MỘT CHỤC KHÔNG PHẢI
LÀ 10
Khi
dư luận xôn xao tin vui sắp khánh thành cầu Mỹ Thuận, nhà văn Sơn Nam viết bài
“Vĩnh biệt con phà Mỹ Thuận.” Khi Sài Gòn di dời chợ đầu mối, nhà văn Võ Đắc
Danh viết ký “Phiên chợ trăm năm” giã biệt chợ rau Cầu Muối… Theo quy luật cuộc
sống, cái này sinh ra thì có cái khác mất đi.
Lê
Đại Anh Kiệt
Lục tỉnh, miền Tây cũng vậy. Những khu công nghiệp, khu dân cư lấn át
cánh đồng, con trâu không còn chỗ đứng, con diều giấy thưa dần trên bầu trời và
lối sống, cách mua bán nghĩa tình nồng hậu một chục không phải là mười cũng
thành ký ức của một thời.
Miền Tây đâu phải xa xôi. Cách đây hơn 20 năm, từ Sài Gòn đi về lục
tỉnh, qua An Lạc, Bình Điền đã cảm nhận hơi hướng miền Tây với màu xanh đồng
ruộng bao quanh những vườn xoài cổ thụ. Qua khỏi Bình Chánh đã lọt vào miền Tây
đích thực với đồng lúa bạt ngàn cò bay thẳng cánh và những vườn cây xanh lặc
lìa trái ngọt.
Không
bông ô môi, vắng hẳn tiếng chày
Ngày nay cũng trên con đường ấy, hình ảnh miền Tây bị những khối nhà bê tông
che khuất. Màu xanh đặc trưng của miền Tây bị những trụ khói đen, những nhà máy
cấu trúc sắt thép khổng lồ băm nát. Bầu trời giăng giăng dây điện không gian bị
ngăn cách nên vắng bóng cánh cò và ngay trẻ con cũng không có nơi để thả lên
ước mơ bầu trời qua con diều giấy.
Câu hát “Mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe
tiếng quết bánh phồng rộn rã đón Xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi
ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An” của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn đã trở thành cổ
tích. Cây ô môi, cây gòn, cây quao, cây me tây, cây trôm hay còn gọi là lim
xẹt… biết bao loại cây thân thuộc của miền Tây đã gần như tuyệt chủng theo đà
công nghiệp hóa. Hai bên đường ngang Tân Ngãi đã bị nhà cao tầng che chắn,
không còn thấy nhà chợ Trường An như hình ảnh đặc trưng của đất Vãng[1]. Tiếng chày quết bánh phồng gõ nhịp hằng đêm cũng
tắt lâu rồi.
Về
đâu mùa nước nổi
Thiên nhiên miền Tây ngày xưa có mùa nước nổi nằm vắt ngang giữa hai mùa
mưa nắng. Nước từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, từ biên giới phía
Tây chảy tràn đồng về phía Đông ra biển mang theo bao nhiêu tôm, cá, trăn, rùa
và nhiều sản vật khác nào là điên điển, cà na, bông súng, bông hẹ… đặc biệt là
hàng vạn hàng triệu tấn phù sa như sữa mẹ vun bồi sức sống trù phú. Nước về
chậm rãi, ở đầu nguồn một ngày đêm chỉ lên vài tấc. Người dân miền Tây nồng hậu
đón chờ nước về, nước xuống và đặt tên cho nước mùa này rất thân thương là
“nước bạc” nôn nao đồn đoán nước nhỏ hay nước lớn.
Dọc các triền sông, kinh rạch, những hàng đáy, vó lưới mọc lên đón cá,
đồng thời cũng tạo thêm nét đẹp chất thơ cho miền Tây.
Từ cuối thập niên 1990 mùa nước nổi hiền hòa ấy lại bị gọi bằng cái tên
phản cảm là mùa lũ. Người ta đào kinh, đắp lộ ngăn đường nước suông nên chỗ này
bị ninh ngập úng, chỗ kia héo khô thiếu nước.
Đến nay Trung Quôc đắp đập chặn dòng ở đầu nguồn, mùa lũ cũng không còn,
miền Tây khát khao nước ngọt ngay trong mùa lũ và đang bị chìm dần trong làn
sóng thủy triều. Nước biển xâm nhập càng lúc càng sâu và người dân miệt vườn
chưa có khái niệm, chưa có ý thức phải thích nghi với hệ sinh thái ngập mặn
theo sự chu chuyển của đất trời và của cả con người đã lạm dụng khai thác quá
mức lượng nước ngầm trong lòng đất.
Một
thời sông nước
Đất đai tươi tốt, cây trái dồi dào thành hàng hóa cho các vùng miền
khác, ngược lại ít làng nghề, thiếu các hàng tiểu thủ công nên nhu cầu giao lưu
hàng hóa hình thành rất sớm. Con người miền Tây sông nước ngày xưa đi lại vận
chuyển hàng hóa bằng đường thủy là chính, họ quần tụ thành phố thị theo truyền
thống trên bến dưới thuyền và cả những chợ nổi trên sông.
Nhà vườn bán sỉ thậm chí bán mão, sang từng ghe hàng cho thương lái. Thương
lái địa phương cũng len lỏi đến từng vườn để mua hàng. Đường xa, tốc độ đi ghe
chậm, trái cây chín dễ hư, con người lại phóng khoáng nên việc mua bán rất
nhanh gọn ít kỳ kèo bớt một thêm hai và phương tiện đo lường cũng vậy. Trong
bốn cách cân, đo, đong, đếm thì người miệt vườn chuộng nhất là cách đếm. Nó gọn
lẹ, không cần công cụ.
Ngày xưa nếu có ai hỏi mua ký cam, ký quýt, ký dưa hấu sẽ là chuyện mắc
cười. Từ vườn tới chợ, mua bán trái cây không ai cần đến cái cân mà chỉ đếm.
Tùy theo từng loại trái, từng mặt hàng, mua sỉ mua lẻ mà có những đơn vị đếm
khác nhau.
Với những trái to có giá trị như dừa, dưa hấu, bưởi, mua lẻ có đơn vị là
một trái, cặp (hai trái) hoặc là một chục. Mua sỉ thì tính theo đơn vị là trăm,
thiên (ngàn).
Chỉ
đếm, rất hiếm đo, đong, cân
Với các loại quả nhỏ như cam, quýt, xoài mua lẻ vẫn đếm bằng đơn vị
trái, chục, nhưng mua sỉ thì kết hợp giữa đong và đếm. Đơn vị đong cũng là bao
bì cho hàng hóa là cái cần xé[2]. Người ta không đong bao nhiêu lít cam hay cân bao
nhiêu ký cam mà tính đơn vị bằng cần xé.
Trái cây từ vườn hái cho vô cần, đóng gói và tính tiền theo đơn vị cần.
Cách này rất tiện dụng cho nhà vườn lẫn thương lái và đến lượt mình các thương
lái sang hàng cho chành vựa hoặc các tiểu thương bán lẻ cũng đếm bằng cần. Hiện
nay, ở các tỉnh miệt vườn, Vĩnh Long, Bến Tre… nhà vườn vẫn còn duy trì cách
bán này.
Không chỉ với trái cây mà ngay cả vật nuôi như gà, vịt, trứng, người
miền Tây cũng tính theo phương cách đếm. Ngay cả cá con, cá giống, cũng tính
theo đơn vị đếm con. Nhưng với các loại cá quá nhỏ như cá tra giống người ta
cũng kết hợp giữa đong và đếm. Múc vài vợt cá, đếm mẫu xem mỗi vợt có bao nhiêu
cá con và từ đó lấy con số trung bình của vợt làm đơn vị tính. Thí dụ, một vợt
quy là 120 con, thì 10 vợt tính thành 1 thiên 2.
Với các chế phẩm từ nông sản như bánh tráng, bánh phồng cũng tính bằng
cách đếm nhưng đơn vị tính là xấp. Một xấp có thể từ 10, 20, 50 cái tùy theo
từng vùng. Rau, cải bán bó. Đồ hàng bông như bắp cải, bông cải thì bán bắp, tức
nguyên một cái.
Lá chuối tươi, lá chuối khô để gói bánh, gói hàng thì tính theo xấp. Một
xấp có bốn tàu, xé ra thành tám tờ. Người bán có lòng thì phân ra các loại lá
lớn nhỏ khác nhau để theo từng xấp, vì giá khác nhau.
Chuối thì tính quày (buồng), nải. Một quày có nhiều nải. Nếu mua nguyên
quày thì khuyến mãi luôn những nải chót có trái nhỏ không ngon bằng các nải ở
phía trên.
Du
di một chục có đầu
Điều thú vị đặc biệt là từ phương thức đo lường là đếm phát sinh ra đơn
vị “chục có đầu” tức là một chục không phải là 10 mà là 11, 12, 14… thậm chí là
18. Chục có đầu phổ biến đến mức được xem là mặc định trong giao dịch bán mua.
Nói mua một chục thì đương nhiên phải hiểu có đầu không cần nói để xác định,
muốn lấy một chục là 10 thì phải nói rõ là mua một chục trơn hay một chục bẻ
đầu.
Còn chục 11? Khi mua chục thuốc giồng (thuốc sợi để vấn hút hoặc xỉa
trầu), người bán đưa một xấp 10 bánh cột dây sẵn và một bánh rời gọi là rê đầu.
Đối với trái cây thì tính chục gồm 12, 14, 16, 18… đến 24 trái số lượng này lại
du di bất định tùy theo loại trái và tùy theo nơi bán! Thông thường trái cây
càng rẻ tiền, vị trí càng xa trung tâm thì con số chục càng lớn. Ví dụ, ở tại
chợ Cái Bè, một chục quýt có thể là 14 trái nhưng vô sâu hơn ở các xã Mỹ Đức,
chục quýt có thể từ 16, tới 18 trái.
Trong cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười,” học giả Nguyễn Hiến Lê cho
biết, ở tỉnh Tân An, chục trái cây được tính từ 12, 14 cho đến 16 trái. Vùng
Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp tính chục trái cây 12 (dừa khô, măng
cụt, thơm, xoài, trầu…). Bến Tre, Vĩnh Long trước đây, bắp, xoài tính chục 16.
Ở Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) chục trái cây là 12, nhưng ở Mỏ Cày cũng
thuộc Bến Tre lại là chục 14.
Nghĩa
tình kẻ bán người mua
Điều thú vị hơn nữa là sự chân thành chất phác của người bán cũng bộc lộ
qua cách mua bán này. Người mua là khách phương xa, không rành số chục của địa
phương, không phải lo lắng, cứ mua một chục người bán sẽ đếm đủ số đầu. Nếu
người mua tự mình đếm trái không đủ số đầu, người bán sẽ nhắc “Lấy thêm hai
trái, lấy thêm bốn trái cho đủ chục.”
Má tôi, dì tôi quê Long An, gần Sài Gòn nên một chục nhiều nhất là 14,
mấy lần đi chùa ở Mỹ Thiện, Cái Bè, Tiền Giang, cứ tấm tắc khen những người bán
hàng ở đây tốt bụng, đã lấy đủ 14 trái rồi mà vẫn cho thêm bốn trái. Hóa ra ở
đây một chục là 18.
Thủa nhà văn Sơn Nam còn sống, tôi đã hỏi ông vì sao một chục có đầu,
ông giải thích đây là cách bù hao của người bán dành cho người mua. Trái cây đi
đường xa dễ dập dễ hư, trứng gà trứng vịt đi xa dễ bể. Thời đó đất rộng người
thưa, sản vật dồi dào nên giá trị không lớn so với đồng tiền, bù hao thêm một
chút, được cái tình, cái niềm tin, chuyện mua bán sẽ bền chặt, tin cậy nhau
hơn. Tánh rộng rãi, trọng nghĩa khinh tài của người miền Tây là vậy đó.
Theo quy luật vật càng rẻ, nơi bán càng xa trung tâm phố thị, con số đầu
của mỗi chục càng lớn, cách giải thích của nhà văn Sơn Nam là hợp lý. Tuy nhiên
tôi băn khoăn tự hỏi, tại sao những anh chàng Ngũ Quảng[3] vốn tánh chặt chẽ tiện tặn từng xu từng cắc,
vô tới miền Nam lại sanh ra hào phóng bán hàng không cân kéo trái nặng trái
nhẹ, không đo lường cây lớn cây nhỏ, không đong xem bao lớn mà chỉ cần đếm,
trái lại cho thêm một chục có đầu?
Kết quả
của cuộc sống cộng cư
Nhìn lại những tiệm chạp pô, tạp hóa của người Hoa tuy có đủ các phương
tiện cân, đong, đo nhưng đa phần vẫn dùng cách đếm. Các loại bánh tính bằng
cây, bánh in thường một cây là một miếng hình chữ nhật, bánh in nhưn đậu xanh
một cây 10 cái. Bánh xà lam xưa cũng 10 cái một cây, nay chỉ còn sáu cái.
Thuốc rê tính miếng, khi bán cho kèm cuộn giấy quyến để vấn thuốc. Một
cây đường cát trắng, đường cát vàng nặng 12 kg, khi bán chỉ tính tiền 10 kg
thôi. Đường tán có hình oval, 42 miếng là 1 kg, được đóng trong bịch 12 miếng.
Người Khmer Nam Bộ hay tại Cambodia cũng vậy, việc mua bán rất đơn giản,
lỏng lẻo là hạo chừng. Cả đàn gà một con cứ bắt một con, lựa con nhỏ con lớn họ
không phiền. Miễn đừng bắt hai con.
Phải chăng chính cuộc sống quần cư trên vùng đất mới giao thoa với cung
cách sống khác nhau, những lưu dân Việt đã hình thành tính cách, tập tục sống
mới, trong đó có cách mua bán nghĩa tình một chục có đầu.
Sau năm 1975, cung cách đo lường của miền Bắc được áp vào miền Nam. Cái
trật tự của miền Nam đếm, đo, đong, cân bị đảo ngược lại thành cân, đong, đo,
đếm. Lúa cân ký không còn đong giạm. Dưa hấu cân không bán chục, rau quả tất
tần tật đều cân. Người mua, kẻ bán tính toán chi ly với nhau từng gram, từng
lạng. Rồi lại sinh ra nạn cân già, cân non, hàng xấu hàng hư độn vào hàng tốt.
Khi mở cửa làm ăn với Trung Quốc thì lại thêm tình trạng hóa chất độc hại, chất
tăng trưởng, chất bảo quản, chất tạo màu tràn vào.
Cách mua bán một chục có đầu, một chục không phải là mười song trùng với
cách ứng xử tin cậy, nghĩa tình giữa kẻ bán người mua lần hồi chết hẳn. Chỉ còn
sót lại một vài nơi sâu thẳm vẫn còn lưu giữ được chút dư vị ngày xưa. Nghe đâu
rằng, ở vài vùng Sóc Trăng trước đây tính chục 14 trái, nay một chục còn 12.
Trà Vinh vẫn còn cách tính chục trái cây 12, 14 trái đối với dừa tươi, cam,
quýt, cau. Trước đây một bó mía là 12, 14 cây, nay mía cũng bó nhưng bán theo
cân ký.
Những đóm lửa tàn dư vị ngày xưa đó rồi cũng sẽ tắt trước làn sóng mua
bán đua chen chụp giật.
Ôi! Thương nhớ miền Tây của một thời không xa, một chục không phải là
10. [qd]
___________
[1] Tên xưa của đất Vĩnh Long.
[2] Đồ đựng bằng mây tre, miệng rộng, đáy sâu,
có quai, thường dùng để đựng hàng hóa.
[3] Năm vùng đất: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng
Ngãi.
Lê
Đại Anh Kiệt, Thứ tư, Dec 2, 2020
Nguồn
: Nguoi-viet
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment