Wednesday, March 29, 2017

Đêm Dài, Nổi Buồn Tháng Tư - Nguyễn Cang


ĐÊM DÀI

Nổi buồn tháng Tư Đen

 (Thân tặng những người bạn tù một thời cải tạo tại Phước Long)


 











Đêm lạnh gió lùa qua ngạch cửa
Muỗi bầy, hòa tấu khúc bi ai
Từng đêm thức giấc từng đêm trắng
Trăn trở bên tai tiếng thở dài

 
Tay xỏ mũi kim vá áo tơi
Vá chưa xong chỉ rối tưa bời
Tre gai cài xước dăm ba lỗ
Vá áo thưa hay vá mảnh đời?

 
Ngồi thèm một bữa ăn cơm trắng
Xum hợp gia đình bọn trẻ vui
Ta nhớ ngày đi con, vợ tiễn
Ngoài kia sương trắng phủ lưng đồi

 
Chiếc áo ngày xưa màu lính trận
Theo ta giong ruổi bốn phương trời
Cái Bè , Cai Lậy dừng chân nghỉ
Bên chiến hào nghe tiếng đạn rơi

 
Ngày thua trận hoảng hốt như điên
Thấp thỏm đứng ngồi dạ chẳng yên
Bỏ áo nhà binh đau xót lắm
Mười năm chinh chiến đánh liên miên

 
Sáng mai lao động gieo mầm lúa
Đức Hạnh xã nghèo tỉnh Phước Long
Rừng rậm lồ ô* giăng kín lối
Áo nào ngăn được vắt cùng mòng*?

 
Bạn bè có đứa đi về đất
Bỏ lại trên đời bạn dấu yêu
Vừa mới hôm qua chưa kịp cưới
Bây giờ tử biệt xót xa nhiều!

 
Ta nghe mòn mỏi từng hơi thở
Biết đến ngày nao mới trở về
Mơ ước một ngày trời rực sáng
Cho ta tìm lại bóng trăng quê!!!

 
 Nguyễn Cang (28/3/2017)

 
*lồ ô: một loại tre, lóng dài,lớn hơn trúc dùng dừng vách,nẹp phên v.v.
*vắt: nhỏ hơn đĩa, bám vào cơ thể người,chui vào nách, háng...hút máu đến khi no tự buông mình rơi xuống đất.
*mòng: một loại ruồi chuyên hút máu người và động vật.

 

 

Người Quay Tơ - Nhất Linh



Người Quay Tơ

 


Tử Nương là một người con gái thôn quê làm nghề chăn tằm, ươm tơ, ở làng Xuân Nghi huyện Hồng Lạc. Nhà nghèo, cha mẹ đã già, làm lụng để nuôi hai thân. Cô trông xinh lắm, người thanh thanh vừa tầm, hai con mắt êm đẹp, mỗi khi trời nắng, gió lạnh, cô ra sân hai tay ngọc xe sợi tơ vàng dệt lụa là cho người trong làng mặc. Một hôm, đương ngồi quay tơ ngoài sân thời có một người học trò nho đi qua, thấy nàng đẹp quá mê đứt đi, ngày nào cũng hai lần trèo qua cái đồi cao, sang để gặp mặt nàng như thế, được gần một năm. Về sau nàng biết mà cảm thương, đem lòng mến. Mùa đông gió trên đồi thổi mạnh, lắm hôm rét quá mà nàng cũng chịu khó ra ngồi quay tơ ngoài sân cho người học trò được trông thấy mặt.

Tin đi mối lại rồi hai người lấy nhau, lúc ấy nàng mới có mười sáu tuổi. Nhà chồng nghèo nàng vẫn giữ nghề cũ nuôi chồng đi học, năm sau đỗ tú tài. Hai vợ chồng hòa hợp thương yêu nhau lắm, lấy nhau được trên hai năm cũng chưa có con cái gì. Một hôm ông tú gọi nàng đến, khóc và dặn rằng:

- Tôi đi phen này chưa biết bao giờ về, mà tôi cũng không mong đâu trở về nữa, không biết có còn thấy được mặt nhau nữa không?

Nàng nói:

- Thôi tôi hiểu cả rồi, việc cửa nhà tôi xin thay, chàng cứ yên tâm mà đi. Việc gì phải khóc lóc thế. Làm tài trai trong nước mà không được như người con gái quê mùa này ư?
Nhưng nàng nói thế rồi nàng cũng khóc theo. Ông tú lên Hà Nội, rồi đi đâu mất, họ đồn là theo bọn văn thân. Mấy tháng sau có mật thám về bắt bà cụ chánh là bà mẹ ông tú và từ đường lên tra hỏi. Lúc mới đến, nàng biết ngay, mặt tái ngắt, song gượng lại ngay mà nói:

- Các bác cứ để yên tự khắc bà tôi và tôi sẽ lên, chúng tôi không việc gì mà phải trốn, không cần phải xích tay, xích chân gì cả.

Các bác kia thấy người con gái nhà quê mà ăn nói cứng cáp, khẳng khái, bằng lòng để cho hai mẹ con được tự do.

Ông tú phải đi đầy Côn Lôn chung thân: nàng lại đem bà Huấn về quê giữ cái guồng tơ khung củi để lấy tiền phụng dưỡng thay chồng. Như thế được bốn năm trời: từ mẹ chồng cho đến người trong họ ai ai cũng cho phép nàng cải giá, nàng nhất định không lấy ai cả, quyết giữ lời thề với người cũ. Ông tú ở Côn Lôn cũng mấy bận viết thư về khuyên nàng, bắt nàng lấy người khác, lời lẽ thảm thiết thương. Nàng xem thư chỉ khóc rồi có khi nào nhớ chồng, lên tít trên đỉnh đồi cao mà đứng trông, có khi về nhà bố mẹ đẻ ra ngồi quay tơ ngoài sân, tưởng tượng đến lúc gặp gỡ, người thư sinh từ mấy năm về trước; những lúc ấy thời nàng lại đẹp lên bội phần, ai cũng thương mà ai cũng yêu, trong làng nhiều người rắp ranh bắn sẻ: một ông giáo có quen ông tú, góa vợ đã lâu cũng đem bụng yêu nàng, cho mỗi sang hỏi. Lúc mối sang, nàng biết ngay, than rằng: 

- Ai ngờ bác giáo mà cũng đến như thế ư!
Nói xong mắng mối đuổi ra. Ai cũng giận mà ai cũng mến nàng hơn trước. 

Bà cụ Huấn mất, nàng làm ma chay cho chu đáo, rồi lên tỉnh xin phép đi theo chồng. Xin mãi mới được phép, Nhà nước lại cho cả tiền tầu nữa.
Nàng về quê thu xếp, rồi một thân một mình ra đi, đất lạ quê người. Nàng ở bên ấy với chồng khổ sở trong ba năm, sinh được một đứa con trai thời ông tú bảo nàng về:

- Như tôi chiếc thân đầy đoạn đã đành chứ vợ con tôi thời có tội tình gì, nay đã được đứa con để nối dõi thời mợ đem con về nước, cố mà nuôi cho nên người khí khái, chứ ở đây với tôi mãi, thời chỉ thêm phí hai đời người nữa mà thôi. Còn tôi... tôi cũng không định sống lâu đâu, xin đừng tơ tưởng đến tôi nữa!
Nói xong, nắm tay vợ khóc mà từ biệt.

Hôm nghe tin nàng đem con về, cả làng Xuân Nghi ai ai cũng rủ nhau ra quán đón mừng. Lúc nàng bế con ở trên xe xuống hai con mắt ngơ ngẩn đưa nhìn khắp hết người làng, trông nàng có cái vẻ thần tiên: nàng có vẻ cảm động quá ứa nước mắt mà khóc, người làng cũng nhiều người khóc theo.

Nàng thấy ai cũng có bụng kính mến, nên vui lòng mà làm ăn, tậu được cái nhà con ở chân đồi ngày ngày đi buôn hàng tấm. Một hôm nàng đang ngồi chơi với con thời có giấy về báo tin rằng ông tú tự tử mất đã được hơn một tháng rồi. Nàng ôm con vào lòng rồi ngã xuống ngất người đi. Mấy ngày hôm sau mới nhận được bức thư ông tú gởi về từ biệt.
Nàng cũng khuây dần: có lẽ nàng nghĩ mình đã có con cũng đủ, và một đằng sống một đằng chết, sống mà cũng như chết, thời thà chết còn hơn, linh hồn mới có thể về cùng vợ cùng con được.

Năm sau những người phải tội đi đầy chung thân với ông tú được tha cả. Nàng cũng biết tin ấy, thế có ai oán không? Đứa con nàng tự nhiên phải bệnh chết, nàng hóa điên từ đấy; bây giờ cứ đi lang thang, hát nghêu ngao, nhưng thường thường nàng hay về nhà bố mẹ đẻ, lấy cái guồng năm xưa ra quay tơ, quay cả ngày mà không biết mỏi, thỉnh thoảng có hát lên mấy câu.

Mới đầu cũng thương hại, song nghĩ cho kỹ thời thế lại hay cho nàng đấy, có lẽ thế mà lại xong, thật đấy nàng là người sung sướng nhất đời còn chúng mình đây không được như nàng phải đầy đọa chung thân. 

-ừ, thử nghĩ xem sống mà đeo cái đau khổ suốt đời, cái đau khổ không bao giờ khuây được chỉ có một cách là tự diệt mình mới thoát ly, thời cái điên là chẳng nên ước lắm sao? Nàng không biết mình là khổ thời nàng là người tiên rồi. Ôi! Nhưng bây giờ Tử Nương còn biết gì nữa, nàng có nhớ đến chồng con nàng nữa đâu, ai đã yêu nàng, nàng có nhớ đâu mà nàng còn yêu ai nữa, nàng chỉ ngày ngày thơ thẩn một mình lên tít đỉnh đồi cao mà đứng trông... Nhưng nàng trông ai bây giờ?
Đường trần mới đến nửa chừng,
Mà guồng tơ cũ đã ngừng bánh xưa.

 
Nhất Linh
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1927

 

 

Ước Hẹn Không Cánh Mà bay & Chia Tay Dạ Luống Bồi Hồi - vkp Công chúa nhỏ



ƯỚC HẸN KHÔNG CÁNH MÀ BAY 

 


 









Nhớ không anh một lần mình gặp lại
Đã cùng nhau tìm bến đỗ cuối đời
Hạnh phúc mỏng manh lơ lửng chơi vơi
Em tự dối lòng vượt qua duyên kiếp!

*
Ngày anh đi em nghẹn ngào đưa tiễn
Hứa hẹn năm sau anh sẽ quay về
Không cánh mà bay câu nói ước thề
Mimosa héo... Đẹp hoa vàng thung lủng!

*
Buông tay anh tim em tan nát vụn
Cuộc sống nầy còn có nghĩa gì đâu
Bởi anh không bảo vệ được tình sầu
Khi giông bão đã  cố tâm vùi dập!

*
Chút kỹ niệm dư thừa đem chôn lấp
Bên lầu thơ hai đứa đã vun bồi
Có còn ai chăm sóc để phục hồi
Vườn thơ thẩn từ đây đành hoang phế!!!

 
Saigon tháng 3/2017

vkp công chúa nhỏ

 

 
CHIA TAY DẠ LUỐNG BỒI HỒI 

 
 
 









Vẫn còn nồng đượm dư hương
Khi người mang cả tình trường ra đi
Chỉ là chút nghĩa cố tri
Nợ duyên quay lại đạo nghì phu thê
Xưa kia trót lỡ ước thề
Dòng đời xô đẩy người về với ai!
Nhà Bè nước chảy chia hai... (ca dao)
Người xa biền biệt kẻ hoài nhớ thương
Bởi mang số kiếp đoạn trường
Cầu mong cay nghiệt nhún nhường thân côi
Chia tay dạ luống bồi hồi
Từ nay thôi hết những lời ru êm!
Mưa rơi lộp độp giữa đêm
Nghe như tiếng nấc bên thềm trần ai?
Trách chi định mệnh an bày!!!

 
Saigon 17/3/2017
vkp công chúa nhỏ

 

 

Viết Cho Ngày 30/4 - Kỵ binh Nguyễn Hiếu


VIẾT CHO NGÀY 30/4

 
 


     Hằng năm mỗi lần tháng tư về là thấy bùi ngùi, xót xa. Sông còn có ngày trở về với đại dương còn cuộc đời lưu vong vẫn miệt mài trôi nổi như con thuyền không bến. Đã hơn bốn mươi cái tháng tư rồi, một cuộc đời sắp hết mà ngày mong đợi vẫn còn xa lắc xa lơ. Những người lính năm xưa, những anh thương phế binh ở quê nhà, những người dân trong nước thật sự đã mòn mõi theo tháng ngày tàn úa. Bài hát Rừng Lá Thấp Trần Thiện Thanh đã viết cho anh hùng mũ xanh cố Đại Uý Vũ Mạnh Hùng Tiểu Đoàn 3 TQLC đã hy sinh tại mặt trận Bình Lợi năm 1968, “ Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà, giữa rừng già cất tiếng hát thật cao, nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu….” Một câu hát sao nghe buồn quá ! Một câu hát nức nở xót xa cho tất cả người dân Việt Nam.

Trải qua một quãng đường dài lịch sử, đất nước cũng có rất nhiều anh hùng, liệt nữ đã hiên ngang, lẫm liệt đứng lên đánh đuổi kẻ thù truyền kiếp ra khỏi bở cõi Việt Nam, nhưng bây giờ thì người thắng cuộc cấu kết với ngoại bang dập tắt những ngọn lửa đấu tranh trong nước, bắt bớ, giam cầm, đánh đập dã man đối với những người yêu nước, yêu đồng bào, thương quê hương Tổ Quốc. Khác máu tanh lòng thì làm sao có mười sáu chữ vàng, làm sao mà có bốn tốt, được. Vậy mà những con người lãnh đạo đất nước vẫn còn u mê, say ngủ trong căn bệnh thành tích trầm kha.

Hơn hai mươi năm người dân quen sống trong tự do, cơm no, áo ấm của hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà giờ không còn nữa. Mặc dù người dân trong nước không nói ra tâm tư của họ nhưng tất cả đã hiểu được đâu là chân lý, đâu là lẽ sống và đâu là tự do. Cái gì đã ra khỏi tầm tay rồi mới thấy quý, bây giờ là thời đại Internet thì không còn bưng bít, che dấu như xưa được nữa. Bài hát Việt Nam Tôi Đâu Anh Là Ai của nhạc sĩ Việt Khang như những lời đau thương của con chim non trúng đạn xa đàn kêu gào thống thiết !

Hồi Ký Bên Dòng Lịch Sử của Linh Mục Cao Văn Luận ông có nói là một lần ông đi Đà Lạt bị VC chặn đường xe đò lại, thấy ông mặc đồ Linh Mục, tên chính trị viên tự xưng nói với ông: “Đạo Công giáo đã có trên nhiều trăm năm mà tín đồ theo đạo chỉ có 1/3 dân số trên thế giới, còn Chủ Nghĩa Cộng Sản chưa đầy 100 năm mà số người theo cộng sản chiếm ¾ dân số trên thế giới”. Linh Mục Cao Văn Luận nói: “Để xem 100 năm nữa thì số người theo cộng sản được bao nhiêu.” Câu nói đối đáp của Linh Mục Cao Văn Luận như lời tiên tri uyên bác ! Ông cùng giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tìm đường cứu nước nhưng ước mơ chưa thực hiện được thì họ đã ra đi !

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…

(Anh Hùng Vô Danh, Nguyễn Ngọc Huy)

Một chiến hữu cùng tôi chiến đấu trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến nói: “Trận này chắc mình thua quá Hiếu ơi !” Một câu nói bi ai nhưng hùng hồn, dù biết rằng chiến đấu với niềm tuyệt vọng, chiến đấu cô đơn, không tải thương, không tiếp viện nhưng không bỏ chạy, không nỡ lòng bỏ anh em chết đuối dưới lằn đạn của quân thù mà để yên thân riêng mình ! Và anh đã hy sinh.

Nếu không có ngày 30/4 thì dân tộc tôi đâu phải quá đoạ đày, đâu phải rơi xuống tận cùng của cuộc đời, đâu có số người vượt biên, vượt biển đã bỏ thân xác giữa đại dương bão tố, đâu bị hải tặc hãm hiếp, sát hại. Nhưng còn sống là còn hy vọng, cuộc sống của một đời người như một điểm di động trên đường Parabol, khi điểm di động đó rơi xuống tận đáy của cuộc đời thì sẽ đi trở lên, chúng ta chắc chắn sẽ thấy được ánh sáng cuối đường hầm vì chủ nghĩa công sản không còn thích hợp với cuộc sống ngày càng văn minh của nhân loại và sẽ bị đào thải trong thế kỷ 21 này.

