Tuesday, September 29, 2015

My Love For You - Thơ Phỏng Dịch: Tình Anh Cho Em - Hồ Nguyễn & Tình Yêu Dành Cho Em - Nguyễn Cang


MY LOVE FOR YOU




 












The bit by bit and day by day,               
In such a special lovely way,                 
Do not know why or how to say,           
But I shall try to... if I may.                   
                        


And thus I shall try to explain,              
That despite heavy pouring rain,           
In times of sorrow and of pain,             
My love for you was not in vain.          
                    
When I was down and even sad,          
If I felt angry rather mad,                     
If I was in tears feeling bad,                 
My love for you I did not dread.          
                            
I was insulted even mocked,                
My same own life I feel was blocked. 
The doubts that came and often knocked,


My love for you was safely locked.     
                      
Until the day you came to me,             
The love in me you did not see,           
Without you dear how could I be?       
My love for you I could not free 


And yet you know I still love you,       
A love that's strong and oh so true,      


Where’ve you go where’ve to,             

My love for you will follow too.                     

 
© Matthew Dusfim

 

THƠ DỊCH CỦA HỒ NGUYỄN

 
TÌNH ANH CHO EM

 

Thắm thía dâng cao hiện mỗi ngày,
Đường tình đặc biệt có ai hay.

Âm thầm chẳng biết sao nên nói,
Gắng sức ngăn lòng khỏi đắng cay.

 

Anh muốn sao em hiểu nỗi lòng,
Giận hờn đang trút trận mưa giông.

Nổi buồn ãm đạm vùi đau đớn,
Chân thật tình anh chẳng viễn vong.

 

Khi anh gục ngã với đau buồn,
Bao dỗi hờn đau giận xốc tuông.

Dù thân phận tủi như sông lệ,
Tình anh vẫn đẹp thắm êm

 

Có lúc anh như bị giỡn tình,
Tưởng rằng tình chẳng mãi trung trinh.

Nghi ngờ, trách móc, hờn, căm giận,
Nhưng trái tim anh vẫn vững gìn.

 

Rồi một ngày kia em đến anh,
Tình yêu hai đứa thoáng mong manh.

Không em anh sẽ ra sao nhỉ!
Tình chẳng cho không anh sẳn dành.
                  


 *

Hãy nhớ tình anh vẫn vững bền,
Dù đời phiêu bạc lắm chông chênh.

Dù em đến tận miền xa hút,
Anh sẽ tìm em vượt suối ghềnh.

                              
HỒ NGUYỄN

(26-9-15)

THƠ DỊCH CỦA NGUYỄN CANG

 














TÌNH YÊU DÀNH CHO EM

 

Một chút tin yêu kết mỗi ngày
Tình nồng thấm đậm lạ lùng thay

Tại sao, đừng hỏi, tôi nào biết
Vì đã yêu rồi ai có hay!

 

Hãy để cho anh trải tấm lòng
Dẫu rằng đau khổ mãi chưa xong

Như cơn mưa bão nặng nề trút
Anh vẫn yêu em chẳng ngại ngùng

 

Khi anh gục ngã bởi đau buồn
Cơn giận bùng lên máu chực tuôn

Giọt lệ tràn mi dâng nỗi nhớ
Yêu em chẳng ngại phím tơ chùng

 

Có khi chịu nhục bởi lời trêu
Chợt thấy tình riêng, nghẽn lối yêu

Trách móc nghi ngờ làm giận dỗi
Yêu em nắm chặt thấy thương nhiều

 

Sẽ có một ngày em đến anh
Nói sao cho thấu hết lòng thành

Không em đời sống thế nào nhỉ?
Tình tặng riêng em, anh sẵn dành

 
Xin hãy tin anh, tình vẫn sâu

Yêu mặn nồng kết chặt bền lâu
Dù em đi tận miền xa thẳm




Anh vẫn theo em sống bạc đầu!

 
Nguyễn Cang

(9/27/2015)

 

 

 

 

 

 

 

    

Mùa Hoa Trâm Bầu Chưa Kịp Nở - Thuyên Huy


Mùa Hoa Trâm Bầu Chưa Kịp Nở

 


 

    Theo mẹ về Long Chữ từ ngày mới lên mười hai với đứa em trai, thằng Chương lúc đó chưa tròn ba tuổi, Bưởi đã biết chèo cái xuồng ba lá cũ kỹ, chỗ hở chỗ lành, phụ mẹ, vớt bông súng vào mùa dọc theo con rạch Gò Suối, ra tới đầu vàm lớn nơi sông Vàm Cỏ Đông, chảy vào địa phận Bến Cầu, bưng ra chợ xã bán. Mẹ là người Hớn Quản, làm phu cạo mủ cao su, phải lòng người thanh niên cũng cùng một nghề, lấy nhau, sinh ra thằng Chương, thì người đàn ông bỏ đi biệt tăm trong một đêm mưa dầm cuối mùa hạ, lúc có tiếng súng du kích Việt cộng bắt đầu nổ lai rai, rãi rác đâu đó trên khắp làng trên xã dưới của miền Nam.    

