Wednesday, December 31, 2014

Mười Bảy Năm Trước-Thuyên Huy


Mười Bảy Năm Trước
 Viết cho NCT, người còn mang chút nợ đời không trả được ở đời này.

 
  

    Tôi ngồi lặng im, trên cái ghế  kê gần tủ thờ ông bà giữa nhà, nghe ba tôi kể lại câu chuyện mà tôi muốn biết của mười bảy năm trước đây. Giọng ông trầm trầm, mẹ tôi ngồi trên bộ ván gỏ nung bên cạnh, đăm chiêu nhìn, không thêm không bớt lời nào. Mới xế trưa mà ễnh ương đã kêu dài ngoài đám ruộng sau vườn, cây bưởi góc sân rụng đầy hoa trắng. Tách nước trà cạn dần theo từng lời ông nói: “ sau khi đứa con đầu của ba mẹ bị bệnh, chết trên tay của mẹ con trên đường từ Gò Dầu xuống Sài Gòn vào bệnh viện. Mẹ con buồn bả như người mất hồn, ba quyết định đi xin con nuôi. Nghe vài người quen chỉ, ba lên Tây Ninh, tìm trúng nơi nhà cô ba Hoài. Ba kể lại chuyện và cuối cùng, cô ba đồng ý cho con làm con nuôi. Gia cảnh cô ba hay mẹ ruột của con lúc đó có vẻ thiếu thốn quá. Ba nhận ẳm con về, gởi lại cho cô ba số tiền mấy trăm đồng thời đó, số tiền này tuy không nhiều, nhưng thời buổi đó tiền có giá lắm, lương công nhân chắc đâu chừng ba bốn chục gì một tháng. Hôm đó, cả nhà mẹ ruột con khóc sướt mướt. Ba có hứa, khi con được mười tám tuổi, vào đại học, ba sẽ cho con biết chuyện này. Giờ thì con hỏi, thôi cũng đã đến lúc con cần biết rồi. Đó chuyện là như vậy...”.

    Ba tôi ngưng ở đó, mẹ tôi kéo vạt áo bà ba xám lên lau nước mắt. Cả ba người chúng tôi lặng thinh, tôi cúi đầu khóc rấm rứt, không dám ngước nhìn lên như một tên tội đồ sợ tội phạm thượng. Mẹ tôi bước xuống ván, chậm rãi đi về phía bên hông tủ thờ, mở cái hộp thiếc cũ lấy ra một tấm hình đen trắng, giấy đã ngả sang màu vàng đục, bà đến gần đưa cho tôi, tấm hình chụp lúc tôi vừa về nhà ông bà, tròn ba tuổi. Bà vuốt đầu tôi nhè nhẹ:

-Chuyện gì mặc chuyện gì, con lúc nào cũng là con của ba mẹ.
Tôi không kềm lòng được nữa, òa lên khóc nức nở. Ba tôi vẫn ngồi yên:

-Chuyện là vậy đó, bây giờ tùy ở con, hồi nhỏ ba mẹ thương con bao nhiêu thì bây giờ ba mẹ cũng vẫn thương con bấy nhiêu. Cả đời này, con vẫn là con của ba của mẹ.
    Nghe ba tôi nói đến đây, mẹ tôi cũng kềm lòng không nổi, bà nắm tay tôi khóc ròng. Tiếng ễnh ương vẫn còn kéo dài lê thê ngoài ruộng, trời sắp về chiều. Anh năm Thạnh tay xách đục cá từ phía sau vườn bước vào, mẹ tôi một lần nữa, kéo vạt áo lên lau mắt. Ba tôi lúc bấy giờ mới bước xuống bộ ván, anh năm Thạnh không để ý gì, nhìn tôi cười thoải mái hỏi:

-Mai chừng nào em đi?

-Dạ, chắc độ chín mười giờ. Tôi trả lời mà không nhìn anh vì tôi vẫn còn thúc thích. Anh năm đi ra rồi, tôi đưa tấm hình lại cho bà:

-Con xin lổi ba mẹ là đã hỏi chuyện này, làm ba mẹ buồn, ba mẹ suốt đời vẫn là ba mẹ của con, không ai có thể thay thế được.
    Ba tôi bưng tách trà lên uống một hơi rồi cười thật tươi, nụ cười không thành tiếng. Nhà tôi ăn cơm chiều trễ hơn ngày thường, dù chị năm Thạnh thúc hối ba lần bảy lượt, chị cứ sợ để lâu, mấy con cá lóc mà anh năm bắt về từ xế trưa không còn tươi ngon nữa. Tôi thao thức một mình trong bóng đêm, cố dặn lòng đừng để con sông đời mình có thêm ngỏ rẽ. Tôi chợt mình thức giấc, có tiếng ba tôi tằng hắng ngoài sân sau, trời đã hơn sáu giờ sáng. Ở một góc nào đó cạnh bờ rào, tiếng dế gáy vang rân. Hình như đêm qua không có tiếng súng.

