Thursday, December 28, 2023

Chiều Quê - Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 137_VƯỜN THƠ MỚI

 Xướng:













Chiều quê


Đầm sen lặng sóng cảnh bình yên,
Thấp
thoáng mây phơi lụa trắng hiền

Sườn núi nhạt nhòa tia nắng muộn,
Mặt hồ lấp loáng mái chèo nghiêng.
Sáo vương hơi gió lay sương mỏng,
Trăng nhú hàng tre nhuộm khói huyền.
Thi hứng trào dâng ngâm mấy vận,
Thả hồn phiêu lãng cõi thần tiên.

Minh Tâm

Họa 1:

 

Thủa thanh bình

 

Mặt nước sen hồ phẳng lặng yên,

Hàng tre ruộng lúa mái tranh hiền.

Chiều mây thảm cỏ sương mờ mịt,

Đêm gió cây vườn bóng ngả nghiêng.

Nguyệt tỏ hương cau trời mộng ảo,

Sao khuya nhạc dế cõi mơ huyền.

Thanh bình một thủa đâu còn nữa,

Đất khách trông vời bái tổ tiên.

 

Mỹ Ngọc.

Dec. 15, 2023.

Họa 2:

 

Bóng nước



Mặt nước ao hồ vẫn lặng yên

Ai người đạo đức tiếng tâm hiền

Băn khoăn cánh nhạn bay ngang nước

Mất hút không gian bóng ngả nghiêng

Phút chốc nhạt nhòa không hiện hữu

Trăng treo lơ lửng ngắm tuần huyền

Phù du khoảnh khắc mây trôi mãi

Thanh tịnh tâm hồn lạc cảnh tiên

 

Hương Lệ Oanh VA

Dec. 17,2023

tuần huyền: Lúc trăng non khoảng mùng 7, mùng 8, mới lên nửa hình như cái cung

Họa 3:

 

Về quê cũ


Thôn
xóm nơi này rất lặng yên
Đường xa vời vợi ảnh quê hiền

Bao năm rảo bước về thăm lại
Khóm trúc la đà gió đẩy nghiêng

Đứng trước hàng ba trời đã tối
Vẳng nghe cuối xóm tiếng tam huyền

Tâm hồn sảng khoái đầy thơ mộng
Cứ ngỡ lọt vào chốn cảnh tiên

PTL

三絃 tam huyền: Một thứ đàn thời cổ, có ba dây.



 











Họa 4:

 

Phương xa

 

Nắng tắt hàng cây đứng lặng yên
Xóm nghèo quê cũ mái tranh hiền
Chiến tranh tang tóc anh về muộn
Khói lửa điêu tàn nước ngả nghiêng
Vợ khổ mỏi mòn chiều bảng lảng
Con ngoan khờ dại mắt đen huyền
Đã xa rồi tháng Tư ngày ấy
Ta sống đây như ở cõi tiên !

 

Nguyễn Cang
Dec. 17, 2023

Họa 5:

 

Sơ nguyện

 

Nhủ lòng buông xả sống an yên

Chia sớt buồn vui với bạn hiền

Thế sự thăng trầm thôi gác lại

Công phu miên mật gối trăng nghiêng

Sương  khuya thấm lạnh quàng thêm áo

Nắng sớm chưa lên  giữ lửa huyền

Chuông  gió ngày đêm luôn nhắc nhở

Như nhiên đạm bạc ước gì tiên.

                 

Tâm Quã

Noel Trong Nổi Nhớ - Nguyễn Cang

 NOEL TRONG NỖI NHỚ

 













Mừng Chúa Ba Ngôi đêm Nô-el

Sương lạnh chiều đông tuyết phủ đầy

Đêm khuya gió rét hồn cô quạnh

Trên  cao Thiên Chúa ngự nơi nầy

 

Đức Mẹ sinh ra trong máng cỏ

Hài đồng sáng rực, lạnh căm căm

*Vinh danh Thiên Chúa trên trời rộng

*Bình an dưới thế, người thiện tâm

 

Hôm nay áo trắng em đi học

Có thầm cầu nguyện lúc tan trường

Xin Chúa ban ân qua kiếp nạn

Bình yên vui sống Chúa yêu thương

 

Hôm nay em có đến giáo đường

Để nghe thánh lễ hồi chuông đổ

Tượng đài Đức Mẹ còn nguyên đó  

Lầu chuông Thánh giá vẫn trơ gan?

 

Hôm nay em có giờ lên lớp

Hay đã xa rồi bụi phấn bay

Em có về thăm con phố cũ

Nơi hò hẹn nói chuyện tương lai

 

Nhớ thời áo trắng em thương mến

Anh theo về, thấy lòng vấn vương

Hơn nửa đời mây bay viễn xứ

Giọt lệ sầu bỏ lại quê hương !!!


Nguyễn Cang ( Dec. 20, 2023)

Xuân Trở Về & Sầu Lẻ Bóng - Nguyễn Thị Châu

 XUÂN TRỞ VỀ

 





















Chiều nay gió lạnh thoảng hương Xuân

Đông hết Xuân sang áng mây hồng

Hồng Cúc Mai Lan hoa nở rộ

Chào đón Chúa Xuân  ánh dương quang

 

Đón Xuân trong dạ thấy bồi hồi

Nhưng ta lại thấy muốn Xuân thôi

Khúc nhạc vang lừng trong sâu lắng

Để lòng lưu luyến khắp muôn nơi

 

Xuân bao nhiêu tuổi vẫn còn Xuân?

Ta bao nhiêu tuổi? Xa Xuân lần

Có nghe hoa bướm hương thoang thoảng

Hay đứng nhìn xa thấy bâng khuâng

 

Khắp phố cùng quê hoa khoe sắc

Nhộn nhịp vui Xuân đón Tết về

Lòng thấy u hoài cho số kiếp

Ngày tháng cùng Xuân sẻ trở về

“ Cát bụi trở về nơi cát bụi”.

 

27-12-2023

Nguyễn thị Châu


SẦU LẺ BÓNG

 

Mặt nước màu xanh ráng ánh hồng

Hàng lau gió giật cạnh bờ sông

Lá vàng nằm chết theo đường cỏ

Lục bình xanh biếc trôi giữa dòng

 

Ngơ ngẩn trông lên tìm cánh nhạn

Bay về đâu? Nơi cõi xa mờ

Bâng khuâng lặng lẽ sầu da diết

Trống trải cô liêu dạ thẫn thờ

 

Lẻ bóng mình tôi nơi bến sông

Tìm về dĩ vãng đã hằng mong

Anh ở nơi nào? Anh có biết

Lời thơ gởi đến bao tất lòng

 

Trăn trở đêm dài chung bóng nguyệt

Bờ lau mặt nước cũng chung vui

Mới đó, hôm qua, giờ cách biệt

Để lại cho tôi nỗi  ngậm ngùi..!!!

 

27-12-2023

Nguyễn thị Châu

 

Chúa Không Đến Ngôi Nhà Thờ Đó - Duyên Anh

 

CHÚA KHÔNG ĐẾN NGÔI NHÀ THỜ ĐÓ

 

Ngài là linh mục không có nhà thờ. Như đại đức không có chùa, như người cầy không có ruộng. Ngài lại không thích hạc nội mây ngàn và càng không thích giảng kinh thu môn đệ. Người ta bảo ngài thiếu tinh thần thi đua xây cất giáo đường. Ngài đã cười. Và, thay vì biện bạch mất công, ngài dùng một danh ngôn của một vị Hồng y trả lời tất cả: “Nếu phải chọn, hoặc dựng một giáo đường, hoặc xuất bản một nhật báo, tôi sẽ xuất bản nhật báo.” Và ngài làm theo lời vị Hồng y. Dù sống đạo giữa đời hay sống đời giữa đạo, ngài vẫn chỉ là một người có số phận và chịu sự an bài của Thượng đế. Nghĩa rằng, được cái nọ, mất cái kia.




Ngài không có nhà thờ thì ngài đành xin làm lễ nhờ ở nhà thờ khác. Như nông dân mướn ruộng của điền chủ. Tôi là phóng viên nhật báo do ngài làm chủ nhiệm nên thường dự những buổi lễ của ngài. Ngắm ngài nghiêm trang dưới chân Chúa hay tặng bánh Thánh con chiên hay nghe xưng tội, tôi lại nhớ ngài ngồi im lặng ở bàn viết tòa soạn, tìm chữ nghĩa độc địa nhất để nghị luận tội lỗi của loài người. Và tôi tự hỏi ngài sẽ xưng tội với ai. Những vị linh mục công kích thiên hạ, xúi dục tuổi trẻ phá phách, xách động con chiên xuống đường, chiếm đất công hữu đuổi nhà dân nghèo sẽ xưng tội với ai. Hẳn có ngày họ sẽ chịu sự phán xét khắt khe của Chúa. Bởi vì, Chúa dạy gây tình thương yêu, họ đã tạo nên thù hận. Bởi vì, Chúa bảo bọn nhà giầu khó lên nước Thiên Đàng, họ đã là chủ trường cá mập, chủ cơ sở ấn loát bóc lột công nhân, chủ ngân hàng cho vay ăn lãi. Vị linh mục của tôi, chắc chắn, sẽ về nước Thiên Đàng bằng chuyến tầu chót. Nghị luận tội lỗi của bọn giả hình là đưa chúng về đường thiện, là giải thoát chúng. Bọn giả hình năm 20 hay năm 1970 đều giống nhau. Chúa đã chả nặng lời mắng bọn giả hình đó ư?

Tuy thế, vị linh mục của tôi vẫn cần có một ngôi nhà thờ riêng. Người ta chờ nhật báo của ngài bán chạy, người ta chờ cơ sở ấn loát của ngài đông khách, sẽ tính chuyện. Và người ta mua cái vi-la của ông Tây lai già đằng trước tòa báo. Để chuẩn bị “hữu sản hóa” cho ngài. Để ngài khỏi bị đi làm lễ nhờ mỗi sáng chúa nhật. Tôi không được chứng kiến lễ đặt viên gạch đầu tiên. Tại tôi nghỉ việc quá sớm. Ở xa, tôi nghe nói vị linh mục của tôi đã có nhà thờ vào dịp chính phủ ban hành luật người cày có ruộng.

Tôi trở lại nơi cũ như một thân chủ của cơ sở ấn loát của vị linh mục chủ nhiệm của tôi. Báo của ngài đã đình bản. Ngài không có mặt thường xuyên ở văn phòng của ngài đã đành, ngài còn không có mặt thường xuyên ở nhà thờ riêng của ngài. Phải vì giáo đường chỉ là căn nhà cũ của ông Tây lai sửa chữa chút đỉnh? Hay phải vì đám con chiên trung thành nhất của ngài chỉ là lũ buôn bán Thần Thánh? Chỗ tôi ngồi làm việc, hàng ngày, đằng sau nhà thờ. Như từ phòng khách ra phòng ăn. Trong phạm vi giáo đường, sát cạnh nơi người ta kể Phúc Âm mỗi tối, là cái trường mẫu giáo. Cách bàn giấy của tôi năm thước là cầu tiểu. Học trò đã tự do phóng uế. Mùi khai nồng nặc. Chiều thứ bẩy, người ta bơm nước rửa sạch sẽ cầu tiểu. Vì sang chủ nhật có “cha xuống làm lễ”. Cha, vị linh mục của tôi, làm lễ sáng chủ nhật thì sáng thứ hai bàn giấy của tôi bị lục bừa bãi bởi các đồng tử ham nghịch ngợm. Điều đó tôi rất thú vị. Tuổi thơ không biết nghịch là tuổi thơ ốm yếu. Đáng buồn. Điều tôi thú vị hơn là chiếc áo thầy tu của vị linh mục đã treo ở văn phòng tôi rất đều đặn, mỗi sáng thứ hai. Ngài chỉ mặc áo dòng sáng chủ nhật để làm lễ. Sáu ngày trong tuần, ngài mặc y phục thế nhân dạo phố, y phục thể thao đánh quần vợt… Tôi yêu ngài bởi tâm hồn đạo của ngài chứ không bởi hình thức tu hành. Ngài cũng hiểu thế. Và ngài đã ngạc nhiên thấy tôi đọc Thánh kinh một cách say mê. Chúng tôi thường bàn về kinh cựu ước. Và tôi nói:

– Cựu ước kinh như truyện phòng thân. Có phải Moise viết? Nếu vậy Moise đã làm mất người trong Chúa. Chúa rất người. Chúa đâm xa lạ. Chúa gần gũi chúng ta. Nhất định Chúa đã là người. Cha có đọc bộ Lịch sử nhân loại của Will Duran không? Đoạn viết về Đức Phật, Will Duran mạt sát thậm tệ bọn đời sau đã thần thánh hóa vĩ nhân, đã làm mất hẳn tâm hồn người huyền diệu của vĩ nhân.

Linh mục cười:

– Nói nữa đi!

Tôi hỏi:

– Cha không giận chứ?

Linh mục đáp:

– Chẳng có gì vui hơn được nghe chuyện đạo của người ngoại đạo. Và người ngoại đạo lại là anh, một kẻ hoang đàng…

Tôi nói tiếp:

– Ở Tân ước, Chúa dạy mọi người đều là anh em. Thế mà ở Cựu ước, Chúa lại sai anh chàng Samson dùng sức khỏe vô địch của mình xô đổ cái cột đá sát hại cả một làng là nghĩa gì? Chúa chê lũ giả hình, ghét bọn Pharisien nhưng Chúa đâu có thù hận ai?

Linh mục gật gù:

– Nhiều chỗ anh chưa rõ. Nhưng anh chịu đọc Thánh kinh là quý rồi.

Tôi hỏi:

– Quý ở nơi nào?

Linh mục đáp:

– Ở nơi chúng tôi có khá đông đạo hữu chỉ biết cầu Chúa ban ân huệ. Tôi lại hỏi:

– Cha có đọc Nam Hoa kinh?

Linh mục đáp:

– Có.

Tôi nói:

– Thưa cha, cụ Trang mấy nghìn năm cũ bảo, đại ý, người xưa chết rồi, vả lại, lời người xưa chỉ đúng khi áp dụng vào việc đời xưa, cha nghĩ sao?

Linh mục trả lời:

– Chúng tôi đã có Cộng đồng Vatican II.

À, chúng tôi đã nói chuyện thật cởi mở. Linh mục kiên nhẫn nghe một gã ngu dốt xâm phạm vào sở trường của mình, mà không hờn giận. Mà không xua đuổi. Cho nên tôi mới tin rằng ngài thật lòng, phụng vụ Chúa và muốn con chiên của ngài thật lòng như ngài. Chúa không ưa bọn giả hình. Chúa không ưa cả bọn giả hình quỳ dưới chân Chúa, bọn sáu ngày gây tội lỗi để chủ nhật xưng tội. Do đó, ngôi nhà thờ người ta xây dựng có toan tính và cốt làm vui lòng ngài, ngài đã chẳng vừa lòng. Trước hết, kẻ chuyên đọc kinh Phúc Âm là một tay biện lận. Ông này đã sửa chữa hóa đơn chi thu, đã ăn gian tiền lương của ngài, đã mua cái Harmonium cũ rích trả giá cao hơn cái đàn mới, đã pha thêm nước đường vô rượu lễ, đã mua bánh men thay bánh thánh. Vân vân. Đám phục dịch nhà thờ chuyên lấy báo mới cho mướn và trả báo cũ về. Một vị có công lao nhất thì xử dụng nhà thờ ngót nửa tháng đọc kinh cầu hồn cho bố mẹ bị chết lụt ngoài Bắc. Vị này mắc máy phóng thanh khắp ấp, kinh cầu thu băng nhựa, vặn suốt ngày. Vị linh mục của tôi chán nản, tâm sự riêng với tôi:

– Nó lợi dụng nhà thờ. Nó tưởng ông thân sinh của nó là cha già dân tộc. Nó làm thiên hạ ghét Cha ghét Chúa.

Tôi biết rõ về bọn lợi dụng nhà thờ. Nhất là bọn lợi dụng nhà thờ riêng của vị linh mục của tôi. Cuối cùng, vì kẻ biển lận đọc kinh Phúc Âm và cầu hồn cho bố mẹ người có công tu sửa nhà thờ ròng rã nửa tháng nên nhà thờ, đúng nghĩa, là nhà thờ riêng của cơ sở ấn loát. Nhưng nhân công không thích cầu nguyện ở đây. Họ mất công đến nhà thờ khác. Còn lại là bà con, gia đình các “chức sắc” của cơ sở ấn loát. Vị linh mục chỉ tới làm lễ sáng chủ nhật, vì vậy.

Những hôm đang viết bài bị “bí”, tôi thường vào nhà thờ ngồi suy nghĩ. Tôi ngắm Chúa Cứu Thế gắn trên tường và ngỡ đang nhìn rõ từng giọt máu ứa ra từ những nơi Ngài bị đóng đinh chịu tội. Ơ kìa, khuôn mặt rực rỡ của Ngài sao không tươi vui như hạnh phúc của loài người, như ở những giáo đường khác? Mà có vẻ phiền muộn. Chắc Ngài ngó xuống chiếc chén mạ bạc dâng rượu lễ đầy bụi bậm. Chắc Ngài ngó xuống chiếc chuông đồng nổi teng. Cái Ngài ngó xuống chỗ đọc kinh Phúc Âm. Và, Ngài chưa quay lại nên chưa ngó xuống cái bàn nhỏ kê gần bàn giấy của tôi. Ở đó, có hai chai nước. Một chai khô queo dán miếng bìa trắng viết hai chữ nước phép. Một chai còn chút nước đầy cung quăng, cũng dán miếng bìa trắng viết ba chữ Nước rửa tội! Hai cái chai đó vẫn bất di bất dịch trên chiếc bàn nhỏ. Có lẽ, vỏ chai bây giờ đóng đầy bụi. Vị linh mục của tôi thở dài:

– Chúng nó giả dối!

Tôi không hiểu sao ngài chấp nhận sự giả dối ấy.

Năm nay người ta sửa soạn mừng Chúa Giáng Sinh tại ngôi nhà thờ tôi vừa kể. Người ta đánh bóng chiếc chén bằng bạc dâng rượu lễ, chiếc chuông đồng, sơn quét bên trong, bên ngoài nhà thờ. Người ta dựng cổng chào, kết hoa, giăng đèn. Người ta lại vừa thay chiếc chuông lớn hơn. Nhưng người ta quên hai chai nước phép, nước rửa tội. Ông chuyên viên đọc kinh Phúc Âm thì biển lận gấp ba năm ngoái. Ông đóng góp công đức nhiều vào việc trùng tu giáo đường mới từ khám Chí Hòa ra. Tất cả đều hy vọng mùa Giáng Sinh này Chúa sẽ ban ơn thật nồng hậu. Nhưng mọi người đã mỏi mắt trông đợi vị linh mục xuống làm lễ. Mãi tới nửa đêm Giáng, linh mục vẫn biệt tăm. Đi tìm Ngài khắp nơi, không thấy. Và đám con chiên thích riêng biệt không chịu hòa đồng có dịp suy ngẫm trầm lặng trong đêm thánh thành phố.

Lúc đó, cha của họ, linh mục của tôi, đang làm lễ ở một ngồi nhà thờ còn ngập nước lụt ở miền Trung. Thánh lễ vô cùng đơn sơ. Tôi tưởng tượng thế. Và tôi mơ hồ nghe tiếng cầu nguyện của những con chiên chân thành nhất, đáng thương xót nhất của Chúa. Những bước chân đạp nước lạnh kính cẩn gửi lời mừng Chúa giáng sinh. Những hơi thở làm ấm một vùng cóng buốt. Một ánh lửa từ trời cao rớt xuống. A men. Chúa đã đến nơi đây. Chúa không đến ngôi nhà thờ riêng của vị linh mục của tôi. Chẳng bao giờ sai cả, Chúa chỉ đến với niềm tin còn nguyên vẹn sau những đọa đày, cơ cực.

(Tháng 12-1973)

Duyên Anh

 

 

Tuesday, December 26, 2023

Nhắn Người Về Bên Ấy - Thuyên Huy

 Nhắn Người Về Bên Ấy

 
















Mai nếu người có về bên ấy

Cho tôi nhắn nơi đó đôi lời

Mùa Sim Long Giang giờ vẫn vậy

Hay muộn nở vì thiếu một người

 

Chiếc xuồng con ai đó ngày cũ

Có còn hái bông Súng ngoài vàm

Hay đã lâu không về Long Chữ

Đầm Sen cô quạnh vắng người thăm

 

Bến đò xưa chợ chiều Long Thuận

Còn ai đứng chờ tàu Bến Cầu

Hay bỏ bến buồn vương buồn vấn

Lục bình ngược sóng gọi đợi nhau

 

Long Khánh sân trường còn tiếng trống

Sáng mưa dầm trẻ giục đi mau

Em tôi còn qua cầu soi bóng

Làm duyên cài Sim tím trên đầu

 

Ghe cắm câu đêm bờ Vàm Cỏ

Còn leo lét đèn bóng mẹ quê

Mai nếu người có về nơi đó

Xin cho tôi hẹn một ngày về

 

Thuyên Huy

Giáng Sinh Ở Một Làng Nhỏ Miền Đồng Tháp - Duyên Anh

 

GIÁNG SINH Ở MỘT LÀNG NHỎ MIỀN ĐỒNG THÁP




 

Năm 1958, áo cơm đưa đẩy tôi về miền Tây. Đói, đầu gối phải bò. Và tôi đã bắt đầu gối tôi phải bò mãi về làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo, nơi ra đời của vĩ nhân Huỳnh Phú Sổ, dạy ở ngôi trường trung học bán công mà học trò, hầu hết đều bằng tuổi tôi.

Duyên Anh

Mỹ Lương buồn lắm. Vào những ngày mười tư, mười rằm và ba mươi, mồng một chợ búa chỉ bán rau cỏ, tương chao, tầu vị yểu. Quán nước trần xì cà phê đen. Điểm tâm bằng dầu cháo quẩy. Không thịt cá những ngày đó. Là kẻ tội lỗi từ thuở lọt lòng, dẫu ăn chay trường cũng khó sạch tội, nên khi thánh địa ăn chay, đọc kinh, nghe lời giảng của Đức Thầy, tôi bèn làm những chuyến… sang sông.

 

Chúa sanh ra nơi nghèo hèn. Giáng sanh này, ngài cũng sẽ về những nơi nghèo hèn…
(ảnh minh họa)

Con sông nhỏ có thể đưa ghe, tầu sang tận Cao Miên nhưng chỉ đưa tôi qua Tân Huề bằng chiếc đò máy. Cách một dòng sông bên này là thánh địa Hòa Hảo, bên kia là… lung tung beng. Một xóm đạo nhỏ với ngôi nhà thờ bé và vị linh mục kéo vĩ cầm. Lại chỉ khoái chơi nhạc kháng chiến! Tôi có nhiều học trò bên Tân Huề. Và tôi thường mò sang ăn mặn vào dịp Mỹ Lương ăn chaỵ

Tôi quen với linh mục khoái nói chuyện bưng biền hơn là nói chuyện Chúa, ở Tân Huề. Nhà thờ thiếu cái đàn “Harmonium”, thiếu ban hát lễ, thiếu nhô con áo đỏ giúp lễ ố những chuyên viên quỳ ố thiếu luôn bánh thánh và… nước phép. Cha sở – tạm gọi thế – kéo vĩ cầm buồn cười vỡ bụng. Ngài lười “vibrer”. Ngài cứ đưa cái “archet” lên xuống cả những nốt ngân. Nhưng con chiên của ngài xứng đáng được Chúa thương xót nhất nếu Chúa biết ngót mười lăm năm trời, họ đã sống trong nỗi hãi hùng, lép vế, buồi tủi. Mà vẫn phụng thờ Chúa, vẫn tin ngày nhắm mắt được gặp Chúa ở trên trời, vẫn làm sáng danh Chúa.

Giáng Sinh những năm trước, tôi không biết ở đây, ở cái xóm đạo nhỏ bé của làng Tân Huề thuộc miền Đồng Tháp, cái đám giáo dân tổ chức đón mừng Chúa Hài Đồng ra đời ra sao, nhưng năm nay, hang đá tại nhà cô út lớn gấp ba hang đá của nhà thờ. Tôi thấy một điều lạ. Chúa ở thật xa, Cha ở thật gần, đám con chiên hèn mọn của Chúa chỉ theo Chúa. Có lẽ, cha sở mải lo chuyện bưng biền, quên phụng vụ Chúa, quên an ủi đám con chiên lạc lõng, bị kìm kẹp giữa miền hắt hủi như những tội đồ.

Cô út là chị thằng Lễ, học trò lớp đệ thất. Cô mở tiệm may bên Tân Châu. Mọi năm, cô không về Tân Huề mừng Chúa giáng sinh đâu. Ở Tân Châu vui hơn. Nhà thờ lớn hơn. Tiếng chuông ánh ỏi hơn. Lời ca vút cao hơn. Giáng sinh năm nay, cô út mừng Chúa ra đời ở quê nhà. Chắc tại thằng Lễ nói có tôi dự tiệc nửa đêm ở nhà nó. Tôi không phải là công giáo. Gần Giáng Sinh, tôi dạy tới bài Christmas trong cuốn Anglais Vivant của Fialip Carpentier. Bài này và hai bài kế tiếp đều nói về Giáng Sinh, thời tiết trong ngày Giáng Sinh với ông Santa Claus. Thằng Lễ tưởng tôi khoái “đạo” của nó lắm nên năn nỉ mời tôi sang Tân Huề. Tôi nhận lời ngay.

Buổi chiều hôm 24, nhà thằng Lễ rộn rã mà nếu Chúa biết. Ngài sẽ cảm động vô cùng. Cái cổng chào đã dựng xong ở ngõ từ sáng. Trên nền lá dừa chẻ nhỏ, cắt ngắn là hàng chữ cắt ráp tỉ mỉ của Lễ “Mừng Chúa Giáng Sinh”. Chiếc đèn ông sao treo ở giữa. Rất đông bà con thân thuộc của gia đình Lễ tới tô điểm hang đá và trang hoàng nhà cửa. Cuối sân, cô út đang sửa soạn bếp quay một cặp ngỗng. Mọi người hầu như quên nhà thờ, quên cha sở, quên cả nỗi cay đắng trải dài nhiều năm tháng. Họ ăn mặc chỉnh tề. Niềm hân hoan hiện rõ. Càng thắm đậm oan khiên, tủi cực họ càng tin rằng Chúa không bỏ họ như cha sở. Chúa sẽ đến với họ. Chúa đã quên họ từ bao nhiêu năm naỵ Chúa phải đến đêm naỵ Chỉ cần Chúa đến giây lát. Chỉ cần Chúa hiểu họ không bao giờ quên Chúa và lời dạy của Chúa.

Đêm xuống dần. Gió sông lùa lên tăng thêm cái lạnh dễ yêu. Tôi bảo Lễ chở xe gắn máy đưa tôi đến nhà thờ. Nhà thờ ở gần bến đò. Vắng như bến đò. Có một giáo đường nào im bóng hơn giáo đường này, vào đêm Chúa giáng sinh? Hai chúng tôi trở về. Những chiếc đèn ông sao thắp sáng một vùng quê hương u tối. Mọi người quỳ trước hang đá cầu nguyện và suy tôn Chúa cao cả. Mùi hoa Huệ thơm nhẹ. Hoa Huệ chỉ thơm khi gần khói hương hay gần ánh đèn cầy. Mùi thịt ngỗng quay thơm lừng. Nhưng tôi còn ngửi được một mùi thơm thần thánh toát ra từ những tâm hồn ngoan đạo của đám con chiên côi cút đang kính cẩn nguyện cầu trước Chúa của họ. Tôi tự hỏi ngoài nhà thằng Lễ, còn nơi nào đón mừng Chúa giáng sinh bằng nghi thức ở nhà thằng Lễ. Nghi thức! Không, không nghi thức đâu. Đó là sự tôn kính tuyệt đối. Đó là ý muốn của Chúa. Chúa cũng giản dị. Chúa ghét nghi thức. Chúa giáng sinh không phải vì nghi thức, cho nghi thức. Mà vì nỗi cùng khổ của loài người, cho loài người biết thương yêu nhau.

Gần nửa đêm, tiếng cầu nguyện lớn thêm, lan tỏa. Và khi tiếng chuông buồn tẻ từ giáo đường vọng tới, mọi người mừng vui cuống quýt. Chúa đã ra đời. Chúa đã ra đời cách đây 1958 năm, ra đời ở một nơi thấp hèn hơn nhà thằng Lễ. Người ta bỗng thấy thiếu một cái gì. Ba thằng Lễ giục tôi:

– Thầy Long, thầy có biết hát thánh ca không?

Phải thú thật là tôi xúc động ghê gớm. Tôi gật đầu. Và tôi run giọng hát

– Silent night, Holly night, all is calm, all is bright…

Tôi hát tới đó, dừng lại ngay và nói:

– Qúy vị cần hát một bài mừng Chúa giáng sinh với tôi.

Và tôi dạy họ hát bài “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… ”

Như thể được hưởng ân điển của Chúa, họ thuộc rất nhanh. Lát sau, tiếng hát vút lên:

Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê Lem
ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung
Tiếng hát thiên thần vang lừng

Ôi Chúa thiên tòa giáng sinh thấp hèn.

Tiếng hát lắng lại. Mọi người ngước nhìn bầu trời. Cả tôi nữa. Tôi thấy một vì sao lung linh. Và tôi còn mơ hồ thấy một vì sao rơi từ từ xuống thẳng nhà thằng Lễ. Chúa đấy. Ngài đã đoái hoài đám con chiên có cái hiện tại hẩm hiu như dĩ vãng của Ngài, ở Tân Huề năm ấy.

Mười ba năm đằng đằng, tôi không có dịp trở về thăm làng Tân Huề. Chiến tranh đã qua đấy chưa? Giáo đường đã sụp đổ chưa? Cha sở đã bỏ con chiên chưa? Đám con chiên ngoan đạo bây giờ ra sao? Dù chiến tranh đã qua Tân Huề, dù cha sở bận hạc nội mây ngàn, tôi vẫn tin Giáng Sinh năm nay nhà thằng Lễ còn hang đá, còn đèn ông sao, còn lời nguyện cầu, còn hát thánh ca. Có thể thằng Lễ đã chết trận. Không sao cả, miễn là, từ cái sân đất khô cằn của nhà nó, người ta còn dựng nổi cái hang đá. Cho niềm tin.

Duyên Anh