    Buồn tủi, nghèo nàn, mẹ ôm con lếch thếch, lưu lạc trôi giạt về Nam, ngang Phước Long, Bình Long, qua Thủ Dầu Một rồi ở đây, tại ngã ba Củ Chi, mẹ gặp Bưởi, đứa con gái gầy còm, da mặt mốc thích, mười tuổi đầu, không cha không mẹ, chạy bán nước trà đá theo những chuyến xe đò, xe hàng lên xuống Tây Ninh, Hậu Nghĩa, cho người đàn bà mập mạp, chủ một sạp thức ăn, tóc Bưởi rối bời, vàng úa màu nắng khét, đang ngồi đếm lại tiền người mua trả dưới bóng mát giữa trưa, bên gốc hàng cây bả đậu già nua, không thấy hoa thấy trái. Hỏi thăm tình cảnh, mẹ đem Bưởi về nhà ở với bà, gọi là nhà nhưng chỉ là một cái chái nhỏ, dựng bằng mấy tấm tôn cong queo, rĩ sét, đen đúa, chung quanh chất đầy bao ni-lông lớn cũ mèm, cột túm cột hờ, sát nhờ hông tường của một căn nhà ngói, cuối chợ Củ Chi mà người chủ thương tình cho phép ở tạm, ôm con nhỏ làm nghề lượm vỏ chai, rác rưới quanh chợ, quanh bến xe, mang bán lại cho mấy chủ vựa phía bên kia đường, gần căn cứ quân sự của VNCH, ngã về Bình Dương. Về ở với bà, Bưởi vui sướng hẳn lên với hai tiếng “má ơi”, tiếng  mà nó không biết là đã có lần nào gọi ai đó chưa, Bưởi cũng chưa hề biết cha mẹ là ai và từ phương nào tới đây, và tới giờ này, thật ra nó cũng không buồn nghĩ tới.

    Mẹ Bưởi vất vả từ sáng tới chiều, áo quần nhăn nhúm, với việc tha lượm vỏ chai, bao bị giấy rác, nhưng chưa bao giờ thấy bà than van, giận hờn hay to tiếng, Bưởi ở nhà, tập nấu cơm, coi em, thằng Chương, may mà nó ít khóc, không hờn không giận, Bưởi thương nó vô cùng, cơm ăn cũng nhín bớt đút cho em, thấy thằng Chương cười là Bưởi vui hết sức nói, chờ bà về, ngày nào cũng như ngày nấy, cơm nước xong hai mẹ con, tay lựa ra tay chất vào những thứ bà lượm được trong ngày để kịp đem đi cân bán lại sáng mai, thả thằng Chương chạy lấp xấp chơi vòng vòng bên cạnh. Giờ thì Bưởi sung sướng quá rồi, có chỗ nằm ngủ hẳn hoi, trên cái giường đủ cho ba mẹ con làm bằng ván thông mà bà xin được từ trại lính, không còn nằm co queo, lạnh lẽo bên góc hiên nhà người, Bưởi thương làm sao, cái hơi ấm tỏa ra từ mẹ và tiếng ngái ngủ vô tư thơ dại của thằng em nhỏ, cười nhiều hơn khóc, dù chưa biết gì về cuộc đời. Nhiều hôm, nắm tay em chờ mẹ về, đứng nhìn ra đường, thấy học trò trai gái, cở tuổi mình, tan học đi ngang qua, Bưởi chợt thấy tủi thân tủi phận và đã có lúc ước gì, nhưng rồi thôi. Mùa Tết năm đó, hai chị em được mặc quần áo mới mà mẹ đã để dành tiền mua cho, từ những ngày cuối đông lành lạnh, Bưởi khóc lên vì vui sướng, làm mẹ cũng chảy nước mắt theo. Hơn hai năm sau, tình cờ, mẹ gặp lại một người chị bà con xa bên ngoại, từ Bình Dương về, đứng chờ đón xe đi Tây Ninh ngoài đường lộ, lúc bà đi giao mớ bao vỏ chai còn sót ở nhà chiều hôm qua, hai người hỏi thăm rối rít đủ chuyện rồi chia tay. Không hơn tháng sau, ba mẹ con dọn dẹp cái chái nhà, thu xếp quần áo, đồ dùng lặt vặt, quét miếng đất trống sạch sẽ, trả lại, cám ơn tấm lòng tử tế của người chủ nhà, rồi tay xách nách mang, chào từ biệt nhưng không dám hẹn ngày gặp lại, đón chuyến xe đò sớm nhất từ Sài Gòn-Tây Ninh về Bến Cầu trong ngày để kịp xuống đò sang Long Chữ.



 

    Về Long Chữ, mẹ được người chị bà con xa, hôm gặp ở Củ Chi, hai vợ chồng có căn nhà mái tôn cũ, nằm giữa đám ruộng tốt tươi, cuối ấp chính, và một số người quen chung quanh, giúp một tay, dựng giùm căn nhà lợp tranh, vách đất tạm được, trên miếng đất gò nhỏ, nằm một bên này con đường đất mòn, chạy dọc theo rạch Gò Suối, dẫn ra tới đầu vàm, có hàng cây trâm bầu cao lớn đầy bóng mát rượi, xa xa phía sau là một cái nghĩa địa nhỏ, có chừng hai ba chục nấm mồ đất, khô cằn và nứt nẻ. Ngược lên hướng trên, đường làng tới chợ xã cũng khá xa, nhà dân lưa thưa, lác đác cái đầu cái cuối, xen kẻ với đất cày và ruộng nước, trâu bò đi nhiều hơn là người. Mẹ làm đủ thứ việc, cấy lúa nhổ mạ, đập lúa mướn cho bà con có ruộng, giống như người chị, trong ấp trong làng khi mùa ruộng tới một thời gian, rồi xin ở đâu đó được cái xuồng ba lá cũ đem về, cột lủng la lủng lẳng ở bên gốc cây trâm bầu lớn đầu con rạch, tập chèo ghe, theo người quen ra vàm vớt bông súng về, gánh lên bán trên chợ xã, mẹ cũng biết tát đìa, cắm câu bắt cá, việc nào dễ làm thì mẹ dẫn Bưởi đi theo chỉ này chỉ nọ. Thấy mẹ siêng năng, hiền hậu, bà con chung quanh ai cũng thương cũng mến, có vài ba người đàn ông nào đó, muốn gá nghĩa vợ tình chồng, mẹ dịu dàng nhỏ nhẹ từ chối, mẹ nói “bà không muốn khổ thêm lần nữa”, nhưng Bưởi không biết “khổ lần nữa là như thế nào”, mẹ không biết chữ nhiều, chỉ dọc được và viết được chút đỉnh thôi nhưng bà cũng cố dạy cho Bưởi mỗi khi rảnh rổi, lúc đó, mẹ buồn buồn bảo nó “thôi con đừng buồn, chắc phần số mình như vậy rồi, để mẹ ráng lo cho em con, tội nghiệp, thử xem cho nó khá hơn mẹ con mình”.

    Mẹ bắt đầu già hơn và xem ra không khỏe như những ngày trước, đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ cơm ngày hai bữa, con gái lên mười lăm tuổi, Bưởi thay mẹ, vừa lo cho em vừa phụ ra đồng, làm thuê làm mướn, quên cả nặng nhọc, giống như mẹ, không một chút than phiền, nhưng là đã sinh ra là con gái, với tuổi này, Bưởi đã biết buồn, biết thẹn thùng mắc cở, khi đi ngang đám trai bỏ mạ cấy lúa, nhìn ngó xì xầm, khi đứng nhìn con nhà ai đâu đó, quần áo rực màu, khách ra người vô, tươi cười bước lên xe hoa, dù là cái xe lam cũ với mấy nhánh dừa cuốn cong, ghép vài chùm hoa dại theo chồng về phương nào đó. Cũng từ đó, mẹ nghe được tiếng Bưởi thở dài ray rứt, lùa tiếng muỗi vo ve trong những đêm khuya lặng vắng nhưng mẹ chỉ biết ngậm ngùi nín lặng dù hồn mình cũng đứt từng khúc ruột, đau buồn không ít.

    Qua tết, thằng Chương đi học lớp năm ở trường tiểu học Long Chữ vừa được nửa năm, thì mẹ mất. Sau ngày đi cấy cho đám ruộng của nhà ông bà tư Lành, đầu xóm trên, gần chợ xã, về nhà, trời tối om và mưa dầm từ hồi còn sáng sớm, người ướt sũng từ đầu tới chân, dù có khoát cái bao ni-lông lớn che, mẹ nói mệt và nhức đầu quá, không chịu ăn cơm, nằm vật xuống giường im thinh thít, Bưởi chạy qua nhà bà chị của mẹ báo tin, vợ chồng dì, bưng đèn sang, lấy dầu cù-là hiệu con Cọp thoa khắp người, Bưởi nhổ xả nấu nướng sôi, để mẹ xông như người ta chỉ, vợ chồng người dì về rồi, Bưởi nấu nồi cháo lỏng, vừa cho em ăn vừa ngồi bên giường chờ mẹ khỏe lại. Sáng hôm sau, Bưởi gởi thằng Chương cho nhà bên cạnh, theo bà dì cùng với chị y tá của trạm y tế xã, mượn chiếc xe lam chỡ bà ra bệnh viện dưới Gò Dầu nhưng xe vừa chưa quá nửa đường thì mẹ Bưởi qua đời, Bưởi ngất lên khóc tức tưởi gọi “má hởi má ơi”, người dì cũng không cầm được nước mắt. Không có đám tang, không có kèn trống, bà con hàng xóm, một người một tay, đưa mẹ ra chôn ở cái nghĩa địa làng hoang vắng, ngó qua hàng cây trâm bầu, mùa này hoa vừa nở rộn. Bưởi chết lặng, tan nát cả lòng, khi nghe thằng Chương hỏi “má đâu rồi chị hai” trên đường trở lại nhà, đêm đó, ôm em vào lòng, hát ầu ơ ví dầu cho nó ngủ như hằng đêm, mà nước mắt chảy dài ướt cả cái mền rách cũ của hai chị em đắp chung từ ngày chân ướt chân ráo về Long Chữ. Sau ngày mẹ mất hai ba hôm, sáng nào cũng như sáng nấy, Bưởi dắt em ra mộ bà thật sớm, hai chị em đốt nhang khấn lạy, rồi ôm em ngồi khóc ròng, thằng Chương chắc cũng hiểu được mẹ nó không còn trên đời này nữa nên nức nở khóc theo, đêm về, tiếng thằng Chương mớ gọi “má ơi” trong giấc ngủ, buồn hơn tiếng ễnh ương kéo dài ngoài mương ruộng,



 

    Từ đó, Bưởi cũng như mẹ, cũng chèo xuống ba lá vớt bông súng đầu mùa, làm thuê gặt mướn cho người láng giềng, cũng cắm câu tát đìa, nuôi em, không than không phiền một tiếng, nhất quyết lo cho em ăn học, trong cái hy vọng mỏng manh như ngày mẹ còn sống, đời thằng Chương sẽ phải khá hơn họ. Thằng Chương bây giờ đã lớn, tự một mình, ôm cái cặp đan bằng lát tre, theo mấy đứa bạn nhà bên kia đường, đi bộ tới trường, tiếng mầy tiếng tao dưới trời sương sáng hay bụi nắng chiều hôm, dọc theo hàng cây trâm bầu, hoa rụng ngập trên rạch trong những ngày cuối mùa chờ trái chín tới. Bưởi không được đẹp nhưng thấy Bưởi nói năng hiền lành, siêng năng chăm chỉ, đi dứng dịu dàng, nên ba bốn gia đình ấp trên ngỏ lời nhờ người dì, muốn cưới Bưởi cho con trai họ, nhiều lần bà nhắc chuyện nhưng Bưởi chỉ cười trừ, hẹn lần hẹn lựa “con còn phải lo cho em, chờ nó lớn chút xíu, vài năm rồi con tính”. Riết rồi quen, Chương cũng bắt chước chị mình, chiều đi học về nhà, bỏ cặp, kéo tấm liếp tre che cửa lại, chạy một mạch ra gò mả, đấp bồi đất mộ mẹ, nhỗ cỏ dại chung quanh, lầm thầm hai ba tiếng, trong khi chờ Bưởi đi vớt bông súng về, cột cái xuồng vào gốc cây trâm bầu đầu rạch, gần con đường mòn băng qua ngang nhà, rồi hai chị em người bưng người vác, khệ nệ nhỏ to “chị ơi chị hởi”.

    Chương xuống Gò Dầu Hạ, vào trung học, may có được cô Nhuần, đang ở với mẹ, bà Tâm, là người ăn chay trường, làm việc thiện, thường đi cúng ở chùa Thạnh Lâm, dạy môn Sử Địa, có nhà là căn phố lầu ngay ngã ba, ngó qua bến xe, đầu đường vô trường, thấy hoàn cảnh hai chị em tội nghiệp, nên sẳn lòng cho Chương ở trọ, không tính tiền tính bạc gì hết, hai chị em mừng muốn khóc, thỉnh thoảng hai ba lần xuống thăm em, Bưởi cũng ráng đem theo, xâu cá rô cá trê, trái bí trái bầu, để gọi là chút quà nhà quê, cám ơn tấm lòng tử tế của bà và cô, năn nỉ lắm hai người mới chịu nhận nhưng bảo Bưởi đừng làm vậy nữa. Chương dễ thương, học giỏi, siêng năng, ăn nói nhu mì, phụ việc trong việc ngoài, tiếng dạ tiếng thưa,  mỗi khi bà Tâm gọi giúp bà chuyện này chuyện nọ, Chương cũng thường theo bà mang hoa quả qua chùa, chăm chú nghe hồi kinh tiếng mõ cho nên hai mẹ con cô Nhuần thương nó không ít, càng ngày càng mến tay mến chân, đôi khi, Chương về Long Chữ thăm chị, chiều chưa lên kịp, bà Tâm cứ đi tới đi lui trước cửa nhà, ngó qua bến xe, nhìn lên hướng cây cầu, thở dài thở ngắn.

    Cuối hè, chuẩn bị lên đệ tam, có người bên Long Giang qua hỏi cưới, hai người gặp nhau, hôm đi theo người quen, mấy ngày qua làm công đập lúa cho gia đình của anh Tín, anh phải lòng thương chị, gia đình anh qua Long Chữ nhờ người dì nói vô giùm một tiếng, nghĩ tới nghĩ lui, thằng Chương giờ đã lớn khôn, có nơi nương nhờ tá túc đi học đàng hoàng, nhà nghèo côi cút có người thương là quá may mắn rồi, vã lại anh Tín cũng thấy thương, cuối cùng Bưởi bằng lòng, Chương buồn lắm vì hai chị em sẽ xa nhau, nó sẽ nhớ chị vô vàn, trong đời nó, ngoài mẹ ra, không ai có thể thay hình bóng chị Bưởi trong đầu nó được, nhưng Chương cũng biết, “chị đã chịu gần một phần ba đời bất hạnh, khốn khổ, không lẽ chị cứ khổ suốt đời, chị cần có một chút hạnh phúc cho riêng mình sau những tháng ngày cứ mãi lo cho hạnh phúc người khác”, Chương thấy vui cho chị và mừng muốn khóc. Trước ngày theo chồng về Long Giang, Bưởi đưa cho Chương một số tiền mà Bưởi đã dành dụm được từ bao nhiêu năm qua, cất dấu trong cái túi vải đen củ kỹ, dặn nó tiện tặn xài, nhớ thăm mộ mẹ thường xuyên, có gì thì chạy qua nhà người dì nhờ giúp, hai chị em dẫn nhau ra mộ mẹ, ôm nhau khóc sụt sùi, “dạ mẹ con đi, mẹ có linh thiêng xin về phù hộ cho em con được mọi sự bình an may mắn, con sẽ về thăm mẹ, khi mùa hoa trâm bầu nở năm sau”.

    Ngày giỗ mẹ năm sau, cũng vào mùa hoa trâm bầu nở rồi năm sau nữa, Bưởi không trở lại nhà như đã hứa, hỏi ra, người dì cho biết, có tin từ mấy bác quen, nhà ở Long Giang là, Bưởi đã bỏ nhà chồng đi, không ai biết đi đâu, cách nay chừng chưa đầy một năm, vì không thuận thảo với chị em bên chồng, gian nan Bưởi không hề quản ngại nhưng luôn bị đối xử bất công, tiếng bấc tiếng chì, mà anh Tín, chồng chị, không mạnh dạn đứng ra bênh vực cho vợ, có người nói thấy Bưởi đón xe đi lên miệt biên giới Miên. Chiến tranh giờ lan rộng khắp nơi, không còn là cuộc chiến của những tiếng súng lẻ loi, lác đác mà của súng đại liên đại pháo, quân cộng sản miền Bắc đã có mặt nhiều nơi, xem ra trận đánh ngày càng ác liệt hơn, đậu tú tài một, Chương tình nguyện vào lính, từ trường Bộ Binh Thủ Đức ra, Chương theo binh chủng Biệt Động Quân, về với tiểu đoàn 41, ở Kiến Phong Cao Lãnh. Trước ngày ra đơn vị, Chương về lại Long Chữ, giao nhà cửa cho người dì và nhờ thỉnh thoảng trông coi giùm mộ mẹ, vì đời lính rày đây mai đó, không biết có về kịp mùa hoa trâm bầu nở bên con rạch nghèo Gò Suối hay không.

    Giữa tháng 12 năm 1971, Tiểu đoàn 41 BĐQ của Chương, mở cuộc hành quân trong vùng Phụng Hiệp Cần Thơ nhằm đẩy quân cộng sản, đang tập trung quân, tìm cách tiến sâu vào thành phố ngược về biên giới Miên. Hai bên đụng dộ dữ dội, cộng sản Bắc việt huy động toàn bộ lực lượng trong vùng, chận cho được sự tiến công của Biệt Động Quân bằng mọi thứ vũ khí họ có, cả đại bác qua nhiều đợt tấn công ác liệt suốt cả ngày nhưng bị bẻ gãy và cuối cùng phải rút lui tháo chạy qua bên kia sông, dưới sự phản pháo của pháo binh BĐQ từ Cao Lãnh bắn lên. Tiểu đoàn 41 BĐQ có vài người chết, quân cộng sản bỏ lại mấy chục xác, không kéo theo kịp, nhưng trên đường tháo lui, họ cho gài lại một nhóm quân cảm tử chừng mười mấy người, nằm phục kích tại mấy cánh ruộng bát ngát, tìm cách bắn sẻ, làm chậm bước quân đuổi theo, chừng hai ba tiếng đồng hồ, quân BĐQ vượt qua sông, càn quét ngang khắp cánh đồng, nhiều xác lính cộng sản bỏ lại với súng AK47 bên mình, nằm dưới nước lấp xấp nửa người.
 



    Chiều chầm xuống, tiếng súng sau đó tạm ngưng hẳn rồi im bặt, Chương bị thương không nặng lắm ở cánh tay, được mấy người lính y tá, băng bó tạm tại một khoảng đất gò cao, khô ráo, dưới tàn lá úa vàng của mấy cây dừa già nua gầy guộc bên cạnh hai ba người sĩ quan trong toán chỉ huy và mấy anh lính mang máy truyền tin, trên khúc bờ đê, từ đàng xa, ở ngoài phía ruộng, trong khi từng tốp lính trải ra thu nhặt vũ khí, gom xác quân cộng sản, có bộ đội, có du kích, nằm chết trong nhiều tư thế, tiểu đội đi với Chương, khệ nệ khiêng một người nữ du kích Việt Cộng, mặc đồ bà ba đen, đội nón cối, mình mẩy ướt sủng, đầy máu, vì bị thương khá nặng, có lẽ do trúng đạn của pháo binh, hậm hực lớn tiếng gì đó đi lên, bỏ nằm trên tấm bông-sô trải dài dưới đất, Chương gở nón sắt xuống, cầm trên tay, người lính y tá mang cái thùng cứu thương chạy tới xem qua xem lại, lắc đầu, ngó về phía ngoài ruộng, lấy tay làm loa gọi lớn “bác sĩ, bác sĩ “. Chương tò mò, bước lại gần nhìn, rồi quỵ người ngã xuống, cái nón sắt rớt khỏi tay, lăn vòng vòng trên đất, người y tá hớt hãi la lớn hơn, “thiếu úy Chương, bác sĩ bác sĩ, thiếu úy Chương”, mấy người sĩ quan, ngồi gần đó cũng vội chạy tới, thiếu tá Hội, tiểu đoàn phó, xốc nách đở Chương dậy, người nữ du kích bị thương vẫn không nhúc nhích, mắt nhắm nghiền, môi khô xạm, tóc rối bời, dính từng mảng máu tím bầm đông cứng, dưới cái nắng chiều còn sót vài tia sáng muộn, Chương vịn tay thiếu tá Hội, gượng ngồi lên, nhìn người du kích lần nữa, buột miệng “trời ơi chị Bưởi, chị Bưởi”.

    Bưởi được phi cơ trực thăng tản thương, đưa về quân y viện Cần Thơ, cùng với chục người lính BĐQ bị thương khác, trong đó có Chương ngay buổi chiều hôm đó, người ta đem Bưởi vào khu cấp cứu với hy vọng cứu sống được, bình nước biển, ống chích, dây chuyền máu giăng chằng chịt không khác gì mạng nhện, từ đầu tới chân, ngang dọc trên giường, mấy chị y tá chăm chú, nhiệt tình, người đứng người ngồi, cố làm hết sức, hết bổn phận mình trong màn đêm lành lạnh. Chương mang băng vải cột kéo cánh tay, đứng ở đầu giường nhìn, lặng thinh, cố nén lòng đau nhưng không ngăn được nước mắt ứa ra từng giọt mặn. Chương bắt cái ghế ngồi trước cửa, thỉnh thoảng nhìn vào trong phòng, miệng nghẹn ngào lầm thầm hai tiếng “chị ơi”, ngoài xa xa vẫn còn nghe tiếng đại bác gầm gừ từng chập một. Quá nửa đêm, khi người y tá giữ ca trực cuối cùng ra về không lâu thì Bưởi tắt thở, ra đi không nói được lời nào, Chương lặng câm vuốt mắt chị lần cuối, không khóc được nữa, và đứng đó như trời trồng cho đến khi nhân viên bệnh viện tới làm thủ tục, Chương giữ lại cái túi vải mà chị còn mang theo mình, dùng cánh tay còn khỏe, ngậm ngùi lấy tấm giấy nhỏ, bèo nhèo, úa màu xếp làm bốn ra, để lên cái bàn nhỏ kê sát đầu giường, dưới ánh đèn vừa đủ sáng, trong phòng, ai ai cũng ngạc nhiên trố mắt nhìn, thì ra tờ giấy, “như là giấy thông hành, kêu gọi cán binh, bộ đội cộng sản chiêu hồi về với quốc gia, có hình lá cờ VNCH”, không biết Bưởi đã giữ nó từ bao lâu rồi.

    Chương mướn xe đưa xác Bưởi về Long Chữ, khi được tiểu đoàn cho vài ngày phép, với sự giúp đở của bà con chung quanh ấp cũ, đem Bưởi chôn cạnh mộ mẹ, hai nấm đất nằm bên nhau, cùng nhìn hướng hàng cây trâm bầu bên bờ con rạch Gò Suối, nén nhang thơm chia đều, bên mẹ bên chị, Chương bùi ngùi, nghèn nghẹn khóc. Cuối cùng, dù có trễ chị Bưởi cũng “về lại nhà xưa như đã hẹn hôm ra đi nhưng không như mẹ, chị về khi mùa hoa trâm bầu chưa kịp nở”.

Thuyên Huy

   

   

   

 

 

 

Sài Gòn, Phố Bỗng Là Dòng Sông - Nguyễn Sài Gòn


Sài Gòn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh

 

 SÀI GÒN (NV) - Không ai biết con trăng sẽ sáng như thế nào khi phải bị chết dưới đáy nước lũ đục ngầu.

Không ai biết Trung Thu sẽ sáng như thế nào nếu những cơn áp thấp nhiệt đới vẫn tràn về sau những cơn bão rớt.

Dự báo thời tiết cho biết những ngày tới sẽ còn dài dài những cơn mưa và mức nước lũ triều cường sẽ vẫn còn dâng cao thất thường.
 



Ðâu đó đã bắt đầu nghe vọng “cắc tùm tùm tùm” những tiếng trống múa lân vang lên trong những con hẻm nhỏ.

Những hàng bánh vẫn lấp lánh ánh đèn gọi mời quyến dụ. Những cơn mưa lớn càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của những chiếc bánh chín vàng bóng nhẫy - những hương thơm của bánh dẻo bánh nếp bánh thập cẩm, càng thêm bắt mắt.

Cô bạn xinh đẹp tôi khi nhảy ra làm bánh một cách amateur tài tử - đã không kịp bán khi những mẻ bánh tiếp tục ra lò nóng hổi khi lượng đặt hàng qua facebook của bạn bè mỗi ngày một tăng cao. Cô ấy nói, “Hình như nước càng ngập người ta càng nghĩ đến những chiếc bánh trung thu.”

Cô ấy giải thích: “Chắc người ta nghĩ những trận mưa càng kéo dài kiểu này thì ngồi thu lu cố thủ trong nhà cùng với trà nóng... bánh ngọt là hạnh phúc nhất.”

Còn những đoàn múa lân thì sao. Có người đã hài hước, “Có sao sẽ hấp dẫn sinh động hơn nếu những con lân sư rồng cùng ông Ðịa - sẽ được múa trên sóng nước trên những con thuyền dã chiến trôi trên đường phố. Tại sao không nếu Sài Gòn bỗng nhiên trở ‘thành hồ’ thành sông trôi dưới ánh trăng bàng bạc...”

Ðiều này có thể xảy ra như những gì đang và sẽ xảy ra nếu hệ thống cống rãnh cũ kỹ của Sài Gòn xưa cũ đang vẫn phải điều tiết một lượng nước kinh khủng - cộng với tình trạng Elnino biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn xây cất nhà cửa công trình một cách vô tổ chức đang ngày một tăng cao.

Có người đã tin một cách hài hước rằng mọi sự đều có nguyên nhân và hệ lụy của nó nếu người ta nhìn nhận nó một cách nghiêm túc qua mắt nhìn của các nhà khoa học. Và điều này chắc cũng không có gì ảnh hưởng đến người Sài Gòn nhiều.
 



Với người Sài Gòn thì những điều mà họ đang phải hứng chịu như chuyện kẹt xe khói bụi thường ngày là một chuyện tất nhiên. Vì họ biết rằng những gì đang xảy ra cũng không nằm ngoài những gì mà họ phải sống cùng khi sự bùng nổ dân số cùng với phương tiện cơ giới đã tăng lên một cách chóng mặt khi đường sá cầu cống vẫn ì ạch không thay đổi gì hơn.

Anh bạn của tôi đã phải thốt lên bi ai khi ngóng trời chiều đang càng ngày càng u ám. Không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao. Trung Thu rồi sẽ ra sao. Bánh trái đèn lồng rồi sẽ ra sao. Anh ta tự kết luận - rồi cũng không sao hết vì “mưa vẫn cứ rơi ào ào, nước vẫn dâng tràn lên ầm ầm và con người thì phải “thích nghi” cười lạc quan đau khổ khi phải bì bõm bơi trong nước bạc là chuyện thường tình.

Lạ một điều là những hội đội múa lân sư rồng ông địa... vẫn đêm đêm cắc tùng chờ đến đêm trăng sáng. Mặc cho những cơn mưa đêm lướt thướt cùng với những tiếng trống “thòi thọp” đã bị thấm nước sâu. Chúng không thể dừng lại khi những con lân ngóc đầu bắt pháo được dựng lên bởi những cây tre vươn cao trước những ngôi nhà khép cửa.

Không Trung Thu nào là không mưa. Thời tiết đã ăn gian tuổi thơ từ rất lâu rồi khi những bóng đêm cách mạng quay về và cai trị đô thị của ánh sáng. Trẻ thơ từ lâu rồi cũng đã quá quen với những trận ngập lụt ngay trước cửa sân nhà. Chúng đã quá quen khi được bố mẹ công kênh bì bõm trong sông nước để đưa con đến trường.

Một câu hỏi chắc không ai có thể trả lời ngay là
vì sao khi có cái gì xấu xí tệ hại như nước ngập, tai nạn, kẹt xe, đĩ điếm, lưu manh, trộm cướp, ngập nước,... là báo chí của “chế độ mấy ổng” thường hay sướng lên bôi bác đó chính là Sài Gòn. Còn lúc nó có cái gì đẹp hay đèm đẹp ngon lành ngon ăn sạch sẽ thì họ nói tướng lên một cách tự hào trơ tráo là của thành phố Hồ Chí Minh?

Có cái gì khác hơn giữa con trăng của thời xưa cũ với con trăng ngày nay đang phải trầm mình dưới dòng nước cống đục ngầu.

Một nhà thơ cao hứng lên sau khi đã lội một vòng quanh và hát rống “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” và so sánh ví von rằng ông TCS mà sống lại chắc phải hối hận vì ông ta đã quá thơ mộng khi biết rằng khu phố âm nhạc của nhạc sĩ ngày xưa bây giờ đã là những hậu quả thiên tai mà “thiên tài” không bao giờ có thể hát với theo cho kịp những trận mưa tuôn đang sóng dội khắp phố phường.


Saigon ơi! 

Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

Người Chuyển Bài – Nhan TH

 

Sunday, September 27, 2015

Phải Chăng Bà Huyện Thanh Quan Đã... - Ts Nguyễn Vĩnh Tráng


 

Phải Chăng Bà Huyện Thanh Quan Đã Trau Chuốt Lại Bài Thơ “Đèo Ngang” Nguyên Thủy


Bà Huyện Thanh Quan và Bà Hồ Xuân Hương là hai nữ sĩ kiệt xuất trong nữ giới của nền Văn Học Việt Nam vào cuốt thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19. Điều đó khó ai phản bác được. Hai nữ sĩ, mỗi người mỗi vẽ, mỗi người mỗi cung cách, nhưng cả hai Bà đều độc đáo.

Rất nhiều nhà phê bình văn học đã cho Bà Hồ Xuân Hương có một văn phong "bình dân", dùng rặt chữ Nôm, còn Bà Huyện Thanh Quan thì có văn phong "bác học", xen Hán tự nhiều trong tác phẩm của mình.

Thật thế, ta thấy rất nhiều thành ngữ chữ Hán trong tác phẩm của Bà Huyện. Theo văn học thì ngày nay ta chỉ còn 6 bài thơ "thất ngôn bát cú" của Bà, ngoại trừ bài "Cảnh Thu", mà người ta cho rằng có thể là của Bà Hồ Xuân Hương. Trong 6 bài đó có rất nhiều thành ngữ chữ Hán, trừ bài "Qua Đèo Ngang".

"Thành ngữ chữ Hán" tôi muốn nói ở đây, có nghĩa là ta có thành ngữ chữ Việt (Nam, Nôm) tương đương, như Triêu Mộ
, ta có Sớm Tối; Tuế Nguyệt , ta có Năm Tháng; Đoạn Trường , ta có Đứt Ruột…

Mặt khác, tôi tìm thấy trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, in lần thứ 2, tại Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1925, có bài "Le Râle d’eau". Trong "Le Râle d’eau" lại có bài "Đèo Ngang", vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan.

Bài "Le Râle d’eau" kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.

Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: "Quốc Quốc, La Hoa", Quốc ở đây, còn La Hoa ở đâu ?

Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ "Đèo Ngang".

Ông Lê Văn Phát chỉ để lại hai tác phẩn La vie intime d’un Annamite et ses croyances vulgaires, (Bulletins de la Société des Etudes Indochinoises, Imprimerie F.H Schneider Sàigòn 1907), và Contes et Légendes du Pays d’Annam, (Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1913), bằng chữ Pháp. Như thế, có thể ông Lê Văn Phát không biết nhiều về các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan. Những bài của ông Lê Văn Phát viết, toàn là chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian cả. Bài "Đèo Ngang" trong Contes et Légendes du Pays d’Annam có thể là một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng. Sau đây là bài "Đèo Ngang" theo ông Lê Văn Phát:

Đèo Ngang

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà
Cỏ cây chen đá, lá chen ba
Non cao rải rác tiều vài lão
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc (tên của trung thần Quốc)
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa (tên của vua La Hoa)
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước
Một tấm lòng riêng ta với ta

Vô danh

Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ như ta đã biết:

Qua đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Bà Huyện Thanh Quan

Ta thử từ từ kiểm xét xem.

Sáu bài thơ của Bà Huyện như sau:

1 – Chùa Trấn Bắc

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Mấy tòa sen tỏa hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu

Trong 8 câu của bài nầy, ta thấy có 6 câu dùng 5 thành ngữ chữ Hán và 1 chữ Hán. Cộng tất cả 11 chữ Hán:

Hành cung

cố quốc

hương ngự

phong

phế hưng

kim cổ


2 – Ðền Trấn Võ

Êm ái chiều xuân tới Trấn đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ *, chuông gầm sóng
Một vũng tang thuơng, nước lộn trời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây, chín rõ mười

Trong 8 câu của bài nầy, ta thấy có 6 câu dùng 4 thành ngữ chữ Hán và 4 chữ Hán. Cộng tất cả 12 chữ Hán:

trấn đài

trần ai

triêu mộ
(sớm tối)*
tang thương

ái
; trùng
ân
; trượng

* Ba hồi triêu mộ là ba hồi chuông sớm tối. Có rất nhiều tác giả, ngay cả các tác giả gốc miền Trung và miền Nam là những người phân biệt rõ ràng hai phụ âm đầu trch đã lầm lẫn viết sai hai chữ chiêu mộ thay cho hai chữ triêu mộ, như trên.

3 – Cảnh Chiều Hôm

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn
Kẻ chốn chương đài nguời lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Trong 8 câu của bài nầy, ta thấy có 5 câu dùng 8 thành ngữ chữ Hán. Cộng tất cả 16 chữ Hán:

Hoàng hôn

ngư ông
; viễn phố
mục tử
; cô thôn
chương đài
; lữ thứ
hàn ôn


4 – Thăng Long thành hoài cổ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luốn đoạn trường

Bài nầy đã phá kỷ lục, trong 8 câu, mỗi câu đều có thành ngữ chữ Hán, với 10 thành ngữ. Cộng tất cả là 20 chữ Hán:

tạo hóa
; hí trường
tinh sương
(năm)
thu thảo

lâu đài
; tịch dương
tuế nguyệt

tang thương

kim cổ

đoạn trường


Chỉ có bài:

5 – Nhớ Nhà

Vàng tỏa non tây, bóng ác tà
Ðầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác, chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước càng ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là

Vỏn vẹn 2 câu với 2 thành ngữ và 2 chữ Hán. Tất cả 6 chữ Hán.

mục
; khoàng dã
ngư
; bình sa

6 – Qua đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Bài nầy không có chữ Hán, hay có chăng là 2 chữ rất thông dụng, chữ quốc
, chữ gia lập lại 2 lần. Hơn nữa, hai chữ Quốc Quốc, Gia Gia là hai tượng thanh của tiếng kêu của con Cuốc Cuốc (Đỗ Quyên) và con Đa Đa (Gà Gô).

Vậy, phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã lấy bài "Đèo Ngang" của tác giả vô danh đã truyền khẩu trong dân gian từ lâu, rồi trau chuốt lại, chứ không phải Bà làm ra, vì bài "Qua Đèo Ngang", chẳng những không có văn phong "bác học" của các bài khác của Bà Huyện, mà lại "bình dân", tuy đã trau chuốt hơn văn phong rất mộc mạc và rặt tiếng Nam (Nôm) của bài "Đèo Ngang" mà Lê Văn Phát đề cập tới trong Contes et Légendes du Pays d’Annam.

Tiến Sĩ Nguyễn Vĩnh Tráng

Tiết Lập Xuân Canh Dần

304Đen - Llttm