     Rồi cũng như mọi lần, ba mẹ tôi đưa tôi ra bến tàu, trên sông sương mù giăng kín, mẹ tôi cũng dúi vào tay tôi thêm vài trăm bạc. Tàu ra khỏi bờ, nhìn bóng ông bà mờ mờ trong màn sương, nước mắt tôi ứa ra, chưa bật thành tiếng khóc.
 



   
 Sài Gòn mấy ngày nay không thấy mưa, nắng nóng chang chang, đường phố mịt mù bụi. Vài hôm nữa thì trời vào Hạ, chiến trận ngày càng tăng dần, không thấy dấu hiệu gì giảm bớt. Đám bạn ngày xưa, giờ đã chết cho chiến trường gần phân nửa, Cộng sản Bắc quân công khai dùng đất Lào và Cam Bốt mở đường, đấp chiến khu, xua quân vào Nam, phụ tay với bọn du kích Việt cộng, nhất định chiếm miền Nam cho bằng được, dưới sự hổ trợ đắc lực của quan thầy Trung cộng, Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu. Miền Nam ra sức cố thủ, chống trả nhưng cũng đành mất một số đất thuộc mấy tỉnh Bình Long, Quảng Đức dọc theo biên giới. Nghĩa trang có thêm nhiều bia mộ mới, trắng một màu vôi. Chiếc xe tang, khăn trắng, tiếng khóc gọi hồn, giờ đã trở thành cái gì quen thuộc trên đường phố Sài gòn hay con lộ ngoại ô bùn lầy nước đọng. Trong cái không ngột ngạt của cuộc chiến không hẹn ngày an bình, Sài Gòn vẫn vội vàng sống, dù là người đã nhập cuộc hay kẻ còn đứng bên lề.
    Chiều thứ sáu, sau giờ học cuối, Tùng, thằng bạn cùng nhà trọ, qua phòng thí nghiệm tìm kiếm gì đó, buồn quá, tôi đón xe buýt ra chợ Bến Thành. Đi lòng vòng cũng không thấy gì vui, tôi bỏ đến ngồi uống cà phê tại một quán vắng bên lề đường Lê Thánh Tôn, nhìn kẻ qua người lại trong cái nắng chiều thoi thóp, đổ dài theo từng chiếc lá me rung rẩy bay. Chợt dưng tôi nhớ Bến Cầu vô hạn, nhớ cái giọng trầm trầm mà ba tôi đã kể lại chuyện của mười mấy năm xưa, để trả lời cho câu tôi hỏi, nhớ tấm hình đen trắng chụp ngày tôi mới lên ba mà mẹ tôi đã nâng niu như bảo vật trong suốt bao nhiêu năm trời. Tôi nuốt chững ngụm cà phê thật nhanh để lòng mình không kịp khóc, nhưng đôi giọt còn đọng lại trên môi nghe như mằn mặn. Trả tiền xong, vừa lửng thửng định băng qua đường, thì gặp Thảo  và Uyên từ hướng Tòa Đô Chánh đi tới. Hai cô cùng thốt lên một lượt:

-Ủa anh Bảo, làm gì ở đây có một mình vậy?
    Tôi gật đầu chào, chưa trả lời thì Uyên nói tiếp:

-Khánh Tường đang ở tiệm bà chị, tụi em cũng từ đàng đó lại, định đi kiếm chè bánh lọt về ăn.
    Tôi thật sự không thấy vui trong lòng nhưng cũng ráng gượng cười:

-Mấy cô hết giờ học sớm vậy sao?

-Có anh đây, thôi mình trở lại tiệm gặp Khánh Tường đi, rồi tính đi đâu thì đi, như vậy vui hơn. Thảo nhanh nhẩu nói.
    Hai cô nàng bỏ đi trước, tôi chầm chậm theo sau. Phố xá đông người và lá me úa vàng vẫn cứ lả tả rơi. Về đến tiệm, tôi chỉ kịp chào bà chị thì Khánh Tường đã nắm tay tôi đi ra, Thảo và Uyên tủm tỉm cười đứng trước cửa chờ, bà chị đành nhìn theo mà không nói thêm gì được.

    Băng qua mấy cái quán nhạc trên đường Nguyễn Huệ, tôi đứng chờ ba cô đi lại chỗ giữ xe gắn máy lấy xe. Từ đầu này nhìn về bến Bạch Đằng, phía bên kia sông, chiều Sài gòn bắt đầu xuống thấp dần, mây lưa thưa từng cụm một màu tím ngắt. Theo lời đề nghị của Uyên, bọn tôi lái xe Honda ra Phú Lâm ăn hủ tiếu Nam Vang Kim Tháp. Quán đông nghẹt người, bọn tôi chọn cái bàn ngoài mái hiên, nhìn ra quốc lộ 4 đi miền Tây. Gió chiều thổi ngược về thơm mùi rạ khô của mấy cánh đồng, chạy dọc theo đường làm tôi chợt nhớ nhà quá. Tôi trầm ngâm nhìn xa xa, không biết là từ nãy giờ ba cô nàng cũng đang nhìn tôi dò xét. Tôi quên mất cái cười mà tôi có thường ngày, câu chuyện của đêm nào ở Bến Cầu đã làm cho hồn tôi cứ ray rứt buồn buồn. Khánh Tường ngài ngại nhìn trong lúc chờ người bán hàng bưng mấy tô hủ tiếu tới:

-Anh Bảo hôm nay sao thấy buồn vậy? Tụi em có làm gì để anh giận không đây?
    Thảo vừa đó thêm vào:

-Thật tình mà nói, em để ý thấy anh hơi là lạ từ khi về tới tiệm của chị hai kìa!
    Tôi cố làm vui đáp lời:

-Đâu có gì đâu, lâu lâu nhớ nhà một chút mà. Tôi ngưng ở đó, không dám nói gì thêm vì mắt tôi đã rươm rướm đỏ.
    Cả ba cô, ai nấy đều ngồi lặng thinh, chờ người bán hàng bưng mấy tô hủ tiếu tới xong rồi bỏ đi, tôi đành xuống giọng vì không thể dằn lòng khi nhìn Khánh Tường buồn rười rượi.

-Thôi mình ăn xong đã, anh cũng có chút buồn, ăn đi rồi anh nói cho nghe.
     Cả ba cô cùng thở phào một lượt. Mặt trời chỉ còn ửng đỏ hơn phân nửa ở phía bên kia cánh đồng. Gió thổi nhẹ vào mái hiên quán ăn, bắt đầu lành lạnh. Người bán hàng, một lần nữa bỏ đi sau khi đặt ly cà phê sửa đá trên bàn. Tôi bưng ly lên uống vài ngụm nhỏ, mùi thơm cà phê làm tôi có phần tỉnh táo và dễ chịu.
    Ba cô nàng nghiêm nét mặt chờ. Tôi chậm rãi kể lại câu chuyện đời mình, chuyện của một thằng bé bị cho đi từ năm mới lên ba và chuyện của hơn mười mấy năm sau. Tôi kết thúc ở đoạn, ba mẹ đưa tôi ra cầu tàu đò Bến Cầu, môi tôi mặn đắng, không ai nói lời nào. Lờ mờ qua ánh đèn điện vừa lên, Khánh Tường ôm mặt khóc rấm rức, Thảo không khác gì Uyên, mắt hai cô đỏ hoe. Chúng tôi cùng nhìn về một phía ngoài quốc lộ, giờ này đường vắng tanh. Bất chợt, mưa về ngang hết sức tình cờ, một cơn mưa trái mùa lẻ bạn.
    Trên đường về, không ai nói câu nào. Tùng đứng lang thang trước cửa nhà trọ vẫy tay chào. Khánh Tường, Thảo và Uyên đi rồi, Tùng nhìn tôi ngài ngại. Phố bắt đầu vào đêm, phía nhà bên cạnh có tiếng đứa con gái quen, hát nho nhỏ bài tình ca nào đó.

 Thuyên Huy

(Trích trong tập truyện “Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ”)

 

 

Thơ Xướng Họa Tây Ninh - Nguyễn Cang & Một Số Bạn Hữu


Thơ Xướng Họa Tây Ninh

 














Bài xướng

 

TÂY NINH MÃI NHỚ

 Tây ninh muôn thuở khó mà quên,

Thánh địa lung linh bóng dáng Đền.

Núi Điện trời xanh in bóng đậm,

Cẩm giang sông thắm chảy bồng bềnh.

Gò Dầu đón khách sang biên giới,

Thị Xã qua cầu dốc bước lên.

Suối Đá cạnh hồ bên núi Cậu,

Long Hoa chợ Đạo sáng ngời tên.

 Hồ Nguyễn

 Họa 1

     (Thuở nhỏ tôi thường xuống mé sông bên kia Cầu Quan (Tây Ninh), phía nhà máy xay lúa Thầy Mười Viết, câu cá. Nhìn đám lục bình trôi theo dòng nước, lòng chợt bâng khuâng không biết đời mình sẽ ra sao? Nay nhớ lại kỷ niệm...viết thêm đôi lời cho bài họa "Tây Ninh mãi nhớ" của Hồ Nguyễn).

 Lục bình trôi, theo nước đi xa

Nở tím dòng sông, tiết tháng ba

 Xa cách quê nhà thời khói lữa

Bên trời hiu quạnh có phôi pha?)

 Nhớ Tây Ninh

 Nhớ quá Tây Ninh mãi chẳng quên

Ơn cha nghĩa mẹ vẫn chưa đền

Bạn xưa lưu lạc giờ trôi nổi

Thầy cũ ơ hờ sống bập bềnh

Đất khách chợt buồn thân lữ thứ

Quê nhà cứ tưởng nước đi  lên

Cầu Quan, Chợ Mới , dòng sông nhỏ

Đường phố còn, hay đã mất  tên?

 Nguyễn Cang

 
Họa 2

          
Không tên

 
Tây Ninh một thuở...lẽ nào quên,

Ray rứt ân sư chửa đáp đền.

Lá rụng bay vèo, xa gốc tiếc!

Tri âm, hương lửa có còn bền? (*)

Bể dâu, tan tác, thuyền ra biển,

Sự thế bao giờ vận nước lên?

Tiếng cuốc xa đưa nghe khắc khoải,

Miên man, vời vợi, nỗi không tên.

 Ngân Triều,

(chs Tây Ninh)
(*) Xin mượn tá âm để họa

 
Họa 3

     
Nỗi  Khổ Tây Ninh

 Có chuyện trên đời thật khó quên,

Ác tâm, khoe nghĩa biết sao đền?

Việt Minh, lính Đạo thêm nhà nước,

Ba thế làm dân sống bập bềnh.

Về tỉnh, ra bưng, vô Thánh Địa,

Tùy theo hoàn cảnh gắng vui lên.

" Nồi da xáo thịt" từ sau đó,

Phe nhóm giết nhau bởi khác tên...!

 Khôi Nguyên

 

Cảm tác

        












Qua LốiCũ       

        
Tòa Thánh uy nghiêm… lập đức công

Tam Kỳ Phổ Độ, diệt sónglòng

Núi Bà linh hiển vui chào đón

Đãi khách thập phương, nhẹ cõi lòng

*

Xóm trên tên gọi Long Thành Bắc

Đất Thánh linh thiêng ắt hóa rồng

Xóm dưới có nhiều hoa cỏ dại

TÂY NINH nghèo khổ, nghĩa tình thâm

*

Ai về Suối Đá, qua Bàu Năng

Lối rẽ Chà Là nhớ hỏi thăm

Liên tỉnh Mười Ba đi Dầu Tiếng

Trùng điệp cao su đứng thẳng băng

*

Chạy ăn từng bữa vẫn thong dong

Sáng tối lạnh Đông vẫn ấm lòng

Nắng nóng có làm hoa cỏ úa

Đợi lúc mưa về… thỏa ước mong.

 Phượng Ngày Xưa

                    
Hỏi Người Có Nhớ 

Hỏi

Tây Ninh khổ  nhưng giàu tình thân ái

Thương nhớ hoài người cất bước ra đi

Phương trời xa Người có vấn vương chi

Đất nóng, tình nồng trăm thương nghìn nhớ?

*

Người xa xứ… nếu nghĩ về bản xứ

Hãy trở về tìm lại khúc nhạc xưa

KIẾP NGHÈO, HAI VÌ SAO LẠC, ĐÊM MƯA

TRĂNG VIỄN XỨ… bài tình ca thắm thiết

*

Gần năm mươi năm cách xa biền biệt

Ngậm đắng nuốt cay xứ lạ quê người

Hỏi ai kia có còn nhớ một thời

Đạn lửa, chiến chinh, bom mìn, nước mắt…?







 Đáp

Ai thấu hiểu nỗi lòng người cô lữ

Đang bồng bềnh  trôi dạt  xứ Cờ Hoa

Nhưng tâm tư thương nhớ mãi quê nhà

Đêm mộng mị  tìm về nơi đất mẹ

*

Ngày xưa ấy, TRÊN BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT

Nếm mật nằm gai… in dấu chân anh

VỌNG GÁC ĐÊM SƯƠNG… nhìn ÁNH TRĂNG THANH

Dẫu chưa ước hẹn, lòng sao mãi nhớ?

*

Nếu mai đây, anh quay về LỐI NHỎ

Có AI sẵn lòng chào đón người xưa?

Hay phải chịu cảnh LẠNH TRỌN ĐÊM MƯA

Trong cô đơn lỡ làng thầm nuối tiếc...

 vkp.Đạm Phương

Tuesday, December 30, 2014

Việt Nam Của Những Năm 1970 - 304Đen


Hình Ảnh Việt Nam Của Những Năm 1970
 Một Chút Để Nhớ Sài Gòn

 






 





Một Chút Để Thấy Hà Nội

 



 
 
 








 
304Đen-Lượm lặt

Thơ Họa Cảm Tác Mùa Đông - Khôi Nguyên, Hồ Nguyễn, Nguyễn Cang & Mai Xuân Thanh


Xin chân thành cảm ơn về sự hưởng ứng họa theo của quý Thi Hữu.
CN
              


Bài Xướng
 












CẢM TÁC MÙA ĐÔNG

 
Cây tựa thủy tinh, dát bạc ròng,

Vì ôm tuyết giá của mùa Đông.

Nắng lên lấp lánh, màu Tiên Cảnh,

Đêm xuống lung linh, sắc Núi Bồng

Màn mắc mái nhà, màn thạch nhũ,

Tuyết rơi xuyên lá, tuyết đươm bông.

Giáng Sinh rực rỡ rồi Năm Mới,

Sưởi ấm lòng nhau, Tết Cộng Đồng!

                                    

Khôi Nguyên

 

HỌA 1

 
Lung linh tuyết trắng t tơ ròng,

Tuyết phủ tư bề hiện cảnh đông.

Dáng đẹp môi tươi cười nũng nịu,

Duyên xinh mắt biếc cõi non bồng.

Cành khô tuyết phủ thân mềm mại,

Gió lạnh chim sầu tổ trắng bông.

Tuyết đến mang về thêm nổi nhớ,

Vi vu tuyết vẵng tiếng tơ đồng.

                                       

 Hồ Nguyễn

 

HỌA 2: Mủa đông Noel
           

Cây tựa thuỷ tinh ánh ngọc ròng,
Vì chưng băng  giá phủ đêm đông.
 Nắng mai lấp lánh tan sương lạnh,
 Đêm tối Noel pháo bập bềnh.
 Sương chụp mái nhà rơi thạch nhũ,
 Tuyết vào khe cửa ngỡ như bông
 Giáng Sinh rực rỡ em khoe áo,
 Sưởi ấm lòng nhau chẳng bất đồng.
  

Nguyễn Cang



 
 
 
 
 
 
 
 
 


Bài Họa

 

Họa bài  Cảm Tác Mùa Đông của Khôi Nguyên ở trên với tựa mới.

 

MÙA ĐÔNG BĂNG GIÁ TẠI MỸ

 
Hàn băng lấp lánh giống bạc ròng,

Cây cối trơ gan tuyết lạnh Đông.

Nắng rọi pha lê như cõi mộng,

Đêm soi phản chiếu tựa non bồng.

Làm ra bóng dáng hình nhân giả,

Tái tạo ngôi sao trắng giống bông.

Nghỉ lễ chưa qua lo Tết mới,

An cư lạc nghiệp chữ tâm đồng !

 

Mai Xuân Thanh kính họa

Ngày 29 tháng 12 năm 2014

 

 

Chuyện Người Em Gái Và Con Tàu HQ 505- 304Đen


Chuyện Người Em Gái Sài Gòn Và Con Tàu HQ 505


"... Phú là kỷ niệm đẹp của một thời học trò, mà mổi khi nhớ lại, vẫn khiến em bồi hồi dù em không còn trẻ nửa. Em muốn hỏi thăm Phú, mong rằng Phú hiện có cuộc sống bình yên và hạnh phúc..."