Bây giờ quang phục đất nước sẽ do những bàn tay tuổi trẻ. Qua sự tìm hiểu những thông tin cần biết, những thông tin đã bị bưng bít từ lâu họ sẽ tìm hiểu được đâu là lẽ sống, đâu là chính nghĩa để đặt niềm tin đúng chỗ và:

“ Một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên, quyết đấu tranh cho một nền hoà bình công chính, vận nước trong tay ta, là quyền của quân dân ta, định đoạt lấy quê hương ta, chặn âm mưu chia cắt thêm sơn hà…”

Tôi rất sợ một ngày dân Trung Quốc
Sẽ tràn vào làm thảm khốc dân tôi
Những quan to xây biệt thự trên đồi
Bị chúng chiếm để rồi ngồi than khóc

Tôi rất sợ ngày giang sơn gấm vóc
Dâng quê hương bởi kẻ ngốc hôm nay
Bao anh hùng giữ mảnh đất từng ngày
Nay đã mất ôi đọa đày dân tộc

Tiếng Việt Nam không còn trong buổi học
Cờ Trung hoa được treo dọc bên đường
Chữ ngoại bang mọi người phải tới trường
Rồi từ đó ngồi khóc thương tổ quốc

Tôi rất sợ người dân trong tang tóc
Ăn chén cơn chan nước mắt quê hương
Không còn mơ ngày mai sống thiên đường
Người cai trị không xót thương dân Việt

Kỵ Binh Nguyễn Hiếu
304Đen - Llttm

 

 

Sunday, March 26, 2017

Nổi Buồn Tháng Tư - KO


 

Nỗi Buồn Tháng Tư

 

 

Tháng ba ngày nầy 42 năm trước 

Tôi bồng bế các con tôi đến quê hương thứ hai Phan Thiết được gọi là quê chồng ! 

Các con tôi còn bé ! đứa nhỏ nhất mới vài tháng tuổi , tôi hơn hai bốn !

Tỵ nạn , chạy giặc , làm dâu nơi xứ xa ! Nắng , gió , cát ! 

Tôi làm dâu với đám em chồng 7 đứa , còn đứa nữa đi lính xa nhà ! Ở nhà có 4 đứa con gái , ba đứa con trai , tôi là chị dâu lớn nhất ! 

Nhà chồng theo phong kiến xưa , con dâu lớn phải làm hết việc nhà ! chồng tôi ngoài chiến trường không hay biết tôi làm dâu tưởng đưa tôi về đây có gia đình phụ giúp trông nom các cháu ! 

Có lần tôi giặt thau đồ thật to hơn vòng tay tôi ,  bưng thau nước không nổi nên nhờ đứa em chồng trai phụ khiên để tạt nước lên sân cho êm đất không bị gió thổi bay cát ! Thì cô năm em của ba chồng tôi nói " con hai nầy ! Mầy không được sai thằng Lương để em nó học " tôi lặng lẽ cong lưng khệ nệ rinh thau nước đặt trước sân lấy tay tát đều khắp sân , tuy vậy tôi không buồn , chợt nghĩ đến nhân vật Loan trong " Đoạn tuyệt " của Nhất Linh , nhận thấy mình còn may mắn hơn nhiều vì có người chồng rất oai , chinh chiến tận miền xa ! 

Lúc đó quê tôi Tây Ninh chiến tranh dữ dội ! 

Ở nhà chồng gần cuối tháng ba , một đêm súng nổ vang rền ! Đến khuya tôi nghe có tiếng chân người chạy rầm rập ? 

Trời hừng sáng ba má chồng tôi kêu cả nhà di tản ra biển ! 

Quân đội Bắc Việt vào Nam gọi là " giải phóng " tôi chưa kịp hiểu gì hết ? Thì bất ngờ 2 hôm sau họ chiếm Sài Gòn ngày 30/4/1975 ! 

Nơi quê chồng ngày đêm tôi trông ngóng chồng để biết tin tức cha mẹ và anh em sau trận chiến đã lâu bặt vô âm tính !!! 

Đường xá đứt đoạn do đạn bom cài xới điêu tàn ! Không có cách nào tôi trở về quê vì trong túi không có một đồng ! 

Cùng đường tôi định tự vận , bèn mang các con ra biển , bổng đứa con gái lớn nói " mẹ ơi tắm biển" tôi chợt thức tỉnh , vội ôm các con vào lòng khóc oà lên như chưa từng được khóc với bao uất ức ! Thương quá trẻ thơ vô tội , tôi ngồi phệt xuống bãi biển mặc cho sóng đánh vào tung toé , con tôi thơ ngây nghịch cát còn đứa bé nhất ngủ yên trên vai tôi .

Sau đó lần hồi tôi cũng về được quê ngoại, còn chồng thì đi biền biệt , bị áp đặt vào trường học mệnh danh là TRẠI CẢI TẠO, mang đậm nét "đoạn trường nhiêu khê ", một "đoạn trường thế gian " ai có qua cầu mới hay !!!

 
Tưởng nhớ người nằm xuống khi cuộc chiến bắt đầu và khốc liệt nhất ngày 30/4/1975.

 
K O

 

 

Chồng Nam Vợ Bắc - Bình Nguyên Lộc



Chồng Nam Vợ Bắc

 

 

Không phải là một thành ngữ sáo để chỉ chồng một nơi vợ một ngã đâu. Đây là một cặp vợ chồng người Việt, vợ gốc miền Bắc, chồng người miền Nam.
Đó là vợ chồng của anh La.
Tôi được quen anh La, hồi đi chơi Hà-nội, đâu năm 1937 thì phải. Lúc ấy anh La học trường thuốc, mà không nổi danh về y thuật, lại có tiếng về „đập trống“.
Cái thú đi hát cô đầu là trò tiêu khiển đặc biệt của người Việt miền Bắc. Thế mà anh La đánh trống ngọt hơn cả các công tử ở Hà-thành.
Mấy năm sau, một khi kia, bị sốt rét nặng, tôi vào nằm điều trị ở nhà thương C. thì gặp lại bác sĩ La.
Bấy giờ bác sĩ nghiêm trang lắm, chớ không còn là một sinh viên bạt mạng nữa.
Một hôm, rất lâu sau giờ khám bịnh, mấy thầy khán hộ xầm xì với nhau và trao đổi nhau những nụ cười hóm hỉnh.
Tôi cũng không để ý mấy về thái độ của họ. Nhưng một thầy chừng như xong công việc, và đang buồn đợi giờ về, xề lại giường tôi mà trò chuyện.
Đó cũng là một việc thường. Không thường là hôm nay, thầy ta không nói đến việc tiêm thuốc, chuyện ma trong nhà thương nữa, mà lại đột ngột khởi sự bằng một câu:
-  Đờn bà miền Bắc thật là quá sá, thấy mà phát ớn.
Rồi thầy kể:
“Hồi nãy bác sĩ La đang ngồi ở phòng viết thì có người chạy giấy cho hay rằng một người đờn bà muốn vào viếng bác sĩ. Một người đờn bà miền Bắc, người chạy giấy thêm như vậy.  Nghe hai tiếng miền Bắc, bác sĩ tỏ vẻ lo ngại lắm, và biểu anh chạy giấy ra nói mình bận khám bịnh, không thể tiếp khách tại nhà thương được.
Anh chạy giấy ra giây lát thì nghe ngoài cửa có tiếng đàn bà cự nự om sòm. Nghe rõ giọng nói, bác sĩ sợ hãi rõ rệt. Ông ta hé cửa sổ dòm, thì bị người đàn bà ấy thấy kịp. Cô ta chạy lại mở toát cửa ra, nhảy đại vào phòng. Không nghe tiếng súng lục, chỉ nghe một tràng dài những lời trách móc người „tình nhân tệ bạc, bỏ tôi cô đơn lại Hà-nội, trốn về Nam mà không cho địa chỉ“
- Cô ta có đẹp không ? Tôi hỏi.
-  Cái đó thì khỏi hỏi. Nhưng mà gớm. Cái con người đẹp đẽ thế, nhưng sao khi giận lại dữ tợn như... như gì cà ! Ừ như sư tử Hà-Đông. Chắc cô nầy gốc ở Hà-Đông.
Chúng tôi cũng có nghe bác sĩ nói, mà nói ít thôi, và rất nhỏ, giọng van lơn, cầu khẩn.
Một lát sau, cô ta dịu lại, hai người nói gì với nhau lâu lắm rồi nghe xô ghế, nghe tiếng bước của hai người đi ra cửa. Cửa mở, tiếng dép bước ra, tiếng đàn bà nói vói lại:
-  Em trọ tại phòng ngủ Động-Đào số 18. Chiều nay anh ghé nhé !
Người khán hộ kết luận:
-  Băng ngàn lướt dặm mà tìm cho ra người tình, thât là trên đời số dách.
-  Thầy nói chi cho lớn lối. Lên tàu suốt (lúc ấy có xe tốc hành Sài-gòn - Hà-nội ) ngồi trên đó bốn mươi tám tiếng đồng hồ thì tới nơi chớ khó khăn gì.
Tôi cãi với thầy khán hộ như vậy, và tiếp tục không tin rằng người đàn bà ấy “quá sá”.
Nhưng những chuyện xảy ra sau nầy khiến tôi đổi hẳn ý kiến trước.
Hai hôm sau, vẫn do mấy thầy khán hộ kể, cô ấy lại trở lại. Lần nầy thì nghe vỗ bàn rầm rầm và nghe nào là: “Anh quyết bỏ em thật à ?” Nào là: “Ố! Giời đất quỉ thần ơi, nhìn xuống mà xem kẻ bạc tình, bạc nghĩa.” Nào là: “Được, bà đã có cách, rồi mầy sẽ xem bà.”
Cái cô từ “em” lên đến “bà” ấy ngày mai lại trở lai. Có lẽ đêm đó cô ta đã tìm ra đươc cái “cách” và sáng lại đem đến cho bác sĩ  “xem bà”.
Lần nầy thì nghe gì mà: “Đừng chớ ! Rách áo người ta”. “Tôi kêu đội xếp bây giờ. Lon-ton đâu, tống cổ nó ra.”
Lần nầy bác sĩ lớn giọng và la lên những câu trên đây.
Hai ngày sau, không thấy bác sĩ đến nữa. Một bác sĩ người Pháp khám bịnh cho tôi. Tôi hỏi mấy thầy khán hộ, thì mới hay bác sĩ La đã xin thôi.
Tôi thở ra, thương hại con người đã chạy hai ngàn cây số để trốn mà không khỏi, lại đến phải bỏ sở.
Mấy tháng sau, tôi nghe bác sĩ La lên làm trên sở cao su Mi-mốt. Người cho tôi hay tin nầy lại dặn: “Anh nên kín miệng nhé, hình như ông ta muốn trốn ai đó.”
Thì còn ai nữa chớ, tôi nghĩ bụng và yên lòng giùm cho ông ta, vì một cô đầu Hà-nội khó lòng mà tìm lên chốn rừng xanh đất đỏ.”
Tôi quên chuyện trên đây lâu lắm, đâu cũng hai năm rồi. Mà nhớ làm gì chớ, cái chuyện xoàng như vậy, ta thấy hoài.
Bỗng hôm đó tôi gặp bác sĩ, đi với một người đàn bà đẹp tuyệt trần, trên một con phố Sài-gòn.
Trông người vợ đi với  chồng cũng không khác gì một cô nào đó đi với tình nhơn, nhưng không hiểu sao, tôi lại cứ đinh ninh rằng, bác sĩ đi với vợ.
Trong bụng tôi mừng thầm rằng từ đây bác sĩ đã có “kỳ đà”, chắc cái cô đầu kia không dám níu kéo nữa.
Tôi xăm xăm đi lại cho đụng đầu.
-  Kìa anh !
Chúng tôi đã quen nhau nhiều cho đến kêu nhau bằng anh.
La kêu xong câu nầy rồi day lại giới thiệu:
-     Nhà tôi ... anh Tố, bạn thân. Tôi ngã đầu chào.
-     Chào chị La.
-     Anh Tố à ? Chị La hỏi. Sao lâu nay không nghe mình nói đến.
Tôi kinh ngạc đến cực điểm. Cái chị La ấy nói tiếng Việt giọng miền Bắc. Hay là... tôi nghĩ bụng.
Chừng như đoán được ý tôi, La xin lỗi vợ rồi kéo tôi đi ra xa.
-  Chính cái cô đầu la lối trong nhà thương độ nọ mà anh đã biết.
-  Anh không trốn nữa à ?
-  Nước non eo hẹp quá mà anh tính, trốn đi đâu cho khỏi chớ.
Tôi lặng thinh, ái ngại.
La hiểu tôi, tiếp:
- Anh đừng lo. Thế mà tôi đã tìm thấy hạnh phúc đấy. Tôi nói nhỏ với anh câu nầy nhé: Ngưòi đàn bà Việt ở miền Bắc dữ tợn gớm lắm. Nhưng mà biết yêu thì không ai bằng. Thế thì tôi còn mong gì hơn nữa phải không anh ?
 
Bình Nguyên Lộc