Tuesday, August 18, 2015

Cuộc Đời Và Sân Khấu - Nguyễn Phương



Cuộc đời và Sân khấu Nghệ sĩ
                     trong “Đời thường” và “Đời trên sân khấu”!



    Ngày xưa, người mình có thành kiến xem nghệ sĩ thuộc về thành phần “xướng ca vô loại”. Họ nghĩ nghệ sĩ sống phóng túng, không có nơi ăn chốn ở cố định, ngày này tháng kia lang thang theo đoàn hát, khi ăn quán, lúc ngủ đình, cuộc sống phiêu bạt theo kiểu thương hồ “gạo chợ nước sông” nên người ta đánh giá là hạng người không có “căn cơ”. Lại thêm hồi đó người ta nghĩ kép hát bội, đã bội thì tất nhiên ăn ở bạc tình vì hai chữ “bội bạc” thường đi đôi với nhau.
Trong xã hội, thành phần nào, giai cấp nào, người giàu hay người nghèo, giới nào cũng có người tốt kẻ xấu, tuy nhiên giới nghệ sĩ là những người nổi tiếng, được nhiều người biết danh biết mặt, được báo chí, đài phát thanh thường xuyên nhắc đến, do đó tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, người ta biết và nhớ nhiều chuyện bê bối của một số nghệ sĩ nào đó rồi nghĩ đa số nghệ sĩ cũng xấu như vậy.

Tôi hành nghề soạn giả và viết báo về nghệ thuật sân khấu tính chung đã hơn sáu mươi năm, thường nhiều năm sống chung với nghệ sĩ lang thang theo bước chân lưu diễn của đoàn hát nên cũng thấy được mặt phải và mặt trái của nhiều nghệ sĩ sân khấu. Ngẫm lại, tôi thấy vai “nhân vật” hát trên sân khấu đã ảnh hưởng không nhỏ đối với tánh tình của nghệ sĩ.
Thử gẫm xem... một cô gái mỗi đêm phải nhập vai làm vợ một người khác nhau, khi thì là nữ hoàng trung trinh tiết liệt, khi là một nữ hoàng đa tình làm nghiêng ngửa cơ đồ của một đấng quân vương; cũng là cô gái đó đêm này hoặc đêm khác hát vai vợ một tên tướng cướp hay con gái điếm, hoặc là một nữ sinh mới biết yêu bị tình phụ, một cô Lan bị phụ tình trong tuồng Hồn Bướm Mơ Tiên, một Mai Đình trong vở Hàn Mạc Tử hay vai vợ hoặc vai người tình trong tuồng Vợ và Tình của Nguyễn Thành Châu, một Phàn Phượng Cơ hay một Tạ Nguyệt Hạo trong tuồng San Hậu, mỗi vai nữ một số phận khác nhau, tánh tình khác nhau, tâm trạng khác nhau, phương cách hành sự khác nhau. Cô đào diễn vai nào, nhân vật nào cũng đều phải toàn tâm toàn ý nhập vai tuồng, khi thì hiền phụ, vai khác thì lẳng lơ trắc nết, có khi là nhân vật ác phụ, đốt chồng hại con, khi thì đi tu, khi là nữ tướng, nhân vật tuồng có khi đi vào trong giấc mộng của cô đào và cả ban ngày khi tập tuồng, cô cũng phải sống với tâm trạng của một người khác, không phải đích thực tâm trạng của cô.

Diễn viên, dù nam hay nữ, hằng ngày đều phải sống trong hai tâm trạng của hai người khác nhau, một người trong đời thực và một người trong đời mộng (nhân vật trên sân khấu). Thời gian sống với tâm trạng của nhân vật tuồng (khi diễn tuồng, lúc tập tuồng) dài hơn khi sống với tâm trạng thật của mình, nên nhiều khi diễn viên sân khấu cứ tưởng lầm mình là nhân vật mà anh thường thủ diễn.

Nghệ sĩ Hùng Cường là một người như vậy. Trong các tuồng xã hội cận đại trên sân khấu Dạ Lý Hương, nghệ sĩ Hùng Cường thường đóng vai thiếu tá. Để cho đẹp trên sân khấu, Hùng Cường đặt may nhiều y phục sĩ quan, có cả cấp bậc đính trên cổ áo hay trên vai áo, có huy chương chiến công đủ loại, có mũ, nón sắt, giày botte nghĩa là đúng theo quân phục của một sĩ quan hiện dịch. Anh mặc nguyên bộ y phục thiếu tá lái xe đến đậu trước văn phòng của ông bầu Xuân, anh xuống xe, bước vào cửa văn phòng thì bỗng có một đại úy đứng bật dậy chào anh theo đúng lễ nghi quân cách. Hùng Cường đưa tay chào lại và cười như cấp trên ban nụ cười cho thuộc cấp. Anh đại úy trẻ không nhận ra ông thiếu tá mà anh vừa chào là thiếu tá giả nên vẫn đứng nghiêm cho đến khi Hùng Cường xô cửa văn phòng của ông bầu Xuân, bước vô.

 

Bầu Xuân đang nói chuyện với một ông khách rất đẹp trai. Đứng sau lưng ông khách là hai anh vạm vỡ, mặc quần tây đen áo sơ mi trắng. Nghệ sĩ Hùng Cường bước vô, anh tưởng ông khách là một kép hát mới ở các đoàn hát tỉnh lên xin gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, anh ngó bầu Xuân, đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh: “Chào ông Bầu, ông thấy đẹp không?”
Một trong hai anh đứng sau lưng ông khách, hỏi: “Tại sao anh thấy ổng mà không chào?”
Hùng Cường hỏi lại: “Tôi không biết ổng là ai, tại sao tôi phải chào ổng?”.
- Anh là thiếu tá hả? Ở binh chủng nào?
- Nhảy dù! Được hông? Anh không thấy cấp hiệu và phù hiệu nhảy dù trên áo đây sao?
Ông khách đứng lên: “Ông bầu, thôi mình về, khi khác sẽ gặp lại”.
Bầu Xuân: “Dạ, xin trung tướng về... Dạ xin trung tướng tha lỗi cho anh Hùng Cường, anh không biết...”
Ông khách gạt ngang: “Không sao... không sao…”. Ông bỏ đi nhanh ra cửa, hai anh cận vệ là hai người đứng sau lưng ông trung tướng nhìn Hùng Cường lom lom rồi cũng bước ra theo. Anh đại úy ngồi ngoài là người lái xe cho ông trung tướng nên cũng ra về luôn.
Sau khi ông khách ra về, soạn giả Thiếu Linh và tôi vào văn phòng, Hùng Cường vẫn còn đứng đó, dường như chưa kịp hoàn hồn. Ông bầu Xuân kể cho chúng tôi nghe chuyện Hùng Cường mặc y phục thiếu tá và cứ tưởng mình là thiếu tá thật nhưng lại không biết ông Trung tướng Chỉ huy Trưởng Vùng 3 nên không chào.
Hùng Cường cười hô hố: “May mà tôi không nói bậy. Tôi nhớ trong tuồng, lúc Thiếu tá Hoàng thấy các anh lính quên chào, ra lịnh: các anh hít đất 100 cái cho tôi. Tôi thấy ba người đứng trong phòng ông bầu, lại cứ tưởng ba anh lính trong tuồng “Người Yêu của Hoàng Thượng”, tính nói giỡn, biểu ba anh đó hít đất nhưng tôi ngưng kịp. Nếu không thì chết bà rồi. Ai dè ông Tướng Chỉ huy Trưởng Vùng 3 mà tới văn phòng đoàn hát để làm gì chứ!”
Bầu Xuân cho biết ông đã nhiều lần dùng cơm chung với hai ông bà trung tướng tại tư gia của ông, vì bầu Xuân có chung vốn hợp tác với bà tướng để sản xuất mấy bộ phim, ông tướng nhân dịp đi ngang qua văn phòng Dạ Lý Hương nên ghé nói chuyện xã giao thôi.

Soạn giả Thiếu Linh và tôi bàn chuyện tuồng tích với ông bầu, độ nửa giờ sau chúng tôi về, Hùng Cường cũng ra về luôn. Khi Hùng Cường bước vô xe hơi, chưa bật démarreur thì xe quân cảnh chạy tới, đậu chắn trước đầu xe, một thượng sĩ quân cảnh bước tới chào Thiếu tá Hùng Cường và yêu cầu trình giấy tờ. Hùng Cường nói anh là nghệ sĩ đóng tuồng chớ không phải là thiếu tá thật. Quân cảnh nói anh mạo danh thiếu tá vì anh mặc y phục thiếu tá ở ngoài đường, gần khu dân sinh chớ không phải trên sân khấu. Hùng Cường đang giằng co cãi tới cãi lui, thì ông thượng sĩ ra hiệu hai quân cảnh xuống xe jeep, lôi Hùng Cường ra, đưa báng súng định đánh, Hùng Cường sợ quá la lên: “Đừng đánh, tôi theo các ông”. Hùng Cường bị xô té chúi nhủi, bị lôi lên xe jeep. Chúng tôi chạy trở vô văn phòng cho bầu Xuân biết, ông bầu ra thì xe quân cảnh chở Hùng Cường chạy xa rồi.
Nhiều người ở khu dân sinh chứng kiến chuyện xảy ra và nghe đối thoại giữa ông thượng sĩ quân cảnh và Hùng Cường, nói với ông bầu Xuân: “Ông bầu phải mau mau tìm cách cứu Hùng Cường, chớ giả mạo thiếu tá đi ngoài đường, coi chừng bị đưa ra tòa án binh đó chớ không phải chuyện thường đâu”.

Bầu Xuân cằn nhằn: “Cái ông Hùng Cường này có duyên nợ với cảnh sát và tòa án mà... Hồi ổng đi gánh hát Ngọc Kiều, khi hát đóng vai tướng, tưởng mình là tướng thật, nên khi kêu 'quân sĩ' mà một em vệ sĩ đứng hầu 'dạ' một tiếng nhỏ, ổng giận đá em vệ sĩ đó té xuống sân khấu ở rạp Nguyễn Văn Hảo. Ba má em vệ sĩ Nguyễn Mỹ đó là kép Bảy Vân và đào Năm Đặng, được các ký giả kịch trường ủng hộ, giúp tiền cho gia đình em Nguyễn Mỹ kiện Hùng Cường ra tòa. Hùng Cường phải ra hầu tòa nhiều lần đến nỗi đoàn hát Ngọc Kiều phải mướn kép hát khác đóng thay cho Hùng Cường khi đoàn hát lưu diễn miền Trung. Hùng Cường bị phạt tiền vì tội hành hung người khác và bồi thường tiền thuốc và danh dự cho em vệ sĩ đó.
Lần khác, Hùng Cường hát trên sân khấu Kim Chung, ổng ca rớt vọng cổ, bèn vô cánh gà, đá bể thùng đờn của nhạc sĩ mù Văn Vĩ. Các anh em nhạc sĩ hùn tiền thưa Hùng Cường ra tòa, lần đó Hùng Cường bị bắt xuống bót quận nhì, bị phạt và bồi thường tiền mua ampli và đờn khác đền cho nhạc sĩ mù Văn Vĩ. Lần này Hùng Cường mặc quân phục thiếu tá, đi khơi khơi ngoài đường, bị ghép tội mạo danh thiếu tá thì khó mà gỡ tội lắm”.

Tuy nói vậy nhưng bầu Xuân cũng đích thân đến nhà bà trung tướng để nhờ bà nói với ông trung tướng xin tha cho Hùng Cường. Ông trung tướng không biết việc quân cảnh xét giấy tờ của thiếu tá giả Hùng Cường là do tình cờ hay do cận vệ của ông báo cho quân cảnh biết Hùng Cường có hành vi sai phạm khi mặc quân phục sĩ quan đi ngoài đường như vậy? Ông cho Thiếu tá Thái, tùy viên quân sự của ông, đến Nha Quân Cảnh để tìm hiểu sự việc và giải quyết. Thiếu tá Thái trở về báo cáo là Quân Cảnh không truy tố Hùng Cường về tội giả mạo sĩ quan cấp tá nhưng cũng không thể thả ra ngay vì Hùng Cường trong tuổi quân dịch, anh không có bằng cấp gì cả nên được đưa lên Trung Tâm Ba để theo lớp huấn luyện lính tân binh quân dịch.
Bầu Xuân phải đôn Nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm lên đóng thế vai cho Hùng Cường, ông hy vọng chạy chọt cho Hùng Cường làm lính kiểng...
Thiếu Linh nói: “Hùng Cường thường khoe đậu tú tài đôi, nếu trong tuổi quân dịch thì sẽ đi học Trường Sĩ quan Thủ Đức hay trường Đà Lạt chớ có phải học lớp tân binh trên Trung Tâm Ba đâu mà sợ...”

Ông Bầu Xuân cười: Nghệ sĩ đóng vai giáo sư nên cứ tưởng mình là giáo sư thật. Khi đóng vai học sinh thì cứ tưởng mình là tú tài một hay tú tài hai. Có người tưởng mình là tiến sĩ trong khi đó chưa hề có bằng thành chung, chưa đi thi tú tài mà đã có bằng tiến sĩ rồi.
Đời thật và đời sân khấu nó hay lẫn lộn qua lại đó mà! Khi bị người khác khám phá ra sự giả mạo thì chỉ có việc cười trừ và trả lời: Cuộc đời là vô thường mà. Có đó rồi mất đó. Thật, thật hay giả giả, cũng vậy thôi.
Đời là thế! Thế mới là đời!

Nguyễn Phương, 2012

304Đen - Llttm

No comments: