Tuesday, March 7, 2017

Đêm Xuân Nào Tôi Đến Thăm Anh 2 - Dư Thị Diễm Buồn


ĐÊM XUÂN NÀOTÔI ĐẾN THĂM ANH

 


 

            Được Ơn Trên đãi ngộ sống trong xã hội miền Nam tự do. Nhờ sự chăm sóc của gia đình, nên các thanh niên, thiếu nữ thời đó sung sướng cắp sách đến trường với tâm hồn trong trắng, với những ước mơ, những hoài bão về tương lai sáng lạng của đời mình. Và họ nhìn cuộc đời bằng cặp mắt kiếng màu hồng thắm. Họ vô tư chăm lo học hành, tâm hồn thản nhiên không biết gì, và cũng không nghĩ ngợi gì đến giặc giã, chiến tranh. Nhưng ven đô quanh thị thành vùng họ đang sống đã sụt sôi cuộc nội chiến Quốc Cộng, đẫm máu, tang thương kéo dài không biết chừng nào mới hết và không biết đất nước sẽ đi về đâu?

Có những đêm trường, đứng trên gác nhà nhìn thấy ánh hỏa châu vàng úa từ các máy bay rơi rơi sáng cả một vùng trời xa. Tiếng súng lớn, súng nhỏ lạch tạch đều tai như pháo nổ. Rồi xen kẻ lác đác tiếng đại bác ì ầm. Những cuộc phá rối trị an của giặc ở chỗ đông người như chọi lựu đạn nơi rạp hát, đắp mô trên đường lộ để cản trở sự lưu thông. Độc hại hơn, giặc còn gày mìn giựt xe đò, pháo kích vào trường học, nhà thương, giáo đường…“Chiến tranh nào mà không tan nát?” Phải, có chiến tranh nào không có thương vong? Không nhà tan cửa nát? Và trong hoàn cảnh dầu hôi lửa bỗng đó, có biết bao nhiêu học sinh, sinh viên, thanh niên hào kiệt, đã thức thời xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, để tình nguyện vào quân ngũ. Họ được tôi luyện trong thao trường đổ mồ hôi để cho chiến trường bớt đổ máu… Họ trở thành những người lính Cộng Hòa không nề hà gian nguy hiểm trở, hiên ngang quyết tâm hiến dâng đời mình cho sự an nguy của gia đình và gìn giữ cõi bờ cho Tổ quốc?

Thuở đó, vào những buổi chiều tan trường nhứt là chiều thứ sáu, những ngày lễ lớn như là Ngày Quân Lực, ngày Quốc Khánh… Trước cổng trường Trung học nữ, các nẽo đường phố phường, trong các tiệm ăn, công viên… Màu cờ sắc áo phấp phới loang loáng dưới nắng đẹp Miền Nam. Những tà áo trắng quyện theo màu áo trận của các binh chủng còn vướng bụi đường xa, bụi chiến trường, mùi nắng khét, mùi thuốc súng… Đôi khi trong những dịp nầy còn có những buổi tiệc thết đãi các chiến binh của công tư sở. Các buổi tiệc gia đình tổ chức riêng rẽ long trọng như lễ đính hôn, đám cưới… Tất cả, tất cả đã nói lên lòng biết ơn và niềm yêu thương nồng đậm của người hậu phương dành cho người ngoài tiền tuyến.

-  Tịnh An! Tịnh An.

Cô mở to mắt ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm coi từ đâu, và ai đã gọi tên mình? Bởi sáng sớm hôm nay nơi gốc Đại lộ Hòa Bình và đường Ngô Quyền. Bên kia Tổng hành dinh của Quân Đoàn Bốn, xéo bên trái là gốc đường Phan Đình Phùng. Trước dinh Tỉnh Trưởng là chỗ đặt lễ đài. Ở đây là trọng điểm đông người nhứt trong ngày Quân Lực của Tây Đô. Ngày đại lễ mà hầu hết đại diện các binh chủng, công tư chức các cơ sở, học sinh, sinh viên, dân chúng trong thành phố. các viên chức ở quận, làng xã về tham dự. Dân cư tha hồ chiêm ngưỡng cuộc diễn hành của những đoàn dân, quân, cán, chính oai hùng, những đoàn thiết giáp, pháo binh, phi cơ chiến đấu, những đội người nhá tinh nhuệ...

Tịnh An còn đang dáo dác kiếm tìm thì giọng nói kia lại nổi lên:

-  Em làm gì mà đứng đó vậy? Tú Huệ đâu?

Đi thong thả gần tới bên Tịnh An là một thanh niên thanh tú. Anh ta có dáng dấp khỏe mạnh, cao lớn hơn những thanh niên bình thường. Cái cười nửa miệng để lộ chiếc răng duyên ở hàm trên bên phải là lợi điểm cho đương sư dễ gây cảm tình với những người đối diện, nhứt là phái nữ. Giầy cao ống, nón và bộ phi hành màu xám bạc làm tăng thêm vẻ hiên ngang hùng dũng của chàng lính tàu bay ở binh chủng Không quân. Tịnh An nhìn qua đối diện bên kia đường sát bờ lộ, ngồi nơi tay lái chiếc xe jeep đang nổ máy như đợi chờ. Cô thấy anh Tú Nghĩa mỉm cười vẫy tay chào. Cô gật đầu chào lại. Tịnh An còn đang lúng túng ngượng ngập khi Tú Tâm đứng trước mặt nhìn cô mỉm miệng cười.

Thật là vô duyên hết chỗ nói! Tại sao cô cảm thấy mắt môi, má mình nóng ran như vậy? Anh ta đến chào hỏi thôi chớ có gì đâu mà ngượng ngùng lính quýnh lên như thế? Có phải đây là tà tâm của con bé sắp bước vào ngưỡng cửa yêu đương? Xì! Ai mà biết được! Nhưng cô cố trấn tình mình, rồi thỏ thẻ trả lời:

-  Dạ chào anh Tú Tâm, anh về hồi nào vậy? Em nghe nói anh đi công tác ở đâu đó mà?

Chao ôi, thiệt là mắc cỡ muốn chết được! Cô mới mở miệng nói đến đó thì từ đâu không ai gọi mà tới, không ai hỏi mà thưa! Con thần nanh mõ đỏ Thu Nhi xẹt đến đứng giữa hai người.

Nó lém lĩnh nheo mắt chào anh, rồi lôi cô ra xa tra khảo:

-  Ê con yêu lồi, bồ mầy đó hả? Bô giai quá đi! Không quân thì Chánh phủ đã lựa sẵn rồi! Mầy sáng mắt thật. Sao tham lam quá chừng vậy? Ở đâu mà vớt được 2 thằng một lúc vậy mậy?

Tịnh An bấu mấy móng tay vào tay bạn thật mạnh. Con nhỏ đau điếng nhảy cỡn lên mà không dám la. Mắt liếc về phía anh Tú Tâm, Tịnh An nhăn mặt nhỏ giọng bảo cô ta:

-  Bồ hồi nào? Bộ mầy điên rồi hả? Nói xàm không hà! Anh của nhỏ Tú Huệ đi kiếm nó đó. Mầy có thấy nó đâu không?

Con trời đánh Thu Nhi có phổi bò, rống lớn họng như muốn cả làng cả nước nghe:

-  Thôi đừng có làm bộ chối nghen mậy! Anh của nhỏ Tú Huệ là bồ của mầy. Mầy mà nói không phải nữa, tao sẽ kêu gọi lũ bạn câu thằng chả mất thì đừng có khóc hu hu lấy mấy cái lu đựng nước mắt đó nghen.

Con mắc toi đó nói xong cười ha hả rồi lẫn mất dạng trong làn sóng người sau buổi tan lễ đông như kiến cỏ. Phải nói là dập dìu tài tử giai nhân mới đúng! Bởi trên khắp các nẽo đường của thành phố các anh lính oai hùng đại diện các binh chủng về dự lễ: Hải quân, Dù, Cảnh sát, Không quân… Địa phương quân, Nghĩa quân, Chiến tranh chánh trị, Sư đoàn 21, SĐ 7, SĐ 9, Biệt động quân… Mỗi binh chủng có mỗi màu cờ, sắc áo, quân hiệu riêng biệt điểm trang thêm sắc thái huy hoàng sinh động cho Tây Đô hôm nay. Anh Tú Tâm miệng cười chúm chím, mắt sáng ngời lí lắc nhìn sâu vào mắt Tịnh An như ngầm hỏi cô bạn đó đã nói gì? Tịnh An cúi mặt bẽn lẽn. Giọng lăng líu của con Tú Huệ bỗng vang lên:

-  Ủa, anh Ba về hồi nào vậy? Chớ không phải hai anh đã đi công tác ngoài Trung hôm qua sao?

Anh ta cười hóm hỉnh trả lời em gái:

-  Hôm qua khác với hôm nay. Hôm qua làm xong rồi thì hôm nay về đó cô Tư.

“Tú Huệ, Tú Huệ…” Nghe tiếng anh Tú Nghĩa gọi, con nhỏ cười tòe cái miệng, mắt láo liên chạy băng qua đường rồi nhảy phóc lên xe ngồi vào chỗ bên kia. Lớn họng:

-  Hai người đi bộ về nghen, tui với anh Hai về trước đó. Xin chào, “báy bay…”

Anh Tú Tâm cười tươi, nhỏ giọng:

-  Thôi chúng ta đi Tịnh An. Xem các cô các cậu nhìn em kìa! Coi bộ em có nhiều bạn bè quá hả?

Tịnh An lấy lại bình tĩnh, mạnh dạn bảo:

-  Anh cũng biết thành phố Cần Thơ tuy rộng nhưng vẫn nhỏ bé. Chạy xe đạp chừng 2 giờ là đi hết các con đường ở đây rồi. Vả lại…

Cô ngập ngừng rồi yên lặng. Tú Tâm nheo mắt cười:

-  Vả lại thế nào? Sao em không nói tiếp?

            -  Tại có anh đi bên cạnh. Các cô không phải nhìn em, vì chúng em đã gặp nhau ở trường ở lớp hàng ngày quen mắt rồi. Họ nhìn anh đó...

            Mắt anh ta chớp nhẹ:

            -  Thật vậy sao?

            Tịnh An không trả lời. Hai người sóng đôi đi bên nhau. Đại lộ Hòa Bình chan hòa ánh nắng. Gió chập chờn mơn mang trên mái tóc huyền óng mượt còn phản phất mùi bồ kếp gội đầu của Tịnh An. Tà áo trắng của cô tung bay trong nắng thủy tinh lung linh. Trời cao vòi vọi và xanh thẳm một màu. Màu hy vọng của nam nữ ở lứa tuổi thanh xuân đang yêu và được yêu.
 




 

            Bước ra hàng hiên, nhìn xuống chiếc băng cây trên bờ sông. Tú Huệ thấy Tịnh An đôi mắt mơ màng nhìn dòng nước chảy. Ánh nắng loang loáng phản chiếu mặt nước sông lăn tăn sóng vỗ chập chờn rọi trên dáng dấp mảnh mai của bạn. Tú Huệ chép miệng: “Ôi huyền sử nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá, hình ảnh đẹp lắm cũng chỉ vậy thôi!” Cô đến đứng sát bên bạn mỉm cười, nhẹ giọng:

-  Mầy làm gì thừ người ra vậy?

            Tịnh An nén tiếng thở dài, trớ đi:

            -  Những ngày cận Tết ở thôn quê rộn ràng, sinh động nhưng êm đềm quá hả Tú Huệ? Mầy có nghĩ ngày nào sẽ về đây sống không? Dù gì ở gần họ hàng bà con vẫn hơn. Lâu nay có được tin gì của anh Tú Nghĩa không? Ảnh rời nước đi tu nghiệp khoảng thời gian trước giặc vào thật là may mắn! Phải chi anh Tú Tâm!

            Cô khựng lại, rồi buông thỏng câu nói, trên bờ mi cong hình như vương màn lệ! Hồi tưởng dấu yêu xa xưa dạt dào sống lại trong lòng cô: Đã một năm, rồi hai năm… Tịnh An đã sống trong thương nhớ và mõi mòn chờ đợi anh. Nhưng bóng người yêu vẫn biền biệt. Dần dần, bây giờ thì niềm tin đó gần như tuyệt vọng!

Cô vẫn nhớ Tết năm nào, má anh, anh Tú Nghĩa, Tú Tâm, và Tú Huệ qua thăm gia đình. Hai bên cha mẹ hứa cho anh Tú Tâm và cô tới lui thăm viếng gia đình hai bên. Và mùa hè năm tới họ sẽ chính thức đính hôn rồi lễ cưới sẽ được tổ chức sau khi cô thi Tú tài hai…

Đôi trai tài, gái sắc nầy đã có thời gian giun giăn giun giẻ bên nhau. Muôn vàn thương mến trong những ngày anh nghỉ phép. Những lần vui mừng không hẹn anh đến thăm bất chợt. Thấp thỏm đợi chờ âu lo trong những chuyến công tác xa. Giữa đêm về sáng cô nghe tiếng phi cơ trên không gian, hỏa châu soi sáng cả góc trời, tiếng đạn pháo ì ầm xa xa… . Nỗi buồn, vui, lo, sợ… chợt đi chợt đến đó là mật ngọt thấm đậm ướp vào lòng cô. Hình như đó cũng là mật ngọt tình yêu của các thiếu nữ có người tình là lính chiến. Dù biết rằng “Làm người yêu lính chiếnlà chấp nhận xa nhau, chấp nhận thương đau...” nhưng thời bấy giờ các nữ sinh, các cô gái đến tuổi lập gia đình đã thầm ước mơ.

 

            Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975. Giặc Cộng cưỡng chiếm miền Nam! Anh Tú Nghĩa kẹt ở xứ người. Anh Tú Tâm bặt vô âm tích. Mỗi lần gặp Tịnh An má anh chan hòa dòng lệ nhớ thương con. Thành phố Tây Đô tan tác, dân Tây Đô héo xào… Gia đình mẹ con Tú Huệ sa sút vì khổ đau, thương nhớ và công ăn việc làm như không còn nữa.

Trong mấy năm nay sau giặc về, gia đình Tịnh An cũng không có Tết. Má cô chết tức tưởi sau lần đánh tư sản đợt đầu vì vườn đất, nhà cửa bị giặc cướp sạch... Buồn rầu quá đổi, mấy tháng sau cha cô lâm trọng bịnh cũng qua đời.

Đêm đêm nghe lén đài VOA, biết được người dân miền Nam vượt biên càng lúc càng đông. Anh Hai của Tịnh An trước kia làm ở Quân Đoàn IV. Sau ngày bọn giặc vào anh không ra trình diện mà trốn về quê vợ ở Cà Mau. Nay họ quyết định tìm đường để ra đi.

Mấy tháng gần đây, Tịnh An nhận xét thấy bà già và Tú Huệ như hồi sinh trở lại? Bác cười nói vui vẻ, còn cô ta thì tía lia như con chim chích chòe thuở nào. Tịnh An cũng vui lây và nghĩ rằng chắc là họ được tin anh Tú Nghĩa bên Mỹ. Mấy tuần trước Tết, Tú Huệ rủ Tịnh Yên về quê ngoại ở bên kia sông Mỹ Thuận (thuộc lãnh thổ Định Tường) ăn Tết. Lúc đầu Tịnh An từ chối. Nhưng nghĩ lại có lẽ đây là cái Tết sau cùng của cô trên quê hương! Có dịp ở bên bạn thân đôi ngày trước khi ra đi cũng nên lắm. Vì thế hôm nay hai cô mới có mặt ở vùng quê nầy.

Dòng hồi tưởng của cô vụt bay mất, vì giọng nói lanh lãnh của nhỏ Tú Huệ khiến cô quay về thực tế:

-  Tao đứng sau lưng cả buổi mà mầy không hay biết chi ráo. Tao tưởng mầy đã hóa đá rồi chớ? Hỏi thiệt nghen Tịnh An, có phải mầy dang nhĩ ngợi và nhớ anh Tú Tâm của tao không?

Dòng nước mắt chảy dài xuống gò má trắng xanh như thay câu trả lời của bạn, làm Tú Huệ lính quính. Trời ơi, nếu giặc không vào thì cô ta đã trở thành chị dâu mình rồi! Cảm thấy lòng áy náy, vì mấy tháng nay cô đã giấu giếm bạn nỗi niềm thầm kín ở trong lòng! Cô bước tới, nhìn sâu vào mắt Tịnh An chăm chăm như muốn nói điều gì đó. Nhưng giọng mợ Út gọi ăn cơm. Tú Huệ khựng lại, hai cô ngần ngừ rồi lửng thửng đi vào nhà.

            Mâm cơm đã dọn sẵn. Nào cá mè vinh kho ngót vắt chanh, trên mặt tô loang loáng những chùm sao mỡ hột ớt cùng mùi hành, ngò rí, tiêu cay. Tép lóng dở chà hồi sáng sớm, được lột vỏ rim mặn một mớ, còn một mớ xào với đậu rồng. Cá thác lác ngộp vì chúng lủi trốn trong sình non. Mợ Út muối xã ớt chiên giòn màu vàng sặm trên một dĩa lớn. Kia, còn có cá bống tượng chưng nấm mèo, bún tàu, củ hành trong cái tô sành lớn nữa.

Thấy tôm cá ê hề, nhưng lòng đang buồn nên Tịnh An trầm ngâm không nói. Còn Tú Huệ miệng cười tươi như mấy nụ hồng nhung hé nở trong chậu ngoài hiên nhà. Cô líu lo:

            -  Gạo nàng hương thiệt nấu cơm vừa dẽo vừa thơm lại trắng bông. Cơm nầy mà ăn với nước mắm dầm ớt cũng ngon chớ đừng nói chi các món đầy cá tôm như vầy. Sao mợ Út nấu nhiều món ăn chẳng khác đám giỗ nhỏ chút nào vậy? Chỉ hai món kho và mặn là đủ rồi. Thời buổi nầy phải tiết kiệm mới được mợ ơi.

            Mợ Út nhìn cô cháu chồng cười, hiền lành:

            -  Mấy thuở các cháu về đây vui xuân với cậu mợ? Chiều cúng rước Ông Bà về ăn Tết còn có nhiều món ngon hơn nữa đó.

            Con nhỏ ham ăn cười híp mắt. Cậu Út ôn tồn:

-  Đúng như vậy! Mấy thuở cháu về ăn Tết, còn có cô cháu dâu tương lai đây nữa. Phải như lúc xưa thì cậu mợ sẽ làm tiệc lớn. Thời buổi bây giờ khó khăn, không cho phép. Tôm cá nấu các món ăn đây là hồi sáng dở chà bắt được chớ có mua sắm chi đâu. Một mớ còn rộng ngoài khạp kia, ăn qua Tết cũng không hết. Mong bữa cháu về cá tôm còn sống để mợ Út gởi về cho má cháu.

            Tú Huệ và cơm đầy họng nên không mở miệng được, tay quơ quơ ra hiệu. Nuốt xong miếng cơm, cô nói:

-  Thôi cậu ơi, gởi bánh trái cho má cháu được rồi. Cá tôm xách về tới nhà cũng chết cống hết. Cháu không xách đâu.

            Mợ Út cười:

            -  Tú Huệ đừng lo, mợ có cách giữ cho cá sống xách về đến nhà cho má cháu mà không chết. Và cháu cũng không phải xách bằng thùng thiết có đựng nước lỉnh kỉnh đâu mà sợ. Cháu không biết chớ cá lóc, cá trê, cá rô… Các loại cá đồng mùa nầy mạnh lắm nên dễ gì chết!

            Sau bữa ăn cúng rước Ông Bà thì gia đình hai đứa con trai dâu, 4 cháu nội. Vợ chồng đứa con gái và hai cháu ngoại ai về nhà nấy. Anh em họ kẻ ở xóm trong, người ở cuối thôn… quanh quẩn trong làng không xa chi mấy. Mỗi đứa con về, mợ Út đều cho bánh phồng, bánh tráng, chuối khô, mỗi người một trái dưa hấu Bến Lức có vỏ xanh ruột đỏ lòng son, giòn và ngọt nổi tiếng đó đây… Mà mợ đã cụ bị sẵn sàng đâu đó rồi. Mợ còn dặn hai con dâu chiều mai lại phụ mợ gói bánh tét.

Và khi người con lớn đẩy xuồng dang xa bờ. Mợ nói vói theo:

-  Nè, nhớ sáng mùng ba phải đến sớm để đưa ba bây đi thăm ruộng đó nghen....

            Anh ta gật đầu cho mẹ biết rằng mình đã nghe và hiểu. Chiếc xuồng nhỏ chồng ngồi ở lái, vợ anh ở mũi xuống. Hai đứa con ngồi giữa, đứa lớn chừng 5 tuổi ôm ngang lưng em mới lên 2. Thằng bé ôm chắc em giữ cho con nhỏ ngồi yên để cha mẹ yên lòng mà bơi đi. Chiếc xuồng nhẹ nhàng lướt êm trên dòng nước xanh lơ, trong vắt. Sóng đánh bập bềnh lả chả vào mạn xuồng và vỗ vào bờ đất chạy dài quanh co uốn theo dòng sông dài.

 

            Chiếu tối, cậu Út đốt đèn ống khói có bóng cao đặt trên bàn ở giữa nhà. Chuẩn bị cúng nước và chờ đón giao thừa coi năm nay nhà cậu con gì ra đời? Thôn dân rất tin tưởng sau đồng hồ gõ 12 tiếng (giao thừa) thì chủ nhà lắng nghe coi nghe tiếng con gì. Sau Tết họ sẽ nhờ thầy bàn với tuổi của gia chủ coi trong nhà năm đó có làm ăn phát tài, gia đạo ra sao…

Trên mặt tủ thờ có hai dĩa ngũ quá lớn, có bình mai nở vàng cạnh bên những quả bánh, mức, những gói trà Tàu, mấy chai rượu còn gói giấy hồng đơn hoặc giấy kiếng đỏ là quà Tết của các con đem qua biếu cha mẹ. Trong khay có những lá trầu vàng non nhẫn nằm cạnh mấy trái cau chẻ làm tư, ruột trắng, dầy cơm. Những cái chun nhỏ được rót rượu lưng lửng để cúng. Trên các bàn thờ Phật, thờ Ông Bà đèn sáng trưng, nhang khói nghi ngút. Ngoài bàn thờ ông Thiên ở cửa lớn trước sân nhà cũng hương trầm tỏa bay.

Tú Huệ mắt nhìn lên bàn thờ, hỏi:

            -  Cháu ngạc nhiên, sao các bàn thờ vẫn cứ thắp nhang liên tiếp? Mình đã cúng rước Ông Bà rồi mà cậu Út?       

Cậu bảo với cháu:

-  Theo tục lệ từ xưa để lại. Sau khi cúng rước Ông Bà về ăn Tết với cháu con thì không nên để nhang tàn, bàn thờ lạnh lẽo. Phải thắp nhang, thắp trầm hương tỏ lòng tôn kính, vui mừng niềm nở của con cháu. Như vậy không khí trong gia đình những ngày Tết mới ấm cúng, và năm mới sẽ được may mắn hơn năm cũ đó. Nếu cháu ra ngoài sân, đứng dưới gió sẽ ngửi được mùi hương trầm, trà, hoa, quả, kẹo bánh… Bay sang từ nhà nầy qua nhà khác, từ xóm nọ qua xóm kia, từ làng nầy qua làng khác. Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản vô thần thì cậu không biết, chớ ở miền Nam của chúng ta ngày trước từ Bến Hải cho đến Cà Mau dù có nghèo đi nữa. Nhưng ba ngày Tết khói nhang nghi ngút tươm tất lắm. Thiệt là thiêng liêng và ấm cúng vô cùng!

            Sau ngày giặc Cộng cưỡng chiếm quê hương. Suốt dãi quê Nam lễ cúng lớn của dân tộc như ngày Tết, Giáng Sinh, Thượng Nguơn, Trung Nguơn, Hạ nguơn… Không còn cúng quảy, hội hè long trọng, tôn nghiêm, vui tươi, náo nức như hồi trước nữa. Có còn chăng chỉ âm thầm riêng rẽ thu gọn từ trong hoàn cảnh của mỗi gia đình mà thôi. Ai có tiền thì kín đáo nhỏ nhẻ ăn uống. Vì nếu có kẻ biết được đi báo cáo với công an, với nhà nước thì tội vạ từ trên trời rớt xuống sẽ tan nát gia đình trong chớp mắt. Các nơi công cộng nghèo nàn xác xơ. Nơi thiêng liêng chỉ cúng lễ hạn hẹp không được tụ tập đông người. Ở nhà thờ thì làm lễ trong giáo đường. Chùa, đình, miếu… thì không còn đón giao thừa, hái lộc đầu năm rộn rã như xưa. Sáng mùng một chỉ lác đác xuồng ghe chở trẻ con mặc quần áo sạch sẽ về thăm ông bà. Dân cư trong thôn làng, nam thanh nữ tú không còn từng đoàn, từng nhóm đi trên đường quê áo xanh, áo hồng dù tím dù hoa vui tươi cười nói. Hay có những trò vui chơi giải trí trong ba ngày Tết như: đá gà cá độ, bầu cua cá cọp, đốt pháo, múa lân mừng đón xuân về… Bởi họ bị chế độ Cộng Sản bần cùn hóa! Họ đau cho cái đau chung mất nước trong các liên hệ gia đình như cha, anh, chú, bác, chồng, con, anh em, họ hàng… bị đày vào trại tù tập trung cải tạo không có bản áng, không biết ngày về thì làm sao mà vui cho nổi!  Giặc vào cướp của, giết người qua nhiều cách, qua nhiều hình thức khác nhau. Dù lịch sử dân tộc Việt Nam bị độ hộ bởi ngoại xâm… Nhưng dân ta cũng không đau thương, khốn khổ như ngày nay. Nghĩ đến đâu Tịnh An cảm thấy cõi lòng ai oán, nát tan! Cô chép miệng thở dài ngao ngán!

            Trên nền trời đêm chi chít lấp lánh những giề sao. Gió xuân mang mác lành lạnh thổi qua. Cái lạnh dễ chịu nồng ấm của hương nhang trầm tỏa bay trong không gian nửa đêm về sáng. Gà gáy ó ó báo hiệu canh hai thì mợ Út thức dậy lục đục hông cơm, hâm thức ăn và nầu nước pha trà để cúng các bàn thờ trong nhà.

 

Dư Thị Diễm Buồn

(còn tiếp)

No comments: