôi ngắm mụ ta. Với tướng đi, giọng nói của đàn ông, làn da ngăm, trông mụ hợp với vai trò người chủ chứa.

– Cô ta còn đi học à?

– Nghỉ lâu rồi. Nhận đỡ mây tre về đan. Mùa đông móc mũ len, khăn quàng bỏ chợ. Mùa hè bán cóc ổi… Mấy bữa nó học nghề làm móng chân. Có một ông có vợ mê con nhỏ, cho nó tiền đi học nghề. Được ba tháng, mụ vợ cả tới đánh ghen. May con nhỏ không có nhà. Thế là hết! Tui bảo nó hay làm nghề bán quán, bưng phở cho người ta. Nó không nghe. Nó nói, ưng học nghề thợ may mà thiếu tiền. Má nó thì biền biệt.

Tôi băn khoăn tự hỏi, ngày mai khu nhà này dọn đi hết – người ta đã đi phân nửa rồi. Từ sáng sớm đến giờ tiếng xe tải chạy vô ra, tiếng người lên xuống các cầu thang, gọi nhau ơi ới ồn ào. Chỉ có nơi này yên lặng vì nó là ngôi nhà nằm ở cuối khu vực. Cô nhỏ sẽ làm chi để sống.

Từ dưói cầu thang lại vọng lên tiếng chân. Bước chân êm nhẹ, nghe là biết ngay của một cô gái. Tôi nhìn cô chăm chú. Hai mái tóc mai dính vào thái dương, má đỏ au, có lẽ vì vừa đi một chặng đường dài. Cô đẹp. Làn da trắng, tóc đen dài, mũi cao thanh tú, cô lôi cuốn ngay sự chú ý của tôi. Tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng. Cô không nhìn ai, mà hấp tấp bước tới thùng giấy loại.

– Mất rồi! – mụ Ba Thêm vọt miệng – thằng Tí lấy cuốn sổ rồi.

Cô đứng thẳng nguời, hai mắt mở to nhìn mụ. Vẻ như vừa đánh mất một kho báu.

– Trời ơi. Lẽ ra bà cho tui biết để tui rượt theo, đòi lại.

– Chà, ai mà biết. Thấy mi quên, tao tưởng mi vứt… thằng Tí về chép bài, nó nói, giấy trắng còn nhiều.

Cô nhỏ thất vọng. Cúi đầu, không chào ai, cô bỏ xuống thang.

– Nì! Mụ Ba Thêm gọi giật.

– Chi nữa, me? giọng nói cô nghe ráo hoảnh.

– Đây ông ni có lượm mấy tờ giấy. Ông lượm trong sọt rác.

Cô chợt nhận thức sự có mặt của tôi. Cô bối rối. Tôi vội vã mở cặp, đưa cho cô hai tờ. Cô hấp tấp vồ lấy, đôi mắt đen láy vụt sáng. Rồi nhìn tôi với vẻ biết ơn, cô trở gót một lần nữa.

– Rứa là ít. Bữa hôm, nó ghi chi chít một quyển. Má nó tới thăm, chụp xé.

– Xé à? Cô ta có bồ chứ ? Tôi hỏi vô duyên.

– Hờ… tui không biết. Chỉ có ông nớ có vợ, mê như điếu đổ, rồi thôi vì vợ ghen quá… ờ mà con nhỏ đó… nói chung nó cặm cụi trong nhà, ít ra ngoài lắm. Bữa ni đi học nghề làm móng chân, xe cộ rần rần…

Tôi từ giã mụ Ba Thêm, xuống gác.

Có tin được không, trong cái thành phố nhỏ bé này, nửa năm sau tôi mới tìm ra cô. Qua tiệm uốn tóc Phù Dung, được biết cô đã bỏ nghề. Qua mụ Thêm bán phở, cơm bình dân, cô hiện bán cà phê.

Dịp may đến với tôi: một người bạn ở Hà Nội vào, mời tôi uống cã phê – loại đặc biệt – tôi rủ anh đến quán Mưa. Quán này luôn bỏ đèn mờ sau 9 giờ tối với những cô phục vụ xinh đẹp. Không hiểu sao, ở Hà Nội mà bạn tôi cũng biết cô Mưa. Anh đòi gặp cô ngay.

