Thursday, March 31, 2016

Bên Kia Sông - Thạch Lam


Bên Kia Sông



Huyện lỵ nơi quê tôi là một huyện miền hạ du, cũng giống những huyện lỵ khác của nước ta, không có gì là đặc biệt. Huyện không to lắm, nhưng rất sầm uất và đông đúc. Nhờ có con đường xe hỏa đi qua, và một con sông nhỏ, nhánh của sông Nhị hà, nên sự buôn bán đâm ra thịnh vượng. Phố huyện có một giẫy - bên này là đường xe hỏa, một giẫy nhà lá trát vách hay tường gỗ, những cửa hàng nho nhỏ của người trong làng mở bán các thức lặt vặt. Trừ hai cái nhà gạch hai tầng và khá rộng: hai hiệu của người khách đến lập nghiệp ở đây không biết từ bao giờ, hai hiệu buôn to nắm hết cả quyền lợi buôn bán ở trong huyện. Sau quầy hàng bằng gỗ, lúc nào cũng thấy một hai chú Khách ngồi gảy bàn tính, và ông chủ hiệu, người béo tốt, hồng hào, đầu bóng như hòn bi, ngồi bệ vệ trong ghế bành, luôn tay châm mồi lửa vào cái điếu thuốc lào. Những người khách chú ấy, và cái cửa hàng đồ sộ của họ, là những người vật lần đầu gây cho tôi hình ảnh của sự giàu có, bởi làm cho tôi đoán thấy một nước lạ ở đâu đâu, nước kỳ dị mà họ ở đấy đến đây; thường ngày, có khi hàng giờ, tôi dừng lại đứng ngắm họ, nhìn nhận các cử chỉ của họ, và nghe tiếng họ nói líu lo, khiến tôi nghĩ đến một thế giới khác lạ lùng.

Hồi ấy, tôi mới mười ba tuổi. Thầy mẹ tôi ở Hà Nội vì buôn bán thua lỗ nên mới dọn hàng về huyện này - chỗ quê của thầy tôi - đã được hai năm. Chúng tôi ở một căn nhà nhỏ ba gian ngay giữa phố, mặt trước nhìn ra đường xe hỏa, mặt sau trông ra cảnh đồng ruộng. Mẹ tôi dọn một cửa hàng tạp hóa nhỏ để bán cho những người nhà quê quanh vùng đấy họ lên huyện những ngày phiên. Vì chợ họp ngay ở giữa phố, những hàng quà bánh, hàng gạo, hàng cà, quang gánh ngổn ngang và thúng mủng xếp hàng hai dẫy đối diện nhau. Dưới trời, tiếng ồn ào của người họp chợ, một tiếng ồn ào đặc biệt, vang động và sang sảng, từ đám đông ấy bốc lên như ngọn lửa, bao trùm lấy cả huyện; một đám đông hoạt động, và vui vẻ, rực rỡ nhiều màu, đầy ánh sáng và tiếng cười, lẫn những câu chửi rủa lanh lảnh như kim qua không khí.

Đó là tất cả nơi quê tôi, tất cả quang cảnh cái huyện Văn Dương miền hạ du, mà một người trong họ tôi sính làm thơ đã vịnh trong bốn câu tuyệt tác này:

Văn Dương xuân sắc cớ sao buồn,

Đủ mặt ta, tàu khắp bán buôn.

Dưới bến thuyền buôn chen chúc đậu.

Trên đường xe hỏa lại qua luôn!

Tôi qua ở đấy tất cả cái tuổi niên thiếu của tôi, sung sướng và nhảy nhót như một con chim giữa cuộc sống hoạt động kia bao bọc lấy tôi, để hết cả mắt mà trông, cả tai mà nghe, cả mũi mà ngửi cái mùi cát, mùi đất, lẫn mùi khói rác người ta đốt ở đầu làng buổi chiều, theo gió với sương mà tràn vào trong phố.

Tất cả chợ huyện, những kẽ ngách hay bãi không, đối với tôi đều quen thuộc, thân mật như một vật cũ trong nhà. Nhưng, bên kia sông, ở về phía huyện nha, cách chợ độ nửa cây số, có một nơi đối với tôi như một xứ bí mật, xa lạ. Nơi ấy, người trong phố vẫn gọi là bến Sen, và con sông đi qua chỗ ấy được gọi tên là sông Sen. Bến Sen là một túm nhà độ hơn mười nóc, lấp vào cây cối xanh um, ở hai bên vệ một con đường giải đá đi tăm tắp không biết về đâu. Phía sau, là một cánh đồng hoang, đầy bãi tha ma và bụi dứa; bên này, một con đê nhỏ và một rặng cây; bên kia, một cái quán cột đá, đứng cạnh con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi vào làng có cây đa tiên, một cây đa cổ không biết mấy trăm năm, rễ thẳng xuống đất to mấy người ôm, khiến không ai có thể phân biệt được đâu là gốc, đâu là rễ. Gần đấy, có một cái phần mộ xây đá bỏ hoang, một vài tượng đá mốc rêu lẫn trong cỏ rậm, dưới hai gốc thông cao vút, chội lên cả một vùng.

Một cái cầu gỗ lung lay sắp đổ, một cái cầu nhà nước đã bỏ, bắc qua sông, nối liền bến Sen với chợ huyện bên này. Trong những dịp rất hiếm mà tôi được sang bên ấy, không lần nào tôi đi qua chiếc cầu đó mà không ghê sợ; các ván cầu cũ đã mọt rung động dưới bước đi, và qua khe hở, tôi trông thấy dòng sông thăm thẳm chảy. Nhưng những dịp sang chơi bến Sen rất ít, vì người ở bên này không hay giao thiệp với người bên ấy. Bến Sen ăn về tỉnh khác, tỉnh Bắc; những bọn cướp nhiều lần vào cướp ở phố huyện rồi lùi sang đó để trốn tránh sự tầm nã, lại càng làm cho vùng đó đối với dân huyện, đối với tôi, thành một vùng hay nhộn và đáng sợ. Người trong phố thường thì thầm kể với nhau những chuyện xảy ra bên ấy; và mỗi khi có người ở bến Sen sang, ai ai cũng chăm chú nhìn như một người ở chốn xa lạ nào đến.

