Tuesday, February 28, 2023

Như Cánh Vạc Bay Chiều Ấy - Thuyên Huy

 Như Cánh Vạc Bay Chiều Ấy




 












Như cánh vạc bay chiều ấy

Vội vàng người bỏ phố đi

Từ đó nơi này vẫn vậy

Cũng còn những buổi chia ly

 

Góc sân trường hoa phượng nở

Hạ sang vang tiếng ve sầu

Công viên lá vàng cứ đổ

Thu đến rồi thu đi mau

 

Vẫn còn đó con sông cũ

Con sông chia phố đôi bờ

Giáo đường giờ chuông muộn đổ

Có người thôi chép tình thơ

 

Đường xưa của ngày hoa mộng

Hao mòn những bước chân chim

Một thuở ngập ngừng lúng túng

Cũng đèn vàng vỏ giữa đêm

 

Như cánh vạc bay chiều ấy

Người đi mang cả trời mơ

Rã rời gió đưa gió đẩy

Phố xưa vẫn có người chờ

 

Thuyên Huy

Hàng Hoa Bỏng Bổ - cpsn

 HÀNG HOA BỎNG NỔ

















Hai mùa thi tú tài đã quá xa
Đi thật xa vào ký ức
Nhiều con đường xưa đổi hẳn tên
Khuôn mặt phố nhấp nhô, cao, thấp

Thời đó, Honda vắng hơn bây giờ
Duy, trên hè, cây xanh um tùm lắm
Bao nhiêu buổi tan học về
Tôi và cô ấy thường dắt xe mấy quãng

Nhà thì cùng một hướng
Mà cứ thích vòng ngược cho xa
Trời nắng chang chang
Nên quán nước, chúng tôi hay dừng lại

Thật chả có gì bí mật
Thủa ấy, ngây thơ, ngoan .. dại
Giận, hờn thì đã rõ ràng
Những buổi gặp, toàn ngu ngơ, im lặng

Hôm nào hoạ hoằn, đọc được bài thơ
Ở đâu đó, khen, rồi thi nhau chép
Đôi khi chỉ mỗi bài mà tất cả học sinh đều biết
Nên bạn gái riêng mà thơ thì chung

Có điều .. tận tay viết đẹp hay không
Hễ chữ cẩu thả là chẳng thèm đọc đấy
Con đường dắt xe qua nhiều bữa
Hàng cây hoa Bỏng Nổ ai trồng?

Phố bụi lừng, oi ả nắng, khói xông
Nhựa đường đen, nóng, mềm, bốc lửa
Sau lưng, tóc, vai, mồ hôi nhễ nhại
Đám hoa Bỏng trên hè, vẫn đỏ, vươn lên

Thân thẳng, cao, rộ vào nhớ / quên
Thủa tú tài, lăm le làm người lớn
Hoa bình an, tự mọc, tự tươi nguyên
Màu vẫn rạng buổi điêu linh, tan tác

Giờ gặp lại, hẳn tôi, cô, đều bạc
Bài thơ chép tay, chắc xó xỉnh lâu rồi
Chẳng ai để tâm nhớ chữ, nhớ lời
Nhưng hàng Bỏng Nổ cứ đỏ hoài trong óc

Sài Gòn bây giờ đang tuần mưa như khóc
Nước nghẹn những con đường đã lạ bảng tên
Không biết đoạn dắt xe ngày cũ còn không
Quán nước dừng chân nghe đâu cũng mất

Hai mảnh tú tài bấy nhiêu năm thất lạc
Trường học cũ biến dạng cao tầng
Mưa Sài Gòn đi, đến, rất bâng khuâng
Cũng như đến, đi, bâng khuâng ngày trước

Chuyện của mình thì chỉ mình hiểu được
Buồn, vui, đau, nhớ, giữ làm quà
Lúc cô đơn mới thấy thực là xa
Xa tuổi trẻ, xa người, xa thời luyến tiếc

Tình chưa đầy nắm tay, vút qua biền biệt
Cái quãng đường, quán nước, dắt xe
Dĩ nhiên nụ cười, mái tóc làm sao quên
Tươi thắm lắm, bừng bừng như Bỏng Nổ

cpsn

"Tình Là Gì" Trong Tiểu Thuyết Kim Dung - Nghê Khuông

 

“TÌNH LÀ GÌ” TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Chúng ta đều muốn biết nhưng đành bất lực. Hoặc chúng ta tưởng rằng mình đã biết, bởi vì mỗi người đều đã từng yêu, từng có một thời hạnh phúc và đau khổ, nhưng chúng ta rốt cuộc cũng không nói được tình là gì. Vì thế chúng ta không trách những người cả đời “thân tại thử sơn trung” mà “bất thức chân diện mục”. 