Khó tưởng tượng được đó là cô. Cô mặc chiếc rốp sắc bằng kim tuyến xanh lục hở một khoảng cổ, cho thấy một chiếc giây chuyền lồng mặt ngọc hình trái tim. Làn da cô trắng. Tóc đen chải bồng lên nhưng vẫn để xõa. Mắt đen láy. Bà chủ, thân hình béo phục phịch trong bộ vét can đắt tiền vừa đưa cô đến vừa cười:

– Đây, cô Mưa của quán Mưa.

Cái dáng vẻ thanh xuân, sức sống dồi dào ở làn da mịn, bộ ngực cao và thân hình cân đối. Khung cảnh thích hợp, đèn nửa tối nửa sáng, nhạc nhẹ, rượu ngon. Người ta gọi bia rượu tuỳ thích. Dĩ nhiên bạn tôi uống rượu. Cái đẹp hôm nay của cô Mưa là cái đẹp hoàn thiện của cô Mưa đi chân trần, tóc rối bời, khuôn mặt đỏ gay trong căn gác hẹp và chiếc cầu thang bụi bặm bẩn thỉu đầy rác.

– Một chai nữa nghe? Tiếng Mưa thỏ thẻ bên tai.

Tôi ngồi trơ như phỗng đá, thầm nghĩ bao nhiêu mong đợi của mình, nay gặp một thực tế khác hẳn. Tương tự như sự tương phản giữa trang viết của nhà văn và cuộc đời. Tàn nhẫn đến thế ư?

Khuya lắm tôi mới đưa được anh bạn si tình ra khỏi quán. Dọc đường về khách sạn, tôi kể cho anh nghe chuyện tôi gặp Mưa, mấy tháng trời dò tìm tông tích cô.

– Đến bây giờ, anh vẫn chưa vợ chứ gì? Bạn tôi hét vào tai tôi.

Làm sao có thể nói cho bạn tôi biết ngay từ những trang viết của Mưa và sau đó gặp cô tôi đã yêu cô?

Gió bão cuộc đời đã cuốn phăng chiếc lá trạng nguyên qua những bến bờ nào? Con thuyền Mây là anh đã ghé bến mà em có còn là cô gái ấy? Làm sao có thể thấy được sao rụng vào gối – con đom đóm ngủ quên. Những lúc mệt mỏi tôi dở lại trang viết của cô (tôi đã giấu đi một tờ ), tưởng như đọc được tâm hồn cô. Ở một nơi như thế, lại có được một trái tim trong trắng. Chỉ với sự thuần phác ngây thơ, người ta mới thấy được trời vẫn luôn luôn xanh, và con thuyền mây vẫn chở nắng vàng qua bên kia sông.

Nhiều năm sau tôi mới cưới vợ, vẫn cất giữ trang viết và hình ảnh cô trong đáy tim. Phải chỉ với trái tim, nghệ thuật mới khởi đầu và sáng tạo giúp con người phục sinh. Mưa là một kẻ sáng tạo và cho đến bây giờ – trong đáy lòng tôi thì cô vẫn chỉ là cô.

Hoa Liên

Huế 20/3/99.

304Đen – Llttm- ovv

 

Friday, March 15, 2024

Hương Xưa - Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 142_VƯỜN THƠ MỚI

Xướng:



















Vạt nắng chiều phai, nhạt khắp nơi

Chim trời từng cặp lượn chung đôi
Xa xa tuyết trắng giăng triền núi
Thấp thoáng trăng non khuất đỉnh đồi
Suối chảy cuốn theo bao nỗi nhớ
Câu thề buông thả áng mây trôi
Hương xưa đọng lại trong tiềm thức
Nhắc nhở thêm buồn lạnh tái môi!


Nguyễn Cang

Mar. 02, 2024

Họa 1:

 

Sông chiều

Lục bình hoa nhuộm tím nơi nơi,
Quẩy nước, thiên nga vui sánh đôi.
Mây trắng dịu dàng che góc núi,
Trời hồng lặng lẻ khuất sau đồi.
Đùa trăng, gió lạnh mơn man thổi,
Về bến, thuyền câu lững thững trôi.
Một góc sông quê ngày tháng cũ,
Nhớ về, cay mắt mặn bờ môi.

Minh Tâm

Họa 2:

Đời dân dã

 

Vụ mùa rộnkhắp nơi nơi

Giã gạo canh chầy với cặp đôi

Tắt nắng thong dong về xóm nhỏ

Nghe chim ríu rít ở lưng đồi

Năm năm lam lũ đời dân dã

Tháng tháng cơ bần với nổi trôi

Vận mệnh an bài cho cuộc sống

Sương rơi thấm lạnh ướt vành môi

 

PTL

Mar. 2024

Chú thích:

Vụ mùa thu hoạch lúa vào cuối tháng 11.

Họa 3:

 

Hương xuân

 

Mai vàng nở rộ ở nhiều nơi,

Ẩn hiện ngang trời cánh én đôi.

Nắng ấm mây bay mờ đỉnh núi,

Hương xuân gió thổi ngát nương đồi.

Tao nhân thi tứ chờ hoa tặng,

Lữ khách thuyền thơ mặc suối trôi.

Cảnh đẹp quê nhà ngồi tưởng nhớ,

Thủa còn xanh tóc đỏ hồng môi.

 

Mỹ Ngọc

Mar. 07, 2024.

Họa 4:

 

Tranh thiên nhiên



Hoa Xuân nở rộ khắp muôn nơi

Én liệng trời xanh ngắm đủ đôi

Ngơ ngẩn trần gian dòng suối chảy

Êm đềm mây trắng cuối lưng đồi

Say mê màu sắc thiên nhiên đẹp

Chìm đắm thời gian bọt nước trôi

Thương cảm cuộc đời như bức họa

Đêm qua say giấc rượu mềm môi

 

Hương Lệ Oanh VA

Mar. 09, 2024

 

Tân nhạc:

 

Hương Xưa

Nhạc sĩ: Cung tiếng

Ca sĩ: Duy Trác

 

Bài Hương Xưa được sáng tác năm 1956. Bài hát tặng cho Khuất Duy Trác. Ca sĩ  Duy Trác là người đầu tiên hát bài Hương Xưa và ca khúc này sống mãi với thời gian.

https://www.youtube.com/watch?v=4A2QT8U-QzM

 

Cổ nhạc:

Vọng cố hương

Soạn giả: Viễn Châu

Nghệ sĩ: Thành Được

https://www.youtube.com/watch?v=xYf9SLkzqyM

 

 

 

 

 

 


Viên Ngọc Ẩn - Xuân Đình

VIÊN NGỌC ẨN




 

Ông Tư thấm mệt gác cây cần lên chiếc thuyền nan, ngước mắt nhìn trời, miệng chửi đổng.

Mẹ kiếp! Nắng dữ!  Suốt 3 tháng liền chẳng một giọt mưa.  Cứ cái kiểu này thì làm ăn mẹ gì đây!

Câu cá tràu ở trên con bàu Lâm yên này đã gần hai chục năm, ông tư chắt bóp dè sẻn, tuy không dư dả, nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Đặc biệt năm nay trời hạn mãi, cá tràu chẳng chịu vầy tổ đẻ trứng. Sự tình cứ như thế này, ông không biết đào đâu ra tiền gạo nuôi đàn con nheo nhóc và bà vợ ốm đau mãi ấy! Ông Tư cảm thấy
mệt mỏi rã rời nghĩ đến cái cảnh con thơ ngồi trên mui thuyền ngóng mắt chờ cha, vợ đau nằm trong xó xỉnh cầu nguyện cho chồng làm ăn gặp vận. Càng nghĩ ông càng buồn!

Ông chạnh lòng nhớ lại những tháng năm còn sống với bố mẹ. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn cay đắng vì lũ ông mà bố mẹ phải gánh chịu không một lời than thở. Tình
thương ấy cứ gắn mãi trong lòng mỗi người cho đến khi mấy chị đi lấy chồng, ông lấy vợ, ở riêng. Tình mẫu tử thiêng liêng đã thấm mềm trong cơ thịt và với ông, nó như một sợi dây vô hình đã ràng buộc vào con thuyền lênh đênh, vào cái nghề cực khổ này. Bỗng tiếng tù và rúc một hồi dài kéo ông quay về thực tại.
Con vịt mồi nằm trên sạp gỗ trố cặp mắt ráo hoảnh nhìn sang ông. Cây cần câu lưỡi vẫn buộc chặt trên thân. Ông thầm nghĩ: không lẽ hôm nay chẳng hơn gì hôm
qua sao!

Mặt trời đã tròn bóng. Tiếng mái chèo lại bắt đầu khua bì bõm, lau lách trên mép bờ bàu. Cứ thế con xuồng lấn dần những gần cây số đường nước mà vẫn chưa
bói ra mẻ nào! Bất chợt từ phía bên kia đám lùng, một cái vẫy ầm toé nước. Ông khấp khởi mừng thầm, lao nhanh xuống tới. Quả đúng như dự đoán. Một tổ cá vầy trong bụi cỏ to hơn chiếc nón. Trứng trắng đã ngả màu đen xạm dàn trải lên lớp màn đục. Ông đoán chắc là chúng sắp nở con. Cái nghề sống gần hai mươi năm ấy đã dạy ông biết chắc một điều: trứng sắp nở, bố mẹ nó sẽ tợn hơn nhiều, bất chấp cái chết để bảo vệ cho bằng được đàn con ra đời. Lòng ông rộn niềm vui. Tay ông buộc vịt, tra mồi mà đầu ông mải nghĩ đến cuộc đọ sức tuy không cân xứng về lực, nhưng tài mưu lược đôi bên có lẽ ngang tầm. Ông buột miệng quả quyết kêu lên: “Tao sẽ thắng vì lũ con tao đang cần chúng mày!”.

Quả thực ông Tư đã thắng! Hai con cá tràu nằm sườn sượt trong lòng xuồng. Chốc chốc chúng ngoi đầu lên, vẫy đuôi đành đạch như cố tìm đường tẩu thoát để về với lũ con sắp ra đời của chúng, nhưng bất lực…

Ngôi nhìn cặp cá, ông Tư sắp sẵn trong đầu: một con bán đi lấy tiền đong gạo. Con cá mẹ lớn hơn làm thịt nấu cháo cho lũ con đánh bữa đỡ lòng qua những ngày đói khát. Sự dự tính tưởng chắc như cơm vào miệng. Ai ngờ, con cá đã trút hết vảy để lộ cái thân hình nõn nà, bà Tư sơ ý, đánh rơi xuống bàu, lẩn mất tăm.

Cơ sự đã thế ấy, hai vợ chồng và lũ con ông ngồi sững sờ nhìn nhau! Chết điếng!

Sáng hôm sau khi ông mặt trời thức dậy, như thường lệ, ông Tư tu một bát nước chè hầm, cho cần và vịt mồi vào xuồng rồi lướt sóng ra đi. Ông gặp tổ cá sớm hơn hôm qua. Trước mắt ông cái tổ con đen sạm cũng chỗ ấy, hôm qua, một con cá tràu thân trắng tợ bông đang lững lờ bơi qua bơi lại. Mắt ông hoa lên, ông dụi tay xem lại. Bất chợt ông thảng thốt kêu lên: “Chính nó rồi!”. Trời ơi! Vượt mấy cây số đường nước với cái hình hài trơ trụi thế kia mà nó vẫn cố tìm về. Và về kịp, lúc những chấm cá tràu bắt đầu hiện li ti trên mặt nước.

Lòng ông bàng hoàng! Tay chân bủn rủn! Không còn ham muốn gì nữa, ông đành quay xuồng lặng lẽ trở về…

Từ đó, trên cái bàu Lâm Yên này, không còn ai thấy bóng dáng con thuyền của gia đình ông Tư đỗ ở đấy nữa….

Xuân Đình

304Đen – llttm - ovv