Có lần, một ông cụ già râu bạc đến chơi nhà tôi, cùng thầy tôi uống rượu và ngâm thơ phú. Khi biết ông ta ở bên Sen, tôi nhìn ông ta khâm phục lắm, mẹ tôi lại bảo ông ta là một ông đồ rất hay chữ, ở cái làng ven sông phía bên kia, một làng nổi tiếng vì ngày xưa, đã có một thời mười tám ông tiến sĩ. Khi ông cụ ra về, tôi đưa ra đến đầu cầu, tôi dừng lại nhìn ông giương ô đi qua cánh đồng, đến khi ông nhỏ lấp ở chân trời.

Vùng bên Sen cứ luôn luôn ám ảnh trí tưởng tượng non nớt của tôi. Nhiều lần, tôi lẻn ra đằng sau nhà, đứng lên một mô đất nhìn sang bên kia sông, nhìn khu nhà nấp bên cây cối, cái quán trơ vơ và rặng cây trên bờ đê, bên con đường đi không biết về đâu, về những chốn xa xăm nào tận bên kia giải đồi núi lờ mờ xanh ở chân trời; với tôi, sinh trưởng ở chốn đồng bằng bùn lầy nước đọng, đồi núi quyến rũ như một tiếng gọi lạ lùng. Trong giải núi ấy, có một quả đồi mà những buổi chiều nắng trong, tôi thấy nổi đỏ lên trời xanh. Trên đỉnh đồi, người ta thấy rõ một chùm cây, mẹ tôi bảo đó là chùa Thiên Thai. Thiên Thai! cái tên huyền ảo thần tiên ấy khiến tôi nghĩ đến những chốn bồng lai xinh đẹp, chốn vui chơi của những tiên ông mà thầy tôi vẫn đọc đến tên trong các truyện và kể cho tôi nghe. Rồi tôi thơ thẩn cho đến buổi chiều, đến lúc mặt trời thấp xuống, để được trông cả vùng bên kia sông chói lòa, rực rỡ tia ánh nắng; rồi tối hơn nữa, lúc chỉ còn ráng chiều chiếu các nền mây, được trông dẫy nhà mờ đi và thấp xuống, lẫn vào mặt đất, và hai gốc thông cao lên, nổi đen trên da trời.

 
Dần dần, tôi được có nhiều dịp sang chơi bên Sen. Sự đó là nhờ ở anh Tiến, bạn tôi. Tôi đang học ở lớp ba trong trường, gần hết năm, thì Tiến xin vào học. Tôi yêu mến anh ta ngay; Tiến là một đứa trẻ mảnh dẻ và xinh xắn, mắt to và da trắng, tóc mềm như sợi tơ. Tôi yêu Tiến như yêu một cô con gái, Tiến thùy mị, hiền lành và hết lòng với bạn. Nhưng ngoài những nết tốt ấy, Tiến khiến tôi gần gụi và quyến rũ tôi là vì anh ở bên kia sông. Một cái đó đã khiến cho anh ta đối với tôi trở nên một đứa trẻ kỳ dị khác thường. Tôi kết bạn với Tiến rất là thân thiết, và chiều nào tan học, tôi cũng tiễn anh ta đến tận đầu cầu rồi mới trở về.

Một hôm chủ nhật, Tiến rủ tôi sang chơi nhà. Tôi sung sướng như một người sắp được đi phiêu lưu mạo hiểm, vì lần ấy là lần đầu tôi được sang bên kia sông. Tôi với Tiến cùng đi qua cầu; chúng tôi dừng lại tựa vào thành cầu nhìn xuống sông; mấy con thuyền của các người buôn bán chen nhau đậu bên bờ, trên có mấy đứa trẻ chơi đùa và con chó nằm cuộn tròn trên mui thuyền ngủ. Đó chính là những chiếc thuyền từ tỉnh Bắc về, chở những thứ hàng lạ. Tiến giơ tay chỉ vào đám thuyền bảo tôi:

- Ngày trên Bắc về đây, chúng tôi cũng đi một chiếc thuyền như thế này.

Tôi nhìn Tiến muốn hỏi anh ta về tỉnh Bắc xa xôi ấy, nhưng lại thôi. Tiến đã giắt tay tôi qua cầu đi đến phố Sen. Nhà Tiến ở cuối phố, sát ngay cánh đồng. Tôi thấy một cửa hàng tạp hóa cũng giống như cửa hàng của mẹ tôi, nhưng nhỏ hơn. Trên tấm phản, sau mấy ngăn hàng, một bà cụ già tóc bạc phơ, vẻ mặt nhân từ, đang ngồi tính tiền. Thấy tôi và Tiến bước vào, bà cụ tươi nét mặt hỏi:

- Cháu đi đâu về thế?

Tiến vừa lấy vạt áo lau mồ hôi, vừa đáp:

- Thưa bà, con sang chợ chơi ạ.

Bà cụ nhìn vào tôi, đứng nấp sau lưng Tiến, bảo:

- Cháu về mà uống nước. Cả cậu nữa, cậu vào chơi. Trời nắng thế này mà đi có nhọc không?

Tiếng bà cụ êm dịu và ngọt ngào, khiến tôi thấy dễ chịu và vui vẻ.

Tiến mời tôi vào trong nhà, bầy biện rất sơ sài, những đồ đạc rẻ tiền và cũ kỹ. Chúng tôi vừa ngồi thì bỗng trong nhà bước ra một người con gái độ mười lăm tuổi. Tôi biết ngay là chị Tiến, vì giống Tiến như hệt, cũng nước da trắng, hai mắt to. Trông thấy em, chị Thúy nở một nụ cười trên đôi môi thắm, một nụ cười tươi và duyên sắc như trong đời tôi chưa từng thấy bao giờ.

- Em đã về đấy à?

Tiếng nói cũng êm dịu như tiếng bà cụ, nhưng trong hơn. Thúy lại gần chúng tôi, săn sóc hỏi em. Tôi ngây người trước cái sắc đẹp của nàng, trong lòng tự nhiên cảm động; tuy còn trẻ nhưng tôi cũng biết là tôi đương đứng bên một sự gì quý báu và hiếm có, một sự gì mong manh rồi sẽ không còn nữa.

Khi Thúy để tay lên vai tôi, tôi thấy rung động cả người, tôi cảm thấy tôi bắt đầu yêu nàng.

- Em cùng học một lớp với Tiến à?

- Vâng ạ.

Thúy vuốt sẽ qua tóc tôi, bảo:

- Em ngoan ngoãn quá.

Nàng tiếp:

- ở đây chơi với em Tiến rồi ăn bánh nhé. Tiến, chị có để phần bánh trên bàn kia kìa.

Thúy không ăn, chỉ ngồi nhìn chúng tôi; tôi thấy nàng nhìn Tiến rất thương yêu khiến tôi ghen với bạn đã có người chị xinh đẹp và ân cần như thế. Nhưng nàng cũng hỏi chuyện tôi luôn, tôi trả lời hoạt bát và vui vẻ, không phải cốt nói, nhưng cốt được nghe cái tiếng trong trẻo và êm ái của nàng.

Ăn xong, Tiến rủ tôi ra chơi ngoài bãi tha ma đằng sau nhà. Lần đầu, tôi được đứng giữa cái vùng bí mật, được nhìn gần hai gốc thông với mấy tượng đá giấu trong cỏ. Tiếng thông reo rì rào như một tiếng đàn xa lạ, trầm như ở một cõi khác nào đưa lại, và cái quán cột đá lộng gió giữa cánh đồng hình như đang đợi chờ những người ở thời nào, lâu lắm, đến nghỉ chân.

Từ hôm ấy, thường thường tôi vẫn sang bên Sen luôn. Tôi muốn gần gụi cây cỏ bên vùng ấy, đối với tôi vẫn có một vẻ riêng khác hẳn cây cối bên này. Tôi muốn được luôn luôn trông thấy Thúy, được nghe tiếng nói của nàng, được nhìn cái miệng xinh tươi của nàng hé trên hàm răng đen nhánh. Cả bà cụ cũng khiến tôi yêu mến. Tôi không biết rõ gì về gia đình của Tiến, nhưng trên mặt các người trong nhà ấy, lúc nào tôi cũng thấy phảng phất một vẻ trầm mặc, một nét thoáng buồn, càng khiến họ đáng yêu. Tôi đoán trước khi đến buôn bán ở đây, họ đã có một cuộc đời lạ lùng và phong phú, mà vết tích còn lại là những đồ vật kỳ dị, như thanh gươm, cái khánh đồng, con rùa ngọc, để trong một cái tủ kính mà gỗ đã long sơn. Với lại họ khác những người vui vẻ, thô sơ bên này thế; chị Thúy và Tiến đều có nước da trắng xanh, chân tay nhỏ nhắn, những dáng điệu thanh nhã, tiếng nói nhẹ, không như các người hồng hào vì cục mịch ở trước nhà tôi. Hồi ấy, tôi cho là vì họ ở cái vùng bí mật ấy, hay là vì họ là những người khác thường nên mới dám đến ở đó.

Tôi chơi với Tiến càng ngày càng thân mật; tôi được coi như một người con của gia đình ấy. Chị Thúy coi tôi như em, cũng săn sóc và âu yếm tôi như Tiến. Nhiều khi chị để tôi ngả đầu xuống bên lòng, xoa tóc tôi, hỏi những câu chuyện ân cần. Đến bây giờ trải qua bao nhiêu lâu, tôi vẫn còn nhớ, lúc nhìn lên, đôi mắt trong và cái miệng xinh thắm của nàng cúi xuống tôi, bàn tay nhỏ nhắn của nàng đặt trên trán tôi nóng vì chạy nhảy ngoài cánh đồng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người con gái yểu điệu và tươi đẹp ấy, nổi lên trong thời niên thiếu của tôi như một nàng tiên hiền hậu, giữa một vùng cây cỏ lạ.

Nhưng không bao lâu, tôi phải từ giã người bạn nhỏ của tôi; thầy mẹ tôi dọn nhà lên Hà Nội, tôi cũng phải đi theo. Buổi cuối cùng của tôi với Tiến bên sông Sen vào một ngày mùa đông u ám và rét lạnh. Chúng tôi cùng nhau đi thăm một lần cuối cùng mấy ông tượng đá vẫn ngồi yên trong cỏ; giờ xa nhau gần đến, có lẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa, song chúng tôi còn trẻ quá không biết buồn. Đến lúc Thúy đặt tay lên vai tôi, êm ái bảo:

- Bao giờ chị mới lại được gặp em?

Tôi bỗng thổn thức cả người, nước mắt tràn ra khóe mắt, tôi gục đầu vào vai Thúy khóc.

 

Câu chuyện phải có lúc hết. Mười năm sau tôi mới lại có dịp trở về Văn Dương. Quang cảnh khác xưa, phố chợ bây giờ sầm uất hơn, nhà ngói san sát. Những người cũ ngồi bán hàng đều già, râu tóc bạc, và những trẻ cùng học với tôi trước kia bây giờ đã ngồi thay vào đấy, thành những người lớn trông lạ hẳn đi.

Tôi sang bên kia sông; cái cầu sắt không còn nữa: một đêm gió to, cầu bị sập và người ta cũng không sửa chữa vì con đường sang Bắc ít người qua lại. Bây giờ qua sông phải dùng đò. Tôi qua đò lúc buổi chiều, lúc sương đã bắt đầu xuống lẫn với khói trong mấy chiếc thuyền chài đậu ở bến đưa ra. Một cảnh hoang tàn đợi tôi: bên kia sông, giờ chỉ còn là miếng đất bỏ hoang, cỏ mọc trên những thềm nền nhà cũ. Một cái quán nước siêu vẹo trống không bên một gốc đa cằn. Cả một dẫy phố đã mất đi, những cây cối lơ thơ và xơ xác dưới gió chiều: chỉ giặng cây bên đê vẫn còn, vẫn như cũ, bên con đường xa thẳm không biết về đâu, con đường sắp đầy ánh tối mênh mông, tận chân trời không có một bóng người nào.

Tôi không dám đi xa nữa; buồn rầu, tôi trở lại đò, qua dòng sông đã xám dưới sương mù. Tôi không hỏi người lái đò xem những người trước ở đây bây giờ đâu, tôi chắc anh ta cũng không biết. Thấy chân cầu gạch đen rêu phủ, tôi nhớ lại người bạn nhỏ của tôi, nhớ đến Thúy, dáng điệu thùy mị đáng yêu của nàng, cái vẻ buồn lúc nào cũng phảng phất trên mặt nàng, bây giờ tôi đoán biết đã che kín bao nhiêu sự đổi thay đau đớn. Đôi mắt nàng như vừng trời trong thẳm tôi đã được soi thấy cái dư vị của cuộc đời.

Lên bờ, tôi còn quay lại lần cuối nữa, nhìn rặng cây, cái quán, với làng mạc xa xa dưới chân giải núi tận đâu kia; vùng bên kia sông đối với tôi không còn bí mật nữa, chỉ còn cho tôi trông thấy cái buồn thảm của đất nghèo.

Thạch Lam

Từ Trái Tim Tôi - Hồ Nguyễn & Tình Yêu Đến Từ Trái Tim - Nguyễn Cang (Phỏng Dịch Bài From My Heart - Mrs Reeves)

FROM MY HEART *


A million stars up in the sky,

one shines brighter I can't deny.

A love so precious a love so true,

a love that comes from me to you.

The angels sing when you are near,

within your arms I have nothing to fear.

You always know just what to say,

just talking to you makes my day.

I love you honey with all of my heart,

together forever and never to part.

                                  
Mrs. Creeves

 *(Bài thơ gợi nhiều cảm hứng cho các nhà văn nhà thơ sau nầy sáng tác nhiều vần thơ tình lãng mạn tuyệt vời, lấy đề tài " Tình yêu trong tim". Và đồng thời nhiều nhạc sĩ cũng sáng tác những bản nhạc ca ngợi tình yêu và sự ngăn cách, được nhiều bạn trẻ ưa thích , làm bùng lên sự cuồng nhiệt của các fans trẻ thích nhạc Hàn Quốc qua bản tình ca: From my heart, Farewell my love v.v. nhất là giọng ca của ngôi sao nam Hàn Quốc Kang Tae Oh trong nhạc phim Tuổi Thanh Xuân , chú thích NC) 
 


 

 
 
 
 
 
 
 
 
THOÁT DỊCH: TỪ TRÁI TIM TÔI

 
Triệu ánh sao giăng chiếu khắp trời,
Một ngôi chói rạng xuống đời tôi.
Tâng tiu tôi chẳng sao từ chối,
Sao ấy …tình em quí cả đời.

 
Thiên thần vui hát đón tình ta,
Em đến bên tôi bóng dáng ngà.
Ấm áp đôi vòng tay cận thực,
Không còn mơ mộng với lo xa.

 
Em luôn thấu hiểu những gì đây,
Để nói cùng tôi nổi tỏ bày.
Với cả tình yêu tôi trọng quý,
Muôn đời hạnh phúc chẳng xa bay!

                              
HỒ NGUYỄN (26-3-2016)

 
Phỏng dịch bài thơ From My Heart của Mrs. Reeves.

 
TÌNH YÊU ĐẾN TỪ TRÁI TIM

 
Triệu ánh sao đêm giăng khắp trời
Một ngôi sáng nhất chiếu đời tôi
Nâng niu tay hứng không từ chối

SAO quý trong đời, em bé ơi!


Thiên thần ca hát đón em qua
Siết chặt vòng tay chẳng sợ xa
Em hiểu tình anh khi ngỏ ý
Từng ngày, nghe nỗi nhớ bao la!

 

Yêu mãi em bằng cả trái tim
Nồng nàn ngọt lịm ngất ngây thêm
Trọn đời hạnh phúc không xa nữa
Kết chặt tình, ru giấc ngủ êm!

      
Nguyễn Cang (3/28/16)









 


 

 

 

Chợ An Đông Và Tiệm Cơm Gà Xiu Xiu (Phần Hai) - Nguyễn Tường Thiết

Chợ An Đông Và Tiệm Cơm Gà Xiu Xiu
 
 
 
 
PHẦN II

Căn trên gác là thế giới của chúng tôi. Chúng tôi là tất cả mọi người trong nhà ngoại trừ mẹ tôi. Rộng 4x12 mét vuông căn gác để mấy thứ sau đây đã chật cứng: một cái sập gụ to bằng gỗ quí, một cái đi văng, một tấm phản, một bộ bàn ăn, một tủ gương đựng quần áo, một cái tủ chè dùng làm bàn thờ. Cạnh chiếc bàn ăn đóng sát vào thành tường là một cái giá đựng sách. Treo trên cao là hai bức tranh chân dung bố mẹ tôi do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ, bức họa bố tôi tay cầm bao thuốc lá và mẹ tôi cầm một miếng cau. Ðồ đạc ở trong nhà có bốn thứ mẹ tôi đã mất công thuê chở từ Hà Nội vào, đó là cái cân, cái két sắt để ở dưới nhà và cái sập gụ, cái tủ chè để ở trên gác. Gác là chỗ để chúng tôi ăn ngủ. Còn chỗ để chúng tôi mơ mộng là hai cái ban công nhỏ được làm đẹp bằng những giàn hoa giấy. Những phút mộng mơ hiếm hoi của chúng tôi tuy thế chẳng bao giờ trọn vẹn vì ban công lúc nào cũng thoảng mùi cứt mèo chua loét mà mũi chúng tôi không tài nào làm quen nổi. Chả là chợ An Ðông có cả một đạo quân những con mèo hoang, chúng cứ nhè những khoảng đất trồng cây rất hiếm hoi để đào bới ỉa bậy. Hàng đêm vào mùa động đực những con mèo hoang này thường đuổi nhau trên thành ban công, những ban công nối sát nhau chạy dài suốt dọc lầu hai của mấy chục căn chung cư. Vì nhà mẹ tôi ở góc nên con mèo bị săn đuổi chạy đến trước nhà chúng tôi là cùng đường, nó quay lại cong mình gầm gừ, rồi tiếng mèo gào động đực ré lên chọc thủng giấc mơ của chúng tôi đánh thức chúng tôi dậy nhiều lần trong đêm.

Mẹ tôi có cả một thế giới riêng của bà ở nhà dưới. Quanh bà là những người giúp việc. Một người lo việc cơm nước và một người chuyên làm việc nặng khuân vác cau. Trong số những người giúp việc ấy có bà Hai và chú Tiều là hai người mà tôi nhớ đến nhất mỗi khi hồi tưởng về căn nhà cũ của mẹ.

Bà Hai già lắm, đầu vấn khăn, miệng móm mém, người nhỏ thó, đi đứng lòm khòm vì lưng còng, có tật nói năng lung tung chẳng kiêng nể một ai vì thế ai cũng ngán bà. Mỗi tối bà có thể cong người nằm gọn lỏn như một con tôm trên mặt cái bàn cân. Vì vậy cái cân trở thành giường ngủ của bà.

Chú Tiều ở tuổi trung niên người Hoa, đầu hói, quanh năm mặc cái quần xà lỏn phô tấm thân lực lưỡng, nhưng chú lại bị bệnh khùng, suốt ngày nói năng lảm nhảm không thua bà Hai nhưng nói bằng tiếng Tàu chả ai hiểu chú nói gì. Không như bà Hai được mướn thường trực và ở luôn tại nhà, chú Tiều sống lây lất trong chợ, được mẹ tôi kêu tới mướn mỗi khi cần có người làm việc nặng. Sau này vì tội nghiệp muốn giúp đỡ thêm cho chú nên ngay cả những công việc nhẹ như xấy cau, sàng cau hoặc dọn dẹp nhà cửa mẹ tôi cũng nhất nhất gọi chú tới làm, thành thử chú có mặt ở nhà mẹ tôi hầu như thường xuyên. Chú làm việc gì cũng r
ất kỹ lưỡng từng li từng tí lại rất lương thiện không tơ hào của ai một đồng bạc cắc nên rất được mẹ tôi thương. Không ai biết thật rõ tông tích chú Tiều. Dân trong chợ kháo nhau là chú có gia đình ở đường Nguyễn Trãi nhưng cha mẹ chết hết. Chú ở với anh chị nhưng chị dâu không thương, khinh rẻ hành hạ chú vì thấy chú khùng, chú giận bỏ nhà ra đi, sống lây lất trên các đường phố rồi cuối cùng đến chợ An Ðông lượm của dư của đổ của mấy bà gánh bún cơm phở mà ăn. Tối đến chú ngủ ngoài hiên bên hông nhà mẹ tôi. Mẹ tôi thấy tội nên sai người làm mang cái mền nhà binh đắp cho chú để chú đỡ lạnh và đỡ muỗi cắn. Sau này thì chú tìm được chỗ ngủ tốt hơn ở trong chợ.

Mẹ tôi mặc chiếc áo cánh, đầu vấn khăn, ngồi trên chiếc sập gỗ dưới nhà đôn đốc người làm và tiếp khách. Bà hình như bận bịu suốt này với khách khứa. Khách gồm cả người bán cau lẫn người mua cau. Mẹ tôi từ khi vào Nam không ôm đồm bán bán lẻ bán sỉ cau khô lẫn cau tươi như hồi còn ở ngoài Bắc, bà chỉ chuyên bán sỉ cau khô. Nguồn cung cấp cau chính là tỉnh Quảng Nam ở miền Trung và tỉnh Bến Tre ở miền Nam. Mẹ tôi thường xuyên mua cau từ các đại lý của hai vùng ấy mà người đại diện là bà Năm Dung (chúng tôi thường gọi là cô Năm Dung) ở Hội An và bà Thái Nguyên ở Bến Tre. Ngoài ra mẹ tôi cũng mua cau từ đại lý của ông Cơ Tấn ở trong Chợ Lớn. Qua mấy chục năm buôn bán và giao hảo tốt đẹp những người đó đã trở thành những người bạn cau thân thiết của mẹ tôi. Còn chúng tôi xem cô Năm Dung, bà Thái Nguyên, ông Cơ Tấn như người nhà. Mẹ tôi cũng có nhiều dịp đi Hội An và Bến Tre để tìm hiểu tình hình cau và mua cau thẳng từ nguồn. Cau khô mẹ tôi mua về được phân loại, cau tốt để riêng, cau mốc được tẩy trắng bằng diêm sinh, được đóng bao rồi bán lại cho các bạn hàng chợ trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Mỗi lần xe hàng tới là một ngày bận rộn. Chú Tiều được gọi đến. Chiếc xe cam nhông quay đít vào lề đường (xe bao giờ cũng giao hàng vào buổi chiều vì buổi sáng chợ họp không vào được), cảng phía sau mở, một tấm ván bắc từ sau xe xuống hè làm cầu thang. Quàng một tấm khăn đỏ lên vai chú Tiều lên xe cúi mình kê vai vác từng bao tải cau lớn bước xuống thanh ván. Vào nhà chú nghiêng vai thẩy lên bàn cân để cân trước khi bao cau được chất đống trong nhà. Mẹ tôi lắp cặp kính lão vào mắt đứng bên cạnh bàn cân, cúi xuống xê dịch quả tạ trên cán cân, xê qua xê lại cho tới khi hai cái mũi cân thăng bằng, rồi bà rút cái que chổi cắm trong một lọ mực tím bắt đầu nghệch ngoạc viết lên trên bao cau: “Cau Mỹ Lợi 41,8 ký”. Chú Tiều trong lúc chờ đợi mẹ tôi cân cau thì ngửa mặt nhìn trần nhà, đầu nghếch một bên, ngón tay đưa cao chỉ vào một góc tường, miệng nói lảm nhảm tiếng Tiều Châu, như thể chú đang nói chuyện với một con thạch sùng nào đó trên trần nhà. Mặc dù chú có vẻ hoàn toàn lạc hẳn trong thế giới riêng nhưng chú Tiều tỉnh lắm, chú biết rất chính xác khi nào mẹ tôi cân xong. Mẹ tôi vừa cắm cái que chổi vào lại lọ mực thì tức thời chú cúi xuống sát bàn cân, nghiêng vai vác bao cau lên chất cao trên đống bao tải rồi chú lại lững thững đi ra ngoài, cái đầu nghiêng nghiêng, miệng xùi nước miếng, một cánh tay giơ cao dứ dứ lên trời, chú bước lên tấm ván để sửa soạn vác một bao cau khác.

Mẹ tôi cân và đánh dấu các bao cau xong thì giơ một ngón tay đẩy cặp kính lão xuống sống mũi, khẽ cúi đầu nhướng mắt nhìn quanh quất. “Mấy đứa nó đâu hết cả rồi? Này! Bà Hai, bà lên gác bảo mấy cô cậu xuống tính sổ”. Bà Hai lầm bầm câu gì trong miệng, lững thững đi qua nhà bếp để lên gác. Cầu thang hẹp lại dốc, bà đã cao tuổi nên rất ngại mỗi lần phải lên gác, tiếng lầm bầm chắc là để rủa chúng tôi. Khi chúng tôi bước xuống cầu thang tay cầm sẵn giấy bút thì ở dưới nhà ồn lên tiếng tranh cãi. Quá quen cảnh đôi co về giá cả giữa mẹ tôi và khách nên chúng tôi thường kiên nhẫn chờ cho đến khi đôi bên tỏ vẻ đồng ý nhau mới bắt đầu tính sổ. Hồi đó làm gì có máy tính chúng tôi phải làm hàng chục những con tính nhân. “Cau Mỹ Lợi một bao nặng 41, 8 ký, mỗi ký giá.... đồng... Thành tiền là... Cau Mỹ Lồng 35.9 ký... Mỗi ký giá... Cau Xuồng...”. Vừa tính toán xong thì mẹ tôi và khách lại đổi ý, hai người lại cò kè thêm một bớt hai, khách thì bảo cái cân nhà chúng tôi sai, mẹ tôi thì chê cau đắt, cau xấu, cứ ồn cả lên. Thành thử chúng tôi phải tính lại có khi đến vài lần. “Bà tính đắt thế thì chúng tôi làm sao sống nổi”. Mẹ tôi hay nói thế nếu mẹ tôi là người mua cau. Còn nếu mẹ tôi là người bán cau thì câu nói trên lại được chuyển qua miệng khách hàng. Cứ như thế cảnh đôi co được lập đi lập lại trong suốt mấy chục năm buôn cau của mẹ tôi.

Không ai để ý đến chú Tiều lúc ấy đang đổ cau ra sàng để phơi. Khách đã quen với tính khùng của chú nên mặc kệ chú nói lảm nhảm. Nhưng chú Tiều ngoài bệnh tâm trí lâu lâu lại lên cơn nhức đầu búa bổ. Lúc lên cơn chú thường ôm đầu trợn mắt, miệng rú lên khiến mẹ tôi phải quát: “Tiều, mày điên quá làm khách của tao sợ... Ðây này cầm lấy mấy chục đi đâu khuất mắt, khi nào hết điên trở lại”. Mẹ tôi cũng dốc vào tay chú mấy viên thuốc nhức đầu Opthalidon từ trong một hộp thuốc chúng tôi mua sẵn cho chú để trên nóc cái két sắt. Chú nhét tiền và thuốc vào cạp quần rồi lững thững vừa hú vừa đi vào trong chợ.

Mẹ tôi mỗi khi đi khỏi nhà thì hai cánh cửa sắt ở nhà dưới được khép chặt lại. Cửa ấy khi sập vào nhau thì cái móc sắt ở cánh bên này quàng vào cánh bên kia và cửa tự động khóa. Muốn mở cần một chiếc chìa khóa lớn. Nhưng chiếc chìa khóa này đã bị mất từ thời tám đại nào rồi. Mẹ tôi nhiều lần bảo chúng tôi gọi thợ đến làm cái chìa khác nhưng chúng tôi lười chẳng ai chịu đi. Chúng tôi bảo bà rằng chẳng cần chìa chiếc gì ráo trọi, một con dao phay lớn nậy xoẹt một cái là cửa bung ngay. Vì thế trong bao nhiêu năm cánh cửa sắt của hiệu cau Cẩm Lợi được mở bằng con dao phay. Khách vô phúc đến chơi nhà tôi nhằm đúng lúc cửa đóng đang rung cửa để gọi thì bắt gặp một ông Tàu lừng lững từ trong nhà tiến lại, tay dứ lên trời con dao phay sáng quắc, cảnh tượng ấy trông thật hãi hùng!

Chú Tiều khi không có việc gì làm ở nhà mẹ tôi thì lang thang ngoài chợ. Chú tự động quét sân chợ và lượm rác rất sạch sẽ. Hễ đói bụng là chú la cà mấy gánh phở, bún riêu. Khách ăn xong còn thừa là chú bưng tô húp. Có khi chú lại thò tay vào cả cái sô mà mấy bà bán bún phở đổ đồ ăn thừa để đem về cho heo ăn. Chú bốc đồ trong sô bỏ miệng ăn tỉnh khô. Mấy bà bán bún thấy tội nghiệp nên thường để dành đồ dư trong tô cho chú. Buổi chiều chú phụ dọn bàn dùm cho ông Siu Siu. Ông Siu Siu cho chú 5 đồng uống cà phê và để dành cho chú cơm và thịt gà dư của khách. Vì vậy chú Tiều càng ngày càng béo trắng ra, trông như con nhà giầu vậy.

Thuở ấy tôi có nhiều bạn bè đến chơi lắm. Như tất cả những thanh niên khác cùng trang lứa lũ chúng tôi năm ba mống thân nhau từ thời niên thiếu, cùng trải qua thời trung học, cùng vào đại học, để rồi sau rốt đứa trước đứa sau cùng lên đường nhập ngũ. Mẹ tôi coi những người bạn của con mình như con đẻ nên ai cũng thích đến nhà tôi chơi. Nhiều đứa còn ở lại ăn ngủ dầm dề nhiều ngày. Mẹ tôi thấy bạn tôi ở lại thì rất vui, bà dặn người làm mua thêm thức ăn thức uống. Chỉ “thêm bát thêm đũa” thôi mà. Bà nói. Lòng hiếu khách của mẹ tôi không phải không có lý do: bà rất cần có người giúp bà trong việc tính sổ sách và viết thư cho bạn hàng cau. Bà rất ngại phải sai mấy đứa con trai lười chẩy thây của bà. “Mỗi lần nhờ đến chúng nó là mặt chúng nó nhăn như bị”. Mẹ tôi than thở với mấy thằng bạn của tôi, những đứa mà - cố nhiên - lúc nào cũng tỏ ra rất vui được tính sổ cho bà.

Bà Hai thì trái lại rất ghét mấy đứa bạn tôi, ghét ra mặt, bảo chúng nó là lũ ăn hại. Thằng nào đến chơi gặp bà Hai ở dưới nhà là y như bị bà chặn lại hỏi ngay: “Này cậu Hùng, cậu có ăn cơm không thì bảo cho tôi biết trước”. Thằng bạn cười giả lả: “Ăn cũng được không ăn cũng không sao mà, có gì đâu quan trọng bà Hai” – “Này này tôi bảo cho cậu biết. Ăn thì nói ăn. Không ăn thì nói không ăn. Chứ cái kiểu đến giờ cơm cứ lỉnh lỉnh ngồi vào bàn là không được với tôi đâu nhá” – “Ừ, bà đã nói thế thì tôi ăn vậy”. Nói xong nó lỉnh lên gác. Ðằng sau lưng nó có tiếng lầm bầm: “Ăn thì cứ như hạm ăn ấy. Ðâu có phải chỉ là thêm bát thêm đũa!”. Còn bạn gái của tôi thì – hỡi trời! – năm thì mười họa mới được nàng hân hạnh đặt bước tới thăm, gặp bà Hai thì cạch tới già không bước chân trở lại. Bà Hai hỏi thẳng, sỗ sàng: “Cô gặp cậu ấy để làm gì?”. Lúc tiễn cô bạn ra cửa tôi còn nghe phía sau lưng tiếng nguýt lẫn tiếng lẩm bẩm (may mà cô bạn không nghe thấy): “Thế này thì nát một đời hoa rồi còn gì nữa!”. Anh Triệu tôi sau này lấy vợ anh mua căn chung cư số 41 ngay sát cạnh để ở. Mẹ tôi và anh đồng ý cho thợ đục vách tường chỗ cầu thang để hai nhà ăn thông với nhau. Trước khi đưa vợ về ở anh lo nhất là bà Hai có thể nói điều gì làm phật ý cô vợ trẻ của mình. Anh bèn dúi bà một số tiền, năn nỉ bà giữ miệng không được ăn nói lung tung. Bà Hai nghoẻn nụ cười móm: “Thế tôi khen cô ấy có được không?” – “Không! Khen cũng không!”. Anh tôi la lên. “Bà cứ ngậm miệng cho tôi nhờ!”

Nguyễn Tường Thiết

(Xem tiếp phần chót)

 

Ngày Đó - Dư Thị Diễm Buồn


NGÀY ĐÓ

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ngày đó em tôi vừa mới lớn
Trong veo ánh sáng khắp tâm hồn
Gió lên, nắng ghẹo mây đùa giỡn
Lất phất tóc thề, nhẹ mưa hôn

 
Buổi sáng em đi, trời đẹp nắng
Chiều về bóng nhạt lúc tan trường
Tung tăng tà áo mềm sương trắng
Nguyên vẹn lòng em chưa vết thương

 
Thế rồi, Tết Mậu Thân năm đó!
Giặc tràn về cày nát Huế thương
Để cho tâm hồn em gái nhỏ
Nỗi đau sầu se sắt vấn vương


 
 
 










Làm sao quên mùa hè đỏ lửa?
Cha em ngã gục giữa sa trường!
Những ngày hoa mộng không còn nữa
Nhà mất, đâu rồi quê mến thương?

 
Xa tuổi hoa niên, xa kỷ niệm
Người ơi chân yếu trải bao đường
Nước non dầy dạn thời chinh chiến
Em trở thành cô nữ cứu thương

 
Từ đó, giã từ thời diễm mộng
Đâu còn hạnh phúc để hoài mong
Những sáng mưa tuôn, chiều gió lộng
Nhớ thương gói kín tận trong lòng

 
Bây giờ giữa xứ người lưu lạc
Chiều đến ngoài song, nắng nhạt phai
Có kẻ lưu vong buồn bã hát
Trời đông lạnh giá tuyết bay bay

 
DƯ THỊ DIỄM BUỒN

 

Người Lính VNCH... Tôi Nợ Anh - Không Đề Tên Tác Giả


Người Lính Việt Nam Cộng Hoà… Tôi Nợ Anh





 
 
 
 
 
 
