Saturday, August 29, 2015

Ký Giả Nằm Vùng - Tạ Quang Khôi



KÝ GIẢ NẰM VÙNG
 


 

    Tôi không biết chắc miền Nam trước 30 tháng 4/1975 có bao nhiêu ký giả nằm vùng cho cộng sản, tôi chỉ nhớ có mấy người. Có người tôi quen thân, cũng có người tôi chỉ gặp một vài lần mà không quen.

Người tôi quen thân nhất là Nguyễn Ngọc Lương vì Lương cùng làm đài phát thanh Saigon với tôi nhiều năm, lại cùng quê Nam Ðịnh. Lương ở Hải Hậu, tôi ở ngay tỉnh lỵ. Vì tình đồng hương, chúng tôi dễ thân nhau.
Hồi mới gặp Lương, tôi không ngờ ông lại là một cán bộ cộng sản được gài vào Nam theo cuộc di cư năm 1954. Ông có vẻ nhà quê và ít hiểu biết. Vào cuối thập niên 1950, thuốc chữa bệnh lao phổi rất hiệu nghiệm là Streptomycine, thế mà Lương không biết. Khi tôi sang thăm ông bên Thị Nghè, thấy ông gầy và xanh xao. Tôi ngạc nhiên hỏi ông có ốm đau gì không, thì ông cho biết bị lao phổi và đang uống thuốc Bắc. Tôi rất ngạc nhiên về sự kém hiểu biết của ông. Vậy mà cũng là biên tập viên phòng bình luận đài phát thanh Saigon. Tôi liền nói :
“Trời ơi, sao cậu lại uống thuốc Bắc ? Cậu phải đi bác sĩ hoặc vào nhà thương ngay. Thuốc Bắc làm sao chữa được ho lao.”

Quả nhiên sau một thời gian nằm bệnh viện Saint Paul, Lương khỏi bệnh. Con người như thế, ai có thể ngờ là một cán bộ cộng sản nằm vùng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông bị công an bắt. Không phải một lần mà nhiều lần. Tôi không hiểu sao công an bắt rồi thả mà không giam giữ luôn trong tù hoặc đưa ra tòa nếu biết chắc ông hoạt động cho cộng sản ? Không những thế, ông tổng giám đốc Nha Vô Tuyến Truyến Thanh còn vào khám thăm Lương. Nhưng rồi ông không làm đài phát thanh nữa mà ra mở báo riêng, một tờ nguyệt san (tôi quên tên tờ nguyệt san này). Tòa báo ở đường Phạm Ngũ Lão và bút hiệu ông là Nguyễn Nguyên. Như vậy, chính quyền miền Nam quá khoan dung.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Lương lộ nguyên hình là một cán bộ cộng sản trong lãnh vực báo chí. Ði đâu ông cũng ôm kè kè một chiếc cặp da đầy các bài viết. Ông thường hôi thúc tôi viết cho ông, nhưng không nói rõ sẽ đăng ở báo nào. Một hôm, Ông mở cặp lấy ra hai bài viết của hai tác giả nổi tiếng miền Nam (tôi xin phép được dấu tên hai tác giả này vì một người đã qua đời và một hiện sống ở Úc). Tôi tò mò đọc lướt qua hai bài viết. Cả hai đều bị Lương sửa bằng bút đỏ, như thầy giáo sửa bài luận văn của học trò. Thật ra, tôi cũng chưa bao giờ sửa bài học trò quá đáng như vậy. Tôi rất ngạc nhiên về sự sửa chữa ấy. Dù sao họ cũng là những tác giả đã nổi tiếng trước 1975.

Sau nhiều lần bị Lương hối thúc, tôi đành viết một truyện ngắn, tên là “Tiếng Hát Trương Chi” với mục đích bênh vực các nhà văn miền Nam cũ, cho rằng họ là những người có tài, nhưng bị chế độ mới ruồng rẫy, ghét bỏ. Khi tôi viết xong, tìm Lương thì không thấy ông đâu. Có người cho biết lúc đó ông phải về quê Hải Hậu, Nam Ðịnh, để xác nhận lại đảng tịch và cấp bậc thượng tá. Khi tôi đưa các con tôi vượt biên thì ông vẫn chưa trở lại Saigon.
Sau khi được định cư ở Mỹ, tôi lại liên lạc được với Lương qua những lá thư gửi bưu điện. Tôi biết tin ông không còn được đảng và nhà nước cộng sản trọng dụng nữa. Ông phải viết cho báo Tiếp Thị để tạm sống qua ngày. Mỗi lần về Nam Ðịnh thế nào ông cũng ghé thăm ông anh rể và bà chị ruột tôi. Bây giờ thì cả ba người đều không còn nữa. Trong môt bức thư khác ông cho biết vợ ông đã bỏ ông. Bà là em gái ông Ngô Vân, chủ nhiệm nhật báo Tia Sáng ở Hà Nội trước năm 1954. Bà làm cho sở Mỹ, đáng lẽ được Mỹ bốc ra khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng vì chồng bà là cán bộ cộng sản nên bà bị bỏ rơi.
Lương qua đời vì bệnh ung thư.

Người thứ hai mang tiếng nằm vùng hay thân cộng là Vũ Hạnh. Tôi quen Vũ Hạnh từ hồi cùng làm báo Ngày Nay của nhà văn Nguyễn Họat tức Hiếu Chân, Rồi sau đó lại cùng dạy ở một trường tư. Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Ðức Dũng, người Ðà Nẵng (hay Hội An ?). Theo ông Vũ Ký, một giáo sư của trường Pétrus Ký, cũng là một nhà văn, cùng quê với Vũ Hạnh, thì Hạnh đã bị chính quyền tỉnh Ðà Nẵng (hay Hội An ?) nọc ra giữa sân tòa tỉnh trưởng để đánh đòn về tội thân cộng, rồi thả ra mà không bắt giam. Quả thật tôi không biết chuyện này thực hư ra sao nhưng thắc mắc nếu đã biết Hạnh là cộng sản nằm vùng mà không bắt giam, chỉ đánh đòn thôi ? Không lẽ chính quyền miền Nam chống cộng một cách…ngây thơ như vậy ?

Dù nhiều người không ưa Vũ Hạnh, nhưng ai cũng phải công nhận ông viết văn hay. Nhiều lần ông đề nghị ông và tôi xuất bản một tờ báo lấy tên là “Ði Về Hướng Mặt Trời”. Tôi đứng tên chủ nhiệm, ông chủ bút. Tôi hiểu thâm ý của ông nên cương quyết từ chối.

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, chính quyền cộng sản tổ chức một buổi họp mặt các văn nghệ sĩ Saigon ở tòa đại sứ cũ của Ðại Hàn, Hạnh và mấy cán bộ nằm vùng, như Thái Bạch, Nguyễn Ngọc Lương đều đeo súng lục bên hông. Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn nửa đùa nửa thật nói với Hạnh :”Anh em văn nghệ sĩ chỉ quen dùng bút, chứ có biết chơi súng đâu.” Hạnh lườm xéo Tuấn một cái rồi bỏ đi.

Nhưng mấy tháng sau đó, tôi tình cờ gặp Hạnh ở giữa đường. Tôi chưa kịp hỏi thăm, ông đã lắc đầu nói nhỏ :”Totalement decu !” (hoàn toàn thất vọng). Tôi không dám có ý kiến gì vì khi ở với cộng sản, ta không thể tin bất cứ ai trừ những người thân trong gia đình. Ít lâu sau, một người bạn giầu có của tôi cho biết anh cộng tác với Vũ hạnh để mở một gánh hát cải lương. Tôi không quan tâm mấy nên không hỏi thêm điều gì, vì lúc đó vợ tôi đang ốm nặng. Dường như gánh hát thất bại nên tôi lại nghe tin Hạnh lập xưởng làm xà bông. Tất nhiên cũng phải có người bỏ vốn. Tôi thắc mắc tại sao Hạnh thân cộng, nằm vùng mà sau khi chiếm được miền Nam cộng sản không dùng Hạnh khiến ông long đong phải làm hết việc này đến việc khác để kiếm sống ? Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi tôi đang tìm đường vượt biên, một hôm tôi tình cờ gặp Trần Phong Giao ở nhà bưu điện Saigon. Giao là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ nguyệt san Văn trước năm 1975. Giao và tôi ngoài tình bạn văn nghệ còn có tình đồng hương nữa. Chúng tôi cùng sinh trưởng ở Nam Ðịnh. Vì lâu không gặp nhau, chúng tôi ngồi ngay xuống bậc thềm nhà bưu điện để nói chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, cuối cùng, tôi thì thầm cho Giao biết tôi đang tìm đường vượt biên. Ông liền hỏi tôi có biết Vũ Hạnh cũng đang tìm đường vượt biên không ?
Tôi ngạc nhiên hỏi :
– ”Nó mà cũng vượt biên ?”
Giao lắc đầu và cho biết Hạnh tìm đường cho các con Hạnh thôi. Rồi Giao cười, nửa đùa nửa thật :
– “Thằng ấy mà ra khỏi nước thế nào cũng bị người ta quẳng xuống biển.”
Rồi Giao nói thêm :
 “Ngay cả việc giới thiệu cho con nó đi thôi cũng không dám, lỡ nó tố cáo với công an tổ chức vượt biên thì mệt lắm.”

Có một điều rất ngạc nhiên là từ khi ra khỏi nước, sống ở hải ngoại, tôi không hề nghe ai nhắc tới Vũ Hạnh nữa, kể cả những bạn văn nghệ còn sống ở Việt Nam. Cho đến nay tôi không hiểu Hạnh còn sống hay đã chết ?

Nhà văn thứ ba bị coi là nằm vùng cho cộng sản là Ngọc Linh. Khi viết truyện cho nhật báo Hòa Bình, cứ hai ba hôm tôi lại phải ghé tòa báo để đưa bài. Lần nào tôi cũng gặp Ngọc Linh. Ông làm thường trực trong ban biên tập, đồng thời viết cả truyện dài cho báo. Ông là một nhà văn có nhiều độc giả hâm mộ. Ông có truyện đã được đưa lên sân khấu cải lương và quay thành phim, như truyện “Ðôi Mắt Người Xưa”.
Một hôm tôi ghé tòa soạn Chính Luận để đưa bài, một nhân viên tòa soạn hỏi tôi có biết Ngọc Linh là cộng sản nằm vùng không ? Tôi hơi ngạc nhiên vì quả thật tôi không bao giờ nghĩ rằng Ngọc Linh lại có thể là một cán bộ cộng sản. Ông có một cuộc sống rất sung túc và rất…tiểu tư sản. Ông đi xe hơi Nhật mới toanh, là chủ một phòng tập dưỡng sinh (không rõ là Tai chi hay Yoga ?) Truyện ông viết rất ướt át đầy tình cảm. Ông biết rõ lập trường chống cộng của tôi mà vẫn thân mật với tôi. Ông đã giới thiệu nhà xuất bản in sách của tôi.

Rồi chỉ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông mới tỏ ra thân cộng. Ông tích cực họat động cho hội Văn Nghệ Sĩ cộng sản. Một hôm, tôi tình cờ gặp ông giữa đường, lúc đó ông không còn lái xe hơi nữa mà đi xe đạp, tôi vui vẻ chào ông mà ông ngoảnh mặt làm ngơ như chưa từng biết tôi là ai. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng hiểu ra ngay. Tôi không buồn mà cũng chẳng giận ông. Ít lâu sau thì nghe tin ông bị tai biến mạch máu não và qua đời.
Trong giới văn nghệ Saigon, người ta cũng đồn nhà văn Sơn Nam nằm vùng. Tôi không thân với Sơn Nam, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở tòa báo Chính Luận khi cùng đến đưa bài. Chúng tôi lạnh nhạt chào nhau một cách xã giao. Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, tôi thấy ông cũng không có gì thay đổi.

Người cuối cùng nằm vùng trong làng báo Saigon mà tôi biết là Thái Bạch. Tôi chỉ gặp Thái Bạch có hai lần. Lần thứ nhất ở tòa báo Tự do vào năm 1955, rồi ông mất tích luôn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, trong buổi họp các văn nghệ sĩ Saigon ở tòa đại sứ Ðại Hàn cũ, ông xuất hiện và có đeo súng lục bên hông với vẻ mặt vênh váo.
Tổng số những nhà văn nhà báo nằm vùng cho cộng sản hay thân cộng, tôi chỉ biết có thế thôi. Nhưng tôi thắc mắc về hai chữ “nằm vùng”. Theo tôi hiểu thì “nằm vùng” là có hoạt động cho cộng sản, chống lại chính quyền quốc gia miền Nam. Ngay cả Nguyễn Ngọc Lương là người được cộng sản gài theo dân Bắc di cư vào Nam và có cấp bậc thượng tá và là đảng viên đảng cộng sản, tôi cũng không thấy có hoạt động gì có lợi cho cộng sản. Không những thế, ông còn làm trong phòng bình luận của đài phát thanh Saigon. Nhân viên của phòng này có nhiệm vụ viết những bài ca tụng hoặc giải thích mọi việc làm của chính phủ. Một biên tập viên của chính phòng đó một hôm nói đùa với tôi rằng họ làm công việc “mẹ hát con khen hay”. Lương cũng phải viết những bài theo lập trường đó, không thể viết ngược lại được. Người ta chỉ biết ông là cộng sản khi ông bị công an Saigon bắt mấy lần.

Ðối với những người “nằm vùng” hay thân cộng, tôi không được đọc một bài viết chống chính phủ quốc gia hay ca tụng cộng sản nào. Như vậy, có thật họ nằm vùng hay chỉ ngấm ngầm thân cộng thôi ? Nếu chỉ là thân cộng hay có cảm tình với cộng sản thì tôi dám nói rằng trước 30 tháng 4 năm 1975, đa số người Nam có cảm tình với cộng sản vì nhiều gia đình có thân nhân tập kết ra Bắc. Rồi chỉ sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm miền Nam và giải tán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam họ mới vỡ mộng.

Vào cuối năm 1975, một hôm nhà văn Phan Nghị đến thăm tôi. Khi tôi ra mở cửa, ông toe toét cười nói oang oang :
– “Mày biết không ? Bây giờ miền Nam hết người mù rồi.”
Tôi chưa hiểu ý ông định nói gì thì ông đã tiếp :
– “Chúng nó sáng mắt rồi, mày ạ.”

 
Tạ Quang Khôi

Người chuyển bài – Hồ Khánh Dũng

 

Bài Về Thu - Đổ Chiêu Đức


 

 

Bài về mùa Thu

          
 
 

“...... Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng nầy nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ, những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và thấp thoáng trong vườn nhà ai hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn con trẻ. Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước...”

     Đó là đoản văn của Thanh Tịnh nhớ về một buổi sáng mùa Thu, viết theo văn phong của văn học Âu Tây  đầu thế kỷ 20. Bây giờ thì ta hãy đọc bài Đêm Thu của Đỗ Mục làm ở thế kỷ thứ 10 , mang đầy đủ tính chất dân gian và truyèn thống của văn hóa Á Đông....

杜牧《秋夕》

THU TỊCH    Đỗ Mục

    

銀燭秋光冷畫屏,         Ngân chúc thu quang lãnh họa bình

       輕羅小扇撲流螢。         Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh

       天街夜色涼如水,         Thiên giai dạ sắc lương như thủy

       臥看牽牛織女星。         Ngọa khán Khiên ngưu Chức nữ tinh .

CHÚ THÍCH:

           1. Ngân Chúc : Ngân là Bạc, ở đây là màu Bạc, màu trắng bạc. Chúc là đuốc. Hoa Chúc là Đuốc hoa, ở đây Chúc là cây Đèn Cầy, Cây Nến. Ngân chúc : là Cây Đèn sáp màu trắng bạc.

            2. Họa Bình : là Bức bình phong có vẽ tranh của các nhà quyền quý thời xưa.
            3. Khinh La : Khinh là nhẹ, La là Là, Lụa là, là Vải The. Khinh La : là loại vải the nhẹ để làm quạt. Trong bài " Khinh La Tiểu Phiến " : Là chiếc quạt con làm bằng lụa là của các tiểu thơ xưa thường cầm trên tay.
            4. Phốc : Là chụp bắt.
            5. Lưu Huỳnh : Lưu là Lưu động, là xẹt. Lưu Tinh : là Sao xẹt. Huỳnh : là con Đom đóm.
            6. Thiên Giai : Giai là con đường. Thiên Giai : không phải là đường ở trên trời, mà là đường trong kinh thành, trong cung vua.   
           7. Lương Như Thủy : là Mát như nước.

DỊCH NGHĨA :

                   Ánh sáng lung linh từ ngọn bạch lạp tỏa ra hòa với hơi thu làm cho tấm bình phong đẹp rực rỡ cũng nhuốm hơi lạnh lẽo, nàng phe phẩy chiếc quạt the để chụp bắt những con đom đóm đang lặp lòe bay lượn trong đêm. Đêm đang xuống trong những con đường của Kinh thành, hơi thu mát lạnh như nước trong đêm thanh vắng lặng, nàng ngữa nhìn sao trời để tìm ngắm hai sao Chức Nữ và Ngưu Lang.

 DIỄN NÔM :
                       Lung linh nến trắng bình phong lạnh,
                       Quạt lụa vờn theo đóm lượn thu.
                       Lấp lánh sao trời trong như nước,
                       Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu .
       Lục bát :
                       Bình phong thu lạnh se se,
                       Quạt là nến trắng lặp lòe đóm bay
                       Trời thu như nước mát thay,
                       Ngưu Lang Chức Nữ đêm nay tương phùng !
                      
Đỗ Chiêu Đức.
             

Đêm thu với khí trời trong mát, với đom đóm bay lượn lặp lòe, rồi nằm mà ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.... Rất bình dị và rất nên thơ  ! . Có ai ngờ được đây lại là một bài thơ Cung Oán !... Này nhé
... Ngọn bạch lạp đặt trên giá bằng bạc, bình phong có tranh họa rực rỡ, rõ ràng là cuộc sống của nhà quyền quý vương hầu, ta càng xác định hơn với từ Thiên Giai : là đường trong Kinh thành , trong Cung Vua, và ai mới rảnh rổi mà nằm ngắm sao trời ?. Chỉ có những nàng cung nữ nhàn nhã, tội nghiệp trong lãnh cung mới rảnh rổi như thế mà thôi, và... một điểm tâm lý rất quan trọng nữa là, chỉ có những nàng cung nữ với tình xuân phơi phới, với nhựa sống tràn trề, mà phải giam mình trong chốn lãnh cung cô thân chiếc bóng, mới hâm mộ và ước ao được như Ngưu Lang Chức Nữ, mặc dù mỗi năm chỉ hội ngộ có một lần. Một lần, có còn hơn không !. Một số cung nhân may mắn... suốt đời mới gặp được vua một lần ! Lắm cô suôt cả cuộc đời, hết cả thanh xuân, cũng chưa được nhà vua một lần triều kiến... So với Ngưu Lang Chức Nữ thì còn đắng cay chua xót hơn nhiều ! Nên chi, mới ngưỡng mộ và ước ao được như Ả Chức và Chàng Ngưu, chớ còn đối với cuộc sống bình thường, thì có ai lại hâm mộ chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ bao giờ ? ! ... Duy chỉ có nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mới Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên  ....   mà thôi !

 " Bách niên " mà chỉ gặp nhau vào đêm " Thất Tịch " hằng năm, thì có ai ao ước mà làm gì! Phải tinh ý lắm, ta mới cảm nhận được cái " Oán " trong bài thơ nầy, vì nó quá nhẹ nhàng và bình dị. Phải chăng cái oán đeo đẳng dai dẵng miên man lâu dần nên đã hòa vào cuộc sống và được chấp nhận như một sự tự nhiên tội nghiệp ! Nhưng ... nàng cung nữ của Ôn Như Hầu đã :
                             “..... Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !...” Khi ..... Cái oán đã lên đến cực điểm và trở thành bạo động!        


 Đỗ Chiêu Đức.

Người chuyển bài – vhp Hạ Vũ

 

 

 

 

Chuyện Một Người Con Gái, Tên... - Khuất Đẩu


CHUYỆN MỘT NGƯỜI CON GÁI, TÊN …


   
 
 
 
Dù đã gần tám bó, mắt mờ, gối mỏi, tôi vẫn không quên được người con gái ấy. Phải nói là không thể. Nàng đẹp, đương nhiên, mà giá như không đẹp, tôi cũng vẫn cứ yêu nàng.

Nàng sinh ra là để được yêu.

Một người con gái có mái tóc phương đông đà đuột, có đôi mắt ướt át như cánh đồng sau cơn mưa, có giọng nói nũng nịu nồng nàn, cứ mở miệng ra là "xời ơi, anh Hai, anh Hai" ngọt xớt như đường phèn, bảo sao mà không yêu cho được.

Nàng là hiện thân của tuổi trẻ yêu đời, lúc nào cũng vui tươi nhí nhảnh. Nàng có một sức hút kỳ diệu, trông thấy là không thể không yêu.

Đã có những ngày chúng tôi tay trong tay cùng nhau đi dạo dưới ánh nắng phương nam rực rỡ. Đã có những đêm, say khướt nằm kề bên nhau chỉ để chờ sáng, đi tiếp. Nàng mạnh mẽ nhưng dịu dàng. Nàng âu yếm nhưng không lơi lả. Lúc nào nàng cũng hào sảng ban cho tôi một nụ cười. Chỉ có thế thôi và tôi cũng cần chỉ có bấy nhiêu, là đủ.

Nàng quá đẹp, mỗi ngày một đẹp hơn, nên lượng sức mình, tôi không dám và cũng không thể chiếm đoạt nàng làm của riêng. Nàng cũng vậy, không muốn mình là của riêng ai. Nàng nói: "Xời ơi, lấy chồng sớm làm gì, em mới có hai mươi tuổi thôi mà!"

Hai mươi tuổi hay bóng bẩy là hai mươi mùa xuân. Ở tuổi này, nhịp đời đi rất chậm. Nàng vẫn cứ đủng đỉnh dạo bước bên bờ kênh tương lai.

Có ngờ đâu, khi nàng kiêu sa bước vào mùa xuân thứ hai mươi mốt, đất trời bỗng một phen mù mịt. Và trong cảnh "trong thành ngoài lũy tan hoang", nàng bị ép buộc phải lấy một ông chồng già, đúng hơn là một cái xác chưa chôn, giống như nàng Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép gả cho thổ quan.

Có chuyện quái dị như thế vì người ta nghĩ rằng, không thể để một người đàn ông sống cả một đời dài lừng lẫy mà không kiếm nổi một cô vợ. Cho dù là một cuộc hôn nhân giả chỉ để làm ra vẻ nghĩa tình với người đã khuất, người ta vẫn nổi trống, dựng cờ, ca nhạc rình rang suốt cả ngày lẫn đêm. Rồi một sáng tháng năm, nàng bị áp giải lên xe hoa, từ đó bị thay tên đổi họ.Và thế là hết, đã hết, một đời người con gái.

Vì cho rằng nàng đã có một thời ăn chơi sa đọa, có hàng tá tình nhân, nên nhà chồng cư xử rất cay nghiệt. Trước hết, họ xởn cái mái tóc đà đuột của nàng, đốt bỏ hết áo quần là lượt xưa cũ, cấm nàng hát ca, nhất là những bản nhạc mà họ cho là ủy mị. Rồi họ bắt nàng phải xắn quần lội xuống bùn để vớt bèo nuôi heo, tối đến còn phải ngồi bó gối để nghe giảng dạy về nghĩa vụ làm vợ, dù là vợ góa.

Nàng khổ, chưa bao giờ khổ như thế. Nàng nhục, cũng chưa bao giờ nhục như thế. Nhưng nàng không gieo mình xuống sông Đồng Nai như nàng Kiều. Nàng cố nhẫn nhục chịu đựng để mà sống.

Trông thấy nàng tóc tai bơ phờ, xanh xao đói khát, tôi xót xa lắm. Nhưng cũng chẳng biết làm cách nào để cứu giúp nàng, vì tôi cũng đang đói rách, còn hơn cả nàng.

Thế rồi, tôi bị cấm tới gần vì cái tội đã có một thời dám yêu nàng. Tôi bị quẳng vào rừng núi để sống đời hoang dã. Dễ chừng từ đó đến nay, đã bốn mươi năm. Tôi thì tóc đã bạc, nàng cũng chẳng còn trẻ trung gì.

Hôm vừa rồi, nhân sự cấm cản lơi lỏng, tôi đánh bạo xuống núi tìm gặp lại nàng. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Nàng quá khác xa ngày ấy. Không còn là một người con gái phương Nam thon thả, đôn hậu, mà là gì nhỉ, khó nói quá. Nửa giống như bà phán Cảnh của Vũ Trọng Phụng, nửa giống như Tú Bà của Nguyễn Du.

 

    Thật đấy, bây giờ nàng ô dề, lưng to như cánh phản và đúng là nhờn nhợt màu da, cao lớn rất đẫy đà. Tóc nàng nhuộm đủ màu kiểu Đại Hàn, mũi đương nhiên là gọt sửa. Nhưng cái điều kinh khủng nhất khiến tôi phải ngộp thở là nàng bơm ngực và bơm mông, trông cứ như con voi bằng cao su trong truyện của nhà văn khôi hài đen người Ba lan.

Thì thôi, cũng đành một nhẽ, đàn bà ai chẳng muốn nhờ dao kéo làm đẹp. Cái thay đổi về thể xác tuy vậy cũng không đáng buồn bằng thay đổi của tâm hồn. Hóa ra là, sau một cơn bàng hoàng đến điên đảo vì lấy phải một ông chồng già đã chết, nàng bỗng nhận ra trong cái rủi lại có cái may: vì trong đêm động phòng hoa chúc nàng ngủ thẳng một mạch tới sáng, chẳng một ai động đến cái ngàn vàng của riêng nàng. Lấy chồng mà vẫn còn gin, lại thêm nhờ tai tiếng, à không, nhờ danh tiếng của chồng, nàng đủ thông minh để bước lên ngôi vị của một bậc phu nhân mệnh phụ. Giờ đây, tuy xộc xệch xấu xí, nhưng miệng nàng là miệng nhà quan có gang có thép, hô một tiếng có cả trăm đứa dạ rân.

Đương nhiên, nàng chẳng thèm nhìn mặt tôi. Nàng chỉ tiếp những khách đã được chọn lọc và lên lịch trước cả tuần. Ưu tiên số một là khách ngoại quốc, những Mỹ, Nhật, Pháp, Anh… những kẻ chẳng những vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa mà còn quen thói bốc rời, trăm nghìn đổ một trận cười như không . Những lúc ấy, ngộ nghĩnh thay mà cũng đau đớn thay, nàng õng ẹo như một mụ đĩ già để… xin tiền!

Tiền! Tiền!, giờ nàng chỉ biết có tiền

Tiền! Tiền!, giờ nàng chỉ biết có tiền!

Ngày xưa, bạn cũng đâu có ngờ phải không, nàng chính là người con gái đã nhiều phen làm bạn chết mê chết mệt đấy, có tên gọi dễ thương, là Sài Gòn! (bỏ thành ...)

Khuất Đẩu

* những chữ in nghiêng, mượn tạm của Nguyễn Du, ai cũng biết

304Đen - Llttm

Wednesday, August 26, 2015

Thu Buồn - Quang Tuấn & Thu Tha Hương - Nguyễn Cang


   

THU THA HƯƠNG

Họa bài THU BUỒN của Quang Tuấn
 

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hiu hắt cành thông nhỏ giọt sầu

"Hoa Vàng Thung Lũng" ngập trời Thu

Mây giăng khắp nẽo, xa tầm mắt

Quạ réo ngoài sân, tận đỉnh đầu

Nhớ mái nhà xưa, lòng rộn rã

Thương người chốn cũ, mộng xanh xao

Chợt nghe khúc hát  buồn ly biệt

Thơ thẩn nhìn Thu biết nói sao?!!

  
Nguyễn Cang

 *Quang Tuấn, nhà thơ, cựu giáo chức, hiệu trưởng Trung học Thủ Đức SG trước 75. Tác giả đã in 3 tập thơ mang chủ đề về Quê hương, Tình yêu, Cõi trần . Thơ văn đăng trong sách "Lưu Dân Thi Thoại" năm 2003, nhà xuất bản Cội Nguồn, hội nhà văn Sanjose.

Bài thơ Đường luật dưới đây, Quang Tuấn làm trong lúc nằm dưỡng bịnh , mang nỗi buồn mênh mông, cô quạnh. NC

    

 THU BUỒN

 
Rặng liễu đìu hiu nhỏ lệ sầu
Núi rừng trởi giấc đón chào Thu.
Nắng phai nhạt nắng, cây vàng lá
Mây chập chùng mây , núi bạc đầu.
Gợi mối tình xưa, mưa rả rích
Khơi hoài niệm cũ, gió lao xao.
Ôi buồn man mác mùa hiu quạnh
Thơ thẩn nào ai biết tại sao?
 


Quang Tuấn

(Đầu Thu 2015)

 

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Mười Sáu) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc - Chương Mười Sáu

 


     
 Chương Mười Sáu
 

     Anh Mẫn xin nghỉ dạy vài hôm, vợ chồng dẫn hai đứa nhỏ về Mỹ Tho thăm bà ngoại và dặn dò chuyện cái nhà trên Sài Gòn trước khi ra đi. Nhà có hai anh em, ông anh lớn bị thương trong trận Hạ Lào, giải ngủ sau đó vì lý do tàn tật, cái chân bị co chút đỉnh, đi đứng cũng không đến nổi nào và nhờ khai cấp bậc thấp cho nên không phải bị tập trung học tập cải tạo. Thằng Triệu, con trai của anh chưa kịp xong năm cuối kỹ sư Phú Thọ thì miền nam mất, nó nhanh chân theo tàu của công ty xây cất Nam Hà rời Sài Gòn ngay hôm 30 tháng 4. Được tin nó đến Phi Luật Tân, gia đình thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng Triệu vào Mỹ, sống nhờ vào sự bảo trợ của một hội nhà thờ Tin Lành ở Chicago, đi học lại và đã có việc làm tương đối khá. Vợ chồng ông anh giờ ở chung với mẹ, bà chị dâu dạy trường cấp hai Mỹ Tho gần nhà, nhờ có thêm sạp bán trái cây ngoài chợ mới nên gia đình không đến nổi chật vật lắm. Chị Trâm lên xuống thăm nhà rất thường vì đường Sài Gòn Mỹ Tho không xa bao nhiêu, giờ chị ra đi cũng yên tâm.
 
 
 
 
 

    Đứng bên hiên nhà nhìn ra cầu mới, nhánh sông chảy ngang chợ vẫn đục một màu phù sa, ngày cũng hai lần nước ròng nước lớn. Dãy nhà sàn bên bờ phía phố chợ chính không khác xưa, từ những ngày còn nhỏ xíu. Hàng cây keo lưa thưa vài cánh hoa muộn cuối mùa dù trời đã sắp giữa đông. Chị Trâm chợt thấy hồn mình se thắt, không bao lâu nữa, biết bao giờ chị mới có dịp đứng chờ người quen, mong đừng trễ chuyến đò qua chợ Mỹ và cũng không còn có dịp đứng bên đường ngẩn ngơ nhìn mà thương trái mận Trung Lương đỏ ửng trong những ngày hè oi ả. Chị dẫn con thả bộ qua cầu, hai đứa nhỏ tung tăng chờ gió, ở phía nào đó cuối sông đã có nắng chiều.

Buổi sáng, chưa kịp đưa hai đứa nhỏ đi học thì Hà đến, hai chị em vừa dắt cháu đi vừa nói chuyện. Hà cho chị biết Bon, chồng của Linh đã bị bắt chiều hôm qua. Tin này từ anh bạn người Hoa, anh này đã vài lần giúp đôi ba người quen đi học tập cải tạo về sớm. Chị Trâm nghe tin chưng hửng, chị không dám quả quyết phán đoán của mình là đúng để nói vợ chồng Bon là những người cộng sản tốt trong cái đám đảng viên xấu xa, nhưng chị tin rằng họ không tệ. Dù gì cũng là quen biết, vả lại vợ chồng Bon cũng đã giúp gia đình chị nhiều việc, chị không nở không lo, hai chị em lấy xe honda chạy xuống Nguyễn Thiện Thuật, chầm chậm ngang qua nhà Linh nghe ngóng. Cửa nhà đóng chặt và im lìm như thường ngày, không thấy không khí đằng đằng u ám như trường hợp của ông Hựu. Hai chị em ngừng xe vào tiệm chè Hiển Khánh ngồi nhìn mông lung ra đường, phố xá vẫn tấp nập người qua theo từng cơn bụi giữa cái nắng đầu ngày. Chợt nhớ tới số vàng và mấy món quà, chị Trâm buột miệng thầm hai tiếng chẳng lẽ.

    Bon bị bắt theo lời khai của nhân chứng trong vụ xử ông Hựu về những việc xảy ra lúc anh ta còn làm Trưởng Ban Xử Lý Chánh trị thành phố. Công an cho biết, Bon đã cấu kết với ông Hựu, dùng quyền hành, nhận tiền và quà cáp, ra lệnh trả tự do cho một số tù chính trị từ nhà tù Phạm Đăng Lưu cũng như sĩ quan và nhân viên cao cấp của ngụy quyền miền Nam, để bọn này trốn ra nước ngoài, mặc dù tài sản Bon không có gì tịch thu ngay lúc này nhưng nhà nước nghi là Bon đã tẩu tán khi biết tin ông Hựu bị bắt, do đó trong khi chờ điều tra, bí thư thành uỷ nhân danh đảng, ân huệ cho Linh được tạm ở trong căn nhà hiện tại. Linh được phép thăm Bon mỗi ngày một lần, một lần không hơn 30 phút. Không ai, không một người quen, ngay cả ông Trưởng Ban cơ quan của Bon làm và những người đã từng nhờ, đã từng lời một lời hai nhờ Bon giúp đở tìm cách tránh né chối từ khi Linh đến kêu cứu, minh oan giùm sự vô tội của chồng, một đảng viên có công với cuộc cách mạng thần thánh của Đảng. Anh thẩm phán tòa án nhân dân thành phố không ngần ngại lắc đầu không giúp, dù đã từng chia đói sớt khổ với Bon trong những ngày vượt Trường Sơn mưa mù gió lạnh.
 
 
 
 

    Linh xin nghỉ việc vài hôm, đi tàu Thống Nhất về Hà Nội, cái thành phố mà Linh tưởng sẽ lâu lắm mới có ngày gặp lại, để khiếu nại với trung ương. Ông cựu bí thư thành phố Hồ Chí Minh, cùng thời với Bon, giờ có chân trong Bộ Chính Trị đảng an ủi mấy câu thông cảm rồi lắc đầu. Hà Nội giữa đông lạnh như cắt da cắt thịt nhưng cũng không thấm vào đâu với cái buốt giá rã rời trong tận lòng mình, Linh lang thang như một bóng ma dại trong suốt mấy ngày trời, rồi đớn đau trở vô Sài Gòn. Tiếng còi tàu xuôi Nam tưởng chừng xé nát hồn Linh ra từng mảnh vụn, nước mắt mặn trên môi hình như có pha chút gì căm hận. Đường ra thành phố vẫn còn lá bàng rơi và dăm ba đóm lửa lẻ loi bên lề chờ sáng.

 
Thuyên Huy

(còn tiếp)

 

 

 

Kiếm Kho Tàng Trong Lăng Tẩm Huế - Nguyễn Phương

Kiếm kho tàng trong lăng tẩm Huế
Soạn giả Hoa Phượng trả nợ bà Bầu Thơ

 

    Năm 1961, bà Bầu Thơ đưa đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga đi lưu diễn miền Trung. Các soạn giả thường trực phải theo đoàn để tập tuồng mới. Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang, Nguyễn Phương ở chung một phòng trong khách sạn. Trước đây trong những chuyến lưu diễn các tỉnh miền Hậu Giang, chúng tôi 4 người cũng ở chung một phòng, thường đi ăn điểm tâm chung, ăn cơm hội cùng một mâm, đến địa phương nào chúng tôi cũng tìm chỗ đi du ngoạn hoặc tìm thưởng thức những món ngon vật lạ. Nhưng trong chuyến lưu diễn miền Trung kỳ này, đến Nha Trang thì Hà Triều và Hoa Phượng tách ra đi chơi riêng, hai anh sa đà trong việc bài bạc được tổ chức ngay trong đoàn hát.
Cô Năm Hay, em ruột của bà Thơ, bày ra việc đánh tứ sắc trong phòng khách sạn với Út Trà Ôn, Hoàng Giang và bà bầu Thơ; Hữu Thìn, con bà bầu, tổ chức binh xập xám với các soạn giả Hoàng Việt, Hà Triều, Hoa Phượng.
Ba ngày liên tiếp, các danh thủ “đỏ đen” sát phạt nhau tận tình. Hà Triều, Hoa Phượng thua 15.000 đồng. Hai anh bán đứt cho bà bầu Thơ một vở tuồng để có tiền trả nợ cờ bạc. Tôi rủ Hà Triều, Hoa Phượng và Kiên Giang ra quán ở bãi biển, nhậu rượu, giúp cho Hà Triều, Hoa Phượng mượn tửu binh giãi phá thành sầu. Hoa Phượng cười hề hề sảng khoái, nói: “Thua bạc, bán đứt tuồng cho bà bầu được hai chục ngàn đồng. Mười lăm ngàn trả nợ, còn lại năm ngàn, tôi bao các anh ăn xài cho hết, vậy là vui rồi! Tôi sẽ viết một tuồng, dài 40 trang, như vậy mỗi trang giấy đánh máy tuồng của tôi đáng giá 500 đồng”.
Mấy ngày sau, Hoa Phượng rủ tôi và Kiên Giang đi viếng Tháp Bà, đền thờ thần Ponagar, rồi ra bờ sông Cái Nha Trang, đứng trên cầu đá chụp hình Cù Lao Xóm Bóng. Tôi đinh ninh Hoa Phượng sẽ viết một tuồng với cốt truyện về thần nữ Thiên Y A Na, truyện Vua Chế Bồng Nga hoặc chuyện Huyền Trân Công Chúa. Hoa Phượng nói chưa xài hết năm ngàn thì chưa có tính tới chuyện viết tuồng trả nợ. Anh rủ chúng tôi đi thăm Hải học viện, viếng Nha Trang thành và định đi đến thăm Lầu Bảo Đại tức biệt thự Cầu Đá trên đỉnh núi Cảnh Long nhưng chúng tôi chưa kịp đến xem Biệt Thự Cầu Đá thì đoàn hát di chuyển qua các tỉnh Phan Thiết, Qui Nhơn, sau đó ra hát ở Huế.
Sân khấu được dựng trên bãi đất trống sát bờ sông Hương, gần Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đường. Thay vì ở khách sạn Thuận Hóa, bốn soạn giả chúng tôi mướn ghe để ngủ trên sông Hương, ghe đậu gần vòng bao của sân diễn. Tôi đã quên chuyện Hoa Phượng phải viết tuồng trả nợ cho bà Bầu nên khi ra hát ở Huế, tôi hoạch định một chương trình đi du ngoạn, viếng chùa Thiên Mụ, vô thăm các lăng tẩm các vua triều Nguyễn, đi ăn cơm âm phủ, ăn cơm hến, đi chợ Đông Ba và vào nội thành Huế kiếm xem các rạp hát bội của vua.
Chúng tôi được hướng dẫn viên du lịch của địa phương đưa đến xem nhà hát bội ở cung Diên Thọ dành riêng cho Hoàng Thái Hậu và các bà Mẹ khác của vua. Nhà hát này được gọi là Thông Minh Đường, xây cất bên phải sân, sát cửa Chính Điện, trước được gọi là Hữu Túc Đường, đối diện với Tả Túc Đường tức là nhà Tả Trà, nơi dùng để đãi trà các quan khách.
Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng từ thời vua Minh Mạng thứ 7 (năm 1826). Duyệt Thị Đường ở ngoài tường phía đông điện Quang Minh, nằm trong phạm vi Cấm Thành. Đây là nhà hát lớn nhất trong các nhà hát ở Hoàng Cung. Chiều dài của nhà hát Duyệt Thị Đường từ trước cửa đến sát vách sau sân khấu dài 40 thước, bề ngang 16 thước. Sân khấu để trình diễn hình vuông, mỗi bề 8 thước, sân khấu cao hơn mặt bằng của khán phòng 8 tất nên khán giả ngồi ở các hàng ghế đầu có thể thấy rõ suốt mặt bằng của sân khấu. Trong khán phòng có hai hàng cột gỗ lim thật lớn chống đỡ. Trần nhà và vách phông trong của sân khấu được chạm nổi cảnh trăng sao, tinh tú, mặt trời, biểu hiện vũ trụ.
Cách mặt tiền sân khấu độ ba thước, ngay giữa khán phòng có hai ghế chạm trổ hình con rồng nơi tay vịnh để cho vua và hoàng hậu ngồi xem hát. Phía sau là hai hàng ghế bọc nệm gấm dành cho các vị quan đại thần và khách của vua. Chỗ ngồi của các vị quan khách là hai dãy ghế trường kỷ đặt dọc dài từ dãy cột lớn đến sát vách hai bên phải trái của sân khấu. Sau hai hàng ghế dành cho vua, hoàng hậu và các quan đại thần, hai bên sân khấu có cầu thang gỗ để lên trên gác cao bằng gỗ đen bóng, nơi dành cho khán giả là các bà các mệ trong nội cung. Trên hai gác lầu này, bên mặt có một giá gỗ treo vài chục chuông bằng đồng đen lớn nhỏ khác nhau. Trên gác bên trái có giá giàn đờn đá và nhiều mỏ.
Minh Khiêm Đường là nhà hát bội dành để hát cho vua Tự Đức, Hoàng hậu, các nội thị hầu cận và các quan thân cận của vua xem. Minh Khiêm Đường nằm trong khuôn viên của Khiêm Lăng (tức lăng mộ của vua Tự Đức), được xây dựng năm 1864, nằm giữa khoảng Hòa Khiêm Điện (nơi vua Tự Đức làm việc) và Lương Khiêm Điện (nơi vua Tự Đức ăn ngủ, nghỉ ngơi mỗi khi lên chơi ở Khiêm Cung).
Có một đêm, Nha Du Lịch tổ chức tại nhà hát Duyệt Thị Đường một chương trình múa cung đình và đờn ca nhã nhạc cho du khách xem. Chúng tôi mua vé vào xem. Vãn hát, về đến đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, chúng tôi thấy vắng mặt Hà Triều. Có người nghĩ Hà Triều đi ăn khuya ở các quán cơm âm phủ hay cơm hến. Có người nghĩ anh ta bắt bồ được với một nàng Huế nào đó nên đi chơi hoang một đêm. Lần đầu tiên chúng tôi mới đến Huế nên không dám thả rong ban đêm để kiếm Hà Triều, đành nói cho bà bầu Thơ biết để bà nhờ thầy bảy Liêm quản lý của đoàn hát báo cho cảnh sát địa phương biết để nhờ cảnh sát giúp.
Hôm sau, 9 giờ sáng, khi các nghệ sĩ đang tập tuồng thì cảnh sát địa phương dẫn Hà Triều đến gặp bà bầu Thơ. Cảnh sát cho biết nhân viên cảnh vệ trong Lăng thấy Hà Triều ngủ ngồi trong vách Nhà Bia trong lăng Minh Mạng. Hỏi ra họ biết là soạn giả của đoàn hát, đêm rồi coi hát trong Duyệt Thị Đường, khi về đi lạc nên phải ngủ tạm nơi Nhà Bia để chờ sáng. Bà Bầu xin đóng tiền phạt nhưng cảnh sát cười: Người lạ đi lạc ban đêm trong lăng tẩm là chuyện thường, có chi mô mà phạt?
Các nghệ sĩ cười Hà Triều, có người nói cốt tử của Hà Triều thuộc về hoàng tộc nên ra Huế ngủ đêm trong lăng vua là hạnh phúc lắm. Hà Triều cười: “Mấy cha nói hạnh phúc thì thử ngủ một đêm trong lăng thì sẽ biết nó ra sao! Lạnh thấy mẹ! Lại còn bị muỗi chích, bù mắc với kiến cắn nổi mận đầy mình đây nè... May mà đêm hôm có gói thuốc và cái ống quẹt này, phì phà suốt đêm cho nó đỡ buồn. Ngủ gà ngủ gật trong lăng, chết còn sướng hơn!”
Hoa Phượng bỗng phá cười thật lớn: “Cám ơn, Hà Triều! Mầy ngủ quên trong lăng làm cho tao nảy ra ý tuồng để viết trả nợ cho bà Bầu”.
Bà Bầu Thơ nghe Hoa Phượng nói vậy, bà hỏi liền: “Chú nói chú có ý tuồng mới, vậy đó là tuồng gì? Tuồng xã hội hay tuồng hương xa?”
- Dạ, chỉ mới có cái tựa, nhưng mà nội trong một tuần lễ là tôi sẽ viết xong.
- Tựa gì? Nói cho tôi biết, được hông?
- Dạ, được chớ chị Năm... Tựa tuồng là Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng. Tựa tuồng vừa được Hà Triều gợi hứng bằng cái chuyện ngủ trong lăng vua nhưng cốt chuyện mới tượng hình, tôi xin phép vắng mặt trong một tuần để thai nghén cái chuyện này mới được.

Hoa Phượng lặn đâu mất trong bốn ngày hát chót ở kinh thành Huế. Khi hát ở tỉnh Quảng Ngãi được ba bữa chúng tôi mới thấy Hoa Phượng trên xe đò từ Huế vô. Anh ta đã có cốt chuyện và bắt đầu viết vở Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng.

Câu chuyện tuồng như sau:
Tướng cướp Vi Hạc Linh bồng thây vợ là Lạc Thy Kim vô hoàng lăng để chôn. Anh ta bất mãn vì vua khi sống thì được ở trong cung điện nguy nga, khi chết được an táng trong hoàng lăng tráng lệ. Còn dân nghèo sống thì chui rúc trong chòi lá, khi chết không mảnh đất chôn thây, nên Vi Hạc Linh muốn cho vợ anh sau khi chết cũng được ngang hàng với các vì vua đang an nghỉ nơi chốn hoàng lăng. Y sĩ Sa Tần đang lẫn trốn trong hoàng lăng vì bị hoàng hậu Thúy Nhi đuổi bắt, ông ta dùng thuốc cứu sống Lạc Thy Kim. Lúc đó Ý Mỹ Thơ, vợ của Sa Tần, mang bình nước đến cho Sa Tần mang theo khi vượt qua sa mạc. Ý Mỹ Thơ đẹp đến nỗi Vi Hạc Linh quên ơn của Sa Tần, muốn cướp đoạt Ý Mỹ Thơ và phụ rẫy vợ nhà. Sa Tần đi khỏi hoàng lăng, hoàng hậu Thúy Nhi đến, Vi Hạc Linh biết Sa Tần vì không tuân lịnh thuốc chết vua Sĩ Tước Hoa theo lịnh của hoàng hậu nên mới bị truy sát. Vi Hạc Linh nhận thực hiện kế của hoàng hậu, giết vua Sĩ Tước Hoa để lấy ngôi vua lại cho con trai của bà. Khi giết được vua Sĩ Tước Hoa, Vi Hạc Linh cướp luôn ngôi vua và giết hoàng hậu Thúy Nhi và hoàng tử. Có quyền thế trong tay, Vi Hạc Linh cướp luôn vợ của y sĩ Sa Tần.
Ý Mỹ Thơ không theo Vi Hạc Linh được vì còn vợ của Hạc Linh là Lạc Thy Kim. Vi Hạc Linh bèn cho lịnh đưa vợ đến, định giết đi để chiếm cho được Ý Mỹ Thơ. Lúc đó Sa Tần xuất hiện, nói rằng ông ta có phương thuốc Trường sinh nhưng cần đôi mắt của người vợ chung thủy, tự nguyện hiến mắt để làm thuốc cho chồng. Lạc Thy Kim đến, Vi Hạc Linh giả đau, cần đôi mắt của vợ để chữa trị. Lạc Thy Kim thương chồng, hiến đôi mắt để y sĩ Sa Tần làm thuốc cho Vi Hạc Linh. Thuốc đã chế xong nhưng khi bỏ đôi mắt của Lạc Thy Kim vào thì sấm nổ vang, đôi mắt bay lên trời và y sĩ Sa Tần cũng biến mất.
Sau khi Lạc Thy Kim hiến đôi mắt, Vi Hạc Linh bỏ vợ vô rừng sâu để cho thú dữ ăn thịt. Bà khóc vì sự bội phản của ông chồng. Nước mắt của người vợ hiền nhỏ xuống làm cho khối đá nơi bà ngồi vỡ tan. Một vị thần bị nhốt trong khối đá đó với lời nguyền là khi nào có nước mắt của người vợ hiền nhỏ xuống thì vị thần sẽ được giải thoát khỏi bị giam cầm trong đá. Nước mắt của Lạc Thy Kim cứu được vị thần. Ông cho bà được ba điều ước: 1- giàu có với vàng bạc châu báu đầy kho, 2- làm nữ vương cai trị một vùng đất rộng lớn phì nhiêu, 3- có một cái hộp thần kỳ, bất cứ kẻ nào muốn xâm phạm đến quyền lực và tài sản của bà, chỉ cần mở nắp hộp ra là sẽ tiêu diệt kẻ đó.
Vi Hạc Linh biết có một vương quốc giàu sang mới ra đời, anh ta đem quân đến định xâm chiếm, bất ngờ gặp lại vợ cũ là Lạc Thy Kim. Lạc Thy Kim mở nắp hộp ra định giết Vi Hạc Linh trả thù người chồng bội phản thì tiếng sấm nổ vang, tất cả đều biến mất, hiện lại cảnh hoàng lăng, Vi Hạc Linh còn bồng xác vợ, anh ta qua một giấc mộng dài để thể hiện dục vọng của con người trước sắc đẹp và quyền thế. Ý Mỹ Thơ là tượng đá trên vách hoàng lăng, vị thần và y sĩ là một người, tất cả đã đi vào giấc mộng của Vi Hạc Linh để nói lên mặt trái của những lời ơn nghĩa lúc đầu hôm và khiến cho con người sống thật với lòng mình cho đến khi tàn mộng đẹp.

Soạn giả Hoa Phượng có biệt tài viết những đoạn văn mượt mà, làm tăng thêm chất văn học cho các tuồng của anh. Dưới đây là đoạn văn thể hiện miệng lưỡi của kẻ háo sắc minh biện cho dục vọng của mình:
- Vi Hạc Linh (nói với vợ của Sa Tần): Ý Mỹ Thơ! Nếu ta muốn bắt buộc khanh thì chắc chắn là ta bắt buộc được. Nhưng không! Ta muốn nói cho khanh hiểu rằng: bất cứ người đàn ông nào, khi bước ra khỏi ngưỡng cửa của gia đình, đều mang tâm trạng của một con thú trở về rừng cũ. Và sự chung tình của vợ nhà chỉ có giá trị bằng một sợi dây xích có tâm hồn. Những đêm rừng ngóng mỏ đợi cô đơn, thú nhớ xích nhưng ngại vòng dây ràng buộc. Còn khanh, khanh hãy nghĩ kỹ đi. Nếu khanh chết, có ai chịu bỏ một số thời giờ vô ích, ngồi tán dương người tiết phụ hay chăng? Trong khi đó thì gả Sa Tần lo cưới vợ để yên bề gia thất. Tại sao khanh cứ mãi tôn thờ đạo đức, không hay rằng thời gian đã biến nó thành chiếc áo vá quàng. Luân lý của sanh linh phải tùy thuộc chiếc ngai vàng, mà hoàng đế là kẻ cầm cân nảy mực. Ý Mỹ Thơ, tất cả trân châu bảo ngọc, đợi chờ khanh để bay đến cổ tay khanh và vị hoàng đế như ta cũng phải cúi mình hôn gót ngọc của người giai nhân tuyệt sắc.

Và đây là lời phỉnh gạt của Vi Hạc Linh, nói dối với vợ là Lạc Thi Kim để xin đôi mắt luyện thuốc trường sinh:
- Vi Hạc Linh (nói với vợ là Lạc Thy Kim): Khanh có biết khi ta đội chiếc vương miện này thì ta nhớ đến gì chăng? Ta hồi tưởng lại một đêm mưa như trút, sấm chớp liên hồi; từ sa mạc xa xôi, ta ghì lưng ngựa phi nhanh về xóm cũ. Vết thương trên ngực này vẫn loang máu đỏ, mặc tình cho đàn chó hoang buông những tiếng sủa vô tư. Ngựa mò về ngôi nhà cũ với ngọn đèn xanh leo lét hiền từ. Qua phên rách ta thấy khanh ngồi chống tay ủ rũ. Lạc Thy Kim! Tất cả những hình ảnh đó đã nói lên lòng người thiếu phụ...
(Ca vọng cổ)
1- đang thắt thẻo mong chồng... Trong đêm khuya đối ngọn đèn mờ, nàng lắng nghe từng tiếng động trong mưa. Như một linh hồn dò dẫm lối hư vô. Thương làm sao mái tóc buông hờ như giòng suối con lặng lờ chảy luồn qua hoang vắng.
- Kim: Tâu hoàng thượng, những lúc ấy không phải thần thiếp buồn thân mình đơn chiếc, mà chính là lo cho người đang lăn lóc giữa rừng gươm.
- Linh (ca câu 2): Ngày ngày làm bạn với xe tơ cùng tiếng thoi đưa dìu dịu tấu thành một bản đàn độc điệu u trầm... Tuổi xuân trôi theo tiếng nhạc âm thầm mà khanh không một lời than thân trách phận. Kẻ làm chồng như ta thật là vinh hạnh. Nhưng mà, Lạc Thy Kim ơi, khanh càng tỏ ra kiên nhẫn thì ta càng cảm thấy lòng mình đau đớn xót xa.
- Kim: Đã là vợ chồng, sao hoàng thượng còn nghĩ đến những việc đó làm chi cho sanh ra phiền muộn. Đời người ta cũng có khi trầm khi bổng đâu phải bản đàn độc điệu như tiếng thoi đưa. Nếu nghĩ đến ngày cay đắng thuở xưa thì tình nghĩa ngày nay xin đừng phai lạt.
- Linh (ca câu 3): Làm sao ta quên được hình bóng của khanh khi ta đội chiếc vương miện này. Ngai vàng kia không phải là bức rào ngăn đôi chồng vợ. Nên ta vội vàng cho triệu khanh về để cùng chung hưởng những ngày phú quý. Nhưng mà định mạng trớ trêu có lẽ đây là lần gặp mặt sau cùng. Khanh ở lại hoàng cung còn ta thì trở về nơi cát bụi, ngàn năm sương khói lạnh lùng.
- Kim: Hoàng thượng, tại sao hoàng thượng lại thốt ra những lời trăn trối trong khi sức khỏe vẫn khang cường?
- Linh: Y sĩ Sa Tần vừa báo cho ta biết, ta vướng phải một chứng bịnh vô phương điều trị, nội ngày nay sẽ gặp mặt các tiên vương. Trừ phi khanh bằng lòng cho ta đôi mắt thì Sa Tần mới cứu ta thoát chết...

Đầu thập niên 60, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, soạn giả được tự do sáng tác nên chỉ trong 7 ngày cao hứng, soạn giả Hoa Phượng đã sáng tác được vở tuồng Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng, vừa có tác phẩm hay để cho đào kép thi tài ca diễn, vừa có những đêm hát lý thú cho khán giả giải trí mua vui và cũng là một cách trả số nợ 20.000 đồng một cách rất có ý nghĩa.
Nếu chuyện xảy ra sau năm 1975, khi bắt buộc phải viết tuồng theo định hướng chính trị của đảng thì 10 anh Hoa Phượng hợp lại cũng không thể nào viết được một tuồng cải lương theo định hướng cho ra hồn!

Nhớ thời vàng son của cải lương.
Soạn giả Nguyễn Phương, 2012

304Đen - Llttm