Nghê Khuông

 


“Vấn thế gian tình thị hà vật”

Bi thảm hơn là những kẻ cả đời vẫn mãi khát vọng về tình yêu nhưng không thể có được, cả đời bỏ ra mà không nhận lại được gì, vì khát vọng về tình yêu mà biến đổi cả tính cách, điên đảo một đời. Họ suốt đời bị những nỗi khổ tình yêu dày vò, nhưng rốt cuộc cũng không hiểu ra tình là gì. Ví như Lý Mạc Sầu trong “Thần điêu hiệp lữ”. Trong đoạn đầu của tiểu thuyết, khi nghe tiếng ca theo gió “phong nguyệt vô tình nhân ám hóa, cựu du như mộng không đoạn trường” (gió trăng vẫn cứ vô tình, mà sao không biết lòng này đớn đau), lại nghe những tiếng cười khúc khích (Đó là tiếng cười vô tư của Trình Anh, Lục Vô Song), Lý Mạc Sầu lẩm bẩm một mình: “Có cái gì mà cười? Bọn tiểu nha đầu chỉ hát bậy, trong lời hát chỉ toàn là đau khổ với tương tư”. Lúc ấy Lý Mạc Sầu đã là một người lớn tuổi, bởi vì nếm đủ mùi vị sầu khổ của nhân gian mà làm đạo cô, tạo ra nhiều nghiệp chướng, trở thành một nữ ma đầu mà ai ai cũng căm phẫn. Nhưng thị có thật sự hiểu tình là gì không? 

Thị không hiểu gì cả. Trong đoạn cuối của cuộc đời thị, tác giả viết như thế này: 

… Lý Mạc Sầu phi thân lên cao, lộn nhào xuống lăn vào đám lửa đang cháy rừng rực. Mọi người đều la hoảng, từ trên núi nhìn xuống chỉ thấy trong phút chốc quần áo của thị bắt đầu bắt lửa, ngọn lửa bao bọc lấy thân thị, nhưng thị vẫn đứng yên, không hề động đậy. Ai nấy cũng hãi hùng. 

Tiểu Long Nữ nghĩ tới tình sư môn kêu lớn: 

– Sư tỷ mau thoát ra đi! 

Nhưng Lý Mạc Sầu vẫn đứng yên trong đám lửa, không thèm để ý. Trong chốc lát, ngọn lửa đã bao trùm lấy cả người thị. Bỗng nhiên người ta nghe tiếng hát thê lương: 

Hỏi thế gian tình là gì, mà gắn bó chẳng nề sinh tử? Chấp cánh bay trời Nam đất Bắc… 

Đến đây, tiếng ca dần nhỏ lại rồi tắt hẳn. 

Lý Mạc Sầu chết. Bài ca vẫn chưa hát hết lời, nhưng vẫn còn vang vọng đâu đây. 

Trong bộ tiểu thuyết này, Lý Mạc Sầu không chỉ hát một lần bài ca này. Đến lúc chết vẫn hát: “Hỏi thế gian tình là gì?” nàng đã mang theo câu hỏi này mà ra đi. Nàng chết đi, để lại cho chúng ta câu hỏi này. 

Bài ca ấy là thế này: 

“Vấn thế gian tình thị hà vật. 
Trực giao sinh tử tương hứa? 
Thiên Nam địa Bắc song phi khách, 
Lão xí kỷ hồi hàn thử. 
Hoan lạc thú, 
Ly biệt khổ; 
Quân ưng hữu ngữ, 
Diễu vạn lý tằng vân. 
Thiên sơn mộ tuyết, 
Chích ảnh vị thuỳ khứ”. 

(Tạm dịch: 

Thế gian ơi tình là chi vậy, 
Mà sao sống chết chẳng đành lìa nhau? 
Dắt tay nhau bay khắp chân trời, 
Trải bao ấm lạnh cuộc đời, 
Vui sao khoảnh khắc bên nhau, 
Khổ sao một nỗi đôi người lạc nhau, 
Tình si nay chỉ một mình riêng em. 
Một lời chàng hứa với em, 
Mà nay chỉ có vạn trùng ngàn mây. 
Ngàn non tuyết phủ lạnh lùng, 
Một mình bóng chiếc đi về riêng ta.) 

Đó là nửa đoạn đầu trong bài “Mô ngư nhi” của nhà thơ thời Kim, Nguyên Hiếu Vấn, đã nói hộ bao người, những nghi vấn ẩn chứa trong lòng. Có những điều chúng ta chỉ biết hời hợt bên ngoài mà không biết cái sâu sắc đang nằm ở bên trong. Bài từ này là một minh chứng. Tác giả đã đưa nó vào “Thần điêu hiệp lữ”, xuyên suốt cả một đời Lý Mạc Sầu, xuyên suốt cả bộ tiểu thuyết, có thể nói đây là bài ca chủ đề của bộ truyện này. 

Hơn thế nữa, có thể gọi đây là bài ca chủ đề của toàn bộ thế giới tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung. Kim Dung chỉ là viết riêng lẽ từng câu chuyện tình, bộc lộ từng tâm lý tình yêu sâu kín và phức tạp, lần lượt đưa ra từng nghi vấn về tình yêu, mà không có câu trả lời. 

Đương nhiên, tìm đâu ra câu trả lời. 

Cũng như Tam Mao đã từng nói: “Tình yêu cũng giống như thiền, không thể nói ra được, hễ nói là sai” (Tam Mao, “Trong mơ bao nhiêu cánh hoa đã tàn”). 

May mà Kim Dung là một người thông Phật học, hiểu nhân tình, thông qua câu chuyện “Thế Tôn niêm hoa, Già Diệp vi tiếu” (Thế Tôn hái hoa, Già Diệp mỉm cười), đã biểu đạt chỉ có thể hiểu ý chứ không nói nên lời. Trong hồi 17 “Tuyệt Tình U Cốc” của “Thần điêu hiệp lữ”, tác giả đã viết “Công Tôn Lục Ngạc hái hoa”, “Dương Quá đứng một bên mỉm cười”. 

Trong “Tuyệt Tình U Cốc”, những điều tác giả viết tựa hồ như tả cảnh bình thường, nhưng cũng rất giống tả tình; xem ra giống như lấy chuyện để luận chuyện, thông qua chuyện này để nói đến chuyện khác. Chúng ta hãy xem thử đoạn này: 

Dương Quá rón rén ngồi dậy, lặng lẽ đi ra ngoài vườn, đứng ngắm trời đất. Đêm khuya canh vắng, bốn bề mờ mịt, lá hoa trên cây tỏa ra một mùi thơm ngát dưới vòm trời đầy sao. Chàng mãi mê lững thững ngắm cảnh, nhìn theo những cánh hoa trắng phau đang bay tung theo luồng gió lạnh của đêm khuya như cơn mưa nặng hạt, chợt thấy xa xa phía trước có một bóng người yểu điệu đi tới. Dương Quá liền tiến đến thì thấy một thiếu nữ áo xanh, đang hái hoa miệng hát nho nhỏ. 

Gặp Dương Quá thiếu nữ bẽn lẽn cúi chào: 

– Quý khách không ngủ được? Có việc gì mà quý khách lo lắng? Nàng nói xong có vẻ luống cuống bứt vội hai búp hoa đưa cho Dương Quá để đỡ ngượng. 

Dương Quá đưa tay nâng hoa lòng ngây ngất. Chàng bâng khuâng nói: 

– Hoa ăn chắc ngon lắm phải không cô nương? 

Nàng thẹn thùng nói trống: 

– Dạ, ăn được. 

Rồi nàng lặng lẽ, đưa mấy ngón tay búp măng uyển chuyển bẻ từng cánh hoa, đưa lên ăn. Mùi hoa làm dịu cả không gian. Dương Quá cũng bắt chước nàng đưa hoa lên miệng ăn ngon lành. 

Mới đầu chàng nhai thì nghe ngọt dịu, sau dần nuốt vào thấy đắng đắng, chát chát. 

Nhưng trước mặt mỹ nhân, dẫu có đắng chát thế nào cũng cố nuốt đi cho xong. 

Chàng chăm chú nhìn thì thấy đây là một thứ hoa rất lạ, cành đều có hoa nhọn hoắc, lá to hơn lá hồng, còn hoa thì tuyệt đẹp, đẹp hơn cả hoa hồng là chúa của loài hoa nữa. 

Dương Quá liền hỏi: 

– Cô nương! Hoa này là hoa gì thế? Tôi chưa từng thấy bao giờ? 

Cô gái mỉm cười đáp: 

– Thưa quý khách đây là “Tình hoa”. Chốn nhân gian rất hiếm. Chẳng hay quý khách có ưa mùi vị nó không? 

Dương Quá đáp: 

– Mới ăn thì ngọt sau lại đắng. 

Nói rồi chàng đưa tay ngắt một hoa, thấy cây có gai, chàng hái cẩn thận. Nào ngờ không tránh khỏi, vì dưới hoa lại còn có gai nhọn nữa. Chàng mới để tay vào thì một mũi nhọn đã đâm vào làm tay chàng rướm máu. 

Thiếu nữ áo xanh nói: 

– Thiếp nghe cha thường nói: “Thứ ‘Tình hoa’ này rất ưa máu người”. Chắc mấy giọt máu của quý khách sẽ làm cho hoa nở thêm diễm kiều. Còn động này tục gọi là động “Tuyệt Tình”. Dương Quá cười nói: 

– Là động “Tuyệt Tình” mà ở đây lại có nhiều “Tình hoa” kể cũng kỳ lạ, phải không cô nương! 

Hai người mãi mê trò chuyện, bước thong dong trên nệm cỏ vai sát vai lúc nào không hay. 

Dương Quá say sưa nói: 

– Trong chốn u tịch này lại có cái động gọi là “Tuyệt Tình Cốc” nghe thoát tục quá nhỉ! 

Thiếu nữ lắc đầu nói: 

– Thưa tôn khách, thiếp không hiểu sao lại gọi như thế. Chỉ có cha thiếp mới rõ lai lịch tên ấy. 

Vườn hoa càng khuya càng tiết hương thơm ngào ngạt, cả bầu trời lung linh, thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua, những đám cây xạc xào như những tiếng thì thầm của đôi trai gái đang sánh vai bước nhẹ trong chốn “Tuyệt Tình”. Dương Quá miệng không ngớt chuyện trò, nhưng đầu óc vẫn quay cuồng trong mộng ảo. 

– Đáng yêu lắm! Đáng yêu biết bao! Nếu ta có người yêu bên cạnh, cùng đi với nhau tay trong tay, ta sẽ thề cho đến trăm năm đầu bạc không rời nàng nữa. 

Bỗng nhiên chàng cảm thấy đau nhói và buốt tới xương sống và bị cành gai vừa chích. Chàng khẽ kêu: 

– Ôi chao! 

Rồi đưa tay lên miệng, cắn chặt lấy vết gai đâm.

Thiếu nữ áo xanh vẫn điềm nhiên cười duyên dáng nói:

– Tại tôn khách mơ tới ý trung nhân. 

Dương Quá thấy nàng đoán đúng tâm sự của chàng, hai tai nóng bừng lên, chàng nói: 

– Làm sao cô nương biết? 

Thiếu nữ phá lên cười khanh khách nói: 

– Tôn khách không biết đó? Phàm đã bị gai của “Tình hoa” châm vào thì tuyệt đối cấm tương tư trong ba ngày. Nếu trong ba ngày ấy mà nghĩ đến tình nhân thì tay sẽ bị đau buốt không chịu nổi. 

Dương Quá nghe nói lạ liền hỏi: 

– Lại có thứ gai kỳ dị đến thế? 

Thiếu nữ đáp: 

– Thưa tôn khách! Đúng như vậy! Cha thiếp có dạy “Tình hoa” có gai độc thế! Mới ăn thì ngọt dịu, nhưng sau đắng cay, toàn thân như bị gai đâm đau buốt. Dù với tình nào, dầu có đề phòng đến đâu đi nữa cũng khó lòng tránh khỏi thương đau. Bởi vậy nên thứ hoa này mới đặt tên “Tình hoa”. 

Dương Quá nói: 

– Như thế tức tại hạ không được nghĩ tới người yêu trong ba ngày hay sao? Khổ lòng tại hạ lắm! Tại hạ chịu thôi!… Chàng nói một hơi dài, trong lúc thiếu nữ nhìn chàng với đôi mắt đen lay láy. 

Mặt chàng ngơ ngác như người mê mới tỉnh, hổ thẹn vì đã lỡ lời bày tỏ tâm hồn mình trước người đẹp. Thiếu nữ vẫn tự nhiên kể tiếp: 

– Cha thiếp bảo gai của hoa tình độc lắm! Ai bị nó châm phải nén lòng đừng nghĩ đến người yêu, để cho tinh thần được vô tư thì không sao, bằng để dục vọng nổi lên, là chất độc sẽ chạy theo máu làm cho toàn thân nhức buốt. 

Dương Quá nửa tin nửa ngờ. Phút chốc thái dương chói lòa ánh bình minh rực rỡ. 

Chàng nhìn lại cây Tình hoa, thấy hoa đã kết thành quả, lòng rất ngạc nhiên. Tại sao mới thấy trong chốc lát đã trở thành quả? Còn hoa thì đẹp đến thế kia, bây giờ quả nó xấu xí như vậy. Màu xanh, màu đỏ, màu đen lẫn lộn, lại có lông tua tủa. Dương Quá nói: 

– Sao hoa đẹp đến thế kia mà quả xấu như thế? Chắc ăn không được hả cô nương? 

Thiếu nữ đáp: 

– Thưa tôn khách, quả không ăn được, vì nó vừa chua, vừa chát, vừa hôi. 

Dương Quá cười nói: 

– Không có thứ quả nào ăn được hả cô nương? 

Thiếu nữ áo xanh đáp: 

– Cũng có quả rất ngọt, rất bùi, nhưng rất khó chọn, bởi chúng ta chỉ trông thấy bề ngoài của quả, nên không biết được. Có nhiều quả ngoài đẹp nhưng ăn lại đắng. Có quả xấu xí mà ăn lại ngọt. Dương Quá thầm nghĩ: 

– Loài hoa mà cũng hàm ý của đời! Trời ơi! Tình hoa mà cũng hàm chứa đủ mùi như vậy! Mùi vị ái tình ban đầu thì trước ngọt sau cay, như hai kẻ yêu nhau rồi khi xa cách cũng đau khổ biết chừng nào! Trời ơi! Ta cũng sẽ như Tình hoa? Hỡi những người yêu của ta! Tương lai rồi đây sẽ ra sao? 

Chàng thầm than thở như vậy, lại càng tưởng nhớ tới Tiểu Long Nữ. Đột nhiên ngón tay chàng nổi lên đau buốt đến xương, làm cho cánh tay như rời rã. Bây giờ chàng mới tin lời thiếu nữ áo xanh nói là đúng. Thiếu nữ nhìn thấy mặt Dương Quá cảm thấy thương xót, nhoẻn miệng cười an ủi! 

(bản dịch của Hàn Giang Nhạn???) 

Đoạn trên hầu như mỗi câu đều mang dáng vẻ của hư và thực, có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Gai hoa tình, quả hoa tình đều là hư cấu của tác giả, trên đời làm gì có loài hoa như thế. Còn “Tuyệt Tình Cốc” làm cho chúng ta liên tưởng đến “Ly Hận thiên”, “Oán Sầu hải”, “Đại Hoang sơn” trong “Hồng lâu mộng”… Những địa anh có ý nghĩa tượng trưng, cũng có loại hoa kỳ lạ này. 

Tôi nghĩ chúng ta không nên giải thích quá nhiều (thực tế cũng khó mà giải thích cho rõ được). Loài hoa này hương thơm sắc thắm, thơm hơn phù dung, đẹp hơn sơn trà, khi nếm thử lúc đầu cảm thấy ngọt, có vị ngây ngất của rượu, nhưng cuối cùng là vị chát; trên thân cây toàn là gai, khi hái phải cẩn thận, nhưng vẫn có thể bị nó đâm dễ dàng; bạn muốn ăn thử trái nó ư? Trái hoa tình là một thứ xấu xí nhất, trong mười trái đã có chín trái là đắng, có những trái xấu xí nhưng lại rất ngọt ngào, những trái đẹp đẽ lại rất đắng… Tất cả những điều đó đều liên quan đến “chữ tình” hoặc giống với “chữ tình”. 

Ít nhất là điều này rất đúng trong tiểu thuyết Kim Dung, ít nhất Dương Quá “biết những lời của vị nữ lang này quả nhiên không sai”. Vị nữ lang ấy chính là Công Tôn Lục Ngạc, con gái của Tuyệt tình cốc chủ Công Tôn Chỉ, lúc ấy gặp Dương Quá biết rằng không thể chạm tới tình hoa, nhưng không thể cưỡng lại mình yêu ngay chàng trai anh tuấn cơ trí phong lưu. Biết rõ Dương Quá đã có người trong mộng cho nên bị độc hoa tình hành hạ, nhưng nhưng nàng vẫn không ngăn được mình, cứ yêu thương chàng trai ấy. Đã biết đó là tình yêu vô vọng, chỉ có trái đắng mà thôi nhưng nàng vẫn cứ yêu, vì người trong mộng mà hy sinh bản thân mình. Đó chính là cuộc đời đẹp đẽ mà thê lương. 

“Chữ tình” là cái chi chi? 

Đó là một loài hoa hương thơm sắc thắm, nhưng quả lại xấu xí và cay đắng bội phần. Trên cành toàn là gai, những trái xấu xí nhưng lại đầy vị ngọt. 

Có khi bằng bản năng và trực giác chúng ta chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài của Tình hoa, nhưng bằng lý trí chúng ta lại thấy vị đắng của quả hoa tình. Người lạc quan chỉ thấy bông hoa nhưng kẻ bi quan chỉ thấy trái đắng. Về bản năng chúng ta hướng về Tình hoa (Không biết, không ngần ngại để cho gai hoa đâm phải), mà lý trí của chúng ta đều biết rằng quả của nó chua chát đến dường nào. Thế giới tình yêu được tạo thành bởi hoa tình, gai hoa tình, quả hoa tình, và thuốc trị độc gai hoa tình đoạn trường thảo. “Một tình yêu chân chính, cũng giống như một cuộc dạo chơi đầy lãng mạn tại nơi giao hòa giữa lý tính và phi lý tính. Lý tính và phi lý tính bổ sung cho nhau, làm lên men tình yêu, một thứ làm cho người ta ngây ngất. Tình yêu là bản năng và tư tưởng, là điên cuồng và lý tính, là tính tự phát và tự giác, là sự dao động nhất thời và tu dưỡng đạo đức, là sự cảm nhận thực tế và tưởng tượng bay bổng, là tàn nhẫn và hiền hòa, là đau khổ và hạnh phúc, là ánh sáng và bóng tối. Tình yêu đem đến cho con người nhiều trải nghiệm” (Ngõa Tây Liệt Phu – “Ái tình luận”). 

Tam Mao bảo rằng không thể nói cũng đúng, những lời phía trên của Ngõa Tây Liệt Phu cũng đúng. Mặt khác, Tam Mao làm cho người ta khó đoán định được, còn Ngõa Tây Liệt Phu thật sự có nói cũng như không, ông nói một hồi, rốt cuộc có ý nghĩa gì? 

Những lời trên chẳng lẽ là đáp án của “chữ tình là cái chi chi”? 

Như thế chúng ta mới có thể thấy rằng, đoạn hái hoa nói chuyện tình yêu, không nói mà như nói, càng sâu sắc, nhiều ngụ ý và chân thực hơn. 

Chúng ta hãy thử để ý mấy điểm dưới đây. 

Thứ nhất, tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung là một thế giới hiện thực không phải là những giáo điều khô khan cứng nhắc. Mỗi cá tính khác nhau đem đến cho nhân vật những trải nghiệm khác nhau, từ những trải nghiệm khác nhau đó hình thành những câu chuyện khác nhau. Cũng giống như đoạn trước đã nói, mùi vị của mỗi cái hoa tình không hề tương đồng với hình dạng bên ngoài của nó. Nếu chúng ta nhìn kỹ, cũng có thể phát hiện hoa và gai của nó không giống nhau. Bởi vì trên đời này không có những loại lá giống nhau. Thứ hai, quan niệm về tình yêu của Kim Dung có vẻ bi quan, chính là ở chỗ không có cách nào xác định được quả hoa tình ngọt hay đắng, trong mười trái đã có chín trái là đắng, còn trái ngọt không biết ở đâu, không biết đã có ai hái chưa? 

Nếu như hoa tình đấy hương thơm sắc thắm, nhưng nếu muốn hái, thì sẽ bị gai đâm phải. Tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung có vẻ bi thương thì nhiều mà hạnh phúc thì ít. 

Đó là bởi nhân sinh quan của Kim Dung, những nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, toàn là buồn nhiều vui ít, Dương Quá có nói một câu, “Chuyện không như ý trong đời người chiếm tới chín phần mười”, chính là một tổng kết về nhân sinh quan, cho nên tình yêu chỉ toàn là đắng cay. Một nguyên nhân khác là, cũng như một đại văn hào đã từng nói: “Các gia đình hạnh phúc thì giống nhau, còn những gia đình bất hạnh thì mỗi nhà mỗi cảnh”. Tình yêu cũng thế. Cho nên chúng ta mới thấy rằng hoa tình thì thường giống nhau. 

Ở một mức độ nhất định nào đó, chúng ta có thể nói thế giới tình yêu của Kim Dung là đầy bi quan. Trong đó bi kịch nhiều hơn hỷ kịch và chính kịch. Nhưng những vở hỷ kịch và chính kịch, nếu bỏ đi lớp son phấn trang điểm thì vẫn là “lúc đầu ngọt ngào nhưng sau chua chát”, chính điều này đã làm cho những cuộc tình dưới ngòi bút Kim Dung được người ta thán phục say mê. 

Thứ ba, mặc dù đời người khổ nhiều vui ít, mặc dù tình yêu cay đắng, Kim Dung không phải là người theo chủ nghĩa hư vô về tình yêu. Những bi kịch dưới ngòi bút của ông, là sự biểu hiện của phẫn nộ và bi ai về thế giới con người. Ở điểm này, chúng ta không cần phải chỉ ra, bởi vì những người theo chủ nghĩa bi quan hoặc hư vô không thể miêu tả thế giới tình yêu phong phú đa dạng như thế. Chỉ có người đầy nhiệt huyết, đầy tình yêu trí tuệ, mới có thể sáng tạo ra thế giới như thế được. 

Cuối cùng, chúng ta thấy rằng Kim Dung không hề đưa ra một định nghĩa nào cho tình yêu. Những ai hy vọng tìm ra ở đây một đáp án và định nghĩa cho tình yêu chắc chắn sẽ thất vọng. Thật ra điều này ở đây cũng không cần thiết lắm. Nếu chúng ta biết trước được tình yêu, một ngày nào đó qua một quá trình trải nghiệm chúng ta sẽ thấy định nghĩa ấy nhạt nhẽo biết bao. Tình yêu vốn là một cảm giác, nếu cứ muốn truy rõ ngọn ngành thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Định nghĩa là xa xỉ phẩm của cuộc sống, cảm giác mới là bản thân của cuộc sống. Chữ yêu đã bị lạm dụng, nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy được câu trả lời đúng nhất, hơn thế nữa chữ tình cũng vậy, cách hiểu của mỗi người đều không giống nhau. Có chăng chỉ là hiểu một cách lờ mờ. Vậy thì chúng ta cứ hiểu lờ mờ như thế đi, bởi vì hiểu như thế càng gần sự thật hơn so với một định nghĩa rõ ràng. Hoa tình, gai hoa tình, quả tình, độc của hoa tình…, kỳ thực mỗi người đã hiểu khác nhau. Hãy cứ vậy đi. 

Nghê Khuông

Nguồn: Tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung, Nghê Khuông, Cổ Nguyệt dịch.

sgtc