Anh lớn lên … quê hương dày lửa khói,
Sách vở buồn … chữ nghĩa dở dang rơi,
Mực chưa vơi … gác bút … bước vào đời,
Trường nghiêng nắng … Ve ngân lời từ giã !
Mái trường yêu … áo thư sinh … gởi lại,
Những phương trình, hàm số ngỗn ngang vương,
Tấm bảng đen buồn im lắng trên tường,
Vết phấn trắng … học đường … bao kỷ niệm !
Nắng quân trường … tháng ngày dài huấn nhục,
Đêm di hành lạnh buốt dưới mưa rơi,
Da sạm đen … mầu nắng đổi cuộc đời,
Người lính mới … ca vang lời sông núi.
Anh bước đi hơn nửa vùng đất nước,
Treo cuộc đời trên đầu súng … mong manh,
Tấm poncho che hạnh phúc dân lành,
Bùn vương gót … thơm đồng xanh lúa mới.
Hai mươi năm … Anh chưa tròn giấc ngủ,
Vì đạn thù vẫn cày nát quê hương,
Bước quân hành … ngọn cỏ đọng giọt sương,
Anh dừng gót … hậu phương … hoàng hôn phủ.
Sông Bến Hải … lửng lơ buồn im lắng,
Chảy ngăn đôi … đau xót Mẹ Việt Nam,
Gót giày Saut in dấu nẻo quan san,
Ngăn cuồng vọng lan tràn từ phương Bắc.
Huế cổ kính … Kinh Đô Nam Quốc Việt,
Cầu Tràng Tiền nghiêng bóng nước Hương Giang,
Tết Mậu Thân … giặc đốt phá điêu tàn,
Chiếc cầu gãy … Anh bàng hoàng chua xót !
Ôi Quảng Trị … Cổ thành nghiêng đổ nát,
Máu của anh … từng viên gạch đỏ loang,
Anh hiên ngang dựng lại ngọn cờ vàng,
Cờ phất phới trên hằng ngàn xương trắng !
Phá Tam Giang lững lờ theo năm tháng,
Ngược xuôi giòng len rừng lá xanh xanh,
Lá hằn ghi … muôn vết tích quân hành,
Sông in bóng ngàn hùng anh nước Việt.
Đồi Charlie chiều rừng xanh bão lửa,
Nắng hạ buồn đưa tiễn cánh dù hoa,
Hè bảy hai (72) … bao tang trắng … lệ nhòa,
Anh gãy cánh … xót xa người ở lại.
Tống Lê Chân … pháo đạn thù bao phủ,
Sáu trăm ngày tử thủ … thức trắng đêm,
Chí hùng anh … đôi chân cứng … đá mềm,
Anh ngạo nghễ giữa muôn trùng quân giặc.
An Lộc Địa … chín mươi ngày rung chuyển,
Tám trăm ngàn đạn pháo … máu xương rơi,
Anh hiên ngang sừng sững với đất trời,
Anh vẫn sống với cuộc đời đáng sống !
Anh nổi trôi bồng bềnh trên sóng nước,
Mộng hải hồ … áo trắng giữ quê hương,
Trường Sa buồn … máu nhuộm đỏ đại dương,
Anh nằm xuống … tang thương lòng biển mẹ !
Lững lờ mây … xé trời nghiêng cánh sắt,
Anh tung hoành ngang dọc giữa không gian,
Giữ quê hương … diệt lũ cộng bạo tàn,
Giáng những trận kinh hoàng trên đầu giặc.
Màn đêm buông … những Kinh Kha thời đại,
Đang âm thầm trên đất giặc hiểm nguy,
Vì quê hương … anh nào có ngại gì,
Trai thời loạn … mấy người đi … trở lại …
Hai mươi năm … Anh miệt mài đi mãi,
Chưa một lời than thở … kiếp chinh nhân,
Máu tuôn rơi … thịt nát … không ngại ngần,
Vì Tổ Quốc … chưa một lần buông súng.
Tháng Tư Đen … Ngày Ba Mươi … gãy súng,
Giặc Hồ vào … máu nhuộm đỏ quê hương,
Đôi dép râu mang chủ nghĩa bạo cường,
Gieo tang tóc … xây thiên đường bằng máu !
Cuộc đời anh chôn vùi theo vận nước,
Người quyên sinh tuẩn tiết với non sông,
Hồn lửng lơ nhìn đất mẹ … đau lòng,
Khóc nước Việt chìm trong giòng huyết lệ !
Kẻ sa cơ ngẩng cao đầu bất khuất,
Nơi pháp trường … trước mũi súng cộng nô,
Anh hiên ngang đả đảo lũ giặc hồ,
Rồi gục ngã theo cơ đồ mệnh nước !
Người ở lại … chuỗi ngày dài lao lý,
Trong gông cùm, tra tấn … máu thịt rơi,
Ôi đớn đau … đói khát … thân rã rời,
Anh uất hận lìa đời trong ngục tối !
Kẻ lết lê bên lề của cõi sống,
Tấm thân tàn nương trên mảnh mo cau,
Nửa đôi chân … vết thương rỉ máu đào,
Tháng Tư đến … lệ trào trong giấc ngủ !
Loài quỷ đỏ trả thù trên xác chết,
Nghĩa trang buồn … chúng tàn phá tan hoang,
Xác thân anh trong cát bụi thời gian,
Giờ trơ trọi mảnh xương tàn … mưa nắng !
Người còn sống giống như người đã chết,
Khác nhau chăng … một xác chết biết đi,
Mất quê hương … Anh còn lại những gì …
 



 
 
 
 
 
 
Ngoài kỷ niệm khắc ghi vào quân sử !
Ba mươi bốn năm … lạc loài viễn xứ,
Đếm tháng ngày trên những bước lưu vong,
Tôi nợ Anh … nghe ray rức trong lòng,
Vong Quốc Hận … sục sôi giòng máu nóng !
Tôi nợ Anh … nhịp quân hành rộn rã,
Ánh đuốc thiêng … khúc hát khải hoàn ca,
Tôi nợ Anh … nợ nước với thù nhà,
Món nợ đó … Tôi thề sẽ phải trả …
Món nợ đó … Tôi thề sẽ phải trả …
Trả cho Anh và Tổ Quốc Việt Nam.

Tác giả không tên.