    Chuyện đã 40 năm, khoảng thời gian quá đủ để một người trẻ tuổi già đi, trí nhớ bắt đầu giảm sút. Nhưng kỷ niệm, vốn như tên gọi, lại thuộc về quá khứ, mà người lớn tuổi thì luôn nhớ về quá khứ. Khi đó em chỉ là con nhỏ học trò lớp 12 ban toán. Anh có nhớ ở Saigon chổ ngã sáu Phù Đổng có mấy xe bán bột chiên rất ngon không? Học trò thường hay tụ tập sau giờ học. Em cũng không ngoại lệ. Một buổi chiều tan học về em và đứa bạn ngồi ăn ở đó, có hai ông HQ vô quán, bàn nào không ngồi lại ngồi bàn em. Mắc cỡ ăn không ngon và cũng không dám chuyện trò tía lia cùng bạn, lâu lâu ngước lên lại thấy một ông nhìn mình cười cười. Ông này mặc đồ xanh tím, vai áo gắn Alpha và ( hình như) hai gạch. Ông kia mặc đồ xanh biển hình như là Trung sĩ. Ông Tr/sĩ gọi ông kia là Tr/uý.

Em khều bạn, ăn nhanh về thôi, nhưng hai ông ăn còn nhanh hơn mình. Lính mà. Chia tay bạn, em chạy xe ra đường Trần Hưng Đạo để về nhà mình, xe dừng chờ đèn thì em đã thấy hai ông HQ chạy sát theo em. Ông Tr/sĩ chở ông Tr/uý cũng bằng Honda Dame. Tr/uý hỏi:" nhà Chi ở đâu?" em giật mình, sao biết tên mình vậy ta? Chắc hồi nãy nghe bạn em kêu thôi. Em không trả lời nhưng khi quay lại nhìn, thấy Tr/ uý cũng không có gì đáng sợ lắm. Nhà em ở trong một con hẽm rộng yên tĩnh thuộc Quận Nhì (giờ là Quận Nhất).

Em vào nhà khoảng 10 phút thì nghe má em kêu Chi có bạn tìm. Em bước ra. Trời ạ, Trung uý đang đứng trước mặt em, trong sân nhà em, tự tin như đã là bạn thân của em từ lâu lắm rồi. Trung uý đứng tựa lưng vào gốc ngọc lan, tay cầm chặt một nắm hạt dưa chắc hẵn vừa mua ở tiệm tạp hoá đầu hẽm nhà em. Hình như Tr/ uý muốn nhờ nắm hạt dưa để có thêm bình tỉnh. Trung uý nhìn em, đôi mắt trầm lắng, thiết tha như chịu lổi. Em không còn cách nào khác hơn đành mời Trung uý và Trung sĩ vào nhà, em phải làm ra vẽ tự nhiên đễ má em yên tâm. Trung uý tự giới thiệu mình tên Phú, Trung uý HQ đi tàu HQ 505. Sau một chuyến hải hành, tàu cập bến Bạch Đằng, Trung uý lên bờ rong chơi. Câu chuyện giửa cô học trò lớp 12 và anh Trung uý chỉ xoay quanh chuyện tàu bè, sông biển mà Phú có vẽ rất say mê. Phú còn nhiệt tình giải thích cho học trò biết sự khác nhau giửa HQTr/uý và Tr/uýHQ như thế nào. Phú cũng tự nhận đã mua hạt dưa ở tiệm đầu hẽm để hỏi thăm nhà em. Phú nói em phải giỏi toán mới dám học ban B. Em trả lời còn anh chắc cũng giỏi tấn công nên mới dám xông vào nhà người ta như vậy. Phú cười hiền hoà: anh tin Chi không nở đuổi anh. Mình cùng dân đồng bằng sông Cửu Long mà (trước đó Phú nói gia đình Phú ở Cần Thơ; còn em, ba má em đều sinh trưởng ở Vĩnh Long).

Trước khi ra về Phú để lại cho em danh thiếp mang tên Vũ Văn Phú với lời dặn tàu anh còn cập bến Bạch Đằng một, hai ngày nửa. Nhưng em đã không xuống bến BĐ. Tàu nhổ neo lúc nào em không biết. Trời Saigon đã vào mùa hạ. Em có kỳ thi Tú tài trước mặt, em không muốn mình đạp nhầm võ chuối. Nhưng đôi khi trong những bài toán hình học không gian, nhũng phương trình đại số lại ẩn hiện đôi mắt ấy, đôi mắt thiết tha của Phú.



Em đậu Tú tài, em vào Đại học. Khoảng tháng 4/1974, lúc đó em đang học năm thứ 1 Đại học Luật khoa, HQ505 lại cập bến Bạch Đằng, Phú tìm gặp em. Vẫn vu vơ chuyện trường chuyện lớp, chuyện tàu bè sóng to gió lớn, chẳng đứa nào nói đến chuyện tình yêu dù tình yêu của ai đó, không phải cúa mình, như tình yêu trong phim Love Story chẳng hạn. Giờ nghĩ lại em thấy ngày đó mình thật ngây thơ và Phú cũng hiền lành quá đổi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi Phú ở Saigon em có xuống bến BĐ đứng trên cầu nhìn con tàu 505 to lớn, nhìn thấy Phú bước ra từ đó, oai phong và hùng tráng.

Một lần như vậy rồi thôi. Chỉ có vậy mà thôi. Rồi tàu lại đi . Và Phú lại đi. Chẳng ai hứa với ai một điều gì. Em ở lại Saigon với Giãng đường Đại học, em làm thơ và viết báo. Nổi nhớ về con tàu 505 biến thành những bài thơ, tạp văn đăng rất đều trên báo Dân Luận, Đông Phương có ghi đề tặng, nhưng có lẽ lúc đó tàu đang ở biển khơi nên Phú không đọc được.

Cho đến khi Saigon nổi sóng. Phú và con tàu thân yêu của Phú đi đâu, về đâu giửa cơn giông tố đó, làm sao em biết được, khi em và Phú cách nhau muôn trùng hải lý và em thì nhỏ bé giửa biển đời mênh mông. Em ở lại và em cố quên. Những bài thơ, bài báo em cắt dán vào cuốn sổ tay, em cất cuốn sổ tay vào ngăn cuối cùng của tủ sách, vào ngăn thăm thẳm nhứt trong ký ức của mình.

Nhiều năm sau tháng Tư đó, em lấy chồng. Em nhớ có đọc ở đâu đó 2 câu thơ: "...Em và anh, mỗi người một đám cưới. Riêng rẽ họ hàng, riêng rẽ buồn vui...". Em nghĩ Phú cũng đã như em, chẳng ai chờ ai, đợi ai; và chắc hẵn Phú cũng đã riêng rẽ một cuộc đời. Cho đến khi em đọc được "Kỷ niệm với con tàu máu 505" của Nhà văn Điệp Mỹ Linh, sự tàn ác của chiến tranh, nổi thống khổ, đau thương của những người lính, của những dân lành được phơi bày trần trụi, tận cùng với nước mắt và máu hoà lẫn trên con tàu hùng tráng năm xưa em từng biết. Em đọc và em sợ hãi từng con chử. Em sợ bài viết có nói về MỘT CÁI CHẾT MANG TÊN LÀ PHÚ nhưng điều đó đã không xãy ra. Em tự hỏi khi đó Phú ở đâu, còn trên tàu hay đã về đơn vị khác? Phú có bình yên không? Em chỉ muốn biết một điều như vậy. Còn lại, tất cả đều đã..."ngày xưa". Em chỉ muốn giữ lại hình ảnh một anh chàng SQHQ cao cao, tay cầm nắm hạt dưa, đứng hiên ngang giửa sân nhà em trong nhạt nhoà bóng tối thơm nồng hương ngọc lan. Em cũng muốn giữ lại trong ký ức ánh mắt dịu dàng, thiết tha đã từng đôi lần làm em khó ngủ.

Em cũng không muốn Phú gặp em lúc này, khi em đã không còn là con nhỏ ăn bột chiên ở ngã sáu Saigon, học Tú tài ban Toán mà Phú từng biết. Em đã không còn là "Người Của Muôn Năm Củ".

Ở đâu đó trên hành tinh này, dù có đọc được hay không những dòng tin nhắn, em vẫn cầu mong Phú bình yên và hạnh phúc.

Người Em Gái Tên “Chi”


(304Đen-Lượm lặt trên trang mạng)