Friday, February 10, 2023

Phá Giới - Phùng Thành Chủng

 

 

PHÁ GIỚI



Câu chuyện bắt đầu cách đây 4 năm.
… Buổi sáng hôm đó, vừa vực dậy được sau một trận ốm “thập tử, nhất sinh”, Phùng đột nhiên bảo vợ:
– Tôi không thể ở với “người” được nữa! “Người” hãy buông tha cho tôi… Y nói như trong cơn mê sảng. Thoạt nghe, Thắm hơi ngớ người vì sự xưng hô lạ tai ấy. Phải mất một lúc lâu sau đó, thị mới tin vào những điều nghe được, và hiểu rằng y muốn nói gì…
– Tôi đã có điều gì không phải, để mình giận tôi? – thị nhẹ nhàng.
– Không! Tôi mắc nợ “người” 20 năm chung sống và… 2 đứa nhỏ để lại cho “người” trước lúc ra đi…
– Mình đi đâu?
– tôi đia ở chùa!
“ở chùa?” – Thắm bỗng giật mình sợ hãi, với ý nghĩ: “Người sắp chết, thường dở chứng. hay là…?”.



Nhưng…
Như đã sắp đặt việc đầu tiên Phùng lẳng lặng đi kiếm lá đun một nồi nước xông. Xông xong, y lấy luôn nước đó để tắm. Rồi, thay một bộ đồ mới, đeo lên vai chiwcs tay nải đã được chuẩn bị từ trước, vẻn vẹn chỉ có hai bộ quần áo, y đến trước Thắm:
– Ơn “người”! – Y nói, đầu hơi cúi, cử chỉ của kẻ xám hối…
Vẫn lặng lẹ theo dõi những việc Phùng làm, đến lúc này Thắm mới giật mình hoảng hốt. Thị xụp xuống:
– Mình sao thế? Mình không thương tôi thì thương lấy hai đứa nhỏ. Tôi xin mình…
Nhưng, Phùng đã ra tới cửa.
vừa lúc đó, hai đứa con y cõng nhau đi chơi chạy về:
– Bố! – Ðứa chị khoảng 11, 12 tuổi, ngước lên vừa thở, vừa hỏi.
Trong khi đó, thằng em quãng 4, 5 tuổi, đã nhìn thấy chiếc tay nải đeo trên vai Phùng. Nó nhoài người, rời hai tay khỏi vai người chị, chới với reo lên:
– Bố! Bố đi đâu? Cho con theo với…?
Phùng ngoái lại, gương mặt không biểu cảm, gần như lạnh lùng. Y nói với Thắm nửa trách móc, nửa cầu khẩn, nhưng dứt khoát:
– Tôi đã nói rồi! Kìa… “Người”…
*
* *
Trụ trì ngôi chùa làng là một vị hoà thượng không có tuổi và không có giới tính. Sau khi nghe chuyện Phùng trình bày nguyện vọng muốn được xuống tóc quy y, nghĩ vợ chồng y có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, vị hòa thượng đạo cao, đức trọng đã ôn tồn khuyên y nên trở về với cuộc sống gia đình. Nhưng y khăng khăng xin ở lại. Phủ phục xuống chân hòa thượng, y lảm nhảm về những tội lỗi của một tâm hồn yếu đuối như y và cầu mong được giác ngộ.
– “Nam mô a di đà phật! Người đã tự đến. Thôi, ta cũng để người tự đi…” – Cuối cùng, hòa thượng đã phải nói với y như vậy, và để y ở lại…
… Ngày ngày, công việc của Phùng là gánh nước, bổ củi… và trông nom mấy sào vườn trồng thập cẩm đủ các thứ: sắn, rong giềng, chuối, khoai lang. .. ở sau chùa. ¡n uống đã đành là kham khổ, còn không đủ no, Phùng sút đi nhanh chóng. Nhưng, vượt lên tất cả, y tìm thấy hạnh phúc trong sự giải thoát…
3 tháng
6 tháng
1 năm
Rồi 2 năm…
Bây giờ, thì thời gian đủ để vợ con Phùng và cái cộng đồng làng xã của y phải mặc nhiên công nhận y là người của nhà chùa.
… Cho đến một lần, thấy Phùng, lầm lụi ngoài vườn, tự đọa đày mình dưới trời mưa rét, hòa thượng động lòng trắc ẩn – nghĩ thời gian thử thách đối với y như thế là đủ, và đã có ý định sang hạ, sẽ chọn ngày để xuống tóc cho y – công nhận y ở thứ bậc thấp của kẻ tu hành.
ấy là vào thời gian của những ngày đầu tiên bước sang năm thứ 3.
Nhưng điều đó chưa kịp thực hiện đã không bao giờ được thực hiện!
Một chuyện bất ngờ xảy ra chỉ cách cái thời điểm hòa thượng đã định để xuống tóc cho Phùng (nhưng chưa cho y biết) có mấy tiếng đồng hồ!
… Ðó là đêm mồng 7 rạng mồng 8 tháng 4 âm lịch (ngày bụt sinh, bụt đẻ). Vào quãng quá canh 3, Phùng trằn trọc không sao ngủ được. Y thấy tâm không tĩnh và lòng không định. Trời xui, đất khiến thế nào, để Phùng sực nhớ ra trước đây y cũng đã có một gia đình. Vợ y không đẹp lắm, nhưng đựoc cái dễ coi. Và hai đứa con thì kháu khỉnh…! Phùng đã phải trở dậy lên chùa, ra vườn, đi quanh sân, cầu cứu đến đức Phạt Tổ, nhưng tất cả những câu tụng niệm giờ đây đối với y thoắt bỗng trở thành vô nghĩa! Cuối cùng, thì việc gì phải đến, sẽ đến. Không cưỡng nổi được lòng mình, Phùng đã len lén vượt qua bức tường bao xây quanh chùa mò về làng. Lại một lần nữa vượt tường rào để vào nhà. Y đánh lửa châm đèn và nhìn quanh một lượt. Quang cảnh vẫn như xưa. Không có gì thay đổi. Vẻ quạnh quẽ, bừa bộn. Và tất cả, sau 3 năm, hầu như đã mang lại một màu sắc mới. Chiếc giường kê ngoài nhà, trước đây vẫn dành cho hai đứa con y, bỏ trống. Phùng cầm đèn vào buồng. Lòng bấn loạn y tiến về phía chiếc giường mà vợ chồng y vẫn nằm, vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm. Nhẹ nhàng kéo màn, Phùng giơ cao đèn. Trong cùng lá đứa con lớn. Thằng nhỏ nằm giữa. Và… Thắm, Thắm nằm nghiêng, mặt ngoảnh ra ngoài, ngay sát chỗ y đứng. Người nóng bừng, Phùng rụt rè đặt tay lên vai thị lắc nhẹ. Thắm choàng dậy, hốt hoảng và sau đó là ngơ ngác khi đã nhận ra y. Phùng ra hiệu cho thị đừng để các con thức giấc. Qua ánh mắt, cử chỉ của ngôn ngữ đực, cái, thị đã hiểu… và lẳng lặng theo y xuống bếp. Ngọn lửa đèn bị tắt phụt, cả hai quấn chặt lấy nhau… Thắm nhanh chóng quỵ xuống, là người trong tay Phùng, để y đỡ nằm xuống nền bếp. Cuống quýt. Tìm nhau. Ðến khi cả hai buông nhau ra, Phùng bấy như con cua lột vỏ, trong khi Thắm nghiêng người, quàng tay, kéo y xích vào lòng mình, giọng phấn hứng: “Lâu rồi… mình khoẻ thế!”. Phùng im lặng, không nói gì. Y thấy sượng sùng. – Pinh… Po… ôông… Pinh… Po… ôông… Tíeng chuông báo giờ hoà thượng dậy tụng kinh buổi sớm, từ chùa vọng đén làm Phùng sực tỉnh. Y vùng dậy, hốt hoảng… Thắm nghe mơ hồ tiếng gàu vấp vào thành giếng, tiếng xối nước ào ào… Nhưng, chỉ đến khi nghe tiếng kẹt cổng, giật mình quơ tay không thấy Phùng, thì mới hoàn toàn tỉnh hẳn. Vẫn lại mớ tóc rối bù, thị ngơ ngác chạy theo:
– Mình…?
Nhưng, Phùng đã không nghoảnh lại. Y hấp tấp chạy đi như bị ma đuổi.
*
* *
Phùng đxa quỳ xuống ôm lấy chân hòa thượng vừa khóc lóc, vừa kể hết tất cả những gì đã xảy ra. Y tự nguyền rủa mình như một kẻ khốn nạn, và cầu xin được hòa thượng tha thứ. Khẽ rùng mình, hòa thượng nghĩ đến cái thời khắc hệ trọng đã được quyết định, cũng chính là cái thời khắc này đây. vậy mà bây giờ…!
– nam mô a di đà Phật! Ðời là bể khổ!
Thoáng như sương, khói một nét buồn trên gương mặt bình thản. Hòa thượng không nói gì hơn và lặng lẽ quay gót.
… Những ngày sau đó, Phùng ở trong trạng thái suy sụp hoàn toàn. Y rũ xuống như một con thú bị trúng thương. Hỡi ôi! Còn sự trừng phạt nào ghê gớm hơn, khi mình đã mất đi lòng tin với chính mình? Ðể tự hành hạ, Phùng ăn rút đi và làm việc nhiều hơn. Ys cố gồng mình lên, để gượng dậy. Nhưng, như một kẻ bao nhiêu năm nhịn ăn, nhịn mặc, tích cóp từng xu, từng đồng để làm giàu, giờ đây bỗng chốc cháy túi những đồng tiền kiếm lại đầu tiên quả là khó giữ! Ðược 6 tháng, sự việc lại lặp lại.
Lần này, hòa thượng đã ôn tồn khuyên y:
– Nhà ngươi còn nặng căn lắm! Âu cũng là nghiệp chướng, tránh sao cho khỏi. Vùng vẫy, dãy dụa làm gì cô ích. Ngươi nên trở về. Phật tại tâm. Thỉnh thoảng, những khi cần người đến, ta vẫn sằn sàng mở rộng cửa chùa. Phùng lại quỳ xuống ôm lấy chân hòa thượng khóc lóc. Y hứa néu sự việc còn tái diễn, y sẽ không trở lại chùa. Và một lần nữa y lại xin hòa thượng tha thứ…
*
* *
Câu chuyện rồi ra sẽ đến, nếu như không có cái buổi sáng (cách thời điểm Phùng mò về nhà lần thứ hai không lâu) hòa thượng bảo Phùng ra vườn cất rau lang đi bán. Chưa đến 9 giờ y đã bán hết gánh rau. Ðang sắp quang gánh để về, thì những tiếng rao bán thuốc nam của một người dân tộc thiểu số làm Phùng chú ý. Theo như quảng cáo, thuốc của anh ta có thể chữa khỏi được nhiều thứ bệnh. Ðặc biệt, có một loại cao lá, nếu dán vào bộ phận sinh dục, có tác dụng diệt dục, dành cho những người vì lý do sức khỏe, và để đảm bảo tuổi thọ muốn cắt đứt những đòi hỏi sinh lý. Một ý chợt lóe lên trong óc Phùng, Y chớp lấy nhe kẻ chết đuối vớ được cái để mà bấu víu. Tim đập mạnh, y tiến đến chỗ anh chàng bán thuốc nam. Nhưng bỗng y chùng bước, ngần ngại… Y sợ mọi người quan chiêm! Dùng dằng mãi cho đến khi vãn chợ, và chờ cho anh chàng thuốc nam quảy hai bồ thuốc ra về. Phùng mới nhũng nhẵng bám theo. Khỏi chợ một quãng, khi không còn lo ai nhìn thấy, dấn lên và hỏi anh ta mua một lá cao…
về chùa, Phùng dấu kín không nói gì với hòa thượng chuyện lá thuốc. Y lặng lẽ làm theo những gì đã được người bán thuốc nam chỉ dẫn. Mấy ngày sau, quả nhiên Phùng thấy trong người khang khác. Ra chỗ kín, xem thử, y thấy cái “đồ khốn nạn” đã bao nhiêu lầm làm “khổ y”, bây giờ teo quắt lại chỉ còn như một giải dọc mùng phơi héo. “Nó” không rụng hẳn, chắc vì còn một chức năng khác phải đảm nhiệm.
Phùng run lên vì sung sướng. Ngay đêm đó y mò về nhà. Lần này, không phải vì… lại bị “đồ khốn nạn” hành hạ, y trở về, với niềm tin kiêu hãnh, lòng tự tin, đòi được thách đấu… trong cơn phấn hứng hiếu thắng.
… Như có một phản xạ có điều kiện. Thắm lẳng lạng xuống bếp. Thị cười, bảo Phùng, giọng xuồng xã:
– Thế mà chả tu! Có… tu hú!
Phùng không nói gì. Y vặn cho ngọn đèn to hơn và vẫn đứng yên.
Thắm sẵng giọng giục:
– Không tắt đèn đi…
Phùng vẫn bất động. Thắm cảm nhận được ánh mắt lạnh lẽo của y “vuốt” dọc suốt thân thể thị. Thắm rùng mình. Linh tính đã báo cho thị biết có điều gì không bình thường. và rất bản năng, đang nằm ệch ở tư thế chờ đợi, thì chồm dậy quáng quàng vơ lấy đồng áo quần vừa trút ra…
Phùng đặt trả cây đèn xuống nền bếp. Hoàn toàn dửng dưng, y ngạo nghễ quay ra trong tư thế của kẻ chiến thắng.
*
* *
… Chỉ có một điều Phùng không ngờ đến! ấy là khi nhờ lá cao để chối bỏ tổ tông truyền của cõi trần tục, cũng chính là lúc y mất luôn khả năng ẩn ức để tìm đến với cõi niết bàn. Không về nhà, cũng không lên chùa. Bây giờ, người ta thấy y suốt ngày lang thang trên đường như một kẻ vô cảm…

Phùng Thành Chủng

 

 

 

No comments: